Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

Chương 4. Dịch là giản dị



Dịch kinh cũng như vũ trụ, nếu xét về phương diện Hào Quải, Vạn Tượng biến thiên, thì phức tạp vô cùng tận. Ngược lại, nếu xét về phương diện Vô Cực Thái Cực, phương diện Bản Thể thì thực là giản dị.

Vì thế Dịch còn có nghĩa là giản dị.

Cho nên Dịch chỉ giản dị nếu ta nắm được đầu mối Dịch, then chốt của Dịch, xem được bộ mặt thực của Dịch, khi chưa biến hóa. Mới hay:

Chí đạo chớ tìm trong biến hóa,
Lẽ trời đừng kiếm chỗ tần phiền

Hệ Từ bàn về sự giản dị của Dịch rất khéo léo Tạm Dịch như sau:

Càn Khôn dễ biết dễ làm,
Dị nên dễ biết, giản càng dễ theo.
Dễ hay, nên sẽ dễ yêu,
Dễ theo, nên sẽ chắt chiu thi hành.
Có yêu,trường cửu mới sinh,
Có làm, mới có công trình lớn lao,
Hiền nhân, đức cốt bền lâu,
Hiền nhân, sự nghiệp cơ mầu lớn lao.
Lẽ trời giản dị xiết bao.
(Tìm nơi phiền toái thấy sao lẽ trời)
(Lẽ trời giản dị thấy rồi)
Ngôi Trời cao cả tức thời hiện ra

Phục Mệnh Thiên viết: Chí đạo bất phiền, nhân tự muội

Dịch:

Chí đạo chẳng tần phiền,
Chỉ tại người u tối.

Lãng Nhiên Tử viết:

Chưa hay thần thất, nghìn điều rối,
Đạt được tâm điền, vạn sự không

Tuy lời lẽ có khác nhau, nhưng Tiên Thánh, Tiên Hiền đều quan niệm rằng: Đạo Trời chẳng khó, Đạo Dịch thực dễ. Khó là vì mình tự lao mình vào rắc rối khó khăn. Dễ là vì khi đã tìm ra được Thái Cực, ra Đạo, ra Bản Thể ẩn khuất sau Hào, Quải, sau Hiện Tượng, là đã bắt được vi-ý của cổ nhân rồi.

Tại sao gọi được rằng Dịch là giản dị?

Dịch giản dị, vì coi muôn loài là ảnh tượng, là biểu dương của Tuyệt Đối, y thức như Hào Quải là biểu tượng của Thái Cực.

Dịch giản dị, vì chủ trương Tuyệt Đối, chẳng có xa người mà đã ở ngay trong lòng người, chẳng có xa Vạn Hữu mà đã ở ngay trong lòng Vạn Hữu, như Thái Cực đã nằm ngay giữa các Hào Quải. Dịch giản dị, vì chủ trương thiên biến vạn hóa trong trời đất đều do sự tương khắc, tương thừa của Âm Dương sinh ra. Mà Âm Dương tức là khí chất, tức là tinh thần, vật chất. Những sự biến hóa của vũ trụ có định luật, có tiết tấu hẳn hoi, vãng lai, phản phúc tuần hoàn rồi cuối cùng lại trở về Nguyên Bản.

Nếu muôn loài đều theo định luật tuần hoàn ấy, nếu nhân quần đều theo định luật tuần hoàn ấy, thì mỗi một người cũng phải theo định luật ấy. Như vậy, học Dịch cốt là tìm cho ra căn cốt siêu nhiên của mình, tìm cho ra Thái Cực, cho ra Tuyệt Đối ngay trong đời mình, vì một đời cũng như vạn đời, một ngày cũng như vạn cổ. Leibniz định nghĩa giản dị là bất khả phân

Như vậy thì trong khắp vũ trụ chỉ có Tuyệt đối là bất khả phân, cũng như trong Dịch chỉ có Thái Cực là bất khả phân. Cho nên khi nói Dịch là giản dị, tức là cổ nhân đã ngụ ý dạy ta phải tìm cho được Tuyệt Đối, được Thái Cực dưới mọi hình thức biến thiên, dưới mọi lớp lang Hào, Quải.

Người Hi Lạp cho rằng sự giản dị là Ấn tín của Chân Lý. Đối với các bậc danh nhân như Descartes, Leibniz, Poincaré hay Einstein, sự giản dị cũng là hướng đạo đưa tới Chân Lý.

Ngụy Bá Dương viết trong Tham Đồng Khế:

Đạo yếu huyền vi,
Thiên cơ thâm viễn.
Đạt giả duy giản duy dị,
Nhi mê giả dũ phiền, dũ nan dã

Dịch:

Tinh hoa Đạo thể huyền vi,
Thiên cơ thâm viễn, khó suy, khó lường,
Biết ra giản dị, dễ dàng,
Mê thời đã khó, lại càng khó thêm.

Trương Hoành Cừ khi luận về khí Thái hòa sinh Vạn Vật đã cho rằng: mới đầu thì cơ vi dị giản, nhưng càng về sau càng quảng đại kiên cố

Cao Trung Hiến bình rằng: Gọi là cơ vi, dị giản vì lúc đầu chỉ có một khí lưu hành, lặng lẽ vần xoay. Gọi là quảng đại kiên cố tức là đề cập tới khi đã thịnh đạt, sung mãn, mỗi ngày một đổi mới. Một khí ấy (Thái Hòa) vừa giao động thì ban đầu chưa có hình tích, nhưng Vạn Vật hóa sinh mà chẳng thấy khó khăn. Đó là sự dễ dàng đề cập ở quẻ Càn.

Đến khi muôn vật hiển lộ, bao la khoáng đại, có hình tích thấy được, xem được, nhưng muôn vật vẫn thư thái, chẳng cảm thấy mệt mỏi. Đó là sự dễ dàng đề cập ở quẻ Khôn . Càn sinh vật cách giản dị, Khôn thành vật một cách giản dị.

Nguyễn Ấn Trường bình về sự giản dị của Dịch lý, cũng như của trời đất như sau:

*Thiên hạ vạn cửa, chung qui chỉ có Đóng với Mở;
* Thiên hạ Vạn Lý, chung qui chỉ có Chính với Tà;
*Thiên hạ Vạn Thể, chung qui có Động với Tĩnh;
*Thiên hạ Vạn Số, chung qui có Chẵn với Lẻ;
*Thiên hạ Vạn Tượng, chung qui có Đực với Cái;
*Thiên hạ Vạn Chất, chung qui có Cứng với Mềm.

Cho nên đạo của Dịch có gì đâu, chẳng qua một Âm, một Dương thôi vậy.Vậy lĩnh hội ý Dịch, nếu muốn giản dị ta sẽ chọn:

- Thái Cực giữa muôn nghìn ảnh tượng.
- Chọn số Một giữa muôn ngàn số.
- Chọn Tâm điểm giữa Hào Quải trên vòng Dịch. Cũng vì vậy mà Trang tử nói: Đắc Nhất vạn sự tất; mà đạo gia gọi là Thủ Trung, Bão Nhất.

Thế tức là lấy Một Tượng quán thâu vô số Tượng, lấy Một Số quán thâu vô số Số, lấy Một Đạo quán thâu vô số Đạo, lấy Một Tâm quán thâu vô số Tâm.

Nếu muốn giản dị hơn nữa: Ta sẽ chọn:

- Vô Tượng
- Vô Vị
- Vô Số, Vô Chất
- Vô Thanh, Vô Xú

Như vậy chẳng phải là giản dị đến tuyệt mức sao? 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét