Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

Mùa Trâu Ăn Sương




Truyện ngắn
Sương Nguyệt Minh




1.

Hăm ba tháng Chạp.

Bỗng nhiên trời hửng. Gió hơi se se lạnh. Nắng mới rọi trên mái nhà phố cũ. Những ngày mùa đông ảm đạm, bầu trời xám xịt, lạnh lẽo dường như tạm lánh, biến mất. Bọn sinh viên đã lác đác rời ký túc xá, nhà trọ về quê. Quất cảnh, hoa tươi từ ngoại ô theo xe thồ, gồng gánh vào phố cũ. Lá dong, đào rừng Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La,... cũng theo người xuống núi về Thủ đô. Không khí sắm Tết đã tràn ngập đường phố. Người ta đang vội vã, hối hả trở về quê sum họp, sau một năm đi xa nhọc nhằn, vất vả. Còn tôi vẫn phải đi mổ trâu.

Tôi bảo, cho tôi về quê thôi đừng bắt tôi cắm mặt ở cái lò mổ này nữa. Tết nhất đến nơi rồi, nhà quê bao nhiêu việc. Áo mới cho con chưa mua. Ao cá chưa tát. Thịt lợn chưa biết đụng với nhà ai. Lá dong, gạo nếp, dưa hành,... chẳng biết vợ lo đến đâu. Nóng ruột lắm.

Nàng bảo, đang là mùa trâu ăn sương. Về thế nào được.

Nàng bảo, kéo giúp cái khóa móc xanh tuya sau lưng lên giúp nàng.

Nàng bảo, chuyện vặt, điện thoại về nhà bảo con vợ ra chợ là có hết.

Nàng bảo, trưa ba mươi Tết ăn tất niên xong, về cũng kịp chán. Một trăm cây số đáng là bao, nàng cho xe ô tô chở về đến tận nhà.

Thợ mổ trâu còn gọi là đồ tể. Đồ tể chẳng dính dáng chi với cái luận văn cao học tôi sắp bảo vệ. Mổ trâu là nghề cực nhọc, sát sinh man rợ. Làm thạc sĩ văn chương là cái cần câu cơm ốm đói mà lãng mạn. Dao búa, máu me ghê răng và có tiền, so với thanh sạch trữ tình, là hai phạm trù đạo đức đối lập, phủ định nhau. Miếng cơm manh áo và sĩ diện, chọn một hay hai?

Mùa đông năm trước, tôi liều đưa chân nhắm mắt, chọn bừa cả thạc sĩ văn chương và mổ trâu.



2.

Tôi nhớ như in cái ngày đầu học việc.
Nửa đêm về sáng. Đường phố không bóng người, tôi lọ mọ đến lò mổ. Tiếng mài dao quẹt… quẹt miết xuống đá ráp nghe rợn gáy. Trâu thức giấc đánh sừng cộc… cộc. Vài cái ngáp ngủ uể oải, khê nồng.



Chị chủ lò mổ bảo:

“Người ta bảo giáo viên tay trắng trói gà không chặt, chỉ quen cầm nổi viên phấn”.

“Ngày xưa, tôi đã đánh trâu đực cày vỡ đất lật cỏ ba sào một ngày. Tôi đánh trâu cày được thì cũng mổ trâu được”.

Chị chủ cười, cái cách cười của kẻ lõi đời và thương hại thằng đàn ông vụng dại.

“Xuất phát vào đời thầy cũng ngang tôi. Thầy đi cày, tôi là con ở làm thuê. Thời gian nó làm cho người ta khôn lên. Thầy giáo ngây thơ bỏ bà. Cày trâu là làm đất màu mỡ, cho mầm xanh chồi non nẩy nở khai sinh phát triển. Mổ trâu là diệt sinh, khai tử. Chả lẽ thầy giáo đứng cả về phe phát triển lẫn phe hủy diệt?”.

Sinh với chả diệt, chết với chả sống! Tôi bất ngờ quá. Hóa ra, đi cày với mổ trâu có liên quan đến nhau thật. Triết lý trụ sinh văng ra từ mồm chị chủ ít học, lại còn lớn tiếng dạy đời.

“Tôi sẽ cố gắng. Còn khi làm không được, tự tôi sẽ ra đi chứ không để bà chủ đuổi việc”.

“Gọi tôi là Mộng Hoa. Gọi là chị, là bà. Tủi lắm”.

Tủi lắm! Sao người đàn bà sắt đá này lại có phút mềm lòng, tủi thân?

Kỳ lạ! Ăn nói chao chát. Đưa đẩy, ngoa ngoắt. Chị chủ thuộc loại đàn bà rách trời rơi xuống, có cái tên mỹ miều chẳng hợp với nghề băm chặt. Mộng Hoa lấy làm bút danh văn chương hơn là tên người đàn bà đồ tể.

Bất chợt, tiếng xe lăn ken két trong đêm đến mỗi lúc một gần. Nghe rợn tóc gáy. Chị chủ cũng nháo nhác nhìn quanh. Tôi quay lại, bắt gặp một ông già tóc bạc trắng. Đôi chân liệt, buông thõng, tong teo. Hai bắp tay to chắc như đô vật. Mặt choắt như mặt chuột. Mắt lóe sáng như mắt mèo. Câm lặng. Chập chờn như bóng ma.

“Sao lại để ông ra đây lúc đêm hôm thế này?”.

Chị chủ rít gằn giọng. Một anh đồ tể dạ ran, chạy đi làm phận sự. Ông già và anh đồ tể mất hút vào màn đêm. Tôi hoang mang quá. Chẳng hiểu ra làm sao, cứ như vừa mê man vào giấc mơ quái dị.

Chị trở lại câu chuyện, bình thản, coi như chẳng có chuyện gì xảy ra.

Chị chủ vẫn bình thản, coi như chẳng có chuyện gì xảy ra. Giọng nhiệt tình, chèo kéo:

“Tôi có bài thơ mới làm, đọc cho thầy giáo nghe nhá”.

Lại còn thế nữa! Tôi đến lò mổ là để làm thuê kiếm tiền chứ đâu phải nghe đọc thơ. Sự đời cứ tréo ngoe. Thôi thì cố chịu đựng.

Con trâu có một hàm răng
Ăn cỏ đất bằng, uống nước bờ ao
Hồi sống mày đã thương tao
Bây giờ mày chết, cầm dao xẻ mày
Thịt mày tao nấu linh đình
Da mày bịt trống tùng dinh sân đình
Sừng mày tao tiện con cờ
Cán dao, cán mác, lược dày, lược thưa…”


Một bài thơ về trâu dậy mùi ẩm thực và tiện ích thực dụng. Nhưng, nó là vè chứ đâu phải thơ. Nhầm to, nhầm to rồi! Sao chị chủ lại nhận thơ mình sáng tác? Tôi buột miệng bảo:

“Nói chị chủ đừng giận. Đây là ca dao. Nó trong giáo trình Văn học dân gian thầy giáo dạy tôi từ năm thứ nhất đại học”.

“Ủa, thế là tôi nhận vơ à? Mà tôi chép trong đầu ra đấy chứ. Chả lẽ…”.

Tôi nhận ra cái hồn nhiên bản năng đáng yêu của chị. Có lẽ chị đọc ở đâu đó rồi thuộc, nó cứ ám ảnh trong đầu trở thành máu thịt. Có dịp cảm xúc thăng hoa, nó tuôn ra như đê vỡ, chị cứ nghĩ mình sáng tác.

“Chết thật! Không có thầy giáo thì tôi thành con đạo văn”.

Giá như người khác thì ngượng, xấu hổ, nhưng chị lại hồn nhiên như chẳng có chuyện gì phải bận lòng. Chị bảo, bây giờ đang là mùa trâu ăn sương. Trâu càng ăn nhiều sương, thịt càng chắc, thơm. Tôi chẳng lạ gì. Ở quê tôi, đêm trước giết trâu bao giờ người ta cũng đóng cọc buộc ra ngoài bãi cỏ. Đêm trâu hít thở sinh khí đất trời, tinh tú. Khoan khoái ngẩng đầu há miệng đưa dài lưỡi đón những giọt sương bay, hoặc cúi đầu nhấm nháp các giọt sương đậu long lanh trên lá cỏ. Con trâu thanh sạch, thu nhận tinh khí vũ trụ, lắng đọng trong da thịt huyết... Thịt ngon quý hiếm là mùa trâu ăn sương.

Chị bảo, chị có bài thơ Mùa trâu ăn sương, tôi đọc thầy giáo nghe nhé:

...Mùa trâu ăn sương
Hai mươi ba tháng Chạp gió lùa se lạnh
Trai thanh gái tú bỏ phố về quê
Lệ làng mổ trâu làm cỗ chia phần
Cái ách vai trôi dạt đến nhà nào?
Tế Thánh thần,
đầu trâu đầm đìa máu
Sừng cánh ná
chống trời, ngang ngạnh.
Thao láo mở mắt trâu
gương cầu đựng cặp vú nạ dòng, con gái
soi mặt đàn ông, con trai
và in hình non sông đất nước.



Đọc xong, niềm hãnh diện sung sướng ngời ngời trên gương mặt chưa kịp son phấn, chị bảo:

“Câu lạc bộ thơ Hoa Sữa, ai cũng khen bài này. Còn thầy giáo?”.

“Thơ lạ. Hình ảnh lấp lánh, lại mới mẻ nữa”.

“Thảo nào cậu em tôi biểu, thầy giáo bình thơ hay lắm; lúc nào rỗi xướng họa với tôi nhá”.

Thơ như là thứ hương quế, là rượu trưng cất thanh khiết, cao sang. Không phải ai cũng chạm đến cõi thơ bí ẩn kỳ vĩ được. Người ta yêu thơ mà làm thơ. Chẳng làm được việc gì mới đi làm thơ. Tiến thân bằng thơ. Mua danh bằng thơ. Sợ mang tiếng trưởng giả cũng làm thơ... Đủ cả. Lúc rỗi rãi hoặc cảm hứng bất chợt tôi cũng sáng tác.

“Tôi có làm thơ, in ở Tạp chí Văn nghệ tỉnh nhà. Nhưng, xướng họa thì chưa”.

Bà chủ có vẻ nể thằng đầy tớ làm thuê. Tôi nhận ra ánh mắt chị đằm thắm hơn. Thế mới biết sức mạnh của thơ phú đến nhường nào.

Đàn bà rất lạ! Phàm khi được chia sẻ, đồng cảm, người ta dốc bầu tâm sự, lòng rộng mở, buôn chuyện quên cả việc chính. Chị chủ Mộng Hoa khoe: ông nhà thơ tóc dài búi tó, chân đi guốc mộc đưa chị vào cõi thơ. Chị cảm phục, chị coi ông là người thầy thơ đầu tiên. Ông cho chị biết cái chân giá trị: bà chủ lò mổ trâu Mộng Hoa giàu có thật, nhưng không bằng cái móng tay nữ thi sĩ Mộng Hoa. Bà chủ lò mổ trâu chỉ mấy anh đồ tể, cùng lắm là ông phòng thuế biết; nữ thi sĩ thì cả nước biết, thơ truyền đời... Rồi chị phàn nàn, chì chiết cái bọn ghen ăn tức ở biểu chị háo danh, làm thơ con cóc. Thơ con cóc mà lại được mấy anh nhà thơ ở Hội văn nghệ thành phố khen?

Tội nghiệp chị. Xưa nay, mấy ông thi sĩ vẫn thường khen vống lên. Khen đã chết ai đâu. Khen thơ mình, khen thơ bạn bè. Người đẹp làm thơ càng được khen. Nghe các ông nhà thơ thì thân tàn ma dại.


3.

Tôi theo người đàn bà vào lò mổ.

Điện sáng trắng. Chị chủ khoảng bốn mươi tuổi, rất gợi cảm và môi mỏng như thằng lớp phó bạn tôi. Đúng là chị sao em vậy, cùng nòi giống. Cấm cãi.



Bốn con trâu đã ăn sương, vừa hạ thủ một con. Đầu trâu cắt rời ra, mõm chổng lên trời, hai mắt mở thao láo đầy uất ức. Đám đồ tể đang phanh da róc thịt. Chậu tiết luộc nóng hổi bốc khói nghi ngút. Món lót dạ bồi dưỡng lúc đêm hôm khuya khoắt quá hấp dẫn. Đổ tể vừa làm vừa dừng tay dao quay ra bốc một cục tiết luộc bỏ vào miệng.

Mấy anh đồ tể dừng tay dao, chờ hạ thủ con tiếp. Mặt anh nào cũng lạnh, lì và u ám. Một anh cầm dao bầu mũi nhọn hoắt. Một anh dắt con trâu sừng cánh ná ra. Một anh bưng chậu hứng tiết. Một anh cầm cái búa quả nhót đưa cho chị. Bỗng dưng, tôi dúm người, sởn gai ốc. Không khí như đặc sánh lại.

Con trâu dái sừng cánh ná rất dữ, đã từng húc chết người. Vía nó rất mạnh, mạnh đến nỗi vía trâu át vía người. Cứ cầm búa lại gần là nó trợn ngược mắt trắng dã nhìn giận dữ, khiến các đồ tể lỏng tay không hành sự nổi. Họ cúi đầu lép vế, phải cậy nhờ đến vía và sức mạnh của chị chủ.

Người ta bảo, đàn bà là giống cái yếu đuối, không bao giờ dám cầm dao cắt tiết nổi một con gà. Đàn bà nhìn con chuột mới đẻ đỏ hỏn liền run rẩy, nhìn cắt tiết chó là người nhũn ra, ngất xỉu. Nhưng, một khi đã biết cầm dao và cầm chắc chuôi dao thì chỉ có vung tay, đâm trúng tình địch là tình địch chết ngay, còn đâm chệch vào người tình sẽ không rút dao ra được. Chị chủ lò mổ trâu là loại đàn bà nào? Lúc nãy, chị là nữ thi sỹ đọc thơ du dương, trẩm bổng, có vẻ rất thơ mộng lãng mạn. Bây giờ, chị là bà chủ lò sát sinh. Tay trái kéo mũi con trâu ngang tầm thắt lưng. Tayphải cầm cái búa hình quả nhót. Con trâu dái mặt nổi gân, khô như mặt ngựa. Mắt đỏ. Chân cứng đanh. Rất ngoan ngoãn, thậm chí nó ngu đần trước chị. Khổ thân, con trâu dái không lường nổi cái chết được báo trước bởi bàn tay người đàn bà đẹp.

“Các anh phải biết rằng: Con trâu ít khi giữ đầu một tư thế, thường ngẩng lên cúi xuống – Chị chủ Mộng Hoa vẫn bình thản cắt nghĩa - Người giỏi ra đòn là khi trâu cúi xuống, bất ngờ đập búa dứt khoát, đập chắc, nhanh trúng huyệt gáy…”.

Độp. Tôi chỉ kịp nghe một tiếng đập lạnh, khô khốc thì con trâu dái đã ngã qụy, miệng kêu ồ… ồ rồi lịm hẳn, mắt trợn ngược, trắng dã. Tôi bàng hoàng, cứ như bị đánh mạnh một cú vào gáy. Mấy gã đồ tể suýt xoa khen nịnh lấy lòng bà chủ. Một gã cao hứng, gân cổ gào lên ư ử một câu vọng cổ: “Trời ơi! Thế là xong một đời lam lũ, một kiếp trâu lấm láp kéo… cày”. Cả bọn cười nói xôn xao. Không khí đêm khuya loãng dần. Tội nghiệp! Kiếm được miếng rất nhọc nhằn.

Chị chỉ ngón tay chỏ vào gáy trâu, giảng giải cho tôi nhận biết vị trí và hình ảnh mơ hồ của yếu huyệt. Rất khó hình dung. Đã từng có người yếu bóng vía hoặc vụng, đập búa không trúng huyệt. Trâu bị đau quá, hung dữ lồng lên húc tung cả người lẫn búa, có người bị sừng trâu vặc gẫy chân, có người bị đá thọt dái. Nghề này bạc lắm, không dành cho người bản lĩnh yếu, run rẩy, hồi hộp.

Đúng là nhất nghệ tinh, mỗi người một nghề. Người đàn bà này thoáng qua là biết huyệt gáy trâu; cũng như tôi giảng văn mùi mẫn quyến rũ bao nhiêu đứa con gái cấp ba trường huyện, nức nở khóc cùng anh Pha, chị Dậu, hoặc run rẩy với thơ tình Xuân Diệu, Xuân Quỳnh; xao xuyến với các bài thơ áo trắng rung cảm đầu đời của tôi.

Công việc còn lại không xa lạ gì với đám đồ tể. Tôi mới đến chưa quen máu. Làm việc vặt: múc nước, làm lòng, quét lông, rửa phản.

Đám đồ tể rất thạo việc. Lại một anh phụ bưng chậu bố chuẩn bị hứng. Một anh kéo sừng cho cổ trâu căng ngẳng ra. Một anh đồ tể đưa lưỡi dao bầu ngang cổ trâu. Máu đỏ xối ộc ộc...

Mặt mũi tối tăm, tôi toát hết mồ hôi hột.


4.

Trời rạng sáng.

Tôi vội vã đạp xe về lớp học. Chưa vào học đã buồn ngủ gà gật. Tôi gục đầu xuống bàn. Cái bàn học thời nào cũng thế, lớp vỡ lòng hay lớp sau đại học cũng chỉ là nơi học trò mài cùi chỏ và đỡ cái mặt ngủ gật úp xuống. Lò mổ chập chờn hiện ra: Những con trâu mắt thao láo mở nhìn xương đồng loại chất thành đống. Mấy gã đồ tể vô học, thô tục. Bộ mặt lạnh của nàng Mộng Hoa…

“Ông thạc sĩ tương lai, ở lò mổ ổn chứ?”.

Thằng bạn lớp phó vỗ vai tôi, hỏi. Giật mình nhỏm dậy, tôi ngơ ngác. Thằng này cười nhăn nhở, ghé sát miệng thì thào, hơi kẹo cao su phả vào lỗ tai tôi:

“Chị Mộng Hoa gọi điện bảo tao: Cậu có anh bạn thật thà lắm, lại biết làm thơ nữa, trông ngồ ngộ mà đáng yêu ra phết. Bỏ mẹ, chị ấy mà yêu mày thì chết tao”.

“Hừ...ừm. Để tao chợp mắt”.

Tôi lại gục đầu xuống tránh cái nhìn bạn bè xói vào đôi mắt tôi đỏ đọc ngái ngủ vì thức khuya. Hình ảnh thằng bạn lớp phó chuyên lo tài chính, tổ chức liên hoan, du lịch, đối ngoại lại đuổi theo vào đầu. Thằng này đô con, đẹp giai, sát gái. Chỉ phải cái khốn nạn là môi mỏng và học dốt. Nhập học được hai tháng, thằng này dẫn tôi về quán Cầy Tơ của vợ nó bên Hồ Tây, đãi một trận thịt chó mắm tôm nhớ đời. Cô vợ béo ị, được cái nước da trắng kéo lại và nhiều tiền, hiếu khách. Hai thằng ngồi phòng VIP, so đũa, gật gù cụng chén. Nầm, chả, lòng rồi,… và lá mơ, mắm tôm, riềng,… toàn gia vị gắt cứ trôi vèo vèo vào cái bụng đói khát của tôi.

Rượu ngà ngà, thằng bạn lớp phó thật thà dặn: “Tao đi học lấy cái bằng thạc sĩ để làm sang cho con vợ bán thịt chó mắm tôm thôi. Chứ danh giá chó gì”. Tôi bảo: “Đã là lao động thì nghề đếch nào chẳng vinh quang, cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt. Con vợ tao ở nhà đi cấy, mò cua bắt ốc thì sao nào?” Thằng ấy thở dài: “Đành rằng thế, nhưng cái dân mình sĩ diện hão, cứ nghĩ bằng cấp mới là trí thức, mới là sang. Chẳng qua con vợ tao nó cú với thân phận bán thịt chó mắm tôm. Muốn làm sang với mấy con bạn cùng lớp 12, giờ đang dạy mầm non. Dạy mầm già hay mầm non thì vẫn cứ là giáo viên danh giá. Con vợ tao nằm mơ cũng chẳng bao giờ có được. Khổ thế! Đời cứ tréo ngoe, mày ạ…”.

Những hình ảnh chập chờn đứt đoạn qua nhanh. Tôi chìm vào giấc ngủ sâu rồi ngáy. Tiếng ngáy to, tiết tấu khoan nhặt, có nhịp điệp bổng trầm. Tiếng ngáy đạt đến nghệ thuật hò khoan, tựa như chiến sỹ thi đua ngành lâm nghiệp kéo gỗ. Cả lớp cười rộ mà tôi chẳng biết. Cái Lan có đôi má bánh đúc ngồi bên, khó xử quá. “Má bánh đúc” liền nhổ một sợi tóc mai, nhằm lỗ mũi tôi... ngoáy. Tôi giật mình, tỉnh ngủ. “Má bánh đúc” thì thào vào tai tôi vừa đủ nghe:

“Đêm qua, anh đi đâu khai mau?”.
“Học..., anh học suốt đêm... hỏi làm gì?”.
“Người anh toàn máu. Đi giết người à? Khiếp!”.

Bàn tay có những ngón búp măng xinh xinh, móng hồng giơ gương trang điểm ra trước mặt tôi. Cái vai áo, cái cổ,... dính máu khô. Tôi chợt nhớ ra là máu... trâu. Mấy gã đồ tề cắt tiết trâu, máu bắn phọt vào người lúc nào chẳng biết. Đỏ mặt. Miệng ngậm hột thị. Ấp úng:

“... Anh đi làm thêm ở... lò mổ..”.

Tình cảnh dở khóc dở cười của tôi, “má bánh đúc” hiểu nay, nàng ái ngại thật sự. Nàng tỏ ra thương hại và thông cảm, nhét vào tay tôi cái khăn mùi soa. Tôi phi tang thật nhanh các vết máu khô đã đông cứng đanh. Mùi máu trâu tanh tanh, hương thơm nước hoa con gái phảng phất, mùi hồ khăn mùi soa mới, hình như cả mùi nước đái trâu khai mù nữa... quyện lẫn. Mặc cảm. Ngượng ngùng. Ê chề. Chỉ muốn biến thành con kiến chui xuống lỗ nẻ. Nhưng, lại có cảm giác mơ hồ, thinh thích sự âu yếm, dịu dàng, quan tâm khác giới.

Có ai hiểu nỗi lòng của tôi không?


5.

Chị chủ lò mổ có đứa con gái gần hai mươi tuổi đang du học ở Mỹ. Mấy anh đồ tể buôn chuyện bảo: Mười lăm tuổi chị trôi dạt vào cái lò mổ này. Lúc đầu cũng chỉ là con ở làm nhân công sai vặt, quét dọn, tuồn lòng, gánh nước, rửa phản,... Sau, càng lớn càng mẩy, phổng phao, tươi tắn. Rồi thành vợ ông chủ. Đôi uyên ương ấy cách nhau hơn hai mươi tuổi.

Câu chuyện chỉ đến đó, cạy răng họ cũng không kể nữa, cũng có thể họ chẳng biết gì hơn.

Chị chủ có sở thích đi vũ trường, và dự các cuộc sinh hoạt câu lạc bộ thơ phường. Chị bảo tôi:

“Tối nay đưa tôi đi có việc, được không?”.

Ngày trước, tôi học Sư phạm Vinh; giờ mới ra Hà Nội; phố phường Thủ đô lạ hoắc. Tôi lơ ngơ lắm. Xe cộ, người ngợm chi chít như đàn kiến trôi trên đường. Mải miết. Hối hả. Nhìn phát sợ. Chẳng biết người ta đi đâu lắm thế!? Tôi bảo:

“Đêm hôm, đi xe máy tôi sợ lắm”.

“Ai biểu thầy giáo nhà thơ cầm tay lái Honda mà sợ. Đi ô tô của tôi”.

Đi thì đi. Tôi không quá ngạc nhiên. Chị chủ lò mổ có ôtô riêng, có tài xế riêng chẳng có gì lạ.

Con xe Camry 3.5 màu đen bóng loáng, hàng hiệu từ Hoa Kỳ, hơn tỷ đồng, sang quá. Người đàn bà và tôi cùng ngồi ghế đằng sau. Nước hoa madam phun quá tay thơm ngát mũi. Lúc này, tôi thực sự cận kề bà chủ Mộng Hoa. Phồn thực quá. Thân hình phốp pháp, ngực vú vồng to ninh ních dưới làn áo thun màu mỡ gà. Váy đỏ ngắn nửa đùi. Giầy cao gót màu trắng. Cổ tay đeo đồng hồ vàng Omega lấp lánh. Bàn tay dầy, ngón to và ngắn như quả chuối mắn. Đúng là trời chẳng cho không ai cái gì. Bàn tay chị thô ráp, dường như nó được sinh ra chỉ để cầm búa đập huyệt gáy trâu và lách dao bầu lột da xẻ thịt. Và lấp lánh chiếc nhẫn mặt đá hồng ngọc ở ngón áp út. Một vẻ xấu - đẹp lẫn lộn, cái cao sang đi cùng cái kệch cỡm.

Tài xế lạng xe lách người. Chúng tôi nghiêng sang phải, dạt sang trái, khi phanh gấp người dúi lên phía trước. Chị chủ sợ, cứ ôm níu lấy vai tôi. Tim chị đập thình thịch. Tim tôi đập liên hồi. Xe bon bon, bằng lặng, chị chủ vẫn nắm tay tôi, vô tình đặt lên đùi. Đùi chị nóng hôi hổi.

Chật vật mãi, cuối cùng chúng cũng đến nơi cần đến. Người đàn bà xuống xe. Ngực hơi ưỡn về phía trước theo thế “vú tấn công mông phòng thủ”. Chị khoác tay tôi như cặp tình nhân bước vào sảnh vũ trường.

Chốn này không dành cho bọn choai choai híp hốp giật đùng đùng. Toàn nạ dòng và đám đàn ông hói trán nghỉ hưu đến tập nhảy.

Công thành danh toại, nhiều tiền, nhưng cuộc sống tẻ nhạt quá: tập nhảy.

Nuối tiếc một thời hoài phí tuổi xuân ở chiến trường: tập nhảy.

Mất đứt quãng đời nhọc nhằn mưu sinh lo miếng sống miếng chín chưa kịp ăn chơi, nay “trả thù” đời thua thiệt: tập nhảy.

Kẻ chết chồng, người chết vợ; quý bà, quý ông đi tìm bạn tri âm: tập nhảy.

Có người mong nâng cao sức khỏe và thu nạp thêm một nét văn hóa hiện đại cũng: tập nhảy.

Nhạc êm dịu. Điệu valse nhẹ nhàng. Vụng về và thành thạo. Uyển chuyển và lóng ngóng. Vô cảm và đắm say... Cái gì cũng lạ: Đèn màu lung linh. Rượu ngoại. Nước hoa phụ nữ. Mùi dầu gội đầu X.men. Vai trần. Đùi hở. Bắp chân trần. Tôi ngơ ngác. Ngượng.

Nàng giới thiệu tôi với các bạn tập nhảy. Nàng kéo tôi vào sàn khiêu vũ. Nàng sung sướng sát cánh kề vai với thằng đàn ông trẻ hơn chục tuổi. Đắm say. Ngất ngây. Dịu dàng. Bà chủ lò mổ với những ngón tay thô, ngắn hình quả chuối mắn như lột xác thành tiên.

Nàng hướng dẫn tôi. Chân bước chuyển. Tay ôm eo. Mặt hơi vênh... Ôi trời. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ tôi nào đã gặp nông nỗi này. Mặt tôi thộn ra. Lóng ngóng. Giầy Adidat giẵm lên guốc cao gót của nàng.

Tôi bỏ ra ghế ngồi. Mặt nóng bừng bừng. Âm thầm nghĩ đến cô vợ ở nhà. Nàng thật thà như hạt lúa củ khoai. Nàng lam lũ. Nàng nhọc nhằn, lấm láp. Nàng đang rửa đít cho con? Nàng đang lặng lẽ ngồi trong bếp dạ đun cám lợn?

6.

Công việc ở lò mổ toàn lúc nửa đêm về sáng.
Lâu dần, tôi đã biết cắt tiết trâu thành thạo và máu không dây ra áo và người nữa. Đánh búa quả nhót vào huyệt gáy trâu cũng khá. Mất ngủ. Ban ngày đi học mệt quá, tôi toàn gà gật. Mỗi lần gà gật rồi kéo gỗ lại mất một cái tóc mai của cái Lan má bánh đúc. Cứ đà này không khéo tóc mai “má bánh đúc” sẽ trụi thùi lụi như người Mán sơn đầu. Bỏ việc thì tiếc tiền, không dám. Thạc sĩ và thợ mổ trâu, cái nào cũng quan trọng.

Có hôm tôi vẫn đến lò mổ, nhưng lại ở nhà trên và chẳng để làm gì, sẵn sàng làm một thằng sai vặt. “Thầy giáo lấy giúp tôi đôi giầy đỏ”. “Thầy giáo lấy giúp cái nịt vú trong tủ mang vào nhà tắm cho em với”. “Thầy giáo ngâm chân nước gừng nóng cùng không?”… Nhưng, việc chính là biên tập, chỉnh sửa thơ cho bà chủ. Đại khái, bài vè tôi nắn nót lại cho bớt vè hơn. Bài thơ kể lể, tôi ngắt vụn câu ra thành nhịp điệu nhanh chậm. Bài dở dang, tôi làm nốt đoạn thơ kết. Có bài hay đáo để, cứ như của ai đó làm hộ, chứ không phải đứa con tinh thần của chị.

Tôi luôn luôn bị ám ảnh có hình bóng nào đó thấp thoáng trong nhà đang âm thầm theo dõi. Cứ như mọi hành động của mình không qua mắt cái bóng mơ hồ ấy. Mọi suy nghĩ, tâm trạng của mình dường như bị bóc trần ra.

Chị chủ đang ở phòng tắm, tôi đi tìm sự bí ẩn với sự tò mò không kìm nén được. Tôi bắt gặp chiếc xe lăn có ghế nệm ở gầm cầu thang. Y như chiếc xe lăn ông già mắt mèo đã đi đêm nào. Tôi nhìn ngược lên giếng trời. Tay vịn cầu thang và những con tiện nâu bóng. Một gương mặt choắt đang cúi xuống nhìn vội thụt lại. Như vậy là đã rõ, rất có thể ông già đang ở tầng trên và hàng ngày ông chiếu đôi mắt mèo kiểm soát sự có mặt của những thằng đàn ông lạ.

Ngao ngán quá. Sao tôi lại rơi vào tình cảnh vụng trộm, trớ trêu này?

7.

Câu lạc bộ thơ Hoa Sữa tổ chức ra mắt tập thơ đầu tay của nữ thi sĩ Mộng Hoa. Con mắt đầy hãnh diện tự hào như muốn nói: Hội thảo thơ tôi đấy. Bao giờ thơ của thầy giáo được hâm mộ thế này? Tôi liên tiếp bị bất ngờ, ngạc nhiên. Mọi người đến khá đông, gần kín hội trường phường. Mộng Hoa rối rít xin lỗi đến muộn vì tắc đường. Mọi người đều thông cảm thể tất, bởi lẽ bây giờ đến đúng giờ, không tắc đường mới là sự lạ. Với lại, bà chủ lò mổ Mộng Hoa đã tài trợ tài chính cho Câu lạc bộ hoạt động đều đặn ba năm nay, công lớn lắm, ai nỡ trách.

Thằng lớp phó và Lan má bánh đúc đã ngồi ngay bàn đầu. Tập thơ Mùa trâu ăn sương chất cao ngang cằm “má bánh đúc”. Hai đứa nhìn thấy tôi cùng cười te tởn.

Ông nhà thơ tóc dài muối tiêu, búi tó củ hành điều hành hội thảo. Chân đi guốc mộc. Hai túi áo thổ cẩm lèn chặt các tập thơ nặng trĩu vạt. Thi nhân đi dọc theo khoảng trống giữa hội trường, đảo mắt như rang lạc liếc gái, chẳng nể gì các cụ ông cụ bà. Cứ người đẹp nào cổ hở, ngực to mông nẩy là ông dán mắt vào. Cứ như đi tìm cảm hứng nghề nghiệp. Cứ như không có gái thì thơ bay biến mất, buổi hội thảo bất thành.

Thơ là thứ cao sang thanh sạch sao lại gắn bó suốt đời với người đàn ông già dị mọ này?

Ông nhà thơ giới thiệu tập thơ Mùa trâu ăn sương. Hội trường phường có nhiều tiếng xì xào. Dân gian đã có bao nhiêu thành ngữ, ca dao hay về trâu rồi, nay lại thêm một thi phẩm độc đáo toàn viết về trâu.

Gân cổ. Nghiêng tai. Lim dim mắt. Tay chém gió. Như lên đồng. Càng nói, nhà thơ tóc búi tó càng hưng phấn, cảm xúc dào dạt. Giọng rất hách và quyền uy phát lộ. Thi sĩ đúng là vua không ngai, nàng thơ là hoàng hậu. Khối kẻ phát thèm. Và ghen tị.

Ông ta giới thiệu Lan má bánh đúc đọc minh họa một bài thơ của nữ thi sĩ Mộng Hoa. “Má bánh đúc” vốn yêu thơ đến độ mê tín. Nàng ngửa mặt lên trần nhà, mắt nhắm nghiền, miệng tròn chữ O, môi uốn chữ Z đọc thơ như lên đồng:

Mùa trâu ăn sương
Cánh đồng trơ cuống dạ
Đi từ đêm sang ban mai,
bước chân trâu đóng dấu hoa đất
móng guốc in hình sẹo đất.
Vũng sương chân trâu đọng vành trăng cuối tháng
Tôi vục mặt uống như húp vũng mồ hôi
Mồ hôi trâu lẫn mồ hôi người trộn mồ hôi đất
Giọt mồ hôi nào hơn giọt mồ hôi nao?

...

Lại bài thơ Mùa trâu ăn sương tôi đã nghe chị chủ đọc. Nhọc nhằn quá. Ai đã thấy trâu đổ mồ hôi chưa nhỉ?

Nhà thơ đi guốc mộc bảo:

“Giọng em rất truyền cảm. Nóng bỏng. Đam mê.”.

Ông ta đi vài bước, nói tiếp.

“Anh nào vớ được cô gái này yêu, sướng một đời”.

Cái ông này vô duyên. Đang thơ thẩn lại ngoằng một cái sang tình ái. Tôi đưa nhìn thằng bạn lớp phó, cảnh báo. Thằng này cười tủm. Cái cười rất gian manh, báo hiệu một cái gì đấy nhập nhằng.

Ra mắt thơ Mộng Hoa, mà nhà thơ đi guốc mộc lại mang thơ mình ra tặng. Loáng cái, hai túi thổ cẩm lèn chặt thơ hết sạch. Cái vạt áo lại nhẹ tênh.

Nhà thơ dừng lại bên “má bánh đúc” hơi lâu. Cái con bé này vô ý, cổ áo mở phanh ra từ lúc nào chẳng biết; hay nhà thơ nhìn sắc quá, tia bật cúc áo nó ra để lộ cả khe vú?

“Lúc nãy, em đọc thơ diễn cảm lắm. Đọc diễn cảm đắm say thì cũng có thể làm được thơ hay. Sao em không làm thơ nhỉ?”.

“Má bánh đúc” đỏ bừng mặt.

Thằng lớp phó bạn tôi cau mày.

Nữ thi sỹ Mộng Hoa vẫn cắm cúi nhiệt tình ký tặng tập thơ đầu tay.


8.

Càng gần Tết, mùa trâu ăn sương càng nhộn nhịp. Trâu mạn Sơn La, Yên Bái về càng nhiều. Ô tô chở trâu về ban đêm, lùa vào chuồng đóng gióng. Con nào sắp thịt, đồ tể buộc ra ngoài trời cho ăn sương.



Nửa đêm về sáng, các hàng thợ xẻ đi xe đạp, xe máy, gồng gánh đổ về lò mổ lấy thịt, lòng trâu kìn kìn. Những cái đầu trâu máu me tiếp tục bị quẳng sàn, mõm chổng lên trời, mắt thao láo mở uất ức. Cánh đồ tể đánh búa vào huyệt trâu, lột da, xẻ thịt nhiều cũng mệt. Gã nào mặt cũng u ám, xơ xác tóc.

Tôi cũng bị cuốn vào công việc lò mổ đến mộng mị.

Rồi tôi bị trâu húc.

Con trâu điên bất chợt. Vừa tháo dóng dắt ra khỏi chuồng nó đã hục hặc, đánh sừng lung tung. Anh đồ tể nào cũng run tay cầm búa không vững. Tôi bảo: “Để tôi”. Cái số không may, lúc đó tôi có uống chút rượu vào, không biết sợ là gì. Chỉ muốn vung búa lên chứng tỏ mình không phải thầy giáo tay trắng chỉ cầm nổi viên phấn. Búa quả nhót giáng xuống đầu trâu, rồi trượt xuống trán. Con trâu điên phản ứng tự vệ tức thì. Vặc đầu húc. Cái sừng đánh đúng vào bụng dưới và hạ bộ. Tôi ngã lăn bất tỉnh. Con trâu phóng vọt ra khỏi lò mổ, lao vun vút trong đêm tối. Nó chỉ dừng lại và đổ uỵch xuống thành đống thịt da khi húc phải bức tường rào đá có chân móng dầy gần một mét...

Tôi mơ màng thấy ông già thò cái đầu tóc bạc lòa xòa nhìn tôi. Ông vắt hai chân liệt lên cổ. Ông nắm thành cầu thang tụt xuống vèo vèo. Ông đắp cho tôi một tấm chăn mỏng. Ông nhìn tôi bằng con mắt buồn bã, thương hại. Và ông thở dài.

Tôi chợt tỉnh dậy.

Ông già vội vã chống tay lết đi ngay. Lết đi vì ông không muốn cho tôi nhận ra con người tàn tật sống trong bóng tối. Ông bám thành cầu thang nhoăn nhoắt leo lên tầng. Thoắt hiện. Thoắt ẩn.

Tôi nhận ra mình nằm trơ trên tấm phản làm lòng trâu. Anh em đồ tể khiêng đặt tôi nghỉ tạm ở phòng khách bà chủ, lúc nào chẳng biết. Tôi ngây ngấy sốt. Tấm chăn mỏng làm tôi đỡ rét run. Giếng trời một vuông sáng trắng. Vẫn cái đầu tóc bạc lòa xòa và đôi mắt mèo ẩn hiện, lấm lét nhìn trộm.

Đau quá! Bụng dưới căng tức. Tôi sờ xuống hạ bộ. Hai hòn dái sưng to như vốc tay. Nóng hổi. Nhức buốt.

Một anh đồ tể sao lá ngải nóng đắp cho tôi. Cái đau dịu dần. Tôi hất đầu lên nhìn cái người tàn tật đang câm lặng đang thập thò đầu phía trên giếng trời. Anh đồ tể nhóng mắt nhìn theo, bảo:

“Chồng bà chủ đấy. Ông ấy bị nặng hơn anh”.

“Sao thế?”

“Trâu đá vào dái; chưa đã nó còn bổ móng lên sống lưng. Liệt. Cấm khẩu. Cái nghề này bạc lắm”.

Khốn nạn. Ê chề quá!

Tôi không khóc mà nước mắt cứ trào ra.



9. Đoạn kết

Tôi lặng lẽ về quê.

Thằng bạn lớp phó và “má bánh đúc” đánh xe ô tô đuổi theo.

“Chị Mộng Hoa nhà tao đang vừa khóc vừa làm thơ về mày. Cũng là lỗi tại tao”.

Tôi lặng im. Thằng bạn tôi đâu có lỗi gì. Nó muốn tôi có tiền ăn học, giúp gia đình. Nó muốn chị nó khuây khỏa nỗi buồn thân phận.

“Thôi, cũng may. Mày về đi. Từ giờ đến Tết kiêng nhá, giao thừa xong hãy ngủ với vợ. Năm mới mày sẽ đẻ một trăm con trâu. À quên, đẻ một trăm con trai”.

Tôi vẫn lặng im, chỉ gật đầu.

“Má bánh đúc” cứ nhìn tôi cười nhặt nghẽo. Tôi ngượng ngùng quá.

Chiều ba mươi Tết.

Xe ô tô Camry 3.5 màu đen bóng dừng ở cổng làng, rồi quay bánh.

Tôi đi dọc bên đường làng. Bước chân lâng châng. Một nỗi niềm khó tả. Nhiều nhà đã gói bánh chưng. Khói xanh mơ màng bay trên mái bếp. Có bố con nhà nào đang hò nhau dựng cây nêu. Người làng đi xa vẫn đang lục tục trở về.

Nhà tôi đang đánh cá ao. Lưới thả xuống chọp chọp. Nơm úp xuồm xuồm. Cá tươi quẳng lên bờ giãy đành đạch. Bọn con cháu, em ún kéo nhau đến giúp, ngếch mặt lên chào tôi, cười tí tởn. Hai hàm răng đánh lập cập. Đầm dưới nước lạnh thế này thì cả lũ rét thâm dái.

Hai đứa con gái mong bố về, chạy ào đến mừng rỡ. Đứa ôm chân. Đứa xách túi. Chúng kéo bố về nhà khoe với mẹ. Vợ tôi đang ngồi trong chuồng trâu đốt lửa sưởi cho con nghé mới đẻ. Lại nghé với trâu! Lại mùa trâu ăn sương. Tôi giật mình. Sờ xuống hạ bộ. Chim cò thụt lại như quả ớt chỉ thiên.

Vợ tôi quay ra. Mừng quá! Đôi vai nhỏ nhắn rung lên. Nàng cười, như khóc. Hai má hồng rực vì lửa ấm. Con nghé đứng dậy chệnh choạng bước. Nó nghiêng đầu dúi cái mõm xinh xinh cọ vào háng tôi.

Người tôi cũng nóng bừng, rạo rực./.



Cuối năm 2008.
Sương Nguyệt Minh

Tri thức thời vụ và phát triển địa phương



TTCT - Điều cần thiết nhất cho phát triển bền vững chính là dòng luân chuyển tri thức thật sự ở tầng thấp nhất của nền kinh tế, tức là kiến thức mang tính ứng dụng để giải vô số bài toán phát triển đang vướng mắc ở khắp mọi nơi. Có rất nhiều kênh chuyển giao tri thức và nhiều cách thức sử dụng nguồn nhân lực mà các địa phương có thể tham khảo.

Tận dụng được nguồn luân chuyển tri thức là sử dụng được nguồn vốn phi tài chính, góp sức phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Trong ảnh: Sinh viên Việt Nam gặp gỡ chuyên gia nước ngoài và Việt kiều tại chương trình Gặp gỡ Việt Nam diễn ra ở Quy Nhơn hằng năm -Hoa Khá
Tiếp biến tri thức

Các tổ chức quốc tế chuyên về phát triển kinh tế sau thời gian nhắc nhở về kiều hối thì nay tập trung hơn vào một loại hình kiều hối rất đặc biệt và vô cùng hiệu quả: kiều hối tri thức. Kênh chuyển giao tri thức nằm ngay trên con đường từ tỉnh này sang tỉnh khác, nhất là từ các thành phố lớn về nông thôn qua các sinh viên. Chưa kể một nguồn tri thức thời vụ đáng kể khác là các chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài về nước ngắn hạn hằng năm hoặc các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam du lịch.

Khi nghiên cứu các nhóm di dân, giáo sư Peggy Levitt (ĐH Harvard, Mỹ) phát hiện một cơ chế rất quan trọng giúp chuyển đổi cơ cấu, phát triển kinh tế bền vững ở các nước nghèo và cơ chế này còn mạnh hơn cả tiền bạc.

Đó chính là những hành vi ứng xử trong cuộc sống hằng ngày, tiếp nhận từ xã hội các nước phát triển và được di dân hay người du lịch đem về các nước đang phát triển. Ứng xử này được hình thành từ việc tiếp nhận các chuẩn mực mới trong xã hội, làm thay đổi suy nghĩ của người dân và kéo theo đó là sự thay đổi trong cơ chế kinh tế và xã hội. Ví dụ đơn giản như thói quen không xả rác bừa bãi được chuyển thành ý thức vệ sinh và bảo vệ môi trường ở quê nhà...

Nếu chú ý quan sát ta sẽ nhìn ra một quá trình chuyển giao tri thức nằm ở bề sau của hiện tượng. Một khách du lịch người Đức khi quen biết một cô gái Việt Nam ở Sài Gòn và đi theo ông bố của cô làm nghề sửa ống nước đã giúp ông hiểu nhiều hơn về công nghệ, kỹ thuật và thiết bị mới từ nước Đức của anh. Ông bố sẽ là người thứ hai chuyển tiếp nguồn hiểu biết mới này đến những khách hàng của ông.

Để tiếp nhận tri thức mới không nhất thiết phải mất nhiều năm, chỉ cần vài tuần về thăm nhà của một du học sinh cũng đủ để du học sinh này tham gia trình bày một môn học, hay kiến thức đã tích lũy trong suốt thời gian nghiên cứu của mình cho các sinh viên trong nước, nếu các trường đại học trong nước biết cách sắp xếp thời gian và cởi mở trong cách thức tiếp nhận kiến thức mới.

Hệ thống lý thuyết ở các nước phát triển không phải lúc nào cũng có thể vận dụng được ngay vào điều kiện hiện tại của Việt Nam, nên các khóa giảng ngắn ngày như vậy cũng là điều kiện để du học sinh tư duy vận dụng và đón nhận phản hồi tích cực từ thực tế.

Đi theo lộ trình này, lãnh đạo các tỉnh không bị vướng mắc trong cơ chế nhân sự cứng của Bộ Nội vụ mà có thể sử dụng ngay lượng tri thức thời vụ mình đang cần cho những bài toán đang nóng lòng chờ lời giải tại địa phương.

Trong hội thảo về ẩm thực châu Á do ĐH Kobenhavn tổ chức ở Đan Mạch có mặt một giảng viên người Scotland từ ĐH Cần Thơ - tiến sĩ Charles Howie. Đã về hưu, ông sang Việt Nam dạy tiếng Anh nhưng vẫn tiếp tục các nghiên cứu về cá ba sa với ĐH An Giang, và làm cầu nối để đưa các công trình khoa học của Việt Nam ra thế giới.

Những công trình được trình bày trong hội thảo này giúp người ta biết nhiều hơn đến chuyện nhóm nghiên cứu ở Đan Mạch đang làm nước mắm kiểu Việt Nam theo công nghệ men thời La Mã do các nhà khảo cổ khám phá như thế nào.

Có dịp so sánh các vườn cảnh trên sân thượng và ban công ở Sài Gòn, hay trồng rau trên dải phân cách đường cao tốc ở Hà Nội với chương trình trồng cây ăn trái trên nhà cao tầng ở Singapore, hay cách mà ngành điện ảnh Hàn Quốc giúp giống bò thịt quốc gia Hanwoo đánh bại các loại thịt nhập khẩu, cách người Nhật dùng chính công nghệ bánh mì của Đan Mạch để phát triển chuỗi cửa hàng bánh mì Nhật trên đất 
Đan Mạch...

Luân chuyển tri thức
Tri thức là nguồn vốn rất quan trọng để phát triển bền vững, sự di chuyển của các trí thức giữa các quốc gia là nguồn tài nguyên phong phú để các địa phương tận dụng lượng tri thức thời vụ. Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, lượng kiến thức này thật sự quan trọng hơn là hệ thống kiến thức cơ bản đòi hỏi nhiều tiền đầu tư và thời gian nghiên cứu.

Tri thức thời vụ giúp giải quyết nhanh những vấn đề thời sự, thậm chí còn hiệu quả hơn nhiều nghiên cứu được nước ngoài tài trợ vốn thường chỉ nhắm vào mục tiêu phục vụ chính các nước đó.

Di dân không chỉ là chuyện người Việt ra nước ngoài, mà còn cả chuyện người lao động ở miền quê ra thành phố làm việc, nhất là các sinh viên nông thôn ra thành thị học. Phát triển kinh tế địa phương kỳ thực là những nỗ lực tìm chỗ đứng cho sản phẩm của địa phương trong nền kinh tế quốc gia và thế giới.

Chuyện trồng khoai lang tím hiện nay ở Vĩnh Long là một ví dụ. Nông dân đã tiến được một bước rất quan trọng là tiếp nhận giống khoai Nhật để trồng đại trà, nhưng việc tiêu thụ hoàn toàn nằm trong tay thương lái và phụ thuộc vào cửa khẩu xuất hàng sang Trung Quốc.

Tri thức thời vụ chính là các trường đại học ngay gần kề, như những trung tâm công nghệ vi sinh, chế biến sản phẩm sẵn có trong vùng... Tri thức thời vụ còn là kiến thức về tiếp thị và kinh doanh hàng nông sản, chính các sinh viên trong thời gian nghỉ hè về quê có thể phụ giúp gia đình và chuyển giao những gì đã học được ở trường hoặc từ thực tế tiếp thị kinh doanh mà các em quan sát được ở thành phố.

Điều cần thiết nhất cho phát triển bền vững không phải là số lượng trung tâm nghiên cứu toán - lý - hóa hay công nghệ và tên tuổi của giáo sư từ nước ngoài về hay sang giảng dạy, mà chính là dòng luân chuyển tri thức thật sự ở tầng thấp nhất của nền kinh tế, tức là kiến thức mang tính ứng dụng để giải vô số bài toán kinh doanh đang vướng mắc ở khắp mọi nơi.

Sinh viên từ nông thôn ra thành thị học, nguồn vốn và kinh nghiệm từ Việt kiều về quê, các chương trình trao đổi trí thức ngắn hạn... đều có thể trở thành những kênh hữu dụng để các địa phương mời gọi, sử dụng để phát triển kinh tế địa phương hay giải quyết những vấn đề xã hội, môi trường đặc thù, mở rộng mối quan hệ với thị trường toàn cầu.

Tận dụng nguồn vốn xã hội quan trọng này chính là lời giải để mỗi địa phương phát triển từ nguồn nội lực vốn có, không cần phải chờ đến chương trình chính sách gì lớn lao từ trung ương hay các tổ chức viện trợ quốc tế.

TS LÊ THANH HẢI
http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/van-de-su-kien/ban-doc-va-ttct/20151104/tri-thuc-thoi-vu-va-phat-trien-dia-phuong/995596.html

Nghiêm cấm trang tin điện tử đăng tin báo chí




Luật Báo chí sửa đổi trước Quốc hội chiều 4/11, Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, luật lần này nhấn mạnh quy định nghiêm cấm việc trang thông tin điện tử đăng, phát thông tin có tính chất báo chí.






Bộ trưởng Thông tin - Tuyền thông Nguyễn Bắc Son tại Quốc hội.

Cụ thể, Điều 10 dự thảo luật đưa ra 12 nội dung (loại thông tin) và 10 hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí. Trong đó, tờ trình của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh Khoản 2 Điều 10, quy định những hành vi bị nghiêm cấm.

So với Luật hiện hành, một nội dung mới được đưa vào là nghiêm cấm “Đăng, phát trên truyền thông xã hội, trang thông tin điện tử thông tin có tính chất báo chí; sản phẩm báo chí đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy; nội dung chương trình phát thanh, truyền hình đã bị đình chỉ, cấm lưu hành; nội dung vi phạm đã bị gỡ bỏ trên báo điện tử”.

Chính phủ cũng đề nghị phải nghiêm cấm hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; gian dối trong việc lập hồ sơ đề nghị cấp thẻ nhà báo.

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo luật đề xuất cấm thông tin về nhiều nội dung trên báo chí, trong đó có việc thông tin về những chuyện thần bí; thông tin về thân nhân và các mối quan hệ của cá nhân trong các vụ án, vụ việc tiêu cực; thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án…

Đồng ý với việc nghiêm cấm những hành vi vi phạm này nhưng Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) Đào Trọng Thi cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật thường chỉ quy định các hành vi bị cấm, chứ không quy định nội dung bị cấm. Ông Thi cũng nhận xét, xem xét kĩ các quy về “nội dung bị cấm”, Ủy ban thấy rằng toàn bộ những nội dung này thực ra đều là “hành vi”.

Một vấn đề khác cơ quan thẩm tra đặt vấn đề là về mô hình hoạt động và kinh tế của cơ quan báo chí. Theo thống kê, có 284/845 cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính, thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước như các doanh nghiệp thuộc khối văn hóa.

Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục nhận xét, thực tiễn đó cho thấy hiện còn quá nhiều cơ quan báo chí do các cơ quan nhà nước thành lập và bao cấp kinh phí hoạt động, làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Do vậy, UB cho rằng, dự thảo Luật cần quy định theo hướng sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí của cơ quan, tổ chức hưởng ngân sách nhà nước nhằm nâng cao chất lượng báo chí và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Đào Trọng Thi khuyến cáo, dự thảo Luật cũng cần quan tâm đến mô hình tập đoàn/tổ hợp truyền thông đa phương tiện hiện đang là xu hướng phát triển tất yếu của báo chí nước ta để có những quy định phù hợp.

Hạn chế tối đa việc truy vấn nguồn tin của báo chí

Về vấn dề cung cấp thông tin cho báo chí, khoản 3 Điều 37 dự thảo Luật quy định: “Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”.

Đa số ý kiến cho rằng, việc bảo vệ nguồn tin của báo chí là vô cùng quan trọng đối với người làm báo. Thực tế hiện nay, loại tội phạm nghiêm trọng rất phổ biến và đa dạng. Nếu quy định như dự thảo Luật sẽ gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin. Do đó, đề nghị chỉ nên yêu cầu việc tiết lộ nguồn tin đối với tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định trong dự thảo Luật.

Ngoài ra, Ủy ban cho rằng dự thảo Luật cần bổ sung quy định các trường hợp cơ quan nhà nước được từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.

Báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, loại hình và chất lượng thông tin, trở thành phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu trong đời sống xã hội; tích cực phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội; truyền tải ý kiến của nhân dân đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật, qua đó phát huy quyền làm chủ của người dân; đấu tranh giữ vững chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; phản bác các luận điệu sai trái, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Tuy nhiên thực tiễn hoạt động báo chí thời gian qua bộc lộ những vấn đề đáng lo ngại như: cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; thông tin sai sự thật có chiều hướng ngày càng tăng; xu hướng “thương mại hoá” chậm được khắc phục; thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục vẫn diễn ra. Nhiều thông tin trên báo chí thiếu chọn lọc, nặng về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội; nhiều nội dung tin, bài giật gân, câu khách; tính trung thực của báo chí bị giảm sút.

P.Thảo

Thứ Ba, 3 tháng 11, 2015

Con ơi nhớ lấy câu này : Giặc-Quan ăn cướp cả ngày lẫn đêm



"Con ơi, nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan".

Trên là câu ca dao của dân Việt vào thời kỳ chế độ phong kiến, còn ngày nay, nếu ai nghe câu chuyện của ông Thân Văn Truyện- một người đã được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng nhất- một người cha của liệt sĩ Thân Văn Phùng (Huân chương kháng chiến hạng 3) chắc sẽ phải ngậm ngùi và sợ hãi như tôi để thốt lên: " Con ơi nhớ lấy câu này. Giặc quan ăn cướp cả ngày lẫn đêm".



Đời cha đi kiện chưa xong ủy quyền cho đời con tiếp tục kiện (tròn 30 năm).

 Người dân ở xã Hòa Hiệp-Tân Biên- Tây Ninh hầu như đều nghe chuyện của ông Truyện. Ông đã bị đứa cháu vợ là Lưu Văn Quỳ - người mà ông đã cưu mang giúp đỡ- trắng trợn cướp trên 1 ha đất và nhà của ông Truyện mà lúc sống ông với thân già bệnh tật đã kiên trì hơn 10 năm đi kiện nhưng vẫn phải "thua kiện".Quá ấm ức, biết mình không qua khỏi bệnh, ông làm giấy ủy quyền lại cho con trai ông là Thân Văn Trung tiếp tục khiếu kiện, tố cáo Lưu Văn Quỳ đã cấu kết với vài quan chức địa phương cướp đất của ông.



Lá đơn mới nhất của ông Thân Văn Trung thay mặt người cha đã khuất năm 2015 này là lá đơn thứ 55, bao gồm những đơn của  người cha  khi còn sống và của ông từ khi được  người cha ủy quyền đến nay cũng tròn 30 năm! (từ 1985-2015).


Tóm tắt nội dung vụ kiện

Từ năm 1973, Ông Thân Văn Truyện( sinh năm 1918)  đã mua một 1,2 ha đất (chưa đo đạc) có căn nhà gỗ lợp lá của ông của ông Đặng Văn Thuận là cán bộ tập kết, cơ sở cách mạng tại xã Hòa Hiệp huyện Tân Biên (đây là vùng đất giáp biên giới Việt- Miên năm 1973 được xem là vùng "xôi đậu" ). Ông Truyện đưa gia đình về sống ở đây cho đến sau giải phóng 1975 và ông có đăng ký nhà đất với Ban Nông hội xã. Giấy CMND của ông cũng được cấp theo địa chỉ này. Sau đó, các con ông tách riêng ra, chỉ còn vợ chồng ông và người con gái là Thân Thị Hiền. 
Năm 1980, ông cho người gia đình người em vợ là Lưu Văn Dậu về tá túc và cho ông Dậu cất nhà ở tạm kế bên nhà ông, canh tác một phần đất. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, Ông Truyện đưa vợ con về Thị xã lánh nạn cho đến khi tình hình ổn định ông mới quay về.
Ông Dậu và vợ ông cũng lần lượt qua đời trên căn nhà cất tạm tại đất của ông Truyện (ông Dậu mất năm 1982 và vợ ông mất năm 1985). Vợ chồng ông Truyện tuổi cao, thường xuyên trở bệnh phải đến bệnh viện điều trị hàng tháng, nên để tiện cho việc chăm sóc sức khỏe, ông bà đến ở tạm nhà người bà con tại Thị trấn Tân Biên, chỉ cách xã Hòa Hiệp khoảng 20 km. Bà Thân Thị Hiền vẫn ở tại ngôi nhà dù thường xuyên vắng nhà để chăm sóc cho cha mẹ ở bệnh viện. Trong thời gian này, ông Thân Văn Trung là con ông Truyện vẫn thường xuyên về trồng trỉa trên một phần diện tích đất, riêng phần còn lại thì cho con ông Dậu sản xuất.

Đến năm 1986, ông Truyện về làm thủ tục đăng ký Quyền sử dụng đất thì té ngửa ra khi cán bộ địa chính xã cho biết: Đất này đã được ông Lưu Văn Quỳ (con của ông Lưu Văn Dậu) đăng ký rồi, với lý do là vợ chồng Ông Truyện đã cho Ông Lưu Văn Dậu? Với lý lẽ đó, Cán bộ địa chính xã đã không cho ông Truyện đăng ký, mà chờ giải quyết "tranh chấp Quyền sử dụng đất".

Năm 1987, khi Luật Đất đai ra đời, Ông Truyện đến UBND xã Hòa Hiệp làm thủ tục kê khai đất thì Ban địa chính xã từ chối với lý do: Đất này ông Truyện đã tặng cho Ông Lưu Văn Dậu (không có giấy cho nhận của ông Truyện). Ông Truyện làm đơn khiếu nại đến UBND huyện, UBND tỉnh nhưng không được xem xét giải quyết.
Mãi đến năm 1993, Luật Đất đai mới ban hành, Ông Truyện tiếp tục làm đơn khiếu nại.
Về nguồn gốc đất mua đất của ông Truyện được con gái của Ông Đặng Văn Thuận và Ông cựu chủ tịch Xã Hòa Hiệp chứng thực.


Người dân tứ cận xung quanh cũng chứng thực việc ông Truyện không hề cho ông Lưu Văn Dậu đất và nhà của ông như lời ông Lưu Văn Quỳ khai báo với chính quyền xã Hòa Hiệp.



Bất chấp những chứng thực của người dân, bất chấp pháp luật, ngày 10/01/1994 UBND xã Hòa Hiệp ra Quyết định giao Quyền sử dụng 1,2 ha đất của ông Truyện cho ông Lưu Văn Quỳ!



Không cần phải nói cũng thấy được sự "Lộng quyền" của ông Nâu chủ tịch xã này.
Bằng vào Quyết định này, ông Lưu Văn Quỳ lập tức cho người tháo dỡ căn nhà gỗ lợp lá của ông Truyện mà mục đích không gì hơn là phi tang chứng cứ sự hiện diện của gia đình ông Truyện trên miếng đất này, hòng dẫn tới lập luận mà sau này tỉnh và cơ quan luật pháp lấy làm cơ sở bác bỏ Quyền sử dụng chính đáng của ông Truyện: ông Truyện đã bỏ đi không canh tác 14 năm !
Từ quyết định này, bắt đầu cuộc hành trình khiếu kiện kéo dài hơn 20 năm, từ đời cha cho đến đời con.

Thấy gì qua việc xử lý  đơn khiếu kiện của ông Truyện và ông Trung? 

Ông Truyện khiếu kiện, năm 1994 được Phòng Địa chính kết hợp UBND xã tiến hành hòa giải chia đôi mảnh đất này. Ông Quỳ đồng ý nhưng ông Truyện thì không. Ông tiếp tục kiện.



Vụ kiện  mãi đến năm 1996 mới được UBND huyện Tân Biên xử lý. UBND huyện Tân Biên ban hành QĐ số 86 ngày 20/5/1996 bác đơn của ông Truyện với lý do ông không sử dụng đất đến nay đã 14 năm (từ 1977-1993) mà giao cho ông Lưu Văn Quỳ sử dụng!



Ông Truyện tiếp tục kiện.

Ngày 9/5/1997 Sở Địa chính có Báo cáo số 140/BC-ĐC nội dung đề nghị UBND tỉnh công nhận QĐ của UBND huyện và ngày 15/7/1997 Tỉnh cho ý kiến đối với báo cáo của Sở địa chính là chia hai phần đất trên.

Ngày 12/11/1997 và 9/3/1998 Sở Địa chính có làm việc với UBND huyện Tân Biên, UBND xã hai lần theo ý kiến của UBND tỉnh nhưng xã, huyện không thống nhất. Đúng là điều thật buồn cười, bởi ý kiến chỉ đạo của tỉnh là chia hai phần đất cho ông Truyện và ông Quỳ để giải quyết tranh chấp của đương sự. Không biết xã, huyện có liên quan gì mà chấp nhận hay không chấp nhận việc chia đôi phần đất?

Ngày 23/9/1998 UBND tỉnh họp giải quyết nhưng không thống nhất, do đó giao cho Thanh tra tỉnh phúc tra lại, nhưng UBND huyện xin để Huyện hòa giải lần cuối, cũng không thành.

UBND huyện Tân Biên đã ra quyết định giao toàn bộ diện tích đất của ông Truyện cho ông Quỳ theo QĐ số 86 ngày 20/5/86 rồi thì tại sao lại phải hòa giải? Như vậy, chứng tỏ Quyết định 86 của UBND huyện là không đúng!

Ngày 27/9/1999 Thanh tra Tổng cục Địa chính có ý kiến với UBND huyện là giữ cho Ông Quỳ sản xuất và bác đơn ông Truyện.
Vậy là, ngày 10/10/2000 UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 115/QĐ-CT với nội dung như sau:

-Nay công nhận QĐ số 89/QĐ-UB ngày 20/5/1996 của UBND huyện Tân Biên về việc giải quyết tranh chấp 1,536 ha đất tọa lạc tại xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên giữa ông Thân Văn Truyện và Ông Lưu Văn Quỳ.

-Công nhận cho ông Lưu Văn Quỳ được tiếp tục sử dụng diện tích 1,536 ha đất tranh chấp và bác đơn khiếu nại của ông Truyện.
Lý do chính của tỉnh  để công nhận Quyết định 86 của UBND huyện Tân Biên và bác đơn của ông Truyện là phù hợp với Điều 1 và Điều 2 Luật đất đai năm 1993.










Hãy xem Điều 1 và điều 2 Luật đất đai năm 1993 :

Điều 1

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý.

Nhà nước giao đất cho các tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội (gọi chung là tổ chức), hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài. Nhà nước còn cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê đất. Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trong Luật này gọi chung là người sử dụng đất.

Nhà nước cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê đất.

Điều 2

1- Người sử dụng đất ổn định, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận thì được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

2- Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3- Nhà nước có chính sách bảo đảm cho người làm nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, lâm nghiệp có đất sản xuất.


Đất của ông Truyện được mua vào năm 1974 vốn là sở hữu tư nhân, sau giải phóng đến năm 1979 gia đình ông vẫn cư ngụ trên mảnh đất này (theo văn bản của tỉnh). Nếu như Nhà nước muốn giao cho người khác thì phải có Quyết định thu hồi. Vì sao không xem xét nguồn gốc đất của ông Truyện (Đây không phải là đất bỏ hoang).
Ông Truyện không hề giao đất cho Ông Dậu nên không thể căn cứ vào mục 2- điều 2 của Luật Đất đai để không thừa nhận việc đòi lại đất của ông Truyện.
Việc ông Truyện không giao đất cho Ông Dậu được người dân tứ cận chứng thực và nó cũng thể hiện khá rõ ràng khi ông đến tạm trú tại Thị trấn Tân Biên chỉ cách nhà ông khoảng 20km. Thử hỏi có ai có tài sản lại đem cho người khác và đi ở nhờ hay không? Huống chi, con gái ông là bà Thân Thị Hà vẫn chưa có nhà ở! Đó cũng là lý do Ông Quỳ không thể đưa ra một bằng chứng nào xác thực Ông Truyện đã giao đất cho Ông Dậu. Vì sao ông Dậu hay vợ ông (Ông Dậu mất 1982 và bà Dậu mất năm 1985) không đi đăng ký kê khai diện tích đất này khi còn sống nếu như được ông Truyện cho? 
Khi Ông Quỳ tiến hành kê khai đất và bảo là được Ông Truyện cho cha mẹ ông mà không có giấy tờ gì chứng thực, Ban Nông hội xã, cán bộ địa chính xã không tìm ông Truyện để xác thực?
Ở đây đã có một âm mưu chiếm đoạt phần đất này của ông Truyện mà người trực tiếp thực hiện là ông Lưu Văn Quỳ. Hẳn nhiên để thực hiện âm mưu này phải có sự tiếp tay của kẻ có quyền lực tại địa phương.



ÔNG THÂN VĂN TRUYỆN LUÔN THỰC HIỆN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT CỦA ÔNG VÀ ĐÃ GIAO CHO ÔNG LƯU VĂN DẬU SẢN XUẤT THEO HỢP ĐỒNG DÂN SỰ: CHO MƯỢN, CHO THUÊ VÀ ÔNG DẬU CÓ TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN NGHĨA VỤ ĐỐI VỚI NHÀ NƯỚC

Ông Truyện tiếp tục đi kiện và khi ông mất, con ông là Thân văn Trung được sự ủy quyền của cha lại tiếp tục kiện.

Âm mưu chiếm đoạt phần đất này của ông Truyện bị gia đình ông phản ứng gay gắt. Điều đó khiến mãi đến năm 2008 thì UBND huyện mới cấp Quyền sử dụng đất cho Ông Lưu Văn Quỳ (8 năm sau QĐ của UBND tỉnh) và thật kỳ lạ là chỉ cấp có 4.282m2, phần còn lại hơn 1 ha thì đến nay vẫn không biết thuộc về ai?





Ông Thân Văn Trung vẫn tiếp tục gửi đơn kiện đến nhiều nơi và nhiều lần được Tòa án cấc cấp từ chối thụ lý đơn của ông với lý do: ÔNG TRUNG KHÔNG CÓ QUYỀN KHỞI KIỆN!
(còn tiếp)





Sau nhiều lần trả lại đơn khiếu kiện của ông Trung, ngày11/10/2012 Tòa án nhân dân Tây Ninh ra quyết định số ...../QĐ-GQKN với nội dung như sau:

Xét thấy: Thông báo trả lại đơn khiếu kiện số 90/TB-TA ngày 1/10/2012 của Tòa án Nhân dân tỉnh Tây ninh đã xác định khởi kiện của ông thuộc trường hợp: Người khởi kiện không có quyền khởi kiện và sự việc không thuộc thẩm quyền của Tòa án bằng vụ án hành chính được qui định tại điểm a, e Điều 109 Luật Tố tụng hình chính.
Đến nay, Ông trung vẫn tiếp tục gửi đơn kiện và vẫn chưa được chính quyền cũng như cơ quan luật pháp của tỉnh xem xét xử lý. Ông chỉ còn cách phải gửi đơn đến các cơ quan cấp cao hơn.

Tố Tụng hình sự một việc sẽ sáng tỏ, chấm dứt vụ kiện và những kẻ chiếm đoạt tài sản phải chịu trừng phạt.

Trong quá trình xem xét vụ kiện, chính quyền Tây ninh đã cố tình "lờ" đi Căn nhà gỗ lợp lá của ông Truyện. Vì sao?






Có thể thấy từ năm 1974 đến năm 1979, Ông Truyện và vợ con đã ở trong căn nhà gỗ đã có trên phần đất của ông đã mua. Khi vợ chồng ông Dậu về ở đậu đã cất nhà riêng bên cạnh để ở. Ông Truyện lên thị trấn tạm trú và giao cho ông Dậu ở lại cai quản nhà đất chứ ông không hề cho tặng như chính quyền xã, huyện, tỉnh đã "cố ý gán ghép".
Ông Quỳ khi tiếp quản đất, đã cố tình khai man mưu đồ chiếm đoạt đất của ông Truyện. Chính ông Quỳ đã tháo dỡ "căn nhà gỗ" và đây là hành vi "phá hoại tài sản công dân". Đáng tiếc, vào thời điểm đó, Ông Truyện đã không thực hiện tố tụng hình sự vì dù sao Ông Quỳ cũng là cháu ruột của ông.
Đã 2 lần chính quyền tỉnh đề nghị chia đôi phần đất hẳn phải có lý do! Và lý do đó hẳn chính đáng hơn lý do "ông Truyện bỏ đất 14 năm và sau cho ông Dậu - cha ông Quỳ"
Người dân địa phương đặt vấn đề: Vì sao Ông Quỳ chỉ được cấp sổ đỏ hơn 4 công đất khi mà về mặt luật pháp ông Quỳ được Nhà nước giao 1,5 ha đất của ông Truyện.
Nếu cơ quan điều tra tiến hành tố tụng theo hướng mới "tố tụng hình sự" vì dấu hiệu vi phạm hình sự của ông Quỳ quá rõ ràng qua việc tự ý tháo dỡ "căn nhà gỗ" của ông Truyện.
Chỉ cần khởi tố hình sự chúng ta sẽ biết ngay vì sao: 1,1 ha đất còn lại của ông Truyện không được cấp cho Ông Quỳ. Phải chăng phần đất này vốn được thỏa thuận chia chác giữa ông Quỳ và những kẻ có chức quyền giúp đỡ ông Quỳ thực hiện mưu đồ chiếm đoạt nhà đất của ông Truyện?

Mối quan hệ giữa kiến thức và nhân cách ở người trí thức Việt

.


Sự thăng trầm của hai chữ trí thức

Ở Hà Nội mấy chục năm trước có những người vốn dòng dõi quý tộc hẳn hoi, song lại thường xấu hổ với dòng dõi của mình hễ ai vô ý nói xa nói gần rằng thời xưa ông tổ họ hoặc gần hơn, cha anh họ đã từng giữ chức nọ, chức kia, họ thường sầm ngay mặt lại, khó chịu như bị xúc phạm.

Chỉ khoảng chục năm nay, người ta mới bắt đầu làm ngược lại. Tức là công khai chấp nhận giá trị dòng dõi, thậm chí sẵn sàng khoe khoang là họ nhà mình đã từng có người làm đến thượng thư, tổng đốc...

Đối với hai chữ trí thức cũng có tình trạng tương tự.

Hồi trước không ít người , dù hàng ngày lao động trí óc hẳn hoi, song rất ngại khi thấy mình được liệt vào phần tử trí thức.

Người ta cứ muốn lẫn đi giữa mọi người bình thường, và sẽ rất vui lòng nếu được gọi chung bằng mấy chữ: cán bộ.

Sự hãnh diện được là trí thức chỉ vừa đến trong khoảng một hai chục năm qua (ở đây, tôi chỉ nói trong phạm vi tâm thức dân gian, chứ trong các tài liệu chính thức, hai chữ trí thức được xác định ra sao, lại là chuyện khác!).

Trí thức là đảo ngược của lưu manh

Lúc coi thường, lúc xem trọng là vậy, nhưng không phải ngay lập tức người ta đã có cách hiểu đúng với các danh từ được sử dụng.

Từ điển Hoàng Phê ghi: Trí thức là những người "chuyên làm việc lao động trí óc và có tri thức chuyên môn cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của mình”.

Đây cũng là cách giải thích bắt gặp ở nhiều từ điển khác và phù hợp với cách hiểu thông thường của nhiều người.

Ở chỗ này, có thể có một sự liên hệ: trí thức là đảo ngược của lưu manh.Thường nhiều người chỉ hiểu hai chữ lưu manh và vô nghề nghiệp, là ăn cắp, ăn trộm...

Song có lẽ nên nói đầy đủ hơn: lưu manh là cả một lẽ sống tùy tiện, bất chấp chuẩn mực quy tắc đạo lý.

Với tâm lý lưu manh, người ta có thể làm bất cứ việc gì miễn là có lợi cho bản thân. Quay trở lại với khái niệm trí thức thì phải nói trí thức nói ở đây không phải là trình độ kiến thức cao (ví dụ: từ đại học trở lên) mà là phẩm cách con người.

Từ nghĩa gốc trong trí thức đã bao gồm nhân cách

Một trí thức chân chính luôn luôn bị ràng buộc bởi những điều mà họ tin tưởng.

Với họ, cái chân, cái thiện và cả cái mỹ nữa - quan trọng hơn cái lợi.

Lẽ tự nhiên dù vẫn là những con người cụ thể có cá tính riêng, song người trí thức không bao giờ là kẻ tham bạo, lừa gạt, lười biếng , hiếu danh, tàn nhẫn... Sự khiêm nhường của họ bắt nguồn từ những hiểu biết sâu xa về mối quan hệ cá nhân và xã hội, họ nhìn những người ít học một cách độ lượng và bằng lòng với phần đóng góp thiết thực của mình trong việc thúc đẩy xã hội tiến tới. Hồi cuối thế kỷ XIX, nhà văn Nga Tsékhov đã nói: trí thức, đó chính là lương tâm của nhân dân.

Quá trình chuyển hóa từ kiến thức đến nhân cách đó đã diễn ra thế nào?

Đằng sau một kiến thức cụ thể, thường khi ẩn chứa một nội dung nhân văn nhất định.

Một phát minh trong kỹ thuật, một định lý mới tìm ra trong toán lý, hay một quy luật ngày càng được kiểm tra là chính xác trong khoa học xã hội... mang sẵn trong lòng nó một quan niệm về tính hợp lý của đời sống hoặc là tiền đề tốt để cho người ta có thêm ý niệm đầy đủ về cái đẹp, cái thiện.

Ở những người lao động trí óc có đời sống tinh thần lành mạnh, quá trình đi sâu vào lĩnh vực chuyên môn mà họ theo đuổi đồng thời cũng là quá trình để bức tranh thế giới trong họ thêm hoàn chỉnh và mỗi ngày một ít, cách sống, cách nghĩ, cách ứng xử với đồng loại ở họ cũng theo đó mà hình thành nên những nền nếp tốt đẹp.

Tưởng như kiến thức, bên cạnh vai trò cụ thể trong công việc đã được thăng hoa để tinh lọc lại làm nên nhân cách, và đây mới là chỗ phân biệt giữa "người đọc nhiều biết nhiều” với các trí thức thực thụ.


Nay là thời mà ngoại lệ trở nên phổ biến


Đặc điểm của tình hình trí thức VN hôm nay là đang tồn tại nhiều ngoại lệ. Trong thời buổi xã hội có nhiều biến động, đang tồn tại loại người tuy có tiếng là trình độ kiến thức bậc cao, song vẫn không phải là trí thức, tệ hơn nữa một số trong họ sống như lưu manh, hay nói đúng hơn vẫn để cho tinh thần lưu manh chi phối cách sống (nịnh trên lừa dưới, bon chen, cầu lợi, ham hưởng thụ, độc ác tàn tệ với đồng nghiệp...).

Tại sao xảy ra tình trạng như vậy? Ở đây có thể có hai giả thiết:

Trường hợp thứ nhất, khá đơn giản: có người nghe rất oai nhưng sự thực kiến thức là kiến thức giả, chắp vá nhặt nhạnh, đương sự đã đạt tới bằng cấp qua con đường tà đạo, một số trong họ chẳng qua chỉ là những kẻ lợi khẩu, dễ lòe người chứ thực ra bên trong trống rỗng.

Lại có trường hợp thứ hai, hơi khó lý giải hơn một chút. Ở một số người, kiến thức là thứ thiệt hẳn hoi, họ giỏi giang, họ sâu sắc song nhìn vào cách sống, vẫn không phải trí thức. Tại sao?

Trên nguyên tắc, có học hành là có xảy ra sự thẩm thấu của kiến thức vào con người để biến thành nhân cách. Nhưng trong thực tế đấy không phải là quá trình xảy ra đồng đều nhất loạt ai cũng như ai. Chẳng hạn, có những người vì nhiều nguyên nhân khác nhau (do di truyền, do giáo dục, hoặc do những bất hạnh gặp phải lúc nhỏ) mà thói gian manh vụ lợi, sự lừa bịp, lối sống hiện đại chung quanh… đã ăn vào máu, dù có đọc nhiều hiểu biết rộng đến đâu, vẫn cứ đường cũ mà đi, niềm tin cũ mà sống.

Cái phần tinh hoa của kiến thức khi gặp một tâm hồn trơ lỳ thoái hóa... thì dừng lại, không đủ sức lay chuyển hạt nhân tính cách đã ổn định bên trong. Loại người này đặc biệt lợi hại.
Họ năng động, họ hấp dẫn, họ có khả năng lôi kéo thuyết phục chung quanh. Nói chung là họ làm được nhiều việc.

Chỉ hiềm một nỗi, họ chỉ lo đắp điếm cho gia đình, hoặc tạo ra cái tiếng tăm cái uy thế ghê gớm cho bản thân cũng như phục vụ cho những mục đích tầm thường. Còn như bảo rằng họ có ích cho nhân quần xã hội thì vẫn không phải.
Vấn đề đặc thù số một của giới trí thức Việt Nam

Các vấn đề đặt ra chung quanh khái niệm người trí thúc vốn khá da dạng.

Ở một số nước, người ta nhấn mạnh lương tâm trách nhiệm con người trí thức trước xã hội.

Ở một số nước khác, người ta thích bàn đến mối quan hệ giữa tự do và phục vụ, dấn thân và "xây tháp ngà" để làm khoa học.

Riêng ở Việt Nam, theo ý chúng tôi, trong nhiều trường hợp, câu chuyện nhân cách vẫn nổi lên rõ rệt hơn cả.

Một khi người ta còn chưa trở thành chính cái mẫu người ta muốn theo, thì bàn thêm những việc khác làm gì cho mệt?!

http://vuongtrinhan.blogspot.com/2015/10/moi-quan-he-giua-kien-thuc-va-nhan-cach.html

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

NHỮNG THẾ LỰC PHẢN TỰ DO TRONG PHONG TRÀO DÂN CHỦ VIỆT NAM



Dù các nhà dân chủ Việt Nam đã bỏ nhiều công sức để tung hô sứ mệnh vĩ đại của mình, người ta vẫn phải thừa nhận một thực tế rằng ở nước ta, phong trào dân chủ bị kì thị bởi đa phần dân chúng. Các nhà dân chủ càng cố thể hiện mình là vị cứu tinh, thì người dân càng xem họ như bọn phá hoại. Các nhà dân chủ càng khen nhau là anh hùng dân tộc, lương tâm thời đại, chiến sĩ vì tự do hay người phát ngôn của hòa bình và công lý, thì người dân càng nhận diện họ như những gương mặt chí phèo, chợ búa và bất lương. Mỗi lần các nhà dân chủ cố gia tăng tính tổ chức, họ lại dắt nhau vào vài vụ đấu đá nội bộ chí chết, vì quyền lẫn vì tiền.

Cứ như vậy, thay vì tạo ra thay đổi ở Việt Nam, phong trào dân chủ Việt Nam trở thành một trong những cộng đồng trì trệ nhất và vô vọng nhất. Thay vì trở thành những anh hùng như thường cố tỏ ra, họ đang trở thành một bộ phận đáng thương của dân tộc.

Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là ách thống trị của những thế lực phản tự do trong phong trào dân chủ Việt Nam.

THẾ LỰC 1: VIỆT TÂN

Cũng như mọi đảng chống Cộng xuất phát từ tàn tích của chế độ Việt Nam Cộng hòa, Việt Tân tự xưng là một tổ chức đấu tranh cho dân chủ tự do. Tuy nhiên, theo nhiều người từng gia nhập hoặc liên hệ với Việt Tân, đây lại là một trong những thế lực phản tự do nhất.

Tính phản tự do của Việt Tân thể hiện rõ nhất trong bốn việc.

Thứ nhất, là tự biến đảng này thành một đảng gia đình trị, với quyền lực, quan hệ, thông tin và tài chính tập trung hết vào tay gia tộc của người sáng lập, là ông Hoàng Cơ Minh.

Thứ hai, là chống lại tự do ngôn luận, khi liên tục kiếm soát môi trường thông tin của cộng đồng hải ngoại bằng tiền, quan hệ, đấu tố và bạo lực ngầm. Thời trước, trong cộng đồng hải ngoại, bất cứ ai nói ra sự thật về Việt Tân đều bị chụp mũ là cộng sản nằm vùng, rồi nhẹ thì bị đem ra đấu tố trước đám đông, nặng thì bị xã hội đen đánh đập hoặc ám sát. Gần đây, vụ nhà báo Lê Diễn Đức bị RFA đuổi việc chỉ vì viết status chê Mặt trận Hoàng Cơ Minh, tiền thân của Việt Tân, cho thấy "hệ thống kiểm duyệt" của đảng này vẫn còn rất mạnh, và não trạng chính trị cùng cung cách hành xử của nó vẫn chưa tiến gần đến văn minh.

Thứ ba, là không ngừng thâu tóm các hội nhóm độc lập trong xã hội dân sự Việt Nam, để tạo ra tình trạng độc quyền tổ chức trong phong trào. Có những tổ chức dần lệ thuộc về mặt tài chính, thông tin và quan hệ vào những "nhà tài trợ" là đảng viên ngầm của Việt Tân, khi nhận ra thì đã mất hoàn toàn quyền kiểm soát. Có những cá nhân bị Việt Tân bẫy cho đi tù, hoặc bị chính quyền tước bỏ hết kế sinh nhai, tới mức ngoài việc gia nhập và chịu bị kiểm soát để ăn lương Việt Tân ra, họ không còn đường tồn tại.
Thứ tư, là đánh mất hẳn ý nghĩa tốt đẹp của cuộc đấu tranh vì một nước Việt Nam tự do, khi họ tước cuộc đấu tranh này từ đồng bào mình, để bán nó cho nước Mỹ. Chính trị của Việt Tân là thứ chính trị bám đít Mỹ lồ lộ. Họp hành thì treo cờ Mỹ, thộp được đám blogger trong nước cũng phải lôi đi điều trần trước một nghị Mỹ ngồi ngang hàng với ghế Chủ tịch đảng Việt Tân. Việt Tân không phải một đảng của nước Việt Nam tự do dân chủ, nó là một đảng tranh đấu cho quyền kiểm soát của trật tự Mỹ trên đất Việt Nam. Cho nên nó phản tự do, phản dân chủ, và phản quốc.

Nhìn chung, những thủ đoạn phản tự do của Việt Tân rất giống thủ đoạn mà đảng Cộng sản đang áp dụng. Không rõ Việt Tân học Cộng sản, hay Cộng sản học Việt Tân. Bị kẹp ở giữa hai đảng nhiều quyền, nhiều tiền và ngời ngời chính nghĩa ấy, chỉ có các nhà hoạt động Việt Nam là chịu thiệt thòi.

ĐỌC THÊM VỀ VIỆT TÂN:
http://bacaytruc.com/index.php…



2. Giáo hội Công giáo La Mã

Giữa giáo hội Công giáo La Mã và chính thể Việt Nam hiện tại, giáo hội mới đáng được coi là một chế độ độc tài toàn trị thành công.

Một tỉ người dưới quyền giáo hội buộc phải tôn thờ một hệ tư tưởng và niềm tin, và coi nó là chân lí duy nhất đúng. Trong khi đó, ở Việt Nam, chẳng còn mấy người tôn thờ chủ nghĩa Cộng sản.

Giáo hội tự coi mình là một quốc gia khổng lồ, sở hữu đất đai và dân chúng trên khắp thế giới. Hình như tham vọng bành trướng của Quốc tế Cộng sản cũng chỉ bắt nguồn từ tham vọng truyền đạo bằng vũ lực, để thiết lập Nước Chúa trên toàn thế giới của giáo hội Công giáo La Mã mà ra.

Người đứng đầu giáo hội là một ông vua - Giáo hoàng. Trong thời đại ngày nay, đến cả chủ tịch nước Triều Tiên cũng không dám chuyên quyền công khai như thế.

Giáo dân phải gọi giáo chức là Thầy và Cha, cũng như dân Việt xưa kia phải gọi giới chức phong kiến là quan phụ mẫu. Đủ thấy trong cộng đồng Công giáo, giữa người với người không có quan hệ bình đẳng, tự do.

Các nhà dân chủ Việt Nam liên tục chửi cộng sản về tội ác diệt chủng và lừa dối đã rất lâu rồi. Tuy nhiên, ta chưa từng thấy họ nhắc đến những tội ác của giáo hội Công giáo. Cần nhớ rằng nhân danh giáo hội, các đạo quân chinh phạt người Tây Ban Nha đã diệt chủng những 90% dân bản địa Nam Mỹ. Chính giáo hội đã bức hại hầu hết những người có kiến thức khoa học và quan điểm nhân văn mới mẻ trong suốt hàng trăm năm, bằng những phương thức hành hình dã man như treo cổ, quan tài đinh, thiêu sống hoặc bánh xe nước. Nhờ giáo hội, đà phát triển của nhân loại đã thụt lùi nhiều thế kỷ, và vô số sự thật đã bị chôn vùi nhiều thế kỷ. Có chiến tích nào của cộng sản sánh bằng giáo hội không?

Cũng chớ nên quên rằng những phong trào dân chủ đầu tiên không phải là phong trào chống cộng, mà nhắm đến việc lật đổ giáo hội và giới tăng lữ.

Nhưng những điều này, người trong phong trào dân chủ Việt Nam chẳng mấy khi dám phát biểu. Vì sao lại như vậy? Và nếu thế, thì đây có còn là phong trào vì tự do không?

Chỉ cần nhìn tỉ lệ người Công giáo trong phong trào dân chủ Việt Nam, nhất là ở những vị trí trọng yếu và những gương mặt nổi tiếng, ta sẽ có ngay câu trả lời.

Công giáo chỉ chiếm 1% dân số Việt Nam, nhưng phải chiếm tới quá nửa số người thực sự tham gia các hoạt động đối lập trong nước. Công giáo và phong trào dân chủ Việt Nam dính với nhau như hình với bóng, tới nỗi mỗi lần nhắc đến biểu tình, chống Cộng hoặc dân oan, những người bình thường trong xã hội lại liên tưởng đến đám đông giáo dân, các lớp cảm tình đảng trong nhà thờ, hoặc các trang Công giáo tuyên truyền chính trị.

Nhưng người Công giáo giành được vị trí đó không phải bởi họ yêu tự do hơn bộ phận còn lại của dân tộc Việt Nam.

Vấn đề nằm ở chỗ từ lúc mở cửa, quan hệ giữa chính quyền và phương Tây vẫn đang ấm dần. Đánh chó phải ngó mặt chủ. Vatican, một quyền lực lớn ở phương Tây, coi các khuôn viên nhà thờ là đất của họ, và giáo dân là dân của họ, nên phía chính quyền cũng ngại xâm phạm. Vì thế, mỗi dịp bị chính quyền rượt, các nhà dân chủ cứ chui vào nhà thờ trốn là được yên thân. Nhiều nhà hoạt động đã cải đạo Công giáo để được giáo hội bảo kê, và để tranh thủ sự ủng hộ của một thành phần dân chúng đông đảo đã có sẵn hận thù dai dẳng với chính quyền. Những nhà hoạt động gốc Công giáo cũng nhanh chóng vượt mặt các thành phần không Công giáo, để giành vị trí cao trong giang hồ dân chủ. Đây là một xu hướng dễ hiểu, vì trong phong trào dân chủ Việt Nam, trừ người của Việt Tân và của các phe cánh trong chính quyền ra, chỉ người của giáo hội mới được chống lưng về tiền bạc, an ninh, truyền thông và quan hệ. Vì đa số các nhà hoạt động đều có nhu cầu nương tựa vào lãnh thổ, tài chính và đám đông của giáo hội, phong trào dân chủ Việt Nam dần lệ thuộc vào giáo hội Công giáo, và bị nó chi phối mọi bề. Những nhà hoạt động không lệ thuộc dần ít đi: họ không chết trong tay chính quyền thì cũng chết trong tay các nhà hoạt động Công giáo.

Nhưng vì sao Công giáo Việt Nam lại nhiệt tình chống Cộng? Trong thực tế, động lực đấu tranh của người Công giáo hoàn toàn không xuất phát từ khát vọng tự do. Ở nhiều giáo xứ trong khu vực Nghệ Tĩnh, chính quyền độc tài một thì cha xứ độc tài gấp mười. Người Công giáo Việt Nam chủ yếu đấu tranh vì thù hận.

Đọc lại lịch sử cấm đạo từ thời Trịnh - Nguyễn đến nay, và những cuộc đụng độ đẫm máu giữa dân Công giáo và chính quyền trong nửa sau thế kỷ 20, ta có thể phần nào thông cảm cho sự thù hận dai dẳng ấy.

Nhưng thông cảm không có nghĩa là đồng cảm. Người Công giáo nên thôi phán xét người khác để tự nhìn lại bản thân. Họ chửi chính quyền bạo lực, nhưng chính họ hả hê khi bắt nhốt công an vào giáo xứ để đánh đập và quay phim. Họ lên án những vụ cướp đất của chính quyền, nhưng họ chưa từng bày tỏ thái độ ăn năn về vụ phá hoại tháp Báo Thiên để cướp đất xây nhà thờ lớn. Họ nói chính quyền theo đuổi một chủ nghĩa lỗi thời, độc quyền chân lý và bưng bít thông tin, trong khi chính họ coi vài mẩu truyện cổ tích mấy nghìn năm tuổi như chân lý duy nhất đúng, và dạy con rằng thuyết tiến hóa là một điều cầm kỵ. Thật đáng lo ngại khi một lực lượng phản tự do như thế dần thống lĩnh phong trào dân chủ Việt Nam.

Tư duy độc tài chuyên chính của những nhà hoạt động Công giáo đang nuốt chửng và phá nát phong trào. Chính họ tạo ra lối suy nghĩ rằng nhân quyền là một chân lý tối thượng, một luật Chúa mà con người phải sùng bái và bảo vệ bằng thánh chiến, thay vì một bộ công cụ thực tiễn để điều phối quan hệ lợi ích giữa người với người. Cũng chính họ tạo ra lối phát ngôn đánh đồng Cộng sản với vô thần, vô thần với ma quỷ, và ma quỷ thì không có nhân quyền, phải tiêu diệt tận gốc.

Gần đây, quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Hà Nội lại ấm dần. Lần này, vì cà rốt hiệu nghiệm hơn, người ta vứt bớt gậy. Giáo hội vừa bán phứt sự hậu thuẫn mà lâu nay họ dành cho dòng Chúa Cứu thế ở Sài Gòn, để đổi lấy những hợp tác với chính quyền Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục. Với phong trào dân chủ, đây cũng là một dịp may.



3. Các cựu quân nhân, viên chức của cả hai chế độ

Các cựu quân nhân, viên chức của cả miền Bắc lẫn miền Nam đều đang tạo thành những thế lực phản tự do trong phong trào dân chủ.

Đối với nhiều dân tộc khác, cộng đồng hải ngoại là một cửa ngõ tự do và một nguồn lực thúc dẩy dân chủ hóa mạnh mẽ. Cộng đồng người Việt ở hải ngoại thì ngược lại, nó là một chướng ngại vật cản trở tự do. Trước hết, cần nhớ nó có một xuất phát điểm khá tồi tàn. Hầu hết thành viên của cộng đồng này là những người miền Nam trốn chạy khi chế độ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ cuối cuộc nội chiến. Họ mang theo mình cả tinh thần của những kẻ trốn chạy trong tuyệt vọng và hận thù, lẫn tinh thần của một chế độ thua trận vì khôn vặt và tham nhũng. Vấn đề nằm ở chỗ có một bộ phận người Việt hải ngoại không ngừng gìn giữ những tinh thần đó để trục lợi suốt hàng chục năm từ đó tới nay. Đó là những cựu quân nhân và công chức của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Chừng nào cộng đồng hải ngoại còn bị hận thù ám ảnh, và còn thờ cúng cái tử thi của chế độ cũ ở miền Nam, thì chừng đó đám người này còn có thể kiếm lợi, kiếm danh qua những "ủy ban tranh đấu" chỉ có công dụng thao túng cộng đồng, hoặc những "chính phủ lưu vong" lập nên để bịp tiền và tự sướng.

Những cựu binh đầy hận thù không phải là loại người tỉnh táo và có hiểu biết để phấn đấu cho dân chủ. Một cộng đồng tẩy chay, đấu tố và đánh đập những người bị nghi là "hòa giải với Cộng sản", hoặc "tuyên truyền văn hóa Cộng sản" thì không có tự do. Một cuộc biểu tình chỉ cho phép treo cờ vàng, và nghiêm cấm treo cờ đỏ thì có còn là một cuộc biểu tình vì tự do không? Nếu yêu tự do, cộng đồng người Việt hải ngoại nên đấu tranh lật đổ đám độc tài nội bộ đang đè đầu cưỡi cổ mình, thay vì đấu tranh chống một chủ nghĩa mà ngày nay thực ra chẳng ai dùng nữa.

Các cựu quân nhân, viên chức của chế độ hiện hành cũng đang tạo thành một nhóm quyền lực không đơn giản trong phong trào dân chủ. Họ bao gồm những vị được ngợi ca là "cộng sản gộc", "cựu chiến binh", hoặc "đảng viên bỏ đảng", mà thỉnh thoảng vẫn làm ỏm tỏi trên báo chí trong những vụ ký kiến nghị hoặc viết thư tay. Tôi không hiểu vì sao dư luận của phong trào dân chủ lại cho rằng những vị "cộng sản gộc" này đáng tin hơn những người Việt Nam bình thường khi mở miệng phê phán đảng Cộng sản Việt Nam. Theo tôi, loại người ngậm miệng ăn tiền trong thời bình và khi tại vị, nhưng lại trở mặt ném đá tập thể cũ lúc loạn lạc và khi đã hạ cánh an toàn, ngoài hèn ra, còn hơi bội nghĩa.

Thế lực này phản tự do ở hai điểm. Thứ nhất, dù đã đốt thẻ đảng đi chăng nữa, họ cũng không rũ được cái văn hóa độc đoán và bè cánh vẫn ngự trị trong đảng Cộng sản Việt Nam. Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời, họ bê nguyên xi cung cách độc đoán và thói quen chia bè kết đảng, đấu đá nội bộ ấy vào phong trào dân chủ, rồi lan tỏa nó rộng khắp để giữ quyền lực của mình trong phong trào. Cái trật tự bô lão làm ngu hóa và già hóa phong trào dân chủ Việt Nam, cùng những vụ đấu đá lùm xùm trong nhóm 72 nhân sĩ, Việt Nam Thời báo, No-U,... đều do thói tham quyền cố vị của nhóm thế lực này mà có.

Thứ hai, trong thực tế, tuyệt đại đa số những bô lão này đều không hoạt động chính trị vô tư và độc lập. Họ hầu hết chỉ là vòi bạch tuộc và cái loa phóng thanh mà một nhóm lợi ích trong chính quyền cài vào phong trào dân chủ. Những nhóm lợi ích này ngoài mặt tỏ ra bảo thủ và đoàn kết, nhưng ai nấy vẫn luôn ngầm thiết lập quyền lực riêng của mình trong mọi địa hạt của xã hội, hòng chuẩn bị nhiều phương án khi các biến cố chính trị ngộ nhỡ xảy ra. Nhìn thái độ của Huy Đức với Võ Văn Kiệt, hoặc quan hệ dan díu của nhóm 72 nhân sĩ với quỹ Phan Chu Trinh của Nguyễn Thị Bình và tiết mục quảng cáo lặp đi lặp lại mà nhóm này dành cho nhân vật Phan Chu Trinh, ai cũng hiểu rằng họ phục vụ cho phe cánh nào, và được chống lưng bởi thế lực nào.

Bước vào phong trào dân chủ, ai cũng phải xoen xoét ca ngợi Xã hội Dân sự và hô hào Độc lập - Tự do. Nhưng ở lâu, mới biết Xã hội Dân sự chỉ là con tốt thí của bọn cầm quyền, và chẳng cái loa phóng thanh nào dám giữ mình Độc lập - Tự do khỏi những quyền lực chống lưng ở trong và ngoài nước.

(còn nữa)

[Nhà Dân Chủ]

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

Nhân quyền sang trang mới: Việt Nam chính thức công nhận Xã hội dân sự



‘Quốc hội sẽ bàn nhiều luật liên quan đến xã hội dân sự’ - đây là thông tin được Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tại cuộc họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, sáng 19/10/2015. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm đảng Cộng sản Việt Nam, Xã hội dân sự được gọi đúng bằng tên của nó, được luật hóa một số hoạt động và do đó có thể hiểu đang trong quá trình được chính thức công nhận.



Cách đây đúng 3 năm, vào cuối năm 2012, cơ quan ngôn luận của đảng CSVN là báo Nhân Dân vẫn còn xem ‘Xã hội dân sự - một thủ đoạn của Diễn biến hòa bình’. Nhiều thành viên của Xã hội dân sự đã bị bắt bởi các điều luật mơ hồ 79, 88 và 258.


Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, việc ban hành các đạo luật về xã hội dân sự là để triển khai thực hiện các nội dung quan trọng của Hiến pháp

Ban hành các đạo luật về xã hội dân sự, theo ông Phúc là để triển khai thực hiện các nội dung quan trọng của Hiến pháp.

Các dự án luật liên quan đến xã hội dân sự mà Quốc hội sẽ bàn tại kỳ họp này được ông Phúc nhắc đến như Luật Về hội, Luật tôn giáo tín ngưỡng…

(Việt Nam Thời Báo)