Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

Tác dụng ngược của kiểm duyệt thông tin


Lê Quang

Việc kiểm duyệt các thông tin liên quan đến tình dục, bạo lực hoặc chính trị thường được biện minh bởi các nhà cầm quyền “vì muốn tốt cho xã hội”. Tuy nhiên, các nghiên cứu về kiểm duyệt (Ashmore, Ramchandra, & Johns, 1971, Wicklund and Brehm, 1974, Worchel & Armold, 1973, Workchel, 1992) đều cho thấy phản ứng của con người trước các thông tin bị kiểm duyệt là muốn được tiếp cận thông tin đó hơn, hoặc ủng hộ thông tin bị kiểm duyệt hơn so với trước khi nó bị cấm.

Ảnh: kiểm duyệt bảo vệ bạn khỏi điều gì? (nguồn: internet)

Hơn thế nữa, khi một thông tin bị kiểm duyệt người dân không những “thèm muốn” có thông tin đó hơn mà họ còn tin vào thông tin đó hơn, cho dù họ chưa biết thông tin đó. Nghiên cứu của Worchel, Arnold và Baker cho thấy khi sinh viên ở trường North Carolina biết các bài nói chuyện phản đối ý tưởng xây dựng các khu ký túc cho phép cả nam và nữ sinh viên ở chung thì họ trở nên thông cảm với lý lẽ của những người phản đối hơn. Như vậy, những ai có lý lẽ yếu hoặc không được thuyết phục có thể thu được sự ủng hộ cao hơn bằng cách làm cho các bài nói chuyện của họ bị cấm. Nói cách khác, thay vì cố gắng truyền tải thông điệp của mình rộng rãi họ chỉ cần làm thông điệp của mình bị chính thức kiểm duyệt, và sau đó công bố sự kiểm duyệt để nhận được sự ủng hộ rộng rãi hơn.

Việc kiểm duyệt các thông tin liên quan đến tình dục cũng thường có tác dụng ngược. Các nghiên cứu gần đây cho thấy các quốc gia có những cấm đoán về tình dục, bao gồm cả Việt Nam, thì có số người tìm kiếm từ khóa “tình dục” trên internet nhiều nhất. Các quốc gia châu Phi cấm quan hệ tình dục cùng giới thì đứng đầu bảng về việc tìm kiếm phim khiêu dâm đồng tính. Rõ ràng, việc kiểm duyệt chính thức đã thúc đẩy ham muốn có được thông tin về tình dục tăng lên.

Một nghiên cứu bởi Zellinger, Fromkin, Speller và Kohn ở trường đại học Purdue (Hoa Kỳ) với sinh viên đại học cho kết quả khá thú vị. Sinh viên được chia làm hai nhóm. Nhóm một được cho xem mẩu quảng cáo về một cuốn tiểu thuyết kèm dòng chữ “sách chỉ cho người lớn từ 21 tuổi trở lên”. Nhóm hai được xem mẩu quảng cáo tương tự nhưng không có dòng chữ hạn chế độ tuổi. Kết quả cho thấy nhóm một có tỉ lệ muốn đọc sách và có cảm giác thích cuốn sách hơn nhóm hai. Rõ ràng, việc giới hạn tiếp cận đã làm cho sinh viên có cảm giác tích cực về cuốn sách hơn. Điều này làm những người cổ vũ cho việc kiểm duyệt cần phải suy nghĩ, liệu việc cấm có làm tăng khát vọng của học sinh với những chất liệu về tình dục, và họ có thể nghĩ mình thích chủ đề tình dục hơn.

Một nghiên cứu nổi tiếng về tác động của việc khan hiếm thông tin được thực hiện bởi Knishinsky. Thí nghiệm được thực hiện bởi các sinh viên marketing phục vụ ở một cửa hàng bán thịt bò. Sinh viên được chia ngẫu nhiên làm ba nhóm để nói chuyện với khách hàng. Nhóm một sử dụng phần trình bày tiêu chuẩn, sau đó hỏi khách hàng muốn mua bao nhiêu thịt bò. Nhóm hai sử dụng phần trình bày tiêu chuẩn, sau đó cung cấp thêm thông tin là trong vài tháng tới thịt bò sẽ trở nên khan hiếm. Nhóm ba, ngoài bài trình bày tiêu chuẩn, thông tin về khả năng khan hiếm, khách hàng còn được cho biết tin này đến từ một nguồn tin đặc quyền của riêng cửa hàng.

Kết quả thí nghiệm cho thấy, khách hàng ở nhóm hai được tiếp nhận thông tin về sự khan hiếm đã mua nhiều hơn gấp đôi nhóm một. Khách hàng ở nhóm ba khi biết thêm tin có được từ nguồn độc quyền đã mua nhiều gấp sáu lần so với nhóm một, nhóm chỉ tiếp nhận lời chào bán hàng tiêu chuẩn. Chính sự “khan hiếm” thông tin đã tăng độ thuyết phục lên nhiều lần.

Như vậy, việc kiểm duyệt thông tin nhiều khi có tác dụng ngược vì nó tăng sự mong muốn được tiếp cận thông tin, tăng cảm tình với lý lẽ của thông tin bị kiểm duyệt, và đặc biệt tăng độ thuyết phục của nguồn tin khan hiếm. Đây chính là lý do ở những quốc gia có nền báo chí chính thống bị kiểm duyệt, độc giả thường tìm đến những nguồn tin bị cấm và họ thường tin các nguồn tin này hơn. Khi đó, các nguồn tin “chính thống” thường ít có tính thuyết phục, thậm chí bị nghi ngờ mang tính tuyên truyền khiến người đọc không còn quan tâm dẫn đến cả hai mục đích “kiểm duyệt” và “tuyên truyền” đều thất bại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét