" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội"
( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Tác giả: Nguyên Cẩn- Văn hóa Phật giáo số 264 tháng 1/2017 . Một khi nhà nước tự xem mình là chủ đạo, là thống soái thì hậu quả là xã hội và thị trường bị chi phối nặng nề trong mọi hoạt động. Vì khi đó quyền lợi và quyền lực là một, điều khiển mọi quan hệ, gây nhũng nhiễu cho sự vận hành của toàn thể. Đồng tiền hay lợi ích nhóm sẽ thống trị những quan hệ cương thường… biến tất cả mạng lưới thành những phe nhóm, biến tài sản nhà nước thành “chùm khế ngọt” mà trèo hái mỗi ngày!… Đúng như luật gia Acton viết: “Quyền lực dẫn đến tha hóa, quyền lực tuyệt đối tha hóa tuyệt đối”. ——–——– Bóng tối quyền lực: Trông người lại ngẫm đến ta
Quyết định đình chỉ chức vụ Tổng thống của bà Park Geun-hye mà Quốc hội Hàn Quốc đưa ra tuần trước với 56 phiếu chống/234 phiếu thuận, đồng nghĩa với việc ngay cả các nghị sĩ đảng cầm quyền cũng không đứng về phía bà.
Nỗi tức giận của người dân Hàn Quốc nổ ra sau khi có những thông tin tiết lộ về ảnh hưởng của bà Choi Soon-sil, bạn thân của Tổng thống Park, lợi dụng mối quan hệ bạn bè này để ép nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc (chaebol) đóng góp tổng cộng 70 triệu đô la Mỹ vào các quỹ do bà Choi kiểm soát. Các chaebol thì muốn thông qua bà Choi để tác động đến các quyết định của Tổng thống theo hướng thuận lợi nhất cho quan hệ “mù mờ” giữa chính phủ và các tập đoàn lớn nhưng ban đầu dân chúng tin rằng điều đó sẽ giúp các tập đoàn trở nên hùng mạnh hơn, cạnh tranh được với nước ngoài, tạo ra nhiều công ăn việc làm. Chúng ta thấy sự ra đời và phát triển vũ bão của Hyundai, Samsung, LG, Daewoo… trở thành những đối thủ đáng nể của các công ty Nhật, Mỹ…
Nhưng hiện nay, theo số liệu của Bloomberg, nợ của các hộ gia đình tài phiệt Hàn Quốc năm ngoái đã chiếm tới 87% GDP, so với 74% năm 2009; tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt mức “cao liên tục”, trung bình 9,3%. Người dân cho rằng mối quan hệ giữa chính phủ và các chaebol cần phải được cắt đứt. Trước khi các công tố viên cáo buộc các chaebol liên quan đến vụ bê bối, nhiều công ty Hàn Quốc đã gặp sự cố lớn như Hyundai Motor, Hanjin Shipping Co., Lotte, Samsung Electronics… Người dân Hàn Quốc cần phải chấn chỉnh lại mối quan hệ này, minh bạch hóa, nếu muốn phát triển bền vững.
Một đất nước phát triển như Hàn Quốc mà tam giác nhà nước – thị trường – xã hội còn chịu nhiều hệ lụy từ mối quan hệ nhập nhằng giữa các chaebol và chính quyền thì với chúng ta, hệ thức văn hóa nào khả dĩ xác lập rạch ròi ba chân vạc ấy, nếu không xã hội sẽ phải gánh chịu tất cả hậu quả của việc thị trường bất ổn khi nhà nước tiếp tay hay thông đồng với những tập đoàn trong kinh doanh. Sự cộng thông giữa cả ba tổ chức ấy đòi hỏi tính giải trình, sự minh bạch và có sự giám sát của toàn dân thông qua không chỉ quốc hội mà qua các tổ chức xã hội cần thiết.
Chúng ta đang theo hệ thức văn hóa nào?
Như người ta thường nói “Xã hội nào Nhà nước ấy” hay “Thị trường nào, xã hội ấy”, và “Nhà nước nào, thị trường ấy”, vì mọi phát triển tiên tiến, nghĩa là mang tiếng văn minh nhất của những quốc gia trên thế giới, đều nhất thiết phải dựa trên sự triển khai thông hợp giữa ba thực thể khác nhau là tổ chức nhà nước, tổ chức thị trường, và tổ chức xã hội.
Nói như tác giả Tôn Thất Nguyễn Thiêm (TTNT) trong tác phẩm “Nhân văn và Kinh tế” thì “… xã hội bạc nhược nuôi dưỡng một nhà nước lộng quyền. Thị trường nghiêm chỉnh cần có một xã hội đàng hoàng… Chẳng vô cớ mà Tản Đà đã có câu thơ hết sức xót xa và sâu sắc “Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn” và cũng chẳng ngẫu nhiên mà Phan Châu Trinh lại nêu cao khẩu hiệu tiên quyết của cuộc đổi đời đích thực, của mọi quốc gia “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh”. (TTNT – Nhân văn và Kinh tế, NXB Trẻ, 2016).
Phải xây dựng được văn hóa quyền lực đúng nghĩa và phải mang tính chất văn minh vì “…văn hóa là để tồn sinh cùng cộng đồng còn văn minh là để đua tranh cùng thế giới; văn hóa là tinh túy tinh thần, văn minh là tinh hoa vật chất” (sđd).
Trong lịch sử, chúng ta từng phê phán các ông vua thời phong kiến khi họ tự xưng là thiên tài, tuyên bố thiên hạ là của mình, như vua Louis XIV (1638-1715) của Pháp ngang nhiên vỗ ngực tuyên bố “Nhà nước chính là ta”. Đã có thời chúng ta lên án gay gắt tư duy lũy tre làng, khói lam chiều, tiểu nông, lừ đừ suy nghĩ, liêm sỉ nửa vời, chiếu trên chiếu dưới…. và ca tụng tư duy theo hướng “đại công nghiệp”. Nhưng thử hỏi xem, hiện nay những ông chủ tịch thôn, xã, huyện cho đến tỉnh, thành phố… có bao nhiêu người thoát được cái tư duy manh mún địa phương, dòng họ, khi nghĩ theo kiểu nếu tỉnh người ta, huyện người ta có cái gì thì tỉnh mình, huyện mình cũng phải có cái đó; phải có thủy diện, phải có resorts, có nhà máy đường, nhà máy gạch tuynel, nhà máy thép, thậm chí phải có… tượng đài, có Festival du lịch, pháo hoa… cho bằng anh bằng em (trong khi chỉ có khoảng 5, 6 tỉnh hay thành phố nộp 80-90% ngân sách). Hậu quả là gì? Ai cũng thấy là ngân sách bị dàn trải không hiệu quả, thiếu cả cầu đường nông thôn, trường học, bệnh viện… là những nhu cầu vô cùng bức thiết của nhân dân.
Tác giả TTNT chia ra làm 3 loại văn hóa. Đối với thị trường là văn hóa quyền lợi + khai thác và ngắn hạn; đối với nhà nước là văn hóa quyền thế + quy trình và trung hạn còn xã hội thì là văn hóa quyền thuộc + tích trữ và dài hạn. Tính tương hỗ giữa tổ chức nhà nước dân chủ và tổ chức xã hội dân chủ tương tự như sự cân bằng giữa mã lực của chiếc xe và sức chặn của cái phanh. Chức năng cơ bản của tổ chức nhà nước, nói chung chỉ là “trợ thủ” cho kinh tế thị trường và bảo vệ trật tự xã hội cho nền kinh tế ấy. Hệ thống tương quan giữa nhà nước, thị trường và xã hội chỉ có thể vững vàng lớn mạnh khi giữa ba thực thể là tín cân bằng hài hòa tạo tác nên sự thông hợp chứ không phải là sự tha hóa, xâm hại lẫn nhau bởi ý đồ thống lĩnh, bá quyền, toàn trị. Một câu ngạn ngữ Nga xin phép trích lại ở đây “Ở tận cùng của đáy là quyền lực của sự hắc ám. Ở tít trên đỉnh cao là sự mờ ám của quyền lực”.
Chúng ta đã làm gì với tổ chức thị trường?
Chúng ta đã mặc cho hệ thức văn hóa của nó – văn hóa quyền lợi – ngang nhiên và ngạo ngược tung hoành, xã hội tranh nhau ca tụng đại gia, tung hô những kẻ giàu có dù vay nợ chồng chất, dù lừa đảo, chiếm đoạt công quỹ, lũng đoạn ngân sách. Có những ngành làm ăn bết bát do chủ quan nhưng vẫn yêu cầu nhà nước bảo hộ thị trường. Chúng ta đã từng bao lần đòi hỏi minh bạch giá xăng dầu, điện nước nhưng tất cả vẫn là ẩn số khi được công bố! Phải lưu ý vì “… đồng tiền sẽ có khả năng biến tất cả thành đồng lõa và đồng phạm trong những cuộc tranh giành quyền lợi khai thác vô độ đến tận cùng mọi thứ, ngay trước mặt, một cách vô cùng thiển cận, thậm chí chẳng cần nghĩ đến mai sau…” (TTNT – sđd).
Một ví dụ cụ thể là phần lớn dự án BOT quốc lộ đều gây bức xúc trong dư luận. Cụ thể, QL 1A đoạn qua Bình Thuận, nhà đầu tư báo cáo quyết toán hơn 2.193 tỉ đồng, trong khi tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt là 2.608 tỉ đồng. Còn tại dự án BOT cải tạo nền đường QL 1A đoạn Phan Thiết – Đồng Nai, nhà đầu tư báo cáo quyết toán 1.943 tỉ đồng, trong khi tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu là 2.085 tỉ đồng. Trên thực tế, thời gian thu phí tại các dự án BOT hiện nay vẫn được tính dựa trên tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu nên có nhiều dự án với chiều dài nhà đầu tư thi công chỉ từ 20-30 km mà thu phí đến hơn 20 năm. Điều này đã gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Cho đến nay, chưa thấy Bộ Giao thông Vận tải công bố một dự án BOT nào phải rút ngắn thời gian thu phí dù Kiểm soát Nhà nước đã kiến nghị giảm 5 năm đối với một số dự án.
Nhà nước thường thì bị chi phối bởi văn hóa quyền lực hay quyền thế, theo thứ văn hóa quy trình vì đó là nguồn động năng thúc đẩy con người tôn thờ quy lụy quyền lực, từ đó thoái hóa và tha hóa bản thân, nghĩa là lao mình vào cuộc chơi mua quan bán tước khi hiểu ra vai trò của quyền thế và quyền lợi hay cụ thể là tiền tệ. Những nhà lãnh đạo cao nhất của chúng ta đã nhiều lần bức xúc về vấn đề này nhưng phải chăng nó diễn ra quá tinh vi, “theo đúng quy trình”, nên không thể “bắt tận tay, day tận mặt”.
Cao Bá Quát ngày xưa khi viết Tài tử đa cùng phú đã từng phải thốt lên những lời chán chường, “Ngán nhẽ kẻ tham bề khóa lợi, mũ cánh chuồn đội trên mái tóc, nghiêng mình đứng chực cửa hầu môn. Quản bao người mang cái giàm danh, áo giới lân trùm dưới cơ phủ, mỏi gối quỳ mòn sân tướng phủ” hay Nguyễn Du trong Truyện Kiều từng thốt lên những lời tâm sự của Từ Hải “Áo xiêm ràng buộc lấy nhau, Vào luồn ra cúi công hầu mà chi”.
Fidel Castro có lần nói: “Không nắm được quyền thế, lý tưởng khó có điều kiện cần thiết để được hiện thực hóa. Nhưng có được quyền thế trong tay, lắm khi lý tưởng chỉ là những viễn mơ của một thời, mông lung và thoi thóp”. Với những thành phần quan chức ngụp lặn đắm chìm trong văn hóa quyền lực thì quy trình biến thành công cụ rất hiệu dụng để tính toán và sắp xếp các mưu đồ, sách lược nặng tính cục bộ hoặc lợi ích nhóm, khi quyền lực không được kiểm soát sẽ dẫn đến tha hóa cán bộ và các tổ chức trong bộ máy lãnh đạo quản lý. Lợi ích nhóm ở ta thực sự đã đến mức báo động, nó diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực.
Trong một bài viết gần đây, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận định: “Chưa bao giờ trong lịch sử hơn 70 năm Nhà nước ta, Nhà nước “của dân, do dân và vì dân” lại xuất hiện sự cấu kết quyền lực với lợi ích kinh tế, lèo lái chính sách, dàn dựng để tạo ra các cú “áp phe” lớn mang lại lợi ích “khủng” cho một số cá nhân và phe nhóm… gây thiệt hại khôn lường cho ngân sách Nhà nước, làm chao đảo nền kinh tế”.
Theo ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương “Lợi ích nhóm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc hình thành các nhóm lợi ích”. Đặc điểm của các “nhóm lợi ích” là có sự kết hợp cùng mục tiêu lợi ích, giữa những người có nhiều tiền với những người có quyền lực trong nhà nước và trong đảng cầm quyền. Có tiền chuyển hóa thành có quyền lực. Có quyền lực chuyển hóa thành có tiền. Người có tiền sẽ có quyền lực và người có quyền lực sẽ có tiền. Họ cùng nhau hành động để có quyền lực và có tiền ngày càng nhiều hơn. Đồng tiền cộng với quyền lực tạo thành sức mạnh khống chế, lũng đoạn tổ chức và xã hội…”.
Và từ đó người ta tham nhũng ghế, tham nhũng quyền lực, chức vụ, tham nhũng chính sách… Về “Chủ nghĩa tư bản thân hữu”, như có lần chúng tôi đã phân tích trong một số báo Văn hóa Phật giáo, nó không phải là một giai đoạn nào của chủ nghĩa tư bản, mà là một hiện tượng biện chứng, một “bệnh thái” do sự tha hóa trong quá trình phát triển không lành mạnh của các quốc gia. Nó xảy ra mọi nơi, không chỉ riêng ở các nước tư bản mà kể cả các nước có chế độ chính trị khác, nơi mà sự quản lý nhà nước chưa tốt, thiếu chặt chẽ… hay thiếu kỷ cương ngay từ ban đầu!
Ông Hoàng cho biết “Bây giờ lợi ích nhóm còn quốc tế hóa, ra bên ngoài biên giới quan hệ với doanh nghiệp nước ngoài. Vụ Formosa ở Hà Tĩnh vừa qua, không thể loại bỏ lợi ích nhóm trong đó. Tại sao vấn đề ô nhiễm môi trường diễn ra như thế nhưng lâu ngày mới phát hiện?”
Nghị quyết của Đảng vừa qua nói đến 4 nguy cơ: nguy cơ về tụt hậu, về tham nhũng, nguy cơ chệch hướng, nguy cơ diễn biến hòa bình. Bốn nguy cơ này đều liên quan đến lợi ích nhóm, do lợi ích nhóm tác động. Và chúng ta có thể giải đáp rất nhiều câu hỏi liên quan đến việc “vận dụng quyền lực” thiếu văn hóa và cả văn minh.
Chúng ta tự hỏi vì sao cải cách hành chính vẫn chỉ “hành là chính”? Vì lợi ích nhóm chăng? Hiện nay tính đến quý 1 năm 2016 vẫn còn 7.000 loại giấy phép con bủa vây doanh nghiệp mà trong đó trên một nửa không có cơ sở pháp lý để tồn tại! (Theo tuyên bố của Văn phòng Chính phủ ngày 22/4/2016 – Đọc thêm: Còn bao lâu cuộc chiến với cối xay gió – Văn hóa Phật giáo tháng 4/2016).
Văn hóa quyền lực còn kéo theo văn hóa quyền thuộc khi dân gian vẫn nói câu: “Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ; còn lại là mặc kệ” hay ngày xưa có câu “Thuận vợ thuận chồng, rút của công cũng dễ”! Nhiều đại biểu Quốc hội nêu lên tình trạng bổ nhiệm tràn lan tại thời điểm chuyển giao quyền lực và tình trạng bổ nhiệm “đúng quy trình” nhưng lại là “đúng quy trình bổ nhiệm người nhà” chứ không phải người tài. Chúng ta chợt hiểu vì sao có người thống kê sơ bộ rằng tới 30% cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) không làm được việc, tương đương khoảng 700.000 người, tiêu tốn 17.000 tỉ đồng ngân sách nhà nước hàng năm.
Một khi nhà nước tự xem mình là chủ đạo, là thống soái thì hậu quả là xã hội và thị trường bị chi phối nặng nề trong mọi hoạt động. Vì khi đó quyền lợi và quyền lực là một, điều khiển mọi quan hệ, gây nhũng nhiễu cho sự vận hành của toàn thể. Đồng tiền hay lợi ích nhóm sẽ thống trị những quan hệ cương thường… biến tất cả mạng lưới thành những phe nhóm, biến tài sản nhà nước thành “chùm khế ngọt” mà trèo hái mỗi ngày! Đấu thầu công khai thành chỉ định thầu, và các đơn hàng, hợp đồng đều ký bằng công ty “sân sau”, qua công ty anh em hay bố mẹ… mọi cơ sở, chính sách đều được “đạo diễn” phù phép sao cho những nhóm nào đó có thể bòn rút hay hưởng lợi! Đúng như luật gia Acton viết: “Quyền lực dẫn đến tha hóa, quyền lực tuyệt đối tha hóa tuyệt đối”.
Chúng ta phải làm gì?
Về hành vi của các nhà lãnh đạo, trong kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hồng, Phật dạy một nhà lãnh đạo tốt phải:
Tôn trọng pháp luật, thực thi pháp luật Bảo vệ dân, vô tư, không thiên vị Từ bỏ mọi dục vọng cá nhân, không tham nhũng Lắng nghe các ý kiến chánh đáng của dân. Thế nên, để hạn chế thứ văn hóa quyền lực này, cần có một nhà lãnh đạo thông tuệ, vạch ra những thể chế phù hợp mà trong đó phải có sự giám sát của nhân dân, của các tổ chức xã hội dân chủ, và của các cơ quan tư pháp hay lập pháp. Xây dựng văn hóa cách chức và nhất là từ chức. Ở các nước, dù không có trách nhiệm trực tiếp nhưng nếu để xảy ra sai phạm, người quản lý cũng sẽ từ chức. Bởi đó là đạo đức, là lòng tự trọng chứ không phải sợ mất đi quyền lợi hay xấu hổ như quan niệm hiện nay. Nếu chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm có nghĩa là dung túng, vô tình hay cố ý. Ngoài ra phải kiểm soát quyền lực, vì quyền lực về cơ bản hiện nay chưa được kiểm soát, nên cán bộ tha hóa và làm tê liệt các tổ chức trong bộ máy lãnh đạo.
Hãy lấy Singapore làm tấm gương cần học tập khi Đảng cầm quyền PAP (Đảng Nhân dân Hành động) không những chịu sự giám sát của các đảng đối lập, còn luôn đặt dưới sự kiểm tra của những cơ quan chế tài theo dõi nghiêm ngặt mọi biểu hiện sai hiến pháp hay pháp luật, chệch đường lối hay vi phạm cam kết khi tham dự bầu cử. Nhà nước thành lập cơ quan phòng chống tham nhũng và đưa ra Luật phòng chống tham nhũng. Cục điều tra tham nhũng có quyền bắt người, quyền điều tra, khám xét, quyền lấy thông tin về tài sản, quyền điều tra tài sản bất minh của bất cứ nghi can nào. Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu nói: Thành tựu lớn nhất của Đảng Nhân dân Hành động (PAP) là “bảo đảm sức sống và sự liêm khiết của Đảng chứ không phải là trở thành một chính đảng suy thoái và tham nhũng”.
Quản lý quyền lực là một diễn trình dân chủ, tôn trọng giá trị nhân bản và phát huy nội hàm nhân văn trong các hệ thức văn hóa. Tất cả là nền tảng cho một nền kinh tế bền vững, trong một xã hội văn minh.
Có thành hiện thực hay không là do ý chí của những nhà lãnh đạo hôm nay và mai sau, nhất là khi ý chí toàn dân cháy bỏng khát vọng muốn đất nước thực sự phát triển. Phải thay đổi hệ sinh thái “thiếu oxy” bấy lâu nay hay đúng hơn chưa thực sự “thông tuệ” vì thiếu sự kết nối lành mạnh giữa thị trường – xã hội và nhà nước – một nhà nước đang muốn trở thành “của dân, do dân, và vì dân”!
Nhìn sự vật, nhìn người, nhìn mình, nhìn nhau, nhìn sự thật. Những thế nhìn đó thể hiện người trong vũ trụ, thái độ của người đối với người, thể hiện một thế giới quan, một nhân sinh quan. Viết là bày tỏ những điều đó bằng ngôn ngữ.
Người thường, nhà văn dùng chung một ngôn ngữ. Cái gì khiến ngôn ngữ có lúc thành văn ? Khác nhau ở điểm nào ?
Bình thường, khi nói chuyện với người khác, mục đích của ta là làm cho người khác hiểu rõ ý nghĩ, tình cảm của ta. Ta dùng ngôn ngữ để thông tin. Nhà văn không chỉ muốn vậy. Nhà văn còn đeo đuổi mục đích khác : khơi lại trong mắt người khác cách nhìn của mình.
Nhà văn dùng ngôn ngữ để quyến rũ.
Thử xem câu : chiều hôm ấy nắng nhạt, buồn bã.
Nếu một chiều nào đó, nắm tay người yêu, nhìn sắc nắng, tôi thấy lâng lâng buồn, nếu người yêu tôi cảm nhận nỗi buồn ấy trong tôi, người ấy sẽ hiểu, sẽ cảm câu nói kia. Nó tả một sự kiện đã có, đã qua, một sự kiện chúng tôi đều biết : một buổi chiều, một sắc nắng, một nỗi buồn, chúng ta. Câu đó, tự nó, không phải một câu văn. Một buổi chiều nắng nhạt là một buổi chiều nắng nhạt, chẳng buồn, chẳng vui. Ðâu phải thêm hai chữ buồn bã mà biến được nó thành một buổi chiều buồn bã. Ngay cái nắng nhạt kia, người đọc cũng khó tưởng tượng nó nhạt thế nào. Vậy mà có khi nhà văn chỉ viết chiều hôm ấy, nắng nhạt đã khơi ngay cảm giác buồn trong người đọc. Ðiền thêm hai chữ buồn bã, hoặc chẳng khơi được nỗi buồn : văn bất lực, hoặc thừa : văn vụng. Dĩ nhiên, chuyện không đơn giản như vậy. Trong bất cứ tiếng nước nào cũng có những từ hình như tự nó có hồn. Có nhiều người Việt Nam dễ liên tưởng chiều với cảm giác buồn. Cũng lạ. Phải chăng vì trong những tác phẩm lớn, trong ca dao, có nhiều cảnh chiều buồn ? Dù sao, cứ lôi chiều ra để tạc cảnh buồn thì cũng chỉ đạt mức văn hà hứa. Ðọc truyện, cái gì làm cho chiều hôm ấy, trong lòng ta, buồn ? Dĩ nhiên là hoàn cảnh dẫn đến chiều hôm ấy, đã được tác giả bố trí trước. Nhưng hoàn cảnh ấy cũng được tạo bằng những câu văn đại loại như vậy, làm sao dẫn tới nỗi buồn ? Một vòng luẩn quẩn. Văn khác lời nói thường ở chỗ nào ? Cần phải trở lại gốc vấn đề, thử phân tích cái nhìn của con người.
Nhìn sự vật rất dễ, rất tự nhiên. Tự nhiên ? Không hẳn. Ta vừa mở mắt, đã thấy trong đầu cả một khoảng không gian lúc nhúc sự vật. Không gian đó, ta "thấy" nó một cách tổng hợp, lờ mờ. Ta chỉ thấy thật rõ một sự vật, sự vật ta đang nhìn, cái chìa khoá chẳng hạn. Nhìn thể hiện một sự lựa chọn. Thấy là kết quả của sự lựa chọn ấy. Chính sự lựa chọn ấy làm cho ta có thể thấy được cái không có thực : sự vắng mặt chẳng hạn. Ta đảo mắt tìm người yêu và thấy không có người yêu. Sự thiếu hụt đó làm thế giới quanh ta lùi lại, mờ đi, thành sa mạc : Un seul être vous manque et tout est dépeuplé[1]
Lựa chọn thể hiện tự do, bản chất đặc trưng của con người. La liberté, c'est l'angoisse du choix[2]. Sự lựa chọn đó tùy thuộc mục đích của con người. Vì ta muốn mở cửa, chìa khoá kia như chờ ta ở một chỗ nào đó. Nó hiện lên giữa muôn vật như một sự hứa hẹn, vẫy gọi. Cách nhìn của ta làm cho thế giới này đượm nhân tính. Tuy ta chỉ là một bộ phận trong nó, nó đã biến thành khả năng của ta. Nó sẽ thực sự trở thành phương tiện của ta khi ta hành động : nắm chìa khoá, mở cửa, đi tới tương lai của mình. Bản thân chìa khoá kia cũng không hoàn toàn "vô tình". Ðã có một con người làm ra nó vì một mục đích riêng (kiếm ăn), tạo cho nó một chức năng nhất định (mở ống khoá). Chức năng ấy là lời hứa hẹn, sự vẫy gọi ẩn núp trong một khối sắt. Nó "hiện lên" khi ta muốn mở cửa, đi ra. Nó trở thành hiện thực khi ta nắm chìa khoá sỏ vào ổ khoá. Mục đích của người khác đã trở thành phương tiện của ta. Sự vật cũng có hồn ở nghĩa đó.
Khi tả sự vật, mục đích của nhà văn không bao giờ là tả đầy đủ, trọn vẹn, khách quan, sự vật. Ðiều đó không ai làm được. Sự vật là sự vật, văn là văn. Viết một nghìn trang sách cũng không thể tả hết thực tế của một cái ly. Nói cho đúng, nhà văn chẳng bao giờ tả sự vật. Chẳng ai ôm giấy bút ngồi trước một cái cây mà tả được vẻ đẹp của một cái cây, tả được một cái cây ra hồn như người Việt ta thường nói. Nhà văn tạo vẻ đẹp của một cái cây bằng cách bịa một khung cảnh, một hình hài, một mầu sắc... Quá trình bịa đặt, sắp xếp đó là quá trình tạo chi li những bẫy nhỏ, dẫn dắt người đọc tới mục đích cuối cùng của nhà văn là tái tạo trong hồn người khác cách nhìn, sự lựa chọn của mình : vẻ đẹp của một cái cây. Quá trình viết văn là quá trình gài bẫy để lừa gạt, hướng dẫn người đọc. Quá trình đọc văn là quá trình tái tạo một thế giới ảo, tạo một hồn người thực dưới sự "điều khiển" của người khác. Không phải tình cờ mà người ta coi những nhà văn lớn như những kẻ dẫn dắt linh hồn của đồng loại. Nghệ thuật là giả dối trong nghĩa đó.
Sự lừa gạt kia có một đặc điểm : người bị lừa hoàn toàn tự nguyện. Ðộc giả chỉ ngáp một cái, những bẫy kia tan tành ngay. Còn lại một trang giấy lem nhem mực, chẳng nghĩa lý gì. Chuyện đó xẩy ra khi, đọc truyện, ta ngáp ngủ. Sự tự nguyện đó không gì ép được, mua được. Chỉ có thể đồng tình với nhau. Tình chỉ có thể có giữa những con người tự do, tự nguyện : cho hay không cho, nhận hay không nhận. Người ta có thể ép nhau đủ thứ chuyện, không ai ép người khác yêu mình được. Vì thế, nhân tình là nội dung cơ bản của văn. Nó đòi hỏi nhân cách tự do của cả người viết lẫn người đọc. Không phải vì ta thích vậy, muốn vậy. Ðó là điều kiện hình thành của văn. Nhân cách không có giá trị trao đổi. Không ai đo được giá trị của một tác phẩm là bao nhiêu : số không hay... tuyệt, đều là vô giá. Nó cũng chẳng có giá trị sử dụng. Không ai có thể dùng nó vào việc cụ thể nào. Quan hệ giữa nhà văn và độc giả không phải quan hệ trao đổi. Nó là quan hệ cho-nhận. Cho-nhận cái gì ? Khi ta mua một quyển sách, chắc chắn ta nhận được một quyển sách. Tác giả đã cho ta gì ? Chẳng cho gì cả. Ðọc truyện, ta nhận được gì ? Có khi chỉ mất thời giờ. Có khi ta nưng niu nó suốt đời ta. Ðây là sự cho-nhận một thứ không có hình thù, trọng lượng, giá trị sử dụng, giá trị trao đổi, một thứ không có thực. Tác giả chỉ có thể cho ta và ta chỉ có thể nhận những gì do chính ta tạo ra trong quá trình đọc. Tác giả "cho" ta một số ký hiệu, như Phật giơ tay chỉ trời. Trong bầu trời ấy, chẳng có gì ngoài ta. Gần quan hệ cho-nhận này nhất là quan hệ yêu đương, quan hệ chơi. Văn chương là một nhu cầu tinh thần, là tình người, là trò chơi trong nghĩa đó. Nó hoàn toàn vô dụng, vô giá. Nó là sự vẫy gọi nhau giữa những con người tự do. Vẫy gọi nhau làm người. Nhu cầu viết, nhu cầu đọc, đều là nhu cầu làm người, nhu cầu sáng tạo, nhu cầu yêu.
Thế giới văn chương là thế giới của tình người cho không.
Vì thế, nhà văn không thể đạt yêu cầu của mình nếu không tôn trọng, quý mến tự do của người đọc, nếu tìm cách áp đặt tình cảm, tư duy của mình. Ðộc giả đã đồng tình trước khi đọc thì viết làm gì ? Ðộc giả không đồng tình, ngáp một cái, toi mạng văn chương, nghị quyết của Trung Ương cũng không cứu nổi. Nhà văn chỉ có thể khơi tình, mời mọc, rủ rê, quyến rũ, vẫy gọi. Nghệ thuật hành văn là nghệ thuật chinh phục lòng người trong nghĩa đó. Và cũng chỉ trong nghĩa đó thôi. Trong quan hệ giữa họ, người viết và người đọc chẳng thể được bất cứ gì ngoài cái mình sáng tạo. Cơ sở của nghệ thuật ấy là nhân cách tự do của độc giả. Nhân cách tự do của độc giả là sinh mạng nghệ thuật của nhà văn. Cùng một mớ chữ, cùng một nguyên liệu, có người viết thành văn, có người, dù tay nghề khéo léo, viết cạn đời cũng không tạo được một tác phẩm văn chương. Tại sao ? Nhà văn, thợ chữ, khác nhau chỗ nào ? Vấn đề không chỉ ở kỹ thuật dựng truyện, gọt câu, mài chữ. Nó còn ở nhân sinh quan của tác giả. Nhân sinh quan ấy, không chóng thì chầy, bộc lộ ngay trong văn phong. Nó làm ta ngáp dài, vui vui tiêu khiển và quên, hay nó cứ man mác trong ta cảm giác vừa gặp một người, vừa gặp lại ta. Nhân sinh quan ấy thể hiện qua cách nhìn : nhìn người, nhìn mình, nhìn nhau. Nhìn người, thấy gì ? Trước hết thấy một động vật của thế giới tự nhiên. Nhìn người có thể ngừng ở đó. Ðó là cách nhìn của người bác sĩ trong ca mổ : thớ thịt có thể cắt, sợi gân phải tránh né, đường đưa dao tới mục đích. Ðó là cách nhìn của người kỹ sư điều hành một dây chuyền sản xuất : con người là một bộ phận của một cái máy. Ðộ bền, độ chính xác, độ nhanh của nó đều có thể đo, đếm, điều chỉnh. Thậm chí ta có thể thay nó bằng một người khác hay một cái máy. Ðó là cách nhìn của ông chủ hãng kinh doanh : con người, một tư liệu trong quá trình kinh doanh, có giá thành, giá bán như mọi tư liệu khác. Với cách nhìn này, con người hoặc là một đối tượng nghiên cứu của khoa học, hoặc là một công cụ phục vụ một mục đích của ta. Sự thực của nó nằm ngay trong thân xác nó. Giá trị sử dụng của nó là toàn bộ những chức năng của một loại động vật. Giá trị trao đổi của nó là số tiền cần thiết để mua sức lao động của nó. Nó là một con vật biết nói. Nói thế, tưởng đùa. Tuy vậy, đó là sự thực xẩy ra hàng ngày. Ðó cũng là quan điểm của một số nhà chính trị, một số nhà văn. Khi Lênin khẳng định nghệ thuật phải là một bộ phận, một con ốc trong guồng máy cách mạng[3], ông khẳng định cách nhìn này. Có khác chăng, chỉ khác ở một chi tiết : động vật này không phục vụ mục đích cụ thể của một con người (như thế dễ hiểu và, mặt nào đó, trong thời tiền sử của nhân loại[4] này, phải chấp nhận). Nó phục vụ một khái niệm trừu tượng không kém gì Thượng Ðế : Quy luật khách quan của Lịch sử. Ðây là nguồn gốc của sự nhạt nhẽo trong "văn" của những tác giả tưởng mình là người cộng sản. Nhưng, thỉnh thoảng, nhìn một người, ta thấy nó đẹp, nó buồn, nó quyến rũ. (Cái) đẹp kia, chẳng ai nói được nó là gì : nó không có thực. Nó chỉ là hồn ta thấm vào một nét mặt, tạo thành một vẻ đẹp. Vẻ đẹp ấy (có) thật đối với ta. Nó là ta tuy ta không phải là nó (ta có thể rất xấu xí). Nó ở người khác mà lại là ta. Nó là ta ở người khác. Nó là Esméralda trong mắt Quasimodo, hay đúng hơn, là hồn Quasimodo "lồng vào" nét mặt Esméralda. (Cái) buồn kia cũng không có thực. Nó phảng phất đằng sau một gương mặt, một cử chỉ, một tiếng than, một tập hợp ký hiệu lờ mờ. Ta cũng cảm thấy nó một cách lờ mờ. Dù sao ta cũng đã buồn. Ta chỉ có thể "thấy" nỗi buồn của người khác qua nỗi lòng lâng lâng buồn trong ta. Ta là nỗi buồn đó tuy nó không phải của ta. Nó của người khác mà nó đã biến thành ta. Nó là người khác ở ta. Như thế, nhìn người mà thấy mình, thấy mình ở người khác, thấy người khác ở mình. Người ta chỉ có thể thấy rõ cái gì người ta tìm. Nhìn người là nhìn mình, là tìm mình ở người khác, là tìm người khác ở mình. (Cái) mình ở người khác ấy, người khác có thể trả lại cho ta. Ta linh cảm điều đó khi ta thấy người kia quyến rũ. Tất nhiên (cái) quyến rũ không có thực. Tất nhiên nó là ta ở người khác, người khác ở ta. Nhưng nó còn là sự thèm muốn người khác thấy ta, thấy mình trong ta, thấy ta trong mình. Nó là sự mời mọc, kêu gọi nhìn nhau, là sự khát khao được người khác trao lại cho ta phần hồn của ta. Nó là giấc mơ được là người trong mắt người khác. Con đường ngắn nhất đưa ta về ta xuyên qua lòng em là như vậy. Nhìn mình, thấy gì ? Trước hết thấy một động vật của thế giới tự nhiên. Ðó là cách nhìn của ta khi ta cắt móng chân, móng tay, đánh răng, rửa mặt, soi gương. Ðộng vật ấy, tự nó chẳng đẹp, chẳng xấu, chẳng vui, chẳng buồn, chẳng quyến rũ, chẳng vô duyên. Cũng có lúc, ta cảm thấy người khác đang nhìn ta và bỗng nhiên ta thấy ta đẹp, ta xấu, ta sạch, ta bẩn... Ðó là nhìn mình mà thấy mình ở người khác, thấy người khác ở mình. Nhắm mắt lại, thấy gì ? Liên miên một luồng ý, vô hình, vô sắc, vô âm. Phải chăng ta là luồng ý đó ? Nếu ta là luồng ý đó làm sao ta có thể thấy (ý thức) nó ? Ta thấy người khác vì ta không phải là người ấy. Ta thấy thân xác ta vì, ở mặt nào đó, ta không là thân ta. Ta thấy ý nghĩ của ta vì, mặt nào đó, ta không phải là ý nghĩ đó. Vậy, ngoài thể xác, ngoài ý nghĩ, có gì ? Không có gì cả. Nhìn mình chỉ thấy hư vô, thấy hẫng hụt. Ðó là thân phận của con người. Con người là một sự thiếu hụt. Mặt trái của thiếu hụt là sự khao khát, đòi hỏi được trọn vẹn, được có thực, được tồn tại. Nó là nền tảng của mọi giá trị nhân bản. Nó là giấc mơ ta trở thành ta. Những câu : Je suis belle, ô mortel, comme un rêve de pierre[5] Tel qu'en Lui-même enfin l'éternité le change[6] khơi giấc mộng đó. Nhưng nếu ta có thực, nếu ta là ta, như cây là cây, cỏ là cỏ, ta không thể thấy ta được, ta không còn nữa. Tồn tại là giấc mơ nguyên thủy không thể thực hiện được của con người. L'homme est une passion inutile[7]. Ta là giấc mơ đó, khát vọng đó. Giấc mơ không bao giờ thực hiện được đó, xuyên qua hành động, ta có thể khắc nó vào đời qua dấu tay ta để lại trên mặt đất, qua nỗi vương vấn ta để lại trong lòng người. Nó phảng phất trong một cái nhà, sau một bức tranh, một câu thơ, một nỗi nhớ. Ðó là hồn người tồn tại trong sản phẩm, trong hồn người khác, trong ngôn ngữ, văn chương và nghệ thuật. Nhìn nhau, thấy gì ? Thấy tất cả những gì thấy được trong hai thế nhìn kia. Nhưng khác một cách căn bản : thấy mình qua mắt người khác. Trả lại người khác cái gì của người khác và đón nhận từ người khác chính mình. Thấy bạn, tôi vui vẻ cười. Bạn nhìn tôi, cười vui vẻ. Bạn trả lại cho tôi nỗi vui của tôi. Ðương nhiên, nỗi vui đó là tôi. Nhưng nó không còn là cái tôi lờ mờ, huyễn hoặc, khó tin. Nó là cái tôi đã được người khác xác định, chứng nhận. Nó vừa hoàn toàn là tôi vừa có sự tồn tại ngoài tôi, trong mắt bạn. Tôi vẫn là tôi nhưng đồng thời cũng là nó. Tôi đã nhận từ bạn bản thân tôi với một cái gì khác làm cho nó trọn vẹn hơn, thực hơn. Ðối với bạn cũng vậy. Bạn vẫn là bạn, nhưng một cách trọn vẹn hơn, thực hơn. Nỗi vui đó là tôi, là bạn, vì nó là chúng ta. Ðĩ nhiên, con người không chỉ nhìn nhau trong niềm vui. Thằng khốn nạn kia đã dùng tôi làm công cụ thực hiện một ý đồ của nó, không được tôi chấp thuận. Tôi căm thù nhìn nó. Trong mắt nó có một con vật biết nói : tôi. Trong mắt tôi có sự đểu giả của con người : nó. Bắn nó một phát, tôi chiếm lại tôi : một con người, và trả lại cho nó sự đểu giả đã thấm vào hồn tôi : nó. Vì thế con người có thể giết nhau, không chỉ vì miếng ăn. Trong đời người, hiếm có ai chưa từng muốn giết một người. Trong một đời người, thỉnh thoảng cũng có giây phút thần tiên. Liếc mắt nhìn trộm người yêu, gặp một ánh mắt, bỗng nhiên say đắm, ngơ ngất. Một sự đắm đuối kỳ lạ. Một cơn ngất xỉu kỳ lạ. Không nghẹt thở, hoàn toàn tỉnh táo mà không nhìn, không nghe thấy gì nữa, không biết trời biết trăng gì nữa, chỉ cảm thật rõ, thật mãnh liệt : ta là tất cả đối với em. Giây phút em trao lại cho ta chính bản thân ta, một cách trọn vẹn tới mức chính ta cũng có thể yêu ta được, là giây phút ta lại là ta[8] xuyên qua tình yêu của người khác. Nó chỉ có được khi tình yêu đó tuyệt đối, vô điều kiện, vô lý lẽ : biểu hiện của một sự lựa chọn tự do, của một con người. (Chẳng mấy ai thích được yêu vì mình đẹp, vì mình thông minh, giàu sang, duyên dáng v.v.). Nó chỉ có được khi ta cảm thấy ta được yêu vì ta là ta. Cái niết bàn trong đó ta chỉ là ta mà là tất cả, ta là tất cả mà vẫn được là ta, chỉ có người yêu mới cho nhau được. Ðã nếm mùi, không sao quên được, cứ muốn em đừng bao giờ chớp mắt. Em ngoảnh mặt đi, ta lại chỉ còn là ta, ta chăng còn là gì nữa : Regarde-moi, ne cesse pas un instant de me regarder : le monde est devenu aveugle ; si tu détournais la tête, j'aurais peur de m'anéantir[9]. Nhìn sự vật, nhìn mình, nhìn người, nhìn nhau gắn bó với nhau trong những quan hệ phức tạp. Có khi nhìn sự vật là tìm người, nhìn người là tìm mình, nhìn mình là tìm người, nhìn nhau như nhìn sự vật... Buồn trông cửa bể chiều hôm Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa ? Buồn trông ngọn nước mới xa Hoa trôi man mác biết là về đâu ? Buồn trông ngọn cỏ rầu rầu Chân mây mặt đất một mầu xanh xanh Nỗi buồn thấm vào cảnh vật ấy, chính là ta. Cái ta không trọn vẹn. Cái ta mơ hồ vì thiếu một người khác. Hai câu hỏi kia, dĩ nhiên, không phải câu hỏi thật. Thuyền của ai, hoa trôi về đâu, cả tác giả lẫn độc giả đều không cần biết. Chức năng thật của chúng là biến tâm hồn ta thành một câu hỏi. Ta là ai, là gì ? Không là gì cả. Là một câu hỏi không có giải đáp trong tự nhiên. Là nỗi cô đơn vô phương cứu chữa. Là sự thiếu hụt miên man. Là một tín hiệu thấp thoáng đằng xa, là mầu xanh xanh kỳ ảo giữa đất trời. Là sự hẫng hụt, thiếu thốn, sự khao khát được yêu. Thử bỏ hai câu hỏi ấy đi, nỗi buồn kia nhạt nhẽo vô cùng. Thật ra, bỗng nhiên, hồn ta, câu hỏi, nỗi buồn đã thành một. Nguyễn Du đã khiến ta tự biến mình thành một câu hỏi vu vơ, man mác buồn. Một cách hồn nhiên. Vì sao ? Vì lúc đầu, sự vật là sự vật, người là người, không lẫn lộn, không nhập nhằng. Rồi cảnh vật tiếp tục hiện lên trong mắt ta. Quá trình đó đồng thời là quá trình lòng người len vào cảnh vật, qua những câu hỏi vu vơ, không cần trả lời, nhẹ nhàng lướt qua, nửa thực nửa ảo (thấp thoáng, xa xa), rồi thấm vào cảnh vật (man mác), xóa nhòa biên giới giữa khách quan, chủ quan, đến nỗi cuối cùng ngọn cỏ rầu rầu cũng thấy tự nhiên (!) và mầu xanh xanh kia như vừa là mầu của trời đất, vừa là sắc thái của một tâm hồn. Dĩ nhiên, đây là một hình thái quan hệ giữa người với thiên nhiên, ai cũng đã từng nghiệm sinh. Nhưng ta cũng thừa biết trong đời làm gì có chuyện tình cảm thấm vào sự vật. Chính cảnh vật kia cũng chẳng thực tí nào. Cảnh vật là cảnh vật, văn là văn. Tác giả đã dùng ngôn ngữ khơi (sáng tạo) một cảnh vật ảo, dùng nó làm một nhịp cầu thật giữa người viết và người đọc, chuyền cho nhau điều chỉ có thể có trong con người : nỗi buồn. Ðiều đó có thể làm được vì ngôn ngữ là quan hệ giữa người với người xuyên qua tự nhiên và lịch sử, xuyên qua tiếng nói : thế giới này, thân phận này, nỗi buồn này, là Nguyễn Du, là ta, vì chúng là ...tiếng Việt. Với bút pháp kia, cái mà Nguyễn Du xóa được, không phải là ranh giới giữa chủ quan và khách quan (làm sao xóa được !), mà là sự cách biệt giữa hai con người, người viết và người đọc. Ông đã làm nỗi buồn của ông thấm vào hồn người đọc. Nhịp cầu ông tạo ra không là gì khác hơn quá trình đọc của ta. Quá trình đó vừa khoa học nên dễ chấp nhận, vừa nhân bản nên dễ cảm. Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu Ngàn dâu xanh ngắt một mầu Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai ? Sự nhìn nhau hẫng hụt ấy cũng kết thúc bằng một mầu xanh xanh kỳ ảo và một câu hỏi. Dĩ nhiên, cũng không phải câu hỏi thật. Ai điên mà tìm cách đo lường độ buồn của nhau ! Sự nhìn nhau hẫng hụt kia đột nhiên đuổi ta về ta, một câu hỏi đau điếng : chàng còn yêu ta không ? Ta còn là ta không ? Một câu hỏi chỉ có câu trả lời nếu chúng ta lại được nhìn nhau. Trong khi chờ đợi chỉ thấy xanh xanh... Nhìn người, nhìn mình, nhìn nhau. Ba thế nhìn đó nhà văn đều thể hiện được qua mọi thể hành văn : tả, bày tỏ, suy luận. Tả là dùng ngôn ngữ để thuật lại những gì mắt có thể thấy, tai có thể nghe : một sự vật, một sự kiện, một dáng người, một hành động, một lời nói. Tả tình cảm, ý nghĩ ắt vô duyên. Nếu muốn hiện thực, hay nhất là gửi cho "độc giả" một tấm hình, một băng ghi âm, một cuộn phim. Ngay thế cũng không đảm bảo nổi tính khách quan : dù muốn dù không, người chụp hình đã chọn một góc độ, một cái khung, đã phần nào xuyên tạc "sự thực". Như ta đã thấy, khi nhà văn tả sự vật, mục đích không phải là sao chụp hiện thực gửi cho ta, mà là dẫn dắt ta tái tạo cảnh vật theo lối nhìn của mình. Và điều kiện thực hiện là tôn trọng tự do của ta. Do đó, áp đặt nhân tính của mình vào cảnh vật trong tả cảnh là điều tối kỵ. Ðó là lối hành văn của thời ấu trĩ : cái cầu bước qua sông, con đường chạy ngoằn nghèo trên sườn núi... Trên đời này làm gì có một cái cầu biết đi, biết bước, một con đường biết chạy. Phải viết làm sao ta thấy hết sự thèm muốn, sự cố gắng của con người để qua sông. Lúc đó, cái cầu biến thành một bước đi của con người trong trời đất. Lúc đó, chẳng cần nói nó cũng bước qua sông. Trong tiểu thuyết Người và dã thú có nhiều trang tác giả tả một con hổ với đầy đủ tư cách, tình cảm, suy nghĩ của một con người. Vẫn biết là ngụ ngôn mà đọc vẫn cứ khó chịu, muốn lướt cho qua. Mãi tới cuối truyện tôi mới hiểu : nhân tính của nhân vật không do tôi, độc giả, tái tạo. Nó do sự di truyền của ông tổ : người hay vượn. Tác giả hiểu rõ điều đó nên có thể khoác nhân tính hay thú tính cho nhân vật của mình. Kể cả một con hổ, vì nó được một con người nuôi nấng, đó là nguồn gốc của nó. Là sản phẩm của người, tự nó đã là người. Như vậy, ta, độc giả, đã thành thừa. Khi ta thấy ta thừa thì ta ... cút. Còn lại một tập giấy lem nhem mực, giá thành, giá bán, tỷ lệ lời lỗ, nhà xuất bản tính toán phân minh, khoa học. Tả sự kiện trong thế giới tự nhiên cũng vậy. Tả người khó ở chỗ tả cho ra hồn. Một câu như Nàng là một cô gái đẹp và hiền lành chẳng khiến người đọc thấy nàng đẹp và hiền lành. Anh nói vậy, tôi biết vậy, thế thôi. Tác giả khoác nhận xét của mình vào nhân vật không thể tạo nhân tính cho nó, chỉ bày tỏ tình cảm, suy nghĩ của mình. Tình cảm, suy nghĩ đó chẳng thể áp đặt vào độc giả. (Cái) đẹp, (cái) hiền lành kia không phải là một thuộc tính của một động vật. Không thể thể hiện nó qua hình thù, nét mặt, so sánh... Vân xem trang trọng khác vời Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang Hoa cười ngọc thốt đoan trang Mây ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh Dù ta thích những khuôn mặt tròn trĩnh ta cũng không thấy Vân đẹp. Mấy câu thơ kia chỉ nói lên học thức kinh điển của Nguyễn Du, không tạo một vẻ đẹp đặc biệt nào. Vẻ đẹp, vẻ hiền lành của nhân vật chỉ có thể nở trong ta qua quá trình hình thành của nó. Quá trình đó có thể có sự cấu tạo hình hài và cũng có thể không cần tới sự cấu tạo đó. Trong truyện Những người thợ xẻ của Nguyễn Huy Thiệp có một nhân vật nữ, chị Thục, không có nét mặt mà vẫn rất đẹp. Quá trình đó gồm toàn bộ những nhân tố hình thành một thân phận : hình hài, hoàn cảnh, lời nói, hành động, quan hệ với những nhân vật khác... Những nhân tố ấy đều có thể tả được. Quá trình đó, chính là quá trình đọc của độc giả. Chính độc giả phải tái tạo vẻ đẹp, tâm hồn hiền lành kia qua quá trình cấu tạo lại nhân vật, dưới sự hướng dẫn của tác giả. Trò chơi này không có phương pháp, nhưng có một luật chơi : tác giả không được áp đặt quan điểm của mình, không được bắt ta thấy nàng đẹp khi bản thân ta chưa tái tạo vẻ đẹp ấy. Khi ta đã tái tạo nó, chữ đẹp thành thừa. Tả hành động là tả sự hoà nhập của con người vào vũ trụ, vào loài người. Bằng hành động, con người chiếm hữu vũ trụ, khắc vào thiên nhiên giấc mộng của mình, xâm nhập vào người khác. Hành động vô cùng thuận lợi cho nghệ thuật viết văn : nó có hình thái rõ ràng, có thể tả được. Ðồng thời nó là ký hiệu của một con ngưòi trong một hoàn cảnh. Nó là hồn người đang đọng lại trong không gian và thời gian. Một cái tát, một cái hôn, có thể nói lên cả một kiếp người. Hành động là tiếng nói không lời của nhân vật. Trong Ngoại tình có một cảnh cắn và một cảnh tát đẹp, chẳng cần giải thích dài dòng, đọc tới, thấm ngay. Trong Ngoài khơi miền đất hứa có một cảnh hôn thật khôi hài, cay đắng. Trong Bên kia bờ ảo vọng cảnh Nguyên đưa tờ giấy ly khai cho vợ, bình thản thở khói thuốc, bất ngờ và đẹp vô cùng : nó là lời tự nguyện làm người. Dĩ nhiên, một hành động, tự nó, không có ý nghĩa. Ý nghĩa của nó đã được chuẩn bị, bố trí qua quá trình dẫn tới nó. Nhưng nó chẳng bao giờ là kết quả máy móc của quá trình đó. Giây phút nhập cuộc là giây phút con người chọn tương lai của mình và đồng loại, tự tạo định mệnh, tự tạo nhân cách. Hành động là một sự lột xác đột ngột, sáng tạo một hồn người. Nó là biểu hiện của nhân cách, của tự do. Nghệ thuật tả hành động không chỉ ở quá trình thai nghén nó. Còn là nghệ thuật biểu hiện tự do, nhân cách của con người qua một sự kiện. Trong Les misérables[10], khi Javert đưa súng lên đầu, có một thế giới sụp đổ, có một thân người gục xuống, có một hồn người vươn lên. Tả lời nói, đối thoại là lãnh vực khó nhất trong nghệ thuật hành văn. Nó vướng tất cả những khó khăn của các thể loại trên, vì lời nói cũng là sự kiện, là hành động. Nhưng nó là hành động trong thế giới của tâm hồn. Lời nói là sự phát triển vô hình, vô sắc, của một tâm hồn đọng lại trong ngôn ngữ. Sự phát triển thầm kín, hoàn toàn riêng tư đó lại phải thể hiện qua một công cụ hoàn toàn công khai, thô thiển : lời nói bình thường trong cuộc sống. Do đó, trong văn, lời nói phải nói được cái muốn nói và đồng thời khơi được cái không thể tả được qua định nghĩa của từ ngữ trong từ điển : một hồn người. Vở kịch Hồn Trương Ba da Hàng thịt chấm dứt bằng hai tiếng không. Chữ không ta dùng hàng ngày, hơn cơm bữa, lắm khi nó chẳng còn nghĩa lý. Thế mà đọc tới đó cứ lặng người : nó đã thể hiện được cả một kiếp người, một thân phận, một khát vọng, một ý chí, một nỗi đau. Nó là một kiếp đàn bà, suốt đời quanh quẩn giữa miếng ăn và ông chồng thô bạo, đột nhiên đòi tình yêu, đòi làm người. Nó là tiếng chào đời của một nhân cách. Cuộc đối thoại giữa Mai và Hương trong Ngoài khơi miền đất hứa cũng đẹp như vậy. Nó không chỉ là lời an ủi bạn phải bán trinh để cứu mẹ (điều muốn nói). Nó còn là niềm kiêu hãnh, chí làm người trong một hoàn cảnh chó má. Ngoài việc tả sự vật, sự kiện, nhân vật, hành động, lời nói, có khi nhà văn phải bày tỏ tình cảm. Ðiều này cần mỗi khi nghệ thuật tả không đủ sức nói cạn tình cảm. Nếu chỉ có nhu cầu nói lên tấm lòng mình, nên viết một bài ta thán, không nên viết truyện. Bày tỏ tình cảm chỉ xuôi tai khi nó bày tỏ tình cảm của nhân vật. Nhưng nhân vật lại do độc giả tái tạo. Bày tỏ tình cảm của nhân vật chỉ thành công khi tình cảm đó đã nhen nhóm trong lòng người đọc, sẵn sàng bộc lộ qua ngôn ngữ. Ðây là phương pháp tế nhị, khó khăn, nguy hiểm, khó dùng đạt. Có những vấn đề, chỉ tả, chỉ bày tỏ tình cảm, không thể nói cạn. Ðó là những suy nghĩ vô tận của con người trước cuộc sống. Muốn nói thẳng ý nghĩ của mình cho người khác, nên viết một bài nghị luận, hay một bài suy nghĩ vẩn vơ như bài này. Trình bầy suy nghĩ trong truyện là trình bầy suy nghĩ của nhân vật, trong hoàn cảnh của nó, qua quá trình hình thành nó. Nhưng ở đây cũng vậy, hoàn cảnh đó, quá trình đó cũng do độc giả tái tạo. Những suy nghĩ đó chỉ xuôi óc khi nó đã bước đầu là suy nghĩ của bản thân người đọc hay, ít nhất, khi người đọc đã thấm nhân vật tới mức thấy : trong hoàn cảnh ấy, đương nhiên phải nghĩ vậy. Và, một lần nữa, để được vậy, nhà văn phải tôn trọng nhân cách tự do của người đọc. Ðây cũng là phương pháp tế nhị, khó khăn, nguy hiểm, khó dùng đạt. Trong Gặp gỡ cuối năm, (nhân vật của) Nguyễn Khải nói : Mấy chục năm qua, tự xét mình, tôi thuộc về sức đẩy, chứ không thuộc về sức cản nhưng cũng chỉ như thế thôi, chẳng là cái gì cả trong cái dòng chẩy ồ ạt, vĩnh viễn của Lịch Sử ! Lịch sử chẩy về đâu ? Ai khiến nó chẩy ? Ta không biết, nhưng thấy lâu lâu Nó lại xuất hiện để bảo lãnh cho nhân vật. Ðằng sau tay nghề vững vàng của tác giả, ta đã nhận diện quá rõ một nhân sinh quan biến con người thành công cụ đơn thuần của một khái niệm, thành một con vật biết nói. Ngay tình cảm khiêm tốn kia cũng làm ta dửng dưng. Nó là sự an phận của kẻ đã vĩnh viễn (?) chấp nhận. Hoặc nó là sự khiêm tốn giả tạo của kẻ ngạo mạn : ta là (một bộ phận) của sự thật vĩnh viễn, của Sự Thật. Ðây không phải chuyện người. Ðây là kinh thánh. Ai thích thì tụng. Ai không thích, tắt đèn, đi ngủ. Ai đã bắt đầu lý sự như tôi đang lý sự là đã bước ra ngoài thế giới văn chương. (Thú thực, vừa chuẩn bị bước vào đã văng ra). Dĩ nhiên, tác giả hoàn toàn có quyền có quan điểm đó về lịch sử. Trong đời, không thiếu người có quan điểm đó. Nhân tính của quan điểm đó chỉ ở chỗ đó. Vấn đề không phải nó đúng hay sai. Ðiều đó nhường các nhà triết học tranh luận. Vấn đề là làm sao, qua quá trình hình thành nhân vật phát biểu ý đó, ta cảm nhận những ước ao, khao khát, ý chí làm người đã dẫn nhân vật tới quan điểm đó, sẵn sàng sống chết vì nó. Nhưng nhân vật của Nguyễn Khải, chưa thành hình đã thủ sẵn bảo bối đó trong mình. Nó là Samson ra đời với bộ tóc không dao nào cắt được. Nó không phải là nhân vật tiểu thuyết. Nó là khái niệm ngụy trang tiểu thuyết, là một tuồng minh họa vô vị. Ðọc Tuyên ngôn Ðảng Cộng sản thú vị hơn nhiều. Cũng đề tài đó, dù chính kiến của ta khác chính kiến của tác giả, truyện Le zéro et l'infini[11]vẫn làm ta quên ăn, mất ngủ. Trong truyện Vie et Destin[12] của Vassili Grossman có cảnh một người lính bị bắn, lúc tỉnh dậy, thu sức tàn lết về đơn vị đã bắn mình để được chết cạnh bè bạn, đồng chí. Ðọc tới, không thể không miên man thổn thức. Có những lúc, sống, chết vì lý tưởng đều là sự bế tắc không cùng. Tới đây ta có thể đề cập tới một vấn đề trọng yếu trong văn chương, vấn đề sự thật. Nhìn sự thật trong văn chương là nhìn cái gì ? tìm cái gì ? Rõ ràng sự thật trong văn chương không phải sự thật về sự vật. Ðó là đối tượng của khoa học, công việc của nhà khoa học. Nó cũng không phải sự thật về sự kiện. Ðó là đối tượng điều tra của phóng viên, đối tượng phân tích của sử học, công việc của nhà báo, của sử gia. Nó là sự thật của con người. Ðó là mục đích, cạm bẫy nguy hiểm nhất đối với nhà văn. Sự thật của con người ở đâu ? Chắc chắn không thể ở ngoài nó : ta sẽ thấy được, đo được, tả được. Chắc chắn cũng không ở trong thân xác nó : xẻ thân, bửa óc nó, chỉ có xương, thịt, máu... Nó ở trong quan hệ giữa con người với trời đất, với đồng loại, ở trong ánh mắt nhìn đời của mỗi con người. Cái nhìn đó, như ta đã thấy, (là) tự do, (là) sáng tạo giá trị, sáng tạo nhân tính trong trời đất, trong hồn người. Sự sáng tạo ấy tự do nên con người có thể sáng tạo những giá trị đẹp và xấu. Sự thật của một thời đại gồm toàn bộ những giá trị đó. Ðộ nhân của một nền văn minh ở mức độ đảm bảo cho mọi người, một cách bình đẳng, quyền tự do sáng tạo giá trị. Ðộ phong phú, chiều sâu của một nền văn học cũng từ đó mà ra. Trong nghĩa đó, con người là sự thật khốn nạn duy nhất của vũ trụ. Rừng núi, cỏ cây, trăng sao, không có sự thật. Chúng có thực, tồn tại và vận động theo những quy luật khách quan của thế giới tự nhiên. Về mặt đó, thân xác của ta cũng vậy. (Cái) tốt, (cái) xấu không có thực : nó là giá trị, là sáng tác tự do của con người, nó thật đối với con người trong một thời đại. Nhưng nó không thể là sự thật về hồn người. Hồn người đã không có, làm sao có được sự thật về hồn người. Bi kịch, sự thật đau đớn của con người ở đó : nó là nền tảng của mọi giá trị, mọi sự thật trong đời, nhưng trong bản thân nó không có sự thật. Tóm lại, nhân tính (là) tự do, (là) sáng tạo, (là) tự do sáng tạo. Nếu con người không tự do, bàn luận về sự thật là chuyện vớ vẩn. Con người, tự do, sáng tạo, đồng nghĩa. Các bậc thầy văn chương thường khuyên nhủ đồ đệ : chớ giải thích, chớ gán tình cảm của mình vào nhân vật, chớ nhét lý luận của mình vào mồm nhân vật, phải tôn trọng nhân vật. Những lời xác đáng đó thật khôi hài, khó hiểu. Tôn trọng một nhân vật sinh ra từ ngòi bút của mình, chưa thành hình đã biến dạng, là tôn trọng cái gì ? Tôn trọng ai ? Tôn trọng người đọc. Ðó là nguyên tắc không thể chà đạp, là cốt lõi của văn chương : tôn trọng nhân cách tự do của người đọc, nhìn nhận người đọc, cũng như người viết, là nền tảng, là tác giả của mọi giá trị trên đời, đẹp cũng như xấu. Trên cơ sở đó, hoàn lại cho văn chương chức năng muôn thủa của nó : vẫy gọi nhau cùng làm người, cùng tái tạo nhân giới, cùng sáng tạo giá trị cho thời đại mình. Trần Đạo 1990
[1] Chỉ vắng bóng một người đã chẳng còn ai. Lamartine, Le Lac [2] Tự do, chính là khắc khoải lựa chọn. J.P.Sartre, L'Être et le Néant. [3] theo trí nhớ [4] Marx, Phê phán Kinh tế chính trị học. [5] Hỡi con người hữu hạn, ta đẹp như mộng đá. Baudelaire [6] Chịu thua, phải là nhà thơ mới dịch được. Mallarmé. [7] Con người là một khát vọng hão. Sartre, l'Être et le Néant [8] Tố Hữu [9] Hãy nhìn anh, xin đừng bao giờ ngoảnh mặt : thế giới đã mù lòa ; nếu em ngước mắt đi, anh sợ bị tiêu vong. J.P.Sartre, Le Diable et le Bon Dieu. Ác quỷ và Thiên thần. [10] Những kẻ bần cùng. Victor Hugo. [11] Số không và vô tận. [12] Cuộc sống và Ðịnh mệnh.
Mẹ tôi nể phục mấy cô gái Hà Nội lắm. Dưới con mắt của người nhà quê ra Hà Nội làm việc vặt, bà thấy các thiếu nữ nơi đây ứng xử khôn khéo, nói năng lễ độ, và khuôn phép lắm. Đó là chưa kể thêu thùa may vá, nữ công gia chánh,… Nói chung là đảm. Mỗi khi thấy mấy cô Sài Gòn tân thời quá, tự nhiên quá, bà lại chép miệng, con gái Hà Nội đâu có thế. Bà nói riết, nói riết…, khiến tôi ngờ…bà muốn thằng con của bà nên đi tìm một thiếu nữ Hà Nội.
Nhưng thế giới của tôi lại khác. Tôi sinh ra ở Sài Gòn, lớn lên ở Sài Gòn, bạn bè Sài gòn, trong đầu tôi, nếu có, cũng chỉ là con gái Sài Gòn cho hợp… thủy thổ.
Tôi đã nhìn thiếu nữ Hà Nội qua lăng kính của những tiểu thuyết trong Tự Lực Văn Đoàn mà tôi được học thời trung học.
Mà con gái Bắc (di cư 54) hồi đó gớm lắm, vờn qua vờn lại, làm duyên, đá lông nheo, õng ẽo làm điêu đứng con trai Nam Kỳ đến là khổ. Một thanh niên xứ Biên Hòa đã phải cay đắng thế này:“
Em nhớ giữ tính tình con gái Bắc Nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền, Nhớ khiêm nhường nhưng thâm ý khoe khoang, Nhớ duyên dáng ngây thơ mà xảo quyệt…”
Tôi không có ý kiến gì về bài thơ trên, mà cũng chẳng dại gì có ý kiến. Mấy bà mấy cô Bắc Kỳ đọc bài thơ trên có nổi cơn tam bành rủa xả, thì chắc cũng chỉ mình rủa mình nghe thôi, chứ tác giả, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên chết rồi, chết trong một chiếc xe hơi cũ kỹ ở sân chùa bên California.
Dù sao cũng nên đọc tiếp thêm vài câu nữa mới thấy “cảm thương” cho tác giả:
“…Ta vẫn nhớ dặn dò lòng tha thiết, Nên vội vàng tin tưởng chuyện vu vơ Nên yêu đương bằng gương mặt khờ khờ Nên hùng hổ để đợi giờ thua thiệt…”
Những ngày sau 75, trên tivi Sài Gòn là những đoàn quân “chiến sĩ gái”, bước theo nhịp quân hành, chiếu cận cảnh với đôi mắt rực lửa căm hờn, giọng nói lanh lảnh. Cảm giác đầu tiên của tôi với các cô gái Bắc Kỳ (thứ thiệt) là…ớn lạnh. Tôi cười, “Đấy con gái Hà Nội của mẹ đấy…”. Bà cụ lại thở dài, chép miệng… “Hồi trước đâu có thế…”.
Dĩ nhiên, mẹ tôi không thể phát hiện cái trò đánh lận rẻ tiền của thằng con, tỉnh bơ xem tất cả các cô Bắc Kỳ đều là các cô Hà Nội.
Thực ra trong đầu tôi cũng có một chút gì đó mơ hồ về con gái Hà Nội. Biết tả thế nào nhỉ! Có thể là hình ảnh dịu dàng đằm thắm của cô Liên trong Gánh Hàng Hoa, hay thiếu nữ tân thời một cách bảo thủ, không sao thoát ra khỏi vòng lễ giáo của cô Loan trong Đoạn Tuyệt. Tôi cảm được nỗi cô đơn của Loan khi thả bộ trên bờ đê Yên Phụ,… Đại loại là tôi đã nhìn thiếu nữ Hà Nội qua lăng kính của những tiểu thuyết trong Tự Lực Văn Đoàn mà tôi được học thời trung học.
Cũng chẳng dừng ở đấy đâu. Khi đọc “Tuấn, chàng trai nước Việt”, một thứ tiểu thuyết hồi ký của Nguyễn Vỹ, tôi biết thêm rằng, các cô nữ sinh Hà Nội cũng lãng mạn ra rít. Họ kín đáo lập ra hội “Ái Tino”. Tino Rossi là ca sĩ người Pháp lừng danh thưở đó, và là thần tượng của vô số thiếu nữ, chẳng riêng gì thiếu nữ Hà thành. Cái “hội” kín đáo, chỉ lèo tèo dăm ba cô thế thôi, nhanh chóng tan hàng, và rồi mạnh ai người nấy tam tòng tứ đức, xuất giá tòng phu, công dung ngôn hạnh… Cái “lãng mạn tân thời” chỉ là đóm lửa, và họ nhanh chóng quay lại với sự thanh lịch, nề nếp theo giáo dục của gia đình.
Năm 1980, lần đầu tiên tôi ra Hà Nội công tác. Anh bạn đồng nghiệp trạc tuổi, tốt nghiệp từ Đông Đức, chở tôi trên chiếc Simson lòng vòng Hà Nội. Nơi đầu tiên tôi muốn ghé thăm là phố Khâm Thiên. Anh bạn tròn xoe mắt, “Làm gì còn hố bom mà ghé thăm”. Tôi chợt hiểu vì sao anh bạn ngạc nhiên, nhưng không thể giải thích. Môi trường giáo dục trong Nam ngoài Bắc khác nhau.
Cái máu phóng đãng đã dẫn tôi đến phố Khâm Thiên, chứ không phải bom rơi đạn lạc ở đó. Đến, dù chỉ để nhìn vài căn nhà xiêu vẹo, cũng thỏa đôi chút tò mò về một thời vang bóng. Phong lưu tài tử giai nhân, đúng, nhưng không phải cách phong lưu của Vân Hạc trong Lều Chõng của Ngô Tất Tố. Anh chàng Vân Hạc khi chờ kết quả thi, ra vào chốn ả đào để vui say bè bạn, để trấn an nhau, để bốc nhau, để chờ ngày bảng vàng ghi tên.
Tôi nhớ đến kiểu cách phong lưu của Cao Bá Quát, một tay chơi thứ thiệt, khi làm sơ khảo trường thi, tiếc bài thi hay mà phạm húy, đã dùng muội đèn để sửa. Việc lộ, bị kết án giảo giam hậu, ông phải đi dương trình hiệu lực, nghĩa là đi làm phục dịch cho phái đoàn đi công tác nước ngoài. Con người tài hoa này, mang theo nỗi cô đơn đến phố ả đào giải sầu bên chén rượu, làm vài bài hát nói, đào nương hát, mình gõ nhịp…
“Giai nhân nan tái đắc Trót yêu hoa nên dan díu với tình Mái tây hiên nguyệt gác chênh chênh Rầu rĩ lắm xuân về oanh nhớ…”
Cũng lần đầu ở Hà Nội, buổi chiều chập choạng tối, lang thang ở phố Huế, tôi thấy một bà đi xe đạp ngược chiều, bị cảnh sát ngoắc lại. Bà năn nỉ thông cảm? Không. Bà phân bua? Không. Bà cãi tay đôi với cảnh sát rằng, nhất định mình đúng. Lương và nhu yếu phẩm phân phối còn không đủ sống, đâu dễ gì chịu nộp phạt. Đôi co với nhau mà cả hai vẫn một mực xưng hô…đồng chí. Tôi phì cười. Hà Nội có những điều không nằm trong trí tưởng tượng của một người Sài Gòn, lần đầu ra Hà Nội như tôi.
Bây giờ, Hà Nội khác xa rồi. Hà Nội nhiều nhà cao tầng, cầu vượt. Hà Nội nhiều xe hơi hơn, Hà Nội giàu hơn. Hà Nội không còn những cảnh cãi tay đôi với cảnh sát buồn cười như thế nữa. Hà Nội văn minh hơn, nhưng có thể họ phải “cãi tay đôi” với chính mình, khi mà còn những cảnh thanh niên thiếu nữ “ à la mode” hái hoa, giẵm hoa bẻ cành để chụp ảnh, hay gào thét tung hô thần tượng minh tinh Hàn Quốc. Đó là chưa kể bún mắng cháo chửi, rải rác vẫn còn đâu đó. Thương hiệu chăng? Tôi chịu! Ăn ngon mà nghe chửi, thôi thà ăn độn dễ nuốt hơn.
Tôi có bà bạn già (hơn tôi) là dân Hà Nội mấy đời. Cha bà là một trong số rất ít người xong bậc đại học thời Tây. Sau 54, nhà đông con, xoay sở không nổi, ông bố định cho 2 đứa con lớn tạm nghỉ học, đi làm rồi học bổ túc sau. Nhưng bà mẹ thì không, nhất quyết không. Bà đến gặp ông bà bác sĩ nhà bên mượn…tiền để các con tiếp tục ăn học. Họ cùng ở trong thành như bà, không vướng bận con cái, còn chút của ăn của để, đồng ý cho vay tín chấp, một thứ tín chấp tình người, thời nay khó tìm. Tôi hiểu ra, dân trí thức Hà Nội xưa có kiểu chơi “chẳng giống ai” (lúc này). Họ kín đáo giúp đỡ nhau trong những tình huống khắc nghiệt. Trong họ dường như chất “nhân” và lòng tự trọng được rèn luyện qua giáo dục, giấy rách phải giữ lấy lề. Mực đen và bão tố không thể vấy bẩn hay phá sập. Những năm sau 75, trong Sàigòn tôi cũng thấy vài trường hợp như thế.
Bà bạn (già) này, về chuyên môn, thì kiến thức mênh mông chứ chẳng vừa. Ăn nói nhẹ nhàng, nhưng quyết liệt khi cần. Vậy mà cư xử thì cứ dạ dạ,..cám ơn. Bà nói chuyện với tôi cũng thế, cũng dạ dạ,..cám ơn. Tôi cười, sao chị khách sáo thế. “Không phải đâu, tôi được giáo dục trong nhà từ nhỏ như thế. Các anh chị em tôi cũng đều như vậy chứ chẳng riêng tôi. Hồi đi học, chỉ vì dạ dạ…cám ơn mà chúng tôi bị phê bình là tiểu tư sản. Ông bà cụ dạy con nghiêm khắc lắm. Tôi là con gái, đi học về là phải tập tành bếp núc, ăn trái chuối là phải bẻ đôi. Ở trường là chuyện khác, còn về nhà là đâu ra đó, vào khuôn phép.”. Tôi cũng nhận ra sự “khách sáo chân thành” của bà, chứ không phải khách sáo đãi bôi.
Dạo sau này, vì công việc tôi thường ra Hà Nội. Đi ăn hàng với bè bạn ở đó thì không sao, nhưng hễ đi một mình là bị chặt (giá), dù chỉ là chai nước tinh khiết, 10.000 đồng ở quán ven đường phố cổ. Bị chặt riết thành quen. Tôi nhủ thầm, lần nào ra Hà Nội mà không bị chặt coi như trúng số.
Dù tôi cũng có vài người bạn thân ở Hà Nội, nhưng giữa tôi và Hà Nội, dường như vẫn còn khoảng cách nào đó. Tôi đến Hà Nội như một kẻ xa lạ, đến như đi nước ngoài không cần visa.
Sài Gòn dễ hội nhập. Cứ ở Sài Gòn là thành người Sài Gòn. Chưa thấy mình là người Sài Gòn, ở lâu thêm chút nữa cũng biến thành người Sài Gòn. Sài Gòn đồng hóa con người nhanh lắm.
Nhưng Hà Nội có lẽ khác, người ta đồng hóa Hà Nội như vũ bão, đồng hóa cạnh tranh từ nhiều nguồn khác nhau để tạo ra một văn hóa Hà thành hiện đại khó mô tả. Còn người Hà Nội (thứ thiệt) đành phải co cụm, khép kín, và giáo dục con cái theo cách riêng của họ để bảo tồn…di sản. Giáo dục từ gia đình mới tạo ra gốc rễ, chứ không phải là quy tắc ứng xử, hay giàu sang, quyền thế.
Hà Nội nhiều hồ. Hà Nội đẹp vì hồ vào những buổi sáng thật sớm, khi trời còn nhá nhem. Sáng lên, Hà Nội biến mất. Con gái Hà Nội (xưa) chắc cũng thế. Cuộc đời dâu bể đã làm họ biến mất, nhưng thực ra cũng chỉ lẩn quất, âm thầm đâu đó thôi.
Năm ngoái, đi ngang qua ngõ nhỏ trong khu phố cổ, tôi ghé tiệm tạp hóa mua chai nước lạnh. Bà bán hàng dễ cũng gần 70, đưa chai nước: “Thưa, của ông đây, giá 5.000. Cám ơn ông…”. Tai tôi lùng bùng. Trong tiềm thức có cái gì nghe quen quen, đọc đâu đó rồi. Đã dợm chân đi, nhưng cũng quay lại: “Thưa bà, bà là người Hà Nội?”. “Vâng ạ, nhà tôi ở ngõ này đã ba đời rồi, từ thời ông nội tôi ra làm quan ở đây”.
Mẹ tôi nói đúng về con gái Hà Nội. Họ hiếm hoi, ẩn mình như giọt nước đọng ở mặt dưới của lá cây sau cơn mưa. Có duyên mới gặp, phải tìm mới thấy.
Chôn mảnh tim buồn ta đợi em về đào mộ tình nhân tưới giọt hồi sinh em có vui chăng vết lòng khắc lên hình bóng dẫu thời gian gìà nua vôi hóa bạc màu son
Em hãy đặt môi hôn cho linh hồn thức tỉnh đào bới tin yêu cào cấu xác thân hãy để nỗi đau tuôn chảy máu đào trinh nguyên ngày nào đỏ thắm lại trầu cau
Ta vẫn đợi em dù đến mai sau vẫn phải lao đao nhặt câu thề hẹn trong lá vàng mục nát làm người nhếch nhác cùng mùa thu trôi dạt xây đấp mộ tình chôn mảnh tim đau..
Sáng nay đi ăn sáng được nghe ông ngồi bàn bên cạnh than với bạn thế này: “Tối qua định làm ông bố tốt, dẫn vợ con lên bờ hồ vào quán cà phê uống nước cho bọn trẻ con xem bắn pháo hoa. Địt mẹ nó chứ, mấy cái bàn ở gần hồ thì nó kêu là có người đặt cả rồi mà ngồi mấy bàn trong thì chúng nó cũng đòi thu trước 150.000 mỗi người tiền chỗ chưa kể đồ uống. Nhà tao đi 4 người thì mất mẹ nó 600.000 tiền chỗ. Có điên mới chịu được. Thế là cả nhà hậm hực đi về. Ngày thường vắng như chùa bà đanh, thích ngồi đéo đâu cũng được… Đúng là cái xã hội Việt Nam… Chỉ có chộp giật, ăn cướp là giỏi…” *** Mình vốn không thích xem bắn pháo hoa, vì nói chung ở Hà Nội bắn chẳng bao giờ đẹp. Lần nào cũng hao hao giống nhau. Chẳng có gì lạ! Hôm qua chập tối thấy khí trời mát mẻ, định dạo vài vòng cho sảng khoái đầu óc và xem thử cái cảm giác được “giải phóng” có làm cho mình “phỗng d…” được tí nào không? Đang chuẩn bị đi thì trời đổ mưa. Và mình chợt nhận ra rằng cái phòng trọ của mình là một nơi lý tưởng để ngắm màn trình diễn pháo hoa từ hồ Bảy Mẫu. Tự dưng thích xem pháo hoa thế không biết. Thế là háo hức pha một ấm chè đặc, vừa nhâm nhi vừa nghe thầy Thích Thanh Tứ giảng giải Kinh Kim Cang chờ tới giờ G để ngắm hoa nở trên trời… Giọng thầy vui vẻ rằng “Bồ Tát là đã giác ngộ được một phần, còn Đức Phật là đã Giác Ngộ hoàn toàn. Chúng sinh không để cho lục căn dính vào lục trần, tức là để cho bản thân được giải thoát khỏi lục thức(nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) thì sẽ giác ngộ, thì đã là Bồ Tát rồi…” … Ôi, mình cũng muốn được làm Bồ Tát. Một lúc cũng được! Đúng lúc pháo hoa bắt đầu nổ, mình tạm tắt lời giảng của thầy Thích Thanh Tứ. Quán chiếu lại bản thân, vào chính lúc đó, lục căn của mình cũng đã tương đối thờ ơ với lục trần rồi. Mắt nhìn thấy trời mưa biết là trời mưa, Tai nghe thấy tiếng pháo hoa nổ bì bòm biết là pháo hoa nổ, Mũi ngửi thấy mùi trà biết là mùi trà, Lưỡi nhận thấy vị chát của trà biết là vị trà, Đầu rảnh rang không khởi niệm phân biệt! Chỉ duy nhất một thứ là còn chiếc quần đùi trên người nó cứ vướng víu thế nào í. Vẫn còn vướng vào trần thứ 5 là “xúc”. Vẫn có cảm giác cứng mềm… Thế mới tai hại! Vào cái khoảnh khắc thiêng liêng đón chào tự do, thống nhất đất nước, trong cái hào hùng của bì bõm tiếng pháo hoa, trong cái mong muốn tột bực của mình là được làm Bồ Tát… lại vướng phải cái quần đùi! Tụt! Giải thoát nốt! Quả thực là sảng khoá vô cùng! Cái cảm giác được làm thần tiên, làm Bồ Tát nó khoái lắm! Chẳng trách gì người người rủ nhau đi tu, nhà nhà rủ nhau đi tu! Đang tận hưởng cảm giác “hoát nhiên tiểu ngộ” thì nghe nhói ở mông. Xoay tay đánh bép một phát. Một bãi máu tươi và xác một con muỗi vằn vện nhoe nhoét trong lòng bàn tay… Thế là chấm dứt ngay giấc mộng làm Bồ Tát của mình! Hầy, …nói chung vẫn còn bọn hút máu thì khó mà có thể giải thoát được!
... Thật là một đại họa cho VN vì hiện giờ nhà cầm quyền đã cho phép Monsanto nhập vào biết bao là sản phẩm GMO. Trong đó, Bắp GMO đang tung hoành và tràn lan khắp nước ! Nhà cầm quyền VN khi cho phép giống bắp này của Monsanto sinh sôi nẩy nở trong nuớc đã không hiểu rằng phấn của nó sẽ lây DNA qua tất cả tất cả bắp VN. Nó sẽ làm hại Ong, Buớm, và tất cả những sinh vật nào ăn lá, rể, hạt của nó. Nó còn gây bịnh ung thư cho nguời dân trong đuờng dài như đã xảy ra tại Nam Mỹ, Phi Châu và gây thảm họa phá sản nông dân tự tử như tại Ân Độ ...
Chúng tôi xin gửi đến tất cả quý vị những thông tin này để phổ biến rộng rãi hầu cảnh giác mọi người đặc biệt là các quý vị có trọng trách với nền nông nghiệp và sản xuất thực phẩm ở Việt Nam. Ý thức được thông tin này, nghiên cứu phương cách đối phó để tránh cho dân tộc một mối hoạ, nguy hiểm hơn cả chất độc da cam.
California, ngày 6 tháng 11 năm 2011
Một tài liệu khá dài , nhưng nên đọc cho biết vì có liên quan trục tiếp đến thực phẩm và sức khoẻ con người Monsanto : Một hiện tượng kỳ quái của Hoa Kỳ?
PHẦN 1:
Monsanto Và Hạt Giống
“Ai làm chủ hạt giống sẽ làm chủ thực phẩm, ai làm chủ đuợc thực phẩm sẽ làm chủ thế giới..” (Monsanto)
“Nông nghiệp Biến Giống DNA sẽ chiếm đóng ngay trong Tòa Bạch Ốc, bất kỳ ai thắng cử Tổng Thống vào tháng 11..” (Monsanto)
- Trong thập niên 60, nông dân Mỹ thường dùng chất DDT để diệt trừ sâu bọ phá họai mùa màng. Sau đó, người ta khám phá ra là chất này khi phun lên rau cải, sẽ gây ra bịnh ung thư cho người tiêu thụ nên đã bị cấm dùng.
- Năm 1970, một tập đoàn công ty hóa chất có tên là Monsanto đã phát minh ra hóa chất diệt cỏ dại tên là “Round Up”. Sản phẩm này có mục đích là giúp nông dân dịệt hết cỏ hoang mọc trong nông trại của họ. Khi xịt chất này trên ruộng đồng, tất cả cỏ dại đều chết tiệt. “Round Up” chính là cha đẻ của chất da cam mà sau đó quân đội Hoa Kỳ đã đem thí nghiệm tại chiến trường VN vào thập niên 70.
- Monsanto đã chế ra chất diệt cỏ cực mạnh, giờ họ lại chế ra giống cây chịu đựng đuợc chính chất diệt cỏ đó. Trong phòng thí nghiệm trồng loại cây này, bất cứ sâu bọ nào ăn nhằm lá, rể, củ, hoa,.. của những giống này đều bị chết sạch.
- Sau khi chế thuốc diệt cỏ xong, Monsanto đi một bước tới vô cùng nguy hiểm cho nhân loài đó là BIẾN ĐỔI GIEN của cây cỏ nông nghiệp (sẽ trình bày trong phần 4) . Đầu tiên, họ phun chất “Round Up” với nồng độ cực mạnh lên chổ thí nghiệm rồi dùng lửa đốt cháy chổ đó. Họ khám phá ra là có 1 lọai vi khuẩn không bị hề hấn gì. Họ dùng DNA của vi khuẩn này và ghép vào cây trồng trọt. Kết quả là họ cho ra đời một giống cây nông nghiệp có sức chịu đựng kinh khủng đối với lửa, tuyết, khí hậu khắc nghiệt và chất diệt cỏ của họ.
- Nhưng Monsanto đã không dừng lại ở đây đâu. Buớc kế tiếp của họ là đem ra những hạt giống biến đổi Gien này đi đăng ký để giữ chủ quyền. Sau nhiều lần thất bại tại địa phương, họ đã thắng kiện tại Tòa Tối Cao của Hoa Kỳ vào năm 1997. Việc này có nghĩa là gì? Theo phán quyết của Tòa, Monsanto đuợc làm chủ lọai cây giống nào do họ biến đổi DNA và nguy hiểm hơn, họ sẽ có chủ quyền luôn với tất cả bất cứ vật gì, cây gì, thứ gì có mang cái DNA đó: nếu nó di truyền tới đâu, họ sẽ có chủ quyền ở đó.
- Việc hợp thức hóa việc làm của Monsanto của lụật pháp là một việc kinh khủng vì từ nay về sau, họ sẽ làm chủ và toàn quyền kiểm soát sinh vật, thực vật và sự sống trên quả địa cầu qua sự ghép Gien và phối giống của họ.
- Chưa hết, Monsanto sau khi đuợc mở đường, họ liền mua hầu hết tất cả các công ty hạt giống nguyên thủy và sau đó biến đổi hết DNA của chúng. Họ đã đem đi đăng ký chủ quyền và đã nắm trong tay hơn… 11,000 hạt giống trên thế giới.
- Còn KINH KHỦNG hơn nữa, Monsanto còn tạo ra một lọai hạt giống có Gien VÔ SINH. Hạt giống này sau khi cho ra hạt, chúng sẽ không thể trồng lại cho vụ mùa tới. Chúng là giống đã bị triệt sản: chĩ trồng được 1 lần thôi. Nếu phấn của chúng bay qua và phối hợp với giống khác, giống đó cũng sẽ mang Gien vô sinh. Bạn nghĩ thế nào nếu con người, chim chóc, thú vật đã ăn phải lọai thực phẩm vô sản này? Xin giải thích thêm lọai này cho các bạn hiểu: khi hạt của cây bắt đầu thành hình (lúa, bắp, Canola….) những tế bào trong hạt đó tiết ra hóa chất giết cái MẦM của hạt giống đó khiến chúng không thể mọc thành cây khác sau khi chín mọng. Nếu những hóa chất đó đi vào cơ thể con người, thú vật, các bạn nghĩ sao? Nếu các bạn muốn biết thêm, cứ vô YOUTUBE và đánh chữ : Monsanto, hoặc GMO, Terminator Seed.
PHẦN 2:
Mưu Tiêu Diệt Nhân Lọai Monsanto Và Chính Phủ Hoa Kỳ
Lưu ý: Đây không phải là hiểm họa và chuyện riêng của Hoa Kỳ mà là mối nguy cơ của cả thế giới . Monsanto đã có mặt tại Việt Nam rồi. Hiểm họa này rùng rợn, thâm độc, âm thầm, lặng lẽ... Ai có chiều sâu, hãy vận dụng hểt trí óc mà hiểu thì sẽ hiểu quyền lực vô hình nào đằng sau Monsanto.
Bây giờ mời các bạn nghiên cứu thêm những gì Monsanto đã và đang làm gì trong chính phủ Hoa kỳ:
- Tại Hoa Kỳ, có 3 cơ quan lớn của chính phủ đặc trách trông coi về thực phẩm là: Bộ Nông Nghiệp, Bộ Môi Sinh (EPA) , và Cơ Quan An Toàn Thực Phẩm (FDA) . Không hiểu vì lý do gì, cả 3 cơ quan này đều để trót lọt mọi họat động của Monsanto từ môi sinh, an toàn tiêu thụ, và biến đổi Giene DNA. Khi dân chúng đuợc báo về nguy cơ gây bịnh do dùng sản phẩm của Monsanto, các công ty dược phẩm cũng không đuợc phép dùng mẩu cây, trái, hạt giống của Monsanto để nghiên cứu tạo ra thuốc chống ung thư.
- Monsanto đã thu mua hàng chục ngàn hạt giống nguyên thủy, biến đổi chúng, rồi làm chủ chúng. Monsanto buộc các nông dân tiêu hủy lúa giống của họ (Xem Phần 3) . Monsanto nắm hết lúa gạo rau cải trái cây. Monsanto cho lan tràn các hạt giống VÔ SINH. Monsanto còn chế chất kích thích độc hại rBGH chích vào bò để làm sữa cho người dân uống. Cho dến ngay bây giờ, họ đã làm chủ một số giống thú bị biến đổi DNA, trong đó có Heo, cá Hồi.
Tôi muốn các bạn thấy chiến lược âm mưu đuờng dài của Monsanto. Nên nhớ là cây trái rau quả hạt thóc đã bị đổi DNA, khi phấn nó phối với giống nguyên thủy thì giống nguyên thủy sẽ bị đổi gien luôn. Nó sẽ lan tràn, phối hợp với giống nguyên thủy qua thụ phấn. Đây là một diển tiến không thể đi lùi lại đuợc vì DNA của các lọai biến đổi Gien này là Gien “thống trị” (dominant) .
CÂU HỎI là tại sao CP Hoa Kỳ không làm gì hết với âm mưu rùng rợn của Monsanto? Không hiểu CP Hoa Kỳ có dùng Monsanto như một vủ khí để thống trị thế giới không hay là chính họ đã bị tập đoàn này khống chế hoàn toàn. Các bạn xem đây:
- Trong lần bầu cử năm 2006 Monsanto đã chi tổng cộng $ 3.640.000 đô la vận động hành lang.
- Phó Tổng thống Dan Quayle, chống lại các quy định mạnh mẽ để giám sát chặt chẽ vào ngành nông nghiệp sinh học của các cơ quan CP.
- Bác Sĩ Richard Burroughs của FDA bị sa thải năm 1989 vì chống đối việc chích kích thích tố rBGH vào bò sửa. Kích thích tố rBGH đuợc bào chế bởi... Monsanto. Monsanto and the regulators http://www.psrast.org/ecologmons.htm
- Dan Glickman, Bộ Trưởng Nông Nghiệp thời TT Clinton thú nhận “ tôi đuợc ‘cấp cao’ hơn cảnh báo là không đuợc đẩy mạnh vịệc giám sát nông nghiệp sinh học và sự phát triển công nghiệp biến đổi DNA trên thực vật.”
- Michael Taylor, Phó Ủy Viên của FDA 1991-1994 (Tư vấn cao cấp của Monsanto, sau đó là Phó Chủ Tịch về Chánh Sách Công Cộng của Monsanto từ 1998 đến 2001
- Linda Fisher, Phó bộ trưởng của EPA (Phó Chủ Tịch của Monsanto)
- Clarence Thomas, Chủ Tịch Tòa Tối Cao Hoa Kỳ (Luật sư của Monsanto)
- Josh King, cựu Giám Đốc Thông Tin của Monsanto tại Washington,D.C
- Margaret Miller, Phó Giám Đốc FDA (cựu khoa học gia của Monsanto năm 1989)
- Micky Kantor, Bộ trưởng Thuơng mại (Ban Giám Đốc của Monsanto)
- Linda Watrud, nhân viên EPA (Khoa học gia nghiên cứu sinh học của Monsanto)
- Anne Veneman, Bộ Trưởng Nông Nghiệp (Ban Giám Đốc của CT Calgene, chuyên làm hạt giống vô sản, Monsanto đã mua đứt công ty này)
- Michael Friedman, Ủy Viên FDA (Phó Chủ Tịch Monsanto)
- Marcia Hale, cựu Phụ tá cho TT Mỹ (Giờ là Giám Đốc Quốc Tế Vụ của Monsanto)
- Suzanne Sechen, nhân viên FDA đặc trách chất rBGH, năm 1989 (Khi là sinh viên, đuợc Monsanto tài trợ cho các nghiên cứu)
- William Ruckelshaus, Chủ Tịch Quản Trị EPA (Thành viên Ban Giám Đốc Monsanto)
- Donald Rumsfeld, Bộ Trưởng Quốc Phòng (Chủ Tịch CT Searte, công ty con của Monsanto)
- John Ahscroft, Bộ Trưởng Tư Pháp (Quỹ vận động vào ghế này do Monsanto tài trợ
Tom Vilsack, Bộ Trưởng Nông Nghiệp của TT Obama (Sáng lập viên của Governor's Biotechnology Partnership, Đồng minh,bạn thân của Monsanto, bật đèn xanh trong việc GMO Alfalfa cho Monsanto, Tom Vilsack - Wikipedia, the free encyclopedia http://en.wikipedia.org/wiki/Tom_Vilsack
(vào đọan cuối đề mục thứ 5) Margaret Miller, Phó Giám Đốc FDA (cựu khoa học gia của Monsanto năm 1989)
- Micky Kantor, Bộ trưởng Thuơng mại (Ban Giám Đốc của Monsanto)
- Linda Watrud, nhân viên EPA (Khoa học gia nghiên cứu sinh học của Monsanto)
- Anne Veneman, Bộ Trưởng Nông Nghiệp (Ban Giám Đốc của CT Calgene, chuyên làm hạt giống vô sản, Monsanto đã mua đứt công ty này)
- Michael Friedman, Ủy Viên FDA (Phó Chủ Tịch Monsanto)
- Marcia Hale, cựu Phụ tá cho TT Mỹ (Giờ là Giám Đốc Quốc Tế Vụ của Monsanto)
- Suzanne Sechen, nhân viên FDA đặc trách chất rBGH, năm 1989 (Khi là sinh viên, đuợc Monsanto tài trợ cho các nghiên cứu)
- William Ruckelshaus, Chủ Tịch Quản Trị EPA (Thành viên Ban Giám Đốc Monsanto)
- Donald Rumsfeld, Bộ Trưởng Quốc Phòng (Chủ Tịch CT Searte, công ty con của Monsanto)
- John Ahscroft, Bộ Trưởng Tư Pháp (Quỹ vận động vào ghế này do Monsanto tài trợ
Tom Vilsack, Bộ Trưởng Nông Nghiệp của TT Obama (Sáng lập viên của Governor's Biotechnology Partnership, Đồng minh,bạn thân của Monsanto, bật đèn xanh trong việc GMO Alfalfa cho Monsanto, Tom Vilsack - Wikipedia, the free encyclopedia http://en.wikipedia.org/wiki/Tom_Vilsack
(vào đọan cuối đề mục thứ 5)
Đồng thời, còn hơn chục nhà nghiên cứu, luật sư, bác sĩ,…bị CP sa thải vì chống Monsanto, tên tuổi họ không quan trọng nên không cần đăng lên Muốn kiểm chứng, bạn lên mạng và đánh : (tên của họ và Monsanto) , ví dụ : Donald Rumsfeld monsanto
PHẦN 3:
Monsanto Và Nông Dân
Nhắc lại:
1. Sản phẩm Round Up của Monsanto sẽ diệt sạch cây cỏ TRỪ ra giống của họ tạo ra.
2. Nếu phấn cây của Monsanto bay qua bất cứ đồng lúa nào khác, phấn của chúng sẽ biến cây nguyên sinh thành ra cây của Monsanto. Mắt thuờng sẽ không thể phân biệt được giống nào là giống nào. Vì vậy, bất cứ nông trại nào bị nhiểm giống của Monsanto, thì theo luật pháp, họ có tội và phải tiêu hủy hết TẤT CẢ hạt giống trên ruộng đất của họ.
3. Biến đổi Gien của thực vật, động vật đuợc gọi là GMO (Genetic Modification Organism)
BÂY GIỜ XIN TIẾP TỤC:
- Tưởng rằng Monsanto sẽ dừng chân ở đây nhưng mọi người đều lầm. Họ chuẩn bị cho một kế họach kế tiếp rất đáng sợ cho thế giới. Nạn nhân đầu tiên của họ là ông Percey Schmeiser, một nông dân người Canada. Ông ta là một nhà nông cha truyền con nối bao đời chuyên trồng cây Canola để ép thành dầu ăn. Không biết vì lý do nào, tự nhiên trong hàng trăm mẩu đất của ông xuất hiện giống Canola GMO do Monsanto làm chủ. Một ngày đẹp trời, ông nhận đuợc đơn kiện của Monsanto về tội ăn cắp hạt giống.
Khi ra tòa, ông hết sức giải thích là không hiểu tại sao chúng lại có mặt trong đất của ông. Tòa phán ông có tội. Vợ ông khóc, ông khóc…số tiền ra tòa cộng với chi phí đi thử hạt giống, luật sư là hơn 1 trăm ngàn đô. Đã vậy, ông còn bị buộc phải đốt hết tất cả đồng ruộng và thiêu hủy hết hạt giống tồn kho. Đốt luôn TẤT CẢ hạt giống nguyên sinh mà cả đời ông khổ công gầy giống tốt. Thế là ông phá sản. (Xem clip 5 của ông ta):
- “Chỉ cần tìm đuợc 1 cây của Monsanto trong hơn 300 mẩu đất, tất cả hạt giống trong 300 mẩu đất này của tôi sẽ bị tiêu hủy..” (lệnh của Tòa án, theo lời ông Percey Schmeiser.) Hiện giờ ông ta đã đi khắp nơi trên thế giới để vạch mặt âm mưư thống trị toàn cầu của Monsanto. Đây là một đoạn khác trình bày về trường hợp của ông (bỏ vài phút đầu giống clip bên trên) PERCY SCHMEISER - DAVID VERSUS MONSANTO - YouTube
- Sau khi thử nghiệm và thắng vụ ông Percey, từ năm 1998-2000, Monsanto đã gởi đơn kiện đến 9000 nông dân Hoa Kỳ và buộc tội họ ăn cắp hạt giống rau cải GMO do họ làm chủ (bắp, bông cải, đậu nành,..) . Tất cả những nông dân này không hề dùng hạt của Monsanto nhưng không hiểu sao nó lại xuất hiện trên ruộng họ. Hầu hết các nông dân này đều chịu trả tiền bồi thường vì thấy cái gương trước mắt từ ông Percey. Họ còn buộc phải tiêu hủy hết hạt giống nguyên thủy để khỏi bị ra tòa. Bất cứ ai chống lại họ đều bị phá sản khi dốc hết tài sản ra thanh toán mọi chi phí.
- Ghê gớm hơn : Tất cả nông dân này sau đó “bắt buộc” phải dùng giống của Monsanto vì thứ 1, giống chính của họ đã bị tiêu hủy sạch; thứ 2, nếu không dùng giống của Monsanto thì cũng lại bị nhiểm và lại ra tòa. Cái đáng sợ hơn là Monsanto chỉ bán hạt giống,…TRIỆT SẢN (xem Phần 1) : Những giống này chỉ gặt đuợc MỘT lần vì chúng đã bị biến Gien thành vô sinh. Nghĩa là các nông dân này phải mua hạt mới của Monsanto sau mổi vụ mùa. Lọai giống này không những đã bị triệt sản mà chúng còn bị ghép DNA có khả năng miển nhiểm với thuốc diệt cỏ Round Up do Monsanto chế tạo. Round Up, một hóa chất tương tự như chất độc da cam (Agent Orange) và hiện nay, có 4 lọai giống chính của Monsanto là “Round Up Ready” Bắp, Đậu Nành, dầu Canola, và Bông Vải. Theo thống kê năm 1996, Hoa Kỳ hiện có khoảng 100 triệu mẫu trồng giống GMO.
- Thế là hầu hết sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ đều là giống đã bị biến đổi Gien; một sản phẩm trái với thiên nhiên và gây ra ung thư di căn trong con người tới nhiều đời con cháu. Hiện giờ, chúng đã lan tràn khắp thế giới: Canada, Mexico, Nam Mỹ, Âu châu, Phi châu, Á châu. Tại Hoa Kỳ, HƠN 95% ĐẬU VÀ 80% BẮP LÀ DO MONSANTO LÀM CHỦ. Chỉ còn 1 số rất nhỏ nông gia là không dùng sản phẩm của Monsanto
Monsanto: The Seed Monopoly That Caused Genetically Modified Food To Start Showing Up On Nearly Every Dinner Table In The United States
- Hiện nay, các lọai hạt giống gọi là “Round Up Ready” này do Monsanto làm chủ đã lan tràn hàng triệu mẩu trên các nước Nam Mỹ như Mể, Ba Tây, Paraguay, Argentina… nhiều trẻ em nông dân sống gần những nông trại đã xử dụng thuốc diệt cỏ Round up đã bị nhiểm bịnh lạ như lở da, bỏ ăn, nôn mửa….Bất cứ chổ nào có lọai cây của Monsanto, nơi đó đều có Round Up vì chỉ có giống đó mới chịu nổi thuốc diệt cỏ của họ.
- Trong đầu thập niên 2000, bịnh bò điên phát hiện tại Âu Châu. Khi tìm hiểu nguyên nhân của nó, người ta đều nhìn về… Nam Mỹ. Mổi năm, Âu Châu đã nhập cảng hàng chục triệu tấn Bắp, Đậu Nành để làm thực phẩm cho gia súc của họ. Trong đó có bò, heo, gà. Hơn 90% các lọai bắp, đậu nành này đều là sản phẩm GMO của Monsanto. Bò điên, Heo long mồm lở móng, cúm Gà.
- Tại Ấn Độ, đã có hơn 40.000 nông dân tự tử chết vì chiến lược của Monsanto. Sau mổi mùa gặt, nếu không dư tiền để mua lại hạt giống mới cho mùa tới là coi như vỡ nợ và đói. Mức độ thụ phấn lây lan qua giống nguyên thủy làm họ không còn giống nguyên thủy để tiếp tục trồng trọt.
PHẦN 4:
Monsanto, Cải Biến Gien DNA ,
Bịnh Tật, và Phá Trật Tự Thiên Nhiên
Trong vũ trụ, mọi việc đã được Tạo Hóa sắp đặt li ti tinh vi từng chút, sự vận chuyển của hàng muôn ức tinh cầu và chúng không bao giờ di chuyển sai một ly. Trong những tinh cầu đó có muôn ức sinh linh sống tuần hoàn theo định luật của nó một cách trật tự kỳ diệu. Trong cơ thể con người cũng chứa hàng ức ức sự sống: biết bao là chủng tử sinh linh làm việc vận hành giúp cơ thể ta đuợc sinh động. Trong lúc nhập định, soi mắt vào cơ thể, ta có thể thấy ngay trong những vi sinh đó, bên trong chính nó lại có hằng hà sa số những vi sinh khác. Cơ thể ta chính là một tiểu vũ trụ nằm trong Đại Thiên. Trật tự trong thiên nhiên là giúp cho mọi vật ở đâu nằm ở đó. Thay đổi nó là phá trật tự, gây phản ứng dây chuyền, đó là phạm luật, là gây ra đại họa tự hủy diệt.
Phản Ứng Dây Chuyền Trong Thiên Nhiên: Một Ví Dụ nhỏ: Ong Mật trên đà suy thoái trầm trọng. Collapsing Colonies: Are GM Crops Killing Bees? - SPIEGEL ONLINE - News - International
- Monsanto đã lấy DNA của giống cá sống ở băng tuyết cực lạnh miền Bắc cực rồi ghép vào cây cà. Cây Cà này bổng nhiên chịu đuợc độ lạnh đông đá mà không chết, trái của nó bị tuyết phủ mà vẩn không hư. Nhưng khi bán ra chợ, hàng triệu tấn Cà sau đó bị ế vì vị của nó nhạt thết, lại không có mùi vị thơm tho đậm đà như Cà tự nhiên. -Giống này có DNA của vi khuẩn E. Coli đã chống được lửa, tuyết, và chất độc nhất thế giới.
- Thấy chuyện đơn giản nhưng thật ra Monsanto đã tạo ra một quái vật đó là sự phối giống giửa Thực vật và Động vật. Hiện giờ, những DNA trong giống Cà đó chúng chưa đủ thời gian để tiến hóa, nhưng sau này, chúng tiến hóa và sẽ biến hình, biến dạng thì không thể biết nó ra sao. Có thể nói, Monsanto đã mở đuờng cho 1 loại quái vật mới cho địa cầu.
- Lần đầu tiên hết, khi Monsanto cố cấy vi khuẩn E. Coli ( đã miển nhiểm chất Round Up, xem phần 1) vào 1 tế bào của cây, tế bào cây không chấp nhận và đẩy ra. Sau đó Monsanto dùng tia điện bắn lên mặt tế bào cây, tạo ra nhiều vết nứt rồi cho DNA của E. Coli xâm nhập. Họ đã thành công: một giống cây chịu đựng đuợc chất cực độc Round Up đã ra đời. Bạn hãy tưởng tượng họ phun chất độc tương tự như chất độc da cam lên nông trại mà cây không hề chết thì những cây trái biến giống này cũng sẽ độc như thế nào khi ăn vào. Cào cào, Châu chấu sau khi ăn loại cây này, sau này miển nhiểm sẽ trở nên một đại họa vì không cách gì diệt được chúng !
-Hậu quả là thức ăn GMO mang lại một thảm họa cho sức khỏe của người dân trên thế giới. Trong vòng 9 năm kể từ khi họ bắt đầu sản xuất lọai này từ 1996, nhiều căn bệnh mãn tính đã tăng lên tới 13% trong dân số thế giới. Dị ứng thức ăn tăng gấp đôi, và nhiều bịnh lạ đang xuất hiện. Hàng triệu người có biến chứng ung thư mà vẩn không hiểu tại sao. Đây là mối nguy thầm lặng của nhân loại: nó không phát ra liền nhưng sau nhiều năm tích tụ độc tố, nó sẽ bùng phát thành bịnh, lúc đó vô phuơng cứu.
TRONG PHÒNG THÍ NGHIỆM: Chuột
**Khi thử nghiện với chuột cho ăn bột đậu nành GMO, hầu hết chuột con đều chết trong vòng 3 tuần. Con của chúng nhỏ hơn và sau đó khi lớn thì có nhiều vấn đề với sinh sản (Irina Ermakova, 2005-2007) Monsanto dùng tia điện bắn lên mặt tế bào cây, tạo ra nhiều vết nứt rồi cho DNA của E. Coli xâm nhập. Họ đã thành công: một giống cây chịu đựng đuợc chất cực độc Round Up đã ra đời. Bạn hãy tưởng tượng họ phun chất độc tương tự như chất độc da cam lên nông trại mà cây không hề chết thì những cây trái biến giống này cũng sẽ độc như thế nào khi ăn vào. Cào cào, Châu chấu sau khi ăn loại cây này, sau này miển nhiểm sẽ trở nên một đại họa vì không cách gì diệt được chúng !
-Hậu quả là thức ăn GMO mang lại một thảm họa cho sức khỏe của người dân trên thế giới. Trong vòng 9 năm kể từ khi họ bắt đầu sản xuất lọai này từ 1996, nhiều căn bệnh mãn tính đã tăng lên tới 13% trong dân số thế giới. Dị ứng thức ăn tăng gấp đôi, và nhiều bịnh lạ đang xuất hiện. Hàng triệu người có biến chứng ung thư mà vẩn không hiểu tại sao. Đây là mối nguy thầm lặng của nhân loại: nó không phát ra liền nhưng sau nhiều năm tích tụ độc tố, nó sẽ bùng phát thành bịnh, lúc đó vô phuơng cứu.
The Health Dangers of Genetically Modified Foods - YouTube (10 phút)
TRONG PHÒNG THÍ NGHIỆM: Chuột
** Khi thử nghiện với chuột cho ăn bột đậu nành GMO, hầu hết chuột con đều chết trong vòng 3 tuần. Con của chúng nhỏ hơn và sau đó khi lớn thì có nhiều vấn đề với sinh sản (Irina Ermakova, 2005-2007)
** Theo nghiên cứu của Chính phủ Úc, chuột đuợc ăn bắp GMO đẻ con ít hơn và nhỏ hơn.
** Nhiều nông trại chăn nuôi Hoa Kỳ và Âu Châu báo cáo là heo nuôi bằng GMO bị vô sinh, sanh quái thai, và đẻ non. Tiểu Bang Haryana tại Ấn Độ cũng báo cáo tương tợ vớibò và trâu.
- Viện Y Dược Môi Sinh Hoa Kỳ (The American Academy of Environmental Medicine) khuyến cáo là ăn thức ăn GMO sẽ gây bịnh:
- hư trầm trọng cơ tạng,
- hư hệ thống tiêu hóa (ung thư ruột),
- suy yếu hệ thống miển nhiểm,
- mau già
- gây bịnh vô sinh ( trứng/tinh trùng tổn thương)
- rối loạn chức năng điều chỉnh chất Insulin và cholesterol.
SAU ĐÂY LÀ TÓM TẮT 50 NGUY HIỂM CỦA KỸ NGHỆ GMO:
1. Tử vong tăng cao gần đây do ăn GMO
2. Dị ứng thực phẩm : khõang 50 triệu dân Mỹ bị ngứa, ghẻ khi ăn đồ ăn GMO
3. Ung thư
4. Hư thai & giảm tuổi thọ
5. Tích tụ độc tố trong cơ thể
6. Đất đai bị hủy diệt, tích chứa chất độc
7. Nhiều cây cỏ bị diệt chủng
8. Tạo ra nhiều Siêu sinh vật
9. Giết hại loài ong mật
10. Mùa màng ít hơn
Các bạn coi thêm 40 cái còn lại: Genetically Modified (GM) Food, Genetically Modified Organisms, Genetic Engineering, GM Food Crops, Engineered GMOs, Genetically Altered Foods http://www.raw-wisdom.com/50harmful.
PHẦN 5:
Monsanto và Phản Ứng Thế Giới
Họ đã gây ra thảm họa trong thế giới thực vật làm biến dạng DNA lan tràn qua phấn hoa nhiều cây cỏ trên thế giới (Phần 1) . Hiện giờ họ vẫn đang tiếp tục bành trướng và đang bắt đầu kế họach làm chủ Súc Vật. Theo phán quyết của Tòa Tối Cao Hoa Kỳ do ông Thomas Lawrence làm Chủ Tịch (cựu luật sư của Monsanto, xem Phần 2) thì “ bất cứ Gien DNA nào của Monsanto di truyền đến đâu, họ có chủ quyền đến đó” , vậy thì khi gia súc ăn thực phẩm GMO của Monsanto và Gien của chúng có mang Chủ Quyền (Pattern) , thì họ sẽ có chủ quyền trên những súc vật đó.
- Hiện giờ Monsanto đang làm chủ 1 số giống Heo GMO, theo Đăng Ký Số WO2009097403: Monsanto files patent for new invention: the pig | Greenpeace International .
Họ đã nộp đơn xin chủ quyền lên giống cá vào tháng 3 theo đăng ký số WO201027788, hãy vào xem giống cá Hồi (Salmon) đã bị ghép DNA của một giống Luơn GMO Salmon What Next? Genetically Modified Food - YouTube (hình phút 0:28)
(Clip này có nói về ông Percey (trong phần 2) vận động chống Monsanto ở tòa. Đọan phim tiết lộ, Kirk Azevedo, một cựu nhân viên của Monsanto kể lại rằng Monsanto đã nói “trong vòng 30 năm tới, chúng tôi muốn làm chủ nguồn thực phẩm thế giới”. Ông Witherspoon, một nhà nghiên cứu sinh học nói rằng Monsanto không quan tâm về cổ phần mà chỉ muốn làm sao loại trừ hết đối thủ bằng chủ quyền đã đăng ký. Nhiều trại heo báo cáo heo ăn GMO của Monsanto bị nhiều biến chứng; khi họ báo cáo lên FDA, EPA, hồ sơ họ đều bị dìm. Clip còn tiết lộ nhân viên chính phủ nào giúp đở Monsanto, khi rời nhiệm sở đều đuợc nhận chức vụ cao của họ như là trả ơn. Còn những ai chống đối họ đều bị sa thải như truờng hợp ông Richard Burrough của FDA. Ngay cả cô Jane Akre, thông tín viên Đài Truyền Hình Fox cũngbị sa thải vì muốn lên tiếng cho công chúng biết sự nguy hiểm của sản phẩm Monsanto. Hãy xem cô Jane Akre kể lại tình tiết Monsanto áp lực Fox và sa thải họ như thế nào:
Cũng trong clip này, đích thân TT Bush kêu gọi Âu Châu phải bải bỏ lịnh cấm kỹ nghệ Sinh Học, đây là một bằng chứng để chúng ta suy nghĩ nghi vấn của tôi trong Phần 2 về CP Hoa Kỳ. Trong cuối đoạn phim, người bỏ công thực hiện phim này nói “ 10 năm truớc tôi nghĩ chuyện chủ quyền sinh vật là chuyện cười, nhưng không! Đây là chuyện phải khóc đó.” )
PHẢN ỨNG CỦA THẾ GIỚI:
- May mắn thay, các tổ chức Thế Giới đang tẩy chay Monsanto và Thực Phẩm GMO. Liên Hiệp Âu Châu biết rằng không thể triệt hạ Monsanto nhưng họ đã có chiến lược độc đáo là buộc phải dán nhãn cảnh báo người tiêu thụ trên sản phẩm có GMO trên khắp toàn cỏi Âu Châu. Riêng tại Hoa Kỳ, một người mẹ tại Bang Oregon, cô Donna Harris đã bỏ ra 2000 đô để đưa ra luật “Dán Nhãn” nhưng Monsanto và kỷ nghệ GMO đã bỏ ra 5 Triệu đô và đánh bại dự luật này. GMO Labeling defeated in Oregon
http://newfarm.rodaleinstitute.org/news/2002/111502/oregon_defeat.shtml
- Nhiều nông gia Hoa Kỳ đang đoàn kết nhau chống lại Monsanto. Họ đã đâm đơn kiện ngược lại việc xâm phạm thiên nhiên. Họ tuyên bố rằng Monsanto không thể làm chủ bất cứ gì trong thiên nhiên, ngay cả mặt trời. Nhiều nông trại bây giờ không xử dụng GMO và khuyến khích người dân nên dùng thực phẩm tự nhiên.
- Người Nhật nói rằng “ Hãy chóng mắt lên mà coi trẻ em Hoa Kỳ trong 10 năm tới.”
- Nhiều quốc gia thế giới đang thiêu hủy hết tất cả hạt giống, cây cỏ nào có GMO.
- Tổ Chức Chuyên Đánh Giá Đạo Đức của Thụy Sĩ qua nhiều cuộc thăm dò dư luận, đã đánh giá Monsanto là một công ty VÔ ĐẠO ĐỨC nhất thế giới.Monsanto: The #1 Most Unethical Company In The World | Disinformation
- THÁNG 10 NĂM 2011 năm nay, các Tổ Chức sẽ ra chiến dịch chống Monsanto. Organic Consumers Association: Millions Against Monsanto Campaign http://organicconsumers.org/monsanto/index.cfm,
Thế Giới đã thức tỉnh và lên tiếng về hiểm họa của Monsanto và Kỹ Nghệ GMO.
Còn người VN ta thì sao? Các bạn có ý thức sự nguy hiểm của nó như thế nào không?
PHẦN 6.a:
Monsanto Và Chiến Lược Toàn Cầu
Tại sao họ lại chế ra toàn những sản phẩm cực độc mà toàn là thứ vủ khí giết người rất thầm lặng?
1) Aspartame: đuờng hóa học trong “Nutrasweet” để uống cà-phê, gây ra 92 chứng bịnh, xem liệt kê Bad News about products with Aspartame
http://www.dorway.com/badnews.html#symptoms
2) PCB: một hóa chất bọc dây điện. Monsanto đã biết chất này gây ung thư, lở da, ói mửa, ghẻ, tiểu đuờng, phong thấp… vậy mà âm thầm làm từ 1930 cho đến khi bị 20 ngàn người kiện $700 Million Settlement in Alabama PCB Lawsuit - NYTimes.com
4) SACCHARINE: đường hóa học trong kỷ nghệ nuớc ngọt; trong PEPSI, COKE đều có.
Chất này là một chất độc vậy mà đã lưư hành khắp thế giới qua dạng nuớc uống. Nó gây ra bịnh ung thư bàng quang, đường tiểu, da, và cơ tạng khi thí nghiệm chuột. Saccharin Still Poses Cancer Risk, Scientists Tell Federal Agency http://www.cspinet.org/new/saccharn.htm
5) DDT gây ung thư và xẩy thai
6) Chất Da Cam: phá môi sinh và di căn quái thai cho mọi sinh vật đến 50 năm sau
7) ROUND UP: xẩy thai, đẻ non, ung thư
8) rBHG : kích thích tố chích cho thú vật mau lớn và chích cho bò sửa. Gây ung thư vú
Tất cả những sản phẩm trên của Monsanto đều đuợc Y Khoa cho biết là sẽ gây ung thư và đủ mọi biến chứng nhưng tại sao các Cơ Quan EPA, FDA, Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ đều phớt lờ? “HỌ” đang có ý đồ gì trên thế giới? Điều chúng ta muốn biết “HỌ” là ai? Là CP Hoa Kỳ hay là Monsanto ?
- Nếu xem trong danh sách nhân viên chánh phủ (Phần 2) , người ta có bằng chứng Monsanto đã có người trong đó từ thời TT Reagan, Bush (cha) , Bush (con) , Clinton, và Obama. Danh sách đó như tôi đã nói, nó chưa đủ đâu, ví dụ đâu ai để ý là Ủy Viên Đặc Trách Không Gian Hoa Kỳ, ông Robert J. Stevens dưới thời TT Bush lại là Ban Giám Đốc của Monsanto !!! Rồi bà Gwendolyn S. King từng là Phụ Tá cho TT Reagan, cũng là thành viên trong Ban Giám Đốc của Monsanto. Rồi ông George Poste, làm việc cho Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho đến năm 2004, cũng nằm trong Ban Giám Đốc Monsanto Monsanto Profiles, Brand Logos and Top Lists – Juggle.com
rồi lại thêm Bộ truởng Thuơng Mại Hoa Kỳ trong năm 2004, ông John Bachmann cũng là người trong Ban Giám Đốc của Monsanto John Bachmann, Monsanto Board Member, Hides Position from US Chamber of Commerce | Veterans Today
Monsanto đã len lỏi và nắm hết các chức vụ quan trọng trong Bộ Nông Nghiệp, Bộ Thương Mại, Bộ Môi Sinh, Cơ Quan An toàn Thực Phẩm, Bộ Tư Pháp, trong Tòa Tối Cao của Hoa Kỳ và nhất là ngay trong Tòa Bạch Ốc. Điều này có nghĩa là gi? Tôi để các bạn tự suy nghĩ.
- Vậy thì tất cả những gì Monsanto làm không phải là tình cờ mà là MỘT CHIẾN LƯỢC có chủ trương vửng chắc từng buớc một. Họ đã dám tuyên bố là “ chúng tôi sẽ có người trong Tòa Bạch Ốc bất kể ai là Tổng Thống !.” và họ đã làm đúng như kế họach : Họ đang làm chủ Hoa Kỳ và đang bành truớng trên thế giới.
CHIẾN LƯỢC TOÀN CẦU:
1) Monsanto áp dụng y như trong nuớc là len lỏi qua các cơ quan về nông nghiệp, y tế, môi sinh để xâm nhập vào nuớc khác. Họ đã hiện diện trên 82 nước trên thế giới, đây là những quốc gia có sự hiện diện của họ trong trang nhà của họ: Monsanto ~ Monsanto Facilities Round the World http://www.monsanto.com/whoweare/Pages/our-locations.aspx
2) Sau khi khống chế CP Hoa Kỳ, buớc kế tiếp của họ là mua chuộc các chính phủ nuớc ngoài. Điển hình là họ đã hối lộ Bộ Y Tế Canada 2 triệu đô năm 1994 nhưng đã bại lộ Monsanto Accused of Attempt to Bribe Health Canada for rBGH (Posilac) Approval -- Item #10009
3) Năm 2005, họ hối lộ Bộ Nông Nghiệp Indonesia 1.5 triệu đô và 700 ngàn cho 140 nhân viên CP. Vụ này cũng bại lộ và bị tòa Dân Sự Hoa Kỳ truy tố Monsanto Bribery Charges in Indonesia by DoJ and USSEC - Third World Network Malaysia 27jan2005 http://www.mindfully.org/GE/2005/Monsanto-Indonesia-Bribery27jan05.htm
4) Năm 2008, Thái Lan: vừa đảo chánh xong 2 ngày là CP Quân Sự bải bỏ tức khắc lịnh cấm nhập cảng Monsanto GMO có từ truớc. Tại sao CP Thái làm vậy?
5) Họ vơ vét thật nhiều tiền trong nuớc qua nông dân trong và ngoài nuớc rồi dùng tiền đó mua chuộc các quốc gia. Chỉ có 2 vụ là đổ bể, chắc chắn là còn nhiều vụ khác mà trong đó Việt Nam không ngoại lê: Monsanto hiện ĐÃ CÓ MẶT TẠI VN. - Họ khống chế nông dân trong nước và ngoài nuớc, phá môi sinh thế giới, phá trật tự thiên nhiên qua GMO, chế hạt giống vô sinh, tạo ra heo bò cá biến đổi Gien và hiện nay Monsanto đang có mặt tại 82 QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI, các bạn vô đây và bấm chử “select country” phía trên Monsanto ~ Home Chúng ta hãy nghĩ xa hơn, đây không phải là chuyện Tư Bản hay Cộng Sản mà là chuyện của nhân loài.Sẽ có ngày chẳng còn chủ nghĩa nào hết mà chỉ còn QUỐC GIA MONSANTO. Nó có thể xảy ra trong 20 năm tới chứ không đùa đâu. Đây là lời tuyên bố của họ đấy!
Tôi vẩn đặt câu hỏi ở đây như trong Phần 2 : đây là chiến lược của CP Hoa Kỳ hay là CP Hoa Kỳ đã bị Monsanto khống chế ? Monsanto's Government Ties
1. Âm Mưu Tiêu Diệt Nhân Lọai
PHẦN 6.b:
Monsanto Và Việt Nam
-Thật là một đại họa cho VN vì hiện giờ nhà cầm quyền đã cho phép Monsanto nhập vào biết bao là sản phẩm GMO. Trong đó, Bắp GMO đang tung hoành và tràn lan khắp nước ! Nhà cầm quyền VN khi cho phép giống bắp này của Monsanto sinh sôi nẩy nở trong nuớc đã không hiểu rằng phấn của nó sẽ lây DNA qua tất cả tất cả bắp VN. Nó sẽ làm hại Ong, Buớm, và tất cả những sinh vật nào ăn lá, rể, hạt của nó. Nó còn gây bịnh ung thư cho nguời dân trong đuờng dài như đã xảy ra tại Nam Mỹ, Phi Châu và gây thảm họa phá sản nông dân tự tử như tại Ân Độ ( xem những bài truớc) Thông báo số 4280/TB-BNN-VP ngày 15/8/2007
- Đã vậy, VN và nông dân không hề ý thức đuợc hiểm họa thầm lặng và chiến luợc của Monsanto. Nội trong năm nay (2011) , nông dân lại hí hửng nhập thêm Đậu Nành GMO của Monsanto về trồng Rau, Hoa, Quả Việt Nam - Monsanto sẽ nhập giống đậu tương kháng Aphid vào năm 2011
- Và kết quả là bây giờ, hiện tượng bắp của Monsanto đang dở chứng tại VN. Không hiểu vụ này có dính gì đến giống Vô Sinh mà Monsanto muốn cài vào VN không? Nếu có thì là một đại họa vì phấn của nó sẽ lan tràn khắp nơi: Ngô Việt Nam chờ chuyển gen
- Tôi không hiểu Nhà Nước VN giáo dục thế nào mà có cái chức gì gọi là phó giáo sư Tiến Sĩ ? Kiến thức của một nhà khoa học để ở đâu mà vui mừng khoe khoang một thảm họa diệt chủng âm thầm của Monsanto như ông Tiến Sĩ này chủ truơng trong năm 2015 Sinh học Việt Nam | Tin tức | Năm 2015, Việt Nam sẽ có cây trồng biến đổi gen Một nhà khoa học phải biết thế nào là đạo đức. Mình phải biết ranh giới của khoa học và phải biết dừng chân lại chổ nào! Khoa học chỉ là tìm lại cặn bả của Tạo Hóa: tất cả trật tự thiên nhiên đều có truớc và hiện hữu ức ức năm truớc khi ta hiện hữu. Chúng ta chẳng phát minh ra đuợc gì hết mà chỉ moi ra trong đống đồ chơi trong khu vuờn địa đàng của Tạo Hóa. Một đám con nít lượm đồ chơi trong vườn địa đàng rồi ráp nối chế biến thành vũ khí đưa đến hủy diệt nhau và cho đó là tuyệt vời ???
- VN duới chế độ CS đang buớc đi chập chững vào cái bẩy của Monsanto mà không hay biết! Từ Bộ Y Tế đến Bộ Nông Nghiệp cho đến các ‘Tiến Sĩ’, các truờng Đại Học đang hớn hở vui mừng ruớc vào đất nước một thảm họa Chất Độc Da Cam một lần nữa mà không hay biết gì. Họ còn sung suớng khen ngợi đồng ruộng sạch láng cỏ dại vì nhờ dùng Round Up để phun lên những cánh đồng trồng Roung Up Ready Đậu Nành, Bắp, Dưa,….của Monsanto rồi sau đó tung ra cho cả nuớc ăn ! Một mặt thì kiện họ qua vụ Da Cam mặt khác lại ruớc họ vào rải chất độc đó khắp đất nuớc ? ? ?
- Các bạn đừng tưởng rằng Monsanto sẽ không làm gì được tại VN. Họ đã làm đuợc tại Nam Mỹ, Phi Châu, Ấn Độ thì họ sẽ làm được tại VN.
Chiến tranh bằng vũ khí thì dể đánh nhưng đánh chúng ta qua gió, mưa.. qua việc dùng gió để đưa phấn GMO vào ruộng lúa VN thì họ thắng như trở bàn tay. Bạn hỏi làm cách nào à ? … câu trả lời là ruộng lúa VN sẽ bị nhiểm giống VÔ SINH nếu VN ta đưa giống lúa này vào !!!. Sau khi nhiểm, lúa VN sẽ không sanh ra hạt cho mùa gặt tới ! Thế là chết đói.
Nếu không muốn chết đói thì phải mua giống của họ, và chiến lược này lại đuợc tái áp dụng trên VN như ĐÃ XẢY RA trên thế giới.
- Vấn đề là nhà cầm quyền VN có ai trong đó đủ sáng suốt để hiểu Monsanto hay không. Theo ý tôi thì chiến lược của Monsanto quá tinh vi và kín đáo cho nên VN không ai nhìn thấy. Tôi không biết Monsanto sẽ dở trò gì ở VN nhưng các bạn nào đã đọc qua 5 phần vừa qua, nên có trách nhiệm cho dư luận hiểu âm mưu của họ.
ĐỊA CHỈ CỦA HỌ TẠI VIỆT NAM:
Monsanto Company
2nd Floor, Hai Thanh Office Center
2 Thi Sach Street, District 1
Ho Chi Minh City
tel. 84-8-220-550
Our Regional Offices in Asia - Monsanto Elsewhere - Monsanto Pakistan
http://www.monsantopakistan.com/elsewhere/asia.html
- Cô Trần Thị Ý Nhi, Trưởng phòng Nhân sự - Monsanto Việt Nam Vietnam Employer - Testimonials
Nhà nuớc VN có biết gì về Monsanto hay không? Bộ Nông Nghiệp có nghiên cứu gì về sản phẩm của họ không? Các nhà khoa học VN có hiểu gì về Monsanto không? Chúng ta không thể nào hành động như một bày trẻ mới xổng chuồng, cuống quít chụp giựt đồ chơi của người ta đã vứt bỏ ngoài đường và mang bừa vào nhà. Nhà cầm quyền phải có trách nhiệm giáo dục và cảnh tỉnh người dân việc này, nếu không con cháu chúng ta sau này sẽ còn bị nặng hơn Chất Da Cam gấp nhiều lần.
PHỤ LỤC:
Tòa án quốc tế kết tội Monsanto
hủy diệt môi trường Việt Nam
Tòa án quốc tế về Monsanto tại La Haye (Hà Lan) mở phiên tòa vào tháng 10-2016. Ảnh: Greenpeace
TTO - Tòa án quốc tế về Monsanto công bố kết luận: tập đoàn Monsanto đã hủy diệt môi trường, xét luật pháp quốc tế. Các thẩm phán xác nhận Monsanto đã gây thiệt hại cho người dân Việt Nam.
Ngày 18-4 (giờ địa phương), bà Françoise Tulkens - chủ tọa tòa án quốc tế về Monsanto tại La Haye (Hà Lan), đã công bố kiến nghị tham vấn dày 60 trang kết luận tạp đoàn Monsanto đã vi phạm nhân quyền.
Monsanto kinh doanh các sản phẩm độc hại làm hàng ngàn người thiệt mạng như hoạt chất glyphosate trong thuốc diệt cỏ Roundup hay hóa chất 2,4,5-trichlorophenoxyacetic acid trong chất độc da cam được máy bay quân đội Mỹ rải trong chiến tranh Việt Nam.
Tòa án quốc tế về Monsanto là phiên tòa công dân nhằm đánh động dư luận và thúc đẩy thực thi pháp luật. Trong phiên tòa từ ngày 16-10 đến 18-10-2016, năm thẩm phán chuyên nghiệp từ Argentina, Bỉ, Canada, Mexico và Senegal đã lắng nghe khoảng 30 nhân chứng, chuyên gia, luật sư và các nạn nhân.
Sáu vấn đề đã được đặt ra tại phiên tòa. Đối với bốn vấn đề về tôn trọng các quyền về môi trường lành mạnh, lương thực, y tế và tự do nghiên cứu khoa học, kiến nghị tham vấn công bố hôm 18-4 đánh giá Monsanto đã vi phạm các quy định và xâm phạm các quyền cơ bản.
Các thẩm phán đánh giá rằng Monsanto đã tiến hành các hoạt động gây tác hại đến môi trường, ảnh hưởng đến các quyền của các dân tộc bản địa và các cộng đồng địa phương.
Đặc biệt là hoạt động thương mại đối với giống biến đổi gien gây ảnh hưởng đến các quyền về lương thực và y tế vì đã ép buộc nông dân phải chấp nhận các phương thức canh tác không tôn trọng lối canh tác truyền thống.
Hoạt động của Monsanto cũng làm phương hại các quyền tự do nghiên cứu khoa học, tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin.
Đối với hai vấn đề còn lại, kiến nghị tham vấn tỏ thái độ dè dặt. Về hành vi đồng phạm gây tội ác chiến tranh của Monsanto, các thẩm phán nhận xét không đủ khả năng đưa ra kết luận.
Dù vậy, các thẩm phán xác nhận Monsanto đã hủy diệt môi trường và gây thiệt hại cho người dân Việt Nam.
Các thẩm phán giả định Monsanto đã cung cấp phương tiện để tham chiến ở Việt Nam, Monsanto đã biết về việc sử dụng sản phẩm độc hại và có thông tin về tác hại của sản phẩm độc hại đối với sức khỏe và môi trường.
Về vấn đề này, kiến nghị tham vấn đề nghị có thể xúc tiến quy trình tố tụng dân sự và theo đó, các thẩm phán có thể cho ý kiến về hoạt động hủy diệt sinh thái ở Việt Nam căn cứ Quy chế Rome của Tòa án Hình sự quốc tế.
Cuối cùng, đối với tội ác hủy diệt môi trường, kiến nghị tham vấn kết luận Monsanto phải chịu trách nhiệm.
Các thẩm phán đánh giá đã đến lúc đề nghị thiết lập một khái niệm pháp lý mới về tội ác hủy diệt môi trường và sửa đổi vấn đề này trong Quy chế Rome. Đó là quy trách nhiệm cho chủ thể doanh nghiệp (pháp nhân) trong tội ác hủy diệt môi trường vì lâu nay chỉ có cá nhân được xem là chủ thể chịu trách nhiệm (thể nhân).
Kiến nghị tham vấn công bố ngày 18-4 được xem như kết luận cuối cùng của tòa án quốc tế về Monsanto tại La Haye. Do đây là phiên tòa công dân nên về mặt pháp lý, kiến nghị tham vấn không có giá trị ràng buộc.
Hồi tháng 10-2016, Monsanto tuyên bố tòa án quốc tế về Monsanto tại La Haye “vừa đá bóng vừa thổi còi” nên Monsanto không thừa nhận kết luận phiên tòa.
Chủ tọa phiên tòa Françoise Tulkens, nguyên thẩm phán Tòa án Nhân quyền châu Âu, đánh giá rằng cho dù Monsanto từ chối đến dự phiên tòa theo lời mời của bà, kiến nghị tham vấn vừa công bố vẫn giữ nguyên giá trị.
"Tôi hy vọng kiến nghị tham vấn này sẽ thúc đẩy công lý quốc tế”
(Chủ tọa phiên tòa Françoise Tulkens)
Trao đổi với báo Le Monde, bà giải thích: “Đây là bản án về pháp luật, không có phiên tòa với hai bên đối đầu nhau, tuy nhiên chúng tôi đã đưa ra kết luận dựa theo nhiều báo cáo và chứng cứ được thừa nhận”.
Bà nhận xét kiến nghị tham vấn đã đưa ra khái niệm mới về tội ác hủy diệt môi trường và sẽ giúp các nước tôn trọng các quyền cơ bản tốt hơn nữa. Ngoài ra, các nạn nhân của Monsanto cũng có thể sử dụng các luận điểm pháp lý trong kiến nghị tham vấn để kiện Monsanto. Kiến nghị tham vấn sẽ được chuyển đến LHQ, Tòa án Hình sự quốc tế, Ủy ban Nhân quyền LHQ và Monsanto.