Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

MÓN NỢ ĐẦU ĐỜI






 


Từ giã cuộc sống công nhân, tôi trở về bước vào cái cảnh của thằng thanh niên vô công rồi nghề. Đã vậy lại thêm cái sự chán đời, cái sức trai tràn ngập trong tôi cứ muốn nhảy ra ngoài mà đập phá. Mà phá cái gì, đập cái gì? Những thằng như chúng tôi ngày đó cũng chẳng biết, duy có điều là không thể ở nhà để bị mẹ la.
Để có tiền tiêu vặt,, Tôi- Phúc và An mở một chỗ sửa xe đạp, nơi dốc Cầu Quan. Cây cầu 3 nhịp được xây dựng từ thời Pháp, bắc ngang con rạch Tây ninh.Vì sao cây cầu có cái tên như vậy, chúng tôi cũng đâu có thời gian để mà thắc mắc.Phúc và tôi là bạn học, còn An thì sống cùng xóm với Phúc, cái xóm ven sông tập trung nhiều người Chàm nên có tên gọi  là xóm Chàm. An lớn hơn chúng tôi, là bộ đội xuất ngũ sau chiến tranh 
Cam-Pu-chia. Tuy vậy, từng đoàn quân tình nguyên  vẫn đưa qua và thỉnh thoảng những xe Cam-nhông  trùm kín bạt lại về ngang qua cây cầu này. Đó là những xe chuyển xác . Tôi biết về cái sự sống chết của con người cũng từ cuộc chiến này, khi mà những trái pháo từ bên kia bên giới pháo sang một cách vô tội vạ chỉ nhằm vào mục đích giết người. Ngày đó chúng tôi luôn có ý nghĩ, cuộc đời thật ngắn ngủi, và cũng không biết mình có thể chết lúc nào nữa.
Vốn dĩ đã gan góc, lại coi sống chết không là gì đã khiến 3 chúng tôi trở thành những thanh niên nổi cộm lên ở Thị xã lúc bấy giờ với hàng loạt những trận đánh nhau với những lý do thật đơn giản :Thích thì chìu.Vậy thôi !Không bao lâu, dân anh chị trong khu vục cũng phải kiêng dè chúng tôi mấy phần.
Cái việc sửa xe đó , tôi chỉ là đứa phụ vặt nhưng thường thì chẳng có mấy khách, nên phần lớn thời giờ là tôi nằm ngủ để An và Phúc làm. Chỉ những ngày lễ, họa hoằn chúng tôi mới kiếm dược chút đỉnh, đủ nhậu một bữa ra trò.An tụ tập quanh mình một đám em út vô công rỗi nghề, một vài thằng công tử nhà giàu học đòi làm anh hùng hảo hán và cả những đứa không nhà lang thang, để được tôn làm đại ca, oai oai một chút cho cái cuộc sống không có ngày mai. Hẳn, tôi và Phúc cũng được xem như vậy vì ba chúng tôi thân với nhau như anh em. Vậy là vô vàn những cuộc đánh nhau từ những chuyện vặt vãnh của bọn nhóc, từ những thằng công tử bột gây ra. Bản thân cả ba chúng tôi ít gây chuyện, mà có chuyện gì để gây, khi cuộc sống chỉ có giá trị bởi những tranh chấp không đâu, có khi chỉ là vì một đưa con gái, vì một câu chửi thề nơi quán nhậu, vì một gương mặt vất hất, vì cái thằng ỷ tiền khinh người…, hay ho lắm là vì một chuyện bất bình.Tôi tham gia vào những cuộc đánh nhau ấy gần như vô thức và mỗi lần khi công an ập xuống, bao giờ Phúc và An cũng đứng ra bao che, chịu tội thay tôi.Phúc bảo: " Có gì thì mày cứ chối, để tao hay và thằng An gánh cho. Tụi tao bị nhốt cũng quen rồi."Mỗi lần bị bắt vì cái tội đánh lộn, An hay Phúc bị phạt lao động thường là làm vệ sinh công viên, quét đường, quét chợ… và chúng tôi gọi đùa là “ làm công đức”. Thế nhưng, sự hiện diện của chúng tôi, cũng phần nào giúp được những người nghèo buôn bán về đêm, dọc con rạch,đen đúa ngày đó chút yên ổn không bị lưu manh quậy phá
Trước giải phóng, cái xóm Chàm nghèo hèn  còn có cả dãy nhà “năm căn” và còn có tên gọi là xóm đĩ. Hẳn nhiên sau giải phóng thì không còn nữa, còn chăng là những dãy nhà lụp xụp, che chắn tạm bợ.Nơi một trong những căn nhà đó Hoa đã lớn lên. Lúc đó Hoa lớn hơn tôi một tuổi. Ba mẹ Hoa không may, trong một lần đi đánh trái trên sông, trái nổ khiến ba của Hoa bị thương mất đi một tay và một chân. Thế là gánh nặng gia đình đều đặt trên đôi vai của mẹ Hoa với gánh xôi chè rong ruổi sáng và đêm,nhưng chẳng bao giờ lấp liếm đủ 6 miệng ăn trong thời điểm khó khăn và đói lúc đó.
Hoa lớn lên như hoa dại, đẹp và hoang dã. Cô bước vào cái nghề bán trôn nuôi miệng cũng tự nhiên như cô đã sống và lớn lên.
Thỉnh thoảng, về đêm ,Hoa tụ lại nơi cái lô cốt chân cầu để nhậu cùng chúng tôi.  Hoa, Phúc, An vốn cùng xóm và những đêm khuya về nhà cô đều đi qua chúng tôi. An thì coi Hoa như em gái vậy, Phúc thì tôi không rõ., còn với tôi thì chẳng bao giờ tôi muốn gần gũi với Hoa cả, bởi Hoa đẹp và hát hay.
Một buổi tối, tôi và Phúc mệt nhoài nằm trên nóc cái lô cốt mà ngắm trời. Mấy hôm nay chúng tôi ngh làm vì An bị bắt và lần này thì không đơn giản, bởi một trong những thằng em út đã đâm một người bị thương trong một trận đánh ẩu đả. Cả ngày, hai thằng chúng tôi chẳng muốn làm gì và cũng không ăn gì, bởi số tiền trong túi đã vứt hết vào cuộc nhậu buồn bả, nặng nề tối qua.
Tôi bảo với Phúc : ‘’ Hay tụi mình về nhà một thời gian đi”. Phúc nói : “ Về đâu, về nhà mày à?’”. Tôi đáp: Ừ. Nó nói: ; Cũng được, mà mày đi không về chắc cũng hơn cả tháng rồi, tôi sợ Bác Tám chửi. Tôi nói : Thì bả có chửi rồi cũng thôi. Tao với mày ra dẫy cỏ mì, trồng lang thì má tao vui rồi. “. Phúc nói : ‘’ Còn thằng An thì sao?”. Tôi đáp: Cùng lắm thì nó bị đưa đi cải tạo thôi. Có cơm mà ăn, có việc để mà làm. “. Phúc chửi : Mày thì có vào bao giờ mà biết. Mẹ, tụi nó ni hứng là bạt tay mình.”. Tôi bảo: “ sao mày không đánh lại ?”. Phúc hỏi: Đánh ai? Mấy thằng quản giáo à? Mày vào mà đánh.” Tôi cười. Lúc đó, Hoa đi lên. Có lẽ từ nhà ra. Thấy tôi và Phúc nằm trên nóc lô cốt, Hoa hỏi tôi : “ Anh Thu sáng giờ ăn gì chưa? Em nghe nói anh An bị bắt rồi hả?.’ Phúc đáp : “ hết tiền, làm biếng ăn” vừa nói nó vừa nhổm dậy hỏi Hoa; “ Còn thuốc không, cho tụi anh vài điếu.? “. Hoa đáp : E cũng mới ở nhà ra, có đâu?. Rồi Hoa đi.
Lát sau, thằng Nhị chạy đến. nó dựng xe đạp rồi leo lên nóc lô cốt với chúng tôi. Trên tay nó cầm bọc bánh mì, miệng nói : Chị Hoa bảo em đem cho hai anh ăn đó. Có gói thuốc nữa. Phúc nhổm ngồi dậy , nó lấy bánh mì ra và đưa tôi một ổ.Nó nói : Ăn đi mày. Con Hoa nó thương mày thiệt đó.”. Nhị lên tiếng : Tội nghiệp, chị Hoa mới hết bịnh vậy mà đi khách liền.”. Tôi bật dậy : Hoa bịnh khi nào ? Nhị nói : Mấy bữa nay rồi, anh không biết hả? Phúc nhìn tôi cười nói :" mày quan tâm nó rồi hả? Thôi, có thì ăn đi.” Tôi cầm ổ bánh mì lòng xót xa vô cùng. Từ lâu, tôi biết Hoa thương tôi và vì vậy mà tôi luôn tránh né Hoa.
Nhị lên tiếng : "Anh Thu ăn đi.Chị còn đưa em 10 ngàn đưa anh nè." Nó móc túi lấy tiền đưa tôi.Bất giác cơn giận trong lòng tôi bùng lên dữ dội. Tôi nhảy xuống bảo Nhị. : Mày chở tao về nhà coi”. Thằng Nhị lật đật nhảy xuống, đẩy xe chở tôi đi. Cả đoạn đường nó không dám lên tiếng.
Tháng sau, tôi tình nguyện đi thanh niên xung phong vì lý lịch của tôi không tham gia quân đội được. Lúc đó, gia đình tôi chưa nhận được tin tức của anh tôi nên trong lý lịch tôi vẫn khai : Trung sĩ lính ngụy mất tích.”.
Sau này, Tôi về Phúc cho tôi biết Hoa bỏ đi làm xa, không biết đi đâu.
Phúc giờ, theo vợ qua Mỹ làm tài xế tắc xi. Còn An nghe đâu sau vài lần ra vào tù rồi cũng lấy vợ sinh con nhưng ở đâu tôi vẫn không rõ.
Cái xóm ven sông cũng không còn nữa, đã được giải tỏa. Nghe nói Hoa cũng tìm được anh chồng Việt kiều và đã ra nước ngoài. Còn gia đình thì cũng đã dọn đi nơi khác.
Cây cầu Quan đã được đập, xây mới tuy vẫn giữ lại cái dáng cầu 3 nhịp thời xưa. Riêng cái lô cốt- nơi tôi vẫn ngã lưng ngắm sao trời thì không còn nữa.
Ngày đó, tôi không ăn ổ bánh mì, nhưng trong lòng tôi đã nhận một món nợ ân tình cho dù người trao nó mãi mãi không bao giờ cần tôi phải trả. Món nợ ấy đã theo tôi bao năm nay và tôi đã không thể quên

2 nhận xét: