Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Vẫy gọi nhau làm người


Nhìn sự vật, nhìn người, nhìn mình, nhìn nhau, nhìn sự thật.

Những thế nhìn đó thể hiện người trong vũ trụ, thái độ của người đối với người, thể hiện một thế giới quan, một nhân sinh quan. Viết là bày tỏ những điều đó bằng ngôn ngữ.

Người thường, nhà văn dùng chung một ngôn ngữ. Cái gì khiến ngôn ngữ có lúc thành văn ? Khác nhau ở điểm nào ?

Bình thường, khi nói chuyện với người khác, mục đích của ta là làm cho người khác hiểu rõ ý nghĩ, tình cảm của ta. Ta dùng ngôn ngữ để thông tin. Nhà văn không chỉ muốn vậy. Nhà văn còn đeo đuổi mục đích khác : khơi lại trong mắt người khác cách nhìn của mình. Nhà văn dùng ngôn ngữ để quyến rũ.
Thử xem câu : chiều hôm ấy nắng nhạt, buồn bã.
Nếu một chiều nào đó, nắm tay người yêu, nhìn sắc nắng, tôi thấy lâng lâng buồn, nếu người yêu tôi cảm nhận nỗi buồn ấy trong tôi, người ấy sẽ hiểu, sẽ cảm câu nói kia. Nó tả một sự kiện đã có, đã qua, một sự kiện chúng tôi đều biết : một buổi chiều, một sắc nắng, một nỗi buồn, chúng ta. Câu đó, tự nó, không phải một câu văn.

Một buổi chiều nắng nhạt là một buổi chiều nắng nhạt, chẳng buồn, chẳng vui. Ðâu phải thêm hai chữ buồn bã mà biến được nó thành một buổi chiều buồn bã. Ngay cái nắng nhạt kia, người đọc cũng khó tưởng tượng nó nhạt thế nào. Vậy mà có khi nhà văn chỉ viết chiều hôm ấy, nắng nhạt đã khơi ngay cảm giác buồn trong người đọc. Ðiền thêm hai chữ buồn bã, hoặc chẳng khơi được nỗi buồn : văn bất lực, hoặc thừa : văn vụng.

Dĩ nhiên, chuyện không đơn giản như vậy. Trong bất cứ tiếng nước nào cũng có những từ hình như tự nó có hồn. Có nhiều người Việt Nam dễ liên tưởng chiều với cảm giác buồn. Cũng lạ. Phải chăng vì trong những tác phẩm lớn, trong ca dao, có nhiều cảnh chiều buồn ? Dù sao, cứ lôi chiều ra để tạc cảnh buồn thì cũng chỉ đạt mức văn hà hứa.

Ðọc truyện, cái gì làm cho chiều hôm ấy, trong lòng ta, buồn ? Dĩ nhiên là hoàn cảnh dẫn đến chiều hôm ấy, đã được tác giả bố trí trước. Nhưng hoàn cảnh ấy cũng được tạo bằng những câu văn đại loại như vậy, làm sao dẫn tới nỗi buồn ? Một vòng luẩn quẩn. Văn khác lời nói thường ở chỗ nào ? Cần phải trở lại gốc vấn đề, thử phân tích cái nhìn của con người.

Nhìn sự vật rất dễ, rất tự nhiên. Tự nhiên ? Không hẳn. Ta vừa mở mắt, đã thấy trong đầu cả một khoảng không gian lúc nhúc sự vật. Không gian đó, ta "thấy" nó một cách tổng hợp, lờ mờ. Ta chỉ thấy thật rõ một sự vật, sự vật ta đang nhìn, cái chìa khoá chẳng hạn. Nhìn thể hiện một sự lựa chọn. Thấy là kết quả của sự lựa chọn ấy. Chính sự lựa chọn ấy làm cho ta có thể thấy được cái không có thực : sự vắng mặt chẳng hạn. Ta đảo mắt tìm người yêu và thấy không có người yêu. Sự thiếu hụt đó làm thế giới quanh ta lùi lại, mờ đi, thành sa mạc :

Un seul être vous manque et tout est dépeuplé[1]

Lựa chọn thể hiện tự do, bản chất đặc trưng của con người. La liberté, c'est l'angoisse du choix[2]. Sự lựa chọn đó tùy thuộc mục đích của con người. Vì ta muốn mở cửa, chìa khoá kia như chờ ta ở một chỗ nào đó. Nó hiện lên giữa muôn vật như một sự hứa hẹn, vẫy gọi. Cách nhìn của ta làm cho thế giới này đượm nhân tính. Tuy ta chỉ là một bộ phận trong nó, nó đã biến thành khả năng của ta. Nó sẽ thực sự trở thành phương tiện của ta khi ta hành động : nắm chìa khoá, mở cửa, đi tới tương lai của mình.

Bản thân chìa khoá kia cũng không hoàn toàn "vô tình". Ðã có một con người làm ra nó vì một mục đích riêng (kiếm ăn), tạo cho nó một chức năng nhất định (mở ống khoá). Chức năng ấy là lời hứa hẹn, sự vẫy gọi ẩn núp trong một khối sắt. Nó "hiện lên" khi ta muốn mở cửa, đi ra. Nó trở thành hiện thực khi ta nắm chìa khoá sỏ vào ổ khoá. Mục đích của người khác đã trở thành phương tiện của ta. Sự vật cũng có hồn ở nghĩa đó.

Khi tả sự vật, mục đích của nhà văn không bao giờ là tả đầy đủ, trọn vẹn, khách quan, sự vật. Ðiều đó không ai làm được. Sự vật là sự vật, văn là văn. Viết một nghìn trang sách cũng không thể tả hết thực tế của một cái ly. Nói cho đúng, nhà văn chẳng bao giờ tả sự vật. Chẳng ai ôm giấy bút ngồi trước một cái cây màtả được vẻ đẹp của một cái cây, tả được một cái cây ra hồn như người Việt ta thường nói.

Nhà văn tạo vẻ đẹp của một cái cây bằng cách bịa một khung cảnh, một hình hài, một mầu sắc... Quá trình bịa đặt, sắp xếp đó là quá trình tạo chi li những bẫy nhỏ, dẫn dắt người đọc tới mục đích cuối cùng của nhà văn là tái tạo trong hồn người khác cách nhìn, sự lựa chọn của mình : vẻ đẹp của một cái cây. Quá trình viết văn là quá trình gài bẫy để lừa gạt, hướng dẫn người đọc. Quá trình đọc văn là quá trình tái tạo một thế giới ảo, tạo một hồn người thực dưới sự "điều khiển" của người khác. Không phải tình cờ mà người ta coi những nhà văn lớn như những kẻ dẫn dắt linh hồn của đồng loại. Nghệ thuật là giả dối trong nghĩa đó.

Sự lừa gạt kia có một đặc điểm : người bị lừa hoàn toàn tự nguyện. Ðộc giả chỉ ngáp một cái, những bẫy kia tan tành ngay. Còn lại một trang giấy lem nhem mực, chẳng nghĩa lý gì. Chuyện đó xẩy ra khi, đọc truyện, ta ngáp ngủ. Sự tự nguyện đó không gì ép được, mua được. Chỉ có thể đồng tình với nhau. Tình chỉ có thể có giữa những con người tự do, tự nguyện : cho hay không cho, nhận hay không nhận. Người ta có thể ép nhau đủ thứ chuyện, không ai ép người khác yêu mình được. Vì thế, nhân tình là nội dung cơ bản của văn. Nó đòi hỏi nhân cách tự do của cả người viết lẫn người đọc. Không phải vì ta thích vậy, muốn vậy. Ðó là điều kiện hình thành của văn.

Nhân cách không có giá trị trao đổi. Không ai đo được giá trị của một tác phẩm là bao nhiêu : số không hay... tuyệt, đều là vô giá. Nó cũng chẳng có giá trị sử dụng. Không ai có thể dùng nó vào việc cụ thể nào. Quan hệ giữa nhà văn và độc giả không phải quan hệ trao đổi. Nó là quan hệ cho-nhận.

Cho-nhận cái gì ? Khi ta mua một quyển sách, chắc chắn ta nhận được một quyển sách. Tác giả đã cho ta gì ? Chẳng cho gì cả. Ðọc truyện, ta nhận được gì ? Có khi chỉ mất thời giờ. Có khi ta nưng niu nó suốt đời ta. Ðây là sự cho-nhận một thứ không có hình thù, trọng lượng, giá trị sử dụng, giá trị trao đổi, một thứ không có thực. Tác giả chỉ có thể cho ta và ta chỉ có thể nhận những gì do chính ta tạo ra trong quá trình đọc. Tác giả "cho" ta một số ký hiệu, như Phật giơ tay chỉ trời. Trong bầu trời ấy, chẳng có gì ngoài ta. Gần quan hệ cho-nhận này nhất là quan hệ yêu đương, quan hệ chơi. Văn chương là một nhu cầu tinh thần, là tình người, là trò chơi trong nghĩa đó. Nó hoàn toàn vô dụng, vô giá. Nó là sự vẫy gọi nhau giữa những con người tự do. Vẫy gọi nhau làm người. Nhu cầu viết, nhu cầu đọc, đều là nhu cầu làm người, nhu cầu sáng tạo, nhu cầu yêu. Thế giới văn chương là thế giới của tình người cho không.

Vì thế, nhà văn không thể đạt yêu cầu của mình nếu không tôn trọng, quý mến tự do của người đọc, nếu tìm cách áp đặt tình cảm, tư duy của mình. Ðộc giả đã đồng tình trước khi đọc thì viết làm gì ? Ðộc giả không đồng tình, ngáp một cái, toi mạng văn chương, nghị quyết của Trung Ương cũng không cứu nổi. Nhà văn chỉ có thể khơi tình, mời mọc, rủ rê, quyến rũ, vẫy gọi. Nghệ thuật hành văn là nghệ thuật chinh phục lòng người trong nghĩa đó. Và cũng chỉ trong nghĩa đó thôi. Trong quan hệ giữa họ, người viết và người đọc chẳng thể được bất cứ gì ngoài cái mình sáng tạo. Cơ sở của nghệ thuật ấy là nhân cách tự do của độc giả.Nhân cách tự do của độc giả là sinh mạng nghệ thuật của nhà văn.

Cùng một mớ chữ, cùng một nguyên liệu, có người viết thành văn, có người, dù tay nghề khéo léo, viết cạn đời cũng không tạo được một tác phẩm văn chương. Tại sao ? Nhà văn, thợ chữ, khác nhau chỗ nào ? Vấn đề không chỉ ở kỹ thuật dựng truyện, gọt câu, mài chữ. Nó còn ở nhân sinh quan của tác giả. Nhân sinh quan ấy, không chóng thì chầy, bộc lộ ngay trong văn phong. Nó làm ta ngáp dài, vui vui tiêu khiển và quên, hay nó cứ man mác trong ta cảm giác vừa gặp một người, vừa gặp lại ta.

Nhân sinh quan ấy thể hiện qua cách nhìn : nhìn người, nhìn mình, nhìn nhau.

Nhìn người, thấy gì ?

Trước hết thấy một động vật của thế giới tự nhiên.

Nhìn người có thể ngừng ở đó. Ðó là cách nhìn của người bác sĩ trong ca mổ : thớ thịt có thể cắt, sợi gân phải tránh né, đường đưa dao tới mục đích. Ðó là cách nhìn của người kỹ sư điều hành một dây chuyền sản xuất : con người là một bộ phận của một cái máy. Ðộ bền, độ chính xác, độ nhanh của nó đều có thể đo, đếm, điều chỉnh. Thậm chí ta có thể thay nó bằng một người khác hay một cái máy. Ðó là cách nhìn của ông chủ hãng kinh doanh : con người, một tư liệu trong quá trình kinh doanh, có giá thành, giá bán như mọi tư liệu khác. Với cách nhìn này, con người hoặc là một đối tượng nghiên cứu của khoa học, hoặc là một công cụ phục vụ một mục đích của ta. Sự thực của nó nằm ngay trong thân xác nó. Giá trị sử dụng của nó là toàn bộ những chức năng của một loại động vật. Giá trị trao đổi của nó là số tiền cần thiết để mua sức lao động của nó. Nó là một con vật biết nói.

Nói thế, tưởng đùa. Tuy vậy, đó là sự thực xẩy ra hàng ngày. Ðó cũng là quan điểm của một số nhà chính trị, một số nhà văn. Khi Lênin khẳng định nghệ thuật phải là một bộ phận, một con ốc trong guồng máy cách mạng[3], ông khẳng định cách nhìn này. Có khác chăng, chỉ khác ở một chi tiết : động vật này không phục vụ mục đích cụ thể của một con người (như thế dễ hiểu và, mặt nào đó, trong thời tiền sử của nhân loại[4] này, phải chấp nhận). Nó phục vụ một khái niệm trừu tượng không kém gì Thượng Ðế : Quy luật khách quan của Lịch sử. Ðây là nguồn gốc của sự nhạt nhẽo trong "văn" của những tác giả tưởng mình là người cộng sản.

Nhưng, thỉnh thoảng, nhìn một người, ta thấy nó đẹp, nó buồn, nó quyến rũ.

(Cái) đẹp kia, chẳng ai nói được nó là gì : nó không có thực. Nó chỉ là hồn ta thấm vào một nét mặt, tạo thành một vẻ đẹp. Vẻ đẹp ấy (có) thật đối với ta. Nó là ta tuy ta không phải là nó (ta có thể rất xấu xí). Nóở người khác mà lại là ta. Nó là ta ở người khác. Nó là Esméralda trong mắt Quasimodo, hay đúng hơn, là hồn Quasimodo "lồng vào" nét mặt Esméralda.

(Cái) buồn kia cũng không có thực. Nó phảng phất đằng sau một gương mặt, một cử chỉ, một tiếng than, một tập hợp ký hiệu lờ mờ. Ta cũng cảm thấy nó một cách lờ mờ. Dù sao ta cũng đã buồn. Ta chỉ có thể "thấy" nỗi buồn của người khác qua nỗi lòng lâng lâng buồn trong ta. Ta là nỗi buồn đó tuy nó không phải của ta. Nó của người khác mà nó đã biến thành ta. Nó là người khác ở ta.

Như thế, nhìn người mà thấy mình, thấy mình ở người khác, thấy người khác ở mình. Người ta chỉ có thể thấy rõ cái gì người ta tìm. Nhìn người là nhìn mình, là tìm mình ở người khác, là tìm người khác ở mình.

(Cái) mình ở người khác ấy, người khác có thể trả lại cho ta. Ta linh cảm điều đó khi ta thấy người kia quyến rũ. Tất nhiên (cái) quyến rũ không có thực. Tất nhiên nó là ta ở người khác, người khác ở ta. Nhưng nó còn là sự thèm muốn người khác thấy ta, thấy mình trong ta, thấy ta trong mình. Nó là sự mời mọc, kêu gọi nhìn nhau, là sự khát khao được người khác trao lại cho ta phần hồn của ta. Nó là giấc mơ được là người trong mắt người khác.

Con đường ngắn nhất đưa ta về ta xuyên qua lòng em là như vậy.

Nhìn mình, thấy gì ?

Trước hết thấy một động vật của thế giới tự nhiên.

Ðó là cách nhìn của ta khi ta cắt móng chân, móng tay, đánh răng, rửa mặt, soi gương. Ðộng vật ấy, tự nó chẳng đẹp, chẳng xấu, chẳng vui, chẳng buồn, chẳng quyến rũ, chẳng vô duyên.

Cũng có lúc, ta cảm thấy người khác đang nhìn ta và bỗng nhiên ta thấy ta đẹp, ta xấu, ta sạch, ta bẩn... Ðó là nhìn mình mà thấy mình ở người khác, thấy người khác ở mình.

Nhắm mắt lại, thấy gì ?

Liên miên một luồng ý, vô hình, vô sắc, vô âm. Phải chăng ta là luồng ý đó ? Nếu ta là luồng ý đó làm sao ta có thể thấy (ý thức) nó ? Ta thấy người khác vì ta không phải là người ấy. Ta thấy thân xác ta vì, ở mặt nào đó, ta không là thân ta. Ta thấy ý nghĩ của ta vì, mặt nào đó, ta không phải là ý nghĩ đó. Vậy, ngoài thể xác, ngoài ý nghĩ, có gì ? Không có gì cả. Nhìn mình chỉ thấy hư vô, thấy hẫng hụt. Ðó là thân phận của con người. Con người là một sự thiếu hụt. Mặt trái của thiếu hụt là sự khao khát, đòi hỏi được trọn vẹn, được có thực, được tồn tại. Nó là nền tảng của mọi giá trị nhân bản. Nó là giấc mơ ta trở thành ta.

Những câu :

Je suis belle, ô mortel, comme un rêve de pierre[5]

Tel qu'en Lui-même enfin l'éternité le change[6]

khơi giấc mộng đó.

Nhưng nếu ta có thực, nếu ta là ta, như cây là cây, cỏ là cỏ, ta không thể thấy ta được, ta không còn nữa. Tồn tại là giấc mơ nguyên thủy không thể thực hiện được của con người.

L'homme est une passion inutile[7].
Ta là giấc mơ đó, khát vọng đó.

Giấc mơ không bao giờ thực hiện được đó, xuyên qua hành động, ta có thể khắc nó vào đời qua dấu tay ta để lại trên mặt đất, qua nỗi vương vấn ta để lại trong lòng người. Nó phảng phất trong một cái nhà, sau một bức tranh, một câu thơ, một nỗi nhớ. Ðó là hồn người tồn tại trong sản phẩm, trong hồn người khác, trong ngôn ngữ, văn chương và nghệ thuật.

Nhìn nhau, thấy gì ?

Thấy tất cả những gì thấy được trong hai thế nhìn kia. Nhưng khác một cách căn bản : thấy mình qua mắt người khác. Trả lại người khác cái gì của người khác và đón nhận từ người khác chính mình.

Thấy bạn, tôi vui vẻ cười. Bạn nhìn tôi, cười vui vẻ. Bạn trả lại cho tôi nỗi vui của tôi. Ðương nhiên, nỗi vui đó là tôi. Nhưng nó không còn là cái tôi lờ mờ, huyễn hoặc, khó tin. Nó là cái tôi đã được người khác xác định, chứng nhận. Nó vừa hoàn toàn là tôi vừa có sự tồn tại ngoài tôi, trong mắt bạn. Tôi vẫn là tôi nhưng đồng thời cũng là nó. Tôi đã nhận từ bạn bản thân tôi với một cái gì khác làm cho nó trọn vẹn hơn, thực hơn. Ðối với bạn cũng vậy. Bạn vẫn là bạn, nhưng một cách trọn vẹn hơn, thực hơn. Nỗi vui đó là tôi, là bạn, vì nó là chúng ta.

Ðĩ nhiên, con người không chỉ nhìn nhau trong niềm vui. Thằng khốn nạn kia đã dùng tôi làm công cụ thực hiện một ý đồ của nó, không được tôi chấp thuận. Tôi căm thù nhìn nó. Trong mắt nó có một con vật biết nói : tôi. Trong mắt tôi có sự đểu giả của con người : nó. Bắn nó một phát, tôi chiếm lại tôi : một con người, và trả lại cho nó sự đểu giả đã thấm vào hồn tôi : nó. Vì thế con người có thể giết nhau, không chỉ vì miếng ăn. Trong đời người, hiếm có ai chưa từng muốn giết một người.

Trong một đời người, thỉnh thoảng cũng có giây phút thần tiên. Liếc mắt nhìn trộm người yêu, gặp một ánh mắt, bỗng nhiên say đắm, ngơ ngất.

Một sự đắm đuối kỳ lạ. Một cơn ngất xỉu kỳ lạ.

Không nghẹt thở, hoàn toàn tỉnh táo mà không nhìn, không nghe thấy gì nữa, không biết trời biết trăng gì nữa, chỉ cảm thật rõ, thật mãnh liệt : ta là tất cả đối với em. Giây phút em trao lại cho ta chính bản thân ta, một cách trọn vẹn tới mức chính ta cũng có thể yêu ta được, là giây phút ta lại là ta[8] xuyên qua tình yêu của người khác. Nó chỉ có được khi tình yêu đó tuyệt đối, vô điều kiện, vô lý lẽ : biểu hiện của một sự lựa chọn tự do, của một con người. (Chẳng mấy ai thích được yêu vì mình đẹp, vì mình thông minh, giàu sang, duyên dáng v.v.). Nó chỉ có được khi ta cảm thấy ta được yêu vì ta là ta. Cái niết bàn trong đó ta chỉ là ta mà là tất cả, ta là tất cả mà vẫn được là ta, chỉ có người yêu mới cho nhau được. Ðã nếm mùi, không sao quên được, cứ muốn em đừng bao giờ chớp mắt. Em ngoảnh mặt đi, ta lại chỉ còn là ta, ta chăng còn làgì nữa :

Regarde-moi, ne cesse pas un instant de me regarder : le monde est devenu aveugle ; si tu détournais la tête, j'aurais peur de m'anéantir[9].
Nhìn sự vật, nhìn mình, nhìn người, nhìn nhau gắn bó với nhau trong những quan hệ phức tạp. Có khi nhìn sự vật là tìm người, nhìn người là tìm mình, nhìn mình là tìm người, nhìn nhau như nhìn sự vật...

Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa ?
Buồn trông ngọn nước mới xa
Hoa trôi man mác biết là về đâu ?

Buồn trông ngọn cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một mầu xanh xanh


Nỗi buồn thấm vào cảnh vật ấy, chính là ta. Cái ta không trọn vẹn. Cái ta mơ hồ vì thiếu một người khác. Hai câu hỏi kia, dĩ nhiên, không phải câu hỏi thật. Thuyền của ai, hoa trôi về đâu, cả tác giả lẫn độc giả đều không cần biết. Chức năng thật của chúng là biến tâm hồn ta thành một câu hỏi. Ta là ai, là gì ? Không là gì cả. Là một câu hỏi không có giải đáp trong tự nhiên. Là nỗi cô đơn vô phương cứu chữa. Là sự thiếu hụt miên man. Là một tín hiệu thấp thoáng đằng xa, là mầu xanh xanh kỳ ảo giữa đất trời. Là sự hẫng hụt, thiếu thốn, sự khao khát được yêu. Thử bỏ hai câu hỏi ấy đi, nỗi buồn kia nhạt nhẽo vô cùng. Thật ra, bỗng nhiên, hồn ta, câu hỏi, nỗi buồn đã thành một. Nguyễn Du đã khiến ta tự biến mình thành một câu hỏi vu vơ, man mác buồn. Một cách hồn nhiên. Vì sao ? Vì lúc đầu, sự vật là sự vật, người là người, không lẫn lộn, không nhập nhằng. Rồi cảnh vật tiếp tục hiện lên trong mắt ta. Quá trình đó đồng thời là quá trình lòng người lenvào cảnh vật, qua những câu hỏi vu vơ, không cần trả lời, nhẹ nhàng lướt qua, nửa thực nửa ảo (thấp thoáng, xa xa), rồi thấm vào cảnh vật (man mác), xóa nhòa biên giới giữa khách quan, chủ quan, đến nỗi cuối cùngngọn cỏ rầu rầu cũng thấy tự nhiên (!) và mầu xanh xanh kia như vừa là mầu của trời đất, vừa là sắc thái của một tâm hồn.

Dĩ nhiên, đây là một hình thái quan hệ giữa người với thiên nhiên, ai cũng đã từng nghiệm sinh. Nhưng ta cũng thừa biết trong đời làm gì có chuyện tình cảm thấm vào sự vật. Chính cảnh vật kia cũng chẳng thực tí nào. Cảnh vật là cảnh vật, văn là văn. Tác giả đã dùng ngôn ngữ khơi (sáng tạo) một cảnh vật ảo, dùng nó làm một nhịp cầu thật giữa người viết và người đọc, chuyền cho nhau điều chỉ có thể có trong con người : nỗi buồn. Ðiều đó có thể làm được vì ngôn ngữ là quan hệ giữa người với người xuyên qua tự nhiên và lịch sử, xuyên qua tiếng nói : thế giới này, thân phận này, nỗi buồn này, là Nguyễn Du, là ta, vì chúng là ...tiếng Việt. Với bút pháp kia, cái mà Nguyễn Du xóa được, không phải là ranh giới giữa chủ quan và khách quan (làm sao xóa được !), mà là sự cách biệt giữa hai con người, người viết và người đọc. Ông đã làm nỗi buồn của ông thấm vào hồn người đọc. Nhịp cầu ông tạo ra không là gì khác hơn quá trình đọc của ta. Quá trình đó vừa khoa học nên dễ chấp nhận, vừa nhân bản nên dễ cảm.

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một mầu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai ?

Sự nhìn nhau hẫng hụt ấy cũng kết thúc bằng một mầu xanh xanh kỳ ảo và một câu hỏi. Dĩ nhiên, cũng không phải câu hỏi thật. Ai điên mà tìm cách đo lường độ buồn của nhau ! Sự nhìn nhau hẫng hụt kia đột nhiên đuổi ta về ta, một câu hỏi đau điếng : chàng còn yêu ta không ? Ta còn là ta không ? Một câu hỏi chỉ có câu trả lời nếu chúng ta lại được nhìn nhau. Trong khi chờ đợi chỉ thấy xanh xanh...

Nhìn người, nhìn mình, nhìn nhau. Ba thế nhìn đó nhà văn đều thể hiện được qua mọi thể hành văn : tả, bày tỏ, suy luận.

Tả là dùng ngôn ngữ để thuật lại những gì mắt có thể thấy, tai có thể nghe : một sự vật, một sự kiện, một dáng người, một hành động, một lời nói. Tả tình cảm, ý nghĩ ắt vô duyên. Nếu muốn hiện thực, hay nhất là gửi cho "độc giả" một tấm hình, một băng ghi âm, một cuộn phim. Ngay thế cũng không đảm bảo nổi tính khách quan : dù muốn dù không, người chụp hình đã chọn một góc độ, một cái khung, đã phần nào xuyên tạc "sự thực".

Như ta đã thấy, khi nhà văn tả sự vật, mục đích không phải là sao chụp hiện thực gửi cho ta, mà là dẫn dắt ta tái tạo cảnh vật theo lối nhìn của mình. Và điều kiện thực hiện là tôn trọng tự do của ta. Do đó, áp đặt nhân tính của mình vào cảnh vật trong tả cảnh là điều tối kỵ. Ðó là lối hành văn của thời ấu trĩ : cái cầu bước qua sông, con đường chạy ngoằn nghèo trên sườn núi... Trên đời này làm gì có một cái cầu biết đi, biết bước, một con đường biết chạy. Phải viết làm sao ta thấy hết sự thèm muốn, sự cố gắng của con người để qua sông. Lúc đó, cái cầu biến thành một bước đi của con người trong trời đất. Lúc đó, chẳng cần nói nó cũng bước qua sông.

Trong tiểu thuyết Người và dã thú có nhiều trang tác giả tả một con hổ với đầy đủ tư cách, tình cảm, suy nghĩ của một con người. Vẫn biết là ngụ ngôn mà đọc vẫn cứ khó chịu, muốn lướt cho qua. Mãi tới cuối truyện tôi mới hiểu : nhân tính của nhân vật không do tôi, độc giả, tái tạo. Nó do sự di truyền của ông tổ : người hay vượn. Tác giả hiểu rõ điều đó nên có thể khoác nhân tính hay thú tính cho nhân vật của mình. Kể cả một con hổ, vì nó được một con người nuôi nấng, đó là nguồn gốc của nó. Là sản phẩm của người, tự nó đã là người. Như vậy, ta, độc giả, đã thành thừa. Khi ta thấy ta thừa thì ta ... cút. Còn lại một tập giấy lem nhem mực, giá thành, giá bán, tỷ lệ lời lỗ, nhà xuất bản tính toán phân minh, khoa học.

Tả sự kiện trong thế giới tự nhiên cũng vậy.

Tả người khó ở chỗ tả cho ra hồn. Một câu như Nàng là một cô gái đẹp và hiền lành chẳng khiến người đọc thấy nàng đẹp và hiền lành. Anh nói vậy, tôi biết vậy, thế thôi. Tác giả khoác nhận xét của mình vào nhân vật không thể tạo nhân tính cho nó, chỉ bày tỏ tình cảm, suy nghĩ của mình. Tình cảm, suy nghĩ đó chẳng thể áp đặt vào độc giả. (Cái) đẹp, (cái) hiền lành kia không phải là một thuộc tính của một động vật. Không thể thể hiện nó qua hình thù, nét mặt, so sánh...

Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh


Dù ta thích những khuôn mặt tròn trĩnh ta cũng không thấy Vân đẹp. Mấy câu thơ kia chỉ nói lên học thức kinh điển của Nguyễn Du, không tạo một vẻ đẹp đặc biệt nào.

Vẻ đẹp, vẻ hiền lành của nhân vật chỉ có thể nở trong ta qua quá trình hình thành của nó. Quá trình đó có thể có sự cấu tạo hình hài và cũng có thể không cần tới sự cấu tạo đó. Trong truyện Những người thợ xẻcủa Nguyễn Huy Thiệp có một nhân vật nữ, chị Thục, không có nét mặt mà vẫn rất đẹp. Quá trình đó gồm toàn bộ những nhân tố hình thành một thân phận : hình hài, hoàn cảnh, lời nói, hành động, quan hệ với những nhân vật khác... Những nhân tố ấy đều có thể tả được. Quá trình đó, chính là quá trình đọc của độc giả. Chính độc giả phải tái tạo vẻ đẹp, tâm hồn hiền lành kia qua quá trình cấu tạo lại nhân vật, dưới sự hướng dẫn của tác giả. Trò chơi này không có phương pháp, nhưng có một luật chơi : tác giả không được áp đặt quan điểm của mình, không được bắt ta thấy nàng đẹp khi bản thân ta chưa tái tạo vẻ đẹp ấy. Khi ta đã tái tạo nó, chữ đẹp thành thừa.

Tả hành động là tả sự hoà nhập của con người vào vũ trụ, vào loài người. Bằng hành động, con người chiếm hữu vũ trụ, khắc vào thiên nhiên giấc mộng của mình, xâm nhập vào người khác. Hành động vô cùng thuận lợi cho nghệ thuật viết văn : nó có hình thái rõ ràng, có thể tả được. Ðồng thời nó là ký hiệu của một con ngưòi trong một hoàn cảnh. Nó là hồn người đang đọng lại trong không gian và thời gian. Một cái tát, một cái hôn, có thể nói lên cả một kiếp người. Hành động là tiếng nói không lời của nhân vật. Trong Ngoại tìnhcó một cảnh cắn và một cảnh tát đẹp, chẳng cần giải thích dài dòng, đọc tới, thấm ngay. Trong Ngoài khơi miền đất hứa có một cảnh hôn thật khôi hài, cay đắng. Trong Bên kia bờ ảo vọng cảnh Nguyên đưa tờ giấy ly khai cho vợ, bình thản thở khói thuốc, bất ngờ và đẹp vô cùng : nó là lời tự nguyện làm người.

Dĩ nhiên, một hành động, tự nó, không có ý nghĩa. Ý nghĩa của nó đã được chuẩn bị, bố trí qua quá trình dẫn tới nó. Nhưng nó chẳng bao giờ là kết quả máy móc của quá trình đó. Giây phút nhập cuộc là giây phút con người chọn tương lai của mình và đồng loại, tự tạo định mệnh, tự tạo nhân cách. Hành động là một sự lột xác đột ngột, sáng tạo một hồn người. Nó là biểu hiện của nhân cách, của tự do. Nghệ thuật tả hành động không chỉ ở quá trình thai nghén nó. Còn là nghệ thuật biểu hiện tự do, nhân cách của con người qua một sự kiện. Trong Les misérables[10], khi Javert đưa súng lên đầu, có một thế giới sụp đổ, có một thân người gục xuống, có một hồn người vươn lên.

Tả lời nói, đối thoại là lãnh vực khó nhất trong nghệ thuật hành văn. Nó vướng tất cả những khó khăn của các thể loại trên, vì lời nói cũng là sự kiện, là hành động. Nhưng nó là hành động trong thế giới của tâm hồn. Lời nói là sự phát triển vô hình, vô sắc, của một tâm hồn đọng lại trong ngôn ngữ. Sự phát triển thầm kín, hoàn toàn riêng tư đó lại phải thể hiện qua một công cụ hoàn toàn công khai, thô thiển : lời nói bình thường trong cuộc sống. Do đó, trong văn, lời nói phải nói được cái muốn nói và đồng thời khơi được cái không thểtả được qua định nghĩa của từ ngữ trong từ điển : một hồn người.

Vở kịch Hồn Trương Ba da Hàng thịt chấm dứt bằng hai tiếng không. Chữ không ta dùng hàng ngày, hơn cơm bữa, lắm khi nó chẳng còn nghĩa lý. Thế mà đọc tới đó cứ lặng người : nó đã thể hiện được cả một kiếp người, một thân phận, một khát vọng, một ý chí, một nỗi đau. Nó là một kiếp đàn bà, suốt đời quanh quẩn giữa miếng ăn và ông chồng thô bạo, đột nhiên đòi tình yêu, đòi làm người. Nó là tiếng chào đời của một nhân cách.

Cuộc đối thoại giữa Mai và Hương trong Ngoài khơi miền đất hứa cũng đẹp như vậy. Nó không chỉ là lời an ủi bạn phải bán trinh để cứu mẹ (điều muốn nói). Nó còn là niềm kiêu hãnh, chí làm người trong một hoàn cảnh chó má.

Ngoài việc tả sự vật, sự kiện, nhân vật, hành động, lời nói, có khi nhà văn phải bày tỏ tình cảm. Ðiều này cần mỗi khi nghệ thuật tả không đủ sức nói cạn tình cảm. Nếu chỉ có nhu cầu nói lên tấm lòng mình, nên viết một bài ta thán, không nên viết truyện. Bày tỏ tình cảm chỉ xuôi tai khi nó bày tỏ tình cảm của nhân vật. Nhưng nhân vật lại do độc giả tái tạo. Bày tỏ tình cảm của nhân vật chỉ thành công khi tình cảm đó đã nhen nhóm trong lòng người đọc, sẵn sàng bộc lộ qua ngôn ngữ. Ðây là phương pháp tế nhị, khó khăn, nguy hiểm, khó dùng đạt.

Có những vấn đề, chỉ tả, chỉ bày tỏ tình cảm, không thể nói cạn. Ðó là những suy nghĩ vô tận của con người trước cuộc sống. Muốn nói thẳng ý nghĩ của mình cho người khác, nên viết một bài nghị luận, hay một bài suy nghĩ vẩn vơ như bài này. Trình bầy suy nghĩ trong truyện là trình bầy suy nghĩ của nhân vật, trong hoàn cảnh của nó, qua quá trình hình thành nó. Nhưng ở đây cũng vậy, hoàn cảnh đó, quá trình đó cũng do độc giả tái tạo. Những suy nghĩ đó chỉ xuôi óc khi nó đã bước đầu là suy nghĩ của bản thân người đọc hay, ít nhất, khi người đọc đã thấm nhân vật tới mức thấy : trong hoàn cảnh ấy, đương nhiên phải nghĩ vậy. Và, một lần nữa, để được vậy, nhà văn phải tôn trọng nhân cách tự do của người đọc. Ðây cũng là phương pháp tế nhị, khó khăn, nguy hiểm, khó dùng đạt.

Trong Gặp gỡ cuối năm, (nhân vật của) Nguyễn Khải nói :

Mấy chục năm qua, tự xét mình, tôi thuộc về sức đẩy, chứ không thuộc về sức cản nhưng cũng chỉ như thế thôi, chẳng là cái gì cả trong cái dòng chẩy ồ ạt, vĩnh viễn của Lịch Sử !

Lịch sử chẩy về đâu ? Ai khiến nó chẩy ? Ta không biết, nhưng thấy lâu lâu Nó lại xuất hiện để bảo lãnh cho nhân vật.

Ðằng sau tay nghề vững vàng của tác giả, ta đã nhận diện quá rõ một nhân sinh quan biến con người thành công cụ đơn thuần của một khái niệm, thành một con vật biết nói. Ngay tình cảm khiêm tốn kia cũng làm ta dửng dưng. Nó là sự an phận của kẻ đã vĩnh viễn (?) chấp nhận. Hoặc nó là sự khiêm tốn giả tạo của kẻ ngạo mạn : ta là (một bộ phận) của sự thật vĩnh viễn, của Sự Thật. Ðây không phải chuyện người. Ðây là kinh thánh. Ai thích thì tụng. Ai không thích, tắt đèn, đi ngủ. Ai đã bắt đầu lý sự như tôi đang lý sự là đã bước ra ngoài thế giới văn chương. (Thú thực, vừa chuẩn bị bước vào đã văng ra).

Dĩ nhiên, tác giả hoàn toàn có quyền có quan điểm đó về lịch sử. Trong đời, không thiếu người có quan điểm đó. Nhân tính của quan điểm đó chỉ ở chỗ đó. Vấn đề không phải nó đúng hay sai. Ðiều đó nhường các nhà triết học tranh luận. Vấn đề là làm sao, qua quá trình hình thành nhân vật phát biểu ý đó, ta cảm nhận những ước ao, khao khát, ý chí làm người đã dẫn nhân vật tới quan điểm đó, sẵn sàng sống chết vì nó. Nhưng nhân vật của Nguyễn Khải, chưa thành hình đã thủ sẵn bảo bối đó trong mình. Nó là Samson ra đời với bộ tóc không dao nào cắt được. Nó không phải là nhân vật tiểu thuyết. Nó là khái niệm ngụy trang tiểu thuyết, là một tuồng minh họa vô vị. Ðọc Tuyên ngôn Ðảng Cộng sản thú vị hơn nhiều.

Cũng đề tài đó, dù chính kiến của ta khác chính kiến của tác giả, truyện Le zéro et l'infini[11]vẫn làm ta quên ăn, mất ngủ. Trong truyện Vie et Destin[12] của Vassili Grossman có cảnh một người lính bị bắn, lúc tỉnh dậy, thu sức tàn lết về đơn vị đã bắn mình để được chết cạnh bè bạn, đồng chí. Ðọc tới, không thể không miên man thổn thức. Có những lúc, sống, chết vì lý tưởng đều là sự bế tắc không cùng.

Tới đây ta có thể đề cập tới một vấn đề trọng yếu trong văn chương, vấn đề sự thật. Nhìn sự thật trong văn chương là nhìn cái gì ? tìm cái gì ?

Rõ ràng sự thật trong văn chương không phải sự thật về sự vật. Ðó là đối tượng của khoa học, công việc của nhà khoa học. Nó cũng không phải sự thật về sự kiện. Ðó là đối tượng điều tra của phóng viên, đối tượng phân tích của sử học, công việc của nhà báo, của sử gia. Nó là sự thật của con người. Ðó là mục đích, cạm bẫy nguy hiểm nhất đối với nhà văn.

Sự thật của con người ở đâu ? Chắc chắn không thể ở ngoài nó : ta sẽ thấy được, đo được, tả được. Chắc chắn cũng không ở trong thân xác nó : xẻ thân, bửa óc nó, chỉ có xương, thịt, máu... Nó ở trong quan hệ giữa con người với trời đất, với đồng loại, ở trong ánh mắt nhìn đời của mỗi con người. Cái nhìn đó, như ta đã thấy, (là) tự do, (là) sáng tạo giá trị, sáng tạo nhân tính trong trời đất, trong hồn người. Sự sáng tạo ấy tự do nên con người có thể sáng tạo những giá trị đẹp và xấu. Sự thật của một thời đại gồm toàn bộ những giá trị đó. Ðộ nhân của một nền văn minh ở mức độ đảm bảo cho mọi người, một cách bình đẳng, quyền tự do sáng tạo giá trị. Ðộ phong phú, chiều sâu của một nền văn học cũng từ đó mà ra.

Trong nghĩa đó, con người là sự thật khốn nạn duy nhất của vũ trụ. Rừng núi, cỏ cây, trăng sao, không có sự thật. Chúng có thực, tồn tại và vận động theo những quy luật khách quan của thế giới tự nhiên. Về mặt đó, thân xác của ta cũng vậy. (Cái) tốt, (cái) xấu không có thực : nó là giá trị, là sáng tác tự do của con người, nó thật đối với con người trong một thời đại. Nhưng nó không thể là sự thật về hồn người. Hồn người đã không có, làm sao có được sự thật về hồn người. Bi kịch, sự thật đau đớn của con người ở đó : nó là nền tảng của mọi giá trị, mọi sự thật trong đời, nhưng trong bản thân nó không có sự thật. Tóm lại, nhân tính (là) tự do, (là) sáng tạo, (là) tự do sáng tạo. Nếu con người không tự do, bàn luận về sự thật là chuyện vớ vẩn. Con người, tự do, sáng tạo, đồng nghĩa.

Các bậc thầy văn chương thường khuyên nhủ đồ đệ : chớ giải thích, chớ gán tình cảm của mình vào nhân vật, chớ nhét lý luận của mình vào mồm nhân vật, phải tôn trọng nhân vật. Những lời xác đáng đó thật khôi hài, khó hiểu. Tôn trọng một nhân vật sinh ra từ ngòi bút của mình, chưa thành hình đã biến dạng, là tôn trọng cái gì ? Tôn trọng ai ? Tôn trọng người đọc.

Ðó là nguyên tắc không thể chà đạp, là cốt lõi của văn chương : tôn trọng nhân cách tự do của người đọc, nhìn nhận người đọc, cũng như người viết, là nền tảng, là tác giả của mọi giá trị trên đời, đẹp cũng như xấu. Trên cơ sở đó, hoàn lại cho văn chương chức năng muôn thủa của nó : vẫy gọi nhau cùng làm người, cùng tái tạo nhân giới, cùng sáng tạo giá trị cho thời đại mình.

Trần Đạo



[1] Chỉ vắng bóng một người đã chẳng còn ai. Lamartine, Le Lac

[2] Tự do, chính là khắc khoải lựa chọn. J.P.Sartre, L'Être et le Néant.

[3] theo trí nhớ

[4] Marx, Phê phán Kinh tế chính trị học.

[5] Hỡi con người hữu hạn, ta đẹp như mộng đá. Baudelaire

[6] Chịu thua, phải là nhà thơ mới dịch được. Mallarmé.

[7] Con người là một khát vọng hão. Sartre, l'Être et le Néant

[8] Tố Hữu

[9] Hãy nhìn anh, xin đừng bao giờ ngoảnh mặt : thế giới đã mù lòa ; nếu em ngước mắt đi, anh sợ bị tiêu vong. J.P.Sartre, Le Diable et le Bon Dieu. Ác quỷ và Thiên thần.

[10] Những kẻ bần cùng. Victor Hugo.

[11] Số không và vô tận.

[12] Cuộc sống và Ðịnh mệnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét