Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Hấp lực âm dương và thuần phong mỹ tục trong văn chương








Tình yêu và tình dục, hai khái niệm tuy khác nhau nhưng thường được đặt cạnh nhau từ khi con người bắt đầu có ý thức về xúc cảm của mình. Hầu như mối tình nào, cuộc tình nào của đôi lứa đều có nhu yếu vươn tới đỉnh điểm bằng khoái lạc tình dục (hợp nhất về thể xác) để thoả mãn tình yêu (quyến rũ về tâm hồn). Từ khoảnh khắc gặp gỡ, bén hơi, rồi đầu mày cuối mắt, nhớ nhung, cho đến giai đoạn thèm muốn mơn trớn, vuốt ve, và đỉnh cao là giao hợp thể xác, đã tỏ rõ một hấp lực âm dương bẩm sinh, thuộc bản tính khởi thuỷ,hằng tồn trong bản thể con người (hoàn toàn không liên đới nhu cầu duy trì nòi giống).

Sự tiến hoá và tiến bộ của xã hội loài người ngày càng rõ nét ở khía cạnh dùng lý trí kiểm soát bản tính, và từ đó khép đời sống con người vào những luật lệ, những cấm kỵ. Tình yêu và tình dục cũng bị uốn nắn theo khuôn khổ trong thể chế pháp trị (luật hôn nhân, sinh đẻ kế hoạch, cấm mua bán dâm...) và đức trị (tam cương ngũ thường, tiết hạnh khả phong...) cả trong ý niệm linh thiêng nữa. Một hệ thống quy ước về tình dục, tình yêu đã hình thành và trở thành những quan niệm những giá trị được giáo hoá, duy trì và bồi đắp liên tục suốt chiều dài lịch sử con người nhằm phát triển lành mạnh giống nòi và ổn định xã tắc.

Ở phương diện này (tình yêu và tình dục) con người đã đóng góp trí thông minh của mình một cách xuất sắc ở cả mặt tích cực lẫn tiêu cực không kém.

Mặt tích cực là bằng sự thông minh, con người đã và đang thiết lập một xã hội có luật lệ, đậm nét thuần phong mỹ tục, hiện thực đó rõ ràng được dư luận đồng thuận gần như tuyệt đối, được tất cả mọi phương tiện truyền thông phản ảnh hết sức dễ dàng và khoa trương.

Còn mặt đối lập kia: cũng bằng sự thông minh, con người đã cố gắng "tu dưỡng", nhưng thực tế là ra sức câu thúc, đàn áp hoặc che đậy bản tính hồn nhiên khởi thuỷ của mình, để trở thành công dân mẫu mực (tự khích lệ hay tự huyễn hoặc mình) trong một xã hội đòi hỏi chuẩn mực mỹ tục và thuần phong! Hấp lực âm dương của con người do đó không còn được thể hiện một cách nguyên bổn, hồn nhiên, công khai, tự do như nó vốn là, mà bị phong toả bằng những định nghĩa tục tĩu, ô uế, nhầy nhụa... họ không được làm tình ở chốn trang nghiêm, không được hôn phối với người trong dòng họ, không được tình tứ với người chênh lệch về tuổi tác, ngôi thứ hay đẳng cấp... mà phải chịu sự can thiệp của nền văn minh bằng những thiết chế luân lý, đạo đức và trật tự xã hội. Tình yêu và tình dục từ bản chất trinh nguyên và hoang dã, sau khi được con người đầu tư bằng trí tuệ, nó bắt đầu được nâng cấp, rồi biến thái, ẩn tích và luồn lách theo muôn hình vạn trạng để tồn tại ngoài tầm quan sát của khế ước, định chế. “Thành tựu" đó, há chẳng phải là do trí tuệ con người sáng chế ra nhằm xây dựng một cộng đồng văn minh và tiến bộ, mà bản thân con người lại phải trả giá bằng cuộc tự hành hình, tự đóng đinh câu rút mình ở cung bậc tình yêu và tình dục sao? Và tính chấttiêu cực của nó cũng là huyệt điểm tôi muốn nhấn mạnh trong bài viết này là: từ đó hàng loạt bi kịch (hổ thẹn vì tình, đau đớn vì tình, thù hận vì tình, điên loạn vì tình, tự tử vì tình...) đã xuất hiện mang tính tật nguyền và không cách nào chấm dứt trong cảnh giới tình cảm của loài người. Trong mạng lưới khắt khe của lề luật, tình cảm và tâm thức con người liên tục bị điều chỉnh, bị tổn thương do căn nguyên phóng túng và phi khuôn phép của nó. Vậy là không còn sự lựa chọn nào khác, văn học trở thành bạn đồng hành duy nhất được cậy tin và cậy nhờ của bản tính con người. Trong một xã hội càng sáng láng, càng lề thói thì tình cảm thầm kín của con người càng bức bối càng rối ren mà chỉ văn học mới đủ năng lượng để tháo gỡ và giải toả nó ở ngay vùng tối tăm khuất lấp nhất!

Nếu bạn là một người cầu thị, với đầu óc tinh khôi và con tim run rẩy bạn sẽ không con ngạc nhiên, không còn khắt khe với những tác phẩm văn học phơi bầy dục tính một cách trần trụi như Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu; Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái; Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư; Linh và Đồng tử của Vi Thuỳ Linh; Dự báo phi thời tiết của 5 tác giả nữ tuổi 8x Sài gòn; Khoan cắt bê tông và hàng loạt ấn phẩm do nhóm Mở Miệng chủ xướng gần đây. Họ (các nhà văn, nhà thơ) vừa là nạn nhân vừa là cứu cánh trong cuộc giao chiến giữa hấp lực âm dương của con người và thuần phong mỹ tục của thể chế. Hơn nữa họ là những tài năng, mới có thể giúp chúng ta phát hiện ra một bãi rác chiến tranh tâm sinh lý của con người đương đại, đang bốc mùi trong lãnh địa tình dục và tình yêu. Nếu thật bình tâm đọc lại tác phẩm của họ, một dòng sông thanh tẩy rất êm ả đang chảy qua tâm khảm, và nhận thức của mỗi chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét