Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

góp nhặt cát đá Văn Chương cuối năm 2015







Ta sẽ đến ngày thu tỉnh lẻ
Lữ hành tìm kỷ vật cho người

Lý Ốc BR



Góp nhặt cát đá* Văn Chương như món quà đầu Xuân Bính Thân thân tặng bạn đọc Gió O. Góp nhặt chỉ giới hạn trong phạm vi những người viết văn làm thơtrên 3 trang mạng văn học hải ngoại: Da Màu, Tiền Vệ, Gió O vào một hai tháng cuối năm. Và cũng chỉ trong vòng những cây bút định cư tại Âu Châu, Bắc Mỹvà Úc . Những sáng tác văn chương trong lĩnh vực văn xuôi, thơ và dịch thuật. Tôi cố gắng làm công việc này hy vọng sẽ đem lại một niềm vui nhỏ đến cùng quý đọc giả trong không khí đón Tết. Những góp nhặt sau đây không hẳn là những kỳ hoa dị thảo hay là quốc sắc thiên hương. Đó chỉ là những mối duyên. Một nét môi, một ánh mắt, nụ cười, một dáng vẻ hay cử chỉ bắt mắt dễ coi thế thôi. Nhưng quý vị cũng dễ nhận ra từng dáng dấp văn phong tự do, phóng khoáng, phong phú trong văn chương; hay riêng lẻ qua giọng điệu. Đó có lẽ là đặc điểm của họ. Bởi không tròn trịa không gai gốc, tôi tin là họ sẽ còn tiếp tục bước lữ hành. Happy New Year Everyone. (LOBR)



@ Văn xuôi

Mỗi đêm, Cu Tí ngủ với những ánh sao lung linh và những con thú biển dễ thương. Những giấc mơ của Cu Tí cũng đổi màu ngoạn mục như ánh sáng êm dịu toả ra từ cái đèn Rùa. Mẹ làm Rùa nói với Cu Tí, “Anh Hai ơi, ngủ ngon nghe!” Rồi Mẹ thay Cu Tí nói với Rùa, “Rùa ơi, ‘dủ don’ (ngủ ngon) nghe!”

Khi bắt đầu biết bò, Cu Tí ôm cái đèn Rùa bò lổm ngổm trong phòng chơi và dần dần mở rộng lãnh thổ qua các phòng khác. Cu Tí bò bằng ‘ba chân’ vì một ‘chân’ trước mắc ôm đèn Rùa. Mỗi lần Cu Tí ôm đèn Rùa bò tới bò lui, thì Mẹ lại trẻ ra mười tuổi vì cười.

Lớn một chút, Cu Tí ôm đèn Rùa chơi cả ngày, như chơi với gấu bông, khỉ bông, cồ-la-là (koala) bông, bò bông, và tất cả những thú nhồi bông khác mà Cu Tí được tặng, dù mai Rùa có hơi cứng.

Dì Lâm hay xin Mẹ cho Cu Tí qua chơi với Dì. Mẹ hay hỏi ngược lại, “Em học tối tăm mặt mũi, còn chưa có giờ ăn ngủ, còn đâu mà chới với em bé?”

Năm năm rưỡi sau. Cu Tí đã thành Anh Hai đến ba lần, và một em đã về cõi xa. Lần nào sanh em, Mẹ cũng mở đèn Rùa cho em bé ngủ: Anh Tư, rồi tới Út Mĩm. Anh Tư ngủ giỏi như Anh Hai. Còn Út Mĩm lớn con hơn hai Anh, ngủ dài hơi nhất.

Khen ai khéo mua cái đèn Rùa… Đèn Rùa là đèn Rùa ơi ! (Trangđài Glassey-Trầnguyễn chuyện ngắn: Đèn Rùa)



Dù sao, tôi cũng xin còn được nhớ lại Sàigòn những chiều mưa ướt trên sông. Mưa đằm đằm bay suốt một khoảng sông ngút mắt. Lúc ấy, chắc em khoảng mười bảy, mười tám tuổi, phải không? Quán chiều, cạnh bờ sông, chỉ có hai người khách là anh với em thôi. Cô chủ quán lui vào trong chiếc chòi tre. Chỉ còn quạnh vắng tiếng mưa. Những bè gỗ mục trôi lênh đênh trên dòng sông trắng. Cơn mưa đằm đằm đan chéo một nỗi nhớ nhung. Anh ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới. (1) Tiếng chuông nhà thờ vọng lại như ngân lên trong mưa thành một điệu nhạc trắng mênh mang. Những cơn gió thốc hắt hơi mưa vào chúng ta. Tóc em bay mưa, mềm. Em đặt hai bàn tay em, lạnh giá, trong hai tay anh. Em bảo nhỏ em không sợ mưa nữa. Anh thương em biết bao vì câu nói tội nghiệp ấy. Bây giờ, lầm lũi trong suốt những cơn mưa của đời sống mình, anh vẫn còn nhớ câu nói nhỏ nhẹ và tin tưởng của em chiều mưa giăng trên sông ấy. Ừ, tất cả những cơn mưa đều làm cho mình mạnh lên, anh vẫn nhủ mình như thế. (Bùi Vĩnh Phúc tuỳ bút: Hãy ngước mặt và thả bay đi những cơn mưa)



@ Tản mạn

Tôi đọc Langston Hughes từ những năm mới bắt đầu học ESL, chương trình Anh ngữ cho người ngoại quốc. Thơ của Langston Hughes chữ dùng đơn giản nhưng ý thơ hùng biện và đầy khẩu khí. Bài thơ tôi đọc đầu tiên là Dreams.

Hold fast to dreams

For if dreams die

Life is a broken-winged bird

That cannot fly

Hãy ôm chặt ước mơ

Vì nếu ước mơ tàn

Đời như chim gãy cánh

Không thể nào bay cao.

Là người tị nạn bắt đầu xây dựng tương lai với hai bàn tay không, bài thơ của ông như một lời khích lệ lớn lao. Ông còn nhiều bài thơkhác cũng nói về mơ ước. Không biết ông mơ gì? Mơ thành một nhạc sĩ jazz lừng danh, hay mơ cải cách xã hội, san bằng thành kiến áp đặt lên người da màu? Ông ngụ ý gì khi cùng một bài thơ ông đặt cho hai cái tên? Harlem còn được gọi là Dream Deferred. Harlem, thành phố của những người da màu di cư từ miền Nam lên để lập nghiệp. Harlem cũng là nơi qui tụ những nhạc sĩ Jazz tài hoa. Hughes còn rất bài thơ hay như Song for a Dark Girl, Dream Boogie, Dream Variations, Theme for English B,… nhưng tôi lãng quênông, vì tôi phải theo đuổi ông thần tài để nương nhờ miếng cơm manh áo. Cho đến khi tôi tìm hiểu về nhạc Blues thì gặp lại ông qua bài thơ The Weary Blues (Điệu Blues Mỏi Mòn)… (Nguyễn Thị Hải Hà tản mạn dịch thuật: Nhạc Blues và Ca Dao Việt Nam)



Tháng Mười, 2015. Đã vào thu, mà vẫn có những ngày nóng bức như mùa hè. Đêm ngủ phải mở quạt. Quạt chạy bằng điện mặt trời. Xe cũng chạy bằng điện mặt trời. Từ khi trở lại Mỹ sau một năm sống ở Bắc Âu năm 2004, tôi đã làm tất cả mọi việc trong tầm tay và đời sống hằng ngày để giảm ‘vết chân’ CO2 từ cá nhân và gia đình mình. Hai vợ chồng son bắt đầu xây tổ ấm, tôi ‘vận động’ chồng gắn hệthống điện mặt trời. Anh nói, “Mình đang túng mà Cưng! Mắc quá!” Tôi nài, “Môi trường còn túng hơn mình!” 2009, chúng tôi ‘trồng rừng’ trên nóc nhà. Mỗi tháng, tuỳ nắng nhiều hay ít, ‘rừng’ của chúng tôi thay đổi mật độ cây: 16 cây, 18 cây, 15 cây. Rừng không có lá, nhưng làm xanh thiên nhiên, làm ổn định khí quyển, làm an lòng người có trách nhiệm với môi trường, làm đèn sáng mỗi đêm để tôi đọc sách cho con.

Hôm đi mua xe hơi điện, các con tíu tít. “Xe này không có khói hả Mẹ?” Gia đình nhỏ của chúng tôi tiết kiệm khi cần, để dùng đúng chỗ, như để mua solar panels, như để trả payment cho xe hơi điện. Để mua cho chính mình một nếp sống có trách nhiệm với môi trường. Những từ vựng đầu tiên tôi dạy con là ‘compost’ và ‘recycle,’ để mỗi đứa bé từ khi chập chững biết đi đã có trách nhiệm bảo vệ môi trường. Con trai lớn đi học mẫu giáo. Cái giỏ đựng cơm trưa bị sút chỉ. Cô giáo nhắc, “Con về nói Mẹ mua giỏ khác.” Con trai về nhà nói, “Mẹ ơi, Mẹ vá lại dùm con. Cô giáo nói mua giỏ khác, nhưng con biết, Mẹ may lại được.” Trồng rau trồng cà và trái cây cho con. Con hiểu, trái chín trên cành đến từ vườn nhà, không mất công xe tải hạng nặng chở đi đường xa để mang đến, tránh nhiều khí thải cho môi trường. (Trangđài Glassey-Trầnguyễn tản mạn: Làm hòa với trái đất)



@ Thơ ca

Ly bia đắng buổi chiều mùa hạ

người đàn ông kỳ dị

như một kẻ lữ hành

Gatsby của lòng em

của tình em



Gatsby tránh xa thị phi tầm thường khốn nạn

yên lặng trong một cõi xa xôi

cùng người đàn bà hoang dại

trong lành

(Như Quỳnh de Prelle thơ: Gatsby)



Không bút không mực tôi viết một câu thơ

lặng lẽ như con đường

không dấu chân của khách hành hương

yên tịnh và vô ưu

như giọt sương tan trên chiếc lá no đầy lục diệp

vô trú xứ như một cánh chim

tôi lao vào bầu trời xanh vô tận

không màu không sắc

tôi vẽ một bức tranh vô hình

chiều kích vô biên của bình minh

tôi chết lịm trong thinh lặng, trong lửa

trong thơ, trong sắc màu

như một sự tận hiến thơ mộng

(Lê Nguyên Tịnh thơ tưởng niệm: Bay đi như một cánh chim)



ngựa ơi ngẩng cao đầu tung cao vó hí thật vang

đá vào chín tầng trời mười tầng đất cho mù mịt cõi hồng trần

ngựa ô chẳng có kiệu vàng

phân vân hai ngả: thiên đàng? thế gian?

(Mây Lan thơ: Hà Cẩm Tâm - Lý Ngựa Ô)



Nơi đây trạm vắng thưa người

Tàu con một bóng lạnh còi ngược xuôi

Sân ga nào tiễn chân tôi ?

Ngoài kia chiều xuống bồi hồi nhân gian

Cây ôm mặt đất thưa tàng

Bãi xa bày biện những hàng lá xanh

Tàu đi chậm, tàu đi nhanh

Tàu tôi là chuyến lữ hành trạm xa …

(Lâm Hảo Dũng thơ: Ở trạm xe hoả Thanaleng-Lào)



@ Dịch thuật

Thi sĩ đương đại đang hoài nghi rồi ngờ vực, trước hết, về chính bản thân của họ. Họ công khai thú nhận, làm nhà thơ một cách bất đắc dĩ, nghĩa là, họ đang cưu mang một chút hổ thẹn nào đó. Nhưng trong thời đại nhiễu nhương của chúng ta, sẽ dễ dàng thừa nhận sự sai lầm, nếu những khuyết điểm đó làm cho cái nhìn toàn diện thêm quyến rủ, hơn là nhận chân những giá trị riêng tư, bởi giá trị này tiềm ẩn xâu xa và không bao giờ có thể hoàn toàn tin tưởng ..... Khi phải điền nộp đơn từ hoặc trò chuyện với người lạ, thi sĩ không thểtránh né việc tiết lộ nghề nghiệp, họ thường dùng tên gọi thông dụng, là "nhà văn", hoặc thay thế nghề "thi sĩ" bằng bất cứ nghề nào khác mà họ đang kiếm sống trong khi viết lách. Các quan chức và các hành khách trên xe buýt sẽ tỏ thái độ khá hoang mang và cảnh giác, khi khám phá, họ đang liên hệ với một thi sĩ. Tôi nghĩ rằng các triết gia cũng gặp phải những phản ứng tương tựa. Tuy vậy, triết gia ở vị trí khá hơn, vì thường xuyên họ có thể điểm trang nghề nghiệp bằng tước hiệu học vấn: Giáo sư triết học, nghe rất khả kính. (Ngu Yên: Thi Sĩ Trong Thế Giới Hôm Nay)



Nàng thuộc loại phụ nữ gầy tự nhiên, mắt đen, tóc nâu dài thả phủ lưng. Nàng thích đeo chuỗi đá màu xanh turquois, và thích đeo hoa tai dài lủng lẳng.

“Trời ơi, đừng có khùng quá. Đó không phải là tình yêu, em biết dư rồi mà,” Mel nói. “Anh không biết cái đó gọi là gì, nhưng anh chắc chắn em không thể gọi đó là tình yêu.”

“Anh muốn nói gì thì nói, nhưng em biết nó là tình yêu,” Terri nói. “Với anh, điều này nghe có vẻ điên, nhưng sự thật vẫn là sự thật. Mỗi người mỗi khác mà, Mel. Đúng là đôi khi anh ấy làm nhiều chuyện điên rồ. Vâng. Nhưng anh ấy yêu em. Chắc là chỉ có anh ấy mới yêu cái kiểu như thế, nhưng anh ấy yêu em. Có bóng dáng tình yêu trong những hành vi điên rồ, Mel. Đừng có nói trong hành động điên rồkhông có tình yêu.”

Mel thở ra. Anh nâng ly rượu và quay về hướng Laura và tôi. “Hắn đe dọa sẽ giết tôi,” Mel nói. Anh nốc nốt chỗ rượu và với lấy chai gin. “Terri là người lãng mạn. Terri thuộc nhóm người đá-em-đi-để-em-thấy-mình-được-thương-yêu. Terri, cục cưng ơi, đừng có biến sắc mặt như vậy.” Mel vói tay qua bên kia bàn vuốt má Terri. Anh nhoẻn miệng cười với nàng.

“Bây giờ anh ấy lại muốn làm lành.” Terri nói.

“Làm lành chuyện gì?” Mel nói. “Có gì đâu mà phải làm lành? Anh biết chuyện anh biết. Có thế thôi.”

“Tại sao chúng ta lại bắt đầu về chủ đề này?” Terri nói. Nàng nâng ly uống cạn chỗ rượu. “Mel lúc nào cũng nghĩ đến tình yêu,” nàng nói. “Đúng không anh, anh yêu?” Nàng mỉm cười, và tôi nghĩ chuyện sẽ chấm dứt ở đây. (Nguyễn Thị Hải Hà dịch truyện Raymond Carver:Chúng ta nói gì khi nói chuyện tình yêu).



...........................................................................................................................................

* Góp Nhặt Cát Đá: Tên quyển sách dịch của Đỗ Đình Đồng, Sài Gòn 1971 Lá Bối ấn hành. Sách dịch từ quyển Sa Thạch Tập của Thiền SưMuju Nhật Bản.

* Đèn Rùa: http://www.gio-o.com/TrangDai/TrangDaiGlasseyTranguyenDenRua.htm

* Hãy ngước mặt và thả bay đi những cơn mưa: http://damau.org/archives/40463

* Nhạc Blues và Ca Dao Việt Nam: http://www.gio-o.com/NguyenThiHaiHa/NguyenThiHaiHaBlues1.htm

* Làm hoà trái đất: http://www.gio-o.com/TrangDai/TrangDaiGlasseyTranguyenLamHoaVTD.htm

* Gatsby: http://damau.org/archives/40520

* Bay đi như một cánh chim: http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=19450

* Hà Cẩm Tâm - Lý Ngựa Ô: http://www.gio-o.com/Chung/MayLanHaCamTamLNO.htm

* Ở trạm xe hoả Thanaleng-Lào: http://www.gio-o.com/LamHaoDung/LamHaoDungThanaleng.htm

* Thi Sĩ Trong Thế Giới Hôm Nay: http://www.gio-o.com/NguYen/NguYenNobel1996.htm

* Chúng ta nói gì khi nói chuyện tình yêu: http://www.gio-o.com/NguyenThiHaiHa/NguyenThiHaiHaRCarverLove.htm



Tết Con Khỉ 2016

Lý Ốc BR

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét