" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2015
“Hỏi ý dân” và “để dân quyết”, đừng nói dân trí thấp
Tác giả: Lê Kiên (thực hiện)
.
Một chế độ dân chủ đại diện càng được quản lý và kiểm soát tốt bao nhiêu thì cơ hội cho người dân sử dụng quyền TCYD của mình càng ít bấy nhiêu. Nhưng đất nước đang có nhiều vấn đề như tham nhũng, lợi ích nhóm thì việc TCYD sẽ làm cho những người được dân bầu ra buộc phải nghĩ đến dân, phải vì dân, nếu không muốn các hoạt động của mình thường xuyên bị TCYD. Đừng sợ dân đề nghị TCYD nhiều quá sẽ ảnh hưởng đến chế độ hay mất chế độ vì kết quả chỉ có hiệu lực khi không vi hiến
————–
GS.TS Nguyễn Vân Nam – Ảnh: Hữu Khoa
Vì trưng cầu ý dân (TCYD) quá mới mẻ, chưa được thực hiện ở nước ta nên có nhiều ý kiến trái chiều. Ai là người có quyền đề nghị, ai là người quyết định, các lĩnh vực nào sẽ được trưng cầu và hiệu lực của TCYD?
Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với chuyên gia Luật tổ chức nhà nước và công pháp quốc tế, GS.TS Nguyễn Vân Nam.
Bàn về bản chất của TCYD, ông Nam nhìn nhận: “Bản chất của TCYD là để người dân sẽ trực tiếp quyết định một vấn đề cụ thể nào đó của đất nước. Mọi điều kiện có thể hạn chế tính chất trực tiếp này đều khiến TCYD trở thành một cuộc thăm dò dư luận xã hội.
Có những lúc cơ quan nhà nước không thể hay không muốn ban hành một chính sách, đạo luật cần thiết cho xã hội. Đây chính là sự khiếm khuyết của nền dân chủ đại diện, khi những người đại diện của dân do áp lực hay lợi ích riêng không muốn ra quyết định.
Khi ấy, người dân, người chủ thật sự của đất nước, phải có cơ hội thực hiện quyền làm chủ, trực tiếp giúp các cơ quan này ra quyết định. Đó là hình thức trưng cầu “hỏi ý dân”.
Hình thức thứ hai là “để dân quyết”: người dân sẽ tự mình trực tiếp quyết định. TCYD phải gồm cả hai hình thức này. Kết quả của “hỏi ý dân” chỉ có giá trị tham khảo, không có hiệu lực buộc phải thi hành. Kết quả của “để dân quyết” có hiệu lực như một nghị quyết của Quốc hội.
Một chế độ dân chủ đại diện càng được quản lý và kiểm soát tốt bao nhiêu thì cơ hội cho người dân sử dụng quyền TCYD của mình càng ít bấy nhiêu. Nhưng đất nước đang có nhiều vấn đề như tham nhũng, lợi ích nhóm thì việc TCYD sẽ làm cho những người được dân bầu ra buộc phải nghĩ đến dân, phải vì dân, nếu không muốn các hoạt động của mình thường xuyên bị TCYD. Đừng sợ dân đề nghị TCYD nhiều quá sẽ ảnh hưởng đến chế độ hay mất chế độ vì kết quả chỉ có hiệu lực khi không vi hiến
GS.TS NGUYỄN VÂN NAM
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII đang diễn ra sôi nổi. Ảnh tư liệu TT.
Công cụ rất đặc biệt
* Có lập luận cho rằng Quốc hội là do nhân dân bầu ra làm đại diện cho mình. Vì vậy, khi Quốc hội đã biểu quyết thông qua một vấn đề gì thì cũng có nghĩa là nhân dân đã đồng tình…
– Một lập luận thú vị. Đúng là ở nền dân chủ đại diện, người dân đã trực tiếp bầu người đại diện của mình vào các cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thì cần TCYD làm gì nữa, vì những quyết định của các cơ quan này cũng chính là quyết định của người dân.
Nhưng thực tế hầu như không có quốc gia nào lại không có quy định về TCYD. Rõ ràng TCYD phải giữ một vị trí, mang ý nghĩa và nhằm mục đích rất đặc biệt, được thực hiện theo các nguyên tắc khác với những nguyên tắc thực hiện dân chủ đại diện, quyết định theo đa số.
Cũng có lúc cơ quan công quyền – được điều hành bởi những đại diện do khối đa số bầu – ra một quyết định có thể sẽ không phù hợp với lợi ích của khối thiểu số.
Nhưng hiển nhiên là những người được khối đa số bầu vào cơ quan công quyền phải bảo vệ quyền lợi công dân, không phân biệt họ thuộc đa số hay thiểu số.
Cho nên khối thiểu số phải có cơ hội được làm chủ đất nước, ít nhất cũng là cơ hội có quyền nêu ra những vấn đề quan trọng của đất nước cho mọi người quyết định. Họ phải có quyền ấy trong cả hai hình thức “hỏi ý dân” và “để dân quyết”.
Quá trình phát triển đất nước sẽ nảy sinh những vấn đề đặc biệt quan trọng ảnh hưởng đến toàn xã hội mà quyết định xử lý của các cơ quan hiến định có thể không còn tính chính danh, không đủ thuyết phục toàn dân nữa. Khi đó, người dân phải có quyền thực hiện quyền làm chủ của mình, trực tiếp quyết định vấn đề đó.
Không nêu quá cụ thể những vấn đề cần trưng cầu
* Theo ông, những vấn đề nào nên được đưa vào quy định TCYD?
– TCYD là công cụ cần thiết để khắc phục thiếu sót cho nền dân chủ của đa số với những mục tiêu đã nói ở trên, nhưng là công cụ rất đặc biệt. Nó không được phép mở ra khả năng lạm dụng để cản trở hoạt động thường xuyên của bộ máy nhà nước.
Vì vậy phải giới hạn những vấn đề được trưng cầu. Nhưng giới hạn này cũng không được cứng nhắc đến mức vô hiệu hóa khả năng áp dụng TCYD.
Kinh nghiệm các nước là không nêu quá cụ thể những vấn đề được trưng cầu. Càng cụ thể thì khả năng áp dụng không được càng lớn. Bởi không ai có thể biết trước những vấn đề cụ thể quan trọng nào xảy đến vào lúc nào để đưa ra TCYD cả.
Nên quy định những lĩnh vực quan trọng (lĩnh vực chứ không phải vấn đề) mà những vấn đề thuộc lĩnh vực ấy sẽ được đưa ra TCYD như: sửa đổi hiến pháp, quyền công dân, quyền con người, hay an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ…
Trong hỏi ý dân nhất quyết phải có quy định cho phép người dân đề nghị tiến hành “hỏi ý dân” xem có đồng ý đưa vấn đề ra để thực hiện “để dân quyết” hay không.
* Có ý kiến cho rằng người dân không được quyền đề nghị TCYD?
– Đúng vậy. Hiến pháp quy định công dân VN chỉ có quyền biểu quyết khi Quốc hội quyết định trưng cầu. Nhưng quy định này hoàn toàn không áp dụng được cho một tập hợp công dân hay tổ chức phi chính phủ.
Hiến pháp cũng không có điều cấm công dân được đề nghị TCYD. Nghĩa là Luật TCYD bây giờ có thể cho một tập hợp công dân (100.000 người chẳng hạn) có quyền đề nghị trưng cầu là không vi hiến, cũng không cần phải đợi sửa đổi Hiến pháp.
Hiến pháp cũng quy định Quốc hội là cơ quan quyết định thực hiện TCYD. Nhưng nếu Quốc hội lại phải quyết định theo nguyên tắc đa số thì TCYD không còn ý nghĩa nữa.
Vì vậy, khi một đề nghị TCYD hội đủ điều kiện hình thức thì chỉ cần Ủy ban Thường vụ Quốc hội (thừa ủy quyền của Quốc hội) ra nghị quyết thực hiện. Như vậy vẫn là Quốc hội quyết định TCYD.
Kết quả của TCYD với hình thức để dân quyết có hiệu lực thi hành như nghị quyết Quốc hội, và một nghị quyết Quốc hội sẽ vô hiệu nếu nó vi hiến. Không cần phải thêm vào Luật TCYD là kết quả trưng cầu nào gây phương hại đến toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ là vô giá trị, bởi nó chỉ có hiệu lực khi không vi hiến.
TCYD khắc phục khiếm khuyết của dân chủ đa số, nên nó chỉ có ý nghĩa thật sự khi được thực hiện khác với những nguyên tắc dân chủ đa số. Đặc biệt không thể quy định phải có bao nhiêu phần trăm số người tham gia trưng cầu thì mới tổ chức thực hiện.
Nhiều nước trên thế giới không đặt ra quy định tỉ lệ bao nhiêu để xác định cuộc TCYD có hiệu lực hay không, vì như vậy là mặc nhiên xem những người không tham gia TCYD là bỏ phiếu chống. Nhưng tất nhiên họ có nhiều lý do khác nhau để không tham gia, chứ không phải chỉ là chống.
Phải giải thích cho dân hiểu
Nếu thông qua được Luật TCYD thì chắc chắn phải giải thích cặn kẽ cho nhân dân hiểu. Nếu không, nhân dân sẽ hiểu lầm nó giống như các cuộc lấy ý kiến, phong trào góp ý kiến trước đây. Họ sẽ làm qua loa, chiếu lệ trước việc vô cùng hệ trọng này.
Đặc biệt cũng đừng e ngại vấn đề dân chủ chưa hoàn thiện hay dân trí gì đó mà khoan ban hành luật này. Chính vì nền dân chủ còn khiếm khuyết nên mới càng cần TCYD để khắc phục khiếm khuyết của nó.
Cũng không thể nói dân trí ở mức độ chưa phù hợp, bởi một mặt đây là quyền công dân vô điều kiện, mà một nông dân hay một tiến sĩ cũng đều có và không ai có thể lấy mất của họ được.
Mặt khác, không trao quyền cho dân thì làm sao họ có thể hiểu, làm quen để rồi sử dụng hiệu quả được?
* Ông PHẠM THẾ DUYỆT (nguyên ủy viên thường vụ thường trực Bộ Chính trị, nguyên chủ tịch đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN):
Ông PHẠM THẾ DUYỆT – Ảnh tư liệu TT
Đừng nói Việt Nam dân trí thấp
Tôi cho rằng việc Quốc hội thảo luận, xem xét để thông qua dự án Luật TCYD có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân, trí tuệ và hiểu biết của dân, sẽ phản ánh được nguyện vọng chung của các tầng lớp nhân dân.
Về quyền được kiến nghị đưa nội dung, vấn đề ra TCYD, tôi đề nghị ngoài các chủ thể là Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc 1/3 trên tổng số đại biểu Quốc hội nên có thêm Ủy ban Trung ương MTTQ VN.
Có thể tôi làm chủ tịch Mặt trận nhiều năm nên thấy điều này là cần thiết chăng? Tôi nghĩ Quốc hội là cơ quan quyền lực đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân thì đúng rồi, nhưng Mặt trận là cơ quan đại diện cho lợi ích của nhân dân được tập hợp một cách rộng rãi nhất, vì vậy Quốc hội nên nghe kiến nghị, đề xuất của Mặt trận trong từng vấn đề đưa ra để TCYD.
Lựa chọn vấn đề nào đưa ra để TCYD phụ thuộc vào đề nghị của các chủ thể có thẩm quyền này và quyết định thuộc về Quốc hội.
Vì vậy, kết quả của vấn đề đưa ra trưng cầu có phát huy hết được trí tuệ, sự đồng lòng nhất trí của nhân dân hay không phụ thuộc rất lớn vào sự chuẩn bị của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tôi cũng từng phát biểu nhiều lần, đã phát huy dân chủ, trọng dân, tin dân thì chỉ có tốt mà thôi. Đừng chê dân dốt, đừng nói Việt Nam dân trí thấp mà cho rằng chưa nên làm việc này việc khác.
Dân mình là dân cách mạng, là dân yêu nước thương nòi, dân sống trong chế độ mới 70 năm nay rồi, đã kinh qua bao gian khổ rồi, dân mình tốt lắm, dân mình có trình độ, không biết có nên so sánh với các nước không chứ tôi nghĩ rằng dân mình không phải loại kém.
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến (Quảng Trị) – Ảnh: Việt Dũng
* Ông LÊ NHƯ TIẾN (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):
Không chỉ là một tuyên ngôn chính trị suông
Để đạo luật này đi vào cuộc sống, không chỉ là một tuyên ngôn chính trị suông. Tôi nghĩ quan trọng nhất là quy định cụ thể, dễ thực hiện về cả nội dung TCYD và thủ tục TCYD.
Về nội dung, những vấn đề đưa ra TCYD trước hết phải là những vấn đề lớn, có phạm vi tác động sâu rộng đến đời sống nhân dân, đến sự phát triển của đất nước.
Về thủ tục, chẳng hạn như quy định tối thiểu 1/3 trên tổng số đại biểu Quốc hội đề xuất một vấn đề gì đó thì mới đưa vấn đề đó ra để TCYD, nếu không quy định cụ thể không bao giờ làm được, chẳng khác nào quy định tối thiểu 20% đại biểu Quốc hội đề nghị mới xem xét bãi nhiệm người giữ chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Trong trường hợp này, tôi đề nghị quy định vào luật hoặc tới đây quy định ở văn bản dưới luật là trước mỗi kỳ họp Quốc hội thì phát phiếu thăm dò ý kiến đại biểu xem có đề nghị TCYD vấn đề gì không, nếu đủ 1/3 đại biểu đề nghị trưng cầu vấn đề gì đó thì đưa ra để trưng cầu.
Nếu không quy định như vậy thì không bao giờ có chuyện khoảng 170 – 180 đại biểu cùng lúc gửi tờ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
———–
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150607/hoi-y-dan-va-de-dan-quyet-dung-noi-dan-tri-thap/758118.html
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét