Xin tạm hiểu nôm na con kền kền hay “con kên kên” mà chúng tôi đề cập đến theo một nghĩa “rất đen”: đó là loài vật chuyên rình mò để rỉa xác chết và đánh chén no say trên đau khổ, mất mát của người khác không hề thương tiếc.
Chúng làm những việc gì tốt không ai thấy, chúng làm ở đâu không ai biết, không ai mời mọc chúng, nhưng nghe mùi tử thi là chúng rủ nhau kéo đến cả bầy đàn, rình rập chờ rỉa xác. Ai từng xem tục “thiên táng” của người Tây Tạng và những điều kỳ thú trong thế giới động vật hoang dã ở Phi Châu sẽ nhìn thấy loài kền kền đáng sợ này.
Trong giới báo chí Việt Nam hiện nay, từ lâu cũng đã xuất hiện những “con kên kên” và những “bầy kên kên” chuyên xé xác, đánh hội đồng những doanh nghiệp và doanh nhân, chính khách khi người đó sa cơ thất thế mà không cần biết đúng sai. Những “con kên kên” này thường rủ nhau đi “săn phong bì”, dự các loại lễ lộc để “săn quà, vé mời vào cửa…”. Loài “kên kên” này đã làm tổn thương, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, hình ảnh báo chí cách mạng và chân chính trong xã hội Việt Nam, khiến cho nhiều người quan ngại mỗi khi tiếp xúc với báo chí.
Bắt đầu từ trang viết này, chúng tôi sẽ lần lượt vạch mặt lũ kền kền, diều hâu này, những “nhà báo đen” của xã hội đã và đang làm xấu đi hình ảnh và uy tín báo chí. Anna Huỳnh(Loạt bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của các tác giả)
Huy Đức
“Bên thắng cuộc”, tác phẩm của nhà báo Huy Đức. Một nhà báo có tên tuổi trong làng báo Việt Nam. Anh từng làm phóng viên của nhiều tờ báo khác nhau, trước khi đóng đinh tên mình bằng những bài xã luận thường là gây nên những đánh giá khác nhau tại tờ tuần báo Sài Gòn tiếp thị.
Sau khi yên vị tại Mỹ, nhà báo Huy Đức bắt đầu xét lại quá khứ.
Huy Đức rời khỏi nghề báo, vì lý do gì đó không rõ, chỉ nghe đồn thế này thế kia. Và rồi, anh đạt được học bổng tại một trường đại học ở Mỹ.
Sang Mỹ, anh cho xuất bản “Bên thắng cuộc”…
1. “Bên thắng cuộc”, được xuất bản dưới dạng sách in (ở Mỹ) và sách mạng, nên nếu người đọc không mua được sách in thì có thể đăng ký qua mạng rồi chuyển tiền đến các trang mạng để những trang mạng này chuyển sách về hộp thư điện tử của mình. Sách gồm hai tập, nhan đề “Giải phóng” và “Quyền bính”.
Nội dung chủ yếu của “Bên thắng cuộc”, là những chi tiết lịch sử mà theo Huy Đức, là anh đã dành thời gian hàng chục năm trời để sưu tập, ghi chép. Đại ý, anh có nói, anh viết là bởi khi nghe một nhạc sĩ nổi tiếng đề nghị “Anh phải viết để trả sự thật lại cho lịch sử”. Có thể, xem đây là tuyên ngôn chính của anh, một tuyên ngôn mang dáng dấp sứ mệnh cao cả của cá nhân anh.
Ngay khi “Bên thắng cuộc” xuất bản, rất đông người hồ hởi đón nhận. Và cũng rất nhanh chóng, cuốn sách được một số người tung hô.
Vốn dĩ, người Việt có thói quen tò mò. Kích thích được sự tò mò của đám đông, đã là thành công của bất cứ loại hình nghệ thuật nào, không chỉ gói gọn trong phạm trù chữ nghĩa.
“Bên thắng cuộc” được một vài nhân vật trong giới văn nghệ sĩ hải ngoại đánh giá cực cao, thậm chí có ai đó còn đòi trao giải Nobel cho nó. Đọc, tùy theo quan điểm hay sở thích của mỗi cá nhân. Từ đó, cá nhân có quyền đưa ra nhận định của riêng mình.
Tôi đọc “Bên thắng cuộc” cả hai tập, thấy không có gì là đặc sắc. Có lẽ, do thích đọc sử, nên tư liệu mà anh Huy Đức đưa ra trong “Bên thắng cuộc” đối với tôi không có gì mới. Anh Huy Đức viết “Bên thắng cuộc” bằng giọng văn quá khó để có thể gọi đúng tên thể loại. Gọi là tiểu thuyết cũng không phải, gọi là bút ký lại càng không, gọi là ghi chép cũng không đúng mà gọi là viết sử lại càng sai.
Sòng phẳng mà thừa nhận, anh Huy Đức đưa ra các ý kiến ngắn cho một vấn đề gì đó rất sắc sảo, tư duy phản biện tốt. Thế nhưng, khi viết hàng trăm trang sách thì có vẻ như sự sắp xếp cho liền mạch theo sự kiện là việc khiến anh khó khăn. Anh bị lẫn lộn giữa những sự kiện, năm tháng… đoạn nọ xọ đoạn kia.
Điều quan trọng nhất, anh viết “Bên thắng cuộc” bằng cái nhìn không có thiện cảm với từng cá nhân, nhóm đối tượng, thể chế… mà anh đã nhắc đến. Tôi đọc “Việt Nam Sử lược”, “Đại Việt Sử Ký toàn thư”… hay nhiều hồi ký của các tướng lĩnh của cả hai miền Nam – Bắc trong thời đất nước bị chia cắt, các nhân chứng lịch sử trong giai đoạn đặc biệt của đất nước… không thấy những tác giả này có lối viết giống anh Huy Đức.
Như đám đông đang tung hô, anh Huy Đức “đã trả lại sự thật cho lịch sử”, thì e rằng rất đáng ngại! Bởi người theo nghề viết, một khi đã viết bằng tâm thế dành hết sự thiện cảm của mình cho cá nhân hay nhóm đối tượng nào đó, thì quá khó để hy vọng vào “một sự thật”. Quan trọng hơn, rất nhiều những cá nhân bị anh Huy Đức dùng chữ nghĩa đặc tả biến họ thành những người “không có trái tim, cổ hủ, cực đoan, ấu trĩ, thù vặt”… đều là những người đã khuất. Họ không có cơ hội để phản biện.
Chính vì họ không có cơ hội để phản biện, nên đám đông thiếu mất cơ hội để xác tín những gì anh Huy Đức viết có đúng hay không? Viết bằng sự khách quan hay chủ quan? Viết để trả lại sự thật cho lịch sử hoặc viết để “theo mục đích riêng mà mình hướng đến”.
Bên thắng cuộc - Giải phóng
2. “Bên thắng cuộc” tạo cho mình vị thế hư ảo để đám đông nghĩ rằng, một cuốn sách không thể được cho xuất bản trong nước thì phải có gì đó bí ẩn, nhạy cảm(?!).
Tôi rất thích cái ý của một nhà báo cho rằng, “Bên thắng cuộc” vẫn có thể được xuất bản trong nước. Có điều, chắc chắn không nhà xuất bản nào đủ nhân lực và thời gian để thẩm định các chi tiết được nhắc đến trong cuốn sách. Nếu “Bên thắng cuộc” chỉ là hồi ký của anh Huy Đức, thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn cho việc thẩm định của biên tập viên nhà xuất bản. Đằng này,“Bên thắng cuộc” dẫn lại sự quan sát của anh Huy Đức đối với rất nhiều cá nhân (mà như tôi đã nói, đa phần là người đã khuất) thì không nhà xuất bản nào lại dám in một cuốn sách “nhục mạ rất nhiều người” trong lúc họ lại không có cơ sở để thẩm định.
Có lẽ, đây là lý do chính vì sao “Bên thắng cuộc” không xuất bản dưới hình thức sách in trong nước. Chỉ là vậy thôi, chứ có gì đâu mà phải phập phồng tin đồn để được tụng ca.
Trong bất cứ một thể chế nào, cũng có những bí mật mà chỉ một nhóm người biết. Đó là vấn đề thuộc về nguyên tắc, về nội bộ. Ngay cả cá nhân hay gia đình cũng có những bí mật, thì làm sao có thể gào lên “Hãy nói hết sự thật với chúng tôi”. Trong chúng ta, mấy ai sẽ đủ dũng khí để nói tất tần tật về bản thân mình (?!). Chắc chắn là không có ai rồi. Một cá nhân còn có bí mật, huống hồ gì một thể chế.
Bên cạnh đó, trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào cũng đều có hoàn cảnh cụ thể của riêng nó. Không ai lại lấy tư duy của thời điểm hiện tại, để phán xét tư duy của… cái thời xa lắc. Không nhẽ bây giờ, chúng ta lại xét hành vi “Cô Tấm nấu nước sôi giết Cám rồi chặt xác làm mắm gửi cho dì ghẻ” là hành vi có man rợ hay không(?!).
Anh Huy Đức, bằng thủ thuật của một cây bút mưu sinh bằng nghề viết chuyên nghiệp, lại hướng đám đông đến điều này. Mà theo tôi, đây là hành động không đàng hoàng của người cầm bút. Không hiểu được cái tâm thế của người xưa, thì sao lại có thể phán xét hành động của tiền nhân.
Không gì đau lòng hơn đối với một công dân, khi thấy Tổ quốc mình bị chia cắt. Không gì xót xa hơn khi sự chia cắt ấy lại được thực hiện bởi sức ép (và sự bao bọc giả tạo) của một quốc gia thứ ba… Làm sao một cá nhân miệng thì nói yêu nước, nhưng lòng lại quên mất bom đạn của “kẻ bảo trợ” tàn sát đồng bào của chính mình(?!). Chính vì vậy, làm sao có thể xem xương máu của những anh hùng chí sĩ, sự lao tâm khổ tứ của các bậc tiền bối… để hòa hợp hai miền, thống nhất Tổ quốc là điều “phi nghĩa”… như trong “Bên thắng cuộc” mà anh Huy Đức đã sử dụng chữ nghĩa của mình để kích động suy nghĩ của đám đông(?!). Thật lòng tôi không thể nào hiểu được.
Làm sao anh Huy Đức lại có thể “khoét sâu vào sai lầm của một thời”, những sai lầm đã được khắc phục để phủ nhận toàn bộ những máu xương của hàng vạn liệt sĩ, những người đã hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc. Mà họ là ai, họ chính là những đồng đội của anh Huy Đức như cái cách mà anh thừa nhận về chính anh trong “Bên thắng cuộc”.
Vậy đó, khi một đồng đội biến sự hy sinh của những đồng đội khác thành điều “vô nghĩa” trong mắt thế hệ trẻ bằng xảo thuật chữ nghĩa, thì tôi không biết phải xếp anh Huy Đức vào thể loại gì (?!).
Anh Huy Đức đang ở nước Mỹ, bằng sự quan sát sắc bén của mình, anh Huy Đức thừa sức hiểu ngay cả quốc gia đang dung dưỡng cho anh, cũng có không ít hạn chế của nó. Có thứ gì là toàn bích đâu, vấn đề là lòng mình có đủ bao dung để nhìn về phía tích cực hay mang sự thù hằn ích kỷ ra để soi vào tiêu cực.
Điều mà một người cầm bút chân chính thể hiện, chính là tuyệt đối không vì lý do gì để chối bỏ những thứ đã cho mình một hình hài, một dòng máu, một danh vọng. Có ai tử tế mà nhìn Tổ quốc mình chỉ toàn bằng sự u ám như anh Huy Đức đã thể hiện trong “Bên thắng cuộc” đâu.
Chắc là rất nhiều người thân, kể cả cha mẹ anh Huy Đức từ nhiều đời nay lưu ngụ trên mảnh đất hình chữ S này. Và giờ, anh Huy Đức lại đang tìm cách chối bỏ nó. Tiền nhân dạy “Cây có cội, người có tông”. Ai lại vì chút quyền lợi của cá nhân nỡ nào cầm dao mổ rạch lại vết thương đã khép miệng của nơi nuôi mình khôn lớn. Khi mà chính cá nhân ấy, là người hiểu rõ nhất hoàn cảnh đặc biệt của Tổ quốc mình. Để rồi bây giờ, lại đưa ra “một nửa sự thật” nhằm kích động đám đông, với mong muốn được thụ hưởng từ sự ban phát của “bên nào đó” theo nhu cầu của chính mình. Làm người, không ai lại nỡ nào làm thế.
Bên thắng cuộc - Quyền bính
3. Nhà báo Lưu Đình Triều, nguyên Tổng Thư ký tòa soạn Báo Tuổi trẻ, một nhân vật được nhắc trong “Bên thắng cuộc” của anh Huy Đức, vừa có ý kiến phản hồi về chuyện “một nửa sự thật” mà anh Huy Đức nhắc đã nhắc về anh lẫn bố anh.
“…Sau này khi tôi đang học tập cải tạo, ba tôi vào Sài Gòn công tác được Trưởng trại mời lên bàn chuyện bảo lãnh. Ông từ chối và muốn tôi có thời gian học tập, rèn luyện như những người khác. Ông cũng từ chối sự ưu ái được thăm con không theo quy định mà chỉ viết một lá thư nhờ chuyển. Đến giờ tôi vẫn nhớ như in là mình đã cầm lá thư chạy ra vườn rau, lặng lẽ vừa đọc thư vừa khóc. Tôi giận, thầm trách ba tôi đã không thương tôi, lại bỏ tôi bơ vơ như thuở nào… Tôi đã xé lá thư ấy để rồi mãi sau này mới cảm nhận ra rằng đó là một cách thương con, rèn con của riêng ba tôi… Mấy đứa em của tôi ở Hà Nội khi đọc cuốn sách này đã trách ông sao nặng lời với cha mình (nhà báo Lưu Quý Kỳ) như vậy. Nhưng sự thật tôi đã có nhiều câu nhận xét cao đẹp về cha mình, nhưng tác giả cuốn sách đã không đưa vào”, lời của nhà báo Lưu Đình Triều trả lời trên tờ Thế giới và Hội nhập, một ấn phẩm của Báo Nông thôn ngày nay.
Trước khi anh Lưu Đình Triều trả lời chính thức báo chí về việc này, tôi có ngồi với anh trong một buổi ăn trưa ở đường Nguyễn Thị Diệu. Tôi hỏi anh Triều: “Không nhẽ, bố anh lại đối xử với con cái mình như anh Huy Đức đã viết. Đúng nghĩa, không có trái tim”. Anh Lưu Đình Triều có trả lời: “Không phải đâu, Huy Đức có hỏi mình. Mình trả lời có đầu có đuôi, tự dưng khi trích vào “Bên thắng cuộc” thì Huy Đức lại cố tình giấu nhẹm những chi tiết quan trọng, khiến mình bị anh chị em trong nhà phản ứng lắm”.
Tôi có nói: “Anh có quan điểm của riêng anh, nhưng em nghĩ rằng, nếu ai đó viết sai về mình, mình có thể im lặng cho qua. Tuy nhiên, một khi đã chạm đến thân sinh của mình. Đặc biệt là lúc ông cụ đã mất hàng chục năm trời, thì là con anh phải có trách nhiệm giải oan cho ông cụ”.Anh Lưu Đình Triều suy nghĩ lâu lắm, xong anh bảo: “Mình cũng đã tính đến điều này. Mình sẽ nói lại cho rõ”.
Tối Thứ ba (ngày 15/1/2013), tôi có ngồi với một nhân vật khác được anh Huy Đức nhắc đến trong “Bên thắng cuộc”. Tôi hỏi quan điểm của anh về “Bên thắng cuộc”. Đặc biệt là những chi tiết có liên quan đến anh.
Anh trả lời: “Anh già rồi, không muốn dây vào những chuyện này. Có điều, Huy Đức hỏi anh này kia đúng kiểu trà dư tửu hậu như anh em mình bây giờ, thì biết gì anh nói thôi. Huy Đức hoàn toàn không trình bày là Huy Đức sẽ đưa những chuyện ấy vào sách hay báo gì cả. Chứ nếu Huy Đức nói rõ, anh đã không trả lời gì. Anh rất bất ngờ vì điều này. Còn “Bên thắng cuộc”, anh cho rằng đó là một cái lẩu thập cẩm dở được nấu bởi một đầu bếp quá tồi”.
Tôi không muốn nhắc đến tên anh, theo đúng yêu cầu của anh. Tôi còn nghe nhiều anh em văn nghệ sĩ khác được anh Huy Đức nhắc đến, họ cũng có phản ứng. Không biết ở trên đất Mỹ anh Huy Đức có biết chuyện này không?!
Ngô Kinh Luân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét