Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2016

Thảm họa môi trường miền Trung và câu hỏi về một số Quy chuẩn VN



  FB Phạm Hồng Phong


Đọc thêm: http://petrotimes.vn/vi-sao-thang-42016-lai-co-nhieu-vu-ca-chet-hang-loat-tren-the-gioi-414366.html
.
Những ngày qua, cả nước lên đồng vì cá chết ở miền trung với nhiều suy đoán, thuyết âm mưu và cả “thủy triều đỏ” định hướng.

Hầu như không có báo nào khai thác theo hướng các quy chuẩn và quy định Việt Nam mà Bộ Tài nguyên áp dụng cho việc cấp phép xả thải cho Formosa. Và chưa ai đặt câu hỏi Quy chuẩn đó liệu có… chuẩn hay không và dựa trên cơ sở nào.

Có 2 Quy chuẩn Việt Nam dụng để áp dụng cho trường hợp xả thải của Fomosa:
1- Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước biển: QCVN 10-MT: 2015/BTNMT ban hành năm 2015 thay thế Quy chuẩn QCVN 10-MT: 2008/BTNMT



Giá trị giới hạn của các thông số chất lượng nước biển. QCVN 10-MT:2015/BTNMT
2- Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp sản xuất thép: QCVN 52: 2013/BTNMT ban hành năm 2013




Giấy phép xả thải 3215/GP-BTNMT của Bộ Tài nguyên và môi trường cấp cho Formosa do Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai ký ngày 11-12-2015 dựa trên Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp sản xuất thép: QCVN 52: 2013/BTNMT ban hành năm 2013.

Theo giấy phép này, nước thải công nghiệp sau xử lý được phép xả ra môi trường tiếp nhận, (trường hợp Formosa là biển ven bờ vịnh Sơn Dương, xã Kỳ Phương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và các thông số giới hạn nồng độ chất ô nhiễm (của nước sau xử lý) được tính toán dựa trên Quy chuẩn QCVN 52: 2013/BTNMT như sau:
Cmax = C x Kq x Kf
Cmax là nồng độ tối đa cho phép,
C là giá trị thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp theo cột B (khi xả vào nguồn nước không dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt) bảng dưới:


Kq là hệ số nguồn tiếp nhận nước thải, trường hợp này là vịnh Sơn Dương và Bộ TNMT đã sử dụng 1,3 cho vùng nước biển ven bờ không dùng cho mục đích bảo vệ thủy sinh, thể thao và giải trí dưới nước.
Kf là hệ số lưu lượng nguồn thải. Trong giấy phép Bộ Tài nguyên và môi trường cấp cho Formosa đã sử dụng hệ số Kf là 0,9 tương đương với lưu lượng F >5.000 m3/ngày đêm (trị số lưu lượng lớn nhất trong bảng phía dưới vì không có trị số nào lớn hơn) để tính toán các giá trị thông số giới hạn nồng độ chất ô nhiễm được phép xả ra nguồn thải (vịnh Sơn Dương).



Bảng hệ số Kf sử dụng để tính toán giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp sản xuất thép. QCVN52:2013/BTNMT
Formosa là một Đại dự án, với quy mô xả thải đăng ký để cấp phép lên tới 45.000m3/ngày đêm, nó đương nhiên là giá trị >5000m3/ngày đêm theo quy chuẩn, nhưng gấp tới 9 lần.
Kết quả tính toán cho giấy phép xả thải Formosa đã được cấp, cụ thể là: Nhiệt độ nước xả thải < 40 độ C; độ pH trong khoảng 5,5-9; Chất rắn lơ lửng: 117mg/l; Tổng dầu mỡ khoảng 11,7mg/l; Tổng phenol: 0,585mg/l; Tổng xyanua: 0,585mg/l; Ni tơ: 70,2mg/l; Thủy ngân: 0,0117mg/l.

Công suất xả thải tối đa được phép: 45,000m3/ngày đêm.
Như vậy, theo Giấy phép xả thải và quy chuẩn QCVN 52: 2013/BTNMT, nước sau khi xử lý có hàm lượng dưới các giới hạn nêu trên Formosa được phép xả thẳng ra biển.



Giấy phép xả thải của Formosa (Nguồn ảnh: Báo giao thông)
So sánh với Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước biển: QCVN 10-MT: 2015/BTNMT (ở trên) Quy định giá trị giới hạn các thông số chất lượng nước biển, áp dụng để đánh giá và kiểm soát chất lượng nước biển của các vùng biển, phục vụ mục đích thể thao, giải trí dưới nước, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường biển và các mục đích khác thì các thông số giới hạn như sau:



Bảng so sánh các giá trị giới hạn nước biển
Như vậy, theo tính toán thì Formosa được phép xả thải ra vịnh Sơn Dương với hàm lượng Xyanua cao gấp 58,5 lần giá trị giới hạn của nước biển theo Quy chuẩn QCVN 10-MT:2015/BTNMT. Ngoài ra các hàm lượng Cadimi, Crom 6+ được phép vượt quá 11,7 lần, Thủy ngân 2,34 lần, Tổng Phenol 19,5 lần, Tổng dầu mỡ khoáng 23,4 lần.

Và điều này hoàn toàn phù hợp với Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp sản xuất thép: QCVN 52: 2013/BTNMT

Nhưng với hàm lượng đó, nếu Formosa xả ra biển đúng quy định thì vẫn có thể gây chết hầu hết các loài thủy sinh xung quanh luồng nước thải (đã qua xử lý đạt tiêu chuẩn đúng quy định trên) đi qua. Vì lưu lượng 10-40.000m3/ngày đêm là rất lớn, xả thải liên tục, cục bộ, nước biển sẽ không kịp trung hòa hết được các chất gây ô nhiễm.

Trong các trả lời báo chí, Formosa đều khẳng định họ làm theo tất cả các quy định, quy chuẩn của Việt Nam. Và có vẻ họ đúng, “đồng chí” Chu Nhược Phàm đúng, nhưng đa số người dân Việt Nam đã không chấp nhận cái đúng đó. Vì mọi người thường nghĩ rằng nước đã qua xử lý, đúng quy định, quy chuẩn thì không thể chết tôm cá được. Nhưng theo QCVN 52: 2013/BTNMT để tính toán nước thải thì cá vẫn có thể chết, không tin các mời các nhà khoa học cứ làm thí nghiệm.

Theo báo Tuổi trẻ, sau khi có giấy phép xả thải trong Quý 1/2016, Fomorsa đã xả thải trên 931.830 m3 nước (đã qua xử lý) ra biển, bình quân 10.000m3/ngày đêm, nghĩa là Formosa mới chỉ xả thải chưa đến 1/4 công suất tối đa được phép (45.000m3/ngày đêm) và đó mới chỉ là giai đoạn khởi động, xúc rửa đường ống.

Nếu Formosa đi vào sản xuất thực sự và xả thải tới công suất được phép, có thể khẳng định thảm họa môi trường sẽ kéo dài đến Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu thậm chí đến Cà Mau. Dù họ hoàn toàn theo đúng các Quy định, Quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam.

Nếu dòng hải lưu biển Đông đổi chiều vào mùa hè thì Vịnh bắc Bộ cũng sẽ bị ảnh hưởng cá chết sẽ lan ra khắp 3,000km bờ biển. Đó sẽ thực sự là một thảm họa kinh hoàng.

Hiện tại, Formosa vẫn khẳng định không hề sai các quy định của Việt nam. Và điều này có vẻ họ đúng, họ bỏ tiền đầu tư 10 tỷ USD (đã giải ngân 98%), Tổng lượng thuế đóng cho Hà Tĩnh hơn 10 nghìn tỷ đồng trong khi chưa sản xuất ra 1 tấn thép thương phẩm nào. Trước khi đầu tư một dự án 10 tỷ USD, họ đã cân nhắc rất kỹ các yếu tố vị trí, cảng biển, các điều kiện, yêu cầu về môi trường cũng như các ưu đãi về thuế của chính quyền sở tại, đánh giá các mặt, mức độ rủi ro ảnh hưởng đến Dự án, thậm chí các khoản đếm đếm, bôi trơn khi bị bắt bẻ… Họ không dại gì làm sai một chút quy định để phải đóng cửa tổ hợp và mất đi khoản đầu tư khổng lồ đó cả.

Phải nói chân thành rằng Formosa đã làm thay đổi bộ mặt và cuộc sống của nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Tạo ra gần 40,000 công ăn việc làm. Theo số liệu công khai Dự toán thu chi của Bộ Tài chính, năm 2014, Tổng thu ngân sách của Hà Tĩnh là xấp xỉ 5.000 tỷ đồng, dự kiến năm 2016 là 10.615 tỷ đồng.
Trong tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, 50% đến từ Formosa. Tương lai không xa khi tổ hợp này đi vào hoạt động, Hà Tĩnh sẽ không cần hỗ trợ ngân sách từ TW, mà có thể đóng góp vào ngân sách TW như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng hay Bình Dương… Đó chính là những lợi ích mà Việt Nam có được.

Nói như vậy không phải để bênh vực Formosa, mà muốn nói rằng mọi việc phải dựa trên các quy định của luật pháp Việt Nam, cân nhắc các yếu tố thiệt hơn để có giải pháp chứ không phải chỉ đăng ảnh “Chúng tôi chọn biển, không chọn nhà máy” và kêu gọi tẩy chay để đẩy đuổi, đóng cửa một nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài, điều đó làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư của Việt Nam.

GIẢI PHÁP NÀO CHO VIỆT NAM VÀ FORMOSA.

Về phía Bộ Tài nguyên Môi trường, phải xem xét lại QCVN 52: 2013/BTNMT và giấy phép xả thải của Formosa, cũng như cân nhắc rà soát lại các Quy chuẩn, tiêu chuẩn về Môi trường đã ban hành liên quan đến các ngành công nghiệp. Một Quy chuẩn của con người đưa ra không thể coi là chuẩn nếu nó giết chết môi trường sống của con người. Trừ phi cơ sở khoa học khẳng định, phải theo quy chuẩn đó và chúng ta phải chọn được cái này thì phải mất cái kia như ông Phàm nói.

Về Chính phủ, và các địa phương cần xem xét lại, Chiến lược phát triển công nghiệp, cũng như chính sách thu hút các Dự án FDI. Việt Nam cần một nền kinh tế phát triển bền vững, các công nghệ thân thiện với thiên nhiên thay vì chạy theo các con số chỉ tiêu tăng trưởng cao nhưng phải trả giá về đất đai, môi trường và biển. Cần phải từ chối thẳng thừng những Dự án công nghệ lạc hậu, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỗi trường. Minh bạch các quy trình cấp phép, giám sát Dự án đầu để đảm bảo không có các thỏa thuận ngầm, hay tư túi, lợi ích nhóm (cái này hơi khó, có ông sẽ hỏi có giải pháp nào khác không? :v ).

Cá của ngư dân đã chết, Chính phủ chưa tìm ra nguyên nhân thì phải đánh giá thiệt hại và hỗ trợ khẩn cấp cho người dân để khôi phục sản xuất, quan trắc môi trường và khuyến cáo khi nào có thể sản xuất lại. Trong trường hợp cá chết do nước từ Formosa thải ra nhưng vẫn theo đúng các Quy định, luật pháp của Việt Nam thì lỗi là do Chính phủ, trước hay sau cũng đều là lỗi của Chính phủ. Khẳng định luôn, không nói nhiều. Còn nếu phát hiện lỗi ở Formosa thì khỏi bàn.

Về phía Formosa, dù các ban ngành chức năng vẫn đang “vật lộn” tìm nguyên nhân cá chết, ông Bộ trưởng bộ Môi Tài đã lên tiếng xin lỗi, nhận trách nhiệm, phải nói rất thành thật rằng các bạn biết rõ cá chết ven biển miền trung Việt Nam những ngày qua là do Thủy triều đỏ hay thủy triều xanh hay không.
Một thí dụ đơn giản nhất để biết nguyên nhân từ đâu, các bạn hãy cứ mở van xả thải như bình thường theo giấy phép Bộ Tài nguyên môi trường đã cấp, xem cá có tiếp tục chết không, báo chí có lên đồng nữa không là biết ngay.

Hiện tại, sự bình yên đã dần trở lại, biển đã trong xanh hơn, số cá chết giảm dần, nhưng không phải vì thế mà lòng người dân Việt Nam dịu bớt.

Dù thực hiện đúng theo tất cả các quy định hiện hành của Việt Nam, các bạn cần phải ngồi lại với Hà Tĩnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường để đưa ra một giải pháp có lợi cho cả hai bên, Tổ hợp thép Hưng Nghiệp Formosa vẫn hoạt động hiệu quả, và biển của Việt Nam không bị giết chết. Nếu biển Việt Nam bị bức tử, Tổ hợp của các bạn cũng sớm muộn đi theo, đó là điều chắc chắn.

Phần chi phí tăng thêm để xử lý nước thải triệt để hơn trước khi xả ra biển thì 2 bên cùng gánh, hoặc các bạn gánh cả cũng được, tùy khả năng thương lượng.

Về phía các nhà báo, các ký giả, ký thật đáng kính. Chúng tôi cần những thông tin sự thật, trung thực, khách quan, và khoa học, chứ không phải chạy theo các bài báo giật gân, câu view, hay định hướng, dắt mũi chúng tôi như trâu bò.

Về phía người dân Việt Nam, cố gắng xem thông tin đa chiều, nâng cao hiểu biết để biết chỗ nào đúng, chỗ nào sai, thay vì lên đồng và bị truyền thông giật giây, dắt mũi như những con rối.

Việt Nam vẫn là một góc nghèo của thế giới, vẫn cần những dự án đầu tư, tạo công ăn việc làm thay đổi bộ mặt đất nước, nâng cao thu nhập của người dân, chất lượng của cuộc sống và an sinh xã hội.

Vụ việc Formosa, tất cả phải dựa trên luật pháp, chứ không đấu tố vu vơ. Vụ biểu tình, đập phá các nhà máy, xí nghiệp có chữ Tàu năm 2014 (khi TQ hạ đặt giàn khoan ở Biển Đông) làm người nước ngoài nhìn Việt Nam như một thứ man rợ, mình đi đâu họ cũng hỏi tại sao chúng mày đập phá các nhà máy Singapore, Đài Loan, họ có phải là Trung Quốc đâu. Mình có cả đồng nghiệp Đài Loan và TQ, nhưng phải nói thật rằng họ rất khác biệt. Các đồng nghiệp Đài loan rất chừng mực và chuyên nghiệp, họ hầu như không nhận mình là người TQ, họ đều nói họ là Taiwanese thay vì Chinese.

Làm tổn hại môi trường đầu tư, chính là hại người dân Việt Nam, và hại chính chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét