Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Câu chuyện giàu nghèo




Đàm Lan






Đây là một câu chuyện không bao giờ có hồi kết, nó kéo dài từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, nói một cách tóm gọn : Nó luôn song hành trong cuộc sống loài người. Còn con người còn cuộc sống là còn chuyện giàu nghèo. Có quá nhiều góc độ để soi chiếu đề tài này. Bởi đó là sự sống còn, là yếu tố mật thiết chi phối kiểm soát điều vận đời sống con người. Hay dở nên hư được mất hệ luỵ thăng trầm tồn vong đều phụ thuộc vào nó. Khi con người luôn phụ thuộc vào các điều kiện phương tiện hỗ trợ, và luôn mang một tham vọng không ngừng về sự cải tiến nâng cấp những phương tiện ấy, thì cái đích cho những nhu cầu là không giới hạn. Không chỉ có nhu cầu nâng cấp vật chất, mà thông qua vật chất, người ta nâng cấp giá trị con người. Và không chỉ giá trị về mặt danh giá vị thế mà còn là quyền lực. Cái thứ quyền lực này có thể thao túng nhiều thứ quyền lực khác. Và người ta có thể đạt nhiều hơn những gì người ta muốn. Chính vì vậy mục đích giàu có hầu như không chừa một ai. Tuy nhiên, trong quá trình chinh phục đỉnh cao của đồng tiền, con người ta đã gặp không biết bao là trắc trở đớn đau, để rồi những cái giả phải trả là không hề nhỏ. Và cuộc sống đã đang và sẽ mãi xảy ra những bi thương thảm khốc từ bao câu chuỵên giàu nghèo. Mặc dù vậy, không ai bảo ai, giàu vẫn luôn là một khát vọng không ngừng nghỉ. Thế giới người vẫn cứ xoay quanh cái khổ của sự nghèo giàu.
Hãy thử xem cái khổ của nghèo.
Đầu tiên, ai cũng thấy và ai cũng biết, nghèo là một sự thiệt thòi, bấp bênh, vất vả, lam lũ, khổ sở, bệnh tật, đói kém. Tất tật những gánh nặng cuộc sống đè lên đôi vai người nghèo là sự túng thiếu. Không có tiền hầu như mọi thứ đều là ngõ cụt. Có thể hình tượng một chút rằng, tất cả những yếu tố trên như một búi bùng nhùng quấn quíu vào nhau mà khó tìm thấy nút gỡ. Nghèo là căn nguyên, nghèo là sự tiên quyết trong mọi cung bậc thăng giáng của cuộc đời đôi khi không chỉ của một người mà cả những người liên quan. Và nghèo trở thành nỗi ám ảnh khi người ta phải đối mặt với bất kỳ một nguy cơ. Điều này rất ảnh hưởng đến tâm lý sống, có một cảm giác thường trực là "Sợ”. Người nghèo sợ rất nhiều chuyện, bởi với bất cứ chuyện lớn nhỏ xảy ra là phải đụng đến tiền. Không có đồng tiền trong tay, không thể nói mạnh trong mọi tình huống, và luôn có xu hướng né tránh những câu chuyện có thể gây thiệt hại cho mình, hoặc thường có sự lựa chọn mang tính thu mình, cam chịu và nhẫn nhục. Chính vì thế mà có cặp từ "nghèo hèn”. Người ta bỗng nhiên nhút nhát, e dè, ngần ngại, thậm chí cả lo sợ khi chạm vào một hình thức sang trọng bề thế. Người nghèo bước chân vào một ngôi nhà sang trọng, cho dù là được mời, cho dù nhà chủ rất vồn vã, nhưng cũng vẫn lúng túng thấp thỏm, ngồi vào chỗ nào cũng thấy không ổn, chạm vào cái gì cũng lo đổ vỡ hư hỏng, cái nhìn thì chẳng khác nào ngồi bên vệ hè mà ngóc cổ, ngơ ngác trầm trồ ao ước khao khát nhưng chạnh lòng tủi thân. Người ta sợ cả những điều mà đáng ra không nên sợ, không phải sợ. Cái sợ ấy ăn vào tâm thức như một quán tính vậy. Chính cái tâm lý ấy mà người nghèo thường có cảm giác có lỗi trong một số trường hợp mà lẽ ra không phải vậy, và tâm thức mặc nhiên chịu sự đè ép, bất công. Có khi biết mình không sai, nhưng tình thế có lợi thuộc về người giàu có sang cả thì cũng chép miệng thôi chịu thiệt cho xong.
Một cái khổ nữa là sự tụ ti mặc cảm. Lúc nào cũng có một cảm giác thường trực là người ta xem thường mình, khinh mình vì mình nghèo. Trên thực tế tất nhiên cũng có những lúc gặp phải những người như thế, những người nông nổi hời hợt luôn đánh giá người khác qua những hình hài vật chất, và cứ nghiễm nhiên cho rằng nghèo là sự thấp kém. Nhưng không phải lúc nào và với ai cũng như thế. Có rất nhiều cảnh huống, lời nói vô tình hay mang một nghĩa khác, nhưng người nghèo với tâm lý mặc cảm sẵn có, luôn hiểu khác đi và tự định nghĩa theo cách nghĩ của mình. Điều này thật là tệ hại, nó khiến cho các mối quan hệ lẽ ra rất tự nhiên rất tốt lành lại thành méo mó khiên cưỡng và ngờ vực. Và cũng vì thế mà một số người nghèo có những hành xử tự vệ một cách thái quá, trở thành gây gỗ, xa lánh thậm chí thù hằn. Để cải thiện được tâm lý này thật khó, khó lắm.
Nghèo cũng có nhiều lý do để nghèo.
Nghèo vì lười biếng.
Có kha khá người không muốn làm việc nhiều, đụng vào đâu cũng thấy khó thấy khổ, làm cái gì cũng nửa chừng nửa đoạn, chỉ thích ăn chơi, ham hưởng thụ, có tư tưởng dở ông dở thằng, trong khi bản thân thì chẳng có lấy một chút tài cán khả năng gì đáng kể, nhưng lại thích ăn trên ngồi chốc, thích ra vẻ ta đây là người giỏi giang sang trọng, thích sai phái chỉ bảo người khác, nhưng nếu bị sai phái chỉ bảo (dù rất chính đáng) là khó chịu, là cảm thấy bị xúc phạm bị coi thường, là nổi tự ái vặt giở giọng ngang chướng. Người kiểu này lúc nhỏ thì bám vào cha mẹ, khi lớn thì bám vào bạn đời, về già thì bám vào con cái, tuy thế nhưng luôn tỏ ra kiêu căng phách lối, hay quát nạt tỏ ra quyền thế, kỳ thực cốt yếu là che giấu sự kém cỏi và tự ti của bản thân. Đa phần trong số này sẽ trở thành kẻ mồm mép điêu ngoa, giỏi mánh khoé lừa lọc, sẵn sàng làm việc xấu chỉ cần đáp ứng nhu cầu vật chất trong chốc lát. Và nếu có rủng rỉnh được ít nào thì cũng chỉ rất ngắn, bởi cái sự rủng rỉnh ấy sẽ phải mau chóng phục vụ cho nhu cầu sĩ diện và cấp tốc hưởng thụ. Cái nghèo này là cái nghèo bám chặt không tha.
Nghèo vì bệnh tật.
Đây là cái nghèo mà có cố gắng mấy cũng không khắc phục được bởi sự hạn chế của sức khoẻ. Sức khoẻ là vàng. Sức khoẻ là cuộc sống. Nên thiếu sức khoẻ là thiếu rất nhiều. Đã bệnh tật đã không có nhiều khả năng cơ hội để làm ra của cải, thì lại phải tốn phí nhiều thời gian và tiền bạc cho việc chữa trị. Nhất là bệnh nan y. Rất nhiều người ban đầu không đến nỗi khó khăn lắm, nhưng rồi một ngày phát hiện ra bệnh thì của trong nhà đội nón đi ra vùn vụt. Nếu là loại bệnh dai dẳng thì tình trạng cũng không khả quan hơn là mấy. Mà con người ta không ai là không có bệnh, vấn đề là bệnh gì và lúc nào mà thôi. Vì vậy nguy cơ nghèo vì bệnh luôn lẩn khuất trong mỗi người.
Nghèo vì số phận.
Đây không phải là cách nói duy tâm hay mặc nhận. Không ít người cũng rất chịu khó bôn ba. Cái gì cũng làm, cũng luôn đem hết công sức mình ra thực hiện nguyện vọng làm giàu. Và cũng không phải là loại bất tài. Nhưng tài và vận nhiều khi không đi đôi với nhau. Thấy người khác làm ngon lành, mình sờ tay vào thì thất bại. Người ta thì tính đâu trúng đó, mình thì tính cũng hay lắm, nhưng cứ không như ý, tưởng như nắm được vào tay rồi lại tuột mất. Hoặc cũng đạt được chút thành quả nhưng lại gặp chuyện không may làm hao hụt đi. Cũng nhiều khi luôn gặp sự cản trở từ những đối địch. Suốt đời lận đận long đong, cái đích giàu có vẫn mãi xa tầm với. Nên "Rằng hay thì thật là hay. Rốt đời thì vẫn lòng tay trắng trời.”

Nghèo vì thiên tai, biến cố
Đây là một chuyện không một người nào đủ tài ba để lường trước được. Đang phông phênh phơi phới, cứ ngỡ cuộc đời phía trước luôn mở rộng lối, cứ ngỡ những gì đang có và sẽ có là chuyện đương nhiên đã nắm trong tay, cứ ngỡ những viên gạch cứ nghiễm nhiên mà chất lên thành những tầng cao. Nhưng rồi bất chợt, một cơn hỏa hoạn, một cơn bão lũ, một ca tai nạn, một chuyện thất bát khủng hoảng trong công chuyện làm ăn… Nói chung là bất kỳ một biến cố nghiêm trọng nào đó ập đến, thế là tan tành cả cơ nghiệp, đang đùng đùng nhà ba tầng lăn ra lều bạt, đang ngời ngợi những sắc màu lộng lẫy thành ra nhem nhuốc lấm lem. Một sự sụp đổ không dễ gì vực lại, một cơn tai biến không dễ gì hồi phục, và thế là con người ta bỗng nhiên…nghèo.

Tâm thế người nghèo tuy có những băn bó lo toan, mỏi mong khao khát, nhưng cái sự hiểm nguy không phải thường xuyên rình rập. Họ có thể tùng tiệm liệu cơm gắp mắm, và đáp ứng được tương đối nhu cầu trong một thời đoạn, đủ để họ cảm thấy yên tâm. Một số tự biết khả năng điều kiện của mình không thể đi quá xa với quá tay, họ có thể tạm an hoà tâm thân. Đành rằng những mộng ước vẫn còn nóng hổi thôi thúc, nhưng dẫu sao thì hãy cứ trầm tĩnh để đi qua thực tại, trầm tĩnh để chuẩn bị cho mình những khả năng và điều kiện, trầm tĩnh để tìm đúng thời cơ phù hợp nhất mà phát triển. Và họ vẫn luôn tìm được những giây phút bằng an và thoải mái với sự trầm tĩnh ấy. Nghèo cũng có những hạnh phúc đáng quý của cái nghèo. Rõ ràng một điều, nghèo mà cẩn mực mà căn bản nhân cách thì không có nhiều nguy cơ cho con người băng hoại đạo đức, đó là nói về những con người những gia đình có tâm thế sống tạm bình ổn và có một nền giáo dục tốt về mặt nhân cách. Mặt khác, cũng có những loại tội phạm phát xuất từ cái nghèo, "đói ăn vụng túng làm liều”, nhưng thành phần liều này cũng không có nhiều điều kiện thuận lợi để gây tác hại lớn cho cộng đồng, họ cùng lắm chỉ trộm cắp, lừa gạt trong phạm vi nhỏ, chỉ cần có tinh thần cảnh giác thì vẫn tránh được. Tuy nhiên, đây là thành phần rất dễ bị lợi dụng lôi kéo cho những mưu đồ bất chính. Họ tự nhiên biến mình thành công cụ cho một số quyền thế, tự nhiên đánh đổi cả nhân cách lương tri thậm chí cả tính mạng chỉ để đem về một chút lợi lộc cho bản thân cho gia đình. Với những người này, quả thật đáng thương hơn đáng trách, họ không đủ điều kiện trình độ khả năng nhận thức việc làm của mình có tác hại thế nào cho chính mình và cho nhiều người, một số thì biết, biết rõ, nhưng cũng liều nhắm mắt đưa chân, cốt cho qua cái thời đoạn khó khăn, nhưng khi sa chân vào vũng lầy rồi thì không thể rút ra được nữa, mà chỉ ngày càng lún sâu.
Người nghèo cũng có những thú vui của người nghèo. Phần lớn những món ăn dân dã là từ những làng quê nghèo, phần lớn những trò chơi điền viên vận động cũng từ những làng quê nghèo, phần lớn những văn thơ nhạc họa cũng lấy cảm hứng từ những làng quê nghèo. Những làn điệu dân ca dân vũ cũng từ những làng quê nghèo. Và người nghèo, phần lớn có những thú vui lành mạnh, những thú vui mang tính cộng đồng. Bên cạnh đó, phần lớn những sáng tạo cũng từ người nghèo, bởi cái khó ló cái khôn. Ngoài ra, nghèo còn là một động lực tích cực và thiết thực. Tất nhiên, nghèo không phải là điều mà người ta muốn chọn lựa. Nó có những cái khổ thực tại đôi khi quẫn cùng, nhưng nó vẫn luôn có một con đường đi lên, chỉ là người ta tìm ra nó bằng cách nào. Nhưng một cuộc sống nghèo vẫn có thể đem lại cho người ta nhiều ý nghĩa. Người ta có cơ hội để thấm đẫm tình đời, để hiểu nhiều hơn những người chung quanh mình, để thấy rõ hơn những diễn cảnh cuộc sống nhiều mặt, và người ta học được rất nhiều kiến thức cũng như kỹ năng từ cuộc sống nghèo. Dẫu sao, thì chẳng ai từ chối cơ hội thoát nghèo, chẳng ai không muốn trở nên giàu có sung sướng nhàn hạ. Nhưng liệu rồi khi giàu có thật sung sướng và nhàn hạ không ?

Và đây là cái khổ của người giàu.

"giàu tham việc” đó là cái khổ đầu tiên. Muốn giàu thì phải làm nhiều, sáng chưa mở mắt đã nghĩ đến việc, tối leo lên giường vẫn còn việc nọ việc kia, việc tay chân việc đầu óc, việc trong nhà việc ngoài xưởng, công việc cứ như cuộc dây thừng bện rịt vào tay, lúc nào cũng hối hối hả hả tất tất tả tả, có ai níu lại thăm hỏi vài câu thì xin lỗi nhé đang bận quá. Có dứt ra đi đâu việc hiếu hỉ thì cũng ba chân bốn gót bởi ở nhà bao công việc đang chờ. Hầu như rất ít giây phút thảnh thơi nhàn tản, cho dù con số tài khoản có dài bao nhiêu thì vẫn cứ cung cúc mà nối cho nó dài thêm thêm mãi. Ăn một bữa cũng không yên chỗ nọ kêu chỗ kia réo, nhai nuốt trếu tráo cho xong còn đâm bổ đi mà việc. Ôm đau cũng chẳng dám nghỉ, đến mức nặng lắm mới phải nằm, mà nằm cũng có yên đâu, còn bận chỉ bảo cắt đặt, lo toan chuyện chiều chuyện sớm, hơi ngóc ngách là thôi ráng dậy mà làm chứ không thì việc chất thành núi rồi. Bên ngoài thấy cái nhà to cái xe xịn bộ đồ sang thì trầm trồ, có biết đâu là tướp mồ hôi sôi gan cháy ruột vì việc trùm đầu lấp cổ. Thế mà nhiều người chẳng hiểu cho còn choàng cái tiếng "Ôi giời A, B ấy à, giờ chỉ biết có tiền chứ biết đến ai nữa”. Có buổi ăn bữa nhậu nào thì cũng chân thấp chân cao đến rồi lại vội vã chân thấp chân cao về. Biết chung quanh to nhỏ xầm xì cũng đành chịu. Người ta chỉ biết trách móc chứ có ai làm hộ mình cái gì đâu, thôi kệ mình cứ lo việc mình đã ai nói gì nói. Lâu dần cũng thưa vắng bè bạn, thấy bận rộn quá người ta cũng ngại cù rủ.
Khổ vì giữ của.
Có của nhìn đâu cũng thấy trộm. Cất đâu cũng thấy không yên tâm. Không những trộm mà cướp mà kẻ lừa đảo cũng nhăm nhăm nhòm vào. Có cơ hội là ra tay, cho dù có đề phòng kỹ lưỡng cẩn mật đến đâu đi nữa. Thấy người lạ đến hỏi han là thần kinh căng lên cảnh giác nhưng mà kẻ lừa đảo thì nó lắm mưu mô lắm, càng ngày càng có những chiêu lừa tuyệt kỹ mà cho dù người có khôn ngoan lắm lắm cũng không thể tránh mãi được. Đã thế đâu chỉ người lạ lừa, người lạ thì giỏi lắm cũng chỉ lừa được ít ít thôi, bị mất mát nặng nề là ở những người quen kia, đã quen rồi, thậm chí là quá quen nên quên mất thận trọng. Hầu hết những người bị lừa là bởi người quen, bài học thì nhiều lắm, nhưng mỗi cách lừa mỗi khác, nên kiểu gì thì cũng có ngày sập bẫy. Nhà thì kiên cố cổng cửa vài ba lớp, nhưng vẫn cứ nơm nớp kẻ gian lọt vào, nhiều khi đã mất của lại còn thiệt thân. Không chỉ mất mát vì bị lừa đảo trộm cướp, mà còn mất vì cho vay. Người nọ người kia đến kêu khó kêu khổ, không cho vay thì chửa rủa là độc là ác, giàu có thế mà không biết giúp đỡ người khác, mà cho vay thì kha khá trong số đó khó đòi lắm nha. Không phải ai cũng có "kỹ năng” đòi nợ, khi vay thì xem chừng mềm mỏng tội nghiệp lắm, nhưng khi đi đòi thì không hiếm chủ nợ bị biến thành kẻ có lỗi, kẻ đi xin, nhiều khi còn bị con nợ giở trò trâng tráo thách thức. Để rồi, lắm cái tặc lưỡi "thôi coi như xui, bị móc túi, bị đánh rơi cho xong”.

Cái khổ bị moi khéo.
Đây là tình trạng bị kêu gọi làm từ thiện. Vốn dĩ, từ thiện là chuyện tự nguyện, tùy tâm. Nhưng không hiếm những tổ chức những cá nhân lạm dụng vào cái gọi là "nhiễu điều…”, tiếng là kêu gọi vận động quyên góp, nhưng hầu như ý là buộc ngầm. Gần như chẳng một doanh thương doanh nghiệp nào tránh khỏi cái nạn này, mỗi khi có sự cố thiên tai ở vùng miền nào đó thì y như rằng, hết đoàn thể nọ đến tập thể kia rều rễu lui tới, rồi không nhiều thì ít, kiểu gì thì cũng phải "thuế không biên lai” cho xong, mà nào đã yên, con số mà khiêm tốn quá cũng cũng bị lườm ngang nguýt dọc, con số cho dễ coi một tí thì năm mười lần như thế sẽ là bao nhiêu. Rồi lại nay nhà thờ này mai nhà chùa nọ, nay trẻ em khuyết tật mai người già neo đon, không móc túi thì mang tai mang tiếng, mà móc túi thì biết mình bị mất cắp công khai, vì không phải đồng tiền nào cũng đến đúng nơi nó cần đến, lắm lắm điềm nhiên mà tờ tiền rẽ ngang. Mình làm ăn xầy vẩy xoay đầu nọ bấu đầu kia mới gọi là dư dả tí chút. Đầy rẫy cái mác giàu mà nợ hàng tỷ, mở mắt ra là đã ngay ngáy một dống tiền lời, ai biết đấy là đâu, chỉ biết bâu xấu không được thì ong ve. Họ hàng bè bạn, có gì khó khăn là chạy ngay đến nhờ vả. Đâu phải việc gì cũng có thể lo liệu được, chuyện gì cũng ra tay hỗ trợ được, và đâu phải ai hỏi là mình cũng phải có bổn phận đáp ứng. Nếu buộc phải từ chối vì bất kỳ lý do gì thì thôi rồi, khi người đó quay lưng là đã biết một cái mác kiệt sỷ ích kỷ vô lương tâm dán ngay lên trán mình. Cả cái chuyện "tiếng dữ đồn ba ngày đường” là điều hẳn nhiên. Không chỉ có thế, câu chuyện còn được sáng tác thêm nhiêu chi tiết đắt đỏ để rồi lỡ đâu đó có ai quen hoặc không quen mà tỏ thái độ dè bỉu hoặc lạnh nhạt thì cũng chẳng lạ. Còn nếu để tránh được cái mác ấy, hoặc rộng lòng một chút để mình cũng là người biết tương quan thì có tiền núi bạc rừng đâu cho xuể.

Cái khổ bị ghen ghét đó kỵ thù hằn
Nhiều khi chả chọc ghẹo gì ai cả, nhưng cứ tự nhiên mà bị ghét, có cái nhà đẹp thì trẻ con đi qua ném đá, người lớn đi lại dè bỉu, có bộ quần áo sang trọng thì kẹ nọ liếc xéo, người kia bĩu môi, lời ăn tiếng nói cũng phải cẩn thận dè chừng kẻo người ta bảo mình là hống hách. Một câu đơn giản đôi khi cũng bị suy diễn tệ hại, một vài va chạm thông thường trong sinh hoạt đời sống cũng bị choàng vào cái tiếng "ỷ giàu”. Trong việc làm ăn rất dễ nảy sinh hằn thù hiểm họa, luôn luôn có những mưu kế hòng ăn được của mình, họ ăn được thì họ vừa hể hả vừa cười mình ngu, họ không ăn được thì họ cay cú bầm gan tím ruột tính kế trả thù. Hơi một tí cái gì không vừa ý là đem chuyện giàu ra mà nhiếc móc, cứ như mình giàu là có lỗi lớn với bàn dân thiên hạ vậy.

Cái khổ cô đơn

Cô đơn là vì người ta luôn phải hoài nghi, luôn phải đề phòng, cảm giác chung quanh họ không có ai là thật lòng, cảm giác ai lân la đến với họ luôn có ý đồ lợi dụng. Bạn bè, với những người bạn thật thì ít nhất cũng phải vào tầm ngang cơ, kém hơn dù ít nhiều cũng ngại giao du e bị xem thường e bị hiểu lầm. Họ hàng anh em cũng vậy, thấy giàu có quá cũng ngại lui tới vì sĩ diện cũng có mà vì tính cách không hợp cũng có. Bởi vô hình chung mà rằng, cách sống xử của người có tiền vẫn khác, nhiều khi là thói quen hào phóng chi tiêu, cũng dễ bị động chạm, "nó ỷ nhiều tiền, mình làm sao bì với nó”. Nhưng cũng không ít người giàu cũng tỏ ra ta đây kiêu kỳ sang trọng, thiếu hòa đồng, nên tạo ra một lằn ranh tất yếu. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh trong chuyện làm ăn, những mưu mô hiểm họa đối địch luôn rập rinh, nên sự thân tình chân thật với họ thương không dễ có. Vì vậy mà nếu cần một ai gan ruột để chia sẻ than thở hay nhờ cậy mà không dính dáng gì đến yếu tố lợi lộc là rất khó. Một số người hầu như cả đời không có được một người bạn thật tình. Ngay cả người thân trong gia đình cũng nhiều khi sống với nhau bằng những chiếc mạt nạ. Nếu nghe một người rất giàu có nhưng lại thốt lên một lời "Tôi cô đơn quá, tôi không hề tìm thấy hạnh phúc thật sự”. Thì hãy tin đó là lời nói thật của họ.
Nhưng dù sao giàu vẫn tốt hơn nhiều lần nghèo. Giàu nắm bắt được nhiều cơ hội phát triển thành đạt. Giàu thì đương nhiên có điều kiện cuộc sống sung sướng tươi đẹp đủ đầy thoải mái dễ chịu. Giàu mà có tâm có đức thì giúp được cho đời sống chung của công đồng nâng cao. Giàu mà có thế lực có tầm nhìn xa có chiến lược hợp lý lại càng là cột trụ cho cả xã hội cả dân tộc vươn cao vươn xa. Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng và sự trợ giúp hữu hiệu nhiều mặt đời sống của người giàu với xã hội. Và đương nhiên, tính hai mặt vẫn luôn song hành trong mọi hình thái. Dù giàu hay nghèo, mỗi người luôn có một cái ngưỡng nhất định, cái ngưỡng này là điểm hội tụ tính cách đạo đức quan niệm tầm nhìn. Người đạt đến ngưỡng nào thì hành xử theo ngưỡng ấy. Nếu có cái nhìn minh định tỉnh táo và ôn hòa, thì có thể hiểu và chấp nhận mọi hành trạng theo từng cảnh huống cụ thể để con người có thể đối xử với nhau hợp lý và nhẹ nhàng hơn. Đáng tiếc là điều này rất khó thực hiện, không chỉ cảm quan mỗi người một phạm vi, mà còn vì những định kiến bị mặc nhiên mà đóng đinh vào tâm thức đa số. Sự phân hóa giàu nghèo nhiều khi không thể hiện ở con số, mà thể hiện trong cách sống của mỗi người khi đối diện với vấn đề. Chính điều này mới gây ra nhiều bất nhẫn phản cảm hệ lụy để rồi cuộc đời vẫn luôn "bị” diễn ra những điều bất hợp lý, phi nhân tính, mất cảm tình. Ở một góc độ tiệm cận có thể nói "Con người nhiều khi tự gây khó cho chính mình bởi những cảm quan thiên kiến và hạn hẹp”.
Và như thế, câu chuyện giàu nghèo mãi mãi là câu chuyện không có hồi kết, bài viết này chỉ nhằm khơi gợi một vài ý niệm suy cảm, phần còn lại dành cho mỗi người có thêm ngẫm ngợi riêng mình. Chỉ mong sao, con người ta giàu hay nghèo cũng nên nghĩ rằng "Tất cả phương tiện chỉ là guốc dép. Vấn đề là ta đi qua cuộc đời này bằng những bước chân thế nào. Và giá trị thực sự của cuộc sống, của sự tồn tại một Con Người là gì ? Hãy chọn cho mình một tâm thế sống sao cho thấy mình thanh thỏa, sao cho sự có mặt mình trong cuộc đời này không là sự vật vã.” Vậy thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét