Phần nhiều các nhà kinh tế học coi mại dâm là một giao dịch tương đối thông thường, cho dù là phạm pháp ở hầu hết các nơi trên thế giới. Thông thường, theo nghĩa là nó hầu như chỉ liên quan đến hai bên, người mua và người bán, và hầu như không sinh ra các yếu tố ngoại vi ảnh hưởng đến xã hội nói chung. Thông thường nữa, vì xã hội có nhu cầu rất cao, nên thị trường đen của giao dịch này vẫn nở rộ ở những nơi nó bị pháp luật cấm. Thông thường nữa, vì nó thường không gây nghiện, nên không tạo ra một cơ sở khách hàng sử dụng theo thói quen, như là với giao dịch buôn bán ma túy, thuốc phiện. Dựa vào những quan điểm như vậy, thì không có lý do kinh tế gì đáng kể để biện luận cho việc cấm đoán mại dâm cả.
Có thể có những lý do xã hội để cấm đoán mại dâm, dựa vào các quan niệm về giá trị đạo đức, giá trị con người, vân vân. Trong nhiều xã hội, những quan điểm như vậy chiếm vị trí rất quan trọng, vì thế hầu như không thể có giải pháp chính trị cho việc hợp thức hóa mại dâm (giải pháp chính trị theo nghĩa là có một thế lực chính trị đủ mạnh để lập pháp theo hướng này). Bàn đến giá trị đạo đức thực sự của hoạt động mại dâm là một vấn đề phức tạp: không phải chỉ có việc suy nghĩ xem hoạt động mại dâm có vi phạm đạo đức con người hay không (đạo đức loài người nói chung, tôi không nói đến đạo đức của từng xã hội cụ thể), mà còn cần suy nghĩ xem việc cấm hoạt động mại dâm có vi phạm đạo đức con người hay không nữa. Tôi sẽ không bàn tới chủ đề này trong bài viết này.
Bài viết này tập trung về khả năng có một dạng ảnh hưởng ngoại vi kinh tế của hoạt động mại dâm. Ngoại vi kinh tế ở đây tức là nhìn theo góc độ kinh tế, chứ không phải là nó liên quan đến tiền bạc (có rất nhiều chủ đề kinh tế dính líu rất ít đến tiền bạc). Ảnh hưởng này liên quan đến quan hệ giá thú, mà tôi sẽ tạm gọi là thị trường giá thú (marriage market), bất kể các nhà xã hội học có phản đối :D.
Để tránh dài dòng, tôi xét đến quan hệ mại dâm giữa đàn ông Y và phụ nữ X, và chỉ xét quan hệ khác giới. Trong đó X hoạt động chuyên nghiệp, có thể có quan hệ giá thú, song trong đó chồng của X nằm hoàn toàn thông tin về nghề nghiệp của X. Ngược lại, Y không hoạt động chuyên nghiệp, và vợ của Y là Z không nắm thông tin gì về quan hệ giữa Y và X cả. Dĩ nhiên, có thể có trường hợp ngược lại, khi Y chuyên nghiệp, X không chuyên, song thực tế thì trường hợp này ít hơn, và phân tích của tôi không khác gì nếu lật ngược vai trò như vậy cả.
Về quan hệ kinh tế giữa Y và X, tạm hiểu đây là quan hệ thương mại thông thường (không có vấn đề bức ép, không có vấn đề môi giới kiểu độc quyền, không có vấn đề ngoại vị về bệnh tật, tâm lý vv.), nên khi hai bên đồng thuận thì trao đổi sẽ là phúc lợi đối với cả hai. Tuy vậy, đối với Z, quan hệ giữa X và Y đem lại ảnh hưởng tâm lý xấu tương đối lớn. Tôi công nhận giả định này như là một đặc tính của con người; nhưng sẽ thả lỏng giả định này sau. Trong trường hợp này, quan hệ giữa X và Y tạo ra ảnh hưởng ngoại vi xấu đến Z: xét về tổng thể, ảnh hưởng này có lẽ mạnh hơn nhiều so với phúc lợi của X và Y. Thông thường, trong thực tế ta quan sát thấy phụ nữ dễ suy sụp khi phát hiện chồng đi mua dâm (ví dụ trên VNExpress - mục Tâm sự :D), điều này tôi nghĩ là nặng hơn là sự sung sướng nhất thời của anh chồng, hay là số tiền kiếm được của cô gái bán dâm. Vì thế, trong một khung cảnh thông tin hoàn toàn thoáng và mở (tức là Z biết ngay X mua dâm với Y), thì quan hệ giữa X và Y không còn làm tăng phúc lợi của xã hội nữa (chí ít, không phải là theo nghĩa Pareto), mà có thể giảm phúc lợi tương đối nhiều (tuy vậy không phải giảm theo nghĩa Pareto).
Dĩ nhiên, trong tình huống này, đơn giản là Y và Z có contract rằng Y không được đi mua dâm với X. Khi Y và Z chấp nhận một hợp đồng kết hôn, thì điều ngầm hiểu là Y và Z không được có quan hệ mua dâm với người ngoài. Điều này sẽ tạo ra sự chọn lọc giữa những người lựa chọn kết hôn, và những người lựa chọn quan hệ mua dâm (tất nhiên là mỗi quan hệ đều có nhiều đặc điểm quan trọng khác nữa). Cơ bản, hợp đồng này có thể giải quyết được trường hợp ảnh hưởng xấu đến phúc lợi xã hội, và như vậy quan hệ mua dâm nếu xảy ra thì luôn tăng phúc lợi xã hội.
Tuy vậy, ta gặp phải vấn đề thứ hai, là quan hệ giữa X và Y có thể là quan hệ mật, Z không quan sát được. Trường hợp này, mà kinh tế học hay gọi là thông tin bất đối xứng, làm cho Z phải đối mặt với lựa chọn khó khăn. Thứ nhất, Z không biết là chọn Y như thế nào - vì có những Y thích quan hệ mật với X trong khi kết hôn với Z, và có những Y chỉ thích kết hôn với Z thôi: đây là vấn đề adverse selection. Thứ hai, một khi đã kết hôn, Z cần phải monitor hành động của Y: đây là vấn đề moral hazard. Cả hai vấn đề này đều gây ảnh hưởng xấu đến thị trường giá thú, và trong trường hợp cực đoan, có thể làm sụp đổ hoàn toàn thị trường giá thú.
Đứng từ góc độ phúc lợi xã hội, việc thị trường giá thú sụp đổ nhiều khả năng là kết quả không đáng có. Xét cho cùng, rất nhiều Y muốn và chỉ muốn kết hôn với một Z, song vì thị trường giá thú bị trục trặc nên họ không có lựa chọn kết hôn nữa. Ngay cả những Y thích kết hôn với Z và cùng lúc đó quan hệ với X, nếu phải lựa chọn giữa một trong hai, họ vẫn chọn Z hơn X (vì nhiều lý do khác nhau, như tình yêu chẳng hạn). Chưa kể là Z nói chung mong muốn kết hôn hơn.
Như vậy, một chính sách cấm mại dâm toàn xã hội có cơ sở kinh tế theo nghĩa nó tránh được ảnh hưởng ngoại vi từ thị trường mại dâm lên thị trường giá thú. Người chịu thiệt nhiều nhất là X, vì nhiều khả năng X vẫn sẽ phải hoạt động mại dâm (vẫn tốt hơn là lựa chọn khác), trong khi đó vừa phải giữ bí mật với Z, lại vừa phải giữ bí mật với nhà nước. Có thể coi X là "nạn nhân" của cơ chế xã hội. Nhưng cũng có thể coi nghề của X (dù bị cấm) là hiện tượng kinh tế tự nhiên, vì nó vẫn tạo ra phúc lợi cho cả X lẫn Y.
Hy vọng là luận điểm này về ảnh hưởng ngoại vi kinh tế của mại dâm đủ rõ ràng. Về mặt đạo đức, khó có thể nói là xã hội nên thiên vị nhóm nào hơn, Z hay X (cho dù nhóm Z có thể đông hơn nhóm X, vì nhóm X chuyên nghiệp nên phục vụ được nhiều Y hơn). Nếu dùng thêm khái niệm đạo đức cho người thiệt thòi nhất trong xã hội (Rawlsian) thì có lẽ nên ủng hộ nhóm X hơn, vì thế nên hợp thức hóa mại dâm. Còn nếu dùng khái niệm đạo đức như là ích lợi tổng thể của số đông (utilitarian - Bentham) thì có lẽ nên ủng hộ nhóm Z hơn.
Cũng cần nói là tôi chưa hề đề cập đến lợi ích của nhóm Y, vẫn là nhóm chính trị chính trong các xã hội hiện đại, và là nhóm nằm quyền hành thực sự. Vì thế bài này có thể coi là thuộc diện feminist được rồi, hì hì.
ĐỖ QUỐC ANH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét