Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Bạn có phải là một người Phi Quyền Chính Không? Câu trả lời có thể làm bạn ngạc nhiên!


David Graeber
David Graeber một nhà nhân chủng xã hội học Mỹ, cũng là nhà vận động chính trị và viết sách. Ông hiện là giáo sư tại trường Kinh Tế Luân Đôn- trước đây từng là phó giáo sư nhân chủng xã hội học tại đại học Yale. Ông là một trong những người tiên phong trợ lực tổ chức và dấy động các cao trào công lý xã hội như Occupy Wall St. Ông viết nhiều bài viết và sách về nguyên lý Phi Quyền Chính, trong đó có một quyển nổi tiếng và gây nhiều tranh luận như The Democracy Project, and Debt: The First 5,000 Years (2011)
===========

Rất có thể bạn đã nghe qua đại khái về những người phi quyền chính họ ra làm sao và họ tin vào những tư tưởng gì. Và cũng rất có thể hầu hết những gì bạn nghe qua đó đều là vớ vẩn sai bét. Rất nhiều người nghĩ rằng phi quyền chính là những người ủng hộ bạo lực, hỗn loạn và hành động phá hoại, rằng họ chống lại bất cứ hình thức trật tự và tổ chức loại nào, hoặc họ là những người theo thuyết hư vô điên rồ chỉ muốn phá hủy mọi vật trên đời này. Trong thực tế, thì những nhận định này chẳng có gì gần với sự thật hết.

Những người Phi Quyền Chính đơn giản là những người tin là loài người có khả năng hành xử một cách hợp lý mà không cần phải bị cưỡng chế.. Nó thực sự là một khái niệm rất đơn giản. Nhưng nó chính là một trong những nguyên lý sống mà bọn người giàu có và quyền lực luôn cảm thấy cực kỳ nguy hiểm đối với họ.

Ở mức đơn giản nhất, người phi quyền chính tin vào hai giả định cơ bản như sau. Thứ nhất là con người ở những hoàn cảnh bình thường, họ hành xử hợp lý và đúng đắn khi họ được hoạt động tự do, và có khả năng tự tổ chức giữa họ và cộng đồng của họ mà không cần thiết phải bị ra lệnh làm như thế nào. Thứ hai là quyền lực là băng hoại. Hầu hết, phi quyền chính chỉ là vấn đề của việc có đủ can đảm để ứng dụng những nguyên lý đơn giản của tính tốt đẹp thông thường mà tất cả chúng ta sống theo, và theo những nguyên lý này để thông đạt đến những kết luận hợp lý. Mặc dù điều này nghe có vẻ kỳ quặc, nhưng trong hầu hết những cách xử thế quan trọng, bạn có lẽ đã là một người phi quyền chính rồi mà bạn chỉ chưa nhận ra đó thôi.

Hãy khời đầu với vài thí dụ từ hành xử hàng ngày của chúng ta:

Nếu có một dẫy người xếp hàng để lên một xe buýt đông người, bạn có tuần tự đợi đến lượt của bạn mà không chen lấn xô đẩy người khác để giành đi lên trước không, ngay cả trong trường hợp không có cảnh sát?
Nếu bạn trả lời "có", thì đó chính là bạn từng hành động như một người phi quyền chính! Nguyên tắc phi quyền chính cơ bản nhất là sự tự tổ chức xếp đặt hành xử tương tác: trong quan niệm rằng con người không cần phải bị đe dọa bắt bớ để có những hành động hiểu biết hợp lý với nhau, hoặc đối xử với nhau một cách tôn trọng. ((hay nguyên lý "trật tự tự phát" (spontaneous order) mà Pierre Joseph Proudhon từng diễn giải - và một số nhà nghiên cứu đã thấy rằng nguyên lý này đã được Trang Tử Zhuangzi (369–286 BCE) đề xuất trong Nam Hoa Kinh- người dịch chú thích)

Mọi người đều tin rằng tự chính họ có khả năng hành xử hợp lý . Nếu họ nghĩ rằng luật pháp và cảnh sát là cần thiết, đó chỉ là vì họ không tin rằng những người khác cũng có khả năng tự hành xử hợp lý như họ. Nhưng nếu bạn suy nghĩ kỹ hơn chút, thì có phải tất cả những người đó cũng suy nghĩ chính xác như vậy về bản thân bạn không?

Người Phi quyền chính cho rằng gần như tất cả các hành vi chống đối xã hội mà làm cho chúng ta nghĩ rằng cần thiết để có quân đội, cảnh sát, nhà tù, và nhà nước chính phủ để kiểm soát cuộc sống của chúng ta, thực sự là do chính sự bất bình đẳng và bất công có hệ thống của chính quân đội, cảnh sát, nhà tù và nhà nước chính phủ tạo ra. Nó là tất cả một vòng tròn luẩn quẩn bạo ngược.

Khi con người bị thường xuyên đối xử, chẳng hạn như coi những ý kiến của họ không có tí nào quan trọng hết, họ có thể trở nên tức giận và hoài nghi, thậm chí còn bạo lực - và tất nhiên những hành xử phản ứng này rất dễ dàng để cho những người cầm quyền hành trong tay qui kết rằng những ý kiến của họ không có một giá trị nào hết.

Một khi con người hiểu rằng ý kiến của họ thực sự giá trị giống như bất kỳ của ai khác, họ lại có xu hướng hiểu biết và cảm thông đáng kể. Nói ngắn gọn là: Người phi quyền chính qui kết rằng phần lớn của vấn nạn nằm ngay tại chính quyền lực, và những tác động của quyền lực mới làm cho người ta ngu tối và vô trách nhiệm.


Bạn có phải là thành viên của một câu lạc bộ hay đội thể thao, hay bất kỳ một tổ chức tự nguyện nào khác, nơi mà quyết định không bị áp đặt từ một vị lãnh đạo mà được thực hiện dựa trên cơ sở đồng thuận chung?
Nếu bạn trả lời "có", thì bạn thuộc một tổ chức đang hoạt động trên nguyên tắc Phi quyền chính! Một nguyên lý cơ bản của Phi quyền chính nữa là sự tự nguyện tham gia kết hợp. Điều này chỉ đơn giản là việc áp dụng các nguyên tắc dân chủ trong cuộc sống bình thường.

Sự khác biệt duy nhất là Phi quyền chính tin rằng chúng ta có thể gầy dựng một xã hội mà trong đó tất cả mọi thứ đều có thể được tổ chức dựa theo những nguyên tắc cơ bản trên, tất cả các tổ chức hội đoàn đều dựa trên cơ sở tự nguyện của các thành viên của họ, và do đó, rằng tất cả các cơ quan tổ chức hành xử theo lề lối hàng dọc cao thấp từ trên xuống, tuân hành mệnh lệnh của tổ chức như quân đội hoặc hệ thống thư lại quyền chính hay các tập đoàn lớn, dựa vào hệ thống quân giai- (mệnh lệnh đi từ vị trí tôn ti cấp bậc cao xuống thấp) sẽ không còn cần thiết nữa.

Có lẽ bạn không tin rằng điều này khả thi. Hoặc cũng có thể bạn tin. Tuy nhiên, mỗi khi bạn đạt đến một thỏa thuận qua sự đồng thuận, chứ không phải do bị đe dọa, mỗi khi bạn thực hiện một thỏa thuận từ sự tự nguyện với một người khác, đạt đi đến một sự thông cảm, hoặc đi đến một thỏa hiệp bằng cách cân nhắc đến hoàn cảnh đặc biệt hay nhu cầu cụ thể của người khác, thì chính bạn đang là một người Phi quyền chính - ngay cả nếu như bạn không nhận ra được điều này.

Phi quyền chính chỉ là cái cách mọi người hành động khi họ được tự do làm những gì họ tùy chọn, và khi họ tương tác với những người khác cũng đều tự do tự nguyện bình đẳng như họ - và do đó nhận thức được trách nhiệm đòi hỏi giữa mình và những người khác.

Điều này đưa đến một điểm then chốt: Rằng dù người ta có thể biết điều và quan tâm tử tế khi hành xử trong bình đẳng, nhưng bản chất tự nhiên của người ta là điều kiện mà khi được trao quyền lực lên trên người khác, thì không thể tin tưởng họ sẽ hành xử tốt như vậy nữa. Trao cho một người nào đó quyền lực như thế, họ sẽ hầu như hoàn toàn lạm dụng nó cách này hay cách khác.


Bạn có tin rằng hầu hết các chính trị gia ích kỷ, tồi tàn, tự cao tự đại, chẳng thực sự quan tâm đến lợi ích quần chúng? Bạn có nghĩ rằng chúng ta đang sống trong một hệ thống kinh tế ngu xuẩn và bất công?
Nếu bạn trả lời "có", thì bạn cùng tư tưởng phê phán xã hội ngày nay với một người phi quyền chính - ít nhất, trong quan điểm tổng quát nhất của nó. Người Phi quyền chính tin rằng quyền lực là lũng đoạn băng hoại, và những người dành toàn bộ cuộc sống của họ để tìm kiếm quyền lực là những người ít đáng cầm quyền lực nhất. Những người phi quyền chính qui kết rằng hệ thống kinh tế hiện nay của chúng ta đang ở khuynh hướng tạo quyền lợi cho những kẻ ích kỷ và bất lương thay vì cho những người tử tế, có tấm lòng quan tâm đến tha nhân. Đa số con người đều cảm nhận hiện trạng kinh tế ngày nay là như vậy. Sự khác biệt duy nhất là hầu hết mọi người nghĩ rằng không còn có phương pháp nào, đường lối nào để thay đổi cái hiện trạng kinh tế này - và đây là lập luận mà bọn tôi tớ trung thành của đám quyền lực luôn nhấn mạnh rằng- bất cứ điều gì không mang đến kết cuộc sẽ làm vấn đề tồi tệ hơn.

Nhưng nếu điều này không đúng sự thật thì sao?

Thật sự có bất kỳ lý do gì để tin điều này chăng? Khi bạn có thể thực sự thử nghiệm chúng, hầu hết các tiên đoán trước giờ về những gì sẽ xảy ra khi không có nhà nước hay chủ nghĩa tư bản, lại hóa ra là hoàn toàn không đúng sự thật.

Hàng ngàn năm trước con người từng sống không có chính phủ. Có rất nhiều nơi trên thế giới ngày nay con người sống ngoài vòng kiểm soát của chính phủ. Họ chẳng giết hại lẫn nhau. Hầu hết là họ sinh hoạt, tương tác hàng ngày trong cuộc sống của họ cũng giống như bất cứ ai khác sinh hoạt và tương tác thôi.

Đương nhiên trong một xã hội công kỹ nghệ, đô thị hổn hợp thì tất cả những điều này sẽ phức tạp hơn: nhưng chính công kỹ nghệ cũng có thể làm cho những vấn đề này được giải quyết dễ dàng hơn nhiều. Thậm chí trong thực tế, chúng ta chưa từng bắt đầu suy nghĩ về cuộc sống của chúng ta có thể sẽ ra làm sao nếu công kỹ nghệ được thực sự áp dụng để phù hợp với nhu cầu của con người.

Chúng ta mỗi người thực sự cần phải làm việc bao nhiêu giờ trong một ngày để duy trì một xã hội đầy đủ chức năng của nó- có nghĩa là, nếu chúng ta chấm dứt hết tất cả các nghề nghiệp vô tích sự hay tác hại như: khuyến mại viên qua điện thoại, luật sư, cai tù, kinh tế gia phân tích, chuyên gia xoay ý quần chúng, hành chính thư lại và chính trị gia, mà chuyển những bộ óc khoa học giỏi nhất của chúng ta từ những việc đang chế tạo vũ khí không gian hoặc thị trường chứng khoán qua việc cơ giới hóa những công việc nguy hiểm và gây phiền toái như đào mỏ than hoặc là lau chùi nhà vệ sinh, và phân phối những công việc tốt còn lại cho mọi người một cách bình đẳng. Sẽ là 5 giờ một ngày, Bốn giờ? Ba giờ? Hai giờ? Chẳng ai biết được, vì thậm chí chưa ai đặt ra những câu hỏi như thế. Những người phi quyền chính cho rằng đây chính là những câu hỏi chúng ta cần đặt ra.


Bạn có thật sự tin vào những điều bạn dạy con cái bạn không (hay những điều cha mẹ bạn từng dạy bạn?)
"Không thành vấn đề ai khởi sự điều sai trước (sai là sai -dù trước hay sau)." "Cả hai sai không có nghĩa là sự việc trở thành một điều đúng" "phải tự gánh trách nhiệm hậu qủa sai trái của mình," "Hãy đối xử với người khác như mình muốn được đối xử... "Đừng đối xử tệ hại với người ta chỉ vì họ khác mình".
(ghi chú nhỏ của người dịch- Thời ngày xưa còn bé ở Việt Nam, đám trẻ chơi đùa thường hay xảy ra cãi vả đánh nhau, rồi đi "mách" cha mẹ...Và kết quả thường là cả hai bên đều bị những bố mẹ biết điều phạt đòn vì tội "đánh nhau". Không cần biết đứa nào gây hấn trước, giải pháp "đánh nhau" đã là sai, nên đều bị đòn!)

Có lẽ chúng ta nên quyết định là chúng ta có đang dối trá con cái chúng ta hay không khi chúng ta dạy chúng về đạo lý đúng, sai, hoặc là chúng ta có thật muốn thực hiện những giá trị đạo lý của chúng ta một cách nghiêm chỉnh hay không. Vì nếu quí vị đặt những nguyên tắc đạo lý này đến những kết luận thuận lý của nó, quí vị sẽ thấy ngay đó là nguyên lý phi quyền chính.

Hãy lấy nguyên tắc rằng cả hai sai không có nghiã là sự việc trở thành một điều đúng. Nếu bạn hành xử nguyên tắc này một cách nghiêm túc, chính nguyên tắc này thôi sẽ loại đi gần như toàn bộ cơ sở của chiến tranh và hệ thống pháp lý hình sự. Điều này cũng đúng với nguyên tắc về sự san sẻ chia chung: chúng ta luôn luôn dạy con em chúng ta rằng cần học tập sự san sẻ, chia chung, học tập quan tâm đến những nhu cầu của nhau, học giúp đỡ lẫn nhau; nhưng rồi sau đó chúng ta lại bỏ đi để khi vào cái thế giới thực, thì chúng ta lại cho rằng tất cả con người bản chất tự nhiên là ích kỷ và tranh giành nhau.

Nhưng một người phi quyền chính sẽ chỉ ra rằng: thật sự, những gì chúng ta dạy con em chúng ta đều là đúng. Gần như hầu hết mỗi thành tích giá trị đạt được trong lịch sử nhân loại, mỗi khám phá hay thành tựu cải thiện đời sống con người chúng ta, đều đã được dựa trên những nguyên tắc hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau; ngay cả bây giờ, đa số chúng ta xử dụng nhiều tiền bạc của chúng ta cho bạn bè và thân nhân hơn là cho bản thân chúng ta; mặc dù thế giới luôn luôn có những con người thích tranh giành, tuy vậy không có lý do gì để xã hội con người phải dựa trên sự cổ vũ, khuyến khích các hành vi như vậy, chưa kể đến việc đẩy con người ta phải tranh giành nhau những nhu cầu căn bản trong đời sống.
Như thế chỉ phục vụ cho quyền lợi của những kẻ nắm quyền lực mà thôi, những kẻ quyền lực chỉ muốn chúng ta sống trong sự sợ hãi lẫn nhau.

Đó là lý do tại sao người phi quyền chính kêu gọi xây dựng một xã hội không chỉ dựa trên sự liên kết tự do thôi mà cả sự hỗ trợ lẫn nhau nữa. Điều thực tế là đa số trẻ em lớn lên tin vào những giá trị đạo lý của nguyên lý phi quyền chính, rồi sau đó dần dần lại nhận ra rằng cái thế giới của người lớn không thực sự hành xử theo những đường lối đó. Và đó là lý do tại sao có rất nhiều người trở nên phản kháng, hoặc xa lánh, thậm chí tự tử khi còn ở tuổi vị thành niên hay cuối cùng đi tới cam chịu và gay gắt khi trưởng thành; và niềm an ủi duy nhất của họ, thường xuyên là một khả năng nuôi dưỡng con em của họ trong sự giả vờ với chính họ rằng thế giới là công bằng.

Việc gì sẽ xãy ra nếu chúng ta thực sự tối thiểu có thể bắt đầu xây dựng một thế giới đích thực thành lập dựa trên nguyên lý của công chính? Có phải đây chính là món quà lớn nhất đối với con cái của một người mà người đó trao tặng cho chúng không?


Bạn có tin rằng bản chất con người là băng hoại và độc ác, hoặc có một mẫu người nhất định (như phụ nữ, người da mầu, người bình dân không giầu có và học vấn không cao) là loại người thấp kém sanh ra để bị cai trị bởi những người giỏi dang hơn?
Nếu bạn trả lời "có", thế thì đành thôi, rốt cuộc xem ra bạn không phải là một người phi quyền chính. Nhưng nếu bạn trả lời "không", thì rất có thể là bạn đã tán thành 90% những nguyên tắc phi quyền chính rồi, và rất có thể, bạn đang sống phần lớn cuộc sống của bạn dựa theo những nguyên tắc này.

Mỗi lần bạn đối xử với người khác dựa trên sự cân nhắc và tôn trọng, thì bạn đang hành xử như một người phi quyền chính. Mỗi lần bạn tìm giải đáp cho sự khác biệt của bạn với những người khác bằng cách thỏa hiệp hợp lý, bạn lắng nghe những gì mọi người nói thay vì để cho một người quyết định hết tất cả cho mọi người khác, thì bạn đang hành xử như một người phi quyền chính. Mỗi khi bạn có cơ hội để buộc một ai đó làm một điều gì đó, nhưng thay vì vậy, bạn lại quyết định xem xét đến cảm giác lý lẽ của họ hay sự công bằng, thì bạn đang hành xử như một người phi quyền chính. Điều này cũng đúng cho việc mỗi lần bạn san sẻ cái gì đó với một người bạn, hoặc quyết định ai sẽ là người rửa chén, hoặc làm tất cả bất cứ điều gì dưới một con mắt công bằng.

Hiện thời, chắc bạn chỉ đồng ý rằng tất cả điều này là tốt và tốt cho các nhóm nhỏ của người dân để có thể đối xử được với nhau như thế, nhưng việc quản lý một thành phố, hay một quốc gia, là cả một vấn đề hoàn toàn khác. Và tất nhiên điều suy nghĩ này của bạn là có cơ sở. Thậm chí nếu xã hội được tản quyền và trao hầu hết quyền lực trong tay của các cộng đồng nhỏ, thì vẫn sẽ có rất nhiều thứ cần phải được phối hợp, từ hoạt động các hệ thống xe điện đến quyết định chiều hướng nghiên cứu cho y khoa. Nhưng chỉ vì cho rằng một cái gì đó phức tạp không có nghĩa là không có cách nào để khắc phục được điều đó một cách dân chủ.

Vấn đề có thể đơn giản chỉ là phức tạp. Trong thực tế, những người phi quyền chính có rất nhiều ý tưởng và tầm nhìn khác nhau cho một xã hội phức tạp mà chính cái xã hội phức tạp đó có thể tự quản lý lấy nó. Để giải thích rõ những ý tưởng và tầm nhìn này, đòi hỏi phài đi xa hơn phạm vi của một bài viết nhỏ giới thiệu về Phi quyền chính như thế này. Tuy nhiên nó đủ để nói rằng, thứ nhất là đã và đang có rất nhiều người dành rất nhiều thời gian đưa ra những mô hình như thế nào cho một xã hội thực sự dân chủ, thực sự lành mạnh có thể hoạt động; nhưng điều thứ hai và cũng cùng tầm quan trọng như điều thứ nhất, là không có người phi quyền chính nào tuyên bố có một mô hình toàn hảo hết cả. Vì đó là điều cuối cùng mà chúng ta muốn là áp đặt các mô hình đúc sẵn cho cả xã hội.

Thậm chí sự thật là chúng ta chưa thể tưởng tượng được đến một nửa số lượng các vấn đề sẽ hiện ra khi chúng ta cố gắng tạo ra một xã hội dân chủ; nhưng dù sao, chúng ta tin chắc rằng, tính thông minh sáng tạo của con người là đúng thật như vậy, thì các vấn đề như thế luôn luôn có thể giải quyết được, miễn là nó luôn ở trong tinh thần nguyên lý căn bản phi quyền chính của chúng ta - mà trong lý giải cuối cùng, nó đơn giản chỉ là những nguyên tắc căn bản được dựa trên sự liêm sỉ của con người.

(DS phỏng dịch) ==========

NGUỒN THAM KHẢO ĐỌC THÊM
1-Are You An Anarchist? The Answer May Surprise You!
2-What Is Anarchy? by Butler Shaffer by Butler Shaffer
3-Zhuangzi: The Second Daoist Sage and the World's First Anarchistby Dr. Emanuel Paparella2009-06-22 10:08:50
4-Libertarianism in Ancient China
5-An Introduction to Spontaneous Order
6-THE NEW ANARCHISTS

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét