Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Tồn tại những nền văn minh tiên tiến bên ngoài Trái Đất



Tác giả: Tara MacIsaac, Epoch Times | Dịch giả: Minh Phát




Ảnh một vành đai sáng rực (nơi các ngôi sao đang hình thành) đang bao quanh trung tâm của thiên hà xoắn ốc NGC 1097. (Nguồn: NASA)

Hai nhà thiên văn học Adam Frank và Woodruff Sullivan, thuộc trường Đại học Rochester và Đại học Washington, đã công bố một báo cáo nghiên cứu trên số báo ra tháng Năm của tạp chí Sinh vật học Vũ trụ (Astrobiology), khảo sát điều mà họ gọi là “nghi vấn về khảo cổ vũ trụ”: “Trong lịch sử tiến hóa vũ trụ, sự sản sinh ra các chủng loài có văn minh công nghệ (bất kể tồn tại trong thời gian dài hay ngắn) tuân theo một chu kỳ như thế nào?”

Trong chuyên mục ý kiến phản hồi của tờ New York Times, phát hành ngày 10 tháng Sáu, Adam Frank đã tóm tắt kết luận của nghiên cứu như sau : “Mặc dù chúng tôi không biết liệu có nền văn minh ngoài Trái đất nào hiện đang tồn tại hay không, nhưng chúng tôi có đủ thông tin để kết luận rằng chúng gần như chắc chắn đã từng tồn tại ở một thời điểm nào đó trong lịch sử vũ trụ”.


Chúng tôi có đủ thông tin để kết luận rằng chúng gần như chắc chắn tồn tại ở một thời điểm nào đó trong lịch sử vũ trụ.
Adam Frank, nhà thiên văn học thuộc Đại học Rochester

Hai nhà thiên văn học đã đi đến kết luận trên nhờ xử lý lại phương trình Drake nổi tiếng theo một góc nhìn khác và đồng thời bổ sung thêm các thông tin mới nhất. Phương trình này ban đầu được nhà thiên văn Frank Drake xây dựng vào năm 1961 để tính toán khả năng liên hệ được với sự sống ngoài Trái đất.


Drake theo học ngành thiên văn vô tuyến tại Đại học Harvard và giữ nhiều vị trí công tác trong lĩnh vực này, gồm cả công việc tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA. Ông đưa vào phương trình của mình nhiều thừa số khác nhau, như tốc độ hình thành các vì sao phù hợp với sự hình thành các sinh vật có trí tuệ và số lượng hành tinh có môi trường thích hợp cho sự sống trong mỗi một hệ hành tinh.

Phương trình Drake:

N = Số các nền văn minh trong hệ Ngân Hà mà có thể phát ra các sóng điện từ phát hiện được.

R* = Tốc độ hình thành các vì sao có môi trường phù hợp cho sự hình thành các sinh vật có trí tuệ.

fp = Phần trăm những vì sao có các hệ thống hành tinh xoay quanh.

ne= Số các hành tinh có môi trường phù hợp cho sự sống trong mỗi hệ hành tinh.

fl = Phần trăm các hành tinh trong ne mà sự sống có thể thực sự xuất hiện ở đó.

fi = Phần trăm các hành tinh trong fl có sự sống mà ở đó các sinh vật có trí tuệ có thể xuất hiện.

fc= Phần trăm các nền văn minh có thể sở hữu công nghệ phát ra các tín hiệu (có thể dò tìm) vào trong không gian.

L = Khoảng thời gian mà những hành tinh như vậy có thể phát vào trong không gian các tín hiệu có thể dò tìm.

Những cải tiến trong công nghệ quan sát thiên văn đã đẩy vọt kiến thức của chúng ta về các hành tinh ngoài hệ mặt trời. Vào tháng 4 năm nay, nhóm làm việc trên tàu không gian Kepler thông báo đã phát hiện thấy 1.284 hành tinh nằm ngoài hệ mặt trời.

Frank viết trên New York Times rằng: “Đến nay, ba trong bảy thừa số của phương trình Drake đã được tìm ra, đó là R*, fp (khoảng 100%), ne (20-25%). Điều này cho phép chúng ta lần đầu tiên có thể nói điều gì đó rõ ràng về những nền văn minh ngoài trái đất”.

Thay vì xét tới xác suất có một nền văn minh đang hiện hữu ngoài Trái đất, Frank và Sullivan đã dựa trên xác suất chúng từng xuất hiện trong quá khứ, qua đó bỏ qua được những ràng buộc về nhân tố thời gian trong các thừa số của phương trình Drake.

“Việc đó giúp chúng tôi giảm số thừa số chưa xác định trong phương trình Drake xuống còn 3, mà chúng tôi kết hợp lại thành xác suất “công nghệ sinh học” gồm: khả năng tạo ra sự sống, sinh vật thông minh, và năng lực công nghệ”, Frank viết. Ông kết luận: “Xác suất chúng ta không phải là nền văn minh công nghệ đầu tiên là rất cao. Đặc biệt, chỉ trừ khi xác suất mà một nền văn minh (trên các hành tinh thuộc vùng có thể sinh sống) có sự tiến hóa là dưới một phần 10 nghìn tỷ tỷ, chúng ta mới là nền văn minh đầu tiên”.

Năm 2013, hai nhà toán học của Đại học Edinburgh là Arwen Nicholson và Duncan Forgana đã đưa ra một tuyên bố tương tự về khả năng các nền văn hóa ngoài hành tinh đã và đang gửi các tàu thăm dò Trái đất.

Hai ông quan tâm đến những yếu tố như việc các tàu do thám có thể di chuyển bằng cách tận dụng năng lượng từ chuyển động của các vì sao và công nghệ tự tái tạo có thể ảnh hưởng như thế nào đến các giai đoạn thám hiểm.

Trong phần tóm tắt nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Sinh vật học Quốc tế, họ trình bày rằng: “Chúng tôi kết luận rằng một hạm đội tàu có khả năng tự tái tạo thực sự có thể thám hiểm hệ Ngân Hà trong một khoảng thời gian đủ ngắn để đảm bảo cho nghịch lý Fermi tiếp tục tồn tại”.

Nghịch lý Fermi được đặt tên theo tên nhà vật lý Enrico Fermi và nó nói đến xác xuất lớn có tồn tại các nền văn minh ngoài Trái đất, mặc dù thiếu hụt bằng chứng về sự tồn tại của chúng. Do đó khi Nicholson và Forgana nói những tính toán của họ “đảm bảo cho nghịch lý Fermi tiếp tục tồn tại”, có nghĩa là họ chứng thực được khả năng rất cao có tồn tại nền văn minh ngoài Trái đất.

Họ lấy cảm hứng từ cuộc du hành của tàu thăm dò Voyager 1 thuộc NASA, vốn được đặc định sẵn là sẽ gặp ngôi sao tên AC+79 3888 vào 40 nghìn năm tới. Họ tự hỏi liệu một nền văn minh ngoài Trái đất có gửi đến chúng ta một tàu thăm dò bằng phương pháp tương tự của NASA từ 40 nghìn năm trước, và đã được đặc định đến chỗ chúng ta trong một ngày nào đó của thời điểm hiện tại không.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét