Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016

Liệu Nguyễn Huy Thiệp có khớp với nhãn hậu hiện đại





. PETER ZINOMAN

Tiểu luận Declassifying Nguyen Huy Thiep (Giải mật Nguyễn Huy Thiệp) của Peter Zinoman có thể coi là một trong những phản ứng nhanh sớm và kĩ lưỡng của độc giả phương Tây, đặc biệt là độc giả hàn lâm, với văn chương Nguyễn Huy Thiệp khi vừa mới được dịch ra tiếng Anh (1992). Trong tiểu luận này, Peter Zinoman đề xuất một cách đọc lại Nguyễn Huy Thiệp, khác với cách đọc cho rằng văn chương Nguyễn Huy Thiệp là biểu hiện của chủ nghĩa hậu hiện đại. Theo đó, ông chỉ ra những nguồn ảnh hưởng sáng tác (truyền thống tự sự Việt Nam và văn học cổ điển Nga, Pháp thế kỉ XIX), các tác nhân văn hóa - chính trị từ Đổi mới đến nhãn quan Nguyễn Huy Thiệp khiến ông khó lòng khớp với chủ nghĩa hậu hiện đại. Ông cũng chỉ ra các thủ pháp văn chương vẫn được các nhà phê bình coi là hậu hiện đại của Nguyễn Huy Thiệp có thể càng làm mờ các lớp nghĩa được ẩn giấu trong tác phẩm. Từ đó, Zinoman đưa ra các khám phá riêng của mình.
Chúng tôi xin giới thiệu một phần tiểu luận Declassifying Nguyen Huy Thiep. Các đoạn lược bỏ được để trong dấu (…), một số chú thích của tác giả, nếu thuần túy là thông tin, sẽ không dùng lại. Tiêu đề bài là của người dịch.


Năm 1989, sử gia G. Lockhart cho đăng bản tóm lược tiểu luận tiếng Việt trên tạp chí Văn học tiêu đề “Tại sao tôi dịch truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ra tiếng Anh”. Ở bài này, Lockhart đặt việc cải dạng triệt để hình thức truyện ngắn Việt Nam của Nguyễn Huy Thiệp trong liên hệ với các dự phóng văn chương của các nhà văn G.G. Márquez, R. Kapuschinsky, M. Duras, và nhà sử học J. Spence. “Những gì chúng ta có ở đây”, Lockhart đã rất cởi mở, “là một hiện tượng văn chương mà chúng ta gọi chủ nghĩa hậu hiện đại”(1).

Trước đó một tháng, nhà phê bình Lê Xuân Giang, cũng trên tạp chí Văn học, đã xếp Nguyễn Huy Thiệp vào nhãn hiệu postmodern (hậu hiện đại), chỉ ra biểu hiện của việc sử dụng phúng dụ (allegory) trong các truyện ngắn đặc sắc Kiếm sắc (Sharp Sword), Vàng lửa (Fired Gold) và Phẩm tiết (Chastity)(2). Năm 1992, khi ảnh hưởng của tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp tỏa rộng trong cộng đồng người Việt ở Mĩ, nhà sử học Hồ Tài Huệ Tâm, trong một tiểu luận về truyện lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp, đã cho rằng sức mạnh tác phẩm “bắt nguồn từ một kết hợp khác thường về cảm thức hiện sinh” và “kĩ thuật văn chương hậu hiện đại”(3). Trên tạp chí Hợp lưu ở California, nhà nghiên cứu Đào Trung Đạo cũng cho đăng bài phân tích về những tranh luận Nguyễn Huy Thiệp và nêu lên vài vấn đề phê bình nhằm lấy cớ liên hệ giữa Thiệp, Lyotard, Eco, Kundera và Rushdie(4).

Vậy điều đặc biệt nào đã nảy sinh nhất trí đặt Nguyễn Huy Thiệp vào nhóm “hậu hiện đại” vốn là thứ vẫn tồn tại bất đồng căn bản trong việc làm sao cho khớp nhãn hiệu. Ở các trường hợp được trích dẫn ở trên, sự khác hướng có lẽ xuất phát từ những khác biệt rất lớn về nền tảng văn hóa xã hội và truyền thống học thuật trong việc đánh giá tác phẩm. Tuy nhiên, còn một lí do khác nữa nằm trong sự không rõ ràng về khái niệm chủ nghĩa hậu hiện đại: chủ nghĩa hậu hiện đại, như dâm thư, dễ nhận ra hơn là định nghĩa.
(…) Tiểu luận này, do đó, cố gắng chỉ ra những điểm nhấn trong các bàn luận tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp, theo hướng tránh xa những mô tả ông ở vị thế đoạn cuối của văn chương tiền phong thế giới, để tiếp cận gần hơn những hình dung điều gì đã đẩy ông vào đỉnh điểm bất đồng trí thức trong xã hội Việt Nam đương đại.

Nguyễn Huy Thiệp và chủ nghĩa hậu hiện đại

(…) Đặc tính của văn xuôi hậu hiện đại có thiên hướng làm cho bản thân quá trình viết trở nên vừa sáng rõ vừa mơ hồ, và điều này là điểm sáng tạo nổi bật trong nhiều truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp(5). Chẳng hạn, ở Vàng lửa, truyện thứ hai trong bộ ba giả lịch sử, người kể chuyện - tác giả biết ơn vì đã nhận được một số tài liệu từ người đọc có tên là Quách Ngọc Minh, chứng cứ để phủ nhận tính chính xác của truyện đầu tiên (Kiếm sắc) và làm sáng tỏ nội dung của truyện đang viết. “Tôi đã lên thăm gia đình ông Quách Ngọc Minh”, người kể chuyện giải thích. “Những tư liệu cổ mà ông Quách Ngọc Minh gìn giữ thật độc đáo. Về Hà Nội, tôi viết truyện ngắn này. Khi viết, tôi có tự ý thay đổi một vài chi tiết phụ và sắp xếp, chỉnh lí lại các tư liệu để hợp với việc kể chuyện”. Bằng việc tỏ ra hàm ơn vay chuyện “các tư liệu” trong khi vẫn “sửa đổi”, “sắp xếp” và “chỉnh lí” chúng, Nguyễn Huy Thiệp vừa làm sáng rõ vừa làm cho lộn xộn cái cách mà ông tạo phát văn bản chúng ta đang đọc. Cùng một phong cách như thế, người kể chuyện của Kiếm sắc đã bất ngờ kết thúc bằng chỉ dẫn lờ mờ và nguồn tư liệu mà anh ta khẳng định đã cho phép anh sáng tạo ra câu chuyện.

(…) Cảm giác không chắc chắn về “sự thật câu chuyện” thể hiện trong đoạn kết truyện Cún, một minh chứng đặc điểm khác cũng được cho là hậu hiện đại, sẽ còn có trong nhiều truyện Nguyễn Huy Thiệp. (…) Nhiều truyện Nguyễn Huy Thiệp gợi lên một bản thể bất định. Trường hợp gây ấn tượng nhất xuất hiện trong đoạn kết truyện Kiếm sắc, với một mô tả huyền hoặc về chi tiết chém đầu trung thần Đặng Phú Lân (chất lỏng như máu phun ra từ cơ thể), lại xảy ra sau mô tả hoàn toàn đáng tin về cuộc bỏ trốn thành công của Lân tránh tội hình và lẩn vào làng quê vùng cao. Truyện kết thúc mà không gắng thử hòa giải hai kết quả trái ngược hay những đời sống khác nhau mà chúng đưa ra.

(…) Giới phê bình nhạy cảm với những quy ước văn chương hậu hiện đại phong phú sẽ chú tâm nhận biết các yếu tố quen thuộc khác nữa trong truyện Nguyễn Huy Thiệp. Trò chơi trộn lẫn những chỉ dấu văn hóa bậc cao và thấp được Nguyễn Huy Thiệp thể hiện rành rành trong lời nói phỉ báng, dâm tục đi kèm với vị vua Quang Trung cao quý thế kỉ XVIII ở Phẩm tiết, có khi lại bóng gió đưa Abba và Beatles vào trong Tướng về hưu. Một thứ văn chương hậu hiện đại “tự-phản thân” (xu hướng viết về sự viết) có thể tìm thấy trong lời của thầy giáo Triệu “Tôi thấy buồn vì văn học của ta ít giá trị thật. Nó thiếu tín và thẩm mĩ ngưỡng thực” (Những bài học nông thôn), trong bình luận của tướng Thuấn “Văn chương nghệ thuật bây giờ đọc rất khó vào”, và trong thú nhận của người kể chuyện ở truyện Cún rằng không hiểu mấy về các lí luận văn học(6).

(…) Phần trên đã nhìn lại một số tu từ pháp hậu hiện đại trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Tuy nhiên, những cách đọc như vậy có thể khó hiểu hơn là tác phẩm bộc lộ. Phần dưới đây, bài viết làm rõ những gì tôi tin là các vấn đề nổi bật trong cách đọc hậu hiện đại và đồng thời đưa ra một số khả thể giải thích có tính thay thế khác.

Nguyễn Huy Thiệp và gánh nặng của lịch sử văn chương Việt Nam
(…) Có hai truyền thống tự sự riêng biệt ngự trị văn chương Việt Nam. Thứ nhất, là dạng truyền kì với các truyện kể dân gian hoang đường, huyền hoặc, nơi nhân vật lịch sử “có thật” được trộn lẫn với siêu nhiên tồn tại trong thế giới thần linh. Loại thứ hai, truyện thơ, là phiên bản trữ tình của người Việt lấy từ văn xuôi Trung Quốc. Vùng thoát khỏi chữ Hán hay còn được biết đến là văn tự Nôm bản địa (cả hai đều không có nhiều người có thể đọc), những truyện kể Nôm được xây dựng trong hình thức thơ ca tự nó dễ dàng truyền miệng và sinh sôi. Những tuyệt tác văn học cổ điển Việt Nam như Truyện Kiều và Lục Vân Tiên là ví dụ của hình thức này.

(…) Suốt những năm giữa hai cuộc Thế chiến, khi những bậc thầy hiện đại chủ nghĩa như J. Joyce, Mallarmé, E. Pound đang văng ra khỏi quỹ đạo tìm biết của châu Âu, thì hai trào lưu văn học ảnh hưởng nhất xuất hiện ở Việt Nam là phong trào Thơ mới và Tự lực văn đoàn, rõ ràng, đều hình thành bởi mĩ cảm mơ mộng và u sầu từ chủ nghĩa lãng mạn Pháp. Được viết và đọc bởi giới trẻ, rồi mở rộng ra tầng lớp trung lưu đô thị, kiểu thơ văn này biểu lộ mối bận tâm gần như ám ảnh những quan niệm của giai tầng tư sản về ái tình lãng mạn, cảm thức cái tôi và tự do cá nhân. Theo N. Jamieson, những nhà Thơ mới như Huy Cận, Xuân Diệu hay Chế Lan Viên hầu như đều lờ đi những vấn đề chính trị - xã hội, chọn “thám hiểm không gian tinh thần hơn là xã hội”(7). Trong khi đó, các nhà văn Tự lực văn đoàn như Nhất Linh, Khái Hưng hay Hoàng Đạo lại quẳng ra những nhà cải cách, phê phán chống lại những thiết chế xã hội và truyền thống gia đình cổ hủ, chẳng hạn như hôn nhân sắp đặt, và những di chứng đó trở thành điểm bất hòa đối với tầng lớp học thức và có tư kiến. Ngay cả Thạch Lam, với thứ văn chương cúi xuống tâm điểm đời sống dưới đáy, dường như cũng ra vẻ bề trên trong cái nhìn ngày nay.

(…) Nhận thức về giới hạn chí tử của văn học hiện đại ở Nguyễn Huy Thiệp có thể nhặt nhạnh được từ những trích dẫn mà ông đưa vào trong các tác phẩm cụ thể cũng như trong bốn tiểu luận được ông đăng từ 1988 đến 1992 đi kèm với những trải nghiệm và luận điểm của mình với tư cách nhà văn(8). Trong khi Nguyễn Huy Thiệp phải tham bác hầu hết các tác gia lớn của văn học Việt Nam cho việc viết văn của mình (Trần Tế Xương, Lê Quý Đôn, Phan Bội Châu, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Trãi, Ngô Thì Nhậm) thì đồng thời ông cũng tìm xem các nhà văn châu Âu là Stendhal, Balzac, Maupassant, Flaubert, Gogol, Pushkin, Dostoevsky, Gorki, Goethe, Tolstoy, Hugo, Diderot, Camus và Sartre. Trừ ngoại lệ là hai nhà văn sau cùng của chủ nghĩa hiện sinh Pháp, tri nền của Nguyễn Huy Thiệp về văn học phương Tây dường như đậm chắc hơn ở văn học Pháp, Nga thế kỉ XIX.

(…) Cho tới đây, bối cảnh mà bài viết phác thảo hầu như không thể duy trì luận điểm rằng tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp là sự phá vỡ hay sâu sắc thêm đối với chủ nghĩa hiện đại Việt Nam bản địa, hoặc đối với dăm ba hạng tác gia hiện đại (hậu hiện đại) từ lâu được “nhập nội”. Điều này quay trở lại xói mòn những nỗ lực phân loại tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp như là hậu hiện đại. Tôi thấy nhiều gợi mở hơn từ việc nối tiếp những nhà phê bình Việt Nam đọc Thiệp, và đọc tác phẩm của ông trong mối liên hệ, một mặt với phong cách và quy thức của lịch sử văn học Việt Nam tiền thực dân và mặt khác, với nét chủ đạo của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa miền Bắc. (…) Cách thức khác thường của Nguyễn Huy Thiệp là đưa truyện mình gài vào nhật kí, thư tịch, và tài liệu có tính chất lịch sử, rồi tinh quái hàm ơn việc được xáo trộn nó.

(…) Tâm thế của một nhà sử học hiện rõ trong sự chú tâm tỉ mỉ của Nguyễn Huy Thiệp dành cho ngày tháng, địa danh, và những nhân vật lịch sử danh tiếng vốn được đưa vào chủ yếu hoặc một phần trong các truyện Vàng lửa, Phẩm tiết, Kiếm sắc và Nguyễn Thị Lộ. Nếu những truyện này cho thấy Nguyễn Huy Thiệp đã nhìn lại những vấn đề lớn của lịch sử chính trị Việt Nam, thì những truyện khác, như Giọt máu, vốn mô tả sự lưu chuyển lợi tức và đạo đức của một gia đình nhiều thế hệ, lại cho thấy Nguyễn Huy Thiệp gần như là sử gia xã hội. Một lần nữa, trái ngược nhau, khi Nguyễn Huy Thiệp, nhà sử học, người định giá xã hội Việt Nam đương thời thông qua giải thích lại cái nhìn quá khứ, Lỗ Tấn lại là một thầy thuốc chẩn đoán bệnh trạng xã hội Trung Hoa trong những ẩn dụ thuốc men dứt khoát.

(…) Cảm giác cô đơn, tuyệt vọng vây bủa truyện Nguyễn Huy Thiệp là trọng âm trong những trò chuyện giữa nhân vật này với nhân vật khác, và thực sự, dường như để thể hiện một giọng điệu phổ quát hơn về cõi hiện tồn bi quan. Ở Vàng lửa: “Chúng ta sống vô nghĩa, nghèo khó và đau khổ trong những lí thuyết chắp vá đầy ngụy biện; những mối bất hòa kì thị dân tộc và đẳng cấp; những kinh nghiệm sống của chúng ta mong manh và vụn vặt xiết bao. Đến bao giờ, hỏi đến bao giờ, trên mặt đất này xuất hiện tiến bộ?”. Trong Chảy đi sông ơi: “Con người ta tăm tối lắm. Con người vô tâm nhiều như bụi bặm trên đường. Tôi muốn gào lên chua xót. Tôi bỗng nhiên thấy cuộc sống hiện giờ của tôi vô nghĩa xiết bao”. Trong Những bài học nông thôn: “Tôi nhận ra thế giới bao la vô cùng vô tận, bản thân tôi, sự sống và ngay cái chết đều là bé nhỏ và không có ý nghĩa gì”. Trong khi những câu này có thể đứng cùng hàng với kiểu hậu hiện đại “vô can”, “thản nhiên”, thì độc giả Việt Nam đọc Nguyễn Huy Thiệp lại cảm thấy rõ giọng điệu của chúng, sự u buồn lệch hướng đáng chào đón, khác hẳn thứ lạc quan chủ nghĩa ép buộc trong các tác phẩm được quan phương thừa nhận.

(…) Điều đáng chú ý cuối cùng khi Nguyễn Huy Thiệp vi phạm các quy tắc văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa là ở chỗ, ông chối từ việc xếp loại một cách máy móc hồ sơ tính cách các nhân vật của mình với thứ bậc giai cấp nào đó. Những người nông dân, thợ thầy, đám chài lưới của ông không đứng đắn cũng chẳng lao động hăng say gì; những thành viên đoàn thể cũng không sáng láng hay quá đức hạnh; còn thói mua chuộc của đám giàu có chỉ gây ấn tượng rằng nó chẳng qua cũng lan tràn khắp nơi ngoài xã hội. Tương tự như thế, cái nhìn xét lại của Nguyễn Huy Thiệp về các nhân vật lịch sử như Gia Long, Quang Trung, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Du và Nguyễn Trãi phá vỡ danh tiếng quan phương của họ và ngầm nhắm vào những giá trị bất khả nghi ngờ trước đây trong lịch sử Việt Nam(9).

Nguyễn Huy Thiệp và tính chất hậu hiện đại
(…) Một trong những cánh cửa rọi vào môi trường văn hóa kinh doanh của miền Bắc đương thời là chuỗi điều tra trên diện rộng được định hướng bởi nhà nhân học Lương Văn Hy tiến hành ở nhiều làng Bắc Bộ từ 1987 đến 1991. Kết quả của ông cho thấy những cải cách kinh tế của Đảng đã kích hoạt căn bản sự “cải biến về mặt văn hóa xã hội” mà biểu hiện là sự “tăng mạnh các thực hành nghi lễ”(10) ở nhiều làng quê. Ông chỉ ra sự tái sinh một cách mới mẻ các nghi lễ làng xã rất mực lề lối và thống nhất, bao hàm cả sự gia tăng đáng chú ý những phí tổn trong cưới xin, tang ma, cúng giỗ. Những phong tục đó từng bị nhà nước gạt bỏ vì quá lãng phí hoặc “phá vỡ tính thống nhất cộng đồng”, từng bị ngăn cấm theo định kì, chẳng hạn như giết trâu mổ lợn, yến tiệc hội hè, quà cáp đi lại, nay được phát sinh trở lại và tăng mạnh thêm(11). Lương Văn Hy cho rằng hiện tượng này như là một “phục hồi có chọn lọc truyền thống trước 1945”(12). Trong khi những kết luận của Lương Văn Hy có thể không cho phép diễn dịch toàn diện bối cảnh kinh tế xã hội Việt Nam đương đại, chúng thực sự vẫn giúp giải thích mối bận tâm chế giễu của Nguyễn Huy Thiệp đối với sự trương phình rõ rệt của thứ văn hóa ăn uống trong đời sống Việt Nam.

(…) Những tóm lược đầy mỉa mai của Nguyễn Huy Thiệp về chuyện cưới hỏi, ma chay, tết nhất và những sự kiện đặc biệt do gia đình bày biện và diễn trong Tướng về hưu cho thấy một sự dồn đuổi để chiếm lĩnh và phê phán thứ văn hóa tân thời của tầng lớp trung lưu mới nổi ở miền Bắc. Mặc dù những nghi thức mà nhà văn mô tả có thể được truy lần theo vết tích truyền thống Việt Nam (…), nhưng những biểu hiện lúc này của nó lại bị lật tẩy trong các thứ tiện nghi lòe loẹt, vô vị, vô vọng, trong cõi tinh thần trống rỗng, hay thứ sách báo ướt át. Trái ngược với Lương Văn Hy nhận định về sự tái diễn có tính “chọn lọc” các đặc trưng văn hóa, Nguyễn Huy Thiệp lại ta thán tình trạng suy đồi toàn diện và sự trương phình chủ nghĩa vật chất của văn hóa đương thời.

(…) Về cơ bản, con người bản năng, thú tính theo thuyết Darwin và việc tô đậm tính chất này trong quá trình thâm nhiễm chủ nghĩa tư bản trên miền Bắc bấy giờ được tái lặp như là những chủ đề quan trọng trong tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp. Ông đã triển khai chủ đề này ở truyệnCún. (…) Trong Muối của rừng, thậm chí Nguyễn Huy Thiệp còn làm mờ nhòe ranh giới giữa người và thú. Trong truyện, ông Diểu, một thợ săn đã lần theo đàn khỉ ở rừng sâu, quan sát những mối quan hệ phức tạp của gia đình khỉ này, những nghi thức chia thức ăn và tắm táp rất bầy đàn, trái ngược với tình thế đơn độc của ông. Ông Diểu bắn con khỉ đực từ trên chỏm núi cao, cởi quần áo ngoài leo lên để đưa nó xuống. Nhưng lúc ấy, ông bỗng thương hại và cởi chiếc quần lót đang mặc băng bó vết thương của con khỉ. Câu chuyện dừng lại với hình ảnh cuối cùng về ông Diểu, hoàn toàn trần truồng, vác con khỉ bị thương xuyên rừng, đến mức không sao phân biệt được thật rõ ràng những điểm riêng giữa ông Diểu và bầy khỉ trần trụi mà ông vừa săn đuổi.

(…) Theo ý kiến của tôi, việc ứng dụng lí thuyết hậu hiện đại vào địa văn hóa Việt Nam có nhiều nguy hiểm, và trong thực tế, những điểm lờ mờ của nó mới dừng lại ở nét mới mẻ và thú vị trong một hiện tượng văn chương khác thường. Vì tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp bây giờ mới lần đầu được chuyển ngữ sang tiếng Pháp, tiếng Anh, sẽ có nhiều cơ hội cho độc giả nước ngoài đọc và diễn dịch. Điều cốt yếu phê bình lúc này, quan trọng là không bỏ mặc những điều kiện riêng biệt và cụ thể đã hình thành nên và thấm đẫm trong cái viết của Nguyễn Huy Thiệp




MAI ANH TUẤN dịch

(Nguồn: Peter Zinoman,
“Declassifying Nguyễn Huy Thiệp”,
Positions: East Asia Cultures Critique 2: 2 (Fall), p. 294-317)



-------

1. Greg Lockhart, “Tại sao tôi dịch truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ra tiếng Anh”, Tạp chí Văn học 3 (1989): 51.
2. Lê Xuân Giang, “Nhà văn đối thoại - Phong cách phúng dụ”, Tạp chí Văn học 2 (1989): 79-83.
3. Hồ Tài Huệ Tâm, “A Postmodern Critique of History and Literature in Vietnam: The Fiction of Nguyen Huy Thiep” (6/1992), 2.
4. Đào Trung Đạo, “Một vài vấn đề phê bình văn chương từ những tranh luận về Nguyễn Huy Thiệp”, Hợp lưu 4 (1992): 130-146


5. Phân tích về đặc trưng này, xem Linda Hutcheon, The Polictics of Postmodernism (London: Routledge, 1989), chương 2.
6. Một bàn luận về văn chương tự-phản thân, xem Hite, “Postmodern Fiction”. Ba kĩ thuật “phá vỡ khuôn” (“frame-breaking”, thuật ngữ của Hite) của hậu hiện đại đáng chú ý có thể thấy trong truyện Nguyễn Huy Thiệp là: ba cái kết riêng biệt khác nhau trong Vàng lửa; dùng các chú dẫn thơ ca kinh viện để phá vỡ thể loại trong Nguyễn Thị Lộ; hòa trộn những nhân vật có thật và hư cấu trong các truyện lịch sử và trong vở kịch Còn lại tình yêu .
7. Jamesion, “Shattered Identities and Contested Images: Reflections of Poetry and History in Twetieth-Century Vietnam”, Crossroads: An Interdisciplinary Journal of Southeast Asian Studies7 (1992): 84.
8. Xem “Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn”, Sông Hương (4/1990): 57-61; “Một góc sơ suất trong thế giới nội tâm nhà văn”, Sông Hương (3/1990): 125-132; “Nhà văn và bốn trùm Mafia”, Sông Hương s.3, (4/1991): 41-45; “Con đường văn học”, Cửa Việt, s.13 (4/1992): 68-71.
9. Liên quan đến những mô tả này, xem Hồ Tài Huệ Tâm “Postmodernism Critique”, Taylor, “Locating the Boundaries”; và Zinoman, “Nguyen Huy Thiep’s Vang Lua”; Cũng có thể xem K.C.Nguyen, “Left to Write”, FEER (17/8/1989).
10. Lương Văn Hy, “Economic Reform and the Intensification of Rituals in Two Northern Vietnamese Villages, 1980-1990”, trong The Challenge of Reform in Indo-China, Borje Ljunggren và Peter Timmer biên tập (Cambridge, Mass: Harvard Institure for International Development, 1993), 259-291.
11. Lương Văn Hy, Tlđd, 270-284.
12. Lương Văn Hy, Tlđd, 270.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét