Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

ĐỒNG TÂM TỎA SÁNG CƠ TRỜI





Đêm nghe lòng tủi hổ
chí tang bồng vụn vỡ dưới trăng
vẩn vơ ươm mộng gối chăn
thêu hoa vẽ bướm quẩn quanh góc vườn


Có đâu âm vọng quê hương
nước non ngàn dặm đau thương rối bời
tai nào nghe tiếng lệ rơi
mắt nào nhìn thấu phận người lầm than

Gửi tình mây gió cao sang
rẩy run theo chiếc lá vàng đưa thu
kết vần ghép chữ phù du
câu thơ mê mụ lời ru ái tình

Dân nào yên hưởng thái bình
tham quan vô lại điêu linh phận người
Đồng Tâm hào khí ngời ngời
vén mây tỏa sáng cơ trời đổi thay

Thứ Hai, 10 tháng 4, 2017

Triết lý sống còn



Loài người từ trước đến nay dù sống dưới hình thức, chế độ, xã hội khác nhau, vẫn có chung một ước vọng thiêng liêng; đi tìm một nguồn sống, một tinh thần sống ngày một thích đáng hơn. Cơ chế khoa học phát triển nhanh chóng, đời sống vật chất con người theo đó cũng phát triển không ngừng. Vì sự phát triển không ngừng đó nên càng ngày con người lại càng đánh mất đi chính mình và chỉ biết trước mắt là tạo ra càng nhiều của cải càng tốt, bất chấp mọi thủ đoạn xảo trá, cốt chỉ có lợi cho mình là được còn lại mặc xác không quan tâm. Sự mặc xác đó tạo ra một tiền đề mà chính bản thân người tạo luôn cảm thấy khổ sở trong sự ích kỷ của tham lam và hận thù, để rồi lương tâm bị giày vò cắn rức sầu khổ trong tội lỗi bởi lòng tham của si mê.
Việt nam chúng ta luôn tự hào là một dân tộc có một nền văn hóa nếp sống tình cảm sâu đậm thắm thiết giữa con người và con người, con người và mọi loài. Đời sống thanh đạm đơn giản làm nên một cốt cách riêng cho người Việt, nhìn vào chiếc áo tràng lam mỗi lần chúng ta mặc vào lên chùa lễ phật cũng đủ nói lên điều đó! Rất quý phái nhẹ nhàng sang trọng.


Đứng ở góc độ bây giờ ,khi mà xã hội tây phương đã chán ngán với cuộc sống xô bồ nhu cầu vật chất thì họ lại muốn tìm về đông phương để học hỏi và trau dồi đời sống tâm linh thanh bình, mà chính phật giáo lại giúp cho họ có những giây phút an lạc thảnh thơi.


Charles T. Gorham nhận định rằng: “Chắc chắn từ miền Ðông Phương huyền bí, nơi đất mẹ mầu mỡ của tôn giáo, cho chúng ta sự khám phá trung thực ,nơi Phật giáo từ khi tôn giáo này cho chúng ta biết nền đạo đức huy hoàng và sự thanh khiết tiềm ẩn sâu xa trong bản tính tự nhiên của con người không cần đến một thần linh nào khác mà bản tính này vốn tiềm ẩn trong tâm của con người và thức tỉnh họ biến thành cuộc sống vinh quang.”
Còn Albert Einstein nhà khoa học lỗi lạc về thuyết tương đối nghĩ: “Tôn giáo tương lai sẽ là một tôn giáo chung cho cả vũ trụ. Tôn giáo đó vượt ra ngoài ý tưởng một đấng thiêng liêng nào đó, các tín điều và lý thuyết. Tôn giáo đó bao trùm cả thiên nhiên và tinh thần, phải căn cứ vào ý niệm đạo giáo phát sanh từ những thực nghiệm của mọi vật, thiên nhiên và tinh thần như một sự thuần nhất đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo đáp ứng được các điều đó.”


Ngược lại người á đông nói chung và người Việt chúng ta nói riêng đang dần dần đánh mất đi nết đẹp văn hóa đông phương để rồi chạy theo vết ngựa lầy lội tây phưong hóa đã đi qua. Trên quan điểm này chúng ta cần phải đánh một hồi chuông thức tỉnh để mọi người biết dừng lại trước những gì mà mình đang có và nên cảm thấy hạnh phúc trước những cái mà mình có, đừng để những giây phút hạnh phúc mình có đi qua rồi lại hối tiếc.


Nghĩa là chúng ta phải tập sống sâu sắc trong từng ngày, từng giờ, từng cử chỉ trong lúc làm việc, lúc ăn, lúc giao tiếp với mọi người …đăc biệt; nên cảm nhận sự có mặt của những người thân thương xung quanh, đừng để thời gian vô thường, từng người thương bỏ ta đi về lại cát bụi rồi ta mới chợt nhớ cả đời sống chưa bao giờ ta nhìn thấy rõ mặt người thương (có mà như không), hay nói một lời hay ý đẹp đến người mình thương. Ta chớ có tưởng người thương sẽ có mặt bên ta mãi mãi. Không! Không bao giờ có như vậy, đụng chuyện thì sự ăn năn hối hận chỉ là muộn màng mà thôi. Bao lâu cho một kiếp người? Hẳn trong mỗi chúng ta không ai biết để trả lời câu hỏi này. Ta chỉ biết số mạng con người có hạn, cho nên ta phải tập sống và sống như thế nào để biết thưởng thức những mầu nhiệm của cuộc sống mà tạo hóa đã ban tặng cho ta là một điều thiết yếu.
Quả thật, khoa học và kỹ thuật có mang lại một vài tiện nghi vật chất lẫn tinh thần tạm bợ cho đời sống, nhưng chúng đã làm cho đời sống con người bất an, xáo trộn mọi hệ thống sinh hoạt thường nhật của xã hội. Nếu có ai hỏi rằng: “Con người chúng ta có hạnh phúc nhiều hơn ông cha ta trong quá khứ không?” Câu trả lời là “không”. Vì Trong quá khứ ông cha ta đã biết áp dụng “Triết lý sống còn” nghĩa là triết lý “Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống”. Còn chúng ta bây giờ hễ thấy lợi nhuận là chui vào rồi hối hận chui ra không kịp. Nói như vậy không phải là phũ phàng lên án xã hội bây giờ mà nói để chúng ta có một nhận định rõ ràng về cuộc sống sâu sắc hơn trong thế giới đầy biến đổi của thiên tai hoạn nạn này.
Có câu “Bon chen cho lắm trắng tay cuối đời”*. Dù bạn có giàu cỡ nào tôi không quan tâm, hay bạn nghèo cỡ nào tôi chả chú ý, mà cái quan trọng là xem bạn sống như thế nào, điều đó mới là cốt tủy của lẽ sống.


“Một ngày ngày đã qua
Ôi một ngày ngày chóng qua
Một chiều một ngày âm thầm đã
Đã ra đi không còn gì…
Một ngày ngày đã qua
Ôi từng ngày từng xót xa
Một chiều một ngày tay người đã
Thả mây bay cho đường dài…
Người hãy nhớ mang theo hành trang
Qua khoảng trời vắng chân mây địa đàng
Người hãy nhớ hãy nhớ hoài
Người hãy nhớ hãy nhớ đời
Người hãy nhớ hãy nhớ người…”
(Trịnh công sơn)


Hãy là chính mình khi bạn còn đủ sức khỏe và khối óc suy luận trong sáng minh mẫn, một ngày đi qua là một ngày bạn có cơ hội để sống có nhiều ý nghĩa, nhiều niềm vui, đầy tình thương và hơn cả có thời gian để ta quay lại chính ta. Ngồi bên chén trà trong khoảng lặng thanh vắng bao la của vũ trụ, ta lắng nghe tiếng nói thổn thức từ nội tâm, nhìn thấy rõ bản chất của sự sống tỏa chiếu khắp mọi vật. Có như vậy, một ngày đi qua ta chẳng có gì hối tiếc vì ta đã sống thực với cuộc sống đầy mầu nhiệm và linh thiêng này.


Nhìn những mùa thu đi …
Bốn mùa thay lá bốn mùa thay hoa …
(Trịnh công sơn)


Tất cả những giây phút trôi lăn không ngưng nghỉ là vĩnh cữu của thời gian.


Hồng Bối

Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2017

BẬP BÊNH - Thơ Nguyễn Duệ Mai






Ngày xưa
Khi còn thơ bé,
Ở trong sân nhà trẻ
Có một chiếc bập bênh


Chiếc bập bênh bằng sắt sơn xanh
Khác với đu quay và cầu trượt
Không chơi đông được
Chỉ có hai người.

Lên cao nào
Xuống thấp nhé, bạn ơi!
Trong trẻo lắm,
Tiếng cười và ánh mắt.
*
Trong nhà những người lớn bây giờ
Cũng có một chiếc bập bênh
Nhưng họ cùng muốn ở trên cao
Để đối phương mãi nhào xuống đất
Chiếc bập bênh giằng co và run lên bần bật
Nó không còn là chiếc bập bênh.

Bởi không còn là chiếc bập bênh
Nên ánh mắt và tiếng cười chẳng có nơi trú ngụ
Như con đập tràn, chỉ đợi chờ xả lũ
Căng dây đàn, khàn rít một thanh âm.
*
Giá ngày xưa trở về được một lần
Để họ tiếp đất.

Chơi lại trò chơi cũ.

ƯNG VÔ SỞ TRỤ NHI SANH KỲ TÂM LÀ NGHĨA THẾ NÀO?





Truyền Bình



Câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” 應無所住而生其心 trích từ kinh Kim Cang, nhờ nghe câu này mà anh tiều phu Huệ Năng hoát nhiên tỏ ngộ, sau đó có cơ hội làm bài kệ “Bồ đề bổn vô thụ, Minh kính diệc phi đài, Bổn lai vô nhất vật, Hà xứ nhạ trần ai” 菩提本無樹 明鏡亦非台 本來無一物 何處惹塵埃 trình cho ngũ tổ Hoằng Nhẫn của Thiền tông và được truyền y bát để trở thành tổ thứ sáu của Thiền tông Trung Hoa. Lục Tổ và các môn đồ làm cho Thiền tông đại hưng thịnh, thiền sử ghi nhận có hơn 5000 người kiến tánh.

Ưng vô sở trụ : Đây là câu bàng thái cách (subjonctif) với nghĩa cần phải không có chỗ trụ, nếu chúng ta dùng tiếng Pháp là một ngôn ngữ rất tinh tế để diễn đạt thì có thể dịch : Il faut que vous soyez nonlocal. Hoặc tiếng Anh : You must be nonlocal.

Nhi sinh kỳ tâm : thì cái tâm ấy mới xuất hiện: pour que cet esprit apparaisse. Hoặc tiếng Anh : for the appearing of this mind. Cái tâm ấy tức là tâm giác ngộ.

Thế nào là không có chỗ trụ, tại sao không thể có chỗ trụ ? Đây là chỗ cần dùng khoa học để dẫn chứng. Phật pháp nói rằng các pháp đều là ảo hóa. Mà sự ảo hóa cần đến chuyển động không thể ngừng. Ví dụ để có sự xuất hiện của nguyên tử, electron phải chuyển động vòng quanh hạt nhân rất nhanh và không ngừng. Để cho cuộc sống trong phim sống động như thật, máy chiếu phim phải chạy đều đều không thể ngừng. Các vật thể vi mô hay vĩ mô đều phải chuyển động không ngừng. Hành tinh chuyển động chung quanh mặt trời, vệ tinh như mặt trăng chuyển động chung quanh hành tinh, thái dương hệ chuyển động trong ngân hà, các thiên hà chuyển động không ngừng trong vũ trụ. Tâm thức của con người chúng ta cũng luôn luôn vận động, nhất niệm vô minh cứ nối tiếp nhau thành dòng tâm thức vô tận. Tất cả sự chuyển động đó tạo ra thế giới mà Phật pháp đã tóm tắt trong danh xưng Ngũ Uẩn五蘊 hay còn gọi là Ngũ Ấm五陰, đó là Sắc色,Thọ受,Tưởng想, Hành行,Thức識 .Đó là năm yếu tố tạo thành thế giới trong đó Sắc là vật chất, Hành là chuyển động, Thọ là cảm giác, Tưởng là nghĩ ngợi, tưởng tượng, Thức là nhận biết. Phật pháp nói rằng Ngũ Uẩn Giai Không五蕴皆空 Năm yếu tố cấu thành thế giới đều không có thật nên không thể có chỗ trụ.

Nguyên lý vô sở trụ đã được Heisenberg nhận thức thành nguyên lý bất định (principle of uncertainty) trong vật lý học. Vô sở trụ còn được nhận thức thành định lý bất toàn (Theorem of incompleteness) trong toán học do Kurt Godel phát hiện. Vô sở trụ còn hiển hiện trong nhiều lỗ hổng không thể lấp đầy của Sinh vật tiến hóa luận do Charles Darwin đề xướng. Xem loạt bài về

SỰ KẾT THÚC CỦA KHOA HỌC

Khoa học lượng tử tương quan (RQM : Relational Quantum Mechanics) ngày nay cũng đi đến kết luận rằng đã đến lúc chúng ta cần xét lại hình ảnh của thế giới bên ngoài! :

Thực tế khách quan không phải là một thực tế tuyệt đối cũng không phải là một thực tế độc lập mà chỉ là một thực tế tương quan.

Điều này có ý nghĩa cụ thể như thế nào ? Có nghĩa rằng vật không có thật, nhưng chúng ta vẫn thấy có vật, vì cái mà chúng ta thấy là sự tương tác giữa các giác quan của chúng ta (lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể, não bộ) với mối quan hệ (tương quan) của các cấu trúc ảo của vật chất. Cấu trúc ảo đó là gì ? Từ những hạt ảo là quark và electron, cấu trúc thành proton, neutron, hạt nhân nguyên tử, nguyên tử, phân tử và cuối cùng là thế giới, sinh vật, con người. Vật thì không thật sự hiện hữu, nhưng những hạt ảo làm thành cấu trúc ảo, và chúng ta thấy và tương tác với mối quan hệ giữa các cấu trúc ảo đó.

Tóm lại vì bản chất của thế giới là ảo hóa, là chuyển động nên không thể trụ, không thể dừng lại, kể cả chết cũng không dừng lại, vì thức sẽ chuyển qua một đời sống khác gọi là tái sinh chuyển kiếp, vì bản chất là không nên không có chỗ trụ. Kinh nói :

若以色見我 Nhược dĩ sắc kiến ngã
以音聲求我 Dĩ âm thanh cầu ngã
是人行邪道 Thị nhân hành tà đạo
不能見如來 Bất năng kiến Như Lai

Nếu lấy vật chất để thấy ta (ta là Như Lai) nghĩa là hình dung ta dưới hình thức vật chất với 32 tướng tốt, phương phi tuấn tú, sức mạnh vô địch v.v…Hoặc lấy âm thanh để cầu ta, nghĩa là dùng tiếng nói để tán thán, cầu khấn ta, hay dùng âm nhạc để diễn tả những phẩm đức của ta trong những bài thánh ca tuyệt hay. Thì người đó đã đi sai đường, không thể thấy được Như Lai, nghĩa là không thể giác ngộ. Tóm lại không thể trụ ở các pháp trần.

Bản chất của thế giới là vô sở trụ, nghĩa là không có một điểm cố định nào để dừng nghỉ. Tất cả những chỗ an tĩnh dừng nghỉ đều chỉ là ảo tưởng. Khoa học ngày nay đã hiểu được điều này. Ví dụ một thiền sư đang ngồi tham thiền, liệu thân ông ta có chuyển động không ? Bên trong thân, máu đang lưu thông, nhiều tế bào chết đi, nhiều tế bào mới sinh ra, cơ thể đang tiến hành tiêu hóa, bài tiết, tăng trưởng, không lúc nào ngừng nghỉ. Tâm thức cũng không hề im lặng, nó đang quán tưởng, đang phiêu du qua vô số cảnh giới hay đang phát khởi nghi tình. Cả cái thân tứ đại ấy cũng chuyển động hỗn loạn theo chuyển động xoay tròn của địa cầu, theo chuyển động trên quỹ đạo chung quanh mặt trời, theo chuyển động của thái dương hệ trong ngân hà và theo sự chuyển động của ngân hà trong vũ trụ.

Vô sở trụ còn có nghĩa là khắp không gian và khắp thời gian, không hạn chế ở một chỗ nhất định nào trong không gian hoặc một thời điểm nào trong thời gian. Tính chất này, ngày nay khoa học gọi là nonlocality (bất định xứ). Hơn 2500 năm trước, Đức Phật đã chứng ngộ tính chất này, vì vậy mới có danh xưng Như Lai, danh xưng này cũng có nghĩa là bất định xứ, đồng thời tuyên thuyết Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm. Còn khoa học thì mãi đến thế kỷ 20 mới hiểu được qua hiện tượng vướng víu lượng tử (quantum entanglement). Trên blog này, đã nói rất nhiều về hiện tượng này, nếu cần xem lại thì bấm vào đây :

KHẮP KHÔNG GIAN, KHẮP THỜI GIAN VÀ VÔ SỐ LƯỢNG CÓ Ý NGHĨA GÌ ?

Nhiều nhà khoa học nghĩ rằng tính chất bất định xứ chỉ xảy ra trong thế giới lượng tử, còn thế giới đời thường thì các vật thể đều có định xứ. Đó là một nhận thức hạn hẹp, nói hạn hẹp vì họ chỉ mới biết một mà chưa biết hai, họ chưa biết và chưa thấy vật thể cũng có tính chất bất định xứ như lượng tử. Điều này đã được các nhà đặc dị công năng như Trương Bảo Thắng và Hầu Hi Quý chứng tỏ một cách rõ ràng qua các sự kiện như : Trương Bảo Thắng đã dùng tâm niệm lấy sợi dây nịt đang mang trong lưng quần của một nhà xã hội học ngay lúc ông ta đang đăng đàn diễn thuyết chỉ trích đặc dị công năng. Anh cũng dùng tâm niệm lấy trái táo ra khỏi một thùng sắt mà nắp bị hàn kín. Hầu Hi Quý đã dùng tâm niệm lấy xăng từ Bắc Kinh đổ vào bình xăng của một chiếc xe hơi đang đậu ở suối Sa Cốc, cách đó khoảng 50 km. Những vật đó bản chất vẫn là ảo, là bất định xứ, nên có khả năng di chuyển tự do nếu hành giả có tâm lực đủ mạnh, không một lực nào níu kéo lại được dù đó là chiếc thùng sắt kiên cố.

Tính chất vô sở trụ ngày nay đã được khoa học ứng dụng vô cùng phổ biến với mạng internet và điện thoại di động thông minh (smartphone). Tất cả bài báo, thông tin, âm nhạc, phim ảnh…có thể đến với người sử dụng bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, chỉ cần có sóng thích hợp như wifi, 3G, 4G, sóng vệ tinh v.v…Khoa học còn có tham vọng một ngày kia sẽ chuyển các vật thể đi khắp nơi bằng phương thức gọi là vô tuyến vận tải (télétransport) cũng giống như chuyển thông tin hiện nay. Tất cả đều dựa trên nguyên lý vô sở trụ. Từ bao đời nay, các vong linh, thần thức, tái sinh chuyển kiếp trong khắp tam giới đều bằng tốc độ của ý niệm, đều dựa trên nguyên lý vô sở trụ.

Thế nào là nhi sinh kỳ tâm ? Chữ sinh ở đây phải hiểu là xuất hiện chứ không phải sinh ra vì nó vốn đã có sẵn. Khi nào có đủ điều kiện thì nó xuất hiện. Tâm là vô sanh pháp nhẫn, bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh như Bát Nhã Tâm Kinh đã nói. Giống như mặt trời bị mây che nên không nhìn thấy, khi nào mây tan thì mặt trời xuất hiện. Kỳ tâm có nghĩa là cái tâm ấy. Cái tâm ấy là tâm giác ngộ, tâm bất nhị. Bất nhị có nghĩa là không phải hai, không phải nhiều, cũng không phải một, tóm lại bất nhị là không có số lượng. Tại sao không có số lượng ? Vì tất cả vật đều là ảo. Một tấm ảnh ảo thì không có số lượng vì nó có thể biến thành vô lượng vô số tấm ảnh. Một vật thể cũng là ảo nên cũng không có số lượng. Hạt photon là ảo nên trong thí nghiệm của Nicolas Gisin năm 2008 tại Geneva, Thụy Sĩ, nó có thể xuất hiện ở hai vị trí khác nhau, cách nhau 18 km theo thiết lập của thí nghiệm. Còn trong thí nghiệm của Maria Chekhova và các đồng sự tại Viện Khoa học Ánh sáng Max Planck và Đại học Moscow năm 2012, hạt photon xuất hiện ở 100.000 vị trí khác nhau. Như vậy số lượng vốn là không có thật, tùy ý ta muốn bao nhiêu cũng được. Trong Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh có kể câu chuyện để biểu thị tính vô lượng cũng như tính bất định xứ của không gian và thời gian, như sau:

Bấy giờ, Xá Lợi Phất nghĩ rằng:

– Sắp đến giờ ăn. Các Bồ Tát sẽ thọ thực ở đâu? Duy Ma Cật biết ý, nên nói rằng:

– Phật thuyết bát giải thoát. Nhơn giả đã thọ hành. Há có xen cái tâm muốn ăn mà nghe pháp ư! Nếu muốn ăn, hãy đợi giây lát, tôi sẽ cho ông được bữa ăn chưa từng có. Duy Ma Cật liền nhập chánh định. Dùng sức thần thông thị hiện cho đại chúng thấy một cõi phương trên, cách bốn mươi hai hằng sa quốc độ, có Phật Hương Tích thị hiện ở cõi Chúng Hương. Mùi hương cõi ấy bậc nhất, siêu việt mùi hương trời người của các cõi Phật mười phương. Cõi ấy chẳng có tên gọi nhị thừa. Chỉ có chúng đại Bồ Tát trong sạch, đang nghe Phật thuyết pháp. Sự vật trong đó, tất cả đều dùng hương làm thành. Lầu các, vườn tược cho đến đất kinh hành đều có mùi hương. Mùi hương của cơm lan tràn khắp mười phương thế giới. Lúc ấy, Phật cùng các Bồ Tát đang ngồi ăn. Có các thiên tử cùng một danh hiệu gọi là Hương Nghiêm, đều phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, cúng dường Phật và các Bồ Tát. Đại chúng nơi cõi này đều thấy rõ cả.

Duy Ma Cật hỏi các Bồ Tát rằng:

– Các nhơn giả! Vị nào có thể đến thỉnh cơm của Đức Phật ấy? Do e ngại sức oai thần của Văn Thù, nên cả chúng đều im lặng.

Duy Ma Cật nói:

– Này các nhơn giả! Chẳng tự hổ thẹn sao?

Văn Thù nói:

– Như lời Phật dạy, chớ khinh sơ học.

Khi đó, Duy Ma Cật chẳng rời chỗ ngồi. Trước mặt đại chúng hóa ra vị Bồ Tát tướng tốt rực rỡ, oai đức thù thắng hơn cả chúng trong hội, mà bảo rằng:

– Ông hãy đến cõi Phật Chúng Hương, bạch như lời tôi đây:

“Duy Ma Cật đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, và vô cùng cung kính tỏ lời hỏi thăm sự ăn ở hằng ngày, ít bệnh, ít phiền não, khỏe mạnh chăng? Mong được cơm thừa của Phật, đem về cõi Ta Bà bố thí làm Phật sự. Khiến kẻ ưa pháp tiểu thừa được vào đại thừa. Cũng khiến cho tiếng tăm của Như Lai ai cũng được nghe.”

Khi ấy, đại chúng trong hội đều thấy hóa thân Bồ Tát bay lên phương trên, đến cõi Chúng Hương đảnh lễ chân Phật và lập lại lời Duy Ma Cật như trên. Các đại sĩ cõi ấy thấy hóa thân Bồ Tát, tán thán việc chưa từng có, liền hỏi Phật:

– Thượng nhơn này từ đâu đến? Cõi Ta Bà ở chỗ nào? Thế nào gọi là kẻ ưa pháp tiểu thừa?

Phật Tối Thượng Hương Đài bảo:

– Nơi phương dưới cách bốn mươi hai hằng sa cõi Phật, có thế giới Ta Bà là ngũ trược ác thế. Hiện có Phật Thích Ca, đang vì những chúng sanh ưa pháp tiểu thừa, diễn giảng Phật pháp. Ở đó, có vị Bồ Tát tên là Duy Ma Cật, trụ nơi giải thoát bất khả tư nghì. Vì đang thuyết pháp cho các Bồ Tát, nên sai hóa thân đến khen ngợi danh hiệu ta, và tán thán quốc độ này, khiến các Bồ Tát ấy tăng thêm công đức.

Các Bồ Tát hỏi:

– Vị đó như thế nào, sao có sức công đức vô úy hóa ra Bồ Tát thần túc như thế?

Phật Tối Thượng Hương Đài bảo:

– Thần lực của Duy Ma Cật rất lớn. Thường sai hóa thân đến khắp cõi mười phương bố thí làm Phật sự để lợi ích chúng sanh.

Tức thì Hương Tích Như Lai dùng bát Chúng Hương đựng đầy cơm hương trao cho hóa thân Bồ Tát.

Khi ấy, chín triệu Bồ Tát kia đều nói:

– Chúng con muốn đến cõi Ta Bà cúng dường Phật Thích Ca và muốn gặp Duy Ma Cật với các Bồ Tát cõi ấy.

Phật Tối Thượng Hương Đài bảo:

– Được thôi! Nhưng phải thu nhiếp mùi hương của các ngươi. Chớ khiến chúng sanh cõi kia khởi lòng mê đắm. Lại nữa, hãy bỏ hình dạng của các ngươi. Chớ khiến những người cầu Bồ Tát thừa cõi kia sanh lòng hổ thẹn. Và các ngươi đối với cõi ấy chớ khởi tâm khinh chê mà tự chướng ngại. Tại sao? Mười phương quốc độ đều như hư không. Chư Phật vì muốn hóa độ những kẻ ưa pháp tiểu thừa, nên chẳng hiện cõi thanh tịnh ấy thôi.

Khi hóa thân Bồ Tát thọ lãnh bát cơm xong, cùng với chín triệu Bồ Tát thừa oai thần Phật và thần lực của Duy Ma Cật, ở nơi cõi ấy bỗng nhiên biến mất, chốc lát đến nhà Duy Ma Cật. Lúc đó, Duy Ma Cật liền hóa ra chín triệu tòa sư tử tốt đẹp như trước, các Bồ Tát đều an tọa.

Hóa thân Bồ Tát đưa bát cơm hương cho Duy Ma Cật. Mùi hương của cơm tỏa khắp thành Tỳ Da Ly và đại thiên thế giới. Các Bà La Môn và cư sĩ trong thành Tỳ Da Ly ngửi được mùi hương, thân tâm khoan khoái, tán thán việc chưa từng có.

Trưởng giả Nguyệt Cái cùng với tám mươi bốn ngàn người đến nhà Duy Ma Cật, thấy trong phòng đông đảo các Bồ Tát và những tòa sư tử cao rộng trang nghiêm, đều rất vui mừng, đảnh lễ các Bồ Tát và đại đệ tử rồi đứng qua một bên.

Các địa thần, hư không thần và chư thiên cõi dục giới, sắc giới ngửi được mùi hương cũng đều đến nhà Duy Ma Cật.

Bấy giờ, Duy Ma Cật bảo Xá Lợi Phất và các vị đại Thanh Văn rằng:

– Các nhơn giả cứ tùy ý dùng cơm cam lồ của Như Lai, vì cơm nầy do đại bi sở huân, nếu có ý hạn lượng mà ăn thì chẳng thể tiêu.

Có hàng Thanh Văn lại nghĩ rằng:

– Cơm này ít thế làm sao đủ cho đại chúng ăn?

Hóa thân Bồ Tát nói rằng:

– Chớ dùng tiểu đức, tiểu trí của Thanh Văn mà đo lường vô lượng phước huệ của Như Lai. Nước bốn biển có thể hết, chứ cơm này thì vô tận. Dẫu cho tất cả mọi người đều ăn từng nắm cơm to bằng núi Tu Di, ăn mãi cho đến một kiếp cũng chẳng thể hết. Tại sao? Vì cơm dư của Người đầy đủ các công đức như vô tận giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến v.v… thì ăn mãi cũng không thể hết được.

Vì thế, một bát cơm cho tất cả chúng trong hội ăn đều no đủ, mà cơm vẫn còn dư. Các Bồ Tát, Thanh Văn, Trời người ăn cơm này rồi, thân thể an vui giống như các Bồ Tát ở cõi Nhất Thiết Lạc Trang Nghiêm, và từ lỗ chân lông phát ra mùi hương cũng như cây hương của cõi Phật Chúng Hương vậy.

Câu chuyện trên giống như truyện thần thoại bịa đặt, nhưng thí nghiệm của Nicolas Gisin và Maria Chekhova chứng tỏ rằng vật chất (hạt photon) quả thật có những tính chất giống như thế. Điều này khó tin đến nỗi, sinh thời Einstein đã không tin, cố bài bác bằng giả thuyết EPR, nhưng ngày nay các nhà khoa học đều biết rằng giả thuyết EPR là sai, lượng tử quả thật có những tính chất giống như trong kinh nói. Nhiều nhà khoa học sẵn sàng xây dựng lý thuyết trên cơ sở thế giới là ảo, vũ trụ là số, như chúng ta đã thấy David Bohm và Craig Hogan đã làm.

Tóm lại Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm biểu thị các tính chất vô sở trụ không thể tưởng tượng nổi của tâm giác ngộ. Đó là tâm như hư không vô sở hữu, nhưng đó lại là nguồn gốc của vũ trụ vạn vật, nó biểu thị rằng không gian, thời gian và số lượng đều là ảo hóa, đều là không có thật. Trong tâm giác ngộ đó thì không có chỗ trụ, không được chấp có, không được chấp không, không vừa có vừa không, cũng không chẳng có chẳng không. Tóm lại là không để lọt vào tứ cú. Tình trạng đó không thể dùng ngôn ngữ, lời nói để diễn tả được, mà phải chứng nghiệm, thiền Ấn Độ gọi là nhập niết bàn, hay chứng vô thượng chánh đẳng chánh giác. Còn thiền Trung Hoa thì gọi là kiến tánh thành Phật.

Truyền Bình

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH





Tháng 3 nắng gắt, lại cúp điện nên phải chạy ra đồng tìm tí gió thì gặp ngay bác Ba Phi đang ngồi phì phèo thuốc rê dưới bóng mát cây Cà na.Vừa định lãng đi thì đã bị gọi giựt lại
- Ê ku, cúp điện hả mầy. Hi hi...cả cánh đồng này chỉ còn có cây cà na này làm bóng mát, ku mày không vào thì đi đâu chứ.


Vậy là phải chiu vào. Ngán phải nghe mấy chuyện trên đời dưới đất của ổng cũng không thể né được.
Quả nhiên, vừa đặt đít xuống là ổng hỏi ngay :
- Ê, thằng ku mày học hành đến nơi đến chốn có biết Vạn lý trường thành ở đâu không?
- Vậy mà cũng hỏi. Ở Trung quốc chứ ở đâu.
-Vậy mày biết Vạn lý trường thành đường xây bằng gì không
-Thì bằng gạch đá
- Thế mày biết ở đâu có Vạn lý trường thành nữa không?
- không biết...mà làm gì có ở đâu nữa chứ?
- Việt Nam. Việt Nam mình đó
Rít một hơi thuốc, thả khói mịt mù, ổng khoái trá bảo :
- Chỉ có tao mới phát hiện ra thôi. Hà Hà... mà mày biết nó được xây bằng gì không?
- Thôi đi Bác. Tin bác có mà bán lúa giống
- Hi hi... mà tao nói cho mày nghe đừng đừng có nói cho đứa khác nó biết nhé!
-Giỡn chơi hoài
-Hi hi...Vạn lý trường thành Việt nam được xây bằng mấy tấm bằng BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG đó mầy
-!!!
- mà này, Tàu nó xây Vạn lý trường thành thì sợ hung nô. Việt nam mình xây vạn lý trường thành chi ông.
- ngăn lũ nghịch tử như thằng ku mày.
Ổng cười toét miệng...

Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

HÃY NÓI LỜI LY BIỆT




Chim Cu gù thương chiều bèo bọt
bóng thời gian đâm thọt chốn ta ngồi
lục bình trôi dòng đời chảy vội
tình chống chèo bến vắng bạc vôi


Em sống trong ta cùng thinh lặng
đêm ăn nằm sương khói ngỗn ngang
vầng trăng lặn ngụp dở dang
dây câu không lưỡi nào câu đặng tình


Nói đi em
hãy nói lời ly biệt
để kiếp này ta chẳng phải đợi nhau
để anh thôi câu thời gian bến đợi
thả tình trôi nổi vào kiếp sau...

Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

Cảm thức về thời gian trong nhạc Trịnh



Nhiều nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn viết nên những nỗi niềm của người phụ nữ trong bước chuyển của thời gian, vạn vật.
Cách đây không lâu, trong bộ phim có doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh Việt Nam - Em là bà nội của anh, ca sĩ trẻ Miu Lê khoác thêm hình hài mới cho những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Trong trẻo, mộc mạc và hiện đại, phần thể hiện của Miu Lê như kéo người trẻ xích lại gần thêm với di sản âm nhạc của một trong những nhạc sĩ tài hoa Việt Nam.
Trong phim, ca khúc Còn tuổi nào cho em được khán giả đặc biệt ưa thích. Đây là một bài hát nặng hoài cảm, đầy tình mến thương của Trịnh Công Sơn dành cho phái đẹp.

“…Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay
Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời
Tay măng trôi trên vùng tóc dài
Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này
Tuổi nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may…”

Phụ nữ hay ngoái đầu nhìn lại, hay nhớ tiếc thời gian, hay cảm thấy sự tàn lụi cả khi đang rực rỡ thanh xuân nhất. Có những chiều bâng khuâng, nhìn lá vàng rụng, người đàn bà không khỏi chạnh lòng nhớ về thời thơ trẻ.
Thời gian lúc nào cũng vội, chỉ vài cái chớp mắt, nàng đã chẳng còn là người thiếu nữ “ngồi hát mây bay ngang trời”, với đôi tay măng, vùng tóc dài. Lời bài hát còn vương chút ngơ ngác của kẻ tỉnh dậy đã thấy mình đi qua cuộc đời tựa hồ như đi qua những giấc chiêm bao.
“…Tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai
Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời
Xin cho tay em còn muốt dài
Xin cho cô đơn vào tuổi này
Tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài…”

Còn tuổi nào cho em họa nên hình ảnh của một người đàn bà âm thầm chải tóc khi chiểu phủ bóng, nhìn lá vàng, miên man với hồi ức. Năm tháng chưa bao giờ vì thấy phụ nữ là phái yếu mà bớt phũ phàng, khắc nghiệt. Điều đó đặc biệt đúng với những người đàn bà Việt thường có thói quen hy sinh quá nhiều vì người khác đến quên cả bản thân. Ca khúc này, vì thế, chỉ có thể được thấu cảm tận cùng bởi những người đàn bà Á châu.
Màu của thời gian, cảm thức về sự thay đổi vận hành của mùa, của vạn vật - những điều tưởng như rất trừu tượng - đã được chạm khắc vào những ca từ của Trịnh Công Sơn một cách thật gần gũi, nồng nàn.
Bởi ông đã đặt bước đi của thời gian ấy vào những hình bóng yêu kiều của những người đàn bà, của những cuộc tình, hay rộng lớn hơn là của tha nhân. Trong Diễm xưa, hình ảnh hiện tại và quá khứ của người phụ nữ như đan hòa vào nhau qua màn mưa gợi nên một nỗi hoài vọng, nâng niu:

"Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu..."
(Diễm xưa).

Chính từ sự yêu thương, nâng niu ấy, dường như có lúc, Trịnh Công Sơn muốn thời gian ngừng lại, để mái tóc người ông thương vẫn giữ mãi nét thanh xuân, để sự vĩnh cửu của thời gian ướp hương cho vẻ đẹp ấy còn mãi:

"Ru mãi ngàn năm giòng tóc em buồn
Bàn tay em năm ngón ru trên ngàn năm
Trên mùa lá xanh ngón tay em gầy
Nên mãi ru thêm ngàn năm
Ru em từng ngón xuân nồng"
(Ru em từng ngón xuân nồng).

Hình ảnh những đôi “vai gầy” luôn trở đi trở lại trong những sáng tác của Trịnh Công Sơn. Ông thương cho những “Vai em gầy guộc nhỏ - Như cánh vạc về chốn xa xôi” (Như cánh vạc bay) hay từng “Gọi nắng trên vai em gầy - đường xa áo bay” (Hạ Trắng). Nếu vai gầy tạo cảm giác mỏng manh, yếu đuối thì những mái tóc mây luôn chảy dài bất tận trong những sáng tác của ông như một sự ám ảnh, như một khoảng trời mơ mộng, một dòng thác không cạn của những tâm sự.

Với phụ nữ, Trịnh Công Sơn dường như thừa dịu dàng. Ông lúc nào cũng tự nhún mình, trân trọng, nâng niu phái đẹp. Trong Ru tình, ông từng viết “Ru em ngồi yên nhé, Tôi tìm cuộc tình cho”. Trong Biết đâu nguồn cội, ông khiêm tốn “Tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài”. Trong Còn tuổi nào cho em, Trịnh Công Sơn như thầm cầu xin tạo hóa vô tình hãy nhẹ bớt bàn tay, đừng quá phũ phàng với người đẹp: “Xin cho tay em còn muốt dài”, “Xin cho cô đơn vào tuổi này”. Người đàn ông nhỏ bé ấy thấu hiểu và thương yêu một cách sâu sắc, trọn vẹn thân phận của người đàn bà.

“…Em xin tuổi nào còn tuổi nào cho nhau
Trời xanh trong mắt em sâu
Mây xuống vây quanh giọt sầu
Em xin tuổi nào
Còn tuổi trời hư vô
Bàn tay che dấu lệ nhòa…”

Nhạc Trịnh thường tạo cảm giác buồn bã man mác. Nỗi buồn thường đẹp đẽ, mơ hồ, không rõ hình hài với một chuỗi những cảnh trí ẩn hiện trong những lớp sương dày của ký ức. Người nghe thoáng thấy hình ảnh của một đôi “mắt sâu”, một “mái tóc mây cài”, “vai gầy” hay “những ngón tay muốt dài”. Giai nhân trong nhạc Trịnh chẳng bao giờ đẹp lồ lộ ngỡ ngàng mà thường nép mình trong ký ức, chấp chới như những cơn mơ, không thể nắm bắt.

Nhạc Trịnh chưa bao giờ đánh đố ở câu từ. Những từ ngữ ông sử dụng thường rất giản dị, dễ cảm, dễ hiểu. Tuy nhiên, để đọc được “thông điệp dưới bề mặt” của tác phẩm không phải là một điều đơn giản vì người nghe thường không chạy kịp với mạch tư duy của nghệ sĩ. Nghe nhạc Trịnh, ta dễ choáng ngợp bởi một chuỗi hình ảnh, những liên tưởng có vẻ rất ngẫu hứng và ngẫu nhiên. Ca khúc như một mạch nguồn bất tận của cảm xúc, ký ức và hình ảnh, khiến người nghe – kẻ ngoài cuộc – dễ cảm thấy bị chới với, cuốn theo và đắm chìm.
Trịnh Công Sơn đã viết nên những nỗi niềm - cả vui sướng lẫn tuyệt vọng - đầy nâng niu và trìu mến về đàn bà. Để từ tác phẩm của ông, phụ nữ tìm thấy một tri kỷ rất đỗi dịu dàng.

Anh Trâm

Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

CÁNH ĐỒNG QUÊ

ĐÔNG LA


Dường như không phải ở nơi Tạo Hóa đặt ngày tạo
Thiên lập Địa
Mà ở tận cùng sâu thẳm của ký ức
Nơi mây bông đêm đêm vẫn lót đệm ta nằm
Những hạt mưa mát lành vẫn tắm gội tuổi thơ ta trong
những giấc mơ sâu
Nơi có đêm trăng mười sáu ta đã bất chợt được chiêm
ngưỡng một vầng trăng khác cũng tròn mười sáu
Em tắm sông hay là em tắm trăng?
Những giọt trăng lung linh đậu trên mịn màng da thịt
Đêm mỏng manh không che được nữa rồi
Em chưa biết hay quên mình đã là mười sáu?
Để ta sững sờ sau bụi cây thưa
Để ta một đời tơ tưởng mộng mơ
Ôi cánh đồng quê!
xxx
Ta nhớ xiết bao con đường ghồ ghề sau làng gồng lưng
cõng những dấu chân nhọc nhằn cấy cày khuya sớm
Những số phận dầu dãi trong nắng lửa mùa hạ, trong
gió bấc mùa đông
Người thì nhẹ mà nỗi lo thì quá nặng
Đất như bị lột da vẫn không kịp cho những vụ chiêm mùa
Những vụ mùa xếp hàng chờ nhau đến lượt
Không ủ ấm được bao cuộc đời bao số phận mong manh
Khi những đám mây như bị phơi khô trong mùa hạn hán
Mặt đất cũng bị nghiêng cho mùa nước lụt tràn đê...
xxx
Ôi quê hương!
Đã bao thế hệ sinh ra như chỉ để bất hạnh
Cả cuộc đời ông lang bạt kỳ hồ vẫn không ra khỏi những
cuộc chiến triền miên
Cuộc đời cha cũng nằm gọn trong dai dẳng nỗi nghèo đói
Tuổi thơ con lăn lóc trong lam lũ nhọc nhằn
Những con chữ cũng bị đói lây trong giờ lên lớp
Ngón chân tím bầm suốt mấy mùa đông
Ôi, nếu cuộc đời có số phận thì số phận của mỗi người
chính là số phận của đất nước
Dường như ta đã trải qua cả mấy cuộc đời
Đã từ bỏ được điều lặp lại nghiệt ngã
Đôi chân lấm bùn rong ruổi khắp đó đây
Những cung điện nguy nga đền đài hùng vĩ
Những hành lang dát vàng, căn phòng dát vàng...
Nhưng sao vẫn cháy lòng đêm đêm nỗi nhớ
Nỗi nhớ về một vùng đất rách nát và ẩm mốc
Cánh đồng quê!
xxx
Sao là cánh? Sao là đồng? Sao lại Chùa Mô, Đằng Miều,
Con Cóc?
Những cái tên lạ lùng đã khắc dấu hồn ta
Nhớ vệt bùn hôm nao em làm ta lấm áo
Em đã đền nụ cười sáng cả chiều quê
Bộ ngực trinh nguyên đã rung lên dưới lớp áo mờ...
Ôi quê hương!
Ta yêu người xiết bao vẫn phải rời bỏ quê hương
Ta không thể mang theo con đường, dòng sông, gốc đa
da trâu mài nhẵn thín
Ta cũng không thể mang theo đêm trăng âm vang
tiếng cá quẫy
Nhưng ta vẫn tìm được cho riêng mình một cánh đồng quê
Ta đặt cánh đồng trong mơ, trong sách vở, trong suy tư
Giống như mẹ năm nao con trồng cây lúa
Nhưng con không bón phân gio mà bón những mảnh
tri thức
Chúng không lớn lên trong nắng mưa mà lớn lên
trong ý nghĩ của con
Ôi, có nơi đâu kỳ lạ như những cánh đồng Việt Nam
Tưởng nước không phải là nước mà mồ hôi
bao đời đọng lại
Đất không phải là đất mà thịt xương bao đời tạo thành
Mỗi ngọn cỏ gốc cây cũng rưng rưng huyền thoại
Nơi có những bà mẹ nghèo nàn nón lá áo tơi
Những bà mẹ tảo tần không một chữ cắn đôi
Lại sinh ra bác học, kỹ sư, nhà thơ, nghệ sĩ
Vóc hình mỏi mòn lại sinh những anh hùng tướng lĩnh
Bao trẻ trâu bết bùn đã đến bục vinh quang!
xxx
Ôi những bà mẹ anh hùng sớm tối lúa khoai!
Nhưng hạt giống của mẹ không chỉ mọc lúa khoai
mà nảy lên cả tùng, cả bách
Những tuổi tên đã làm rạng danh đất nước
Đất nước của những cánh đồng quê!

KHÔNG ĐƯỢC XÚC PHẠM VONG LINH LIỆT SỸ

Nguyễn Văn Thịnh 





Ngày 3 tháng 3 vừa qua, tại quán café Sỏi Đá đường Ngô Thời Nhiệm, Quận III, TPHCM, Ban Vận động thành lập Văn đoàn độc lập (mãi mà chưa biết bao giờ mới thành lập được) tụ họp phát cái gọi là giải thưởng Văn Việt lần thứ hai cho một số người.
Người dự chừng vài ba chục, xem ra già nhiều trẻ ít, đủ cả đàn ông, đàn bà, trai, gái – có thanh lịch không chỉ trời biết, nhưng đều được coi là trí thức. Người có bằng Tiến sỷ Nguyễn Quang A bao thầu kiêm việc quay phim và dẫn chuyện cho nhà thơ Nguyễn Duy quen nói hài. Nhà văn Nguyên Ngọc cười nhiều, nói ít và câu động viên đàn em con cháu có giá nhất của cụ là “Năm sau chúng ta sẽ trao giải thưởng tại Hội trường dinh Thống Nhất”! Chả hiểu cụ nắm được thiên cơ ra sao nhưng thiết nghĩ cái mốc năm sau thì chắc chắn là chưa. Cầu mong nhà văn lão thành sinh năm 1932 được trời thương cho hưởng lộc bách niên mà vẫn giai lão để được mục sở thị một nhà nước Việt Nam độc lập có chủ quyền sẽ ra sao.
Về cái giải thưởng thì khỏi phải bàn vì tiền đã có đại gia dân chủ Quang A chịu chi 290 triệu VNĐ cho hai lần giải. Tuy nhiên có đúng là tiền lần từ hầu bao của vợ ông ra thì khó mà biết được. Dù sao cũng chẳng hà lạm vào đồng tiền mồ hôi xương máu của dân thì trao giải cho ai là quyền của các vị. Ai thích cứ tìm mà đọc, khen chê tùy khẩu vị mỗi người.
Có điều sau đó, các nhà văn dân chủ bày chuyện tào lao rất vô liêm sỉ là chuyển sang nói chuyện khôi hài về nữ anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu!
Tấm gương Võ Thị Sáu – người anh hùng chết cho muôn đời sau, cả nước từ thiếu niên đến người lớn đều biết hơn nửa thế kỷ nay với lòng cảm phục và kính trọng.
Cuộc kháng chiến chống các thế lực xâm lược phương tây thực ra phải kể từ những năm giữa thế kỷ XIX tới gần cuối thế kỷ XX mới hoàn thành. Một cuộc chiến lâu dài như thế với tương quan lực lượng giữa người tự vệ với kẻ cướp nước chênh lệch như thế, lại trong bối cảnh thế giới đảo điên như thế, thì việc giành lại được chủ quyền dân tộc, thống nhất đất nước, dựng nền độc lập, tưởng như chỉ thấy trong mơ. Niềm vui quá lớn và nỗi đau cũng lớn. Nhưng biết làm sao. Sách trời định phận cho dân tộc mình như vậy, phải nhận thôi! Hôm nay, được sống trong hòa bình, ổn định, chăm lo làm lụng học hành, mong sớm vươn lên bằng người thì càng không ai được phép quên những người vì nước quên thân. Cùng với việc mau chóng giải đi nỗi đau do hậu quả chiến tranh để lại, là việc phải thể hiện lòng kính trọng ghi ơn sâu nặng tới những người hy sinh vì Tổ quốc. Đó là đạo lý truyền thống của con người ở mọi quốc gia chứ không chỉ riêng ở nước mình. Những anh hùng liệt sỹ được nêu danh chỉ là một số tấm gương tiêu biểu hiện thân trong biển người tận trung với nước, tận hiếu với dân. Cách ứng xử thế nào là thể hiện nhân cách của từng người. Đôi chút lạ lùng thấy trong cuộc họp mặt này có một số người vào hàng lão trượng và từng có một quá trình cống hiến đáng ghi nhận. Nhìn những vẻ mặt hớn hở với những cái mồm móm mén nốc cạn chén rượu tây rồi há hốc ra cười khoái trá lại càng thấy xót xa trong số đó không ít người thản nhiên ăn mày vào dĩ vãng của đồng bào, đồng chí nhưng lại “vất cha nó quá khứ (của mình) vào đống rác bên đường mặc cho ruồi nhặng kéo đến làm tình đẻ dòi đẻ bọ chơi” (Ăn mày dĩ vãng – Chu Lai)! Suy cho cùng thì đó cũng là cái tình đời dung tục khi xã hội có sự đổi thay xáo trộn. Như ở Liên Xô, sau cuộc chính biến 1991, nhiều tượng đài lãnh tụ bị xô đổ, nhiều tấm gương anh hùng bất khuất trước quân phát xít tội phạm của loài người cũng bị làm vấy bẩn, như câu chuyện về người con gái Nga anh hùng Dôia bị vu là điên. Phan Huy Lê liền học đòi theo đó, mưu toan xô đổ tượng đài Lê Văn Tám. Cuối tháng 2/2005 tại Hà Nội ông ta công khai tiết lộ: “Nhân vật lịch sử anh hùng Lê Văn Tám là hoàn toàn không có thật! Tôi (PHL) đã và đang viết bài để công bố sự thật về nhân vật này trong thời gian sớm nhất”! Vậy mà mãi bốn năm sau, khi dư luận bức xúc, lờ đi không được, sau khi “tiếp cận với sự việc càng rõ ràng”, ông ta xuống nước: “Lê Văn Tám không phải là tên nhân vật lịch sử có thật (đã chắc chưa?) nhưng phản ánh một sự kiện lịch sử có thật, một tinh thần hy sinh vì Tổ quốc có thật. Đó là một biểu tượng đã đi vào lịch sử mang tính phổ biến và thiêng liêng”. Bá ngọ con ong! Vậy mà ông ta còn lý sự: “Mọi biểu tượng hay tượng đài lịch sử chỉ có sức sống bền bỉ trong lịch sử và trong lòng dân khi được xây dựng trên cơ sở khoa học, khách quan, chân thực”. Sử học là chuyện liên quan tới con người, giữa thời hiện tại vẫn có chuyện cần tranh cãi huống chi thời quá khứ hỗn độn mù mờ mà ông đòi hỏi phải khách quan chính xác, thì sao không thể hỏi: Phan Huy Lê có đích thực là con của ông Phan Huy Tùng với bà Cao thị? Cho dù y học tiến bộ đến đâu thì nguyên lý “không có gì tuyệt đối” luôn là chân lý của khoa học khách quan!
Thua keo này bày keo khác, những người cùng hội cùng thuyền với ông ta bày ra câu chuyện liệt nữ Võ Thị Sáu “chập”, “khùng”, bị những người kháng chiến lợi dụng vào việc “diệt ác phá tề”, bị bắt vẫn “nổ” nên chịu án tử hình. Bị giam trong khám tối vẫn luôn miệng hát (những bài ca cách mạng) và khi đem ra pháp trường vẫn tỉnh queo, lại hái hoa cài lên mái tóc…! Chẳng lẽ tòa án của nước đại Pháp văn minh với những tên tuổi tỏa sáng toàn thế giới như Voltaire, Rousseau, Hugo… lại dễ dàng khép án tử hình một người con gái ở tuổi vị thành niên? Tinh thần bất khuất của người con gái vùng Đất Đỏ, ngay cả các thế hệ cách mạng tiền bối lúc đó đang bị cầm tù tại nhà lao Côn Đảo cũng tỏ lòng ngưỡng mộ và lấy đó làm gương. Người viết vẫn có cảm giác rùng mình mỗi khi nghĩ tới 13 liệt sỹ bị đưa lên đoạn đầu đài ở Yên Bái ngày 17 tháng 6 năm 1930. Ông Nguyễn Thái Học giơ tay chào mọi người với lời nhắn lại: “Rồi thế nào cách mạng cũng thành công”! Ông Phó Đức Chính nói: “Đại sự không thành chết là vinh”! và giật băng bịt mắt đòi nằm ngửa để nhìn lên cỗ máy chém khổng lồ lao xuống cổ! Cái gì đã làm con người trí thức ở tuổi 23 can tràng như thế? Người viết chợt nhớ tới mấy câu thơ của Chế Lan Viên: “Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp/ Giấc mơ con đè nát cuộc đời con/ Một mái nhà xinh rủ bóng xuống tâm hôn/ Hạnh phúc chứa trong một tà áo đẹp”. Sự nghiệp của Cụ Hồ thành công bởi bằng việc làm và tấm gương đạo đức của mình, Cụ đã khơi dậy lòng yêu nước thương dân tiềm ẩn trong mỗi con người Việt Nam và làm cho tính người trong mỗi con người lớn vượt trội lên. Phải chăng trong hoàn cảnh đặc biệt, người ta chẳng nuối tiếc gì khi được chết vì đại nghĩa? Khi liệt nữ Dôia hiên ngang bước lên giá treo cổ là báo hiệu ngày tận số của quân phát xít! Vào lúc hừng đông ngày 23/1/1953, khi liệt nữ Võ Thị Sáu hồn nhiên trước họng súng của bầy lang sói báo hiệu chỉ một năm sau đội lính Lê dương đó nhục nhã theo nhau xuống tầu về nước!
Trở lại cuộc bù khú chén chú chén anh giữa thành phố Hồ Chí Minh đang từng ngày từng bước đi lên. Miếng ăn quá khẩu thành tàn, khi quá chén rồi chẳng còn biết mình là ai nữa, tới mức xúc phạm tới vong linh anh hùng liệt sỹ thì đâu còn gì để gọi là nhân cách nữa!
Ông Nguyên Ngọc có nhớ ông từng nói: “Cái cốt yếu của văn chương là tính nhân đạo” và “Văn chương giúp cho con người không sa xuống thành con vật”. Những lời bộ sậu các ông đang nói có mang tính nhân văn nhân đạo hay không? Và ngay tại cái quán Sỏi Đá ngày hôm ấy, không khó nhận ra bao nhiêu con người đã sa xuống cấp do ông nhà văn đàn anh cho sập bẫy! Đấy là cái tài và cũng là công lớn để đời của ông ta!
Như nhà thơ Nguyễn Duy đấy, ông ta lỉn xỉn khoa tay múa chân lè nhè kể ra những chuyện nhặt nhạnh ở đầu đường xó chợ về một người con gái đã bị lũ đầu trâu mặt ngựa trói thúc ké vào cây cọc để một bầy ma quỷ mắt xanh mũi lõ nhằm thẳng vào cái thân hình bé nhỏ tội nghiệp ấy mà nhả đạn! Cách đây ngót hai chục năm, lúc sinh thời ông Võ Văn Kiệt, mọi người còn nghèo, giới văn nghệ sỹ càng nghèo, hẳn ông Sáu thì không. Nhà thơ Nguyễn Duy được thay mặt giới tài tử văn nhân đọc một bài thơ than thân trách phận nửa nạc nửa mỡ gây cười, láu cá thọc lét mấy ông lãnh đạo. Lúc ấy nhìn Nguyễn Duy tội nghiệp mà dễ thương, tấm thân gày, da xám xạm, giọng hài hài, bộ ria cụp mà chẳng ai chê. Bây giờ vẫn con người ấy, hồng hào, béo tốt, ria nửa đen nửa bạc, cười nham nhở, giọng đầy hơi rượu nửa đểu nửa hài, thiên hạ kháo của chìm thì không biết nhưng của nổi ông ấy có hai cái nhà giữa thành phố đấy! Tất nhiên là với mấy tập thơ hài hài tếu tếu nửa thành thị nửa quê mùa mà chẳng chứa nội dung gì lớn lao và với mớ rổ rá thúng mủng chổi cùn rế rách đề thơ bán rao đầu hè quán sách thì chẳng thể có được cơ nghiệp ấy. Chỉ kẻ tiểu nhân mới ganh với người giàu. Nhưng giàu mà chẳng thành nhân là họa!
Tiến sỹ Nguyễn Quang A thoạt nhìn hao hao giống Năm Cam. Tuy là giới anh chị nhưng y sướng từ thuở nhỏ nên mày râu nhẵn nhụi dễ lừa đời và quả là y đã làm cho mấy vị đại quan chết nổi chết chìm. Còn ông A có một tuổi thơ mồ côi vất vả vẫn còn in vết hằn trên mặt thì dù có nên danh nên giá lắm của nhiều tiền nhưng chẳng có phép màu nào xóa đi, chẳng thể lừa ai! Tôi từng một thời là lính chiến, sống chết với anh em bộ đội, từng nhiều lần chôn cất anh em thương binh tử sỹ trên rừng sâu hay dưới bưng biền. Nhiều huống cảnh thương tâm lắm, chẳng nên mang nặng trong lòng. Tuy nhiên tôi cũng biết có những cái chết oanh liệt oai hùng nhưng có những cái chết hoàn cảnh cần xá cho nhau. Giữa trận mạc giao tranh, mấy ai chứng kiến được đồng đội mình ngã xuống thế nào. Gặp bạn nằm đấy thì bảo nhau tìm cách tải về thôi. Làm sao ông A biết tường tận lúc cha mình ngã xuống? Nhưng ông A đã được hưởng đầy đủ lộc đời. Tổ phụ, tiền nhân mong có đứa đích tôn nhang khói. Xã hội mong có được một truyền thống như mạch nước ngầm trong trẻo. Một nhà khoa học háo danh hiếu thắng mà thành tri kỷ tri âm với một nhà văn lão làng tài ba công tích, dọc ngang nào biết trên đầu có ai, chẳng biết liệu có bền?
Xã hội đang ở trong giai đoạn chuyển mình lắm điều bức bối. Thiếu gì chuyện để nói để bàn, bày cách cho xã hội đi lên. Người dân đủ tỉnh táo phân biệt điều hay dở, đúng sai. Nhưng các nhà dân chủ nhằm mục tiêu trái đạo, làm cho xã hội bất ổn để đục nước béo cò. Chẳng lạ gì các ông khi đương chức đương quyền thì miệng ngậm tăm, chỉ biết cúi mặt mà ăn. Nhưng khi hết thời thì tức khí bày trò đòi quyền tự do dân chủ cái mà các ông đã được hưởng chán chê! Nhà văn Đông La ví von nghe ra hợp lý hợp tình: Cái nhà dột thì chịu khó lợp chắp vá lại, ở tạm rồi cũng qua, chừng nào tích góp đủ sức đủ tiền thì làm mới lại. Chớ nghe ai phá phách banh ra giữa lúc người khôn của khó thì toàn gia lâm cảnh màn trời chiếu đất, nheo nhóc bơ vơ, chẳng thể trông chờ vào một mái ấm tình thương của ai hứa hão! Nhìn người ngẫm ta lấy đó làm gương để tự lo liệu cho mình.


Thành phố Hồ Chí Minh ngày 15/3/2017

Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

DỊ TÍNH [1]



Nước bỏ chỗ cao, mà chảy xuống chỗ thấp – ngày đêm, nước làm việc chẳng ngừng. Trên trời, nước làm mưa, làm sương. Dưới đất, nước sinh sông, sinh lạch. Đâu đâu nước cũng thấm nhuần, tắm gội. Nước làm ích cho mọi loài. Nước luôn tuân phục, không kháng cự. Đắp đê ngăn thời nước ngừng; mở cửa cống cho thoát thời nước chảy. Nước cũng đổi hình thù vuông tròn tùy theo bình chứa. Con người thường có khuynh hướng khác hẳn. Con người luôn ưa lợi lộc, luôn luôn vị kỷ. Vì thế con người phải bắt chước làm nước. Kẻ nào hạ mình để phục vụ người, sẽ được mọi người thương mến, và không bị ai chống đối

DỊ TÍNH [1]
易 性

Hán văn:
上 善 若 水. 水 善 利 萬 物 而 不 爭, 居 眾 人 之 所 惡, 故 几 於 道. 居 善 地, 心 善 淵, 與 善 仁, 言 善 信, 政 善 治, 事 善 能, 動 善 時. 夫 唯 不 爭, 故 無 尤.
Phiên âm:
Thượng thiện nhược thủy.
Thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ố, cố cơ [2] ư Đạo.
Cư thiện [3] địa, tâm thiện uyên, dữ [4] thiện nhân, ngôn thiện tín, chính thiện trị, sự thiện năng, động thiện thời.
Phù duy bất tranh, cố vô vưu. [5]
Dịch xuôi:
Bậc trọn lành giống như nước.
Nước khéo làm ích cho muôn loài mà không tranh giành, ở chỗ mọi người đều ghét, cho nên gần Đạo.
Ở thì lựa nơi chốn; tâm hồn thời thâm trầm sâu sắc; giao tiếp với người một mực nhân ái; nói năng thành tín; lâm chính thời trị bình; làm việc thời có khả năng; hoạt động cư xử hợp thời.
Chính vì không tranh, nên không ai chê trách oán thán.
Dịch thơ:
1. Người trọn hảo giống in làn nước,
2. Nuôi muôn loài chẳng chút cạnh tranh.
Ở nơi nhân thế rẻ khinh,
Nên cùng Đạo cả mặc tình thảnh thơi.
3. Người trọn hảo, chọn nơi ăn ở,
Lòng trong veo, cố giữ đức nhân.
Những là thành tín nói năng,
Ra tài bình trị chúng dân trong ngoài.
Mọi công việc an bài khéo léo,
Lại hành vi mềm dẻo hợp thời.
4. Vì không tranh chấp với ai,
Một đời thanh thản, ai người trách ta.

BÌNH GIẢNG

Có nhiều cách bình giảng chương này:

a. Vương Bật, Hà Thượng công, Tống Long Uyên toàn đề cập các đức tính của nước.
b. James Legge và Duyvendak cho rằng chương này nói về sự trọn hảo.
c. Có nhiều tác giả khác như Nghiêm Toản, Nguyễn Duy Cần áp dụng chương này vào «bậc trọn hảo», vào thánh nhân. Tôi cũng chủ trương như vậy.
Ở chương này, Lão tử khuyên các bậc thánh nhân phải bắt chước nước. Nước bao giờ cũng chảy chỗ trũng, chỗ thấp, làm ơn ích cho muôn loài muôn vật.
Bậc thánh nhân cũng phải như vậy: phải sống cuộc đời khiêm cung, từ tốn, quên mình vì người, không tự cao tự đại có như thế mới gần Đạo gần Trời. [6]
Ngoài ra thánh nhân phải:
(1) Chọn nơi ăn chốn ở, vì chỗ ăn ở ảnh hưởng rất nhiều đến toàn thể con người. (2) Phải sống thâm trầm, không phù phiếm, xốc nổi.
Tham Đồng Khế 參 同 契 của Ngụy Bá Dương 魏 伯 陽 có câu: «Chân nhân tiềm thâm uyên, phù du thủ qui trung.» 真 人潛 深 淵,浮 游 守 規 中 và giải rằng đó là luôn giữ được Nguyên thần ở Nê hoàn.[7]
3. Giao tiếp với người bằng một lòng nhân ái.
4. Nói lời thành tín.
5. Nếu cầm quyền chính, sẽ đem bình trị lại cho thiên hạ.
6. Khi làm công việc, tỏ ra có khả năng.
7. Hoạt động uyển chuyển theo thời. Chẳng những thế thánh nhân sẽ không tranh chấp với ai.
Cát Trường Canh toát lược chương này như sau: «Nước bỏ chỗ cao, mà chảy xuống chỗ thấp – ngày đêm, nước làm việc chẳng ngừng. Trên trời, nước làm mưa, làm sương. Dưới đất, nước sinh sông, sinh lạch. Đâu đâu nước cũng thấm nhuần, tắm gội. Nước làm ích cho mọi loài. Nước luôn tuân phục, không kháng cự. Đắp đê ngăn thời nước ngừng; mở cửa cống cho thoát thời nước chảy. Nước cũng đổi hình thù vuông tròn tùy theo bình chứa. Con người thường có khuynh hướng khác hẳn. Con người luôn ưa lợi lộc, luôn luôn vị kỷ. Vì thế con người phải bắt chước làm nước. Kẻ nào hạ mình để phục vụ người, sẽ được mọi người thương mến, và không bị ai chống đối.» [8]
[1] Dị tính 易 性: sống giản dị, theo tính tự nhiên.
[2] Cơ 幾: gần.
[3] Thiện 善: (a) ưa thích, chịu. (b) nên, tốt,... mới tốt. (Ví dụ: Tâm phải sâu xa mới tốt. Lời nói phải tín thành mới tốt.)
Duyvendak theo James Legge, dịch câu này như sau:
On considère:
- bon pour la demeure, le lieu (favorable)
- bonne pour le cœur, la profondeur,
- bonne pour les rapports sociaux, l’humanité
- bonne pour la parole, la bonne foi
- bon pour le gouvernement, l’ordre
- bonne pour le service, la capacité
- bon pour l’action, de saisir le moment favorable
Duyvendak, Tao Te King, p. 19.
[4] Dữ 與: sự giao tiếp.
[5] Vưu 尤: lỗi lầm oán trách.
[6] Thánh nhân dĩ khiêm thoái tự xử, dĩ ti hạ tự an, ninh khúc kỷ dĩ toàn nhân, bất hiếu cao nhi tự đại. 聖 人 以 謙 退 自 處, 以卑 下 自 安, 寧 曲 己 以 全 人, 不 好 高 而 自大 . Tống Long Uyên, Đạo đức kinh giảng nghĩa, tr. 11.
[7] Chân nhân tiềm thâm uyên, phù du thủ qui trung... Tùy chân tức chi vãng lai, nhiệm chân tức chi thăng giáng, tự triêu chí mộ, nguyên thần thường thê ư nê hoàn… 真 人 潛 深 淵, 浮 游 守 規 中 ... 隨 真 息 之 往 來, 任 真 息 之 升 降, 自 朝 至 暮, 元 神 常 棲 於 泥 丸 ... Phục mệnh thiên vân: «Hội hướng ngã gia viên lý, tài bồi nhất mẫu thiên điền. 復 命 篇 云 : 會 向 我 家 園 裏, 栽 培 一 畝 天 田. Thiên điền 天 田 là thiên tâm 天 心, thiên cốc 天 谷, nê hoàn 泥 丸) Chu dịch tham đồng khế phát huy 周 易 參 同 契 發 輝, quyển trung, tr. 18b.
[8] Xem Léon Wieger, Les Pères du Sytème Taoïste, p. 25.