Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2022

 Tháng sáu bỏ đi rồi

tháng bảy về ngồi đợi
hạt mưa sầu bối rối
một mùa ngâu cơ cầu

Nào phải đâu tình đầu
để yêu thương lầm lỗi 

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2022

CHỈ DẪN CHO BẠN TỚI ĐỊA NGỤC

 

Susan Nguyễn
Theo thống kê của tôi, trong 31 cõi giới của Vũ trụ quan Phật giáo cũ, 25 cõi là cõi thần linh, thường được cho là đủ điều kiện để được gọi là “thiên đường”. Trong những cõi giới còn lại, thường thì, chỉ có một cái được nhắc đến là “địa ngục”, hay còn gọi là Niraya trong tiếng Pali (tiếng Ấn Độ cổ) hoặc Naraka trong Phạn ngữ. Naraka là một trong sáu cõi giới của Dục giới.
Hiểu một cách ngắn gọn, sáu cõi giới là sự mô tả những dạng thức tồn tại có điều kiện khác nhau mà các giống loài được tái sinh trong đó. Bản chất sự tồn tại của một cá thể được quyết đinh bởi karma (nghiệp). Một vài cõi giới thì thoải mái hơn những nơi còn lại — thiên đường nghe có vẻ thích hơn là địa ngục — nhưng tất cả đều là dukkha (khổ – một khái niệm quan trọng của Phật giáo), tức là tất cả các cõi giới đều chỉ là cõi tạm và bất toàn.
Mặc dù, một vài thầy giảng Pháp có thể cho bạn biết những cảnh giới này là những nơi có thật, tồn tại ở thể lý, nhiều người khác giải thích những cảnh giới này theo nhiều cách khác bên cạnh cách hiểu theo nghĩa đen. Nó có thể đại diện cho sự chuyển giao trạng thái tâm lý của một người hoặc các loaị hình tính cách. Nó có thể được hiểu như những biểu tượng của một kiểu hình thức phóng chiếu thực tại. Bất kể chúng là gì — thiên đường hay địa ngục hay gì khác nữa — không có nơi chốn nào là vĩnh hằng.
Nguồn gốc của Địa ngục
Một kiểu địa ngục hay thế giới ngầm được gọi là Narak hay Naraka cũng được tìm thấy trong Hindu Giáo, Đạo Sikh, và Đạo Jain. Yama, vị thần cai quản địa ngục của Phật Giáo, cũng xuất hiện lần đầu tiên trong kinh Vệ Đà.
Tuy nhiên, trong những văn tự đầu tiên chỉ mô tả Naraka như một nơi tối tăm và u sầu. Khái niệm về nhiều địa ngục vẫn tồn tại trong suốt thiên niên kỷ thứ 1 TCN, Những địa ngục này có những hình thức tra tấn khác nhau, và việc tái sinh vào cõi ngục nào phụ thuộc vào tội lỗi mà người đó đã phạm phải. Trong thời gian đó, nghiệp chướng của tội lỗi được tiêu tán, và người đó có thể rời đi.
Phật giáo của buổi sơ khai cũng có những lời dạy tương tự về các tầng ngục. Điểm khác biệt lớn nhất là kinh văn Phật giáo sơ khai nhấn mạnh vào việc không có ông thần hay trí thông minh siêu việt nào đưa ra phán xét hoặc chỉ định về nơi linh hồn sẽ tới. Karma, được hiểu là một quy luật thuận tự nhiên, sẽ dẫn đến sự tái sinh phù hợp.
“Địa hình”của cõi ngục
Vài văn bản trong Pali Sutta-pitaka có mô tả Naraka của đạo Phật. Ví dụ, Devaduta Sutta (Majjhima Nikaya 130) có đi vào các chi tiết đáng lưu ý. Nó mô tả một chuỗi tra tấn mà trong đó người ta sẽ trải nghiệm kết quả của chính những nghiệp mình gây ra. Đó là thứ khủng khiếp, kẻ sai trái sẽ bị đâm bởi thanh sắt nóng, xẻ bằng rừu và thiêu trong lửa. Anh ta sẽ phải đi qua một rừng gai và sau đó là một rừng kiếm lá. Miệng của anh ta sẽ bị mở ra để đổ kim loại nóng chảy vào. Nhưng anh ta không thể chết chừng nào những karma (nghiệp chướng) anh ta gây ra chưa hết kiệt.
Về sau, mô tả về các cõi ngục được phát triển thêm nhiều chi tiết hơn. Kinh Mahayana (Phật giáo Đại Thừa) đặt tên cho những tầng địa ngục và hàng trăm tầng ngục phụ. Mặc dù vậy, phần lớn trong Kinh Mahayana, người ta nghe về 8 địa ngục lửa hoặc địa ngục nóng và 8 địa ngục lạnh hoặc địa ngục băng.
Địa ngục băng thì ở trên những tầng ngục nóng. Những tầng ngục băng được mô tả những vùng đồng bằng hay núi non bị đóng băng hoang vắng và mọi người phải ở trần ở đó. Những tầng ngục băng là:
Arbuda (địa ngục đóng băng trong khi da phồng rộp)
Nirarbuda (địa ngục đóng băng trong khi những vết phồng rộp há miệng)
Atata (địa ngục run rẩy)
Hahava (địa ngục run rẩy và rên rỉ)
Huhuva (địa ngục của tiếng răng va lập cập cộng tiếng rên rỉ)
Utpala (ở địa ngục này da bị chuyển thành màu xanh giống như bông sen xanh)
Padma (địa ngục hoa sen nơi da bị nứt nẻ)
Mahapadma (địa ngục hoa sen lớn nơi cơ thể đông cứng đến mức phân rã ra)
Những địa ngục nóng bao gồm những nơi nấu người trong vạc hoặc lò nướng và những ngôi nhà bằng kim loại trắng nóng bắt nhốt người đó lại kèm theo những con quỷ dùng cọc kim loại nóng để đâm vào. Người sẽ bị cắt thành từng mảnh bằng cưa đang cháy và nghiền nát bằng những búa kim loại nóng khổng lồ. Và ngay khi ai đó bị nấu chín kỹ, thiêu cháy, cắt rời hoặc nghiền nát, người đó sẽ lại sống lại và trải qua tất cả những điều đó một lần nữa. Tên gọi thông dụng cho 8 tầng địa ngục nóng ấy là:
Samjiva (cõi ngục của những cuộc tấn công lặp đi lặp lại)
Kalasultra (cõi ngục của những đường kẻ hoặc dây màu đen, là đường chỉ dẫn cho những cái cưa)
Samghata (cõi ngục sẽ bị nghiền nát bởi những vật nóng và khổng lồ)
Raurava (cõi ngục của sự la hét khi chạy vòng quanh nền đất đang cháy)
Maharauvara (cõi ngục la hét khủng khiếp bởi bị thú vật ăn thịt)
Tapana (cõi ngục nóng như thiêu đốt trong khi bị giáo đâm xuyên qua)
Pratapana (cõi ngục nóng như thiêu đốt trong khi bị đinh ba đâm xuyên qua)
Avici (cõi ngục bị nướng trong lò liên tục)
Khi Phật giáo Đại thừa được truyền bá khắp châu Á, địa ngục “truyền thống” đã bị trộn lẫn với các địa ngục của văn hóa dân gian địa phương. Ví dụ, Địa phủ của Trung Quốc là sự kết thành do pha trộn từ nhiều nguồn và được cai quản bởi 10 vị vua Yama.
Xin lưu ý rằng, để nói một cách chính xác Cõi Hung Nô (ma đói) là tách biệt với cõi địa ngục, nhưng bạn sẽ chẳng muốn ở bất kỳ nơi nào trong cả hai nơi hết.
Barbara O’Brien

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2022

BA MƯƠI THÁNG TƯ, SỬ MỆNH, VÀ CON NGƯỜI BẮC NAM

 

Nguyễn Hữu Liêm
Cách đây đúng 47 năm, (2022-1975), tuần nầy, Quân đội Nhân Dân miền Bắc mở đầu các mũi tiến công vào Sài Gòn, chấm dứt cuộc chiến Bắc Nam đã kéo dài hơn 10 năm. Đất nước thống nhất. Nhân dân hai miền thở dài mừng lo khi máu xương nay đã hết đổ.
Định mệnh Lịch sử
Chúng ta hãy nhìn lại cuộc chiến Quốc Cộng 10 năm đó để suy gẫm ít nhiều về bản sắc nhân văn và con người của hai phía. Hình như ai cũng thấy rằng, miền Nam, phía Quốc gia, trước sau cũng phải thua. Khi so sánh về bản sắc và tính chất nhân văn của hai miền Nam Bắc, giữa Quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Quân đội Nhân Dân (QĐND), thì mặc dầu hai phía trong chiến tranh đều là quân nhân người Việt Nam, nhưng bên QĐND được trang bị nhiều ưu thế, từ tinh thần chiến đấu đến vũ khí, chiến thuật, lãnh đạo, chính trị và thời thế. Số phận VNCH hình như đã được an bày - không phải như là một mục tiêu chính sách - nhưng là của một định mệnh lịch sử.
Bỏ qua những yếu tố chính trị, lãnh đạo, hay quân sự thì phía miền Bắc có cả một chiều dài lịch sử sau lưng họ. Đó là ý chí độc lập, thống nhất đất nước. Miền Bắc phải hoàn tất thiết yếu tính cho một bản sắc sử mệnh mà thời đại đã giao cho họ.
Còn phía miền Nam thì bị lịch sử bỏ rơi. Nó tiếp nối một gia sản chính trị và tâm lý từ vai trò lệ thuộc ngoại bang. Họ thụ động chiến đấu - mà không hề mang một ý chí hay ý thức về sứ mệnh chiến tranh cho mình. Người dân miền Nam, và cả quân đội VNCH, đã giao hoán lòng yêu nước cho đối phương và vì thế đánh mất luôn linh hồn ái quốc. Chiến tranh đối với phe Quốc gia chỉ là một chuyện cực chẳng đã, một phản ứng tự vệ - họ thụ động tin vào vai trò và tính toán của người Mỹ cho chiến cuộc. Nhưng, chính vì điểm hời hợt và thụ động đó, miền Nam đã vô tình mang một bản sắc chính nghĩa vượt làn ranh Quốc Cộng. Vì sao?
Trái với miền Bắc dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN vốn tập trung hoàn toàn năng lực tập thể cho mục tiêu chiến tranh, VNCH, trái lại, từ chính quyền cho đến quần chúng, là hiện thân của một ý chí tự do và nhân bản trên cơ sở cá nhân. Dù trong thời chiến, nhưng văn chương, âm nhạc, thi ca của miền Nam vẫn chỉ nói về tình yêu, về con người và số phận – chứ gần như không hề đề cập đến mối hiểm nguy độc tài áp bức mà họ đang phải đối đầu. Dù bộ máy tâm lý chiến VNCH có cố gắng nhắc nhở về hiểm họa cộng sản, dân miền Nam vẫn không thèm nghe – vì họ coi chuyện đó là một thể loại tuyên truyền hạ đẳng. Dân miền Nam, qua tâm chất ôn hòa và thông thoáng, biểu lộ tinh thần tự do qua tâm lý chán ngấy và nghi ngờ chiến tranh. Và đó là điểm yếu sinh tử cho họ khi phải đối đầu với một đối phương như là Đảng CSVN. Trong khi dân miền Nam chỉ có mục tiêu là hòa bình, thì miền Bắc là chiến thắng.
Văn hóa Nam Bắc: Tâm hồn Hy Lạp đối với khí chất Do Thái
Hiệp định Geneve 1954, chia cắt Việt Nam thành hai phía Nam Bắc rõ rệt trên bình diện chính trị. Nhưng chính trị ở đây là sự thể hiện và kết thành từ một định mệnh văn hóa. Nó phát xuất từ tâm chất và bản sắc tâm lý của dân hai miền, vốn rất khác biệt nhau.
Chiến tranh Quốc Cộng đó, bỏ đi yếu tố ngoại bang, là một biểu lộ cho một mâu thuẫn văn hóa và con người Nam Bắc - mà sử mệnh Việt Nam phải đến lúc cần phải được tiêu hóa và hóa giải. Ba mươi tháng Tư, 1975 chỉ là một hồi kịch cuối cùng vốn đã được viết sẵn từ trong bản sắc xung đột văn hóa Bắc Nam. Như là một tuồng cải lương đầy bi tráng, nó đã đến hồi kết thúc, xả hơi, mà ngay cả phe thua trận cũng đã phải thở phào nhẹ nhõm.
Ta có thể suy rộng ra rằng, trên sân khấu chiến tranh Bắc Nam thưở đó, phe miền Nam mang bản sắc tâm hồn văn minh Hy Lạp cổ đại, vốn thoải mái với ý chí thẩm mỹ, hài hòa, trật tự, và họ chỉ biết sống với hiện tại kéo dài gần như vô tận. Tức là, chiến tranh đối với họ không cho một mục đích nào cả. Họ chiến đấu để duy trì đời sống yên lành và yên ổn - và mong ước cao nhất vẫn chỉ là chấm dứt chiến tranh. Dân miền Nam hoàn toàn không mang ý chí lịch sử - vì sử hồn của dân tộc đã bị miền Bắc chiếm hữu. Trong khi miền Bắc mang linh hồn tập thể, thì miền Nam chỉ có tâm hồn cá nhân.
Dân Nam bộ muốn vĩnh cửu hóa hiện tại – như một bác xích lô ở Sài Gòn sau khi kiếm được cuốc xe, mua xị đế, đến gốc cây lề đường, ngủ một giấc an lành, không sợ trộm cắp, không màng chi ngày mai. Họ chỉ muốn biến cái hiện tại thuần thưởng ngoạn thành ra một vòng tròn vĩnh cửu bất tận cho đời sống tự nhiên, vô tư của mình. Có nghĩa rằng, họ không mang ý chí hay suy nghĩ về tương lai – dù họ đang mê muội bước dần đến một tương lai kinh hoàng.
Trong khi đó, miền Bắc là hiện thân của một bản sắc từ văn minh Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo khi họ đặt cứu cánh chiến tranh thành chân lý. Chiến thắng là chủ đích lịch sử. Dân Bắc bộ thì muốn xóa hiện tại bằng viễn cảnh tương lai – và chỉ mong cho thời gian phải chấm dứt bằng ý chí chinh phục thế gian.
Miền Bắc thấy ở cuối đường binh biến là một khả thể và cơ hội cứu rỗi khi đất nước thống nhất, khi tổ quốc sẽ sạch bóng quân thù xâm lược, và nhân dân sẽ sống ấm no hạnh phúc trong một trật tự thiên đường mới trên trái đất lãnh đạo bởi đấng cứu thế Hồ Chí Minh và giáo hội Đảng CSVN.
Chuyển hóa suy thức Không gian lên với Thời gian
Trước chiến tranh, khi người miền Nam nhìn qua người khác nơi ngõ làng, họ chỉ thấy đó là những anh chị hàng xóm, thân cận với ta. “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” là thế. Họ chỉ suy nghĩ trên bình diện không gian.
Người Cộng sản miền Bắc thì khác. Họ muốn nâng cái nhìn không gian của dân Nam lên với phạm trù thời gian. Anh hàng xóm không còn là người bên cạnh nhà - mà nay hắn là vô sản, hay là địa chủ, hay là phản động. Tức là, người Cộng sản khái niệm hóa cái nhìn mang tâm chất nông dân lên tầm mức ý niệm theo thời gian.
Vì thế, bản sắc siêu hình sâu xa của cuộc chiến vừa qua là cả một trường biện chứng đối nghịch và tiến hóa giữa hai phạm trù không gian và thời gian.
Miền Nam là không gian; miền Bắc là thời gian. Khi người CS miền Bắc tiên phong đi trước nhân dân miền Nam, nắm được ý chí lịch sử với một cơ đồ khái niệm mới qua nghi lễ rửa tội bằng nước thánh ý thức hệ, họ cương quyết phá vỡ lề lối suy nghĩ thuần không gian (bờ cõi, thân xác) của nhân dân. Vì thế, làn ranh chia cắt Bắc Nam phải được xóa bỏ. Theo đó, dự án lịch sử qua chân lý chiến thắng phải được hoàn tất nhằm thỏa mãn cơn khát khái niệm theo thời gian của những cán bộ Cộng sản Việt Nam tiên phong nay đã say men ý thức hệ.
Một đức tin cứu rỗi mới
Có nghĩa rằng đối với người CSVN thì chủ nghĩa Mác-Lê là một thể loại cứu rỗi luận – eschatology – vốn điều hướng tâm ý nhân gian về một biến cố lịch sử mang tính chất đồng quy cho tất cả ước mong bằng một phát xét cuối cùng.
Điều nghịch ngẫu cao độ ở đây là điều rằng, khi chủ thuyết Cộng Sản phủ nhận toàn triệt gia tài và giá trị Thiên Chúa giáo - và người CS hãnh diện tự coi mình đã tiêu diệt hết thần linh - thì chính họ lại hăng say hiện thực hóa bản sắc cứu rỗi luận của Thiên Chúa giáo vốn nay đã không còn hiệu năng. Vì vậy, thành công và chiến thắng của miền Bắc trong cuộc chiến đó là một chiến thắng tôn giáo tự bản chất.
Nhưng sau 1975, lịch sử hậu chiến đã theo thời gian biến hóa và hoán chuyển vai trò Bắc Nam một cách ngoạn mục. Khi người Bắc chiến thắng vào tiếp quản miền Nam, kẻ mang niềm tin ý thức hệ và chân lý chiến tranh nay được trung hòa và khai mở bởi cái bản sắc vô chân lý, vô sử tính, không giáo điều của dân Nam.
Như một câu chuyện thời chiến kể rằng, trong trận Mậu Thân 1968, có mấy anh bộ đội xung kích mang súng AK và B40, đầu đội nón cối, đi lạc vào một con hẻm ở một thành phố miền Nam, có mấy bà Nam bộ ra chỉ đường cho họ để đến đánh căn cứ quân sự VNCH nơi mà chồng con, anh em của họ đang đồn trú. Cái hiện tại không cứu cánh của người miền Nam là lý do thất bại; nhưng cũng với cái tâm ý thuần vô tư đó, nay nó đã trở thành nước thánh mới đang được rắc lên tâm hồn dân Bắc như một ý nguyện cứu rỗi lại cho những anh chị CS kiên cường và khắc nghiệt vốn đã chiến thắng bằng niềm tin cứu rỗi.
Như là di sản văn minh Hy Lạp đã khai hóa văn minh Thiên Chúa giáo thời Trung cổ ở Tây Âu bằng cái đẹp, cái đúng vĩnh cửu, thì bản sắc tâm hồn an nhiên tự tại của dân Nam đã khai hóa khí chất hung hăng và hãnh tiến của người CS Bắc Việt. Miền Bắc đã chiến thắng miền Nam bằng chính trị và quân sự - nhưng miền Nam lại dung hóa và khai thông miền Bắc với tâm hồn chân thật và nhân hậu. Người Bắc nhận ra được giá trị và cứu cánh cuộc đời ở nơi dân Nam.
Một ngày nào đó sẽ có một chủ nhà, ví dụ, gốc Hải Phòng, nhìn thấy một chàng ăn trộm trên mái nhà của anh đành lên tiếng nghiêm trang nhưng ôn hòa khuyên người lạ mặt kia hãy cẩn thận kẻo té bị thương và bắc thang cho người ấy leo xuống đất an toàn – sau khi đã gọi cho công an đến xử lý. Đức tính nhân từ mang tính chất Nam bộ của vị chủ nhà sẽ cứu vớt kẻ trộm, biểu dương tinh thần ôn hòa và trọng pháp, với một nhân sinh quan đức độ ngay cả đối với kẻ đối nghịch nguy hiểm. Đối với chủ nhà này, cứu rỗi nằm ngay trong hiện tại, nơi những tác hành bình thường mà khi hành động ông đã không biểu lộ lòng hung dữ, thù hận, hay mong cầu điều gì cho mình.
Về lâu về dài, mẫu người và văn hóa miền Bắc sẽ - hãy nên - là một phiên bản của tâm chất người Nam. Khi quốc gia đi về phía Nam, hướng ra Biển Đông, ra thế giới thì cần một niềm tin mới – một đức tin không tôn giáo, không ý thức hệ chính trị, một hoài vọng nhân bản về một khả năng cứu rỗi từ văn hóa cho dân tộc hai miền - khi mà tất cả những di sản đau thương của chiến tranh Bắc Nam thế kỷ trước sẽ chỉ còn là một ký ức nhẹ nhàng đi vào quên lãng.
NHL

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2022

KHÚC QUÊ


Giọt nước mắt trời vừa rơi xuống
đánh thức lũ ve trở dậy gọi hè
gió rung cành khe khẽ
mùa xuân nhè nhẹ rơi
Em đợi gì trên bục giãng
bài ca dao chưa học thuộc làu
máu cha ông chảy vào vô minh
Đất hữu tình nuôi dưỡng yên bình
18 năm đã chín nhục vinh
lột xác đời mình trong tiếng sầu ve
Em có nghe hè dâng mạnh mẽ
nhựa sống tuôn trào ngọt trái chân quê
bài ca dao đưa bóng mẹ về
" ví dầu... cầu ván đóng đinh
cầu tre lắc lẻo gập gềnh khó đi
khó đi, mẹ dắt con đi
con đi trướng học mẹ đi trường đời" (*)

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2022

Chủ nghĩa phát xít vĩnh cửu (Ur-fascism)

 


Lời người dịch: có khi nào bạn đọc Việt Nam thắc mắc, từ “phát xít” bắt nguồn từ đâu? Chắc đa số sẽ nghĩ về Đức, nhưng thực ra phát xít Đức là nazism, không phải fascism– vốn là tên đảng của Mussolini ở Ý. Tại sao chữ fascism lại trở nên phổ biến hơn và được dùng rộng rãi, tại sao, bất chấp những tội ác khủng khiếp mà nó gây ra, đến tận ngày nay ta vẫn thấy nảy sinh và lớn mạnh các phong trào phát xít trên khắp thế giới? Khi nào thì người ta gọi một phong trào hay đảng phái là phát xít, dựa theo những dấu hiệu nào?

Người đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này là triết gia, nhà văn Ý Umberto Eco. Trong bài viết năm 1995 có tự đề “Ur-Fascism” (chủ nghĩa phát xít vĩnh cửu), Eco đã đưa ra phương án giải thích tại sao chữ “phát xít” lại được sử dụng rộng rãi mà không phải nazism hay từ khác, tại sao nó có nhiều biến thể và luôn rình rập để quay trở lại dưới hình hài mới. Eco cũng liệt kê 14 dấu hiệu của chủ nghĩa phát xít, tuy mâu thuẫn với nhau nhưng lại có thể đồng hành. Các dấu hiệu này cũng rất dễ thấy ở các chế độ toàn trị khác.

Các phong trào phát xít (và phong trào dân tộc nói chung) hay trỗi dậy mới khi thế giới gặp khủng hoảng, ta có thể thấy rõ ở thời điểm năm 2020 này. Vì độc giả Việt Nam chưa được làm quen với bài viết của Eco, nên tôi dịch giới thiệu toàn văn, nguồn được dẫn ở cuối bài. Tôi cũng dịch một bài tóm tắt 14 dấu hiệu của Mikhail Sender (Nga) để độc giả đọc thêm. Các hyperlink trong bài là của người dịch (chủ yếu dẫn về wikipedia). Ngoài ra, độc giả cũng rất nên đọc bài viết năm 1900 của Leo Tolstoy “Chủ nghĩa ái quốc và chính phủ” do Phạm Vĩnh Cư dịch, vì có sự liên quan giữa chủ nghĩa ái quốc và chủ nghĩa phát xít (và các chủ nghĩa toàn trị khác).

Umberto Eco. Ur-Fascism

Умберто Эко (1932-2016) - итальянский учёный, философ, специалист по семиотике и средневековой эстетике, теоретик культуры, литературный критик, писатель, публицист.

Umberto Eco (1932-2016). Các tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt: Tên của hoa hồng, Nghĩa địa Praha, Con lắc Foucault, v.v.

Năm 1942, khi mới mười tuổi, tôi đã được Giải nhất Cuộc thi Thanh thiếu niên (Ludi Juveniles) cấp tỉnh (một cuộc thi đấu tự nguyện bắt buộc cho những thành viên phát xít trẻ Ý – tức là, cho mọi thiếu niên Ý). Tôi đã dụng công với kỹ năng hùng biện của mình về chủ đề “Chúng ta có nên hy sinh vì vinh quang của Mussolini và vận mệnh bất tử của nước Ý? ” Câu trả lời của tôi là có. Tôi thông minh mà.

Tôi đã có hai năm tuổi trẻ ở giữa những SS, Phát xít, Cộng hòa và du kích bắn lẫn nhau, và tôi đã học được cách né đạn. Đó là cách luyện tập tốt.

Vào tháng 4 năm 1945, du kích tiếp quản Milan. Hai ngày sau họ đến thị trấn nhỏ nơi tôi sống lúc đó. Đó là thời khắc của niềm vui. Quảng trường chính đầy người hát và vẫy cờ, kêu to tên Mimo, thủ lĩnh du kích của khu vực đó. Vốn là cựu sỹ quan (maresciallo) của Carabinieri, Mimo đã tham gia những người ủng hộ tướng Badoglio, người lên thay Mussolini, và bị mất một chân trong một trong những cuộc đụng độ đầu tiên với lực lượng còn lại của Mussolini. Mimo xuất hiện trên ban công của Tòa thị chính, nhợt nhạt, dựa vào đôi nạng, và một tay cố gắng trấn tĩnh đám đông. Tôi đã chờ đợi bài phát biểu của ông, vì cả thời thơ ấu của tôi là dấu ấn của những phát biểu lịch sử của Mussolini, mà những đoạn quan trọng nhất chúng tôi học thuộc lòng ở trường. Tĩnh lặng. Mimo nói bằng giọng khàn khàn, hầu như không thể nghe thấy. Ông nói: “Thưa các công dân, bạn bè. Sau rất nhiều hy sinh đau đớn… cuối cùng chúng ta đã ở đây. Vinh quang cho những người đã ngã xuống vì tự do”. Và đó là tất cả. Ông ta đi vào trong. Đám đông la hét, du kích giơ súng và bắn lên trời. Bọn trẻ chúng tôi vội vã nhặt vỏ đạn, vật phẩm quý giá, nhưng tôi cũng đã học được rằng tự do ngôn luận có nghĩa là tự do khỏi hùng biện.

Vài ngày sau tôi thấy những lính Mỹ đầu tiên. Họ là người Mỹ gốc Phi. Tay yankee đầu tiên tôi gặp là một người da đen, Joseph, người đã giới thiệu cho tôi truyện tranh Dick Tracy và Li’l Abner. Những cuốn truyện tranh có màu rực rỡ và có mùi thơm.

Một trong những sĩ quan (Thiếu tá hoặc Đại úy Muddy) là khách trong biệt thự của một gia đình có hai con gái là bạn học của tôi. Tôi đã gặp ông ta trong khu vườn của họ, nơi một số phụ nữ, vây quanh thuyền trưởng Muddy, nói chuyện bằng tiếng Pháp gần đúng. Đại úy Muddy cũng biết chút tiếng Pháp. Hình ảnh đầu tiên của tôi về những người Mỹ giải phóng là vậy – sau rất nhiều khuôn mặt nhợt nhạt trong bộ áo đen – hình ảnh một người đàn ông da đen ham học trong bộ đồng phục màu cỏ úa: “Oui, merci beaucoup, Madame, moi aussi j’aime le champagne…” (vâng, cám ơn quý bà, tôi cũng thích sâm panh). Tiếc là đã không có sâm banh, nhưng đại úy Muddy cho tôi viên kẹo cao su Wrigley’s Spearmint đầu tiên, và tôi bắt đầu nhai cả ngày. Vào ban đêm, tôi bỏ viên kẹo vào cốc nước, để nó tươi ngon cho ngày tiếp theo.

Vào tháng Năm, chúng tôi nghe rằng chiến tranh đã kết thúc. Hòa bình cho tôi một cảm giác tò mò. Tôi đã được dạy rằng chiến tranh vĩnh viễn là cuộc sống bình thường đối với một thanh niên Ý. Trong những tháng tiếp theo, tôi phát hiện ra rằng Kháng chiến không chỉ là một hiện tượng địa phương mà còn là của cả châu Âu. Tôi đã học những từ mới thú vị như réseau, maquis, armée secrète, Rote Kapelle, trại tập trung Warsaw. Tôi đã nhìn thấy những bức ảnh đầu tiên của Holocaust, do đó hiểu được ý nghĩa trước khi biết thuật ngữ này. Tôi nhận ra, mình đã được giải phóng khỏi cái gì.

Ở Italia nước tôi ngày nay có người đặt câu hỏi, liệu Kháng chiến có tác động gì về mặt quân sự vào tiến trình của cuộc chiến. Với thế hệ tôi, câu hỏi này không tồn tại: chúng tôi hiểu ngay ý nghĩa đạo đức và tâm lý của Kháng chiến. Với chúng tôi, là niềm tự hào khi biết rằng người châu Âu đã không chờ đợi một cách thụ động để được giải phóng. Và cả đối với những người Mỹ trẻ tuổi đã trả bằng máu cho tự do của chúng tôi, nó cũng có ý nghĩa khi họ biết rằng phía sau mặt trận cũng có những người châu Âu hy sinh xương máu giống họ.

Ở Italia ngày nay có người nói rằng Kháng chiến là sự bịa đặt của cộng sản. Đúng là cộng sản đã khai thác Kháng chiến như thể đó là tài sản của họ, tận dụng việc họ đóng vai trò chính; nhưng tôi nhớ du kích với những chiếc khăn màu sắc khác nhau. Cả đêm tôi dính chặt vào radio – cửa sổ đóng, điện tắt, chỉ một quầng sáng nhỏ đơn độc xung quanh cái radio – để nghe những tin nhắn do Đài Tiếng nói Luân Đôn gửi cho du kích. Các thông điệp vừa tù mù lại vừa thơ mộng (Mặt trời cũng mọc, Hoa hồng sẽ nở), ​​và hầu hết là “messaggi per la Franchi” (thông tin cho Franchi). Có người rỉ tai tôi rằng Franchi là người lãnh đạo mạng lưới bí mật mạnh nhất ở tây bắc nước Ý, một người đàn ông can đảm đến mức huyền thoại. Franchi trở thành anh hùng của tôi. Franchi (tên thật là Edgardo Sogno) là một người bảo hoàng, chống cộng mạnh đến mức sau chiến tranh ông gia nhập cánh hữu cực đoan, và bị buộc tội tham gia một âm mưu đảo chính. Nhưng ai quan tâm chứ? Sogno vẫn là người hùng trong mơ của tuổi thơ tôi. Giải phóng là việc chung của những người có màu sắc khác nhau.

Ở Italia ngày nay có người nói rằng chiến tranh giải phóng là một bi kịch của thời kỳ chia rẽ, và những gì ta cần là hòa giải dân tộc. Ký ức của những năm khủng khiếp đó nên được kìm nén. Nhưng sự kìm nén gây ra bệnh tâm thần. Nếu hòa giải nghĩa là từ bi và tôn trọng tất cả những người đã chiến đấu vì thứ mà họ tin chân thành, thì tha thứ không có nghĩa là quên. Tôi thậm chí có thể ghi nhận rằng Eichmann đã chân thành tin vào nhiệm vụ của mình, nhưng tôi không thể nói, “OK, hãy quay lại và làm lại lần nữa.” Chúng ta ở đây để nhớ những gì đã xảy ra và long trọng nói rằng “Họ” không được lặp lại.

Nhưng, “Họ” là ai?

Nếu chúng ta vẫn hình dung họ là các chính phủ toàn trị cai trị châu Âu trước Thế chiến 2, thì có thể nói rằng rất khó để chúng tái xuất hiện trong hình hài cũ ở hoàn cảnh lịch sử mới. Nếu chủ nghĩa phát xít của Mussolini dựa trên ý tưởng của một nhà cai trị lôi cuốn, về chủ nghĩa tập đoàn (corporatism), về Sứ mệnh Đế quốc La mã không tưởng, ý chí đế quốc xâm chiếm các lãnh thổ mới, một chủ nghĩa dân tộc cường điệu hóa, về việc kêu gọi cả một quốc gia mặc áo đen xếp hàng hai, về sự khước từ quốc hội dân chủ, về chủ nghĩa bài Do Thái, thì tôi không gặp khó khăn gì trong việc thừa nhận rằng ngày nay Liên minh Dân tộc Ý sinh ra từ  Đảng Phát xít sau chiến tranh, MSI, và chắc chắn là một đảng cánh hữu, bây giờ rất ít liên quan đến chủ nghĩa phát xít cũ. Cũng vì nguyên nhân đó, mặc dù rất lo lắng về các phong trào giống Đức quốc xã đang phát sinh đây đó ở Châu Âu, kể cả Nga, tôi không nghĩ rằng chủ nghĩa phát xít, ở dạng nguyên thủy, sắp xuất hiện trở lại như một phong trào lôi kéo được toàn dân.

Tuy nhiên, mặc dù chế độ chính trị có thể bị lật đổ, ý thức hệ có thể bị chỉ trích và bị khước từ, đằng sau một chế độ và ý thức hệ của nó luôn có một thế giới quan và cảm xúc, một tập hợp các thói quen văn hóa, của bản năng mơ hồ và động cơ phi ý thức. Liệu vẫn còn một con ma nào đó đang rình rập châu Âu (không kể những phần khác của thế giới)?

Ionesco từng nói “chỉ có lời nói là quan trọng, còn lại là nhảm nhí”. Thói quen ngôn ngữ luôn là triệu chứng quan trọng đầu tiên của cảm giác được che giấu. Vì vậy, đáng để ta đặt câu hỏi, tại sao không chỉ phong trào kháng chiến, mà cả Chiến tranh thế giới thứ hai thường được hiểu nhất quán trên toàn thế giới như một cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít. Nếu đọc “Chuông nguyện hồn ai” của Hemingway, bạn sẽ khám phá ra rằng Robert Jordan xác định kẻ thù của mình là phát xít, trong khi thật ra chúng là nhóm Falangist Tây Ban Nha. Và đối với F.D. Roosevelt thì, “chiến thắng của nhân dân Mỹ và các đồng minh của họ sẽ là chiến thắng chống lại chủ nghĩa phát xít và tàn dư của chủ nghĩa chuyên quyền mà nó đại diện.”

Trong Thế chiến II, người Mỹ tham chiến ở Tây Ban Nha được gọi là “chống phát xít non” – nghĩa là, chiến đấu chống Hitler ở những năm 40 là một nghĩa vụ đạo đức cho mọi người Mỹ tốt, nhưng chiến đấu chống lại Franco quá sớm, trong thập niên 30, thì không ổn vì nó chủ yếu được thực hiện bởi những người Cộng sản và những người cánh tả khác… Tại sao câu chửi “đồ lợn phát xít” được dân Mỹ sử dụng tận 30 năm sau để chỉ một cảnh sát phản đối thói quen hút thuốc của họ? Tại sao họ không nói: đồ lợn Cagoulard,
Lợn Falangist, lợn Ustashe, lợn Quisling, lợn Nazi?

Mein Kampf là tuyên ngôn của một chương trình chính trị hoàn chỉnh. Chủ nghĩa phát xít Đức (nazism) chứa đựng lý thuyết về phân biệt chủng tộc và người Aryan thượng đẳng, một quan niệm rõ ràng về nghệ thuật thoái hóa (Entartete Kunst), triết lý về ý chí quyền lực và siêu nhân (Ubermensch). Chủ nghĩa nazism rõ ràng là phản Kitô giáo và tân đa thần giáo (neo-pagan), trong khi chủ nghĩa duy vật biện chứng của Stalin (phiên bản chính thức của chủ nghĩa Mác kiểu Liên xô) thì duy vật và vô thần. Nếu định nghĩa chế độ toàn trị là chế độ bắt mọi hành động của cá nhân phải tuân phục nhà nước và hệ tư tưởng của nó, thì cả chủ nghĩa phát xít Đức (Nazism) và chủ nghĩa Stalin đều là chế độ toàn trị thực sự.

Chủ nghĩa phát xít Ý chắc chắn là một chế độ độc tài, nhưng nó không hoàn toàn toàn trị, không phải vì nó nhẹ nhàng hơn, mà là vì hệ tư tưởng của nó yếu kém về mặt triết lý. Trái ngược quan điểm ​​chung, chủ nghĩa phát xít Ý không có triết lý đặc biệt. Bài báo về chủ nghĩa phát xít có chữ ký của Mussolini trong Bách khoa toàn thư Treccani được viết bởi hoặc lấy cảm hứng chủ yếu từ Giovanni Gentile, nhưng nó phản ánh một quan niệm thời kỳ hậu Hegel về Nhà nước Tuyệt đối và Đạo đức – điều chưa bao giờ được Mussolini thực thi đầy đủ. Mussolini không có triết lý nào, chỉ có hùng biện. Lúc đầu ông ta là một kẻ vô thần hiếu chiến, sau đó đã ký hòa ước với Giáo hội và hoan nghênh những giám mục đã ban phước cho những người phát xít. Trong những năm đầu khi còn chống Giáo hội, theo truyền thuyết, ông ta đã từng thách Chúa giáng sét đánh chết mình, để chứng minh sự tồn tại của Chúa trời. Về sau, Mussolini lại luôn nhắc tên Thiên Chúa trong các bài phát biểu của mình, và không ngại ngần khi được gọi là cánh tay của Thượng đế.

Chủ nghĩa phát xít Ý là chế độ độc tài cánh hữu đầu tiên tiếp quản một quốc gia châu Âu, và tất cả các phong trào tương tự sau này có chung một nguyên mẫu từ chế độ Mussolini. Chủ nghĩa phát xít Ý là người đầu tiên thiết lập phụng vụ quân sự, văn hóa dân gian, thậm chí là cách ăn mặc – những chiếc áo đen, có ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với những Armani, Benetton hay Versace. Chỉ đến những 30, sau Ý, các phong trào phát xít mới xuất hiện, ở Anh (Mosley), Latvia, Estonia, Litva, Ba Lan, Hungary, Romania, Bulgaria, Hy Lạp, Nam Tư, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Na Uy và thậm chí Nam Mỹ. Chính là chủ nghĩa phát xít Ý đã thuyết phục nhiều nhà lãnh đạo tự do châu Âu rằng chế độ mới này đang thực thi cải cách xã hội thú vị, và nó là một cuộc cách mạng khác, nhẹ nhàng nếu so với mối đe dọa cộng sản.

Tuy nhiên, với tôi sự ưu tiên về lịch sử này không đủ để giải thích tại sao từ “phát xít” đã trở thành một từ cải dung (synecdoche), nghĩa là một từ được dùng chung cho các phong trào toàn trị. Đây không phải là vì chủ nghĩa phát xít chứa đựng trong nó các yếu tố của tất cả các hình thức toàn trị sau này, kiểu như những gì tinh túy. Ngược lại, chủ nghĩa phát xít không có tinh túy, nó là một chủ nghĩa toàn trị mờ (fuzzy), một bức tranh ghép của các ý tưởng triết học và chính trị khác nhau, một tổ ong của mâu thuẫn. Liệu có thể hình dung một phong trào toàn trị thực sự kết hợp chế độ quân chủ với cách mạng, Quân đội Hoàng gia với lực lượng dân quân của Mussolini, trao đặc quyền cho Giáo hội trong khi giáo dục thì thuộc nhà nước và tuyên truyền bạo lực, nhà nước kiểm soát tuyệt đối song hành với thị trường tự do? Đảng phát xít ra đời, tự hào rằng nó mang lại một trật tự mới mang tính cách mạng; nhưng nó được tài trợ bởi những người bảo thủ nhất trong các địa chủ, những người mong đợi từ nó một cuộc phản cách mạng. Lúc bắt đầu, chủ nghĩa phát xít là cộng hòa. Tuy nhiên, trong 20 năm nó đã tuyên bố lòng trung thành với hoàng gia, trong khi Duce (Lãnh tụ tối cao) đã sát cánh với Nhà vua, người mà ông ta đề cử danh xưng Hoàng đế. Nhưng khi vua sa thải Mussolini năm 1943, đảng đã xuất hiện trở lại sau hai tháng, với sự hỗ trợ của Đức, theo tiêu chuẩn của một nước cộng hòa “xã hội”, tái chế văn bản cách mạng cũ của nó, chỉ có giờ đây chứa nhiều hơn các âm hưởng Jacobin (cách mạng kiểu khủng bố).

Chỉ có một kiến ​​trúc Nazi và một nghệ thuật Nazi duy nhất. Nếu kiến ​​trúc sư Nazi là Albert Speer, sẽ không có chỗ cho Mies van der Rohe. Tương tự, dưới thời Stalin, nếu Lamarck đúng thì không có chỗ cho Darwin. Ở Ý, chắc chắn đã có các kiến ​​trúc sư phát xít, nhưng bên cạnh việc xây các Coliseums giả, họ còn xây nhiều tòa nhà mới lấy cảm hứng bởi chủ nghĩa duy lý hiện đại Gropius.

Chủ nghĩa phát xít Ý không có một Zhdanov để thiết lập một dòng văn hóa nghiêm ngặt. Ở Ý có hai giải thưởng nghệ thuật quan trọng. Giải thưởng Cremona được quản lý bởi một kẻ cuồng tín và phát xít vô văn hóa, Roberto Farinacci, người khuyến khích nghệ thuật tuyên truyền. (tôi nhớ các bức tranh có tiêu đề như “Nghe bài phát biểu của Duce qua radio” hoặc “Trạng thái của tâm trí tạo bởi chủ nghĩa phát xít. “) Còn giải thưởng Bergamo được bảo trợ bởi một người có học và phát xít vừa phải Giuseppe Bottai, người bảo vệ cả khái niệm nghệ thuật vị nghệ thuật và nhiều loại nghệ thuật tiên phong đã bị cấm ở Đức vì được cho là thoái hóa và cộng sản ngầm.

Trong thi ca, niềm tự hào của quốc gia là D’Annunzio, một kẻ bảnh bao mà nếu sống ở Đức hay Nga thì đã bị bắn bỏ. Ông ta được coi là thi nhân của chế độ vì chủ nghĩa dân tộc và sự sùng bái chủ nghĩa anh hùng của mình – mà thực tế đã bị trộn lẫn với ảnh hưởng của phong trào suy đồi Pháp fin de siècle.

Hãy lấy chủ nghĩa vị lai (futurism). Người ta có thể nghĩ rằng nó là một ví dụ của entartete Kunst (nghệ thuật thoái hóa), cùng với Chủ nghĩa biểu hiện, Chủ nghĩa lập thể và Chủ nghĩa siêu thực. Nhưng, những người Ý đầu tiên theo chủ nghĩa vị lai là người theo chủ nghĩa dân tộc; họ ủng hộ sự tham gia của Ý trong chiến tranh thế giới thứ nhất vì lý do thẩm mỹ; họ ca ngợi tốc độ, bạo lực và mạo hiểm – những thứ dường như có liên kết với tâm lý sùng bái phát xít của giới trẻ. Trong khi chủ nghĩa phát xít tự đồng nhất mình với đế quốc La Mã và nguồn gốc dân tộc mới phát hiện, Marinetti (người tuyên bố rằng xe hơi đẹp hơn nhiều so với tượng thần chiến thắng Samothrace, và thậm chí muốn giết cả ánh trăng), tuy nhiên lại được bổ nhiệm là thành viên của Viện hàn lâm Ý, nơi rất coi trọng ánh trăng.

Nhiều du kích tương lai và trí thức tương lai của Đảng Cộng sản đã được giáo dục bởi GUF (Gioventie Universitaria Fascista) – hiệp hội sinh viên phát xít, được cho là cái nôi của văn hóa phát xít mới. Những câu lạc bộ này đã trở thành một loại nồi đúc (melting pot) của trí tuệ, nơi những ý tưởng mới được lưu hành mà không bị kiểm soát bởi ý thức hệ. Không phải vì các lãnh đạo đảng khoan dung với suy nghĩ cấp tiến, mà vì rất ít trong số họ có đủ trình độ trí tuệ để kiểm soát nó.

Trong hai mươi năm đó, thơ của Montale và các nhà văn khác liên quan đến nhóm có tên Mật ngôn (hermetic) là một phản ứng đối với phong cách thơ khoa trương của chế độ, và những nhà thơ này được phép phát triển sự phản kháng văn học từ bên trong cái được coi là tháp ngà của họ. Tinh thần của thơ Mật ngôn chính là sự đảo ngược của văn hóa sùng bái phát xít lạc quan và anh hùng chủ nghĩa. Chế độ chấp nhận sự mâu thuẫn rõ ràng tuy khó nắm bắt về mặt xã hội này, vì những kẻ phát xít chỉ đơn giản là không để ý đến thứ ngôn ngữ phức tạp như vậy.

Tất cả điều này không có nghĩa rằng chủ nghĩa phát xít Ý là khoan dung. Gramsci bị tống vào tù cho đến chết; lãnh đạo phe đối lập Giacomo Matteotti và anh em Rosselli bị ám sát; báo chí tự do bị cấm, các công đoàn lao động bị dỡ bỏ, và những người chống đối bị giam trên những hòn đảo xa xôi. Cơ quan lập pháp chỉ còn là hình thức, và chính quyền hành pháp (kiểm soát tư pháp cũng như các phương tiện thông tin đại chúng) trực tiếp ban hành luật mới, trong số đó có luật kêu gọi bảo tồn chủng tộc (cử chỉ chính thức của Ý ủng hộ những gì sau này trở thành diệt chủng Do thái Holocaust).

Bức tranh mâu thuẫn mà tôi mô tả không phải là kết quả của sự khoan dung, mà là sự rối loạn chính trị và ý thức hệ. Nhưng đó là một sự rối loạn có trật tự, một sự lộn xộn có cấu trúc. Chủ nghĩa phát xít rời rạc về mặt triết lý, nhưng về mặt cảm xúc, nó gắn rất chặt với một số nền tảng nguyên mẫu.

Ta đã đi đến điểm thứ hai của tôi. Nazism thì chỉ có một. Ta không thể gọi chủ nghĩa Falangism siêu Công giáo của Franco là nazism, vì nazism về cơ bản là ngoại giáo, đa thần giáo, và chống Kitô giáo. Còn trò chơi phát xít (Ý) có thể được chơi dưới nhiều hình thức, vẫn dưới cái tên đó. Khái niệm chủ nghĩa phát xít giống với khái niệm trò chơi của Wittgenstein. Một trò chơi có thể đối đầu hoặc không, có thể yêu cầu một số kỹ năng đặc biệt hoặc không, và có thể liên quan hoặc không liên quan đến tiền. Các trò chơi là các hoạt động khác nhau chỉ chung một số điểm giống nhau họ hàng, như Wittgenstein nói. Hãy xét các chuỗi sau:
1       2       3       4
abc  bcd  cde  def
Giả sử có một loạt các nhóm chính trị, trong đó nhóm 1 được đặc trưng bởi tính năng abc, nhóm 2 bởi các tính năng bcd, v.v. Nhóm 2 tương tự như nhóm 1 vì chúng có hai đặc điểm chung; vì những lý do tương tự, 3 tương tự như 2 và 4 tương tự như 3. Lưu ý rằng 3 cũng tương tự như 1 (chúng có điểm chung là tính năng c). Trường hợp thú vị nhất là 4, rõ ràng nó tương tự 3 và 2, nhưng không có tính năng chung với 1. Tuy nhiên, do chuỗi tương đồng giảm dần từ 1 đến 4, tồn tại một ảo tưởng của sự giống nhau họ hàng giữa 4 và 1.

Chủ nghĩa phát xít trở thành một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi, là bởi có thể loại bỏ khỏi nó một hoặc nhiều tính năng mà nó vẫn sẽ được công nhận là phát xít. Lấy đi chủ nghĩa đế quốc từ chủ nghĩa phát xít và bạn vẫn có Franco và Salazar. Lấy đi chủ nghĩa thực dân và bạn vẫn còn chủ nghĩa phát xít Balkan Ustash. Thêm vào nó chủ nghĩa chống tư bản triệt để (điều Mussolini chưa bao giờ thích) và bạn có Ezra Pound. Thêm vào hỗn hợp của tôn giáo Celtic thần thoại và huyền bí Chén Thánh (hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa phát xít chính thức), và bạn có một trong những bậc thầy phát xít được kính trọng nhất, Julius Evola.

Nhưng bất chấp sự mờ nhạt này, tôi nghĩ có thể phác thảo một danh sách các đặc điểm điển hình cho những gì tôi muốn gọi là Ur-Fascism, hay là Chủ nghĩa phát xít vĩnh cửu. Những đặc điểm này không thể được tổ chức thành một hệ thống; nhiều trong số chúng mâu thuẫn với nhau, và cũng là điển hình cho các hình thái khác của chuyên quyền hay cuồng tín. Nhưng, chỉ cần một trong số chúng có mặt là đủ để cho chủ nghĩa phát xít bắt đầu đông đặc lại xung quanh.

1/ Đặc điểm đầu tiên của Ur-Fascism là sùng bái truyền thống. Chủ nghĩa truyền thống tất nhiên là lâu đời hơn nhiều so với chủ nghĩa phát xít. Nó không chỉ là điển hình của tư tưởng Công giáo phản cách mạng sau cách mạng Pháp, mà còn được sinh ra trong thời kỳ cuối Hy Lạp, như một phản ứng đối với chủ nghĩa duy lý Hy Lạp cổ điển. Trong lưu vực Địa Trung Hải, những người thuộc các tôn giáo khác nhau (hầu hết được chấp nhận vào đền Pantheon La Mã) bắt đầu mơ về một sự mặc khải nhận được vào buổi bình minh của lịch sử loài người. Sự mặc khải này, theo thần bí truyền thống, đã tồn tại trong một thời gian dài và được che giấu dưới bức màn của những ngôn ngữ bị lãng quên – trong chữ tượng hình Ai Cập, trong chữ rune của người Celtic, trong các cuộn giấy của các tôn giáo ít được biết đến ở châu Á.

Văn hóa mới này là một loại thuyết hổ lốn (syncretistic). Hổ lốn không chỉ, như từ điển nói, là “sự kết hợp của các hình thức tín ngưỡng hoặc thực hành khác nhau”. Mấu chốt ở đây là, sự kết hợp này khinh thường các mâu thuẫn. Mỗi thông điệp ban đầu đều chứa một chút chân lý, và bất cứ khi nào chúng tỏ ra khác nhau hay thậm chí ngược nhau, thì cũng không quan trọng, vì tất cả đều ám chỉ, một cách biểu tượng, đến một chân lý nguyên thủy nào đó.

Kết quả là, không thể có sự tiến bộ của tri thức. Sự thật đã được tuyên một lần và mãi mãi, và ta chỉ có thể tiếp tục diễn giải thông điệp tối nghĩa của nó.

Người ta chỉ cần nhìn vào giáo trình của mọi phong trào phát xít để tìm ra những nhà tư tưởng theo chủ nghĩa truyền thống. Thuyết ngộ đạo (gnosis) của Đức Quốc xã được nuôi dưỡng bởi các thành phần chủ nghĩa truyền thống, thuyết hổ lốn và huyền bí. Nhà lý thuyết có ảnh hưởng nhất của phe cánh hữu Ý mới, Julius Evola, đã trộn Chén Thánh với Ghi chép của những nhà thông thái Do thái (The Protocol of the Elders of Zion), giả kim thuật với Đế quốc La Mã và German thần thánh. Sự kiện cánh hữu Ý, nhằm thể hiện tinh thần cởi mở, gần đây đã mở rộng giáo trình của mình để bao gồm các tác phẩm của De Maistre, Guenon và Gramsci, là một bằng chứng rõ ràng về chủ nghĩa hổ lốn.

Ở các hiệu sách Mỹ, nếu bạn tìm trong các kệ sách được dán nhãn là Thời đại mới, bạn có thể thấy những thứ thần bí vô nghĩa của cả Thánh Augustine, mà theo tôi, không phải là một kẻ phát xít. Nhưng kết hợp Thánh Augustine với Stonehenge thì là một triệu chứng của Ur-Fascism.

2/ Chủ nghĩa truyền thống ngụ ý từ chối chủ nghĩa hiện đại. Cả phát xít Ý và phát xít Đức đều tôn thờ công nghệ, trong khi các nhà tư tưởng chủ nghĩa truyền thống thường chối bỏ vì coi nó là sự phủ nhận của giá trị tinh thần truyền thống. Tuy nhiên, mặc dù chủ nghĩa phát xít tự hào về những thành tựu công nghiệp của nó, sự ca ngợi chủ nghĩa hiện đại chỉ là bề nổi của ý thức hệ Máu và Đất (Blut und Boden). Sự khước từ thế giới hiện đại được ngụy trang như một sự phản bác lối sống tư bản, nhưng thật ra là sự khước từ Tinh thần 1789 (và tất nhiên của cả 1776). Thời kỳ Khai sáng, Thời đại của Lý trí, được coi là khởi đầu của sự suy đồi hiện đại. Theo nghĩa này, Ur-Fascism có thể được định nghĩa là chủ nghĩa phi lý.

3/ Chủ nghĩa phi lý cũng phụ thuộc vào sự sùng bái hành động vị hành động. Hành động đẹp do chính nó, nó phải được thực hiện trước, hoặc không cần, bất kỳ suy ngẫm nào. Suy nghĩ là việc thiếu dũng khí. Do đó, văn hóa bị nghi ngờ vì bị coi là nguồn gốc của thái độ phê phán. Không tin vào thế giới trí tuệ luôn là một triệu chứng của Ur-fascism, từ tuyên bố của Goering “khi tôi nghe nói đến văn hóa, tôi với lấy khẩu súng”, đến việc sử dụng thường xuyên các cụm từ như “trí thức thoái hóa”, “egghead”, “snobs snete”, “các trường đại học hang ổ của bọn đỏ.” Việc chủ yếu của các nhà trí thức phát xít chính thống là tấn công văn hóa hiện đại và giới trí thức tự do vì đã phản bội các giá trị truyền thống.

4/ Không có đức tin kiểu hổ lốn nào có thể chịu được những phê phán mang tính phân tích. Tinh thần phê phán tạo ra sự phân biệt, và biết phân biệt là một dấu hiệu của chủ nghĩa hiện đại. Trong văn hóa hiện đại, cộng đồng khoa học ca ngợi sự bất đồng như một cách để cải thiện tri ​​thức. Với Ur-fascism, bất đồng là phản bội.

5/ Bên cạnh đó, sự bất đồng là một dấu hiệu của đa dạng. Ur-Fascism lớn mạnh và tìm kiếm sự đồng thuận bằng cách khai thác và làm trầm trọng thêm nỗi sợ tự nhiên về sự khác biệt. Lời kêu gọi đầu tiên của phong trào phát xít hay phát xít sớm là kêu gọi chống lại những kẻ xâm nhập. Do đó, Ur-Fascism là phân biệt chủng tộc (racism) theo định nghĩa.

6/ Ur-Fascism xuất phát từ sự thất vọng cá nhân hoặc xã hội. Đó là lý do tại sao một trong những đặc điểm tiêu biểu nhất của chủ nghĩa phát xít trong lịch sử là lời kêu gọi tầng lớp trung lưu bất mãn, tầng lớp phải chịu đựng do khủng hoảng kinh tế hoặc cảm giác bị sỉ nhục chính trị và sợ hãi trước áp lực của các nhóm xã hội thấp hơn. Trong thời đại của chúng ta, khi những “người vô sản” cũ đang trở thành tiểu tư sản (và sự lưu manh (lumpen) đã bị loại trừ khỏi bối cảnh chính trị), chủ nghĩa phát xít của ngày mai sẽ tìm thấy khán giả của nó trong đa số mới này.

7/ Đối với những người cảm thấy thiếu bản sắc xã hội rõ ràng, Ur-Fascism nói rằng đặc quyền duy nhất của họ chính là thứ phổ biến nhất: sinh ra ở cùng một quốc gia. Đây là nguồn gốc của chủ nghĩa dân tộc. Bên cạnh đó, người duy nhất có thể tạo bản sắc cho quốc gia chính là kẻ thù. Do đó, gốc rễ của tâm lý học Ur-fascism là sự ám ảnh với thuyết âm mưu, thường là ở mức quốc tế. Các tín đồ phải cảm thấy bị bao vây. Cách dễ nhất để giải quyết âm mưu là kêu gọi bài ngoại. Nhưng âm mưu cũng phải đến từ bên trong: Người Do Thái thường là mục tiêu tốt nhất bởi vì họ đồng thời ở cả bên trong và bên ngoài. Ở Hoa Kỳ, một ví dụ nổi bật của nỗi ám ảnh âm mưu có thể tìm thấy trong Trật tự thế giới mới của Pat Robertson, nhưng, như chúng ta đã thấy gần đây, còn rất nhiều kiểu khác.

8/ Các tín đồ phải cảm thấy bị sỉ nhục bởi sự giàu có và sức mạnh phô trương của kẻ thù. Khi còn bé, tôi được dạy nghĩ về người Anh như những người ăn năm bữa. Họ ăn thường xuyên hơn so với những người Ý nghèo nhưng trung thực. Người Do Thái giàu có và giúp đỡ nhau thông qua một mạng lưới bí mật. Tuy nhiên, các tín đồ phải tin chắc rằng họ có thể áp đảo kẻ thù. Do đó, bằng việc thay đổi liên tục trọng tâm của hùng biện, kẻ thù đồng thời rất mạnh và rất yếu. Vì lý do đó mà các chính phủ phát xít chắc chắn thua trong chiến tranh, vì họ không có khả năng đánh giá khách quan lực lượng của địch.

9/ Đối với Ur-fascism, không có đấu tranh cho cuộc sống mà, thay vào đó, sống là để đấu tranh. Như vậy, chủ nghĩa hòa bình là đổi chác với kẻ thù. Chủ nghĩa hòa bình đáng lên án, vì cuộc sống là chiến tranh vĩnh viễn. Điều này, tuy nhiên, tạo ra phức hệ (complex) Ngày tận thế. Vì kẻ thù phải bị đánh bại, nên sẽ có một trận chiến cuối cùng, sau đó phong trào sẽ quyền kiểm soát thế giới. Nhưng “lời giải cuối cùng” này ngụ ý một kỷ nguyên hòa bình, một Thời đại Vàng, và mâu thuẫn với nguyên tắc chiến tranh vĩnh viễn. Không có nhà lãnh đạo phát xít nào từng thành công trong việc giải quyết mâu thuẫn được tạo ra này.

10/ Chủ nghĩa tinh hoa (Elitism) là một khía cạnh điển hình của bất kỳ hệ tư tưởng phản động nào, về cơ bản nó là chủ nghĩa quý tộc, và quý tộc và quân phiệt có nghĩa là khinh miệt kẻ yếu. Ur-Fascism chỉ có thể ủng hộ chủ nghĩa tinh hoa đại chúng. Mỗi công dân thuộc về dân tộc tốt nhất thế giới, các đảng viên là tốt nhất trong các công dân, mọi công dân đều có thể (hoặc nên) trở thành một đảng viên. Nhưng không thể có quý tộc nếu không có hạ lưu. Trên thực tế, lãnh tụ hiểu rằng quyền lực của mình không được trao một cách dân chủ mà chiếm đoạt bằng vũ lực, cũng biết rằng sức mạnh của mình dựa trên điểm yếu của quần chúng; họ yếu đến mức cần và xứng đáng có người cai trị. Bởi lẽ được tổ chức theo cấp bậc (theo mô hình quân đội), mọi lãnh đạo cấp dưới coi thường thuộc hạ của mình, và mỗi người trong số họ khinh thường những kẻ thấp kém hơn. Điều này củng cố ý thức của chủ nghĩa tinh hoa đại chúng.

11/ Trong hoàn cảnh như vậy, mọi người đều được giáo dục để trở thành anh hùng. Trong mọi thần thoại, anh hùng là ngoại lệ, nhưng trong hệ tư tưởng Ur-Fascism, chủ nghĩa anh hùng là chuẩn mực. Sự sùng bái chủ nghĩa anh hùng này được liên kết chặt chẽ với sự sùng bái cái chết. Không phải ngẫu nhiên mà một phương châm của người Falangist là Viva la Muerte (nên dịch là “Cái chết muôn năm!”). Trong các xã hội không phát xít, giáo dân được nói rằng cái chết là khó chịu nhưng cần đối mặt nó với nhân phẩm; còn các tín đồ thì được nói rằng đó là cách đau đớn để đạt được một hạnh phúc siêu nhiên. Ngược lại, anh hùng Ur-Fascism khao khát cái chết anh hùng, được quảng cáo là phần thưởng tốt nhất cho một cuộc đời anh hùng. Người anh hùng Ur-Fascism sốt sắng để chết. Trong sự sốt sắng đó, anh ta thường xuyên đưa người khác đến chỗ chết.

12/ Vì cả chiến tranh thường trực và chủ nghĩa anh hùng đều là những trò chơi khó, nên Ur-Fascism chuyển ý chí nắm quyền của mình sang lĩnh vực tình dục. Đây là nguồn gốc của machismo (nam tính quá đáng) – ngụ ý cả sự coi thường phụ nữ lẫn không khoan dung và lên án những thói quen tình dục phi chuẩn mực, từ tiết hạnh đến đồng tính luyến ái. Vì ngay cả tình dục cũng là một trò chơi khó, người hùng Ur-Fascism có xu hướng chơi với vũ khí – vật thay thế dương vật.

13/ Ur-Fascism dựa trên chủ nghĩa dân túy chọn lọc, có thể nói là một chủ nghĩa dân túy định tính. Trong một nền dân chủ, công dân có những quyền cá nhân, toàn bộ công dân có thể có tác động chính trị chỉ từ góc độ định lượng – mọi người tuân theo quyết định của số đông. Tuy nhiên, đối với Ur-fascism, các cá nhân với tư cách cá nhân thì không có quyền, và Nhân dân được quan niệm là một thực thể định tính nguyên khối (monolith) thể hiện Ý chí Chung. Bởi vì một lượng lớn con người không thể có một ý chí chung, Lãnh tụ đóng vai thông dịch viên của họ. Mất đi quyền ủy quyền, công dân không thể hành động; họ chỉ được kêu gọi đóng vai Nhân dân. Do đó, Nhân dân chỉ là một hư cấu sân khấu. Để có một ví dụ điển hình của chủ nghĩa dân túy định tính, chúng ta không còn cần đến quảng trường Venezia ở Rome cho Musolini hay sân vận động Nuremberg cho Hitler. Trong tương lai, ta có một chủ nghĩa dân túy TV hoặc Internet, ở đó người ta sẽ chọn cảm xúc của một nhóm công dân để trình bày và được chấp nhận là Tiếng nói của Nhân dân.

Chính vì chủ nghĩa dân túy định tính của nó, mà Ur-Fascism chống lại nền dân chủ nghị viện “thối tha”. Một trong những câu đầu tiên được Mussolini thốt ra trong quốc hội Ý là
“tôi có thể biến cái nơi âm u và ảm đạm này thành doanh trại cho trung đội của mình” – “Trung đội” là một đơn vị nhỏ trong quân đoàn lê dương La Mã. Thực tế là, ông ta đã tìm được chỗ tốt hơn cho các trung đội của mình, nhưng sau đó ít lâu ông ta đã giải tán quốc hội. Bất cứ nơi nào một chính trị gia đưa ra nghi ngờ về tính hợp pháp của một quốc hội bởi vì nó không còn đại diện cho Tiếng nói của Nhân dân, chúng ta có thể ngửi thấy Ur-fascism.

14/ Ur-fascim sử dụng ngôn mới (newspeak). Newspeak được phát minh bởi Orwell, trong cuốn 1984, với tư cách là ngôn ngữ chính thức của Ingsoc, Chủ nghĩa xã hội Anh. Nhưng các yếu tố của Ur-fascism là phổ biến cho các hình thức độc tài khác nhau. Tất cả sách giáo khoa của Đức quốc xã hay phát xít Ý có kho từ vựng nghèo nàn và một cú pháp cơ bản, để hạn chế các công cụ cần cho lý luận phức tạp và quan trọng. Nhưng chúng ta cũng phải sẵn sàng để xác định các loại newspeak khác, ngay cả khi chúng mang hình thức rõ ràng vô hại của một chương trình talkshow.

Vào sáng ngày 27/7/1943, tôi được biết rằng đài phát thanh loan báo chủ nghĩa phát xít đã sụp đổ và Mussolini bị bắt giữ. Khi mẹ sai đi mua báo, tôi thấy rằng các tờ báo tại quầy thông tin gần nhất có tiêu đề khác nhau. Hơn thế nữa, sau khi xem các tiêu đề, tôi nhận ra rằng mỗi tờ báo nói những điều khác nhau. Tôi đã mua bừa một trong số đó, và đọc một tuyên bố trên trang đầu tiên được ký bởi năm hoặc sáu đảng chính trị – trong số đó có Đảng Dân chủ Ki tô, Đảng Cộng sản, Đảng Xã hội, Đảng Hành động và Đảng Tự do.

Cho đến lúc đó, tôi đã tin rằng chỉ có một đảng duy nhất ở mỗi quốc gia và ở Ý nó là Đảng Dân tộc Phát xít. Bấy giờ, tôi khám phá ra rằng ở đất nước của tôi nhiều đảng có thể cùng tồn tại. Vốn là một cậu bé thông minh, tôi lập tức nhận ra rằng rất nhiều đảng phái không thể được sinh ra chỉ sau một đêm và chúng đã phải tồn tại bí mất trong một thời gian.

Tuyên ngôn trên mặt báo ghi nhận sự kết thúc của chế độ độc tài và sự trở lại của tự do: tự do ngôn luận, báo chí, của hiệp hội chính trị. Những từ “tự do”, “độc tài”, “giải phóng” – bấy giờ tôi đọc chúng lần đầu trong đời. Tôi được tái sinh thành một người đàn ông phương Tây tự do nhờ những từ mới này.

Chúng ta phải cảnh giác, để ý nghĩa của những từ này sẽ không bị lãng quên một lần nữa. Ur-Fascism vẫn ở xung quanh ta, đôi khi trong bộ thường phục. Sẽ dễ dàng hơn nhiều với chúng ta, nếu ai đó xuất hiện trên thế giới và nói rằng: “Tôi muốn mở lại Auschwitz, tôi muốn đội quân áo đen diễu hành một lần nữa trên các quảng trường Ý.” Cuộc sống không đơn giản vậy. Ur-Fascism có thể trở lại dưới bộ dạng ngây thơ nhất. Nhiệm vụ của ta là phát hiện ra nó và vạch mặt chỉ tên bất kỳ hình thái mới nào của nó – mỗi ngày, ở mọi nơi trên thế giới. Câu nói của Franklin Roosevelt ngày 4/11/1938, đáng để nhắc lại: “Tôi xin tuyên bố đầy thách thức rằng, nếu nền dân chủ Mỹ không tiếp tục tiến lên như một lực lượng sống, bằng những biện pháp hòa bình, ngày đêm nỗ lực cải thiện cuộc sống của công dân, thì chủ nghĩa phát xít sẽ phát triển và lớn mạnh trên đất của chúng ta. ”

Tự do và giải phóng là một nhiệm vụ bất tận. Hãy để tôi kết thúc với một bài thơ của Franco Fortini:

Trên lan can cầu
Đầu của những người bị treo cổ
Trong dòng suối
Nước bọt của những người bị treo cổ.
Trên các tảng đá ở chợ
Móng tay của những người bị sắp thành hàng và bắn
Trên bãi cỏ khô ở quảng trường
Răng vỡ của những người bị sắp thành hàng và bắn.
Cắn không khí, cắn đá
Xác thịt của chúng tôi không còn là con người
Cắn không khí, cắn đá
Trái tim của chúng tôi không còn là con người.
Nhưng chúng tôi đã nhìn vào mắt của cái chết
Và sẽ mang lại tự do trên trái đất
Nhưng nắm chặt trong nắm tay của người chết
Là công lý sẽ được thực thi

Hết bài viết của Eco
Dịch từ các nguồn: Bản tiếng Anh và bản tiếng Nga

Bài diễn giải thêm về 14 dấu hiệu của Ur-Fascism:

1/Sùng bái truyền thống

Mặc dù chủ nghĩa truyền thống tự nó là một hiện tượng cổ xưa và có thể tồn tại mà không có chủ nghĩa phát xít, tất cả các phong trào phát xít mà ta biết đều dựa vào ý tưởng của chủ nghĩa truyền thống, tìm kiếm ý nghĩa trong di sản của quá khứ: trong các biểu tượng cổ xưa, nghi lễ dân gian, truyền thuyết và thần thoại. Ví dụ, những kẻ phát xít sử dụng các biểu tượng ngoại giáo một cách có hệ thống, bao gồm chữ vạn, nghi lễ và biểu tượng của Đế chế La Mã thần thánh. Họ tâng bốc sự khôn ngoan và truyền thống của tổ tiên đến mức trở thành sự sùng bái trong xã hội, biến những quan điểm, trật tự và nền tảng truyền thống thành chân lý không thể chối cãi. Do đó, bất kỳ sự phát triển về kiến ​​thức và niềm tin, bất kỳ sự tiến hóa của tâm lý và hệ giá trị, đều được coi là sai lầm và có hại ngay từ đầu. Đối với những người theo chủ nghĩa truyền thống, chân lý đã được chỉ ra từ lâu, và bất kỳ sự sai lệch nào đều là dối trá và xấu xa.

2/Phủ nhận những gì hiện đại

Theo Eco, những người theo chủ nghĩa truyền thống rất thù địch với các công nghệ và xu hướng mới, nhìn thấy ở đó thách thức đối với các giá trị truyền thống và tinh thần. Mặc dù phát xít Ý và phát xít Đức tự hào về thành tựu công nghiệp của họ, toàn bộ hệ tư tưởng của họ dựa trên sự phủ nhận thế giới hiện đại như là thành quả của chế độ tư bản chủ nghĩa phương Tây và sự suy đồi đạo đức của thời Phục hưng, trái ngược với các giá trị truyền thống. Theo nghĩa này, chủ nghĩa phát xít cơ bản là chủ nghĩa phi lý.

3/Hành động vị hành động

Trong những năm 1930, những kẻ phát xít khinh miệt trí thức, bởi vì tư duy trí thức đặt ra những câu hỏi “tại sao” và “để làm gì” cho bất kỳ hành động nào. Những kẻ phát xít rất không muốn tìm căn nguyên cho hành động của mình, vì họ thấy sự quyến rũ trong chính hành động, ngay cả khi không có lời giải thích hợp lý. Duyệt binh, càn quét, biểu tượng, trang phục đen, lời chào của Hitler, các công trình khoa trương mà phi thực tế – tất cả những thứ này rất khó trả lời một cách hợp lý cho câu hỏi “tại sao”? Vì hay hỏi những câu đó, nên giới trí thực tự do bị phát xít căm ghét và gán cho tội phản bội các giá trị truyền thống.

4/Bất đồng quan điểm = phản bội

Chủ nghĩa phát xít không cho phép đa nguyên ý kiến. Vì với những người theo chủ nghĩa truyền thống, chân lý chỉ có một, cho nên tất cả những người cố gắng đặt câu hỏi về nó đều là kẻ thù và kẻ phản bội. Sự phân loại này rất điển hình cho cả các phong trào phát xít trước chiến tranh lẫn các tổ chức cực hữu hiện đại.

5/Bài ngoại (chúng ta vs. chúng nó)

Bản năng thú vật cổ xưa – chia thành “người mình” và “kẻ lạ”, thù địch với mọi thứ xa lạ, nước ngoài, khó hiểu, không quen, bất thường – là mảnh đất màu mỡ để chủ nghĩa phát xít nảy sinh. Tất cả các biểu hiện của sự không khoan dung – phân biệt chủng tộc, bài Do Thái, chống Di gan, ghê tởm đồng tính luyến ái, khinh miệt người khuyết tật, cũng như sự thù địch đối với ảnh hưởng nước ngoài có thể thấy rất rõ trong hùng biện và hành động của phát xít Đức và Ý thời kỳ tiền chiến tranh. Cũng các biểu hiện đó, ở mức độ khác nhau, ta quan sát thấy ngày nay trong số các phong trào và khuynh hướng cực hữu đang lại dần lớn mạnh.

6/Đám đông tức giận

Không phải ngẫu nhiên mà các phong trào phát xít luôn trở nên đặc biệt phổ biến trong thời kỳ xã hội gặp khó khăn, thảm họa, đình trệ kinh tế và sự sỉ nhục quốc gia (ví dụ như ở Đức sau thất bại trong Thế chiến thứ nhất). Sự bực tức và giận dữ trong quần chúng khiến họ dễ đi theo các lời kêu gọi gây hấn. Một người đang khó chịu thường ít có khuynh hướng suy nghĩ hợp lý. Anh ta muốn trút sự hung hăng của mình. Và, trong khi suy nghĩ hợp lý khó tìm thấy chỗ để trút giận vì thiếu bằng chứng khách quan về tội lỗi của ai đó, thì suy nghĩ phi lý luôn dễ dàng tìm thấy vật tế thần (kẻ phản bội, người Do Thái, người nhập cư, v.v.). Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay, ở các quốc gia có khó khăn về kinh tế, các phong trào cực hữu đang trở nên phổ biến hơn ở các nước giàu có.

7/Chủ nghĩa dân tộc và thuyết âm mưu

Trong một xã hội bị mặc cảm (phức cảm tự ti), chủ nghĩa phát xít như là một phương thuốc, bởi vì nó biến một điều rất chung thành niềm tự hào cho người dân: cùng sinh ra ở đất nước này. Ý tưởng về lòng yêu nước chỉ hiệu quả nếu có kẻ thù bên ngoài, nếu không thì chủ nghĩa yêu nước chẳng còn ý nghĩa gì. (Chẳng ai cỗ vũ cho một đội bóng không bao giờ thi đấu với ai). Do đó, chủ nghĩa phát xít dựa trên nỗi ám ảnh về thuyết âm mưu. Mọi người phải cảm thấy rằng họ đang bị địch vây. Tâm lý bài ngoại (xenophobia) giúp nuôi dưỡng niềm tin này, bởi vì mọi người thường rất hay tin hễ mình không thích ai thì hẳn đó là kẻ xấu. Âm mưu có thể là quốc tế (chủ nghĩa đế quốc Anglo-Saxon, bóng ma của chủ nghĩa cộng sản), nhưng cũng có nội bộ (cùng những kẻ phản bội,  gián điệp, người nhập cư, người Do Thái). Với phát xít, người Do thái là cái cớ lý tưởng, vì nếu muốn, âm mưu của bọn Do Thái có thể được xem xét cả từ khía cạnh trong nước và thế giới.

8/Hình ảnh kẻ thù đầy mâu thuẫn (vừa mạnh vừa yếu)

Kẻ thù phải cùng lúc có vẻ vừa mạnh mẽ vừa yếu đuối. Hắn có thể giàu hơn, phát triển hơn, được vũ trang tốt, nhưng đồng thời cũng ngu ngốc và hèn nhát. Do đó, ngày từ đầu một kịch bản đầy cảm hứng cho những người yêu nước đã được đặt trong chính hình ảnh của kẻ thù, theo đó bên yếu hơn, nhưng khôn ngoan và dũng cảm hơn, chắc chắn sẽ chiến thắng. Khi tin vào hình ảnh này, mọi người sẽ ý thức được mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa, nhưng không quá sợ kẻ thù, vì họ tin vào chiến thắng tất yếu. Umberto Eco tuyên bố rằng tất cả các chế độ phát xít đều chịu thất bại trong các cuộc chiến chính vì không thể đánh giá khách quan sức mạnh của kẻ thù, do tâm lý trên.

9/Sùng bái chiến tranh

Chủ nghĩa hòa bình (pacifism) là coi kẻ thù như anh em. Chiến tranh là ý nghĩa của cuộc sống. Phát xít hòa bình là điều không tưởng. Có thể quan sát thấy chủ nghĩa quân phiệt (militarism) trong tất cả các lĩnh vực cuộc sống của chế độ phát xít – các cuộc diễu binh, tượng đài cho các anh hùng, ngành công nghiệp quân sự phát triển mạnh mẽ, trẻ em được chuẩn bị cho chiến tranh từ nhỏ. Với lý giải này, chẳng có gì ngạc nhiên khi các phong trào cực hữu hiện đại, bất chấp thời bình, thích diễu hành trong quân phục.

10/Sùng bái sức mạnh và quyền lực

Ý tưởng về tinh hoa dân tộc – thuộc về dân tộc vĩ đại nhất trên thế giới – tự nó đã ngụ ý sự vượt trội của một số người, tốt đứng trên xấu, mạnh trên yếu. Nếu dân tộc ta là những người mạnh mẽ nhất, anh hùng, công chính, thì phải có những dân tộc, trái lại, là những kẻ yếu đuối, khốn khổ, xấu xí. Với cách tiếp cận này, một người nên được ngưỡng mộ, và người kia phải bị khinh miệt. Nếu xã hội cho phép logic như vậy, thì một hệ thống phân cấp tinh hoa cũng được hình thành trong chính xã hội, tôn thờ kẻ mạnh và coi thường kẻ yếu. Tâng bốc bề trên lên đến trời, ngợi ca sức mạnh và lòng can đảm của lãnh đạo, và chùi chân vào bọn ở dưới.

11/Sùng bái anh hùng chủ nghĩa và cái chết

Trong xã hội phát xít, chủ nghĩa anh hùng là chuẩn mực. Mỗi người phải là một anh hùng, lập chiến công và, nếu cần thiết, hy sinh mạng sống cho đất nước. Hơn nữa, cái chết anh hùng là hình ảnh truyền cảm hứng chính mà các nhà tư tưởng phát xít truyền bá cho tín đồ của mình, ca ngợi những anh hùng đã ngã xuống và truyền bá những câu chuyện về chiến công hy sinh của họ. Chủ đề này rất phổ biến trong lời các bài hát đương đại thuộc thể loại White Power.

12/Sùng bái tính nam (machismo)

Chủ nghĩa phát xít có khuôn mặt nam giới. Và không chỉ khuôn mặt. Những hình ảnh được phát xít sử dụng bị chi phối bởi những đặc điểm nam tính rập khuôn: sức mạnh, cơ bắp, vũ khí, hình giống linga. Bạn sẽ không tìm thấy một poster tuyên truyền phát xít với mèo và nơ hồng. Chủ nghĩa phát xít là một hệ tư tưởng cứng rắn, hiếu chiến với khuôn mặt của một trượng phu tàn bạo, alpha đầu đàn. Đây chính là hình ảnh mà phát xít thường gắn với các lãnh đạo và anh hùng của họ. Hình ảnh quý ông không phù hợp. Biểu hiện nữ tính, cũng như xu hướng tình dục phi chuẩn, bị khinh bỉ. Hình ảnh này có một sức hấp dẫn cao, cho cả nam và nữ, bởi vì nó dựa vào bản năng động vật cơ bản là sinh sản và bầy đàn.

13/Chủ nghĩa dân túy chọn lọc

Một mặt, chủ nghĩa phát xít gốc rễ là một hệ tư tưởng dân túy, huy động đa số bằng các câu trả lời đơn giản cho các vấn đề họ quan tâm nhất (trước đó đã đóng gói những vấn đề này vào một định dạng đơn giản và dễ hiểu cho số đông lười suy nghĩ). Người di cư gây bất an? Trục xuất người di cư! Bực mình vì điều mới lạ? Cấm điều mới lạ! Có phải tờ báo này viết những điều không yêu nước? Đóng cửa báo! Không thích người đồng tính? Cấm đồng tính! Mệt mỏi âm mưu Do Thái? Gửi người Do Thái đến trại tập trung! Hơn nữa, phát xít luôn biện minh cho hành động của mình là ý chí của người dân. Rõ ràng là cả một quốc gia không thể có một ý chí chung. Có lẽ tốt nhất là ý chí của đa số. Và vì, mặt khác, những kẻ phát xít không có ý định chấp nhận ý kiến của đa số nếu nó không phù hợp với mô hình phát xít, nên chúng đảm nhận vai trò là “tiếng nói của dân”. Mọi người dân phải tin rằng, đằng sau hành động của chính quyền phát xít luôn là ý chí của nhân dân, và nếu anh ta nghi ngờ, thì chỉ có mình anh ta nghi. Đảm nhận vai trò là tiếng nói của nhân dân, phát xít cố gắng làm mất uy tín của bất kỳ đối thủ nào, vu cho họ là những kẻ phản bội và là lính đánh thuê của kẻ thù bên ngoài. Chính nhờ những lời hoa mỹ đó mà phát xít đã thuyết phục được quần chúng rằng các thể chế dân chủ, quốc hội, không thể thực hiện ý chí của người dân, và do đó, quyền lực chính phải được giao phó cho “tiếng nói của nhân dân”. Điều đó đã xảy ra ở Đức và Ý, khi chủ nghĩa phát xít đã thay thế nền dân chủ nghị viện với sự đồng ý của quần chúng.

14/”Ngôn mới” và đánh tráo khái niệm

Eco viết rằng tất cả sách giáo khoa của phát xít Ý và Đức đều đơn giản hóa ngôn ngữ một cách mạnh mẽ, với mục đích hạn chế khả năng giải thích và đánh giá phản biện về thông tin được truyền đạt. Tạo ra những cách thể hiện đơn giản và ổn định cho những hiện tượng phức tạp và gây tranh cãi, phát xít đồng thời cài cắm đánh giá chủ quan của họ trong những biểu hiện này, từ đó đưa thế giới quan của chúng vào bắt rễ trong đầu những người sử dụng cái “ngôn mới” này. Nó hoạt động thế nào? Rất đơn giản. Ví dụ, có thể nói rằng “mối đe dọa đối với sự ổn định của nhà nước đã bị vô hiệu hóa”, nhưng cũng có thể nói rằng “các nhà lãnh đạo biểu tình dân sự đã bị bắn chết”. Có thể nói “cuộc tấn công cảnh cáo”, hoặc có thể nói “cuộc xâm lược quân sự”. Vì vậy, quốc tế vô sản đã dễ dàng trở thành “bệnh dịch đỏ”, các quốc gia dân chủ trở thành “tài phiệt tư bản”, phe đối lập nghị viện trở thành “đội quân thứ năm“, và càng nghe những các thể hiện này, họ càng dễ tin vào những huyền thoại của phát xít về những kẻ phản bội và kẻ thù.

Hết bài “14 dấu hiệu…”

Tham khảo thêm Định nghĩa Phát xít trên wikipedia.