Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

Đâu rồi, chuyện tử tế?



TT - Cuộc sống thường nhật đẩy nhiều người vào tình huống dở khóc dở mếu. Câu hỏi “Đâu rồi, chuyện tử tế?” bỗng bật ra bởi ngày càng thấy nhiều chuyện chưa tử tế trong cuộc sống... Thậm chí có người còn cảm thấy băn khoăn với suy nghĩ tử tế chỉ có thiệt thòi, có người thì xem những chuyện không tử tế chẳng liên quan gì đến mình, chuyện thiếu tử tế lại nhiều hơn...


Dòng người chen lấn vào xem live show ca sĩ Đan Trường tại
nhà thi đấu Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM tối 1-11 - Ảnh: Quang Định

Tử tế chỉ là “trào lưu”?

Tháng 4-2009, một cô sinh viên người Hàn Quốc đã viết thư cho Tuổi Trẻ thể hiện sự “không hiểu nổi” về việc chẳng thấy những người đến căngtin của Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) khi đó chịu xếp hàng. Ngay lập tức diễn đàn về văn hóa xếp hàng được mở ra, nhiều người thấy chuyện kỳ cục đó và đã có một vài nơi người ta biết xếp hàng.

Nhưng hơn bốn năm sau, việc xếp hàng đang khiến nhiều người nghĩ rằng đó chỉ là trào lưu, qua từng đợt rồi đâu lại vào đó. Đến những nơi công cộng hiện nay, nỗi sợ hãi vô hình của nhiều người vẫn là cảnh chen lấn, giành chỗ.

Một nhà báo sống tại Pháp có thẻ VIP khi đi máy bay kể lại cảnh “ấn tượng” tại một số sân bay ở VN: “Mặc dù được ưu tiên không phải xếp hàng làm thủ tục nhưng cảnh chen lấn thiếu ý thức từ những vị khách VIP cũng luôn xảy ra. Có lần tôi làm thủ tục ở quầy, chỉ có vài khách đang đợi đến lượt. Vậy mà một ông từ đâu xộc tới chen vào trước chỗ tôi đứng với vẻ mặt tỉnh queo. Cô nhân viên phải nhắc nhở anh ta mới chịu lùi xuống xếp hàng. Nhưng thái độ thì không có gì là mắc cỡ. Có vẻ như đó là thói quen của vị khách VIP này.”

Anh Lê Mỹ (TP.HCM) chia sẻ trên Facebook về việc bị chen lấn khi làm thủ tục ở sân bay Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) mới đây, trong khi anh đang ôm con nhỏ cũng bị một phụ nữ chen ngang. Lời chia sẻ của anh nhận được rất nhiều bình luận thông cảm của bạn bè với nội dung chung: chuyện thường thấy thôi!?

Ở những nơi công cộng như các trung tâm mua sắm, công viên hay bãi giữ xe là nơi tập trung bức xúc của nhiều người.

Chị Phương Hạnh (Q.8, TP.HCM) kể: “Gửi xe trong các bãi xe tôi thường bực với khá nhiều chuyện. Ví dụ như hộc xe gần tay lái của tôi thường xuyên thành... giỏ rác của nhiều người. Hôm thì vỏ chai nước, hôm thì bịch nilông, khẩu trang y tế của ai đó giắt vào. Tai quái hơn, có một số người còn nhét cả bịch đồ ăn thừa vào hộc xe, nhiều lần dầu mỡ, đồ ăn văng nhoe nhoét ra xe tôi. Chưa kể những việc nghiêm trọng hơn như bị rút trộm bugi xe, nạn trộm cắp mũ bảo hiểm...”.

Đến bệnh viện là nơi để mọi người trị bệnh, nhưng tại đây lại thường xuyên diễn ra những việc khiến người đi trị bệnh chỉ muốn “bệnh nặng thêm”.

Bạn Huy Anh (Q.10, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi bực nhất là những người thường hút thuốc trong bệnh viện, họ hút ngay cả lúc đang xếp hàng, hút ở nơi có bệnh nhân, bệnh nhi và khắp các hành lang. Khi bị bảo vệ “truy quét”, họ lén chui vô gầm cầu thang các khu điều trị, thậm chí chui vào nhà vệ sinh để hút thuốc, chỉ để giải quyết nhu cầu của mình”.

Một nữ tiếp viên hàng không sống tại TP.HCM bộc bạch: “Nếu ai đang làm trong các hãng hàng không giá rẻ mới thấu nỗi khổ của những thành viên trong đoàn bay. Chuyện vi phạm quy định bay phải thường xuyên nhắc nhở như nhắc... trẻ con với một số vị khách rất phổ biến. Có nhiều người còn bình phẩm oang oang về tiếp viên trong chuyến bay ngay trước mặt chúng tôi một cách khiếm nhã, khi nhắc nhở thì họ cho rằng bị làm khó dễ”.

“Vài lần đi ăn tiệc buffet có lẫn khách ta, khách Tây, tôi luôn phải nghe những câu chuyện đáng buồn về thói quen “tham bát bỏ mâm” của “phe mình”. Tôi chứng kiến cảnh người Việt chen lấn lấy đồ ăn, trong khi cả đoàn người đang vui vẻ xếp hàng. Bữa tiệc bị chùng xuống vì một người “không hiểu nghĩ gì trong đầu” mà nhảy bổ vào cắt ngang chúng tôi một cách tỉnh bơ. Chưa kể suốt bữa tiệc, nhân viên phục vụ cứ thấy người mình ở đâu là để tấm bảng “vui lòng lấy đồ ăn vừa đủ” ngay trước mặt họ mà cuối cùng đồ ăn dư vẫn đầy bàn”, một Việt kiều giấu tên tâm sự.

Làm người tốt không dễ?

Là một tài xế lâu năm, thường xuyên chứng kiến các tai nạn xảy ra trên đường, nhưng có dừng lại cứu người hay không thì anh T.T.Sinh (Đắk Lắk) phải cân nhắc. Anh chia sẻ:“Không chỉ bản thân tôi mà nhiều đồng nghiệp khác rất lo ngại, chỉ nhìn chứ không dám giúp”.

Anh Sinh kể đoạn đường km20 quốc lộ 26 thường rất vắng vẻ, khó đi vào ban đêm. Có một lần tầm 9-10g tối, một đám đông tụ tập phía trước gây kẹt xe, sau một lúc lách qua mới biết do có tai nạn, đa số người là thanh niên nhưng ai cũng chỉ đứng nhìn bàn tán mặc cho nạn nhân nằm sõng soài trên đường.

Tôi bật đèn pha bước ra đường la lớn: “Xe tui cứu người, xe tui cứu người” là đã đề phòng chuyện có thể gây hiểu lầm tôi gây tai nạn. Đưa nạn nhân lên xe, hỏi từng người xung quanh để tìm người nhà của nạn nhân nhưng người nhà chưa đến thì một nhóm thanh niên trên 4-5 xe máy đến bủa vây. Những người dân lúc này mới nói giúp là xe tôi cứu người, nếu không thì...

“Biết tính mạng con người cần được cấp cứu trong gang tấc, xét về đạo lý lẫn luật pháp đều đúng nhưng thực tế thì không phải ai cũng có thể làm điều đúng đó”, anh Sinh nói đầy tâm trạng.
Anh Đức Hạnh (Q.7, TP.HCM) kể về câu chuyện tận mắt chứng kiến một bà cụ bị một nam thanh niên đi xe máy va quẹt rồi chạy mất. Một cô gái dừng xe lại đỡ bà cụ ngồi dậy nhưng không ngờ bà túm lấy cô và hô hoán lên là cô này tông bà gãy chân. Con cháu trong nhà bà cụ túa ra khoảng 5-6 người vây lấy cô gái đòi bồi thường, chửi rủa liên hồi. Vài người chứng kiến đã đứng ra làm chứng là cô gái chỉ giúp bà này thôi, nhưng bà vẫn nắm lấy tay cô gái: “Con này con này tông tao té...”.

Trong khi đó Quỳnh Chi, sinh viên năm 2, vừa bước vào đất Sài Gòn không lâu đã cảm thấy “mọi người thật độc ác”. Cô kể một lần gặp người đàn ông trung niên chở thức ăn thừa đầy hai thùng bên hông xe máy bỗng dưng bị té ra giữa đường, thức ăn thừa đổ ra hôi thối cả một đoạn. Cô dừng xe bên vỉa hè để giúp người đàn ông kia trong 5-7 phút. Khi mọi việc xong xuôi, nhìn lại thì thấy chiếc xe đạp đã “không cánh mà bay”. Đám đông trước đó thấy người đàn ông bị nạn chỉ biết nhìn, giờ cũng vô cảm lắc đầu không biết ai đã lấy chiếc xe rồi lẳng lặng bỏ đi, ai lo công việc của người đó, mặc cho cô khóc lóc hỏi han.

“Trên đoạn đường quay lại trường tôi đã thắc mắc rất nhiều, rằng không hiểu tại sao người ta lại đối xử với nhau như vậy. Chắc chắn họ thấy và biết ai đã lấy chiếc xe nhưng chỉ đứng nhìn cô gái lem luốc khóc lóc trên đống thức ăn cho heo. Sau lần đó tôi bị khủng hoảng niềm tin ghê gớm” - Quỳnh Chi nói.

“...Lo chuyện nhà mày đi, đừng lo chuyện bao đồng”

Đó là “gạch đá” của một bạn trẻ “tống” vào Facebook của Nguyễn Văn Thắng (Dalat Traveler), sau khi anh đăng status và phát biểu trên báo chí phê phán vụ chụp ảnh thiếu ý thức, gây thiệt hại tại vườn hoa cải của nông dân vùng rau Đơn Dương (Lâm Đồng) (xem “Câu like”, đúng - sai mặc kệ!? ngày 2-12).

Xem ra câu chuyện giẫm nát vườn cải không dừng lại ở chuyện ý thức kém cỏi của một bộ phận giới trẻ tưởng chỉ vì ham vui, a dua để chụp hình khoe sự “sành điệu” với cộng đồng người sử dụng Facebook.

Điều lo ngại là để bảo vệ “cùng hội cùng thuyền”, nhiều bạn trẻ sẵn sàng cho mình quyền “ném” đi những câu nói nhục mạ người khác, bất chấp tất cả.

“... Bố thằng bệnh, mày nên ở nhà lo chuyện nhà mày đi, lo chuyện bao đồng. Người ta có phá hoại của nhà mày không mà mày sủa...” (trích tin nhắn trong hộp thư mà người này đã gửi Dalat Traveler). Họ, những người bị phê phán vì hành vi thiếu ý thức, thậm chí còn thể hiện thái độ bất chấp bằng cách viết trạng thái kèm hình ảnh minh họa để thách thức những người góp ý cho mình rằng “vườn nhà người ta người ta thích dắt bò vào chụp hình đó thì đã sao”!?

Rồi hàng loạt chuyện buồn nữa đang phổ biến trên mạng xã hội là thái độ lãnh đạm, thờ ơ khi xuất hiện không ít ý kiến cho rằng chuyện “chẳng có gì to tát, thấy đẹp người ta vào chụp hình chứ làm gì mà chủ vườn phải đuổi hay rào đến như thế”, hay “nếu nông dân sợ thiệt hại thì sao không bán vé thu tiền cho người ta vào chụp hình, thu nhập không khéo còn hơn đi trồng cải ấy chứ”... Một số khác lại vô cảm theo kiểu chặc lưỡi: “Ừ, biết là thiếu ý thức, văn hóa đang xuống cấp... nhưng thôi cũng kệ, không đụng đến mình...”.

Câu chuyện về ý thức và văn hóa hiện nay còn được biểu hiện theo một hướng đáng lo khác, đó là văn hóa “hên xui” mà không xuất phát từ chính ý thức bản thân, kiểu như: “Hên tụi mình không bị chụp hình đưa lên báo. Mấy con (ý nói những người xuất hiện trên hình trong bài báo) này xui thôi. Tụi nó là sinh viên năm cuối khoa du lịch Đại học Đà Lạt đó” - câu chuyện ghi lại được từ trao đổi của một nhóm sinh viên Đà Lạt sau khi đọc bài báo tại quán cà phê ở Đà Lạt.

Trong khi đó để bảo vệ vườn cải nhà mình, anh Tân buộc phải đào một đường mương xung quanh vườn, và đưa hai chú chó ra vườn làm “nhiệm vụ bất đắc dĩ”.

NGUYỄN NGHĨA
LÊ VÂN - DIỆU NGUYỄN

http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20141204/dau-roi-chuyen-tu-te/679944.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét