Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

Đàn Vượn Vói Trăng




Nguyễn Thị Hải Hà



Ban đầu bà không chú ý, nhưng gặp nó nhiều lần bà bỗng đâm ra nghi ngờ, phải chăng đó chỉ là ảo giác của bà?

Hôm nọ, bà đi đám tang. Người qua đời là chị vợ của anh xếp, người Mỹ. Nhà quàn ở gần trạm xe lửa Fanwood cách trạm Dunellen của nàng, ba trạm. Mặc dù những người làm việc chung đề nghị bà đi chung xe với họ, bà khăng khăng từ chối.

- Giữa mùa đông mà trời ấm đẹp quá tôi muốn lợi dụng cơ hội này đi bộ vài con phố chừng năm phút cho thoải mái. Sau đó tôi sẽ đón xe lửa về nhà, giản dị lắm, các bạn không phải mất công đưa đón tôi.

Bà thích đi một mình. Nhất là bà biết trong số người đi dự đám tang có bà thư ký thối mồm. Cứ tưởng tượng ngồi chung xe, bà ta nói luôn mồm, và hơi thở của bà được dịp toát ra. Chỉ nghĩ đến thế bà đã thấy buồn nôn.

Bà đến trạm xe lửa Fanwood sớm hơn giờ ấn định khoảng 15 phút. Mùa Đông năm nay ấm bất thường. Người ta bảo rằng đây là triệu chứng bầu khí quyển bị hâm nóng. Fanwood là một trạm xe lửa nhỏ, thuộc loại di tích cổ, xinh xắn nhưng ít người dùng. Nó ngồi cạnh bụi hoa tú cầu. Mùa hè bụi cây mọc um tùm cao hơn đầu người lấn che khuất cả lối đi hẹp. Bây giờ bụi cây chỉ còn là cành khô nên lối đi dường như rộng hơn. Nó ngồi quay lưng về hướng bà, cách độ mười mét. Thoạt nhìn bà tưởng là sóc. Nếu là sóc thì hơi bé và màu đen thì khá hiếm. Chung quanh vắng tanh, không có gì để nhìn ngắm nên bà để ý đến nó hơn. Nhìn một hồi, cách nó bóc vỏ hạt dẻ đưa vào miệng nhấm nháp thì bà nhận ra nó là con vượn. Vượn đen. Xứ này là xứ lạnh, khu này tuy vắng nhưng vẫn là phố xá, làm gì có vượn chạy rong ngoài đường? Loại vượn này cũng rất hiếm vì nó rất bé, có thể nắm gọn trong lòng bàn tay. Tò mò bà đứng dậy đi gần đến nó thì nó bỏ đi. Đi bằng hai chân sau, lom khom với hai cánh tay thật dài. Một tay sờ đầu tay kia để thõng chạm mặt đất. Từ xa, xe lửa đang hú còi trước khi vào trạm, ánh đèn lấp lánh làm bà lóa mắt. Bà quay lại nhìn có ý tìm nhưng nó biến mất.

Trước đó, bà đã thấy nó ở nhà quàn. Trong tấm ảnh treo trên tường, bà chỉ thấy cái lưng của nó thôi. Một phụ nữ tuy còn còn trẻ nhưng đã béo xồ xề, mặc áo màu xám bạc lóng lánh như dát kim tuyến với xâu chuỗi thật to che lấp cả vùng ngực đồ sộ của cô ta. Cô ta ngồi phía trước, lấp đi một phần tấm ảnh. Tấm ảnh sống động đến độ bà có cảm tưởng con vượn ngồi trên vai của cô ta. Bà thầm nghĩ, không biết cô này chưng diện để đi đám tang hay đi dạ tiệc. Ối sao bà khắt khe, bà tự mắng thầm. Nhà quàn vẫn là chỗ cho người ta tìm cách ký hợp đồng mua bán, hay móc nối để thăng quan tiến chức từ trước đến nay kia mà. Bà tò mò ngắm chung quanh, tự hỏi đến ngày mình qua đời khung cảnh có như thế này không. Khi mắt bà quay trở lại chỗ cũ, cô gái to béo mặc áo màu xám bạc lóng lánh đã rời chỗ ngồi. Con vượn không còn ở trong tấm ảnh nữa mà thay vào đó là con đường hun hút đi vào vô tận. Chắc là mắt mình quáng chứ ai lại treo ảnh vượn trong nhà quàn. Bà thầm trách mình.

Bà lại thấy nó ở cánh rừng sau nhà. Nó ngồi thu lu trên cành cây khô, thoạt nhìn tưởng con chim quạ. Nhưng khi nó đánh đu vắt vẻo rồi chuyền từ cành nọ qua cành kia. Lại cũng chính là nó, con vượn bà nhìn thấy ở nhà quàn. Bà gặp nó trước đó nhiều lần, ở góc phố, gần tiệm Pizza, thậm chí trong tường kính cửa sổ. Bà cho đó là ảo giác nhưng tự hỏi tại sao lại là con vượn mà không là một cái gì khác. Con vượn xuất hiện cùng lúc với cơn đau âm ỉ ở phía sau cần cổ, phía phải. Thỉnh thoảng hai chân bà yếu hẵn. Bà ngồi nhiều hơn đi.

Rừng có rất nhiều dây leo. Những sợi dây leo thật chắc, nhỏ thì bằng ngón tay, to thì bằng cổ chân. Có sợi từ bên trên thòng xuống khoanh thành nhiều vòng trên mặt đất. Nhìn thấy những dây leo này tận mắt sẽ nghĩ rằng chuyện đu dây của Tarzan, không phải chỉ hoàn toàn dựa vào tưởng tượng. Có sợi dây leo, lại dường như mọc từ dưới đất lên, vì nó chôn cứng dưới mặt đất và mọc song song với chiều cao của cây. Những sợi dây này giúp con vượn tuột từ trên cao xuống mặt đất dễ dàng và nhanh chóng.

Bà muốn gọi báo Cảnh sát là có con vượn ở đằng sau nhà, nhưng ngại hình ảnh con vượn chỉ là ảo giác trong mắt bà, khi Cảnh sát đến không thấy nó bà sẽ khó giải thích. Dẫu con vượn là sự thật thì chưa chắc nó đã ngồi yên một chỗ. Dự báo thời tiết sẽ lạnh nhiệt độ đêm nay sẽ rơi rất nhanh và có tuyết làm bà lo ngại. Đây không phải là vượn trắng mặt đỏ của người Nhật nên chắc là nó không chịu lạnh nổi. Bà tự hỏi có cách nào để dụ con vượn vào nhà để tránh cơn tuyết đêm nay không?

Con vượn dần dần đến gần bà. Từ trên ngọn cây, tụt xuống gốc cây, mon men đến ngồi trên đầu hàng rào bê tông, vượt khoảng sân nhỏ, rồi lên trên sàn gỗ. Nó ngồi ở bụi cúc khô nhìn bà như chờ được cho ăn. Da mặt nó đen bóng nhưng nét mặt giống một đứa trẻ. Một con vượn rất bé cao chừng chưa đầy hai tấc. Bà nhớ có nghe đến một loại vượn màu đen rất bé gọi là Hầu Viên, người bình dân gọi là con lọ nồi. Có mấy hạt walnut bóc vỏ sẵn đang cầm trên tay bà đưa cho Hầu Viên. Bà ngạc nhiên khi nó tiến đến gần đưa tay nhận walnut mà không có chút gì sợ hãi. Khi bà mở cửa sau trở vào nhà, Hầu Viên, như một đứa bé, nắm tay bà đi theo.

- Hầu Viên không sợ loài người à? Tôi đang định gọi Cảnh Sát đây.

Bà hỏi, không nghĩ là sẽ được nghe câu trả lời. Tuy nhiên, khi Hầu Viên chạm tay, bà nghe, âm thanh như vọng từ giếng sâu. Hầu Viên móc từ lỗ tai ra một cái gì đó giống như một quả nho đen, đưa cho bà rồi ra hiệu cho bà nhét vào lỗ tai. Đó là một viên ngọc đen bóng loáng. Hầu Viên giải thích.

- Đây là cái máy thông dịch các loại ngôn ngữ giữa người-và-người và người-và-vật. Chỉ cần một người có nó là cả hai sẽ hiểu ngôn ngữ của nhau như cùng nói một ngôn ngữ. Về chuyện sợ loài người, thật ra nếu muốn, thật sự muốn, thì bà đã gọi từ lâu. Mãi đến lúc này bà vẫn không tin là bà nhìn thấy một con vượn đi theo bà khắp nơi nên tôi biết bà sẽ không nói với ai cả. Bà sợ người ta nghĩ là bà bị bệnh ảo giác. Bà chỉ than đau đầu mà người ta đã bắt đầu soi rọi bộ não của bà mấy lần.

- Vâng, họ bảo sợ rằng tôi có bệnh khối u trong não. Bà nói.

- Thật ra, chỉ có người tôi muốn cho thấy mới có thể nhìn thấy tôi. Vả lại, loài người không phải ai cũng đáng sợ. Chỉ có bóng tối trong tâm hồn họ mới đáng sợ thôi. Tôi không sợ bà vì biết tôi bà đã lâu, tôi biết bà trước khi bà nhận ra tôi, biết cả bóng tối trong tâm hồn bà.

- Biết tôi? Sao hay vậy?

- Tôi ở trong nhà bà từ lâu. Chỉ có điều là bà không nhìn thấy tôi thôi.

- Ở trong nhà tôi? Bằng cách nào? Bà hỏi. Nếu đã ở sẵn trong nhà tôi thì tại sao lại đi theo tôi vào cửa sau. Có phải tôi đã gặp Hầu Viên ở Fanwood không?

- Vâng. Chính là tôi đó. Còn ở nhiều nơi nữa, bà biết những nơi bà đã nhìn thấy tôi mà. Tôi muốn bà quen với sự hiện diện của tôi, kẻo đột ngột quá tôi e bà sẽ có những phản ứng không hay. Bà đã khá yếu rồi dù bà cứ tưởng là bà còn khỏe lắm. Chúng ta gặp nhau từ mấy mươi năm về trước, ở cửa hiệu bán quà trong viện bảo tàng Sackler Washington DC. Hôm ấy bà mua một món đồ giá chín mươi chín đồng chín mươi chín xu. Bà trả bằng tờ giấy một trăm. Người bán hàng không có một xu để thối lại. Bà quên mang thẻ tín dụng. Người bán hàng cứ dặn dò bà phải trở lại để anh ta có thể thối tiền cho bà. Bà còn nhớ không?

- Tôi không nhớ vụ một xu, nhưng tôi nhớ mang máng có mua vài món quà trong đó có một xâu chuỗi chữ.

- Đúng là nó. Xâu chuỗi màu đen, bao gồm những chữ có nghĩa là khỉ bằng nhiều thứ ngôn ngữ trên thế giới. Hầu Viên đáp lời tôi. Ngưng một chút, nghiêng đầu nhìn tôi, Hầu Viên nói tiếp. Tôi là một chữ trong xâu chuỗi chữ ấy.

- Thảo nào, tôi nhìn thấy hình dáng Hầu Viên rất quen thuộc mà tôi không nhớ là gặp ở đâu.

- Thân người tôi, hai tay, và hai chân là hình chữ K, cùng với cái đuôi tạo thành chữ Khỉ theo tiếng Việt.

- Tuy nhiên cặp mắt của Hầu Viên rất giống cặp mắt của chữ Viên tiếng Hàn, người ta tạc làm sao mà đôi mắt giống như hai đóa hoa nho nhỏ.

- Cám ơn bà, đã khen tôi có đôi mắt đẹp như hai đóa hoa. Ít ra tôi cũng không đến nỗi xấu xí như Yoda.

Nghĩ cũng lạ, vì là loài vượn nên bà không sợ, chứ nếu đây là một người đàn ông chưa chắc là bà đã dám mời vào nhà. Dù đã nhiều lần nghe kể về loài khỉ hay bắt chước người, bật diêm quẹt làm cháy nhà, thấy người ta tắm trẻ bắt chước rồi nhận chìm đứa trẻ, thậm chí con vượn có thể giết người vì nổi giận; bà không thấy sợ hãi. Có lẽ một phần vì Hầu Viên có vẻ hiền lành thân thiện. Và có lẽ cũng vì Hầu Viên nhỏ bé lại có khuôn mặt giống người.

Ở cửa hàng bán quà của bảo tàng viện Sackler, bà nhìn xâu chuỗi, khắc bằng gỗ thông, sơn đen, giống y như xâu chuỗi chữ do Từ Băng sáng tác nhưng nhỏ hơn. Mỗi chữ to cỡ bàn tay của bà. Chuỗi chữ của Từ Băng treo từ tầng cao nhất của viện bảo tàng thòng xuống tầng hầm rồi chấm dứt nơi mặt hồ tĩnh tâm[1]. Khi cầm trên tay xâu chuỗi chữ bà cảm thấy như có luồng điện chạy dọc trên người rồi thoát ra trên từng đầu ngón tay. Trong lúc cảm thấy luồng điện bà cũng nhìn thấy những vùng sáng lóa. Trong những vùng sáng ấy là hình ảnh giống như những đoạn phim ngắn, hay những giấc mơ ngắn không ý nghĩa. Xâu chuỗi nóng ran lên, và bà có cảm tưởng xâu chuỗi sẽ thay đổi cuộc đời bà. Không biết là sẽ tốt hay xấu hơn nhưng sẽ là một thay đổi lớn.

- Lần đó tôi đi chơi với một người bạn trai. Không hợp tính, cãi nhau luôn, chuyến đi là cơ hội để chúng tôi suy nghĩ có nên tiếp tục duy trì mối tình không hạnh phúc hay không. Sau chuyến đi chúng tôi không còn gặp nhau. Anh ấy biến mất như tan loãng vào hư không. Không một lời từ biệt. Tôi ngỡ là anh ấy giữ xâu chuỗi và tôi vì không muốn gặp lại, cũng không muốn anh ấy ngờ rằng tôi viện cớ để gặp lại anh ấy nên cũng không gọi điện thoại hay nhắc nhở gì cả. Tôi không ngờ xâu chuỗi chữ vẫn ở trong nhà tôi. Và hôm nay gặp Hầu Viên, chắc phải có duyên gì, chứ không lẽ Hầu Viên gặp tôi chỉ để hoàn lại một xu mà ngay từ đầu đã không phải là món nợ của Hầu Viên?

- Bà sẽ ngạc nhiên vô cùng khi thấy cuộc đời là những chuỗi nợ chỉ nhỏ bằng một xu. Hầu Viên mỉm cười, giọng thong thả như nói đùa.

- Thế Hầu Viên sẽ trả nợ như thế nào?

- Tôi sẽ chữa bệnh cho bà.

- Tôi không có bệnh gì cả.

- Bà bị bệnh chấn thương tâm lý sau chuyến vượt biển của bà. Tuy bệnh của bà không phá hủy nếp sống thầm lặng của bà, nhưng nó ngăn cản bà có một cuộc sống hạnh phúc. Bà sợ hãi nhiều thứ và bà quá cầu toàn.

Hầu Viên kê khai chứng bệnh của tôi và tôi công nhận là nhiều cái cũng có lý. Thí dụ như tôi sợ đi xa vì đi xa thì phải lái xe. Tôi sợ lái xe vì sợ hư xe, xe chết máy dọc đường, và những bất trắc trên đường như gặp kẻ xấu lúc xe hư. Tôi sợ người yêu giết tôi chết bằng cách dàn xếp cho xe gặp tai nạn, chọn đường nhỏ vắng để dễ giết tôi. Đi máy bay thì sợ máy bay rớt, sợ không tặc. Đi tàu thì sợ tàu chìm và nhớ lại cảm giác khi vượt biển bằng thuyền. Tôi luôn luôn nhìn thấy những thói hư tật xấu của bạn bè và người thân. Tôi đòi hỏi sự sạch sẽ, ngăn nắp tuyệt đối do đó tôi không thể sống chung với người khác hay nuôi thú vật. Tôi không muốn đi du lịch sang các nước khác vì sang Nhật thì sợ phóng xạ, sóng thần, động đất. Sang Việt Nam thì sợ bắt bớ vô cớ, xe cộ không theo đúng luật lưu thông, thức ăn có chất độc.

- Tôi thấy khó đồng ý với Hầu Viên. Cho dù bản tính tôi có hơi kỳ quặc nhưng tôi không nghĩ đó là bệnh tâm lý. Tôi yêu đàn ông nhưng không đủ để chịu đựng nỗi khổ do sống chung với họ. Và tôi cũng từng nuôi mèo. Con mèo cũng là nỗi khổ của tôi vì tôi phải thu dọn săn sóc nó, nhưng dẫu sao vẫn ít nhọc nhằn hơn nuôi một đứa bé. Nhưng giả tỉ như Hầu Viên nói đúng thì Hầu Viên sẽ chữa trị bằng cách nào? Dùng trò chuyện như một phương pháp trị liệu tâm lý? Hay đưa tôi vào bệnh viện tâm thần?

Hầu Viên dẫn tôi xuống hầm. Khi người bạn trai của tôi biến mất, anh ấy có để lại một ít đồ vụn vặt chứa trong một cái thùng nằm khuất ở góc hầm. Tôi tránh nhìn đến nó. Thỉnh thoảng nhìn thấy nó tôi hậm hực, tình yêu ra đi nhưng rác rưới còn sót lại. Hầu Viên biết chỗ của xâu chuỗi chữ vì nó đã từng là nơi trú ẩn của Hầu Viên. Mang xâu chuỗi chữ lên tầng trên, Hầu Viên treo một đầu của xâu chuỗi chữ lên cái đèn treo trên trần. Sau đó, Hầu Viên giúp tôi đẩy cái bàn trong phòng học dạt qua một bên.

Chuỗi chữ dài chấm đất trông giống như một đàn khỉ đang níu tay nhau. Hầu Viên, lấy hộp phấn màu, loại dùng để vẽ lên mặt đất tôi mua vào dịp xem triễn lãm vẽ trên đường phố, vẽ thoăn thoắt trên nền nhà. Nền nhà tôi biến thành một cái hồ gợn sóng.

Đúng như thời tiết đã dự đoán. Trời đổ tuyết. Những hạt tuyết mềm rơi tạt vào cửa kính những âm thanh dịu dàng. Ngoài tiếng tuyết vơi vạn vật trở nên êm đềm tĩnh lặng.

- Bà rời bỏ quê hương xứ sở vì không thể sống ở đó. Bà cũng không thích nơi bà ở bây giờ, coi nó chỉ là nơi tạm trú. Bà có một nơi chốn lý tưởng nào không?

- Ý của Hầu Viên muốn hỏi là tôi có mơ ước được sống ở thiên đàng hay một utopia phải không? Có thiên đàng hay không?

- Tôi tin là có một thế giới hoàn hảo hơn thế giới chúng ta đang sống. Hầu Viên trả lời. Nhưng trước hết tôi phải chữa bệnh cho bà đã. Bệnh của bà là do có quá nhiều tính khỉ trong người.

Hầu Viên nắm nhẹ ngón tay út của bà, và từ từ rút ra, ban đầu chỉ là sợi tơ rồi sợi tơ dần dần lớn lên biến thành một người giống như bà nhưng nhỏ hơn, chỉ cao cỡ bàn tay, đầu ngón tay út của người này vẫn còn nối vào đầu ngón tay út của bà. Hầu Viên bứt sợi tơ giữa hai đầu ngón tay út, nhẹ nhàng hơn bứt một cọng kẹo kéo. Bà có cảm giác một phần tư tưởng bị rứt ra khỏi thể xác nhưng không làm cho bà cảm thấy đau đớn. Trái lại bà thấy người nhẹ nhõm như vừa trút được một mối lo âu nào đó. Hầu Viên rút một hơi ra cả chục người bé tí như thế. Hầu Viên chỉ từng người và giải thích. Bà này tự cao, cứ nghĩ là mình giỏi, thông minh hơn người những lời bà thốt ra toàn là chân thiện mỹ. Bà này ghét người giàu, người đẹp hơn bà. Bà này ham mê quyền lực, muốn mọi người phải phủ phục tuân lệnh bà. Bà này tuy giàu nhưng có tật ăn cắp vặt, vì cho rằng những thứ người ta bán quá đắt, không xứng đáng với giá trị món đồ. Bà này yêu người có vợ và luôn nuôi ý tưởng ngoại tình. Bà này cố chấp và ngoan cố không biết phục thiện. Bà này có tật thù dai. Bà này lường gạt vài mối tình chân thật dùng lời ngon ngọt chinh phục trái tim người ta rồi bỏ vì chán. Bà này cứ tự cho những gì mình viết là văn chương đáng lưu giữ muôn đời, cố gắng cạnh tranh dùng mưu mẹo để được ghi vào văn học sử.

Những người phụ nữ bé nhỏ này có hình dáng rất giống bà. Họ rủ nhau ra phòng khách chuyện trò sôi nổi về văn học, âm nhạc, và phim ảnh. Tuy nhiên chỉ một lúc sau họ đã tranh cãi chí chóe những vấn đề về nữ quyền, dịch thuật, văn học di dân. Và chính trị nữa, Giời ạ! Họ ném nhau bằng cà chua và trứng bẩn thỉu cả cái phòng khách sạch sẽ của bà.

- Không ngờ trong tôi có nhiều cái tính khỉ đến thế. Bà thở dài nói với Hầu Viên. Cái xấu đã ra khỏi người tôi và bây giờ tôi phải sống trong cảnh hỗn độn này. Tôi không thể mang họ trở lại vào bên trong tôi.

- Bà đừng buồn. Chập sau họ sẽ rủ nhau ra đi cả trả lại nếp sống yên tĩnh của ngôi nhà này. Nếu bà muốn tôi sẽ tặng bà một chuyến đi chơi xa, coi như là một hình thức chữa bệnh cho bà.

Hầu Viên dẫn bà đến xâu chuỗi chữ thòng xuống mặt hồ bảo bà nhìn vào. Bên cạnh bà, trong hồ là một thanh niên mặt vuông, tóc dợn sóng. Bà thấy quen mà không nhớ ra là ai. Anh ta bảo rằng bà nợ anh ta một món nợ lớn. Và hôm nay là ngày bà phải trả nợ. Mặt hồ biến thành một màn ảnh, và trên màn ảnh là một khúc phim xưa đã phai màu.

Bà thấy những hình ảnh như sau. Chàng trai đứng trong một nhà thờ nói chuyện với những người ăn mặc đơn giản nghèo nàn như những người tị nạn. Chàng trai dẫn một cô gái trẻ đi mua sắm ở một thương xá đắt tiền. Chàng đòi hôn, cô gái từ chối. Kẹt xe, chàng trai cáu kỉnh mắng chửi người lái xe chung quanh. Chàng trai người dính đầy máu, cảnh sát còng tay, đang ấn đầu chàng trai cúi xuống lúc vào xe cảnh sát.

- Bà vừa xem lại quá khứ của bà ở hồ tĩnh tâm. Bà không nhớ gì phải không? Khi tâm lý của bà không chịu đựng được một sự thật đắng cay, ký ức bị đẩy vào lãng quên. Mấy mươi năm về trước, khi bà mới sang Mỹ, bà có quen một người Thân, người đàn ông bà nhìn thấy trong mặt hồ. Anh ta là người H’ Mong sống ở Lào. Bà và Thân gặp nhau ở nhà thờ nơi bà học Anh ngữ. Thân nhiều lần đưa bà đi chơi và mua sắm quần áo quà cáp cho bà. Bà nhận quà và Thân nghĩ là bà cũng yêu Thân nên bày tỏ tình yêu. Bà lợi dụng Thân và khi thấy Thân muốn tiến xa hơn, bà tuyệt giao với Thân. Những món quà ngày xưa là món nợ lớn của bà.

- Bây giờ tôi nhớ ra rồi. Anh ta làm phụ bếp cho một nhà hàng Tàu, so với đồng lương của anh ta thì những món quà anh ta cho tôi quả là rất lớn, rất tốn kém. Lúc ấy tôi nghèo quá, Thân cho tôi những món quà quá xa xỉ và nó khêu gợi lòng kiêu căng và tham lam muốn sở hữu những thứ mà đàn bà con gái đều yêu thích. Tôi không yêu anh ấy không phải vì anh ấy nghèo và ít học, mà vì anh ấy rất nóng nảy cộc cằn. Tôi nhìn thấy vẻ hung tợn của anh ấy và e ngại sau này sẽ trở thành nạn nhân dưới tay của anh ta. Tôi dứt khóat không gặp anh ta nữa. Ngoài tôi ra anh ấy còn quen nhiều người nhưng ai cũng lảng tránh anh ta. Tôi nghĩ tôi đã quyết định khôn ngoan.

- Sự từ chối tình yêu của bà, cộng thêm sự từ chối của nhiều phụ nữ khác, với Thân đó là sự phản bội. Anh ta nảy sinh lòng thù hận phụ nữ. Anh cưới một người phụ nữ người Hispanic. Nghi là người phụ nữ này ngoại tình, anh ta giết chết người phụ nữ này. Giết bằng dao, moi móc cả tim gan ra ngoài để xem trái tim của người đàn bà ra thế nào mà người nào cũng phản bội anh ta.

- Vâng, tôi có đọc tin ấy trên báo. Cảnh Sát đến bắt người anh ta đầy máu me. Và nội tạng của người phụ nữ vương vãi khắp phòng.

- Bây giờ tôi phải làm gì? Tôi không nghĩ những món quà anh ta cho tôi có thể xem là nợ, tại vì anh ta tự nguyện tặng quà cho tôi.

- Anh ta tặng quà cho bà với ý nghĩ tặng quà cho người yêu. Hễ bà nhận quà tức là đồng ý đáp lại tình yêu.

- Cho dù ban đầu tôi có cảm tình với anh ta thì tôi cũng sẽ rời bỏ vì cái tính hung tợn của anh ta. Anh ta trút nỗi hận vào một người đàn bà điều đó không làm anh ta đáng được tha thứ và cũng không làm tôi cảm thấy đó là lỗi của tôi. Thật đáng thương cho người phụ nữ bị anh ta giết chết như vậy. Tôi rất tiếc đã không thể đáp lại những món quà anh ta cho tôi nhưng không đồng ý với quan điểm của Hầu Viên. Người Việt Nam thường nói,bắc thang lên hỏi ông trời, có tiền cho gái có đòi được không. Dẫu đó là nợ thì tôi cũng sẽ không trả nợ này.

Hầu Viên khoát tay, tỏ ý không muốn tranh cãi với bà. Bà nghĩ thầm chuyện kỳ lạ thật. Hầu Viên không phải là người nợ bà một xu, bà cũng không hề đòi món nợ này, thế mà hắn vẫn tìm đến bà để trả nợ. Giả tỉ như Thân cứ nhất định đòi nợ thì bà phải phản ứng thế nào đây?

- Tôi không đòi nợ. Tôi chỉ muốn rút ra hết những tính khỉ trong người bà và sau đó sẽ giới thiệu với bà một thế giới khác có thể hợp ý với bà, sẽ được xem là tốt đẹp hơn cái cõi người mà chúng ta đang sống.

Những người phụ nữ nhỏ bé, một phần trong con người bà ở ngoài phòng khách đã thôi cãi nhau. Mỗi người cắm cúi vào smart phone, tablet, notebook, laptop hướng về cõi người của riêng họ. Hầu Viên mời bà nhìn vào mặt hồ tĩnh tâm lần nữa.

Bên ngoài, tuyết rơi lặng lẽ, bầu trời đầy mây có ánh sáng màu hồng nhạt như thể ở bên kia lớp mây dày có một vầng ánh sáng. Hồ tĩnh tâm, hay là cái hình vẽ không gian ba chiều giống như vũng nước ngay bên dưới xâu chuỗi chữ khỉ, lăn tăn gợn sóng với vầng trăng. Hầu Viên nói như một hướng dẫn viên du lịch.

- Đi theo hướng vầng trăng, bà sẽ đến nơi đó. Một vùng đất gần như toàn hảo. Không khí sạch, thức ăn sạch, có thiên nhiên ngay trong thành phố, không chiến tranh, không tội ác. Người ta có thể kiểm soát cái chết, tự thiết kế cách chết cho mình trong tương lai. Thí dụ như một người sau khi sống lâu quá cảm thấy muốn chọn cho mình một cái chết không đau đớn hay bệnh tật thì ý muốn này có thể thực hiện được.

- Bằng cách nào?

- Người ta đến một trại an dưỡng dành cho người tự thiết kế cái phần kết thúc cuộc sống, chọn chương trình và ghi vào máy.

- Như là programming vậy? Tôi ngắt lời.

- Vâng. Hầu Viên gật đầu, nói tiếp. Người ấy sẽ rút ra một phần người (hay nói đúng hơn, một phần khỉ) để nằm ngủ ở trại an dưỡng và cái phần người muốn làm gì tùy thích cho đến lúc cái program ấy bắt đầu.

- Thú vị nhỉ?

- Thú vị gấp nhiều lần hơn cái tôi vừa kể. Tôi không thể miêu tả cho hết cuộc sống ở thế giới đó. Mỗi người phải tự trải nghiệm mà thôi.

- Giả tỉ như tôi đến đó một thời gian sau tôi muốn quay về nơi này, thì điều này có thể thực hiện không?

- Có chứ. Thì bà cứ đi ngược hướng trở lại. Xâu chuỗi chữ này sẽ là nhịp cầu nối của hai thế giới. Tôi tin là khi đến đó bà sẽ không muốn quay về.

- Nguyên xâu chuỗi này có nhiều chữ, tại sao chỉ có một mình Hầu Viên đến đây? Bà hỏi.

- Đây không phải là xâu chuỗi độc nhất. Và mỗi chữ khỉ đi về nơi ngôn ngữ gốc của nó, nơi có nguồn nợ của nó.

- Hầu Viên rút ra từ tôi nhiều người giống tôi và chứa tính khỉ của tôi. Những người này sẽ như thế nào?

- Họ có thể biến thành khỉ và đi đến bất cứ nơi nào họ thích. Hay họ có thể ở lại nhà này. Họ sẽ là bạn của nhau, là chị em với nhau, vì không ai biết rõ ý thích và tính nết của họ hơn.

- Suốt đời tôi ở mãi một nơi, nhiều khi lòng tôi mơ ước được thăm viếng hay sống một nơi hoàn toàn khác hẵn cuộc sống hiện nay. Tôi muốn thử đến nơi có vầng trăng dưới hồ tĩnh tâm. Nếu không thích sống ở đó tôi sẽ quay trở lại.

Hầu Viên gật đầu, nắm tay bà dẫn đến miệng hồ. Tay bà cầm lấy một đầu xâu chuỗi chữ. Chân bà vừa chạm mặt nước hồ thì ngay lập tức bà biến thành một con khỉ nhỏ bằng bàn tay, leo thoăn thoắt xuống lòng hồ về hướng mặt trăng. Hầu Viên nói vọng theo.

- Nếu bà trở ngược đầu, bà sẽ nhìn thấy vầng trăng biến thành mặt trời, và ánh đèn này sẽ trở thành mặt trăng. Một trong những cách có thể giúp bà trở lại căn nhà này là bà phải tìm cho ra một người nào đó đồng ý mua xâu chuỗi chữ khỉ này và làm sao cho họ thiếu nợ bà ít nhất là một xu. Phần tiếp theo là tất cả những chi tiết vừa xảy ra tối hôm nay, bà biết rồi. Bà cần gom lại tất cả tính khỉ của bà, mỗi con người rút ra từ thân xác của bà có mang một phần trí tuệ của bà. Nếu thiếu nhiều phần người, bà sẽ bị mất trí nhớ.

Hầu Viên tháo xâu chuỗi từ đèn treo trên trần rồi ném vào nó vào trong hồ tĩnh tâm. Mặt nước khô dần để lại sàn nhà với nhiều nét phấn vẽ. Hầu Viên chọn một tấm ảnh của bà đắp lên mặt và từ từ biến thành một phụ nữ giống như bà. Những người đàn bà nhỏ bé biến thành một những con khỉ nhỏ rất đáng yêu. Người đàn bà ra đứng cạnh cửa sổ, hé rèm nhìn ra bên ngoài. Tuyết đã ngưng rơi.

Hầu Viên vốn là một người sống ở thế giới dưới đáy hồ đi về hướng mặt trăng. Sau một thời gian sống quá lâu ở một nơi thật nhạt nhẽo, không có cái xấu vì thế không có cái tốt, không có nỗi buồn nên không có niềm vui, không có cái chết nên cái sống trở nên vô nghĩa. Hầu Viên chọn cách chết cho Hầu Viên bằng cách trở lại cõi thế gian.



[1] Từ Băng, nghệ sĩ điêu khắc đương đại, đã sáng tác một xâu chuỗi khắc bằng gỗ bao gồm chữ khỉ của nhiều ngôn ngữ trên thế giới như tiếng Ả rập, Đại hàn, Trung quốc, và Anh quốc. Xâu chuỗi chữ này được treo từ trên tầng cao nhất đến tầng hầm của viện bảo tàng Sackler (Washington DC). Chuỗi chữ này chấm dứt bên trên một hồ nước. Xâu chuỗi chữ là hiện thân của một câu chuyện dân gian. Ngày xưa có một đàn vượn chơi đùa trên cây cao dưới bóng trăng. Một con khỉ nhìn thấy bóng trăng trong hồ tưởng rằng mặt trăng đã rơi xuống nước nên kêu gọi cả đàn đi vớt mặt trăng. Từ trên ngọn cây đàn vượn nắm tay nhau tạo thành một chuỗi dài thả xuống hồ. Khi đụng vào mặt nước mặt trăng vỡ vụn. Loài vượn bảo nhau mặt trăng, kho tàng quí giá của thiên nhiên mất rồi, buồn quá kêu khóc vang trời. Một con vượn khác bình tĩnh hơn chỉ lên trời bảo rằng, mặt trăng vẫn còn, dưới hồ chỉ là bóng trăng trong nước.





Nguyễn Thị Hải Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét