Cho nên những ngày cuối tuần, tôi thường nhận lời ăn trưa với một người đàn ông rất đặc biệt. Một ông già bảy mươi trải đời nhưng lại bẽn lẽn với phụ nữ như một cậu trai đôi mươi. Đến nỗi, lịch làm việc của tôi luôn để trống trưa thứ sáu cho bữa ăn đầy những chuyện trò ấy.
Đó là một người đàn ông tới Sài Gòn lần đầu trong vai trò viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ những năm trước 1975, nhưng gần bốn mươi năm sau quay trở lại Hà Nội sau khi đã rời Bộ Ngoại giao Mỹ. Hà Nội chứ không phải Sài Gòn. Ông đã nghỉ hưu, vợ ông đã chết.
Người vợ Việt Nam ông cưới năm 1974 ở Sài Gòn đã qua đời sau ba mấy năm chung sống. Hình như cái chết của vợ khiến ông trở thành người khác, ông rất muốn trò chuyện với phụ nữ Việt, viết cho họ một cuốn sách. Không phải là cuốn diễm tình, không phải sách dạy làm giàu, mà là sách dạy phụ nữ biết cách để sống hạnh phúc giữa xã hội Việt.
Ông nói rằng, xã hội Việt Nam càng méo mó, người phụ nữ càng cần phải mài tròn những méo mó ấy, bởi họ có quyền được hạnh phúc, chứ tại sao lại phải chịu dày vò bởi những méo mó của xã hội? Và, việc mài tròn những cái méo mó khác hẳn việc lấy thân mình, lấy đời mình ra lấp cho đầy đặn những méo mó đó!
Đàn bà không tự cứu, ai cứu đàn bà?
Thật kỳ lạ, đó lại là ý nghĩ của một người đàn ông Tây nghĩ về phụ nữ Việt. Nó tiến bộ hơn cả lịch sử mấy chục năm của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cộng lại, luôn mồm kêu gọi phụ nữ hãy chất thêm gánh nặng lên cổ nhau, lôi “xã hội chức” của phụ nữ ra đánh lận thành “thiên chức”!
Tôi hỏi, thế ông nghĩ rằng phụ nữ Việt không chịu gánh nặng của thời thế hay sao? Ví như, những người bỏ chồng, không chồng mà có con, mấy chục năm trước bị phỉ nhổ, giờ được thông cảm hơn, gọi là tự do luyến ái, quyền được hạnh phúc. Đó là thời thế thay đổi, chứ đâu phải bản chất của điều ấy đã thay đổi. Cũng vẫn là đàn bà đành vứt bỏ thứ này để mang vác thứ kia thôi mà!
Ông giáo sư trầm ngâm rồi kể bằng tiếng Mỹ trộn lẫn tiếng Việt: Cô có biết người phụ nữ Việt hạnh phúc nhất mà tôi từng gặp là ai không? Không phải là vợ tôi! Vợ tôi vẫn giữ rất nhiều nếp nghĩ của đàn bà Việt.
Năm 1974 tôi gặp một cô gái ở Sài Gòn. Cô ấy không đẹp mấy, không đẹp bằng cô bạn gái người Hongkong của tôi lúc đó, càng thua kém cô bạn gái người Mỹ của tôi trước đây. Tôi lúc đó chưa vợ nhưng không tán tỉnh cô ấy, vì cô ấy đã có chồng người Việt Nam, và hai đứa con ở Nha Trang.
Trước thời điểm 1975, cô biết rồi đó, xã hội rất rối loạn. Người chồng Việt đã đồng ý cho cô ấy lấy một người chồng khác, là phi công Mỹ. Với hy vọng có thể đưa gia đình rời khỏi Việt Nam. Tức là cô ấy và hai đứa con làm sao có thể đi theo anh chồng mới sang Mỹ. Còn người chồng Việt, anh ấy sẽ ở lại Việt Nam. Anh ấy chỉ hy vọng cho vợ một tương lai khả dĩ, đơn giản nhất là vợ con được sống trong thời buổi tên bay đạn lạc. Việc đó, một anh đàn ông tay trắng ở một thị xã không làm được.
Rất tiếc là sự thể không như dự tính: Vào ngày cuối cùng rời Sài Gòn, chỉ có mình cô ấy đi theo được anh phi công Mỹ mà không thể ra Nha Trang đón con. Và, cô ấy lại không hề yêu anh chồng Mỹ. Nhưng bi kịch hơn là khi sang Mỹ, cô ấy đã gặp một người Thụy Sĩ, và yêu người đàn ông Thụy Sĩ này.
Người đàn ông Thụy Sĩ lại không thể ở lại Mỹ lâu hơn. Cô ấy không thể quay về Việt Nam với chồng con, cô ấy không thể bỏ anh chồng Mỹ, cô ấy không biết tình yêu đưa mình đến đâu. Nhưng chính người chồng Mỹ đã chấp nhận sự thật, anh ta làm tất cả những thủ tục giấy tờ cần thiết để sau giai đoạn “quá độ” ở đất Mỹ, cô gái Việt Nam có thể sang Thụy Sĩ với người yêu.
Và người phụ nữ Việt Nam đã sống với người chồng thứ ba cho đến ngày hôm nay, với ba đứa con chung. Khi người chồng Mỹ chết, người chồng Thụy Sĩ đã đưa cô sang Mỹ viếng chồng Mỹ. Khi người chồng Việt Nam ốm, người chồng Thụy Sĩ lại đưa vợ về Nha Trang thăm chồng Việt Nam.
Tôi vừa ngậm ngùi vừa buồn cười, bởi: hóa ra định nghĩa hạnh phúc của ông là, phụ nữ nên có ba chồng một lúc?
Ông già Mỹ trầm ngâm nói: Không, số lượng chồng không chứng minh cho cái gì của đàn bà cả! Nhưng một người đàn bà dám yêu và sống vượt qua được thị phi và định kiến, cùng với sự ứng xử có tình người và văn minh của những người đàn ông đã tạo nên hạnh phúc của người đàn bà!
Bây giờ đến lượt tôi im lặng, trầm ngâm.
Thật kỳ lạ tháng tư, thời gian như một thứ hạnh phúc không màu!
Trang Hạ
Tạp nhạp văn...
Trả lờiXóaVăn minh Tây....
Xóa