Đầu tiên, câu hỏi của tôi là: Bạn muốn suy nghĩ bằng cái đầu của bạn, hay là cái đầu của người khác? Và nếu suy nghĩ bằng cái đầu của người khác, thì cái đầu của bạn được dùng để làm gì?
Thực ra bài viết cũng chẳng bàn đến điều gì sâu xa lắm, mà đơn giản chỉ là: nghĩ khác. Nghĩ khác thường, đi khác hướng. Người viết chưa đủ trình độ bàn đến cụm từ “Think Different” nổi tiếng gắn liền với Steve Jobs, chỉ là muốn mượn đôi từ tiếng Anh để minh họa cho điều sắp trình bày thôi.
Và đây cũng là những ý kiến cá nhân. trong bài cũng sẽ không có dẫn chứng nào từ các cuốn sách bán chạy hiện nay cả. (Mặc dù có rất nhiều: Dám Khác Biệt, Tư Duy Đột Phá, Khác Biệt Hay Là Chết….) Đọc ít thì không dám trích nhiều, sợ sai.
Trong kinh doanh
Ví dụ kinh doanh đồ công nghệ. Những người nghĩ tủn mủn chỉ chăm chú đua nhau làm thế nào để giảm giá thành, giảm chi phí sản xuất, đại loại là đua nhau những cái trước mắt để tạo khác biệt về giá cả, giành nhau thị trường. Những người nghĩ khác, như Steve Jobs, đã đem lại cả một trải nghiệm mới mẻ hoàn toàn cho khách hàng. Nó mới mẻ đến mức định nghĩa lại về sản phẩm công nghệ trước đây, gần như là định nghĩa lại nó vậy.
Ở một nơi khác, đâu như cái tấm hình trên kia. Tôi mường tượng ra câu chuyện này: người ta chen nhau đi thang máy, thì anh đi bộ. Anh nghĩ: “Sao người ta lại chen chúc nhau đi thang máy nhỉ? Thoải mái gì đâu?” Người ta chen nhau và nghĩ: “Thằng đần kia sao lại thích đi bộ nhở? Đi thang máy có phải tiện hơn không?” Họ có một ý niệm gắn chặt trong đầu rằng: Đi thang máy thì nhanh và tiện hơn đi bộ. Luôn là thế. Hơn nữa, họ còn chia sẻ với nhau về điều đó. Những người đi thang máy khác lại nghĩ: “Ừ đúng! Sao thằng kia lại đi bộ nhỉ? Ngu quá!” Thế là họ xì xào, dè bỉu anh chàng kia. Được cái xì xào gièm pha người khác như vậy cũng làm cho họ tạm quên đi cái tình cảnh khốn khổ mà họ đang tự nguyện chui đầu vào.
Trong suy nghĩ
Đại đa số người đều nghĩ theo một lối, và thiểu số còn lại nghĩ theo lối khác. Chính vì chiếm đa số, nên suy nghĩ của họ được gọi là “thông thường, phổ thông, quy chuẩn”, còn những suy nghĩ thiểu số kia, hoặc được gọi là “mới mẻ, độc đáo, khác lạ” – nếu nó không đả kích số đông, và ngược lại, sẽ là “khùng điên, dở hơi, lạc loài”. Chính vì thế mà tâm lý đám đông được hình thành. Lý giải cho điều này, tôi cho rằng, đó là vì con người có tâm lý sợ cô đơn. Và cả sợ ý kiến trái chiều nữa.
Có lẽ hầu hết mọi người đều có 2 nỗi sợ ấy, chỉ khác nhau là cách mà mỗi người đối diện với nó. Ở đây tôi tạm chia ra 2 kiểu người: người-dám-nghĩ-khác và người-không-dám-nghĩ-khác. Người-dám-nghĩ-khác thì cần người, chỉ một thôi cũng được – ỦNG HỘ mình, để họ có thêm sức mạnh và tự tin theo đuổi lý tưởng của mình. Phương pháp của họ là “nghĩ là nói những gì họ đang theo đuổi, mặc cho thành kiến hay dư luận đả kích”. Người-không-dám-nghĩ-khác thì tham lam hơn. Họ cần thật nhiều người, không hẳn gọi là ủng hộ – mà là có cùng suy nghĩ với mình, để tạo áp lực, để thành lập “sự biểu quyết lấy số đông”. Đương nhiên, ít người thì làm sao tạo ra đa số được. Và phương pháp của kiểu người này là “nói những gì nhiều người muốn nghe” (chưa cần biết nó đúng hay sai).
Biểu quyết lấy ý kiến số đông
Tôi đưa cả cái này vào trong bài viết vì nhận thấy nó có liên quan đến chủ đề. Bản thân tôi nghĩ, biểu quyết lấy ý kiến số đông chả mang lại ý nghĩa gì, ngoài việc gạt bỏ đi một LƯỢNG KHÁ LỚN CÁC Ý KIẾN TRÁI CHIỀU KHÁC NHAU KHÔNG ĐƯỢC ỦNG HỘ. Đó là trong điều kiện tất cả mọi người đều chưa biết ý kiến nào đúng, ý kiến nào sai. Mục đích và cách thức của việc làm này, hay là cả bản thân nó nữa, là vớ vẩn. Người ta có xu hướng chọn một ý kiến với cái đúng-cái sai chung (ý kiến nhiều người mà), mà bỏ qua hàng bao nhiêu các ý kiến khác (với cái đúng-cái sai khác). Đó là một sự phủ định mù quáng, hậu quả rất đáng trách của tâm lý bầy đàn.
Quả ngọt – quả đắng
Trước hết là dành cho những người-có-suy-nghĩ-khác-biệt. Quả đắng, đối với họ cũng không quá đắng. Họ nếm quen rồi, thứ đắng nhất mà họ phải nếm là sự bất đồng ý kiến của người khác. Vậy nên, khi họ sai, họ sẽ chỉ bị lãng quên. Nếu họ đúng, thì một trong số họ sẽ được vinh danh (như Steve Jobs, Galilei …), sẽ được nhớ tới, và hai trong số họ sẽ chết trong lý tưởng của mình, trong một căn phòng lạnh lẽo không người thăm hỏi. Đắng đến thế thôi.
Còn với những người-không-dám-nghĩ-khác, mọi chuyện phức tạp hơn một chút
Quả ngọt, là khi ý kiến của anh TRÙNG với ý kiến số đông (TRÙNG, chứ không phải ĐÚNG – đám đông cũng đúng, cũng sai), với tài lèo lái ngôn từ, anh sẽ được làm người đại diện, được tung hô, “được” nhận trách nhiệm dẫn dắt tư tưởng, “được” đứng mũi chịu sào. Quan điểm của anh có sai cũng chả mấy ai dám bắt lỗi anh. Vì sao? Anh sai, nghĩa là phần đông người ta cũng sai. Có mấy ai muốn chặt bỏ cái chân của mình đâu chứ? Anh góp phần làm số đông ủng hộ mình cảm thấy có giá trị hơn, vì họ có quan điểm trùng-với-người-đại-diên (một kiểu ám thị), kiểu “lý tưởng chung” “chí lớn gặp nhau”. Ý kiến của anh đúng, thì không sao, Ý kiến của anh sai, đó là lúc anh có thể được nếm quả đắng.
Quả đắng, là một ngày, anh nhận ra: “Ôi bỏ tía rồi, mình trước giờ sai mất rồi.” Anh không hiểu vì sao trước nay mình lại mù quáng đi theo một lối tư tưởng sai lầm như vậy. Nhưng tôi biết: đơn giản là vì “người ta” nghĩ thế, vì số đông nghĩ thế. Hoặc “ai trong đời chả có phút ngu dại mà lầm lẫn”. Nhưng vấn đề ở đây là bây giờ anh làm gì tiếp? Chả nhẽ giờ lại tách khỏi cộng đồng à?
Tự dưng anh lại nhớ tới chuyện Con dơi và đại chiến Chim-Thú (hay gì đấy đại loại thế). Khi bầy chim thắng loài thú, dơi tự nhận mình là loài chim vì nó bay được. Khi loài thú chiếm ưu thế, dơi lại nhận mình là thú vì nó có răng, có 4 chân, có vú. Cuối cùng cả loài chim lẫn loài thú đều cạch dơi ra. Anh không thể làm con dơi được. Đối mặt với cả một tập thể là điều đần nhất mà người ta làm – anh nghĩ thế. Nhưng theo họ thì anh sai mất rồi! Thế là anh bị kẹt trong cái mâu thuẫn cá nhân (tạm gọi là “xung đột lợi ích”), sự xung đột giữa “số đông” và “số ít”, giữa “đúng” và “sai”. Thật thảm! Anh còn biết nhận ra đúng sai, người ta chẳng cần suy nghĩ thì vui cười khi nằm trong đám đông, ai sung sướng hơn?
Những người như nhân vật ở trên vì đám đông mà còn không dám tranh luận về quan điểm của mình. Họ biết đám đông sai trái, cổ hủ, lạc hậu, ngu ngốc, bầy đàn, nhưng họ không dám tách khỏi đám đông. Chẳng hiểu sao người ta lại tham lam thế: Muốn cả đôi đường. Vừa muốn cái đúng được thực thi, lại vừa muốn không bị đám đông trù dập. Lại còn không muốn mất gì nữa! Họ muốn được thừa nhận là đúng, nhưng lại cũng không muốn rủi ro. Và nghĩ đi nghĩ lại, có lẽ nằm trong nhóm vẫn dễ sống hơn. Trong ấy, anh có quyền góp mồm chửi người khác mà không sợ bị chửi lại, vì nếu có bị chửi, cả đám sẽ nghe cùng anh (tinh thần đồng đội thật cảm động!). Khi bị lên án, cả đám sẽ nghe cùng anh, và ai cũng nghĩ: “Chắc nó chừa mình ra!”
Bạn muốn gì?
Bạn muốn được là chính mình, muốn nuôi lớn thứ bạn sinh ra trong đầu? Chẳng có chỗ nào đón chào bạn cả, ngoài nơi mà bạn sẽ bắt đầu!
Bạn muốn sự an toàn, muốn sống trong tập thể, muốn có bè cánh? Hay tiêu cực hơn, bạn muốn “một cái chết tập thể” để không ai ganh ghét tị nạnh với ai? Bạn muốn chính kiến của mình được ủng hộ (chính kiến của bạn, hay là kết quả của sự biến dạng tư tưởng để chiều lòng số đông?) mà không phải chịu búa rìu dư luận? “Đám đông” là bến đỗ của bạn!
Những người dám nghĩ khác
Những người nghĩ khác, bản thân họ đã có vài ưu điểm: có cá tính riêng biệt, dũng cảm, tự tin, dám thể hiện, dám đối đầu. Với những đức tính đó, họ đã tự biến mình thành những cá thể có giá trị. Bởi họ tạo ra điều mới lạ, điều khác biệt, quan trọng nhất, họ tạo ra các chuẩn mực giá trị mới, làm phong phú các đặc tính của cuộc sống.
Không có họ, ta không có những điểm đến mới, không có những khám phá mới, những trải nghiệm khác biệt. Chẳng bao giờ ta biết các khái niệm “khác biệt” “độc nhất” “cái tôi” “phong cách” nếu họ không xuất hiện. Thế mà công việc mà ta vẫn hay làm, đó là phủ định điều khác biệt, phủ định điều trái ngược. Biết đâu, là vì ganh tỵ? Bởi trong thâm tâm ta, đã bao lần ta ghét người khác chỉ vì họ khác biệt, vì họ nổi trội hơn, trong khi thực sự ta vẫn mong mỏi được như họ?
Kết
Vincent van Gogh, cả đời sống trong nghèo đói và cô độc, chết cũng trong cô độc và nghèo đói. Tranh của ông không bán được lúc ông còn sống. Nhưng thật may, người đời sau lại nhìn ra phong cách và cái tôi của ông.
Pablo Picasso, cũng có thời vẽ tranh mà ế ẩm, chẳng ai thèm ngó, các chủ cửa hàng tranh cũng không thèm mua. Khi tiền gần cạn, ông mới nghĩ ramột kế: dùng vài đồng cuối cùng, nhờ mấy anh sinh viên một việc, là hàng ngày, cứ lượn qua mấy cửa hàng tranh, chỉ cần hỏi: “Ở đây có bán tranh của Picasso không?” Rồi ra về với vẻ tiếc nuối. Vậy là vài hôm sau, tranh của Picasso bán đắt như tôm tươi, và người ta sau này mới biết có một ông họa sĩ Picasso trên đời.
Thiên tài, hầu hết khi chưa được công nhận là thiên tài, họ thường bị coi là thằng khùng, kẻ điên, đồ dấm dớ. Bởi “tội” dám nghĩ điều khác biệt, dám nói sự khác biệt, dám đi ngược dòng đám đông. Bởi vì dám khác đám đông, nên đám đông cố gắng đào thải họ. Thật xót xa thay cho những ai không thể chống lại nổi số đông và mang xuống mồ nỗi uất ức của mình trong quên lãng và cô độc. Nhưng cũng thật may thay, vẫn còn những người xoay chuyển được cả đám đông bằng lý tưởng của mình, để sau này người ta vẫn còn nhớ, vẫn còn nhắc tới như một vĩ nhân.
Lời sau cùng tôi muốn nói, cũng là suy nghĩ của tôi: Hãy cứ suy nghĩ khác, nói khác và làm khác. Dĩ nhiên ta vẫn còn sợ: sợ dư luận, sợ định kiến, sợ đám đông tẩy chay. Hoặc thế này: bạn vẫn có quyền lựa chọn. Chọn làm người khác biệt, và sẵn sàng đón nhận những cái tát. Có thể bạn cứng cáp hơn, hoặc không thể gượng dậy nổi. Hoặc chọn làm người-không-dám-khác-biệt. Đằng nào cũng tốt cả: Khi làm người khác biệt, bạn có quyền phá bỏ mọi giới hạn về tư duy, mọi định kiến xã hội, mọi hệ tư tưởng bạn cho là cản trở sự phát triển ý thức của bạn. Khi làm người-của-số-đông, luôn luôn có một đám cánh hẩu ở bên bạn, sẵn sàng “chia ngọt sẻ bùi” với bạn!
Phạm Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét