" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016
Trang Sử Chưa Được Tiết Lộ Về Hoa Kỳ
Hoàng Hữu Phước, MIB
Hôm nay các phương tiện truyền thông đại chúng ở New Zealand – và tất nhiên cũng ở Việt Nam – đồng loạt đưa tin về chuyến thăm Việt Nam và Nhật Bản của Tổng Thống thứ 44 của Hoa Kỳ Ngài Barack Hussein Obama Đệ Nhị. Chuyến thăm này của Ngài Obama (a) một mặt làm tiu nghỉu những kẻ chống Việt đã loan tin hàm hồ láo xạo về việc hủy bỏ chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thống Hoa Kỳ để phản đối việc Việt Nam bầu lại Chủ Tịch Nước, Chủ Tịch Quốc Hội, và Thủ Tướng trước nhiệm kỳ – một việc hoàn toàn phù hợp Hiến Pháp Việt Nam và luật pháp Việt Nam mà tất cả các nguyên thủ của tất cả các nước trên toàn thế giới phải công khai công nhận và công khai tôn trọng, (b) một mặt tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu quốc tế và các nhà báo lão luyện trên thế giới tập trung viết về tội ác chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam và Nhật Bản. Một trong vô số các bài viết ấy là của nhà báo Edu Montesanti, tác giả quyển Những Sự Dối Trá Và Tội Ác Của Cuộc Chiến Chống Khủng Bố (Lies and Crimes of “War on Terror”), phỏng vấn độc quyền Giáo sư Peter Kuzinick, công dân New York, Giáo sư Lịch Sử Đại Học Hoa Kỳ và Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Nguyên Tử Hoa Kỳ, mà tôi dịch sang tiếng Việt như dưới đây để cung cấp cho bạn đọc có thêm thông tin về một giai đoạn lịch sử không thể nào quên của nhân loại. Trong bài phỏng vấn này, Giáo sư Peter Kuzinick nói về việc thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagazaki, về tội ác cùng các dối trá của Mỹ đàng sau cuộc chiến tranh tại Việt Nam cũng như về sự thật đằng sau cuộc xâm lược của Mỹ tại Việt Nam, và vì sao Mỹ có cuộc Chiến Tranh Lạnh với Liên Xô cũng như vì sao cuộc chiến ấy cùng truyền thông chính thống đã ảnh hưởng đến thế giới ngày nay, lợi ích từ cuộc ám sát Tỏng Thống Kennedy, chủ nghĩa đế quốc Mỹ đối với Châu Mỹ La Tinh thời Chiến Tranh Lạnh và ngày nay dưới vỏ bọc giả trá của Chiến Tranh Chống Khủng Bố và Chiến Tranh Chống Ma Túy.
*********
Edu Montesanti: Thưa Giáo sư Peter Kuznick, xin cảm ơn ông rất nhiều vì đã cho phép tôi được phỏng vấn ông. Trong quyển Lịch Sử Chưa Được Nói Đến Của Hoa Kỳ, ông cùng đồng tác giả Oliver Stone có tiết lộ rằng việc ném các quả bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki của Tổng thống Harry Truman là không cần thiết về mặt quân sự, cùng những lý do đằng sau nó. Xin Giáo sư vui lòng bình luận về các sự nêu lên này
Peter Kuznick: Thật là thú vị khi tôi nói chuyện với những người ở nước khác thì hầu hết đều cho rằng các vụ thả bom nguyên tử là không cần thiết và không thể biện minh được, trong khi hầu hết người Mỹ vẫn tin rằng việc thả những quả bom nguyên tử ấy là hành động thực sự nhân đạo vì chúng cứu sống hàng trăm hàng ngàn người Mỹ rất có thể sẽ chết trong một cuộc xâm lược của hàng triệu người Nhật.
Đó là một ảo tưởng để tự an ủi mà nhiều người Mỹ hằng tin sâu sắc, đặc biệt nơi những bậc lão niên. Đây là một trong những huyễn hoặc sơ đẳng phát sinh từ Đệ Nhị Thế Chiến. Nó có từ sự cố ý tuyên truyền của Tổng Thống Truman, Bộ Trưởng Chiến Tranh Henry Stimson, và nhiều vị khác, những kẻ loan truyền thông tin sai lạc rằng các quả bom nguyên tử đã buộc Nhật Bản phải đầu hàng. Truman tuyên bố trong cuốn hồi ký của ông rằng các quả bom nguyên tử đã cứu sống nửa triệu người Mỹ. Tổng Thống George H.W. Bush sau đó nâng con số lên thành “nhiều triệu người”. Thực tế là vụ thả các quả bom nguyên tử đã không hề cứu sống người Mỹ cũng như không hề đóng góp đáng kể nào vào sự quyết định đầu hàng của Nhật Bản. Các quả bom nguyên tử ấy lẽ ra đã khiến kéo dài chiến tranh hơn và gây thiệt hại nhân mạng nhiều hơn cho Mỹ. (giải thích thêm của Hoàng Hữu Phước: hai quả bom nguyên tử rất có thể đã làm Nhật Bản nổi giận điên cuồng tập trung báo thù Mỹ nếu như bộ binh Nhật Bản không bị Liên Xô tiêu diệt ở Mãn Châu Quốc). Chỉ có một sự thật là chúng đã giết hàng trăm ngàn người Nhật và gây thương tích cho nhiều người hơn thế.
Theo báo cáo tháng 1 năm 1946 của Bộ Chiến Tranh Hoa Kỳ, các quan chức hàng đầu Nhật Bản đã có rất ít cuộc thảo luận về các vụ đánh bom nguyên tử, nghĩa là chúng không dẫn đến quyết định đầu hàng. Điều này mới đây đã được công nhận một cách khá gây sửng sốt bởi Bảo Tàng Quốc Gia của Hải Quân Hoa Kỳ tại Thủ đô Washington, khi báo cáo rằng “Sự tàn phá rộng lớn bởi các vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki và sự sát hại 135.000 người Nhật đã có rất ít ảnh hưởng đến quân đội Nhật Bản.”
Tuy nhiên, việc Liên Xô đem quân vào Mãn Châu Quốc đã làm Nhật Bản đổi ý. Ít người Mỹ biết rằng trong tổng số 7 vị Đô Đốc và tướng lĩnh năm sao của Mỹ đã có ngôi sao thứ năm trong cuộc chiến ấy thì đã có 6 vị nói rằng các quả bom nguyên tử hoặc không cần thiết về quân sự hoặc đáng bị lên án về mặt đạo đức hoặc cả hai. Các vị ấy gồm có Tướng Douglas MacArthur, Dwight Eisenhower, Henry “Hap” Arnold, và các Đô đốc William Leahy, Ernest King, cùng Chester Nimitz Leahy, chánh văn phòng của tổng thống Roosevelt và Truman. Vị này nói rằng các vụ đánh bom nguyên tử vi phạm “mọi chuẩn mực đạo đức Kitô giáo mà tôi từng nghe nói đến cũng như tất cả các luật thời chiến được biết đến.” Ông phát biểu rằng “Nhật Bản đã đã bị đánh bại và sắp sửa đầu hàng. Việc sử dụng các loại vũ khí man rợ này tại Hiroshima và Nagasaki không trợ giúp cụ thể nào trong cuộc chiến chống Nhật Bản của chúng ta. Là người đầu tiên sử dụng bom nguyên tử, chúng ta đã áp dụng một tiêu chuẩn đạo đức thường thấy của bọn man di thời Tiền Trung Cổ “.
Tổng thống Mỹ Eisenhower đồng ý rằng người Nhật đã bị đánh bại từ trước rồi. Tướng MacArthur nói rằng Nhật Bản lẽ ra đã đầu hàng nhiều tháng trước nếu Mỹ bảo Nhật Bản rằng Nhật Bản có thể duy trì hoàng đế của họ, cái điều mà cuối cùng Mỹ cũng đã cho phép Nhật Bản có được.
Thế thực ra đã đã xảy ra việc gì? Khoảng mùa xuân năm 1945, rõ ràng hầu hết các lãnh đạo Nhật Bản đều biết họ không thể thắng cuộc chiến tranh. Vào Tháng Hai 1945, Hoàng tử Fumimaro Konoe, cựu Thủ tướng Nhật Bản, đã viết thư cho Hoàng đế Hirohito, “Nhi thần rất tiếc phải kính bẩm với Đức Kim Thượng rằng thất bại của Nhật Bản là không thể tránh khỏi.”
Cảm nhận này cũng được thể hiện bởi Hội đồng Chiến Tranh Tối Cao vào tháng Năm 1945 khi họ tuyên bố rằng “Việc Liên Xô tham chiến sẽ giáng một đòn chí tử vào Đế Chế chúng ta” và được lặp đi lặp lại thường xuyên sau đó bởi các nhà lãnh đạo Nhật Bản.
Mỹ, vốn đã giải được bảng mật mã của Nhật Bản và đã chặn được đường dây cáp truyền tin của Nhật Bản, đã hiểu biết đầy đủ về sự tuyệt vọng ngày càng tăng của Nhật Bản muốn chấm dứt chiến tranh nếu Mỹ đồng ý cho họ “đầu hàng.” Nhật Bản đâu chỉ bị đánh bại tơi tả về quân sự, hệ thống đường sắt của Nhật cũng lâm vào cảnh bị phá huỷ còn nguồn cung cấp thực phẩm bị cạn kiệt. Đich thân Tổng Thống Mỹ Truman đã gọi bức điện thu được ngày 18 tháng Bảy là “bức điện của Nhật Hoàng yêu cầu hòa bình.” Nhà lãnh đạo Mỹ cũng biết rằng những gì Nhật Bản thật sự sợ hãi là khả năng của một cuộc xâm lược của Liên Xô mà Nhật Bản không thể nào ngăn chặn được.
Các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã không biết rằng tại Hội Nghị Yalta, Stalin đã đồng ý tham chiến tại Thái Bình Dương ba tháng sau khi kết thúc cuộc chiến ở Châu Âu. Nhưng Truman biết và hiểu hết ý nghĩa của nó. Ngay từ ngày 11-4-1945, Phụ trách Cơ Quan Tình Báo Hốn Hợp thuộc Tham Mưu Liên Quân Mỹ đã báo cáo rằng “Nếu bất cứ lúc nào mà Liên Xô tham chiến, tất cả người Nhật Bản sẽ nhận ra rằng thất bại tuyệt đối là không thể tránh khỏi.”
Tại Potsdam vào giữa tháng Bảy, khi Truman nhận được xác nhận của Stalin rằng Liên Xô sắp tham chiến, Truman vui mừng và đã viết trong nhật ký của mình, “Cho bọn Nhật đi đoong khi điều đó xảy ra”. Ngày hôm sau, ông đã viết cho vợ mình rằng, “Chúng ta sẽ kết thúc chiến tranh sớm một năm, và sẽ nghĩ về bọn trẻ sẽ không bị chết. ”
Vì vậy, có hai cách để kết thúc chiến tranh mà không phải thả bom nguyên tử. Thứ nhất là phải thay đổi yêu đầu hàng vô điều kiện và thông báo Nhật Bản rằng họ có thể giữ lại hoàng đế, điều mà hầu hết các nhà làm chính sách Mỹ muốn như vậy do họ biết Nhật Hoàng là chìa khóa cho sự ổn định hậu chiến. Thứ hai là chờ cuộc xâm lược Nhật Bản của Liên Xô sẽ bắt đầu lúc nửa đêm ngày 08 tháng 8.
Chính cuộc đưa quân vào chiếm Nhật ấy mới là đòn quyết định chứ không phải bom nguyên tử, có tác dụng lâu dài và gọn hẹp hơn. Cuộc xâm lược của Liên Xô hoàn toàn làm phá sản chiến lược ketsu-go của Nhật Bản (giải thích thêm của Hoàng Hữu Phước: chiến lược Ketsu-Go tức Chiến Lược Giáng Đòn Quyết Định tiêu diệt lực lượng hải quân Hoa Kỳ trên biển để Hoa Kỳ không thể đổ bộ Nhật Bản, bằng cách ngày đêm tìm diệt các hàng không mẫu hạm Mỹ, và tăng cường phòng vệ bằng hải lục không quân để tiêu diệt bất kỳ đoàn quân Mỹ nào lọt vào được lảnh thổ Nhật Bản). Hồng Quân Liên Xô hùng mạnh đã nhanh chóng tiêu diệt Đạo Quân Quan Đông của Nhật Bản. Khi Thủ Tướng Kantaro Suzuki được hỏi tại sao Nhật Bản cần thiết phải đầu hàng Hoa Kỳ một cách nhanh chóng, ông trả lời rằng nếu Nhật Bản chậm chân thì “Liên Xô sẽ không những chỉ chiếm Mãn Châu, Hàn Quốc, Karafuto, mà còn chiếm cả Hokkaido. Điều này nếu xảy đến sẽ phá hủy nền tảng của Nhật Bản. Chúng tôi phải kết thúc chiến tranh khi còn có thể thỏa thuận với Hoa Kỳ.” Cuộc tiến quân của Liên Xô đã thay đổi cán cân quân sự, chứ còn những quả bom nguyên tử trông khủng khiếp thế đấy đã không giúp được gì. Người Mỹ đã oanh tạc thiêu rụi các thành phố Nhật Bản trong nhiều tháng trời. Như Yuki Tanaka đã chứng minh cho thấy Mỹ đã oanh tạc thiêu rụi hơn 100 thành phố của Nhật Bản. Sự thiêu hủy đạt mức cao nhất 99,5% tại trung tâm thành phố Toyama. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã chấp nhận để Hoa Kỳ cứ quét sạch các thành phố của Nhật Bản. Hiroshima và Nagasaki chỉ là có thêm hai thành phố bị biến mất mà thôi, mặc cho mức độ tàn phá hay chi tiết khủng khiếp đến đâu. Nhưng cuộc xâm lược của Liên Xô đã chứng minh sức tàn phá sẽ còn ghê gớm hơn rất nhiều như lãnh đạo của cả Mỹ và Nhật Bản đều biết sẽ như thế.
Tuy nhiên, Mỹ muốn sử dụng bom nguyên tử làm lời cảnh báo nghiêm khắc dành cho Liên Xô về những gì đang sẵn chờ đợi họ nếu họ dám can thiệp vào kế hoạch của Mỹ đối với quyền bá chủ hoàn cầu sau chiến tranh. Đó chính xác là điều mà Stalin cùng các lãnh đạo Liên Xô ở Điện Kremlin đã nhận ra qua các vụ ném bom nguyên tử ấy. Việc sử dụng bom nguyên tử của Mỹ ít ảnh hưởng đến các nhà lãnh đạo Nhật Bản, nhưng nó chứng tỏ là nhân tố chính trong khởi động cuộc Chiến Tranh Lạnh. Và nó đặt cả thế giới trên một đường trượt đến sự hủy diệt. Đã có ít nhất ba lần vào những tình huống khác nhau mà Tổng thống Mỹ Truman suýt khởi động một quá trình có thể dẫn đến sự kết thúc sự sống trên hành tinh này khi ông đã liều lĩnh dấn bươc. Khi ở Postdam, lúc nhận được báo cáo về sức mạnh của việc cho nổ thử nghiệm bom nguyên tử ngày 16 Tháng Bảy tại New Mexico, ông viết trong nhật ký của mình: “Chúng ta đã tạo ra được quả bom khủng khiếp nhất trong lịch sử thế giới. Nó có thể là sự tiêu diệt trong biển lửa như tiên tri trong Thời Thung Lũng Euphrates sau Nô-Ê cùng con tàu Ark tuyệt vời của ông ấy.” Vì vậy, việc ném bom nguyên tử đã đóng góp rất ít hoặc chẳng đóng góp gì cả vào việc kết thúc chiến tranh, nhưng nó bắt đầu một quá trình tiếp tục đe dọa nhân loại với sự hủy diệt tận ngày nay – những 70 năm sau vụ ném bom. Như Stone và tôi đã nêu trong quyển Lịch Sử Chưa Được Nói Đến Của Hoa Kỳ, giết thường dân vô tội là một tội ác chiến tranh. Đe dọa nhân loại tuyệt diệt còn tồi tệ hơn thế nữa. Đó là tội ác tồi tệ nhất của mọi thời.
Edu Montesanti: Trong chương về Chiến Tranh Việt Nam, có tiết lộ rằng các lực lượng vũ trang Mỹ đã tiến hành ở đất nước nhỏ bé ấy việc ném bom với số lượng lớn hơn nhiều so với tổng số bom đã ném trong Đệ Nhị Thế Chiến. Xin Giáo sư nói rõ hơn và vui lòng cho biết vì sao việc đó lại xảy ra.
Peter Kuzinick: Mỹ ném nhiều bom chống lại đất nước Việt Nam bé nhỏ, so với số bom mà tất cả các bên đã sử dụng trong tất cả các cuộc chiến tranh trước đó trong lịch sử – tức nhiều hơn gấp 3 lần tổng số bom mà các bên đã sử dụng trong Đệ Nhị Thế Chiến. Cuộc chiến tranh đó là sự tàn bạo tồi tệ nhất, là thí dụ tồi tệ nhất về sự xâm lược của nước ngoài, kể từ khi kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến. Mười chín triệu ga-lông chất diệt cỏ đầu độc nông thôn Việt Nam. Rừng rậm ba cấp xinh đẹp của Việt Nam đã biến mất một cách hiệu quả. Mỹ đã phá hủy 9.000 trong số 15.000 thôn ấp của Nam Việt Nam.
Mỹ cũng phá hủy tất cả sáu thành phố công nghiệp ở miền Bắc cũng như 28 trong số 30 thị trấn và 96 trong số 116 thị xã. Mỹ nhiều lần đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong số những người đã từng đặt vấn đề sử dụng cũng như có lúc ủng hộ việc sử dụng bom nguyên tử là Henry Kissinger. Cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert McNamara nói chuyện với sinh viên của tôi đã cho biết ông tin rằng 3.800.000 người Việt Nam đã chết trong chiến tranh.
Như vậy, cuộc chiến thực sự rất khủng khiếp và người Mỹ chưa bao giờ chuộc tội. Thay vì được ban cho giải thưởng Nobel Hòa bình cho việc kết thúc chiến tranh Việt Nam, Henry Kissinger phải ở trong chuồng xử án ở Hague cho tội ác chống lại loài người.
Edu Montesanti: Xin Giáo Sư hãy nói về những kinh nghiệm của ông trong những năm 60 ở Việt Nam, và tại sao Mỹ quyết định tham gia cuộc chiến tranh chống lại quốc gia đó.
Peter Kuznick: Oliver và tôi tiếp cận chiến tranh từ những quan điểm khác nhau. Ông ấy đã bỏ học tại Đại Học Yale để tình nguyện tham gia chiến đấu tại Việt Nam. Ông bị thương hai lần và được trao tặng một anh dũng bội tinh. Tôi thì khác, từ đầu đã quyết liệt phản đối việc Mỹ xâm lược Việt Nam.
Là một sinh viên đại học năm thứ nhất, tôi bắt đầu lập một nhóm phản chiến. Tôi tích cực tổ chức chống chiến tranh. Tôi ghét chiến tranh. Tôi ghét những kẻ phải chịu trách nhiệm về chiến tranh. Tôi nghĩ rằng tất cả bọn họ là tội phạm chiến tranh và tôi vẫn cho là như vậy. Tôi đã tham dự nhiều cuộc xuống đường tuần hành chống chiến tranh và phát biểu thường xuyên tại các sự kiện công cộng. Tôi hiểu, như anh bạn của tôi là Daniel Ellsberg thích nói như thế, rằng chúng ta đã ở phía sai trái.
Mỹ đã dần dần dấn thân. Trước tiên, Mỹ tài trợ cho chiến tranh thực dân Pháp và sau đó tự mình chiến đấu sau khi người Việt đánh bại người Pháp. Tổng thống Kennedy gửi 16.000 “cố vấn”, nhưng rồi nhận ra chiến tranh là sai lầm và đã lên kế hoạch để kết thúc chiến tranh giá như ông không bị sát hại. Động cơ của Mỹ là lẫn lộn. Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà dân tộc chủ nghĩa, ông còn là một người cộng sản. Không nhà lãnh đạo Mỹ nào muốn để thua một cuộc chiến tranh vào tay những người cộng sản bất cứ tại đâu.
Điều này đặc biệt đúng sau chiến thắng của cộng sản ở Trung Quốc vào năm 1949. Nhiều người lo sợ hiệu ứng domino rằng Việt Nam sẽ dẫn đến những chiến thắng của cộng sản khắp Đông Nam Á. Điều đó sẽ khiến Nhật Bản bị cô lập và Nhật Bản cuối cùng rồi cũng sẽ quay sang khối cộng sản để tìm đồng minh và đối tác thương mại. Vì vậy, một động lực khác là địa chính trị.
Một động lực khác nữa là kinh tế. Các nhà lãnh đạo Mỹ không muốn để mất nguồn lao động giá rẻ, nguyên liệu, và các thị trường ở Đông Dương. Một lý do khác là các tổ hợp quân sự-công nghiệp tại Mỹ – tức các ngành công nghiệp “quốc phòng” và các nhà lãnh đạo quân sự liên minh với chúng – đã được vỗ béo và phát tài từ chiến tranh. Chiến tranh là lý do tồn tại của họ, và họ thu lợi dồi dào từ chiến tranh ở cả lợi nhuận tăng cao và thăng quan tiến chức.
Vì vậy, nó là một sự kết hợp của việc duy trì tính ưu việt của Mỹ trên thế giới, bảo vệ và khai thác lợi ích kinh tế Mỹ, và một đầu óc phi lý nguy hiểm chống cộng muốn đánh bại những người cộng sản ở mọi nơi.
Edu Montesanti: Giáo sư có thể cho biết những lý do thực sự đằng sau cuộc Chiến Tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô là gì?
Peter Kuznick: George Kennan, quan chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã cung cấp cơ sở lý luận cho lý thuyết ngăn chặn, đặt ra những động cơ kinh tế đằng sau Chiến Tranh Lạnh trong một bản ghi nhớ rất sáng tỏ vào năm 1948, trong đó ông nói: “Chúng ta chiếm khoảng 50% tài sản của thế giới, nhưng chỉ chiếm 6,3% dân số địa cầu…chúng ta không thể không là đối tượng của lòng ghen tị oán giận.Nhiệm vụ thực sự của chúng ta trong thời gian tới là nhằm tạo ra một mối quan hệ mẫu cho phép chúng ta duy trì vị trí quá bất bình đẳng này.” Mỹ theo đuổi công việc này. Đôi khi điều đó khiến Mỹ cần phải hỗ trợ của các chế độ độc tài tàn bạo. Đôi khi Mỹ cần phải hỗ trợ các chế độ dân chủ. Cuộc chiến xảy ra trên các bình diện văn hóa, chính trị, ý thức hệ, và kinh tế.
Henry Luce, nhà xuất bản của tạp chí Time và Life đã phát biểu năm 1941 rằng thế kỷ 20 phải là thế kỷ của Mỹ. Mỹ sẽ thống trị thế giới. Mỹ đã dấn thân để đạt được như vậy. Liên Xô, do đã từng bị xâm lược hai lần qua Đông Âu, muốn có một vùng đệm giữa họ và Đức. Mỹ đã phản đối các lĩnh vực kinh tế và chính trị nào hạn chế sự thâm nhập kinh tế của Mỹ. Mặc dù Hoa Kỳ và Liên Xô đã chưa bao giờ có chiến tranh trực tiếp với nhau, họ đã đấu với nhau trong nhiều cuộc chiến tranh do họ giật dây. Loài người đã may mắn sống sót qua thời kỳ ảm đạm này.
Edu Montesanti: Giáo sư nhận xét thế nào về chính trị Mỹ đối với Cuba kể từ cuộc Cách Mạng Cuba, và đối với Mỹ Latinh nói chung kể từ khi Chiến Tranh Lạnh?
Peter Kuznick: Mỹ hoàn toàn kiểm soát nền kinh tế và chính trị Cuba từ những năm 1890 cho đến cuộc cách mạng năm 1959. Tổng thống Cuba Batista hỗ trợ các nhà đầu tư Mỹ. Mỹ đã can thiệp nhiều lần vào nội bộ Mỹ Latin giữa năm 1890 và năm 1933 và sau đó tái diễn trong năm 1950. Castro đại diện cho bước đột phá lớn đầu tiên của chu kỳ đó. Mỹ muốn tiêu diệt Castro và bảo đảm không có ai khác ở Mỹ Latinh theo gương Castro. Mỹ thất bại. Mỹ đã không phá hủy được cuộc cách mạng của Castro, nhưng Mỹ đảm bảo rằng Cuba sẽ không thành công về kinh tế hay tạo ra nền dân chủ của nhân dân mà nhiều người mong mỏi.
Tuy nhiên, Cách mạng Cuba đã thành công trong những cách khác. Cuộc cách mạng đã tồn tại trong suốt Chiến Tranh Lạnh và cho đến nay. Cuba đã truyền cảm hứng cho các cuộc cách mạng Mỹ Latinh khác mặc dù các biệt đội tử thần do Mỹ đào tạo và hậu thuẫn đã tuần tra khắp lục địa sát hại hàng trăm ngàn người.
Các trường học Mỹ cho toàn Châu Mỹ đã tích cực tạo nên các lãnh đạo các thủ lãnh của biệt đội tử thần. Hugo Chavez và những vị khác theo con đường của Fidel trong truyền cảm hứng cho người dân Nam Mỹ đã không còn. Nhiều nhà lãnh đạo tiến bộ đã bị lật đổ trong những năm gần đây.
Hiện nay Dilma Rouseff đang chiến đấu để tồn tại, nhưng Evo Morales và Alvaro Garcie Linera ở Bolivia đang đứng vững tự hào và đứng trên cao để chống lại những nỗ lực của Mỹ đang muốn trở lại thống trị và bóc lột Mỹ Latinh. Nhưng trên khắp Châu Mỹ Latinh, các nhà lãnh đạo tiến bộ đã hoặc bị lật đổ hoặc đang bị làm cho suy yếu bởi các vụ scandal. Các nhà tân-tiến-bộ do Mỹ hậu thuẫn đang sẵn sàng một lần nữa để cướp các nền kinh tế địa phương phục vụ lợi ích của tư bản nước ngoài và trong nước. Đó không phải là một hình ảnh đẹp. Người dân sẽ phải chịu đựng vô vàn trong khi một số ít trở nên giàu có.
Edu Montesanti: Theo nghiên cứu của Giáo sư thì ai đã giết Tổng thống John Kennedy? Những lợi ích đàng sau vụ ám sát kinh hoàng đó là gì?
Peter Kuznick: Oliver đã làm một bộ phim tuyệt vời về vụ ám sát Kennedy – Phim JKF. Chúng tôi không cho rằng chúng tôi cần phải xem xét lại những vấn đề trong cuốn sách và tài liệu của chúng tôi. Thay vào đó, chúng tôi tập trung vào những gì nhân loại đã mất mát khi Kennedy đã bị cướp khỏi chúng ta. Ông đã phát triển cực kỳ trong thời gian ngắn ngủi tại vị của mình.
Ông đã bắt đầu như một chiến binh thời Chiến Tranh Lạnh. Đến cuối cuộc đời, sau những bài học ông nhận ra trong hai năm đầu tiên cầm quyền và lấn cấn bởi cuộc Khủng Hoảng Tên Lửa Cuba, ông mong muốn một cách tuyệt vọng kết thúc Chiến Tranh Lạnh cùng cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân. Nếu ông không bị giết, như Robert McNamara nói, thế giới cơ bản đã khác đi rồi. Mỹ sẽ rút khỏi Việt Nam. Chi phí quân sự sẽ giảm mạnh. Mỹ và Liên Xô sẽ đã tìm ra cách để làm việc cùng nhau. Cuộc chạy đua vũ trang sẽ được chuyển đổi thành một cuộc chạy đua hòa bình. Nhưng ông có nhiều kẻ thù trong cộng đồng quân sự và tình báo và trong khu vực quân sự của nền kinh tế. Ông cũng bị ghét bởi những kẻ phân biệt chủng tộc miền Nam, bọn Mafia, và cộng đồng Cuba-kiều lưu vong phản động. Nhưng những kẻ núp đằng sau vụ ám sát của ông có nhiều khả năng đến từ các cánh quân sự và tình báo.
Chúng tôi không biết ai đã làm điều đó, nhưng chúng ta biết quyền lợi của những ai đã được tăng cao nhờ vụ ám sát. Với tất cả các lỗ hổng trong câu chuyện chính thức như chi tiết của Ủy Ban Warren, rất khó để tin rằng Lee Harvey Oswald đã hành động một mình và rằng viên đạn ma thuật đã gây nên tất cả những gì gây ra sự tàn phá ấy.
Edu Montesanti: Giáo Sư có cho rằng chủ nghĩa đế quốc Mỹ đối với khu vực hiện nay, đặc biệt là các cuộc tấn công chống lại các nước tiến bộ, về bản chất là cùng chính sách với thời Chiến Tranh Lạnh không?
Peter Kuznick: Tôi không nghĩ rằng Hoa Kỳ muốn có một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới với một đối thủ thực sự có thể cạnh tranh trên toàn cầu. Như những người tân-bảo-thủ tuyên bố sau sự sụp đổ của Liên Xô, Mỹ thực sự muốn có một thế giới đơn cực, trong đó chỉ có một siêu cường và không có đối thủ.
Ngày nay các nước tiến bộ có ít đồng minh lớn hơn là họ đã có trong thời Chiến Tranh Lạnh. Nga và Trung Quốc tạo ra sự cân bằng nào đó với Mỹ, nhưng hai nước này không thực sự là những nước tiến bộ thách thức trật tự thế giới tư bản chủ nghĩa. Cả hai đều đang bị vướng trong các vấn đề nội bộ của họ và những bất bình đẳng.
Có vài mô hình xã hội chủ nghĩa dân chủ cho thế giới noi theo. Mỹ đã ra tay lật đổ và phá hoại hầu hết các tư duy tiến bộ và các chính phủ có tầm nhìn xa. Hugo, mặc dù có những thái quá, vẫn là một vai trò kiểu mẫu. Ông đã đạt được những điều tuyệt vời cho người dân nghèo Venezuela. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào những gì đang xảy ra tại Brazil, Argentina, Honduras, đó lại là một bức tranh rất u buồn.
Cần có một làn sóng cách mạng mới trên khắp thế giới thứ ba với các nhà lãnh đạo mới cam kết diệt trừ tham nhũng và đấu tranh cho công bằng xã hội. Riêng tôi phấn khích trước sự phát triển gần đây ở Bolivia, dù cho đã có kết quả của cuộc bầu cử vừa qua.
Edu Montesanti: Giáo sư thấy văn hóa Chiến Tranh Lạnh ảnh hưởng thế nào đến Mỹ và xã hội thế giới ngày nay? Vai trò của chế độ Washington và phương tiện truyền thông chính thống đối với vấn đề đó?
Peter Kuznick: Các phương tiện truyền thông là một phần của vấn đề. Họ đã phục vụ cho sự xáo trộn hơn là giáo dục và khai sáng. Họ truyền bá ý tưởng rằng có những nguy hiểm và kẻ thù rình rập khắp nơi, nhưng họ không đề ra giải pháp tích cực nào. Hậu quả là người ta bị khống chế bởi sự sợ hãi và phản ứng một cách phi lý. Cựu Phó Tổng Thống Mỹ Henry Wallace, một trong những nhà thấu thị hàng đầu của Mỹ trong thế kỷ 20, đáp lại bài phát của Winston Churchill về Bức Màn Sắt năm 1946 bằng cách cảnh báo rằng: “Nguồn gốc của tất cả các sai lầm của chúng ta là sự sợ hãi … Nếu những nỗi sợ này tiếp tục, sẽ đến ngày con và cháu của chúng ta sẽ phải trả giá cho những nỗi lo sợ này với những dòng sông máu …Thoát ra khỏi nỗi sợ hãi, các quốc gia vĩ đại xử sự như loài cầm thú bị dồn vào chân tường, chỉ biết nghĩ duy mỗi đến sự được sống còn“.
Điều này cũng như vậy trên bình diện cá nhân khi người ta sẽ hy sinh tự do của mình để được an ninh lớn hơn. Chúng ta đã thấy nó đã diễn ra như thế tại Mỹ sau sự cố 9/11. Chúng ta đang thấy như vậy tại Pháp và Bỉ.
Thế giới đang chuyển động sai hướng. Sự bất bình đẳng đang gia tăng. 62 người giàu nhất thế giới bây giờ đã giàu có hơn, so với 3,6 tỷ người nghèo nhất. Đó là sự tởm lợm. Không có biện minh nào cho sự nghèo đói trong một thế giới phong phú tài nguyên đến thế. Trong thế giới này, các phương tiện truyền thông phục vụ nhiều mục đích, mà mục đích ít được họ thực thi nhất trong số đó là cung cấp và trang bị cho mọi người thông tin người ta cần có để thay đổi xã hội và thế giới.
Các phương tiện truyền thông thay vì phóng đại nỗi sợ hãi của người dân để họ sẽ chấp nhận chế độ độc tài và các giải pháp quân phiệt cho những vấn đề không cần có giải pháp quân sự, cung cấp những trò giải trí vô hồn để đánh lạc hướng mọi người quên đi vấn đề thực sự, và mê hoặc mọi người vào cơn mộng du với sự thờ ơ. Đây đặc biệt là một vấn nạn ở Hoa Kỳ, nơi nhiều người tin rằng có một nền báo chí “tự do”. Còn nơi nào có sự kiểm soát báo chí, người ta lại tiếp cận truyền thông với sự hoài nghi. Nhiều người Mỹ cả tin không hiểu các hình thức tinh tế hơn của báo chí trong xảo trá và lừa dối.
Tại Mỹ, các phương tiện truyền thông chính thống hiếm khi đưa ra quan điểm thách thức suy nghĩ truyền thống. Ví dụ, tôi liên tục nhận được lời mời phỏng vấn bởi các hãng truyền thông hàng đầu tại Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, và các nơi khác, nhưng tôi hiếm khi được báo chí tại Hoa Kỳ phỏng vấn. Các đồng nghiệp tiến bộ của tôi cũng không được mời đến những chương trình truyền thông chính thống của Mỹ. Vì vậy, đúng là có một biện pháp nhất định của tự do báo chí ở Hoa Kỳ, nhưng sự tự do ấy bị làm suy yếu không phải phần lớn tại chính phủ mà tại báo chí tự kiểm duyệt và tự bịt miệng các tiếng nói tiến bộ. Nhiều người trong phần còn lại của thế giới cũng vậy khi rất cởi mở phê phán Hoa Kỳ nhưng không thẳng thắn như thế khi chỉ trích chính sách của chính phủ của chính họ.
Edu Montesanti: Giáo sư nghĩ sao về ý kiến cho rằng “Chiến Tranh Chống Khủng Bố” và thậm chí “Chiến Tranh Chống Ma Túy” của Mỹ đặc biệt là ở Mỹ Latinh là cách Mỹ đã tạo ra để thay thế Chiến Tranh Lạnh, để mở rộng quyền lực quân sự và thống trị thế giới?
Peter Kuznick: Mỹ bác bỏ các phương pháp của chế độ thực dân cũ. Mỹ đã tạo ra một loại đế chế mới được củng cố bằng từ 800 đến 1000 căn cứ quân sự ở nước ngoài mà từ đó các lực lượng đặc biệt của Mỹ hoạt động tại hơn 130 quốc gia mỗi năm.
Thay cho các lực lượng xâm lược bao gồm các đội quân bộ binh đông đảo mà lịch sử đã chứng minh bất thành ở nước này nước nọ, Mỹ hoạt động theo những cách bí mật hơn và ít vụng về hơn. Phương pháp ưa thích của Obama trong việc giết người là sử dụng máy bay không người lái.
Có biết bao giá trị pháp lý khả nghi cho ra những kết quả đầy nghi vấn. Chác chắn chúng có hiệu quả nhất định trong giết chóc, song có biết bao bằng chứng cho thấy cứ mỗi một “tên khủng bố” bị giết là tạo ra 10 tên khác lấp vào chổ trống của y.
Cuộc Chiến Chống Khủng Bố mà Mỹ và các đồng minh đã tiến hành trong 15 năm qua đã chỉ tạo ra thêm nhiều kẻ khủng bố. Giải pháp quân sự hiếm khi hữu hiệu. Cần có các phương pháp tiếp cận khác nhau và chúng sẽ phải bắt đầu bằng việc phân phối lại các nguồn tài nguyên của thế giới để làm cho mọi người muốn sống chứ không phải muốn giết và muốn chết. Mọi người cần có niềm hy vọng.
Người ta cần có cảm nhận về kết nối. Họ cần phải tin rằng một cuộc sống tốt hơn là điều khả thi cho họ và con cái của họ. Quá nhiều người cảm thấy tuyệt vọng và xa lánh. Sự sụp đổ của mô hình Xô Viết đã để lại một chỗ hỗng. Như Marx đã cảnh báo từ lâu, Nga đã quá lạc hậu về mặt văn hóa và kinh tế để phục vụ như là một mô hình cho sự phát triển xã hội chủ nghĩa toàn cầu.
Cuộc Cách mạng Nga đã bị thử thách ngay từ đầu bởi các thế lực tư bản xâm lấn. Vấn đề nảy sinh ngay từ đầu. Sau đó, chủ nghĩa Stalin đem đến chuối những kinh hoàng. Trong phạm vi mà mô hình Xô-viết đã trở thành tiêu chuẩn thế giới cho sự thay đổi mang tính cách mạng, đã có rất ít hy vọng cho việc tạo ra một thế giới mỹ mãn. Mô hình Trung Quốc cũng không cung cấp một tiêu chuẩn tốt hơn. Cũng vì vậy mà một số người đã quay sang Hồi giáo cực đoan, đem đến cơn ác mộng của chính nó. Khi chính phủ tiến bộ tiếp tục vấp ngã, sự bá chủ của Mỹ được mạnh lên. Tuy nhiên, Mỹ đã có ít những tích cực đem đến cho thế giới. Thế hệ tương lai sẽ nhìn lại, xem cái Pax Americana tức cái Nền Hòa Bình Giữa Các Siêu Cường Dưới Quyền Mỹ này không phải là thời đại khai sáng mà là một thứ chiến tranh triền miên và sự bất bình đẳng không ngừng gia tăng.
Về nguyên tắc, dân chủ rất tốt nhưng ít thăng hoa trong thực tế. Và bây giờ với các mối đe dọa hạt nhân gia tăng và sự thay đổi khí hậu cũng đe dọa sự tồn tại tương lai của nhân loại, tương lai trở nên không còn chắc chắn. Mỹ sẽ bám vào các cuộc chiến tranh chống khủng bố và chiến tranh chống ma túy để duy trì những sự chênh lệch mà George Kennan vạch ra 68 năm trước. Nhưng đó không phải là con đường tiến lên phía trước.
Thế giới có thể nhìn chính trị nội tình Mỹ như một sự tuột dốc xuống sự điên rồ – một dấu hiệu hý hước của sự thất bại hoàn toàn của nền dân chủ Mỹ – nhưng sự thành công của Bernie Sanders người kém thế, và ngay cả những cuộc nổi dậy phản kháng trong các cơ sở của Đảng Cộng Hòa cho thấy người Mỹ đang khao khát có sự thay đổi. Cả Hillary Clinton và Đảng Cộng Hòa, với mối quan hệ gắn bó của họ với giới tài phiệt Phố Wall và các giải pháp quân sự, sẽ không đòi hỏi có sự tôn trọng bên ngoài của một số thành phần hạn chế của dân chúng.
Họ có thể giành chiến thắng, nhưng thời gian của họ bị hạn chế. Mọi người ở khắp mọi nơi đang tuyệt vọng đợi chờ câu trả lời mới, tích cực, tiến bộ. Rõ ràng là một số người như chúng ta thấy hiện nay trên khắp châu Âu, sẽ thiên về giới mỵ dân cánh hữu vào thời điểm khủng hoảng, nhưng điều này ít nhất một phần do cánh tả đã thất bại trong việc cung cấp thứ lãnh đạo mà thế giới cần đến.
Một cánh tả hồi sinh là chìa khóa để cứu lấy hành tinh này. Chúng ta đang không còn thời gian. Con đường phía trước sẽ không dễ dàng. Nhưng chúng ta có thể chiến thắng và phải chiến thắng.
*********
Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế
F. von Hayek - Vì sao những kẻ xấu xa nhất lại leo cao nhất?
F. von Hayek - Vì sao những kẻ xấu xa nhất lại leo cao nhất?
Quyền lực dẫn đến tha hóa, quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối
Lord Acton
Friedrich August von Hayek (1899-1992)
Bây giờ chúng ta sẽ xem xét quan niệm làm chỗ dựa cho những người cho rằng chế độ toàn trị là tất yếu; nó là quan niệm làm suy sụp sức kháng cự của nhiều người khác, những người sẽ chiến đấu một mất một còn với nó nếu họ hiểu được bản chất của nó. Quan niệm này cho rằng các đặc điểm kinh tởm nhất của các chế độ toàn trị xảy ra là do sự ngẫu nhiên của lịch sử, ở đâu cũng đều do những người đê tiện và lưu manh thiết lập nên. Và nếu, thí dụ, ở Đức những người như Streicher và Killinger, Ley và Heine, Himler và Heydrich nắm được quyền lực, thì điều đó chỉ chứng tỏ rằng người Đức là một dân tộc xấu xa chứ không phải việc nổi lên của những kẻ như thế là kết quả tất yếu của hệ thống toàn trị. Chả lẽ những người tử tế, những người lo lắng cho lợi ích của cộng đồng, những người sẽ giải quyết những nhiệm vụ vĩ đại lại không thể đứng đầu hệ thống toàn trị được ư?
Chúng ta chớ có tự dối lòng: không phải cứ người tốt là dân chủ và không phải tất cả người tốt đều muốn tham gia quản lí nhà nước. Không nghi ngờ gì rằng nhiều người thích giao việc đó cho những người mà họ cho là có hiểu biết hơn. Và điều này nghe có vẻ không hợp lí lắm, nhưng tại sao lại không ủng hộ chế độ độc tài của những người tốt? Chế độ toàn trị là một hệ thống hữu hiệu, nó có thể làm cả việc tốt lẫn việc xấu, tất cả phụ thuộc vào nhà độc tài, họ lí luận như thế. Và nếu ta không phải sợ hệ thống mà chỉ phải sợ những người lãnh đạo không ra gì thì điều đáng quan tâm đơn giản chỉ là khi thời cơ đến phải làm sao để quyền lực rơi vào tay những người tốt là được.
Không nghi ngờ gì rằng hệ thống “phát xít” ở Anh hay ở Mĩ sẽ khác rất xa mô hình của Ý hay Đức; không nghi ngờ gì rằng nếu việc chuyển hóa được thực hiện một cách phi bạo lực thì chúng ta có thể hi vọng có được những nhà lãnh đạo tử tế hơn. Và nếu một lúc nào đó số phận buộc tôi phải sống dưới chế độ phát xít thì tôi sẽ thích chế độ phát xít do người Anh hay người Mĩ đứng đầu hơn bất kì người đứng đầu nào khác. Nhưng xét theo tiêu chuẩn hiện nay thì điều đó cũng không có nghĩa là hệ thống phát xít của chúng ta sẽ hoàn toàn khác hay sẽ dễ chịu hơn nguyên mẫu của chúng. Có đầy đủ lí do để tin rằng những đặc điểm xấu xa nhất của các hệ thống toàn trị hiện nay không phải là sản phẩm phụ ngẫu nhiên mà là những hiện tượng mà chế độ toàn trị trước sau gì cũng sẽ tạo ra. Khi một chính khách dân chủ quyết định lập kế hoạch cho toàn bộ các hoạt động kinh tế thì chẳng mấy chốc ông ta sẽ phải đối mặt với một trong hai lựa chọn: chấp nhận chế độ độc tài hay từ bỏ các dự định của mình, còn nhà lãnh đạo toàn trị thì phải giẫm lên đạo đức truyền thống nếu không muốn thất bại. Đấy là lí do vì sao trong các xã hội có khuynh hướng toàn trị những kẻ vô liêm sỉ thường dễ thành công hơn. Không hiểu điều đó là không hiểu được khoảng cách mênh mông, có thể nói một trời một vực, giữa chế độ toàn trị và chế độ tự do, không hiểu điều đó là không hiểu được rằng đạo đức tập thể không thể đội trời chung với những giá trị nền tảng của chủ nghĩa cá nhân của nền văn minh phương Tây.
“Cơ sở đạo đức của chủ nghĩa tập thể” đã từng là đề tài của nhiều cuộc thảo luận, nhưng điều chúng ta quan tâm ở đây không phải là cơ sở đạo đức của nó mà là những hệ quả đạo đức của nó. Các cuộc thảo luận về khía cạnh đạo đức của chủ nghĩa tập thể thường bàn vấn đề là liệu chủ nghĩa tập thể và các nguyên tắc đạo hiện hành có tương thích với nhau hay không hay là muốn cho chủ nghĩa tập thể thực hiện được những điều mà người ta kì vọng thì phải lập ra những nguyên tắc đạo đức mới nào. Nhưng chúng ta sẽ đặt vấn đề theo một cách khác: tổ chức xã hội theo chủ nghĩa tập thể sẽ đưa đến những nguyên tắc đạo đức nào hay quan điểm đạo đức nào sẽ ngự trị? Tác động qua lại giữa đạo đức và các thiết chế xã hội có thể dẫn đến hệ quả là đạo đức do chủ nghĩa tập thể tạo ra có thể sẽ khác hoàn toàn với những lí tưởng đạo đức đã từng làm cho người ta thấy cần phải có chủ nghĩa tập thể. Chúng ta thường nghĩ rằng nếu lòng khao khát chủ nghĩa tập thể của chúng ta bắt nguồn từ những động cơ đạo đức cao thượng thì hệ thống đó phải là thiên đường của phẩm hạnh, nhưng trên thực tế chẳng có lí do gì để một hệ thống phải đề cao những phẩm chất nhằm phục vụ cho các mục tiêu mà người ta dự kiến cho nó. Quan điểm đạo đức ngự trị sẽ phụ thuộc một phần vào những phẩm chất có thể dẫn các cá nhân đến thành công trong hệ thống toàn trị hay hệ thống tập thể và phụ thuộc một phần vào đòi hỏi của bộ máy toàn trị.
* * *
Xin quay lại trong chốc lát với tình hình trước khi diễn ra việc đàn áp các thiết chế dân chủ và thiết lập chế độ toàn trị. Đấy là lúc sự bất mãn của toàn dân đối với chính phủ, một chính phủ vừa chậm chạp, vừa thụ động, bị trói chân trói tay vì các thủ tục dân chủ rắc rối. Đây là nhân tố chủ chốt khiến người ta mong có một chính phủ quyết đoán. Trong tình hình như thế, trong khi mọi người đều đòi hỏi phải có những hành động khẩn trương và dứt khoát thì một chính khách hay một đảng tỏ ra mạnh mẽ, sẵn sàng “hành động”, sẽ là người được quần chúng mến mộ. “Mạnh mẽ” ở đây hoàn toàn không có nghĩa là nắm được đa số vì lúc đó chính sự bất lực của đa số trong quốc hội đã làm người ta bất mãn. Điều quan trọng là người cầm đầu có được hậu thuẫn mạnh mẽ, một sự hậu thuẫn cho người ta cảm tưởng rằng ông ta sẽ thực hiện được mọi điều ông ta muốn. Đảng kiểu mới, được tổ chức theo lối nhà binh, xuất hiện trên vũ đài chính trị như thế đấy.
Tại các nước thuộc khu vực Trung Âu, nhờ nỗ lực của những người xã hội chủ nghĩa mà quần chúng đã quen với những tổ chức chính trị theo kiểu nhà binh, những tổ chức tìm mọi cách quản lí đời sống riêng tư của tất cả các thành viên của nó. Vì vậy nếu một nhóm nào đó muốn chiếm đoạt quyền lực không hạn chế thì nó phải sử dụng nguyên tắc này rồi tiến xa thêm và dựa không phải vào lá phiếu của những người ủng hộ trong những cuộc bầu cử thỉnh thoảng mới được tiến hành mà phải dựa vào sự ủng hộ tuyệt đối và vô điều kiện của một tổ chức, không cần phải lớn nhưng được tổ chức tốt. Khả năng thiết lập chế độ toàn trị trên cả nước phần lớn phụ thuộc vào khả năng tập hợp xung quanh lãnh tụ một nhóm những kẻ tự nguyện phục tùng cái kỉ luật toàn trị mà họ sẽ dùng vũ lực áp đặt cho toàn bộ nhân dân.
Mặc dù các đảng xã hội chủ nghĩa là những đảng khá mạnh, nếu quyết định sử dụng bạo lực thì họ có thể giành được tất cả những thứ mà họ muốn, nhưng họ đã dao động. Chính họ cũng không ngờ rằng mình đã đặt ra mục tiêu mà chỉ có những kẻ tàn nhẫn, những kẻ sẵn sàng bước qua mọi rào cản về đạo đức mới có thể thực hiện được.
Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể được đưa vào thực tiễn bằng những biện pháp mà đa số những người xã hội chủ nghĩa phản đối, đấy chính là bài học của nhiều nhà cải cách xã hội trong quá khứ. Các đảng xã hội chủ nghĩa cổ điển hoạt động trong khuôn khổ của các lí tưởng dân chủ; họ không có tính tàn nhẫn cần thiết để thực thi các nhiệm vụ mà họ đã chọn. Điều đặc biệt là cả ở Đức lẫn ở Ý, chủ nghĩa phát xít đã thành công sau khi các đảng xã hội từ chối nhận trách nhiệm lãnh đạo chính phủ. Họ không muốn áp dụng một cách triệt để những biện pháp mà học thuyết của họ đã dạy. Họ vẫn hi vọng vào phép màu rằng đa số sẽ đồng ý về một kế hoạch tổ chức toàn bộ xã hội, nhưng những người khác thì đã học được bài học rằng trong xã hội được kế hoạch hóa vấn đề không còn là đa số sẽ đồng ý mà là nhóm lớn nhất là nhóm nào, chỉ cần các thành viên của nó đồng ý là đủ để hình thành đường lối thống nhất cho tất cả mọi công việc. Còn nếu chưa có một nhóm như thế thì ai và làm thế nào để thành lập ra một nhóm như thế.
Có ba lí do vì sao cái nhóm đông và mạnh, với những thành viên có quan điểm giống nhau, lại không được hình thành từ những người tử tế nhất mà thường là từ những phần tử xấu xa nhất của xã hội. Theo tiêu chuẩn của chúng ta thì cái nhóm như thế chỉ có thể hình thành trên những nguyên lí hoàn toàn mang tính tiêu cực.
Thứ nhất, những người có trình độ học vấn và tri thức càng cao thì thị hiếu và quan điểm càng phân hóa, họ khó có thể thống nhất về bất cứ thang giá trị cụ thể nào. Nghĩa là nếu chúng ta muốn tìm một sự thống nhất cao về quan điểm thì chúng ta phải tìm trong những tầng lớp xã hội với tiêu chuẩn đạo đức và tri thức không cao, với thị hiếu và bản năng nguyên thuỷ và thô lậu. Điều đó không có nghĩa là đa số dân chúng có tiêu chuẩn đạo đức thấp; nó chỉ có nghĩa là cái nhóm gồm nhiều thành viên với những chuẩn mực giá trị giống nhau là những người có tiêu chuẩn đạo đức không cao. Có thể nói chính cái mẫu số chung đạo đức cực kì thấp đã liên kết rất nhiều người lại với nhau. Nếu chúng ta cần một nhóm tương đối đông và đủ mạnh, để buộc những người khác phải chấp nhận các quan điểm và giá trị của nhóm mình thì không bao giờ chúng ta lại tìm đến những người có thị hiếu phát triển cao và phân hóa một cách sâu sắc. Chúng ta sẽ tìm đến “quần chúng”, với ý nghĩa tiêu cực của từ này, tìm đến những người kém độc đáo và ít độc lập nhất, những người có thể lấy số lượng làm bệ đỡ cho lí tưởng của họ.
Nhưng nếu nhà độc tài tương lai chỉ dựa vào những người có những bản năng đơn sơ và giống nhau thì số người như thế sẽ không thể đủ để thực hiện nhiệm vụ đặt ra. Hắn sẽ phải tăng thêm số thành viên của mình bằng cách kết nạp thật nhiều người vào cùng tín điều đơn giản của hắn.
Tiêu chuẩn chọn lựa tiêu cực thứ hai: Hắn phải tìm được sự ủng hộ của những kẻ dễ bảo và cả tin, những kẻ không có niềm tin riêng mà sẵn sàng chấp nhận các hệ thống giá trị sẵn có miễn là được rót vào tai họ một cách liên tục. Chính những kẻ với các tư tưởng mù mờ và được hình thành một cách dở dang, những kẻ dễ dao động, những kẻ mà tình cảm và niềm đam mê sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào lại là thành phần đông nhất của các đảng toàn trị.
Tiêu chuẩn thứ ba, và có lẽ là quan trọng và cần thiết nhất để một kẻ mị dân lão luyện có tập họp quanh mình một nhóm cố kết những người ủng hộ. Bản chất của con người là dễ dàng đồng thuận trên cơ sở một cương lĩnh mang tính tiêu cực - chí căm thù giặc, lòng ghen tức với những kẻ khá giả - hơn là trên cơ sở một nhiệm vụ mang tính tích cực. Sự tương phản giữa “chúng ta” và “chúng nó”, cuộc chiến đấu chống lại những kẻ nằm bên ngoài tổ chức có vẻ như là chất kết dính chủ yếu trong mọi giáo lí, chính nó sẽ gắn chặt người ta thành một nhóm cho những hành động chung. Những kẻ cầm đầu muốn săn tìm không chỉ sự ủng hộ về mặt chinh trị mà còn săn tìm lòng trung thành vô điều kiện của quần chúng đã cố tình lợi dụng cái phần tiêu cực đó trong bản chất của con người cho mục đích của mình. Theo họ thì các cương lĩnh tiêu cực có ưu điểm là dành cho họ quyền tự do hành động hơn bất kì cương lĩnh tích cực nào. Hình ảnh kẻ thù, bất kể ở bên trong như “Do Thái” ở Đức hay “kulak” ở Nga, hay ở bên ngoài, đều là một trong những phương tiện thiết yếu trong kho vũ khí của lãnh tụ toàn trị.
Việc người Do Thái ở Đức bị tuyên bố là kẻ thù trước khi các nhà tài phiệt thế chỗ cho họ cũng chỉ là kết quả của xu hướng bài tư bản của phong trào, chẳng khác gì việc chọn tầng lớp phú nông (kulak) ở Nga. Sự thật là ở Đức và Áo người Do Thái bị coi là đại diện của chủ nghĩa tư bản vì sự thù địch thâm căn cố đế của quần chúng đối với thương nghiệp đã làm cho lĩnh vực này trở thành dễ thâm nhập hơn đối với những nhóm người không có quyền lựa chọn những nghề cao quý hơn. Câu chuyện này cũng cũ như là thế giới vậy: Các sắc dân ngụ cư chỉ được làm những nghề hèn mọn và thế là người ta càng căm ghét họ hơn. Việc chủ nghĩa bài Do Thái và bài tư bản ở Đức có cùng một nguồn gốc là một mắt xích cực kì quan trọng, nó giúp ta hiểu được những sự việc đang diễn ra trên đất nước này; nhưng nói chung, những người quan sát nước ngoài đã không nhận ra điều đó.
* * *
Coi khuynh hướng biến chủ nghĩa tập thể thành chủ nghĩa dân tộc đang diễn ra khắp nơi chỉ là do người ta muốn nhận được sự ủng hộ dứt khoát của những tầng lớp xã hội nhất định nào đó, đồng nghĩa với bỏ sót một tác nhân không kém phần quan trọng. Thật vậy, người ta có thể hỏi rằng liệu có người nào tưởng tượng nổi một cương lĩnh của chủ nghĩa tập thể mà không nhằm phục vụ cho một nhóm hạn chế nào đó hay không, liệu chủ nghĩa tập thể có thể tồn tại dưới một hình thức nào khác ngoài hình thức của một chủ nghĩa phân lập (particularism) nào đó hay không, thí dụ như chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hay là chủ nghĩa giai cấp. Niềm tin rằng các thành viên trong cộng đồng cùng có chung mục đích và quyền lợi làm người ta dễ dàng thống nhất về quan điểm và tư tưởng hơn là với những cư dân khác trên Trái đất. Và nếu chúng không biết mặt tất cả các thành viên của nhóm thì ít nhất chúng ta cũng phải tin rằng họ giống những người xung quanh ta, họ nói và nghĩ về những thứ như ta. Chỉ khi đó ta mới có thể đồng nhất mình với họ. Không thể hình dung nổi chủ nghĩa tập thể ở quy mô toàn cầu, trừ phi nó được dùng để bảo vệ quyền lợi của một nhóm ưu tú cực kì nhỏ. Đây không phải là vấn đề kĩ thuật mà là vấn đề đạo đức, một vấn đề mà tất cả những người xã hội chủ nghĩa đều không muốn đối mặt. Nếu, thí dụ, người vô sản Anh được hưởng ngang nhau phần thu nhập có xuất xứ từ các nguồn lực tư bản của nước họ và có quyền tham gia kiểm soát việc sử dụng các nguồn lực tư bản, thì bởi vì chúng là kết quả của sự bóc lột, nên cũng theo nguyên tắc đó, tất cả người Ấn không chỉ có quyền hưởng thu nhập từ tư bản mà còn có cả quyền sử dụng một phần tương ứng của các nguồn lực tư bản Anh nữa.
Nhưng những người xã hội chủ nghĩa dự định phân chia đồng đều nguồn vốn tư bản hiện có trên thế giới cho các dân tộc như thế nào? Tất cả đều cho rằng tư bản không phải là tài sản của toàn nhân loại mà là tài sản của một dân tộc, nhưng ngay cả trong khuôn khổ của các quốc gia cũng ít người dám đặt vấn đề tước bớt một phần tư bản “của họ” để giúp cho các vùng nghèo hơn. Những người xã hội chủ nghĩa cũng không sẵn sàng bảo đảm cho người nước ngoài cái mà họ tuyên bố là trách nhiệm trước các công dân nước mình. Nếu theo quan điểm của chủ nghĩa tập thể một cách nhất quán thì phải công nhận rằng những đòi hỏi phân chia lại thế giới do các dân tộc nghèo nàn đưa ra là hợp lí, mặc dù nếu tư tưởng này mà được thực thi thì những quốc gia ủng hộ nhiệt tình nhất sẽ bị mất mát chẳng khác gì các quốc gia giàu có. Vì vậy mà họ luôn tỏ ra thận trọng, họ không đặt nặng yêu cầu vào nguyên tắc bình quân chủ nghĩa nhưng lại làm ra vẻ rằng không có ai có thể tổ chức đời sống của các dân tộc trên thế giới tốt hơn là họ.
Một trong những mâu thuẫn nội tại của triết lí của chủ nghĩa tập thể là, bản thân nó dựa trên một nền đạo đức nhân văn, tức là nền đạo đức phát triển trong khuôn khổ của chủ nghĩa cá nhân, nhưng nó chỉ có thể được áp dụng cho những nhóm tương đối nhỏ mà thôi. Về lí thuyết, chủ nghĩa xã hội là chủ nghĩa quốc tế, nhưng khi đem ra áp dụng thì dù là ở Nga hay ở Đức nó đều biến thành chủ nghĩa dân tộc cực đoan nhất. Vì vậy mà chủ nghĩa xã hội tự do, như nhiều người châu Âu hình dung, chỉ là sản phẩm thuần túy lí thuyết, trong khi trên thực tế chủ nghĩa xã hội luôn luôn đồng hành với chủ nghĩa toàn trị[1]. Chủ nghĩa tập thể không chấp nhận chủ nghĩa nhân đạo theo nghĩa rộng của chủ nghĩa tự do, nó chỉ có thể chấp nhận chủ nghĩa biệt lập toàn trị mà thôi.
Nếu “cộng đồng” hay nhà nước đứng cao hơn cá nhân và có những mục tiêu không ăn nhập gì với các mục tiêu của cá nhân và cao hơn các mục tiêu cá nhân thì chỉ những người hoạt động cho các mục tiêu đó mới được coi là thành viên của cộng đồng. Hậu quả tất yếu của quan điểm này là chỉ khi là thành viên của nhóm cá nhân mới được tôn trọng, tức là chỉ khi và trong chừng mực cá nhân đó có tác dụng thúc đẩy cho việc thực hiện các mục tiêu được tất cả mọi người thừa nhận thì cá nhân đó mới được tôn trọng. Người ta chỉ có nhân phẩm khi là thành viên của nhóm, con người đơn lẻ chẳng có giá trị gì. Vì vậy tất cả các giá trị nhân bản, kể cả chủ nghĩa quốc tế, vốn là sản phẩm của chủ nghĩa cá nhân đều không có chỗ trong triết lí của chủ nghĩa tập thể[2].
Cộng đồng theo chủ nghĩa tập thể chỉ có thể trở thành hiện thực khi tất cả các thành viên của nó có hoặc có thể đạt được sự nhất trí về tất cả các mục tiêu, nhưng bên cạnh đó còn có một loạt tác nhân làm cho cái xã hội như thế có xu hướng trở thành xã hội khép kín và biệt lập. Điều quan trọng nhất là việc cá nhân khát khao đồng nhất mình với nhóm lại là hậu quả của cảm giác bất toàn của chính mình, việc có chân trong nhóm trong trường hợp đó sẽ làm cho anh ta cảm thấy ưu thế của mình so với những người xung quanh, so với những người không thuộc nhóm của anh ta. Đôi khi, có thể chính bản năng gây hấn mà người ta biết rằng phải bị kiềm chế trong nội bộ nhóm lại được thả lỏng trong hành động của tập thể chống lại những người bên ngoài đã giúp cho cá nhân hòa đồng hơn với tập thể. Moral Man and Immoral Society (Con người đức hạnh và xã hội vô luân) là nhan đề tuyệt vời và rất chính xác của một tác phẩm của Reinhold Niebuhr, mặc dù chúng ta không thể đồng ý với tất cả các kết luận của ông. Nhưng, đúng như ông đã nói: “Con người hiện nay thường có xu hướng coi mình là có đức vì họ đã chuyển sự đồi bại của mình cho những nhóm người ngày càng đông hơn[3]”. Khi hành động nhân danh nhóm người ta thường rũ bỏ được nhiều hạn chế về mặt đạo đức, vốn là những thứ vẫn đóng vai trò kiềm chế hành vi của người ta trong nội bộ nhóm.
Thái độ thù địch không thể che giấu đối với chủ nghĩa quốc tế của phần đông những người ủng hộ kế hoạch hóa có thể được lí giải, bên cạnh các nguyên nhân khác, là trong thế giới hiện đại mọi mối liên hệ với bên ngoài đều ngăn cản việc tiến hành kế hoạch hóa một cách hữu hiệu. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà biên tập viên của một trong những công trình nghiên cứu tập thể toàn diện nhất về vấn đề kế hoạch hóa đã vô cùng thất vọng khi phát hiện ra rằng: “Phần lớn những người ủng hộ kế hoạch hóa lại là những người theo đường lối dân tộc chủ nghĩahiếu chiến nhất[4]”.
Thiên hướng dân tộc và đế quốc chủ nghĩa thường thấy ở những người xã hội chủ nghĩa hơn là người ta tưởng, mặc dù không phải lúc nào cũng thể hiện công khai, thí dụ như hai ông bà Webb hay một số người thuộc hội Fabian trước đây, ở những người này lòng nhiệt tình với kế hoạch hóa thường kết hợp với lòng sùng kính đặc thù trước những quốc gia lớn mạnh và khinh thường những nước nhỏ. Hồi tưởng lại cuộc gặp gỡ đầu tiên với ông bà Webb bốn mươi năm về trước, sử gia Élie Halévy nhận xét rằng tinh thần xã hội chủ nghĩa của họ hoàn toàn đối lập với chủ nghĩa tự do: “Ông bà ấy không căm ghét những người bảo thủ (Tories), thậm chí còn tỏ ra độ lượng đối với họ, nhưng lại không chấp nhận chủ nghĩa tự do của Gladston. Lúc đó đang diễn ra cuộc chiến tranh Anh-Boer (người Phi gốc Hà Lan- ND) và những người tự do tiến bộ nhất cùng với những người đang đứng ra thành lập Đảng Lao động đã ủng hộ người Boer chống lại đế quốc Anh, nhân danh tự do và lòng nhân đạo. Nhưng ông bà Webb và bạn họ là nhà văn Bernard Shaw lại đứng tách ra. Họ đã thể hiện tinh thần đế quốc một cách đầy khiêu khích. Nền độc lập của các dân tộc nhỏ bé có thể có ý nghĩa nào đó đối với một người tự do theo tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, nhưng lại chẳng có ý nghĩa gì đối với những người theo chủ nghĩa tập thể như họ. Bên tai tôi vẫn văng vẳng lời giải thích của Sidney Webb rằng tương lai thuộc về các nước lớn, nơi các viên chức sẽ cai trị, còn cảnh sát sẽ giữ trật tự”. Ở một chỗ khác, Halévy còn dẫn lại lời nói của B. Shaw, cũng nói về khoảng thời gian đó: “Thế giới nhất định thuộc về các nước lớn và mạnh; các nước nhỏ không nên thò đầu qua biên giới kẻo sẽ bị bóp chết đấy[5]”.
Tôi đã trích dẫn một đoạn dài, nếu đấy là phát biểu của những bậc tiền bối người Đức của chủ nghĩa xã hội quốc gia thì sẽ chẳng làm ai ngạc nhiên vì nó là thí dụ điển hình của thái độ tôn thờ quyền lực, một thái độ dễ dàng đưa người ta từ chủ nghĩa xã hội chuyển sang chủ nghĩa dân tộc và có ảnh hưởng sâu sắc đến quan điểm đạo đức của những người theo chủ nghĩa tập thể. Nói đến quyền của các dân tộc nhỏ thì quan điểm của Marx và Engels cũng chẳng khác gì quan điểm của những người theo chủ nghĩa tập thể khác, những lời phát biểu của họ về người Czech và người Ba Lan giống hệt như những gì mà các đảng viên xã hội chủ nghĩa quốc gia hiện nay đang nói[6].
* * *
Nếu đối với các triết gia cá nhân chủ nghĩa vĩ đại thế kỉ XIX, bắt đầu từ Lord Acton và Jacob Burckhardt và đến những người xã hội chủ nghĩa đương đại, như Bertrand Russell, những người kế thừa các truyền thống của chủ nghĩa tự do, quyền lực là cái ác tuyệt đối, thì đối với những người theo chủ nghĩa tập thể thuần thành, quyền lực lại là mục đích tự thân. Vấn đề không chỉ là, như Russell đã chỉ rõ, bản thân ước muốn tổ chức đời sống xã hội theo một kế hoạch duy nhất bắt nguồn từ khát vọng quyền lực[7]. Điều quan trọng hơn là, để đạt được mục tiêu, những người theo chủ nghĩa tập thể phải tạo ra quyền lực - thứ quyền lực do con người áp đặt lên con người – với sức mạnh chưa từng được biết đến trước đây, thành công của họ phụ thuộc vào mức độ quyền lực mà họ giành được.
Điều này vẫn đúng dẫu cho nhiều người xã hội chủ nghĩa có tư tưởng tự do đang nỗ lực làm việc vì bị dẫn dắt bởi cái ảo tưởng đầy bi kịch rằng tước đoạt quyền lực mà các cá nhân sở hữu trong hệ thống cá nhân chủ nghĩa và chuyển quyền lực này vào tay xã hội là họ đang thực hiện việc xóa bỏ quyền lực. Những người lí sự như thế đã bỏ qua sự kiện rõ ràng sau đây: tập trung quyền lực để nó có thể phục vụ cho một kế hoạch duy nhất thì quyền lực không những không được chuyển hóa mà còn trở thành quyền lực tuyệt đối. Tập trung vào tay một nhóm người cái quyền lực trước đó vẫn nằm trong tay nhiều người độc lập với nhau, thì quyền lực chẳng những đã tăng lên đến mức chưa từng có trước đây mà còn có ảnh hưởng sâu rộng đến mức gần như trở thành khác hẳn về chất. Thật sai lầm khi cho rằng quyền lực của cơ quan lập kế hoạch trung ương cũng “không hơn gì quyền lực tập thể của ban giám đốc xí nghiệp tư nhân[8]”. Thực tế là trong xã hội cạnh tranh, không người nào có thể nắm được dù chỉ một phần quyền lực mà ủy ban kế hoạch xã hội chủ nghĩa có thể sở hữu và nếu không có người nào có thể tự ý sử dụng quyền lực thì lời khẳng định rằng các nhà tư bản có một “quyền lực cộng đồng” thì đấy đơn giản chỉ là trò đánh tráo thuật ngữ mà thôi[9]. Câu “quyền lực bị hội đồng các giám đốc tư nhân thao túng”, trong khi họ chưa thực hiện các hành động có phối hợp, chỉ là một trò chơi chữ, còn khi họ đã phối hợp hành động thì cũng có nghĩa là sự cáo chung của nền kinh tế cạnh tranh và bắt đầu nền kinh tế kế hoạch hóa. Muốn giảm quyền lực tuyệt đối thì phải chia nhỏ nó ra hay là phi tập trung hóa nó và hệ thống cạnh tranh là hệ thống duy nhất được thiết kế nhằm phi tập trung hóa quyền lực và bằng cách đó làm giảm tối đa quyền lực của một số người đối với một số người khác.
Như chúng ta đã thấy, việc tách các mục tiêu kinh tế ra khỏi mục tiêu chính trị là sự bảo đảm thiết yếu cho tự do cá nhân, nhưng đây chính là đối tượng tấn công không khoan nhượng của những người xã hội chủ nghĩa. Cần phải nói thêm rằng khẩu hiệu thịnh hành hiện nay “đưa quyền lực chính trị thay thế cho quyền lực kinh tế” có nghĩa đem cái gông xiềng không ai có thể chạy thoát được thế chỗ cho cái quyền lực về bản chất là có giới hạn. Mặc dù quyền lực kinh tế có thể là một công cụ áp bức, nhưng khi còn nằm trong tay những cá nhân riêng lẻ, nó không thể là vô giới hạn và không thể bao trùm lên toàn bộ đời sống của một con người. Nhưng khi tập trung vào tay một nhóm người như là một công cụ của quyền lực chính trị thì nó sẽ biến người ta thành những người phụ thuộc chẳng khác gì nô lệ.
* * *
Từ hai đặc điểm trung tâm của mọi hệ thống tập thể chủ nghĩa tức là nhu cầu phải có một hệ thống các mục tiêu được tất cả mọi người trong nhóm chấp nhận và ước mơ của nhóm có một quyền lực tuyệt đối, nhằm thực thi các mục tiêu đó, chắc chắn sẽ nảy sinh ra một hệ thống đạo đức nhất định với một số điểm trùng hợp trong khi một số điểm lại khác hẳn với nền đạo đức của chúng ta. Nhưng có một điểm mà sự khác biệt rõ ràng đến nỗi có thể làm người ta ngờ rằng đây có phải là đạo đức hay không nữa: nó không để cho lương tâm của cá nhân được áp dụng các quy tắc của chính mình và nó cũng không chấp nhận bất kì quy tắc chung nào mà cá nhân phải tuân theo hoặc được phép theo trong mọi hoàn cảnh. Điều này làm cho đạo đức tập thể trở thành khác hẳn với cái mà chúng ta vẫn gọi là đạo đức và thật khó mà tìm được bất kì nguyên tắc nào dù rằng đạo đức tập thể vẫn có những nguyên tắc như thế.
Sự khác biệt về nguyên tắc cũng gần giống như trường hợp Pháp Trị mà chúng ta đã có dịp xem xét trước đây. Tương tự như các đạo luật hình thức, các tiêu chuẩn đạo đức cá nhân chủ nghĩa, dù không phải lúc nào cũng cụ thể chi li, nhưng là các tiêu chuẩn chung và vạn năng khi áp dụng. Các tiêu chuẩn này quy định hoặc cấm đoán một số hành động nhất định, không phụ thuộc vào mục đích mà những hành động ấy theo đuổi. Thí dụ ăn cắp hay nói dối, tra tấn hoặc phản bội được coi là xấu, ngay cả trong trường hợp cụ thể nào đó những hành động như thế không gây ra bất cứ thiệt hại trực tiếp nào. Dù không có ai phải chịu đau khổ hay ngay cả đấy là những hành động nhân danh một mục đích cao đẹp nào đó thì cũng không thể làm thay đổi được sự kiện là đấy là những hành động xấu. Mặc dù đôi khi chúng ta phải lựa chọn, phải làm một việc đỡ xấu hơn, nhưng dù sao đấy vẫn là việc xấu.
Trong đạo đức học cá nhân chủ nghĩa, nguyên tắc mục đích biện minh cho phương tiện được coi là sự phủ nhận mọi tiêu chuẩn đạo đức. Trong đạo đức học của chủ nghĩa tập thể nguyên tắc này nhất định phải trở thành quy tắc tối thượng; một người theo chủ nghĩa tập thể kiên định phải sẵn sàng làm tất cả mọi việc nếu đó là việc mang lại “hạnh phúc cho tất cả mọi người” vì đối với anh ta đấy là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá tính đạo đức của hành động. Đạo đức tập thể thể hiện rõ ràng nhất trong công thức raison d'état[10], một động cơ không chấp nhận bất kì giới hạn nào, ngoài tính vụ lợi, chính tính vụ lợi sẽ quyết định phải hành động như thế nào để đạt cho bằng được các mục tiêu trước mắt. Cách mà reason d’état thực hiện trong quan hệ giữa các quốc gia cũng được đem ra áp dụng trong quan hệ giữa các công dân trong các nước theo chủ nghĩa tập thể. Trong các nước theo chủ nghĩa tập thể lương tâm cũng như tất cả các tác nhân khác đã không còn đóng vai trò kiềm chế các hành động của con người nếu như đấy là các hành động nhằm thực hiện các mục tiêu do cộng đồng hay do cấp trên giao phó.
* * *
Sự thiếu vắng các quy tắc đạo đức tuyệt đối mang tính hình thức dĩ nhiên không có nghĩa là xã hội theo chủ nghĩa tập thể không khuyến khích một số thói quen có ích của các công dân và không đè nén một số thói quen khác. Ngược lại, xã hội theo đường lối tập thể quan tâm tới thói quen của con người hơn là xã hội theo đường lối cá nhân chủ nghĩa. Để trở thành người có ích cho xã hội theo đường lối tập thể cần phải có một số phẩm chất, những phẩm chất này lại đòi hỏi phải được rèn luyện thường xuyên. Chúng ta gọi đó là “những thói quen có ích” chứ không phải là đức hạnh vì trong bất kì trường hợp nào chúng cũng không được phép trở thành chướng ngại vật trên con đường tiến đến mục đích chung hay là cản trở việc thực thi mệnh lệnh của cấp trên. Các thói quen đó chỉ làm mỗi một nhiệm vụ là lấp đầy khoảng trống mà các mệnh lệnh hay các mục tiêu chưa nói tới chứ không bao giờ được mâu thuẫn với ý chí của nhà cầm quyền.
Có thể thấy rõ sự khác nhau giữa những phẩm chất sẽ được đánh giá cao trong xã hội theo chủ nghĩa tập thể và những phẩm chất nhất định sẽ phải biến mất trong thí dụ sau. Có một số phẩm chất đạo đức đặc trưng của người Đức, hay nói đúng hơn “đặc trưng Phổ” được cả những kẻ thù không đội trời chung của họ công nhận và cũng có những phẩm chất mà theo ý kiến chung là người Đức không có, nhưng lại có ở người Anh, khiến cho người Anh cảm thấy tự hào. Chắc chẳng mấy người phủ nhận rằng người Đức nói chung là yêu lao động và có kỉ luật, cẩn trọng và nghị lực đến mức tàn nhẫn, tận tuỵ và ngay thẳng trong mọi công việc; họ có ý thức cao về trật tự, về trách nhiệm và thói quen tuân phục chính quyền; họ sẵn sàng hi sinh quyền lợi cá nhân và tỏ ra là những người cực kì dũng cảm khi tính mạng bị đe dọa. Tất cả những điều đó đã biến người Đức thành công cụ thực hiện mọi nhiệm vụ do nhà cầm quyền đặt ra, chính phủ Phổ và Đế chế mới trong đó xu hướng Phổ giữ thế thượng phong, đã giáo dục họ theo đúng tinh thần như thế. Trong khi đó người ta lại cho rằng “người Đức điển hình” thiếu những phẩm chất của chủ nghĩa cá nhân như tinh thần bao dung, thái độ tôn trọng người khác, tôn trọng ý kiến của người khác, sự độc lập về trí tuệ, tính ngay thẳng và sẵn sàng bảo vệ ý kiến của mình trước những người có quyền lực, chính người Đức cũng nhận thấy như thế và gọi nó là Zivilcourage[11], họ thiếu sự quan tâm đến những kẻ yếu đuối, thiếu sự nghi ngờ lành mạnh đối với quyền lực, không thích quyền lực, những phẩm chất chỉ có thể được hình thành bởi truyền thống tự do cá nhân lâu đời. Người ta còn cho rằng người Đức không có các phẩm chất, có thể là không dễ nhận ra, nhưng rất quan trọng nếu xét từ quan điểm quan hệ giữa những người sống trong xã hội tự do, đấy là lòng nhân từ, tính khôi hài, cởi mở và tôn trọng đời sống cá nhân của người khác cũng như niềm tin vào ý định tốt đẹp của những người xung quanh.
Sau tất cả những điều đã trình bày, có thể thấy rõ rằng những phẩm hạnh đặc trưng của chủ nghĩa cá nhân cũng đồng thời là những phẩm hạnh mang tính xã hội, giúp cho tương tác xã hội diễn ra thuận lợi hơn, nhờ thế mà không cần và rất khó kiểm soát từ bên trên. Những phẩm hạnh này chỉ phát triển trong các xã hội mang tính cá nhân chủ nghĩa hoặc đã phát triển về mặt thương mại, và không hiện diện trong xã hội nơi chủ nghĩa tập thể hay quân phiệt giữ thế thượng phong. Có thể nhận thấy rõ sự khác biệt này ở những vùng khác nhau của Đức, và hiện nay chúng ta cũng có thể thấy khi so sánh Đức với các nước phương Tây. Cho mãi đến tận thời gian gần đây, tại những vùng phát triển nhất về thương mại, tức là tại những thành phố buôn bán ở phía Nam và phía Tây, cũng như các thành phố vùng Hanse, các quan niệm đạo đức vẫn gần với tiêu chuẩn của phương Tây hơn là những tiêu chuẩn đang giữ thế thượng phong ở Đức hiện nay.
Tuy vậy, sẽ cực kì bất công khi cho rằng khối quần chúng ủng hộ chế độ trong các nhà nước toàn trị, mà chúng ta coi là chế độ vô luân, là những người chẳng còn động lực đạo đức nào. Đối với đa số thì tình hình hoàn toàn ngược lại: chỉ có thể so sánh những xúc cảm về mặt đạo đức đằng sau các phong trào như quốc xã hay cộng sản với những trải nghiệm của những người đã từng tham gia các phong trào tôn giáo vĩ đại trong lịch sử. Nhưng một khi đã thừa nhận rằng cá nhân chỉ là phương tiện phục vụ cho những mục tiêu của một thực thể cao quý hơn, gọi là xã hội hay quốc gia thì cũng thế, thì những đặc điểm của chế độ toàn trị nhất định sẽ xuất hiện. Từ quan điểm của chủ nghĩa tập thể thì thái độ bất dung và đàn áp thô bạo bất đồng quan điểm, khinh thường đời sống và hạnh phúc cá nhân chính là những hậu quả thiết yếu và không thể tránh khỏi của những tiền đề lí luận nền tảng. Đồng ý như thế, nhưng đồng thời những người ủng hộ chủ nghĩa tập thể lại khẳng định rằng chế độ này tiến bộ hơn là cái chế độ, nơi những quyền lợi “ích kỉ” của từng cá nhân có thể cản trở các mục tiêu mà cộng đồng theo đuổi. Các triết gia Đức là những người chân thành khi họ cố gắng chứng minh hết lần này đến lần khác rằng phấn đấu cho hạnh phúc cá nhân là việc làm phi đạo đức và chỉ có thực hiện nghĩa vụ trước xã hội mới là việc làm đáng tôn trọng, nhưng những người được giáo dục theo truyền thống khác thì khó mà hiểu nổi chuyện đó.
Ở đâu chỉ tồn tại một mục tiêu chung cao quý duy nhất thì ở đó không còn chỗ cho bất kì tiêu chuẩn hay quy phạm đạo đức nào. Trong thời kì chiến tranh chúng ta cũng từng trải nghiệm những điều như thế ở một mức độ nào đó. Nhưng ngay cả chiến tranh với những mối hiểm nguy vốn có của nó cũng chỉ tạo ra trong lòng các nước dân chủ một phiên bản toàn trị tương đối ôn hòa: chỉ một vài giá trị cá nhân bị đặt sang một bên để dành chỗ cho mục tiêu duy nhất lúc đó mà thôi. Nhưng khi toàn xã hội chỉ theo đuổi một vài mục tiêu chung nào đó thì nhất định sự tàn bạo đôi khi sẽ được coi là nhiệm vụ và những hành động làm chúng ta kinh tởm như bắn giết con tin, giết người già hay người ốm được coi là những việc làm thích hợp; di dân cưỡng bức và bắt lưu đầy hàng trăm ngàn người trở thành biện pháp chính trị được hầu như tất cả mọi nguời, trừ các nạn nhân, ủng hộ; thậm chí người ta còn nghiên cứu cả những đề nghị như “gọi đàn bà nhập ngũ để sinh con đẻ cái” nữa. Những người theo chủ nghĩa tập thể chỉ nhìn thấy những mục tiêu vĩ đại, họ đủ sức biện hộ cho những hành động như thế vì không có quyền con người nào hay giá trị cá nhân nào có thể trở thành lực cản cho sự nghiệp phụng sự xã hội của họ.
Nhưng trong khi đối với phần đông công dân của nhà nước toàn trị, lí tưởng, mặc dù đối với chúng ta đấy là lí tưởng chẳng ra gì, chính là thứ họ sẵn sàng hy sinh hết mình, là thứ khiến họ ủng hộ, thậm chí thực hiện những hành động bất nhân nói trên, thì đối với những kẻ điều hành chính sách đó lại không hẳn như thế. Muốn trở thành trợ thủ đắc lực trong việc điều hành nhà nước toàn trị thì sẵn sàng chấp nhận những lời giải thích có vẻ hợp lí cho những việc làm đốn mạt là chưa đủ, y còn phải sẵn sàng chà đạp lên mọi quy tắc đạo đức từng được biết đến nếu đấy là việc cần thiết để đạt mục tiêu đề ra cho y. Vị lãnh tụ tối cao là người duy nhất có quyền đặt ra mục tiêu cho nên các trợ thủ trong tay ông ta không được có quan điểm đạo đức riêng của mình. Yêu cầu quan trọng nhất đối với người cán bộ là lòng trung thành tuyệt đối đối với cá nhân lãnh tụ, kèm theo lòng trung thành là tính vô nguyên tắc và sẵn sàng làm bất cứ việc gì. Cán bộ không được có lí tưởng thầm kín của riêng mình hoặc quan điểm riêng về thiện ác, có thể ảnh hưởng tới các dự định của lãnh tụ. Từ đó có thể thấy rằng các chức vụ cao khó có sức hấp dẫn đối với những người có quan điểm đạo đức vốn từng là kim chỉ nam cho hành động trong quá khứ của người Âu châu. Bởi vì, chẳng có gì có thể đền bù được cho những hành động bất lương mà họ nhất định phải làm, sẽ không còn cơ hội theo đuổi những ước mơ lí tưởng hơn, chẳng có gì có thể đền bù được những mạo hiểm không thể nào tránh khỏi, chẳng có gì có thể đền bù được những niềm vui của cuộc sống riêng tư và sự độc lập của cá nhân mà chức vụ lãnh đạo cao nhất định phải làm. Chỉ có một khát khao, đấy là khát khao quyền lực theo nghĩa đen của từ này và cái khoái cảm được người khác phục tùng và được là một phần của một cỗ máy quyền lực khổng lồ không ai có thể cản trở được, là có thể được thỏa mãn theo cách đó mà thôi.
Nếu các chức vụ cao trong bộ máy quyền lực toàn trị không hấp dẫn được những người xứng đáng, theo tiêu chuẩn của chúng ta, thì điều đó có nghĩa là những kẻ tàn nhẫn và vô liêm sỉ sẽ có nhiều cơ hội. Không nghi ngờ gì rằng sẽ có nhiều việc gọi là “bẩn thỉu”, nhưng cần phải làm vì mục đích cao thượng và phải làm một cách dứt khoát và chuyên nghiệp như bất kì công việc nào khác. Và cũng có nhiều hành động bản thân chúng đã là xấu xa rồi, những loại mà những người còn có quan niệm đạo đức truyền thống sẽ không chịu làm, nên những kẻ sẵn sàng làm những việc xấu xa như thế sẽ có tấm giấy thông hành để thăng tiến và đi đến quyền lực. Trong xã hội toàn trị nhất định sẽ có nhiều chức vụ đòi hỏi sự tàn nhẫn, dọa nạt, lừa dối và chỉ điểm. Gestapo hay các ban quản lí các trại tập trung, Bộ tuyên truyền hay SA hoặc SS (hoặc những cơ quan tương ứng ở Ý hay ở Nga) không phải là chỗ thể hiện lòng nhân đạo của con người. Nhưng đấy chính là con đường tiến thân trong ban lãnh đạo của nhà nước toàn trị. Một nhà kinh tế học nổi tiếng người Mĩ sau khi xem xét sơ qua trách nhiệm của chính quyền trong xã hội theo đường lối tập thể đã rút ra kết luận rất đúng rằng: “Dù muốn hay không họ cũng phải làm những việc đó: xác suất những người nắm chính quyền là các cá nhân không thích giữ và thể hiện quyền lực cũng ngang bằng với xác suất một người cực kì dịu dàng muốn làm công việc của cai đội trong đồn điền nô lệ[12]”.
Nhưng như thế chưa phải đã hết. Vấn đề lựa chọn người lãnh đạo là một phần của một vấn đề lớn hơn: vấn đề lựa chọn người phù hợp với quan điểm của họ hay nói đúng hơn là lựa chọn những người sẵn sàng thích nghi với học thuyết thường xuyên thay đổi của họ. Và điều đó dẫn chúng ta đến một trong những đặc điểm nổi bật nhất của đạo đức của chủ nghĩa toàn trị: quan hệ của nó với và ảnh hưởng của nó lên những đức tính được gọi bằng một tên chung là tính trung thực. Nhưng đây là đề tài lớn, cần phải cả một chương mới mong nói hết được.
[1] Xem cuộc thảo luận rất đáng nghiên cứu trong tác phẩm: Socialism. National or International? (Chủ nghĩa xã hội. Quốc gia hay quốc tế) -1942 của Franz Borkenau.
[2] Zarathustra của Nietzsche đã nói đúng theo tinh thần của chủ nghĩa tập thể: “Cho đến nay đã từng tồn tại cả ngàn mục tiêu vì đã tồn tại cảngàn người. Nhưng vẫn chưa có một cái cùm chung cho cả ngàn cái cổ, chưa có một mục tiêu duy nhất. Nhân loại chưa có một mục tiêu. Tôicầu xin những người anh em, hãy nói đi: nhân loại không có mục tiêu, thế chẳng phải là không có nhân loại đó ư?”
[3] Theo Carr E.H. trong tác phẩm The Twenty Year's Crisis (Hai mươi năm khủng hoảng, 1941. trang. 203.
[4] Findlay Mackenzie (ed). Planned Society, Yesterday, Today, Tomorrow: A Simposium. (Xã hội được lập trình, hôm qua, hôm nay và ngày mai), 1937. trang. XX.
[5] Halevy E. L'Ere des Tyrannies. Paris, 1938; History of the English People. "Epilogue", vol. I, trang. 105—106.
[6] Xem K. Marx. Cách mạng và phản cách mạng, cũng như thư của Engels gửi Marx đề ngày 23 tháng 5 năm 1851.
[7] Russell В. The Scientific Outlook (Quan điểm khoa học). 1931. trang. 211.
[8] Lippincott B.E. trong Introduction to Oscar Lange, Taylor F.M. On the Economic Theory of Socialism (Bàn về lí thuyết kinh tế của chủ nghĩa xã hội). Minneapolis, 1938. trang. 35.
[9] Chúng ta không được phép để mình bị mắc lừa bởi sự kiện là từ “lực”, ngoài ý nghĩa được sử dụng liên quan đến con người, còn được sử dụng theo nghĩa phi nhân cách (đúng hơn là đã được nhân cách hóa) đối với bất kì nguyên nhân nào. Dĩ nhiên là luôn luôn có một cái gì đó là nguyên nhân cho tất cả những cái khác, theo nghĩa đó thì tổng quyền lực phải luôn luôn là một hằng số. Nhưng điều này không liên quan gì đến quyền lực mà một số người cố ý áp đặt lên một số người khác.
[10] Lí trí của nhà nước- Tiếng Pháp –ND.
[11] Dũng cảm công dân - Tiếng Đức–ND.
[12] Knight F.H. trong Journal of Political Economy. 1938. December. trang. 869.
Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016
“Lò ấp” Tiến sĩ và “Nỗi sỉ nhục buốt lòng”
Nguyễn Trọng Bình
Thêm một lần nữa, vấn đề chất lượng đào tạo của nền giáo dục nước nhà bị dư luận xã hội nghi ngờ và mang ra mổ xẻ. Lần này là chuyện về đội ngũ các “nhà khoa học” được cấp bằng công nhận học vị Tiến sĩ. Thật đau lòng vì trước một vấn đề vốn rất nghiêm túc nhưng giờ đây, cả xã hội mạnh ai nấy thể hiện sự xem thường không chỉ bằng những cách gọi mỉa mai mà còn những bức tranh biếm họa, cợt đùa, cay nghiệt...
Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là cùng thời điểm dư luận “nổi sóng” về vấn nạn “Tiến sĩ giấy” là sự kiện cá chết dọc dài theo bờ biển các tỉnh miền Trung gần một tháng qua nhưng vẫn chưa kết luận cụ thể, rõ ràng và xác đáng về nguyên nhân của nó. Người viết bài này tự hỏi có mối liên quan nào không giữa hai sự kiện này? Dĩ nhiên, mối liên quan ở đây cần được hiểu trên tinh thần đất nước và xã hội luôn luôn và bao giờ cũng cần đến những cái đầu của đội ngũ các nhà khoa học thực thụ, ngoài tư cách tư cách công dân thông thường còn là tư cách của một trí thức chân chính.
Đặt vấn đề như vậy để thấy rằng nếu bỏ qua một vài quan điểm và cái nhìn phiến diện, cực đoan thì việc dư luận nghi ngờ và bức xúc về vấn nạn “Tiến sĩ giấy” hiện nay là hoàn toàn có cơ sở, không có gì là oan ức. Đặc biệt là khi giới truyền thông tiếp tục phanh phui và bàn tán về các công trình nghiên của các “nhà khoa học” mà chỉ đọc qua tên đề tài thôi đã thấy chua xót, não nề. Đó là chưa kể vô số các công trình tương tự mà chủ nhân của nó đã và đang giấu nhẹm không dám công bố với lý do “tế nhị” và “nhạy cảm”; hay các thông tin về việc các quan chức lãnh đạo đua nhau đổ xô đi học Tiến sĩ góp phần làm nên đội ngũ 24.000 TS trên cả nước hiện nay...
Công tâm mà nói, 24.000 TS trong một đất nước với hơn 90 triệu dân thì cũng không hẳn là nhiều (hay như một số người gọi quá lên là “lạm phát”). Tuy nhiên, như người xưa nói “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Hơn nữa, trong hoàn cảnh đất nước đang rất cần tiếng nói và sự đóng góp của đội ngũ trí thức nhưng có quá nhiều người không chính danh và giả mạo thì đó không chỉ là sự lãng phí mà còn rất nguy hiểm cho sự phát triển lành mạnh của xã hội nếu nhìn ở phương diện văn hóa và đạo đức khoa học.
Trước năm 1975, ở miền Nam, học giả Nguyễn Văn Trung trong khi bàn về vai trò và tư cách của những bậc thức giả trong xã hội, có nói rằng: “Người trí thức không phải là người có kiến thức đại học hay sau đại học, mà là người có kiến thức chuyên sâu nhờ đọc sách và kinh nghiệm tiếp xúc. Thực ra điều cốt yếu đáng nói không phải là vốn kiến thức mà thái độ trí thức đối với các vốn kiến thức ấy và, nhất là đối với các vấn đề của cuộc sống trước mặt đặt ra”.
Từ đây, trở lại vấn đề cá chết dọc các bờ biển các tỉnh miền Trung gần một tháng trời nhưng các nhà khoa học trên khắp nước Việt vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để trả lời xác đáng với dư luận. Tại sao như vậy? Thôi thì bỏ qua và cũng thông cảm cho các nhà khoa học vì mấy chuyện “chính chị, chính em” muôn thuở trên đất nước này (nhất là mỗi khi có sự kiện lớn, bất thường nào đó xảy ra có liên quan tới yếu tố Trung Quốc). Nhưng các nhà khoa học nghĩ gì trước hàng vạn đồng bào đang lâm vào cảnh lầm than đói kém ngoài kia vì đại nạn này? Và trước đó nữa, những nhà khoa học nào đã trực tiếp chịu trách nhiệm phản biện, giám sát vấn đề tác động môi trường từ các công trình dự án có yếu tố nước ngoài (đặc biệt là Trung Quốc) trên khắp đất nước này? Phải chăng tất cả sự chậm trễ này hay rộng hơn cái hệ lụy “rừng đã hết và biển thì đã chết” trên khắp đất nước Việt hôm nay đều có có chung mối liên hệ tất yếu với vấn đề tư cách và thái độ trí thức của phần lớn các nhà khoa học như cách nói của học giả Nguyễn Văn Trung?
Vẫn biết dư luận và tâm lý đám đông không phải lúc nào cũng đúng nếu không muốn nói đôi khi rất cực đoan và đầy cay nghiệt nên ít nhiều đã vô tình làm tổn thương (số ít) những nhà khoa học thực thụ và tử tế. Nhưng riêng trong chuyện này, thử hỏi tất cả “những người trong cuộc” có bao giờ tự phản tỉnh và nghiêm túc nhìn lại chính mình chưa? Hay là vẫn tiếp tục “bưng tai giả điếc”, “ngậm miệng ăn tiền” hoặc không thì im lặng và nghĩ “chắc nó trừ mình ra” kiểu như dân làng Vũ Đại mỗi khi bị Chí Phèo chửi mắng, xúc phạm...
Ngoài ra, tại sao một đề tài, một công trình nghiên cứu rất “trời ơi đất hỡi” nhưng vẫn được cả hội đồng thẩm định (toàn TS, PGS, GS) thông qua? Hay các quan chức lãnh đạo quanh năm bù đầu bù cổ với không biết bao nhiêu là cuộc họp lớn nhỏ; rồi những chuyến công du ra nước ngoài như đi chợ thì thời gian đâu mà đi học “làm” TS, làm nhà khoa học? Thế nhưng tại sao các cơ sở đào tạo vẫn cấp bằng công nhận...? Phải chăng tất cả chuyện giả danh và ngụy khoa học này đều có chung một nguyên nhân là sự mạt vận của đạo đức khoa học và sự băng hoại lương tâm của đội ngũ trí thức Việt trong thời đại hôm nay? Hay nói như cố nhà thơ Lưu Quang Vũ, đây chính là“Nỗi sỉ nhục buốt lòng.../ Khi bao điều tưởng thiêng liêng, trong sạch/ Bỗng trở nên ngu xuẩn đê hèn”.
Cá dọc các bờ biển miền Trung đã chết, đồng bào miền Trung đang lâm vào cảnh đói khổ đó là những sự thật không thể chối cãi được. Vậy thì ai trong số 24000 TS đã góp phần làm nên nỗi tang thương này? Nhất là các TS, các “nhà khoa học” đã và đang kiêm luôn những chức vụ lãnh đạo cấp cao từ trung ương đến địa phương? Dắt tay nhau nhảy xuống cùng biển tắm ư; mua cá của ngư dân luộc ăn tại chỗ ư? Tổ chức tiếp xúc cử tri toàn những người cùng hội cùng thuyền để ghi hình và tuyên truyền, xoa dịu, trấn an dân chúng ư...? Xin thưa đây chỉ là những vở diễn, vai diễn tồi của những tay đạo diễn và diễn viên nghiệp dư; người lãnh đạo có trách nhiệm, nhà khoa học, người trí thức có lương tâm không ai làm như vậy!
***
Nói cho cùng “Tiến sĩ giấy” (hay nói rộng ra chuyện học giả bằng thật) là một vấn nạn muôn thuở trong bất kỳ xã hội Đông, Tây kim cổ nào. Chủ quan mà nói, nếu phải truy xuất nguyên nhân cội rễ của vấn nạn này thiết nghĩ, có lẽ cũng nên tham khảo thêm quan điểm của giáo lý nhà Phật. Đó là vấn đề thuộc về bản chất của con người nói chung – vấn đề “tam độc”: tham, sân, si; là người phàm mắt thịt thì khó có ai thoát khỏi những điều trên. Tuy nhiên, khách quan mà nói, nguyên nhân trực tiếp và quyết định nhất gây nên vấn nạn trên phần lớn phụ thuộc vào các yếu tố như: đặc trưng về thể chế chính trị (tính dân chủ, công khai, minh bạch...); môi trường sống và sinh hoạt của con người (nội lực văn hóa, nền tảng đạo đức, đường lối quan điểm về học thuật...) ở mỗi cộng đồng, dân tộc, quốc gia... trong những thời điểm nhất định.
Từ đây, có thể nói “Tiến sĩ giấy” vốn là câu chuyện cũ của ngày hôm qua được dư luận hôm nay thêm một lần nữa xới lại vì nó quá trầm trọng và thối nát. Âu cũng là thêm một bằng chứng cho thấy bức tranh toàn cảnh của nền giáo dục nước nhà. Một bức tranh xám xịt và u tối; một cái vòng luẩn quẩn của các công cuộc đổi mới, tưởng là cải tiến nhưng hóa ra cải... lùi!
Thứ Hai, 9 tháng 5, 2016
Thuyết Kiêm Ái- Mặc Tử
1. Sơ Yếu Cuộc Đời
Mặc Tử tên Địch, người nước Lỗ. Cho đến nay, vẫn chưa xác định được năm sanh và năm mất, chỉ biết khoảng chừng vào thời sau Khổng Tử, trước Mạnh Tử.
Ban đầu có theo học đạo Nho, nhưng về sau cho rằng, “Nhân nghĩa” của nhà Nho gần như lẩm cẩm, “Lễ nhạc” của nhà Nho quá ư phiền toái, nên tự khởi xướng ra học thuyết mới, nặng về công lợi và giá trì thực dụng.
Mặc Tử là một nhân vật cực lực phản đối chiến tranh, đã từng du hành qua các nước Tề, Vệ, Tống, Ngụy, Việt và Sở, đến đâu cung tuyên truyền thuyết “Phi công”.
Có lần Tề sắp ra quân đánh Lỗ, Mặc Tử tức tốc sang gặp thẳng tướng Tề là Hạn Ngưu, nhắc lại sự tích Ngô đánh Việt, hạ Sở, phá Tề đều đắc thắng cả, song kết cuộc là quốc phá gia vong, Ngô vương Phù Sai chết thảm, rồi kết luận rằng:
- "Tề mà đánh Lỗ là một hành động sai lầm to”.
Tiếp theo, Mặc Tử xin bệ kiến Tề vương, ví chiến tranh là con dao hai lưỡi, thuyết phục được vua Tề, bỏ ý định đánh Lỗ.
Trong đời Mặc Tử, vụ nổi tiếng nhất là cản được Sở đánh Tống. Số là có người thợ giỏi tên là Công Du Ban, tạo cho nước Sở thứ chiến cụ mới, gọi là vân thê” (thang mây), để công thành phá lũy. Vua Sở quyết dùng “vân thê” làm phương tiện đánh lấy nước Tống.
Lúc đó Mặc Tử đang ở Lỗ, được tin này tức lốc lên đường, đi liên tục suốt mười ngày đêm đến nước Sở, tìm gặp ngay Công Du Ban. rồi đưa nhau vào yết kiến vua Sở. Mặc Tử khuyên giải rằng:
- “Mọi thứ của nước Sờ đều hơn hẳn nước Tống, thế mà đi lấy Tống, thì chẳng khác nào bỏ rượu ngon thịt béo của nhà mình, đi ăn cơm độn của hàng xóm”.
Sở vương nghe tuy có lý nhưng nhận thấy, nếu dùng thứ chiến cụ mới này, đi đánh Tống là chắc ăn, nên chưa chịu bỏ ý định khai chiến.
Mặc Tử đoán biết ý nghĩ của vua Sở, bèn đề nghị với Công Du Ban, ai nấy dùng chiến cụ do mình sáng chế, kẻ công người thủ, thao diễn ngay trước mặt vua, xem ai được ai thua. Qua chín trận tiến thoái giao tranh, thế công của Công Du Ban, đều bị Mặc Tử hóa giải. Tuy đã chịu thua, nhưng Công Du Ban lại mưu toan ám hại đối thủ. Mặc Tử kịp thời phát giác ngay ý đồ đen tối của đối phương, liền nói thẳng với Công Du Ban trước vua Sở:
- “Xin nhớ rằng, trước ngày rời Lỗ sang Sở, ta đã cử ba trăm đệ tử do Cầm Hoạt Ly dẫn đầu, mang theo chiến cụ phòng thủ do ta sáng chế, vào thành Tống trực chờ quân Sở rồi”.
Rút cuộc là, bằng nhiệt tình yêu chuộng hòa bình, với kỹ thuật chiến đấu tinh vi, Mặc Tử đã chặn đứng được một tai hoạ chiến tranh khủng khiếp sắp xây ra, đạt tới mục đích “phi công”.
Qua cốt truyện kể trên, chứng tỏ chủ trương “phi công” của Mặc Tử, không là lý thuyết suông. Mặc Tử chẳng những đã đích thân hành động, còn dùng kỹ thuật cao siêu đo chính mình phát minh ra, để thực hiện lý tưởng cao cả đó.
Xét trên lịch sử Trung Quốc, trong thành phần trí thức hơn hai ngàn năm trở lại đây, ít có ai được như Mặc Tử.
Mặc Tử chẳng những đã thực hiện lý tưởng “phi công”, bằng kỹ thuật khoa học và hành động cụ thể đồng thời cũng là một nhân vật bài trừ mê tín dị đoan, bằng kinh nghiệm bản thân.
Câu chuyện đã xẩy ra là, có lần Mặc Tử đang trên đường sang nước Tề ở phương bắc, tình cờ gặp một thày bói bảo với Mặc Tử rằng:
- “Bữa nay vừa đúng ngày Thượng đế chém Hắc long (Rồng đen) nơi phương bắc, tiên sinh có nước da ngăm ngăm, bây giờ mà lên hướng bắc là nguy hiểm đấy! ”
Mặc Tử không tin, vẫn cứ đi như thường, nhưng rồi buộc phải quay trở lại, vì nước sông Tư thủy tràn mất lối đi. Thầy bói cho là đã ứng nghiệm với lời tiên tri của mình, Mặc Tử bác lại rằng:
- "Nước sông tràn lên ngập đường, làm cho kẻ ở phía nam không lên được phía bắc, người ở phía bắc cũng chẳng xuống được phía nam, trong số có cả kẻ nước da láng, người nước da đen, cớ sao họ cũng bị kẹt hết vậy? Hơn nữa, (như ông đã nói) ngày giáp ất, Thượng đế chém Thanh long ở phương đông, ngày bính đinh, chém Xích long ở phương nam, ngày canh tân chém Bạch long ở phương tây, ngày nhâm quý chém Hắc long ở phương bắc. Nếu nói như ông thì khắp thiên hạ đều bị cầm chân, chẳng còn ai đi đâu được cả. ông đã nói tầm bậy rồi đấy!”
Đời sau truyền rằng, Mặc Tử từng làm quan Đại phu của nước Tống, nhưng chẳng thấy sách ghi điều đó. Theo kết quả khảo cứu của các sử gia, thì suốt đời Mặc Tử vẫn là bình dân áo vải, chưa hề làm quan.
2- Chủ Thuyết Của Mặc Tử
Chủ thuyết Của Mặc Tử, nói gọn là hai chữ “Kiêm ái”. Với tinh thần truyền đạo, Mặc Tử đã đích thân thực tiễn tâm niệm “Kiêm ái”, nhưng chưa xây đựng hoàn chỉnh một hệ thống triết lý “Kiêm ái”, để thiên hạ tâm phục và thi hành.
Sở dĩ Mặc Tử có được một địa vị quan trọng trên lịch sử văn hóa cổ Trung Quốc, không do vai trò nhà triết học hay nhà tôn giáo, mà là nhờ ý chí chống xâm lăng, bằng chủ trương “phi công”, với nhiệt tình cứu thế, nghị lực thực hành và tinh thần hy sinh cao cả, đã cảm động đến muôn đời.
Mặc Tử xuất thân hàn vi, tuy sinh trưởng tại Lỗ, một nước bảo tồn hơn bất cứ nước nào hết, nền văn hóa nhà Chu, và đã từng theo học đạo Nho, nhưng không chủ trương chấn hưng văn hóa nhà Chu như Khổng Tử, mà là đi theo con đường cải cách tích cực, mong tạo dựng được một xã hội mới, an bình, có lợi cho giới bình dân.
Hoàn cảnh quốc tế lúc bấy giờ, có thể nói là hỗn loạn vô cùng, trong nội bộ các nước luôn luôn xây ra những vụ thoán nghịch, giữa các nước thì dùng võ lực công phạt lẫn nhau.
Với lòng bác ái vị tha, Mặc Tử đã bôn ba giữa các nước, khẩn thiết kêu gọi “Kiêm ái phi công”.
Nhưng vì chủ trương “Kiêm ái phi công” của Mặc Tứ nghịch lại với chính sách “Binh nông” (nuôi quân ở nhà nông) của vua chúa các nước đương thời, cho nên đã gặp nhiều trở ngại, khó thực hiện nổi. Chẳng hạn như, khi Mặc Tử sang nước Sở dân thứ nhì, dâng tác phẩm của mình lên Sở Huệ Vương. Vua Sở tuy đã khen sách viết rất hay, nhưng chẳng thực hành theo lờl khuyến cáo của Mặc Tử, duy chỉ ngỏ ý “Vinh dưỡng hiền nhân” (trọng đãi kẻ hiền sĩ). Thấy vậy, Mặc Tử liền tạ từ rằng:
- “Địch văn hiền nhân tiến, đạo bất hành, bất thụ kỳ thưởng; nghĩa bất thính, bất xử kỳ triều, khất kim thư vị dụng, thỉnh toại hành dĩ”. (Địch này nghe nói, khi hiền sĩ đã đem lời tiến dâng mà đạo chẳng hành, thì nào dám nhận phần thưởng; khi nghĩa chẳng được nghe theo, thì không thể cộng sự tại triều, mãi đến nay, sách của tôi chưa được áp dụng, thì xin cho lui thôi).
Khổng Tử cùng Mạnh Tử, trước sau đều có dẫn nhóm học trò đi chu du liệt quốc, nghiễm nhiên thành một tập đoàn sĩ nhân, dựa vào lớp người quyền thế trên thượng tầng xã hội, để hoạt động chính trị, khỏi làm cũng có ăn.
Trái lại, Mặc Tử cùng môn đệ nhà Mặc, vẫn sống tự túc với nghề nghiệp lao động thợ thuyền, bằng tinh thần khắc khổ, trong khi phải đi tuyên truyền, vận động thuyết “Kiêm ái phi công”.
Cho nên Mặc Tử rất ác cảm với hàng Nho sĩ. Có lần Mặc Tử đến nước Vệ, mục kích người Vệ sống theo lối xa xỉ, rất cảm khái mà nói với quan Đại phu nước Vệ rằng:
- “Vệ là một nước nhỏ, lại nằm vào giữa hai nước lớn Tề và Tấn, chẳng khác nào nhà nghèo sống trong xóm nhà giàu, rồi học theo thói xa hoa, ngoài khả năng của mình, thì tránh sao cho khỏi sẽ mất nước sớm”.
Biết rằng vua quan các nước đều vì quyền lợi riêng tư, chẳng ai chịu thi hành chính sách “Phi công” của mình, nên Mặc Tử và những tín đồ theo Mặc học, tự tổ chức lấy đoàn thể xã hội, người đứng đâu gọi là “Cự tử”, hình thành một lực lượng dân gian, cố gắng thể hiện chủ thuyết “Kiêm ái phi công”, bằng hành động tích cực, như việc ngăn Sở đánh Tống đã nói ở đoạn trên.
Hành động tích cực đó, là dùng giải pháp “Phi công”, để đạt tới lý tưởng “Kiêm ái”. Một đoàn thể nhân dân muốn có sức mạnh thật sự, thì phải kết nạp được một số đông người có lý tưởng chung, và sẽ hành động nhất trí, khi có lệnh của người đứng đầu.
Đoàn thể Mặc giả do Mặc Tử lãnh đạo lúc đó, được chứng minh là đã hội đủ điều kiện nêu trên:
1/ Đang lúc Mặc Tử là “Cự tử”, chỉ trong một thời gian ngắn, đã động viên được 300 tín đồ, sang giúp Tống, sẵn sàng chống quân Sở.
2/- Sau ngày Mặc Tử mất, “Cự tử” kế nhiệm là Mạnh Thắng, cũng đã từng chỉ huy một nhóm tín đồ, giúp Dương Thành Quân bảo vệ phong ấp, trong một trận chiến kịch liệt đã hy sinh đến 183 người.
3/- Cao Thạch Tử là môn sinh của Mặc Tử, làm quan tại nước Vệ, hưởng lộc rất hậu, nhưng vì chính kiến nêu ra, không được vua Vệ chấp nhận, đành phải từ quan, trở về với đời sống cơ hàn.
4/- Mặc Tử từng cử học trò là Thắng Trác, làm việc dưới quyền của Hạn Tử Ngưu. Sau đó, vì Ngưu đã ba phen xuất quân đánh Lỗ, Thắng Trác đều có dự cuộc, đó là một hành động trái ngược với chủ trương “Phi công”, nên bị Mặc Tử đuổi ra khỏi hội đoàn Mặc giả.
Luân lý xã hội của Mặc Tử, được xây dựng trên quan niệm “Kiêm ái”, đó là tình thương bình đẳng và phổ cập.
Quan niệm luân lý này, sai biệt rất lớn so với quan niệm luân lý gia tộc, trong xã hội tôn pháp đương thời, chứng tỏ Mặc Tử có lập trường chống lại quy tác tôn pháp, ưu tiên thương người nhà hơn người ngoài, dưới chế độ phong kiến nhà Chu.
Sở dĩ Mặc Tử không nhìn nhận giá trị của luân lý tôn pháp, là vì cho rằng cha mẹ chưa chắc đã là tấm gương tốt cho con cái trong gia đình. Lý do là, “Thiên hạ chi vi phụ mẫu giả chúng, nhi nhân giả quả”. (Dưới bầu trời, kẻ làm cha mẹ thì đông, nhưng người nhân đức thì hiếm), và kẻ làm vua cũng rất ít có người nhân đức. Cho nên Mặc Tử chủ trương sống theo đức Trời, bởi chỉ có Trời mới “Kiêm nhi ái chi, kiêm nhi lợi chi”. (Trời thương tất cả làm lợi cho tất cả mọi người).
3 – Giá Trị Của Mặc Học
Mạnh Tử từng phê phán rất nghiêm khấc, cả Dương Chu lẫn Mặc Địch rằng:
- “Dương Chu Mặc Địch chi ngôn dinh thiên hạ… Dương thị vị ngã, thị vô quân giã; Mặc thị kiêm ái, thị vó phụ giã; vô quân vô phụ, thị cầm thú giã”. (Nay thuyết của Dương Chu cùng Mặc Địch lan tràn thiên hạ… Họ Dương chủ trương vị kỷ, ấy là không có chúa; họ Mặc chủ trương kiêm ái, đó là không có cha; kẻ không chúa không cha, là loài cầm thú vậy).
Tuân Tử cũng có lời phê phán tương tự, cho rằng thuyết của Mặc Tử làm đảo lộn luân thường, mà thoáng nghe như là có lý, rất dễ mê hoặc người đời.
Tuân Tử vốn chủ trương “túc dục”, cho nên chê Mặc Tử khuyên người ta thắt lưng buộc bụng, chỉ làm cho người đời, sống trong cảnh nghèo khó và buồn tẻ thôi.
Cũng vì vậy mà Mặc học đã bắt đầu đi vào mạt vận từ thời Tây Hán. Tuy nhiên, tinh thần nghĩa hiệp của những người theo Mặc học, đã bén rễ ăn sâu vào hạ tầng xã hội và tiếp tục phát huy. Tinh thần nghĩa hiệp đó, là thái độ công bằng, lập trường ngay thẳng, hết lòng bênh vực cho bình dân và chủ trì chính nghĩa cho xã hội, bằng lời nói và hành động hào hiệp, coi thường tánh mạng vì hai chữ “tín nghĩa”.
Tinh thần nghĩa hiệp ấy được kết hợp với ý thức dân tộc, đã phát huy công dụng về mặc chính trị xã hội lớn lao, như “Hội Bạch Liên” đã trỗi dậy vào cuối thời nhà Nguyên Mông Cổ, cũng như Thanh bang và Hồng bang hoạt động mạnh mẽ vào cuối thời nhà Minh. Truy nguyên ra, những tổ chức đó đều bắt nguồn từ tinh thần nghĩa hiệp của tập đoàn dân sự, mà Mặc Tử là người sáng lập đầu tiên.
Ở phương Tây, Thượng đế của Công giáo tượng trưng cho tinh thần bác ái, và từ quan niệm trước Đức Chúa Trời, ai nấy đều bình đẳng, dẫn tới quan niệm trước pháp luật ai nấy đều bình đẳng. Đồng nghĩa đó, luân lý căn bản của Mặc học là “Kiêm ái”, thì đương nhiên cũng dẫn tới quan niệm bình đẳng phổ quát trong xã hội, không phân biệt giai cấp và tôn giáo.
Riêng về chủ trương “phi công” của Mặc Tử, thì rõ ràng là lập trường phản đối chiến tranh, tinh thần yêu chuộng hòa bình, đồng thời cũng là phương pháp chính yếu của Mặc Tử, nhằm đạt tới lý tưởng “Kiêm ái”. Vậy Mặc Tử là một triết gia, giàu nhiệt tình tôn giáo và tinh thần hy sinh, khổ hạnh.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)