Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

Từ “Động Hoa Vàng” Tới Những Trang “Kinh Ngọc”



Hạnh Chi


 

“Mùa Xuân bỏ vào suối chơi
Nghe chim hát núi gọi trời xuống hoa
Múc bình nước mát về qua
Ghé thôn mai nọ, hỏi trà mạn xưa ”

Chỉ bốn câu thơ mà đã hiện lên đôi nét chấm phá về “Gã từ quan” Phạm Thiên Thư.

Là người Việt Nam yêu thơ, yêu nhạc, ít có ai chưa từng một lần được nghe những giòng nhạc mượt mà, phổ từ suối thơ lục bát Phạm Thiên Thư qua tập thơ “Động Hoa Vàng”

Phạm Thiên Thư tự họa:

Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say

Mà nào gã có ngủ say! Chỉ là những giấc mộng tuyệt vời, qua cả tiếng cười lẫn lệ chảy.

Từ nhiều thập niên, Động Hoa Vàng cũng được nâng niu trong cặp sách học trò, được kín đáo tỏ bày trong thư tình gửi vội, được chắp cánh lên cao trong âm thanh lồng lộng không gian, được nức nở đợi chờ, được hân hoan hạnh phúc … vì ai bước vào Động Hoa Vàng cũng có thể thấp thoáng thấy bóng mình đâu đó, để gửi cho nhau, để hát với nhau, dù là phút chia tay hay hội ngộ.

 

“Chim từ bỏ động hoa thưa
Người từ tóc biếc, đôi bờ hạ đông
Lên non kiếm hạt tơ đồng
Đập ra chợt thấy đôi dòng hạc bay”

Động Hoa Vàng ở đâu? Có lẽ khách thơ chẳng cần biết, khi rung cảm tự thẳm sâu đã nghe và thấy được cả:Từ trong thơ, đã có nhạc. Và từ trong thơ nhạc, đã hóa hiện thành tranh, bức tranh thủy mạc linh động như vạn hữu đang dập dìu tình tự. Thể thơ lục bát dân tộc đấy, tìm chi tận thơ Đường thơ Mật mới vẽ được Hoàng Hạc Lâu “Tình xuyên lịch lịch Hán Dương Thụ. Phương thảo thê thê Anh Vũ Châu!”

Động Hoa Vàng ở đâu? Có lẽ khách thơ chẳng cần biết, khi rung cảm tự thẳm sâu đã nghe và thấy được cả:



Tiếng chim trong cõi vô cùng
Nở ra bát ngát trên rừng quế hương

Lạ!

Mỗi câu thơ là mỗi mênh mông của sát na giác ngộ. Ngộ cái thấy và cả cái không thấy. Người đó, tưởng như bình dị trần thân trong tầm tay với, mà sao thoáng chốc bỗng vượt chín tầng mây khiến mộng chợt tỉnh, mà đâu là thực:

Thư em ướp nụ lan vàng
Lời em gió núi chiên đàn thoảng xa
Áo em phất cõi Di Đà
Ngón chân em nở đóa hoa Đại Từ

Cứ thế, mộng và thực đan nhau. Gã từ quan không ngủ say mà khách thơ theo chân gã, lại bồi hồi lần bước tới vô-môn-quan. Vì cửa-không-cánh-cửa nên người vào chẳng mở mà người ra cũng chẳng đóng. Vào hay ra đều tự tại đến, đi mới thấy ta và vạn hữu không hai:

Mùa xuân mặc lá trên ngàn
Mùa thu mặc chú bướm vàng tương tư
Động Nam Hoa có thiền sư
Đổi kinh lấy rượu tâm hư uống tràn!

A ha! Đạt tới thế thì đâu chẳng là Động Hoa Vàng của gã từ quan, và nhẹ nhàng từ luôn cả những trược phiền ràng buộc:

Thì thôi, tóc ấy phù vân
Thì thôi, lệ ấy còn ngần dáng sương
Thì thôi, mù phố xe đường
Thôi thì thôi nhé! Đoạn trường thế thôi!

Và khách thơ không băn khoăn gì khi thấy người ấy vẫy tay:

Trần gian chào cõi mộng này
Sông Ngân tìm một bến ngoài hóa duyên.

Quả thật, người đã hóa duyên.

Thi sỹ Phạm Thiên Thư đã hóa duyên thành Thầy Tuệ Không. Người đã xuất gia năm 1964 và hoàn tục năm 1973. Những dấu mốc thời gian đó như chẳng làm nên khác biệt gì trong thâm tâm của một người đã:

Thâu hương hiện kính bồ đề
Phấn son chìm lắng hạt mê luân hồi.

Thầy Tuệ Không Phạm Thiên Thư “đã có sáng kiến và can đảm thi hóa kinh Kim Cang để cúng dường Chánh Pháp” như lời của cố Hòa Thượng Thích Minh Châu đã giới thiệu cuốn Kinh Ngọc khi Ngài đang là viện trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh. Ngài viết rằng: “Tôi nói sáng kiến vì rất ít có Phật tử, nếu không phải là chưa có, đã dùng thể thơ mà diễn đạt nghĩa chân không diệu hữu của Đại Thừa. Tôi nói can đảm, vì chỉ có tuổi trẻ mới can đảm làm những chuyện phi thường, và thật là phi thường khi cả gan thi-hóa bản kinh “Ưng vô sở trú nhi sanh kỳ tâm”.

Trước khi khai kinh, thơ đã quỳ xuống, cực kỳ trang trọng:

Nguyện cúng dường kinh tạng thơ hoa
Trải tam thế mộng một tòa sắc hương
Kiếp sau làm chim trong sương
Về bay hóa độ mười phương trời vàng


Đây cũng là lời nguyện của Chư Bồ Tát, quay lại Ta Bà độ chúng sanh. Từ đây, thơ không còn lục bát nữa, mà là nhịp mõ của thanh âm tiếng kệ diệu kỳ.
Cúng dường và phát nguyện rồi, thơ vẫn quỳ trước Tôn Kinh để:

Ngợi kinh:

Thân như sương đầu cỏ
Tụ mười cõi trăng sao
Nhập dòng thơ thâm diệu
Mộng thức dưới hoa đào.

Dâng kinh:

Cánh lan ngọc cong cong
Mười viền trăng thu khuyết
Hoa khép tay trầm hương
Quy-y tôn kính Phật.

Mở kinh:

Giấy cỏ hoa mây trắng
Chép đôi dòng kinh thơ
Suối nào vi diệu dụng
Trang nghiêm cõi Phật thừa.

Từ đây, cánh cửa Kim Cang đã mở rộng. Chuông đã điểm. Mõ đã ngân. Người thơ chắp tay mà thi-hóa từng trang kinh để mỗi lời Phật dạy là một đóa sen thơm:

Con chim thu cõi tịnh
Cũng về hội ta-bà
Trùng trùng mây mây biếc
Hoa trải cúng dường hoa

Trong khu vườn mai trắng
Sương đọng mấy tầng hoa
Sao tụ nước Xá Vệ
Hương ngát mười cõi xa

Trên trụ đá mây đỏ
Trải chiếu cõi Lưu-Ly
Phật kết kim cương tọa
Chim tụng pháp diệu kỳ

Hai ngàn năm trăm vị
Tỳ-kheo rực pháp y
Dưới thềm đá mây nổi
Dưới thềm hoa uy nghi

Địa danh và cảnh trí nơi Đức Thế Tôn sắp giảng Kinh Kim Cang Đại Thừa được thi-hóa như thế. Thơ đã thoát tục, bước lên pháp tòa:

Giữa đại chúng tịch mịch
Hiền giả Tu Bồ Đề
Đứng dậy chắp tay ngọc
Hoa trắng trải hoàng y

Đối tượng để Đức Thế Tôn giảng kinh Kim Cang là ngài Tu Bồ Đề, như đối tượng trong kinh A Di Đà là ngài Xá Lợi Phất. Chỉ khác, trong kinh Kim Cang, ngài Tu Bồ Đề thỉnh hỏi và Đức Thế Tôn giải đáp, còn trong kinh A Di Đà là dạng vô vấn tự thuyết, nghĩa là không ai hỏi, nhưng Đức Thế Tôn đã từ bi, chọn ngài Xá Lợi Phất để giảng giải về cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà do chúng sanh được lợi lạc.

Trang kinh Kim Cang đã mở.

Và từng bước thong dong, thơ rải hoa trên mỗi câu hỏi, đáp, làm kinh ngạc những ai lần đầu có tập thi-hóa này trên tay. Với thể thơ năm chữ, Kim-Cang-kinh bước vào hồn người như những đóa quỳnh hương nở nhẹ trong đêm, qua từng lời Phật dạy:



Chúng sinh như sương tụ
Chúng sinh như mây tan
Mười cõi bóng mây nổi
Nhập Vô-Dư Niết-Bàn
Vô lượng, vô biên độ
Mà không một chúng sinh
Đồng cùng như tánh trí
Từ biển lặng vô minh

Khi Phật chỉ bày về pháp bố thí, thơ ngân nga như vầy:


Thực hành pháp bố thí
Vô ngã, vô sở trụ
Vô ngại cõi phù vân
Như mười phương sao biếc
Mười phương cõi hư không
Bố thí vô tướng trụ
Công đức chẳng suy lường

Tinh thần Kim-Cang-kinh cô đọng trong lời dạy:

Không pháp nào vô thượng
Phương tiện, phương tiện thôi!
Ngài chưa thuyết một pháp
Vì tánh chẳng y lời.
Đạt ý, như thực ý
Lìa lời, như thực lời
Đạt trí, như thực trí
Ý, lời, ngọn sóng khơi

Khi xưa, thi hào Nguyễn Du từng than thở là tụng Kim Cang ngàn lần vẫn chưa nắm bắt được ý kinh, dù ngay lời kinh, Phật đã dạy:

Người chấp Như-Lai pháp
Là không hiểu nghĩa mầu
Nghe pháp không chấp pháp
Cầu pháp không người cầu
Tôi hằng phương tiện thuyết
Mê ngộ có xa đâu!
Vô lượng kiếp kiếp sau
Người khởi tâm thanh tịnh
Biết cầu pháp nơi đâu?
Tìm mộng trong giấc mộng
Người mê, chẳng thấy mê
Xưa nay không ngã, pháp
Tìm đâu lối bồ-đề!

Trái tim của Kim-Cang-kinh là bốn câu kệ mà hành giả thường nương tựa kinh ngày đều khắc cốt ghi tâm:

Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán.

đã được nhà thơ thi-hóa như sau:

Trùng trùng pháp hữu vi
Như huyễn mộng bọt nước
Như bóng chớp sương mai
Thường quán tưởng như thị



Từ Động Hoa Vàng:


Sư lên chót đỉnh rừng thiền
Trong tim chợt thắp một viền tà dương
Ngón tay nở nụ đào hương
Cầm nghiêng Tịnh-Độ một phương diệu vời

Tới Kinh Ngọc:



Bồ Tát khởi sinh tâm
Thanh tịnh như hư không
Vô nguyện, vô sở trụ
Viên mãn một tâm đồng
Như mưa khắp phương cõi
Riêng gì chốn tây đông.

quả là tâm người chẳng lay động mới tạo nên gạch nối kỳ diệu, hiển lộ Bát Nhã Ba La Mật giữa mộng và thực, giữa tục và tăng, phá vỡ hàng rào chấp ngã từng cản bước bao người tìm vào biển tuệ. Nên qua Kim Cang, Đức Thế Tôn nghiêm túc mà dạy rằng:

Ba mươi hai tướng ngọc
Chẳng quán được Như Lai
Dùng sắc không thấy Phật
Pháp thân nào trong ngoài
Dùng thân vàng thấy Phật
Dùng khánh ngọc cầu t
Người đó lạc tà đạo
Đũa ngọc gắp sao tà.


Và thầy Tuệ Không Phạm Thiên Thư đã thi-hóa đoạn cuối kinh Kim Cang, thật trung thực như mỗi lần Đức Phật dứt lời thuyết giảng:

Phật nói kinh này rồi
Hoa cúng dường phơi phới
Chim tụng vi diệu âm
Mây về mười cõi giới
Trưởng lão Tu Bồ Đề
Tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni
Ưu Bà Tắc, Bà-Di
Khắp cõi quỷ, trời, người
Hoan hỷ bừng pháp hội.


Khép kinh:

Chẳng nương bè trúc ngọc
Vượt qua suối mây hồng
Con chim vô lượng kiếp
Về tha trái nhãn không







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét