" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016
Sự bất an của chữ
Hai mươi năm trước cái chinh phục tuyệt đối độc giả tuổi 18-20 là những truyện ngắn lãng mạn về tình yêu, những trang viết nhẹ nhàng và thấm thía về cái đẹp của những mối quan hệ nhẹ nhàng, nhiều độc giả còn giữ những mảnh báo cắt lại, đăng tản văn tôi viết về mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, mùa đông, mùa mưa, mùa gió, mùa thi, mùa Giáng Sinh.
Bây giờ tôi đàn bà hơn và đời hơn, tôi đánh mất phần lớn những độc giả thích những cái đẹp êm đềm óng ả mà tôi đã cần cù lượm họ suốt hơn chục năm viết truyện ngắn, chịu khó chinh phục các giải thưởng văn học, dự trại sáng tác viết văn, náu mình trong những tổ nhóm sáng tác.
Cái làm đàn bà gục ngã lại là đám đông và thị phi, là một câu nói bâng quơ, là một lời trêu ghẹo, một cái nhìn ác cảm, bị gọi là gái ế, chồng chê mất trinh v.v… – Ảnh: Thinkstock
Giờ đây mỗi mùa báo Tết, các thư ký tòa soạn lại nhớn nhác hỏi Trang Hạ có cái truyện ngắn nào không? Tôi thường mỉm cười và nói, tôi đã không hề viết văn từ biết bao năm nay rồi! Giờ tôi viết một thứ chỉ mang vỏ bọc văn chương mà thôi, còn cốt lõi hoàn toàn không dính chút gì tới văn chương cả. Tôi đâm ra sợ những người viết văn chỉ lăm lăm viết văn. Có biết vì sao không?
Suốt mười năm trời từ 1993-2003 tôi vẫn nghĩ rằng mình viết cho cả xã hội đọc. Cứ ai có tiền mua sách báo là đều có quyền được đọc hết, đều thành độc giả hết. Tôi có trách nhiệm phải viết văn, hư cấu, thêm cảm xúc, thành một món ăn đặt tên là truyện ngắn Trang Hạ. Tất nhiên tôi có một số giải thưởng văn học cho món truyện ngắn Trang Hạ.
Năm 2005 có một nhân vật báo chí của tôi quay lại xin tôi một lời khuyên. Đó là một người phụ nữ cụt tay, không bằng cấp, nghèo, thất nghiệp, người nhà quê, xấu, ế chồng. Chị ta nói chị ta không tìm được chỗ của mình trong xã hội. Người lành lặn còn thất nghiệp nữa là chị, ở quê người ta đàm tiếu về cánh tay cụt của chị, không ai muốn lấy chị, chị muốn bị người khác lợi dụng cũng chẳng ai thèm lợi dụng, đi ra giếng giặt quần áo bị hàng xóm nói móc vài câu, chị ấy nghẹn ngào ôm chậu quần áo về và khóc, muốn chết vì bế tắc và không có tương lai. Chị nói, chị được nhận mấy chục triệu tiền bồi thường mất cánh tay, chẳng đủ tiền trả viện phí, mà còn bị làng xóm nói đổng là, bán trinh được có mấy triệu đồng, đằng này mất có một tay được hẳn vài chục triệu sao mà sướng thế!
Tôi nói, một là chị phải ra ngay Hà Nội, bán đồng nát hay làm thuê bưng phở, đứng máy photocopy cũng được, còn hơn ở lại quê nghèo không tương lai. Chị ra đây ôn thi một năm rồi thi đại học tại chức, đã không có sức khỏe thì càng phải có tri thức. Chịu nghèo khổ vài năm mà có tương lai sáng sủa của mình còn hơn ở mãi quê cả đời sẽ cúi gằm mặt giữa những thị phi. Tôi cũng nghèo nhưng có cho chị ít tiền đóng học phí thời gian đó. Nhưng trước khi chào bố mẹ ra Hà Nội, chị phải làm cho tôi một việc: Chị sang nhà hàng xóm, bảo họ rằng, có người chỉ cần thấy tí tiền là đào được cả mồ mả ông bà tổ tiên lên, phá chùa trộm chuông, nữa là ao ước mất một cánh tay!
Tất nhiên chị kia chẳng đủ bạo mồm nanh nọc mà sang trả đũa hàng xóm, nhưng chị lên Hà Nội chịu khó luyện thi rồi vào học đại học tại chức, trong thời gian học đại học, chị rất may mắn xin được công việc vào một tổ chức phi chính phủ. Lương cực kỳ thấp nhưng cũng tạm đủ ăn học, và tất nhiên hơn làm đồng trồng vườn ở quê. Vài năm sau, chị lấy một anh cùng quê nhưng cũng đang đi làm nhà nước. Sống được với sự lương thiện.
Tôi bị ám ảnh bởi câu chuyện này suốt vài năm ròng. Hóa ra đàn bà có thể mạnh mẽ đối diện và vượt qua nghèo, khổ, cực, xấu xí, vất vả, hoàn cảnh, bi kịch, nhưng cái làm đàn bà gục ngã lại là đám đông và thị phi, là một câu nói bâng quơ, là một lời trêu ghẹo, một cái nhìn ác cảm, bị gọi là gái ế, chồng chê mất trinh v.v… Tôi thích quan sát buồn vui sướng khổ của cuộc đời. Và vào tuổi ba mươi ba, tôi kết thúc hoàn toàn việc viết văn hư cấu, truyện ngắn, chỉ để dành thời gian viết về đời sống và đàn bà. Tôi tin rất nhiều người đàn bà đọc Trang Hạ xong đã tìm được lý lẽ để đối mặt với khó khăn, lý lẽ ấy là: Bởi vì bạn là phụ nữ, bạn không nên bị đánh gục bởi những thứ không xứng đáng, bạn sinh ra không phải là để cho kẻ khác chà đạp! Chẳng còn ai trao giải thưởng văn học cho Trang Hạ nữa. Vì đơn giản là tôi không còn viết văn đã lâu rồi, tôi chỉ còn viết về con người, càng viết thật càng tốt. Mà viết thật, không thể nào tránh được sự trần trụi.
Nhưng tôi tin rằng, sứ mệnh của người viết văn hoàn toàn không phải là để làm cho những tâm hồn rách nát trở nên yên tâm với sự rách nát của mình!
Trang Hạ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét