Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Ơi cái sự thậm xưng…


Thời gian gần đây, một nhóm người tự nhận là “đại diện giới bloger Việt Nam” đưa ra cái gọi là “tuyên bố 258″. Qua ngôn từ đã sử dụng, có thể thấy nhóm người làm ra “tuyên bố” này dường như muốn áp dụng hình mẫu tự do ngôn luận kiểu phương Tây vào Việt Nam? Tuy nhiên, “hình mẫu” mà họ muốn mô phỏng lại có những chế tài hết sức nghiêm ngặt. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về tự do ngôn luận trong giới hạn của pháp luật đã được quy định trong Công ước nhân quyền châu Âu (European Convention on Human Rights) và giới hạn của tự do ngôn luận tại Pháp.

Công ước nhân quyền châu Âu (Công ước) có hiệu lực từ ngày 3-9-1953. Công ước đưa ra các quy định về các quyền cơ bản của con người, trong đó quyền tự do ngôn luận được ghi trong Ðiều 10 của Công ước, theo đó: “1. Tất cả mọi người đều có quyền tự do bày tỏ ý kiến. Quyền này bao gồm việc được tự do bày tỏ ý kiến và tự do trao đổi các thông tin mà không cần phải nhận được bất kỳ việc cho phép nào từ phía cơ quan công quyền và không phân biệt biên giới. (Tuy nhiên) điều luật này không có nghĩa ngăn cấm các quốc gia thành viên đưa ra các biện pháp kiểm soát đối với các doanh nghiệp kinh doanh phát thanh, truyền hình, điện ảnh. 2. Việc thực hiện các quyền nói trên, bao gồm cả các nghĩa vụ và trách nhiệm, hình thức, điều kiện, các hạn chế hoặc các biện pháp trừng phạt cần phải được ghi rõ trong các văn bản pháp luật có cân nhắc đến việc cần thiết đối với một xã hội dân chủ, vì lợi ích đối với an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì trật tự công cộng và ngăn ngừa tội phạm, bảo vệ sức khỏe và đạo đức, nhân phẩm hoặc danh dự của con người, ngăn ngừa việc phát tán các thông tin mật hoặc để bảo đảm quyền lực vàtính độc lập của các cơ quan tư pháp”. Như vậy, nếu khoản 1 của Ðiều luật này quy định nguyên tắc chung về tự do ngôn luận, theo đó ai cũng có quyền được bày tỏ, trao đổi quan điểm của mình mà khôngphân biệt địa vị xã hội, giới tính, biên giới, thì khoản 2 lại quy định việc thực thi các quyền đó và các hạn chế được cụ thể hóa trong pháp luật của mỗi quốc gia. Vì mỗi quốc gia đều cân nhắc tình hình thực tế của mình để đưa ra các đạo luật nhằm cụ thể hóa việc thực hiện quyền tự do ngôn luận của công dân.

Khi nói đến quyền tự do của con người, phần lớn các luật gia ở châu Âu đều chịu ảnh hưởng của học thuyết cho rằng con người rất dễ lạm dụng quyền của mình được hưởng, sự lạm dụng đó rất dễ gây phương hại cho người khác (summum jus, summa injuria – tạm dịch: tự do quá trớn sẽ tạo ra sự bất công). Vì vậy, không thể có tự do không giới hạn. Xuất phát từ quan điểm đó mà Liên minh châu Âu (gồm 28 quốc gia) cho phép các nước thành viên cân nhắc lợi ích của mỗi quốc gia để đưa ra các quy định cụ thể, nhằm hướng dẫn các công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận. Ðó là quyền tự do ngôn luận phải nằm trong nguyên tắc bảo đảm “an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì trật tự công cộng và ngăn ngừa tội phạm, bảo vệ sức khỏe và đạo đức, nhân phẩm hoặc danh dự của con người, ngăn ngừa việc phát tán các thông tin mật, bảo đảm quyền lực và tính độc lập của các cơ quan tư pháp”.

Nước Pháp là một trong những quốc gia tham gia soạn thảo bản Công ước và là một trong những nước được coi là hình mẫu trong việc tôn trọng tự do ngôn luận. Trên thực tế, trước khi có Công ước, nước Pháp đã xây dựng cho mình một hệ thống pháp lý tương đối đầy đủ nhằm bảo đảm đến mức tối ưu quyền tự do ngôn luận của người dân thông qua Luật tự do báo chí 1881 (Luật 1881). Luật này được coi như là bộ luật gốc điều chỉnh các hành vi bày tỏ ngôn luận của mọi người.

Pháp luật về tự do ngôn luận của nước Pháp đưa ra các giới hạn, các chế tài nghiêm khắc trừng trị người nào lạm dụng quyền tự do ngôn luận làm ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Và cần chú ý, vì Bộ luật Hình sự không thể ghi hết các tội danh phát sinh trong thực tế, do đó nhiều văn bản luật không phải là Bộ luật Hình sự vẫn quy định các hình phạt mang tính hình sự. Trước hết đó là việc bảo vệ nhân phẩm con người, chống lại việc vu khống, bôi nhọ (Ðiều 29 Luật 1881), bảo vệ, chống lại việc xâm phạm đời tư (Ðiều 9 Bộ luật Dân sự), chống phân biệt chủng tộc, tôn giáo (Ðiều 32 Luật 1881), kích động bạo lực, gây hận thù (Ðiều 24 Luật 1881). Ngoài ra pháp luật nước Pháp cũng đưa ra các quy định nhằm bảo vệ một số lợi ích cơ bản của quốc gia, như cấm xuất bản một số tài liệu liên quan đến an ninh quốc gia (Ðiều 413 – 9 Luật hình sự), hoặc các tài liệu liên quan đến vụ án đang trong quá trình xét xử, ca ngợi tội phạm chiến tranh và tội ác chống lại loài người (Ðiều 24 Luật 1881). Sau đây là một số thí dụ cụ thể:

Ðiều 29 Luật 1881 quy định: “tất cả những nhận định hoặc quy kết cho một sự kiện gây thiệt hại đến danh dự hoặc nhân phẩm của cá nhân hoặc tổ chức có liên quan đến sự kiện đó đều bị coi là hành động vu khống”. Ðiều luật này đưa ra định nghĩa về bôi nhọ là: “tất cả những phát ngôn có tính chất lăng nhục, sử dụng thuật ngữ miệt thị hoặc chưa được kiểm chứng”. Phạm vi áp dụng của Ðiều 29 rất rộng, vì không chỉ áp dụng để bảo vệ uy tín, danh dự cho một cá nhân, mà cho cả các cơ quan, tổ chức. Án lệ đưa ra hàng loạt cơ quan, tổ chức cần phải được bảo vệ trước hành vi vu khống, đó là: các cơ quan nhà nước (án lệ Tòa phá án hình sự ngày 26-4-1952), Quốc hội, trường đại học, Hội đồng nhân dân (án lệ Tòa phá án hình sự ngày 23-5-1955), bệnh viện công (án lệ Tòa dân sự ngày 30-9-1998; tòa hình sự ngày 3-7-1996), cơ quan cảnh sát (án lệ Tòa phá án hình sự ngày 3-12-2002).

Bản án của Tòa phá án hình sự ngày 3-12-2002 là một thí dụ về việc trừng phạt hành động vu khống cơ quan nhà nước. Tóm lược sự việc: một luật sư bị kết án hình sự sau khi được nhận định đã viết một bài phản đối các hành vi của cảnh sát; vì vị luật sư đó cho rằng các hành động của cảnh sát giống như bọn “Gestapo” (mật vụ của Ðức Quốc xã trước đây), hoặc cho rằng các hành động của cảnh sát là “dã man”. Tòa án nhận định: “nếu việc thực hiện các quyền tự dongôn luận được bảo đảm bằng khoản 1 Ðiều 10 của Công ước thì theo quy định tại khoản 2 của Công ước, việc thực hiện đó phải tuân thủ các giới hạn và các chế tài được quy định tại Luật 1881; đây chính là mục đích của Ðiều 30 Luật 1881 khi đưa ra các chế tài cần thiết trong một xã hội dân chủ nhằm bảo vệ trật tự công và uy tín của các cơ quan quản lý nhà nước và trong trường hợp này là cơ quan cảnh sát”. Một thí dụ khác cho thấy, người đưa tin có thể bị kiện về tội vu khống đối với cá nhân, đó là việc nêu cụ thể danh tính của một người nào đó trong một vụ việc mang tính hình sự hoặc cần có kết luận cuối cùng của tòa án hay cơ quan chức năng, như ai đó chỉ cần nói câu “Nicolas đã ăn cắp 10.000 euros của mẹ” thì sẽ bị coi là hành động vu khống.

Về các vi phạm trên mạng internet, trước hết cần khẳng định internet cũng chỉ là một trong các phương tiện để mỗingười thể hiện ý kiến của mình. Do đó việc bày tỏ quan điểm trên internet cũng chịu sự điều chỉnh của Luật 1881. Án lệ của Pháp đã đưa ra rất nhiều vụ việc lạm dụng internet để vu khống, bôi nhọ. Mới đây nhất là việc tòa án công nhận nhiều quyết định sa thải nhân viên do đã lạm dụng facebook để vu khống, nói xấu người khác. Vụ việc đầu tiên là vào năm 2010, một số nhân viên của một công ty viết trên “tường” của facebook các câu chê bai doanh nghiệp của mình. Họ đã bị cho nghỉ việc. Các nhân viên này kiện ra tòa với lý do facebook chỉ là nhật ký mang tính đời tư (cá nhân) cho nên họ có quyền viết lên đó các suy nghĩ của mình. Tuy nhiên Tòa lao động vùng Boulogne-Billancourt đã chứng minh rằng “bức tường” facebook đã không còn mang tính riêng tư khi mọi người đều vào và đọc được. Do đó tòa đã công nhận quyết định sa thải của công ty (báo Le Monde ngày 19-11-2010).

Mới đây nhất liên quan đến lĩnh vực hình sự: là việc Tòa hình sự Paris xử phạt số tiền 500 euros và phạt án treo đối với một nhân viên trực tổng đài vùng Caen do đã viết trên facebook của mình một số câu, trong đó có câu “một ngày chết tiệt, thời gian chết tiệt, công việc chết tiệt, văn phòng chết tiệt, sếp chết tiệt” (“Journée de merde, temps de merde, boulot de merde, boite de merde, chefs de merde”). Tòa án nhận định: “việc phát ngôn một cách xúc phạm đã vượt quá giới hạn của một sự chỉ trích thông thường” để ra phán quyết trừng phạt nhân viên này. Ngoài việc chịu trách nhiệm hình sự, nhân viên kể trên còn phải bồi thường thiệt hại cho các nguyên đơn dân sự (cơ quan nơi người này làm việc và cán bộ phụ trách trực tiếp của nhân viên này) mỗi người là 1 euro (báo Le Monde ngày 17-1-2012). Phần lớn các ý kiến ủng hộ quyết định của Tòa án đều cho rằng mạng xã hội không phải là không gian riêng tư vì người sử dụng internet không thể kiểm soát được lượng người truy cập vào tài khoản của mình. Quan điểm này cũng được Công tố viên tuyên bố trước Tòa phúc thẩm Versailles: “Facebook là một không gian công cộng và việc tự do ngôn luận phải bị giới hạn” (trang web của Ðại học Cezanne tại địa chỉ http://junon.univ-cezanne.fr)


Ths, LS Vũ VĂN TÍNH
(NCS Ðại học Paris 2 – CH Pháp)

Việt nữ từ - Lý Bạch


Trường Can Ngô nhi nữ
Mi mục diễm tinh nguyệt
Kỷ thượng túc như sương
Bất trứ nha đầu miệt

Ngô nhi đa bạch tích
Hảo vị đãng chu lịch
Mãi nhãn trịch xuân tâm
Triết hoa điều hành khách

Dạ khê thái liên nữ
Kiến khách trác ca hồi
Tiếu nhập hà hoa khứ
Dương tu bất xuất lai


Lời cho gái Việt

Nam Dao dịch

Trường Can gái đất Ngô
Mắt như sao trăng sáng
Chân dẫm sương, trên guốc
Tất lệch chẳng sửa sang

Gái đất Ngô trắng nõn
Ca ríu rít trên thuyền
Xuân đi kèm, liếc mắt
Hoa bẻ, vẫy khách lên

Trên thuyền, hoa sen hái
Gặp khách hát, chèo lui
Miệng cười, sau hoa trốn
Giả thẹn, chẳng ra chơi

Mùa xuân, hai kẻ nòi tình






...là Trịnh Công Sơn và Khánh Ly (TCS-KL). Tên họ, không cần nhắc. Bóng dáng họ, lẩn quất, vẫn đâu đây. Và trong tôi, hai lần hội ngộ.

*

Lần thứ nhất, ở Paris, năm 89 kỉ vừa qua. Chàng lần đầu viếng Kinh kỳ Ánh sáng, xuống máy bay về đến quán Monge thì đã say mèm để thoải mái ‘’giao lưu’’. Người thân trong gia đình Sơn lục tục từ Canada kéo qua. Những kẻ ngưỡng mộ bao vây. Sơn ở trên gác quán Monge, và không khí có cái sự sợ, sợ bị phá, thậm chí sợ Sơn bị ‘’ bắt cóc’’ trong cái tình huống găng go bên này-bên kia. Sơn tiếp tục uống. Rượu Tây, ngay trong một phim thriller, vẫn ngon hơn Lúa Mới, vodka nội. Hơn Ararat, rượu mạnh xã hội chủ nghĩa, uống quá chén là nhức đầu. Nhưng vẫn phải uống, má ơi! Bạn nào biên tập xin giữ hai tiếng má ơi và dấu than ! giùm tôi, tôi không say đâu!

Sơn hát ở Nhà Việt Nam, có Thanh Hải từ Đức qua góp tiếng. Vào hậu trường, thấy Sơn lại say rồi. Môi mím, mắt nhắm, chàng liêu xiêu, chân không chạm đất. Nhưng chàng vẫn hát. Và nói. Người vỗ tay, rầm rầm. Bớt, rồi hết sợ, chàng bắt đầu mỉm cười. Người em rể Sơn thì thào, tiếc quá, Khánh Ly chưa qua kịp. Sơn cất tiếng, như gọi: ‘’ em còn nhớ,hay em đã quên...Nhớ Sài Gòn, mưa rồi lại nắng’’. Lại vỗ tay, rào rào. Quá khứ nào chẳng có những nét đẹp ẩn những nhớ quên lãng đãng. Và cuộc gọi hồn nào cũng có những phút thần linh chao nghiêng cho lòng người bước vào một cõi đi về thăm thẳm.

Khánh Ly qua Paris thật. Tối hôm đó, tôi ở nhà Bạch công tử, người tổ chức chuyến đi của Sơn. Đang ăn, có điện thoại. Chủ nhà vội ra đi, chừng như hớt hải. Những người trách nhiệm nay lại lo ‘’bảo vệ’’. Cặp đôi TCS-KL hẳn nhắc nhở thời nhạc phản chiến ở Sài Gòn giữa thập niên 60. Và gợi lại thứ trí nhớ chai lì cảm tính của loại ngôn từ chỉ trỏ ‘’ những kẻ đâm sau lưng chiến sĩ’’ mà tôi cũng từng có hân hạnh là nạn nhân. Nghe đâu bên kia sẽ biểu tình chống TSC-KL, bên này sửa soạn chống biểu tình, vận động những võ sinh một dojo Vovinam dàn chào khi cần. Đó là hậu chiến của một cuộc tương tàn không chịu chấm dứt. Bên này, ta. Bên kia, ngụy ( tiếng của nhà cầm quyền thời đó, và cho cả đến bây giờ). Má ơi, tiền đồn của tiếng gào âm u tiền kiếp. Đỉnh cao của trí tuệ mù lòa loài không đứng lên được làm người. Chao ôi!

Trong không khí căng như một sợi dây đàn chỉ chực đứt, Trịnh Công Sơn gặp Khánh Ly ở Paris là một thứ cơ mật. Tôi vốn không tọc mạch, không tìm, không hỏi. Và thế là không gặp Khánh Ly. Nhưng chính thế mà tôi lại hội ngộ với nàng ( gọi Sơn là chàng, nên bất tất gọi Khánh Ly là nàng với lòng trọng thị). Khi nàng về Mỹ ( về, về đất lạ, nghe mà đau xót) thì bão chừng lặng, và chỉ còn vài cơn gió xôn xao. Chàng bảo tôi ‘’ toa dẫn moa đi phố’’. Chúng tôi lẳng lặng đi, bắt Metro đến Boulevard St – Michel, bước dọc sông Seine ghé mắt vào những cuốn sách cũ bày trong những kiosque ven đường, nơi bác Nguyễn (Tuân) từng ao ước dừng chân lần bác được Nhà Việt Nam mời nhưng (hình như) bác không được Nhà Nước cho phép giang hồ. Tôi hỏi, Khánh Ly đi rồi, có nhớ không? Sơn ngập ngừng ‘’ nhớ chứ, nhớ cả một thời đáng lẽ phải quên!’’, và lại mím miệng như mỗi lần phải nói những điều ấp ủ.

A, cái thời phải quên là thời nào. Có phải thời Khánh Ly là nàng Mai hát ở một phòng trà trên Đà Lạt trong đêm mưa cao nguyên buồn lắng? Không đâu, có lẽ nào. Chắc chắn là thời nàng xuống núi, vào Sài Gòn những năm 66-67, đi chân đất hát cùng với chàng trong khuôn viên Đại Học Văn Khoa, trên bục quán Văn xác xơ ghế bàn nhưng thấm đậm tình người. Và hát những ca khúc phản chiến. Sơn cho ra đời Ca khúc Trịnh Công Sơn năm 1966, và rồi Ca khúc da vàng (đầu 1967), Kinh Việt Nam ( 1968). Trong những cuộc xuống đường của thanh niên, sinh viên và học sinh đòi hòa bình, độc lập...anh đã xuất bản Ta phải thấy mặt trời năm 1970. Và khi Việt Nam hóa chiến tranh, độ tàn phá ngày một khốc liệt thì anh in tiếp Phụ khúc da vàng năm 1972. Nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn có 5 tập, và là một số lượng nhỏ so với nhạc tình Trịnh Công Sơn khi đó đã có những tác phẩm đi vào lòng nhân gian như Ướt mi, Biển nhớ, Nhìn những mùa thu đi, Thương một người, Diễm xưa, Như cánh vạc bay... Trịnh Công Sơn đã thành danh trước khi nhạc phản chiến được phổ biến. Và phổ biến rộng. Qua những bản chuyền tay, băng cassette, trên sân trường, trong những quán cà phê, xa tít tắp ở chiến trường, và trong rừng núi hoang vu phía ‘’ta’’ như nhà thơ Nguyễn Duy kể lại đã nghe khi ‘’ta’’ ém quân chờ thời cơ ‘’giải phóng’’.

TCS-KL hát gì? Xin trích dăm ca từ trong Ca khúc da vàng.

Từ hiện thực trần trụi:

Ghế đá công viên
Dời ra đường phố
Người già co ro buồn nghe tiếng nổ
Em bé lõa lồ khóc tuổi thơ đi...

đến những giọt nước mắt:

...Giọt nước mắt thương con, con ngủ mẹ mừng
Giọt nước mắt thương sông ấp ủ rêu rong
Giọt nước mắt thương đất, đất cằn cỗi bao năm
Giọt nước mắt thương dân, dân mình phải long đong

qua giai điệu uất nghẹn cho cuộc trần ai:

... Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè
ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương
còn có ai
không còn người...

và rồi, chết thì :

...xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng
trên nóc nhà thành phố, trên nhữngđường quanh co
xác người nằm chơ vơ, dưới mái hiên chùa
trong giáo đường thành phố, trên thềm nhà hoang vu...

Nhưng ám ảnh là những câu hát siêu thực, hình thể văn chương vứt vào ao tù thứ ngôn ngữ duy lý, thét gào tâm cảnh phi lý, thậm chí bệnh hoạn, của một thời bình thường-là-bất-khả:

...mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh
chị vỗ tay hoan hô hòa bình
người vỗ tay cho thêm thù hận
người vỗ tay xa dần ăn năn

Hát những ca từ trên, hát thế nào? Thanh Thúy? Chị hát Thương một người, tuyệt vời. Hay Lệ Thu? ƯớtMi, chắc bất hủ...

Còn Ca khúc da vàng, âm sắc thế nào cho hòa nhịp với chất trong ca từ. Phải hát như con trẻ vừa lớn, còn hồn nhiên, nhưng nay đối mặt với một thực tại bi thương. Phải hát giọng những âm hồn chưa muốn rời dương thế, hát để chống lại tai ương chết chóc. Phải hát, như cầu kinh, những bài kinh gầy lửa hy vọng và đánh thức sức tồn sinh để đối mặt vào sự hủy hoại đầy nghịch lý nhưng không khoan nhượng của con người với con người. Những con người cùng một mầu da. Da vàng.

Khánh Ly đã hát như thế, giọng đến từ một thế giới bên cạnh cõi chết, nơi thần linh cũng như yêu ma còn đó, một bên nhắc nhở rồi ta phải thấy mặt trời, bên kia tung hô ca ngợi hận thù của những màn đêm u mê.

Khánh Ly đã hát như thế, bởi nàng cảm được nghệ thuật của họ Trịnh. Cảm được nỗi lòng họ Trịnh.

Khánh Ly hát được như thế vì nàng đồng thời tiếp cận sâu sắc cái thảm thương của một thế sự thăng trầm qua xương máu của hàng trăm ngàn sinh linh bơ vơ trên một chặng đường vô định.

Khánh Ly hát để cùng Trịnh Công Sơn đối kháng hiện thực bằng cách dựng lời kêu than cho thời đại:

... người nằm co như loài thú khi mùa Đông về
người nằm yên, không kêu than buốt xương da mình
từng tiếng người, nhiều tiếng người gọi hoài giữa đêm...
người còn đó nhưng lời nói rơi về chân đồi
người ngồi đó nhưng trong tim máu tuôn ra ngoài
nhuộm đất này nhuộm cho hồng hạt mầm trót vay...

Khánh Ly hát như thế, và nàng đánh một dấu ấn vào cái chặng đường khốn khổ của lịch sử mà Trịnh Công Sơn mím miệng thốt là một thời đáng lẽ phải quên. Nàng , kẻ nòi tình, hiểu và đi chân đất trong những quảng trường cất tiếng hát liêu trai. Đuổi u mê. Bắt nắng muộn. Với trực giác một ngày mai, và với bản năng đàn bà ươm sự sống, nàng đã gặp một kẻ cũng nòi tình, trắng tay trắng lòng, mang thơ vào mong dỗ yên những tai ương máu lửa. Cơ duyên cho hai kẻ nòi tình gặp nhau không to hơn một hạt bụi trong ngân hà. Nhưng hạt bụi đã có. Và một khi chiến tranh còn trên trái đất quá quắt này, tiếng hát cho hòa bình và cho phận người nhỏ nhoi cần cưu mang vẫn cứ vang vọng thiết tha. Phải chăng đó là phép lạ? Và là nguyên nhân khiến hai cái tên TCS-KL kết thành một chuỗi liên từ không tách ra được.

*

Tôi đã nói về lần đầu không gặp Khánh Ly, nhưng lại hội ngộ trong tâm tưởng, bên bờ sông Seine với Sơn, một Khánh Ly tôi chỉ thoáng thấy từ xa ngày ở Paris.

Lần thứ hai, tôi gặp Khánh Ly bằng da bằng thịt, trên gác quán ăn La Famille Vietnamienne ở khu Duluth, thành phố Montréal. Đầu năm 1992, Sơn qua thăm các em một thời gian sau khi mạ Sơn mất. Theo lời kể của Vĩnh Trinh, cô em út chàng trân quí, Sơn bị sốc. Hình ảnh mạ Sơn đứng rình nơi cửa sổ nhìn ra vườn treo hay nhìn xuống phòng ăn vì lo Sơn uống quá nhiều lại hiện ra. Bà xưa dặn dò tôi :‘’ con đừng để Sơn quá chén, hại gan lắm!’’. Còn Sơn, chàng yêu mạ lạ lùng, kể lể ‘’ bài nào mới moa cũng hát lần đầu cho mạmoa nghe, mạ bảo được thì moa mới phổ biến’’. Ngày chôn mạ, Sơn gào khóc níu quan tài, không cho mang đi. Tôi nghe thuật lại, sợ chàng quị mất. Nhưng khi biết Sơn qua Montréal, tôi yên tâm. Lái xe từ Québec cách Montreal đâu 250 cây số lên thăm bạn ngay, tâm trí lang mang thế nào mà giữa đường xe hết xăng, tôi phải gọi xe cẩu.

Sơn vẫn gầy gò nhưng nhìn khí sắc có chiều tươi tỉnh. Chúng tôi có những ngày tương đối yên tĩnh. Không như ở Paris. Không như ở Sài Gòn, người và ruồi tấp nập. Sơn kê giá vẽ. Khi đến với bạn, tôi ngồi một góc, lặng lẽ nhìn. Ôi, quí làm sao những giây phút vô ngôn. Chúng tôi gọi là những phút ngồi đồng. Bấy giờ, ngôn ngữ trở thành vô tướng. Tư tưởng, vô tăm. Chỉ có gì như một thứ năng luợng thật nhẹ, mảnh mai, không mà như có. Tác động? Sau, có thể cả một thời gian dài, nó làm người ngồi đồng suôi đến những nơi hư thực trộn vào nhau biến cái ngũ quan nhìn, ngửi, sờ... thấy thành một chuỗi những sáng tạo. Ngôn từ, văn và thơ. Họa, vẽ tranh. Còn gần được cõi trên, là tạo âm. Nhạc gần với Thượng Đế nhất. Đời tôi, chỉ hai người mang đến cho tôi sự cộng hưởng năng lượng huyền diệu đó. Một là Trịnh Công Sơn. Và hai, là Trần Dần.

Một sáng thứ bẩy, tôi lò dò leo thẳng lên nơi Sơn ở. Từ trong phòng, Sơn lênh khênh đi tới, mặt sáng rỡ, nói ‘’ Edith Piaff của moa tới chơi’’ . Cửa phòng mở, và Khánh Ly bước ra. Mở ngoặc, Edith Piaff là một danh ca người Pháp nổi vào những năm 50-60, người đã lancer những chansonnier tài danh như C. Aznavour, C. Leveillé... Chỉ nhìn Sơn, tôi biết bạn mình đang hạnh phúc. Và nghe Khánh Ly chuyện trò với Sơn, tôi hiểu họ là hai người bạn ở cái nghĩa đẹp nhất. Sơn trìu mến nàng với tấm tình một người anh trai. Và Khánh Ly viết ngày Sơn lìa xa cõi này rằng ‘’ từ ông tôi thành danh và quan trọng hơn cả là tôi được thành nhân.... ông Trịnh Công Sơn là một nửa đời sống của tôi'’, thì, đối với nàng Trịnh Công Sơn còn hơn một người anh, và chỉ có thể như một người cha.

Buổi tối, chàng lãng tử Phạm Nhuận mời. Trong một tiệm ăn ở phố Tàu, chúng tôi quây quần, có anh em Hoàng xuân Sơn, Hoàng xuân Giang, cũng bạn Khánh Ly từ thời quán Văn ở Sài Gòn. Khi chỉ còn chúng tôi là những thực khách cuối cùng, Khánh Ly và hai anh em Sơn và Giang leo lên cái bục gỗ nơi thường dành cho những cặp mới cưới hỏi. Ôm ghi-ta, họ hát. Như những ngày xưa. Thời của tuổi trẻ hồn nhiên. Thời của một thời chẳng thể quên. Sau này, Hoàng Xuân Sơn kể, Khánh Ly đến chơi với anh em Quán Văn lắm khi ở qua đêm, rất bụi, có gì ăn nấy, không điệu bộ kiểu con gái. Khánh Ly từng viết: ‘’... một dĩa cơm chia hai, một điếu thuốc cùng hút, một ly cà phê cùng uống. Chia nhau nằm ngủ trên những tờ báo nhàu nát trải dưới đất. Tình bạn, tình anh em nẩy mầm từ đó. Quán Văn cái tên dễ nhớ và dễ thương...Mỗi người tới tùy tiện tìm chỗ ngồi trên cái nền xi-măng bỏ trống ngổn ngang gạch vụn và cỏ dại. Đó là nơi gặp gỡ đẹp nhất của một thời tôi còn trẻ...’’ (Tạp chí Văn Nghệ, số 1 -2000)

Đấy, Khánh Ly như vậy đó. Và tôi hiểu thêm một nguyên nhân khiến TCS-KL là một từ kép gắn bó. Cả hai thật trong và sáng. Họ cùng một chất nòi tình. Nên cơ duyên nhỏ như hạt bụi trong ngân hà đẩy họ vào một trường hấp lực khiến họ keo sơn với nhau chẳng qua cũng chỉ là chuyện xưa như Diễm.

*

Thời gian sau đó Sơn, Khánh Ly và Vĩnh Trinh hát, thu băng nhằm ra một loạt CD. Ở xa, và vốn ít thích nhộn nhịp, nhớ bạn tôi chỉ điện thoại hỏi thăm. Đầu tháng 4, Sơn nói, giọng rầu rầu ‘’ Khánh Ly về rồi, lên chơi với moa đi! ”

Chúng tôi thả bộ dọc Mont Royal. Cuối con đường, băng Park Avenue, đỉnh đồi nhô cao, trên đó cây thánh giá người đời thắp sáng mỗi đêm chọc thẳng vào bầu trời trong xanh buổi tàn đông. Tuyết bắt đầu tan. Dọc lối lên dốc, những bông crocus mỏng mảnh tím biếc trồi ra khỏi những lớp tuyết đọng long lanh dưới mặt trời. Trong chiếc áo ngự hàn thùng thình, Sơn lướt tới, bước liêu xiêu như một đạo sĩ bay lên rồi đáp xuống bên những bông hoa. ‘’ Lạ hỉ? Làm sao nó mọc được trong tuyết ? Nó tên chi?’’. Tôi gọi crocus là hoa tầm xuân, loài hoa báo hiệu mùa đầu một chu kỳ tuần hoàn mới của đất trời. ‘’ Tầm xuân bên mình mầu xanh. Bên ni lại tím, thật kỳ diệu...’’ Sơn trầm mặc. Chúng tôi lên dốc. Một lúc sau, Sơn nói như chỉ cho mình nghe: ‘’ không chi cản được mùa xuân đâu!’’.

Gần đỉnh đồi, chúng tôi băng ngang khuôn viên không một vết chân trên tuyết chưa tan. Đi qua một bức tượng đồng, Sơn đứng lại đọc tên rồi hỏi : ‘’ Ai vậy? ‘’ Tôi đáp, tên một thi sĩ. Anh nhắc kỷ niệm ngày anh đến thăm tôi ở Québec. Bữa tôi dẫn anh vào thăm Đại học Laval, một tảng đá cao chừng 5,6 mét, ngang 2,3 mét đặt ngay ở lối vào một pavillon giành cho sinh hoạt của sinh viên. Trên tảng đá, người ta đục những dòng chữ của Pablo Neruda: j’avoue que j’ai vécu[1]. Anh lẫm nhẩm hôm đó, moi aussi, je l’avoue[2].Anh vui vui : ‘’ Thành phố toa ở là nơi có văn hoá! Nơi không cần những anh hùng...’’ Trước một tôi ngỡ ngàng, anh kể: ‘’ moa không nhớ ai viết, rằng khốn khổ thay cho những đất nước nhiều anh hùng!’’

Chúng tôi lại đi. Sơn thình lình ngừng bước, giọng ngùi ngùi: ‘’ chỗ này là nơi Mai chụp hình với moa mùa tuyết qua. Hình tính làm bao bì cho CD...’’. Rồi Sơn ngập ngừng: ‘’ viết cho moa về Mai và những thành phố không cần anh hùng ! ‘’. Tôi hồi tưởng thời anh cũng từng nói tôi viết hộ vài dòng cho Michiko, một người con gái đất Phù Tang đã tha thiết yêu anh. Chữ nghĩa Sơn thừa, cớ gì phải nhờ viết hộ nhỉ? Chiều bạn, tôi gửi anh:

Ngày Mai đến
Chăng tơ cho nhện
nhả thơ vào đời
Vết chân anh trên thành phố-không-cần-có-anh hùng

Kén vàng ươm nắng cuối đông
cánh bướm mượt mà gió đợi
Góc công viên tuyết nõn nà trắng tới mênh mông

Anh lại cất tiếnghát
để đêm giật lùi vào nơi không ai đặt tên
vì ngày mai
ngày Mai lại đến

Tiếng hát của Núi
đưa nắng Mai lên
xua đi những bóng đêm thừa thãi
Những bóng đêm không có bóng con Người.



Mai là Khánh Ly, và Núi là Sơn. Thành phố-không-cần-có-anh hùng thì tôi vừa nhắc đến rồi. Năm 1998 tôi về Sài Gòn, Sơn kể anh viết và đăng báo ( Tuổi Trẻ?) một bài về chuyến đi Canada, có một đoạn về cái thành phố không cần có anh hùng đó. Cười buồn, anh tiếp, thế là bị Tuyên Huấn TP HCM đánh tơi bời hoa lá.

Ngày tôi hỏi nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo thuở sinh thời cái tên phố nơi anh ở là Huỳnh Văn Bánh thì anh có biết ông Bánh này làm chi không? Anh cười tinh quái, đáp chắc lại là một anh hùng hay liệt sĩ, loại này ở đây đông lắm, nào là Lê văn Sĩ, Nguyễn thị Bé...Ai biết được họ làm gì, chỉ chắc một điều là họ đã hy sinh, thế thôi...

Đất nước ta mà.

Đầy bóng ma của những người chết hai lần, ba lần mà chưa siêu thoát. Đầy tên đường, những tên vô âm hưởng. Và tiếng xe. Và bụi bặm một thời chưa hẳn qua. Một thời đáng lẽ phải quên, nhưng vẫn chưa được!

Nam Dao

Yêu


Tình yêu có thật, tình bạn có thật, văn chương có thật. Tôi đã được gặp ở Paris mùa thu vừa qua. Sông Seine rung rinh ban chiều mịn phấn. Một thoảng gió ấm âu yếm ve vuốt nước sông. Trời đẹp.

*

Mày không tin nổi mắt mình khi đọc tờ fax của Linh. Linh sắp tới Paris. Linh đã xoay xở thế nào mà được cấp hộ chiếu ? Từ ngày ra tù, Linh bị quản thúc nghiêm ngặt. Eva sẽ từ New York qua để chào đón Linh. Một tuần nữa mày sẽ được nối vòng tay ôm bạn. Thế là lại được gần nhau. Để hoàn thành bản dịch tiểu thuyết mới nhất của Linh.

Sân bay, bạn bè đông đúc. Eva ôm một bó hồng khổng lồ.

Tao mới gặp Linh hè vừa qua ở Hà Nội. Linh rạng rỡ, mày gặp là mê liền.
Florence bật cười ngất, khiêu khích nhìn Eva.

– Tao sẽ nổ xâm banh, tặng một bông hồng cho người đàn bà nào biến được nó thành kẻ si tình. Nó không biết yêu.

– Đối với một nhà văn, thật hết nói !


Mọi người phì cười.

Mày sống với Florence đã hai mươi năm. Thỉnh thoảng Florence đi với một người đàn ông khác. Cũng có lúc mày mê một người đàn bà khác. Thiên hạ kêu ầm xìcăngđan. Thiên hạ nhìn mày, ánh mắt đượm chút khinh khi, tội nghiệp. Dù sao người đời cũng đành công nhận điều hiển nhiên, hai đứa thật tình yêu nhau. Và đàn ông ngấp nghé Florence. Và đàn bà lườm. Ao ước. Ganh ghen.

Florence chào đời ở Sàigòn, thời thực dân. Florence không sao quên được, nhớ mãi tiếng ru của bà vú, hy vọng có ngày trở về đó sống. Mày quen Florence trong thời chiến. Thuở ấy, Florence sống với Đức, một người hoạt động trong Hội Người Việt Nam Tại Pháp, hào quang của Hội, bằng chứng rực rỡ rằng trí thức Việt Nam gắn bó với cách mạng. Nó là cựu học sinh trường Polytechnique duy nhất đi theo phong trào với tư cách một người hoạt động cơ sở. Nó chẳng bao giờ đọc diễn văn trên khán đài, nó tình nguyện thực hiện những công việc tổ chức vật chất tối tăm hèn kém.

Florence cũng hoạt động, dũng cảm và đẹp. Tuy nhiên, mày cảm thấy lãnh đạo ngấm ngầm nghi ngạiFlorence. Một hôm, mày hỏi một người vì sao.

Mối tình này thật không phải lẽ, thế nào cũng hỏng. Không một người đàn bà Pháp nào có thể thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của nước ta, của cuộc cách mạng của chúng ta.

Mày phẫn nộ. Florence đã bỏ hết để đi theo lý tưởng. Mày không thấy vì sao Florence không thích nghi được tốt như chính mày. Ra thế, họ giả vờ thương Florence, nhưng họ sợ. Đức có thể bỏ cách mạng vì yêuFlorence. Mày hỏi Đức nó thấy thế nào ? Nó thở dài, cúi mặt, nói bóng gió cho mày hiểu rằng chủ nghĩa xã hội không tươi hồng như mày tưởng. Mày tưởng nó sợ điều kiện sinh sống khắc nghiệt trong một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị hàng chục năm chiến tranh tàn phá. Mày giận nó dám coi thường người đàn bà nó yêu. Mày chẳng hiểu gì cả.

Đức về nước ngay sau khi Sàigòn được giải phóng. Nhân một chuyến đi, mày gặp lại nó tại một văn phòng tăm tối ở Bộ Ngoại Giao, đang dịch diễn văn vớ vẩn của lãnh đạo. Nó đã lấy con gái một quan chức của chế độ, có một con trai xinh đẹp, cư ngụ trong căn hộ hai phòng mục nát của một toà nhà lắp ghép ở ngoại ô Hà Nội. Nó phô trương niềm vui dễ lây, tinh thần lạc quan không sờn chút rạn nứt đối với tương lai của cách mạng. Một buổi chiều, hai đứa lang thang bên Hồ Hoàn Kiếm. Ve sầu đã lặng tiếng. Mặt trời tắt dần.

– Thỉnh thoảng mày thiếu Paris không ?

– Không. Nhưng tao thiếu Florence.

– Nó đang sống với tao, mày có biết không ?

– Dĩ nhiên tao biết, người ta đã cho tao biết ngay tức thì.

– Mày vẫn yêu nó phải không ?

– Ừ.

– Mày muốn tao nói lại cho nó không ?

– Để làm gì ?

– Tao tin nó vẫn yêu mày.

– Tao mong vậy, nhưng để làm gì bây giờ ?

– Trời ơi, sao mày bỏ nó ?

– Mày đừng giả vờ ngốc nghếch, mày đã về đây, mày đã thấy hết, làm sao nó có thể sống ở đây ?

– Mày biết điều ấy trước khi mày về ?

– Ừ. Chính vì vậy mà tao đoạn tình với nó. Tao không ân hận, hối tiếc. Còn kinh hoàng hơn tao đã từng tưởng tượng.

– Nghĩa là thế nào ?

– Thối nát từ bên trong.

– Sao mày không ở lại Pháp ? Ở đó, mày có ích hơn cả trăm lần ở đây.

Đức cười, mỉa mai.

– Mày không thay đổi bao nhiêu. Mày vẫn tin ở tự do, phải không ? Tao còn nhớ, tự do chỉ là khắc khoải lựa chọn.[1] Chúng ta, người Việt, chẳng đến nỗi khắc khoải cho lắm vì chúng ta không thể có được sự lựa chọn. Tuổi trẻ của chúng ta thú vị quá ! Dưới đá lát đường, bãi biển…[2] Mày cũng không sai, con người là sinh vật duy nhất biết tự tử. Nhưng mày vừa xa rời những khái niệm cúng trừu tượng, đối với chúng ta, những thằng Việt Nam chào đời trong giới tiểu tư sản, khả năng lựa chọn thật eo hẹp. Chúng ta vừa không có đôla vừa chẳng có người. Một mình, chúng ta chẳng có kilô nào trên mặt đất. Phải đi với quần chúng, và quần chúng, chúng nó nắm và điều hành. Mày cứ việc lựa chọn. Chung thân phận hay tự loại mình với vinh quang truy tặng trong sự thỏa mãn ghê tởm của kẻ đã có lý.

– Mày còn tin vào quyền năng của ý tưởng không ?

– Càng ngày càng bớt.

– Vậy sao không làm lại từ đầu ?

Nó nhìn mày, sững sờ.

Khi mình không còn khả năng đổi đời, dù chỉ bằng một hạt bụi sống, khi mình hết cả khả năng tạo ý nghĩa cho đời mình, dám yêu sao được ? Tao chưa là một con thú.

*

Sau khi Đức bỏ đi, Florence sống loạn xạ, vui, phù phiếm, gây xìcăngđan. Florence đẹp và coi dâm hơn bao giờ hết. Đàn ông vây bủa. Florence cứ tự tiện, lấy thằng này, bỏ thằng kia qua ngày. Cuối cùng Florence kết hôn với Châu. Mày mừng cho nó. Châu yêu nó đê mê. Họ như đã được tạo ra để cho nhau. Vừa cưới xong, Châu liền tra tấn Florence, phanh phui quá khứ, truy bức kỷ niệm, lôi những dan díu đã qua củaFlorence ra trách móc. Nó không ngừng tra hỏi Florence về quan hệ của Florence với Đức, giày xéo, làm ô uế mọi chuyện. Florence lồng lên, giải thích, cố khiến Châu hiểu mình. Cuối cùng, Florence đành khoá mình trong im lặng. Châu quay ra uống rượu, và đánh.

Thỉnh thoảng, mày gặp lại Florence ở quán cơm Maubert, nơi hò hẹn của tuổi dấn thân. Ăn với bạn, cười cợt những khoảnh khắc đã chung sống với nhau. Rồi mày dắt Florence dạo chơi bờ sông Seine. Florence cho mày biết tin về Đức. Florence biết rõ lạ lùng Đức đang sống thế nào ở Hà Nội. Florence nói về Châu, lửa ghen trầm uất của nó. Châu muốn có con. Florence do dự, cảm thấy mình mắc lưới, không biết nên định đoạt ra sao.

– Nó đã yêu tao, nó vẫn yêu tao. Có lẽ tao cũng vẫn yêu nó. Tao muốn có một gia đình, có con. Nhưng bây giờ, tao không biết tao muốn gì nữa.

– Mày vẫn yêu Đức ?

– Ừ, nhưng tao chỉ có khả năng sống với Châu mà thôi.

– Kết hôn là một thể chế đang chìm xuồng nơi nơi, thanh thiên bạch nhật cũng như lén lút, nhưng không ai biết thay thế nó bằng cái gì. Khi cưới một người đàn ông, mày cưới luôn cả thể chế ấy, sự bạo liệt muôn đời của nó, tất cả những niềm tin cũ kỹ của thế gian. Chiếm hữu, ghen tuông, tình yêu.

– Không có gì khác sao ?

– Tao không biết.


Thường thường mày chẳng có gì đáng nói với Florence. Florence cũng vậy. Chỉ có thú vui đi dạo bên nhau. Mày yêu những cuộc lang thang câm lặng kéo dài đó và sự hiện diện trìu mến thấm thía của Florence bên mày. Florence cũng thích có mày ở bên. Florence thấy dịu người.

Một hôm, Florence không tới quán cơm Maubert nữa.

Mày gặp lại Florence đêm Tết tại điện Maubert-Mutualité, trong dạ hội mừng Tết Nguyên Đán. Florence đã ly dị. Florence kể lại như kể một chuyện vặt. Mày cảm thấy Florence cô đơn. Mày chẳng biết nói gì. Mày mời Florence khiêu vũ. Florence lắc đầu. Mày thấy mình thừa thãi, khó chịu. Mày tìm cách hồn nhiên lẩn trốn. Florence vươn tay giữ mày lại.

Ở lại với tao, tao cần mày.

Thiên hạ nhảy. Đêm trôi đi. Tảng sáng, mày tiễn Florence về trong sương mù tháng hai trên bến hoang vắng dưới ánh đèn phờ phạc soi đường phố. Trước của nhà, Florence bảo : Mày lên với tao.

Mày ấp úng. Florence mỉm cười.

Mày đừng sợ, tao không có nhu cầu làm tình đâu.

Mày đỏ mặt. Florence ve vuốt má mày.

Mày đang mệt. Lên ngủ với tao.

Hôm sau, lần đầu tiên trong đời, mày đã dám xin.

Florence, mình sống chung với nhau đi. Tao cảm rõ, chúng ta sinh ra để hiểu nhau.
Florence trầm ngâm một lúc lâu, quay mặt ra cửa sổ, nhìn trời.

Để xem.

Và đã thế. Không tuần nào qua mà mày không gặp lại Florence. Thỉnh thoảng, Florence tới nhà mày ngủ. Thỉnh thoảng mày tới nhà Florence. Năm tháng trôi đi, Florence quyết định sống dưới cùng mái nhà với mày, mỗi đứa trong phòng riêng của mình. Florence không muốn có con. Rất hợp với mày. Mày thấy thế giới chẳng có gì hấp dẫn cả và mày không còn khả năng khát khao một thế giới nào khác. Thế giới Florencecho mày khiến mày toại nguyện. Có biết bao hạnh phúc nho nhỏ chung. Lang thang Paris. Du lịch tuỳ hứng. Rượu ngon, cơm ngon, sách đẹp. Thú vui tán gẫu đủ thứ chuyện, chẳng đáng gì, chẳng để làm gì. Và, thỉnh thoảng, làm tình, tuyệt vời. Có khi lúc hừng đông, Florence len lỏi vào giường mày, ve vuốt, mơn trớn, dịu dàng khiến mày căng cứng. Khoảnh khắc mày thích nhất. Mày thấy yên ả, thoải mái, tin cậy. Mày không yêu gì hơn là làm tình với Florence trong ban mai sơ sinh. Florence cũng thích tỉnh giấc trong ve vuốt chầm chậm của mày.

*

Không tin nổi mà vẫn thật. Linh đã tới. Eva và mày sẽ thực hiện được giấc mơ, một bản dịch hoàn hảo tiểu thuyết của Linh. Vẻ mặt rạng rỡ của Linh thôi miên mày. Giọng cười tươi vui, cử chỉ thân thiện của Linh khiến mày xôn xao. Nhưng khi Linh không cười, mặt Linh đanh lại, ánh mắt xa vời.

– Linh làm sao mà ra được khỏi nước ?

– Linh gửi một lá thư cho chính quyền, đòi quyền du lịch của Linh. Chắc họ ớn những khó khắn mà thiên hạ đã gây cho họ vì đã bỏ tù Linh. Họ để Linh đi.

– Họ có thể lợi dụng chuyện này để đày Linh luôn chăng ?

– Linh sinh ở Việt Nam. Ở đó, Linh sẽ sống, sẽ chết. Linh không cho ai phép cấm Linh điều ấy.
Mày hẹn hai người mỗi sáng trong vườn Luxembourg. Ốc đảo đầy lá lặng thinh ngay giữa Paris, một quán ăn nhỏ màu xanh dựng đứng giữa vườn, hoang vắng.

Linh kêu tách trà. Eva mê càphê Pháp. Đùa nó, mày đòi ly coca cola. Linh bật cười.

– Linh nên nếm thử càphê Tây, ngon nhất thế giới đó.

– Xưa kia, Linh rất mê. Bên mình, ở Blao, trên Tây Nguyên, đất đỏ sản sinh một loại càphê tuyệt hảo. Người ta sấy nó kiểu Pháp với một tí bơ và Cognac. Sáng nào Linh cũng uống.

– Tại sao bây giờ Linh không uống nữa ?

– Lúc đó Linh ở tù. Ngày nào cũng bị hỏi cung. Một kiểu tra tấn trí não. Những câu hỏi vớ vẩn trở đi trở lại, ám ảnh nhức nhói, hàng chục, hàng trăm lần. Đồ ăn thấy mà ghê người. Linh sụt nhiều cân. Một loại nấm gặm mòn da Linh. Linh đã chuẩn bị chịu đựng tất cả, phản kháng, tự sát. Linh sống sao cũng được, không còn nhu cầu, ham muốn. Nhưng Linh thèm càphê. Một buổi sáng, ra phòng hỏi cung, Linh ngửi thấy mùi càphê thơm. Họ đặt một tách trước mặt Linh. Tay đại tá lấy cung bảo : nếu chị muốn, chúng tôi sẽ hầu chị càphê mỗi sáng. Linh cười : xin khen, gián điệp của ông đã cho ông thông tin chính xác, đúng là tôi có một nhược điểm, tôi không thể thiếu càphê buổi sáng. Nhưng ông không nên phí công, từ nay tôi sẽ không bao giờ uống càphê nữa.

Linh bật cười, giọng cười vui vẻ khiến mày rùng mình.

– Chúng nó hiểu chủ nghĩa duy vật biện chứng và thuyết duy thực như thế đấy. Thế là Linh đột ngột theo chủ nghĩa duy tâm và lãng mạn. Từ ấy, chúng nó còn muốn bẫy Linh kiểu khác : một thằng đực rựa. Từ khi ly dị, Linh chưa nếm thằng nào. Ở nước mình, không gì hơn là bép xép về đời sống tình dục để hại uy tín của một người đàn bà. Một tay thầy lang bán cho Linh một toa thuốc giết nhu cầu tình dục. Linh ngốn đều đều từ nhiều năm rồi. Nó phá tan hoang thận của Linh, nhưng cơ thể để Linh yên thân. Linh đã trở thành một thằng đàn ông 75%. Đúng hơn, một con người bị thiến.

– Linh uống một tách càphê với tôi đi. Lời thề của Linh có giá trị ở Việt Nam. Nhưng chúng ta đang ở Pháp và tôi không phải là một gã công an.

Linh lắc đầu. Và cười.

Ở tù, Linh học được chút từ Pháp trong từ điển. Eva biết nói tiếng Tàu nên đoán được phân nửa ý nghĩa những từ Việt Nam. Mày biết đủ tiếng Anh để đọc sách, không đủ quen để nói chuyện. Một tam giác lạ lùng thần diệu – Việt Nam, Pháp, Anh – tràn ngập tiếng cười ngất.

– Yêu.

– Aimer.

– To love.

– Plutôt loving, comme dans I can’t stop loving you.

– Alors, c’est aimant.

– Yêu c’est yêu, où est le problème ?

– Vấn đề ở chỗ chúng ta, người Việt, không chia thì động từ. Mọi người đều luôn luôn yêu y hệt mọi lúc.

Và ngôn ngữ sổ lồng loạn, hàng giờ, nhân một câu, một từ. Những ký ức pha trộn rối bời, ngôn từ thấm đậm kỷ niệm đọc sách, khát vọng, những cuộc đời. Việt Nam, Pháp, Mỹ. Chiến tranh, kiếp đọa đày, lang thang. Nỗi khắc khoải già cỗi của tuổi thơ, những lưỡng lự ngờ vực ở tuổi trưởng thành. Và khao khát yêu.

Rất nhanh Linh và Eva không cần tới mày để hiểu nhau. Chỉ nửa lời, họ đã hiểu nhau. Mày phát ghen. Giữa đàn bà có một sự đồng cảm vĩnh viễn loại mày.

Trong tình thân sâu kín của ngôn từ, chẳng còn gì bị cấm đoán, mọi chuyện đều có thể nói với nhau. Yêu và hiểu, giấc mơ của tình nhân… Mày không còn biết tình bạn ngưng ở đâu, tình yêu bắt đầu từ chỗ nào. Mỗi khi ánh mắt Linh lạc vào nơi xa vời, mày thèm ôm Linh trong vòng tay, ve vuốt Linh, kéo Linh trở về mày. Một lần, mày hé tay. Dịu dàng, Linh đẩy mày ra.

Đừng thử. Muộn quá rồi. Cho chúng ta. Bên kia, Linh dựa vào quá khứ để không bị hiện tại này đè bẹp. Ở đây, anh vươn tới tương lai để thoát nó. Đều vô vọng. Chúng ta sẽ không có một hiện tại chung. Với Eva, cũng thế.

Càng ngày mày càng khó che dấu tình cảm. Mày linh cảm thảm họa rập rình tới. Mày tự cấm mọi cử chỉ trìu mến. Mày không còn dám lướt mê bộ ngực kiêu kỳ của Linh, vành môi khiêu gợi của Eva.

Sửa bản dịch tiếng Anh, mày coi lại bản tiếng Pháp. Lần lần, mày thất lạc trong đó. Đó là giọng của Linh, của mày hay của Eva ?

– Văn mày quá hồn nhiên, không dịch được.

– Linh viết như mọi người để cho ai cũng đọc được. Đó là vũ khí. Linh dùng nó khi trắng tay.

Eva nhìn mày, vẻ lạ lùng.

– Còn mày, mày chẳng viết giống ai. Quá rõ ràng và chẳng rõ ràng tí nào. Luôn luôn có điều gì sổ thoát, chạy đi.

– Tao suy nghĩ với khái niệm Tàu, cảm xúc với từ ngữ Việt, lý luận như một thằng Tây và phục tùng văn phạm của Viện Hàn Lâm. Làm quái gì được với một mớ hẩu lốn như thế ? Chẳng gì hết… Văn chương… Văn gừng…

– Một cuộc gặp gỡ, có thể lắm chứ ?

Ngày ngày trôi đi. Chẳng ai ý thức cả. Quyển sách từ từ thành hình. Mày nhận thấy ở nó giọng cuồng nhiệt của Linh và giọng, yêu mến, của Eva, giọng của chính mày.

*

Khúc trưa, Florence và François tới nhập bọn. François là họa sĩ. Sợi dây tăm tối nào trói chặt nó với Việt Nam ? Nó mới chỉ độ ba mươi tuổi, chưa từng sống những năm tháng đam mê của thời chiến. Nó hầu như chẳng biết gì về nước Việt, lịch sử và văn hoá Việt Nam. Nhưng nó mê ăn chả giò, phở và sử dụng đũa điêu luyện. Nó gặp Florence trong một buổi khai mạc triển lãm tranh. Suốt buổi tối, nó không rời gót Florence. Nó yêu cầu Florence làm người mẫu cho nó. Florence đỏ mặt. Nó năn nỉ, gần như van lơn.

Từ ấy, nó chỉ vẽ Florence thôi, vẽ, rồi bỏ, rồi vẽ lại miên man vô tận chỉ một bức tranh. Tình yêu của François thôi miên Florence. Florence tìm lại được ở nó quyết tâm dữ tợn của Đức, nỗi đam mê hung dữ của Châu, và một điều gì đó mà chỉ có một họa sĩ mới tiết lộ cho Florence được, sự tôn thờ đắm đuối thân thể của Florence. Nhưng François làm Florence kinh hãi. Nó không cho Florence yên thân một phút nào, săn bắt ngày đêm, khắc khoải lo sợ không tìm ra Florence ở đầu bên kia dây điện thoại.

Florence đi với François từ một năm nay. Mày ít khi gặp. Thỉnh thoảng, Florence về nhà, mệt lử, cân não rã rời, nhưng vẫn hạnh phúc. Florence cuộn mình trong vòng tay mày, lấy lại sức, và lại ra đi.

*

Đại lộ Saint-Michel, nơi hò hẹn rạo rực, nhộn nhịp của tình yêu thuở sinh viên. Trước nhà thờ Đức Bà, mày chỉ ký hiệu cây số 0 của nước Pháp cho Linh.

– Tao hẹn tất cả ở đây, đúng ngày tân niên năm 2000, để chôn thế kỷ khốn nạn này. Tao hứa sẽ tặng đứa nào y hẹn một bông hồng đỏ. Trong khi chờ đợi, chúng ta đi nhậu.

– Rất tiếc, Linh và tao đã định đi dạo mua ít giẻ rách. Nếu muốn, chúng ta ăn cơm tối với nhau.

– Nghìn lần luyến tiếc, rượu Beaujolais Đầu Mùa đã tới ! Florence với tao đã thề cùng đón mừng nó mỗi năm. Rong chơi vui nhe, giẻ rách đẹp nhe, hẹn nhau ngày mai.

– Được, sáng mai tại vườn Luxembourg. Tao có một món quà bất ngờ tặng tụi bay.

Linh chẳng thể mơ tìm được người hướng dẫn hơn Eva. Eva lớn lên ở Paris, biết thành phố như đũng túi của nó, danh lâm thắng cảnh cho du khách, quán rượu nhỏ, khu phố cổ xưa, những khoảnh khắc Paris để lộ cho ai yêu nó một chút lòng thầm kín âu yếm xa xưa của nó. Mày chẳng biết gì về những cuộc rong chơi, trò chuyện giữa hai người. Linh không bao giờ đề cập tới. Eva che chở cẩn mật khu vườn bí mật của những mối tình bạn gái của mình.

*

Chiều hôm, mày gặp lại Florence ở quán Boul'mich. François có đó, khiến mày ngạc nhiên. Xưa nay, bữa tối uống Beaujolais Nouveau luôn luôn tay đôi. Florence nhìn mày, gương mặt hốc hác, mắt sưng vù. Căng thẳng, đen tối, François bắt tay mày, đứng dậy, bỏ đi, không một lời.

– Chuyện gì vậy ?

– Cũng vẫn chuyện ấy.

– Nó điên rồi. Nó ngủ với mày mà nó còn xa xỉ ghen tao ! Nó bệnh hoạn rồi, tống nó đi chơi chỗ khác là vừa.

– Tao xin mày, đừng nói bậy, nó yêu tao, nó muốn lấy tao làm vợ.

– Còn mày ?

– Không. Vừa rời xa nó, tao thấy thiếu nó ngay, nhưng hễ gặp lại nhau là cãi lộn. Hai đứa chỉ thực sự hợp nhau khi nó ôm tao làm tình. Nó âu yếm quá, kiên nhẫn quá, rộng lòng quá khi nó làm tình với tao. Nhưng khát vọng chiếm hữu của nó khiến tao khựng lại, lửa ghen của nó khiến tao kiệt quệ. Tao không thể sống được nếu thiếu nó, tao không thể sống được với nó. Chỉ với mày, tao mới cảm thấy được là chính mình. Mày yên ả quá, mày mang lại cho tao sự thờ ơ mà nếu không có được, tao sẽ không chịu đựng nổi kiếp sống này.

– Bỏ qua cho tao. Tao biết, mày yêu nó, nó mê mày điên cuồng. Nhưng mày đừng tới quá gần sự im lặng của một thằng đàn ông nhe, đừng bao giờ chịu bị nhốt trong nỗi cô đơn của nó. Nó sẽ huỷ diệt mày đó.

– Tao biết.

Mày ve vuốt tóc Florence. Màu sắc nó luôn luôn khiến mày ngỡ ngàng. Tên Florence gợi ở mày hình ảnh một người đàn bà tóc rất vàng, mắt rất xanh. Florence có cặp mặt xanh lơ đậm mãnh liệt, nhưng tócFlorence dài, mềm mại, óng ả đen tuyền. Mái tóc đàn bà của xứ sở mày. Những mặt trời thời thơ ấu của mày nhuộm tóc Florence. Florence co mình trên vai mày. Mày cảm thấy thân mình Florence duỗi ra, nhịp thở yên dần. Mày đề nghị hai đứa về nhà.

Trong càphê bên cạnh, từ đáy một bức gương, cặp mắt điên loạn của François đuổi theo mày.

*

Hôm sau, Eva tới vườn Luxembourg cùng với một tay khổng lồ tóc vàng, mắt xanh, râu ria rạng rỡ.

– Giới thiệu các bạn vị hôn phu của tôi.

Linh mỉm cười, sững sờ. Eva chưa từng nói đến người hôn phu này. Mày vờ đùa, che giấu lòng bối rối.

– Nàng Linh thân mến của tôi, nàng mê đàn ông râu ria, vậy là được toại nguyện nhé, kiếm một bộ râu chinh phục đến thế này chẳng phải chuyện dễ đâu.

Eva kêu hai tách càphê.

Tụi tao quen nhau từ nhỏ. Cha mẹ đôi bên là láng giềng và là bạn. Học chung đại học. Thất lạc nhau khi tao đi Trung Quốc. Mới đây, tình cờ gặp lại nhau ở New York, tụi tao khám phá rằng đã luôn luôn tìm nhau. Tao đã đi một vòng quả đất để chẳng được gì. Bây giờ tao rớt trở lại khởi điểm.
Eva cười ngất.

Tao để tụi mày làm việc nhe. Peter nhảy qua Paris để cùng tao chọn áo cưới.
Họ đi. Mày tiếp tục làm việc với Linh. Nhưng sự vắng mặt của Eva để lại một khoảng trống lạ lùng. Tiếng Eva đã phụt tắt. Rốt cùng, Linh cũng chán ngán.

– Thôi, bỏ đấy. Đợi tuần tới làm lại, khi Eva có mặt. Đi dạo thôi.

– Ừ. Ngôn từ chẳng là gì cả khi vắng mặt người.

– Khúc tình ca giữa mày với Eva chấm dứt ở đây thì phải.

– Chuyện này phải tới, không lúc này thì lúc khác. Hai đứa tới từ những chân trời quá xa lạ. Khao khát cùng một thế giới, nhưng lại không có quá khứ chung và chẳng bao giờ được có cùng một tương lai.

– Mày đau ?

– Ừ.

– Đó là điều may, mày biết chứ ?

– Ừ.

– Dù sao cũng cố giữ tình bạn.

Đảo Cité. Đêm ngả bóng. Những viên đá già nua óng ánh, lem nhem trắng. Cây lá cứng im. Gió mơn trớn. Vài ánh đèn chao đảo trong dòng nước im ắng đen. Dưới cầu Tournelle, sông Seine chảy. Lần đầu, Linh nói về mình với mày.

Khi tao quyết định ly dị, cha tao bắt tao quỳ úp mặt vào tường, tự phê, bỏ ý định ly dị làm ô nhục gia đình, tên họ tổ tông. Đến ngày thứ tư, tao tự thấy nhục, tao đứng dậy, nhìn thẳng vào mặt ông và nói : Từ nay con sẽ không bao giờ tự phê nữa. Và tao bỏ nhà ra đi.
Linh ngửng đầu, nhìn chân trời.

Ông ấy yêu tao. Đó là người đàn ông duy nhất mà tao quý trọng. Bây giờ tao hiểu tại sao tao đã chấp nhận chịu đựng bấy nhiêu năm khổ ải. Những ngôn từ cao thượng, những nguyên lý vĩ đại, tình yêu, cũng được dùng để trói chúng ta. Người ta trói thú bằng thừng, người ta trói người bằng chữ nghĩa. Tao yêu bố. Tao không hề giết bố, ngay cả một cách tượng trưng. Từ bỏ bố, tao đã giải phóng chính tao khỏi chính mình.

Mày rùng mình. Mày cực ghét trò tự phê, thú tội. Vũ điệu lột truồng tâm hồn ấy, mày chỉ chịu đựng được xuyên qua hành động – ca khúc của thể xác, hay văn chương – vũ khúc của ngôn từ.

– Thiên hạ biết đấu tranh của mày chống chiến tranh, độc tài, sự hèn nhát, gian dối. Nhưng hầu như không biết gì hết về chính mày. Sao mày không viết chính mình đi ? Những năm tháng kinh hoàng sẽ chẳng là gì cả nếu chẳng ai nhớ tới. Viết những gì mày đã nghiệm sinh đi.

– Tao không có nhu cầu kể lể đời tao.

– Điều ấy lại quan trọng đối với tao, với người đời.

– Mày sẽ làm gì với đống giấy ấy ?

– Tao không biết. Dịch nó, đăng nó như lời nhân chứng về thời đại của chúng ta. Hay biến nó thành tiểu thuyết, một tác phẩm thuần hư cấu. Xét cho cùng, tại sao không ? Chỉ có những ảo tưởng mới sống sót được trong ký ức loài người. Tao thèm viết mày thành tiểu thuyết. Tiểu thuyết chỉ là chuyện hoang đường, nhưng cũng là khao khát hiện thực của con người. Mày là hiện thực mà tao chúc cho tất cả những thằng đàn ông.

– Được, thế cũng là làm bạn.

Đó là một đêm thu ở Paris, trên bến đảo Saint-Louis. Có đá lem nhem trắng, có cây lặng cứng. Sông Seine trôi đi, im ắng, đen ngòm. Mày lững thững bước về parking ở công trường Maubert. Từ cầu Tournelle, mày nhìn mỏm Đảo Cité. Ở đó, dưới đất, có đài tưởng niệm những người bị đày ải vào lò sát sinh thời nhị thế chiến. Mày đã dịch cho Linh nghe một câu thơ của Aragon, một câu văn của Sartre khắc vào tường đá. Lún sâu trong lòng một cái hang, những vong hồn lấp lánh. Rất lâu, Linh ngắm chúng. Rất lâu, Linh nhớ sổ tay thầm kín của những chàng lính trẻ đang mục nát trong hang đá trên giải Trường Sơn. Mày đã ngắm sông Seine, mày đã thấy bóng người trôi theo dòng nước.

*

Cùng với Linh và Eva, mày tiếp tục sửa quyển sách. Im lặng ngấm ngầm len vào câu chuyện. Eva ở đâu khác. Càng ngày nó càng bớt nhận ra ngôn từ của mày. Càng ngày mày càng bớt hiểu câu chữ của nó. Mỗi lúc, hiểu nhầm nhau càng nhiều. Giải thích, khôn cùng, vô lối thoát. Tam giác thần tiên biến thành vực thẳm ma quái. Nói chuyện biến thành cãi nhau. Linh chấm dứt.

Quyển sách cơ bản đã xong. Mình ngừng ở đây. Eva cần được nghỉ ngơi.

Im lặng ụp xuống, nặng nề, ngột ngạt. Eva trơ trơ nhìn bã càphê.

Tao sợ… Tao ao ước, kêu gọi cuộc hôn nhân này. Xưa nay, tao vẫn muốn xây dựng đời tao với một người đàn ông mạnh, hào hiệp, âu yếm, biết yêu tao và hiểu tao. Lập một gia đình, có con, tạo hạnh phúc. Bây giờ, tao cảm như sắp lao mình vào khoảng trống.

Linh nghiến răng. Mày ngước mắt đi nơi khác. Eva đứng dậy.

Tao về. Tao cần một chút cô đơn.

Mày tiễn Eva. Trên thềm cửa, nó sụm người trong vòng tay mày.

Đừng bỏ tao.

Một lỗ hổng khoét thủng ngực mày. Mày đã hiểu. Đó là lời từ biệt.

*

Linh nhất định thăm một nghĩa địa của Paris trước khi về. Eva thích rong chơi giữa những nấm mồ. Mày dẫn hai người tới Père Lachaise. Dưới Mur des Fédérés, Linh im lặng ngắm mộ, nhớ những năm chinh chiến của chính mình, nhớ những người bạn đã mất. Trên bia đá trong khu Nghĩa Trang Cổ, vẫn đọc mò được những dấu ghi mà thời gian đã gặm mòn. Nghĩa địa Père Lachaise là nơi đậm tình anh em nhất thế gian, một mảnh đất ẩn náu cho người ngụ cư khắp năm châu, ở mọi thời đại… Họ gặp nhau ở đây, loạn xạ, từ người tiếng tăm nhất tới kẻ hèn mọn nhất, với những kiếp vô danh.

Nắng chiều ngả bóng. Mùa thu tàn tạ trên những vòm cây màu hung trong ánh sáng chao đảo của hoàng hôn. Linh yêu màu sắc mùa thu. Trời lạnh.

Những nấm mồ này có từ thế kỷ 15, có thể còn xưa hơn nữa. Chẳng ai chăm sóc, chẳng ai nhận đòi, chẳng ai biết ai an nghỉ ở dưới. Nhưng người ta vẫn tôn trọng chúng. Người ta có lý. Người chết đã tạo ra tiếng nói cho phép ta suy nghĩ, cảm nhận. Tinh thần của chúng ta, xét cho cùng, chỉ là một bãi tha ma từ mênh mông, nhưng không có bãi tha ma ấy thì chúng ta sẽ sủa như chó. Tao tin cậy văn chương. Nó chẳng là gì cả, nhưng chỉ nó mới nói được điều cơ bản nhất của con người ở thời đại chúng ta.

Linh thở dài.

– Bên mình, người ta biến chùa, đình, lăng miếu thành kho, chuồng lợn. Sắp tới, sẽ chẳng còn gì ngoài cái lăng xấu kinh người.

– Chúng ta được cùng nhau ở đây ngay giữa Paris, là một phép lạ. Hãy cứu nó, mỗi đứa mình viết một quyển sách nhé.

Eva mỉm cười. Linh cười vang.

– Hai người đàn ông yêu một người đàn bà.

– Hai người đàn bà yêu một người đàn ông.

– Một người đàn bà yêu hai người đàn ông.

– Một người đàn ông yêu hai người đàn bà.

– Và cứ thế ! Cuối cùng mọi người sẽ yêu mọi người, chúng ta sẽ xây dựng thiên đường ngay trên quả đất chẳng cần đến một phát súng canông.

– Ngay cả súng đôla.

– Chỉ bằng ngôn từ thôi.

Một niềm vui loé sáng rực hoàng hôn.

Điều này không tới nỗi ngu xuẩn, không có gì kháng cự được thời gian hơn là ngôn từ. Chúng ta là những thực thể duy nhất mà thời gian không vĩnh viễn tiêu diệt được. Chúng ta chỉ cần đã từng được yêu, và có người đã nói điều ấy cho người khác. Chỉ ngôn từ mới chống lại được cõi chết.

Eva thở dài.

Chỉ tiếc rằng nó quá thiếu máu thịt.

Một người canh gác hô : Đóng cửa !

Mày không có nhu cầu viết nhưng mày thấy ý đó hấp dẫn. Mày đưa tay về phía Linh.

Tao nhận lời thách thức này.

Linh nắm tay Eva.

Tao cũng vậy.

Eva siết tay mày.

Được, chúng ta làm đi.

Một ngày thu ra đi, lấp lánh ngũ sắc.

– Tao sẽ thử. Tao sẽ viết một quyển sách hạnh phúc mà không ngu xuẩn. Văn chương của chúng ta thống khổ, nhỏ nhen quá. Thế giới này cần hạnh phúc, tương lai.

– Mày mơ rồi đấy. Chính khách của chúng ta đều đã trở thành những con người của quyền lực, những con rối. Họ đã học khom lưng trước sức mạnh, tiền bạc, media. Còn bọn trí thức…

– Ngay lũ triết gia cũng lỗi thời đối với kiến thức, thời cuộc. Chúng nó thêu dệt, lải nhải suông.

– Chính vì thế mà ta nên thử hành văn. Chỉ văn chương mới có thể…

– Được bao lâu nữa ?

– Đủ một thời để yêu và một thời để chết. Thế cũng đủ để nhân hoá một cuộc đời.

– Vậy thì chúng ta thử đi !

*

Ngày Tết xích gần lại. Linh phải ra đi. Là con gái đầu lòng, Linh muốn về chuẩn bị ngày lễ lớn của gia đình, tôn kính bàn thờ tổ tiên. Eva đã về New York tổ chức đám cưới. Một mảnh đời đang khép lại.

Mày cảm thấy trống rỗng, rối loạn. Một lỗ trống kỳ dị gặm mòn lồng ngực mày. Có điều gì đang ngắc ngoải ở đời cứ đòi vượt sống ở mày. Mày cần chút cô đơn, chút lãnh đạm. Mày phải đi, phải ra khỏi những cơn lốc của tình bạn, tình yêu. Quên. Tự quên. Tìm lại mình. Nếu còn gì để tìm lại. Rời Paris, mảnh đất lục giác ngộp thở, những hình ảnh, ngôn từ liên tục lải nhải mỗi một điều : chẳng có gì. Và ngày ngày đè bẹp con người bằng báo chí, đài phát thanh, TV, một cách hiển nhiên : chẳng thể làm gì khác ngoài chấp nhận, chịu đựng, tự thích nghi, khuất phục, an phận. Và tự mua mình bằng chữ nghĩa.

*

Tôi gặp lại Florence co quắp lả người, mặt dúi giữa hai bàn tay. Tôi ôm em. Em oà khóc nức nở. François đã hoàn toàn phát khùng. Như trong tiểu thuyết nhà ga. Nó đã đập nát xưởng vẽ của nó, đập tan những điêu khắc, rạch tả tơi tranh, dọa tự tử. Tôi đặt Florence nằm xuống tràng kỷ. Tôi để em khóc. Tôi chuẩn bị một bồn nước nóng cho em tắm. Tôi bế em vào. Tôi chà lưng em với một chiếc găng bằng cước cứng, xoa nắn mãnh liệt vai và gáy em. Tôi cảm thấy gân bắp em giãn dần dưới ngón tay tôi, nhịp thở của em lần lần bình yên. Em nhắm mắt, buông mình trong nước và bọt xà phòng.

*

Florence uống trà xanh với tôi, chậm rãi.

– Mình cút khỏi nơi đây vài ngày. Anh ngộp thở. Mình đi nơi nào có mặt trời, nước và gió.

– Nhưng còn Linh ?

– Mình sẽ gặp lại trước khi nó về.

– Còn Eva ?

– Nó chuẩn bị đám cưới của nó ở New York. Nó sẽ trở lại Paris để tiễn Linh đi. Vinh đang hí hửng tổ chức một buổi chiêu đãi. Chúng ta sẽ được hưởng một buổi chia tay nhớ đời.

– Anh đau ?

– Ừ. Cũng như em. Thêm một lý do để yên ả đau nơi khác, trong một cái xó ít ô nhiễm hơn ở đây.

Florence ôm hôn tôi. Tôi đặt em xuống giường. Tôi ngả mình bên em. Bỗng nhiên người em lồng lên, run rẩy, khóc nức nở. Tôi rùng mình.

– Em thù anh, phải không ?

– Phải.

– Nhưng vì sao ?

– Vì anh yêu em. Em cần anh như khí trời. Xa anh, em ngộp thở.

– Nhưng ở bên anh ?

– Không đủ, không là tất cả.

– Anh không biết yêu cách khác. Chiến tranh sinh ra anh, người ta đã dạy anh trốn chạy, chưa ai dạy anh yêu. Anh cũng thấy đau.

– Tại sao anh không thử ?

– Anh ghê tởm sự giả dối.

– Trời ơi trời ! Tại sao ? Tại sao ?

*

Florence ngủ thiếp. Tôi nghe em thở yên ả, sâu đậm. Tôi luồn ra khỏi giường, đi vào đường phố, vẫy gọi taxi.

Xưởng vẽ của François như vừa bị một cơn bão xoáy tàn phá. Những mẩu thạch cao, thủy tinh, đồ gốm trải đầy mặt đất nhuộm nước sơn, đầy khung tranh gãy, tranh vải bị dao rạch, bị dẫm nát. Lưng tựa tường, François nhìn một mảnh vải trắng. Trên lò sưởi, vất vưởng một chai whisky. Tôi rót hai ly đầy, đưa cho François một ly. Nó uống ực cạn. Tôi lại rót đầy ly nó. Nó nhấp nháp, lặng thinh.

– Sao mày không để nó yên một lúc ? Nó yêu mày, mày thừa biết thế.

Nó nhìn tôi, căm hận.

– Tại sao nó không muốn tao ?

– Nó đã cho mày tất cả, tình yêu, thể xác, thời giờ, mày còn muốn gì nữa ?

– Chính nó.

– Là cái quái gì thế ? Ý thức của nó ? Cái ấy không có thực, không thể chiếm hữu được. Chẳng ai có thể chiếm đoạt hay vứt bỏ nó, chỉ có thể căm thù hay yêu nó và, nếu được, cùng đi với nó. Mày là nghệ sĩ đến mấy cũng vô ích, mày không là Đức Chúa Cha. Không bao giờ từ thạch cao hay khối đá của mày vươn ra được một thân người đích thực. Chẳng bao giờ bút cọ của mày khai sinh ra được một người đàn bà thực thụ. Yêu khó thế sao ? Nó rảnh lúc nào, nó đi tìm mày ngay lúc đó, nó luôn luôn nghĩ tới mày.

– Nhưng nó luôn luôn trở về với mày. Mày cho nó điều gì hơn tao ?

– Chẳng gì hết. Tao chưa hề cho nó cái gì cả. Tao cũng chẳng xin nó điều gì. Tao để cho nó yên thân. Nó trở về với tao khi mày làm nó kiệt sức.

– Mày cút đi !

– Tao cũng đang định thế. Ngày mai tao đi đảo Guadeloupe, tao mang nó theo. Nó cần được nghỉ ngơi. Mày đừng mất công điện thoại cho nó. Ở đầu dây sẽ chỉ có một cái máy hồi âm. Nó sẽ kêu mày khi nó trở lại Paris.

– Cút ngay đi !

Tôi cạn ly. Tôi đi ra. Tôi nghe thấy sau lưng chai whisky vỡ toang vào mặt gương gắn trên lò sưởi.

*

Trước sân bay, Florence chỉ cho tôi một cái cây.

– Anh thấy không, cây xoài đấy. Ở đây quả xoài không thuôn thuôn như ở nước mình, nó tròn, màu xanh, cắn vào rất giòn.
Tôi nhận ra cây xoài, lá xoài, nhưng không nhận ra quả xoài. Tôi nhớ độ đặc, hương vị của nó. Cách nói của Florence đập mạnh vào tôi. Em là người Pháp, nhưng hễ nói tới Việt Nam, em cứ nói nước mình. Còn tôi bây giờ, tôi nói tới nó như tới bất cứ một nước nào. Trong đầu hai đứa, không còn có cùng một mảnh đất. Đâu đó, ký ức tôi đã rạn nứt. Nhiều khi tôi tự hỏi, từ bao giờ và qua đâu, nhưng chẳng bao giờ tôi tìm được câu trả lời.

Anse Bertrand. Một vịnh thu nhỏ có núi đá đầy cây nhiệt đới vây quanh. Nhà sàn nho nhỏ nhô cao trên mặt vịnh. Bãi cát trắng nhỏ long lanh bên bờ nước xanh lơ. Gió khô thơm ngào ngạt ve vuốt phổi tôi, sưởi ấm má tôi. Từ ban công, tôi ngắm sóng chồm lên, trắng xốp, những đỉnh núi đen chạy thấu chân trời.

Florence tắm mình dưới vòi hoa sen, mặc áo dài nâu cũ. Em chẳng bao giờ khoả thân đi lại trong nhà. Tôi cởi áo em chầm chậm trong gió mát, tiếng ve sầu rên, dế gáy. Một nghi lễ thiêng liêng. Mỗi khi đậu xuống đâu, hai đứa làm tình. Thỉnh thoảng điều ấy khiến tôi nghĩ tới tập quán của thú vật. Có những mãnh thú đóng dấu lãnh thổ săn của chúng bằng nước đái. Tôi không còn một tổ quốc để bảo vệ. Florence là neo của tôi trong thế giới này. Bất kể tôi từ đâu tới, bất kể tôi sẽ đi đâu, ngày nào tôi còn cảm thấy em bên tôi, ngày nào tôi còn được làm tình với em, tôi chưa thất lạc trên quả đất này.

Tôi nghe thấy một con gà gáy, một con chó sủa, một con chó đáp lời. Thỉnh thoảng, một con cóc gào lên. Ve sầu đốt không gian với điệp khúc trước hoàng hôn của chúng, trong thoảng gió nóng phà ra lần cuối trong ngày.

*

Tôi rùng mình. Có ai đang ve vuốt tôi. Tôi mở mắt. Ngồi sắp chân vòng tròn trong ánh trăng, một người đàn bà nhìn tôi. Tôi cảm thấy mình trần trụi. Ai thế ? Florence, Linh, Eva ? Hay là người đàn bà vô danh vô diện ám ảnh lời ru tuổi thơ của tôi ? Nàng vươn tay khép mắt tôi. Tia nhìn của nàng thấm vào tôi, rung động trong xác thịt tôi. Da tôi rên rỉ sống lại. Miệng nàng hút tôi, nuốt tôi, chầm chậm, ray rứt, đòi hỏi, đam mê. Nhẫn nại, âu yếm, tha thiết vô cùng tận. Tôi mở mắt, ngước đầu lên. Nàng quyết liệt ép tôi xuống giường, khép mí mắt tôi, thủ thỉ : Cho em xin. Tôi buông trôi mình tự giao nộp tự giải phóng tôi hết còn ý chí cơ thể hình hài tôi không có thực nữa tôi là cơn rùng mình tới lui càng lúc càng mãnh liệt càng sâu càng dài tôi là nỗi chờ đợi trống vắng khát khao vô tận tôi là sự ve vuốt ám ảnh của một người đàn bà xa lạ. Nàng là cõi im lặng run rẩy của tôi. Tôi là nàng.

*

Em đứng một lúc lâu trên ban công ngắm biển, ngắm đêm. Rồi em đi vào ngủ. Tôi châm tẩu thuốc. Một mình. Tôi đưa mắt tìm chòm sao Đại Hùng, Tiểu Hùng, sao Vệ Nữ. Từ khi rời nước ra đi, tôi hết nhìn trời, tôi chưa hề thấy nhiều sao đến thế trên đầu tôi. Một ngôi sao chổi băng qua, rơi xuống, biến mất trong đại dương. Tôi yêu tia sáng sao băng. Tia sáng đầu tiên. Từ lâu lắm rồi.

Tôi ngắm trời, đất, nước. Rất lâu, tôi thấy những đường ranh. Ở đây, hết còn là đất. Ở đây, bắt đầu là biển. Ở đây, vùng trời vụt đứng. Tôi nghe thấy tim tôi đập nhịp thời gian, sự im lặng phập phồng. Tôi hết biết đất bắt đầu từ đâu, trời chấm dứt nơi nao, ở đâu biển hết rên rỉ và tôi đang ở đâu.

Cõi im lặng thấm thân xác lan trí não nhuộm cả màn đêm gầm trên bãi biển đen ngòm màu trời màu nước trắng xoá bọt biển long lanh ánh sao mênh mông, không sờ được, hoà tan tất cả. Tôi kiếm một từ để nêu danh nó. Tôi nhớ tiểu thuyết của Bảo Ninh, Nỗi buồn chiến tranh. Tôi thì thầm, nỗi buồn vì yêu. Một sự im lặng độc nhất, khoanh lại, khép kín, toán học, bao phủ cả vũ trụ. Sự im lặng của một thằng đàn ông. Chính tôi. Có thể nó như ánh sáng, làn sóng vô sắc, không mùi, vô vị, vô nhiệt, vô thanh. Nó toả ra xuyên suốt không gian, coi thường khoảng cách, chướng ngại vật, thời gian. Nó hoà trộn với làn sóng khác, tan loãng, đổi độ dài, hình thù, bất diệt, trường tồn. Như nỗi buồn vì yêu trong thời đại cách mạng không thể làm được. Thời đại của tôi, thời gian của tôi. Tôi chẳng thể có thời nào khác. Tôi phải sống nó và, dù sao, vẫn yêu, vượt những chuẩn mực một tí xíu, ở rìa những ý chung. Một bước bé tí vượt qua quy ước của loài người. Một động từ nho nhỏ thay vì một danh từ vĩ đại. Yêu. Thoạt tiên có Lời, sự gian trá tồi tệ nhất. Người ta đã thay yêu bằng một cái gì ấy. Người ta đã nhốt cuộc sống và nghệ thuật vào một chất thể lai căng, Tình Yêu. Lời là Tình Yêu. Từ ấy người ta có thể ra đi mà không chết trong lòng một tí. Tôi bỗng hiểu vì sao tôi thích gặp người đời ở thuở hoang mang. Trong thế giới ấy, có thể có một chỗ cho tôi. Tôi yêu những khoảnh khắc lang thang khi tiếng nói cá nhân vút lên từ sự im lặng. Sau đó, trong tiếng ồn ào nhốn nháo dai dẳng của cuộc tồn sinh, chỉ còn lại con đường chung của nhân loại, tiếng nói của những xác ướp.

Tôi nhớ sự gần gũi lạ lùng gắn bó Linh, Eva và tôi, chung quanh một hư cấu bằng ba thứ tiếng, ba giọng người. Tôi tìm một từ để nêu danh nó. Tôi chẳng kiếm được từ nào. Lần đầu tiên, tôi cảm thấy sự vắng mặt của hai người. Một lỗ hổng há miệng gặm mòn lồng ngực tôi. Thế là hết. Tình bạn âu yếm giữa chúng ta đang hấp hối. Chắc chắn, cuộc sống sẽ lơ đễnh giết nó mỗi ngày một tí. Rồi sẽ có ngày, không biết vì sao và như thế nào, sẽ chẳng còn gì giữa chúng ta, chỉ còn lại những ngôn từ thường ngày, nỗi đau của mọi người. Ngôn từ, rặt là ngôn từ. Để trao đổi thông tin, áp đặt ý chí, ra lệnh, dọa nạt, quyến rũ, van xin, thương lượng, gian dối, thoả hiệp, sống hoà đồng với xã hội. Giọng nói của ta sẽ chụm lại, tan rã trong đầm lầy của mọi ý thức, nơi hò hẹn say sưa của mọi sự gặp gỡ, mọi điều gian dối, ý chung của người đời. Sẽ chẳng bao giờ ta lại vươn nắm tay nhau bên trên hàng rào di động, không nắm bắt được, không vượt qua được ấy. Sẽ chẳng bao giờ ta gặp lại nhau phía bên kia thế giới ngôn ngữ, nơi vút lên những tiếng cười, những ngôn từ, những thì thầm mà ta có thể khẳng định : là tôi, là chúng ta.

Tôi nhớ cuộc thách đố giữa ba người. Mỗi chúng ta sẽ viết một quyển sách. Tôi sẽ trở về đây viết nó, giữa Thái Bình Dương, trên hòn sỏi xanh lam trôi giạt giữa màu xanh của trời và màu xanh của nước. Ở đây, mọi sự đều thanh tao tuyệt diệu. Màn trời, ngọn gió, lá cây, bông hoa, người đời. Và thèm khát hành văn đã tìm lại được. Nó không còn như xưa, đau đớn ám ảnh. Nó đậm đà sâu sắc. Nỗi khát khao dài bắt nguồn từ những khắc khoải tăm tối của thời thơ ấu. Tôi sẽ viết một quyển sách hạnh phúc. Tôi sẽ từ bỏ ngôn ngữ xiních của Sự Thật. Một nhân ngôn khác có lẽ khả thi. Tôi sẽ thử tạo nhân ngôn của tôi.

Một con gà cất tiếng gáy. Ban mai đang tới. Phía núi, một khối đen lộ nét. Thế giới đang thành hình. Bầu trời tách rời mặt biển, núi non chia lìa mặt nước. Tiếng biển gầm dựng mình thành sóng vỡ tan tành bọt. Lưng trời sáng dần màu xám, màu xanh, màu hồng. Từ sau dãy núi, một chùm tia sáng ngũ sắc vút ra đốt rực bờ quằn quại của một áng mây to. Áng mây trôi giạt ra đại dương, tan rã. Băng lưng trời, hình bóng con người con vật hình thành siêu vẹo biến dạng lẫn lộn với nhau. Mãi cuối cùng, một áng mây trắng. Ban ngày đã tới. Ba con dê con ôn tồn gặm cỏ trên một mỏm đá. Chúng ngước đầu vểnh tai nhìn tôi. Tôi hồi tỉnh. Đúng, không gian có ba chiều. Mặt trời nhô lên, chói loà. Lát nữa ve sầu sẽ làm rung động không gian. Florencenhúc nhích trong giường. Tôi mong muốn em ngủ thêm một chút. Nhưng Florence thức dậy rất sớm. Em ra ban công.

– Anh không ngủ hả ?

– Không. Anh không buồn ngủ.

– Anh đã ở đây suốt đêm ?

– Ừ, đẹp tuyệt vời, và đỡ mệt lắm.

Florence thả mình bên tôi. Tôi mở cánh tay. Em ngả đầu trên vai tôi, nắm tay tôi. Rất lâu, hai đứa im lặng thụ hưởng sắc đẹp của ban mai.

*

Ở quán ăn, bà Ardente thông báo có điện tín. Tôi rùng mình. Chỉ có thể là Linh.

Linh phải về Việt Nam gấp. Chẳng có gì nghiêm trọng cả. Vẫn tuồng xiếc cũ. Hãy chăm lo sức khỏe. Đừng quên cô em nhỏ Eva của Linh. Tuy nó hay quạu, nó rất trìu mến, mảnh dẻ. Và nó thương mày.

Tôi điện thoại cho Linh. Chẳng ai trả lời. Tôi gọi Vinh. Chính quyền dọa đày ải Linh ra nước ngoài vì những tuyên bố của Linh với báo chí. Linh đã quyết định giải quyết tức khắc tận gốc, lấy chuyến máy bay đầu tiên trở về Việt Nam.

Florence ve vuốt vai tôi.

– Ngày mai có một chuyến bay về Paris. Nếu may, anh còn một dịp gặp lại Linh trước khi Linh đi.
– Khả năng ít lắm, Linh quyết đoán nhanh và hành động cũng như vậy. Anh về tới nơi thì Linh đã đi mất rồi.

– Nếu họ lại bắt giam Linh thì sao ?

– Vinh và các bạn sẽ làm tất cả những gì làm được. Họ sẽ kêu chúng ta nếu cần.

– Có thể hai người sẽ chằng bao giờ gặp lại nhau nữa.

– Ai biết được ? Xét cho cùng, như thế là tốt nhất. Anh không thích những cuộc chia tay. Cứ như vậy, hai người chưa hề chia tay nhau. Mình cứ làm như mình đã định, quên cái thế giới điên khùng này đi, mình sẽ gặp lại nó sớm thôi, mình đi thăm hòn đảo này đi.

Sáng hôm sau, Vinh kêu lại.

Nó đã mời François dự buổi họp tại quán rượu Rhumerie để bàn về hành động phải tiến hành nếu Linh lại bị bắt. François nghe, tích cực tham gia thảo luận. Đột nhiên nó gục xuống bàn, chết say. Vinh lau mặt nó, định đưa nó về nhà. Nhưng François giãy giụa, gào thét những lời điên loạn. Người hầu bàn kêu cảnh sát tới.François chửi bới cảnh sát. Họ bẻ tay François quặt sau lưng, xích lại, lôi lên xe giam, nhốt nó trong một căn tù biệt lập sơn vàng sơn xanh. Sáng hôm sau, thấy nó nhớn nhác, người gục lả trên bệ bê tông, họ đưa nó đi nhà thương.

Florence ứa nước mắt kể lại sự việc. Em bắt đầu lắp bắp. Tôi nắm tay em.

– Kệ nó. Nếu nó muốn tự tử, chẳng ai cản nó được, nhất là em, em là người đau khổ nhất nếu nó chết.

– Không thể được. Em phải về Paris. Nếu nó mệnh hệ gì, em sẽ không bao giờ tha thứ mình được. Nó yêu em. Ngày nào nó chưa bỏ em, em sẽ không bỏ nó.

Tôi đã tiễn Florence ra sân bay. Tôi đã thấy em vững bước vào khu lên tàu bay. Trước khi biến mất, em đã quay lại, mỉm cười, kín đáo vẫy tay từ biệt.

Tôi hồi tưởng nỗi sợ hãi bị bỏ rơi xa xưa của tôi, sợ đột nhiên trơ trọi, nghẹn ngào giữa những đống điêu tàn cháy trụi bên lề đường tan nát trước những xe đầy thây người da bọc xương do những con bò xác xơ kéo đi. Đó là tuổi thơ của tôi, là thời đói kém, chinh chiến, cách mạng. Thời của Hy Vọng, sự phủ định chất người. Đó là thế kỷ 20, ít nhất là theo Chúa Jésus. Tôi bỗng hiểu vì sao ai ai cũng trách tôi lãnh đạm, chẳng quan tâm tí nào tới mọi sự, người đời, nhu cầu được khâm phục, được yêu của họ. Tôi không biết tôi đã đánh mất khả năng gắn bó ở đâu và từ bao giờ. Có thể phẩm chất quái dị ấy đã giúp tôi sống còn.

*

Tôi lại thức trên ban công. Tôi ngắm tia sáng cuối cùng của ban ngày biến đi, màn đêm hoà tan mặt đất, xoá sạch hình núi, nuốt chửng đại dương. Tôi thiếu Florence, tôi thiếu Eva, tôi thiếu Linh. Tôi thiếu em. Chưa bao giờ tôi cảm thấy tôi bị cắt xẻo, cụt cằn đến thế này. Tôi thèm được ôm em trong vòng tay tôi, thèm cảm thấy sự hiện diện âu yếm của em ở tôi. Tất cả đã bỏ đi. Mỗi người theo mối tình của mình. Một người đàn ông. Một gia đình. Một xứ sở. Tôi tự cảm thấy bị loại trừ ra khỏi mọi tình người, mờ ảo, mơ hồ. Có thực là tôi đã thực sự yêu không ? Trong tất cả những ngờ vực, đã ngờ vực tình yêu, chẳng thể nào trở lại cõi người được.

Tôi nhìn lại đời mình qua những biến động co giật của thế kỷ của tôi. Sẽ còn lại gì ? Một sắc thái của một ngôn từ thôi, có lẽ. Yêu. Tôi cảm thấy hàng nghìn nhân vật lột xác ở tôi. Mặt nạ đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con, người sống, người chết. Những tôi khác nhau của tôi. Dường như họ đã có từ muôn thuở. Tôi đập tan mảnh sáp khắc ghi những bộ mặt của tôi. Đằng sau, chẳng bao giờ có gì cả. Tôi rùng mình, nhẹ nhõm. Nhưng sáp vụn cứ tụ lại, kết keo, phủ đầu tôi với một mặt nạ mới, luôn luôn khác, nhưng rất đỗi thân thuộc với bạn bè, kẻ thù và chính tôi. Mặt nạ nói, người ta nghe nó, trả lời nó. Nó có vẻ thật đến mức tôi giật mình phát hiện rằng tôi tin nó là tôi. Thỉnh thoảng vài ngôn từ, vài câu chữ len lỏi vào trong sáp, trượt xuống đáy quên lãng. Rồi có lúc chúng kết tinh, tua tủa mũi nhọn sắc, khoét mặt tôi, những hố đen không đáy. Những từ rỗng tuếch, háu ăn, khát máu thịt, khẩn thiết, cuồng loạn, day dứt, không hiểu được, nhẫn tâm. Có chiến tranh, tiếng kêu đầu nguồn thời thơ ấu, sự im lặng khắc khoải trốn chạy ban đêm dưới ánh lửa napalm trong tiếng máy bay rú tiếng đạn rít. Có một mẹ già ru xác chết bằng lời cầu nguyện. Có hàng triệu miệng người đòi chút hơi thở chút gạo ăn chút tương lai. Có những niềm tin chết người của thời đại, tiếng cười ngạo nghễ bi thảm hèn hạ của khoảnh khắc, lời ba hoa cam phận của bọn tri thức, quyền lực, sở hữu… Và sự im lặng của một người đàn bà, lời bập bẹ mê sảng yêu lúc da thịt tái sinh. Và có… những giới hạn… mãi mãi… yêu cầu hiểu… vô tận… Nhưng hiểu giới hạn của một thời đại không giảm được nỗi đau phải sống nó và tự do nói của tri thức, tự do làm nhờ hiểu biết sự vật không mang lại tự do yêu cho con người. Tôi chưa hề có thực. Tôi không có thực. Đó là một huyền thoại. Nhưng nó đáng thành danh, nỗi khắc khoải xa xưa của màn đêm vẫn thầm lặng rình rập. Biết đâu, sẽ có một ngày, một người đàn bà sẽ tới cây số 0 của tất cả các nền văn minh, đòi đoá hoa hồng đỏ mà tôi đã hứa cho nàng.



Hỡi anh em, những con người sẽ sống sau chúng tôi,[3] xin tha thứ cho chúng tôi tội thất bại. Chúng tôi đã đấu tranh, chúng tôi đã cố yêu. Cũng như anh em, chúng tôi sẽ chết. Cũng như anh em, chúng tôi đã từ chối chết luôn. Và chúng tôi đã dám yêu. Bất kể tương lai sẽ thế nào, chúng tôi đã thành tâm sống, và chúng tôi đã từng hạnh phúc. Mỗi người chúng tôi sẽ viết một quyển sách, trong một ngôn ngữ không cần phải dịch. Sẽ có một ngày, ở đâu đó, có người mở ra đọc, và khao khát yêu, tranh đấu, hành văn. Lúc đó, chúng tôi đã không sống thừa. Từ những chân trời xa xăm đã khai sinh ra chúng tôi, từ tình bạn, tình yêu của chúng tôi, sẽ còn lại một điều gì đó ngay trong trái tim trâng tráo, nặng nề, buồn tẻ, ngộp thở, nặng trĩu của thế giới này. Bên kia sự im lặng.

Nguyên tác : Aimer




L'Épitaphe de Villon ou " Ballade des pendus "


Frères humains, qui après nous vivez,
N'ayez les coeurs contre nous endurcis,
Car, si pitié de nous pauvres avez,
Dieu en aura plus tôt de vous mercis.
Vous nous voyez ci attachés, cinq, six :
Quant à la chair, que trop avons nourrie,
Elle est piéça dévorée et pourrie,
Et nous, les os, devenons cendre et poudre.
De notre mal personne ne s'en rie ;
Mais priez Dieu que tous nous veuille absoudre !

Se frères vous clamons, pas n'en devez
Avoir dédain, quoique fûmes occis
Par justice. Toutefois, vous savez
Que tous hommes n'ont pas bon sens rassis.
Excusez-nous, puisque sommes transis,
Envers le fils de la Vierge Marie,
Que sa grâce ne soit pour nous tarie,
Nous préservant de l'infernale foudre.
Nous sommes morts, âme ne nous harie,
Mais priez Dieu que tous nous veuille absoudre !

La pluie nous a débués et lavés,
Et le soleil desséchés et noircis.
Pies, corbeaux nous ont les yeux cavés,
Et arraché la barbe et les sourcils.
Jamais nul temps nous ne sommes assis
Puis çà, puis là, comme le vent varie,
A son plaisir sans cesser nous charrie,
Plus becquetés d'oiseaux que dés à coudre.
Ne soyez donc de notre confrérie ;
Mais priez Dieu que tous nous veuille absoudre !

Prince Jésus, qui sur tous a maistrie,
Garde qu'Enfer n'ait de nous seigneurie :
A lui n'ayons que faire ne que soudre.
Hommes, ici n'a point de moquerie ;
Mais priez Dieu que tous nous veuille absoudre !
(1431-?)


BÀI CA CỦA NHỮNG KẺ BỊ TREO CỔ



Hỡi anh em, những con người sẽ sống sau chúng tôi,
Xin chớ khe khắt tấm lòng với chúng tôi,
Vì nếu anh em thương hại chúng tôi, những con người tội nghiệp
Thượng Đế sẽ sớm khoan dung đối với anh em.
Anh em thấy đấy, chúng tôi, năm sáu người bị trói nơi đây :
Còn xác thịt mà chúng tôi đã quá nuôi nấng,
Từ quá lâu rồi, nó đã bị ngấu nghiến thối rữa,
Và chúng tôi, mớ xương, đang thành tro bụi.
Xin đừng ai cười nỗi khốn khổ của chúng tôi,
Mà hãy lạy Chúa xin mọi người tha thứ chúng tôi !

Nếu chúng tôi gọi các bạn bằng anh em, xin đừng
Khinh miệt chúng tôi, dù chúng tôi đã bị công lý
Giết. Dù sao anh em cũng biết
Đâu phải mọi người ai cũng đầu óc điềm tĩnh như ai.
Hãy thay mặt chúng tôi, vì chúng tôi đã chết,
Để xin lỗi con của Đức Mẹ Marie,
Sao cho lòng ân xá của ngài không cạn đối với chúng tôi,
Sao cho ngài che chở chúng tôi khỏi bị sét địa ngục đánh.
Chúng tôi chết rồi, xin đừng ai hành hạ nữa,
Mà hãy lạy Chúa xin mọi người tha thứ chúng tôi !

Mưa đã tẩy rửa chúng tôi
Và nắng đã nung chúng tôi khô cháy ;
Chim ác là và quạ đã khoét mắt
Nhổ râu bứt lông mày chúng tôi.
Chưa bao giờ chúng tôi được ngồi yên một khắc,
Đây đó, phó mặc theo chiều gió,
Gió không ngừng tuỳ hứng xô đẩy chúng tôi,
Chúng tôi bị chim mổ thủng chi chít hơn các lỗ đê khâu
Vậy hãy đừng bao giờ nhập phường chúng tôi,
Mà hãy lạy Chúa xin mọi người tha thứ chúng tôi !

Hỡi Đức Hoàng Jésus, hỡi Đấng toàn năng,
Hãy khiến chúng tôi thoát quyền uy địa ngục :
Chúng tôi không có nợ nần gì với nó.
Hỡi người ơi, đây không phải chuyện đùa,
Mà hãy lạy Chúa xin mọi người tha thứ chúng tôi.


[1] La liberté, c'est l'angoisse du choix. Sartre.
[2] Sous les pavés, la plage… Thơ vẽ trên tường Paris, tháng 5-1968.
[3] Frères humains, qui après nous vivez, thơ François Villon. Theo truyền thuyết tác giả làm bài thơ này trong tù, trong khi chờ đợi bị treo cổ.

Vẫy gọi nhau làm người


Nhìn sự vật, nhìn người, nhìn mình, nhìn nhau, nhìn sự thật.

Những thế nhìn đó thể hiện người trong vũ trụ, thái độ của người đối với người, thể hiện một thế giới quan, một nhân sinh quan. Viết là bày tỏ những điều đó bằng ngôn ngữ.

Người thường, nhà văn dùng chung một ngôn ngữ. Cái gì khiến ngôn ngữ có lúc thành văn ? Khác nhau ở điểm nào ?

Bình thường, khi nói chuyện với người khác, mục đích của ta là làm cho người khác hiểu rõ ý nghĩ, tình cảm của ta. Ta dùng ngôn ngữ để thông tin. Nhà văn không chỉ muốn vậy. Nhà văn còn đeo đuổi mục đích khác : khơi lại trong mắt người khác cách nhìn của mình. Nhà văn dùng ngôn ngữ để quyến rũ.
Thử xem câu : chiều hôm ấy nắng nhạt, buồn bã.
Nếu một chiều nào đó, nắm tay người yêu, nhìn sắc nắng, tôi thấy lâng lâng buồn, nếu người yêu tôi cảm nhận nỗi buồn ấy trong tôi, người ấy sẽ hiểu, sẽ cảm câu nói kia. Nó tả một sự kiện đã có, đã qua, một sự kiện chúng tôi đều biết : một buổi chiều, một sắc nắng, một nỗi buồn, chúng ta. Câu đó, tự nó, không phải một câu văn.

Một buổi chiều nắng nhạt là một buổi chiều nắng nhạt, chẳng buồn, chẳng vui. Ðâu phải thêm hai chữ buồn bã mà biến được nó thành một buổi chiều buồn bã. Ngay cái nắng nhạt kia, người đọc cũng khó tưởng tượng nó nhạt thế nào. Vậy mà có khi nhà văn chỉ viết chiều hôm ấy, nắng nhạt đã khơi ngay cảm giác buồn trong người đọc. Ðiền thêm hai chữ buồn bã, hoặc chẳng khơi được nỗi buồn : văn bất lực, hoặc thừa : văn vụng.

Dĩ nhiên, chuyện không đơn giản như vậy. Trong bất cứ tiếng nước nào cũng có những từ hình như tự nó có hồn. Có nhiều người Việt Nam dễ liên tưởng chiều với cảm giác buồn. Cũng lạ. Phải chăng vì trong những tác phẩm lớn, trong ca dao, có nhiều cảnh chiều buồn ? Dù sao, cứ lôi chiều ra để tạc cảnh buồn thì cũng chỉ đạt mức văn hà hứa.

Ðọc truyện, cái gì làm cho chiều hôm ấy, trong lòng ta, buồn ? Dĩ nhiên là hoàn cảnh dẫn đến chiều hôm ấy, đã được tác giả bố trí trước. Nhưng hoàn cảnh ấy cũng được tạo bằng những câu văn đại loại như vậy, làm sao dẫn tới nỗi buồn ? Một vòng luẩn quẩn. Văn khác lời nói thường ở chỗ nào ? Cần phải trở lại gốc vấn đề, thử phân tích cái nhìn của con người.

Nhìn sự vật rất dễ, rất tự nhiên. Tự nhiên ? Không hẳn. Ta vừa mở mắt, đã thấy trong đầu cả một khoảng không gian lúc nhúc sự vật. Không gian đó, ta "thấy" nó một cách tổng hợp, lờ mờ. Ta chỉ thấy thật rõ một sự vật, sự vật ta đang nhìn, cái chìa khoá chẳng hạn. Nhìn thể hiện một sự lựa chọn. Thấy là kết quả của sự lựa chọn ấy. Chính sự lựa chọn ấy làm cho ta có thể thấy được cái không có thực : sự vắng mặt chẳng hạn. Ta đảo mắt tìm người yêu và thấy không có người yêu. Sự thiếu hụt đó làm thế giới quanh ta lùi lại, mờ đi, thành sa mạc :

Un seul être vous manque et tout est dépeuplé[1]

Lựa chọn thể hiện tự do, bản chất đặc trưng của con người. La liberté, c'est l'angoisse du choix[2]. Sự lựa chọn đó tùy thuộc mục đích của con người. Vì ta muốn mở cửa, chìa khoá kia như chờ ta ở một chỗ nào đó. Nó hiện lên giữa muôn vật như một sự hứa hẹn, vẫy gọi. Cách nhìn của ta làm cho thế giới này đượm nhân tính. Tuy ta chỉ là một bộ phận trong nó, nó đã biến thành khả năng của ta. Nó sẽ thực sự trở thành phương tiện của ta khi ta hành động : nắm chìa khoá, mở cửa, đi tới tương lai của mình.

Bản thân chìa khoá kia cũng không hoàn toàn "vô tình". Ðã có một con người làm ra nó vì một mục đích riêng (kiếm ăn), tạo cho nó một chức năng nhất định (mở ống khoá). Chức năng ấy là lời hứa hẹn, sự vẫy gọi ẩn núp trong một khối sắt. Nó "hiện lên" khi ta muốn mở cửa, đi ra. Nó trở thành hiện thực khi ta nắm chìa khoá sỏ vào ổ khoá. Mục đích của người khác đã trở thành phương tiện của ta. Sự vật cũng có hồn ở nghĩa đó.

Khi tả sự vật, mục đích của nhà văn không bao giờ là tả đầy đủ, trọn vẹn, khách quan, sự vật. Ðiều đó không ai làm được. Sự vật là sự vật, văn là văn. Viết một nghìn trang sách cũng không thể tả hết thực tế của một cái ly. Nói cho đúng, nhà văn chẳng bao giờ tả sự vật. Chẳng ai ôm giấy bút ngồi trước một cái cây màtả được vẻ đẹp của một cái cây, tả được một cái cây ra hồn như người Việt ta thường nói.

Nhà văn tạo vẻ đẹp của một cái cây bằng cách bịa một khung cảnh, một hình hài, một mầu sắc... Quá trình bịa đặt, sắp xếp đó là quá trình tạo chi li những bẫy nhỏ, dẫn dắt người đọc tới mục đích cuối cùng của nhà văn là tái tạo trong hồn người khác cách nhìn, sự lựa chọn của mình : vẻ đẹp của một cái cây. Quá trình viết văn là quá trình gài bẫy để lừa gạt, hướng dẫn người đọc. Quá trình đọc văn là quá trình tái tạo một thế giới ảo, tạo một hồn người thực dưới sự "điều khiển" của người khác. Không phải tình cờ mà người ta coi những nhà văn lớn như những kẻ dẫn dắt linh hồn của đồng loại. Nghệ thuật là giả dối trong nghĩa đó.

Sự lừa gạt kia có một đặc điểm : người bị lừa hoàn toàn tự nguyện. Ðộc giả chỉ ngáp một cái, những bẫy kia tan tành ngay. Còn lại một trang giấy lem nhem mực, chẳng nghĩa lý gì. Chuyện đó xẩy ra khi, đọc truyện, ta ngáp ngủ. Sự tự nguyện đó không gì ép được, mua được. Chỉ có thể đồng tình với nhau. Tình chỉ có thể có giữa những con người tự do, tự nguyện : cho hay không cho, nhận hay không nhận. Người ta có thể ép nhau đủ thứ chuyện, không ai ép người khác yêu mình được. Vì thế, nhân tình là nội dung cơ bản của văn. Nó đòi hỏi nhân cách tự do của cả người viết lẫn người đọc. Không phải vì ta thích vậy, muốn vậy. Ðó là điều kiện hình thành của văn.

Nhân cách không có giá trị trao đổi. Không ai đo được giá trị của một tác phẩm là bao nhiêu : số không hay... tuyệt, đều là vô giá. Nó cũng chẳng có giá trị sử dụng. Không ai có thể dùng nó vào việc cụ thể nào. Quan hệ giữa nhà văn và độc giả không phải quan hệ trao đổi. Nó là quan hệ cho-nhận.

Cho-nhận cái gì ? Khi ta mua một quyển sách, chắc chắn ta nhận được một quyển sách. Tác giả đã cho ta gì ? Chẳng cho gì cả. Ðọc truyện, ta nhận được gì ? Có khi chỉ mất thời giờ. Có khi ta nưng niu nó suốt đời ta. Ðây là sự cho-nhận một thứ không có hình thù, trọng lượng, giá trị sử dụng, giá trị trao đổi, một thứ không có thực. Tác giả chỉ có thể cho ta và ta chỉ có thể nhận những gì do chính ta tạo ra trong quá trình đọc. Tác giả "cho" ta một số ký hiệu, như Phật giơ tay chỉ trời. Trong bầu trời ấy, chẳng có gì ngoài ta. Gần quan hệ cho-nhận này nhất là quan hệ yêu đương, quan hệ chơi. Văn chương là một nhu cầu tinh thần, là tình người, là trò chơi trong nghĩa đó. Nó hoàn toàn vô dụng, vô giá. Nó là sự vẫy gọi nhau giữa những con người tự do. Vẫy gọi nhau làm người. Nhu cầu viết, nhu cầu đọc, đều là nhu cầu làm người, nhu cầu sáng tạo, nhu cầu yêu. Thế giới văn chương là thế giới của tình người cho không.

Vì thế, nhà văn không thể đạt yêu cầu của mình nếu không tôn trọng, quý mến tự do của người đọc, nếu tìm cách áp đặt tình cảm, tư duy của mình. Ðộc giả đã đồng tình trước khi đọc thì viết làm gì ? Ðộc giả không đồng tình, ngáp một cái, toi mạng văn chương, nghị quyết của Trung Ương cũng không cứu nổi. Nhà văn chỉ có thể khơi tình, mời mọc, rủ rê, quyến rũ, vẫy gọi. Nghệ thuật hành văn là nghệ thuật chinh phục lòng người trong nghĩa đó. Và cũng chỉ trong nghĩa đó thôi. Trong quan hệ giữa họ, người viết và người đọc chẳng thể được bất cứ gì ngoài cái mình sáng tạo. Cơ sở của nghệ thuật ấy là nhân cách tự do của độc giả.Nhân cách tự do của độc giả là sinh mạng nghệ thuật của nhà văn.

Cùng một mớ chữ, cùng một nguyên liệu, có người viết thành văn, có người, dù tay nghề khéo léo, viết cạn đời cũng không tạo được một tác phẩm văn chương. Tại sao ? Nhà văn, thợ chữ, khác nhau chỗ nào ? Vấn đề không chỉ ở kỹ thuật dựng truyện, gọt câu, mài chữ. Nó còn ở nhân sinh quan của tác giả. Nhân sinh quan ấy, không chóng thì chầy, bộc lộ ngay trong văn phong. Nó làm ta ngáp dài, vui vui tiêu khiển và quên, hay nó cứ man mác trong ta cảm giác vừa gặp một người, vừa gặp lại ta.

Nhân sinh quan ấy thể hiện qua cách nhìn : nhìn người, nhìn mình, nhìn nhau.

Nhìn người, thấy gì ?

Trước hết thấy một động vật của thế giới tự nhiên.

Nhìn người có thể ngừng ở đó. Ðó là cách nhìn của người bác sĩ trong ca mổ : thớ thịt có thể cắt, sợi gân phải tránh né, đường đưa dao tới mục đích. Ðó là cách nhìn của người kỹ sư điều hành một dây chuyền sản xuất : con người là một bộ phận của một cái máy. Ðộ bền, độ chính xác, độ nhanh của nó đều có thể đo, đếm, điều chỉnh. Thậm chí ta có thể thay nó bằng một người khác hay một cái máy. Ðó là cách nhìn của ông chủ hãng kinh doanh : con người, một tư liệu trong quá trình kinh doanh, có giá thành, giá bán như mọi tư liệu khác. Với cách nhìn này, con người hoặc là một đối tượng nghiên cứu của khoa học, hoặc là một công cụ phục vụ một mục đích của ta. Sự thực của nó nằm ngay trong thân xác nó. Giá trị sử dụng của nó là toàn bộ những chức năng của một loại động vật. Giá trị trao đổi của nó là số tiền cần thiết để mua sức lao động của nó. Nó là một con vật biết nói.

Nói thế, tưởng đùa. Tuy vậy, đó là sự thực xẩy ra hàng ngày. Ðó cũng là quan điểm của một số nhà chính trị, một số nhà văn. Khi Lênin khẳng định nghệ thuật phải là một bộ phận, một con ốc trong guồng máy cách mạng[3], ông khẳng định cách nhìn này. Có khác chăng, chỉ khác ở một chi tiết : động vật này không phục vụ mục đích cụ thể của một con người (như thế dễ hiểu và, mặt nào đó, trong thời tiền sử của nhân loại[4] này, phải chấp nhận). Nó phục vụ một khái niệm trừu tượng không kém gì Thượng Ðế : Quy luật khách quan của Lịch sử. Ðây là nguồn gốc của sự nhạt nhẽo trong "văn" của những tác giả tưởng mình là người cộng sản.

Nhưng, thỉnh thoảng, nhìn một người, ta thấy nó đẹp, nó buồn, nó quyến rũ.

(Cái) đẹp kia, chẳng ai nói được nó là gì : nó không có thực. Nó chỉ là hồn ta thấm vào một nét mặt, tạo thành một vẻ đẹp. Vẻ đẹp ấy (có) thật đối với ta. Nó là ta tuy ta không phải là nó (ta có thể rất xấu xí). Nóở người khác mà lại là ta. Nó là ta ở người khác. Nó là Esméralda trong mắt Quasimodo, hay đúng hơn, là hồn Quasimodo "lồng vào" nét mặt Esméralda.

(Cái) buồn kia cũng không có thực. Nó phảng phất đằng sau một gương mặt, một cử chỉ, một tiếng than, một tập hợp ký hiệu lờ mờ. Ta cũng cảm thấy nó một cách lờ mờ. Dù sao ta cũng đã buồn. Ta chỉ có thể "thấy" nỗi buồn của người khác qua nỗi lòng lâng lâng buồn trong ta. Ta là nỗi buồn đó tuy nó không phải của ta. Nó của người khác mà nó đã biến thành ta. Nó là người khác ở ta.

Như thế, nhìn người mà thấy mình, thấy mình ở người khác, thấy người khác ở mình. Người ta chỉ có thể thấy rõ cái gì người ta tìm. Nhìn người là nhìn mình, là tìm mình ở người khác, là tìm người khác ở mình.

(Cái) mình ở người khác ấy, người khác có thể trả lại cho ta. Ta linh cảm điều đó khi ta thấy người kia quyến rũ. Tất nhiên (cái) quyến rũ không có thực. Tất nhiên nó là ta ở người khác, người khác ở ta. Nhưng nó còn là sự thèm muốn người khác thấy ta, thấy mình trong ta, thấy ta trong mình. Nó là sự mời mọc, kêu gọi nhìn nhau, là sự khát khao được người khác trao lại cho ta phần hồn của ta. Nó là giấc mơ được là người trong mắt người khác.

Con đường ngắn nhất đưa ta về ta xuyên qua lòng em là như vậy.

Nhìn mình, thấy gì ?

Trước hết thấy một động vật của thế giới tự nhiên.

Ðó là cách nhìn của ta khi ta cắt móng chân, móng tay, đánh răng, rửa mặt, soi gương. Ðộng vật ấy, tự nó chẳng đẹp, chẳng xấu, chẳng vui, chẳng buồn, chẳng quyến rũ, chẳng vô duyên.

Cũng có lúc, ta cảm thấy người khác đang nhìn ta và bỗng nhiên ta thấy ta đẹp, ta xấu, ta sạch, ta bẩn... Ðó là nhìn mình mà thấy mình ở người khác, thấy người khác ở mình.

Nhắm mắt lại, thấy gì ?

Liên miên một luồng ý, vô hình, vô sắc, vô âm. Phải chăng ta là luồng ý đó ? Nếu ta là luồng ý đó làm sao ta có thể thấy (ý thức) nó ? Ta thấy người khác vì ta không phải là người ấy. Ta thấy thân xác ta vì, ở mặt nào đó, ta không là thân ta. Ta thấy ý nghĩ của ta vì, mặt nào đó, ta không phải là ý nghĩ đó. Vậy, ngoài thể xác, ngoài ý nghĩ, có gì ? Không có gì cả. Nhìn mình chỉ thấy hư vô, thấy hẫng hụt. Ðó là thân phận của con người. Con người là một sự thiếu hụt. Mặt trái của thiếu hụt là sự khao khát, đòi hỏi được trọn vẹn, được có thực, được tồn tại. Nó là nền tảng của mọi giá trị nhân bản. Nó là giấc mơ ta trở thành ta.

Những câu :

Je suis belle, ô mortel, comme un rêve de pierre[5]

Tel qu'en Lui-même enfin l'éternité le change[6]

khơi giấc mộng đó.

Nhưng nếu ta có thực, nếu ta là ta, như cây là cây, cỏ là cỏ, ta không thể thấy ta được, ta không còn nữa. Tồn tại là giấc mơ nguyên thủy không thể thực hiện được của con người.

L'homme est une passion inutile[7].
Ta là giấc mơ đó, khát vọng đó.

Giấc mơ không bao giờ thực hiện được đó, xuyên qua hành động, ta có thể khắc nó vào đời qua dấu tay ta để lại trên mặt đất, qua nỗi vương vấn ta để lại trong lòng người. Nó phảng phất trong một cái nhà, sau một bức tranh, một câu thơ, một nỗi nhớ. Ðó là hồn người tồn tại trong sản phẩm, trong hồn người khác, trong ngôn ngữ, văn chương và nghệ thuật.

Nhìn nhau, thấy gì ?

Thấy tất cả những gì thấy được trong hai thế nhìn kia. Nhưng khác một cách căn bản : thấy mình qua mắt người khác. Trả lại người khác cái gì của người khác và đón nhận từ người khác chính mình.

Thấy bạn, tôi vui vẻ cười. Bạn nhìn tôi, cười vui vẻ. Bạn trả lại cho tôi nỗi vui của tôi. Ðương nhiên, nỗi vui đó là tôi. Nhưng nó không còn là cái tôi lờ mờ, huyễn hoặc, khó tin. Nó là cái tôi đã được người khác xác định, chứng nhận. Nó vừa hoàn toàn là tôi vừa có sự tồn tại ngoài tôi, trong mắt bạn. Tôi vẫn là tôi nhưng đồng thời cũng là nó. Tôi đã nhận từ bạn bản thân tôi với một cái gì khác làm cho nó trọn vẹn hơn, thực hơn. Ðối với bạn cũng vậy. Bạn vẫn là bạn, nhưng một cách trọn vẹn hơn, thực hơn. Nỗi vui đó là tôi, là bạn, vì nó là chúng ta.

Ðĩ nhiên, con người không chỉ nhìn nhau trong niềm vui. Thằng khốn nạn kia đã dùng tôi làm công cụ thực hiện một ý đồ của nó, không được tôi chấp thuận. Tôi căm thù nhìn nó. Trong mắt nó có một con vật biết nói : tôi. Trong mắt tôi có sự đểu giả của con người : nó. Bắn nó một phát, tôi chiếm lại tôi : một con người, và trả lại cho nó sự đểu giả đã thấm vào hồn tôi : nó. Vì thế con người có thể giết nhau, không chỉ vì miếng ăn. Trong đời người, hiếm có ai chưa từng muốn giết một người.

Trong một đời người, thỉnh thoảng cũng có giây phút thần tiên. Liếc mắt nhìn trộm người yêu, gặp một ánh mắt, bỗng nhiên say đắm, ngơ ngất.

Một sự đắm đuối kỳ lạ. Một cơn ngất xỉu kỳ lạ.

Không nghẹt thở, hoàn toàn tỉnh táo mà không nhìn, không nghe thấy gì nữa, không biết trời biết trăng gì nữa, chỉ cảm thật rõ, thật mãnh liệt : ta là tất cả đối với em. Giây phút em trao lại cho ta chính bản thân ta, một cách trọn vẹn tới mức chính ta cũng có thể yêu ta được, là giây phút ta lại là ta[8] xuyên qua tình yêu của người khác. Nó chỉ có được khi tình yêu đó tuyệt đối, vô điều kiện, vô lý lẽ : biểu hiện của một sự lựa chọn tự do, của một con người. (Chẳng mấy ai thích được yêu vì mình đẹp, vì mình thông minh, giàu sang, duyên dáng v.v.). Nó chỉ có được khi ta cảm thấy ta được yêu vì ta là ta. Cái niết bàn trong đó ta chỉ là ta mà là tất cả, ta là tất cả mà vẫn được là ta, chỉ có người yêu mới cho nhau được. Ðã nếm mùi, không sao quên được, cứ muốn em đừng bao giờ chớp mắt. Em ngoảnh mặt đi, ta lại chỉ còn là ta, ta chăng còn làgì nữa :

Regarde-moi, ne cesse pas un instant de me regarder : le monde est devenu aveugle ; si tu détournais la tête, j'aurais peur de m'anéantir[9].
Nhìn sự vật, nhìn mình, nhìn người, nhìn nhau gắn bó với nhau trong những quan hệ phức tạp. Có khi nhìn sự vật là tìm người, nhìn người là tìm mình, nhìn mình là tìm người, nhìn nhau như nhìn sự vật...

Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa ?
Buồn trông ngọn nước mới xa
Hoa trôi man mác biết là về đâu ?

Buồn trông ngọn cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một mầu xanh xanh


Nỗi buồn thấm vào cảnh vật ấy, chính là ta. Cái ta không trọn vẹn. Cái ta mơ hồ vì thiếu một người khác. Hai câu hỏi kia, dĩ nhiên, không phải câu hỏi thật. Thuyền của ai, hoa trôi về đâu, cả tác giả lẫn độc giả đều không cần biết. Chức năng thật của chúng là biến tâm hồn ta thành một câu hỏi. Ta là ai, là gì ? Không là gì cả. Là một câu hỏi không có giải đáp trong tự nhiên. Là nỗi cô đơn vô phương cứu chữa. Là sự thiếu hụt miên man. Là một tín hiệu thấp thoáng đằng xa, là mầu xanh xanh kỳ ảo giữa đất trời. Là sự hẫng hụt, thiếu thốn, sự khao khát được yêu. Thử bỏ hai câu hỏi ấy đi, nỗi buồn kia nhạt nhẽo vô cùng. Thật ra, bỗng nhiên, hồn ta, câu hỏi, nỗi buồn đã thành một. Nguyễn Du đã khiến ta tự biến mình thành một câu hỏi vu vơ, man mác buồn. Một cách hồn nhiên. Vì sao ? Vì lúc đầu, sự vật là sự vật, người là người, không lẫn lộn, không nhập nhằng. Rồi cảnh vật tiếp tục hiện lên trong mắt ta. Quá trình đó đồng thời là quá trình lòng người lenvào cảnh vật, qua những câu hỏi vu vơ, không cần trả lời, nhẹ nhàng lướt qua, nửa thực nửa ảo (thấp thoáng, xa xa), rồi thấm vào cảnh vật (man mác), xóa nhòa biên giới giữa khách quan, chủ quan, đến nỗi cuối cùngngọn cỏ rầu rầu cũng thấy tự nhiên (!) và mầu xanh xanh kia như vừa là mầu của trời đất, vừa là sắc thái của một tâm hồn.

Dĩ nhiên, đây là một hình thái quan hệ giữa người với thiên nhiên, ai cũng đã từng nghiệm sinh. Nhưng ta cũng thừa biết trong đời làm gì có chuyện tình cảm thấm vào sự vật. Chính cảnh vật kia cũng chẳng thực tí nào. Cảnh vật là cảnh vật, văn là văn. Tác giả đã dùng ngôn ngữ khơi (sáng tạo) một cảnh vật ảo, dùng nó làm một nhịp cầu thật giữa người viết và người đọc, chuyền cho nhau điều chỉ có thể có trong con người : nỗi buồn. Ðiều đó có thể làm được vì ngôn ngữ là quan hệ giữa người với người xuyên qua tự nhiên và lịch sử, xuyên qua tiếng nói : thế giới này, thân phận này, nỗi buồn này, là Nguyễn Du, là ta, vì chúng là ...tiếng Việt. Với bút pháp kia, cái mà Nguyễn Du xóa được, không phải là ranh giới giữa chủ quan và khách quan (làm sao xóa được !), mà là sự cách biệt giữa hai con người, người viết và người đọc. Ông đã làm nỗi buồn của ông thấm vào hồn người đọc. Nhịp cầu ông tạo ra không là gì khác hơn quá trình đọc của ta. Quá trình đó vừa khoa học nên dễ chấp nhận, vừa nhân bản nên dễ cảm.

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một mầu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai ?

Sự nhìn nhau hẫng hụt ấy cũng kết thúc bằng một mầu xanh xanh kỳ ảo và một câu hỏi. Dĩ nhiên, cũng không phải câu hỏi thật. Ai điên mà tìm cách đo lường độ buồn của nhau ! Sự nhìn nhau hẫng hụt kia đột nhiên đuổi ta về ta, một câu hỏi đau điếng : chàng còn yêu ta không ? Ta còn là ta không ? Một câu hỏi chỉ có câu trả lời nếu chúng ta lại được nhìn nhau. Trong khi chờ đợi chỉ thấy xanh xanh...

Nhìn người, nhìn mình, nhìn nhau. Ba thế nhìn đó nhà văn đều thể hiện được qua mọi thể hành văn : tả, bày tỏ, suy luận.

Tả là dùng ngôn ngữ để thuật lại những gì mắt có thể thấy, tai có thể nghe : một sự vật, một sự kiện, một dáng người, một hành động, một lời nói. Tả tình cảm, ý nghĩ ắt vô duyên. Nếu muốn hiện thực, hay nhất là gửi cho "độc giả" một tấm hình, một băng ghi âm, một cuộn phim. Ngay thế cũng không đảm bảo nổi tính khách quan : dù muốn dù không, người chụp hình đã chọn một góc độ, một cái khung, đã phần nào xuyên tạc "sự thực".

Như ta đã thấy, khi nhà văn tả sự vật, mục đích không phải là sao chụp hiện thực gửi cho ta, mà là dẫn dắt ta tái tạo cảnh vật theo lối nhìn của mình. Và điều kiện thực hiện là tôn trọng tự do của ta. Do đó, áp đặt nhân tính của mình vào cảnh vật trong tả cảnh là điều tối kỵ. Ðó là lối hành văn của thời ấu trĩ : cái cầu bước qua sông, con đường chạy ngoằn nghèo trên sườn núi... Trên đời này làm gì có một cái cầu biết đi, biết bước, một con đường biết chạy. Phải viết làm sao ta thấy hết sự thèm muốn, sự cố gắng của con người để qua sông. Lúc đó, cái cầu biến thành một bước đi của con người trong trời đất. Lúc đó, chẳng cần nói nó cũng bước qua sông.

Trong tiểu thuyết Người và dã thú có nhiều trang tác giả tả một con hổ với đầy đủ tư cách, tình cảm, suy nghĩ của một con người. Vẫn biết là ngụ ngôn mà đọc vẫn cứ khó chịu, muốn lướt cho qua. Mãi tới cuối truyện tôi mới hiểu : nhân tính của nhân vật không do tôi, độc giả, tái tạo. Nó do sự di truyền của ông tổ : người hay vượn. Tác giả hiểu rõ điều đó nên có thể khoác nhân tính hay thú tính cho nhân vật của mình. Kể cả một con hổ, vì nó được một con người nuôi nấng, đó là nguồn gốc của nó. Là sản phẩm của người, tự nó đã là người. Như vậy, ta, độc giả, đã thành thừa. Khi ta thấy ta thừa thì ta ... cút. Còn lại một tập giấy lem nhem mực, giá thành, giá bán, tỷ lệ lời lỗ, nhà xuất bản tính toán phân minh, khoa học.

Tả sự kiện trong thế giới tự nhiên cũng vậy.

Tả người khó ở chỗ tả cho ra hồn. Một câu như Nàng là một cô gái đẹp và hiền lành chẳng khiến người đọc thấy nàng đẹp và hiền lành. Anh nói vậy, tôi biết vậy, thế thôi. Tác giả khoác nhận xét của mình vào nhân vật không thể tạo nhân tính cho nó, chỉ bày tỏ tình cảm, suy nghĩ của mình. Tình cảm, suy nghĩ đó chẳng thể áp đặt vào độc giả. (Cái) đẹp, (cái) hiền lành kia không phải là một thuộc tính của một động vật. Không thể thể hiện nó qua hình thù, nét mặt, so sánh...

Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh


Dù ta thích những khuôn mặt tròn trĩnh ta cũng không thấy Vân đẹp. Mấy câu thơ kia chỉ nói lên học thức kinh điển của Nguyễn Du, không tạo một vẻ đẹp đặc biệt nào.

Vẻ đẹp, vẻ hiền lành của nhân vật chỉ có thể nở trong ta qua quá trình hình thành của nó. Quá trình đó có thể có sự cấu tạo hình hài và cũng có thể không cần tới sự cấu tạo đó. Trong truyện Những người thợ xẻcủa Nguyễn Huy Thiệp có một nhân vật nữ, chị Thục, không có nét mặt mà vẫn rất đẹp. Quá trình đó gồm toàn bộ những nhân tố hình thành một thân phận : hình hài, hoàn cảnh, lời nói, hành động, quan hệ với những nhân vật khác... Những nhân tố ấy đều có thể tả được. Quá trình đó, chính là quá trình đọc của độc giả. Chính độc giả phải tái tạo vẻ đẹp, tâm hồn hiền lành kia qua quá trình cấu tạo lại nhân vật, dưới sự hướng dẫn của tác giả. Trò chơi này không có phương pháp, nhưng có một luật chơi : tác giả không được áp đặt quan điểm của mình, không được bắt ta thấy nàng đẹp khi bản thân ta chưa tái tạo vẻ đẹp ấy. Khi ta đã tái tạo nó, chữ đẹp thành thừa.

Tả hành động là tả sự hoà nhập của con người vào vũ trụ, vào loài người. Bằng hành động, con người chiếm hữu vũ trụ, khắc vào thiên nhiên giấc mộng của mình, xâm nhập vào người khác. Hành động vô cùng thuận lợi cho nghệ thuật viết văn : nó có hình thái rõ ràng, có thể tả được. Ðồng thời nó là ký hiệu của một con ngưòi trong một hoàn cảnh. Nó là hồn người đang đọng lại trong không gian và thời gian. Một cái tát, một cái hôn, có thể nói lên cả một kiếp người. Hành động là tiếng nói không lời của nhân vật. Trong Ngoại tìnhcó một cảnh cắn và một cảnh tát đẹp, chẳng cần giải thích dài dòng, đọc tới, thấm ngay. Trong Ngoài khơi miền đất hứa có một cảnh hôn thật khôi hài, cay đắng. Trong Bên kia bờ ảo vọng cảnh Nguyên đưa tờ giấy ly khai cho vợ, bình thản thở khói thuốc, bất ngờ và đẹp vô cùng : nó là lời tự nguyện làm người.

Dĩ nhiên, một hành động, tự nó, không có ý nghĩa. Ý nghĩa của nó đã được chuẩn bị, bố trí qua quá trình dẫn tới nó. Nhưng nó chẳng bao giờ là kết quả máy móc của quá trình đó. Giây phút nhập cuộc là giây phút con người chọn tương lai của mình và đồng loại, tự tạo định mệnh, tự tạo nhân cách. Hành động là một sự lột xác đột ngột, sáng tạo một hồn người. Nó là biểu hiện của nhân cách, của tự do. Nghệ thuật tả hành động không chỉ ở quá trình thai nghén nó. Còn là nghệ thuật biểu hiện tự do, nhân cách của con người qua một sự kiện. Trong Les misérables[10], khi Javert đưa súng lên đầu, có một thế giới sụp đổ, có một thân người gục xuống, có một hồn người vươn lên.

Tả lời nói, đối thoại là lãnh vực khó nhất trong nghệ thuật hành văn. Nó vướng tất cả những khó khăn của các thể loại trên, vì lời nói cũng là sự kiện, là hành động. Nhưng nó là hành động trong thế giới của tâm hồn. Lời nói là sự phát triển vô hình, vô sắc, của một tâm hồn đọng lại trong ngôn ngữ. Sự phát triển thầm kín, hoàn toàn riêng tư đó lại phải thể hiện qua một công cụ hoàn toàn công khai, thô thiển : lời nói bình thường trong cuộc sống. Do đó, trong văn, lời nói phải nói được cái muốn nói và đồng thời khơi được cái không thểtả được qua định nghĩa của từ ngữ trong từ điển : một hồn người.

Vở kịch Hồn Trương Ba da Hàng thịt chấm dứt bằng hai tiếng không. Chữ không ta dùng hàng ngày, hơn cơm bữa, lắm khi nó chẳng còn nghĩa lý. Thế mà đọc tới đó cứ lặng người : nó đã thể hiện được cả một kiếp người, một thân phận, một khát vọng, một ý chí, một nỗi đau. Nó là một kiếp đàn bà, suốt đời quanh quẩn giữa miếng ăn và ông chồng thô bạo, đột nhiên đòi tình yêu, đòi làm người. Nó là tiếng chào đời của một nhân cách.

Cuộc đối thoại giữa Mai và Hương trong Ngoài khơi miền đất hứa cũng đẹp như vậy. Nó không chỉ là lời an ủi bạn phải bán trinh để cứu mẹ (điều muốn nói). Nó còn là niềm kiêu hãnh, chí làm người trong một hoàn cảnh chó má.

Ngoài việc tả sự vật, sự kiện, nhân vật, hành động, lời nói, có khi nhà văn phải bày tỏ tình cảm. Ðiều này cần mỗi khi nghệ thuật tả không đủ sức nói cạn tình cảm. Nếu chỉ có nhu cầu nói lên tấm lòng mình, nên viết một bài ta thán, không nên viết truyện. Bày tỏ tình cảm chỉ xuôi tai khi nó bày tỏ tình cảm của nhân vật. Nhưng nhân vật lại do độc giả tái tạo. Bày tỏ tình cảm của nhân vật chỉ thành công khi tình cảm đó đã nhen nhóm trong lòng người đọc, sẵn sàng bộc lộ qua ngôn ngữ. Ðây là phương pháp tế nhị, khó khăn, nguy hiểm, khó dùng đạt.

Có những vấn đề, chỉ tả, chỉ bày tỏ tình cảm, không thể nói cạn. Ðó là những suy nghĩ vô tận của con người trước cuộc sống. Muốn nói thẳng ý nghĩ của mình cho người khác, nên viết một bài nghị luận, hay một bài suy nghĩ vẩn vơ như bài này. Trình bầy suy nghĩ trong truyện là trình bầy suy nghĩ của nhân vật, trong hoàn cảnh của nó, qua quá trình hình thành nó. Nhưng ở đây cũng vậy, hoàn cảnh đó, quá trình đó cũng do độc giả tái tạo. Những suy nghĩ đó chỉ xuôi óc khi nó đã bước đầu là suy nghĩ của bản thân người đọc hay, ít nhất, khi người đọc đã thấm nhân vật tới mức thấy : trong hoàn cảnh ấy, đương nhiên phải nghĩ vậy. Và, một lần nữa, để được vậy, nhà văn phải tôn trọng nhân cách tự do của người đọc. Ðây cũng là phương pháp tế nhị, khó khăn, nguy hiểm, khó dùng đạt.

Trong Gặp gỡ cuối năm, (nhân vật của) Nguyễn Khải nói :

Mấy chục năm qua, tự xét mình, tôi thuộc về sức đẩy, chứ không thuộc về sức cản nhưng cũng chỉ như thế thôi, chẳng là cái gì cả trong cái dòng chẩy ồ ạt, vĩnh viễn của Lịch Sử !

Lịch sử chẩy về đâu ? Ai khiến nó chẩy ? Ta không biết, nhưng thấy lâu lâu Nó lại xuất hiện để bảo lãnh cho nhân vật.

Ðằng sau tay nghề vững vàng của tác giả, ta đã nhận diện quá rõ một nhân sinh quan biến con người thành công cụ đơn thuần của một khái niệm, thành một con vật biết nói. Ngay tình cảm khiêm tốn kia cũng làm ta dửng dưng. Nó là sự an phận của kẻ đã vĩnh viễn (?) chấp nhận. Hoặc nó là sự khiêm tốn giả tạo của kẻ ngạo mạn : ta là (một bộ phận) của sự thật vĩnh viễn, của Sự Thật. Ðây không phải chuyện người. Ðây là kinh thánh. Ai thích thì tụng. Ai không thích, tắt đèn, đi ngủ. Ai đã bắt đầu lý sự như tôi đang lý sự là đã bước ra ngoài thế giới văn chương. (Thú thực, vừa chuẩn bị bước vào đã văng ra).

Dĩ nhiên, tác giả hoàn toàn có quyền có quan điểm đó về lịch sử. Trong đời, không thiếu người có quan điểm đó. Nhân tính của quan điểm đó chỉ ở chỗ đó. Vấn đề không phải nó đúng hay sai. Ðiều đó nhường các nhà triết học tranh luận. Vấn đề là làm sao, qua quá trình hình thành nhân vật phát biểu ý đó, ta cảm nhận những ước ao, khao khát, ý chí làm người đã dẫn nhân vật tới quan điểm đó, sẵn sàng sống chết vì nó. Nhưng nhân vật của Nguyễn Khải, chưa thành hình đã thủ sẵn bảo bối đó trong mình. Nó là Samson ra đời với bộ tóc không dao nào cắt được. Nó không phải là nhân vật tiểu thuyết. Nó là khái niệm ngụy trang tiểu thuyết, là một tuồng minh họa vô vị. Ðọc Tuyên ngôn Ðảng Cộng sản thú vị hơn nhiều.

Cũng đề tài đó, dù chính kiến của ta khác chính kiến của tác giả, truyện Le zéro et l'infini[11]vẫn làm ta quên ăn, mất ngủ. Trong truyện Vie et Destin[12] của Vassili Grossman có cảnh một người lính bị bắn, lúc tỉnh dậy, thu sức tàn lết về đơn vị đã bắn mình để được chết cạnh bè bạn, đồng chí. Ðọc tới, không thể không miên man thổn thức. Có những lúc, sống, chết vì lý tưởng đều là sự bế tắc không cùng.

Tới đây ta có thể đề cập tới một vấn đề trọng yếu trong văn chương, vấn đề sự thật. Nhìn sự thật trong văn chương là nhìn cái gì ? tìm cái gì ?

Rõ ràng sự thật trong văn chương không phải sự thật về sự vật. Ðó là đối tượng của khoa học, công việc của nhà khoa học. Nó cũng không phải sự thật về sự kiện. Ðó là đối tượng điều tra của phóng viên, đối tượng phân tích của sử học, công việc của nhà báo, của sử gia. Nó là sự thật của con người. Ðó là mục đích, cạm bẫy nguy hiểm nhất đối với nhà văn.

Sự thật của con người ở đâu ? Chắc chắn không thể ở ngoài nó : ta sẽ thấy được, đo được, tả được. Chắc chắn cũng không ở trong thân xác nó : xẻ thân, bửa óc nó, chỉ có xương, thịt, máu... Nó ở trong quan hệ giữa con người với trời đất, với đồng loại, ở trong ánh mắt nhìn đời của mỗi con người. Cái nhìn đó, như ta đã thấy, (là) tự do, (là) sáng tạo giá trị, sáng tạo nhân tính trong trời đất, trong hồn người. Sự sáng tạo ấy tự do nên con người có thể sáng tạo những giá trị đẹp và xấu. Sự thật của một thời đại gồm toàn bộ những giá trị đó. Ðộ nhân của một nền văn minh ở mức độ đảm bảo cho mọi người, một cách bình đẳng, quyền tự do sáng tạo giá trị. Ðộ phong phú, chiều sâu của một nền văn học cũng từ đó mà ra.

Trong nghĩa đó, con người là sự thật khốn nạn duy nhất của vũ trụ. Rừng núi, cỏ cây, trăng sao, không có sự thật. Chúng có thực, tồn tại và vận động theo những quy luật khách quan của thế giới tự nhiên. Về mặt đó, thân xác của ta cũng vậy. (Cái) tốt, (cái) xấu không có thực : nó là giá trị, là sáng tác tự do của con người, nó thật đối với con người trong một thời đại. Nhưng nó không thể là sự thật về hồn người. Hồn người đã không có, làm sao có được sự thật về hồn người. Bi kịch, sự thật đau đớn của con người ở đó : nó là nền tảng của mọi giá trị, mọi sự thật trong đời, nhưng trong bản thân nó không có sự thật. Tóm lại, nhân tính (là) tự do, (là) sáng tạo, (là) tự do sáng tạo. Nếu con người không tự do, bàn luận về sự thật là chuyện vớ vẩn. Con người, tự do, sáng tạo, đồng nghĩa.

Các bậc thầy văn chương thường khuyên nhủ đồ đệ : chớ giải thích, chớ gán tình cảm của mình vào nhân vật, chớ nhét lý luận của mình vào mồm nhân vật, phải tôn trọng nhân vật. Những lời xác đáng đó thật khôi hài, khó hiểu. Tôn trọng một nhân vật sinh ra từ ngòi bút của mình, chưa thành hình đã biến dạng, là tôn trọng cái gì ? Tôn trọng ai ? Tôn trọng người đọc.

Ðó là nguyên tắc không thể chà đạp, là cốt lõi của văn chương : tôn trọng nhân cách tự do của người đọc, nhìn nhận người đọc, cũng như người viết, là nền tảng, là tác giả của mọi giá trị trên đời, đẹp cũng như xấu. Trên cơ sở đó, hoàn lại cho văn chương chức năng muôn thủa của nó : vẫy gọi nhau cùng làm người, cùng tái tạo nhân giới, cùng sáng tạo giá trị cho thời đại mình.

Trần Đạo



[1] Chỉ vắng bóng một người đã chẳng còn ai. Lamartine, Le Lac

[2] Tự do, chính là khắc khoải lựa chọn. J.P.Sartre, L'Être et le Néant.

[3] theo trí nhớ

[4] Marx, Phê phán Kinh tế chính trị học.

[5] Hỡi con người hữu hạn, ta đẹp như mộng đá. Baudelaire

[6] Chịu thua, phải là nhà thơ mới dịch được. Mallarmé.

[7] Con người là một khát vọng hão. Sartre, l'Être et le Néant

[8] Tố Hữu

[9] Hãy nhìn anh, xin đừng bao giờ ngoảnh mặt : thế giới đã mù lòa ; nếu em ngước mắt đi, anh sợ bị tiêu vong. J.P.Sartre, Le Diable et le Bon Dieu. Ác quỷ và Thiên thần.

[10] Những kẻ bần cùng. Victor Hugo.

[11] Số không và vô tận.

[12] Cuộc sống và Ðịnh mệnh.