Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

Nguồn gốc của minh triết Việt và suy nghĩ về minh triết Việt hiện đại



TRẦN NGỌC HIÊN


Xưa nay dân tộc và đất nước thịnh suy đều có quan hệ đến sự thăng trầm của Minh triết. Việt Nam cũng vậy, sau hơn 20 năm đổi mới, đất nước đã có bộ mặt khác trước nhiều. Nhưng nhìn vào thực trạng kinh tế, xã hội, văn hoá hiện nay thì người ta không rõ Minh triết Việt đang thăng hay trầm ra sao?


Để lý giải câu hỏi đó, có lẽ phải đi tìm "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt quá trình phát triển Minh triết Việt thì mới hy vọng cùng nhau nhận thức dần dần vấn đề Minh triết Việt hiện đại - trường hợp Hồ Chí Minh.

Bước đầu đi tìm sợi chỉ đỏ ấy từ thực tiễn, tôi thấy đó là mối quan hệ giữa kinh tế - xã hội với văn hoá - chính trị. Đây là mối quan hệ luôn thay đổi trong các giai đoạn, các thời đại khác nhau. Chỉ khi nhận thức được sự thay đổi có tính xu hướng, tính quy luật của mối quan hệ ấy thì mới đem đến những giá trị Minh triết bền vững.

Suy nghĩ như vậy nên tôi bắt đầu phân tích cơ sở hay nguồn gốc tạo nên những đặc điểm giống nhau và khác nhau giữa Minh triết Việt truyền thống với Minh triết Việt hiện đại, hy vọng từ đó có thể tìm đến những giá trị Minh triết Hồ Chí Minh - đỉnh cao của Minh triết Việt hiện nay.

I. Nguồn gốc của sự giống nhau và khác nhau giữa Minh triết Việt truyền thống với Minh triết Việt hiện đại
Để làm rõ sự giống nhau và khác nhau giữa Minh triết truyền thống và hiện đại cần đến một đề tài khoa học lớn, nên ở đây tôi chỉ tìm hiểu một số mặt giống nhau và khác nhau giữa hai thời kỳ Minh triết nhằm làm rõ nguồn gốc của sự giống nhau và khác nhau đó.

Nhìn khái quát, sự giống nhau giữa hai thời kỳ Minh triết Việt tập trung ở khâu then chốt:đạo làm người. Minh triết chỉ ra con đường muốn làm người phải có đạo nghĩa là phải có nhân cách và bản lĩnh. Hai phẩm chất ấy gắn bó với nhau tạo ra "đạo làm người". Con người muốn giữ nhân cách phải có bản lĩnh, để không bị tha hoá trong môi trường xã hội phức tạp. Trong Minh triết truyền thống, con người có nhân cách là "giữ được nếp sống nghèo mà trong sạch, yên phận giữ mình, không màng danh lợi". Đối với một số người có học thì "có thể mất mọi thứ nhưng không thể mất nhân cách". Minh triết truyền thống nêu cao bản lĩnh con người là "phải hiểu được mình, thắng được mình". Danh nhân Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cho rằng: "Hiểu được mình là anh. Thắng được mình là hùng" (theo Đắc Trung trong "Luận về lẽ sống và đạo làm người").

Nhân cách và bản lĩnh của "đạo làm người" trong Minh triết Việt truyền thống đặc biệt thể hiện ở "tinh thần dân tộc yêu nước sâu sắc", trong đó biểu hiện cả bản lĩnh và nhân cách con người Việt Nam. Đây là một phẩm chất được kết tinh từ hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của nhiều thế hệ. Tính bền vững của giá trị Minh triết này thể hiện nổi bật ở hai luận điểm:

Một là,coi dân làm trọng, là nhân tố quyết định sự hưng thịnh hay suy tàn của chế độ chính trị, thể hiện luận điểm "Chở thuyền, lật thuyền đều ở dân". Hội nghị Diên Hồng mang ý nghĩa lịch sử là vì vậy.

Hai là,coi "hiền tài là nguyên khí quốc gia". Hai luận điểm đó gắn bó với nhau, làm điều kiện cho nhau. Những giá trị của Minh triết Việt truyền thống có nguồn gốc, cơ sở từ địa chính trị, địa văn hoá của Việt Nam. Cơ sở này vẫn tồn tại đến ngày nay, nên những giá trị Minh triết vẫn còn phát huy tác dụng nhất định. Mặt yếu của những giá trị Minh triết truyền thống là chưa được hình thành trên một cơ sở kinh tế phát triển. Đây là vấn đề mà việc nghiên cứu Minh triết Việt hiện đại cần bổ sung.

Ngày nay, vai trò của địa kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng tăng, đem lại sức sống mới, chất lượng mới cho những giá trị Minh triết Việt đã có. Sự phát triển của cơ sở kinh tế mới là nền kinh tế thị trường phát triển theo hướng đồng thuận cả kinh tế, xã hội và môi trường, tức phát triển bền vững. Sự phát triển kinh tế thị trường theo hướng đó sẽ đem lại bộ mặt xã hội mới, nền văn hoá mới và nền chính trị tiến bộ. Đó sẽ là sự khác nhau về nguồn gốc giữa hai thời kỳ Minh triết Việt. Nó đem lại nội hàm mới cho "đạo làm người". Nhân cách và bản lĩnh con người không chỉ ở thước đo dân tộc mà còn cả thước đo quốc tế thời hội nhập. Nó cũng đem lại nội hàm mới cho khái niệm "hiền tài" và khái niệm nhân dân, cho tinh thần dân tộc yêu nước. Hơn nữa, kinh tế thị trường phát triển bền vững là một xu thế tất yếu. Khi kinh tế tri thức thay thế kinh tế công nghiệp đã tạo ra khả năng thực tế xoá bỏ vấn nạn lịch sử "người bóc lột người" và tàn phá thiên nhiên, nghĩa là xoá bỏ những chế độ chính trị coi thường sự phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Khả năng thực tế ấy còn bao hàm sự hình thành nền chính trị nhân văn - một tiêu chí của Minh triết hiện đại.

Bước vào thế kỷ 21, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tri thức đang tạo ra xu thế ra đời nền chính trị nhân văn thể hiện trong sự phát triển của một hệ thống gồm Nhà nước pháp quyền của dân, một xã hội dân chủ mới, một nền kinh tế thị trường phát triển bền vững. Khái niệm nền chính trị nhân văn không phải nền chính trị lo cho dân bằng cách ban phát ân huệ mà bằng sự sáng tạo trong tổ chức, hướng dẫn cho dân tự phát triển đủ sức làm chủ xây dựng nhà nước, xây dựng xã hội ngay trong phát triển kinh tế thị trường.

Như vậy, Minh triết thời hiện đại không chỉ mang lại những nội dung mới mà còn cả phương pháp mới, không chỉ làm rõ những giá trị tốt đẹp của "đạo làm người" hiện nay, mà còn phải chỉ rõ làm thế nào để thực hiện những giá trị tốt đẹp đó.

II.Từ những giá trị Hồ Chí Minh, suy nghĩ về phát triển Minh triết Việt hiện đại

Từ góc nhìn Minh triết có thể nhận ra: Cách mạng tháng Tám 1945 thành công là cột mốc lịch sử giữa hai thời kỳ của Minh triết Việt. Những giá trị chính trị và văn hoá Hồ Chí Minh là sợi chỉ đỏ hướng dẫn nhân dân ta giành chính quyền và chiến thắng trong hai cuộc chiến tranh với chủ nghĩa tư bản Pháp và chủ nghĩa tư bản Mỹ. Tôi không dùng khái niệm "thực dân Pháp và xâm lược Mỹ" mà dùng khái niệm chủ nghĩa tư bản Pháp và chủ nghĩa tư bản Mỹ là muốn nói đến hai nước có nền kinh tế thị trường phát triển cao và nền văn minh công nghiệp, trong khi Việt Nam còn là nước nông nghiệp lạc hậu, nửa phong kiến. Nhưng tại sao cuối cùng Việt Nam thắng ?

Vấn đề này phải được lý giải bằng cách nhìn vào lịch sử thế giới và Việt Nam vào sau nửa thế kỷ 20 trở đi. Từ đầu thế kỷ 21 mà nhìn lại, nhiều sự kiện của thế giới ở nửa sau thế kỷ 20 phát đi tín hiệu: gió thời đại đang đổi chiều, trong đó có các sự kiện tiêu biểu như các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nổi lên khắp nơi; sự hình thành thế giới thứ ba; sự thất bại của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa phát xít; sự phát triển nền kinh tế thị trường - xã hội ở châu Âu (nhất là Bắc Âu) và chủ nghĩa xã hội - dân chủ; sự suy thoái và kết thúc chủ nghĩa xã hội nhà nước ở Liên Xô, Trung Quốc và Đông Âu; sự kết thúc chiến tranh lạnh và thế giới hai cực đối đầu; sự phát triển mạnh kinh tế tri thức và toàn cầu hoá; những hiểm hoạ có tính toàn cầu do tàn phá môi trường đi đôi với cuộc đấu tranh về xã hội và chính trị mang tính toàn cầu.

Gió thời đại đổi chiều là nhân tố khách quan tạo ra thời cơ chưa từng có cho các cuộc cách mạng dân tộc dân chủ giành thắng lợi. Cách mạng tháng Tám 1945 và hai cuộc kháng chiến của Việt Nam thắng lợi nhờ thời cơ ấy.

Thời cơ đó là cơ hội chung cho mọi dân tộc đang đấu tranh giành giải phóng dân tộc, nhưng chỉ có dân tộc nào có nhân tố chủ quan, minh triết được xu thế của thời đại thì mới giành được thắng lợi.

Ở Việt Nam, nhân tố chủ quan đó là sự xuất hiện Hồ Chí Minh với những giá trị được tích hợp qua chặng đường dài, từng trải, từ khi ra đi tìm đường cứu nước (1911) cho đến khi lãnh đạo đất nước đã thể hiện ngày càng sâu sắc những đặc điểm và nội dung Minh triết Việt hiện đại. Giá trị Minh triết Hồ Chí Minh không những được khẳng định thông qua thành công về đối ngoại và đối nội, không những trong tư tưởng, quan điểm mà cả trong hành động thực hiện, trong sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nói với làm, giữa sự nghiệp với cuộc sống cá nhân.

Có thể nói Minh triết Hồ Chí Minh được tích hợp từ những giá trị của thời đại mới với những tinh hoa của Việt Nam, cho nên sức sống của nó lâu bền và sẽ lan toả trong đời sống Việt Nam, dù ở giai đoạn đầu còn nhiều cản trở.

Vậy nói vắn tắt thì Minh triết Hồ Chí Minh gồm những giá trị gì chủ yếu ?

Nếu nói một cách cô đọng thì có ba giá trị lớn gắn bó với nhau, làm điều kiện cho nhau. Đó là:

1) Độc lập cho dân tộc.

2) Tự do dân chủ cho nhân dân.

3) Sự phát triển của mỗi người.


Ba giá trị ấy trở thành ba mục tiêu của cách mạng Việt Nam, được thực hiện bằng ba cuộc giải phóng: giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Đó là nội dung cơ bản của thời đại Hồ Chí Minh.

Bước sang thế kỷ 21, kinh tế tri thức đang phát triển mạnh trên phạm vi toàn cầu, đem lại những nội dung và yêu cầu mới trong các mục tiêu: độc lập dân tộc, tự do dân chủ và phát triển con người. Vì vậy, làm rõ những nội dung và yêu cầu mới trong ba mục tiêu trên phải là định hướng phát triển Minh triết Việt hiện đại. Theo suy nghĩ bước đầu của tôi, có thể gợi ra mấy hướng nghiên cứu sau đây:

1.Mục tiêu độc lập dân tộc:
Minh triết vấn đề này không nên dừng lại ở mục tiêu giành chính quyền, mà phải gắn độc lập dân tộc với phát triển bền vững. Độc lập dân tộc hiện nay phải bảo đảm vấn đề an ninh. Bên cạnh những vấn đề an ninh truyền thống, đang nảy sinh nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu, như an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, tài nguyên, an ninh sinh học, thông tin, năng lượng, môi trường và tài chính tiền tệ. Những vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng tăng do biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai dịch bệnh, di dân bất hợp pháp, buôn lậu... gây ra.

2.Mục tiêu tự do dân chủ cho nhân dân
: Minh triết vấn đề này trong thế kỷ 21 đã khác nhiều với thế kỷ 20. Từ khi chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, vấn đề nhận thức và xây dựng nền dân chủ ở nước ta phải trở thành động lực và mục tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội. Không được để cho sự hấp dẫn của chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm che khuất. Vai trò và uy tín của Đảng và Nhà nước được quyết định bởi những bước tiến của nền dân chủ, chứ không phải ở tỷ lệ đầu tư và tăng trưởng. Nếu tăng trưởng kinh tế không đi đôi với tiến bộ dân chủ thì nguy cơ chệch hướng ngày càng tăng. Trái lại, nếu dân chủ hoá quá trình phát triển kinh tế thì đạt được đồng thời hai mục tiêu kinh tế và xã hội.

Để thực hiện mục tiêu này, giá trị Hồ Chí Minh chỉ cho ta thấy những yêu cầu mới.

a) Xây dựng nền dân chủ nhân dân là biểu hiện giá trị của độc lập dân tộc. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ giá trị Minh triết này:

"Nước được độc lập mà dân không được tự do thì độc lập cũng chẳng có ích gì".

b) Phải xây dựng nền dân chủ ngay trong tiến trình phát triển kinh tế thị trường. Lịch sử cho thấy, chỉ phát triển kinh tế thị trường lành mạnh mới là cơ sở đẻ phát triển dân chủ và ngược lại có phát triển dân chủ mới bảo đảm sự phát triển tốt của kinh tế thị trường. Minh triết này còn được xác minh ở mặt khác: trong kinh tế tập trung của nhà nước và bao cấp chỉ hình thành quan hệ ban ơn và chịu ơn, không hề có giá trị dân chủ thực sự, với hậu quả là nhà nước sụp đổ.

c) Sau hơn 20 năm đổi mới, nhiệm vụ trung tâm của Đảng hiện nay là xây dựng nền dân chủ cho dân, kể cả đổi mới cách thực hiện dân chủ trong Đảng. Để làm tốt nhiệm vụ đó, giá trị Hồ Chí Minh là giá trị duy nhất để Đảng thực hiện dân chủ hoá xã hội Việt Nam một cách thành công và an toàn. Từ góc nhìn Minh triết thì Đảng phải tổ chức và rèn luyện nền dân chủ Việt Nam bằng nhận thức và vận dụng giá trị Hồ Chí Minh bởi vì giá trị đó thể hiện nền văn hoá mới. Đó là "nền văn hoá tương lai" như nhà thơ Liên Xô Ôxép Manđenxtam đã viết khi tiếp xúc với Hồ Chí Minh năm 1923.

3. Sự phát triển cá nhân mỗi người: Đây là kết quả cao nhất của quá trình dân chủ hoá. C.Mác đã từng dự báo khi phát triển kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa rằng: kinh tế thị trường sẽ đưa đến sự phát triển cá nhân "sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển mọi người" hình thành xã hội hậu tư bản. Trong thể chế ban ơn - chịu ơn hoặc thể chế chuyên quyền độc đoán đều phủ nhận sự phát triển cá nhân mỗi người, nên hình thành "xã hội thần dân" chứ không có xã hội dân chủ.

Để vận dụng tính tất yếu về sự phát triển cá nhân trong kinh tế thị trường (được coi như là động lực và mục tiêu phát triển kinh tế) cần nắm vững mấy quy luật phát triển kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục trong giai đoạn hiện nay, gắn liền với quyết tâm khắc phục cho được nhược điểm chủ yếu của một xã hội lạc hậu.

a) Để tạo ra cơ sở kinh tế cho sự phát triển cá nhân, cần sửa đổi chủ trương cổ phần hoá doanh nghiệp theo quy luật phát triển lực lượng sản xuất xã hội. Ở các nước phát triển, công ty cổ phần là phổ biến, trong đó những người lao động trong doanh nghiệp và cả người dân trở thành cổ đông. Sự phát triển công ty cổ phần tạo ra sở hữu cá nhân của lao động (cơ sở kinh tế của sự phát triển cá nhân) và sở hữu xã hội (cơ sở kinh tế của sự phát triển cộng đồng) hoàn toàn khác với sở hữu nhà nước.

b) Xây dựng nền khoa học và nền giáo dục quốc gia theo hướng đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Sự liên kết, thâm nhập vào nhau giữa khoa học tự nhiên với khoa học xã hội (về tri thức, phương pháp, hướng sử dụng bền vững) trong khoa học và trong giáo dục sẽ tạo ra nền văn hoá nhân văn và sự phát triển của cá nhân.

c) Trước sự cám dỗ của tiền bạc và danh lợi hiện nay thì sự phát triển cá nhân nhanh hay chậm còn tuỳ thuộc vào nhân cách và bản lĩnh mỗi người.Trong Minh triết truyền thống về bản lĩnh con người là "phải hiểu được mình, thắng được mình" vẫn còn giá trị và rất cần cho hiện nay.

4. Việc thực hiện ba mục tiêu nói trên chỉ có kết quả phụ thuộc vào nhân tố quyết định nhất là xây dựng thể chế chính trị theo Minh triết Hồ Chí Minh, với quyết tâm "Hồ Chí Minh hoá nền chính trị Việt Nam", coi đó là sứ mệnh, là nghĩa vụ của các nhà chính trị, như ý kiến một số trí thức kiến nghị.

Yêu cầu này đã trở nên cấp bách khi tính tự phát trong dân và một số quan chức đã phổ biến thành một nếp sống xấu, vì nó chống lại Nhà nước pháp quyền bằng hối lộ, bằng lợi dụng quan hệ gia đình, họ hàng để tranh giành lợi ích và chức vụ. Lênin khi thực hiện chính sách kinh tế mới đã chỉ ra "Tính tự phát tiểu tư hữu là kẻ thù giấu mặt, nguy hiểm". Thậm chí là "Kẻ chủ chính của chủ nghĩa xã hội". Còn Hồ Chí Minh thì coi đó là "giặc nội xâm" làm hư hỏng xã hội và chính trị./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét