Thứ Ba, 6 tháng 1, 2015

Học chữ và học làm người



Có ý kiến cho rằng, giáo dục nước ta nhất là giáo dục phổ thông có xu hướng mất cân đối giữa việc học chữ và học đạo đức, học kỹ năng sống. Người ta tìm mọi cách nhồi nhét kiến thức sách vở cho học sinh, bậc tiểu học mà phải học suốt ngày, suốt đêm, hết học chính khóa lại học thêm, học cả ngày nghỉ đến nỗi không còn thời gian, vui chơi giải trí. Ðiều nguy hại nhất là việc giáo dục làm người bị xem nhẹ, các em không còn thời gian để tiếp xúc với cuộc sống để giao tiếp, học hỏi. Nhiều bậc phụ huynh chiều chuộng con cái quá mức, không để chúng làm bất cứ công việc gì trong gia đình, dần dần tạo ra thói quen ỷ lại, lười biếng, sống ích kỷ, cho rằng chỉ cần học giỏi, đạt điểm cao là được.




Tình trạng này đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khi có nhiều hiện tượng tiêu cực xảy ra trong trường học, gia đình, thậm chí ngoài xã hội. Là đất nước có truyền thống tôn sư trọng đạo, chúng ta không thể chấp nhận những hành vi thầy giáo đánh học trò và học trò tìm cách đánh lại thầy. Nhưng những hành vi như vậy vẫn diễn ra. Yêu đương sớm không còn là hiện tượng hiếm gặp, đã có không ít trường hợp những học sinh ở tuổi vị thành niên mang thai rồi lén lút đi phá thai. Còn tình trạng bạo lực học đường thời gian gần đây đã diễn ra thường xuyên, liên tục. Từ những xích mích rất nhỏ như tranh nhau đồ chơi, trêu ghẹo nhau, nói xấu nhau đã dẫn đến các vụ ẩu đả trong trường học... Rõ ràng đạo đức đang xuống cấp ngay ở nơi mà từ xưa đến nay chúng ta vẫn coi là nghiêm túc, mẫu mực...

Ngành giáo dục đã bước đầu có những giải pháp cụ thể nhằm giảm áp lực đối với học sinh tiểu học bằng việc chỉ nhận xét thông qua bài vở, không cho điểm thường xuyên mà chỉ cho điểm qua các kỳ kiểm tra học kỳ. Tuy nhiên, điều cốt lõi nhất là giảm tải nội dung chương trình học tập thì chưa thấy chuyển động. Ðể dành thời gian cho việc "trồng người" thì không thể không rút ngắn thời gian và khối lượng kiến thức quá nặng để tạo nên sự cân đối giữa học chữ và học các môn đạo đức công dân, rèn luyện kỹ năng sống. Hai quá trình này luôn gắn bó và thống nhất đồng hành với nhau nhằm tạo ra mục tiêu chung là xây dựng con người, vừa có đức, vừa có tài, trở thành công dân có ích cho xã hội. Giảm tải việc học các chương trình quá nặng về kiến thức như thế nào là phù hợp, nội dung "học làm người" gồm những vấn đề gì và giải pháp cụ thể ra sao? Dường như không ít trường học đang lúng túng trước những vấn đề này và chỉ dừng lại ở những khái niệm chung nhất, chứ chưa đi vào các nội dung cụ thể. Sẽ là nguy hiểm khi giảm tải nội dung nhằm trang bị kiến thức mà không bù đắp ngay những nội dung cần và đủ để học làm người.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng cần phải thay đổi cách đánh giá chất lượng giáo dục, chú trọng đánh giá nhân cách và đạo đức của học sinh chứ không chỉ căn cứ vào điểm học tập và hạnh kiểm. Tập trung vào mục tiêu học tập để trở thành người có ích cho gia đình, xã hội, học để có kiến thức áp dụng vào cuộc sống sau này. Trong quá trình đào tạo, cần phối hợp chặt chẽ giữa trường học, gia đình và xã hội. Ðã từ lâu chúng ta thực hiện phương châm này, nhưng chưa tổng kết đúc rút kinh nghiệm để xây dựng nội dung, chương trình học để làm người một cách hoàn thiện có thể áp dụng rộng rãi trong môi trường sư phạm.

Việc thay đổi nhận thức về mục tiêu giáo dục, trước hết bảo đảm sự cân đối giữa học chữ và học để trở thành con người có văn hóa, đạo đức, phát triển toàn diện, là bước đi cơ bản của sự nghiệp đổi mới giáo dục hiện nay. Công việc này không chỉ của riêng ngành giáo dục mà rất cần sự quan tâm của toàn xã hội.

NGUYỄN THU HIỀN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét