Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

Số phận



Minh Trí




Có thể hiểu Số là là tổng số lượng thời gian một người có mặt trên cuộc đời này, còn Phận là phẩm chất của những ngày sống đó. Hiểu như vậy thì thấy con người nói chung khó thể quyết định nổi Số, nhưng lại có thể làm thay đổi được Phận. Nói một cách biện chứng, số và phận có mối quan hệ mật thiết với nhau; song, trên những phạm vi và cấp độ nhất định, chúng vẫn giữ được tính độc lập tương đối. Vượt lên trên hết, số luôn mang giá trị của những ước định, ẩn số, biển số. Vì khó có thể xác định được số của mình, chừng nào tới số thì người ta nghĩ đó là “tại trời” và hiểu số là “tài sản trời ban”. Sống chết do số, yểu mạng hay trường thọ cũng tại số. Tuy nhiên, quan hệ giữa số và phận không phải lúc nào cũng lệ thuộc vào trời. Nếu sinh trong thời loạn lạc hay chọn những ngành nghề nguy hiểm, phận con người sẽ treo lơ lửng, mong manh trên đầu số. Có nghĩa là chúng ta khó thể thoái thác trách nhiệm, hành vi của mình để đặt số và phận vào hai tiến trình, mà phải coi chúng như hai thuộc tính của một con người. Chỉ có điều, số trong rất nhiều trường hợp nằm ngoài khả năng kiểm soát của hành vi. Ta chỉ có thể mong cho số mình được hưởng hết tuổi trời, như nhà thơ Tô Đông Pha đời Tống đã viết trong bài thơ nổi tiếng “Thuỷ điệu ca đầu” rằng “Đãn nguyện nhân trường cửu” (Những nguyện đời người được dài lâu).

Có nhiều người chịu sống một đời hèn mọn, bấp bênh…, cũng có những người giàu sang phú quý, vợ đẹp con khôn… từ đó làm nên những thân phận khác nhau. Trong đời người ở những giai đoạn khác nhau lại tiếp tục làm nên tính khác biệt của phận. Phận ở đây nhằm chỉ tình trạng sống, cảnh sống, phẩm chất đời sống. Nó thuộc yếu tố khả biến, khác với số ở chỗ nó có thể được quyết định bởi mong muốn chủ quan và nhờ vào nỗ lực của mỗi người trong việc định dạng bản thân. Trong khi số hàm nghĩa tổng lượng thời gian tại thế, định lượng, thì phận lại biến đổi, định tính, hướng theo chiều thay đổi của cuộc sống. Việc theo đuổi, dấn thân trên con đường xác định giá trị sống là khế cơ trong quá trình thay đổi thân phận. Sống ra sao cho càng ngày càng ra mình, đó là tiến trình tạo lập nên thân phận riêng. Giả sử một con người trót sinh ra trong gia đình nghèo khó; đến một ngày kia, người ấy hoàn toàn có thể quyết định thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn ấy để tiến thân trên con đường xác lập phận mới dưới động lực của những mục tiêu lớn. Các đô thị lớn của nước ta trong nhiều năm qua đã không ngừng thu hút nhiều cá thể tới làm ăn, lập nghiệp và không ít người trong số đó xuất phát từ mục tiêu đổi đời – một cuộc cách mạng với mơ ước thay đổi thân phận. Bởi vậy, phận là thành tố khả biến, chịu sự quyết định của chủ thể.

Xét trên phương diện tổng thể phẩm chất cuộc sống, phận bao gồm cả giá trị vật chất và tinh thần. Để thay đổi được phận, một trong những nhân tố đóng vai trò then chốt là Thực lực của mỗi con người. Thực lực có khả năng định vị, làm nên cuộc cách mạng về phẩm chất cuộc sống. Hiểu một cách đầy đủ, Thực lực gồm sáu phương diện: Công đức lực, Gia trì lực, Cảm nhiễm lực, Nỗ lực, Quan sát lực và Ứng biến lực.

Công đức lực có thể hiểu là sức mạnh của lòng từ bi, hỷ xả, những điều mà khả năng của con người có thể đem lại cho tha nhân. Một người có thực lực không thể chỉ biết chăm lo cho riêng bản thân, sống một cách tự tư, tự lợi, mà còn phải đem tài năng, phẩm hạnh ra giúp người, giúp đời. Thực lực thể hiện trên phương diện Công đức coi như một thứ trách nhiệm tự nguyện, xuất phát từ lòng yêu thương, quan tâm tới hoàn cảnh sống của người khác. Xét cho cùng, mỗi người trong chúng ta đều chỉ là một cá thể trong chỉnh thể gồm có ta cùng tha nhân. Dù rằng, vai trò cá nhân đang ngày càng được đề cao, đến mức độc tôn; nhưng cá thể không làm nên được chỉnh thể và con người không thể sống độc lập tuyệt đối trên thế gian này. Từ công đức lực liên quan đến Gia trì lực, được hiểu là sức mạnh của sự hộ trì, giúp đỡ bởi tha nhân. Bất cứ người nào, kể từ khi còn trong bụng mẹ, chưa hề biết gì cho đến lúc trưởng thành, công thành danh toại đều hàm ân không biết bao nhiêu người. Sức mạnh của những lực lượng hữu hình hay vô hình trên thế gian luôn phù trợ chúng ta trên mỗi bước đường dẫn tới thành công. Con người ta thật khó thể nói đến thành đạt khi không nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều người. Thực lực tiếp theo cần nói đến là Nỗ lực. Muốn thành công trên con đường sự nghiệp, đạo hạnh hay học vấn… đều phải tự mình cố gắng vươn lên. Vì, học và hành không ai có thể làm thay. Nỗ lực chính là phẩm chất số một giúp con người không ngừng thăng tiến, vươn lên. Ngoài ra, còn phải kể đến Cảm nhiễm lực: năng lực tiềm ẩn trong sức mạnh lan toả, chiếm hữu tình cảm, tinh thần của người khác. Các bậc thành tựu đều có năng lực này, từ những thiền sư, hoà thượng cho đến chính trị gia, nghệ sĩ, giáo sư… Năng lực tiêm nhiễm, cảm hoá biến họ trở thành người có khả năng truyền cảm hứng, đam mê, đức tin đến người khác, từ đó cảm hoá, lay chuyển những khối lầm lì của tập quán cũng như tư tưởng… Một năng lực khác càng ngày càng thiết yếu trong xã hội đương đại đó là Năng lực ứng biến. Thế gian vô thường nhằm chỉ tình trạng thường biến của vạn vật. Vạn vật và cả con người đều nằm trong sự biến đổi không ngừng. Sống trong điều kiện đó đòi hỏi mỗi người phải có khả năng thích ứng với hoàn cảnh. Có thể mới có thể an nhiên, tự tại trước cảnh vật đổi sao dời. Và cuối cùng là Quan sát lực :khả năng quan sát. Bất cứ ai dù giác quan khiếm khuyết đến đâu đều có khả năng quan sát. Quan sát không chỉ bằng mắt, bằng các giác quan, mà còn bằng cả tâm hồn, tình cảm và lòng yêu thương. Có như thế, năng lực quan sát mới trở thành một trong những phẩm chất làm thay đổi phận của bản thân và người khác nhằm làm nên thực lực của mỗi con người.

Trong bất cứ điều kiện nào, dài lâu về số vẫn như một niềm mong ước, đặc biệt khi mà từng phút, từng giây, không biết bao nhiêu những nguy cơ tiềm ẩn trên cuộc đời. Số rốt cuộc vẫn thể hiện sức mạnh quyền uy biến thiên của mình cho con người tin rằng, loài người còn chịu sự chi phối bởi những thế lực ngoại tại. Chính vì thế, điều chúng ta cần hướng tới là nỗ lực làm thay đổi phận. Yếu tố không chỉ có ảnh hưởng trực tiếp đến số, mà còn quy định phẩm chất của số. Và điều quan trọng hơn, phận hầu như hoàn toàn phụ thuộc vào vai trò tự quyết của mỗi cá nhân.■

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét