Thứ Năm, 9 tháng 7, 2015

BÁO CHÍ CHỐNG CỘNG: HÓA THẠCH SỐNG CỦA TRUYỀN ĐƠN VIỆT MINH?



Đầu thập niên 1940, Việt Minh tập trung tuyên truyền và xây dựng lực lượng ở vùng dân cư của các sắc tộc thiểu số miền núi phía Bắc. Để thích ứng với trình độ dân trí thấp của khu vực, ông Hồ Chí Minh đã buộc các cán bộ của mình theo một chiến lược tuyên truyền mới, hướng vào tính ngắn gọn, dễ hiểu và cực đoan. Về mặt báo chí, họ có các tờ báo siêu mỏng, thường không quá 3 trang, mỗi bài dài không quá nửa gang tay. Trong bài chỉ có một mẩu thông tin nhỏ, thường là chuyện "Giặc Pháp áp bức dân lành", chuyện "chiến công của quân ta", kèm theo lời hô hào đi theo cách mạng. Bài không cần có lập luận, chỉ hoàn toàn dựa trên kích động cảm xúc. Phong cách ấy được giữ gìn trong thời "Địa chủ ác ghê!" sau đó, và vẫn tiếp tục được phát huy bởi nhiều tờ báo chính thống hiện nay.

Phong trào dân chủ vẫn thường lên án lối tuyên truyền áp đặt, nhồi sọ của chính quyền. Nhưng tôi thấy chính các nhà hoạt động của phong trào mới là người bảo tồn lối tuyên truyền này một cách cuồng nhiệt nhất.

Hãy nhìn vào các hoạt động truyền thông của phong trào trên mạng xã hội. Cũng những mẩu thông tin nhỏ, chủ yếu xoay quanh tội ác của quân địch và chiến công của quân ta. Cũng thiếu lập luận, nhưng thừa qui chụp, tinh thần phe nhóm và những khẩu hiệu kích động cảm xúc cực đoan. Cũng lặp đi lặp lại liên tục đến nhàm chán. Tôi không hiểu nhờ đâu mà các nhà dân chủ không phát điên vì lối tuyên truyền đầy tính đảng ấy, khi mỗi sáng thức dậy, đập vào mắt họ là cả một núi những mẩu tin tiêu cực và lời chửi bới mà ngày nào cũng giống ngày nào. Để trở thành nhà dân chủ ở Việt Nam, quả nhiên cần có thần kinh thép.

Nhật Ký Yêu Nước, một trong những fanpage nhộn nhịp nhất của phong trào dân chủ Việt Nam, cung cấp một minh chứng rõ ràng về sự tương đồng giữa chiến lược tuyên truyền của các nhà độc tài và các nhà dân chủ. Các post lặp đi lặp lại về nạn thuyền nhân, tội ác Mậu Thân và các trại cải tạo, về bản chất, cũng cùng chung chiến lược ăn mày dĩ vãng với các hoạt động tuyên truyền về "thời kháng chiến" và chất độc da cam. Khác biệt, nếu có, chỉ nằm ở lợi nhuận kiếm được của kẻ ăn mày. Trong khi chính quyền còn kiếm được một chút hư vinh, phe dân chủ nhà ta chỉ mót được từ quá khứ cái tư cách của một nạn nhân tội nghiệp, chờ đợi sự thương hại của "thế giới tự do", hệt như cái vai mà bây giờ họ vẫn đang diễn.

Cứ tầm nửa tháng, tôi lại bắt gặp trên Nhật Ký Yêu Nước một post về việc tổng thống Mỹ trò chuyện với thiếu nhi, tổng thống Mỹ thân mật với nhân viên, tổng thống Mỹ xếp hàng chờ mua đồ ở cửa hàng fastfood... Họ bình luận rằng tác phong giản dị, gần gũi và khiêm tốn của tổng thống Mỹ thể hiện rõ sự ưu việt của hệ thống dân chủ phương Tây. Tôi thấy lối tuyên truyền này chẳng khác gì những bức ảnh "Bác Hồ và thiếu nhi", "Bác Hồ trồng cây", "đôi dép cao su của Bác"... từng làm mưa làm gió trên báo đảng một thời. Không kém phần nực cười là những bài đăng về việc lính Mỹ tiêm phòng, hoặc gồng gánh giúp dân địa phương trong thời chiến. Vậy là đủ để chứng minh rằng người Mỹ là tốt, người Bắc Việt là xấu, và mọi cuộc xâm lăng do Mỹ phát động đều vì những mục đích chính nghĩa như truyền bá tự do, dân chủ? Tôi đọc Nhật Ký Yêu Nước mà cứ như đọc báo Quân Đội Nhân Dân của thập niên 60.

Tóm lại, một phong trào tin rằng mình "giác ngộ", "mở mắt" cho dân đang áp dụng cách thức tuyên truyền mà Việt Minh từng áp dụng cách đây gần 100 năm, trên một địa bàn toàn người sắc tộc thiểu số dân trí thấp. Phải nói rằng họ coi thường nhân dân và coi thường trí tuệ. Dễ hiểu vì sao họ ngày một bị cô lập trong sự cực đoan và thiếu hiểu biết, để rồi bị kì thị bởi giới trí thức và đa số nhân dân.

Ảnh: Tổng thống Mỹ và các đồng chí thuộc lực lượng vũ trang Hoa Kỳ


https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1601518863435291&id=1595776947342816&substory_index=0

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét