" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2020
ẢO ẢNH
Linh hồn tôi vất va, vất vưởng
nơi ốc đảo cô đơn
từng ngày chờ đợi hình hài tan rã
trong cơn khát vô thường
và em là hiện thân độ lượng
của sa mạc cốt xương
khi nỗi buồn buông bỏ
hơi thở yêu thương...
Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2020
ĐỪNG TRÁCH MÙA THU
Sao em nỡ trách mùa Thu!
Khi lá vàng rơi về cội
Thương vay kiếp người lầm lỗi
Sám hối tình một lối Thu đi.
Xin em đừng hờn dỗi!
Mùa Thu vô tình đưa lá bay xa
Những chiếc lá trọn đời vất vả
Mang nắng vào sưởi ấm tim côi.
Xin em hãy bước cùng tôi
Gom lá vàng khô đun tình đã tắt
Đốt gió đông sưởi từng khoảnh khắc
Xua khói lên trời đuổi u ám mù sương
Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2020
SỐ PHẬN DÂN OAN
Ai gây ra thảm họa
lũ chồng lũ miền trung
tiếng khóc than não nùng
tiếng thét vang hãi hùng
Đã không còn rừng
núi đồi sạt lỡ
chôn sống trẻ thơ
dìm chết ước mơ
Bao cảnh đời bơ vơ
bao gương mặt dại khờ
ngày đêm trong lo sợ
có bao giờ hỏi vì sao?
Ai gây ra thảm họa
lẽ nào là trời đất
trách người nghèo bội bạc
phạt dân đen tham tàn
Tổ quốc đeo tang
mặc niệm muộn màng
trách nhiệm rõ ràng
là của xóm làng
Đời thêm tiếng oán
số phận dân oan...
Thứ Hai, 26 tháng 10, 2020
KHÔNG SỐNG BẰNG NHỮNG SỰ GIẢ DỐI: LỜI KÊU GỌI LÒNG CAN ĐẢM VÀ SỰ THẬT TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY
Alexander Solzhenitsyn
Nguyễn Trung Kiên dịch
[*Solzhenitsyn viết bài tiểu luận này vào năm 1974 và nó đã lan truyền trong giới trí thức Moscow vào thời điểm đó. Nó được đề ngày 12 tháng Hai, cùng ngày mà cảnh sát mật đột nhập vào căn hộ của ông và bắt ông. Ngày hôm sau, ông bị trục xuất sang Tây Đức. Bài tiểu luận này là một lời kêu gọi lòng can đảm về đạo đức và là ánh sáng cho tất cả chúng ta – những người luôn coi trọng sự thật.*]
*
CÓ LÚC CHÚNG TA thậm chí không dám thì thầm. Bây giờ chúng ta viết và đọc sách báo ngoài luồng, và đôi khi khi tụ tập trong phòng hút thuốc ở Viện Khoa học, chúng ta thẳng thắn phàn nàn với nhau: Họ đang giở trò gì với chúng ta, và họ đang lôi chúng ta đi đâu? Vô cớ khoe khoang thành tựu về công nghệ vũ trụ khi mà nghèo đói và sự tàn phá đang tràn ngập quê nhà. Đề cao các chế độ man rợ xa xôi. Kích động nội chiến. Và chúng ta đã liều lĩnh nuôi dưỡng Mao Trạch Đông bằng chi phí của mình – và chúng ta sẽ là những người bị bắt đi lính để chống lại ông ta, và sẽ buộc phải đi. Có lối thoát nào ở đây không? Và họ đưa ra xét xử bất kỳ người nào họ muốn, rồi họ đưa những người ôn hòa vào trại tập trung – luôn luôn là họ, còn chúng ta thì bất lực.
Mọi thứ gần như đã chạm đáy. Một cái chết của linh hồn mang tính phổ quát đã chạm đến tất cả chúng ta, và cái chết thể xác sẽ sớm bùng phát và tiêu diệt cả chúng ta và con cái của chúng ta – nhưng như trước đây chúng ta vẫn mỉm cười một cách hèn nhát và lầm bầm rằng mình chẳng liên quan gì. Nhưng chúng ta có thể làm gì để ngăn chặn nó? Phải chăng chúng ta không có sức mạnh?
Chúng ta đã mất nhân tính một cách vô vọng đến mức để đổi lấy khẩu phần lương thực khiêm tốn hàng ngày, chúng ta sẵn sàng từ bỏ mọi nguyên tắc, từ bỏ linh hồn, từ bỏ mọi nỗ lực của những người đi trước và mọi cơ hội cho con cháu của chúng ta – miễn sao đừng làm phiền đến sự tồn tại mong manh của chúng ta. Chúng ta thiếu lòng kiên định, niềm tự hào và sự nhiệt tình. Chúng ta thậm chí không sợ cái chết hạt nhân rộng lớn, và chúng ta không sợ Chiến tranh thế giới thứ Ba. Chúng ta đã trú ẩn trong các kẽ hở. Chúng ta chỉ sợ những hành động được thúc đẩy bởi lòng can đảm dân sự.
Chúng ta chỉ sợ bị tụt lại phía sau đàn gia súc và đi một mình – và đột nhiên nhận thấy mình không còn bánh mì trắng, không còn gas để sưởi và không có hộ khẩu tại Moscow.
Chúng ta đã được truyền dạy trong các khóa học chính trị, và theo cách tương tự đã được nuôi dưỡng ý tưởng để sống thoải mái, và phần còn lại của cuộc đời chúng ta sẽ tốt đẹp. Bạn không thể thoát khỏi môi trường và điều kiện xã hội của mình. Cuộc sống hàng ngày định hình nên nhận thức. Nó liên quan gì đến chúng ta? Điều gì ở nó là bất khả đối với chúng ta?
Nhưng chúng ta có thể – mọi thứ. Nhưng chúng ta dối mình để an toàn. Và không phải họ là người phải chịu trách nhiệm về mọi thứ – chính chúng ta, chỉ chúng ta. Những cái khóa mõm đã được nhét vào miệng của chúng ta. Không ai muốn lắng nghe chúng ta và không ai yêu cầu chúng ta. Làm thế nào chúng ta có thể buộc họ phải lắng nghe nghe? Suy nghĩ của họ là không thể thay đổi.
Sẽ là tự nhiên nếu ta bỏ phiếu để loại bỏ họ – nhưng không có cuộc bầu cử nào ở nước ta. Ở phương Tây, người ta biết về các cuộc đình công và biểu tình phản đối – nhưng chúng ta quá bị áp bức, và đó là một viễn cảnh khủng khiếp đối với chúng ta: Làm sao một người có thể đột ngột từ bỏ công việc của mình và xuống đường? Tuy nhiên, những con đường chết chóc khác được khảo sát trong suốt thế kỷ qua bởi lịch sử nước Nga cay đắng của chúng ta không dành cho chúng ta, và thực sự chúng ta không cần chúng.
Giờ đây, những sự trừng phạt đã hoàn thành công việc của mình, khi mọi thứ đã được gieo trồng đã nảy mầm trở lại, chúng ta có thể thấy rằng những người trẻ tuổi và đầy kiêu mạn, những người nghĩ rằng họ sẽ kiến tạo nên một đất nước công bằng và hạnh phúc thông qua khủng bố, nổi loạn đẫm máu và nội chiến, tất cả trong số họ đã bị nhầm lẫn. Không, cảm ơn, hỡi những kẻ đã nhào nặn nên nền giáo dục này! Bây giờ chúng ta biết rằng các phương pháp bỉ ổi sẽ tạo ra những kết quả bỉ ổi. Hãy để cho bàn tay của chúng ta được sạch sẽ!
Một vòng luẩn quẩn – nó đã khít chưa? Và có thực sự là không có lối thoát? Và chỉ còn một việc để chúng ta làm, đó là chờ đợi mà không hành động? Có lẽ điều gì đó sẽ xảy tự nó xảy ra? Nó sẽ không bao giờ xảy ra miễn là chúng ta hàng ngày thừa nhận, mở rộng và củng cố – và không tách mình khỏi khía cạnh dễ nhận thấy nhất của nó: Những sự dối trá.
Khi bạo lực xâm nhập vào cuộc sống yên bình, khuôn mặt của nó rạng rỡ với sự tự mãn, như thể nó đang giăng biểu ngữ và la toáng lên: “Ta là bạo lực đây. Hãy chạy đi, nhường đường cho ta – ta sẽ nghiền nát chúng mi”. Nhưng bạo lực sẽ nhanh chóng già đi. Và nó đã đánh mất niềm tin vào bản thân, và để duy trì một bộ mặt đáng kính, nó kết nạp sự giả dối làm đồng minh của nó – vì bạo lực không phải ngày nào cũng đè lên vai tất cả mọi người. Nó đòi hỏi chúng ta chỉ tuân theo những sự giả dối và sống với những sự giả dối đó hàng ngày – tất cả lòng trung thành dành cho những sự giả dối đều nằm ở đó.
Và điểm mấu chốt đơn giản nhất và dễ tiếp cận nhất để giải phóng bản thân không bị lãng quên của chúng ta nằm ngay ở đây: Các cá nhân không tham gia vào những sự giả dối. Dù dối trá che dấu mọi thứ, dù dối trá bao trùm lấy mọi thứ, nhưng ta sẽ không tiếp tay cho chúng.
Điều này sẽ tạo ra sự vượt ngục thoát cái nhà tù tưởng tượng vốn được hình thành nên bởi sự không hành động của chúng ta. Đó là điều dễ dàng nhất đối với chúng ta, nhưng lại tạo ra sự tàn phá thảm khốc nhất đối với những sự giả dối. Bởi vì khi người ta từ bỏ sự giả dối, nó chỉ đơn giản là cắt đứt sự tồn tại của chúng. Giống như bệnh nhiễm trùng, chúng chỉ có thể tồn tại trong một cơ thể sống.
Chúng ta không tự hô hào bản thân. Chúng ta chưa đủ trưởng thành để tiến vào các quảng trường và gào lên sự thật của chúng ta hoặc để thể hiện những gì chúng ta đang nghĩ. Điều đó không cần thiết.
Điều đó thật nguy hiểm. Nhưng chúng ta hãy từ chối nói điều mà chúng ta không nghĩ.
Đây là con đường của chúng ta, con đường dễ dàng và dễ tiếp cận nhất, mà đã có tính đến sự hèn nhát cố hữu vốn đã sâu rễ bền gốc trong mỗi chúng ta. Và nó dễ dàng hơn nhiều – thậm chí còn nguy hiểm khi nói điều này – hơn là kiểu bất tuân dân sự mà Gandhi chủ trương.
Con đường của chúng ta là xóa bỏ ranh giới băng đảng. Nếu chúng ta không dán những mảnh xương và vây của ý thức hệ lại với nhau, nếu chúng ta không khâu những mảnh vải vụn thối rữa lại với nhau, chúng ta sẽ thật sự ngạc nhiên khi chứng kiến những sự giả dối trở nên bất lực và lắng xuống nhanh chóng.
Cái mà lẽ ra nên bị lột truồng sau đó sẽ thực sự bị lột truồng trước toàn thế giới.
Vì vậy, trong sự rụt rè của chúng ta, mỗi người chúng ta hãy đưa ra lựa chọn: Cho dù có ý thức, chúng ta vẫn là nô lệ của sự giả dối – tất nhiên, điều đó không phải vì khuynh hướng, mà là để nuôi sống gia đình, nuôi dạy con cái của mình bằng tinh thần dối trá – hoặc từ bỏ những sự giả dối và trở thành một người lương thiện đáng được cả con cái và người đương thời kính trọng.
Và từ ngày đó trở đi, mỗi chúng ta:
• Do đó, sẽ không viết, ký tên hoặc in ấn theo bất kỳ cách nào một cụm từ mà theo ý kiến của ta là đang bị bóp méo để sai với sự thật.
• Sẽ không thốt ra cụm từ như vậy trong cuộc trò chuyện riêng tư, không thốt ra trước sự chứng kiến của nhiều người, không tự mình hay thay mặt người khác thốt ra, không thốt ra khi bị người khác nhắc nhở, kích động;
• Sẽ không mô tả, nuôi dưỡng hoặc truyền bá một ý tưởng nào mà ta chắc chắn nhận thấy nó sai lầm hoặc bị bóp méo so với sự thật, cho dù đó là trong hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, khoa học kỹ thuật hay âm nhạc.
• Sẽ không trích dẫn ngoài ngữ cảnh, bằng lời nói hay bằng văn bản, một trích dẫn duy nhất để làm hài lòng ai đó, để làm yên ấm cái tổ ấm của chính mình, để đạt được thành công trong công việc của mình, nếu ta không chia sẻ hoàn toàn ý tưởng được trích dẫn, hoặc nếu nó có không phản ánh chính xác vấn đề đang được đề cập.
• Sẽ không cho phép mình bị buộc phải tham gia các cuộc biểu tình hoặc mít-tinh nếu chúng trái với mong muốn hoặc ý chí của mình, sẽ không giăng một áp-phích hoặc khẩu hiệu mà ta không hoàn toàn chấp nhận.
• Sẽ không giơ tay biểu quyết cho một đề xuất mà ta không thông cảm chân thành, sẽ không bỏ phiếu, cả công khai lẫn bí mật, cho một người mà ta cho là không xứng đáng hoặc đáng ngờ.
• Sẽ không cho phép mình bị lôi kéo đến một cuộc họp mà có thể sẽ diễn ra một cuộc thảo luận gượng ép hoặc bị bóp méo về một vấn đề. Sẽ ngay lập tức rời khỏi một cuộc họp, phiên họp, bài giảng, buổi biểu diễn hoặc chiếu phim nếu ta nghe thấy một người nói dối, hoặc tuyên truyền vô nghĩa hoặc vô liêm sỉ về ý thức hệ.
• Sẽ không đăng ký hoặc mua báo hoặc tạp chí trong đó thông tin bị bóp méo và sự thật chính yếu bị che giấu. Tất nhiên chúng ta đã không liệt kê tất cả các sai lệch có thể và cần thiết từ sự giả dối. Nhưng một người thanh lọc bản thân sẽ dễ dàng phân biệt các trường hợp khác bằng cách nhìn nhận sự thanh lọc của mình.
Không, mọi người lúc đầu sẽ không giống nhau. Lúc đầu, một số sẽ bị mất việc làm. Đối với những người trẻ muốn sống với sự thật, điều này, ngay từ đầu sẽ làm phức tạp cuộc sống trẻ trung của họ rất nhiều, bởi vì những lời tán tụng bắt buộc bị nhồi nhét bởi những sự giả dối, và cần phải lựa chọn.
Nhưng không có kẽ hở cho bất kỳ ai muốn trung thực. Vào bất kỳ ngày nào, bất kỳ ai trong chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với ít nhất một trong những lựa chọn nêu trên, ngay cả trong trường hợp an toàn nhất về khoa học kỹ thuật. Sự thật hoặc giả dối: Hướng tới sự độc lập về tinh thần hoặc về sự nô lệ tinh thần.
Còn nếu một người nào không đủ can đảm để bảo vệ linh hồn mình – đừng để hắn tự hào về quan điểm “tiến bộ” của mình, đừng để hắn khoe khoang rằng hắn là một viện sĩ hay một nghệ sĩ nhân dân, một nhân vật nổi tiếng hay một vị tướng. Hãy để hắn tự nói với chính mình: “Ta là một con cừu trong bầy cừu, và là một kẻ hèn nhát. Đối với ta tất cả đều như vậy, miễn là ta được ăn no và mặc ấm”.
Ngay cả con đường này, con đường khiêm tốn nhất trong tất cả các con đường phản kháng, cũng sẽ không dễ dàng cho chúng ta. Nhưng nó dễ dàng hơn nhiều so với việc tự thiêu hoặc tuyệt thực: Ngọn lửa sẽ không bao phủ cơ thể ta, nhãn cầu của ta, sẽ không bùng phát vì sức nóng, và bánh mì nâu cùng nước sạch sẽ luôn có sẵn cho gia đình ta.
Một dân tộc vĩ đại của châu Âu, những người Tiệp Khắc, dân tộc mà chúng ta từng phản bội và lừa dối: Họ đã không cho chúng ta thấy làm thế nào mà một bộ ngực dễ bị tổn thương có thể đứng vững ngay cả khi chống lại xe tăng nếu có một trái tim xứng đáng bên trong lồng ngực?
Bạn nói rằng điều này sẽ không dễ dàng ư? Nhưng nó sẽ là điều dễ dàng nhất trong tất cả những lựa chọn khả thi. Nó sẽ không phải là một lựa chọn dễ dàng cho một thể xác, nhưng nó là một lựa chọn duy nhất cho một linh hồn. Đúng vậy, đó không phải là một con đường dễ dàng. Nhưng đã có những người, thậm chí hàng chục người trong số họ, qua nhiều năm đã duy trì tất cả những quan điểm này và sống với sự thật.
Vì vậy, bạn sẽ không phải là người đầu tiên đi theo con đường này, nhưng sẽ tham gia cùng những người đã đi. Con đường này sẽ dễ dàng hơn và ngắn hơn cho tất cả chúng ta nếu chúng ta thực hiện nó bằng nỗ lực chung và nắm chặt tay nhau. Nếu có hàng nghìn người cùng đi với chúng ta, họ sẽ không thể làm gì chúng ta. Nếu có hàng chục nghìn người cùng đi với chúng ta, thì chúng ta thậm chí sẽ không nhận ra sự thay đổi của đất nước của mình.
Nếu quá sợ hãi, chúng ta nên ngừng phàn nàn rằng ai đó đang làm chúng ta ngạt thở. Chính chúng ta đang làm điều đó. Sau đó, chúng ta hãy cúi đầu xuống nhiều hơn nữa, chúng ta hãy than khóc, và hỡi người anh em, sự tiếp tay của các nhà sinh học, vốn sẽ giúp cho nỗ lực của họ để đọc được những suy nghĩ của chúng ta, ngay cả điều này cũng sẽ trở nên vô ích và vô vọng.
Và nếu chúng ta có đôi chân đầy sợ hãi, ngay cả khi bước đi những bước đầu tiền này, thì chúng ta đã trở thành kẻ vô dụng và vô vọng, và sự khinh bỉ của Pushkin nên dành lại cho chúng ta:
“Tại sao lại phải trao hoa trái của tự do cho bầy gia súc?
Di sản của chúng, từ thế hệ này sang thế hệ khác, là cái ách chiếc roi”./.
*
LỜI MÁCH BẢO CỦA THƠ
Bảo Ninh
Sau những ngày hầu như khuya nào cũng chong đèn đọc Dưới trăng và một bậc cửa, đêm qua, đã dòng cuối, tôi đọc lại, giở trang bất kỳ.
Đã phủ ngập trên mênh mông mặt hồ, tiếng chim đơn độc
và rền rĩ
Những quả đồi cựa mình và lặng lẽ bước đi
Những đám mây tha phương đã trở về, đứng bên kia đầu dốc
Ngước nhìn lên trong đêm mờ sao, và tôi nhận thấy…
Tôi tự thấy ngỡ ngàng. Đã từ lâu, không chỉ với sự đời mà cả với văn học, trong tôi, nhiệt tình đã nguội ngắt. Cái cảm giác xốn xang, mừng vui lẫn bàng hoàng khi được đọc một tác phẩm văn học khiến lòng mình rung động, như mọi người, tôi đã từng có nhưng những lần gần nhất cách nay cũng bao nhiêu năm rồi. Thời xa vắng. Tướng về hưu. Những người thợ xẻ. Những bài học nông thôn. Bước qua lời nguyền. Mình và Họ… Mà đấy là văn xuôi, các truyện ngắn và tiểu thuyết. Đây là thơ[1].
1. [2]Thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đẹp và bình dị, ngôn từ đậm đà, mộc mạc, không gian thơ thân thuộc, gần gũi. Anh thực sự là một thi sĩ của làng quê, sông hồ và đồng nội… Lời bình này tôi được nghe từ nhiều năm trước trong một cuộc luận bàn bột phát và rất trái chiều nhau, nảy lửa, về Sự mất ngủ của lửa (2015)[3]. Ngoại đạo, song khi đó tôi đã thầm, chỉ dám thầm thôi, đồng tình với nhận định ấy. Đúng thế, thơ Nguyễn Quang Thiều, từ Sự mất ngủ của lửa ngày đó, đến Những người đàn bà gánh nước sông, rồi Nhịp điệu châu thổ mới, và giờ đây, Dưới trăng và một bậc cửa, đẹp và bình dị. Qua suốt chiều dài của gần hai trăm trang thơ và trường ca, dọc ngang, độc giả không bị vấp một chữ một từ hóc búa nào, không va phải câu nào đoạn nào ý tứ bịt bùng đánh đố; trái lại, cũng không gặp phải những câu thơ màu mè điệu nghệ, cầu kỳ mà dễ dãi, bóng bẩy mà trơn tuột, rất hay gặp trong không chỉ văn chương thời nay.
Vậy nhưng, tôi cảm thơ Thiều không phải bởi vì thế.
Tôi không biết diễn đạt thế nào. Từ ngữ và câu cú văn xuôi quen viết mỗi ngày không thể hiện được tâm trạng những đêm vừa qua đọc Dưới trăng và một bậc cửa. Có lẽ chỉ thơ mới ứng, và tôi muốn mượn từ tập thơ câu thơ này:
Chợt nhận ra ngôi nhà của mình, nhận ra thơ ấu của mình
Nhận ra cơn mơ của mình đang đi trên con đường đơn độc
Nhập tâm vào tập thơ, con người tôi như lạc khỏi bản thể và khỏi thực tại, trở nên siêu thực đến độ có lẽ cũng đã gần như tác giả, nhận ra được thơ ấu của mình, cơn mơ của mình, đang đi. Tuy nhiên, trạng thái nhập tâm của tôi vào tập thơ lại là một trạng thái nhập tâm tỉnh thức; tâm thức sáng tỏ, vừa đọc vừa ngẫm nghĩ, những ý nghĩ miên man theo dòng thơ, và những ý nghĩ bất chợt, xuất thần, vượt hẳn ra ngoài ý nghĩa của câu thơ. Và thậm chí cả những ý nghĩ triết lý, vốn là sự rất hiếm khi tôi thấy ở mình.
Với tôi, Dưới trăng và một bậc cửa, là một miền đất được nhà thơ “lập ra”, dành cho tôi. Miền đất này vừa bình dị và mộc mạc những cảnh sắc của đời sống thực tại thân thuộc, làng quê, sông hồ, đồng nội, với người Nông Dân Già, với bà nội tôi, em gái tôi, lại vừa là một miền đất của những quả đồi có thể cựa mình bước đi, của những đám mây tha phương trở về dừng bước nơi đầu dốc, của những cây cầu được bắc vào trong xa xôi, của khu vườn đang mang thai, của những ngôi nhà đang chạy trốn, của những ngôi nhà đang sụp lạy, của vở kịch đã mấy trăm năm rồi vẫn diễn, của những người chết trở về mượn đời sống chúng ta… Và cái miền châu thổ “hiện thực huyền ảo” Dưới trăng và một bậc cửa này như là được dành riêng cho tôi là bởi vì trong nó hàm chứa những ý tưởng mà bao lâu nay tôi vẫn chập chờn nằm mộng thấy và vẫn thầm mong là rồi ra mình sẽ nghĩ thấu được tới, sẽ chạm bút được vào.
Cũng như nhiều người viết văn xuôi khác, hàng ngày, sáng chiều tôi thường vất vả cặm cụi viết một cái gì đấy, và về khuya, nếu thời gian và không gian cho phép thì lẳng lặng một mình một “đêm thơ” riêng mình. Không chỉ là sở thích, đây là một nhu cầu thiết thân. Thơ, thầm đọc trong đêm, làm khuây đi cái ban ngày thường nhật, và hơn thế, đưa đến cho buổi sáng ngày hôm sau một sức viết, một đà viết, và có khi là cả một hướng viết mà nhờ thế sẽ vượt qua được những bế tắc đang kìm chân bản thảo.
Tác động khai mở của thơ có thể là lập tức lúc tôi đang tập thơ trên tay, nhưng thường khi là sau đấy, trong giấc ngủ. Thơ ngấm vào giấc ngủ giúp tôi trong đêm thấy ra được một từ, hoặc một câu, hoặc cả một đoạn dài văn chương đặc biệt ưng ý, thậm chí mách cho tôi một cốt truyện mà tôi biết chắc là hay vô cùng, để rồi lúc sáng ra, tỉnh dậy, không sao nhớ lại nổi, khôn xiết xót xa tiếc nuối.
Cố nhiên, với tôi, những bài thơ có thể ảnh hưởng trực tiếp lên “văn xuôi” của mình như thế không mấy. Bởi vậy tôi không đọc rộng ra mà bấy lâu chỉ cứ hàng đêm những bài thơ đó, nhà thơ đó. Và trong số ít đó, nhiều nhất là thơ Thiều. Thơ Thiều của những năm 1990, của mấy năm gần đây, và bây giờ đây, tập thơ này.[4]
Tranh Lê Thiết Cương
2. Đêm qua, đã trang cuối cùng, tôi ngược dòng tập thơ đọc lại, nhưng không từ đầu, mà trang bất kỳ.
Đã phủ ngập trên mênh mông mặt hồ, tiếng chim đơn độc
và rền rĩ
Những quả đồi cựa mình và lặng lẽ bước đi
Những đám mây tha phương đã trở về, đứng bên kia đầu dốc
Ngước nhìn lên trong đêm mờ sao, và tôi nhận thấy
Linh hồn của những người chết trên mảnh đất này
Bay lượn nặng nề cùng linh hồn những chiếc thuyền thúng
Và linh hồn những con chó chạy ra mép nước sủa vang
đón linh hồn những ông chủ
Linh hồn một bà già hấp hối đòi gặp linh hồn con cháu
Ngước nhìn lên và tôi thấy linh hồn ông nội tôi
Đang dựng lại đình làng và linh hồn bà nội
Đang đội đất đắp đê dài đến tận chân trời
Không hiểu là bởi vì đâu, phải chăng là do trong sự đọc của mình thường trực một cái nhìn văn xuôi, nên tôi, gần như là bằng trực giác vậy, thật mắt nhìn thấy, hiển hiện, trong trang thơ tuyệt ảo này của Bài ca những con chim đêm (năm 2000)[5] phần hồn của một cuốn tiểu thuyết mà phần chữ còn chưa được viết ra.
Mà không chỉ một trang này, hầu như trang nào của tập thơ cũng gợi cho tôi tứ của một thiên truyện. Thế nên, với tôi, Dưới trăng và một bậc cửa là một tập thơ mang dung lượng của vô kể những ý tưởng tiểu thuyết. Thậm chí thực sự hẳn ra là một thiên tiểu thuyết. Chẳng hạn, Cây ánh sáng, hay Hồi tưởng, hay Nhân chứng của một cái chết, mà đặc biệt là Khúc ba.
… Nếu ngày ấy tôi lên thuyền tôi đã ở bến bờ khác…
Cô đọng tới tột mức trong hai trang thơ, Khúc ba là một tiểu thuyết bi kịch, trữ tỉnh và huyền ảo, mà đọc đi đọc lại lần nào tôi cũng bị lay động tận đáy lòng.
Cũng kết tinh lại chỉ trong hai trang thơ, Hồi tưởng tháng Chín (trong Hồi tưởng), với tôi, là một tiểu thuyết triết lý, hoặc có thể nói, một ngụ ngôn tiểu thuyết, hết sức cao thâm và hàm súc. Tôi cảm tưởng đây là một truyện ngụ ngôn về chính tôi, về những năm tháng viết văn đằng đẵng của tôi, về sự mò mẫm và về niềm vô vọng.
Chúng ta cố ngước mắt kiếm tìm dấu vết
Và lạc ngay trước cửa ngõ nhà mình
Thú thực là tôi thấy buồn cho mình. Tôi đã từng có mặt trong thực cảnh của hai trang thơ đó: một buổi sáng ngập dưới sương mù… bộ hành tất cả đều như bỗng nhiên bị lòa, hoảng hốt hỏi nhau về con đường vẫn thường đi… duy nhất một người, người mù, là bình thản, thong thả bước đi giữa những hàng cây… Có mặt trong cảnh tượng đó và là một người viết văn, song chỉ thế thôi, tôi chỉ nhìn thấy, với một chút cảm giác là lạ chứ không nhận thấy, không nghĩ tiếp được, không manh nha nổi trong tâm trí một ý tưởng văn chương nào như là đáng lẽ ra.
Nhưng chúng ta không sao hình dung được
Con đường trong ngôn ngữ của trí tưởng tượng
giữa bóng tối
3. Nói chung là rất buồn, cảm nhận khi vừa đọc xong Dưới trăng và một bậc cửa, một nỗi buồn thẳm sâu, mênh mang khôn tả, xâm chiếm tâm hồn tôi.[6] Nỗi buồn ấy tôi tưởng chừng có thể trực tiếp chạm tay vào trên từng trang sách, và có thể cả nhìn thấy nó, ngoài cửa sổ.
Cửa sổ căn phòng mà tôi hằng đêm chong đèn đọc sách cũng giống ô cửa sổ quên đóng và đèn quên tắt của nhà thơ trông ra một mặt hồ và ra xa hơn nữa tới một triền đồi. Thực cảnh là vậy, và bấy lâu qua cửa sổ tôi chỉ thấy được đúng như thể, hồ nước và những quả đồi, nhưng từ đêm qua, như là từ trong tập thơ nhìn ra, tôi nhìn thấy một hiện thực khác, một cõi khác của thế gian.
Ngước nhìn lên trong đêm mê sảng của một hồ nước và
như một chứng nhân
Của lịch sử lặng câm và tôi nhìn thấy…
Đấy là một cõi mê loạn mà khôn xiết sầu thương thống thiết hiển hiện trong những lời thơ u sầu mà uy nghi và trầm mặc, với giọng thơ, nhịp thơ buồn vô hạn.
Linh hồn những ông vua vẫn mê đắm những linh hồn
tì thiếp
Linh hồn những ngựa bạch vẫn kéo theo linh hồn những cỗ xe
Và linh hồn những đao phủ bay song song linh hồn
những cái đầu bị chặt
Một đoàn dài linh hồn những người lính đang tìm về
linh hồn những ngôi nhà
Và bên này hồ nước linh hồn những người đàn bà góa bụa…[7]
3. Đêm qua, đứng bên cửa sổ, theo mách bảo của nhà thơ, tôi ngước nhìn lên.
Ngước nhìn lên ngôi sao mỗi lúc một sáng hơn
Mỗi lúc nghe một rõ hơn như chính từ bản thân mình
Giọng nói xa lạ và quen thuộc
Cả hồ nước mở ra một con mắt
Sáng dần lên một đóa hoa
Lời mách bảo của thơ như là lời mách bảo nghe thấy từ trong tiếng sấm vọng về từ bên kia hồ, như lời của trời đất, khiến tôi bàng hoàng, choáng ngợp.
Nguồn: Tuổi trẻ cuối tuần 30-8-2020, tr. 32-33.
[1] Sau “Đây là thơ”, nguyên văn còn viết thêm nhưng Tuổi trẻ cắt: “, lại không phải thông lệ văn vần, và có lẽ cũng không phải Hậu hiện đại, dạng thức thơ đang dần một thịnh hành.
Trước, tôi đã tìm đến một số tác phẩm được các nhà nghiên cứu định danh là thế, là Hậu hiện đại, mà chắc là do sự đọc và hiểu cố hữu của mình làm cho vướng vấp nên dù rất cố tôi vẫn như bị bật dội ra, không vào nổi. Nhưng, với Dưới trăng và một bậc cửa, chẳng những không hề bị chữ nghĩa của nó làm khó, tôi còn “tâm đầu ý hợp” ngay từ trang đầu, qua hàng đêm, từng dòng. Bởi vậy, từ sự cảm thụ nhập tâm như thế của bản thân, tôi tự cho rằng tập thơ tuyệt vời đột ngột và khác lạ này không phải là Hậu hiện đại, hoặc phải thì “hậu hiện đại” này hoàn toàn khác những “hậu hiện đại” kia.”
(“Nguyên văn” trong bài này là theo FB Nguyễn Quang Thiều)
[2] Tuổi trẻ đánh số thành ba phần (1, 2, 3), chứ không phải trong nguyên văn.
[3] Tuổi trẻ ghi 2015 nhưng thực ra bản in đầu tiên là năm 1992.
[4] Tuổi trẻ cắt: “Trong Dưới trăng và một bậc cửa có những trường đoạn tôi nhớ là đã đọc từ nhiều năm trước, mà bây giờ trong tổng thể của tập thơ, những trường đoạn ấy tôi thấy khác hẳn, vượt bậc lên, tầm cao hơn. Là bởi vì, có thể ví như, những năm trước đây tôi chỉ mới thấy từng quãng của dòng sông, còn bây giờ là suốt dọc triền sông, toàn cảnh.
Đời người, đời thơ, những ai có thể mở ra được cả một miền đất, cả một triền sông như nhà thơ này, tập thơ này?”
[5] Tuổi trẻ ghi 2000 nhưng thực ra bản in đầu tiên là năm 1999.
[6] Nguyên văn: “Nói chung là rất buồn, cảm nhận khi vừa đọc xong Dưới trăng và một bậc cửa, một nỗi buồn thẳm sâu, mênh mang khôn tả, xâm chiếm tâm hồn tôi.” Mấy chữ “Nói chung là rất buồn, cảm nhận khi vừa” bị cắt.
[7] Sau đoạn thơ trích dẫn trên, nguyên văn còn thêm (nhưng bị cắt):
“Và:
Dưới gốc thông già, linh hồn cái đầu một nhà thơ đang
đọc một linh hồn sách
Và bay quanh ông vừa cười vừa khóc, linh hồn ba họ
Ngước nhìn lên và cố tìm linh hồn chén rượu độc
Chỉ thấy linh hồn một ông vua cắn mãi không đứt
lưỡi mình…
Biết là chẳng lẽ nào lại cứ miên man dẫn hết câu thơ này tới câu thơ khác của tập thơ, mà tôi không đừng được, không thể cưỡng được sức cuốn âm thầm mảnh liệt của những dòng thơ ấy, những dòng thơ tuyệt tác “linh hồn của kiêu hãnh, khát vọng mang xúc cảm vĩ đại”.
Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020
KIẾN NGHỊ CỦA NGUYỄN TRUNG GỬI TỔNG BÍ THƯ – CHỦ TỊCH NƯỚC VÀ TOÀN THỂ BỘ CHÍNH TRỊ
Kính gửi : Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
và toàn thể Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam
Thưa các Đồng chí,
Với trách nhiệm công dân, hưởng ứng kêu gọi lần này của Đảng về góp ý cho Đại hội XIII, tôi trân trọng đề nghị Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và toàn thể Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam khóa Đại hội XII quan tâm 5 vấn đề dưới đây.
1. Tổng bí thư – Chủ tịch nước nên quyết định tiến hành xử lại vụ án Đồng Tâm đúng với luật pháp hiện hành và mọi quy định đã ghi thành Luật về các thủ tục điều tra và xét xử, nhằm làm rõ sự việc, xử đúng việc đúng người, tránh oan sai. Qua việc xử lại vụ án này với nhận thức đúng đắn như vậy, thúc đẩy ý thức thượng tôn pháp luật trong toàn Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị – nhà nước của quốc gia. Vụ Đồng Tâm là một vết thương nghiêm trọng đối với dân tộc, đánh dấu một bước phát triển nguy hiểm cho đất nước. Dư luận chân chính trong nước và bè bạn quốc tế không tán thành cuộc trấn áp, cách xét xử vụ án, và bản án sơ thẩm đã công bố ngày 14-09-2020.
Nhân đây xin nhắc lại kinh nghiệm cũ: Khi nhận thức được sai lầm nghiêm trọng trong cải cách ruộng đất (CCRĐ), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bí thư Trường Chinh hồi ấy đã tự nhận hết trách nhiệm về riêng mình, và quyết định sửa sai triệt để, nhờ vậy cả miền Bắc một bề yên lòng, cùng nhau khắc phục được mọi thương đau và tổn thất đã xảy ra. Sau đó tất cả mới có thể cùng nhau dốc lòng chuẩn bị cho kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhờ đó có được hôm nay. Chủ lực trực tiếp đảm nhận gánh nặng lớn nhất của toàn bộ sự nghiệp này là tầng lớp nông dân của chúng ta.
Mong rằng việc xử lại theo tinh thần như vậy vụ Đồng tâm sẽ nói lên ý chí của lãnh đạo ĐCSVN quyết đổi mới nền tư pháp hiện nay – một trong những đòi hỏi rất cấp bách của đất nước trước tình hình và nhiệm vụ mới. Hợp lý nhất là Tổng bí thư – Chủ tịch nước nên ban bố quyết định này trước khi họp Đại hội XIII, tạo ra trong Đảng một tinh thần dám nhìn thẳng vào sự thật và củng cố đoàn kết dân tộc, quyết vượt qua mọi sai lầm, khó khăn, thách thức, cùng nhau nắm bắt thời cơ mới, đưa đất nước vào một thời kỳ phát triển mới.
Kính thưa Tổng bí thư – Chủ tịch nước và toàn thể Bộ Chính trị,
Tại đây, tôi xin trình bầy thêm một phương án khác nữa, rất mong được cân nhắc:
Trong thâm tâm, suy nghĩ kỹ, tôi mong muốn: Đúng đắn nhất có lẽ là nên quyết định hủy vụ xử án này, để xử lý vụ Đồng Tâm bằng con đường dân sự theo tinh thần sửa sai (gọi là phương án sửa sai) như đã làm trong cải cách ruộng đất. Kinh nghiệm một năm trời (1956-1957) tôi trực tiếp đi sửa sai CCRĐ[1] ở Trực Ninh – Nam Định, khiến tôi vô cùng nhức nhối về vụ Đồng Tâm, thôi thúc tôi đưa ra phương án này.
Vụ Đồng Tâm xảy ra vì bất kỳ nguyên do gì – rồi sẽ phải làm rõ, nhưng đã làm cho đất nước lâm vào những khó khăn nội tại mới, rất nhạy cảm, đẩy đất nước lún sâu hơn nữa vào xu thế mang tính quy luật của chế độ toàn trị: nội trị xuống cấp, trấn áp gia tăng – ngày càng đi vào chiều hướng tới một điểm nào đó sẽ không thể đảo ngược được nữa, với triển vọng đen tối cho cả nước. Giữa lúc này những thách thức đối với nước ta và mọi nguy cơ uy hiếp mới nhiều bề từ bên ngoài ngày càng lớn. Toàn bộ thực tế quyết liệt này đòi hỏi nước ta sống hay là chết phải chuyển đoạn đi vào một thời kỳ phát triển mới, và sống hay là chết nước ta phải giành bằng được một vị thế quốc tế mới để thoát khỏi thế bị giằng xé và lệ thuộc hiện nay, để tự quyết định lấy vận mệnh của nước mình! Hòa bình và tương lai của đất nước đang quyết liệt đòi hỏi như vậy
- Tiếp tục đi sâu nữa vào con đường đang đi với triển vọng đen tối của chế độ toàn trị hiện nay đối với Đảng và đối với quốc gia, đành chịu để cho nội tình phân tán, chia rẽ, tiềm năng phát triển của đất nước tiếp tục bị kìm hãm, uy hiếp, nguy cơ đổ vỡ và bạo loạn bên trong gia tăng, ý chí chiến đấu của quốc gia có lúc mang những biểu hiện phân tán, tê liệt trước sự can thiệp từ bên ngoài và nguy cơ xâm lược?
- Hay là Đảng quyết rũ bỏ chế độ toàn trị này để mở đường sống cho bản thân mình và cho đất nước, đem tất cả nghị lực giành lấy một tương lai mới, nước mình tự làm chủ vận mệnh của mình trong một thế giới đầy bất định và giành giật nhau quyết liệt, để đất nước có hòa bình, phát triển và hạnh phúc?
Thực ra, ngay từ khi bước sang thế kỷ 21 đất nước ta đã đứng trước hai câu hỏi định mệnh nói trên, và từ hồi ấy cho đến hôm nay trong nước liên tục có nhiều tiếng nói cảnh báo rất sớm, nhưng vô ích. Cục diện quốc tế mới hôm nay quyết liệt và căng thẳng hơn rất nhiều, thôi thúc ráo riết ĐCSVN và đội ngũ lãnh đạo của Đảng phải hành động trước khi quá muộn. Xin hãy nhìn ra toàn thế giới và nhìn kỹ những gì hiện đang xẩy ra ở Đông Nam Á, trên Biển Đông, những diễn biến khác ở nhiều quốc gia – nhất là ngay trong khu vực mình.., để hiểu được hai câu hỏi định mệnh nêu trên đang ngày càng nóng bỏng đối với quốc gia!
Người đời nói và nói đúng: Ngoại trừ bị đập tan hay sụp đổ – chưa thấy một đảng cộng sản nào nắm quyền ở bất kỳ đâu trên thế giới này có thể tự thay đổi được chính nó.
Nhưng 4 cuộc trường kỳ kháng chiến cứu nước đã đòi hỏi dân tộc ta phải chịu đựng những hy sinh tổn thất không lời nào nói hết mới có được hôm nay. Vì thế tôi thấy dứt khoát phải làm mọi việc chặn đứng cho đất nước ta nguy cơ một cuộc bể dâu mới sẽ lại cướp đi tất cả, để quyết khai phá con đường sống cho đất nước và cũng là con đường tối ưu cho sự nghiệp của Đảng. Phải nói với nhau hết lời: Tình hình đã tới mức ĐCSVN cách mạng đã từng dẫn dắt nhân dân hoàn thành sự nghiệp độc lập thống nhất, nhưng hôm nay chỉ còn cách một cái xảy chân để có thể ngã xuống biến thành trở lực đối kháng của dân tộc, nhất là giữa lúc Việt Nam hôm nay đang có trong tay cơ hội vượt qua mọi thách thức hiểm nghèo để giành lấy một tương lai xán lạn! Chưa bao giờ như hôm nay Việt Nam đang được hầu hết mọi đối tác coi là điểm đến giầu tiềm năng và rất hứa hẹn trong thế giới đầy xáo động này! Bè bạn thế giới đều muốn có một Việt Nam là một nhân tố không thể thiếu cho hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực! Vì thế, hơn bao giờ hết, lãnh đạo Đảng phải chắt chiu từng cơ may nhỏ nhất, hội tụ mọi khát vọng cháy bỏng của nhân dân cả nước thành sức mạnh đổi đời đất nước. Nắm vận mệnh đất nước trong tay, nếu Đảng không thực hiện được sứ mệnh này sẽ là mắc trọng tội đối với đất nước và tổ tiên! Đấy là những lý do tôi quyết định nói với các Đồng chí:
Dựa vào trí tuệ và ý chí cả nước, với tất cả bản lĩnh lãnh đạo của mình, các Đồng chí phải có gan lựa chọn cho đất nước phương án sửa sai vụ Đồng Tâm, chặn đứng xu thế diễn biến cực kỳ nguy hiểm của độc tài toàn trị, để từ điểm nhấn dám sửa sai này, Đảng thực hiện bước đột phá: Phát huy dân chủ giải phóng sức mạnh cả nước mở ra một bước ngoặt chiến lược cứu nước cứu Đảng trong tình hình nguy hiểm mọi bề hôm nay, đưa đất nước đi vào một thời kỳ phát triển mới! Đảng chủ động làm như thế mới đúng là lãnh đạo, sẽ được lòng dân, cổ vũ được cái tốt trong toàn Đảng và cả nước, và chắc thắng; bạn bè thế giới sẽ hoan nhênh, hậu thuẫn! Đất nước sẽ chỉ mất đi sự lệ thuộc, cái yếu kém và tiêu cực! Có bản lĩnh thì phải quyết biến nguy cơ thành thời cơ như vậy! Chứ không phải là ngoan cố đối phó bằng cách tăng cường bắt bớ và độc đoán hơn nữa như đang diễn ra!
Xin nhấn mạnh: Bối cảnh trong ngoài khiến cho tình hình nước ta đã chín muồi để thực hiện quyết định lịch sử này! Nước ta hiện nay đã hội được mọi điều kiện đủ cho thực hiện quyết định lịch sử này, chỉ còn thiếu duy nhất điều kiện cần là ý chí của Đảng Cộng Sản Việt Nam!]
2. Nhằm đổi mới nhiệm vụ xây dựng Đảng trước những đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ mới trong thế giới quyết liệt thời đại dịch covid-19, đề nghị Đại hội XIII quyết định trong khóa Đại hội này sẽ tiến hành xây dựng một bộ Luật về Đảng Cộng Sản Việt Nam[2], để cụ thể hóa Điều 4 của Hiến pháp.
Mục đích của Luật này nhằm (i) làm rõ nội dung vai trò lãnh đạo của ĐCSVN đối với quốc gia, gắn việc thực hiện nhiệm vụ này với trách nhiệm ràng buộc của Đảng đối với quốc gia trong tình hình mới, (ii) ngăn ngừa tình trạng mất dân chủ, hoặc sự lạm dụng quyền lực và những tha hóa khác biến tướng vai trò lãnh đạo của Đảng thành vai trò thống trị / cai trị, (iii) tạo ra sự phân công rành rẽ để không gây ra chồng lấn, không có vùng trống, nghiêm cấm những hiện tượng lộng quyền, tiếm quyền.., không để xảy ra Đảng làm thay vai trò của những thành phần khác trong hệ hống chính trị của quốc gia – bao gồm Quốc Hội, Chính phủ và hệ thống chính quyền, hệ thống Mặt trận, (iv) góp phần nâng cao vai trò và năng lực của hệ thống Nhà nước là Quốc hội, vai trò Chính phủ và hệ thống chính quyền, xây dựng và phát huy vai trò xã hội dân sự, (v) góp phần vào những công việc của quốc gia nhằm nâng cao tính nhà nước dân chủ pháp quyền của quốc gia và tinh thần thượng tôn pháp luật trong cả nước, xây dựng những chuẩn mực đạo lý và pháp lý quốc gia phải có, vận dụng phổ cập nguyên tắc công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình như một đòi hỏi ràng buộc trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của toàn bộ đời sống đất nước – qua đó Đảng gương mẫu thực hiện tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, tất cả đều phải sống và làm việc theo pháp luật, không có ngoại lệ.
Tóm lại, đây là một bộ Luật nhằm phục vụ nhiệm vụ xây dựng về mặt pháp lý một ĐCSVN giầu trí tuệ và có phẩm chất, bản lĩnh vững vàng, hoạt động trong một quốc gia có hệ thống chính trị dân chủ pháp quyền ngày càng mạnh với một xã hội dân sự ngày càng phát triển. Nghĩa là: Bộ Luật này góp phần tạo ra tình hình Đảng và đối tượng Đảng phục vụ đều cùng mạnh lên và tiếp tục phát triển lành mạnh; khắc phục hiện trạng Đảng ngày càng tập quyền, trong khi đó đối tượng Đảng phục vụ ngày càng tha hóa do nhiều quyền tự do dân chủ bị tước đoạt và bị bưng bít trong chính sách ngu dân. Bộ Luật này sẽ là bước đi đầu tiên trong quá trình đổi mới, cải cách, để tiến tới xây dựng nên một thể chế chính trị của một nước phát triển. Luật này chủ yếu nên nhằm:
- Xác định về mặt pháp lý nội dung cần thực hiện vai trò lãnh đạo của ĐCSVN là những gì, gắn việc thực thi nhiệm vụ của vai trò này với trách nhiệm ràng buộc của Đảng đối với quốc gia, tất cả với tinh thần: Đảng tuyệt đối trung thành với tổ quốc và Hiến pháp, tôn trọng quyền của nhân dân làm chủ đất nước, cam kết chăm lo những quyền tự do – dân chủ và nghị lực sáng tạo của nhân dân vì đây là nguồn lực quyết định nhất của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, chịu sự phê phán – rèn luyện của nhân dân như một yếu tố tất yếu bảo vệ và phát huy phẩm chất và tính chiến đấu của Đảng.
- Luật này phải góp phần: không để xảy ra nhầm lẫn nhân dân với kẻ thù, không quy kết bừa bãi coi những ý kiến phản biện và những người bất đồng chính kiến là thế lực thù địch, nghiêm cấm mọi hiện tượng nhà nước công an trị, tăng cường kỷ cương của quốc gia và sự nghiêm minh của luật pháp.
[Ngay trước mắt, nên sớm trả lại tự do cho những người bị bắt giam, bị án tù, chỉ vì họ bất đồng chính kiến. Phải lấy đối thoại tìm ra lẽ phải, chỉ trị nước bằng lẽ phải. Từng việc làm của Đảng phải lấy thu phục lòng người bằng lẽ phải và chính nghĩa, nhất nhất chỉ vì dân vì nước – chứ không phải bằng trấn áp của bạo lực và dối trá. Phải như thế, để xây dựng nên trong lòng mỗi người dân thành lũy tinh thần không gì lay chuyển nổi bảo vệ đất nước và chế độ! Có dân sẽ có tất cả, mất dân sẽ dẫn đến mất nước và tự sát! Không có thế lực thù địch nào ở trong nước có thể lật đổ chế độ này, nhưng ách toàn trị là nguyên nhân ngày đêm tạo ra nguy cơ này. Vì vậy phải lấy thực hiện công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình để chủ động phòng ngừa mọi yếu kém, và giải quyết những yếu kém khi xảy ra.]
- Cần phải trung thực với lịch sử, tôn trọng lịch sử là thầy dạy của hiện tại và tương lai, nhất là phải rút ra từ lịch sử những bài học không được quên. Nhất thiết không được vẽ lịch sử, không được lạm dụng cứ mài lịch sử ra mà sống, để tự tôn vinh, ru ngủ, để ăn bám và khỏa lấp những yếu kém. Tệ hơn nữa, làm như thế còn là tiếp tục tự giam mình và mặc nhiên giam cả đất nước trong quá khứ – như đã và đang xảy ra. Làm như thế là Đảng tự đánh lừa mình, khuyến khích nói dối, tiếp tục làm tha hóa chính mình và đất nước một cách nguy hiểm. Thành lập viện này viện nọ mà không có học, không có tự do tư duy trong học tập, sẽ chỉ có thêm bằng rởm! Nhân đây phải nói những yếu kém của hệ thống tuyên giáo và báo chí của Đảng (thường được gọi là báo chí lề phải) góp phần làm trầm trọng thêm thực trạng này. Truyền thông và báo chí của hệ thống chính trị nặng về làm vai trò bảo vệ quyền lực toàn trị và trấn áp tinh thần, tư tưởng, che giấu / cắt xén sự thật, thiếu hay không có thông tin trung thực… Trong khi đó chưa làm được gì đáng kể cho nhiệm vụ nâng cao dân trí và phát triển tư duy cho sự tiến bộ của Đảng và của đất nước. Nhất thiết Đảng cần sớm khắc phục những sai lầm trầm trọng này, giao cho Tuyên giáo và hệ thống truyền thông báo chí nhiệm vụ xây dựng hòa hợp đoàn kết dân tộc, phát huy trí tuệ phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, khuyến khích văn hóa và những giá trị cao đẹp, bảo vệ những tiếng nói chân chính và chân lý, tuyên chiến với dối trá, cái ác, tham nhũng tiêu cực, sự đồi trụy, hủ tục và lạc hậu.
- Đặc biệt quan trọng là yêu cầu phát triển của đất nước ta và những thách thức quyết liệt của thế giới hôm nay đòi hỏi Đảng trên mặt trận truyền thông báo chí phải dành nỗ lực cao nhất cho sự nghiệp xây dựng con người Việt Nam tự do của một Việt Nam độc lập tự do, vị thế mới của đất nước đòi hỏi như vậy. Nhận về mình vai trò lãnh đạo đất nước, Đảng có trách nhiệm khuyến khích tự do trong tư duy để luôn luôn tìm đường đưa đất nước đi lên phía trước – không được coi đấy là diễn biến. Mặt khác phải xem nô dịch tư tưởng là một trọng tội đối với dân tộc không được phép phạm phải – vì nó làm thui chột sức sống và khả năng đề kháng của dân tộc. Sự trung thành đạo lý cao cả nhất đòi hỏi chỉ dành cho Tổ Quốc và Sự Thật![3] Ngay trước mắt, tuyên giáo và truyền thông báo chí phải được học lại, trang bị lại trí tuệ và bản lĩnh, để phục vụ đắc lực những nhiệm vụ cả nước phải làm mở ra bước ngoặt chiến lược cho phát triển đất nước.
- Cuộc sống có vận tốc ngày càng cao và đã vượt quá xa, nhưng Đảng đang tụt hậu rất nghiêm trọng về nhiều phương diện. Trong khi đó khoảng cách giữa năng lực và phẩm chất của Đảng so với nhiệm vụ hôm nay Đảng phải thực hiện rất lớn. Do đó với tính cách là lực lượng chính trị lớn nhất nước, Đảng hôm nay phải học lại, học cái mới, trau giồi phẩm chất và bản lĩnh mới, tri thức mới, phải làm tất cả mọi việc có thực chất thường xuyên tu dưỡng và đổi mới chính mình để bắt kịp, phải bổ khuyết sớm những thiếu hụt lớn về trí tuệ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hôm nay đòi hỏi. Nhất là phải làm cho Đảng trở thành nhân tố phát huy dân chủ và gìn giữ đoàn kết dân tộc trong đời sống đất nước – bắt đầu từ xây dựng dân chủ và đoàn kết hướng về phía trước trong Đảng, lời nói đi đôi với việc làm.
- Đảng cần phải tổ chức học lại và học mới như nói trên, để xây dựng mới cho toàn bộ đội cán bộ ngũ đảng viên của mình phẩm chất, trí tuệ, sự giác ngộ lợi ích của quốc gia và dân tộc, những kiến thức mới của phát triển, ý chí phấn đấu cho hạnh phúc của nhân dân và sự cường thịnh của Tổ quốc. Đảng cần rèn luyện nên mỗi đảng viên của mình là một chiến sỹ tiên phong của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, chứ không phải là một robot của Đảng! Vì những lẽ trọng đại đã trình bầy, trong khóa Đại hội XIII sớm muộn cần xây dựng lại Cương lĩnh và Điều lệ Đảng.
- Luật này còn đòi hỏi Đảng phải nghiêm khắc chống mọi hiện tượng giáo điều, bảo thủ, nạn bè phái, nhóm lợi ích, tệ sùng bái cá nhân, tham nhũng / tiêu cực, tệ nạn quan liêu ăn bám, thói xu nịnh, lừa dối… đang đẻ ra nhiều tội ác. Đấy là những kẻ thù nguy hiểm nhất của Đảng và thường trực tạo ra nguy cơ lớn cho quốc gia còn hơn giặc ngoại xâm.
- Đổi mới xây dựng Đảng về mặt tổ chức, để Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, và đồng thời qua đó nâng cao được phẩm chất và năng lực của những thành phần khác trong toàn bộ hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước (bao gồm Đảng, Hệ thống Nhà nước, Mặt trận…), phân nhiệm chặt chẽ giữa từng thành phần trong hệ thống, từng người phải làm đúng việc của mình trong biên chế – không thừa, không thiếu. Sự đổi mới như vậy toàn bộ hệ thống sẽ làm rõ trách nhiệm và nâng cao năng lực của từng thành phần trong hệ thống, tạo ra sự phân công mới rành rọt giữa các thành phần này, qua đó tránh được hiện tượng chồng chéo “3 trong 1” (bao gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận) rất quan liêu như hiện nay.
- Xin nhấn mạnh: Phát huy dân chủ trong Đảng, đồng thời tạo mọi điều kiện cho phát huy dân chủ trong mọi lĩnh vực của toàn bộ đời sống đất nước, đây chính là con đường thực hiện đoàn kết toàn dân tộc, giải phóng sức mạnh cả nước, nâng cao chất lượng toàn bộ hệ thống chính trị – nhà nước của quốc gia, mở ra và thúc đẩy cải cách chính trị do Đảng chủ xướng và tổ chức thực hiện, đưa đất nước vào một thời kỳ phát triển mới. Dân chủ của yêu nước là cái gốc của tự do, là nền tảng cho những giá trị của dân tộc và quốc gia, là yếu tố gắn bó keo sơn giữa nhân dân, tổ quốc và Đảng, và là chìa khóa của phát triển!
3. Đổi mới xây dựng Quốc hội theo tinh thần: (i) Hiến pháp là bộ luật tối cao của quốc gia, (ii) Quốc hội là cơ quan quyển lực cao nhất của cả nước, (iii) nâng cao năng lực kỹ trị trong việc xây dựng luật pháp và những chủ trương chính sách quan trọng của quốc gia, tăng cường khả năng chế tài việc thực thi pháp luật của cả nước. Quốc hội đại diện cho quyền lực và tiếng nói của nhân dân, không phải là cơ quan (thực thể) chấp hành (executive body) của quyền lực, do đó cần loại bỏ mọi hoạt động hình thức phô trương và hữu danh vô thực. Dưới đây là một số vấn đề nên đặc biệt quan tâm.
- Quốc hội Việt Nam từ khóa XV nên gọn nhẹ, ưu tiên hàng đầu là chất lượng đại biểu Quốc hội về trình độ chính trị và năng lực kỹ trị, rồi nếu tình hình cho phép mới tính đến cơ cấu các thành phần xã hội, nam nữ, tôn giáo, sắc tộc, tuổi tác, nghề nghiệp… Dứt khoát không cơ cấu ĐBQH cho đủ mâm bát giống như quy chế của Mặt trận. Theo tinh thần này, người ứng cử hay được đề cử phải chứng minh trước cử tri của mình lý lịch rõ ràng, là công dân không phạm pháp, có phẩm chất đạo đức, có bản lĩnh, trình độ học vấn và năng lực chuyên môn của mình. Vì không xây dựng quyền lập pháp theo chế độ lưỡng viện, do đó ngoại trừ một số ít trường hợp đặc biệt, người ứng cử hay được đề cử trước hết nên là người làm ăn sinh sống tại địa phương (tỉnh / thành phố…), phải hiểu rõ tình hình và những vấn đề, những đòi hỏi của địa phương, phải trình bầy được trước cử tri của địa phương mình những mục tiêu sẽ theo đuổi, và cam kết có sự ràng buộc pháp lý việc thực hiện nếu được bầu. Vì những lý do như vậy, nên bãi bỏ việc người từ tỉnh này được ứng cử hay được đề cử tại tỉnh khác.
- Nên xây dựng mới những quy chế, quy định, và cách hiệp thương – thảo luận – tranh luận công khai và dân chủ ở địa phương cho việc phát hiện / giới thiệu hiền tài (dù là đảng viên hay không phải đảng viên ĐCSVN), lựa chọn được đúng người đề cử hoặc khuyến khích ứng cử, sao cho có nhiều hiền tài tham gia việc nước, cử tri lựa chọn và bầu trực tiếp hiền tài, loại bỏ cách “đảng cử – dân bầu” như lâu nay.
- Số đại biểu QH quy định cho mỗi tỉnh nên là 3, mỗi thành phố trực thuộc TƯ là 5, riêng Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mỗi nơi sẽ là 6. Nhìn chung nên có khoảng ≤ 1/3 tổng số đại biểu QH là ĐBQH chuyên trách. Mỗi ĐBQH đều có 2 chức năng chính là (i) đại diện trực tiếp của tỉnh (địa phương) mình tại QH, và (ii) đồng thời là thành viên của QH gánh vác công việc quốc gia.
- Đại biểu Quốc hội không chuyên trách được giữ nguyên lương của cơ quan chủ quản và phải tiếp tục thực hiện công việc mình được trả lương, nhưng được dành một khoảng thời gian thích đáng để thực thi nhiệm vụ ĐBQH, đồng thời được hưởng thêm một khoản phụ cấp theo quy định chung của QH trong thời gian là ĐBQH. Nếu là ĐBQH chuyên trách, sẽ được hưởng lương quy định chung cho ĐBQH chuyên trách và các chế độ khác trong thời gian làm nhiệm vụ ở QH, và dừng việc nhận lương trong biên chế cũ trước khi trở thành ĐBQH chuyên trách. Mọi chế độ đãi ngộ dành cho ĐBQH không chuyên trách và chuyên trách sẽ kết thúc khi hết nhiệm kỳ hoặc nếu bị bãi miễn.
- Tiến hành mọi cải tiến, cải cách cần thiết để QH thực hiện được đầy đủ chức năng với hiệu quả cao nhất là cơ quan quyền lực cao nhất của quốc gia và đồng thời là cơ quan lập pháp của quốc gia như ghi trong Hiến pháp 2013, thể hiện được ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thay mặt nhân dân kiểm xoát toàn bộ sự vận động của quốc gia, thể hiện và thực thi được với ý thức trách nhiệm thiêng liêng và cao cả nhất quyền của nhân dân làm chủ đất nước. Thực tế này đòi hỏi phải nâng cao nền tư pháp quốc gia, sớm hình thành trong hệ thống Nhà nước hiện tại một thực thể pháp lý (a quasi-judicial body) làm chức năng của Tòa án Hiến pháp; khi tình hình cho phép sẽ tiến hành xây dựng Hiến pháp mới. [Chấm dứt hẳn tình trạng Đảng coi QH là công cụ của mình và ngồi trên tất cả – thể hiện rõ nhất qua việc nhiều ĐBQH công khai thừa nhận Bộ Chính trị là cấp trên của QH.]
4. Trong thời gian vừa qua một số người Việt Nam là học giả, các nhà kinh tế và các nhà kinh doanh, sống ở trong nước hoặc nước ngoài, có nhiều ý kiến, kiến nghị rất xác đáng về con đường phát triển của Việt Nam, về đổi mới cơ cấu kinh tế và thể chế vận hành quốc gia thời cách mạng công nghiệp 4.0, những cải cách kinh tế và chính trị phải làm để thực hiện những mục tiêu này… Xin trân trọng đề nghị Đảng, Quốc hội và Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt cho những ý kiến, kiến nghị này, huy động trí tuệ cả nước và hiền tài lập ra một loại hình think tank thường trực cho nhiệm vụ nghiên cứu / xây dựng chiến lược chung và những chiến lược từng lĩnh vực, những nhiệm vụ phải thực hiện cho việc mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước, đáp ứng được những đòi hỏi và thách thức của tình hình và nhiệm vụ mới. Xin đặc biệt quan tâm đến một số vấn đề trọng yếu sau đây.
- Cải cách thể chế chính trị để mở rộng dân chủ hóa, xây dựng nền giáo dục tiên tiến là nền tảng văn hóa và tinh thần của quốc gia, phát huy sức mạnh quan trọng nhất của đất nước là con người Việt Nam và nguồn nhân lực Việt Nam – đấy là 3 tiền đề nhất thiết phải tạo ra cho việc phát triển đất nước trong tình hình và nhiệm vụ mới. 3 yếu tố này mang tính chất dĩ bất biến ứng vạn biến, giúp cho quốc gia giành được cơ hội đang đến, đối phó được mọi thách thức dưới bất kỳ hình thức nào – kể cả chiến tranh xâm lược nếu xảy ra. Nên dành mọi nỗ lực có thể cho việc hình thành tầng lớp doanh nhân Việt Nam mạnh với thương hiệu Việt Nam cho đất nước! Xin lưu ý, vì thiếu 3 tiền đề “dĩ bất biến” kể trên nên đã không hoàn thành được chiến lược công nghiệp hóa đất nước vào năm 2020. Như vậy triển vọng thực hiện chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045 đã đề ra sẽ như thế nào?
- Cần nắm bắt được nội dung và xu thế vận động đang diễn ra của cách mạng công nghiệp 4.0 để tái cơ cấu kinh tế đất nước, phát triển các ngành khoa học / kỹ thuật và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn và lực lượng lao động có tay nghề cao để đáp ứng, đổi mới thể chế vận hành quốc gia, và giải phóng mọi nguồn lực – bao gồm cả xây dựng và phát huy vai trò nền kinh tế số, để làm ra những sản phẩm mới Việt Nam đang có những lợi thế lớn nhất…
- Không thu hút mọi FDI và bằng bất cứ giá nào, không để cho FDI trở thành yếu tố lôi kéo và khuynh đảo sự vận động và xu hướng phát triển kinh tế đã lựa chọn của đất nước như đã và đang xảy ra – nổi lên hiện nay là tình trạng: Càng thu hút được nhiều FDI, kinh tế quốc dân càng ngả lệch sang phát triển theo chiều rộng với nhiều hệ quả nặng nề. Phải chuyển hẳn sang thời kỳ chủ động chọn lọc và thu hút FDI nhằm phục vụ tối ưu chiến lược phát triển của đất nước – với phương châm: FDI phải thúc đẩy sự phát triển mới đất nước muốn lựa chọn, dứt khoát loại bỏ FDI tạo ra sự lệ thuộc và những tiêu cực mới. Lấy nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế nước nhà và trình độ của Nhà nước trong quản lý và vận hành nền kinh tế để thực hiện phương châm này.
- Cần đặc biệt quan tâm và coi phát triển bền vững là ưu tiên số 1 trong khi tận dụng mọi cơ hội cho tăng trưởng kinh tế, dành mọi nỗ lực có thể cho việc phát triển kết cấu hạ tầng của quốc gia, cải thiện – bảo vệ môi trường tự nhiên, nhất quyết xây dựng tiết kiệm là quốc sách hàng đầu, giữ chữ tín trong làm ăn kinh tế trong nước cũng như trong kinh tế đối ngoại.
5. Về đối ngoại nên quán triệt phương châm: Cần xây dựng một nền nội trị vững mạnh và kiên cường làm nền tảng cho một nền ngoại giao dấn thân vì lợi ích quốc gia và vì trách nhiệm phải có của một nước thành viên có bản lĩnh và được tôn trọng trong cộng đồng các quốc gia trên thế giới. Đấy phải là một nền ngoại giao phát huy được truyền thống lịch sử của đất nước lấy đại nghĩa thắng hung tàn, kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, tạo ra được cho quốc gia sự tập hợp lực lượng phải có trên thế giới, chủ động vận dụng sáng tạo mọi thể chế và luật pháp quốc tế hiện hành, tất cả để phục vục triệt để nhất sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Ở vị trí địa đầu tại khu vực ĐNÁ, sống hay là chết, không muốn làm đe thì phải làm búa (J. W. Goethe), Việt Nam nhất thiết phải xây dựng cho mình một nền ngoại giao của một nhân dân trưởng thành, được trang bị mọi thông tin, hiểu biết và nhận thức phải có, được trau giồi lòng yêu nước, ý chí và khả năng chiến đấu của người chiến sỹ trên mặt trận đối ngoại – không khác gì những đòi hỏi về lòng yêu nước, phẩm chất và khả năng chiến đấu phải có của toàn dân là chiến sỹ trên chiến trường khi đất nước có ngoại xâm. Bởi vì, để sống và vươn lên được trong thế giới quyết liệt hôm nay, Việt Nam – là một quốc gia có gần 100 triệu dân và một cộng đồng gần 10 triệu người Việt sống ở nước ngoài – cả nước ta, trước hết là ĐCSVN – cần vượt lên quá khứ, chiến thắng mọi hận thù, vượt qua mọi giả dối, sớm xây dựng cho quốc gia mình những giá trị, bản lĩnh và khả năng thực hiện, để quyết lấy mở rộng dân chủ xây dựng thành công một nền ngoại giao của đại đoàn kết và hòa hợp dân tộc “người Việt Nam vì tổ quốc Việt Nam!” – một thế mạnh bất khả chiến bại của nước ta! Nhưng nếu không làm được như vậy, thế mạnh quyết định này sẽ trở thành thách thức thường trực rất nguy hiểm đối với đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói nhiều lần: Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết! Làm mọi việc để người dân thực sự là chủ của đất nước, chắc chắn sẽ thực hiện được.
Gần một nửa thế kỷ đất nước độc lập thống nhất là thời gian quá chín muồi để cả nước và toàn Đảng nhận thức được tầm vóc nhiệm vụ chiến lược sống còn nêu trên và cần quyết tâm thực hiện. ĐCSVN dẫn dắt đất nước thực hiện thành công nhiệm vụ chiến lược sống còn này, sẽ minh chứng và khẳng định thuyết phục vai trò lãnh đạo của mình đối với quốc gia, và chỉ có làm được như thế mới đích thực là thực hiện vai trò lãnh đạo! Hơn thế nữa xin lưu ý, bối cảnh lịch sử và những thách thức mới đất nước hôm nay phải đối mặt đặt lên vai ĐCSVN – người đã đưa đất nước đi con đường Cách Mạng Tháng Tám – trọng trách: Tiếp tục con đường đã dẫn dắt đất nước trong những thập kỷ vừa qua, hôm nay Đảng có trách nhiệm ràng buộc phải thực hiện thành công nhiệm vụ trọng đại này, để hoàn thành thắng lợi cuối cùng này[4] của Cách mạng Tháng Tám cho Tổ Quốc.
Thưa Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và toàn thể Bộ Chính trị,
Đòi hỏi sống còn của đất nước và tiền đồ của Đảng chỉ dành cho lãnh đạo Đảng hôm nay con đường duy nhất dẫn dắt đất nước đi đến thành công, đó là:
Đảng phải nhìn thẳng vào sự thật, giác ngộ nhiệm vụ phải thực hiện trong tình hình và nhiệm vụ mới hôm nay, học hỏi để đổi đời chính mình với ý chí Tổ quốc trên hết. Đồng thời qua mở rộng dân chủ phát huy trí tuệ cả nước quyết mở ra bước ngoặt chiến lược về phát triển để cứu nước cứu Đảng như đã trình bầy sơ bộ trong kiến nghị này, lấy thực hiện dân chủ giải phóng sức mạnh của nhân dân, tổ chức toàn Đảng và toàn dân đoàn kết quyết tâm thực hiện!
Vì mọi quyền lực vẫn đang nguyên vẹn trong tay, do đó Đảng đang có cơ hội tốt nhất và hoàn toàn có thể chủ động bắt đầu sự nghiệp đổi đời đất nước từ việc Đảng tự xây dựng lại chính mình trước thành đảng của dân tộc và dân chủ, có trí tuệ và bản lĩnh. Đấy là con đường giúp Đảng gắn bó với nhân dân, chứ không phải là ngồi trên nhân dân, thực hiện đúng cam kết Đảng không có mục đích nào cao cả hơn và cũng không có lợi ích nào khác là phục vụ nhân dân và phụng sự tổ quốc. Được như vậy, rồi Đảng sẽ biết phải làm gì trong những bước tiếp theo mà kiến nghị này đã sơ bộ gợi ý những việc cần làm ngay trước mắt, và nhất định sẽ làm được. Chậm trễ sẽ không còn gì để làm ngoài gánh chịu hậu quả và kéo đất nước vào tai ương khôn lường. Song trong trường hợp này, nhân dân nhất định sẽ đứng lên tự quyết định lấy vận mệnh của mình, đất nước này và dân tộc này không bao giờ khoanh tay chịu chết! Điều này đã được chứng minh suốt từ thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc cho đến hôm nay. Còn nhiều vấn đề khác, xin được bàn vào dịp khác. Cái khó nhất trước sau vẫn là Đảng phải chiến thắng chính mình trước tiên!
Những căng thẳng mới đang diễn ra trong khu vực ĐNÁ, Biển Đông đang trên miệng hố chiến tranh, và những thay đổi tại một số quốc gia ở đây đang nhắc nhở nghiêm khắc đất nước ta về những bài học xương máu trong quá khứ của cuộc chiến tranh Trung Quốc xâm lược biên giới nước ta 17-02-1979 và mối liên kết của nó với cuộc chiến tranh của Khmer đỏ chống nước ta ở phía Tây Nam. Cuộc sống trong thế giới khắc nghiệt hôm nay chỉ giành cho một Việt Nam có phẩm chất và bản lĩnh, để có thể chủ động với hiệu quả cao nhất vận dụng chiến lược và sách lược phải có, tự quyết định lấy vận mệnh của chính mình. Chỉ như vậy mới có thể gìn giữ được hòa bình, phấn đấu thành công cho hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển trong khu vực và trên thế giới, cho phép sẵn sàng chiến đấu và quyết chiến thắng bất kỳ cuộc chiến tranh xâm lược mới nào chống nước ta nếu xảy ra.
Núi xương sông máu ba thế hệ liên tiếp dân tộc ta đã phải đổ ra để có độc lập thống nhất hôm nay. Một giọt máu nào của dân rơi xuống dù ở đâu hay bên nào cho cõi đất này đều là máu người Việt ta! Nhưng chưa bao giờ cơ đồ và con đường sống của nước ta đang bị bạo quyền bên ngoài lăm le chặn đứng như hôm nay! Không loại trừ một cuộc xâm lược mới! Chưa bao giờ như hôm nay những sai lầm, yếu kém, tham nhũng, sự ngu dốt và bao nhiêu cái ác khác của chính chúng ta nếu không được chặn đứng sẽ có ngày xô đẩy đất nước ta một lần nữa vào cảnh nồi da xáo thịt, cho bên ngoài đục nước béo cò! Bao chùm lên tất cả là đại dịch covid-19 đang hoành hành và đảo lộn cả thế giới, không phân biệt giầu nghèo, ý thức hệ, tôn giáo, châu lục, quốc gia. Những tác nhân gây ra đại dịch và những hệ quả của nó đang thách thức quyết liệt và ghê tởm sự sống còn của từng quốc gia! Sống chỉ dành cho trí tuệ và bản lĩnh chiến thắng được tội ác và cái chết!
Vì vậy, từng đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam – từ Tổng bí thư cho đến đảng viên thường – xin hãy nén lại cái tôi trong chính con người mình, để có đủ lương tri và lòng yêu nước biết đau nỗi đau của dân tộc, biết nhục nỗi nhục của dân tộc, biết lo những mối nan nguy nhiều bề chưa từng có phía trước đang đe dọa đất nước! Bốn cuộc kháng chiến cứu nước đằng đẵng và đẫm máu không phải là để tạo ra cho nhân dân ta những bất công và sự kìm kẹp như đang xảy ra, sự phát triển đất nước đạt được phải trả cái giá quá đắt và đang bị ụy hiếp, đất nước bị làm hỏng nhiều mặt, hiện nay đang bị lệ thuộc và thách thức nguy hiểm. Từng đảng viên của Đảng quyết không được phản bội một hy sinh nào của dân tộc và của những bậc tiền bối, quyết không được bỏ qua bất kỳ mất mát nào của đất nước![5] Không có gì quý hơn độc lập tự do của Tổ Quốc! (Hồ Chí Minh).
Hơn bao giờ hết toàn Đảng phải trung thành với lời thề cứu nước đã viết trên lá cờ Đảng kể từ ngày thành lập, bảo vệ mọi thành quả dân tộc đã giành được, hôm nay phải lột xác phấn đấu làm đội quân tiên phong của dân tộc vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình và nhiệm vụ mới!
Hơn bao giờ hết toàn Đảng phải đoàn kết hy sinh phấn đấu cho quyền sống và hạnh phúc của nhân dân!
Chịu ơn sâu nghĩa nặng của nhân dân, mỗi đảng viên hãy giữ trong tim mình Tổ Quốc và Sự thật! Phải dám sống vì Tổ Quốc và Sự Thật, để mỗi đảng viên sẽ tìm ra con đường sống cho mình và cho đất nước!
ĐCSVN hôm nay chỉ có thể thực hiện được nghĩa vụ cam kết của mình đối với dân tộc trong giai đoạn phát triển mới của đất nước bằng cách Đảng phải xây dựng cho mình đội ngũ cán bộ đảng viên có trái tim, ý chí và trí tuệ dám sống vì Tổ quốc và Sự thật.
Thưa Tổng bí thư – Chủ tịch nước và toàn thể Bộ Chính trị,
Trên đây tôi đã trình bầy những kiến nghị và suy nghĩ của mình về 5 vấn đề lớn của đất nước, mong các Đồng chí cân nhắc thấu đáo, đề đạt với Đại hội XIII những việc nên làm trong khóa Đại hội này. Nếu bỏ ngoài tai, kiến nghị này sẽ là lời cảnh tỉnh!
Xin gửi các Đồng chí lời chào trân trọng.
Hết
Nguyễn Trung, nguyên trợ lý cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Hà Nội, Võng Thị, ngày 12-10-2020
(Đã gửi cùng ngày, được xem lại và bổ khuyết ngày 18-10-2020)
[1] Tham khảo thêm thư của cố lão thành cách mạng Chu Đình Xương 03-1982 về cải cách ruộng đất – http://vanviet.info/tu-lieu/thu-cua-ng-chu-dnh-xuong-gui-cho-ban-chap-hnh-trung-uong-dang-cong-san-viet-nam/
[2] Tham khảo thêm: Nguyễn Trung, “Lũ”, NXB Tre Xanh, USA, 2015, tập hai, chương 26, tr. 362… http://nguyentrung-vt.blogspot.com/search/label/A1%20%22L%C5%A9%22%20-%20Final%20Draft%20April%202015
[3] Sự thật có ý nghĩa quan trọng tới mức có thể nói ĐCS Liên Xô đã ra đời với tờ báo chiến đấu của mình là SỰ THẬT (PRAVDA). Tiếc rằng sư tha hóa của Liên Xô cuối cùng đã chôn vùi tờ báo này về cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Những người cộng sản Nga hôm nay đang tìm cách cứu lại tính chiến đấu cho PRAVDA. ĐCSVN có nhà xuất bản SỰ THẬT, nhưng thành quả thật nghèo nàn!
[4] Khẩu hiệu có ý nghĩa quyết định của Việt Minh đưa ra làm nên thành công cho Cách mạng Tháng Tám là “Nước Việt Nam của người Việt Nam!”.
[5] Tham khảo thêm: Nguyễn Trung, “Dòng đời”, NXB Văn Nghệ, TPHCM – 2006, quyển hai, tập IV, chương 30, tr. 857 – http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/index.htm
Nguồn: http://viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_KienNghi181020.html
Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2020
Đọc Đạo đức kinh của Lão Tử qua lăng kính phương Tây
Có một vật hỗn độn mà thành trước cả trời đất. Nó yên lặng, vô hình, đứng một mình mà không thay đổi vĩnh cửu, vân hành khắp vũ trụ không ngừng, có thể coi nó nó là mẹ của vạn vật trong thiên hạ. Ta không biết tên nó là gì, tạm đặt tên cho nó là đạo.Theo Bản dịch Đạo đức kinh bằng tiếng Anh của Stan Rosenthal. 1. Có một vật hỗn độn mà thành trước cả trời đất. Nó yên lặng, vô hình, đứng một mình mà không thay đổi vĩnh cửu, vân hành khắp vũ trụ không ngừng, có thể coi nó nó là mẹ của vạn vật trong thiên hạ. Ta không biết tên nó là gì, tạm đặt tên cho nó là đạo.
2. Đạo trời không tranh mà khéo thắng, không nói mà khéo đáp, không gọi mà vạn vật tự tới, bình thản vô tâm mà khéo mưu tính mọi việc. Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt.
3. Lời nói chân thật thì không hoa mỹ, lời nói hoa mĩ thì không chân thật. Người thiện thì không cần phải biện giải [vì hành vi tốt rồi], người nào phải biện giải cho mình là người “không thiện”. Người biết thì không nói, người nói là người không biết.
4. Người ta sinh ra thì mềm yếu mà khi chết thì cứng đơ. Thảo mộc sinh ra thì mềm dịu mà khi chết đi thì lại khô cứng. Cho nên cứng mạnh là cùng loài với chết, mềm yếu là cùng loài với sống. Vì vậy binh mạnh thì không thắng, cây cứng thì bị chặt. Cứng mạnh thì phải ở dưới, mềm yếu lại được ở trên.
5. Mạnh mẽ về dám làm [tức quả cảm, cương cường] thì chết, mạnh mẽ về không dám làm [tức thận trọng, nhu nhược] thì sống. Hai cái đó cùng là mạnh mẽ, mà một cái thì được lợi, một cái lại bị hại; ai mà biết được tại sao trời lại ghét cái đó [quả cảm, cương cường]?
6. Người nào hứa một cách dễ dàng quá thì khó tin được, người nào cho việc gì cũng dễ làm thì sẽ gặp nhiều cái khó. Cho nên người hiểu đạo coi việc gì cũng khó mà rốt cuộc không gặp cái gì khó.Cái có từ cái không mà ra. Không có nghĩa là không có gì cả nhưng phải có cái gì thì mới có cái không có.
7. Cái gì an định thì dễ nắm, giòn thì dễ vỡ, nhỏ thì dễ phân tán. Ngăn ngừa sự tình từ khi chưa manh nha, trị loạn từ khi chưa thành hình.
8. Cây lớn một ôm, khởi sinh từ một cái mầm nhỏ; đài cao chín tầng khởi đầu từ một sọt đất, đi xa ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân.Người ta làm việc , thường gần tới lúc thành công thì lại thất bại, vì không cẩn thận như lúc ban đầu, dè sau như trước thì không hỏng việc.
9. Người hiểu đạo trị thiên hạ theo chính sách vô vi, giữ thái độ điềm đạm. Xem cái nhỏ cũng như cái lớn, cái ít như nhiều, lấy đức báo oán. Giải quyết việc khó từ khi còn dễ, thực hành việc lớn từ khi còn nhỏ [vì việc khó trong thiên hạ khởi từ chỗ dễ, việc lớn khởi từ nhỏ]. Cho nên thánh nhân trước sau không làm việc gì lớn mà thực hiện được việc lớn.
10. Đạo lớn bị bỏ rồi mới có nhân nghĩa, mưu trí xuất hiện rồi mới có trá ngụy, gia đình bất hòa rồi mới sinh ra hiếu từ, nước nhà rối loạn rồi mới có tôi trung.
11. Trời đất bất nhân, coi vạn vật như chó rơm; thánh nhân bất nhân, coi trăm họ như chó rơm [Luật thiên nhiên không có tình thương của con người, cứ thản nhiên, vô tâm với vạn vật, mùa xuân tươi tốt, mùa đông điêu tàn…]. Khoảng giữa trời đất như cái ống hơi; hư không mà không kiệt, càng chuyển động hơi lại càng ra. Càng nói nhiều lại càng khốn cùng, không bằng giữ sự hư tĩnh.
12. Muốn cho vật gì thu rút lại thì tất hãy mở rộng nó ra đã. Muốn cho ai yếu đi thì tất hãy làm cho họ mạnh lên đã. Muốn phế bỏ ai thì tất hãy đề cử họ lên đã. Muốn cướp lấy vật gì thì tất hãy cho đã. Hiểu như vậy là sâu kín mà sáng suốt. Vì nhu nhược thắng được cương cường.
13. Ngũ sắc làm cho người ta mờ mắt; ngũ âm làm cho người ta ù tai; ngũ vị làm cho người ta tê lưỡi, ruỗi ngựa săn bắn làm cho lòng người ta mê muội, vàng bạc làm cho hành vi người ta đồi bại. Cho nên bậc đắc đạo cầu no bụng mà ko cầu vui mắt, bỏ cái xa xỉ, đa dục mà chọn cái chất phác, vô dục. Bậc đắc đạo bận áo vải thô mà ôm ngọc quý trong lòng.
14. Trời đất trường cửu. Sở dĩ trời đất trường cửu được là vì không sống riêng cho mình, nên mới trường sinh được.Vì vậy thánh nhân [người đắc đạo] đặt thân mình ở sau mà thân lại được ở trước, đặt thân mình ra ngoài mà thân mới còn được. Như vậy chẳng phải vì thánh nhân không tự tư mà thành được việc riêng của mình ư?
15. Người quân tử gặp thời thì mặc áo gấm mà ngồi xe ngựa, không gặp thời thì mặc áo vải thô mà đi chân đất.
16. Không trọng người hiền để dân không tranh, không quý của hiếm để dân không trộm cắp,không phô bày cái gì gợi ham muốn, để lòng dân không loạn.Chính trị của thánh nhân là làm cho dân lòng thì hư tĩnh, bụng thì no, không ham muốn, không tranh giành, xương cốt thì mạnh.Khiến cho dân không biết, không muốn mà bọn mưu trí thì không dám hành động. Theo chính sách vô vi thì mọi việc đều trị.
17. Không học thì không phải lo. Càng theo học thì mỗi ngày dục vọng, “hữu vi” càng tăng, theo đạo thì mỗi ngày dục vọng càng giảm, vô vi càng tăng.
18. Ta có ba vật báu mà ta ôm giữ cẩn thận, một là lòng nhân ái, hai là tính tiết kiệm, ba là không dám đứng trước thiên hạ.
19. Vì nhân ái mà sinh ra dũng cảm, vì tiết kiệm mà sinh ra sung túc, rộng rãi, vì không dám đứng trước thiên hạ mà làm chủ được thiên hạ. Nếu không nhân ái mà mong được dũng cảm, không tiết kiệm mà mong được rộng rãi, không chịu đứng sau mà tranh đứng trước người thì tất hỏng việc. Trời muốn cứu ai thì cho người đó lòng nhân ái để tự bảo vệ, lấy lòng nhân ái mà giúp người đó.
20. Người sáng suốt nghe đạo thì gắng sức mà thi hành, người bình thường nghe đạo thì nửa tin nửa ngờ, người tăm tối nghe đạo thì cười rộ. Nếu không cười thì đạo đâu còn là đạo nữa?
21. Nước là vật cực mềm mà lại thắng được vật cực cứng là đá [nước chảy đá mòn]. Nước là vật cực kì mềm mại, nó luôn tìm chỗ thấp mà tới [khiêm nhường], ngày đêm chảy không ngừng, bốc lên thì thành mưa, chảy xuống thì thành sông rạch, thấm vào lòng đất để nuôi vạn vật. Tự nó không ngừng biến đổi, lại sinh ra mọi loài. Nó không tranh với ai, lựa chỗ thấp mà tới, gặp cái gì cản thì nó uốn khúc mà tránh đi, cho nên đâu nó cũng tới được.
22. Vật gì bén nhọn thì dễ gẫy. Ráng giữ cho chậu đầy hoài, chẳng bằng thôi đi; con dao cố mài cho bén nhọn thì lại không bén lâu. Vàng ngọc đầy nhà, làm sao mà giữ nổi? Giàu sang mà kiêu căng là tự rước họa vào thân.
23. Ba mươi nan hoa cùng quy vào một cái bánh, nhưng chính nhờ khoảng trống không trong cái bánh mà xe mới dùng được. Nhồi đất sét để làm chén bát, nhưng chính nhờ cái khoảng trống không ở trong mà chén bát mới dùng được. Đục cửa, cửa sổ để làm nhà, chính nhờ cái trống không đó mà nhà mới dùng được. Vậy ta tưởng cái “có” [bánh, chén bát, nhà] có lợi cho ta mà thực ra cái “không” mới làm cho cái “có” hữu ích.
24. Người đời được vinh hay bị nhục thì lòng sinh ra rối loạn, sợ vạ lớn thì sinh ra rối loạn. Tại sao vinh, nhục thì lại sinh ra rối loạn? Là vì vinh thì được tôn, nhục thì bị hèn; được thì lòng rối loạn [mừng rỡ mà!]; mất thì lòng rối loạn [rầu rĩ mà!]; cho nên mới bảo là vinh, nhục sinh ra rối loạn. Vậy phải làm sao? Chúng ta sỡ dĩ sợ vạ lớn là vì chúng ta có cái thân. Nếu chúng ta quên cái thân mình đi, thì còn sợ gì lòng sinh ra rối loạn nữa?! Cho nên kẻ nào coi trọng sự hy sinh thân mình cho thiên hạ, thì có thể tin cậy vào kẻ đó được.
25. Ai có thể đang đục mà lắng xuống để từ từ trong ra? Ai có thể đang hư tĩnh mà phát động để lần lần sinh động lên? Người nào giữ được đạo ấy thì không tự mãn, không cố chấp, cũng không tự ái. Vì vậy nên mới có thể bỏ cái qua cái cũ mà chấp nhận cái mới được.
26. Kẻ đứng một chân thì không thể đứng được lâu, kẻ xoạc chân ra thì không thể đi được, kẻ tự biểu hiện mình thì không bao giờ chói lọi, kẻ tự kể công thì không có công, kẻ tự phụ thì chẳng khuyên bảo được ai, kẻ vẽ rắn thêm chân thì không trường cửu. Thái độ đó được ví như đồ ăn thừa, những ung nhọt ai ai cũng ghét.
27. Ai cũng cho cái đẹp là đẹp do đó mà phát sinh ra quan niệm cái xấu; ai cũng cho cái thiện là thiện do đó mà phát sinh ra quan niệm về cái ác. Tại sao con người thích cái đẹp mà lại không thích cái xấu? Là vì “có” và “không” sinh ra lẫn nhau, “dễ” và “khó” tạo nên lẫn nhau, cao thấp dựa vào nhau mà tồn tại…
28. Kẻ biết người là người khôn, kẻ tự biết mình là người sáng suốt. Thắng được người là có sức mạnh, thắng được mình là kiên cường. Kẻ biết thế nào là đủ là người giàu; kẻ gắng sức là người có chí. Kẻ nào ko rời bỏ những điều trên thì sẽ được lâu dài, chết mà không mất là trường thọ.
29. Hồn nhiên, vô tư, vô dục như đứa trẻ mới sanh là có đức dày, ai cũng yêu quý, muốn đạt như vậy không phải là dễ. Đứa trẻ mới sinh độc trùng ko chích, mãnh thú không ăn thịt, ác điểu ko vồ. Xương yếu gân mềm mà tay nắm rất chặt, suốt ngày gào hét mà giọng ko khản, như vậy là khí cực hòa.
30. Dứt thánh hiền, bỏ mưu trí dân lợi gấp trăm; dứt nhân bỏ nghĩa, dân lại hiếu từ; dứt trí xảo bỏ lợi, không có trộm giặc.Ba cái đó (thánh trí, nhân nghĩa, xảo lợi) vì là cái văn vẻ bề ngoài không đủ để trị dân nên phải bỏ; khiến cho dân quy về điều này: ngoài thì mộc mạc, trong thì giữ sự giản phác, giảm tư tâm bớt dục vọng mới là tích cực.
31. Dạ (giọng kính trọng) khác với ơi (giọng xem thường) bao nhiêu? Thiện với ác khác nhau như thế nào? Cái mọi người sợ ta không thể không không sợ. Việc học rộng lớn thay, không sao hết được.
32. Mọi người hớn hở như hường bữa tiệc lớn, như mùa xuân lên đài; riêng ta điềm tĩnh, không lộ chút tình ý gì như đứa trẻ chưa biết cười, rũ rượi mà đi như không có nhà để về. Mọi người có thừa, riêng ta như thiếu thốn, lòng ta ngu muội, đần độn thay! Mọi người đều có chỗ để dùng, riêng ta ngoan cố mà bỉ lậu. Riêng ta khác người mà quý mẹ của muôn loài (tức đạo).
33. Vạn vật tuần hoàn, âm cực dương sinh, lúc sinh lúc tử, trăng tròn trăng khuyết. Vạn vật biến đổi rồi trở lại cái bản thể của nó (trở về với đạo). Từ xưa đến nay, đạo tồn tại hoài, nó sáng tạo ra vạn vật. Chúng ta do đâu biết được bản chất vạn vật? Đó là do đạo.
34. Thánh nhân ôm giữ lấy đạo làm phép tắc cho thiên hạ. Không tự biểu hiện cho nên mới sáng tỏ, không tự cho là phải nên mới chói lọi, không tự kể công nên mới là có công, không tự phụ cho nên mới hơn người. Chỉ vì không tranh với ai nên không ai tranh với mình được.
35. Người xưa bảo: “Cong (chịu khuất phục) thì sẽ được bảo toàn”, đâu phải hư ngôn! Nên chân thành giữ vẹn cái đạo mà về với nó. Trong trời đất có bốn cái lớn mà người là một. Người bắt chước trời, trời bắt chước đạo, đạo bắt chước tự nhiên.
36. Ít nói thì hợp với đạo. Cho nên gió lốc không thể thổi suốt buổi sáng, mưa rào không suốt ngày. Ai làm nên những cái ấy? Chính là do trời đất. Trời đất còn không thể lâu được, huống hồ là con người?
37. Vì binh khí là vật bất tường (chẳng lành, gây họa), ai cũng ghét cho nên người giữ đạo không dùng binh khí. Bất đắc dĩ phải dùng đến nó, mà dùng đến thì điềm đạm là hơn cả. Thắng cũng không cho là hay, nếu cho là hay tức là thích giết người. Kẻ nào thích giết người thì không trị được thiên hạ.
38. Việc lành thì trọng bên trái, việc dữ thì trọng bên phải. Giết hại nhiều người thì nên lấy lòng bi ai mà khóc, chiến thắng thì nên lấy tang lễ mà xử.
16/10/2020Theo http://redsvn.net/
Theo Bản dịch Đạo đức kinh bằng
tiếng Anh của Stan Rosenthal.
Thứ Ba, 6 tháng 10, 2020
Đặc điểm, ý nghĩa và ảnh hưởng của tiết thu phân
Tiết thu phân là một định nghĩa được bắt nguồn từ Trung Quốc và là một trong hai mươi tư tiết khí của nông lịch. Việc dựa vào những tiết khí này giúp con người hiểu rõ được đặc điểm của thời tiết, từ đó lựa chọn được loại cây trồng và hoa màu phù hợp. Trồng đúng loại cây và hoa màu phù hợp sẽ giúp mang lại hiệu quả năng suất cao hơn và không bị mất mùa. Để hiểu rõ hơn về đặc điểm cũng như ý nghĩa của tiết thu phân thì các bạn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu dưới bài viết này nhé.
I. Tiết thu phân là gì
Tiết thu phân là một tiết khí nằm trong hai mươi tư tiết khí nông lịch của người Việt Nam xưa, đây là lịch có bắt nguồn từ Trung Quốc và lưu truyền về nước ta. Tiết thu phân là tiết khí có sự khởi đầu bằng điểm giữa của mùa. Theo khoa học phương Tây thì thời điểm bắt đầu của thu phân chính là tại Bắc bán cầu. Đây được xem là thời điểm có sự liên quan đến vị trí của các hành tinh nằm trong quỹ đạo xoay quanh mặt trời theo thuật ngữ của thiên văn học các nước Phương Tây. Tiết thu phân chính là lúc kinh độ mặt trời bằng đúng 180 độ.
Khái niệm thu phân được hiểu theo nghĩa như sau “phân” có nghĩa là ranh giới, phân chia hai điểm có vị trí bằng nhau hoặc hai vật cân đối, ví dụ như là đường phân giác là đường thẳng chia đôi một góc thành hai góc bằng nhau. Còn “thu” thì mang nghĩa là mùa thu. Vì vậy mà tiết thu phân chính là một tiết khí, khoảng thời gian nằm giữa mùa thu.
II. Đặc điểm và ngày bắt đầu tiết thu phân
1. Ngày bắt đầu tiết thu phân
Theo như cách tính của nông lịch và người xưa, thì tiết thu phân là khoảng thời gian thường bắt đầu từ ngày 23 hoặc 24 tháng 9 và sẽ kết thúc vào ngày 8 tháng 10 theo dương lịch. Đây chính là thời điểm có liên quan trực tiếp đến vị trí của các hành tinh xoay quanh quỹ đạo mặt trời. Vào ngày đầu tiên bắt đầu tiết khi thu phân thì mặt trời sẽ nằm ở vị trí xích kinh 180 độ. Trong tiết khí thu phân, nếu bạn quan sát kỹ thì sẽ thấy mặt trời mọc chính xác ở phía Đông và lặn chính xác ở phía Tây, đây là điểm rất đặc biệt trong tiết thu phân.
Trong suốt quãng thời gian diễn tiết khí thu phân, thì trước và sau thời điểm này khoảng 3 tháng thì mặt trời dường như có xu hướng mọc và lặn mỗi ngày sẽ nhích dần về phía Nam và đến vị trí xích đạo.
2. Đặc điểm của tiết thu phân
Ngày đầu tiên diễn ra tiết thu phân vào đúng 12 giờ thì tiếp tuyến của xích đạo sẽ tạo ra một góc 90 độ với mặt trời. Để giải thích hiện tượng này thì các nhà khoa học đã chứng minh là do trái đất chuyển động theo quỹ đạo xoay quanh mặt trời. Như vậy, vào thời điểm này sẽ không có một nửa cầu nào nghiêng về phía mặt trời cả. Vì vậy mà lượng ánh sáng, lượng nhiệt độ cũng như lượng thời gian chiếu sáng ở cả hai nửa cầu sẽ tương đương và bằng nhau. So với các tiết khí khác thì cũng sẽ không có sự chênh lệch giữa thời gian ban ngày và thời gian ban đêm. Nếu như nửa cầu Bắc đang là trong tiết thu phân thì đối với nửa cầu Nam sẽ là thời điểm giữa mùa xuân.
Trong tiết thu phân, do sự dịch chuyển của mặt trời về phía Nam, vì thế mà nửa cầu Bắc vẫn tiếp tục giảm lượng ánh sáng, nhiệt độ, hơi nước. Cùng với đó thì lượng nhiệt độ mà trái đất tích lũy được cũng sẽ được phân tán ra để nhằm tạo nên sự cân bằng trong giới môi trường. Vì sự giảm mạnh các yếu tố tự nhiên trong thời kỳ này mà việc quang hợp của các loài thực vật sẽ bị giảm sút đáng kể, sự sống của muôn loài sẽ được chuyển sang trạng thái tiềm ẩn và đợi chờ cơ hội để phát triển.
III. Ý nghĩa của tiết thu phân trong phong thủy
Thời gian diễn ra thu phân rơi vào khoảng tháng 8 âm lịch, đây là tháng thuộc chi Dậu, khí Kim cực vượng. Bản chất của khí Kim chính là lạnh lùng và sát phạt chính vì vậy mà ở giai đoạn này sự sống của muôn loài đều bị kìm hãm và tiềm ẩn, chờ đợi để chuyển sang giai đoạn phát triển mới. Đây cũng là thời điểm mà con người dễ mắc phải các bệnh cảm lạnh, phong hàn, dễ mắc phải các bệnh về đường hô hấp và sức khỏe cũng bị giảm sút đáng kể.
Đối với những người sinh ra trong tiết Thu phân do tính chất vượng Kim nên tính tình thường lạnh lùng, cứng rắn, quyết đoán, thông minh, cương trực, rất thông minh, nhanh nhẹn. Hoặc nhiều người còn có cách sống cô độc, ít giao du bên ngoài, thích một mình, rất ít bạn bè, tâm lý còn có xu hướng độc đoán và hơi bảo thủ…
Đối với những người đang mắc bệnh và cần bổ sung thêm khí Kim thì bước sang thời điểm thu phân thì sức khỏe sẽ được cải thiện đáng kể, tinh thần phấn chấn, trong người khỏe mạnh, thông minh, năng động, hoạt bát.
Con người trở nên năng động và khỏe mạnh hơn vào thu phân
Con người trở nên năng động và khỏe mạnh hơn vào thu phân
Theo bát quái đồ thì thu phân nằm trong cung Dậu, thuộc phương vị chính tây, ứng với quẻ Đoài là con gái út trong gia đình có tính tình vui vẻ, hoạt bát, thông minh và chăm chỉ. Ngoài ra thì tháng 8 cũng thuộc quẻ Quán, mặc dù âm khí phát triển khá mạnh nhưng đây vẫn là quẻ tốt, mang lại nhiều may mắn và cát lành cho gia đình.
IV. Ảnh hưởng của tiết thu phân
Tiết thu phân diễn ra vào thời điểm gần cuối năm, mang đặc điểm lạnh lùng và nghiêm khắc đối với muôn loài. Cũng giống như các tiết khí khác trong năm thì tiết thu phân cũng sẽ tạo ra những ảnh hưởng nhất định đến với các loài động và thực vật trong tự nhiên. Để hiểu rõ hơn về những ảnh hưởng của tiết thu phân thì hãy cùng theo dõi phần nội dung dưới đây nhé.
1. Ảnh hưởng của thu phân đến con người
Từ xa xưa con người đã biết dựa vào các tiết khí trong nông lịch để phục vụ các mục đích canh tác và trồng trọt. Khi thu phân đến là thời điểm mà nhiều người nông dân thu hoạch các loại lương thực và ngũ cốc. Bên cạnh đó thì cũng có nhiều người tranh thủ canh tác để trồng trọt các loại hoa màu và rau vụ đông. Trước đây khi kỹ thuật nông nghiệp chưa phát triển và chưa có nhiều giống cây trồng phù hợp với mùa này thì người nông dân sẽ không làm ruộng nữa, vì vậy mà mới được gọi là tiết nông nhàn.
Ngoài ra thì đối với những người chăn nuôi gia súc, gia cầm thì vào thu phân người ta sẽ phải tiến hành tổng vệ sinh và dọn dẹp lại khu vực chăn nuôi và tiến hành phòng dịch cho vật nuôi. Bởi đây là thời điểm mà các loại bệnh dịch và virus rất dễ bùng phát và lây lan, nếu không có biện pháp phòng tránh sẽ khiến các loài vật nuôi bị nhiễm bệnh và chết.
Cùng với sự thay đổi của giới tự nhiên thì các nguồn năng lượng, ngũ hành, âm dương cũng sẽ có chuyển biến đáng kể. Để bảo vệ sức khỏe vào thời điểm thu phân thì con người nên điều dưỡng cơ thể, mặc ấm cho toàn thể, tránh tắm nước lạnh vào đêm lạnh. Để sức khỏe được bảo vệ thì cũng như thay đổi chế độ ăn uống, nên thêm vào các loại thực phẩm có tính nhiệt, cay nóng để tránh khí lạnh và phong hàn. Uống nước ấm để bảo vệ cơ thể.
2. Ảnh hưởng của tiết thu phân đến động vật
Vào thời điểm thu phân thì cũng tạo ra rất nhiều ảnh hưởng đến với giới động vật. Các loài động vật bắt buộc phải thay đổi để có thể thích nghi được với hoàn cảnh và môi trường sinh tồn mới. Một số loài động vật như chim, nai, hươu… sẽ buộc phải đi di trú xuống vùng đất phía Nam ở gần xích đạo.
Đây sẽ là vùng đất có nhiều nguồn thức ăn và nguồn nước dồi dào hơn cho toàn bầy đàn của chúng. Hơn nữa thì những vùng đất ở phía Nam sẽ có nhiệt độ cao hơn so với các vùng đất ở phía Bắc khi mùa đông đến. Đợi đến khi mùa đông đi qua, mùa xuân trở về thì những loài động vật trên sẽ quay trở lại để tiếp tục sinh sống và sinh nở con mới.
Một số loại động vật khác khi thu phân đến thì chúng sẽ đi trú đông. Các loài như rắn, ếch, chuột… sẽ không di chuyển nhiều mà tìm một chiếc hang kín đáo, ấm áp để trú ẩn. Chúng sẽ dự trữ năng lượng và đồ ăn cần thiết và ngủ đông đến mãi tiết Thanh Minh mới ra khỏi hang.
Ngoài ra đối với các loài động vật còn lại như cá thì chúng sẽ hạn chế đi tìm thức ăn vào tiết thu phân. Năng lượng mà chúng đã dự trữ sẵn sẽ giúp chúng tiếp tục duy trì sự sống mà không cần phải đi kiếm ăn trong suốt thời gian dài.
3. Ảnh hưởng của thu phân đến thực vật
Khi tiết thu phân diễn ra thì nhiều loài thực vật (đặc biệt nhất phải kể đến khu vực ôn đới) có phần lá sẽ chuyển sang màu vàng và rụng hết để nhằm hạn chế quá trình thoát hơi nước. Đối với điều kiện sinh trưởng bị giảm hầu hết các nguồn dưỡng chất như ánh sáng, độ ẩm hay nhiệt độ… Thì những chiếc lá sẽ không thể thực hiện quá trình quang hợp hay tạo các hợp chất hữu cơ cho sự sinh trưởng của cây được nữa. Lúc này phần lá sẽ trở thành gánh nặng khiến cây bị hao tổn nhiều hơi nước cũng như các chất dinh dưỡng nuôi cây. Vì vậy mà hiện tượng lá bị vàng và rụng hết là hoàn cảnh bắt buộc để thực vật thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Đợi đến khi mùa đông đến thì chúng sẽ đâm chồi và lên lá mới để thực hiện quá trình quang hợp tốt hơn.
Còn đối với các loài cây xương rồng thì chúng sẽ biến đổi các lá thành gai nhọn để hạn chế quá trình thoát hơi nước và đảm bảo chất dinh dưỡng cho cây. Một số loài thực vật dạng cũ sẽ tích lũy chất dinh dưỡng ở trong thân cây và phần rễ để duy trì sự phát triển và tồn tại của cây trong suốt thời gian thu phân. Tất cả các loài thực vật vào thời điểm này sẽ chuyển sang tình trạng tiềm ẩn và đợi sinh sôi phát triển mạnh mẽ vào mùa xuân.Xương rồng mọc gai để hạn chế thoát hơi nước
V. Những lễ hội nổi bật nhất vào tiết thu phân
Ở Việt Nam khi bắt đầu tiết thu phân cũng là thời điểm gần cuối năm, thời tiết lúc này cũng rất đẹp, mát mẻ, thoải mái. Chính vì vậy mà có rất nhiều lễ hội nổi tiếng được thực hiện trong dịp thu phân này. Ở nước ta lễ hội nổi bật nhất của tiết thu phân phải kể đến chính là ngày tết Trung thu. Đây là một trong những ngày lễ quan trọng để mọi người trong gia đình có thể vui vẻ quây quần bên nhau cùng thưởng trăng đẹp.
Cùng với đó thì trên thế giới cũng có tổ chức rất nhiều lễ hội để chào đón tiết khí thu phân này. Ở đất nước Nhật Bản thì ngày bắt đầu tiết thu phân được xem là ngày lễ chính thức của quốc gia này. Đây là dịp lễ để tất cả các gia đình có thể đi tảo mộ tổ tiên, sau đó đoàn tụ ấm cúng và ăn uống cùng với gia đình. Đây là dịp lễ để mọi người nghỉ ngơi và quan tâm đến nhau nhiều hơn.
Đối với các nước Âu Mỹ thì khi thu phân bắt đầu cũng chính mùa của các lễ hội dịp cuối năm. Tại Anh có tổ chức lễ hội “ngày trăng thu hoạch” đây được xem là một lễ hội thu hoạch truyền thống của người dân nước Anh. Lễ hội được tổ chức với mong muốn vụ mùa sang năm sẽ được bội thu hơn nữa.
Như vậy, trong bài viết trên chúng tôi đã cung cấp đến các bạn những thông tin vô cùng bổ ích liên quan đến đặc điểm cũng như ý nghĩa của tiết thu phân. Hy vọng sau khi tham khảo bài viết trên các bạn sẽ có thêm nhiều hiểu biết cũng như kinh nghiệm liên quan đến vấn đề này, từ đó biết chăm sóc sức khỏe vào thời điểm giao mùa này.
Phạm Thị Hạnh
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)