Thứ Tư, 17 tháng 8, 2016

Đi tìm di sản Đà Lạt - Kỳ 2: Di chỉ của thời gian đã mất



Trên “phông nền” đặc thù của địa lý tự nhiên, trong sự thôi thúc của một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt (như đã phân tích ở kỳ trước), Đà Lạt được kiến tạo với màu sắc riêng, hơn cả một đô thị thông thường, mà như một tinh cầu lộng lẫy giữa xứ Đông Dương nhiệt đới gió mùa.




Nhưng, Đà Lạt không chỉ có những giá trị văn minh đô thị phương Tây mang đến, mà còn là những trầm tích văn hóa dân gian bản địa.

Xe lửa hơi nước Đà Lạt - Phan Rang năm 1940 (ảnh TL)


Trầm tích tiền đô thị

Phương thức sống gắn bó với giới tự nhiên của cư dân bản địa trên vùng cao nguyên này không để lại một hệ thống vật thể, biểu tượng lớn lao hay tri thức phong phú, nhưng sẽ là thiếu sót nếu ta bỏ qua. Cần nhớ, trên vùng lõi đô thị Đà Lạt hôm nay, vào trước thế kỷ XX từng là các bon (làng) người Lạch: Yộ, Klir Towach, Rhàng Bon Yộ, Dà gut (Yagut) hay Mang Ling…, xa hơn, có các bon Ankroet. Nay một số tên bon vẫn còn được lưu giữ (đường, khu Yagut, Măng Linh…). Hay bản thân tên gọi Đà Lạt đó là cách đọc trại từ Đạ Lạch (hay Yộ, Dà Làc) - tên một bon của người Lạch quần cư ở khu vực nay là tháp Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.

Trong thời Pháp thuộc, ngoài tính hấp dẫn của tự nhiên hoang dã, thì sự quyến rũ của văn hóa cộng đồng dân tộc bản địa từng tạo nên vẻ exotisme (hương xa) đối với những nhà nhân văn, du khách phương Tây.

Thế nhưng, cuộc hình thành Đà Lạt diễn ra trong sự giằng co dai dẳng giữa yếu tố văn hóa bản địa với cách tổ chức một đô thị lý tính kiểu châu Âu suốt bốn thập niên (từ 1900 đến 1940). Chính sách của người Pháp thời thuộc địa luôn “chú ý đặc biệt” đến người Thượng bản địa, dù nhìn chung, có nhiều mối quan tâm được phủ đậy lên thực tế là sự bóc lột sức lao động trong quá trình xây dựng thuở ban đầu (từ 1910 đến 1930). Sang thời Hoàng triều cương thổ (1950), việc xóa bỏ lệ lao động cưỡng bách của Quốc trưởng Bảo Đại là một bước tiến trong ứng xử tôn trọng với người Thượng bản địa, một phần để thu phục nhân tâm, tạo ra sức ảnh hưởng lên toàn cương thổ(1), dù một thời gian ngắn sau đó, vào thời Đệ nhất Cộng hòa, chính sách đồng hóa cư dân thiểu số vùng vành đai để tiếp nhận làn sóng di dân từ phía bên kia vĩ tuyến 17 đã diễn ra, đẩy vấn đề đi theo một chiều hướng khác.

Vậy, văn hóa bản địa Đà Lạt, nay còn lại gì? Đó là lắng trong sâu xa, đã có sự gặp gỡ của tinh thần tôn trọng tự nhiên nơi những cư dân vùng văn hóa thảo mộc rừng thưa biết đặt tâm tưởng sống hài hòa với giới tự nhiên với những giá trị văn minh phương Tây trong kiến tạo xây dựng đô thị sinh thái - “phố trong rừng”. Một thế giới huyền thoại, tình sử bàng bạc, u uẩn bao trùm, làm nên màu hoài niệm cho khung cảnh đô thị. Mà mối hoài niệm lớn nhất, đó chính là hướng về thuở đất trời hoang vu đã mất. Di sản đó, ngoài ra còn nằm trong những phong tục tập quán, chuyện kể, luật tục dưới dạng thơ ca (nri), thực hành tâm linh, vũ điệu, hát đối đáp, giao duyên (tam pơt, lah long), nghề dệt thổ cẩm truyền thống, không gian bon với phương thức quần cư đồi cỏ và cả một hệ thống huyền thoại, biểu tượng còn lưu truyền cho đến hôm nay.

Sau những bể dâu lịch sử, tuy địa bàn cư trú của cư dân bản địa dần dạt ra bên rìa thành phố (các huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Đức Trọng…), phong tục tập quán có phai nhạt bởi tác động của nếp sống mới, nhưng nếu quan sát kỹ, những di sản văn hóa bản địa của các tộc người K’Ho thuộc nhóm Cil, Lạch trên cao nguyên Lang Bian đã không tách rời bầu khí văn hóa đặc thù của Đà Lạt qua nhiều thời kỳ. Trong các bưu thiếp, cẩm nang du lịch từ thời Pháp thuộc cho đến trước 1975 và cả hôm nay, những hình ảnh, văn hóa bản địa luôn là một phần không thể thiếu cấu thành sắc thái Đà Lạt, hấp dẫn khách xa tìm đến khám phá.

Tiếc rằng, ngày nay một số ít đặc điểm được khai thác ở tính bề mặt để thỏa mãn trí tò mò thoáng qua. Điều này dễ nhận thấy trong các show cồng chiêng kết hợp nhạc điện tử phục vụ du lịch, sự rẻ rúng của những món thổ cẩm bán lề đường và kể cả sự thất truyền của rượu cần truyền thống ngay tại các bon du lịch dưới chân núi Lang Bian. Về học thuật, Đà Lạt chưa có những công trình điền dã, khảo cứu, hệ thống khoa học về vốn liếng, sự tiếp biến văn hóa người Thượng bản địa qua từng thời kỳ để giới thiệu đúng mức về mảng di sản tiền đô thị này ngõ hầu bảo tồn văn hóa và biến thành nguồn giá trị xứng đáng tầm vóc...

“Di sản của mất mát”

Ngày nay, du khách đến nhà ga Đà Lạt xưa được xây từ thập niên 1930, mua vé làm hành khách trên những toa xe lửa “giả cổ” để đi xuyên qua những núi đồi về vùng Trại Mát, có thể mường tượng ra phần nào lịch sử văn minh rực rỡ của giao thông đường sắt thế giới đã từng hiện hữu ở đây.

Con đường sắt nối Tháp Chàm với Đà Lạt, trong cái nhìn chiến lược của toàn quyền Paul Doumer vào đầu thế kỷ XX không chỉ giải quyết những vấn đề giao thông kết nối Đà Lạt với các đô thị khác trong nước, mà mang theo đó một tham vọng kết nối Đông Dương bằng thiết lộ. Sau 25 năm xây dựng (1903-1928) với nhiều giai đoạn, bị gián đoạn do nguồn vốn, suy thoái kinh tế và trục trặc tổ chức, tuyến đường sắt dài 84 km (trong đó có 16 km, đoạn Dran - Trạm Hành) nói trên được thông tàu toàn tuyến vào năm 1932 (trước đó, các tuyến lần lượt: Tháp Chàm - Sông Pha dài 41 km, khai thác năm 1917; Sông Pha đến Eo Gió 10 km, khai thác từ 1928; từ Ngoạn Mục đến Dran 5 km, khai thác từ năm 1929; từ Dran đến Trạm Hành 5 km, khai thác 1930)(2).

Con đường sắt nói trên cùng với các tuyến đường bộ Phan Thiết (Ma Lâm) - Djiring - Đà Lạt và tuyến Phan Rang - Đà Lạt, quốc lộ 20 (Saigon - B’lao - Đà Lạt) và 21 (Đà Lạt - Buôn Ma Thuột) đã giúp Đà Lạt kết nối với các đô thị đồng bằng, vùng cao khác trong nước và trong khu vực dễ dàng trước khi có đường hàng không dân dụng Sài Gòn - Liên Khương.

Nhưng, ngày nay nói đến lịch sử đường sắt Đà Lạt là nói đến “di sản của mất mát”. Tính từ Trại Mát trở về Phan Rang, những trạm, cầu và cả thiết lộ tới nay đã bị xóa dấu hầu hết. Một số thiết bị nhà ga, đầu máy tàu chạy hơi nước quý giá của Đà Lạt xưa kia hiện nay đang được bảo tồn ở… Thụy Sỹ.

Vì thế, hình ảnh nhà ga, chuyến tàu du lịch Đà Lạt - Trại Mát ngày nay chỉ tái hiện một phần rất nhỏ ký ức trong bức tranh lịch sử giao thông quan trọng của đô thị này.

Mong rằng, trong tương lai, với những gì còn lại, việc đầu tư khai thác sẽ không dừng ở những tu bổ bề mặt với những toa tàu giả cổ hay phục vụ cà phê trên tàu, mà cần làm tốt hơn trong việc giới thiệu về lịch sử độc đáo của tuyến du lịch di sản này, để thông qua câu chuyện giao thông đường sắt, có thể giúp du khách hình dung được sự hình thành Đà Lạt buổi đầu, khả năng kết nối với bên ngoài của Đà Lạt trong quá khứ; đồng thời, giải mã thêm về sự kiện ra đời của những khu nông nghiệp hình thành sớm ở ven đô như: Sở Trà Cầu Đất, vùng rau, vườn thực nghiệm trồng cây quinquina tại Trại Mát hay vùng thị tứ Dran…

Nguyễn Vĩnh Nguyên

Theo Báo Lâm Đồng

(1) Theo Dụ số 6, do Quốc trưởng Bảo Đại ban hành ngày 15/4/1960, địa giới Hoàng triều cương thổ gồm vùng xứ Thượng Nam Đông Dương (Kontum, Đắk Lắk, Pleiku, Lang Bian và vùng Đồng Nai Thượng) đặt trung tâm hành chính ở Đà Lạt. Ngoài ra, trên lý thuyết, được ấn định, nhưng thực tế quản lý của Bảo Đại không vươn tới được, còn có một vùng cư trú của các dân tộc thiểu số phía Bắc (Móng Cái, Hải Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Phong Thổ, Lào Cai và Sơn La).

(2) Theo www.lamdong.gov.vn/vi-VN/a/diachidalat/Pages/dl-p3-c4.aspx.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét