Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2016

Lịch sử, sự thật và sử học






GS Hà Văn Tấn


“Ai ai đều đã bằng câu hết
nước chẳng còn có Sử Ngư”
Đó là hai câu thơ trong bài thơ cuối cùng của mười bốn bài “mạn thuật” mà Nguyễn Trãi đã để lại cho chúng ta. Thật là cay đắng khi mà mọi người uốn cong như lưỡi câu, và chẳng còn ai nói lên sự thật nữa, chẳng còn ai như Sử Ngư nữa. Sử Ngư là một chép sử nước Vệ thời Xuân Thu, nổi tiếng về thẳng thắn và trung thực. Khổng Tử đã từng khen: “trực tai Sử Ngư” (Sử Ngư thẳng thay)

Cho đến hôm nay, đọc câu thơ Nguyễn Trãi chúng ta vẫn như tê tái với nổi đau của ông, làm sao có thể sống trong xã hội mà mọi sự thật đều bị che đậy và xuyên tạc. Trong những thời kỳ như vậy, người chép sử, nhà sử học, những người có nhiệm vụ nói lên sự thật, không biết bị dằn vặt như thế nào? Ngày nay chúng ta đang sống trong một giai đoạn cần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật đáp ứng yêu cầu của nhân dân của đất nước. Đã đến lúc những người chép sử, nhà sử học phải tự hỏi rằng “sử bút” của mình có thật nghiêm chưa, đã viết đúng sự thật lịch sử hay chưa?


Từ thời cổ đại người ta đã yêu cầu cho việc chép sử là nêu gương cho nhân dân và đem lại bài học cho những nhà cầm quyền. Polibious, nhà sử học Hy Lạp vào thế kỷ 2 TCN, đã nhận thấy rằng sử học có tính Pagmatikos, tức thực dụng. Trong các vị thần Muses Hy Lạp thì nữ thần Clio là thần sử học, nhưng tên Clio là bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp là Kleio nghĩa là ca tụng, biểu dương.

Ơ Phương Đông Khổng Tử viết kinh Xuân Thu, bộ sử lớn của Trung Quốc cổ đại, là cốt để “bao biến” tức là khen và chê các hành vi của nhân vật lịch sử. Cái mẫu mực sử học thực dụng còn tồn tại rất lâu dài về sau, nhất là ở Phương Đông. Ta hãy đọc những dòng của Phạm Công Trứ trong bài tựa sách đại việt sử ký tục biên : “Vì sao phải viết quốc sử? Vì sử chủ yếu ghi chép công việc. Có chính trị của một đời tất phải có sử của một đời mà sự ghi chép của sử giữ nghị luận rất nghiêm, tụ điểm việc trí trị thì sáng tỏ ngang với mặt trời, mặt trăng, răn đe kẻ loạn tặc thì ráo riết như sương thu lạnh buốt, người thiện biết thì có thể bắt chước, người ác biết thì có thể tự răn, quan hệ với chính trị thì không thể là ít, cho nên mới làm ra quốc sử”

Một mục đích thực dụng như vậy đặt ra cho sử học tất nhiên đã ngăn cản không ít việc nói lên sự thật của lịch sử. Thường thì người ta chỉ chọn chép những sự kiện nào có lợi cho đường lối chính trị, hoặc làm thay đổi sự kiện cho phù hợp với ý muốn của nhà cầm quyền.

Nhưng ngay trong hàng ngũ các nhà sử học thời cổ cũng đã có người cho rằng cần làm thế nào để phục vụ đời sống và chính trị không làm haị đến thiên chức nói sự thật của nhà sử học. Chẳng những thế, họ còn cho rằng sử có chép đúng sự thật thì mới phục vụ tốt cho đời sống và chính trị. Ciceron ở la mã đã gắn historia magistra vitae(lịch sử chính yếu của cuộc sống) với yêu cầu đạt tới Lus Veritatis (ánh sáng của sự thật. Trong Deoratore, ông đã viết “luật thứ nhất của chép sử là không giám nói cái giả mạo, luật thứ hai là giám nói tất cả những gì là sự thật”.

Còn Lê Quý Đôn của chúng ta, ở đầu tập Đại Việt thông sử, đã dẫn một loạt các câu nói của các nhà sử học đời trước để coi việc chép sử đúng sự thật như một tôn chỉ của việc soạn sử. Và để giữ được tôn chí đó, cuối cùng ông đã chép lại câu của Yết Hề Tư đời Nguyên “ việc soạn sử phải lấy việc dùng người làm gốc, người có văn mà không biết chép sử thì không thể dự vào sử quán. Người có văn học lại kiêm biết cách soạn sử, nhưng bụng dạ bất chính cũng không được dự”.

Từ thế kỷ thứ 17 sử học thế giới đạt đến mẫu mực phê phán, đặt yêu cầu đem lại sự thật quá khứ. Và từ cuối thế kỷ thứ 19, khi sử học đạt đến mẫu mực cấu trúc và biện chứng, các hình ảnh của quá khứ mà sử học khôi phục còn phải được đặt trong cái toàn thể và sự vận động.

Nhưng biết sự thật không dễ, và dám nói lên sự thật nhiều khi càng khó hơn. Với ý của Yết Hề Tư mà Lê Quý Đôn đã dẫn, nhưng nói theo ngôn ngữ hiện đại thì như thế này :Muốn viết sử phải biết phương pháp sử học và trước hết phải là người trung thực chứ không phải là tên cơ hội .

Viết sử là một nghề, nói như người pháp là Métier D Historien. Người viết sử phải được luyện rèn tay nghề. Cách dạy nghề, tức các sách viết về phương pháp sử học, thường nói đến hai bước cơ bản trong công tác sử học : bước thứ nhất là từ sử liệu, khôi phục sự kiện; bước thứ hai là giải thích và đánh giá sự kiện.

Ngay từ bước thứ nhất đã có những khả năng dẫn nhà sử học xa rời sự thật, đó là vì sử liệu thiếu, và phổ biến hơn vì sử liệu không được phê phán nghiêm túc. Nguời ta chia sử liệu ra làm hai loại: sử liệu trực tiếp và sử liệu gián tiếp. Sử liệu trực tiếp xuất hiện cùng với sự kiện, chẳng hạn trống đồng Ngọc Lũ, khẩu pháo điện biên hay văn bản hiệp nghị Paris… là sử liệu trực tiếp. Còn sử liệu gián tiếp là sử liệu nói đến sự kiện này qua một thông tin gián tiếp, tức tác giả sử liệu. Loại sử liệu này cần được giám định cẩn thận vì thông tin nhận được đã qua trung gian người thông tin. Chẳng hạn hồi ký là sử liệu gián tiếp. Ở đây các sự kiện xảy ra không đồng thời với sử liệu, tức là trước lúc hồi ký được viết nhà sử học Liên Xô M.N.Thernomorski đã viết cả một quyển sách dày, có đầu đề “ hồi ký với tư cách là sử liệu lịch sử” để trình bày các phương pháp để nghiên cứu nguồn sử liệu gián tiếp này.

Hiện nay nhiều công trình nghiên cứu sử học của chúng ta đã sử dụng những nguồn sử liệu gián tiếp một cách thiếu thận trọng. Sử liệu gián tiếp bao gồm cả những lời kể về sau của những người đã chứng kiến sự kiện. Các nhà nghiên cứu lịch sử địa phương hay lịch sử hiện đại, lịch sử đảng thường sử dụng nguồn tài liệu này, những lời kể như vậy thường được phân tích so sánh với các tư liệu khác, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng là cùng một sự kiện, có thể được trình bày rất khác nhau. Tình hình càng xảy ra là nếu người thông tin là người hiện có uy lực chi phối ở địa phương thì lịch sử sẽ được viết theo cách nhìn nhận của người đó.

Đối với các thời kỳ xa xưa, sự sai lầm càng dễ xảy ra, vì sử liệu càng hiếm hơn, khó kiểm tra hơn. Trong nhiều trường hợp để khôi phục sự kiện nhà sử học phải vận dụng đến sự suy đoán lôgích, và thậm chí cả sự tưởng tượng. Nhưng trong trường hợp sự kiện được trình bày mới chỉ là giả thiết thì điều đó phải được nói rõ, đừng để người khác tin rằng đó là sự thật đích xác. Trong nhiều công trình sử học hiện nay, cái mới chỉ là giả thuyết với cái đã là sự thật, thường bị làm lẫn lộn.

Chẳng hạn không một nhà sử học nào có thể chứng minh được rằng bài thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” là của Lý Thường Kiệt. Không có một sử liệu nào cho biết điều đó cả. Sử cũ chỉ chép rằng trong trận chiến chống quân Tống ở sông Như Nguyệt, một đêm quân sĩ nghe ngâm bài thơ đó trong đền thờ Trương Hống, Trương Hát, cóthể đoán rằng Lý Thường Kiệt đã cho người ngâm thơ. Đi xa hơn có thể đoán rằng Lý Thường Kiệt là tác giả bài thơ. Nhưng đó chỉ là đoán thôi, làm sao nói chắc đựơc đó là bài thơ của Lý Thường Kiệt. Thế nhưng cho đến nay, mọi người tin rằng đó là sự thật, hay đúng hơn không ai giám nghi ngờ đó không phải là sự thật.

Ta còn có thể dẫn ra những ví dụ khác về những sự kiện chắc là không thật mà nay nghiễm nhiên là “sự thật”, ngay cả trong giai đoạn lịch sử gần đây.

Các nhà sử học thường chủ yếu dựa vào nguồn sử liệu viết. Mà nước ta, các văn bản sử liệu thường bị biến chuyển ghê gớm. Đó là chưa kể sự xuất hiện những tài liệu giả. Nếu trình bày sự kiện mà dựa vào sử liệu đã bị biến đổi hay sử liệu giả thì hiển nhiên không tránh khỏi những sai lầm.

Chẳng hạn, cuốn Binh thư yếu lược hiện có, được coi là của Trần Hưng Đạo, là một cuốn sách giả từ đầu chí cuối . Các nhà nghiên cứu viện Hán Nôm vừa làm một việc có ý nghĩa là chứng minh được cuốn sách giả mạo đó đã hình thành như thế nào. Thế nhưng khi viết về cuộc kháng chiến chống Nguyên hay về Trần Hưng Đạo, một số người vẫn dùng cuốn sách giả này. Thậm chí có lãnh tụ đã trích dẫn cuốn sách này trong diễn văn của mình. Đó là lỗi của các nhà sử học, họ đã không thuyết minh đầy đủ khi cho in bản dịch tác phẩm giả mạo này.

Còn các văn bản bị biến đổi, sữa chữa qua các thời kỳ rất nhiều. Thậm chí các văn bản hiện đại. Ngay bức thư của chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các em học sinh mà hiện nay các em trong trường phổ thông vẫn học, vẫn trích, cũng đã sai, khác nhiều với văn bản đầu tiên còn được cất giữ ở cục lưu trữ Trung Ương. Các văn kiện khác cũng vậy. Về điểm này cần phải học tập thái độ của Mac và Angghen khi cho xuất bản Tuyên ngôn Đảng cộng sản năm 1872, hai ông viết rằng “Tuyên ngôn là một tài liệu lịch sử mà chúng tôi không có quyền sửa lại”. Các nhà sử học đòi hỏi phải có một thái độ như vậy đối với các văn kiện lịch sử.

Trên đây là chuyện phê phán sử liệu và miêu tả sự kiện, thực ra sự thật sẽ bị che lấp hay xuyên tạc là ở bước thứ hai, giải thích và đánh giá sự kiện. Đó là vì công việc này phụ thuộc vào mặt chủ quan của nhà sử học như quan điểm, nhận thức và nhân cách. Các nhà sử học chúng ta thường tự coi là người matxit nhưng bệnh thiên lệch lại hay dễ mắc. Mà thiên lệch, cường điệu một cách phiến diện, một mặt nào đó lại là đặc trưng của chủ nghĩa duy tâm . Vì vậy, nhiều sự thật lịch sử đã bị bỏ qua.

Trong một thời gian dài, do một động cơ tốt là phải tập trung binh lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các nhà viết sử chỉ chú ý đến các trang sử chống ngoại xâm trong lịch sử dân tộc. Không chỉ trong các công trình chuyên luận, mà cả trong các bộ thông sử, cũng chỉ tập trung khai thác truyền thống đánh giặc giữ nước. Một nhà sử học Liên Xô khi bình luận một quyển sử Việt Nam do Uỷ Ban Khoa học Xã hội xuất bản đã có một nhân xét thú vị là các bản đồ trong sách, trừ một bản đồ hình thể chung, đều là bản đồ các trận đánh. Trong thời gian qua, hàng loạt các vấn đề kinh tế – xã hội của lịch sử Việt Nam đã không được chú ý đầy đủ.

Cũng là đề cao truyền thống, chúng ta thường đánh giá một chiều, chỉ nhận thấy cái hay cái tốt, dường như người ta không chấp nhận có truyền thống xấu. Đến nay, trong công cuộc xây dựng đất nước, chúng ta đang cần đánh giá đúng về con người Việt Nam, mà phần lớn là tính cách, khả năng đã được quy định qua lịch sử. Phải phân tích trung thực và khoa học các ưu điểm và nhược điểm của con người Việt Nam, chứ không phải cái gì cũng khen.

Chúng ta đã được đọc cả một cuốn sách dày đề cao truyền thống khoa học kỹ thuật Việt Nam. Tôi nghĩ truyền thống khoa học kỹ thuật Việt Namcũng đã đạt được một số thành tựu về kỹ thuật. Nhưng đề cao quá đáng truyền thống khoa học kỹ thuật của người Việt Nam xưa thì là một sự tô hồng không thật. Vả lại, đề cao ông nghè Vũ Hữu cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16 đã tính đủ số gạch xây tường không thiếu một viên, khi trên thế giới không chỉ châu Au (thời Copernic) mà ở Ả Rập (thời Al Kashi) đã có những công trình toán học cao, thì chỉ là một việc lố bịch.

Rồi người ta lại đề cao cả những truyền thống của làng xã cổ truyền, nhấn mạnh tính dân chủ của nó. Không hiểu vì sao các nhà sử học tự coi mình là Mác xít lại có thái độ “dân tuý” đến như thế. Ngày nay, khi cái cung cách, cái tâm lý “việc làng” đang khoác áo xã hội đi giữa chúng ta, các nhà sử học phải xem xét lại thái độ của mình trong việc đánh giá làng xã cổ truyền. Lịch sử Việt Nam anh hùng thật, vinh quang thật, trình bày nó lúc nào, chỗ nào cũng tốt đẹp cả, rực sáng cả thì quả là không thật. Nhà sử học không chỉ ngâm ngợi những thiên anh hùng ca mà không biết đến những khúc bi ca trong lịch sử.

Cũng thường thiên lệch khi chúng ta đánh giá các nhân vật lịch sử. Con người là cả một hệ thống những mối quan hệ phức tạp, bị quy định bởi các điều kiện xã hội tự nhiện, lịch sử. Thiếu một sự đánh giá xuất phát từ chủ nghĩa lịch sử dường như là căn bệnh chung của chúng ta. Một số người đã chỉ trích các nhân vật lịch sử vì họ không giống ta. Một số lại quá yêu các nhân vật đó, đến chỗ miêu tả tư duy và hành động của họ cứ y như là họ đã được học tập chủ nghĩa Mac- Lênin.

Chúng ta hãy nhớ lời Mac :” khoa học càng vô tư và không thiên vị thì càng phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của người công nhân”. Một nền sử học muốn tự biểu hiện là Macxít chân chính, chẳng những phải đặt cho mình nhiệm vụ khám phá chân lý của lịch sử, mà còn phải tỏ rõ khả năng đạt được sự thật khách quan. Cho đến nay nhiều học giả tư sản vẫn nghi ngờ tính khách quan của sử học. Ngay người bạn của chúng ta là Bertrand Russell cũng nói rằng:” sử học chỉ là dẫn ra những ngu xuẩn ngày hôm qua để giúp con người chịu đựng được những ngu xuẩn ngày hôm nay”. Chúng ta phải bác bỏ những luận bằng cách chứng minh rằng nền sử học của chúng ta có khả năng đạt được sự thật khách quan, chứ đừng tiếp tục giúp thêm chứng cứ cho những luận điểm đó

Từ khi chủ nghĩa duy vật biện chứng và lịch sử macxít ra đời, khám phá ra cơ chế hoạt động của sự thật phát triển xã hội, các nhà sử học được cung cấp một mô hình giải thích lịch sử có tính nhất thể – năng động, kết hợp cả hai mặt cấu trúc và biến đổi. Sử học vươn tới phát hiện quy luật và nhờ đó sử học không những nhận thức được quá khứ mà còn chuẩn bị cho những khả năng dự báo. Nhưng sử học muốn thực hiện các chức năng đó, khảo sát con đường đã qua và góp phần nhận thức con đường sắp tới, một điều kiện cơ bản là phải biết sự thật và nói lên sự thật.

Đã là con người, không phải là ông thánh, thì có lúc đúng lúc sai. Đó là chuyện thường tình. Nhưng thật là không công bằng khi chỉ vì khuyết điểm của thời kỳ này, ta sổ toẹt hết cả công lao của nhân vật đó, khi ở thời kỳ khác, đóng góp của người đó rõ ràng, không thể chối cãi. Nhà sử học Mác xít không thể chấp nhận một thái độ như vậy. Tại sao chúng ta không noi gương Lênin trong việc đánh giá nhân vật như Plê-kha-nốp?

————-
https://nghiencuulichsu.com/2013/08/28/lich-su-su-that-va-su-hoc
/

Nữ tiến sĩ và 5 năm xâm nhập thế giới mại dâm ở TP.HCM









Nữ tiến sĩ Mỹ gốc Việt Kimberly Kay Hoang đã dành 5 năm hóa thân thành cô gái phục vụ quán bar để tìm hiểu về hoạt động lẫn vai trò của mạng lưới mại dâm đầy phức tạp ở TP HCM.

Tối một ngày hè năm 2006, Kimberly trở về nước với ý định tìm hiểu về thị trường mại dâm ở TP HCM. Khi đó, cô chưa rõ nên bắt đầu từ đâu, như thế nào. Cách của cô rất đơn giản: bước vào một quán bar, bày tỏ ý định nghiên cứu với chủ quán, hy vọng những cô gái làm việc ở đây sẽ chia sẻ câu chuyện của mình.

Kimberly nhận được cái lắc đầu, đó là điều nằm trong dự tính. Đem việc này kể với một cậu bạn làm pha chế, anh ta khuyên Kimberly nên đến tìm hiểu từ các ông xe ôm thường quanh quẩn ở những khách sạn cao cấp trong trung tâm Quận 1. Nghe theo lời khuyên, Kimberly đã được “mở mang” tầm hiểu biết về giới làng chơi ngầm ở TP HCM phức tạp như thế nào, qua một cuốc xe ôm thâu đêm với giá khoảng 400.000 đồng.

“Tôi không muốn chỉ tìm hiểu một cách qua loa, mà tôi muốn đào sâu tìm hiểu, trò chuyện với những cô gái trong nghề này, và cả những nhu cầu, động cơ của khách hàng khi tìm đến các cô ấy”, Kimberly nói.




Tiến sĩ Kimberly Kay Hoang (33 tuổi) đang giảng dạy tại Đại học Chicago. Ảnh: uchicago


Để có thể đạt được mức độ tin cậy, cảm thông, Kimberly quyết định vào vai và thực hiện những công việc hàng ngày của những cô gái quán bar trong 23 tháng và kéo dài 5 năm (từ 2006 đến 2010). Tổng cộng, cô đã thực hiện 146 cuộc phỏng vấn với các cô gái, 117 cuộc phỏng vấn với những nam khách hàng, 8 buổi trò chuyện với “má mì” và 5 buổi với những người chủ quán bar.

Theo Kimberly, phần lớn những nghiên cứu về mại dâm ở Việt Nam chủ yếu tìm hiểu các cô gái bắt khách dọc đường. Chưa có nghiên cứu nào thâm nhập sâu vào đời sống của những cô gái quán bar, nên những cố vấn của cô tại các trường đại học Việt Nam cũng đắn đo khi đưa ra lời khuyên về cách thức tiếp cận.

Hóa thân và xây dựng lòng tin

Trong những năm “nhập vai”, Kimberly đã làm việc tại 4 quán bar, từ cao cấp, trung lưu đến bình dân, phục vụ cho 4 đối tượng khác nhau. “Tôi phân loại các quán bar dựa trên 4 nhóm đối tượng khách hàng. Nhóm đầu tiên chính là nhóm cao cấp nhất, bao gồm các đại gia người Việt và những đối tác làm ăn châu Á của họ. Nhóm thứ hai là những người đàn ông Việt kiều, nhóm thứ ba là những doanh nhân và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Nhóm cuối cùng, cũng là nhóm bình dân nhất chính là ‘Tây ba lô’”, cô nói.

Nơi đầu tiên Kimberly được chấp nhận làm việc là quán bar chuyên phục vụ đàn ông Việt kiều. Chủ nơi này cũng là một Việt kiều, anh ta đồng tình với những quan tâm của Kimberly, cũng như thông cảm với hoàn cảnh một cô gái gốc Việt từ Mỹ đơn độc về Việt Nam.

"Anh ấy che chở tôi như em gái, giới thiệu tôi với một số người phân phối bia, rồi họ lại giới thiệu tôi cho một số chủ quán bar khác... Mối quan hệ này dẫn tới mối quan hệ khác, cuối cùng tôi được vào làm tại một quán bar chỉ chuyên phục vụ những đại gia Việt Nam, có thể nói là tầng lớp giàu nhất".

Những cuộc phỏng vấn diễn ra ở hậu trường, trong giờ “thấp điểm” khi các cô gái đang ngồi chờ khách đến. Đối với "khách hàng", cuộc trò chuyện có thể diễn ra ngay tại quán bar, quán cà phê, hoặc một nơi gần cơ quan của họ.

Tại những quán bar mà Kimberly làm việc, cô không giấu giếm thân phận mà luôn nói rõ mục đích nghiên cứu của mình. "Thoạt đầu, các cô gái tỏ ra ngạc nhiên. Vì sao một người có học vị và điều kiện như tôi lại tìm đến đây làm gì, và vì sao lại quan tâm câu chuyện của các cô ấy. Khi đó, tôi phải nỗ lực để các cô ấy tin tưởng", Kimberly nói.

Trong nhiều tuần đầu tiên, Kimberly học các công việc của đồng nghiệp. Từ phục vụ đến làm việc ở quầy pha chế, ngồi uống với khách, hát karaoke, để khách chạm vào cơ thể.

"Đó là ranh giới mà khi vượt qua thì bạn sẽ không còn là phụ nữ đứng đắn theo quan điểm thông thường. Nhưng nó giúp tôi lấy lòng tin với các cô gái và khách hàng. Khi bước vào đây, tôi không tỏ ra mình tốt hơn hay thông minh hơn các cô ấy. Tôi phải làm công việc giống như họ, tôn trọng công việc của họ".

Kimberly làm việc khoảng 13 tiếng mỗi ngày, và đủ 7 ngày trong tuần. Thỉnh thoảng cô cũng xếp hàng để những vị khách nam chọn. "Nhưng vì tôi già, xấu, chân ngắn và cũng không mảnh mai, không hấp dẫn, nên khi đó chẳng có ai gọi tôi đến bàn cùng uống rượu cả", Kimberly cười lớn khi kể lại.

Sau khoảng 9 tháng liên tục làm việc tại quán bar cao cấp vốn đòi hỏi phải uống rượu hàng đêm với khách nhiều hơn, Kimberly quyết định giảm tần suất công việc. Chuyển sang quán bar bình dân nhất, cô chọn đóng vai người quan sát hơn là hóa thân thành cô gái quán bar thực sự.

Kimberly cho biết cô dễ dàng hòa nhập với các vị khách tại những quán bar cao cấp hơn, vì năng lực ngôn ngữ, nền văn hóa và cách tương tác rất "Mỹ". Sau khi đoán được trình độ của cô, một vị khách thậm chí để nghị Kimberly trở thành "thư ký tình dục" (sex-retary) cho ông ấy với mức lương 3.000 USD/tháng. "Khi đó, trong lòng tôi chỉ muốn đấm một phát vào mặt ông ấy. Nhưng tôi đã kiềm chế, mỉm cười, và cúi đầu từ chối cơ hội này", Kimberly kể.

Quyền năng châu Á và sự suy tàn của châu Âu

Giai đoạn hai trong quá trình nghiên cứu của Kimberly trùng với cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, bắt đầu từ năm 2008. Lúc này, Việt Nam hầu như chưa bị ảnh hưởng. Thậm chí, trong giai đoạn khủng hoảng, Việt Nam trở thành một trong những thị trường hấp dẫn tại châu Á đối với nhà đầu tư nước ngoài, FDI năm 2009 gần gấp 3 năm 2006.

Nhưng phần lớn đầu tư nước ngoài của Việt Nam giai đoạn 2006 - 2009 không phải từ Mỹ hay châu Âu, mà từ châu Á, như Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore. Do vậy, hướng nghiên cứu lúc này được mở rộng sang việc sử dụng tình dục như hình thức thanh toán, trao đổi hoặc hỗ trợ trong quan hệ kinh tế như thế nào.




Quyển sách của Kimberly Kay Hoang tựa đề tạm dịch "Mua bán dục vọng: quyền năng tại Châu Á, suy tàn tại Châu Âu và hình thức tiền tệ ngầm của nghề mại dâm toàn cầu", là tổng hợp trải nghiệm và phân tích khoa học từ 5 năm phục vụ quán bar tại TP HCM. Cuốn sách đã đạt nhiều giải thưởng học thuật uy tín tại Mỹ.


“Cách làm ăn rất châu Á. Quy trình, luật lệ không phải là những yếu tố tuân thủ hàng đầu. Vậy làm sao để xây dựng mối quan hệ và lòng tin? Họ đã làm những điều này tại quán bar.

Đối với đàn ông châu Âu, đến quán bar là để vui vẻ và giải trí. Nhưng đối với đàn ông châu Á, quán bar còn là nơi để tiếp xúc, tìm hiểu lẫn nhau trong các phi vụ làm ăn và ký hợp đồng”, Kimberly nói với Zing.vn.

Theo quan sát của Kim, điều khiến nhiều nhà nghiên cứu bất ngờ là vị thế của những người đàn ông phương Tây trong các quán bar hạng sang ở Việt Nam lại không phải cao nhất, mà thống trị chính là các đại gia người Việt.

“Bởi vì đàn ông phương Tây không mang theo sẵn thật nhiều tiền mặt để chi trả, trong khi các quán bar hiếm khi nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng. Tấm thẻ trở nên vô dụng, trong khi những đại gia Việt lại rất nhiều tiền và đặc biệt là rất hào phóng. Đó cũng là điều phản ánh một phần từ góc nhìn ‘Quyền năng châu Á và suy tàn của phương Tây’”, Kimberly nói.

Cô nhớ nhất một buổi tiếp khách của một đại gia người Việt với các đối tác Đài Loan. Đến khi thanh toán, biết chắc rằng những đối tác không mang đủ tiền mặt, vị đại gia liền “vung tiền” và tự hào tuyên bố: “Đây là cách chơi của chúng tôi”.

Ông này cũng hào phóng “boa” cho các cô gái phục vụ tổng số tiền 1.100 USD, rồi lại quay sang hỏi đối tác: “Các vị có bao giờ thấy ông Tây hay Việt kiều nào làm như vậy chưa?”.


Kimberly Kay Hoang chia sẻ những kết quả nghiên cứu với sinh viên tại ĐH Chicago. Ảnh: uchicago


Cuộc sống của cô gái quán bar
Theo Kimberly, “tình chị em” giữa những cô gái quán bar khá gắn kết. Họ tụ tập vui vẻ với nhau những khi không làm việc, tổ chức tiệc sinh nhật cho nhau, thậm chí đến thăm gia đình của nhau.

Má mì cũng không hẳn là người bóc lột sức lao động. Họ không xén bớt phần tiền của các cô gái sau mỗi lần ‘mây mưa’ với khách. Họ chỉ nhận tiền boa khi ngồi uống với khách. “Nhưng điều này chỉ diễn ra trong các quán bar cao cấp”, Kimberly thừa nhận.

Các cô gái cũng chịu khó tân trang nhan sắc để thu hút được nhiều khách hơn. Họ nâng mũi, nâng cấp vòng 1… hoặc phẫu thuật theo hướng để giống với các cô gái Hàn Quốc. Đó là vẻ đẹp mong manh của phụ nữ châu Á, vừa hợp nhãn với những đại gia địa phương mà cũng hấp dẫn đối với các vị khách phương Tây, khác hẳn hình ảnh những gái mại dâm “xôi thịt” như tại Mỹ.

“Một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ từng nói với tôi rằng, ‘Nhiều người cứ bảo tiền không mua được tình yêu, nhưng đó là do họ không biết mua ở chỗ nào thôi’”, Kimberly chia sẻ.

Kimberly cho biết, nhiều cô gái chọn trở thành phục vụ ở quán bar vì đây là công việc không khó nhọc nhưng giúp mang lại thu nhập cao, so với các công việc như ở nhà máy.

Trên thực tế, họ cũng là người đóng góp lớn cho thu nhập gia đình ở quê hương so với những người anh em đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Nhưng định kiến ở một xã hội phương Đông vẫn rất nặng nề.

Một trong những kỷ niệm buồn của Kimberly là khi cô về thăm nhà một nữ đồng nghiệp vào dịp Tết. Giữa chặng đường, mẹ của người bạn gọi điện thoại và chửi mắng con gái. “Bà bảo cô ấy đừng về nữa. Hàng xóm ai cũng kháo nhau rằng cô ấy đi làm gái”. Cô gái oà khóc giữa chuyến xe, “má mì” cố gắng khuyên bảo: “Không sao đâu, rồi chúng ta sẽ có cách”.

(Theo Zing)

thơ, năm chữ, sáng nay


Trần Thanh Dũng





…chớ đào nấm mồ cũ
một ít tro bụi vàng
nhúm hài cốt không đủ
nuôi một bầy nhân gian


thời đại đã sang trang
chớ quật lên lịch sử
dù để đúc tượng vàng
hay soi tìm chứng cứ

đi về đâu lịch sử?
trái đất rồi tiêu vong
một vài tỉ năm tới
tham sân si ? bận lòng

chớ bắn vào lịch sử*
bằng tên lửa đối không
tương lai âm vọng lại
tan hoang mỗi đáy lòng…

Thơ Hiện Sinh




Đang Sống Cái Phải Sống
Phải Sống Cái Đang Sống


1. Dẫn.

Triết học thể hiện cao nhất không phải trong văn xuôi luận lý mà trong thi ca. Lý do, lý luận triết học đối phó với trí óc và hiểu biết. Thơ đi thẳng vào trực giác và vô thức bằng cảm nhận, không cần thuyết phục. Đến như Thiền, là con đường trực tuyến; thấy bằng huệ nhãn, đón bằng huệ tâm, mà các thiền sư vẫn dùng thơ như một cách ngộ và dùng thơ để chỉ điểm và cải hóa môn đệ.

Thơ sử dụng chất tinh anh của ngôn ngữ để diễn tả phần tinh anh của điều muốn nói bằng một cách tinh anh nhất của nghệ thuật diễn đạt. Tất cả những thứ này chính là tinh hoa của thi sĩ. Và tinh anh không có nghĩa là cô đọng. Cô đọng chỉ là một phần trong cách diễn đạt thơ.

Existentialism, có người gọi là thuyết Hiện Sinh, có người gọi thuyết Sinh Tồn hoặc chủ nghĩa Hiện Hữu. Chữ gốc La Tinh: Esse, có nghĩa (tự nhiên, đương nhiên, bẩm sinh) + ( sinh vật, con người, sự sống, sự tồn tại). vậy thì căn bản của Existentalism là Đang Sống và Phải Sống. Đang sống gần với Hiện Sinh. Phải sống gần với Sinh Tồn. Nói một cách dễ hiểu là " kinh nghiệm đang sống cái phải sống và kinh nghiệm phải sống cái đang sống" là nền tảng của cảm nhận hiện sinh trong lãnh vực sáng tác. Riêng trong tiếng Hán, Existentialism, gọi là Tồn Sinh Chủ Nghĩa ( 存在主义).

Ở thế kỷ 21 mà nói thuyết Hiện Sinh-Sinh Tồn e rằng quá muộn chăng? Ở thế kỷ 21 nói thuyết Vô Vi của Đạo Đức Kinh e rằng không muộn vì có quá nhiều điều đúng với hiện tại. Nói chung, triết thuyết có thể qua đời nhưng tinh anh của triết thuyết vẫn sống mãi. Triết học là khám phá điều đã có và hệ thống hóa nó. Không có triết học nào là sáng tạo, kể cả triết học trong tôn giáo.

Bản chất hiện sinh hoặc sinh tồn có từ trước nhưng phải đợi tới người khai sinh ra hệ thống là triết gia hữu thần Kierkegaad (1813-55) và triết gia vô thần Friedrich Nietsche (1844-1900). Những người truyền bá rộng rãi về sau là triết gia Martin Heidegger (1889-1976), Jean Paul Sartre (1905-80), và các nhà văn Albert Camus (1913-1960), Simone de Beauvoir (1908-1986), Franz Kafka (1883-1924), Fyodor Dostoevsky (1821-1881)...

Sự thể hiện đang sống và phải sống trong thi ca đã có từ lâu, từ lúc thi sĩ vượt ra giới hạn của tôn giáo nhưng nhiều bài thơ mang dấu ấn của Hiện Sinh xuất hiện vào giữa thế kỷ 19, lan rộng trong thế kỷ 20 và bàng bạc khắp cõi thi ca thế giới.

Có lẽ thi sĩ đầu tiên được xem là người có sáng tác mang tinh thần Hiện Sinh là John Donne trong thế kỷ 16-17 (1572-1631). Ông viết:

"Tôi bất tài," đàng xa kia, gã hành khất kêu nài,
Đứng lại, hay bỏ đi, nếu lời nói đúng, gã đang dối gạt.

I am unable, yonder beggar cries,
To stand, or move, if he say true, he lies. ( A Lame Beggar. John Donne)

Châu Mỹ La Tinh cũng là nơi xuất phát tinh thần của thuyết Hiện Sinh, thi sĩ Tây Ban Nha Miguel de Unamuno ( 1864- 1936) được xem như là một trong những người tiên phuông sáng tác thơ Hiện Sinh. Trong bài thơ Life is Doubt, ông viết:

Sống là hoài nghi
Còn niềm tin không ngờ vực chẳng có, chỉ có chết.

Life is doubt,
Anf faith without doubt is nothing but death.

Bắt đầu từ đó, một trong những dòng thơ Trừu Tượng, là dòng thơ Hiện Sinh chảy băng qua thế kỷ 20. Dần dà, theo sự tan dần lặng lẽ của cơn sóng Hiện Sinh, thơ Hiện Sinh tan vào cõi thơ. Sáng tác không còn quan tâm về chủ thuyết mà chỉ cưu mang kinh nghiệm đang sống cái phải sống và phải sống cái đang sống.

2. Thơ và Giá Trị Sinh Tồn Của Thơ Hiện Sinh.

Một trong những động cơ và cấu trúc nội dung cho sáng tác là kinh nghiệm của tác giả. Sáng tác từ một kinh nghiệm riêng không hiển hiện được kinh nghiệm chung, tác phẩm thường chết yểu hoặc chết theo tác giả. Sáng tác từ kinh nghiệm chung diễn đạt kinh nghiệm chung, tác phẩm thường xoàng xĩnh. Sáng tác từ kinh nghiệm riêng hòa nhập vào kinh nghiệm chung, phong phú hóa kinh nghiệm chung, thường là tác phẩm có sức sống lâu dài.

Hoài niệm là một phần của kinh nghiệm được sử dụng hàng ngày để xây dựng bài thơ. Phát triển cao điểm dưới phong trào thơ Lãng Mạn. Sau khi bị tràn ngập và kéo dài, hoài niệm trở thành "oan hồn" cản trở sự phát triển thi ca mang yếu tính "hôm nay". Thơ không đang sống cái phải sống mà sống với cái đã chết. Kinh nghiệm về cái phải sống không được ngó ngàng tới. Sáng tác mỗi ngày vẫn phải theo thời gian đi tới nhưng đầu quay nhìn lui. Đừng nói chi hoài niệm xa xôi, dù chỉ hoài niệm một vài giờ trước, nếu bài thơ không cưu mang sức sống và kinh nghiệm về phải sống, thì bài thơ đã mang mầm mống chết. Nói cho rốt ráo, hoài niệm là một động lực mạnh, là chất liệu quý để sáng tác. Tuy nhiên, nếu chỉ để nhắc lại, kể lể, thương nhớ, than thở, rồi tiếp tục nhắc lại, kể lể, thương nhớ, than thở, sẽ rơi vào sự hời hợt và nhàm chán. Để sửa chữa sự hời hợt và nhàm chán, sáng tác sử dụng chữ nghĩa và tứ thơ trang trí cho khó hiểu, mong muốn nhìn bên ngoài cảm thấy bài thơ sâu sắc, việc này làm cho bài thơ tăng phần giả dối. Và thời gian sẽ lật tẩy. Có lẽ, hoài niệm nên biến thành hoài nghiệm, thơ sẽ sâu thẳm hơn.

Trí nhớ là kho tàng vô hạn cho sáng tác. Đa số thơ, không ít thì nhiều, đều cưu mang hình ảnh, sắc màu, ý tứ, câu chuyện từ quá khứ. Tất cả những dữ liệu này đều là những tử liệu. Chúng cần có một linh hồn, một sức sống, đó là kinh nghiệm sống. Những tử liệu từ trí nhớ phải được sinh hoạt trong một kinh nghiệm đang sống hoặc phải sống, kinh nghiệm đó càng có trọng lượng chừng nào thơ càng có giá trị riêng chừng đó. Hình ảnh màu sắc ý tứ thơ có thể quen thuộc nhưng được kết hợp trong một vài kinh nghiệm riêng tư, bài thơ sẽ có chiều sâu của sáng tác. Phương pháp sáng tạo này là món quà mà Hiện Sinh đã mang lại cho thi ca.

Thi sĩ Emily Dickinson (1830-86), bà được xem như một trong những thi sĩ phổ biến tinh thần hiện sinh đến người đọc. Tác phẩm Time and Eternity, ra đời năm 1924, mang nhiều bài thơ với kinh nghiệm đang sống và phải sống. Phải chấp nhận sự phi lý của cuộc đời và tiếp tục sống với sự phi lý đó. Không lối thoát, ngoài trừ cái chết.

Bài XV. 

Tôi từng thấy con mắt sắp chết
Trợn láo liên nhìn xung quanh phòng
Dường như muốn tìm kiếm điều gì,
Rồi trở nên vẩn đục,
Rồi sương khói kéo mờ,
Rồi lịm nhắm,
Không thổ lộ điều gì,
May thay đã được nhìn thấy.

Bài XXXI

Chết là đàm thoại giữa
Tâm hồn và cát bụi
" Hãy biến mất, " sự chết nói. Tâm hồn, " Thưa ngài,
Tôi còn có trách nhiệm khác."

Sự chết không tin, phản đối từ lòng đất.
Tâm hồn bỏ đi,
Chịu thua , để lại vết tích,
Phủ một lớp đất.

Bài XXXVI

Tôi đánh mất thế giới của mình mấy hôm trước
Có ai lượm được không?
Bạn sẽ biết ngay khi thấy hàng tinh tú
bao xung quanh trán nó.

Người giàu có lẽ không chú ý;
Còn đơn thuần trong mắt tôi
Nó quý trọng hơn đồng vàng duca
Ô, thưa ông, xin ông tìm giúp . (1)

Những con đường triết học ngổn ngang và những đại lộ tôn giáo một chiều đều dẫn về hai câu hỏi: Người đến từ đâu? và về nơi nào? Then chốt là cánh cửa sự chết. Chết là một sự kiện quan trọng. Vì phải chết mà con người phải chọn lựa thái độ sống. Hiện sinh chọn sống ý thức về cái đang sống và phải sống. Vô số thơ văn nhận diện sự chết để đối phó sự phi lý của sống, cùng một lúc "tiêu hóa" chất phi lý để làm đời sống hay đẹp hơn "một cách phi lý". Thơ hiện sinh để chủ nghĩa Hiện Sinh lại trong thư viện và tiếp tục cưu mang chất sống phi lý vào tâm tình hàng ngày.

Hãy nói tôi nghe đến khi lời anh thành vô dụng.
Âm sắc rung lên hóa hành động siêu nhiên.
Trong ngắn hạn làm người, nguyện vọng là thất vọng bằng cứu rỗi.
Miệng anh biến nên đa dạng lắt léo bùa mê
Ngợi ca vô nghĩa những ý từ nguyên nghĩa
Thuyết phục như E-Và
Khao khát vô hạn được rửa tội
Tất cả đều giả dối
Tôi sẽ không tha thứ Thượng Đế đã trừng phạt tôi
Ban phát thánh lễ, trục xuất cõi đời đời
Hoan nghênh!
Nơi dối trá hòa tan vào lòng tin tưởng. (2)
(Meditation on the existential and Artaud của Maran Rachel.)

Đôi khi thơ trầm tư về những điều siêu nhiên, những thao thức siêu hình như bài thơ Meditation on Existential and Artaud. Đôi khi bình thường bàng bạc cảm xúc bi quan qua một cơn mưa, như bài thơ This Existential Rain của thi sĩ Matthew Rhys. Không phải là cơn mưa hồi tưởng, không phải cơn mưa kỷ niệm, không phải cơn mưa đang rơi, là cơn mưa tâm linh. Ẩn dụ một đời sống buồn bã. Không làm sao khác hơn, phải sống.

Cơn mưa này chưa dứt
vẫn gào thét triền miên,
xói mòn hồn rả rích.
Chiếc giếng sâu than van
giọt nước mắt
ngắn dài, lõm bõm
lập lại rồi lập lại,
rồi lập lại.
................................
Qua cửa sổ gương mờ
cảnh vật thấy mù tăm
mùa buồn sầu,
những giấc mơ u uẩn
nối nhau chầm chậm trôi.
Bùn đời đen mằn mặn
trong ngòi lạch cạn dòng
chảy vào sâu tăm tối
nước xoáy tròn rút cạn.
...................................
Gỗ mục nát vì mưa
vì thời gian âm thầm gặm nhấm,
kết cuộc không thể đổi thay
đời chúng ta cũng vậy
đường đi theo số phần.
Sau một cuộc hủy hoại
còn nỗi đau vô tâm,
cơn mưa này hiện hữu
rơi rơi mãi không ngừng.
.................................. (3)

Cốt lõi của Hiện Sinh là sự quan trọng của cá nhân. Mỗi cá nhân Ý THỨC sự hiện hữu của mình. Có tự do và độc lập hành xử trong xã hội và đời sống; gánh chịu trách nhiệm về hành động đã làm. Cởi bỏ những thứ giả tạo, bình phong bao che bên ngoài. Mỗi cá nhân ý thức giá trị của bản thân, tự sáng tạo ra giá trị của mình, không phải những giá trị theo thước đo của tập đoàn, xã hội.

Đem những điều này vào sáng tác, sẽ thấy những ý tứ thơ trần trụi ra đời. Cởi bỏ những trang điểm hoa hòe. Quăng đi những "đạo đức" thi ca do xã hội đặt ra dưới hình thức bất thành văn. Bỏ đi những trói buộc, qui tắc, những đòi hỏi của nhóm hàn lâm bảo thủ. Thậm chí bỏ luôn những người đọc có trình độ thưởng ngoạn bình dân. Bỏ đi những phê bình văn học không có khả năng chuẩn đón hoặc có khả năng nhưng thiếu công bằng.

Thi sĩ có tinh thần hiện sinh là người tự ý thức sự hiện hữu trong cõi thơ. Đây là ý thức cần thiết để phân biệt khách qua đường, kẻ ở trọ và người sinh hoạt trong thế giới thơ. Ý thức về làm thơ. Có ranh giới rõ ràng giữa làm thơ nghệ thuật và làm thơ phổ thông. Có phân biệt rõ rệt giữa đi tìm sáng tạo và mượn dùng sáng tạo. Và ý thức tự sáng tạo ra giá trị thơ cho riêng mình. Trong quan điểm này, ông Jean Paul Sartre viết:

" ...Một trong những động lực của sáng tạo nhà thơ chắc chắn là cái nhu cầu tự cảm thấy mình có vai trò cốt yếu đối thế giới. Dáng vẻ kia của những cánh đồng hay của biển, nét mặt kia mà tôi đã bóc lộ ra, nếu tôi cố định nó trên một bức tranh, trong một tác phẩm viết, bằng cách siết chặt lại các mối tương quan, bằng cách đưa lại trật tự nơi không có trật tự, bằng cách đem sự thống nhất của trí tuệ mà áp đặt lên cho cái đa dạng của các sự vật, tôi có ý thức là tôi sản sinh ra chúng, nghĩa là tôi tự cảm thấy tôi là cốt yếu đối với sự sáng tạo của mình... Nhưng lần này vật được sáng tạo ra lại tuột khỏi tay tôi: tôi không thể bóc lộ và sản sinh cùng một lúc. Tác phẩm chuyển thành không cốt yếu so với hoạt động sáng tạo. Trước hết dẫu đối với những người khác nó được xem như đã hoàn chỉnh, thì vật được sáng tạo ra đối với ta luôn luôn có vẻ còn tạm treo đó: lúc nào, ta cũng có thể thay đổi đường nét này, màu sắc kia, hay từ nọ; cho nên không bao giờ nó hoàn chỉnh. Một họa sĩ học nghề hỏi thầy: “Lúc nào tôi có thể coi bức họa của tôi là đã hoàn thành?”. Người thầy trả lời: “Khi anh có thể nhìn nó mà kinh ngạc, tự hỏi: “chính mình đã làm ra cái này ư!”
Tức là: không bao giờ. Bởi như vậy thì cũng bằng nhìn ngắm tác phẩm của mình bằng con mắt của một người khác và bóc lộ cái người ta đã sáng tạo ra. Nhưng đương nhiên ta càng ý thức về hành động sản sinh của mình bao nhiêu thì càng ít ý thức về vật được sản sinh ra bấy nhiêu..."
( Trích Viết để làm gì? của Jean Paul Sartre, bản dịch của nhà văn Nguyên Ngọc.)

Đa số những bài thơ được định danh là thơ Hiện Sinh, thường mang nội dung nặng nề những nỗi niềm thao thức về thân phận. Đúng hơn là những câu hỏi không có dấu hỏi và cũng không cần câu trả lời.

Khi phải thở dưỡng khí từ bình treo trên máy trợ tá
Khi lửa đam mê tàn lụn thành tro
Khi phải cần xe lăn thường xuyên di chuyển
Khi giường bệnh viện dẫn đưa tôi vào quan tài
Khi chỉ còn bồ câu mỗi sáng vì tôi thương khóc
Khi họ hàng thân nhân nhẫn tâm rời xa
Khi giáp mặt một ngày mới hèn nhát và mù quáng
Khi mỗi ngày mai là kẻ thù ghê gớm phải đối đầu
Khi giày vò bởi khổ đau quen dần thất bại
Khi chương cuối cùng trong sách đời tôi đã chấm dứt
Làm ơn, cho tôi chào lần cuối trước khi vào điện ngục hỏa thiêu (4)

Thuyết Hiện Sinh với những ưu khuyết điểm thường lệ của hệ thống triết học. Những ngưỡng mộ và những đã phá cũng đã tranh cãi xong. Sáng tác hiện sinh không vấp phải nhiều trở ngại của triết thuyết. Sau khi hấp thụ được phần tinh anh của chủ nghĩa hiện sinh, thơ hiện sinh ra đời và tự tạo một ưu thế riêng so với các loại thơ trừu tượng khác. Thơ hiện sinh chú trọng về nội dung.

Đọc thơ hiện sinh thường dễ bị lầm lẫn, tưởng rằng loại thơ này chuyên đối phó những sự việc lớn lao sống chết của nhân sinh. Trên thực tế, sau khi cởi chiếc áo hiện sinh, tinh thần thơ hiện sinh đi vào những chi tiết nhỏ nhặt, những ngõ ngách bình thường của tâm tư.

Tôi sống ở đâu?
Nơi nào giữa Thứ Hai và Chủ Nhật
Trong đáy mắt chim quạ
Tôi là gai nhọn dưới trái bóng trời xanh

Luôn luôn, sự hóm hỉnh trào ra. Bóng tủ búp-phê
ngã dài trên sàn nhà. (5)
( Existialist. Sheena Blackhal.)

Muốn tìm thấy thẫm mỹ chân chính và thực tế
chỉ cần nhìn lên ngàn sao
không có cách nào biết được
chúng ta thật sự là ai
hãy nhìn vào gương soi
chỉ cần vài giây thôi
chúng ta giả vờ không nghe thấy
trong khi chúng ta ước mong
được tự do bay nhưng cảm thấy neo xuống
tất cả việc này chỉ xảy ra trong đầu
Chúng ta không bao giờ nhớ lại
Cho đến khi hấp hối (6)
( The Existance of Existentialism của Mike Smith.)

Tại sao đứng một mình
Trong đêm
Trên mặt đất
Một mình cạnh bên ý nghĩa
Bởi ngôn từ không bao giờ có giới hạn
Tại sao đứng một mình trên ngọn đồi, đội trời cao
Nghĩa là chỉ thở dài
mà không ai biết (7)
( Why của Cynthia Richards.)

Thuở xưa dưới thời văn minh Ai Cập,Hy lạp, La Mã, thời thượng cổ, những thi sĩ thường được xem là nhà tiên tri. Không hiểu là vì các nhà tiên tri hay nói bằng thơ hay vì thi sĩ thời đó có khả năng tiên tri. Nhưng chúng ta biết được những bài thơ để lại từ Homer, Horace...v..v...là những bài thơ cưu mang những chiêm nghiệm triết lý sâu sắc. Quá nhiều suy tư, dần dà thơ thiếu thực tế, đi trên mây. Về sau, từ thế kỷ 19 trở đi, nhất là trong thế kỷ 20, thơ hạ thấp xuống, nhập vào đời sống thực tế và cụ thể hơn. Cụ thể quá, thực tế quá, sát đất quá, thơ trở thành bình dân.

Xét về mặt sáng tác, có hai con đường càng lúc càng rẽ xa: Sáng tác tác phẩm phổ thông và sáng tác tác phẩm nghệ thuật. Khi một người làm thơ bắt đầu thành hình thi sĩ, có thể thấy sự chọn lựa của họ khá rõ ràng. Vẫn có những thi sĩ trước chọn phổ thông, dần dà chuyển sang nghệ thuật và ngược lại.Tác phẩm phổ thông dễ thuyết phục đám đông nhưng ít giá trị. Tác phẩm nghệ thuật chọn lọc thưởng ngoạn và càng đi xa càng đón lấy thất vọng.

3. Tuyển năm bài Thơ Hiện Sinh

Đôi Vai Anh Gánh Lấy Đất Trời
Thơ: Carlos Drummond De Andrade (1902-1987)

Đến giờ đó anh không còn có thể kêu: Chúa ơi.
Đến giờ đó vạn vật đều hoàn tất.
Đến giờ đó anh không còn có thể gọi: em ơi.
Vì tình đã vô dụng.
Mắt không còn khóc.
Đôi tay chỉ làm công việc khó khăn.
Con tim khô héo.

Đàn bà gõ cửa , vô ích, anh không mở.
còn lại một mình, tắt đèn,
đôi mắt mở to long lanh trong bóng tối.
Rõ ràng anh không còn khổ đau.
Không còn muốn gì từ bằng hữu.

Chẳng ai quan tâm nếu già thêm, già ăn thua gì?
Đôi vai anh gánh lấy đất trời
gánh nhẹ hơn bàn tay con trẻ.
Chiến tranh, nạn đói, gia đình đóng cửa cãi nhau
chỉ chứng tỏ cuộc đời vẫn sống
không phải ai cũng được hưởng tự do.
người yếu đuối bị xét xử tàn nhẫn
thà chịu chết.
Đến giờ đó nếu chết không giải quyết hết.
Đến giờ đó nếu sống là quy luật tuân theo
Đành phải sống, không trốn đâu được. (8)

Đá Cuội
Thơ: Zbigniew Herbert ( 1924-1998 )

Đá cuội
vật hoàn hảo

dung hòa với chính nó
biết ưu khuyết điểm bản thân

tự viên mãn
giá trị của đá

có vẻ nhìn không làm cho ai nhớ lại bất cứ điều gì
không gây sợ hãi cũng không khuấy động ước mơ

chịu đựng nóng lạnh
là phẩm cách vẹn toàn

Tôi thấy nhiều thương cảm
khi cầm đá cuội trong tay
vì hình hài đáng quý
chỉ được ấm tạm thời

- Đá cuội không khuất phục
cuối cùng sẽ nhìn ta
bằng ánh mắt thẳng thừng và bình thản (9)

Gồm Ba Phần
Thơ Pblo Saborio

Chào
Có ai không?
Chàoooooo?
Mục sư
và cô gái điếm
cùng vào quán rượu

Cùng đến quày hàng.
Người pha rượu: các bạn uống gì?
Gái điếm tươi cười,
" Anh Sam, cũng giống như hôm qua ".
Mục sư cười
tròn trịa cầu tài
" Sam, cho tôi một thế kỷ u tối."
Mây trời kéo qua
vở nháp của tôi, khắc khoải
như ốc sên gặp thời khốn đốn.

Có ai không?
Có người nào không?
Cô gái điếm hở hang
khoe hai núm nho đen ngọt ngào
$15 cho chơi vú.
Anh da trắng Alfred đồng ý giá tiền.
Tôi vẽ nháp toàn bộ thành phố

trong một góc
tôi dựng lên căn nhà
màu vàng với nhiều thứ trông đẹp
trong phòng khách.

Cốc, cốc
Alfred thỏa mãn, tinh tú
run rẩy trong tròng kính âm u.
Cô nói: " Đưa đây 15 đồng".
Tôi xé một nửa số trang nháp,
rồi nói, " tai nạn nghề nghiệp".
nhưng đa số trang trong vở
dính những vết đen
như bóng đàn chim
băng dặm trường tuyết trắng. (10)

Màu Vàng
Thơ: AJ Morelli

Vincent tặng nàng hoa hồng vàng
ngắt từ vườn hàng xóm

như thường lệ nàng nhận hoa
rồi quay lưng vào nhà

bóng dáng tên nàng
chưa kịp thành hình trên môi chàng
đã tan biến

luyên thuyên tiếng truyền hình
nàng im lặng bấm điện thoại

Cành hồng nằm trong bồn
cạnh chén dĩa chưa rửa

chàng cảm thấy đói
không còn gì để ăn

đời đói khổ nào có đáng gì

đêm xuống người đang yêu
và người chưa yêu, đều giống nhau (11)

Gọi Bản Ngã
Thơ Suzy Kassem

Hãy định thần soi gương
Rồi nói: TA YÊU NGƯƠI,
Lập tức
Một luồng điện
Lăn tăn chạy khắp hồn
Rồi trào ra mắt
Như sao băng
Nhảy múa ngang bầu trời
Đê mê.
Nói với hồn rằng bạn yêu bản ngã
tương tựa như sực nhớ
BẠN LÀ AI
Sau cuộc hôn mê dài
100 năm
Khuôn mặt bạn sẽ chiếu rọi ánh sáng
về trăm cõi ngân hà (12)

Ngu Yên

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2016

Linh sam 86 ghép lũa- giá 200k

Linh sam 86 ghép lũa- giá 200k-ĐT 0974548883.
STK Phạm Đình Trúc Thu 711ab2332746 Vietinbank Tây ninh


Linh sam SH - giá 250k

Linh sam SH - giá 250k-ĐT 0974548883.
STK Phạm Đình Trúc Thu 711ab2332746 Vietinbank Tây ninh