Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

Còn Có Một Đời Sau?


Trần Tiên Long




Minh họa những người được cứu rỗi sau khi chết

Có những câu hỏi đã được nêu ra từ ngàn xưa nhưng các câu trả lời thường hay thay đổi. Khoa học càng ngày càng tiến bộ nên những giải đáp của các triết gia cần phải được biến đổi để phù hợp với kiến thức của thời đại: Con người có linh hồn không? Linh hồn là gì? Có phải linh hồn là một thực thể hoàn toàn độc lập với thân xác? Làm sao con người chúng ta còn có thể sống sót sau khi chết, nghĩa là con người thì bất tử? Cái chết chỉ là một sự tiến hóa hay thay đổi cuộc sống? Có bằng chứng nào để tin rằng còn có một đời sau?

Những câu trả lời cho các câu hỏi như vậy đã tạo ra các trường phái triết học khác nhau, nhiều khi còn đối nghịch theo tính loại trừ.

Thuyết Nhị Nguyên cho rằng con người có hai phần riêng biệt, bao gồm phần thân xác và phần linh hồn, hoàn toàn độc lập với nhau. Thế giới có nhiều cõi. Khi thân xác chết thì linh hồn sẽ rời khỏi thân xác để đi về một cõi khác. Tôn giáo thì cho rằng ngoài đời sống ở cõi trần gian này còn có một đời sống khác nữa sau khi chết. Nhưng khi giải thích về sự sống đời sau thì mọi tôn giáo đều dựa vào niềm tin và kiến thức của con người ở thời man khai khi chưa có khoa học.

Còn thuyết Nhất Nguyên thì đối nghịch, cho rằng con người chỉ có một phần duy nhất. Trường phái Duy Linh cho rằng con người chỉ có phần hồn duy nhất là trường cữu; còn cái phần thân xác chỉ là ảo ảnh và tạm bợ, một biểu hiệu của phần hồn. Trường phái Duy Vật thì ngược lại cho rằng chỉ có phần thân xác vật chất là thật; còn cái phần linh hồn không phải là một thực thể riêng biệt, nhưng chỉ là ảo tưởng do trí tưởng tượng phong phú của con người. Trường phái này quan niệm chết là chấm dứt toàn vẹn cuộc sống của con người. Những phần được xem là tinh thần như trí tuệ, trí thông minh, ý thức, tư tưởng, cảm nhận, cảm hứng, cảm xúc, trực giác, cách hành xử, tính tình, nhân cách… tất cả đều là kết quả của thân xác vật chất. Khi thân xác chết thì những thứ tinh thần này cũng chết theo. Khoa học tiến bộ nhờ hoàn toàn đi theo trường phái Duy Vật, đối nghịch với các tôn giáo.

Vậy câu hỏi được đặt ra là thực sự còn có một đời sống khác nữa sau khi chết hay không. Ở bài viết này, người viết sẽ trình bày những dữ kiện thu thập được bằng sự hiểu biết, tìm tòi, và học hỏi, có thể mang tính chủ quan, qua các tiểu mục sau:


▪ A. Quan điểm và lập trường của các tôn giáo

1. Ki-tô giáo

Khi nghiên cứu về các tôn giáo độc thần bao gồm Ki-tô giáo, Hồi giáo, và Do Thái giáo, người ta không tìm thấy ý niệm linh hồn trong các văn bản kinh thánh nguyên thủy Cựu Ước và Tân Ước. Những thứ mà ngày nay người ta gọi là linh hồn thì đã được trình bày như hơi thở, thần khí, hoặc sự sống.

Chẳng hạn khi Thiên Chúa tạo dựng ông Adam, người đầu tiên của nhân loại, từ bụi đất, Ngài không thêm vào đó một linh hồn, nhưng chỉ thở vào đó để cho đất bụi có sự sống (Genesis 2:7). Và ở câu Genesis 1:24 , Ngài cũng làm như vậy đối với mọi thú vật. Danh từ “nephesh” của Do Thái chỉ đơn giản là sinh vật có hơi thở. Cuốn tự điển Vine's Complete Expository Dictionary of Old and New Testament Words định nghĩa danh từ “nephesh” là “bản chất của sự sống hay hành động thở hơi”.

Trong cuốn God, the Failed Hypothesis: How Science Shows That God Does Not Exist, Giáo sư Vật Lý Victor J. Stenger, người đã thắng giải Nobel, viết:

“Trong suốt dòng lịch sử, Giáo hội Công giáo đã dạy rằng toàn thể thân xác sẽ được sống lại. Kinh Tin Kính của các thánh Tông Đồ được đưa ra từ thế kỷ thứ 2 và hiện vẫn còn được đem ra đọc, cho rằng sẽ có sự phục sinh của thân xác. Cộng đồng Trent ở thế kỷ 16 đã khẳng định rằng một thân xác y chang sẽ được sống lại mà không có sự thay đổi, méo mó. Thánh Augustino bảo rằng phần vật chất của cơ thể sẽ được hàn gắn lại cho dù nó rữa nát cở nào.” [1]

Trong các sách giáo lý Công giáo VN, kinh Tin Kính này được dịch nguyên văn ở câu chót như sau, và được các tín hữu Công giáo đọc hằng ngày trong các thánh lễ: “…Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen.”

Tín điều của Công giáo còn bắt buộc người tín hữu phải tin rằng Đức Giê-su và Đức Maria đều sống lại và bay lên trời cả hồn lẫn xác.

Nostradamus cũng tiên đoán người chết sẽ sống lại: “Khi địa ngục không còn nhiều phòng, những người chết được chôn cất sẽ đi ra khỏi ngôi mộ của họ”.

Như vậy, từ “linh hồn” được ngày nay hiểu như một thực thể độc lập với thân xác thì không có từ tương đương nào trong các câu kinh thánh nguyên thủy của người Do Thái. Mặc dù Ki-tô giáo có nguồn gốc từ Do Thái giáo, nhưng nó đã được biến đổi đế đưa ý niệm linh hồn của văn hóa Hy Lạp và La Tinh vào trong Ki-tô giáo. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì kinh sách của Ki-tô giáo được dựa trên những hỗn tạp của nhiều tác giả khác nhau, và cách tổ chức của tôn giáo này cũng hoàn toàn mang tính trần tục của con người. Riêng Công giáo còn đặt truyền thống thánh (sacred tradition) cao trọng hơn cả các cuốn kinh thánh để họ có quyền sửa chữa, thêm bớt, hoặc thay đổi “lời của Chúa”, bởi vì giáo hoàng có toàn quyền “cầm buộc dưới đất cũng như trên trời”; và họ còn có tín điều bắt buộc người tín hữu phải tin giáo hoàng không thể sai lầm (infallibility) trong các vấn đề luân lý và đức tin.

Cũng cần ghi nhận thêm rằng Ki-tô giáo ban đầu cũng không tin chắc người đàn bà có linh hồn. Kinh sách, cách tổ chức quản trị và truyền thống của tôn giáo này rất coi thường người đàn bà, ngay cả việc không cho họ có tiếng nói trong các giáo đường. Mãi cho đến thế kỷ thứ 6, Cộng đồng Maçon gồm toàn những người đàn ông mới bắt đầu công nhận cho đàn bà có linh hồn chỉ vì hơn nhau một lá phiếu bầu.[2]

Nhưng có một thắc mắc mà cho đến bây giờ vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng, rằng, bởi vì con người luôn luôn biến đổi kể từ ngày thụ thai, chào đời, rồi lớn lên và trưởng thành cho đến khi vĩnh viễn nằm xuống đất, vậy cái thân xác được sống lại đó thì là thân xác của giai đoạn nào trong cuộc đời? Có phải là thân xác của đứa trẻ khi mới được sinh ra chưa có trí khôn, hay đó là thân xác của các ông bà già mang nhiều chứng bệnh tâm thần nan y, kể cả bệnh mất trí nhớ? Có vẻ như vương quốc thiên đàng thì phần đông gồm toàn những người già cả được sống lại y chang với nhân cách và khả năng trí tuệ của những người mất trí nhớ vì lão hóa.

2. Phật giáo

Phật giáo thì không tin có linh hồn như Ki-tô giáo

Trong bài “Trả lời Phương Chính Nguyễn Quang Đạt qua bài viết: Kêu Cứu Của Một Linh Hồn”, tác giả Lê Sỹ Minh Tùng (LSMT), một học giả uyên bác chuyên nghiên cứu về Phật giáo nguyên thủy, viết nguyên văn như sau:

Đạo Phật tuyệt đối phủ nhận linh hồn (Soul) mà chỉ có Thức (Mind) (hay còn được gọi là Consciousness). Thức là cái biết biến đổi liên tục tùy theo thế giới bên ngoài còn linh hồn là cố định, bất biến. Chỉ có Thiên chúa giáo mới tin có linh hồn, ngược lại, đạo Phật phủ nhận ý niệm về “linh hồn” vì đạo Phật không chấp nhận có ai tạo lập cái gì cả mà tất cả nhân sinh vũ trụ này là do duyên khởi (trùng trùng) tác tạo từ vô thỉ đến vô chung thế thôi. Đối với một con người bình thường (không phải là Thánh giả) thì khi nhắm mắt, nghiệp lực sẽ quyết định số phận tương lai (tái sinh) của bạn chớ không phải do bạn quyết định được. Nghiệp lực sẽ chuyển Thức (tái sinh) vào kết (duyên) trong noãn bào của người mẹ (trong lúc tinh trùng của người cha vừa mới lọt vào tử cung của người mẹ) để tạo thành một thai nhi, có đủ Danh (Thức tái sinh) và Sắc (thân thể). Tinh trùng là sự sống tiếp cho thai nhi cho nên ngày nay cho dù con người có thụ thai nhân tạo hay là gì đi chăng nữa thì bắt buộc phải có tinh trùng.” (Hết trích).

Nhờ có những câu chú thích tiếng Anh trong ngoặc đơn, chúng ta có thể hiểu được các danh từ “Mind” và “Consciousness” cũng chính là linh hồn trong Ki-tô giáo. Giáo lý Công giáo giải thích rằng con người khác con vật vì có phần linh hồn. Linh hồn là trí tuệ, trí thông minh, ý thức, lương tâm để biết phải, biết trái, biết lành, biết dữ. Trong câu trích dẫn trên của tác giả LSMT (cho dù tác giả đã khẳng định “Đạo Phật tuyệt đối phủ nhận linh hồn (Soul)”) và trong các sách vở của các tác giả ngoại quốc khi họ bàn về linh hồn, họ cũng luôn luôn đặt vấn đề là có trí tuệ (Mind) hay ý thức (Consciousness) hoàn toàn độc lập với thân xác hay không, nghĩa là con người sau khi chết thì ý thức và trí tuệ có phải vẫn còn sống sót ngoài thân xác hay không.

Như vậy, nếu linh hồn được hiểu như là ý thức và trí tuệ thì đương nhiên con người phải có phần linh hồn, cho dù chúng ta dùng những từ ngữ khác nhau. Người vô thần hay hữu thần nào cũng đều tin con người có trí thông minh, có trí tuệ, hoặc có ý thức và lương tâm. Đó là những điều hiển nhiên, chẳng cần thắc mắc.Nhưng câu hỏi cần phải được đặt ra là liệu cái phần linh hồn đó có phải là một thực thể độc lập với thân xác, vẫn còn sống sót sau khi thân xác đã chết hay không. Trả lời cho câu hỏi này là tự xác định cho mình một lập trường theo quan điểm của Duy Linh hay Duy Vật. Và đây mới chính là chủ điểm của bài viết này.

Cho dù chúng ta bảo rằng ý thức, trí tuệ, hay trí thông minh chỉ là những biểu hiệu của linh hồn chứ chẳng phải chính nó là linh hồn; nhưng nếu chúng ta chứng minh được rằng những thứ biểu hiệu đó chính là thuộc tính của thân xác vật chất chứ chẳng phải của một thứ gì khác mà chúng ta gọi là linh hồn, thì đương nhiên chúng ta cũng chứng minh được rằng những quan điểm và lập trường của các tôn giáo về niềm tin vào linh hồn và một cuộc sống khác sau khi chết, đã được giảng dạy từ mấy ngàn năm nay, đều hoàn toàn sai. Và điều này khoa học đã chứng minh được.

▪ B. Quan điểm và lập trường của khoa học

1. Não Học (Neurology)

Khoa Não Học hiện đại, một trong các bộ môn thuộc khoa học thực nghiệm, ngày nay đã khẳng định rằng con người không có cái gọi là linh hồn có thể độc lập với thân xác. Những thứ mà lâu nay chúng ta vẫn thường gọi là phần tinh thần hay biểu hiệu của linh hồn thì hoàn toàn tùy thuộc vào cấu trúc và hoạt động của não bộ. Chính não bộ là nơi chứa đựng mọi dữ kiện của trí nhớ làm cho con người có trí tuệ để phán đoán. Ngay cả những trạng thái tâm hồn như cảm xúc, vui, buồn, giận hờn, hận thù, thương xót… đều do kết quả rung động của các nguyên tử thuộc tế bào óc (neurons). Tất cả đều thuộc sinh vật lý. Một sự thay đổi hay hủy hoại một phần của não bộ thì có thể làm thay đổi tính tình, trí tuệ, nhân cách, tư cách đạo đức, và cả cách lối hành xử của con người đó.





Như vậy, tất cả những tư tưởng và mọi hoạt động tâm linh hay tinh thần thì đều hoàn toàn tùy thuộc vào bộ óc của con người. Chết là chấm dứt tất cả. Một xác chết không có khả năng suy tư và nhận thức như khi nó còn đang sống. Những khả năng tinh thần này hoàn toàn tùy thuộc vào sự lành mạnh của thân xác vật chất. Người già yếu thường mang bệnh tâm thần, mất trí nhớ, thì dĩ nhiên trí tuệ suy tư cũng phải từ từ kém bớt và sẽ tắt lịm như một ngọn đèn hết dầu. Nếu có một linh hồn độc lập với thân xác, vậy tại sao những biểu hiệu của linh hồn như trí thông minh, trí tuệ, ý thức… lại hoàn toàn tùy thuộc vào sự lành mạnh của thân xác? Nếu linh hồn rời khỏi thân xác để di chuyển đến một nơi khác thì chắc chắn nó sẽ không có trí nhớ, trí thông minh, trí tuệ để ý thức, suy tư, hoặc nhận thức bất cứ một điều gì, và nó cũng không thể cảm nhận được hạnh phúc hay khổ đau; bởi vì tất cả những thứ đó đều dính liền với bộ não, nằm lại ở trong thân xác vật chất. Linh hồn, nếu có, chỉ còn là một cục đá nằm bất động, vô tri, vô giác, vô cảm, và còn vô hình, vô nghĩa; chẳng dính dáng gì đến cái thân xác mà nó đã rời bỏ.

Ở bài "Emotions Without Souls: How Biochemistry and Neurology Account for Feelings" của Vexen Crabtree (1999), tác giả có một kết luận như sau:

“Có phải cảm xúc làm chúng ta có linh hồn, hay chỉ đơn giản đó là những qui luật của thiên nhiên? Những căn bệnh hư hại não bộ làm xóa đi nhân cách của con người và những trường hợp hư hại bộ óc đột nhiên làm thay đổi tính nết, cả hai trường hợp đều chỉ có thể xảy ra nếu chúng đều thuộc về sinh vật lý. Những thuốc men làm thay đổi tâm tính và làm mất trí tuệ chứng minh rằng nguồn gốc của cảm xúc đều thuộc sinh hóa. Những căn bệnh làm thay đổi tâm trạng của con người và những căn bệnh liên quan đến sự phát triển của con người chứng minh cho chúng ta thấy rằng nhân cách của con người thì do Sinh Vật Học định đoạt tất cả…

… Nếu trí nhớ, cách lối hành xử, và các cảm xúc, tất cả đều bị điều khiển bởi bộ não vật lý thì linh hồn còn để làm gì? Có vẻ như chẳng cần phải có linh hồn để cho bất cứ một điều gì. Chắc chắn linh hồn chẳng phải để điều khiển cách lối hành xử hay tính nết của con người, và ý chí tự do mà linh hồn sử dụng thì bị Sinh Hóa Học thay thế; như vậy, tại sao có quá nhiều căn bệnh có sự ảnh hưởng không thể kiềm chế trên nhân cách của con người. Khoa học hiện đại chứng minh rằng ý tưởng về linh hồn thì sai bét. Mọi sự chỉ là sinh vật lý.” [3]

Những cuộc thí nghiệm và khám phá thuộc khoa Não Học còn chứng minh rằng có những vùng riêng biệt trong não bộ điều khiển cách hành xử mang tính tôn giáo và luân lý.

Ở bên Anh, năm 1848, ông Phineas Guage là một nhân viên làm đường rày xe lửa. Trong lúc đặt mìn để phá đường, ông đã vô ý làm nổ tung chất nổ. Một thanh sắt bắn trúng quai hàm và xuyên qua sọ của ông. Trước tai nạn, ông là một người mẫu mực, rất có đạo đức và luân lý. Sau tại nạn, ông biến thành một người vô trách nhiệm, vô luân lý, vô đạo đức, và không còn ai có thể tin tưởng.

Hình chụp cho thấy thanh sắt xuyên qua phần của sọ, cái phần chuyên điều khiển những vấn đề thuộc tôn giáo và luân lý. Rõ rệt là có một sự liên hệ trực tiếp giữa bộ óc của chúng ta với những vấn đề tâm linh. [4]

Như vậy, những thứ mà chúng ta gọi là thiêng liêng, không có phần thân xác, như thượng đế, linh hồn, quỷ ma, thần thánh… tất cả đều là sản phẩm tưởng tượng của đầu óc con người. Kỹ thuật soi óc (brain scans) có thể xác định được chỗ nào của bộ óc liên hệ trực tiếp với các loại tư tưởng khác nhau, kể các các tư tưởng về tôn giáo và cảm xúc. Khi chỗ nào đó của bộ óc bị hư vì tai nạn hoặc vì giải phẩu, những tư tưởng tương xứng nằm ở chỗ đó cũng biến mất. Ngày nay, trong các phòng thí nghiệm, người ta có thể dùng thuốc hoặc điện để kích thích một phần riêng biệt nào đó của não bộ, tạo ra những cảm giác mà người ta mong muốn, chẳng hạn như cảm thấy mình sung sướng đang gặp Chúa, hoặc cảm thấy mình lo sợ đang thấy ma quỷ, hoặc ngay cả tạo ra những kinh nghiệm cận tử (near death experiences).[5][6] Tất cả đều nằm ở bộ não và là kết quả của những rung động của các nguyên tử thuộc khối óc. Nếu linh hồn tạo ra các tư tưởng, giấc mơ, nhân cách, và cả cảm xúc, thì tại sao những thứ nó tạo ra đó lại bị ảnh hưởng trực tiếp bởi một tai nạn gây thương tích ở đầu óc, bởi một căn bệnh mất trí nhớ vì lão hóa, bởi các loại thuốc, hoặc bởi dòng điện kích thích nơi não bộ?

Ngày nay, người ta có thể điều khiển con chuột từ đằng xa bằng một cái “remote control” để kích thích một phần riêng biệt nào đó nơi óc của con chuột.[7] Họ còn có thể thay cả đầu của con chó hoặc của con khỉ. Họ cũng đang dự tính sẽ thay cả đầu của con người trong vài ba năm tới. [8] Nếu hai người có hai cái đầu đổi qua nhau thì linh hồn sẽ như thế nào, đi về đâu?

2. Vật Lý Học

Khoa Vật Lý khẳng định rằng tất cả mọi lực (force) chuyển động trong vũ trụ này đều phát xuất từ khối lượng vật chất (mass). Định luật chuyển động của Sir Isaac Newton định rằng lực tỉ lệ thuận với khối lượng và gia tốc theo phương trình F=ma; trong đó “F” là lực, “m” là khối lượng, và “a” là gia tốc của một vật. Cứ theo phương trình này, nếu có một khối lượng vật chất là “zero” thì sẽ có tổng số lực cũng là “zero”, cho dù gia tốc có thế nào. Nếu khối lượng vật chất đó càng lớn thì sẽ tạo ra lực càng lớn. Nếu một vật không có khối lượng vật chất, chẳng hạn như các hữu thể thiêng liêng, thì không thể tạo ra một lực gì. Và nếu không có lực thì không thể có chuyển động để làm được bất cứ một điều gì.



Sir Isaac Newton (25 December 1642 – 20 March 1726)/Albert Eintein (14 March 1879 – 18 April 1955)

Cũng vậy, theo phương trình của Albert Eintein, năng lượng của một vật nằm sẵn trong khối lượng vật chất, có thể hoán chuyển qua nhau theo một phương trình E=mc2; trong đó “E” là năng lượng, “m” là khối lượng, và “c” là vận tốc của ánh sáng. Khối lượng một vật càng lớn thì năng lượng nằm trong vật đó càng nhiều. Nếu khối lượng của một vật là “zero” thì năng lượng của vật đó cũng chỉ là “zero”.

Hai phương trình trên là căn bản của khoa Vật Lý Học. Như vậy, khoa học Vật Lý xác định rằng tất cả những thứ không có khối lượng vật chất, chẳng hạn các hữu thể thiêng liêng mà con người đã tưởng tượng ra như linh hồn, quỷ, ma, thần, thánh… tất cả đều không có năng lực để làm được bất cứ điều gì. Mọi biến cố hay hiện tượng xảy ra trong vũ trụ này đều có những nguyên nhân tự nhiên. Trong tất cả các phương trình khoa học, tuyệt đối không có yếu tố thiêng liêng để giải thích các hiện tượng. Khẳng định này cũng đủ để giải thích tại sao chẳng có điều gì có thể gọi là phép lạ nếu được phán xét theo tiêu chuẩn của khoa học.

Những hữu thể thiêng liêng khi xuất hiện mà tôn giáo thường hay phịa ra để tuyên truyền, cổ vũ, đều không có năng lực để làm được bất cứ điều gì, kể cả một việc rất đơn giản là mở miệng ra để nói. Họ đều phải nhờ vả con người có khối lượng vật chất của thân xác để chuyển lời dùm, thay thế cho họ. Chuyện Đức Mẹ Maria hiện ra như ở Fatima, Lộ Đức, La Vang, và ở bất cứ nơi nào trên thế giới, tất cả đều như vậy cả, nghĩa là Đức Mẹ không nói, chẳng làm gì, ngoài việc đứng bất động, và có khi lại được bi thảm hóa bằng những dòng nước mắt có máu. Những gì người ta gán cho Đức Mẹ quyền phép vô biên đã truyền đạt thì không có điều gì là độc đáo mà con người với xác phàm và có giới hạn không thể nghĩ ra.

Người ta có thể lập luận rằng bởi vì những hữu thể thiêng liêng ở trong chiều kích không gian của một vũ trụ khác nên chẳng cần phải tuân theo các định luật của khoa học, những thứ chỉ có giá trị áp dụng ở trong vũ trụ này. Nhưng, thưa bạn, chúng ta đang bàn cãi về cái vũ trụ này, thuộc không gian ba chiều và cộng thêm một chiều của thời gian. Những sự xuất hiện mà người ta gán cho linh hồn, quỷ, ma, thần, thánh… đều đã xảy ra ở trong không gian thuộc vũ trụ chúng ta đang sống, có liên quan và tác động trực tiếp đến cuộc sống của con người, chẳng phải ở một vũ trụ có chiều kích không gian nào khác. Nếu có điều gì xảy ra ở một vũ trụ khác thì chẳng liên quan gì đến cuộc sống của chúng ta để phải mất công bàn.

▪ C. Hiện tượng thoát xác

Tôn giáo nào cũng tin con người ngoài phần thân xác còn có phần linh hồn bất tử, cho dù phạm trù của linh hồn được hiểu khác nhau như thế nào. Có những ông pháp sư, bà đồng bóng, các nhà ngoại cảm… còn khẳng định rằng họ có thể thoát xác, khai mở thể vía, để đi tìm, nói chuyện, và kết bạn với các linh hồn còn đang vất vưởng, chưa đi đầu thai. Cuốn “Hành Trình Về Phương Đông” (Journey to the East) do Nguyên Phong dịch, có một chương bàn về cái Cõi Vô Hình này, đã được nhiều người thích thú thường xuyên chuyển vào trong các diễn đàn công cộng. Ki-tô giáo thì có những linh mục chuyên việc trừ quỷ bằng nước phép và thánh giá mà ngày nay đã bị luật pháp nghiêm cấm (exorcist).



Chính người viết vài ba năm trước cũng có dịp tham dự sinh hoạt một lần với Hội Tâm Linh Học ở 12851 Brookhurst Way, Garden Grove, CA (www.hoitamlinhhoc.org). Có một bà đồng bóng nọ, khoảng hơn 40 tuổi, đứng ra làm trung gian để tìm gặp và nói chuyện với các linh hồn của những người thân trong gia đình. Trong số những linh hồn này, có những linh hồn của những người đã chết hơn bốn năm chục năm trước ở một làng quê hẻo lánh, cả đời chưa từng biết đọc biết viết tiếng VN. Khi bà đồng bóng đọc lại lời nhắn của linh hồn bằng một giọng nhái khác cho người thân nghe, nhiều khi bà còn chêm thêm cả những câu tiếng Anh mà người viết đoan chắc rằng những linh hồn đó chưa bao giờ có dịp quen biết với cái thứ ngôn ngữ này.

Nhưng có một câu hỏi cần phải được đặt ra là liệu một linh hồn không có khối óc vật chất để chứa đựng các dữ kiện của trí nhớ thì làm sao có thể nói chuyện? Nếu không có trí nhớ thì làm sao biết ai là con cháu hoặc người thân thiết trong gia đình, và biết gì để mà nói? Và nếu không có thân xác vật chất thì làm sao ông pháp sư hoặc bà đồng bóng biết phân biệt linh hồn này là của ông A hay của bà B? Rồi ngay cả các linh hồn ở cõi âm, bằng cách nào mà họ có thể phân biệt được nhau? Bởi lẽ, nhân cách và sự nhận dạng để phân biệt nhau thì dính liền với thân xác vật chất. Chính mẹ của người viết hiện nay đang sống ở một viện dưỡng lão bên California, đã hơn 100 tuổi, đầu óc bắt đầu lẫn, chẳng còn nhớ con cái là ai để mà nói chuyện cho ra đầu ra đuôi, huống hồ đó chỉ là những linh hồn thiêng liêng không có xác phàm. Vì linh hồn không có khối lượng vật chất nên chẳng có năng lực để nói được một lời nào, ngoài những lời nhắn phát ra từ miệng lưỡi của bà đồng bóng. Họ muốn thêu dệt, thêm mắm thêm muối, nói sao mà chẳng được. Điều này cũng giống như chuyện hiện ra của Đức Mẹ Maria hoặc của các ông bà thánh được người Công giáo tưởng tượng ra để cổ vũ và tuyên truyền cho tôn giáo của họ.

Có một cách rất đơn giản để kiểm chứng tính trung thực của hiện tượng thoát xác là ghi một mẫu tin nào đó vào trong một miếng giấy mà chỉ có những người làm cuộc thí nghiệm biết, rồi để miếng giấy đó ở trên cao hoặc ở trong một căn phòng khác. Bà đồng bóng hay ông pháp sư ngồi ở trên giường cố gắng thoát xác để đọc cái mẫu tin đó. Nếu linh hồn ra khỏi xác thì dĩ nhiên có thể bay lơ lững trên cao để đọc mẫu tin đó một cách rất dễ dàng. Các nhà khoa học đã thử cuộc thí nghiệm này rất nhiều lần hơn 150 năm qua, và tất cả đều không có kết quả. Ông Robert Thouless, chủ tịch Hội Nghiên Cứu về Hiện Tượng Tâm Thần (Society for Psychical Research), khi chưa chết còn thề hứa sẽ trở về lại dương thế để xác định còn có một đời sau, bằng cách giải mã một mã số mà chỉ có một mình ông biết; nhưng tất cả chỉ là một sự yên lặng tuyệt đối.[9] Và chính Đức Giê-su đã công khai tuyên bố sẽ trở lại trần gian trong vinh quang vào ngày tận thế để phán xét kẻ sống và kẻ chết ở thời điểm còn có nhiều người đang đứng trước mặt Ngài vẫn còn đang sống. Nay đã hơn 2.000 năm rồi mà Ngài vẫn chưa đến và vẫn chưa có tận thế.[10]

Cách thí nghiệm này cũng đã được áp dụng cho những trường hợp về kinh nghiệm cận tử, nhưng tất cả cũng đã thất bại. [11]

James Randi là một nhà ảo thuật nổi tiếng nhất thế giới. Ông thách đố bất cứ ai có thể chứng minh làm được những điều dị thường, siêu tự nhiên mà khoa học không thể giải thích, chẳng hạn như thoát xác, gọi hồn… với giải thưởng một triệu đô. Nhưng tới giờ này vẫn chưa ai làm được. [12]

▪ D. Kết luận

Những nhà biện giải cho Ki-tô giáo (apologist) thường hay dèm pha khoa học bằng cách lập luận rằng chẳng có khoa học nào có thể chứng minh được chuyện không có linh hồn hoặc không có một đời sau. Đó là một lối ngụy biện ngôn từ không còn thuyết phục đối với kiến thức của khoa học hiện đại. Cách lập luận đó phải kêu gọi đến sự ngu dốt để biện minh cho những gì mà con người chưa biết (appeal to ignorance). Đó cũng là cách lối lý luận thiết kế thông minh (intelligent design argument), mang thượng đế hoặc những hữu thể thiêng liêng ra để giải thích những lỗ trống (God of the gaps) mà kiến thức của khoa học ngày xưa chưa giải thích được.

Cách lối lập luận như vậy chỉ đúng có một nửa, bởi vì chẳng dễ gì chứng minh cho một điều phủ định. Vậy những nhà biện giải cho Ki-tô giáo có thể chứng minh không có cô Bạch Tuyết và 7 chú lùn, cô bé lọ lem, ông già Noel, ông kẹ, ông bà táo, hoặc không có con kỳ lân màu tím vô hình được không? Chính họ còn chưa có thể chứng minh khẳng định được về những hữu thể thiêng liêng như thượng đế, thiên thần, ác quỷ, Satan, Lucifer, linh hồn, và các thần thánh mà họ tôn thờ, thì lý do gì họ lại đòi hỏi một cách vô lý thiên hạ phải chứng minh cho một phủ định?[13]

Những nhà biện giải cho Ki-tô giáo lại tự biện hộ rằng việc không có bằng chứng thì không phải là chứng cớ để chứng minh không có những linh hồn và một cuộc đời sau. Điều đó đúng, nhưng chỉ đúng khi chứng cớ vẫn còn nằm đâu đó. Đã mấy ngàn năm qua rồi, họ vẫn chưa đem ra được một chứng cớ nào thuyết phục. Lý do thật dễ hiểu, bởi vì những hữu thể mà họ gọi là thiêng liêng đều chỉ là sản phẩm tưởng tượng của đầu óc con người.

Khi bàn về thượng đế hoặc linh hồn, điều đầu tiên chúng ta cần nên xác định là linh hồn và thượng đế phải hiểu như thế nào. Khoa học không khẳng định dứt khoát là không có linh hồn hoặc không có một đời sau. Điều khoa học chỉ có thể chứng minh được là những gì các tôn giáo hiểu và dạy về linh hồn và về một cuộc đời sau thì hoàn toàn vô lý vì đối nghịch với kiến thức hiện đại của các bộ môn khoa học thực nghiệm và cả luận lý học. Tất cả những thứ mà chúng ta gọi là tinh thần hay tâm linh thì đều hoàn toàn tùy thuộc vào sự lành mạnh của thân xác vật chất. Đó là lý do tại sao cần phải có một đức tin mới có thể tin được những điều ngớ ngẫn, chẳng một ai hiểu. Đâu cần phải mang linh hồn ra để gán cho là tác giả hay nguồn gốc của những khả năng tinh thần như trí tuệ, trí thông minh, ý thức, trực giác, lương tâm biết phải trái, nhân cách, đạo đức, luân lý, và ngay cả các khả năng thuộc cảm xúc, tình cảm.

Và các nhà khoa học, kể cả những khoa học gia hiện đại thắng giải Nobel như hai Giáo sư Vật Lý Học Victor J. Stenger và Stephen Hawking, và Giáo sư Sinh Vật Học Richard Dawkins, khi nghiên cứu về những hiện tượng dị thường, họ đều khẳng định rằng mọi hiện tượng xảy ra ở trong toàn cõi vũ trụ này đều tuân theo các định luật của khoa học. Nếu có những hữu thể thiêng liêng có thể gây ảnh hưởng trực tiếp vào vũ trụ thì vũ trụ này đã khác, không như vũ trụ hiện tại. Những sinh vật thiêng liêng này đã trở thành dư thừa, không còn cần thiết nữa để giải thích bất cứ một điều gì xảy ra ở trong toàn cõi vũ trụ này.

Trần Tiên Long

___________

Ghi chú:

[1] God, the Failed Hypothesis: How Science Shows That God Does Not Exist by Victor J. Stenger (2007) p102-103.

[2] Armstrong (1986) p 64. Sự trích dẫn này được người viết lập lại từ bài “Souls do not Exist Evidence from Science & Philosophy Against Mind-Body Dualism”. Nguồn:http://www.humantruth.info/souls.html#OOBE

[3] Emotions Without Souls / How Biochemistry and Neurology Account for Feelings. Nguồn: http://www.humantruth.info/emotions.html

[4] Does neurology disprove souls? Nguồn: https://answers.yahoo.com/question/index?qid=20120928131629AAtixJ9

[5] Near Death Experiences What Happens in the Brain Before Dying. Nguồn: http://news.yahoo.com/near-death-experiences-happens-brain-dying-080751857.html

[6] Scientists create ghosts in the lab by tricking the brain By Matthew Stock Nguồn: http://news.yahoo.com/scientists-create-ghosts-lab-tricking-brain-115326070.html

[7] Scientists control mouse brain by remote control By Matthew Stock. Nguồn: http://news.yahoo.com/scientists-control-mouse-brain-remote-control-175421176.html

[8] Human head transplant just two years away, surgeon claims. Nguồn: http://www.cnet.com/news/human-head-transplant-just-two-years-away-surgeon-claims/

[9] The Case Against Immortality by Keith Augustine, http://infidels.org/library/modern/keith_augustine/immortality.html#top

[10] Những Tiên Đoán Sai Lầm Về Ngày Tận Thế by Trần Tiên Long, http://sachhiem.net/index.php?content=showrecipe&id=5486

[11] Life After Death: Examining the Evidence by Victor Stenger, http://www.huffingtonpost.com/victor-stenger/life-after-death-examinin_b_1428710.html

[12] Top 10 Psychic Debunkings, http://listverse.com/2008/04/10/top-10-psychic-debunkings/

[13] Vấn Đề Chứng Minh Thượng Đế by Trần Tiên Long, http://sachhiem.net/index.php?content=showrecipe&id=862

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét