Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

Con bê vàng






Sùng bái con bê vàng (tranh Nicolas Poussin)

Cao Huy Thuần

Thánh kinh kể:

Moïse lên núi để gặp Thượng đế vì quần chúng tin rằng ông là trung gian giữa Thượng đế và dân Do Thái. Ông hẹn sẽ trở về trong vòng 40 ngày. Bốn mươi ngày và bốn mươi đêm không ăn uống, ông nghe Thượng đế đọc và khắc trên phiến đá những huấn lệnh nhằm tổ chức đời sống của bộ lạc mà ông là người lãnh đạo. Quá 40 ngày không thấy Moïse xuống núi, quần chúng tụ họp xung quanh Aaron và nói: “Xin tạo ra một vị thần để dẫn chúng ta đi, vì ta không biết chuyện gì đã xảy ra cho Moïse, người đã lãnh đạo chúng ta ra khỏi Ai Cập”. Aaron trả lời: “Hãy lột khuyên vàng ra khỏi tai của vợ các ngươi, con trai các ngươi, con gái các ngươi, và mang đến đây cho ta”.

Tức khắc, quần chúng lột khuyên vàng ra khỏi tai và mang đến cho Aaron. Aaron nhận khuyên, ném vào khuôn đúc, tạo ra một con bê. Quần chúng reo lên: “Israël! Thần của ta đây rồi, thần của ta đã dẫn chúng ta ra khỏi Ai Cập!” Aaron bèn thiết một bàn thờ trước con bê, rồi lớn tiếng loan báo: “Ngày mai, sẽ làm lễ vinh danh Đấng Vĩnh Hằng”. Ngày hôm sau, từ sáng sớm, quần chúng đã hiến súc vật để tế thần. Sau đó họ ngồi ăn uống rồi đứng dậy tiêu khiển.

Đấng Vĩnh Hằng nói với Moïse: “Hãy xuống núi vì dân chúng mà ngươi đã dẫn ra khỏi Ai Cập đang hành động rất xấu. Chúng đã đi ngược với con đường mà Ta đã chỉ dẫn. Chúng đã tạo ra một con bê từ kim loại chảy ra. Chúng đã quỳ lạy trước nó và đã dâng tế vật mà nói rằng: “Israël, đây là vị thần của ta, đã dẫn chúng ta ra khỏi Ai Cập!” Rồi Đấng Vĩnh Hằng nói thêm: “Ta thấy dân tộc ấy là một dân tộc phản loạn. Và bây giờ, hãy xem ta hành động: giận dữ của ta sẽ bốc lửa trên chúng. Nhưng ta sẽ làm cho ngươi thành một dân tộc cường thịnh”.

Rồi Moïse cầu khẩn Đấng Vĩnh Hằng, Thượng đế của ông, hãy thương xót. Ông nói: “Kính Đấng Vĩnh Hằng, tại sao giận dữ của Ngài bốc cháy trên dân tộc của Ngài mà Ngài đã dẫn ra khỏi Ai Cập bằng sức mạnh ghê gớm như vậy? Tại sao dân Ai Cập nói rằng chính Thượng đế của họ đã dùng ác ý để đẩy dân Do Thái ra khỏi xứ sở của họ, làm cho dân Do Thái chết trong vùng núi non, xóa sạch chúng ta ra khỏi trái đất? Xin Ngài hãy nguôi giận và đừng đem đau khổ đến cho dân tộc của Ngài”. Lúc đó, Đấng Vĩnh Hằng mới thôi.

Moïse xuống núi trở về, tay cầm hai phiến đá khắc Liên Minh giữa Thượng đế và dân tộc Do Thái. Từ xa, ông đã nghe tiếng hát. Đến gần, ông chợt thấy con bê và nhiều người vừa ca hát vừa nhảy múa. Nổi giận lôi đình, ông ném hai tảng đá xuống đất, đá vỡ ra từng mảnh dưới chân núi. Ông nắm con bê, vứt vào lửa, đốt nó chảy thành bụi, rải tro trên sông, rồi bắt các người Do Thái uống nước ấy. Rồi ông hỏi Aaron: “Dân chúng này đã làm gì cho ông mà ông dẫn họ vào một tội lỗi tày đình như thế?” Aaron đáp: “Xin ông bớt giận. Chính ông biết rằng dân tộc này có khuynh hướng làm bậy. Họ nói với tôi: Hãy tạo ra một vị thần để dẫn chúng tôi, vì Moïse, người đã đưa chúng ta ra khỏi Ai Cập, không biết bây giờ đang ở nơi nào. Vì vậy, tôi nói với họ: Ai có vàng hãy tháo vàng ra! Họ đem vàng đến cho tôi, tôi đun vào lửa cho chảy ra, rồi đúc nên con bê này”.

Moïse thấy dân chúng bừng bừng khoái trá. Aaron cứ để mặc họ bày tỏ lòng khinh bỉ đối với kẻ thù của họ. Moïse đứng trước cổng trại, la lớn: “Ai đứng về phe Đấng Vĩnh Hằng hãy đến với ta!” Tất cả mọi người trong bộ lạc Lévi tiến đến phía Moïse. Moïse nói với họ: “Đây là lệnh của Đấng Vĩnh Hằng, Thượng đế của Israël: Tất cả sẵn sàng tuốt kiếm bên hông! Xông vào trại, lục soát khắp trại này đến trại khác, mỗi người phải giết, nếu cần, anh em, bạn bè, bà con thân cận!” Các người Lévi vâng lệnh, ngày hôm ấy chừng ba ngàn người bị giết chết. Moïse nói với dân Lévi: “Mỗi người chiến đấu chống lại chính con cái, anh em của mình. Các ngươi hôm nay đã phụng sự Đấng Vĩnh Hằng và hôm nay Ngài ban phúc cho các ngươi”.

Chuyện con bê vàng này trong Thánh Kinh, tất nhiên tín đồ phương Tây đều biết. Con bê vàng là ngụy đạo, tà đạo, dị giáo. Trước đây, ý nghĩa của nó là như vậy. Với thời gian, cụm từ “con bê vàng” thay đổi ý nghĩa: nó được dùng để chỉ các ông thần mới, các chúa tể mới, tranh ngôi Thượng đế với Thượng đế của tôn giáo. Quyền lực chính trị chẳng hạn được họ gọi là con bê vàng. Chủ nghĩa chính trị bắt tuyệt đối phục tòng cũng là con bê vàng. Nhưng bây giờ, sau khi chủ nghĩa sụp đổ cùng với một bức màn sắt và một bức tường chia đôi, có một con bê vàng ghê gớm thay thế, lấn Thượng đế trên bàn thờ: cái tên của nó là Tiền. Tiền vàng, tiền bạc, tiền giấy, tiền vô hình luân chuyển ngày đêm trong ngân hàng. Có tiền mua tiên cũng được. Không chừng mua được cả Thượng đế. Kinh tế càng tạo ra của cải vật chất, Thượng đế vật chất có cái tên là Tiền ấy đẩy Thượng đế tâm linh vào bóng tối trong chính các nước mà trước đây Ngài đã tuyệt đối ngự trị. Ai là Thượng đế ngày nay? Kinh tế hay tôn giáo?

Thật ra, tiến trình đã bắt đầu từ thế kỷ 19 khi một ông đại triết gia tuyên ngôn: “Con người bắt đầu khác con thú ngay khi bắt đầu sản xuất các phương thức sinh sống”. Mà thật vậy, để sống, con người tiền sử cần phải ăn, phải mặc, giải quyết các nhu cầu đầu tiên trước khi tưởng tượng ra các vị thần. Có thể nghĩ rằng phương thức sản xuất ảnh hưởng trên các tín ngưỡng hơn là ngược lại. Khi con người chỉ mới biết hái trái cây để ăn, chắc hẳn họ không có các vị thần giống như khi họ đã biết săn bắn, và từ đó các thần cũng thay đổi bộ mặt trong các xã hội từ du mục qua canh nông, từ xã hội phong kiến qua xã hội kỹ nghệ, xã hội tin học. Thế nhưng, làm sao cắt nghĩa thực tế này: Tuy rằng ngày nay phương thức sản xuất toàn cầu hóa lan tỏa khắp nơi, tuy rằng nếp sống, phong tục, cách suy nghĩ tiến dần đến tình trạng đồng nhất hóa, tuy vậy, tín ngưỡng vẫn mỗi nơi mỗi khác? Thậm chí, tuy dầu hỏa ở đâu cũng là dầu hỏa, tuy tài năng sử dụng tin học ở đâu cũng ngang nhau, trong cùng tín đồ Allah như nhau, sunnites và chiites giết nhau chí chóe?

Tại sao không những tôn giáo vẫn cứ tồn tại mà lại còn gây gổ chiến tranh không đội trời chung? Tại sao kinh tế không phải là Thượng đế? Tại vậy thôi: con người đâu phải chỉ sống vì miếng ăn? Từ khi con người biết họp nhau để săn bắn, xã hội đã thành hình, người này trao đổi, liên kết với người nọ, tất cả chia sẻ với nhau một đời sống chung, tuy rằng mỗi cá nhân có đời sống riêng. Mà làm sao có thể sống chung với nhau được nếu không có một ý muốn chung sống, nếu không thấy một ý nghĩa gì cao hơn, rộng hơn, sâu hơn vượt lên trên các đời sống riêng? Tín ngưỡng đem lại ý nghĩa, và vì vậy tôn giáo có thể đến sau phương thức sản xuất nhưng không thể thiếu vắng.

Hiển nhiên, kinh tế đem lại phồn thịnh, phồn thịnh xóa dần nghèo đói, nhân loại bớt khổ, an vui hơn. Nhưng phồn thịnh mà thôi không đủ để tạo ra văn minh, chắc gì nâng cao văn hóa, chắc gì mang lại hạnh phúc cho con người? Dù rách áo đói cơm, dù thừa thải bạc tiền, người nào cũng có một câu hỏi trong đầu về cuộc sống và nhất là về cái chết. Do câu hỏi chết sẽ đi đâu mà Ai Cập có kim tự tháp, Tần Thủy Hoàng để lại cả một đại quân bằng đất nung. Thì cũng vậy, kẻ rách đói nhất đời cũng lôi ông trời ra mà hỏi sinh ra tôi làm chi để khổ cực thế này. Đế vương cũng khổ, ăn mày cũng khổ. Câu hỏi về cái khổ mênh mông của con người, ngai vàng không trả lời được, áo cơm không trả lời được. Thì phải cầu viện đến tín ngưỡng! Mà tín ngưỡng là câu trả lời của tập thể, của môi trường trong đó họ sống chung. Vị thần họ tìm đến là vị thần chung. Tôn giáo không sản sinh ra phương tiện sản xuất nhưng tôn giáo vượt lên trên mọi phương tiện sản xuất.

Nói ra những điều này không có gì mới lạ, chỉ là đầu năm nhắc lại chuyện cũ. Nhưng cũng nên nói vì kinh tế hầu như là chuyện duy nhất để thu hút mọi quan tâm, để đánh giá mọi tiến bộ ngày nay, tất cả mọi chuyện khác đều dẹp vào thứ yếu. Có nhiều người lại đem chuyện ta để ví với chuyện Tàu: kinh tế là con mèo toàn năng. Không phải đâu, kinh tế chưa phải là Thượng đế của họ; Thượng đế để họ thờ phụng thế cho tôn giáo là tự hào dân tộc của họ, là dân tộc chủ nghĩa. Đối với họ, kinh tế chỉ là con bê vàng. Họ không chút nào lầm lẫn đâu, xin đừng bắt chước, xin đừng đặt con bê vàng lên bàn thờ.

Trong hỗn mang của xã hội ngày nay, giữa cái trống không tư tưởng trong đó chúng ta quờ quạng như người đi đêm trước hiểm họa Bắc phương, hãy có một tự hào Việt Nam để dẫn đường như một tôn giáo chung. Hãy có một lý tưởng chung, một ý nghĩa sống chung, một phương hướng để đi tới. Hãy biết đâu là con bê vàng, đâu là Thượng đế. Trong đời sống chính trị ngày nay của dân tộc Việt Nam, Thượng đế chỉ có thể là dân chủ mà thôi. Sự thật ấy ai cũng biết, trăm người như một. Hãy xem nó như một tín ngưỡng dân sự chung để sống chết với nó. Sự thật ngày nay, xin đừng lấy tay che mắt: Thượng đế không phải là kinh tế, lại càng không phải là chủ nghĩa. Chủ nghĩa chỉ là con bê vàng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét