" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016
Con đỏ & Con đen.
Ảnh minh họa lấy trên Internet.
Đại Nam Quấc âm tự vị, Huình Tịnh Paulus Của, Saigon 1895-1896:
- Con đỏ: Con mới đẻ, con thơ dại.
- Con đen: Con ngươi, tròng đen. Mượn màu son phấn đánh lừa con đen. (Tự vị trích dẫn câu thứ 1414 trong Kiều).
Việt Nam tự điển, Hội Khai Trí Tiến Đức, Hanoi 1931:
- Con đen: Gọi các hạng dân đen: Mượn màu son phấn đánh lừa con đen (K).
Không có từ "Con đỏ".
Tự điển Việt Nam, Đào Văn Tập, Nhà sách Vĩnh Bảo-Saigon 1951:
- Con đỏ: Con không chính thức (trái với Con đen). // (xưa) như Con ở.
- Con đen: Người thường: mập mờ đánh lận con đen. // Con chính thức: con đen thì bỏ, con đỏ thì nuôi.
Từ điển tiếng Việt, Văn Tân chủ biên, NXB Khoa học Xã hội - Hà Nội 1967:
- Con đỏ: 1. Con mới đẻ ra. 2. Người ở gái trong xã hội cũ.
- Con đen: Kẻ khờ khạo: Mập mờ đánh lận con đen, bao nhiêu cũng bấy nhiêu tiền, mất chi? (K).
Việt Nam tự điển, Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ hiệu đính, Nhà sách Khai Trí - Saigon 1970:
- Con đỏ: dt. Con mới đẻ. còn đỏ lấm lói: Vua nhân từ thương dân như con đỏ.
Không có từ "Con đen".
Tranh minh họa truyện Kiều. Ảnh Internet.
Từ điển truyện Kiều, Đào Duy Anh, NXB Khoa học Xã hội - Hà Nội 1974:
- Con đen: Chỉ người dân đen, người khờ dại (liên hệ với con đỏ hay xích tử chỉ người dân nghéo khổ trần trụi). Ví dụ. Mập mờ đánh lận con đen. 839, 1414.
Từ điển Văn liệu, Long Điền Nguyễn Văn Minh - NXB Hà Nội 1999:
- Con đen: Dịch "Kiềm lê" (黔黎, 黔: đen. 黎: đông đảo, nhiều người). Nghĩa rộng là những dân ngu.
Mập mờ đánh lận con đen
Bao nhiêu cũng bấy nhiêu tiền mất chi.
(KIỀU)
Không có từ Con đỏ.
Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng & Trung tâm Từ điển học - 1997:
- Con đỏ: d. 1. Trẻ mới sinh. 2. (cũ: vch.). Dân thường, không có địa vị trong xã hội (gọi theo quan niệm phong kiến, hàm ý coi là yếu ớt, cần được bảo vệ).
- Con đen: d. (cũ: vch). Dân thường, không có địa vị trong xã hội ((gọi theo quan niệm phong kiến, hàm ý coi là khờ khạo). Đánh lừa con đen.
Ngữ liệu Văn học, Đặng Đức Siêu, NXB Giáo dục - 1999:
- Con đỏ:
1. Dịch từ "xích tử" (赤子), có nghĩa trẻ con mới lọt lòng, còn đỏ hon hỏn. Trong văn chương cổ, con đỏ (xích tử) được dùng để nói về dân chúng. Sách Thượng thư Thiên Khang cáo có câu: "Nhược bảo xích tử" (Chăm sóc dân như trông nom chăm sóc con đỏ).
2. Dân chúng, dân đen. Ông cha ta còn ở đất Đồng Nai, ai cứu một phương con đỏ(Nguyễn Đình Chiểu).
Trên đây là ý nghĩa của từ "Con đỏ", "Con đen" trong từ điển tiếng Việt qua nhiều thời kỳ, ở những địa phương, với những nghĩa khác nhau. Trong những cách giải nghĩa, tôi chú ý tới Đại Nam Quấc âm tự vị với từ "Con đen", từ "Con đen" ở đây được giải nghĩa là "Con ngươi, tròng đen", kèm theo câu Kiều thứ 1414 "Mượn màu son phấn đánh lừa con đen".
Cách giải thích trong quyển tự vị tiếng Việt xưa này khác hẳn với những cách giải thích của từ điển tiếng Việt về sau. Có một điều lý thú là cụ Huỳnh Tịnh Của cũng lấy ví dụ từ câu Kiều thứ 1414 để thuyết minh cho lý giải trong tự vị. Cụ Huynh giải thích"Con đen" là "con ngươi, tròng đen" (con mắt của người). Câu "Mượn màu son phấn đánh lừa con đen" được hiểu là "Mượn màu son phấn để đánh lừa con ngươi, con mắt" và "con ngươi, con mắt" ở đây có nghĩa ám chỉ chung "khách thường lui tới chốn làng chơi" chẳng hạn như Mã Giám Sinh, Thúc Sinh... Trong khi trong câu này, cụ Đào Duy Anh, hoặc những từ điển khác giải thích từ "Con đen" là để"chỉ người dân đen, người khờ dại". Cùng một câu của Kiều, nhưng hai cách giải thích này cho nghĩa khác nhau.
Trong quyển "Cửa sổ tri thức", (PGS, TS. Lê Trung Hoa, NXB Trẻ - 2005), đã trả lời câu hỏi "Con đen có nghĩa là gì?" trong câu Kiều 839 "Mập mờ đánh lận con đen", phần trả lời PGS. TS. Lê Trung Hoa đã trích dẫn cách giải thích từ "Con đen" trong Đại Nam Quấc âm tự vị (Con đen là con ngươi, mắt người), Từ điển truyện Kiều (Con đen chỉ dân đen, ngưới khờ dại), và Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, giải thích "Con đen" như ý của Từ điển truyện Kiều). Tôi xin tóm tắt ý chính câu trả lời của PGS. TS. Lê Trung Hoa, ông nghiêng về cách giải thích trong Đại Nam Quấc âm tự vị hơn:
- Hai từ "dân" và "con" trong "dân đen", "con đen" đều mang thanh ngang, không bị luật thơ bắt buộc phải thay từ này bằng từ kia.
- Dân đen làm gì có tiền ăn chơi sa đọa nơi lầu xanh sang trọng.
- Dân đen được dùng theo nghĩa xót thương chứ không được dùng theo nghĩa "người khờ khạo".
..........
PGS. TS. Lê Trung Hoa hoàn toàn đứng về ý kiến của cụ Huỳnh trong từ "Con đen": (cũng xin tóm tắt mấy ý chính).
- Con đứng trước một số từ chỉ sự vật sinh động như động vật: con sông, con quay, con mắt... cho nên dùng con đen để chỉ tròng đen là hữu lý.
- Theo phương thức hoán dụ - lấy bộ phận chỉ toàn thể - dùng con đen để chỉ con mắt là có thể chấp nhận được.
- Cụ Huynh sống gần thời Nguyễn Du hơn cụ Đào và cụ Hoàng nên khả năng đúng của cụ Huỳnh lớn hơn.
.........
Tóm lại , theo ý chúng tôi (PGS. TS. Lê Trung Hoa)," Con đen" trong những câu Kiều 839, 1414 không phải là "dân đen" (hoặc kẻ khờ khạo, khờ dại), mà có nghĩa là "Con mắt".
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét