Dương Bình Nguyên
- Ngày...
Mùng sáu Tết, cả bọn rủ nhau đi Yên Tử, nghe nói năm nay có cáp treo, đỡ phải leo mấy ngàn thước dựng để tìm đỉnh Phù Vân. Tháng giêng vừa ăn vừa chơi cho phởn phơ, làm cả năm rồi, không việc gì phải vội. Phan đến toà soạn, hỏi anh có đi được không. Mình cười, cũng lâu lắm rồi quên hết đình đám hội hè, thấy không còn nhiều hứng thú nữa. Phan bảo, anh lúc nào cũng chùng chình thế, em sẽ đi một mình. Mình không thích tranh cãi, nếu Phan thích thì mình đi cũng được. Mọi người bảo rằng, thằng Nguyễn mai mốt sợ vợ. Con bé mới nói vài câu đã răm rắp làm theo. Cơ mà như thế cả nhà lại dễ êm ấm hơn. Trong tiếng trêu ghẹo, xì xào của đám đồng nghiệp, tiếng điện thoại trong túi bỗng gào lên. Là sếp. Sếp bảo, cậu đặt vé nhanh lên, mai bay nhé. Đi đâu hả chú? Đi Tây Nguyên. Có vẻ cậu rất thông tỏ vùng đó mà. Mình ngồi hờ hững trong phòng máy, không vui, chẳng buồn, không còn sửng sốt quá nhiều trước mỗi chuyến đi xa. Đi thì đi! Điều mà nhiều vị tổng biên tập ưng nhất ở các nam phóng viên chính là cái chuyện đi thì đi. Không cấn cái, không cầu kỳ dích dắc chuẩn bị rồi lo toan vặt vãnh và đương nhiên là không có nước mắt ngắn nước mắt dài. Chỉ cần một cái túi xách gọn nhẹ chạy ngay ra bến xe ga tàu, thế là đã có thể đến bất cứ chốn nào. Đi nhanh, tay khua bàn phím cũng nhanh rồi quẳng vào mạng cho nó chạy về Hà Nội. Hình như đã thành quen thì phải, tháng nào cũng chia thành hai nửa, một nửa đi và một nửa về. Tháng nào cũng lên ban trị sự lấy giấy đi công tác, đi rồi về đóng dấu đỏ kín cả hai mặt, chữ ký đè xéo lên nhau. Bà tài vụ bảo, nội cái chuyện làm thanh toán công tác phí cho cậu cũng đã thấy mệt. Em thư viện bảo, anh cầm trong tay cả cục tiền to tướng, sướng nhé. Có vẻ như nếu khao nhau một bữa thì tình thương mến sẽ dày hơn. Không có gì đáng khao nhưng đi ăn thì được. Thế là đi ăn kem, đi uống Hà Nội trà. Mình nhìn Phan bảo, thôi em ạ. Yên Tử sang năm đi cũng được, năm nào mà chẳng phù vân. Phan bảo, nhưng như thế thì lúc nào em cũng phải đợi à? Phan về, áo Phan màu lá vàng, tóc Phan màu bạch kim, ép thẳng. Mình lắp pin vào đèn flash. Đèn nổ tốt, sáng loá cả căn phòng lạnh. Cuộc sống vốn vậy. Đi thì đi!
- Ngày...
Tây Nguyên. Tấm vai cường tráng của thân hình chữ S đang vẫn còn tấp nập hội mùa, dù hoa cúc quỳ đã lụi tàn từ lâu lắm. Mình lại lang thang vào cái làng cũ, cái làng của Mơng. Mơng đã bắt chồng từ hồi cuối năm rồi. Già làng ôm chầm lấy mình. Tưởng mi vui thành phố mà quên núi nước này rồi. Còn nhớ à, còn nhớ thì vô đây, làm một cang rượu cho ngọt bụng. Nào, làm cang nữa cho nỗi nhớ tràn ra. Uống đi, cang này mừng làng được mùa. Còn cang này, con Mơng đâu, vô đây, uống với anh Nguyễn đi chớ. Mơng nó chờ mi mãi. Ờ, nhưng mà tình yêu... Chẳng trách được, tình yêu chẳng thể trách được. Mơng vẫn đẹp, da màu đồng hun và mái tóc đổ dài. Mắt Mơng đã ngấm mệt mỏi và buồn phiền rồi. Mơng địu một đứa con gái, da nó cũng vậy, da nâu từ khi mới lọt lòng. Mình bảo, Mơng đi lấy chồng mà Mơng không nói cho mình. Mơng bảo, lâu quá rồi, chẳng muốn gọi nhau nữa, gọi nhau thì chỉ muốn khóc. Chồng Mơng không muốn Mơng khóc, nên thôi. Mình hỏi, Mơng sống có vui không? Mơng cười, quấn một bản thuốc thật lớn như con sâu kèn bự. Mơng hút thuốc từ khi lấy chồng. Hút cho cái mệt cái chán chạy theo hơi khói mà ra. Chẳng có gì, lấy chồng, sinh con, mọi thứ chồng lẫn vào nhau, niềm vui vừa đến lại qua đi, nỗi buồn chạy đi rồi chạy về. Bao tháng bao ngày rồi, đã quen rồi. Nó là một phần hay tất cả đời sống? Một cuộc sống như Mơng, phỏng đem lại được những niềm vui gì? Mình bung lung trong những ý nghĩ về Mơng. Mơng bảo, không nên nhớ đến ngày xưa nhiều, nhớ đến ngày xưa là nước mặt lại nhớ gò má. Hôm nay là ngày vui của cả làng mà. Vui hết đêm. Mai anh Nguyễn về nhà Mơng chơi. Chồng Mơng là Blum. Anh ấy làm ở trạm y tế. Hiền lắm, chẳng biết buồn bao giờ đâu. Nhà vẫn còn một con gà, mai sẽ bắt thịt, hai người nhậu chơi. Mình cười. Mơng hoạt bát trở lại. Nao nao một cái gì đó trong lòng, hương rượu cần vít chặt mọi cảm giác. Hội tràn ngày qua đêm, sáng ra mọi người lấm lem nằm ngủ trên nền đất, kề bên là đống than đang lụi dần và mùi thịt trâu nướng cháy khen khét. Mình đã thiếp đi lúc nào không biết, những giấc mơ cũ lại xâm chiếm, choán lấy toàn bộ tâm trí. Nỗi khổ của mình là luôn bắt đầu óc phải nghĩ ngợi vượt sức. Cũng như vậy, lúc này có cái gì giật mạnh hai bên thái dương. Có thể vì rượu. Rượu xứ này ngọt đậm. Ngọt mà say bền. Như Mơng. Mơng là ai mà bắt mình phải nghĩ, phải nhớ từ năm này qua tháng khác, nỗi nhớ bền dai mà sắc lịm trong người. Hừ, mình đã tự nhủ chẳng nên đau khổ vì một tình yêu đã trót qua đi...
- Ngày...
Những ngày về lại làng như một chuyến hành hương đầy kỷ niệm, hạnh phúc chan lẫn tiếc nuối bời bời. Bụi vẫn đỏ mà nắng cứ trải thẫm sắc vàng đến chói loà. Những ngôi làng trong ký ức mình lần hồi trở lại, nguyên vẹn và im lìm trong mỗi ban mai. Mình vẫn hằng nhủ, sống một cuộc sống đơn giản dưới mái nhà sàn kia cũng là một hạnh phúc khá lớn, cơn cớ gì lại buồn. Mình hay là Mơng bây giờ đang hạnh phúc? Chẳng biết. Buổi sáng đến nhà Mơng, nghe tiếng cãi vã vọng ra mà mình muốn bỏ về. Hình như có một sự hiểu lầm nào đó. Mơng chạy ra cầu thang ngồi khóc, điếu thuốc trên môi trễ tràng như một dấu than câm lặng. Mình bảo, hai người cãi vã nhau vì anh đã trở lại, đúng không? Mơng gạt nước mắt, chỉ là chuyện linh tinh, chẳng có gì. Nhưng mà anh ấy nổi xung nhanh lắm, chẳng cần chuyện gì lớn đâu. Mình nghĩ đến một cuộc sống không mấy thành công, nghĩ đến những hục hặc, va chạm trong quan hệ của hai người được ràng buộc bằng một hợp đồng hôn thú. Như vậy thì gọi là cuộc sống lứa đôi? Hừ, hạnh phúc. Hạnh phúc vốn như một cái bao diêm mà, làm sao có thể làm ấm được cả loài người.
- Ngày...
Hoàn thành chuyến đi một cách êm xuôi. Những bài báo về Tây Nguyên được truyền về toà soạn nhanh chóng và an toàn. Mơng đưa mình ra tận sân bay trong khi ở ngoài Hà Nội tiếng Phan đang xa xả trong điện thoại. Mơng nhìn vẻ mặt khó chịu của mình, chị ấy yêu anh quá đấy mà. Anh mang cái bầu này về, nói em tặng chị ấy. Thực ra, chị ấy mới là người hạnh phúc chứ không phải Mơng đâu. Mơng hạnh phúc hay không hạnh phúc? Câu hỏi ấy theo mình suốt dọc đường về. Mơng nhìn mình qua cửa kiểm soát an ninh lên phòng chờ, ánh mắt Mơng như chẳng nhìn vào đâu. Chống chếnh. Và đầy mất mát.
Thêm một lần nữa mình nói lời tạm biệt mảnh đất này. Hùng vĩ lắm, đáng yêu lắm nhưng chào bạn, tôi phải về. Hà Nội vẫn còn nhiều thứ níu kéo tôi, ghì chặt tôi trong những cua làm việc điên loạn đến khi mặt mũi tối tăm. Nhìn qua cửa kính máy bay, thấy Pleiku hệt một tấm áo sải rộng với hoạ tiết đậm màu và những con đường như những nẹp viền lố nhố những đàn kiến chạy. Cô tiếp viên trong chiếc áo dài màu hồng có khuôn mặt giống Phan kỳ lạ, đến nỗi khi cô xuất hiện cùng chiếc áo phao cứu sinh và những chỉ dẫn cần thiết khi có sự cố, mình bỗng giật thót. Một liên tưởng vụt đến, ngỡ như Phan mang chiếc áo đen đúa chụp thẳng lên đầu mình. Cô tiếp viên nhìn vẻ hốt hoảng của mình liền tiến lại gần, anh có làm sao không? Mình cố điềm tĩnh, cười, không, có gì đâu. Mình nghĩ đến phút gặp lại Phan, không biết khuôn mặt Phan sẽ như thế nào, xinh đẹp lạnh lùng hay trở nên bất thường dữ tợn. Phan là vậy, biến hoá như mấy cô diễn viên trong phim truyền hình. Không khó phát hiện ra sự biến hoá ấy nhưng để thay đổi thì không mấy dễ dàng.
- Ngày...
Nội Bài. Vẫn đang là tháng giêng xuân. Phan ra đón, mái tóc vẫn màu bạch kim và áo vẫn là màu lá vàng. Phan lao đến, em nhớ anh lắm, làm mấy ông Tây bà đầm bên cạnh bất giác mỉm cười. Mình bảo, về nhà đi, anh rất thèm một bồn nước nóng. Phan chun mũi, chắc nửa tháng rồi anh chưa thèm tráng qua hàng nước chứ gì. Ui, anh là chúa ở bẩn. Lần này thì không cho anh đi đâu nữa. À... anh này..., em có bầu rồi nhưng em không giữ nó lại đâu. Không thể bỏ quên tuổi trẻ bằng việc sinh ra một đứa trẻ. Rất phí phạm. Anh buồn gì nào. Đời còn dài cơ mà. Phan là vậy, giận dỗi nhanh và quên nhanh như rất nhiều cô gái kiêu kỳ khác. Phan làm việc theo ý mình và... hoàn toàn cảm tính. Nhưng nó là con anh, em giữ lại cho anh. Báu vật của đời đấy. Phan nhìn mình, cười, em đã "giải quyết" từ tuần trước rồi. Phan nói thản nhiên và nhẹ nhàng như chuyện người ta cắt tóc gội đầu sơn sửa móng tay vậy. Mình đứng lặng. Hôm đó Hà Nội sao mà lạnh, gió mùa đông bắc lùa qua cánh tay xộc vào khoang bụng. Buốt xót.
- Ngày...
Sếp bảo, cậu nghỉ ngơi đi, lấy sức mà chuẩn bị... chiến đấu tiếp. Mình ngồi lại trong phòng, ánh đèn flash của mấy cậu sinh viên thực tập loé lên lành lạnh. Em chụp tặng anh một kiểu ảnh, đảm bảo đó là khoảnh khắc đáng nhớ nhất cho mà xem. Cậu sinh viên hỉ hả. Rồi vẻ như thấy sự thái quá của mình, cậu ta quay lại, em xin lỗi nhưng đó thực sự là khoảnh khắc khuôn mặt anh buồn bã nhất. Buồn? Có lẽ thế thật. Đi đã gần nửa cuộc đời rồi nhưng vẫn thấy mình như ký gửi trên mặt đất. Chưa là ai cả, chưa có nổi một người thông tỏ được mình. Nếu có thì là Mơng, nhưng Mơng ở xa quá, Mơng lại thuộc về một cuộc sống khác rồi. Như thế nếu là bạn, dù bạn là bất cứ ai, bạn có thể gọi là nỗi buồn không?
Mình bỏ đi lang thang trên đường. Thành phố này rất rộng và rất dài. Nhưng mình không thể đến và không thể về bất cứ số nhà nào. Mình không có nhà. Hôm qua, bà chủ nhà đã bắt mình dọn đi. Anh bạn học cũng ở nhà thuê nhưng vừa mới rước thêm một cô nàng xinh đẹp đến thổi cơm chung, giặt quần áo hộ. Mình ném đống đồ vào góc nhà nó rồi bảo, máy cứ để đấy, mấy hôm nữa không thấy tao quay lại thì gọi bà đồng nát mà thanh lý, có khi cũng được một tháng xôi sáng chứ không xoàng đâu. Rồi mình đi, tối mình nằm tạm trên bàn cơ quan, ngày lầm lũi từ góc này sang góc khác. Bây giờ thì vô gia cư thật rồi. Có cảm giác cát đập tràn vào mặt. Rát, cát thị thành thường bỏng rát. Mình dừng lại, lau mắt kính. Một bên kính đã bị rạn. Trong ấy những ngôi nhà như đang vụn dần ra.
"Tít tít...!" là Phan. Phan dóng dả hỏi, anh đang ở đâu, anh về nhà với em đi, em đang ở một mình, bố mẹ đi Yên Tử rồi, nhà rộng hoác như cái bảo tàng ấy. Mình bảo, em lớn rồi. Phan gào lên, đã nghe thấy giọng điệu của nước mắt, anh không đến là em tự tử đấy. Anh không thể bỏ rơi em dễ dàng như thế đâu. Mình tắt máy, đi tiếp. Ngoại thành. Buổi tối ngoại thành ít nhiều vẫn còn thanh sạch dù trời có rét đậm hơn. Mình nghĩ đến cái tháp thùng thình của Phan, kể cũng đáng sợ thật. Tự con người nghĩ ra những cái nhà quá kín cổng cao tường, quá tiện nghi vương giả để rồi giam nhau trong đó. Nó không hiện hữu trong thế giới của mình. Mình chống xe và ngồi trong cái điếm canh đê đã cũ nát lắm rồi. Ngồi mà không để làm gì. Phan, mình và Mơng, ai sung sướng và hạnh phúc?
Mình tỉnh dậy. Khi ấy sương vẫn còn bay quẩn quanh điếm canh. Mình nhìn quanh, cái bầu của Mơng đã bị lũ trẻ trâu lấy mất, chúng đang tranh nhau tít phía bờ sông. Thôi, gửi bầu về phía dòng nước, cho bầu mãi sạch mãi thơm. Tiếng điện thoại lại rền rĩ. Lại Phan. Em quyết định rồi, từ hôm nay em sẽ bỏ anh. Anh sẽ phải ân hận đấy. Kề theo tiếng Phan là giọng một người đàn ông quen thuộc. Tiếc làm gì cái thằng nhà quê ngộ chữ ấy hả con. Không dưng mình bỗng cười sặc sụa, cái cười không cưỡng lại được, cười đến mặt đỏ trong gương xe và từ hố mắt tràn ra những hạt bụi. Người ta bảo đấy là giọt nước trời, nó mặn đắng hơn cả muối và chát hơn mọi thứ cộng lại. Hừ, nước trời rớt tràn qua mặt, rớt xuống đất. Đất cằn khô xoá đi hết dấu vết. Tiếng cười mình khô khốc. Đường về thành phố sao mà dài.
- Ngày...
Mình vẫn đi làm, nhận thêm một số công việc biên tập cho một công ty văn hoá. Những cuốn sách in làm sáng, những tập thơ của những ông chủ nhiều tiền... Thế rồi quen đi. Nhà mới mình thuê được là một căn xép ở giữa xóm liều. Đêm về lại cặm cụi gõ máy vi tính, những bài báo dẫn dụ mình đi vào đủ mọi chuyện của đời người. Cuối cùng, mình tạo thêm thư mục mới: Nhật ký. Đó là những trang buồn bã. Nhưng mỗi khi sang trang mới mình đều nắn nót tạo phông VnPresent hai chữ thật riết róng nhưng cũng thật bình thường: Phải sống. Sống cho đủ một cuộc đời, cho dù còn cô đơn dài dài, còn thiếu thốn và còn nhiều khốn khó. Những dòng chứ ấy đủ tạo dựng niềm tin để dỗ mình vào giấc ngủ, nó gợi cho mình một câu nói, phải, suy cho cùng mai lại là một ngày mới, khác với ngày hôm nay. Trong điện thoại thi thoảng lại có tin nhắn, anh mới nhận được cục tiền lớn phải không, mời em đi Hà Nội trà cho tnfh thương mến thương đi. Đi thì đi, đi ăn kem đủ mùi, đi uống Hà Nội trà và được nghe em hỏi, anh sắp lấy vợ chưa. Mình cười, tháng mười? - nghe thật oách. Tháng mười? Bao giờ cho đến tháng mười! Ừ, bao giờ nhỉ, nhưng mà hết ngày hết tháng thì cũng phải đến thôi...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét