Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

VỀ HAI “ỨNG CỬ VIÊN GIẢI NOBEl” CHO VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM


(Kính tặng hương hồn anh trai Nguyễn Huy Sơn
và các liệt sĩ!
Trong một cuộc phỏng vấn trường kỳ với tiêu đề “Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp "trong mắt" một nhà báo... 8X” trên Vietimes của tác giả trẻ Xuân Anh, một Thạc sĩ Luật, trong mục: “Giải Nobel văn chương: Nhà văn Việt Nam nào sẽ nhận?” (Thứ ba, 18/12/2007, 08:34 GMT+7) có đoạn:
“- PV: Xin hỏi thật anh: Trong muôn vàn những giấc mơ, có bao giờ anh mơ thấy mình chạm tay vào giải thưởng Nobel không?
- Tôi đã nói nhiều lần rồi. Cá nhân không thể quyết định được. Đứng đằng sau đó còn có cả một cộng đồng. Ví dụ như ở Nhật, sau người đoạt giải Nobel là cả dân tộc Nhật, cả nền kinh tế Nhật. Đi ra nước ngoài mới thấy chuyện lăng xê nó quan trọng, lợi hại như thế nào! Ở mình không biết cách làm thế. Tôi thấy người Việt Nam mình hay ghen tị, đố kỵ với  nhau…
- PV: Cứ thử viển vông một chút nhé. Theo anh, một cách rất khách quan nhất, thì ai trong số các nhà văn Việt Nam có khả năng đoạt giải Nobel?
- Đương nhiên phải là Nguyễn Huy Thiệp rồi (cười).
- PV: Theo tôi, một cách khách quan như dư luận đánh giá, thì quyển Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh nếu có thể, sẽ là tiểu thuyết khả năng đạt giải Nobel cao hơn cả.
- Cuốn sách đó chỉ có giá trị vào thời điểm chiến tranh mới kết thúc. Giá trị văn học còn hạn chế. Nhưng dù sao cuốn đó có lẽ là cuốn viết xuất sắc nhất về chiến tranh. Nhưng để đi xa hơn nữa như giải thưởng quốc tế, có lẽ cuốn đó chưa đủ tầm. Xét về mặt bằng chung của thế giới thì cuốn đó chỉ ở vị trí trung bình thôi.
- PV: Thế theo anh, người đứng thứ hai có khả năng đạt giải Nobel là ai?
- Tôi đã nói rồi. Đừng có ảo tưởng về chuyện Nobel.
- PV: Thì cứ thử ảo tưởng đi. Cũng phải có nhà văn nào đó chứ?
- Những nhà văn đáng kể, phải sờ được đến bản chất xã hội, có khả năng và đủ trình độ văn hóa, lối sống để làm điều đó. Và điều đó không dễ chút nào. Theo tôi thì chưa có. Tôi cũng chưa làm được điều ấy. Tôi cũng chỉ lờ mờ nhìn thấy nó, nhưng đi được đến đó thì nhọc lắm, mất nhiều công sức lắm. Tôi già rồi…
Một nhà văn Việt Nam duy nhất có đến 14 cuốn sách được in bên Pháp, 1 cuốn ở Thụy Điển, 3 cuốn bên Ý…, còn được thưởng Huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp nữa thì chuyện tự tin cho mình xứng đáng nhất ở Việt Nam nhận Nobel văn chương cũng có cơ sở. Ông cũng cho rằng mình không được giải Nobel vì nước mình còn nghèo và “người Việt Nam mình hay ghen tị, đố kỵ với nhau” nên đã “không biết cách lăng xê” mình. 
Nhưng sao Nguyễn Huy Thiệp cũng còn băn khoăn, tự thấy “Tôi cũng chưa làm được điều ấy”?
          Để thử trả lời câu hỏi trên và cái gì làm cho người tự tin đến kiêu ngạo như Nguyễn Huy Thiệp cũng tự biết còn chưa xứng nên tôi viết bài này, về văn của hai nhân vật được đề cử giải Nobel trong bài phỏng vấn nói trên: Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh.
Khi ngồi trước bàn phím bắt đầu viết tôi có cảm giác như phải lội ngược cả một dòng thác lũ! Bởi tôi sẽ nói ngược với ý kiến của nhiều người. Nhưng tại sao tôi lại phải cực khổ thế? Mọi cái đã an bài, tiếng người ta đã có, tiền người ta đã gom, mà tôi cũng chẳng là cái gì để phải có nhiệm vụ bảo vệ cái này hay cái kia như người ta thường suy diễn. Nhưng khổ nỗi tôi vẫn còn cái đầu biết đúng sai, tốt xấu, và văn chương nghệ thuật là chuyện của muôn đời đâu phải một sớm một chiều đã ngã ngũ được!
          Trước hết, với tôi câu trả lời cho câu “Bao giờ ta có giải Nobel?” thật dễ, bao giờ ở ta nền khoa học công nghệ không còn phải mua knowhow, nền kinh tế nước ta là nền kinh tế tri thức, tức sản xuất ra được hàng hóa tri thức (knowhow), và nói một cách dân dã hơn, bao giờ cầu thủ Công Vinh, Văn Quyến ra sân chạy nhanh bằng hai Ronaldo của Bồ Đào Nha và Braxin thì nước ta sẽ có hy vọng được giải Nobel. Tôi không nói bừa mà dựa trên nguyên lý triết học: vật chất quyết định ý thức. Làm sao có ý thức cao được khi ta sống trong một nền sản xuất nói riêng và cuộc sống nói chung còn thấp. Có thể có ngoại lệ nhưng ít, ví dụ số giải Nobel nói chung của nước Mỹ chỉ trong một năm cũng hơn toàn bộ số giải Nobel của cả châu Phi đã có cộng lại.
           Về Nguyễn Huy Thiệp, phải công nhận văn Nguyễn Huy Thiệp là một trong số rất ít tôi thích đọc nhất. Nhưng tôi lại phân cái thái độ đối với văn chương ra làm 3 loại: thích, yêu quý, kính phục. Văn chương kính phục là văn chương có tư tưởng lớn, bút lực cao cường (như của một số tác giả đoạt giải Nobel và nổi tiếng thế giới), còn thích là văn chương giải trí. Văn Nguyễn Huy Thiệp gọn, tiết tấu nhanh; có nhiều chi tiết nghịch dị nên tạo được ấn tượng mạnh; nhiều chất tếu táo nên đọc thấy vui; và cuối cùng, văn Nguyễn Huy Thiệp giàu chất thâm nho dân dã cũng khiến người đọc ngẫm nghĩ. Nhưng văn Nguyễn Huy Thiệp không thể được Nobel vì không chứa đựng nội dung cũng như tư tưởng lớn.
Nhưng thế nào là lớn? Không gì tiện bằng lấy văn chương của các nhà văn lớn làm ví dụ, như truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O’Henry, một nhà văn mà người Mỹ đã dùng tên đặt cho một giải thưởng truyện ngắn uy tín nhất của họ. Truyện kể về một họa sĩ già thất bại, chỉ ao uớc để lại cho đời một kiệt tác, đã bị cảm lạnh chết vì trong một đêm giông bão ông đã vẽ một chiếc lá thường xuân lên tường để nâng đỡ tinh thần một cô họa sĩ trẻ bị bệnh nặng, với ảo giác, cô sẽ chết khi chiếc lá cuối cùng rụng xuống. Một truyện ngắn trong suốt, lấp lánh, ý tứ rõ ràng, không một ai không hiểu, chiếc lá trên tường chính là một họa phẩm vĩ đại của người họa sĩ già về sự hy sinh cao cả và lòng nhân ái vô bờ của con người. G. G. Macket, một nhà văn mà một tờ báo từng chọn ông đoạt giải Nobel trong số những người đã lĩnh giải Nobel, cả sự nghiệp văn chương của ông dường như đều thể hiện mọi khía cạnh của cái cô đơn, với sự cảnh tỉnh rằng, nếu có một nạn nhân cô đơn đối diện với cái ác và bị giết do sự thờ ơ của đồng loại (Ký sự về một cái chết được báo trước), một dòng họ bị tuyệt diệt bởi loạn luân, vì sống cô lập với thế giới bên ngoài (Trăm năm cô đơn), thì cái cô đơn cũng có thể làm tàn lụi cả một đất nước, một lục địa, và kể cả loài người; Ph. M. Đôxtôiepxki, một nhà văn mà khi chết sinh viên đã tự xiềng tay đi sau quan tài ông, người tưởng chừng đã dùng lăng kính văn chương cực mạnh của mình soi rọi cái ác, phân tích cái ác tỉ mỉ như người ta phân tích ánh sáng ra thành từng tần số một vậy. Ngay Chế Lan Viên chỉ vài câu thơ giản dị thôi, nhưng đã thể hiện được cái biến động, chuyển dịch rất phổ biến của cuộc sống loài người đầy giông bão và ông đã nói lên một cách tài tình cái tâm trạng, tình cảm của con người đối với những vùng đất mà ta đã sống: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn).
Còn Văn Nguyễn Huy Thiệp? Trước hết ta hãy xem thử những lời ca ngợi của một số người xem chúng có phải là những phẩm chất đủ lớn để được giải Nobel không?
Phạm Xuân Nguyên trong Lời giới thiệu cuốn “Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp” (NXB Văn hóa - Thông tin, H., 2001) đã đánh giá: “Hiện tượng NHT”- đó là thành quả của đổi mới” (tr.5, Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp)! Hoàng Ngọc Hiến trong bài Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió, ngoài việc phát hiện trong văn Nguyễn Huy Thiệp có cái điều mà bất cứ văn chương của ai cũng có là “thiên tính nữ”, Hoàng Ngọc Hiến cho “truyện của Nguyễn Huy Thiệp có ý nghĩa cảnh tỉnh sâu xakhi viết về “thời kỳ hạch toán” đã “tạo ra tinh thần thực dụng… nhận chìm…mọi tình cảm vô tư chân thật” (Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, tr.11). Văn chương có dụng ý phải viết bằng lối viết dụng công, còn cách viết của Nguyễn Huy Thiệp về sự “thực dụng” là lối viết lạnh, chỉ liệt kê mô tả các tình tiết, ai nghĩ thế nào thì tùy, văn như phóng sự (theo Xuân Anh, Vietimes), không hướng đến cái gì, chính vậy đã có rất nhiều ý phê phán lối viết trần trụi dửng dưng này, còn cho Nguyễn Huy Thiệp có “tài” mà thiếu “tâm”, nên ý đồ cảnh tỉnh như Hoàng Ngọc Hiến cho là không rõ ràng. Truyện “Muối của rừng” theo Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Khải khen: “Muối của rừng, Thiệp viết rất giỏi. Hêminhuê viết Ông già và biển cả còn dài dòng. Thiệp viết cực ngắn. Đi săn, trang bị đầy đủ. Cuối cùng cởi truồng trở về. Lại còn bị lũ khỉ giễu nữa chứ”. Nếu vậy cái “giỏi” ở đây chỉ là cái “giỏi” gây cười chứ cũng không có ý tứ gì. Nguyễn Thanh Sơn khen có lý hơn “Muối của rừng” là “Bài ca trữ tình ca ngợi sức mạnh kỳ diệu của thiên lương”. Có điều, theo chữ nghĩa trong truyện, “bài ca trữ tình” ca ngợi thiên lương của con khỉ cái nhiều hơn là ca ngợi con người. Vì con khỉ cái do thương “chồng” đã kiên trì đeo bám ông thợ săn, còn ông thợ săn thả “chồng” nó phần nhiều vì “mệt lả”, vì “Hai tay con khỉ cào trên ngực ông tóe máu. Cuối cùng, ông không thể chịu nổi, ông đành tức giận ném nó xuống đất”. Nếu có thiên lương thực sự, ông thợ săn đã không bắn khi cả gia đình con khỉ vợ chồng con cái đang vui vầy. Nếu viết cho hợp lý thì lại quá ngắn, không thành truyện, còn như đã viết, “Muối của rừng” đã được Nguyễn Huy Thiệp viết bằng một sự vô lý! Với Vương Trí Nhàn thì đã đề nghị trao “quả bóng vàng” cho Nguyễn Huy Thiệp vì một số lẽ trong đó có một điều chỉ có ở văn Nguyễn Huy Thiệp là: “… nó mang tới cái chất mà lâu nay trong văn học Việt Nam hơi thiếu - chất kiêu bạc, tàn nhẫn, cay đắng”. Cái độc đáo có nhiều dạng, là vàng hay sắt còn phải do chứa đựng ý tứ cao thấp, nông sâu thế nào, còn cái chất văn mà Vương Trí Nhàn phát hiện ra kia có thể bổ sung cho Văn chương Việt phong phú hơn thôi, còn cho nó là vàng ròng thì e không có cở sở nào. Còn Nguyễn Đăng Mạnh thấy: “… nét hấp dẫn của văn Nguyễn Huy Thiệp. Một thứ ngôn ngữ táo tợn đôi khi như là đột nhiên lột truồng những ý nghĩ, những thèm khát mà con người ta vẫn thường có nhưng cứ phải che che đậy đậy” (Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, tr.459). Tôi cũng đã viết: “Nguyễn Huy Thiệp đã xé toạc cái khách sáo của con người ở chốn đông đúc để viết về cái tôi, cái lõi của tâm lý, cái tâm lý thật, cái bản năng của con người” (Biên độ của trí tưởng tượng, tr.152).
Như vậy với những lời khen của những người, tên tuổi thì nghe chừng ghê gớm nhưng nội dung thì cũng không có gì là “lớn”, và còn nhiều điều chưa thỏa đáng. Ngược lại, có nhiều người chê văn Nguyễn Huy Thiệp hơn, họ cũng là những tên tuổi uy tín, mà ý kiến của họ lại thống nhất với nhau và có lý hơn.
Nhà văn Hồ Phương cho Nguyễn Huy Thiệp có “cái nhìn xã hội thiên về đen tối”; “Về quan hệ văn - sử… Có người nói… cũng có thể có một Quang Trung trong văn học với tính cách ngược lại… đó là một kiểu ngụy biện, và… chưa hiểu biết đầy đủ về văn học” (Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, tr.452). Đỗ Văn Khang: “Đặc biệt cái tâm mà không sáng thì không thể làm văn được”(tr.242). Mai Ngữ cho Nguyễn Huy Thiệp: “đã lăng nhục cha ông, tổ tiên mình” (tr.426). Tạ ngọc Liễn với con mắt của nhà sử học có những phản bác cụ thể hơn: “Việt Nam nếu đích thực là một nước nhược tiểu… thì con cháu làm gì có được một giang sơn như ngày nay”; “Nước ta nhỏ… mà không yếu. Những cuộc phá Tống, Bình Nguyên, đuổi Minh, đánh Thanh… chẳng lẽ chưa đủ… là một xứ sở mạnh mẽ sao?”; “càng kỳ quặc hơn khi cho rằng văn hóa Việt Nam (mà biểu tượng là Nguyễn Du) chỉ là đứa con hoang của nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp đẻ ra. Tôi không nghĩ tác giả luận điểm này là người mắc bệnh tâm thần nhưng đó không phải là sự suy tưởng của một đầu óc lành mạnh” (tr.173). Tôi tuy đã khen Nguyễn Huy Thiệp khá nhiều nhưng cũng viết: “Đoạn anh nói nền văn hóa của chúng ta như đứa con hoang bởi sự cưỡng hiếp của nền văn minh Trung Hoa cũng không ổn. Vì trên thế giới có nền văn minh nào thuần khiết? Sự nhận ra đặc điểm nhược tiểu của dân tộc, để khắc phục phấn đấu đi lên cũng là một việc đúng, nhưng phê phán chê bai thì không nên” (Biên độ của trí tưởng tượng, tr.167).
Đoạn người cha trăng trối lại cho Đặng Mậu Lân (Kiếm sắc): “Tây Sơn bây giờ đang lên như thế chẻ tre, nhưng ta thấy sức chơi của bọn này bất quá chỉ như trọc phú nhà giàu, gánh vác giang sơn sao được?... Hiện Gia Định có Nguyễn Phúc Ánh là nòi vương giả, con gắng vào đấy tìm xem”. Đánh giá cao Nguyễn Ánh đồng nghĩa với sự biện hộ cho hành động Pháp có mặt tại Việt Nam. Điều này giải thích tại sao Pháp in cho Nguyễn Huy Thiệp tới 14 đầu sách và với số tiền nhuận bút anh khoe là cả 70.000 - 80.000 đô. So với giới viết lách thì quả là khủng khiếp, nhưng làm một chuyện động trời mà chỉ được vậy theo tôi còn quá ít!
Để bênh Nguyễn Huy Thiệp bôi đen lịch sử có Lại Nguyên Ân là bênh mạnh nhất, ông “dạy dỗ” nhà Sử học Tạ Ngọc Liễn rằng “đọc văn phải khác đọc sử”. Tôi cho rằng, Văn là nghệ thuật tất phải khác Sử là ghi chép. Có điều nghệ thuật chân chính, với những thủ pháp, cuốn hút người đọc hiểu biết sự thật sâu sắc hơn; còn nghệ thuật lại đi bôi đen sự thật thì là thứ nghệ thuật bậy bạ. Lại Nguyên Ân khuyên người đọc phải biết phân biệt phát ngôn của nhân vật với ý đồ tác giả. Đúng vậy, nhưng tác giả có tài có tâm sẽ viết cho người đọc phân biệt được đúng sai, như người “chơi rắn” điều khiển được lũ rắn độc, còn nhà văn dốt và ác thì viết đầu độc người đọc như người chơi rắn để rắn cắn người. Còn Nguyễn Huy Thiệp không dốt, mà sự bôi đen là chủ ý, là “thi pháp đổi mới”, nên sự bênh vực của Lại Nguyên Ân là thừa. Đặc biệt, cũng liên quan đến lịch sử, trong một lần sang Thụy Điển, khi Nguyễn Huy Thiệp tuyên bố: “Thế hệ tôi nôn mửa vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc” (Trần Đăng Khoa. Văn nghệ quân đội số 596 tháng 4/2004) đã làm nhiều người, trong đó có tôi, coi thường Nguyễn Huy Thiệp.
Ngoài ý kiến của các nhà văn, nhà sử học, sau đây là ý của các độc giả là các tướng lĩnh sau khi xem phim Tướng về hưu: “Thật là thảm hại, thật là xấu hổ, thật là đau lòng”, “Phải chăng một ông tướng nhân đức như thế mà đành thất bại thảm hại trước sự tha hóa của con người” (Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, tr.39)…
Về cái phẩm chất của tác phẩm để có thể được giải Nobel, chính Nguyễn Huy Thiệp gần như cũng không biết nó là gì nên khi được phóng viên Vietimes hỏi chỉ trả lời chung chung: “Những nhà văn đáng kể, phải sờ được đến bản chất xã hội”. Diễn tả đúng bản chất nghĩa là phản ánh trung thực cuộc sống thì mới chỉ là sự hiểu biết A, B, C thôi. Cái chính là phải biết viết gì và viết thế nào. Như tôi đã phân tích về cái lớn của văn chương ở trên, giống như những phát minh của các nhà bác học có khả năng thúc đẩy sự phát triển của cả nền văn minh, tác phẩm văn chương lớn cũng phải khám phá được cái gì đó rồi bằng chữ nghĩa dẫn người đọc tiếp cận cuộc sống ở cái chiều cao nhất, sâu nhất và rộng nhất để cảm hóa, bồi đắp nhân tâm, làm cho con người người hơn. Tôi thấy với hiện thực vô cùng phong phú của Việt Nam, mảnh đất gieo mầm Nobel rất phì nhiêu nhưng còn để hoang, để khai phá nó, quả như Nguyễn Huy Thiệp nói “sẽ nhọc lắm”. Riêng tôi, như bao người cầm bút khác, đôi lúc cũng có vẩn vơ muốn viết một tác phẩm để đời bằng tất cả khả năng và tâm huyết của mình. Đất tốt, công cụ có sẵn, nhưng tôi thấy cần phải có thời tiết tốt nữa.
Còn Nguyễn Huy Thiệp, có lẽ anh chỉ viết bằng bản năng, bằng cái “khiếu” nên đầu óc cỡ Bảo Ninh và Nguyễn Đăng Mạnh cũng phải bảo không biết thích văn Thiệp vì cái gì? Nguyễn Đăng Mạnh viết: “Đọc Nguyễn Huy Thiệp, lắm lúc cảm thấy thật sự hoang mang. Vì chẳng hiểu anh định nói gì - đúng là chủ đề không rõ ràng” (Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, tr.458). Còn Bảo Ninh, chính Nguyễn Huy Thiệp cũng cho là: “Hắn ta nhận xét kinh phết. Tinh tường và tương đối công bằng” (khi trả lời Xuân Anh trên Vietimes), nhưng tôi buồn cười và nghi ngại về khả năng tư duy của Nguyễn Huy Thiệp, vì cái “tinh tường” của Bảo Ninh lại chỉ là: “Tôi thích văn Thiệp nhưng thích cái gì thì tôi cũng chịu” (Vietimes 19/10/2007). Tôi biết Nguyễn Huy Thiệp khen Bảo Ninh vì Bảo Ninh một lần trả lời phỏng vấn: “Cái cuốn “Tuổi hai mươi yêu dấu”… Tôi chỉ biết là nó đọc được. Nếu mà cuốn tiểu thuyết dở thì vứt mẹ đi rồi” (Vietimes, Nt). Nhưng khi phóng viên nói: “một cách khách quan như dư luận đánh giá, thì quyển Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh… sẽ là tiểu thuyết khả năng đạt giải Nobel cao hơn cả” thì Nguyễn Huy Thiệp chê Bảo Ninh ngay: “Cuốn sách đó chỉ có giá trị vào thời điểm chiến tranh mới kết thúc. Giá trị văn học còn hạn chế”. Tuy đánh giá thấp như vậy nhưng anh lại cho: “Nhưng dù sao cuốn đó có lẽ là cuốn viết xuất sắc nhất về chiến tranh”, nghĩa là anh đã cho cả nền văn học của ta chẳng đáng một xu nào. Với cái tư duy “lôm côm” như thế, ta cũng chẳng bận tâm làm gì. Có điều với trí tuệ như vậy sao Nguyễn Huy Thiệp có thể định hướng sáng tác của mình vươn tới được giải Nobel?
Nguyễn Đăng Mạnh, dù “hoang mang” nhưng là một người khá ưu ái Nguyễn Huy Thiệp nên đã kỳ công: “Đi tìm tư tưởng nghệ thuật, khuynh hướng thẩm mỹ của Nguyễn Huy Thiệp” nên đã “rất chú ý đến câu triết lý này của một nhân vật… trong Những người thợ xẻ: “Vô sự với Tạo hóa, trung thực đến đáy, dù có sống với bùn, chẳng sợ không xứng là người”; song lại tự hỏi: “Không biết Nguyễn Huy Thiệp có ý thức thế không?”. Rồi ông chứng minh: “… thế giới nhân vật của anh tự nó như là đã minh họa một cách có hệ thống cho câu triết lý trên. Thế giới nhân vật ấy nói rằng: con người sống hòa hợp với Tạo hóa, với thiên nhiên, giữ được bản chất Tạo hóa, bản chất thiên nhiên của mình, là những người tốt đẹp, thiện căn chắc chắn, nhân tính vững bền, có thể thoát khỏi tình trạng tha hóa” (Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, tr.461). Điều này chắc vì quý Nguyễn Huy Thiệp quá mà Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh tán ra thôi, tôi có thể phản bác ý này dễ dàng bằng chính văn của Nguyễn Huy Thiệp, vì Nguyễn Huy Thiệp tả những người dân quê hoặc dân chài lưới, tức những người rất “hòa hợp với thiên nhiên”, cũng bặm trợn lọc lõi chẳng khác gì những thị dân đầu đường xó chợ. Đây là ngôn ngữ bà cụ nông dân: “Các cụ toàn chim to!”; một thôn nữ trẻ: “Có mấy tay thanh niên bên Duệ Đông đứng sau chúng tôi. Một tay dí chim vào đít cái Lược” (Những bài học nông thôn); chuyện về ông giáo làng: “…biết vợ hai phong tình… ông giáo Quỳ cũng mặc, chỉ bảo: “Cô ngủ với ai thì nhớ đòi tiền, không có tiền thì lấy thóc hay lấy lợn vịt thế vào chứ đừng ngủ không” (Thương nhớ đồng quê); về một cựu binh: “Sau trận ốm, Phụng tính nết đổi khác, có lần chém người bị thương, dân làng ai cũng sợ… Phụng vẫn hay đi lại với thím Nhung và mấy bà góa nạ dòng. Vợ con Phụng hỏi: “Sao anh cứ xa lánh chúng tôi?” Phụng bảo: “Báu gì mà ở gần tao. Thịt của tao rất độc. Cắn vào tao là cắn phải bả chó” (Thương nhớ đồng quê); còn đây là những gương mặt nông dân: “Chẳng có khuôn mặt nào đáng là mặt người. Mặt nào trông cũng thú vật, đầy nhục cảm, không đểu cáng, dối trá thì cũng nhăn nhúm đau khổ”; tả nguời chài lưới: “Bọn đánh cá đêm ác lắm chị ạ”; “Họ đói và ngu muội lắm… Con người ta tăm tối lắm. Con người vô tâm nhiều như bụi bặm trên đường” (Chảy đi sông ơi).
Cách đây hơn 10 năm, còn trẻ, thiếu bản lĩnh, có phần a dua, bởi không muốn bật ra khỏi trào lưu “đổi mới”, tôi từng viết về Nguyễn Huy Thiệp có phần cả nể, hơi bốc nhưng không đến nỗi sai: “Nếu ví văn chương như một khuôn mặt thì văn chương Nguyễn Huy Thiệp như một cái nhíu mày đầy suy tư”. Bây giờ tôi vẫn thấy vậy nhưng biết cụ thể hơn, đó chỉ là những suy tư vặt, nghĩ về cái này cái kia chứ không dụng công cô đọng hoặc khai mở thành một tư tưởng nghệ thuật gì. Tôi đã nói văn Nguyễn Huy Thiệp với tôi là văn chương giải trí là vì thế, và cũng chính vì thế Bảo Ninh và Nguyễn Đăng Mạnh không biết thích văn Thiệp vì cái gì!
          Tôi gọi hiện tượng kỳ lạ “thích mà không biết vì cái gì” này là hiệu ứng “cà pháo mắm tôm”. Ai cũng biết cà pháo mắm tôm rất ít chất bổ; thậm chí các bác sĩ còn khuyên hạn chế ăn dưa mắm nói chung, vì thực phẩm lên men ủ lâu dễ sinh ra nitrozoamin, một chất gây ung thư; nhưng đa phần người Việt vẫn thích ăn. Phải chăng văn Nguyễn Huy Thiệp cũng vậy, cái nét thâm nho dân dã, têu tếu chính là cái chất “mắm tôm” của văn anh, sự thô tục là cái mùi của nó, nhưng đọc thấy vui vui, hay hay là cái vị của nó. Nguyễn Huy Thiệp hay phê phán người chê mình là cảm tính, chính Nguyễn Huy Thiệp cũng vậy. Qua việc Nguyễn Huy Thiệp chỉ thích nổi thơ Bảo Sinh, Đồng Đức Bốn, và một phần Nguyễn Duy, bởi văn chương họ có gần tần số với văn anh; rộng ra nữa thì anh cũng chỉ thích được truyện cổ của Tầu, như anh tâm sự: “Thường thường tôi vẫn đọc đi đọc lại… sáu bộ tiểu thuyết mà Trung Quốc gọi là Lục tài tử…: Hồng lâu mộng, Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Tây du kí, Kim Bình Mai, Tây sương kí”; nên anh đã không thoát ra khỏi được cái không gian mỹ học “cà pháo mắm tôm” đó. Chính vậy anh đã không cảm thụ nổi văn chương hiện đại, như chính anh thổ lộ: “PV (Xuân Anh): Anh có quan tâm tới văn học Trung Quốc hiện đại? Truyện của Giả Bình Ao, Mạc Ngôn, Cao Hành Kiện? NHT: Tôi có đọc lướt lướt thôi chứ cũng không đọc sâu. PV: Gần đây một số tác giả Nhật Bản đang rất thịnh hành ở Việt Nam như Haruki Murakami, Banana Yoshimot. Anh có quan tâm không? NHT: Cũng nể nhưng tôi không thích lắm. Văn hóa Nhật theo tôi là một văn hóa rất đặc biệt, không dễ học. Tôi chỉ thích những gì mà tôi có thể xâm nhập, tiêu hóa và học được. Còn những thứ hơi trái với tôi thì tôi cũng biết nó hay, cũng kính nể nhưng không để tâm” (Vietimes, 19-10-2007). Chỉ sau khi đi Mỹ, anh đã ngợp trước lối sống hiện đại, nên anh đã sửa đổi cách sống, nhưng sửa những gì đã thành tính cách, thành “gu” rồi thì thật khó!
Chi viết với những gì có, không tự đào tạo, điều này giải thích chuyện Nguyễn Huy Thiệp nhanh hết vốn. Và chính cái “gu” của anh đã làm văn phong anh rất cũ, nó chính là văn của truyện Tàu và một phần của Vũ Trọng Phụng, anh cũng còn “cop” luôn một vài đoạn văn của ông nữa (Hạnh trong Huyền thoại phố phường tấn công bà Thiều rất giống cảnh Xuân tóc đỏ tấn công bà Phó Đoan trong Số đỏ; cảnh biểu quyết bố chết trong Không có vua rất giống cảnh thuê bác sĩ về chữa để cho bố mình chết của cụ cố Hồng). Nên ngoài nội dung “không có gì” hình thức của văn anh cũng “không có gì” luôn. Vậy làm sao ta có thể mang “cà pháo mắm tôm” đi đấu với cao lương mỹ vị của thiên hạ được đây?  
Việc anh tự cho văn mình là nhất Việt Nam cũng chủ quan. Với nhiều người, văn họ đọc khó vào hơn văn anh do nó không có cái độc đáo của “hương vị mắm tôm” kia. Họ không có những câu như anh đã viết ra, cốt chỉ để thêm gia vị, bất chấp ý nghĩa, kiểu như: “Đàn bà không có thơ đâu… Thơ phải cao cả. Mỗi tháng các bà hành kinh một lần thì cao cả gì”; họ không tả nhân vật thế này: “Lão già bị liệt, hai chân teo lại, lông chân như lông lợn”; “Tôi rùng mình vì trông thấy khuôn mặt ông ta: mặt đen và tái như da ở bìu dái, lông mày rậm, răng vẩu mà vàng như răng chó”, v.v… nhiều người bảo đọc thấy tởm, còn tôi thì thấy buồn cười thôi! Nhưng văn họ bao quát hơn, thậm chí còn tiếp cận những vấn đề, những lĩnh vực ngoài tầm với của trí tuệ Nguyễn Huy Thiệp. Tôi đọc các sáng tác không nhiều, gặp đâu nói đó nhưng cũng dễ dàng chỉ ra những tác phẩm mà nếu đánh giá công bằng toàn diện ở mọi góc độ, văn Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh không thể sánh được. Như bộ “Ông cố vấn” của Hữu Mai thật đáng nể, để xây nên được bao tuyến nhân vật ta, địch như ông thật khó, ông đã khám phá tường tận cái trận tuyến thầm lặng, lĩnh vực tình báo, một yếu tố vô cùng độc đáo làm nên chiến thắng của Việt Nam. Gần đây có tác giả còn “trẻ” về văn dù đã khá tuổi là Nguyễn Trung, cựu đại sứ, nguyên trợ lý thủ tướng Võ Văn Kiệt, đã viết bộ Dòng đời. Có thể nhiều người do cái thành kiến rất sai lạc, cho ông là nhà chính trị nên tác phẩm ít chất văn, nhưng để viết Dòng đời, đòi đỏi nhà văn không chỉ có khiếu văn mà còn phải có trí tuệ và vốn sống ghê ghớm. Tôi đã viết: “Bộ Dòng đời đã tái hiện một thực tiễn vô cùng phức tạp của đất nước…, khi cái vết chém nơi sông Bến Hải đã liền trên cơ thể Tổ quốc nhưng mãi không liền sẹo trong lòng khá nhiều người chế độ cũ; những khó khăn chồng chất khi vừa trải qua cuộc chiến;…”. Có lẽ chưa có tác phẩm văn chương Việt Nam nào có sức bao quát đến thế. Nếu ví văn Nguyễn Trung là quả đồi thì văn Nguyễn Huy Thiệp chỉ là mô đất thôi. Nguyễn Huy Thiệp chỉ viết những chuyện vặt quanh quẩn quanh mình, còn Nguyễn Trung bao quát cả thế giới. Gần đây khi đọc truyện Vị phồn thực của Vũ Ngọc Tiến mà Phạm Xuân Nguyên đánh giá (tập sách có truyện đó) là “chưa phải được đánh giá cao về nghệ thuật” (Thế nào là nghệ thuật đây?), dù có một điểm tôi không đồng ý với tác giả, nhưng tôi đã giật mình, văn chương nước mình có tay cao thủ thế mà mình không biết là ai, chỉ thấy tối ngày người ta la oang oang (nhất là các nhà phê bình “phe cấp tiến” (nói theo Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh) như Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh và Phạm Xuân Nguyên, cùng với một loạt “tiến sĩ học trò” nói leo) mấy cái tên Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Vàng Anh, Đỗ Hoàng Diệu. Quả thật, nền văn chương Việt Nam có thực trạng rất đáng buồn là sự tạo lập, phân chia phe cánh, băng nhóm, dẫn đến việc quyền được công bố và quyền được thẩm định công bằng tác phẩm còn rất kém, nó phụ thuộc rất nhiều vào tâm và tài của các nhà phê bình. Sự thành danh đến như Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh cũng còn tự thấy là do “may mắn”, vậy bao người không may thì sao đây? Chính nền học thuật thiếu tính khoa học đã dẫn đến tình trạng như vậy, ai viết hợp với ý đồ mình thì tán dương, thổi phồng; còn không thì lờ đi, nhiều tín hiệu nghệ thuật giá trị được phát ra như vào chỗ không người, nên gương mặt Văn Chương Việt Nam đã được vẽ lên luôn méo mó.
Còn về văn chương Bảo Ninh?
Theo Vương Trí Nhàn (www.vinabook.com/noi-buon-chien-tranh-tieu-thuyet-giai-thuong-hoi... -70k), Nỗi buồn chiến tranh: “…được giải của Hội nhà văn Việt Nam,… như bằng chứng về con mắt tinh đời của những người chấm giải”; “Cái may của Nỗi buồn chiến tranh là ở chỗ nó ra đời vào thời hội nhập… nó đã trở thành người đại sứ duy nhất của văn học”.
Nếu trong tất cả tác phẩm viết về chiến tranh, Nỗi buồn chiến tranh là đúng nhất thì cái việc nó làm “đại sứ” thật tuyệt vời. Nhưng thực chất Bảo Ninh vì “Tôi không muốn viết theo một cái “tông” có sẵn” nên: “Những gì tôi viết trong cuốn sách này, tôi cũng đã nói rằng nó không hoàn toàn là sự thật”. “chiến tranh tóm gọn lại là sự chết chóc, hủy diệt. Tôi nghĩ thế là quyền của tôi, và có người phê phán tôi thấy cũng chẳng sai”; “cách viết của tôi về chiến tranh khác với các nhà văn khác” (http://www.Baodatviet.vn/Utilities/ PrintView.asp x?ID=9840). Và cái “khác” của Bảo Ninh là: trước kia người viết cái tốt thì giờ anh chỉ viết toàn cái xấu mà thôi. Nếu thời chiến đa phần thanh niên ra đi theo lý tưởng giải phóng (thể hiện rõ nhất trong nhật ký của anh Thạc, chị Trâm) thì nhân vật Kiên của Bảo Ninh ra đi với lời dặn: “Nghĩa vụ của một con người trước trời đất là sống chứ không phải hy sinh nó, là nếm trải sự đời một cách đủ ngành ngọn chứ không phải là chối bỏ…, mong con hãy cảnh giác với tất cả những sự thúc giục con người lấy cái chết để chứng tỏ một cái gì đấy” (Nỗi buồn chiến tranh, NXb Hội Nhà văn, 1991, tr.61). Còn đây là hình ảnh “anh chiến sĩ giải phóng”: Hiếp dân lành (chuyện cô Phương bị hiếp tập thể trên tầu) (tr.243) ; hành lạc tập thể (giữa phân đội trinh sát với 3 cô gái trong khu trại tăng gia huyện đội) (tr.31); bài bạc, hút xách (hút hồng ma), trốn chạy (nhân vật Can), tàn sát tù binh (tr.42)… Tôi cũng từng là lính chiến, những điều “đi dân nhớ ở dân thương”,  không lấy cái kim sợi chỉ của dân”, “vì nhân dân quên mình”, v.v… không chỉ là những khẩu hiệu suông mà là quân luật. Những điều Bảo Ninh viết chỉ là phần dị dạng, có thể có nhưng rất hãn hữu, không phải là bản chất của bộ đội. Vậy một người có đầu óc bình thường như ông Vương Trí Nhàn lại đánh giá cao việc Nỗi buồn chiến tranh làm đại sứ, ông muốn cho người ngoài hiểu sai, hiểu xấu về con người và đất nước của mình ư? Vương Trí Nhàn cũng cho biết nhiều người thấy rằng: “công nhận cuốn sách của Bảo Ninh tức là phủ nhận quá khứ của chính mình, mồ hôi nước mắt của chính mình”. Nhưng ông biện hộ: “… bao thay đổi đã đến với đời sống chúng ta… Quan niệm về tương lai khác đi, quan niệm về hiện tại khác đi, thì làm sao quan niệm về quá khứ cứ giữ mãi như cũ?!” Đất nước chúng ta đã “khép lại quá khứ hướng tới tương lai”, “khép lại” chứ không phải “quan niệm khác”, bởi đã là người có lương tri, không chỉ ở nước ta mà trên toàn thế giới, không ai “quan niệm” đồng nhất giữa chiến tranh xâm lược với kháng chiến tự vệ! Ông tiếp: “… ta không thể sống một mình mà sẽ tồn tại trong… những chuẩn mực chung của cộng đồng thế giới”. Thế giới hướng đến tương lai theo “chuẩn mực chung” văn minh hơn chứ không có cái chuẩn mực nào lại đồng nhất giữa thiện với ác cả!
          Nhà văn Nguyên Ngọc, theo (http://phamxuan nguyen.vnweblogs. com/ post/1958/114671): “người có công lớn trong việc trao giải cho Nỗi buồn chiến tranh, đánh giá rất cao tác phẩm này. Ông viết: "Đây là cuốn tiểu thuyết về một cuộc chiến đấu của một con người tìm lẽ sống hôm nay. Bằng cách chiến đấu lại cuộc chiến đấu của đời mình. Cuốn sách này không mô tả chiến tranh. Nó "mô tả" một cuộc kiếm tìm nặng nhọc chính hôm nay. Hiện thực ở đây là hiện thực bên trong của một tâm hồn quằn quại và đầy trách nhiệm, quằn quại vì đầy trách nhiệm. Trách nhiệm lương tâm. Cuốn sách nặng nề này không bi quan. Vẫn thấm sâu ở đâu đó trong từng kẽ chữ của nó một âm hưởng hy vọng tiềm tàng, chính là vì thế. Anh đi tìm, nghĩa là anh còn hy vọng". Tôi quá ngạc nhiên khi Nguyên Ngọc, người từng được nhà văn nổi tiếng là thông minh như Nguyễn Khải coi là “nhà tư tưởng của thế hệ” mình, viết vậy. Với lời nhận xét trên thực ra Nguyên Ngọc chưa hiểu gì về Nỗi buồn chiến tranh, chỉ thấy cái hơi hướng hợp với ý mình rồi tán ra cho thành tuyệt vời mà hoàn toàn không có căn cứ gì ở tác phẩm. Còn thực chất Bảo Ninh viết gì? Nỗi buồn chiến tranh thực chất là cuốn sách viết về sự chấn thương tâm thần của một người lính giải phóng đã trải qua một cuộc chiến tàn khốc: “Chiến tranh là cõi không nhà không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu, vô cảm, là tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người” (Nỗi buồn chiến tranh, tr.32); rồi trở về với sự đổ vỡ của tình yêu: “Đột ngột, Kiên … đã thoáng thấy một bóng người đứng ở bên trong cánh cửa phòng Phương… Gương mặt Phương trắng bệch… Chao ôi! Như vậy đấy: Hoà bình, hạnh phúc… ” (tr.86);  và đổ vỡ niềm tin: “Sau cuộc chiến tranh ấy chẳng còn gì nữa cả… Chỉ còn những mộng mị hão huyền… Càng ngày Kiên càng có cảm giác rằng không phải mình đang sống mà là đang bị mắc kẹt lại trên cõi đời này” (tr.87); vì thế đã “tìm lẽ sống hôm nay” (ý Nguyên Ngọc) và  chiến đấu lại” bằng cách “dầm mình trong rượu” (tr.87) và “viết văn”, nhưng phải “làm cách mạng văn chương” (theo ý Bảo Ninh) bằng cách chỉ kể lại những gì bi thảm nhất: “Tôi như sẵn sàng nhập thân trở lại với cảnh lửa, cảnh máu, những cảnh chém giết cuồng dại, méo xệch tâm hồn và nhân dạng. Thói hiếu sát. Máu hung tàn. Tâm lý thú rừng. Ý chí tối tăm và lòng dạ gỗ đá” (tr.49); “Dằng dặc trôi qua trong hồi ức của Kiên vô vàn những hồn ma thân thiết, lẳng lặng âm thầm kéo lê mãi trong đời anh nỗi đau buồn chiến tranh” (tr.26) … và những gì xấu xa nhất của đội quân mình đã đứng trong đó (như đã dẫn ở trên); để rồi với “Trách nhiệm lương tâm” (ý Nguyên Ngọc) đã chỉ ra sự hy sinh của mình và bao đồng đội là vô nghĩa: “ - Hừ! Hòa bình! Mẹ kiếp, hòa bình chẳng qua là thứ cây mọc lên từ máu thịt bao anh em mình…” (tr.44); “ Nền hòa bình này… Hừ tôi thấy hình như các mặt nạ người ta đeo trong những năm trước rơi hết. Mặt thật bày ra gớm chết. Bao nhiêu xương máu đã đổ ra…/ - Mẹ khỉ. Ăn nói gì lạ thế Sơn?/ - Lạ chó gì mà lạ. Cái loại lính như ông ấy mà còn là vỡ mộng đau đớn với đời” (tr.45).
      Theo Thụy Khuê (http://chimviet.free.fr/tacpham 1/stt1/baoninh.html), Nguyên Ngọc kể lại: “Bảo Ninh có lần tâm sự với tôi rằng anh viết vì câu hỏi: Vì sao anh lại còn sống sót đến hôm nay trong khi hàng trăm, hàng vạn bạn bè của anh cũng trẻ trung, cũng phơi phới, rất nhiều người còn đẹp đẽ hơn anh, tài năng hơn anh bội phần... lại đã mất đi? Câu hỏi dày vò anh đến trọn đời như một niềm ân hận vừa vô lý, vừa có thật không nguôi. Và câu hỏi thứ hai: Tại sao tất cả những điều ghê gớm ấy, bây giờ lại như thế này?" ( báo Văn nghệ, số 47, ra ngày 25-11-1989). Thụy Khuê giải thích rõ thêm: “Tại sao tất cả những điều ghê gớm ấy chỉ đem lại một thực tại như thế này?”
Trong Nỗi buồn chiến tranh, sự vô nghĩa của cuộc chiến giải phóng đất nước chỉ thấp thoáng trong vài câu đối thoại bâng quơ, mới là sự ám chỉ của Bảo Ninh, chứ tác giả không phân tích và chứng minh cụ thể cho người đọc biết tại sao cuộc chiến thống nhất đất nước lại vô nghĩa? Lẽ ra trong quá khứ nước ta phải như thế nào? Và hiện tại đã lỡ “vô nghĩa” rồi thì cần phải làm những gì?… Trong một cuộc phỏng vấn anh có giải thích: “Nỗi buồn chiến tranh” là đoạn kết của mười năm hậu chiến, mười năm hậu kỳ thời bao cấp ngột ngạt và khốn quẫn, đoạn kết ấy chứa chất trong nó nhu cầu sống còn của sự nhất thiết phải đổi thay” thực ra là anh nói thêm vào, chứ không phải là ý tưởng chính của Nỗi buồn chiến tranh. Không khả năng chỉ ra cụ thể cái gì mà chỉ ám chỉ, chính là cái đặc điểm của văn chương Bảo Ninh còn nhỏ mà không lớn.
Phạm Xuân Nguyên (http://phamxuannguyen. vnweblogs.com/ post/ 1958/ 114671)): “Đây là một tác phẩm xuất sắc nhất… là sự chứng thực bề sau và bề sâu những biến động của xã hội và con người Việt Nam đi qua chiến tranh và cách mạng”. Ý này Phạm Xuân Nguyên lặp lại ý Nguyên Ngọc ở trên. Phạm Xuân Nguyên tiếp: “Phẩm chất lớn nhất của Nỗi buồn chiến tranh là nó đã thể hiện chân thực người lính”. Nếu ai đã học triết đều hiểu quy luật lượng đổi chất đổi: một chất trong quá trình biến đổi, lượng chất đó chuyển thành chất khác nhiều hơn thì nó sẽ thành chất khác chứ không còn là chất cũ nữa. Tương tự, nếu quân đội của chúng ta lượng cái xấu, các ác như Bảo Ninh viết trong Nỗi buồn chiến tranh là nhiều hơn cái tốt thì Phạm Xuân Nguyên viết “chân thực” như câu trên là đúng. Thực tế Bảo Ninh chỉ viết nên phần dị dạng của đội quân cách mạng vì muốn làm “cách mạng văn chương”, chính anh cũng cho biết mình viết “không hoàn toàn đúng” và “người phê bình tôi cũng không sai”, nên đánh giá như Phạm Xuân Nguyên hoàn toàn sai, ngược với ý của chính Bảo Ninh, là cách hiểu của người trí tuệ rất thấp, tri thức rất hạn chế. Phạm Xuân Nguyên tiếp: “Cuộc chiến được mô tả trong tác phẩm này không mang kèm một định ngữ nào nó là chiến tranh với tất cả thảm trạng nghiệt ngã của nó, ở đó những người lính là những con người bị vất vào cuộc chiến, buộc phải bắn giết nhau”. Điều tối thiểu người cầm bút ai cũng biết “Văn chương phải tải đạo”, mỗi người khi ngồi viết ít nhiều ai cũng thấy mình như phải làm một sứ mệnh, một cán bộ nghiên cứu ở Viện Văn học như Phạm Xuân Nguyên lại đi đồng nhất cái thiện với cái ác thì nghiên cứu cái gì?!
Phạm Xuân Nguyên cũng cho biết thành quả của “đại sứ Nỗi buồn chiến tranh” đã giúp cho người ngoài hiểu sai về con người và đất nước chúng ta như sau: “Gần đây nhất,… Dennis Mansker… khi đọc Nỗi buồn chiến tranh. … ông  choáng váng và xúc động. Ông viết: "Đây là một bức tranh trung thực và tàn nhẫn đến kinh ngạc về bi kịch của một người lính Bắc Việt bị tê liệt hết nhân tính của mình sau mười năm tham chiến…”. Sau chiến tranh, có thể có những chấn thương thần kinh về bệnh học, còn chấn thương tinh thần mang tính ý thức hệ để rồi tuyệt diệt niềm vui sống, như Bảo Ninh viết, chỉ là vô cùng hãn hữu. Bản thân cựu lính chiến Bảo Ninh cũng còn rất khôn ngoan, chẳng có “tê liệt” cái quái gì hết, không hiểu vì cái gì mà ông viết để cho người ngoài hiểu đồng đội của mình “tê liệt hết nhân tính” như một lũ súc vật vậy?! Đa số người lính sau chiến thắng mừng vì ta thắng địch chỉ một phần, cái chính là thoát chết được trở về gặp lại cha mẹ, và được sống tiếp cuộc đời mà chiến tranh đã làm cho dở dang. Có nhiều người sau chiến tranh thất bại trong cuộc sống, có thể kể cả tôi, nhưng thất bại vì cái gì thì là một chủ đề khác chứ không phải do cuộc chiến giải phóng, giành độc lập là vô nghĩa. Trong lịch sử loài người, nếu không có những cuộc chiến tự vệ và chống bất công, thì người da đen còn được bày bán ngoài chợ như con vật (xem Cội rễ), và ông Obama hôm nay cũng không thể làm Tổng thống nước Mỹ được! Vì được Bảo Ninh biện hộ, người ta đưa Nỗi buồn chiến tranh vào giảng dạy và ca ngợi lên tận mây xanh là có lý thôi, cũng theo Phạm Xuân Nguyên: “Đánh giá cao nhất Nỗi buồn chiến tranh ở Mỹ có lẽ là ý kiến của Leif A. Torkelsen (Columbus, OH United States) khi ông cho đây là cuốn tiểu thuyết chiến tranh hay nhất thế kỷ XX. Torkelsen viết: "… đây là một tác phẩm ngoại hạng… Cuốn sách tràn đầy những suy tư thấu suốt về Việt Nam cũng như về tâm hồn con người…”.
Cái chuyện tôn vinh một tác phẩm giúp cho người ngoài hiểu sai về dân tộc mình và viết không cần đúng sai để biện hộ cho đối phương, buộc tôi phải đặt câu hỏi: Người ta làm vậy phải chăng vì ngóng đợi một cái gì đó ngoài văn chương?
Bảo Ninh và những người tôn vinh đã hành động làm như chính Việt Nam ta là người đã gây chiến. Một người có một chút kiến thức lịch sử thôi sẽ không ai như vậy, hay các vị biết cả mà cứ bất chấp, vì toàn là Giáo sư Tiến sĩ, nhà này nhà kia cơ mà? Sau đây là những ý của một bài viết ở hải ngoại có ý chống đối, tôi trích cho khách quan, nhưng những sự kiện lịch sử thì họ không thể nói khác đi: “Với Pháp, Hồ Chí Minh không muốn có chiến tranh. Ông đã làm bất cứ điều gì để tránh. Qua cơ quan tình báo OSS, ông kêu gọi Mỹ ủng hộ. Ông đã lập ra một chính phủ liên hiệp, chấp nhận sự hiện diện quân sự của Pháp và làm hội viên trong khối Liên hiệp Pháp, miễn sao người Pháp đồng ý trao lại nền độc lập cho Việt Nam.  Nhưng Pháp không chấp nhận nổi ý tưởng từ bỏ những thuộc địa cũ. Cho nên Hồ chí Minh lại rút vào rừng rậm. Ông nói với người bạn Pháp Jean Sainteny như sau: “Pháp có thể giết 10 người Việt Nam trong khi Việt Nam giết một người Pháp, nhưng Pháp cuối cùng sẽ là phe mỏi mệt và thua cuộc".  Diễn tiến tình hình xảy ra sau này đúng y như thế.
            Với Mỹ, ngay từ đầu thập niên 20 thế kỷ trước, Nguyễn Ái Quốc đã muốn có mối liên hệ nên đã gởi bản kiến nghị cho Thomas Woodrow Wilson, Tổng thống Hoa Kỳ thứ 28, mong Mỹ sẽ áp lực Pháp, ủng hộ chuyện dân chủ ở Việt Nam. Hồ Chí Minh thành lập Tổ chức Việt Minh năm 1941, năm Nhật tấn công  Mỹ ở Trân Châu Cảng,  không phải là một sự tình cờ. Hồ chí Minh cũng đã có một sự quan hệ mật thiết với cơ quan tình báo OSS (tiền thân của CIA), đã  cứu những phi cơ Mỹ bị bắn rơi, đến chuyện trích dẫn Hiến pháp Mỹ trong Tuyên Ngôn Ðộc Lập, đã cho thấy ý muốn thân thiện của Hồ chí Minh với Mỹ. Lịch sử Việt Nam sẽ đổi khác rất nhiều nếu Tổng thống Harry Truman nghe theo  lời kêu gọi độc lập cho Việt Nam của Hồ Chí Minh. Sẽ tránh được một cuộc chiến cay đắng, trong đó có chừng 3 triệu người Việt Nam và gần 60000 người Mỹ thiệt mạng”. Chính vậy, khi thăm Việt Nam ngày 6-12-2006, Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton đã nói với Chủ tịch Nguyễn Minh Triết: “Sáu mươi năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Roosevelt đã muốn hai nước Việt - Mỹ thật sự là bạn. Quá trình này đã có những bước gập ghềnh. Tuy nhiên, tôi vô cùng hạnh phúc chứng kiến quan hệ tốt đẹp giữa hai nước mà đáng lẽ phải có từ cách đây 60 năm”. (http://www.rfviet.com/forum35/showthread.php?t=13 466).
          Đặc biệt, chính Bảo Ninh tự đánh giá: “Cuốn sách của tôi không phải cuốn sách hay, nó chỉ là cuốn sách khác với các cuốn sách khác viết về chiến tranh mà thôi” (http://www.Baodatviet.vn/Utilities/PrinVie w.aspx?ID =9840). Tôi thường  nghĩ, chỉ những nhà văn ngô nghê mới đạo văn, không ngờ cũng như Nguyễn Huy Thiệp copy Vũ Trọng Phụng, Bảo Ninh trong đoạn viết Kiên trở lại xóm Đồi Mơ gặp Lan nảy sinh tình yêu bất ngờ rồi chia tay rất giống đoạn trong Bông hồng vàng (NXB Văn hóa Thông tin, 2001, tr.270) Pauxtopxki viết Anđexen gặp và chia tay Elêna. Nếu Anđexen của Pauxtopxki phải chia tay Elêna như “trả một giá đắt” cho những chuyện cổ tích thì Kiên cũng “lòng thắt lại” và kỷ niệm về mối tình đó đã “làm chín muồi cái khát vọng thể hiện thiên chức thiêng liêng” (tức viết văn). Nếu Elêna nói với Anđexen: “Anh hãy chạy đi… Đừng nghĩ gì đến em. Nhưng nếu một ngày kia, tuổi già, nghèo nàn và bệnh tật có làm anh đau khổ thì chỉ cần anh nhắn cho em một lời, em sẽ… tới an ủi anh”, thì cô Lan cũng nói với Kiên: “Đừng bận về em. Đời anh rộng mở, hãy đi vào hãy sống cho thỏa… Còn nói ví dụ… một ngày nào anh gặp cảnh ngộ không hay, thấy đã hết ngả để đi tiếp thì xin anh hãy nhớ ngay rằng, dù sao cũng còn có một nơi, cũng còn một người… một chốn anh về” (Nỗi buồn chiến tranh, tr.57). Tuy vậy, không hiểu vì cái gì người ta vẫn cứ cho Nỗi buồn chiến tranh là hay nhất, rồi văn chương Việt Nam chỉ có Bảo Ninh mới biết viết tiểu thuyết, còn cho là ứng cử viên sáng giá nhất cho giải Nobel! Riêng tôi, dù Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh có được Nobel thật cũng thấy là chuyện bình thường, vì giải Nobel thực chất không chỉ vì học thuật mà còn có màu sắc chính trị, nhất là về Văn chương và Hòa bình, như việc trao giải cho ông Henry Kissinger vì “có công” mang lại Hòa Bình cho Việt Nam đó!
Phạm Xuân Nguyên cho Nỗi buồn chiến tranhđược giải thưởng là một thắng lợi của tư duy đổi mới trong văn học”; cho “Hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp là thành quả của đổi mới”; Bảo Ninh cho: “Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991 ghi dấu chặng đường 5 năm trời đột khởi của văn học nhờ Đổi Mới đất nước… Theo tôi, Đổi Mới là một cách diễn đạt nhẹ nhàng, chứ còn trong thực tế đấy là cả một cuộc cách mạng”.
Có điều cái gọi là “đổi mới” mà hai vị đã nói thực ra chỉ là một sự lộn ngược lại tất cả một cách cực đoan. Rất may là nó đã bị dẹp bỏ, nhưng nó đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến những nhà văn muốn đổi mới chân chính, muốn văn chương Việt Nam phản ánh hiện thực toàn diện và sâu sắc hơn, góp phần giải những bài toán xã hội của thời hiện đại, chống lại những quốc nạn và tình trạng tụt hậu. Tất nhiên phải cần những nhà văn có trình độ cao về học thuật và tri thức, còn những loại dốt nát và hãnh tiến sao có thể đổi mới thực sự được?
Để tránh chuyện suy diễn đã thường xảy ra, như ông Nguyễn Huệ Chi khi đọc bài tôi viết về Các Mác trên Talawas, đã viết “truyền đơn” tung qua e-mail, với tôi, viết bài này chỉ vì đạo lý của người cầm bút chứ không vì gì khác. Ngay sau giải phóng, khi đến nhà một người bên doanh trại, thấy bàn thờ để ảnh ông bố liệt sĩ Cách mạng và con là “liệt sĩ Ngụy”, tôi đã, theo ngôn ngữ nhà Phật, không còn “chấp” cái chuyện ta - địch nữa. Nên khi lấy vợ người Công giáo, một chú ruột là cha tuyên úy (ta cho là rất nặng), một chú nữa là đại uý, tôi cũng không quan tâm. Tôi chẳng cần phải “sám hối”, vẫn luôn giữ tư thế của mình, nhưng hai ông chú lại quý tôi nhất, còn hay nhại giọng Bắc kể chuyện đi tù nghe rất vui. Còn với nước Mỹ, tôi thấy hình như họ không coi trọng cái chuyện ý thức hệ lắm, hình như với họ chỉ có đối tác có lợi hay có hại mà thôi, nên khi thắng bọn Đức phát-xít, họ đã thu nhận ngay các bác học người Đức, chính những người này đã làm cho Mỹ dẫn đầu công cuộc chinh phục vũ trụ và nhiều ngành khoa học công nghệ khác; họ vừa ném bom nguyên tử xuống Nhật xong đã coi Nhật thành đối tác làm ăn quan trọng nhất; ngay với Việt Nam cũng vậy, sau 30-4, Mỹ cũng đã có ý định dàn hòa. Như vậy, nước Mỹ chỉ là kẻ thù ở một chính sách nào đó, của một ông tổng thống nhiệm kỳ nào đó, đối với một đối tượng nào đó. Chính vậy nước ta chưa bao giờ coi nhân dân Mỹ là kẻ thù của mình. Còn nước mình, chúng ta có quyền tự hào về Chiến thắng, nhưng không thể cứ mài Chiến thắng ra mà ăn được, từng là cán bộ nghiên cứu Khoa học, tôi hiểu nước ta còn rất kém về Khoa học Công nghệ. Tôi cũng có một nỗi buồn sau chiến tranh. Nếu ta có một nền khoa học công nghệ mạnh thì chẳng có thằng nào dám đến gây chiến cả, nên sẽ không phải buồn sau chiến tranh và tôi cũng không phải làm những câu thơ này: “Trước bàn thờ khói hương lãng đãng/ Mẹ đứng lặng rì rầm/ Gọi anh con về ăn cỗ/ Con bỗng giật mình thấy nhăn nheo giọt nước mắt/ Có già nửa phần buồn và non nửa phần vui” (Bài Sau chiến tranh, tập Đêm thiêng). Chúng ta đã khép lại quá khứ hướng đến tương lai. Còn nhiều điều chưa hoàn thiện ở cuộc sống hôm nay, chính là nỗi buồn hôm nay chứ không phải nỗi buồn chiến tranh, nó do những cái khác chứ hoàn toàn không phải do cuộc chiến bảo vệ đất nước. Bảo Ninh có tâm, có tài thực sự hãy “chiến đấu lại” như Giáo sư Toán học Hoàng Tụy, nhà văn Nguyễn Trung,… theo tôi là những chiến sĩ đổi mới quyết liệt nhất nhưng cũng có tâm có tầm nhất!
Chưa hết, tôi còn có một nỗi buồn nữa, đó là “nỗi buồn Bảo Ninh”! Khi biết Bảo Ninh qua Mỹ, đã gặp Robert Whitehurst và đọc chiếc đĩa ghi toàn bộ cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm, nhưng theo “Thư ngỏ gửi nhà văn Bảo Ninh: Xin đừng làm tổn thương đến tâm huyết các liệt sĩ” của Dương Đức Quảng (http://ca.cand.com.vn/vi-VN/thoisuxahoiphongsughi chep/2005/9/62803. cand? Page=1): “Tôi cũng không hiểu vì sao khi nhà văn (BN) đã biết địa chỉ của gia đình (Đặng Thùy Trâm)… lại không mang kỉ vật thiêng liêng của liệt sĩ đến”. Mà chính “Ted Engelmann, một phóng viên ảnh người Mỹ” qua “bao trái tim nhân hậu đã chuyển tiếp cho nhau tín hiệu để cuối cùng giúp Ted tìm được… và trao lại chiếc đĩa CD”. Buồn hơn nữa khi Bảo Ninh cho rằng Đặng Thùy Trâm viết nhật ký vì: “có thời gian”!
Quả ông Trời có mắt, để đối trọng với Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh và một số người tung hô, đã lẻn được ra ngoài bằng ngõ tắt, đem đến thị trường tinh thần thế giới còn trắng đen lẫn lộn những hàng hóa đặc biệt, sản phẩm của cuộc “đổi chác” chứ không phải “đổi mới” văn chương, đã đổi những thứ vô giá thiêng liêng như niềm tự hào dân tộc, sự chính nghĩa, cái thiện… lấy những cái có giá cụ thể hơn;  Đặng Thùy Trâm xuất hiện như một nàng tiên, không chỉ là đại sứ mà là một thiên sứ, chị cũng đến được với thế giới bằng đại lộ nhân bản, mang đến những đức tính nhân văn nhất của dân tộc Việt, đó là tình yêu Tổ Quốc, sự hy sinh vì chính nghĩa, lòng vị tha, và lòng nhân ái vô bờ của nữ bác sĩ anh hùng. Nếu có một giải cao quý hơn Nobel, thì tôi sẽ đề cử tác phẩm Nhật ký Đặng Thùy Trâm, một tác phẩm không chỉ viết bằng máu mà bằng cả sự sống về lòng nhân ái bao la của con người Việt Nam!
                                                                              Đông La-  TP Hồ Chí Minh                    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét