Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

Cá tính và văn hoá





Ta vốn ít quan hệ với đàn bà.

Lý do dễ hiểu. Ta vốn e thẹn. Ta rất ít quan hệ xã hội. Nhưng ta chưa hề muốn sống bên lề hay ngoài xã hội, ngoài nhân giới. Khi cần thiết, ta xã giao. Đã xã giao đương nhiên có quan hệ với đàn bà trong xã hội. Trong quan hệ ấy, ta chưa hề "xã giao" :

1/ Ta chưa hề có nhu cầu quyến rũ ai. Những thái độ, cử chỉ, lời nói, phong cách, e tutti quanti, có thể quyến rũ đàn bà, dù ta biết tới, ta chưa hề dùng để chinh phục một ai. Đùa cợt tán tỉnh theo kiểu PhuLăngXa hay Ziao Chỉ, bình dân hay trí thức, cho zui zui, thì có. Nhưng để thu hút sự chú ý của ai ai thì chưa bao giờ.

2/ Ngược lại, những thái độ, cử chỉ, lời nói, phong cách, e tutti quanti, có thể quyển rũ đàn ông, chưa hề khiến ta động lòng. Không phải vì ta vô cảm. Người đàn bà đẹp, hấp dẫn, ta cảm được, khao khát được. Nhưng hành vì của người ấy để thu hút sự chú ý của người khác, ta lãnh đạm : ta nhìn thấy. Bạn nữ ở đời ta thường là những người đà bà hồn nhiên, chí ít có lúc thật với ta, trong lĩnh vực này hay lĩnh vực khác, dù vô thức.

Ta từng tin : đó là cá tính của con người, một thứ bẩm sinh do tạo hoá, các triết gia đã tán nát nước. Chán ngắt ! Niềm tin ấy có căn cứ : trong đời người không ai giống ai. Ở cả ba kích thước cấu tạo từng người : vật-thể, sinh-thể, văn-hoá, trong nghĩa biện-chứng.

Hôm nay, ta nghi ngờ niềm tin trên. Có thể con người, kể cả ta, không có cá tính !

Ta đang đọc một truyện chưởng Tàu, hè hè. Đầy quan hệ nam-nữ với những thái độ, cử chỉ, lời nói, phong cách, như trên. Ta đột nhớ tiểu thuyết của Alexandre Dumas. Thuở ấy, ta chưa hề có quan hệ hay nhu cầu quan hệ với nữ giới. Nhưng ta đã say mê tiếp cận những quan hệ nam-nư trong tiểu thuyết của Dumas. Sau này, trong tác phẩm của nhiều tác giả khác, Tây, Đông. Cuối cùng, qua nghiệm sinh của ta.

Những kiến thức kia, những nghiệm sinh nọ, lúc đầu mơ hồ, qua năm tháng ở đời, cuối cùng khiến ta ý thức : có thực nhưng không thật.

Có thực : người đời, từ lâu, bất kể nội tâm riêng, chân tình sống, yêu, hận thù, ứng xử với nhau như vậy. Và đau khổ đến chết. Một hình thái tình người quý báu, dù bệnh hoạn, không thể coi thường.

Không thật : cái ta gọi là nội tâm không thể hình thành ngoài môi trường văn hoá đã nhào nặn ra ta, với ngôn ngữ, tập quán và những cách ứng xử của nó.

Có thể cá tính của ta chỉ là cách ta phủ định chính mình, mở đường cho khả năng hiện thực một điều gì ta không biết.

Hoặc nó chỉ tái sinh mỗi khi ta ngừng suy nghĩ ? Chẳng thể nào : tất cả sẽ chìm vào cõi vô ngôn, thế giới không người.

Phan Huy Đường
2014-04-27

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét