Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Bình thơ cuối đông

 Nguyễn Hồng Nhung
 ( tặng các bạn của tôi)


Một ngày cuối đông, tôi đọc bài thơ „Tình ơi ! ”  bạn bè gửi.
Và nhấc bút, viết đôi dòng cảm nghĩ.

Không chỉ là thơ:  một cuộc đời, một cuộc tình, một cơn đau, một  giấc mộng vật vờ nửa tỉnh nửa mơ giữa đêm đã qua và ngày chưa đổ hết, một hoài niệm chẳng thể mịt mờ, bởi linh hồn chưa  tha thứ, một nhức nhối tâm can tổn thương, không cho phép đôi môi nào, ve vuốt những cái hôn…

Thi sĩ ơi, người khiến tôi liên tưởng đến bao suối lệ chảy dài, len lỏi giữa những bụi gai quanh triền đá.
Đá phơi mặt ngày ngày ra nắng, chờ đợi những bàn chân phủ niềm vui trở lại, sao thi sĩ không khóc một lần cuối cùng, cho tan những hận yêu, hận sống, hận đau?

“Mùa thu mới chớm
Heo may lướt trên vai gầy
Mái tóc em ấm mềm
Bỗng vụt bay
Tuyệt vọng
Ta
Ngu ngơ
Dại khờ
Nghèo đói
Khốn khó
Chỉ có
Thơ và tình”

Có cuộc đời nào không  bắt đầu ngang trái ?

Thi sĩ có biết:  thượng đế  đã trao  ngay hai vũ khí lợi hại nhất của đời người cho thi sĩ:  Tình yêu và Thơ
   đó là: Em và Tâm hồn Ta,
  đó là: Nguồn Sống và Chữ…

Để vừa bước vào đời, thi sĩ đã có đủ khí chất:   trở - thành – Con- Người?


“Đến giờ ta vẫn sợ
Đêm ấy
Từ nhà em về
đem theo ánh mắt
khinh bỉ
của mẹ em
theo ta suốt đời
Và chiếc cười mai mỉa của bố em
Nụ cười em
Bên người chồng tương lai
Lấp lánh
Ta quặn thắt trong lòng
Đêm thẳm
Ta
Gã trai nghèo
Hai mươi nhăm tuổi”

Bị ném vào cái vũ trụ mênh mông, việc làm đầu tiên của con người là đi tìm hơi ấm. Chẳng có gì ngạc nhiên, khi ta cứ tưởng, ngôi nhà  người đồng loại là chốn bình yên nhất. bởi ta bé nhỏ, bơ vơ,  như nhành cỏ giữa triền miên xanh, nhất là khi, người sinh thành ra ta cũng bé nhỏ và bơ vơ như thế:

“Một người anh nghèo khó
Tìm thằng em khinh đời
Xòe bàn tay năm ngón
Chẳng ngón nào bằng nhau
Mẹ cha nghèo
Chúng ta lận đận”

Bị ném vào vũ trụ mênh mông, vị nếm đầu tiên của con người là nhận ra sự khác biệt giữa mình và người khác. Những nỗi đau sẽ từ đấy mà ra, những vết thương sẽ từ đấy hình thành, và tháng năm trôi đi, giá trả cho hữu hạn duy nhất sẽ là: vị nếm đắng cay đầu tiên của cuộc đời  biến ta thành ai- thành một Con Người như thế nào đây?

Thi sĩ  trải lòng mình chân thật.

Tôi cảm nhận nỗi buồn đầu tiên của chàng, là lúc đón nhận một cái tát:

“Tôn thờ em
Em kiễng chân, cùng ta
Mỏi gối
Chới với
Ta đã gục xuống
Hôn lên
Bức vẽ sơn dầu
Em mặc váy hoa
Dang dở
Ta đã
Ôm em
Van vỉ
... đừng đi
Hãy tin anh
Rồi anh sẽ giàu có
... sẽ giỏi nghề
sẽ...
Em cười
Lá vẫn rơi
Mùa thu”

Cái tát chưa hẳn vì Em- một nửa Anh- ban tặng, mà cái tát đau vì đời như đang xác nhận: con người ơi, anh chả là cái gì cả, giữa mênh mông huyền ảo biến hóa vũ trụ này.
Mà, của cải duy nhất chàng có trên đời lúc ấy:  một tâm hồn.

Tâm hồn chàng buổi đầu đời chưa hiểu: đó là ân huệ của thượng đế thổi vào cát bụi hình hài, phân biệt chàng với bao phù du vô tình, ngơ ngẩn.

 Phải có tâm hồn, nếu không rốt cục, chàng cũng chỉ trở thành những nỗi đau.

Tại sao chàng nhận ra:

“Thánh thiện, tinh khôi
Nửa đêm quỳnh nở
Sáng ra
Nhìn xác hoa héo rũ
Trăm lần ta cay mắt cả trăm
Sao những điều đẹp đẽ
Lại vô cớ phù du?”

Tại sao chàng biết rõ:

“Tháng năm mải miết
Một đời doanh nghiệp
Vẫn chẳng quên thơ
Vẫn không quên
Muôn vết thương
Em là vết thương lớn nhất”

Nhưng vẫn không thể vượt đời thường, vượt qua nổi những nỗi đau?

Bởi cái tát đầu đời dường như nhấn chìm phẩm giá con người chàng, với cân đong giàu -  nghèo, hèn mọn- uyên bác, với  những giá trị còn vượt cao hơn cả giá trị tâm hồn chàng làm ra: chính là Chữ- là thơ, là những niềm đau được chắp nối bằng tri thức, chì dành riêng cho con người, vì chỉ con người diễn đạt mình được bằng Chữ.

Tôi ngậm ngùi thương thi sĩ, lòng tự ái đàn ông bắt chàng làm hết thảy mọi việc trong đời, bắt mình nếm hết thảy trên đường đời, để khẳng định mình, cho dù chàng muốn, chàng thích hay không, mặc kệ:

“Tháng qua
Năm qua
Ta đã là họa sĩ
Lang thang
Rong ruổi
Phong lưu với những người tình
Ta đi khắp đó đây
Xem mồ, đặt mả
Trừ tà, sát quỷ
Nhiều kẻ nhờ, lắm người thán phục
Chán với người thì chơi với ma
Chẳng có gì là lạ
Rồi hứng chí viết truyện, làm thơ
Ta lênh đênh
Sông nước
Thôn nữ
Nghiêng đầu
Ta vùi mặt lên ngực ấm
Vú gái quê
Thơm mềm
Làm lòng ta thanh cao
Hương trinh nữ
Ngậy nồng
Thiêng liêng
Như trước đền thờ thánh Mẫu
Sông vẫn chảy
đò vẫn trôi
xa vời.”

Tôi buồn thương hơn cho chàng, khi đã nếm đủ vị trả thù cuộc đời- dù chàng cho là chính đáng,  đáng tự hào ,đáng hãnh diện  nhất với bản thân- chàng vẫn không cảm thấy hạnh phúc.

“Giờ anh như con thuyền mỏi
Đã qua tháng năm đạp sóng
Đã qua chân trời huy hoàng
Chẳng có gì đáng chấp tranh
Mặc cho lũ ranh kia ngạo mạn
Vâng! Thưa chúng mày! Chúng mày giỏi
Mặc cho đồng nghiệp hơn thua
Vâng! Thưa các người! Các người vĩ đại
Mặc cho ai giở trò láu cá thị phi
Vâng! Thưa bà! Đá bèo là nhất
Mặc cho những thằng ngu dậy khôn tỉa tót
Vâng! Thưa ông! Ông từng trải, ông uyên thâm
Dại khôn khôn dại thật vô cùng”

Chàng không thể hạnh phúc vì chàng vẫn còn một món nợ với tâm hồn mình: với tình yêu của Em- nửa kia của nỗi đau, nửa kia của dịu ngọt quá khứ- mà lòng kiêu hãnh bị xúc phạm không cho phép chàng tha thứ.

Chàng chọn giải pháp người đời phần lớn thực thi:

“Tháng nhoẻn cười
Náu kín mình
Ta cập bến lặng yên
Chờ một ngày
Nguyên, hanh, lợi, trinh
Đam mê với mình
Yêu chiều người vợ nhỏ xinh
Dịu như hương cốm
An lành
Gọi ánh nắng sưởi tim
Đang ấm dần lên
Hứa hẹn
Tất bật với đám sinh viên
Vui buồn trong cái sân khấu đời cán bộ”

Biết làm sao: chàng cũng là con người,
con người chưa đi hết những niềm đau nhân gian, để sớm muộn chàng sẽ hiểu: phù du rồi sẽ đến, cái kết cục rồi sẽ đến, chúng mình đều sẽ ra đi, trở lại hình hài cát bụi…

Sẽ một ngày, chàng hiểu:  Em, tình yêu đầu tiên tinh khiết nhất của Anh, mới là ý nghĩa để anh trải qua kiếp bọt bèo đầy đọa này.

Bởi, có nỗi đau đầu đời, có Em xuất hiện, nên mãi đến tận hôm nay, thi sĩ vẫn còn biết trằn trọc:

“Có những con đường chẳng thể đi lại lần thứ hai
Có những cái bắt tay đằm thắm để rồi xa mãi
Có những điều như ánh trăng đáy nước
Có tình yêu như cơn mưa giông”

Tôi không nghĩ đây là những câu khẳng định. Thi sĩ đang muốn khẳng định thì đúng hơn, để quên đi nỗi khát, quên đi cơn buồn, quên đi nỗi tức giận, quên đi ảo ảnh bình yên của đời thường, quên Em, quên luôn cả Anh, cùng quá khứ.

Mà không nghĩ rằng: bằng trải rộng lòng mình cho Chữ, thành Thơ, chàng đang đi đến bến bờ duy nhất làm người, ôm cả quá khứ đau buồn vào lòng tiến lên phía trước, sẽ gặp lại Tình Yêu khi đã biết quên, quên những gì hèn mọn của đời sống đã định vùi lấp tâm hồn ta.

Một khi con người có tâm hồn, lại bạn bè với Chữ: lúc đó chỉ còn lại niềm Hiến dâng.

Ta sẽ gặp lại Mình trong bình yên hiến dâng ấy.

1 nhận xét: