Mấy năm gần đây, trên dư luận lề trái, cụm từ "xã hội dân sự" đã trở thành một mốt thời trang. Ngày nay, tuyệt đại đa số các tổ chức đấu tranh đã công khai tuyên bố rằng mình là một phần của xã hội dân sự. Không ít tiếng nói trong phong trào đã đồng thuận rằng tiến trình dân chủ hóa ở Việt Nam gắn liền với sự phát triển của xã hội dân sự, và chỉ có thể giành thắng lợi khi các tổ chức dân sự đủ lớn mạnh để vận động quần chúng xuống đường đấu tranh.
Mốt "xã hội dân sự" này hình thành vì hai lí do chính.
Thứ nhất, là tình hình quốc tế thay đổi. Chỉ mới vài thập kỷ trước, mọi chính phủ phương Tây đều quả quyết rằng chủ nghĩa Cộng Sản là xấu, các chế độ Cộng Sản phải bị tiêu diệt, hoặc ít nhất là bị tẩy chay. Thời đó, các đảng phái chống Cộng có thể được Mỹ rót những khoản đầu tư kếch xù. Tuy vậy, khi những quyền lợi thực tiễn về kinh tế và địa chính trị khiến "thế giới tự do" và "địa ngục Cộng Sản" ngày càng thân thiết với nhau hơn, thái độ cực đoan này không dùng được nữa. Càng ngày, chính quyền Mỹ càng khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng Hoa Kỳ tôn trọng thể chế chính trị hiện tại của Việt Nam, và muốn giúp chính phủ Việt Nam đạt được những bước tiến bộ về nhân quyền và pháp luật. Thế là chính quyền Cộng Sản trở thành đối tác chính trị của Mỹ, thay vì một đối tượng xấu cần lật đổ hoặc tẩy chay.
Trong tình hình mới, Mỹ không thể, và cũng không muốn công khai hỗ trợ những đảng phái đối lập chủ trương lật đổ chính quyền. Vì vậy, dòng tiền đầu tư chảy sang một xu hướng mới. Đó là những "tổ chức dân sự" được thành lập để "xiển dương nhân quyền, công bằng xã hội và thượng tôn pháp luật". Dù sao đi nữa, đường lối hoạt động trên danh nghĩa ấy cũng phù hợp với những tuyên bố mà hai chính phủ Việt Nam và Mỹ đã thỏa thuận với nhau. Thế là dù muốn hay không muốn, các nhà hoạt động cũng đành nói ít đi về thay đổi thể chế, và nói nhiều hơn về nhân quyền. Các chính đảng đối lập cũng kín tiếng hơn, và đảng viên thường chỉ hiện diện công khai trong lốt "xã hội dân sự".
Lí do thứ hai là lách luật. Nếu cứ tham gia các chính đảng đòi dân chủ theo lối cũ, thì khi bị bắt, người ta sẽ dễ dàng bị khép vào điều 79 Bộ luật Hình sự, là "Âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân". Còn nếu tuyên bố rằng mình chỉ tham gia một tổ chức dân sự chuyên quảng bá những giá trị phổ cập mà nhà nước Việt Nam đã công nhận trước quốc tế, thì bản án, nếu có, sẽ nhẹ hơn nhiều. Thế là trong mắt các nhà đấu tranh, cụm từ "xã hội dân sự" đã trở thành một lá chắn và bình phong vô cùng hữu ích.
Mốt "xã hội dân sự" kể trên có cả cái hay lẫn cái dở. Dư luận đã đổ quá nhiều nước miếng để mô tả hết cái hay. Vì vậy, dưới đây, tôi chỉ xin điểm qua vài hạn chế của mốt này.
Hạn chế đầu tiên là những "tổ chức dân sự" kể trên dường như chưa chính danh lắm.
Nhìn chung, xã hội dân sự bao gồm những tổ chức mà người ta tự nguyện gia nhập, độc lập với các nhà nước, và không được thành lập để tham gia tranh cử. Tôi quan ngại sâu sắc về tính độc lập của các tổ chức dân sự lề trái ở Việt Nam. Trong thực tế, đa số những tổ chức đó rất lệ thuộc vào dòng fund trực tiếp hoặc gián tiếp từ các chính phủ nước ngoài. Hầu như chẳng có "tổ chức dân sự" nào sống được nhờ môi trường dân sự Việt Nam, tức là bằng tiền của người dân trong nước. Vậy thì đâu có độc lập với các chính phủ. Thêm vào đó, trong những cuộc trò chuyện không chính thức, nhiều "nhà hoạt động dân sự" lề trái cũng hiếm khi che giấu mục đích lật đổ chế độ và giành chiến thắng cho chính đảng mà mình đang theo. Tôi không nói việc này là sai hay đúng, nhưng tôi tin rằng nó không chính danh lắm trong mắt người mình.
Hạn chế thứ hai là nạn độc quyền danh nghĩa. Cái danh "xã hội dân sự" thật béo bở. Khi phát biểu trong các cuộc gặp, hội nghị, hoặc trên truyền thông quốc tế, các tổ chức đối lập thường liệt kê danh sách mấy chục "tổ chức xã hội dân sự", hay "hội đoàn độc lập" ở Việt Nam. Họ làm như thể xã hội dân sự Việt Nam chỉ có mấy chục tổ chức này, và cái nào cũng bị đàn áp bởi chính quyền. Trong khi đó, hầu hết các tổ chức này có chung danh sách thành viên, nghĩa là nhiều tổ chức thực ra chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Ngoài ra, trong thực tế, xã hội dân sự Việt Nam không chỉ bao gồm những tổ chức đối lập. Hiện có hàng vạn tổ chức dân sự đã hoặc chưa được cấp phép, thuộc mọi địa hạt của đời sống, đang công khai hoạt động ở Việt Nam. Nếu thực lòng muốn phát triển xã hội dân sự và xiển dương nhân quyền ở trong nước, tôi nghĩ các tổ chức đối lập nên nhận xét công tâm hơn về môi trường dân sự mới mở ra này. Nếu cứ trình bày rằng Việt Nam chỉ có vài chục tổ chức dân sự, và phát biểu nhân danh toàn thể xã hội dân sự Việt Nam, tôi e dư luận cả trong lẫn ngoài sẽ có nhiều lời đàm tiếu.
Hạn chế thứ ba là quá lệ thuộc vào môi trường chính trị quốc tế. Bản thân cái mốt xã hội dân sự đã là một sản phẩm phụ của những thỏa thuận đối ngoại giữa chính quyền Việt Nam và các chính quyền phương Tây. Nhiều tổ chức dân sự đối lập dành hầu hết tâm sức để lên án chính quyền Việt Nam hiện tại trong cuộc gặp với những chính quyền khác mà họ cho là tốt bụng và chính nghĩa hơn, những mong nhận được sự cứu giúp của các vị này. Có lẽ để trở thành một phần của xã hội dân sự đích thực, các tổ chức đối lập nên dành thêm sự quan tâm cho các thành phần dân chúng ở Việt Nam, thay vì tiếp tục bị ám ảnh bởi các chính quyền đó.
Nhà dân chủ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét