" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Tư, 15 tháng 6, 2016
NHỚ TỔNG BIÊN TẬP NGUYỄN ĐỨC TÂM
Nhân ngày nhà báo Việt Nam
Tôi bước vào nghề cầm bút chỉ vì muốn thực hiện di nguyện của ba tôi. Ông muốn trong nhà tôi có người nối nghiệp ông. Tôi vào Hội văn học Tây ninh làm biên tập viên được 2 năm thì nghỉ. Tôi bỏ nghề đơn giản chỉ vì chán. Chán vì thất vọng bởi những người cầm bút. Trong thời gian làm việc ở Hội tỉnh thoảng tôi cũng ra báo quan hệ để làm tờ báo Văn nghệ. Anh Tấn Hùng ở báo Tây ninh là người rất mê làm văn nghệ, nên gắn bó nhiều với chúng tôi. Cũng qua anh Hùng, đôi lần chú sáu Tâm- Tổng biên tập báo Tây ninh- vào tham dự sinh hoạt Câu lạc bộ giới thiệu sáng tác. Tôi biết chú là vậy và cũng chỉ là biết chứ không có mối quan hệ giao lưu gắn bó
Tôi rời hội Văn nghệ về Dương minh châu nơi vợ tôi làm việc, sống cuộc sống ẩn dật, làm người nội trợ cho vợ tôi. Thỉnh thoảng, bạn bè vào thăm. anh Tấn Hùng là người thường chỡ chú Xuân Sắc ( chú là bạn của ba tôi), vào thăm tôi và là Trưởng Phòng biên tập hội Văn Nghê tỉnh. Anh Hùng nhiều lần bảo tôi xin làm báo, tôi chỉ cười. Thật tình, lúc đó tôi đã không có hứng thú bon chen và bằng lòng với cuộc sống ruộng vườn, dù còn rất chật vật, khó khăn. Thế rồi, một buổi chiều, anh Tấn Hùng chỡ chú hai Xuân Sắc vào thăm tôi. chúng tôi ra quán cà phê. Anh Tấn Hùng đưa cho tôi quyết định của Báo Tây ninh và bảo : anh Sáu ký quyết định nhận mày rồi nè. Tôi dường như không tin bởi tôi không làm đơn xin việc và tôi đã từng nghĩ với cái lý lịch có anh ruột đang ở Mỹ thì khó mà vào được cơ quan ngôn luận của Đảng.( tôi vào hội văn nghệ cũng đã khó khăn dù lãnh đạo hội lúc đó là bạn bẻ thân thiết với ba tôi. Nếu tôi không chứng tỏ năng lực bằng những truyện ngắn thì có lẽ tôi cũng đã không được chấp nhập), Tôi cầm quyết định đọc và càng ngạc nhiên hơn khi quyết định lương khởi điểm của tôi là 290 ( mức lương khá là cao vào năm -1989- chỉ kém lương trưởng phó phòng 2 bậc)
Chú Xuân Sắc cũng bảo tôi đi làm vì vợ tôi cũng đã sắp sanh. Tôi phân vân nên bảo để suy nghĩ lại đã có nên đi làm không, Từ nhỏ, tôi là một đứa nhỏ kỳ cục và tôi biết điều đó.Làm việc ở báo đảng càng khó hơn cho tôi .
Anh Tấn Hùng bảo : thì mày cứ suy nghĩ nhưng mày nên ra gặp anh Sáu. Ảnh cũng muốn gặp mày trao đổi.
Tối về, tôi đưa quyết định cho vợ tôi xem. Tôi nhận ra sự vui mừng thể hiện trong ánh mắt của vợ tôi, dù vẫn bảo : tùy anh quyết định. Thời gian sáu tháng, chúng tôi chỉ sống nhờ vào đồng lương nhân viên kế toán của vợ tôi.
Vậy là hôm sau tôi về nhà, đến chiều thì tôi đến báo Tây ninh. Lúc đó, cũng đã hơn 4 giờ, bởi tôi không muốn đến trong giờ làm việc.
Tôi gặp chú ngay bậc thềm cửa vào báo. Vừa gật đầu chào, chú đã cười vui vẻ và bảo : " VỢ MÀY CHỪNG NÀO SANH ?".. Câu hỏi của chú đã khiến tôi sững người và câu hỏi ấy đã đưa tôi đến với nghề báo và theo tôi trọn cuộc đời.Tôi kính trọng và yêu quý chú từ ngay cái buổi đầu tiên được xem là "làm việc" giữa tôi và chú. Chú bảo tôi vào phòng chú. Câu chuyện trao đổi giữa ngắn ngủi tôi và chú chỉ xoay quanh những lời hỏi thăm của chú về cuộc sống của tôi. kết thúc dăm phút trò chuyện, chú bảo: Cứ thu xếp ổn thỏa chuyện nhà, vợ sanh rồi vào làm nhưng lương thì chính tức lãnh từ bây giờ". Vơ tôi còn hơn hai tháng nữa mới sanh. Rồi chúng đưa tôi ra giới thiệu với phòng hành chánh. lúc đó- anh Hiểu là trưởng phòng và dặn lo tính lương cho tôi theo quyết định.
Tôi không đợi vợ tôi sanh, tuần sau tôi ra làm và được phân về tờ Tây ninh chủ nhật do anh Phương Vũ phụ trách. Chú đi liên xô 3 tháng. Tôi viết mảng văn hóa xã hội nhưng làm việc với anh Phương Vũ lúc đó không hợp lắm nên chỉ khoảng 2 tháng tôi bỏ sang làm tờ Tây ninh Thứ năm do anh Hà Thế Mạnh- phó tổng biên tập phụ trách và anh Tấn Hùng thì làm biên tập.Ngày đó, phòng viên rất ít, Tổng số nhân viên Tòa soạn chỉ có 24 người và bộ phận phóng viên chỉ có 8 người viết chính.Rồi chú về, Biết việc tôi tự ý bỏ sang tờ Thứ năm làm Chú cũng không nói gì.
Việc phân ra 2 nhóm chịu trách nhiệm 2 tờ báo không tránh khỏi mâu thuẫn nội bộ. Chú không hề hỏi tôi lý do vì sao tôi bỏ tờ chủ nhật( sau này tôi mới hiểu chẳng qua chú rất hiểu tính cách từng nhân viên của mình). Chú quyết định đưa tôi vào biên chế chính thức và nâng bậc lương lên 305- tương đương mức lương phó phòng ở các đơn vị hành chính sự nghiệp.
Tôi vào làm báo ngay thời điểm " đổi mới báo chí". Báo như sống lại và chúng tôi lao vào viết bài chống tiêu cực rất hăng hái. Tỉnh lúc đó cũng đưa ra xét xử các vụ án điểm. Trong đó có vụ Sáu Lễ- Phó đốc sở giao thông. Anh Phương Vũ phụ trách theo vụ này. Sáu Lễ đã nhanh chóng bắt quan hệ với báo qua anh Phương Vũ và món quà đầu tiên ra mắt là chiếc máy quay phim cùng lời hứa hẹn đầu tư một salon cho bộ phận nhiếp ảnh của báo. Lúc đó, chúng tôi làm báo kinh phí rất khó khăn vì Chú Sáu tuy là tổng biên tập báo nhưng không là thường vụ Tỉnh ủy và cũng không được lòng thường vụ. Tờ Tây ninh chủ nhật có được là nhờ vào kinh phí của Tư nhân. kinh phí của tờ Thứ Năm thì gần như không có ,dù đó là tờ chính thống, Chuyện xì xào trong giới phóng viên, đẩy mâu thuẫn nội bộ lên cao trào. Chú sáu quyết định tổ chức cuộc họp giải quyết mâu thuẫn nội bộ, Trong cuộc họp tôi đã thẳng thắn nói huỵch toẹt mọi vấn đề,, trong đó đặt cả vấn đề. Chú bao che cho anh Phương Vũ trong việc nhận máy quay phim của Sáu Lễ. Chú đã thực sự nổi nóng vì tôi công kích nên không kiềm được bảo thẳng tôi : nếu cảm thấy không làm việc được ở Báo thì cứ xin chuyển công tác. Tôi chỉ bảo : cháu đã nói rồi thì không chuyển đi đâu cả. Những điều cháu nói đều không phải vì lợi ích của cá nhân cháu".
Vài ngày sau, chú xuống nhà tôi. Chú cháu nói chuyện với nhau và tôi thật sự bất ngờ khi CHÚ NGÕ LỜI XIN LỖI tôi vì hôm họp chú đã quá nóng. Chú bảo tôi an tâm làm việc trở lại bình thường.
Tôi viết loạt bài xoay quanh vụ tiêu cực ở Sở Y Tế kéo dài nhiều năm và trọng tâm là vụ cơ sở nắn bó gãy xương của ông Huỳnh Thúc Sỹ khiến Sở y tế đình chỉ hoạt động của cơ sở ngay thời điểm con rể ông Tư Cẩn- bí thư tỉnh ủy lúc bấy giờ nằm bó gãy xương ở đây. Con rể ông Cẩn nhà ở tận Vĩnh Long nên khi cơ sở đóng cửa ông cẩn đành phải đưa về tỉnh ủy năm và mỗi ngày ông Sỹ phải vào chăm sóc thay băng( kiểu bó xương Đau Nam Trị Bắc nên phải thường xuyên thay thuốc). Cũng đúng lúc thường vụ họp mở rộng. cho phép các cơ quan báo chí tham dự để giải quyết vụ tiêu cực tồn động ở Sở y tế . Anh Hà thế Mạnh và tôi được cử đi tham dự vì tôi là người trực tiếp viết bài theo dõi vụ việc.
Sau khi Ban kiểm tra Đảng công bố kết luận, cuộc họp kéo ra vài tiếng. Đến lúc Bí thư tỉnh kết luận, khi đề cập đến báo chí ông thực sự lớn tiến phê phán : BÁO TÂY NINH VI PHẠM NGUYÊN TẮC CỦA ĐẢNG KHI SỰ VIỆC CHƯA ĐƯỢC BAN KIỂM TRA ĐẢNG KẾT LUẬN ĐÃ ĐƯA RA CÔNG KHAI". Ông đặc biệt nhấn mạnh " kỷ luật người viết bài và ban Biên tập báo Tây ninh. Sau khi phán quyết, ông hỏi báo chí có ý kiến gì nữa không và tôi đã xin phát biểu, được ông đồng ý. Tôi chỉ xin ý kiến : Bí thư kết luận Báo tây ninh vi phạm nguyên tắc đảng, vậy xin Bí thư cho chúng tôi một lời khuyên trước sự việc xảy ra giữa sức khỏe, tính mạng của người dân và nguyên tắc Đảng người làm báo chọn cái nào ?" . Câu hỏi của tôi đã khiến ông không thể đưa ra câu trả lời, thế là ông đập bàn, lớn tiếng phán " kỷ luật người viết và người cho đăng loạt bài" ( Ông Huỳnh Thúc Sỹ trong quá trình hành nghề đã gây ra 4 cái chết và 27 trường hợp bệnh nhân phải cưa tay, chân do nhiễm trùng huyết ). Thế rồi ông bỏ đi trước sự ngỡ ngàng của Ban thường vụ Tỉnh Ủy. Tôi đã ôm chồng tài liệu vài ký liệng lên mặt bàn, khiến chú Năm Lùn - giám đốc Sở Công An ngồi phía sau phải níu áo tôi, bảo " Ngồi xuống cháu, đừng có nóng". Cuộc họp kết thúc bất ngờ, mọi người tản ra về như ong vỡ tổ.
Tỉnh ủy cách Tòa soạn chỉ khoảng 500m, tin tôi đập bàn với bí thư tỉnh ủy đã loan về ngay. Tôi về, chú Sáu đã đứng ngoài sân, thấy tôi chú đã tủm tĩm cười rồi bảo: " mày quậy gì bên Tỉnh ủy vậy?".Tôi cười đáp : cháu chỉ xin ổng một lời khuyên thôi ổng đã đập bàn bỏ đi rồi".
Sau đó, chú không hề hỏi tôi một lần nào nữa chuyện xảy ra. Hẳn nhiên, tin đồn loan truyền chuyện " đập bàn" với Bí Thư tỉnh ủy lan đi khắp nơi và tôi lẵng lặng chờ đợi xem tôi sẽ bị kỷ luật thế nào. Sau này, tôi mới nghe anh em công an kể lại là ông bỏ ra gọi mấy anh công an bảo vệ tỉnh ủy vào bắt tôi. Cũng may họ đã không thực hiện.
Bản án vẫn treo trên đầu tôi. Một chuyến đi công tác cùng xe với Ông Năm Thành- Trưởng ban tuyên giáo Tỉnh- ông Thành đã hỏi Chú Sáu đã cho tôi nghỉ việc chưa. Chú trả lời : nó có vi phạm gì mà cho nghỉ. mấy anh muốn thì mấy anh ký quyết định tôi cho nó nghỉ. Dững đi cùng, về kể lại với tôi mà cười thích thú.
Cũng trong thời gian này, trong cuộc họp báo, Tổng bí thư Nguyễn văn Linh đã phê phán trang bìa một Tờ báo Tây ninh chủ nhật trước hội nghị mà theo ông là khiếm nhã, mất quan điểm tờ báo Đảng.
Sự kiện này như một giọt nước tràn ly để Tỉnh Ủy kỷ luật Ban biên tập báo, mà chủ yếu là Chú Sáu Tâm( Báo có một số sai phạm ở bộ phận phát hành, và quan hệ cá nhân ngoài luồng của anh Mạnh và anh đã nhận kỷ luật, bị cách chức phó Tổng biên tập điều về Ban tuyên giáo chờ phân công).
Một hôm, Chú gọi tôi vào phòng của chú, do dự một lúc chú mới bảo : Mấy chả làm căn quá, buộc phải cho mày nghỉ nên giờ tao tính sắp xềp cho mày qua bên Sở văn hóa làm thời gian đợi yên rồi về." Tôi trả lời : Cháu nghỉ thôi. Chú đừng bận tâm. Chú thở ra, rồi bảo tôi : Nếu tao cho mày nghĩ thì nhận kỷ luật khiển trách, còn giữ mày thì mức cảnh cáo.
Tôi cười bảo: chú biết rồi, làm báo hay không làm báo với cháu đâu quan trọng. Cháu xin nghỉ. Chú nói : Mày không nghỉ được. Tạm thời mày đi chơi đi, để tao tính".
Sau vụ, phát biểu của tôi về vụ Sáu Lễ, chú và tôi hoàn toàn xóa bỏ mọi rào cản , quan hệ trở nên thân thiết. Tôi về Sài Gòn, rồi ghé Thông tấn xã Việt nam. Lúc đó, anh Đình Khuyến -phụ trách. Tôi biết anh cũng từ vụ Tiêu cực của Sở y tế mà Thông Tấn Xã Tây ninh do anh Dũng phụ trách vướng vào và bị Ông Hùnh Thúc Sỹ phát đơn kiện tờ Tuần Tin Tức khi đăng bài về cơ sở của ông. Anh dũng đã nhờ Báo Tây ninh hỗ trợ và Chú sáu đã cử tôi tham gia điều tra.
Anh Khuyến hỏi thăm tôi tình hình, tôi kể anh nghe mọi chuyện. Anh bảo tôi : về làm với anh đi. Tôi cứ tưởng anh đùa. Anh lấy giấy bút đưa tôi rồi bảo tôi làm đơn xin chuyển về thông tấn xã Việt nam. Anh thấy tôi chưa chịu viết, anh bảo: Em về đây anh đưa em đi đào tạo luôn. Thấy anh nhiệt tình vậy, tôi cũng viết đơn. Tôi viết xong anh ký và đóng mộc kèm theo lời đề nghị báo Tây ninh cho tôi thuyên chuyển.
Tôi về, vài ngày sau, tôi mới đưa cho chú Sáu. Chú cầm đọc xong rồi không nói gì cả, mà bỏ vào phòng. Lát sau, chú ra bảo tôi : MÀY Ở LẠI TAO CHẾT MÀY CHẾT"..Vậy là tôi ở lại báo và tôi chưa bao giờ hỏi về kỹ luật của chú nhưng chúng tôi đều biết chú bị kỷ luật cảnh cáo. Sau này, nhiều lúc đùa tôi đổ bảo tại chú không cho tôi đi. Chú cười bảo: Cho mày đi như trao cho mày thêm đôi cánh mày quậy càng dữ. Giữ mày ở lại quản mày được."Thật ra, chú không muốn mất một phóng viên. Sau này, chú tạo rất nhiều điều kiện cho tôi, thậm chí buộc tôi phải học xong đại học báo chí và cơ quan sẳn sàng chi trả để tôi học chính qui (Lớp tại chức tôi học bữa đực bữa cái và đến năm cuối thì bỏ hẳn).lúc tôi xin nghỉ hẳn, gần 6 tháng sau chú mới đồng ý ký đơn xin nghỉ việc cho tôi khi tôi nói : Chú về hưu cháu ở được hay sao, giờ nghỉ trước còn có chế độ".
Chuyện gia đình của tôi dạo đó cũng lắm rắc rối. chú cứ như người cha ở bên tôi. Có lần, tôi buồn chuyện gia đình bỏ đi, chú xuống nhà hỏi vợ tôi vào vào tận nơi tôi chơi. Thấy chú tôi lạnh cả ót, khi chú vừa cười vừa kéo ghế ngồi xem tôi đánh Đômino ( chỗ anh em làm xưởng gạch bông đều quen biết chú) . Chú bảo : chơi đã chưa.Vợ mày nói ba ngày mày chưa về nhà. Sự tận tụy của chú đối với nhân viên của mình khó ai có thể quên được.
Nói đến cái tình, cái nghĩa mà chú Sáu Tâm đối với các nhân viên của mình thì nhiều lắm và hẳn ở mỗi người chúng tôi đều có những câu chuyện để kể .Với tôi, chú như một người cha thứ hai.Người duy nhất có thể khiến tôi chấp nhận phục vụ và là người mà tôi có thể giải bày tất cả.
Đối với nghề báo, chú cũng đã cho chúng tôi rất nhiều. Những điều mà tôi luôn tâm đắc.Chú thường nhấn mạnh : làm báo khác với viết báo. Nhà báo là những người làm báo giỏi chứ không chỉ là người viết báo giỏi.Làm báo là làm theo luật và người làm báo giỏi là người biết LÁCH LUẬT. Luật chính là phong tục tập quán và đạo đức xã hội được qui chuẩn. Vì vậy, người làm báo cần phải rèn luyện để có một TRÁI TIM NÓNG VÀ CÁI ĐẦU LẠNH.
Thời kỳ chú làm Tổng biên tập, báo Tây ninh gần như thoát khỏi sự kiểm soát và lệ thuộc vào Tỉnh Ủy và chú đã đưa Báo Tây ninh trở thành một tờ báo tỉnh vững mạnh, có số phát hành khá cao so với các báo tỉnh khác.Đôi khi, số phát hành lên đến 7000 - 10000/ kỳ báo. Việc tuyển dụng người của chú vào thời kỳ đó quả là "đặc biệt". Phần lớn phóng viên đều có lý lịch được gọi là " xấu" như ; bản thân từng là lính ngụy,có thân nhân nước ngoài, con cháu chức sắc tôn giáo... Chú chỉ có một tiêu chuẩn cơ bản để chọn người là : Khả năng viết báo, làm báo và bản chất đạo đức tốt và điều đó được khẳng định qua bài báo. Lấy cái Tâm mà làm báo, lấy cái Đức mà viết báo. Nguyễn Đức Tâm cũng là bút danh của chú. tên thật của chú là Nguyễn Thái Bồng. Và những người làm báo của chúng tôi ngày ấy, dù còn có nhiều thiếu sót nhưng đã thực sự lấy Tâm để làm báo và lấy cái Đức để viết báo.
Đối với các phóng viên, chú luôn tự tin đặt niềm tin vào, nếu có sai phạm xãy ra thì xử lý. CÓ LÀM THÌ PHẢI CÓ SAI, SAI THÌ PHẢI SỬA.
Trong vụ HUỲNH THÚC SỸ , tôi đã vi phạm nguyên tắc làm báo nghiêm trọng khi đưa một tin "bịa đặt" và cũng không thông qua phòng biên tập( dạo đó tôi làm luôn Ma-két của tờ Thứ Năm nên chen luôn một tin ngắn vào). Sở y Tế đã làm ngay văn bản kiện Báo.Chú nổi nóng dần cho tôi một trận nhưng lại thản nhiên giao cho tôi xử lý. Khi tôi viết bài đính chính báo vừa ra, hôm sau Sở Y tế đã phải đình chỉ cơ sở của ông Sỹ. Khi tôi báo tìn này cho chú.Chú nhìn tôi rồi tủm tỉm cười nói: mày gặp may đó! Đối với Tổng biên tập khác việc tôi làm hẳn đã khiến tôi bị Kỹ luật, thậm chí mất việc mà chưa kịp nhìn thấy hiệu quả của nó. và chỉ có chú mới có thể chấp nhận cái" kiểu làm báo" của tôi. Trong vụ ông Huỳnh Thúc sỹ có sự bao che hết sức rõ ràng từ phía Sở y tế. việc hành nghề sai sót của ông đã được Bệnh viện đa khoa tỉnh đúc kết và kết luận khá rất rõ : 4 trường hợp tử vong và 27 trường hợp bệnh nhân phải cưa tay, cưa chân,để lại di chứng do nhiễm trùng huyết gây ra từ việc nắn bó gãy xương của ông Sỹ. Dù báo chí địa phương, trung ương đã công khai nhưng cơ sở của ông vẫn thản nhiên hoạt động thu lợi.Tôi đã đưa một tin ngắn là Sở y tế tiếp tục cấp giấy phép hành nghề cho cơ sỡ ông Sỹ trong đợt xét cấp phép mới. Sở y tế đã làm văn bản khẳng định sự " bịa đặt" của Báo và cũng tự khẳng định CƠ SỞ CỦA ÔNG SỸ HIỆN ĐANG HOẠT ĐỘNG KHÔNG GIẤY PHÉP HÀNH NGHÊ. Hẳn nhiên, Sở y tế phải đóng cửa từ bài viết đính chính xin lỗi của tôi.Có lẽ, đúng như chú nói Tôi cũng gặp may và cái gặp may đó có phần được là nhờ NIỀM TIN của chú đặt vào Phóng viên
Một lần, tôi viết một truyện ngắn Pho Tượng Vọng Phu nhiều tầng nghĩa. Khi báo ra, thấy tôi đọc lại truyện, chú bảo : " Mày viết gì mà tao đọc không hiểu lắm". Tôi đùa: Vậy sao chú duyệt đăng. Chú cười nói : mày thì tao không tin lắm nhưng tao tin con Hương.( Lúc đó chị Thu Hương phụ trách biên tập văn hóa văn nghệ).Tôi giải thích, tôi lắng nghe và gật gù; ừ, để tao đọc lại lần nữa.
Lúc trà dư tửu hậu, chú không ngại phải thừa nhận yếu kém của mình. Chú bảo, bây giờ thì " thời bây giờ có thể kiến thức tao không bằng tụi bây...". Đó là lời thật lòng nhưng nếu may mắn đọc được luận văn tốt nghiệp cao cấp chính trị của chú với đề tài "Đổi mới Báo chí" hẳn sẽ phải cúi đầu kính nể tầm hiểu biết sâu rộng của chú. Chú chẳng giấu diếm việc chú chỉ học văn hóa đến lớp 9.
Ngày nhỏ nhà nghèo vừa đi học, vừa bán bánh cam. một hôm bị một thằng lính ngụy ăn bánh cam không trả tiền còn đá đít. Vậy là chú vào rừng, tham gia Mặt trận giải phóng miền nam Việt nam. Chú dân An Hòa- Trảng bàng, một trong cái nôi Cách mạng miền nam.
Cái thời " đổi mới báo chí" đi qua nhanh chóng,Đảng có chủ trương sắp xếp , ổn định và thắt chặt sự quản lý đối với báo chí, hàng loạt tổng biên tập các báo bị kỷ luật, thuyên chuyển, tôi nhận ra mình không thể làm báo được nữa.Nhiều vụ tiêu cực được báo chí phanh phui gần như là bị nhấn chìm. Chú đã cố tìm mọi cách động viên anh em phóng viên chúng tôi tiếp tục chống tiêu cực nhưng rõ là cái hào khí ngày nào đã tắt. Lắm lúc, ngồi với chúng tôi, chú nhắc nhở : BÁO CHÍ KHÔNG ĐẤU TRANH THÌ ĐÂU CÒN LÀ BÁO CHÍ.
Luận văn của chú thể hiện rất rõ tiêu chí làm báo của chú : ĐẤU TRANH CHO CÔNG BẰNG VÀ BÁC ÁI. Điều đó, cũng giải thích vì sao hơn 10 năm, chi bộ Đảng báo Tây ninh không hề phát triển thêm Đảng viên và được mọi người gọi đùa là " Chi bộ đực".
Rất nhiều và rất nhiều điều chú đã để lại trong lòng những anh chị em làm báo, trong phạm vi bài viết này tôi chỉ đề cập đến những sự liên liên quan trực tiếp với bản thân tôi và chú. Với tôi, quãng thời gian mười mấy năm làm việc với Chú là quãng đời tôi cảm thấy được sống có ý nghĩa nhất và tôi tin những đồng nghiệp của tôi hẳn cũng vậy.
Chú đã cho chúng tôi cái dũng khí làm báo, cái dũng khí làm người và đó cũng là chữ DŨNG CỦA THÁNH NHÂN vậy. chú đã đem lại chúng tôi quyền được tự hào về nghề nghiệp của mình và bản thân chú cũng đã không dấu niềm tự hào với đội ngũ phóng viên của chú. Một lần, trong lúc trò chuyện với anh Sáu Tiến- chủ tịch UBND tỉnh bấy giờ, chú nửa đùa nửa thật bảo ; LÀM CHỦ TỊCH NHƯ MẤY ANH THÌ LÍNH TUI ĐƯA NÀO LÀM CHẢ ĐƯỢC.
Chú là vậy, không ngại nói thẳng, nói thật .
Tôi nghỉ được năm, thì chú cũng được đề nghị hưu sớm một năm. Rồi qua làm chủ tịch Hội nhà báo. Tôi hoàn toàn bỏ hẳn nghề làm báo, chuyển sang kinh doanh. Có dịp, chú lại gọi chúng tôi về nhà chú nhậu. Tuy tôi không còn tham gia làm báo, nhưng thỉnh thoảng chú vẫn vào thăm tôi.
Chú bị tai nạn giao thông và mất. Sáng hôm đó, chú ghé Anh Đức ( tiệm điện Ánh Sáng) mua vài vật dụng đồ điện rồi rũ anh Đức vào chỗ tôi nhậu. Anh Đức lu bu bán hàng, chú ngồi chờ không được nên về. Trên đường về chú đã bị tai nạn.
Ngày giỗ chú đúng vào ngày giỗ Tổ Hùng Vương nhưng bao năm nay tôi chưa bao giờ về đám giỗ chú. Với tôi, chú vẫn sống. Chẳng qua, chú đã đi chơi xa mà thôi.
Tôi không dùng chữ "TƯỞNG NHỚ" làm tiêu đề bài viết này là vậy. TỔNG BIÊ N TẬP BÁO NGUYỄN ĐỨC TÂM- MỘT NGƯỜI ĐÃ SỐNG VÀ LÀM VIỆC ĐÚNG NHƯ BÚT DANH CỦA MÌNH
Tôi kể lại những điều này, không phải là để ca ngợi chú bởi với chú điều đó thật vô nghĩa. Tôi chỉ hy vọng rằng những người còn làm báo ở Tây ninh hiện nay đọc và suy ngẫm, rút ra được một vài điều bổ ích cho cái "NGHỀ LÀM BÁO",
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét