1. Tội tổ tông
Tội Tổ Tông là một tín điều căn bản của Công giáo. Không tin có tội này tức là không tin có chuyện Chúa Giêsu giáng trần. Vấn đề được đặt ra là con người vốn tốt hay vốn xấu? Khổng, Mạnh cho rằng nhân chi sơ, tính bản thiện, và con người có thiên tính. Như vậy con người phải được cai trị bằng nhân nghĩa. Tuân tử cho rằng nhân chi sơ, tính bản ác. Như vậy phải cai trị bằng võ lực. Phật giáo xác quyết nhân chi sơ, tính bản thiện và con người có Phật tính.
St. Paul cho rằng con người đã bị Adam làm cho trở nên tội lỗi, và St. Augustine cũng chủ trương như vậy, tức là nhân chi sơ, tính bản ác. Thế là từ đấy Âu châu bị nhồi sọ như vậy.
Tuy nhiên, Kinh Thánh lại chép rằng vì ăn trái cấm con người đã trở nên giống Thiên Chúa [Ge 3:22] chứ có sa đọa gì đâu. Vả lại theo Thiên Chúa giáo, ngày nay, muốn sạch tội tổ tông, chỉ cần đổ chút nước lên đầu hay dầm mình xuống nước, có khó khăn gì đâu mà Chúa Cha phải cho con giáng trần chuộc tội đó. Nếu cho rằng con người cần được thử thách trước mới đáng được vinh quang, thì cần chi Ngài phải dựng nên con người, để rồi đày đọa họ như vậy.
Người Do Thái chủ trương họ là những người được Thượng đế trao cho bộ Kinh Thánh đầu tiên. Nhưng họ cho rằng không làm gì có thứ tội bị Chúa phạt muôn đời. Trong sách Deuteronomy, Chúa chỉ phạt tới ba đời [De 5:9] và trong sách Ezechiel [Eze 18:20] Chúa không phạt con, nếu cha phạm tội, ai làm tội nấy chịu, nghĩa là chỉ phạt một đời. Trong đoạn này, Chúa còn định nghĩa thế nào là một người công chính, ngay thẳng trước mặt Thiên Chúa, như vậy rõ ràng Chúa không biết gì về tội tổ tông [Eze 18:5-32].
Thực ra con người sau khi ăn trái cấm đã không sa đọa như chúng ta tưởng, vì chính Chúa Elohim đã phán: "Nay con người đã nên bằng chúng ta, vì đã biết lành biết dữ. Vậy đừng để chúng dơ tay, hái luôn cả trái cây hằng sống, và sẽ sống mãi" [Ge 3:22]. Và Ngài đuổi ông bà ra khỏi vườn, để không còn tìm ăn trái cây hằng sống [Ge 3:23]. Như vậy, nếu ông bà khôn ngoan hơn một chút ăn luôn quả cây hằng sống thì đâu có chết.
Điều vô lý trong câu chuyện này là con rắn biết nói [Ge 3:1]. Chỉ trong những chuyện hoang đường thần thoại mới có chuyện loài vật biết nói. Giáo hội cho đó là ma quỉ hay Satan. Các Ngài cho đó là những thiên thần bị sa đọa. Nếu quả chuyện này là có thật thì đã ghi chép trong Kinh Thánh. Vậy các Ngài đã đặt ra chuyện này, thời xin cho biết đã dựa vào tài liệu nào? Các Ngài cho đó là lời truyền khẩu chăng? Thật là phi lý.[2]
Như vậy, chuyện thiên thần sa đọa thành ma quỉ là chuyện hoàn toàn bịa đặt. Các Ngài cho rằng Satan bị Chúa giam trong hỏa ngục đời đời, bị lửa thiêu đốt đời đời, không bao giờ được thấy mặt Chúa. Nhưng sách Job ghi rõ rằng Satan vẫn về họp với Chúa và các con Thiên Chúa. Và khi Chúa hỏi Satan vừa qua làm gì thì Satan thưa đi chu du, rong chơi thiên hạ. Sau đó Chúa cho Satan đọa đày và thử thách Job [Job 1: 6-12]. Thì ra chuyện thiên quốc cũng như chuyện gian trần ta, các siêu cường thường vẫn họp kín họp hở với nhau, trong khi dân con phía dưới được dạy là phải đánh nhau vỡ đầu thí mạng...Thì ra Satan đâu có bị giam cầm trong hỏa ngục, vẫn đi chơi khắp nơi, vẫn thường xuyên gặp Thiên Chúa. Như vậy có phải Giáo hội dạy một đàng, mà Chúa lại làm một nẻo không?
Hơn nữa, tội là của linh hồn. Mà Thiên Chúa giáo cho rằng linh hồn là do Chúa sinh ra khi con người vừa mới thụ thai. Như vậy mỗi khi con người vừa bẩm sinh là Chúa dựng nên một linh hồn mới. Thế thì làm sao mà in được tội tổ tông vào. Hơn nưã cái gì chính Chúa tạo nên thời phải hoàn thiện, cho nên tội tổ tông sẽ không chỗ bám.
Trở lại vấn đề tội tổ tông, ta thấy đây chỉ là vấn đề triết học, suy luận về thân thế con người. Thánh hiền [Phật, Lão, Khổng] cho rằng bản tính con người vốn tốt, sở dĩ nó xấu là vì vô minh, u muội không nhận ra rằng mình có thiên tính cao sang. Còn hạ trí, hạ nhân [Tuân tử] mới cho rằng con người vốn xấu. Pelagius [-420] người đồng thời St. Augustine [354-430], và sau này Jean-Jacques Rousseau [1712-1778] là người chủ xướng nhân chi sơ, tính bản thiện, và con người là một con người đáng kính trọng. Quyền cai trị là do dân, chứ không do trời. Và sau đó xảy ra Cách Mạng 1789, lật đổ thần quyền, vua chúa. Các Giáo hội mới đầu cho rằng Jean-Jacques Rousseau là một kẻ điên khùng, nhưng nay cũng phải chịu rằng dân chủ là hay nhất.
Pelagius vì chủ trương nhân chi sơ tính bản thiện đã bị hai Công đồng North African Synods of Mileve và Carthage cho là rối đạo năm 416. Sau đó cũng bị các Giáo Hoàng Innocent I và Zozimus lên án như vậy. Pelagius là một thầy dòng người Anh có tiếng là giỏi giang nhân đức. Ông buồn vì thấy người Công giáo thời ấy sống sa đọa, và ông muốn tìm cách chấn chỉnh lại.
Như vậy rõ ràng Công giáo chủ chương nhân chi sơ, tính bản ác. Thật là thương hải biến vi tang điền. Chuyện đời dâu bể là thế đó. Giáo hội trước lớn tiếng cho rằng quyền lực thế gian là do Thượng đế, vì vậy xưa các Giáo Hoàng đòi phong vương, phong đế, nay thì các Ngài lại chính là những người lớn tiếng nhất bảo vệ nhân quyền.
Công giáo mừng vì nhờ có tội tổ tông nên Chúa mới giáng trần. Trong quyển Bước qua ngưỡng cửa hy vọng, Giáo Hoàng John Paul II đã nhiều lần ca tụng tội tổ tông: O felix culpa, quoe talem ac tantum meruit habere Redemptionem [ôi! cái tội hồng phúc đã có công đem lại chúng ta Đấng Cửu Thế cao cả biết bao] [3] Theo tôi, tội tổ tông là một vấn đề không tưởng, do Công giáo [nhất là St. Paul và St. Augustine] bày đặt ra. Nó không ăn nhằm gì đến vấn đề mặc khải, hay đạo giáo, mà chỉ là một vấn đề triết học. Chúa cũng chẳng giáng trần vì một tội không tưởng. Tôi thấy Công giáo làm phép Rửa Tội, để tha tội tổ tông thật là dễ dàng. Như vậy cần gì Chúa giáng trần. Tôi không tin có chuyện Chúa giáng trần chuộc tội thiên hạ. Theo tôi ai làm tội, người ấy chịu phạt. Chúa không thể chịu phạt thay tôi. [Eze 18:4]. Từ khi Chúa giáng trần tới nay 2000 năm, tôi chỉ thấy nhân loại xấu hơn, sa đọa hơn.
Tôi nhìn vào người Công giáo, thật tôi không thấy họ có đặc điểm gì khác người các đạo khác. Tôi rất sung sướng, vì sinh ra đời mà không biết tội tổ tông, chỉ thấy rằng căn cốt con người là hết sức đẹp đẽ tốt lành. Nói rằng nhân chi sơ tính bản thiện là quá đúng. Trời là bản thể con người và muôn vật, cho nên cái xấu chỉ là những gì giả tạo, bám ngoài con người mà thôi.
Nichiren Daishonin [1222-1282], người sáng lập Nhật Liên Tông ở Nhật viết "...Khi mê thì là chúng sinh, khi ngộ thì là Phật. Một cái gương tuy mờ, nhưng sẽ sáng ra như ngọc châu, nếu được chùi mài. Một tâm hồn hiện nay bị mây mờ si đốn vì những sai lầm bẩm sinh thì như một chiếc gương mờ, nhưng một khi đã được chùi mài, sẽ tỏ rạng và phản chiếu chân lý bất biến. Hãy có niềm tin và hãy ngày đêm chùi rửa gương lòng quí vị. Làm sao chùi rửa tâm hồn. Hãy niệm Nam-myoho-renge kyo." [Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa] [4].
Thật là:
Lơ thơ, chùa rách giữa đàng,
Ai hay lại có Phật vàng ở trong.
Chúng ta cũng không quên chủ trương nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính của Phật giáo.
2.Mạc Khải.
Mạc khải, tiếng Hi Lạp là Apokalypsis, tiếng Anh là Revelation, tiếng Latin là Revelatio, tiếng Đức là Offenbarung, nghĩa là vén màn cho thấy những gì xưa kia bị giấu ẩn. Công giáo hiểu là:
a. Chúa tự động cho ta biết rằng Ngài có thực, biết về bản tính Ngài, biết về sự hiện diện Ngài, thấy Ngài là nhân hậu, toàn năng.
b. Chúa cho biết mục đích của Ngài, và những gì Ngài muốn qua những sự kiện lịch sử đã xảy ra, như lịch sử dân Do Thái, như cuộc đời Chúa Giêsu.
c. Những điều Ngài truyền dạy đã ghi chép trong Thánh Kinh, và đó là chân lý và là điều hay, lẽ thật. Mạc khải đã được truyền cho các tông đồ, các Giám Mục, Giáo hội, cho những người có bổn phận giảng giáo.
Chỉ có Giáo hội mới được mạc khải hoàn toàn, và không còn mạc khải nào khác nữa. Cá nhân có thể được mạc khải, và có khi được Giáo hội công nhận, nhưng chúng không ăn nhằm gì đến đức tin.[5] Giáo hội phạm nhiều sai lầm trong vấn đề này.
Trước hết ta nên phân biệt, mạc khải là do Trời truyền. Còn người được mạc khải là người giác ngộ. Chúa Giêsu là một người được mặc khải, nhưng đạo Công giáo không phải là đạo mạc khải. Nguyên chuyện thân phận con người hết sức là sang cả, mà Công giáo cũng không biết, lại luôn cho rằng con người là xấu xa vì đã phạm tội tổ tông.
Tôi đọc Kinh Thánh cũ hay Cựu Ước, không bao giờ thấy Thượng đế đả động đến tội tổ tông. Chẳng lẽ Ngài đã quên chuyện tày trời đó. Công giáo không biết rằng con người phải đi vào nội tâm mà tìm Chúa. Công giáo không biết rằng con người có thể có tầm kích như Chúa Giêsu, mặc dầu St. Paul có dạy rõ ràng, nhưng Công giáo không hề biết khai thác [5b].
Công giáo cũng không biết rằng Chúa đã ngự ngay trong tâm hồn mọi người, và nước Trời đã ở sẵn trong lòng mọi người. Công giáo nói: Christianus alter Christus [Người Công giáo là một Chúa Giêsu khác], nhưng không hề khai thác, áp dụng.
Chính vì thế mà Công giáo có phép Thánh Thể để đem Chúa vào lòng con người dù là dăm ba phút... Nếu quả thật, chúng ta là những Chúa Giêsu khác, thì cần gì còn phải rước Chúa vào lòng. Công giáo không biết rằng mạc khải là vén bức màn vô minh lên cho con người thấy bản thể sang cả của mình, cho con người thấy rằng mình có bản thể thần linh, chứ không phải là một kẻ xấu xa, hèn hạ như Công giáo tưởng.
Tôi không hiểu tại sao một đạo lớn như vậy mà một điều sơ đẳng thế mà cũng không biết. Giác ngộ và mạc khải không phải là của tư hữu của cá nhân hay đoàn thể, mà thời đại nào cũng có vài người được diễm phúc này. Giác ngộ là một ân sủng cá nhân, không truyền cho ai được.
Lữ Đồng Tân viết:
Đạo tặc chẳng cướp được,
Hỏa thiêu vẫn y nguyên.
Ở đời không kẻ biết,
Chí thân cũng không truyền.
Đạo Công giáo trong 2000 năm qua, chỉ có khoảng 100 người giác ngộ như St. Paul, như Eckhart, như Tauler, như Suso, như St. John of the Cross, như Ste. Teresa of Avila v.v... Các vị thánh hiền trên thường không có đệ tử. Nho giáo cũng có khoảng vài chục người như Khổng, Mạnh, Trình tử, Vương dương Minh, Lục tượng Sơn v. v...Phật giáo có các tổ thiền như Huệ Năng, Mã tổ v.v... Bà La Môn, phái Kaballah của Do Thái, phái Sufism của Hồi giáo v.v... cũng đều có các vị hiền thánh như vậy.
Dù là Giáo Hoàng, hay Giám Mục nếu không được giác ngộ cũng chỉ là kẻ phàm phu tục tử mà thôi. Giáo Hoàng hay Giám Mục chỉ là những người có khả năng lãnh đạo, những chính trị gia, chứ không phải là những nhà thần học hay triết học. Linh Mục cũng chỉ là những người bình thường, chẳng có gì là thần thánh. Giáo dân tâng bốc họ lên mà thôi, chứ trong hàng ngũ LM ta thấy có rất ít người giỏi giang, siêu việt. Không làm gì có chuyện mạc khải chung cho Giám Mục, cho Giáo hội , v. v...Không làm gì có chuyện mạc khải công cộng, cho quần chúng.
St. Paul, cho rằng tuy ngài sinh sau đẻ muộn, nhưng tài năng hơn các tông đồ khác [2Co 11:5-6]: ngài chê các tông đồ khác không có tài giảng đạo [2Co 10:15-17, ngài cho rằng mình hơn các tông đồ khác, và không thèm lấy tiền của dân v.v. [2Co 11:21-23, 2Co 13:11-15]. Trong thư gửi cho giáo hữu Galates, ngài cho biết không học hỏi gì với các tông đồ [Ga 1:15-22], và đã nặng lời chê bai St. Peter [Ga 2:11-14], và cho rằng Phúc âm ngài giảng là Phúc âm duy nhất [Ga 1:8-10] v.v...Như vậy, ngài có học được gì nơi Chúa Giêsu đâu. Hay nhất là chính St. Paul mới là người sáng lập ra đạo Công giáo, chứ không phải Chúa Giêsu.
Tóm lại, giác ngộ [enlightenment] là thần con người thông đạt được với thần vũ trụ, tiểu ngã con người kết hợp được với Đại Ngã vũ trụ, và nhận thấy mình và trời đất là cùng một thể. Khẩu quyết của Bà La Môn là Tat Tvam Asi, Con là Cái Đó, nghĩa là con chính là đồng thể với Thượng đế.
Giáo lý Công giáo rõ ràng không hay biết điều này. Cho rằng Chúa đã thủ thỉ cho con người hay biết tâm tư mình qua Kinh Thánh là điều mà hiền thánh Á Đông không bao giờ chấp nhận. Khổng tử đã nói: Trời có nói gì đâu, thế mà bốn mùa cứ vần xoay mãi, vạn vật trong vũ trụ cứ sinh hóa mãi. Mà Trời có nói gì đâu? [Luận Ngữ XIX, 18].
Nhân tử Nguyễn Văn Thọ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét