Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2016

TRÁCH CHI THIÊN HẠ THỜI NAY...





Jashar Kemal cho rằng : “ Có thể chống lại sự đểu cáng của người đời, nhưng làm sao ngăn cản được bọn chúng bán rẻ chính nhân phẩm của chúng”. Câu nói bất hủ này làm tôi liên tưởng đến những kẻ mạo nhận mình là người làm văn chương.


Ông bạn tôi nói văn chương là một cái khác. Chấp nhận nó khi nó thực sự là văn chương. Tôi cho rằng văn chương như cái quạt trần. Bình thường nhìnthấy nó đúng chỉ 3 cánh quạt, nhưng khi nó quay chậm ta thấy nó hình như vô số cánh quay theo một chiều nhất định, còn khi nó quay nhanh thì vô số cánh ấy lại trở về ba cánh và quay theo chiều ngược lại. Sự thực và ảo giác nằm trong con mắt !

Văn chương cũng chỉ là một trò chơi, nhưng đó là trò chơi trí tuệ và nhân phẩm, không phải là nơi của những bộ não khô tục tằn. Ngày nay đi đến chỗ nào cũng thấy thiên hạ ọc ra cái gọi là thơ Nhưng kỳ thực đó là cái khiến cho người ta dị ứng, bệnh hoạn. Làm một nhà văn hay nhà thơ đích thực đâu có dễ dàng. Đó là khả năng thiên bẩm cộng thêm sự trăn trở của cuộc đời để có những đứa con thoát thai từ đau đớn. Nhà văn đâu phải là cán bộ kiêm nhiệm, đâu phải là kẻ thừa tiền rững mỡ nhảy vào để được dán cái mác, đâu phải là kẻ biết ngọ nguậy cây viết ra cái thứ hò vè….rồi chim chuột cho ở cùng hang !

Trên một tờ Văn nghệ nội bộ, tác giả Nguyệt Phong Vân ứng khẩu một bài thơ nhưng thực ra chỉ là vè.

Lão ấy vốn khéo tay
Sống bằng nghề kim chỉ
Trong đầu lão chỉ nghĩ
Mình phải thành nhà văn!
Từ hai bàn tay không
Lão quyết tâm gầy dựng
Vốn có tài thực dụng
Không phí phạm trinh nào
Luồn cúi để leo cao
Bạc tiền đâu đáng kể
Hơn nhau chỗ bền bỉ
Quà cáp nhiều thì hơn
Thế là lão lên lon
Ngồi vào bàn giám định
Văn của lão được lệnh
Hay dở gì cũng đăng
Thế lão thành nhà văn.


Đọc xong bài này tôi cảm thấy thiên hạ thời nay sao còn những kẻ nhân cách kém cỏi quá. 17 câu thuộc dạng bất tài, nó thể hiện lòng đố kỵ ghen ghét lẫn nhau, thậm chí nó còn xúc phạm đến cả hệ thống làm văn nghệ chân chính. Những bài viết kiểu như thế này đăng chi cho bẩn giấy ? Một thân thể về chiều đầy bịnh hoạn và vi trùng sắp khai tử thì có gì đáng nói !

Sự thực vốn đau lòng ! Ở nước mình, ba từ văn nghệ sỹ không biết được lấy làm sang trọng tự bao giờ mà làm cho nhiều người bon chen để mang cho bằng được ba tiếng đó vào mình bằng đủ mọi cách, thậm chí bất chấp mọi thủ đoạn. Nào là nhà văn, nhà thơ, nhà nghệ sỹ gì gì đó…hàng thật cũng có, hàng dỏm cũng tràn lan, tỉnh nào cũng có, huyện nào cũng có…Và cũng không biết tự khi nào họ lại sinh ra nhiều chứng bệnh tật quái dị mà khiến ai có lòng tự trọng nhìn vào cũng phát nóng lạnh, có khi mắc nôn mắc mửa.

Đã là văn nghệ sỹ thì phải là những người có một tâm hồn thiên phú, dù có muốn có cầu xin cũng không được. Rồi từ cái vốn thiên phú ấy cùng với vốn sống, lòng trắc ẩn và sự khổ công học tập, rèn luyện mà thành tài. Cái tài ấy mang đi phục vụ cho nhân sinh xã hội. Ôi đáng quý, đáng trọng biết là bao ! Cái ánh hào quang ấy rất cao rất đẹp. Nhưng cũng nghiệt ngã thay cái ánh hào quang ấy khiến cho nhiều kẻ thèm thuồng. Thế là một loạt trưởng giả bắt đầu học làm sang. Những kẻ có chút quyền chức, những kẻ giàu có thừa ăn thừa mặc, những kẻ muốn làm người nổi tiếng…tìm đủ mọi cách để chen chân vào mặc dù tài năng văn chương chả ra ôn ra dịch gì cả. Họ cũng làm thơ, viết văn nhưng thơ thì gãy răng văn thì mù mắt, nhân cách thì hèn kém…Cái loại này ngày nay khá phổ biến. Vô tình họ trở thành món hàng trao đổi hai chiều với mấy tay điếm văn nghệ khác, ta có tiền mi có tên, chả biết đâu mà lần mò…

Phải nói thẳng một điều là bắt nguồn từ bệnh háo danh. Cái danh hão huyền dễ khiến con người ta đánh mất những phẩm chất tốt đẹp. Kẻ có được vài ba bài tàm tạm gọi là thơ văn thì thường mắc cái bệnh coi trời bằng vung, tự đề cao mình bằng nhiều cách. Có khi dùng công nghệ lăng xê, thuê mướn đánh bóng tên tuổi bằng cách nhờ tuyên truyền, giới thiệu trên báo chí một cách vô thưởng vô phạt. Có khi chê bai người khác để tự đề cao mình, nhất là dùng những lời độc địa đâm sau lưng chiến sỹ, tạo ra những tình huống giả để hạ uy tín người khác. Có khi nịnh bợ các quan văn nghệ cấp trên để được góp cái mặt móc xì ở một góc báo khiêm tốn nào đó và hiển nhiên ta đây cũng là văn nghệ sỹ. Có khi tự quảng cáo ta là con nhà này, là cháu nhà nọ, là bạn bè với nhà nhà kia để cho thiên hạ biết ta cũng là cái nhà gì đó ở phía sau nhà !

Văn nghệ sỹ là những người mang tấm lòng cưu mang đi giữa dòng đời và thầm lặng làm nên cái đẹp cho cuộc đời. Họ là những người tự phong cho mình cái đặc quyền nói hộ, bênh vực những mảnh đời bất hạnh, lên án cái ác, cái xấu, cái bất công trong xã hội để cuộc sống được tốt đẹp hơn, con người dần đi đến việc hoàn thiện nhân cách và sống có ý nghĩa hơn. Cũng chính vì vậy mà văn nghệ sỹ ở đời nào cũng được người ta nể trọng, vị thế của họ luôn có trong lòng mọi người mặc dù họ không có sắc phục riêng , cũng không nắm trong tay mớ bùa chú phù phép nào cả. Còn những kẻ cơ hội thì xin đứng bên ngoài cho vui vậy !

ĐÀO THÁI SƠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét