Vũ Ngọc Anh
Bạn có bao giờ thưởng thức cái thú đau thương chưa? Cái thú được mất người yêu, được vợ/chồng “có trăng quên đèn” ấy. Cái cảm xúc mạnh trác tuyệt đó đã dệt nên bao fleurs du mal cho đời.
Hồi còn trai, bọn chúng tôi đứa học sinh, đứa làm sở Mỹ, đứa sinh viên ở chung một căn gác thuê trên đường Trần Bình Trọng; chúng tôi thường gọi căn gác trọ đó là the house of the rising sun.
Và một hôm má của một đứa đến để cung cấp tài chánh và cũng để xem nó sống thế nào, bà nhận xét chúng tôi: tao không hiểu tại sao tụi bay lại thích “đào bỏ” để làm thơ sướt mướt? - Chúng tôi trả lời: má ạ, “có bột mới gột nên hồ”, cần phải có hiện thực thơ mới hay. - Bà bảo: thế thơ không có nước mắt nước mũi không hay à? lệ gì phải có đau thương mới thú? Tại sao tụi bay thích ngứa rồi gãi mới sướng? không ngứa có sướng hơn không?
Có ngứa mới thưởng thức đượcc cái “đã”; không ngứa sao biết “đã” là gì. Đau thương là ân sủng của trường tình, lệ gì hạnh phúc mới là ân huệ, hả má? Tội còn có tội hồng ân nữa là!
– Thôi, tao chịu thua bay đó bay, cái vụ này mới quá, tao theo không kịp. - Chúng tôi thưa: vụ án này đã có từ thuở có hồng hoang lận má, chí đến giờ cũng còn lai rai khá đông người tự hành xác mình hết sức thích thú và đầy tự hào nữa. Họ đấm ngực mea culpa, mea culpa, mea maxima culpa (lổi tại tôi, lổi tại tôi, lổi tại tôi mọi đàng) để ăn năn hối lỗi của mình. Không phải họ chỉ đấm có ba cú mà thôi đâu, họ đấm lia lịa cả hai tay vào ngực bên phải vào ngực bên trái để rũ cái nghiệp nữa đấy. Họ còn lấy cả roi đánh vào thân thể cho rách thịt tươm máu ra mà họ còn chưa “đã”; họ còn nhờ người khác quất phụ cho toạc màng vô minh là khác. Nghe tới đây, má xanh mặt!
Chúng tôi cố thuyết phục bà nữa, chứ nếu không, sẽ không có thơ sụt sùi cho đời - mất đi một mảng văn học ẩm ướt, khô héo đi một mảnh triết học chèm nhẹp…- dẫn đến sự tàn lụi các lò tôn giáo!
Cái thú đau thương không phải là chuyện nhỏ đâu bạn, là vụ án lớn rồi. Vì đời là bể khổ mà: “Mới sinh ra… thì đà khóc chóe. Đời có vui… sao chẳng cười khì ?”[Nguyễn Công Trứ]. Chào đời bằng tiếng khóc là xác nhận thân phận con người, là khẳng định mình. Khẳng định gì đây? – Sinh ra là đã mang tội rồi! Tội gì? – “Nhân chi sơ tính bản thiện” cơ mà. Không, -“Nhân chi sơ tính bản ác” cơ đấy. Nhân chi sơ tính bản thiện thì vạ gì mới sinh ra thì đà khóc chóe? Chỉ có nhân chi sơ tính bản ác thì mới chuốt vạ vào thân nên chẳng cười khì là vậy. Nguyên lai cái ác từ đâu ra mà mới chào đời đã phải lãnh đủ? Trước hết là do Mẹ Eva di lưu, sau nữa là do cái nghiệp của kiếp trước lưu đày, nên mới bày ra cái bể khổ nhân luân.
Không có lửa sao có khói? Có sinh sự mới có sự sinh chứ! Bằng chứng chắc thực như vậy, chi cho nên thành thực khai báo “tiên trách kỹ” để bằng lòng nhận cái nghiệp quả cho thêm hào hứng trả nợ. Trả nợ mà bị đòi, bị thúc, bị xiết, bị cưỡng chế…sao vui bằng tự nguyện. -Trả nợ mà vui? –Sao không? Bạn chưa có kinh nghiệm à? Mình trả nợ đúng hẹn thôi không cần sớm hơn; lòng đã thấy thanh thản, ngẩng mặt nhìn đời tự tin hơn, trong đó có chút tự hào len lén chui vào nữa là đàng khác và khi gặp lại chủ nợ tay bắt mặc mừng vui vẻ cả làng.
Có trãi nghiệm chuyện trả nợ đời mới cảm thông được chuyện trả nợ nghiệp. Có thể có khác đấy, nhưng giống nhau ở niềm vui. Khi mình nhận cái nợ là đương nhiên thì việc trả nợ là tất yếu sẽ tạo cho mình cái cảm giác thảnh thơi nhẹ nhàn vui thỏa vì không còn vướn cái mặc cảm chúa chổm nặng chình chịch như đeo đá vào cổ - mà ở đây là mang xiềng trong tâm – thì đau khổ là dường nào! Mang nợ mà nhờ người khác xin giùm, dầu nợ có được xóa đi chăng nữa, lòng vẫn cứ còn áy náy băn khoăn ray rức như thể có cái gì chưa công bằng, hơi một chút gian lận, lẫn một tí tiêu cực ở chỗ ỉ lại ù lì. Thua cái hùng tâm: dám làm dám chịu!
Dám chịu nên mới dám tự thú mea maxima culpa và can đảm thừa nhận nghiệp quả: không đổ thừa cho ai hết, cho hoàn cảnh nào hết…Người khác giải tội cho mình, giải oan nghiệp chướng cho mình sao bằng mình tự giải ách cho mình – cái ách của chính mình tự buộc vào –
Đời cho ngon, đời phải đủ vị đắng cay, chua, chát… me chưa đủ chua thì thêm chanh; chanh chưa vừa thì gia dấm vào. Phải học Tôn Ngộ Không: phân thân ra làm Không Tôn Ngộ để bày trận gà nhà bôi mặt đá nhau; xỉ vã nhau cho đã cái miệng, cho sướng cái ý, cho vừa cái tâm, cho toạc màng vô minh mới thâm trầm giáo lý. Phải lên núi, vào rừng, tận hang sâu cùng cốc…sống cùng muông, vui cùng thú cho thấm vị tân toan. Chưa đã thì ngồi một chổ, đứng một giò, hay ho nữa là không tắm. Đủ trò, lắm cách! Nếu không vào rừng thì đóng quan tài tối ngủ, ngày đào huyệt mà gẫm mà suy mà đì cái thân cho sướng cái ý; thế mới là thi vị.
Cái thú không phải sướng cái thân mà dần cái phận để hưởng cái phần về sau. Chính đời sau mới là cái đời chính. “Thả con săn sắt, bắt con cá rô” là vậy. Vậy sao không tận hưởng cái thú thả hồn vào tủi nhục đọa thân cho tâm hồn lâng lâng giải thoát?
Thế nhưng không có con vật nào khôn bằng con người. Kìm kẹp xác thân sao cho thanh, sao cho lịch, sao cho thú cái miệng, sao cho thích cái ý; thế đời mới biết tay! Món chay phải gợi được cái vị giác thèm thuồng như thí nghiệm của Povlov: phải có chả, phải có nem, phải có đùi gà…mới hả cái dạ hãm khẫu cho ngọt cái đạo, cho bùi cái đời…ấy là đưa cái đời vào cái đạo vậy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét