Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2018

Xác Ướp








Tru sa


Tôi sắm được một căn hộ nhỏ nằm liền kề trung tâm thành phố. Tôi không có hàng xóm. Quanh đây chỉ có các cửa hàng và một vài chi nhánh của công ty tư nhân. Tôi vẫn mời nàng về nhà. Hoặc nàng tự đến. Luôn có những bữa cơm theo kiểu vợ chồng son không hôn thú, nhưng cũng chỉ thế.

Chuyển tới căn hộ này, tôi muốn tách khỏi mẹ và dượng. Hẳn nhiên hai người họ còn rất thương tôi. Họ chu cấp đầy đủ tiền bạc, ngay tới căn hộ này đây, dù là ý của tôi nhưng vẫn phải cần đến tiền của dượng. Một sự thay đổi để tôi và nàng có thể sống chung và mãi bên nhau…Tôi không chắc. Tôi không ở nhà thường xuyên. Nàng sống một mình nhưng dù thế nàng cũng không định chuyển tới đây để trở thành một nội trợ đảm đang.

Tôi và nàng chưa bao giờ cố định vào một điều gì.

“Dựng một gia đình, ngay ở đây, được chứ.” –Tôi nói.

“Anh thật muốn như thế.” – Nàng nói.

“Có lẽ…”-Tôi nói.

“Ở cùng nhau, có thật sự là hạnh phúc. Anh nghĩ lý tưởng gì trong chuyện này. Ngày trước cha mẹ em cũng đã nói như vậy. Giờ họ đã vô tăm tích trong cuộc đời nhau.”

“Điều quái gì là nghĩa lý bây giờ?”

Nàng im lặng. Tôi cũng im lặng.

Không có thêm một tiếng vang nào. Tôi khuấy động căn hộ bằng cách bế nàng lên giường.

Nàng biết nấu ăn, thêu thùa hoặc đồ họa máy tính. Nàng chưa ổn định công việc. Đấy là do nàng muốn vậy. Chi tiêu hàng tháng nàng tự kiếm lấy bằng cách làm nhiều việc khác nhau. Đã một lần tôi thấy nàng trong trang phục nhân viên lễ tân nhà nghỉ. Khi ấy tôi đi cùng một cô gái và đặt một phòng theo giờ. Tôi và nàng không nói gì với nhau. Phòng nghỉ tôi vẫn đặt. Nàng đưa chìa khóa rồi chỉ lên tầng. Việc lang chạ của tôi nàng biết. Tôi cũng có thể kể cho nàng mình đã quan hệ với bao nhiêu đàn bà. Nàng không phải người đàn bà duy nhất có quan hệ xác thịt với tôi. Chỉ nàng là người tình của tôi.

Có một thời gian nàng đăng ký học nhu đạo. Chỗ nàng học không phải một lớp ngắn hạn được dạy trong khuôn viên trường học vào mỗi tối. Đấy là võ đường có uy tín do các võ sư người Nhật truyền dạy. Biết vài miếng võ nàng sẽ có thể tự bảo vệ mình khi tôi không có bên cạnh. Được một thời gian nàng bỏ dở. Võ sư dạy cho lớp nàng nuối tiếc về điều này. Nàng học rất nhanh và dường như có tố chất con nhà võ. Trong lớp (Tất nhiên là lớp nữ), nàng là người chỉ trong một thời gian ngắn lên được đai xanh. Bởi nàng học nhu đạo nên tay chân không có nhiều vết chai, nhưng các vết trầy xước thì vẫn có. Trong một lần tập luyện nàng đã bị chấn thương, phần thương tích đấy đã thành sẹo. Nàng không khóc, còn việc vết sẹo có làm thân thể nàng xấu xí hơn không thì có lẽ cũng chẳng phải vấn đề. Vết sẹo nằm ở hông, tôi vẫn thấy nó mỗi khi cùng nàng lõa lồ trong một cuộc ái ân. Tôi chắc nàng không bỏ dở việc học võ chỉ vì thương tích nhỏ này. Lần đó đối thủ của nàng đã bị đo ván và xem chừng tình hình còn đáng lo hơn. Cú vật của nàng đã làm cô ta gãy xương.

Nàng vẫn thường với tôi về một nhà văn. Cái tên này, nàng đã nhiều lần nhắc đến. Nàng vốn không siêng đọc sách. Bằng chứng là tôi chưa bao giờ thấy nàng mua sách, cũng như chẳng có một cuốn sách nào trên kệ tủ nhà nàng. Riêng cái tên này thì nàng lại mến mộ. Một nhà văn, với cái tên Ai.

*

Trời bắt đầu sáng. Nắng đã lên cao và phủ xuống mọi ô nhà manh áo bằng rơm. Sân thượng của tòa nhà cao đã thấy tiếng chim gọi bầy. Ngoài đường đã thấy tiếng người đi lại. Chiếc xe buýt đi chậm lại và dừng ở một tuyến đợi ven đường. Tôi ngáp dài rồi mở bao thuốc rút thêm một điếu. Nơi tôi ngồi là bậc lên xuống cầu thang bộ. Tôi ngồi đây từ tối qua, sau khi tạm biệt nàng ở quán bar. Suốt đêm qua tôi loanh quanh trên cầu thang bộ và hút thuốc. Ống lọc và tàn thuốc vương vãi dọc lối đi. Cách đây vài giờ tôi đã đái một bãi trên này. Vũng nước tiểu đã ngấm mất tiêu nhưng mùi vẫn khăm khẳm. Tôi đi lại trên cầu thang bộ. Mở bao thuốc, tôi rút thêm một điếu. Bật lửa đã hết ga. Tôi ngậm điếu thuốc trên miệng, cắn lấy đầu lọc rồi đi ngược lại phía mình vừa đi.

Một lát, tôi nhổ điếu thuốc với đầu lọc đã bị nhai nát. Tôi rời khỏi cầu thang bộ. Bắt đầu nghe thấy tiếng còi xe.

Tôi không ăn sáng. Hơn một tiếng sau tôi gặp nàng.

“Anh đi bộ à?” – Nàng nói với tôi.

Tôi gọi thuốc lá. Nàng gọi thêm một cốc sữa tươi để ăn cùng bánh ngọt.

“Nhìn anh có vẻ mệt mỏi quá, tối qua anh không về nhà phải không?”

“Anh đi dạo cả đêm, không mệt chút nào.”

Chúng tôi nói về chuyện các bài hát đang thịnh hành cùng mấy bộ phim bom tấn sắp công chiếu. Tôi châm thuốc hút. Khói thuốc phả vào mặt nàng. Nàng không xua khói, cũng không cau mày.

Tôi nhìn nàng. Đôi mắt tròn nằm dưới hàng lông mày lá liễu này tôi đã vài lần nhìn vào. Mắt nàng sâu lắng như vướng phải một nỗi buồn từ hàng thế kỷ. Đôi mắt nàng luôn hướng về một nơi chốn mà không bao giờ tôi hiểu được. Tôi không muốn nhìn vào mắt nàng. Tôi ghét điều này. Hút hết thuốc, tôi rút thêm một điếu.

Nàng nói về Ai.

“Ông ấy tự tử bằng súng lục. Một phát đạn ngay chính miệng.” – Nàng nói.

“Mỗi ngày có biết bao nhiêu người chết.” – Tôi vẩy tàn thuốc xuống sàn - “Già chết, bị đâm chết, bệnh chết hay tự bắn chết cũng như nhau cả. Vẫn chỉ là một cái xác ngã xuống và thối rữa.”

“Một phát đạn vào cuống họng, và chấm hết…” – Nàng vẫn nói.

Quán có thêm khách. Họ ngồi đối diện với tôi. Chủ quán mở nhạc, một bản nhạc đồng quê với volum vừa đủ. Tôi đốt thêm một điếu thuốc. Tôi cảm thấy váng đầu và đắng miệng. Mười mấy tiếng qua tôi chỉ cháy trong khói thuốc. Nàng hỏi tôi có ăn gì không. Tôi lắc đầu và gọi thêm thuốc lá.

*

Nàng đã đúng. Hôm trước tôi đã đi bộ tới quán. Tôi không nhớ rõ mình đã để xe ở đâu. Chắc chắn tôi không cho ai mượn hoặc gửi ở một bãi trông xe nào đó quanh thành phố. Chìa khóa xe cũng mất tiêu cùng.

“Chắc mình quên rút chìa khóa xe và một thằng cha đã nhanh tay.” – Tôi nói với suy nghĩ của mình. Tôi châm một điếu thuốc, chậm rãi hút.

Trên tờ nhật báo cuối tháng có đăng một bài về một nữ diễn viên đột tử trên sàn diễn. Gương mặt diễn viên này kể ra cũng khá quen. Bà ấy quá bảy mươi và đây cũng là vai cuối cùng của bà ấy. Theo những gì tôi đọc ở bài viết thì diễn viên đã dùng thuốc mỗi khi lên sàn diễn. Đây là một bộ phim điện ảnh và đòi hỏi có những phân đoạn mạo hiểm.

“Nếu không có sự cố này, đây sẽ là một bước ngoặt lớn của…Bộ phim đã được giới Holywood để mắt tới.”

Đấy là lời kết lại của người viết bài này.

Bộ phim rất thành công. Danh tiếng của đoàn làm phim trở thành vị trí dẫn đầu trong ngành phim ảnh Việt. Người nghệ sỹ được trả cát-xê bằng một lễ tang long trọng.

Tôi mở trang báo tiếp theo.

*

Từ ngày thành phố có khu thương mại tổng hợp, nhiều người đã tụ họp ở đây. Ngoài khu bách hóa, bên trong còn có bể bơi và một sân bóng nhỏ sẵn sàng cho thuê. Tôi ít khi ra vào mấy nơi chuyên về hoạt động ngoài trời. Chỗ của tôi là ở quầy bar. Nơi đây luôn có âm nhạc, đủ loại đồ uống và tôi thì luôn gọi thuốc lá. Tôi vẫn gặp nàng ở quầy bar. Nàng tới đây để gặp tôi, nàng không chủ ý một món ăn hay đồ uống nào ở quầy. Tôi gọi gì nàng uống nấy, nhiều khi nàng còn nhờ tay bồi bàn chọn giúp. Giá cả ở đây rất đắt nhưng tôi thì không thiếu tiền. Người dượng của tôi không phàn nàn về chuyện này, ông ấy dành cho tôi một tài khoản. Hàng tháng tiền vẫn chuyển đều.

Hôm nay nàng không đến. Tôi ngồi một mình. Trên bàn chỉ có tàn thuốc và đầu lọc thuốc lá. Ly cocktail gọi từ lúc vào vẫn còn đấy. Sau cú đấm trời giáng, tay bồi bàn đã không dám lèo nhèo về việc vứt tàn thuốc bừa bãi của tôi nữa. Nhạc đã hết, người phục vụ tua lại từ đầu. Tiếng kèn trumlet và một câu hát vang lên. Tôi đã nghe bài hát này đâu đó rồi. Có lẽ là tôi đã từng mê mẩn và còn hát theo khi tới đoạn mình yêu thích. Tôi thử hát theo, lời không khớp. Tôi huýt sáo, tiếng vẫn lệch. Gõ tay theo nhịp, tôi thành kẻ phá ngang bản nhạc.

“Bố khỉ…” – Tôi gác những suy nghĩ lại bằng một hơi thuốc.

“Em có thể ngồi đây chứ.”

Một vũ nữ. Tôi chắc chắn. Ả ngồi cạnh tôi và bắt đầu hỏi chuyện.

“Anh có chuyện buồn phải không? Em cũng không vui vẻ gì…”

Ả hỏi tôi. Tôi rút thuốc hút. Ả kể về mình.

Tôi hút một hơi sâu rồi nhả khói qua mũi.

Chợt ả cười phá lên. Ả lại tiếp tục nói. Tôi rít thuốc.

“Vừa nãy em nói đến đâu rồi.”

“Chịu.”

“Ừ, thì chịu.”

Ả uống cạn ly cocktai.

Ả đã nói thêm gì đấy. Ngay khi rời khỏi Bar, chúng tôi tìm một khách sạn và làm tình. Tôi không ngủ chung với ả. Hai chúng tôi chỉ cuồng hoan trong chốc lát rồi biến khỏi cuộc đời nhau. Tôi mở bao thuốc. Ngón tay tôi không tìm thêm được điếu nào. Ném vỏ thuốc, tôi đi dọc trên vỉa hè. Gần sáng, trời lất phất mưa. Sương vẫn dày và nặng trĩu trên mỗi cành cây. Tôi đi trong màn sương. Mưa xối xuống. Tôi không đi nép dưới mái hiên. Tôi trầm mình trong cả mưa lẫn sương.

*

Căn hộ thế là đã năm ngày vắng chủ. Mấy ngày qua tôi như tên hành khất. Bạ đâu ăn đấy và qua đêm ở bất kì đâu, hễ thấy mệt. Khi thì ở quán karaoke, khách sạn, ghế đá công viên, vỉa hè, dưới chân cầu thang bộ hoặc một xó xỉnh trong chợ…Giờ, tôi mới rời đi. Tôi trở về nhà. Không phải căn hộ. Đây là nhà tôi. Chuyện chiếc xe khiến việc đi lại của tôi khó khăn. Nàng sẵn sàng nhượng lại chiếc Attila cho tôi nhưng đấy không phải điều tôi mong. Tôi chỉ cần nàng chở đến điểm dừng xe bus có tuyến đi qua nhà tôi.

Cửa mở, tôi đi vào. Nhà tôi rộng, có sân và nuôi ăn ở một đám giúp việc. Mấy con nhóc giúp việc đang tuổi mới lớn tôi đã thử qua. Chúng sành sỏi chuyện giường chiếu hơn tôi nghĩ. Sau mỗi cuộc chơi, tôi phóng tinh lên bụng chúng rồi lấy chân, di bằng hết. Tôi rút tiền, quăng tung tóe trên giường. Khi một đứa đe dọa tôi bằng một cái que với hai vạch đỏ, tôi ném thêm tiền. “Tống nó khỏi bụng mày, hoặc chính tao sẽ lóc nó ra.” – Tôi nói thế và mấy hôm sau con nhóc trình diện tôi bằng một cái bụng eo ót. Cái bụng nhỏ nhắn đó khiến tôi vừa lòng và khơi dậy trong tôi ý nghĩ về một cuộc mây mưa.

“Cậu chủ đi đâu cả tháng nay thế.” – Một ai đó trong bọn giúp việc nói.

Tôi nghe thấy tiếng mẹ. Bà đang ở tầng hai và đang khóc nấc lên. Chẳng có gì hệ trọng cả. Chỉ là bà đang xem một bộ phim tình cảm. Những đĩa phim luôn chật ních trong ngăn tủ.

Tôi đi tới cạnh bà, bốc một miếng bánh trong hộp bánh mà bà đang ăn.

“Con về rồi đấy à.” – Mẹ tôi nói, rồi mời tôi ngồi xuống.

Đôi mắt mẹ vẫn ướt nhòe vì bộ phim.

“Phim hay lắm con ạ. Anh này…Cô này…”

“Con ghét phim tình cảm.” – Tôi nói và bốc thêm một miếng bánh.

Mẹ tôi tiếp tục xem phim. Một lúc mẹ hỏi về việc dọn ra ngoài ở của tôi. Tôi nói ổn. Bà mỉm cười với tôi.

“Dượng đâu rồi!”- Tôi nói. Lời tỏ tình của đôi tình nhân trong phim vang hơn tiếng tôi.

“Cha con đi công tác.”

“Mẹ còn nhớ mã két không?”

“Ngày sinh của con.”

“Mẹ đọc đi.”

“Con không nhớ à? Trong chứng minh thư hoặc giấy tờ tùy thân có đấy.”

Tôi ngồi dậy. Đi vài bước tôi nghe thấy tiếng nấc. Lúc trước mắt mẹ hoe đỏ và giờ thì nó đã ướp nhèm. Nước mắt rơi thành hai hàng dài và chảy đều nhau. Mẹ rút khăn giấy lau mắt. Trong tiếng khóc mẹ kêu lên “Don Suke, đừng bỏ cô ấy…”

Tôi lấy mười triệu, rồi đi khỏi nhà.

*

Khác với mẹ, nàng không khóc bao giờ. Nàng là người thành phố, tôi chuyển đến đây không lâu nhưng nàng thì ở đây từ lúc còn rất nhỏ. Cha mẹ nàng tôi không thấy mặt, cũng không nghe nàng kể và tôi cũng không hỏi. Giờ nàng sống một mình. Ngày trước…Dẹp chuyện vớ vẩn đó đi. Quá khứ đáng bị nhổ nước bọt. Một tên bạn của tôi, đã từng là nhân tình của nàng. Hắn là người đàn ông đầu tiên của nàng. Tất nhiên. Cũng chính hắn giới thiệu nàng với tôi. Về chuyện này, tôi mang ơn hắn.

“Nó chẳng khóc bao giờ, tao ghét điều này. Tao đã tát vào mặt nó, xé hết quần áo rồi dẫm lên người nó. Tao lấy roi đánh vào người nó, rất mạnh đấy tiếc là nó vẫn không chịu khóc lấy một tiếng. Một con đàn bà như vậy thật cụt hứng. Này, khi làm tình mày làm nó kêu to tới mức nào.” – Hắn nói với tôi, và cười. Tôi biết được lý do về mấy vết sẹo, không do tập nhu đạo.

Mấy hôm sau, nhà hắn bị cháy. Ngọn lửa khủng khiếp, lớn ngoài sức tưởng tượng đã nghiền nát mọi thứ. Người nhà hắn bị lửa hun thành xương đen. Hắn thoát chết nhưng cơ thể hỏng cả. Tôi tới thăm, mang theo quà cùng một bó cẩm chướng vàng. Hắn giờ đây nằm còng queo trên giường. Toàn bộ cơ thể hắn bị băng kín như xác ướp. Chỉ có hai con mắt ló ra từ lớp băng bùng nhùng. Thấy tôi hắn mừng rỡ và dường như muốn nói gì đấy. Miệng hắn không mở được thành tiếng. Tôi ghé vào tai hắn và khẽ nói : “Nhà mày cháy hả? Tao biết hết, biết cả. Tao đã nhìn, trọn vẹn. Vì…”

Mắt hắn trợn trừng, dường như định nói gì đấy. Tôi không nhìn hắn và ra khỏi phòng. Ra đến cửa, cô y tá hỏi tôi về hắn, tôi nói ổn và nhét cho cô ta một chút tiền.

Chuyện này, tôi có kể với nàng. Nàng hỏi tôi “Thích không.” Tôi lắc. Rồi tôi hỏi lại “Em thấy thế nào.”

“Chịu thôi.” Lời của nàng. Tôi dự trù sẽ đáp lại chính câu này, nếu nàng hỏi lại. Thế nhưng nàng không hỏi.

Nói đến nước mắt thì tôi chưa khóc bao giờ. Ngày chào đời tôi đã không khóc. Ngày cha mất tôi không khóc. Một tuần lễ sau, mẹ tái giá tôi cũng không khóc. Nàng cũng không khóc bao giờ

“Em đang theo một lớp hội họa.” – Nàng nói với tôi.

“Rồi thì em cũng bỏ nó theo một trò gì khác thôi.” – Tôi rít một hơi thật sâu.

“Phía chân trời, vết nứt đã loang ra và rộng lắm rồi. Tôi bẻ đầu mình xuống. Nơi cần cổ máu không chảy mà mọc lên cái đầu khác. Tôi lại bẻ nó xuống. Một cái đầu tiếp tục nhú lên. Dưới chân, những cái đầu lăn lóc. Biết bao cái miệng lập bập như nói thầm với nhau. Tôi vẫn đứng đấy và tiếp tục ngắt đầu mình…”

“Cái quái gì thế.” – Tôi dập điếu thuốc đang cháy dở.

“Mỗi người cần bao nhiêu cái đầu để sống đây?” – Nàng nói. Lời nàng ngắt quãng nhưng rất rõ ràng. Đôi mắt nàng vẫn lạ quá. Ánh nhìn. Chẳng buồn, chẳng vui, cũng không phải đăm chiêu. Nó hờ hững như vệt khói bị gió thổi tan.

“Ai đã viết thế.”

“Em nói ai?”

“Ai đã viết thế.”

“Ai kia?”

“Là Ai.”

“Có phải cái tay nhà văn tự bắn vào mồm.”

“Ông ấy giã biệt khỏi trần gian và đến thánh đường của mình.”

Tôi châm điếu mới.

“Tự tìm đường chết thì hay quái gì. Mà em đọc toàn thứ nhố nhăng thế.”

“Ai đã chết trên số bản thảo chưa một lần công bố. Nó là di cảo của thánh thần. Chẳng ai biết được về sự vĩ đại như thế.”

“Nhà văn thích tự sát lắm.” – Tôi nói.

“Cuộc đời nhà văn chỉ có cái chết.” – Nàng nói. Một nụ cười hé trên môi nàng - “Họ gánh cái chết thay chúng ta. Máu họ đổ thành chữ và đấy là kinh thánh.”

Nàng ngửa cổ, mắt nàng nhìn lên cánh quạt trần rồi nhắm từ từ. Tôi rít một hơi dài rồi nhả khói. Ba mảnh khói, lồi lõm như ba cái sọ người.

Tôi bật cười, rồi im hẳn.

*

Một tháng nay tôi lang thang khắp thành phố. Vạ vật ở nhiều ngõ ngách. Ăn uống bừa bãi, thậm chí tôi còn chẳng ngủ. Có một vài chuyến đi xa, cùng bầy bạn. Nàng không có trên chuyến đi. Gần đây nàng bận với trò vẽ vời. Nàng có gọi điện cho tôi, hỏi về chuyến đi. Tôi nói ổn.

Nàng nói về Ai. Tôi đã rõ, nhà văn Ai.

Kết thúc chuyến đi, tôi về căn hộ. Việc đầu tiên về nhà là tìm mua một cây Ba Số để hút dần. Phòng ẩm thấp vì lâu chưa được quét dọn. Trần nhà bắt đầu có mạng nhện. Đĩa cơm rang trên bàn giờ đã mốc meo, hạt cơm khô đanh như hạt sỏi. Có một lớp nấm trắng mọc trên đấy. Gián bò quanh nhà. Có chuột nhưng chúng đã lẩn đi khi tôi bật đèn. Quá mệt mỏi và không muốn dọn dẹp. Tôi châm một điếu thuốc.

Tôi ngả lưng sau ghế sofa. Có thật là tôi đã vui chơi hết sức và đang mệt lử. Tôi nói gì trong chuyến đi. Ai nhỉ? Người này…Người kia…Đã nói chuyện gì với tôi. Thuốc lá và rượu mạnh…Hình như có mấy thân xác đàn bà…Và…Chắc chỉ có thế.

Thuốc cháy hết, tôi hút thêm.

Mở máy tính, tôi truy cập vào một trang wed chuyên về giải trí. Trên trang chủ có một bức ảnh hài hước với các bộ mặt đã bị làm méo đi. Có một dòng chữ ngô ngê được chèn dưới bức ảnh. Tôi phì cười.

Tôi luôn cười mỗi khi xem một bức tranh hề, hoặc do vẽ tay hoặc là ảnh một ai đó cố làm mình méo mó bởi những động tác quái gở. Tôi dễ bị chọc cười. Và tôi đã cười phá lên, trong giây lát. Nhớ lại về điều đấy, tôi cố tìm lý do để cười.

*

Nàng cho tôi xem mấy bức tranh vẽ trong khóa học. Ngoài mấy mẫu tĩnh vật còn lại đều là chân dung. Có vẻ như nàng đã quá thích thú với trò vẽ vời này rồi. Nàng đã sắp xếp hẳn một gian phòng chỉ để vẽ tranh. Nhìn vào giá vẽ, tôi thấy một tranh chân dung. Mái tóc ngắn với những lọn xoăn, khuôn cằm vuông và điểm ít râu thì hẳn là một hình đàn ông. Chưa có mắt mũi, ngay tới một nét nhỏ, biểu hiện cho một nếp nhăn vẫn chưa có.

“Thử vẽ anh đi.” – Tôi nói.

“Anh ngồi xuống ghế đi.” – Nàng hỏi lại.

“Đùa thôi.” – Tôi nhìn sang các bức tranh khác.

Không một bức nào. Thật là như thế. Không một bức chân dung nào là đầy đủ mặt mũi. Tôi đã tìm cả các bức tranh đã được phối màu thì vẫn chỉ thấy một bộ mặt trống rỗng. Ở một bức tranh, xét theo mái tóc buông dài cùng cái cổ áo dài thì nàng vẽ một thiếu nữ. Khuôn mặt rất cân đối, nét vẽ dù chưa đủ cứng cáp nhưng rất uyển chuyển và tạo được một trạng thái sống cho bức tranh. Tiếc rằng các nét trên khuôn mặt vẫn chưa được vẽ. Nàng để rỗng bức chân dung.

“Anh uống trà hay cafe.”- Nàng nói.

“Sao cũng được.”

“Bao giờ thì em hoàn chỉnh các bức tranh.”

Nàng chọn café. Tôi hút thuốc trong lúc chờ nước sôi.

“Em không biết.” – Nàng nói.

“Em sợ vẽ hỏng ư?”- Tôi nói.

“Không.” – Nàng đáp.

“Vậy vẽ làm khỉ gì.”

“Anh nghĩ bao nhiêu đường nét mới đủ cho một khuôn mặt đây. Không quy chuẩn nào hết.”

Mắt nàng, tôi không muốn nhìn vào nữa. Tôi chỉ hút thuốc. Nàng nói về Ai.

“Họ là ai? Tại sao tôi đi cùng họ? Họ có đi cùng nhau không hay đấy chỉ là sự lạc đường của những đức tin.” – Lại một câu văn ngu ngốc nữa từ Ai.

Tôi cố pha trò bằng mẩu chuyện cười vớ được trên báo. Nàng không cười, tôi cũng không cười. Tôi nói về chuyện của một người. Thêm một người nữa…Câu chuyện chết trong im lặng. Tôi hút cạn điếu thuốc bằng một hơi dài.

“Có bao giờ anh nghĩ chúng ta là thứ gì đó không?”

“Thứ gì.”

“Anh nói xem…”

“Thứ quái gì chẳng được.”

“Ai đã từng nói về một trạng thái sống. Ôi, một dạng sống nhưng chẳng sống và cũng chẳng chết. Có lẽ rằng, lâu lắm rồi chỉ những cái bóng nhưng chẳng là bóng vật vờ qua lại...”

“Làm sao bây giờ…” – Nàng nói trong nỗi buồn. Nàng nhấp một ngụm café.

Ai. Tại sao lúc nào cũng là Ai. Thứ ám muội này luẩn quẩn trong đầu nàng lâu quá rồi. Tôi nghĩ đến việc làm tình. Ý nghĩ tắt phụt ngay khi vừa hiện ra. “Có lẽ nào, tôi với nàng…Chỉ như thế…”

Tôi ngậm một điếu thuốc. Bật lửa hết ga. Nhà nàng không trữ bật lửa hay diêm. Tôi nhào lên nàng. Nàng lẩm bẩm gì đấy, tôi nghe không rõ. Đầu lọc thuốc bị tôi nhai nát nhừ. Phần dưới vẫn nã xuống nàng.

*

Mẹ gọi điện.

Dượng chưa về. Tài khoản của tôi và mẹ hàng tháng vẫn được chuyển tiền.

Mẹ kể về mấy bộ phim tình cảm. Một hoàn cảnh bi đát, rồi một cuộc tình đẹp bị chia cắt bởi sóng gió…Thế là mẹ khóc. Nhắc tới một chuyện tình éo le khác, mẹ bật khóc. Nước mắt rơi dễ thế sao.

Tôi cáo bận và gác máy.

*

Ngồi quầy Bar nửa ngày trời, giờ tôi muốn đi đâu đấy. Tụ điểm vui chơi ở khu số 6 khá nhộn nhịp với đủ mọi lứa tuổi. Tôi tạt qua đó, rồi lại đi ra vì không biết chơi trò gì. Loanh quanh một hồi, tôi ấn thang máy và lên tầng thượng.

Không vướng vào chút suy nghĩ nào. Tôi châm thuốc hút. Trước giờ tôi không hút cố định một loại thuốc nào, thấy thuốc là tôi vớ lấy. Đứng trên này có thể thấy mọi sinh hoạt ở dưới. Từng điếu thuốc cháy liền một lúc.

Tôi nhìn xuống một quầy trò chơi. Có lẽ là bốc thăm trúng thưởng. Mấy hình ảnh chưa kịp nhập vào đầu đã chạy biến đi. Tôi nhìn sang một phía kia, rồi một phía kia…Một thân xác đàn bà nóng rẫy, bộ ngực căng tròn với đầu vú săn cứng vì được mơn trớn, cặp đùi hé mở chờ đợi…Và…Và…Chẳng nghĩ nổi nữa. Điếu thuốc tiếp tục cháy trên miệng.

Cười một cái xem. Tôi ráng nghĩ như thế. Một ông già luống tuổi râu ria xồm xoàm mặc váy đang õng ẽo và tỏ vẻ bẽn lẽn. Một thanh niên ngã cắm đầu vào bãi cứt, hai chân chổng lên trời, vẫy vẫy…Rồi thì, một ai đấy…Thế nào nhỉ…Tôi nhớ lại một đoạn trong Mr.Bean.

Tôi vẫn chưa cười được. Trước đấy tôi từng cười phá lên cơ mà.

Tôi rút thêm thuốc. Điếu cuối cùng. Tôi xuống tầng.

Một phút dừng chân. “Vừa rồi mình nghĩ về cái gì nhỉ.”

Một tuần đã qua. Tôi không gặp nàng. Nàng cũng không gọi cho tôi. Điện thoại có tin nhắn. Nhiều số và nhiều cái tên.

Căn hộ của tôi như một bãi rác. Mọi ngõ ngách đều có mùi ẩm mốc. Chuột không tránh tôi và tôi ở chung với chúng. Tôi ghét phải dọn dẹp, tôi cũng nghĩ điều này không cần thiết. Nếu muốn một chỗ sạch sẽ, tôi có thể vào khách sạn. Trong nhà nhìn đâu cũng chỉ thấy đầu lọc và tàn thuốc. Đèn vẫn bật sáng. Tôi ngồi trên giường, miệng vẫn ngậm điếu thuốc. Tôi không nghĩ ra cái khỉ gì trong đầu. Nếu mở máy, nhìn vào bức hình nàng trên desktop, rất có thể tôi sẽ nảy ý gặp nàng. Nhưng để lúc khác.

“Ai là ai?”

Nàng luôn nói về người này. Như nàng từng nói, đấy là một nhà văn tầm cỡ. Rõ ràng lão đã chết rồi. Sao nàng luôn thích nhắc về một người chết nhỉ. Mối bận tâm của nàng là về nhà văn Ai. Cái kẻ lạ hoắc này đã chen vào chuyện tình giữa tôi và nàng. Ghen tuông ư? Không thể nói vậy. Bởi lẽ tôi chưa bao giờ bực bội mỗi khi nàng dùng cái tên này để cắt ngang lời tôi nói. Không chút ngờ vực nào. Tôi tin tưởng nàng đến thế ư…

Điếu thuốc vẫn ngậm trên miệng dù đã cháy hết từ bao giờ.

Tôi ngồi dậy. Cái tên Ai vẫn chạy trong đầu tôi. Mở Wikipedia và tìm kiếm cái tên này?

Ý nghĩ là thế. Tôi không mở máy và hút một điếu mới.

Chờn vờn sáng, tôi nhận được hung tin. Nàng đã chết. Khi đấy còn sớm, tôi đương ngái ngủ và thế là tôi ngủ lại ngay.

*

Không gọi được cho nàng, tôi tin hơn về cái tin báo của số máy gọi cho mình. Một số máy lạ hoắc, hẳn là thế vì không thấy hiện tên. Tôi gọi lại cho số máy kia thì nghe tiếng báo không liên lạc được của tổng đài.

Tôi đến nhà nàng. Những người sống quanh đấy cho biết xác nàng đã được chuyển vào bệnh viện. Điếu thuốc vẫn trên miệng, tôi thong thả rít từng hơi.

Đầu óc tôi có còn tỉnh táo nữa không. “Nàng chết rồi đấy.”- Tôi muốn nói to như thế. Tôi dừng hút thuốc. Sao chẳng có một chút bận lòng. Tôi không nghĩ gì, cũng chẳng thứ gì vướng vào đầu để tôi có thể, chút nào đó nghĩ về nàng và rưng rưng.

Trong ví tôi có một ảnh thẻ chụp nàng. Tôi lấy nó ra và nhìn thật lâu. Để chắc ăn, tôi hồi tưởng đến gương mặt nàng trong đầu.

“Nàng chết rồi đấy!” – Một lần nữa tôi muốn mình nói to như thế. Miệng tôi vẫn mím chặt. Tiếng nói đấy chỉ ở trong đầu. Nó rất nhỏ và dường như đang biến mất.

Cố gắng tìm một lý do để mình phát điên lên. Tôi thất bại.

Theo khám nghiệm y khoa thì nàng đột tử. Thi thể nàng được đưa vào bệnh viện. Tôi phải đến sớm hơn, trước khi đám người đó chuyển nàng xuống nhà xác.

Khuôn mặt nàng bắt đầu nhợt nhạt vì mất đi sức sống. Tóc nàng xơ và rụng từng sợi. Mắt nàng vẫn mở. Có lẽ cái chết đến với nàng quá nhanh. Mắt nàng không vuốt xuống được. Nàng chết rồi cơ mà, đôi mắt này cũng nên nhắm lại đi thôi. Mở thấy gì nữa đâu.

Tôi không khóc. Cũng không gào rống lên. Tôi bình thản.

“Cô ấy chết vì dùng morphin quá liều.” – Viên bác sỹ nói với tôi.

“Morphin ư?” – Tôi nói.

“Đúng vậy, morphin.”

Tôi mở bao thuốc. Bác sỹ bảo không được. Đây là bệnh viện.

Hai ngày sau khi nàng chết tôi vẫn ăn ngủ bình thường. Tôi chẳng dính vào một giấc mơ hoặc hồi tưởng nào liên quan đến nàng. “Nàng đã chết.” – Có nói to cũng chỉ thế. Bức chân dung của nàng kia. Tôi nhìn vào đấy, giục mình nhớ về nàng. Tôi nhớ ra nhiều thứ, và rồi lại quên đi.

Tôi bước vào nhà tắm. Tôi mở vòi hoa sen ở mức to nhất. Nước lạnh xối xuống lạnh buốt. Cái gương phòng tắm ở kia, tôi nhìn vào nó. Khuôn mặt tôi chẳng vui cũng chẳng buồn. Nó bình thản đến tức cười.

Tôi cố làm khuôn mặt trở nên đau đớn, trong đầu tôi nghĩ về nàng. Một cái chết trong tuyệt vọng. Nàng giẫy giụa, quờ quạng tay trên không và gọi tên tôi. Nàng có gọi cho tôi không? Có đi, và bao nhiêu cú? Nàng mong nghe giọng tôi lắm phải không? Hẳn thế rồi…Và sao nữa…Chịu. Cơ mặt tôi vẫn trơ lì như tượng vôi. Còn cái miệng đang tỏ vẻ đau đớn bằng cách ngoác ra gào thét thì lại giống với một điệu mếu máo đầy miễn cưỡng.

“Nàng chết rồi đấy! Hiểu chưa!” – Tôi nói to với cái mặt trong gương. Hắn nhìn tôi. Tôi nhìn hắn. Bốn mắt đâm thẳng vào nhau và chết lặng.

Tôi đập mạnh đầu vào cái bản mặt đang trân trân nhìn mình. Một tiếng “Xoảng” và gương vỡ. Từng lớp, từng lớp toác ra. Bộ mặt thối tha vỡ thành các khuôn mặt nhỏ. Những mảnh thủy tinh cắm vào trán và mặt tôi. Một cơn đau và tôi khoái chí. Tôi đã đau đớn vì nàng, cứ cho là thế…

*

Họ nói về việc làm lễ tang cho nàng. Ý của chính tôi và đây là sự chuộc lỗi của tôi với nàng.

Không ai biết tin tức về cha mẹ nàng. Nàng là con một. Lá đơn ly hôn chia đôi hai người họ và cũng chia đôi nàng với họ. Tôi muốn nàng yên nghỉ trong thanh thản và vì thế tôi lo tất cả chi phí. Mẹ tôi không phản đối, vì trước đó bà cũng biết đến sự có mặt của một nàng dâu tương lai. Dốc hết thẻ tín dụng và lấy thêm từ tài khoản dượng tôi đã có đủ tiền chuẩn bị cho đám tang. Tôi đã thuê được một người ở vũ đoàn kịch nói không tên tuổi đã hết thời. Đây sẽ là người chủ trì lễ tang dưới danh phận ông ngoại nàng.

Mắt nàng không thể vuốt xuống. Một điều không hay. Nàng sẽ khó về trời. Một người đã nói với tôi vậy đấy. Phải có cách khiến mắt nàng khép lại. Tôi không làm được. Viên bác sỹ đã khám nghiệm cho nàng nói về một liều thuốc có thể khiến cơ mắt giãn ra. Ông ấy đã thử nó và không được. Họ đã khâu mắt nàng bằng một cuộc tiểu phẫu. Tôi không phản đối.

Lòng tôi bình yên quá. Không có chút nhỏ nhói đau khi nghĩ đến nàng. Không, nghĩ về nàng, đấy là khi tôi ép mình phải làm vậy.

Tôi rút thuốc hút. Tôi hút tất cả thuốc mình có cùng một lúc. Vẫn chẳng gì vướng lại.

Nàng luôn yêu thích Ai. Điều này tôi còn nhớ. Nhà văn Ai.

Tôi muốn lão ta phải trở thành người hầu của nàng. Bởi tôi có chìa khóa nhà nàng nên có thể vào. Mấy đồ vật trong nhà không giúp tôi nhớ lại nàng. Ký ức về nàng đang nhòa dần.

Phòng tranh. Nàng chết trong phòng vẽ tranh. Các bức chân dung do chính nàng vẽ đều bị xé rách hết. Không một bức nào nguyên vẹn. Giá vẽ nằm chỏng chơ dưới đất. Cửa kính để mở. Cọ vẽ và hộp màu vung vãi khắp nơi. Tôi hút thuốc trong phòng tranh. Bóng tối ăn gần hết gian phòng dù cửa sổ vẫn đang mở và ngoài trời nắng to. Tôi đứng lặng ở đây. Một cái đầu rỗng tuyếch. “Phải rồi, người văn sỹ tên Ai…”

Tôi không tìm thấy Ai.

*

Không một chiếc khăn tang. Họ đến dự lễ tang bằng một cái đầu được chải chuốt gọn gàng cùng áo xống chỉnh tề. Trong đám người chỉ những con rối của tôi-Người nhà nàng là chít khăn và mặc áo xô gai. Họ rất chuyên nghiệp trong việc tạo một vẻ mặt khổ sở.

Mẹ tôi không chít khăn. Nàng chưa hoàn toàn là con dâu của bà. Những người viếng đang bắt chuyện với nhau. Một vài người còn tỏ ra hợp ý trong cách trò chuyện. Họ kết thân. Không ai nhắc tới nàng và tôi cũng chẳng thắc mắc. Nàng đâu có giao tình gì với họ. Ngày hôm nay họ viếng tang, vì cái tước vị mang tên tình làng nghĩa xóm.

Bưu ảnh của nàng kia. Tôi đứng rất gần. Mấy ngọn nến leo lét bởi một cơn gió lạ thổi qua. Mẹ đứng cạnh tôi và đang khóc. Mẹ đã an ủi tôi nhiều và tôi không còn muốn nghe thêm nữa.

“Cô ấy còn rất trẻ.” – Một người nói.

“Tớ từng học cùng cậu ấy, năm nào cậu ấy cũng đoạt giải nữ sinh thanh lịch.” – Một nhóm người nói với nhau, ở hàng bên kia.

Ông ngoại nàng đọc xong điếu văn và đã khóc. Mấy giọt nước mắt và điệu bộ khổ sở này cũng đáng đồng tiền bát gạo.

“Anh chị của…”

“Cô của…”

Họ đều là diễn viên của tôi. Họ tới trước linh cữu, thắp hương cho nàng.

Tôi đứng đó. Không một nỗi buồn. Ai tát cho tôi một cái đi chứ.

Tôi muốn hút thuốc.

Đã tới lúc mặc niệm. Tất cả im lặng. Hơn ba mươi khuôn mặt đều tỉnh bơ. Các diễn viên của tôi mắt cũng ráo nước. Quy định trong phút mặc niệm là phải im lặng. Họ im lặng, tôi cũng im lặng. Mấy cái đầu cúi thấp trước linh cữu. Vòng hoa đã ở kia. Một vài ngọn nến đã tắt dù chưa cháy hết.

Chưa hết một phút nhưng tôi đã nghe thấy một tiếng nấc nghẹn ngào. Đấy là mẹ tôi. Bà rút khăn chấm nước mắt. Bà lầm bầm tiếng gì đó. Vẻ mặt này tôi đã thấy rồi. Cái động tác chấm nước mắt bằng khăn mùi xoa, mắt chăm chú về một phía này…Chính là khi bà xem phim.

Mấy người đứng quanh mẹ đã nghe thấy tiếng nấc. Một người cố nghẹn ngào, thế nhưng do làm không khéo cái âm thanh đó giống như một tiếng ợ. Một vài bộ mặt nhăn nhúm lại trong khi miệng vẫn ngậm chặt. Họ tỏ ra mếu máo. Những người khác cũng đang nhăn mặt. Mấy bản mặt được trang điểm thật kiều diễm cũng cố làm theo những người quanh mình. Da mặt họ méo hẳn đi. Vì trời nóng, son phấn họ tan chảy và nhễ nhại trên khuôn mặt. Họ cố điều chỉnh gương mặt mình theo khuôn mẫu của một cái mặt khổ đau.

“Ha! Ha! Ha! Ha!”

Tiếng cười của chính tôi. Tôi cứ cười lớn như thế. Tôi không nghe rõ đám người quanh mình nói gì nhưng họ đang nói chuyện với nhau. Họ nói rất to.

Mẹ không giữ tôi lại. Bà không khóc và nói với người bên cạnh mình - “Nó đau khổ vì con bé đây mà. Hai người yêu nhau mà mất nhau thì khác nào mặt trời mất đi ánh sáng. Khi Don Suke chết, Lee Yang cũng…”

Người bên cạnh nhận ra điều mẹ nói và hai người trò chuyện với nhau.

Phút mặc niệm qua rồi. Tiếng cười của tôi vẫn chưa dứt. Tôi đã thấy người lấy tay che miệng và quay đi chỗ khác. Bọn chúng tôi xiêu vẹo hàng lối. Chẳng một ai chỉnh tề áo xống. Đám họ hàng của nàng đang gào rống lên để át đi tiếng tôi cười. Từng người, như bị thương một chân, đang đi lò cò. Họ lắc lắc, đổ nhào lên nhau thành hàng như hiệu ứng Đôminô.

*

Không ai nhớ về tang lễ của nàng. Họ quên sạch những gì xảy ra ngày hôm đó. Còn tôi, thì lấy làm lạ. Đấy là lễ tang cơ mà. Một nghi lễ thiêng liêng để tiễn biệt một kiếp người. Trong áo quan còn là nàng. Nhưng thú thực khi nhìn những bộ mặt quanh mình lúc đó tôi không sao kìm được và buộc phải cười phá lên.

Sau khi nhận được thù lao, những kẻ sắm vai người thân nàng cũng rời khỏi sàn diễn. Họ bá vai nhau, cười với số tiền mình được hưởng. Sẽ có một bữa nhậu ở quán bia vỉa hè.

Nàng được chôn ở nghĩa trang ngoài thành phố. Ngôi mộ chỉ là một bãi đất gờ lên. Có bia, và bia có khắc tên. Tôi đọc thấy một sai chính tả. Rõ ràng là Tr chứ không phải Ch. Các que hương cắm đầy bát hương mộ phần nàng. Tất cả hương đều do tôi thắp. Chỉ có một vài cây là do những người khác đi viếng mộ, vì thừa ra nên thắp cho nàng.

“Có phải con đã rút tiền từ tài khoản.” – Tôi nhận được cuộc gọi từ một số máy lạ. Nghe tiếng thì tôi biết là dượng. Không thấy tôi đáp, dượng lặp lại thêm một lần nữa. Lần này thì tôi đáp lời. Một tiếng “Vâng” thật khẽ và thật ngoan.

“Nếu cần con cứ lấy. Vậy cha cứ tưởng đứa ăn hại nào đã rút lõi.”

“Dượng này…”

“Sao?”

“…”

“Có gì à?”

“Không!”

“Chào con, yêu con nhiều.”

“Chào dượng, yêu dượng nhiều.”

Dượng đã gác máy từ trước. Chỉ tiếng tút tút còn nghe và nó nghe hết, những lời yêu thương từ thằng lỏi ranh ma, là tôi. Tôi tắt máy. Tôi định bấm một số gọi. Số? Số nào? Và của ai? Tôi tắt máy. Tôi mở bao thuốc rồi châm một điếu.

Nàng không còn nữa. “Đã chết rồi! Chết thật rồi!” – Tôi đã hét thật lớn như vậy ở giữa đường. Tiếng của tôi ai cũng nghe thấy, và tất nhiên họ hồi đáp bằng cách tập trung hết về phía tôi. Tiếng xì xào, và những cái mặt cười. Chỉ một chốc lát thôi, rồi họ đi mất.

Tôi không buồn, không giận dữ, cũng không cười rống lên như ngày đưa tang nàng. Tôi hút thuốc, uống rượu. Chẳng có giấc mơ hay một giọt nước mắt nào chã ra để tôi có thể coi đấy là nỗi đau mất nàng. Nàng đã ra đi như thế ư…

Vẫn có đàn bà tìm đến tôi. Tôi không từ chối. Mấy lý do để tìm đến nhau không còn cần thiết nữa. Chúng tôi chỉ đang khát, và cần phải tìm nước uống để không trở thành xác khô.

“Ai.”- Ý nghĩ hiện trong tôi – “Ai. Nhà văn Ai, đúng. Nàng luôn nói về hắn. Kẻ tên Ai chứ không phải ai.”

Ai. Tôi cần tìm ra những gì của người này. Tôi sẽ gom hết lại và hóa vàng chúng trước ngôi mộ nàng.

Không ai biết Ai. Google gõ ra nhiều hàng chữ ai là…

Trong nhà nàng không có sách vở gì. Tôi đã lục tung những chỗ có thể giấu đồ nhưng vẫn không thấy.

Tôi tìm thấy những lọ morphin. Trong sọt rác chật cứng vỏ morphin.

Nàng không có chút tài liệu nào của Ai hay nàng đã nhanh tay hơn tôi, đốt thành tro và nuốt hết vào bụng…

Tôi đốt một điếu thuốc.

Một lần nữa tôi vào phòng tranh của nàng. Nhiều bức đã bị vò nát. Số còn lại, có lẽ là hoàn chỉnh thì bị xé nát. Hẳn là nàng đã xé. Tôi tìm thấy vài mảnh vẽ mắt, mũi. Bởi tất cả tranh đã tan nát và bừa bộn khắp phòng nên tôi chẳng thể ghép lại.

“Nàng vẽ ai đây? Tôi ư? Chính nàng? Một khuôn hình tưởng tượng? Hay một ai đấy…”

“Ai…” Tôi lẩm bẩm “Nhà văn Ai hay ai…Ai hay ai…Có thể là ai…”

Một cơn gió lạc vào phòng thổi tắt điếu thuốc. Tôi không châm lại.

Đầu óc tôi sạch sẽ tới mức không vướng vào gì. Tôi muốn nghĩ về nàng, rất nhiều. Những phút bên nàng, nụ cười, cái ôm hôn, thân thể nàng, đôi mắt không hồn vía…Cái chết của nàng. “Nàng, đã chết rồi…” – Tôi lẩm bẩm mãi như vậy.

Tưởng tượng về cái chết của nàng, một cơn đau khiến mọi tế bào nàng hóa thành máu, máu trào đến họng nàng thì kết đông lại và giống như bị bóp cổ, nàng không kêu được ra nửa tiếng, mũi nàng xì khói đỏ, rồi, sao nữa nhỉ? À, thì nàng tắt thở, tắt thở và rồi thì chết, vì tắt thở. Tôi điềm nhiên tưởng tượng và cũng điềm nhiên để mọi tưởng tượng bay sạch thành hư không. Thấy rằng mọi sự như vẫn tốt, và bình yên…Tâm tôi phẳng lặng như mặt hồ.

Tôi châm thuốc. Điếu cuối cùng. Lửa bén phừng phừng. Khói thuốc xông lên mắt. Mắt cay, không ứa nước. Một tưởng tượng khác ló trong đầu tôi. Đôi mắt nàng, dưới hầm mộ rứt tung lớp chỉ khâu và mở to. Mắt nàng nhìn tôi, vẫn là lạ, thờ ơ như ngày nào. Chỉ nửa giây, rồi mọi mường tượng rơi tõm đi, mất hoàn toàn.

“Vô lại đến thế…”

*

Tôi nằm nhoài trên những xác tranh được gom lại, vun đống. Điếu thuốc còn trên miệng. Thuốc còn ăn lửa. Tôi không hớp thêm hơi thuốc nào. Khói rỉ ra từ điếu thuốc, tỏa đều trên mặt tôi như mồi hương còn sót, thắp trước nấm mộ không còn nàng.

Nén hơi, tôi phun điếu thuốc lên cao. Khói rạch một đường ngắn trên không. Tàn thuốc vương mỏng rồi rơi lấm chấm như giọt nước còn sót từ cõi Ta Bà. Đầu lọc xoay vòng trên cao rồi rơi cắm ngập giấy tranh, bắt lửa.

Lửa hừng hực dâng từ mặt đất. Tôi thấy một bức chân dung đủ nét họa từ cành cọ lửa.

Nhạc chủ đề : Những Tình Khúc Mùa Đông

* Nhạc chủ đề : Những Tình Khúc Mùa Đông

Sưu tầm & thực hiện : NGV.
                   
Mùa thu có lẽ là mùa tạo nhiều cảm xúc nhất cho những nhà thơ, nhà soạn nhạc nên khi nói đến những ca khúc viết về mùa thu thì chúng ta dễ dàng tìm thấy một số lượng dồi dào các bài hát . Nhưng nói tới mùa đông, thì những ca khúc viết về mùa đông có được thật hiếm hoi, và nếu chọn lọc để có những bài ca có thể làm rung động tâm hồn người nghe thì còn hiếm hoì hơn nữa .
Chúng ta đang ở vào những ngày đông giá lạnh, hãy nghe những ca khúc viết về mùa đông , cho cảm thấy ấm áp hơn…..
***
Mùa thu mang đầy cảm xúc của tình yêu, của lỡ làng thương nhớ, của lá vàng bay bay.
Mùa thu lá bay em đã đi rồi .
Vỡ tan ôi bao giấc mộng lứa đôi….
Rồi thu cũng đi , mùa đông nối gót theo về.
Và cơn gió, mang mùa đông tới
Cuốn bay theo đám lá vàng rơi…
Trên hè, những đám lá úa tàn bị gió lùa theo gót khách lãng du. Trên không, thỉnh thoảng lại có vài chiếc lá vàng hiếm hoi bay lượn, như mảnh mơ ước của mùa thu bay lượn trước ca ngõ mùa đông. Gió thổi từng đợt lá xao xác, chênh vênh trong những buổi chiều không nắng. Mùa đông…mùa của những hàng cây trụi lá, mùa của những cơn gió heo may, mùa của tình yêu của nỗi nhớ, của những cảm xúc bất chợt .,
Mùa đông là mùa hội ngộ nhưng cũng là mùa chia li. Mùa đông sẽ thật ấm áp khi trái tim được sưởi ấm, nhưng cũng sẽ cảm nhận rõ hơn cái băng giá của con tim khi  ta cô đơn.
 
1. Người tình mùa đông  
Đường vào tim em ôi băng giá
Trời mùa đông mây vẫn hay đi về,
Vẫn mưa, mưa rơi trên đường thầm thì
Vì đâu mưa, em không đến…
Người tình mùa đông mang tới những cảm xúc thơ ngây, lãng mạn về lời tâm sự của một cô gái trẻ dành cho người yêu giữa khung cảnh cô đơn dưới trời mưa buốt giá.
Được viết lời Việt từ một ca khúc của nữ ca sĩ Nhật Bản – Miyuki Nakajima, Người tình mùa đông xuất hiện lần đầu tiên vào mùa Giáng sinh năm 1994. Đây cũng là bài hát đem lại tên tuổi cho nữ ca sĩ Như Quỳnh trong làng nhạc hải ngoại, cho đến nay vẫn là một trong những nhạc phẩm nổi tiếng của cô. Người tình mùa đông với giai điệu trong trẻo, dễ thương đã gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả yêu nhạc Việt Nam ở đủ lứa tuổi khi ấy.

Nghe :  Người Tình Mùa Đông - Như Quỳnh

2. Mùa đông sắp đến trong thành phố  
Mùa đông sắp đến trong thành phố
Buổi chiều trời lạnh,
Heo may từng cơn gió
Bước chân về căn gác nhỏ
Nhìn xuống công viên…
Bài hát của nhạc sĩ Đức Huy mang đến những nỗi niềm thổn thức, da diết qua sự thể hiện của nữ ca sĩ bạc mệnh Ngọc Lan. Khi cơn gió heo may tràn về, những chiếc lá úa vàng rơi rụng trên con đường vắng, cái lạnh tê tái của mùa đông trùm lên cả thành phố. Cô gái trong bài hát muốn mượn sự băng giá của mùa đông để diễn tả nỗi tương tư của mình về tình yêu đã đi qua mà chẳng thể níu giữ, chỉ còn lại đó những tiếc nuối.
 “Cho em yêu anh thêm một lần nữa, rồi mai giã từ” – câu hát như xoáy sâu vào tâm sự buồn của cô gái và khiến mùa đông thêm phần lạnh lẽo hơn.

Nghe  :  Mùa Đông Sắp Đến Trong Thành Phố - Ngọc Lan 

3. Đêm đông  
Đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu
Đêm đông, bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng
Đêm đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư
Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng…
Ra đời từ năm 1940, Đêm đông là bản nhạc tiền chiến bất hủ của Nguyễn Văn Thương – nhạc sĩ thuộc thế hệ đầu tiên của tân nhạc Việt Nam. Khi cuộc kháng chiến trường kỳ đang ở giai đoạn khốc liệt nhất, Nguyễn Văn Thương đã mang cảm xúc của mình vào bài hát để thể hiện lòng nhân ái trước những mảnh đời vất vả và bất hạnh trong chiến tranh.
Lời ca của Đêm đông mang đầy chất thơ với những hình ảnh như “thân lãng du cô liêu chán chường” hay “sầu lên khơi hồn quê lai láng”.

Nghe :  Đêm Đông - Hồng Nhung

4. Một ngày mùa đông  
Rồi một ngày trời không biển xanh
Rồi một ngày hàng cây vắng tanh
Và cơn gió, mang mùa đông tới
Cuốn bay theo đám lá vàng rơi…
Mùa đông đến cùng những cơn gió lạnh, những hàng cây vắng tanh, tiếng mưa phùn rơi và đem theo cả những ký ức buồn về tình yêu. Trong một ngày mùa đông vắng lặng, chàng trai trong bài hát nhớ về người yêu và chợt nhận ra tình cảm của mình quá mãnh liệt. Tuy nhiên, tình cảm xưa kia giờ chỉ còn là “bờ cỏ này giọt sương đã tan, bậc thềm này còn in dấu chân”.
Chàng trai ấy chờ đợi mãi để rồi xót xa: “Giờ đây anh biết anh biết đã mất em rồi đấy, ngày mùa đông đến nghe tiếng xa vắng mưa phùn rơi”. Nếu như tình yêu ở mùa xuân là những e ấp, ngượng ngùng của một mối tình chớm nở, mùa hè thể hiện cho tình yêu mãnh liệt, mùa thu là tình yêu ngọt ngào, dịu êm thì mùa đông lại thường gắn với những tâm sự buồn đau.

Nghe :  Một Ngày Mùa Đông – Lê Hiếu

 
5. Em ơi Hà Nội phố  
Ta còn em, cây bàng mồ côi mùa đông
Ta còn em, nóc phố mồ côi mùa đông
Mảnh trăng mồ côi mùa đông
Mùa đông năm ấy,
Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ
Tan lễ chiều, sao còn vọng tiếng chuông ngân?...
Những hình ảnh đẹp nhất về mùa đông Hà Nội đã được nhạc sĩ Phú Quang đưa vào ca khúc Em ơi Hà Nội phố, phổ từ bài thơ Hà Nội phố của nhà thơ Phan Vũ. Khi những giai điệu ấy được cất lên, người nghe tìm thấy trong Hà Nội một sự hoài cổ, cũ kĩ, với một nỗi buồn man mác nhưng vẫn có cảm giác bình yên đến lạ lùng. Rất nhiều ca sĩ, từ Cẩm Vân, Thanh Lam cho tới Hồng Nhung, Bằng Kiều đều từng thể hiện thành công nhạc phẩm này.
Mùa đông Hà Nội trong Em ơi Hà Nội phố được kể bằng những hình ảnh thân thương – mùi hoàng lan, mùi hoa sữa, cây bàng mồ côi, hàng phố cũ rêu phong, mái ngói xô nghiêng, màu xanh thời gian…

Nghe :  Em Ơi Hà Nội Phố - Hồng Nhung 

6. Mùa đông của anh 
Ngày nào ta xa nhau, anh bước sâu trong vũng tối nhạt nhòa
Từng mùa đông theo qua, anh đã quen với đường đời băng giá
Xưa hôn em một lần, rồi đau thương tràn lấp
Anh yêu em một ngày và xa em trọn kiếp
Nên anh yêu mùa đông, nên anh yêu mùa đông, ôi Mùa Đông của anh
Dù chỉ yêu em và hôn em một  lần rồi ta xa nhau trọn kiếp để tình ta chỉ còn là  những đau thương . Từ đây cuộc đời anh chỉ  là đoạn đườngg dài băng giá của mùa đông , nhưng anh vẫn mãi  mãi yêu em như yêu những mùa đông, mùa đông của riêng anh. Em hỡi em, có phải tình ta  băng giá là cuộc tình đẹp trên thế gian không em ? Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã hỏi rằng phải chăng  Những cuộc tình dương gian, muôn đời không nghĩa lý ...Nhưng người vẫn tìm nhau trong vòng tay tình ý.
Tình yêu ấy rồi  được gì, hay chỉ còn  lại những vì sao lẻ loi ?

Nghe :  Mùa Đông Của Anh- Vũ Khanh

7. Nỗi nhớ mùa đông  
Dường như ai đi ngang cửa
Gió mùa đông bắc se lòng
Chút lá thu vàng đã rụng
Chiều nay cũng bỏ ta đi…
Bài hát kinh điển về mùa đông của nhạc sĩ Phú Quang mỗi lần vang lên lại đem tới cho người nghe một cảm giác se lạnh và nỗi nhớ bất tận. Những cơn gió mùa đông bắc thổi qua từng mái nhà báo hiệu mùa đông về, màu vàng của những chiếc lá thu giờ nằm dưới mặt đất, tiếng chuông chiều vang vọng từ nơi xa vắng đều là những hình ảnh gợi lên “nỗi nhớ mùa đông”.
Câu hát da diết “Làm sao về được mùa đông” như lời của tác giả thúc giục những gì đẹp đẽ trong quá khứ quay trở lại, để rồi cuối cùng phải “thôi đành ru lòng mình vậy, vờ như mùa đông đã về”.

Nghe :  Nỗi nhớ Mùa Đông – Thu Phương  
 
8. Nơi tình yêu bắt đầu  
Này mùa đông ơi xin hãy làm tuyết rơi
Để trắng lối em anh về
Này mùa đông ơi xin hãy làm tuyết rơi
Để em biết anh cần em
Và thời gian ơi xin hãy ngừng chốn đây
Để những dấu yêu đong đầy ….
Bài hát nói về một chuyện tình nảy nở vào mùa đông với “giấc mơ là nơi bắt đầu”. Chàng trai, cô gái trong Nơi tình yêu bắt đầu mượn hình ảnh tuyết trắng của mùa đông để thể hiện cho những “dấu yêu đong đầy”. Tình yêu nào cũng có điểm bắt đầu và sự bắt đầu thường ngọt ngào, lãng mạn và ấm áp hơn giữa bối cảnh mùa đông lạnh giá.

Nghe :  Nơi Tình Yêu Bắt Đầu - Hà My 



9. Hà Nội mùa vắng những cơn mưa  
Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa
Cái rét đầu đông, khăn em bay hiu hiu gió lạnh
Hoa sữa thôi rơi, ta bên nhau một chiều tan lớp
Đường Cổ Ngư chầm chậm bước ta về…
Nếu như mùa đông Hà Nội trong Em ơi Hà Nội phố gợi lên sự hoài niệm thì trong Hà Nội mùa vắng những cơn mưa là nỗi nhớ bâng khuâng. Bài hát được nhạc sĩ Trương Quý Hải phổ từ thơ của Bùi Thanh Tuấn vẽ nên một Hà Nội thật gần gũi nhưng lại quá xa xôi. Nỗi nhớ phảng phất qua từng câu hát miên man: “Hà Nội mùa này lòng bao nỗi nhớ, ta nhớ đêm nao lạnh đôi tay, hơi ấm trao em tuổi thơ ngây”.
Đó là nỗi nhớ về mối tình đầu đẹp đẽ gắn với con đường Cổ Ngư xưa (đường Thanh Niên hiện nay) với nhịp sống chầm chậm cùng những cơn mưa rào bất chợt. Chính vì thế, khi thiếu đi những cơn mưa ấy, nỗi nhớ lại trào dâng với bao tâm sự không thể nói thành lời của người nghệ sĩ.

Nghe :  Hà Nội Mùa Vắng Những Cơn Mưa - Hồng Nhung 

10. Trên Đỉnh Mùa Đông 
Từ một ngày xa trước anh đưa em về bóng ngã đam mê
Em dấu son gót mềm nhủ lòng lãng quên mà nhớ đêm đen
Chuyện một lần yêu ai như chuyện một đời con gái
Cho anh một lần anh được gì không, em còn gì không?
Những cuộc tình đẹp nhất là những  tình yêu nẩy nở  nơi sân trường đại học . Tuổi trẻ đang bước những bước chập chững vào đời . Rồi yêu với tất cà nồng cháy của tình yêu đầu đời không toan tính. Để rồi chỉ một lần em trao cho anh tất cả …và “Kể từ sau đêm đó sân vui đại học mất dấu chân chim” . Khi tình đã bay xa thì anh còn gì đâu và em, em  cũng còn gì đâu ? Những câu chuyện tình ấy từ lâu vẫn chỉ giống như những mùa đông băng giá trên đỉnh mùa đông .

Nghe :  Trên Đỉnh Mùa Đông – Ngọc Lan & Nhật Trường

11. Cô bé mùa đông  
Bước cùng với nhau, dưới cơn mưa… phùn rất lâu
Tôi nhìn em, em đỏ mặt
Em không nói khiến cho lòng tôi bồi hồi
Trong ngần mắt em thấy long lanh muôn ngàn tuyết rơi
Một mùa đông, em đứng đó
Một mùa đông êm đềm…
Khung cảnh trong bài hát mang một màu trắng long lanh đầy lãng mạn với cảm xúc bâng khuâng của chàng trai khi nhớ về “cô bé đáng yêu của tôi”. Lời thủ thỉ, tâm tình của chàng trai ấy gợi lên một mùa đông đầy êm đềm và ấm áp.
"...Em ước mình là bông tuyết ngoài trời, để được bay mãi lên thiên đường, một thiên đường tuyết rơi...".

Nghe :  Cô Bé Mùa Đông - Thuỷ Tiên & Đăng Khôi 

 

12. Mưa Mù Cuối Đông
“ Mưa Mù Cuối Đông” là những lời tâm tình trao gởi cho một cơn mưa , Nguyễn Ngọc Phúc  cho người nghe cảm  nhận cơn mưa cuối đông là hình ảnh của một người tình, một người tình vừa chia xa mà người tình ở lại đang nhớ và mong chờ, đang nhớ và thèm một nụ hôn nồng khát của đôi môi ngọt lịm, thèm bàn tay ve vuốt ấm êm . Đang cầu xin người tình tên “Mưa” trở về ,dù biết là có về cũng chỉ đem giông bão cho tình ta, dù là chỉ về thật muộn màng như một ngày cuối đông mưa mù lạnh lẽo.
Mưa ơi đừng quên, xin đừng quên
Ngọt đôi môi nồng khát
Mưa ơi đừng xa, xin đừng xa
Ấm êm từng vuốt ve
Mưa ơi đừng đem, xin đừng đem
Giông bão yêu mờ khuất
Mưa ơi về đây, xin về đây
Dù là mưa cuối Đông 
Nghe : Mưa Mù Cuối Đông  Tuyết Mai

 

13. Nắng Mùa Đông 
Với Hồng Tước,  thì dù mùa đông có về với những cơn gió lạnh, nhưng" Nắng Mùa Đông " vẫn ấm,và trong tia nắng ấm của mùa đông ấy, người con gái  đã mơ về một mùa hè xưa, nhớ về một bóng hình cũ . Khi những giọt nắng vàng còn rớt trên bờ mi em và những vạt nắng chiều vẫn rơi đọng trên bờ vai anh, thì dù là thu hay là đông với người con gái ấy thì " em chỉ thấy một mùa trong mắt em : mùa yêu thương, mùa vấn vương, mùa nhớ nhung " .
Ở nơi đây mùa đông vài cơn gió lạnh
Đủ làm ấm lòng em khi ta gần nhau
Ở nơi đây vài chiếc lá vàng
Đê dành đó cho em đón khi mùa sang

Đông tới rồi, ngỡ như là còn mùa Thu
Đông đến rồi. vẫn mơ mùa hè xưa
Em chỉ thấy một mùa trong mắt em
Mùa yêu thương mùa vấn vương mùa nhớ nhung

                                                                   Nghe : Nắng Mùa Đông - Hồng Tước


14. Ta Mất Nhau Mùa Đông
Mùa đông không chỉ là mùa của những cuộc tình nồng ấm mà mùa đông còn là mùa ghi lại bao kỷ niện xót xa của những chia lìa mất mát, của những cuộc tình tan vỡ như những tảng băng dưới ánh nắng trưa . "Ta mất nhau mùa Đông " là một ca khúc của nhạc sĩ Anh Bằng, ta hãy nghe những lời  thương nghẹn ngào giữa mùa đông sương tuyết đầy : 
Ta mất nhau hôm nay
bàn tay em thật gầy
Vật vờ trong tương lai
Gọi mùa đông mây bay
Gọi mùa đông mây bay
chỉ nghe sương tuyết đầy
Chờ kiếp nào đổi thay

Ôi tiếng ca xanh xao
lời thương ta nghẹn ngào
Một ngày ta yêu nhau
Một đời ta thương đau
Còn gì cho nhau đâu
Tình yêu hay chén sầu
mà bây giờ bỏ nhau 

       Nghe :  Mất Nhau Mùa Đông - Ý Lan 



15. Mùa Đông Em Đi : 
Một bản nhạc nước ngoài với   nhạc  điệu tuyệt vời, bản " I Starter A Joke "  đã được ban nhạc Bee Gees thâu trong album Idea  năm 1968 " và đã được viết lời Việt  bởi  Trường Kỳ  với tên " Mùa Đông Em Đi " và bản nhạc đã trở thành một tình khúc mùa đông bất hủ  để góp thêm vào kho tàng những bản tình ca Việt Nam . Một cuộc tình buồn như bao cuộc tình tan vỡ, nhưng sự phối hợp giữa nhạc điệu của bản nhạc " I Started A Joke " với lời Việt của bản " Mùa Đông Em Đi " đã cho người nghe  những cảm xúc thật thấm sâu :
Như mùa thu lá bay, mùa xuân đã sang, mùa đông giá băng
Nhìn em lòng sao tái tê, nhịp chân bước về, đời lạnh lùng ôi não nề 
Rồi khi mùa thu lá bay, xào xạc trời mây khắp nghìn lối 
Thương tình rơi trên lá vàng, trong lòng anh như bãi hoang 
Như mùa thu lá, bay mùa xuân đã tàn, mùa đông giá băng 
Nhìn em lòng sao tái tê, nhịp chân bước về, đời lạnh lùng ôi não nề 
Rồi như mùa đông giá băng, lạnh lùng nhìn em quay gót lặng lẽ 
Anh còn đây bao nỗi buồn, anh chỉ còn bao nhung nhớ, nhớ thương 
Anh chỉ còn bao nhung nhớ.... 

     Nghe :  Mùa Đông Em Đi - Duy Quang

16Mùa đông sẽ qua 
Mùa đông không biết hát những bài tình ca biết yêu
Là những tiếng mưa phùn rơi ngập ngừng
Mùa đông không biết hát nắm tay gần nhau biết yêu
Là những lúc đất lìa cách xa…
Bên cạnh nỗi nhớ và sự trống vắng, mùa đông còn là mùa của quên lãng
Tình yêu đôi khi lại là sự xa cách lạnh lùng, nhưng những ký ức yêu thương trong ngày giá rét lại khiến ta nhớ mãi. Mùa đông không biết hát tình ca, cũng chẳng biết sưởi ấm đôi tay đang tê cóng vì lạnh và ai cũng chỉ muốn nó trôi đi thật nhanh. Thế nhưng khi mưa phùn gió bấc đi qua thì ta lại mong đợi một mùa đông mới về để được thấm thía cái giá rét trong tâm hồn thêm lần nữa, cho những yêu thương vỡ òa trong từng cung bậc cảm xúc.


           Nghe :  Mùa Đông Sẽ Qua - Hồ Ngọc Hà  

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2018

Báo Chí Đu Dây Và Cây Búa Trừng Phạt




Tâm Don


Từ lâu, nền báo chí Việt Nam chỉ được phép sản xuất ra những sản phẩm mà chính quyền yêu thích. Nếu một sản phẩm báo chí nào đó làm chính quyền khó chịu và dị ứng, ngay lập tức, cây búa trừng phạt sẽ lừng lững xuất hiện.







Sự kiện báo Tuổi Trẻ online bị đình bản 3 tháng và báo Tuổi Trẻ bị phạt 220 triệu đồng không làm nhiều người ngạc nhiên, nhất là đối với các nhà báo. Tuổi Trẻ, tờ báo hiếm hoi ở Việt Nam biết luồn lách để đưa một phần sự thật đến với công chúng, luôn luôn là tâm điểm của đàn áp.

Vào năm 1992, báo Tuổi Trẻ nhận cú đàn áp đầu tiên từ chính quyền. Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ lúc ấy là bà Vũ Kim Hạnh- một nhà báo tài năng và tâm huyết. Dù giữ chức vụ tổng biên tập, nhà báo Vũ Kim Hạnh vẫn đi nhiều và viết nhiều. Đầu năm 1992, bà có chuyến đi đến đất nước bí ẩn và khép kín Bắc Triều Tiên, bà đã viết và cho đăng tải một phóng sự nhiều kỳ về cuộc sống nghèo khổ, bất hạnh của người dân ở đất nước cộng sản Bắc Triều Tiên. Bài phóng sự này thực sự gây nên một trận bão kinh người trong nhận thức của người Việt Nam lúc ấy, khiến hàng ngàn người hoài nghi về các giá trị cộng sản. Tuy nhiên, bà chỉ bị các cơ quan công quyền nhắc nhở.

Sau đó ít lâu, vào giữa năm 1992, nhà báo Vũ Kim Hạnh cho đăng một số tư liệu chưa được công bố liên quan đến đời tư của ông Hồ Chí Minh, mà thông tin chấn động nhất là việc ông Hồ Chí Minh có một người vợ Trung Quốc tên là Tăng Tuyết Minh. Ngay lập tức, bà Vũ Kim Hạnh bị đình chỉ chức vụ tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, và sức ép chính trị đối với báo Tuổi Trẻ cũng ngày càng lớn.


Năm 2005, lần đầu tiên một phóng viên của báo Tuổi Trẻ- và cũng là lần đầu tiên một phóng viên trong làng báo chí nhà nước, bị truy tố vì thông tin báo chí. Đó là phóng viên Lan Anh với loạt bài điều tra về hãng dược phẩm Zuellig Pharma thao túng thị trường tân dược nhập khẩu được cơ quan điều tra và tòa án kết luận rằng “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”.

Năm 2008, nhà báo Nguyễn Văn Hải của báo Tuổi Trẻ và nhà báo Nguyễn Việt Chiến của báo Thanh Niên đã bị công an bắt giam và phải hầu tòa do thông tin về vụ án đình đám PMU 18. Chỉ sau đó mấy tháng, vào tháng 01-2009, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ là ông Lê Hoàng đã phải rời chức vụ do chịu trách nhiệm về các thông tin trong vụ PMU 18.

Khi nhà nước quản lý chặt chẽ báo chí, nhà nước liên tục gieo sầu lên báo chí. Và, báo Tuổi Trẻ không phải là một biệt lệ nhận ưu sầu.

Trong năm 2017, điệp khúc “đình bản” do Bộ thông tin- truyền thông khởi xướng đã liên tục vang lên. Nhiều nhà báo, cả nhà báo lề phải và lề trái, đều nhất trí cho rằng, ông Trương Minh Tuấn, bộ trưởng Bộ TT-TT kiêm phó Ban Tuyên giáo trung ương là sát thủ ghê gớm nhất đối với báo chí từ xưa đến nay.

Vào tháng 11- 2017, Bộ TT-TT ra quyết định : “Đình bản chuyên trang, phạt 140 triệu đồng báo điện tử Người đưa tin”. Theo đó, Bộ TT&TT quyết định đình bản tạm thời hoạt động chuyên trang Phụ nữ và Đời sống của báo điện tử Người đưa tin, xử phạt 140 triệu đồng. Theo quyết định này, báo điện tử Người đưa tin đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong bài viết đăng ngày 29/10 trên chuyên trang Phụ nữ và Đời sống (tên miền phununews.vn) của Báo có thông tin vi phạm quy định tại điểm b, khoản 6, điều 8 nghị định số 159/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Báo điện tử Người đưa tin bị xử phạt 140 triệu đồng và bị áp dụng hình phạt bổ sung đình bản tạm thời (tước quyền sử dụng giấy phép) của chuyên trang Phụ nữ và Đời sống (tên miền phununews.vn) trong thời gian 3 tháng.

Cũng vào tháng 11-2017, Bộ TT- TT ra quyết định: “Đình bản ba tháng tạp chí điện tử Nhà quản lý” vì đã đăng bài viết sai sự thật. Quyết định nêu rõ: Tạp chí điện tử Nhà quản lý bị đình bản tạm thời hoạt động trong thời gian 3 tháng vì Tạp chí đã đăng bài viết “Bình Phước: Báo chí đứng bên lề công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng?” ngày 21/8 có thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đã bị xử lý hành chính. Trước đó, ngày 10-11- 2017, Cục Báo chí đã quyết định xử phạt hành chính về thông tin sai sự thật bài viết trên Tạp chí này 40 triệu đồng.

Không chỉ tháng 11-2017 mà tháng 10-2017 cũng là tháng chết chóc của báo chí Việt Nam. Vào ngày 27-10, Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn ký quyết định về việc đình bản trong 3 tháng đối với báo điện tử Tầm nhìn vì đã vi phạm quy định trong giấy phép hoạt động báo chí điện tử; không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, mặc dù đã được cơ quan quản lý nhà nước về báo chí nhắc nhở, yêu cầu khắc phục nhưng báo tiếp tục vi phạm.

Trước đó nữa, vào đầu tháng 10-2017, Bộ TT&TT đã quyết định đình bản tạm thời hoạt động của báo Sức khỏe cộng đồng 3 tháng do nội bộ mất đoàn kết, không đủ điều kiện hoạt động của cơ quan báo chí theo quy định.

Những uẩn ức lạ lùng


Kể từ ngày Internet và mạng xã hội xuất hiện, báo chí Việt Nam đối diện với hai sức ép khủng khiếp: hoặc tuyên truyền một chiều theo định hướng của chính quyền, hoặc đáp ứng nhu cầu bạn đọc bằng các thông tin trung thực. Rõ ràng, hai sức ép đó hoàn toàn đối chọi lẫn nhau, vì nếu tuyên truyền một chiều sẽ không có bạn đọc, nếu đáp ứng nhu cầu bạn đọc sẽ bị chính quyền thổi còi. Và báo chí Việt Nam đã buộc phải lựa chọn một lối đi lạ đời: đu dây giữa giả dối và le lói sự thật, giữa cái tốt và thấp kém, giữa hư và thực của ma trận thông tin. Chính quyền Việt Nam không thích một nền báo chí đang phôi thai khát vọng độc lập, họ chỉ thích một nền báo chí công cụ. Đối với chính quyền, phạt tiền, đình bản và kỷ luật các tổng biên tập là giải pháp hữu hiệu để quản lý báo chí chặt chẽ hơn, để dập tắt trong trứng nước những ước vọng tốt đẹp của người làm báo.

Trong làng báo nhà nước Việt Nam, không phải ai cũng hèn. Đối với vài cơ quan báo chí nhà nước, việc được Bộ TT-TT xử phạt là một chứng chỉ xác nhận rằng, báo này có dũng khí, trung thực và tôn trọng bạn đọc. Một số tổng biên tập còn tếu táo cho rằng, phải có nhiều phúc lắm phước báo họ mới bị- được Bộ TT-TT xử phạt.

Trong thế giới văn minh và dân chủ, nhà nước không bao giờ xử phạt báo chí bằng các quyết định hành chính và quan liêu. Các cơ quan nhà nước cũng ít khi kiện báo chí ra tòa vì sợ dư luận đánh giá là hạn chế hoặc đàn áp tự do báo chí. Đặc biệt, các tổng thống, thủ tướng và các chính trị gia lại càng không trách cứ và chỉ trích báo chí chứ không nói là kiện báo chí ra tòa án, vì họ hiểu rằng họ là người của công chúng, vì họ không muốn vô tình hạn chế tự do báo chí. Các siêu sao nghệ thuật và thể thao cũng không kiện báo chí ra tòa, trừ khi báo chí đụng chạm đến những riêng tư thân nhân của họ. Chỉ có công dân bình thường, các tổ chức kinh tế, các tổ chức văn hóa và phi lợi nhuận mới kiện báo chí ra tòa án nếu họ thấy báo chí đơm đặt và thông tin sai sự thật. Ở thế giới văn minh và dân chủ này, báo chí càng tự do người dân càng nhận thức được nhiều sự thật, qua đó càng tiến bộ và văn minh.

Từ nhiều năm qua, các tổ chức có uy tín về xếp hạng chỉ số tự do báo chí như Tổ chức phóng viên không biên giới( RSF), Freedom House…đều xếp hạng Việt Nam có chỉ số tự do báo chí thứ 175/ 180 quốc gia được khảo sát và đánh giá. Không có báo chí tư nhân, không có báo chí độc lập, và có bàn tay của chính quyền thọc sâu vào mọi mặt hoạt động báo chí là nguồn gốc sâu xa của thảm họa thứ hạng thấp đau lòng này. Các sự thật- dù cay đắng hay ngọt ngào- đã không đến được với người dân, và khi không được tiếp cận sự thật, khi không có phản biện, tâm trí của người dân mụ mị đi trong những mớ bòng bong nhận thức.

Qua sự kiện Tuổi Trẻ bị phạt 220 triệu đồng và Tuổi Trẻ online bị đình bản 3 tháng, một số người ở Việt Nam đã đặt ra câu hỏi tưởng chừng ngây ngô nhưng thực ra rất thú vị và trí tuệ: có nên đình bản tất cả 800 cơ quan báo chí nhà nước Việt Nam hay không? Sẽ có rất nhiều câu trả lời, trong đó chắc chắn có câu trả lời này: Nếu đình bản 800 cơ quan báo chí nhà nước thì cũng tốt thôi, vì nhiều giả dối sẽ không đến được với người dân!
Nguồn: Triviet,news

Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2018

Chính quyền Dương Minh Châu lấy đất của người dân cho chủ đầu tư không bồi thường.




Bauxite Tân Rai – Nhân Cơ Hiện Đi Về Đâu?





Tiến sĩ Mai Thanh Truyết



Kể từ đầu năm 2009, câu chuyện Bauxite bắt đầu nở rộ từ trong nước và ra hải ngoại. Dự án khai thác quặng bauxite do chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký sắc lịnh số 167 ngày 1/11/2007 và đã bắt đầu khởi công từ đầu năm 2008 ở công trường Bảo Lâm (Xà Tân Rai) và giữa năm 2008 ở công trường Nhân Cơ, Đắk Nông, nhưng chỉ chính thức công bố vào đầu năm 2009 mà thôi. Người viết đã mở cuộc họp báo trinh bày vấn đề nầy vào tháng 6, 2009 tại phòng họp của tòa Thị chính Westminster (8200 Westminster, CA).

Câu hỏi được đặt ra là chính Trung Quốc bị buộc phải đóng cửa trên 100 nhà máy khai thác bauxite trong đó có một nhà máy vừa mới khánh thành tiêu tốn trên 1 tỷ Nhân dân tệ vì không giải quyết được áp lực của người dân và sức ép của luật môi trường, tại sao  chấp nhận cho khai thác bauxite ở Việt Nam?

Nhìn xa hơn nữa, ảnh hưởng sâu xa về sự toàn vẹn lãnh thổ cũng được phân tích cặn kẽ trong một bài viết khác qua việc giao khoán cho TQ toàn quyền khai thác mà những người quản lý đất nước hiện tại chấp nhận qua bản Thông cáo chung đã ký ngày 3/12/2001 giữa Nông Đức Mạnh và TQ trong một trích đoạn dưới đây: “Hai bên tích cực ủng hộ và thúc đẩy các doanh nghiệp của hai nước hợp tác lâu dài cùng có lợi trong các lãnh vực cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế biến, phát triển nguồn nhân lực, năng lượng, chế biến khoáng sản và các lãnh vực quan trọng khác. Hai bên cùng tăng cường hợp tác trong các dự án như Bauxite Đắk Nông, trong các dự án khuôn khổ hành lang một vành đai kinh tế”.

Cũng cách đây 8 năm, trong bài viết, “Những Điều Không “Tử Tế” Trong Câu Chuyện Bauxite Việt Nam” , người viết từng giải thích cặn kẽ bằng những dữ kiện khoa học chính xác, với những chứng liệu cụ thể, cho thấy các vấn đề liên quan đến đến quyết định cho khai thác bauxite ở cao nguyên Trung phần Việt Nam, cũng như kết quả sau 3 năm đi vào khai thác hai nơi nầy đã chứng minh sự gian dối trong diễn trình khai thác bauxite của các cấp lãnh đạo hàng đầu Đảng và Nhà nước, từng được đề cặp tới trong các lãnh vực:

* Diện tích đất khai thác;

* Hoàn thổ và trình tự khai thác “cuốn chiếu”;

* Chuyên chở;

* Điện năng và nguồn nước cho khai thác;

* Giải quyết bùn đỏ;

* Giải quyết ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm;

* Ô nhiễm không khí, bụi đỏ, mưa acid và bức xạ;

* Việc hợp tác khai thác: Trung Cộng, Nhật, Hoa Kỳ, Úc;

* Tính cách hợp pháp trong việc đấu thầu;

* Cung cách tuyên truyền không trung thực v.v…



1- Nhìn chung

Trong hiện tại, chúng ta có thể nói một cách chính xác và không sợ phản biện là hững người lính Tàu dưới dạng công nhân đang hiện diện đầy rẫy trên quê hương Việt Nam của chúng ta từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, giống như mọi quốc gia trên thế giới như Tây Tạng, Tân Cương, Phi Châu và những nơi có dấu chân TQ khai thác các công trình quặng mỏ hay những công ty sản xuất khác tại những nơi nầy.

 Tại Việt Nam, người Trung hoa dù dưới dạng công nhân hay chuyên viên, mỗi khi vào một công ty nào đó đều sinh hoạt hoàn toàn riêng rẽ, nói chuyện với nhau bằng tiếng Hán mà thôi. Họ xây dựng lều trại làm nơi ăn ở, giải trí và có cuộc sống hòan toàn cách biệt với các cộng sự viên người Việt. Thậm chí, mỗi khi có tranh cãi, họ ăn hiếp, đánh đập công nhân Việt mà công an thậm chí  cũng không thể vào can thiệp và bảo vệ công nhân Việt.

. Cho đến hôm nay, những tệ trạng trên tiếp tục diễn ra ở khắp mọi nơi, tạo nên một luồn sóng phẫn uất trong lòng người Việt,

Những sự kiện tương tự cũng đã từng xảy ra ở những quốc gia có người Hán xâm nhập, đôi khi đi đến đổ máu như ở Tân Cương, Tây Tạng, và gần đây nhứt tại thành phố Alger, Algeria, qua những nguyên nhân hết sức cá nhân, nhưng từ đó xảy ra những cuộc đụng độ có tích cách chủng tộc vì sự hống hách, ức hiếp của người Hán trên mảnh đất quê hương của người bản xứ.

2- Tình hình Nhân Cơ và Tân Rai hiện tại



Trở lại Việt Nam, riêng tại hai vùng hiện đang là điểm nóng ở Việt Nam; đó là Tân Rai ở Lâm Đồng và Nhân Cơ ở Đắk Nông. Hai nơi nầy hiện đang được TQ phát động kế hoạch khai thác quặng mỏ bauxite từ hơn sáu năm nay


Và, “Dự án Tân Rai và Nhân Cơ cùng 6 dự án khai thác quặng mõ bauxite khác đã được quy hoạch ở Đắk Nông có thể được xem như là DIỆN trước dư luận thế giới và ĐIỂM là chính thức hoá sự hiện diện của người Trung Hoa ở vùng Cao nguyên Trung phần Việt Nam, ẩn tàng một âm mưu chính trị – quân sự của TQ trong tiến trình chiếm đóng Việt Nam và vùng Đông Nam Á qua não trạng Đại Hán của đế quốc mới”.

Đó có tầm quan trọng chiến lược khống chế con đường giao thông từ Bắc xuống Nam Thái Bình Dương, đi qua eo biển Malacca, tiến sang Ấn Độ Dương, song song với phần tài nguyên vô cùng phong phú ở thềm lục địa và dưới lòng biển.

Đó là vì Cao Nguyên Trung Phần có tầm chiến lược quan trọng trong việc khống chế Việt Nam, khống chế 3 nước Đông Dương, khống chế cả vùng Đông Nam Á và biển Đông.


3- Thâm độc của Trung Quốc
.

 TQ thấy và biết rằng để có thể cai trị Việt Nam lâu dài, cho dầu bằng bạo lực hay bằng kinh tế thị trường, việc đồng hóa dân Việt phải là ưu tiên hàng đầu, nên tiếp theo sau kinh tế thị trường đưa hàng lậu vào đất Việt, đưa “hàng dỏm” đi khắp nơi để đánh lừa dân Việt ham hàng rẻ, bòn rút tài nguyên đất Việt đem về Tàu…


Một mặt đưa “biển người” tràn xuống Việt Nam và toàn vùng Đông Nam Á;
Mặt kia là lấn Biển Đông;
Mặt khác, từ cách nhẹ nhàng như mua chuộc, cho vay, viện trợ, tặng học bổng, mở Học Viện Khổng Tử, đào tạo tiến sĩ, ưu đãi gian thương…; cho tới nặng tay là hù dọa, vây bắt hay bắn giết (trường hợp xảy ra với nhiều tàu của ngư dân Việt), rồi chiếm đảo, lấn biển… có cả tham vọng sỗ sàng xin chia một nửa biển Thái Bình Dương với Mỹ…



4- Kết quả khai thác

Theo báo cáo của TKV, từ tháng 10/2013, Dự án Tân Rai đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, chạy thử và đi vào vận hành thương mại. TKV đã giao Công ty Nhôm Lâm Đồng-TKV quản lý vận hành toàn bộ dự án. Cho đến hết năm 2014, dự án đã khai thác lũy kế hơn 5 triệu tấn quặng bauxite, sản xuất ra gần 2 triệu tấn tinh quặng, 682.000 tấn alumin, xuất khẩu 490.000 tấn, đạt kim ngạch 160 triệu USD. Theo kế hoạch, năm 2015, Công ty sẽ sản xuất 540.000 tấn alumin và khi đạt công suất thiết kế năm 2016 sẽ đạt 650.000 tấn.

Sau hơn 1 năm tổ chức vận hành Nhà máy alumin của dự án, Công ty Nhôm Lâm Đồng-TKV về căn bản đã nắm được công nghệ, vận hành Nhà máy ổn định và tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Sản lượng sản xuất ngày càng ổn định và tăng dần. Phần lớn sản phẩm alumin của Nhà máy được xuất khẩu tới 11 khách hàng từ Thụy Sỹ, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông … với giá bán alumin bình quân cả năm 2014 đạt 326,5 USD/tấn, cao hơn so với tính toán của Dự án là 325 USD/tấn.
Trên đây là “báo cáo” của Hán ngụy và các dự kiến lạc quan vào năm 2013. Các tin tức dưới đây mới chính là …những con số thực tế của dự án Tân Rai vào ngày 13 tháng 3 năm 2017:”Bauxite Tân Rai’ càng làm càng lỗ hàng ngàn tỉ đồng” (3.696 tỷ Đồng VN) theo Báo Người Lao Động


Các kết quả thanh tra tại tổ hợp dự án Bauxite-Nhôm Lâm Ðồng và dự án Alumin Nhân Cơ cho thấy, “các dự án này hoạt động chưa hiệu quả, vốn đầu tư tăng quá cao so với dự kiến ban đầu”.

Tổng vốn đầu tư cho dự án tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Ðồng này chỉ 3,285 tỉ đồng lúc ban đầu, nhưng đến năm 2014 đã tăng lên đến 16,821 tỉ đồng, cao hơn gấp 5 lần. Ngoài ra, dự án này đưa vào hoạt động chậm 6 năm so với quyết định ban đầu.


Ðáng chú ý, kết quả của đoàn thanh tra cũng cho thấy tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Ðồng sau 3 năm đi vào hoạt động, tính từ tháng Mười 2013 đến hết Tháng Chín, 2016 đã thua lỗ 3,696 tỉ đồng, vượt xa so với số lỗ lũy tiến dự kiến theo kế hoạch là 1,660 tỉ đồng, không kể phần lỗ do chênh lệch tỉ giá. Còn tại dự án nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ, vốn đầu tư cho dự án này cũng tăng rất mạnh so với dự kiến ban đầu.

Đó là chưa kể từ ngày 1/1/2016, đã phát sinh thêm thuế xuất khẩu alumin 2%, giá tính thuế tài nguyên bauxit của tỉnh Lâm Đồng tăng từ 140.000 đồng/tấn lên 170.300 đồng/tấn quặng nguyên khai, nên đã làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án.

5- Hậu quả về môi trường

Đường ống nhà máy Alumin Nhân Cơ tại huyện Dak R’lắp, tỉnh Dak Nông do nhà thầu Chalieco, TC phụ trách bị vỡ vào sáng ngày 23 tháng 7, 2016 khiến hóa chất kiềm (Sodium hydroxide) tràn ra ngoài. Lượng kiềm tràn ra ngoài được nói gần 9,6 mét khối. Truyền thông trong nước loan tin một số kiềm thấm xuống lòng đất trong phạm vi 600 mét vuông, phần còn lại chảy theo đường ống đổ xuống suối Dak Dao.

Một người dân tại xã Dak Dao cho tờ Giao Thông biết khi nước từ đường ống bị vỡ tràn xuống suối thì nước trở nên đục, có màu sẫm đen, mặt nước nổi váng loang lổ… Người dân tiếp xúc với nước suối chừng 10 phút thấy chân bị ngứa, da khô cứng, căng ra. Chỗ da non nếu tiếp xúc nước đó bị đau rát và cả nổi rộp lên như bị bỏng nước sôi. Cá trong suối chết nổi lên. Những người dân thấy cá chết xuống suối vớt lên đã bị những hiện tượng như vừa nêu.


Nguồn nước quanh hồ bùn đỏ bauxite Tân Rai, Bảo Lâm, Lâm Đồng bị ô nhiễm. Đó là kết luận trong báo cáo quan trắc môi trường của Công ty Nhôm Lâm Đồng (đơn vị điều hành tổ hợp bauxite – nhôm).

Nhiều hộ không dám dùng nước giếng quanh khu bauxite Tân Rai. Người dân sống gần khu vực Nhà máy Tân Rai phải dùng máy lọc nước giếng để nấu ăn. Các thông số quan trắc cho thấy nồng độ Fe (sắt) và Mn (mangan) vượt ngưỡng cho phép từ 1,4-2,8 lần. “Nước ngầm trong khu vực hồ bùn đỏ được đánh giá bị ô nhiễm Fe và Mn” – báo cáo kết luận.

Từ những con số biết nói trên, hậu quả do nhưng lần kho chứa hóa chất cho nhà máy là sút caustic (NaOH) đã rò rỉ, hay bể bồn chứa trong những năm qua, việc bùn đỏ lan tràn khắp vùng, cũng như không khí bị nhiễm bụi SO2, những hạt bụi PM8 (nhỏ hơn 8ug) …làm cho cây cối trồng chung quanh bán kính 30 Km như Cao su, tiêu, cây điều (đào lộn hột)…bị ảnh hưởng và cho năng suất rất thấp.