Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

MỘT THỨ TỰ DO HOANG DẠI


VƯƠNG TRÍ NHÀN

 
Lần đầu lên Đà Lạt, tôi được nghe kể là người Pháp trước kia đề ra những quy chế rất gắt gao cho việc xây dựng các biệt thự ở đây. Ví dụ, phải có diện tích đất bao nhiêu mới được làm nhà; còn về kiểu cách, trong khi bắt buộc mỗi nhà phải khác các nhà chung quanh (để tạo cảm giác độc đáo), thì anh lại vẫn phải kết hợp với cảnh quan sẵn có một cách nhịp nhàng.
Nhìn Đà Lạt hồi trước, ai cũng thấy là không chỉ có nhiều nhà đẹp mà thú vị hơn là cả một thành phố đẹp.

Còn như các khu phố mới được xây dựng ở Hà nội những năm bung ra hoàn toán ngược lại

Được biết là trong xây dựng đã có rất nhiều quy định chung chung, nhưng những quy định quan trọng nhất liên quan đến việc đóng góp của ngôi nhà vào vẻ đẹp của thành phố lại không có, bởi không ai có ý niệm gì về vấn đề này.
Không thiếu nhà đẹp, từng cái rất đẹp, nhưng toàn bộ lại xấu.

Ở Hà Nội hiện nay có những căn nhà chiều ngang mỏng dính, rồi những căn nhà học đòi kiểu cách nước ngoài trông thật kỳ cục, đến mức một nhà báo đã phải trương lên cái tiêu đề cho một bài báo: Eo ôi Hà Nội phố! (nhại tên bài hát Em ơi Hà Nội phố! của Phú Quang).

Hỏi các chủ nhà thì cái câu trả lời thường nhận được là: “Nhưng mà tôi thích vậy”. Quá lên một chút nữa, người ta lại giở giọng “Tùy tôi muốn sống thế nào thì sống, không ai được dí mũi vào việc riêng của tôi cả”.
Vừa phóng xe vừa hút thuốc. Vào rạp chiếu phim vẫn nói điện thoại di động oang oang. Phô bày những cái xấu xa ngay giữa nơi công cộng. Xả rác ngay dưới chân cái bàn ngồi ăn. Đánh vợ chửi con ầm ĩ hàng xóm láng giềng. Ấy là chưa kể làm hàng giả làm hàng kém phẩm chất, quảng cáo bịp bợm, ăn cắp ăn cướp ăn xin ...Ấy là chưa kể -- với những người có quyền lực -- việc cho ra những quyết định trái luật pháp rành rành vẫn diễn ra hàng ngày. Khi làm những việc đó trong thâm tâm con người thường âm thầm tự hào vì một thứ tự do hoang dại thấm đẫm trong mạch máu mình. Nói cách khác, những vic đó đều xuất phát từ quan niệm về một thứ tự do hoang dại mà chúng ta thừa hưởng từ lịch sử và chưa bao giờ đặt vấn đề về nó một cách nghiêm túc.


Cái khác của người thời nay so với thời xưa là làm những trò ngang ngược một cách cố ý. Chẳng hạn, người ta viện dẫn cái gì chưa có luật cấm thì cứ làm. Đến lúc có luật cấm - như chuyện hút thuốc thời nay - thì lại bảo quen nết rồi bỏ sao nổi.


Nay cũng là thời trong đầu óc những người tôn sùng tự do hoang dại luôn có sẵn một mớ lý sự để sẵn sàng bảo vệ cho cách sống của mình.

Họ sục vào một hai cuốn triết học xã hội học nửa mùa nào đó, nhặt ra vài câu có lợi cho cách hiểu về cái gọi là tự do của mình để biện hộ.
Nghe vừa thấy có lý, vừa như một sự ngụy biện thế nào đó!
Để cãi lại, tôi cũng đành trở lại với sách vở .


Sơ bộ tôi thấy ngay ở những cuốn phổ thông nhất, người ta cũng đã ghi cái ý tự do là không bị ràng buộc gì hết, tự do là để con người làm theo ý muốn.

Chỉ có điều nếu đọc kỹ hơn thì thấy khi bàn về tự do, các nhà xã hội học đã lưu ý ngay là không được đẩy nó lên cực đoan.
Thứ nhất, do con người sống trong xã hội nên cái đi kèm với tự do là sự kiểm soát xã hội. Tự do của người này không thể cản trở tự do của người khác. Nói “điều kiện đầu tiên để có tự do là tự do phải bị hạn chế” là với nghĩa đó.
Thứ hai, tự do ở đây phải có tính nhân văn, với nghĩa con người chỉ có quyền tự do để sống cận nhân tình hơn, tốt đẹp hơn chứ không phải để hư hỏng, xấu xa đi.

Theo một nhà triết học Trung Quốc cận đại là Lương Khải Siêu ( 1873-1929) , thứ tự do bừa bãi kia nên gọi là tự do hoang dại, và đó là dấu hiệu của một xã hội phát triển thấp.

Thời Trung Hoa còn thuộc nhà Thanh ông và các đồng sự như Nghiêm Phục đã băn khoăn mãi khi tìm một chữ gì trong tiếng Hán để tương ứng với chữ liberty trong tiếng Anh.
Tính toán hồi lâu các ông đành dùng chữ tự do.
Theo nghĩa đen, tự do nghĩa là từ mình mà ra đồng thời là trở về với mình.
Nhưng mà con người ta phải là cái gì trí tuệ, hiểu biết, tự làm chủ được mình, thì mới có quyền trở về mình chứ? Để cho thứ tự do hoang dại kia lôi cuốn là làm rối loạn xã hội! Chính vì hiểu thế, Lương thấy cần tiếp tục cái ý tưởng mà các nhà tư tưởng hàng đầu của Nho giáo đã khởi xướng , theo đó các nhà quản lý xã hội không chỉ thân dân, gần gũi dân mà còn phải tân dân, làm cho dân ngày một tốt hơn. Chính là sách Đại học -- một trong những cuốn sách cái của đạo Nho -- đã mở đầu bằng câu "Đại học chi đạo tại minh minh đức tại tân dân".

Xem vậy đủ thấy không những là câu đầu miệng của người bình thường, tự do còn thu hút không biết bao nhiêu giấy mực của các nhà triết học.

Như tên gọi của nó đã chỉ rõ, Bàn về tự do của John Stuard Mill in năm 1859 là cuốn sách kinh điển viết về khái niệm này, ở đó tác giả bàn kỹ về ý nghĩa xã hội của tự do như tự do tư tưởng, tự do về đời sống tinh thần. Những ý kiến khác nhau về cùng một vấn đề phải có quyền tồn tại ngang nhau, không ai được lấy cớ gì để ngăn cấm.
Những khía cạnh mà ông học giả người Anh bàn từ thế kỷ trước cũng đang thành chuyện thời sự ở ta.
Cái khó là ở chỗ trong khi thứ tự do theo nghĩa thiêng liêng đang là chuyện mỗi người hiểu một cách và phải gỡ dần dần, thì ý niệm tự do theo nghĩa phàm tục lại chiếm lĩnh tâm trí nhiều người.

Tầm thường dung tục trong quan niệm và học đòi những cái nhố nhăng trong hành động --những hành xử kiểu đó kéo người ta thấp xuống. Nó chỉ làm cho một xã hội trở nên nhộn nhạo và hàm chứa đầy tai vạ, chứ không thể góp phần thiết lập trật tự là điều kiện chủ yếu để một cộng đồng tiến bộ.

Tự do hoang dại không thể được coi là dấu hiệu của một nhân tính tốt đẹp nào hết.
Nó đóng vai trò một thứ van xì hơi, giúp người ta xả bớt những bức xúc trong lòng nhưng lại làm lãng quên cái quyền tự do cơ bản là tự do nâng cao chất nhân văn trong mỗi con người để mở đường đi tới xã hội văn minh.


(In lần đầu trên TBKTSG 30/9/2010.
)
Bản trên mạng này có kèm theo một số sửa chữa và bổ sung.


Viết thêm 19-4-2013

1/ Lòng khao khát tự do hoang dại của người Việt ngày trước biểu hiện thấp thoáng trong những "tuyên bố" bất cần đời, chẳng coi việc đời là gì: Thứ nhất quận công thứ nhì ỉa đồng.
Còn ngày nay đại khái ở mấy việc kiểu như đòi hỏi hãy cho nhập ô-tô xe máy thật thoải mái bất chấp việc tỉ lệ đường xá trên một đầu người thuộc loại thấp nhất thế giới. Hoặc những lời la hét, nhân danh tự do cư trú, đòi không được hạn chế người nông thôn lên nhập cư ở đô thị.


2/ Trong cuốn hồi ký của mình, Nguyễn Hiến Lê sớm ghi lại cái tình trạng sau 4-1975, dân chúng quanh khu ông ở bắt đầu ra chiếm vỉa hè buôn bán loạn xị và vứt cả rác ra đường.

Trước đó, tôi cũng thường được nghe Tô Hoài nói tương tự.
Nhiều lần đi trên các đường phố Hà Nội cống rãnh bẩn thỉu ngập ngụa trước nhà, ông bảo với tôi rằng ngày xưa mà để thế này thì đội sếp Tây nó phạt chết.
Nghĩa là chính ở xã hội ta hôm nay, thứ tự do này mới có dịp nẩy nở...hết cỡ.


3/ Đây cũng là tình trạng người ta thấy ở nước Nga sau 1917.

Bác sĩ Zhivago trong cuốn tiểu thuyết cùng tên của Boris Pasternak (1890-1960 )có lần nói với bạn gái :

“Cô thử nghĩ xem, cái thời đại chúng ta thật là lạ lùng. Và cô với tôi đang phải sống trong đó. Thật ngàn năm một thuở mới lại xẩy ra những chuyện điên rồ như thế này. Cô có thấy cả nước Nga như mất nóc: Tôi và cô, tất cả những người như chúng ta đang sống ngoài trời. Không còn ai kiểm soát chúng ta. Tự do! Đúng là tự do thực chứ không phải những lời rỗng tuếch, nhưng đó là một thứ tự do ngoài mọi sự chờ đợi của chúng ta, tự do vì tình cờ, vì ngộ nhận”.

Tôi ngờ rằng nếu nhìn mãi về thời sau nữa, ở đây tác giả sẽ viết thêm " … tự do vô chính phủ, tự do làm khổ nhau, hành hạ nhau".
Hóa ra ở đâu cũng thế!
Từ đây lại mang máng cảm thấy rằng không chừng càng những nước không có thứ tự do cao cả tự do có ý nghĩa nhân văn, thì tự do hoang dại càng phát triển.
Chuyên chế thường tự che đậy bằng mị dân.
Mà cách mị dân ít tốn kém nhất là thả cho dân dông dài, hoặc nói như một thuật ngữ kinh tế hay dùng gần đây, là kích hoạt vào thói tự do hoang dại của người dân. Người dân càng hư hỏng thì người ta càng tìm thêm một chút có lý cần thiết cho mọi hành động chuyên chế của mình. Rồi cái đích cuối cùng là làm thịt dân cũng vì thế mà trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.


4/Từ những biến thiên kiểu ấy, nay nước Nga rơi vào tình cảnh thế nào?

Có hai chi tiết đáng nhớ nhất từ các bài báo mà rải rác tôi đã đọc.
Một là về các vùng quê, thấy rất nhiều người đàn ông say rượu, có khi tất cả đàn ông trong làng say rượu. Còn đàn bà thì dạy nhau để làm sao bán được thân mình với giá cao cho những người giầu có.
Và thứ hai, nếu ngày xưa, các phương tiện truyền thông chuyên môn đóng vai giảng đạo thì nay ngược lại. Xem ti-vi, dân không phải nghe đậy bảo là hãy sống như thế này thế nọ nữa. Trong khi tha hồ lê lết trong cực khổ, giờ đây, họ toàn được nghe những điều họ muốn nghe, những lời nịnh nọt rằng nước Nga thuộc loại cường quốc dắt dẫn thế giới, người dân Nga đang sống cực kỳ hạnh phúc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét