Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

Mấy ý nghĩ về thơ

Quang Dũng

Theo ý tôi, đã có những triệu chứng đáng mừng cho thơ: Người đọc đã muốn đòi hỏi một cái gì khác trong tiếng nói của thơ chứ không muốn đọc dễ dãi một ít sự việc ghi chép thành vần, một ít tình cảm đã gặp nhiều lần sắp xếp thành vần điệu và, bao giờ cũng thế, có cái kết hướng đi lên một cách đã quá quen thuộc. Người làm thơ cũng tự ngấy mình, nếu cứ đi mãi vào cái nếp dễ dãi ấy; làm xong một bài thơ mà thấy như chưa làm gì cả vì bản thân cũng thấy tẻ nhạt, không hào hứng không rung động. Hay có hào hứng rung động thì cũng chỉ là cái ảo ảnh chốc lát do vần điệu gây ra chứ cái vui lớn như của một người phát minh ra một cái gì cống hiến được cho cuộc sống thì không có. Tìm tòi công phu và sáng tạo, đó là cái băn khoăn chính của người làm thơ bấy nay; bây giờ đã có nhiều dấu hiệu của cuộc khủng hoảng trưởng thành trong thơ. Nhiều quan niệm khác nhau về kỹ thuật và nội dung đã dần dần lên tiếng, và cũng như đang có một sức chuyển mình chưa biết đến thế nào nhưng chắc chắn là sẽ làm phong phú cho thơ của chúng ta.

Từ cách mạng, qua kháng chiến mười năm, cũng như ở mọi địa hạt khác, ở thơ người ta thấy không có được nhiều tác phẩm lớn. Đòi hỏi như thế thì cũng có thể là vội vàng, nhưng không phải là không chính đáng. Dân tộc làm một cuộc cách mạng. Cuộc sống bao nhiêu cái vĩ đại đang diễn ra, cái mừng vui cũng như cái đau khổ, mười năm qua, ai mà chẳng thấy là những cái mà con người thấy có cái vinh dự được trải qua. Cái hiện tại thật là to lớn, ai mà không thấy tự hào có mặt. Thế mà nguồn thơ chưa bắt được mạch sống, chưa có chất máu đỏ tươi, hơi thở khổng lồ của cuộc đời hiện tại, thực cũng là vấn đề đáng suy nghĩ.

Tôi hình dung lại lúc bước vào kháng chiến, lúc người thi sĩ bước vào cách mạng. “Cách mạng”, chỉ hai tiếng đó với bao nhiêu âm hưởng và hình ảnh nó gợi lên, đủ lôi cuốn người làm thơ, − vốn tìm cái đẹp chân chính − không mặc cả, lao cả cuộc đời mình theo nó. Nhưng thật là bỡ ngỡ. Ta như những người chán một bờ nhỏ hẹp thèm một đất đai khác, mê biển rộng, ra đi mà thiếu một địa bàn vững chắc. Nên có cái hào hứng, cái nhiệt thành của người đi mà chưa có cái phong thái vững vàng và trong sáng của người đến.

Những người làm thơ lớp trước, khi bước vào Cách mạng đều muốn đem hết cái nhiệt tình của mình để làm trách nhiệm hướng dẫn − và tưởng như hướng dẫn được − cái sức thơ măng trẻ của dân tộc. Nhưng có một điều là chính những người làm thơ ấy lúc làm cái việc tìm đường cho thơ thì con người thơ trong họ biến mất. Chỉ còn có con người “đường lối”, “lập trường”, con người “đi lên” hay “đi xuống” nó choán hết. Và cứ như thế, những người thi sĩ ấy chạy theo miết những biện pháp cụ thể của chính sách, những công việc sự vụ ngập đầu. Những người ấy đã một thời được quần chúng ưa thích, Cách mạng cũng tin tưởng ở những người ấy và sở cậy họ ở trong lĩnh vực thơ, kỳ vọng họ sẽ đem cái hồn thơ làm phong phú cho Cách mạng, mở thêm những chân trời bao la về cảm xúc, cái mà cách mạng bản thân nó cũng mong đợi ở người làm thơ. Để tiến lên lên cùng cách mạng, hồn con người cần phải phơi phới, bay lộng như lá cờ anh dũng của nhân dân đang tự giải phóng mình; hồn con người trong cuộc đấu tranh quyết liệt này, va chạm cũng vĩ đại, đau xót cũng trên mức bình thường, vui sướng hào hứng cũng đến cùng độ; thế mà trước hết, những người thi sĩ đứng tiêu biểu cho cái truyền thống thơ của dân tộc lúc bước vào cái con đường vinh quang của lịch sử ấy của dân tộc, đã tự trói chân mình, cắt cánh mình…, bỏ ngay cả chính cái phơi phới phóng khoáng của tâm hồn nó là một điều nằm trong mục đích của cách mạng: giải phóng cho con người, được hoàn toàn là con người, tự do lớn lên, tự do vươn tới những chân trời tình cảm mà từ lâu đời, phong kiến và tư bản đã đứng lù lù chặn lối…

Dưới cái ảnh hưởng ấy, những người làm thơ, những người có cái cốt cách thi sĩ, có cá tính phong phú ngay cả ở chế độ cũ, tưởng bước vào ánh sáng của cách mạng thì hoa sẽ nở muôn cành, chim sẽ bay vạn dặm, cái khí thế người thi nhân bao giờ cũng dũng cảm bảo về cái Đẹp và cái Thật, tưởng sẽ được khuyến khích, thì trái lại, đã chịu bước đi từng bước một, mang nặng những cái mâu thuẫn trong tâm hồn, e dè với cách mạng, cách bức với cách mạng, quên hẳn chính mình là hơi thở của cuộc đời vĩ đại mai này mà cách mạng đang tạo nên. Làm thế nào mà nói lên được cái đẹp tốt, cái viễn ảnh làm phấn khởi lòng người đi cùng trong một chuyến thuyền tới nơi đất đai mà chính mình chưa nắm được nó ra thế nào?

Chưa ý thức được cách mạng một cách rõ rệt nên tiếng nói của thơ đối với cuộc đời mới đang xây dựng này thiếu hào sảng, thiếu cái khí thế vững mạnh của nó. Người làm thơ bấy nay chưa làm chủ vấn đề, nói trắng là chưa thấy được rõ cái nhiệm vụ cách mạng của mình, nên tiếng nói chỉ là phụ hoạ mà không có được cái giá trị sáng tạo đóng góp cho cách mạng.

Tôi muốn trình bày ra đây những dẫn chứng cụ thể về cái ý “tiếng nói của thơ mới chỉ là phụ hoạ chứ không có được cái giá trị sáng tạo đóng góp cho cách mạng”.

Từ lúc dân tộc làm cuộc khởi nghĩa tháng Tám cho đến lúc bước vào cuộc kháng chiến, người văn nghệ nào cũng chờ đợi những đường lối sáng tác mà Cách mạng sẽ mang tới cho mình, những đường lối ấy họ ước mong là sẽ tới để giải phóng cho ngòi bút họ. Bởi thế cho nên Cách mạng đòi hỏi gì, họ đều đứng dậy “có mặt” ngay. Đường lối của cách mạng, họ tuyệt đối tuân theo và triệt để ủng hộ. Những con người văn nghệ − nói riêng ở đây là những người làm thơ − vừa hôm qua đây còn mang bao nhiêu bản chất ngang tàng, khinh mạn với cuộc sống (cũ), kiêu bạc với cuộc đời (cũ), mỗi người như một hòn núi lửa, mỗi người có cái tự hào riêng với cái thế giới riêng của mình, mỗi người sống theo một nhân sinh quan đặc biệt của mình, ấy thế mà nghe tiếng hô của Cách mạng, họ tập trung được ngay, cùng một ý chí chiến đấu và cùng một lòng cố vượt, hy sinh cái đời riêng với những thói quen của mình − cái hy sinh ấy đã thật là đau xót đối với họ − để đi theo Cách mạng. Là vì họ đều hăm hở muốn được Cách mạng mở cho họ những chân trời mới về cảm xúc và có cái sung sướng của những người được đi vào một xứ sở mới lạ và phong phú về đề tài.

Nhưng những quan niệm giới hạn về văn nghệ của những người có trách nhiệm hướng dẫn họ đã làm tắt cái lửa đó. Người ta quan niệm người làm thơ là những người mơ mộng không sát được thực tế cách mạng, là những người hoàn toàn ngây thơ mà cách mạng phải dạy dỗ uốn nắn mới đi vào được những vấn đề mới. Những người chỉ đạo đường lối − là những cán bộ chính trị chứ không phải là những nhà thơ, hoặc là nhà thơ nhưng đã không còn mang tính chất thi sĩ nữa − lại cứ lo lắng và tự thấy mình như phải có cái trách nhiệm hướng dẫn thơ đi cho đúng với công tác trước mắt của cách mạng, áp dụng nó vào những công việc có tính chất thực dụng ngay, dựa theo một ý thức không rộng rãi về “phục vụ” mà đưa ra những nguyên tắc, những lệ luật máy móc để đánh giá thơ … do đó đã gò thơ đi vào công tác cách mạng một cách bị động.

Xuất phát từ những điểm ấy, người lãnh đạo đã xem người làm thơ rất nhỏ bé, rất phụ thuộc, coi như họ chỉ là những người có khả năng diễn ca mọi vấn đề của cách mạng, coi như họ là một bộ môn cần thiết cũng có cho đủ ở trong một nước và cũng có một tác dụng nào trong công tác tuyên truyền cho cách mạng mà thôi. Trên lý luận, Đảng coi trọng vấn đề văn học, nhưng trên thực tế công tác, những người lãnh đạo đã không tin tưởng ở những người làm thơ và không nhìn họ đúng với cái tầm quan trọng của vấn đề.

Thành ra chính đi theo cách mạng mà cái tri thức về cách mạng, người làm thơ không được trau dồi cho đến nơi đến chốn; người làm thơ lúc nào cũng bỡ ngỡ với những vấn đề mới do công việc cách mạng biến diễn ra; lúc nào cũng làm một người đuổi theo vấn đề. Không thấy mình được chủ động gì hết trong lĩnh vực của tư tưởng nghệ thuật. Theo ý tôi, cách mạng đâu có muốn như thế! Cách mạng đâu có cứng nhắc muốn tạo ra những người chỉ biết phục tòng mình mà không sáng tạo gì thêm được cho cách mạng.

Người lãnh đạo cách mạng tưởng không gì chán hơn là lại được đọc những tác phẩm văn thơ đúng như trong đường lối mình vạch ra, tư tưởng của tác phẩm chỉ ở trong cái phạm vi tư tưởng mà mình đã gợi ra. Chính những người lãnh đạo cách mạng cũng đòi hỏi ở Văn nghệ − riêng là thơ − nói lên cho mình những tình cảm lớn lao, cổ vũ được cả cho mình, bồi dưỡng cho mình bằng những cái xúc cảm lạ lùng vĩ đại mà người thi sĩ tiên giác được trên cơ sở của cách mạng. Nhưng làm thế nào được? Đã có người thi sĩ nào gần đây có thể nói lớn được rằng: “Cách mạng đã hoàn toàn tin cậy ở tôi. Tôi tự hào được đứng ở hàng ngũ tiền phong của cách mạng, vì cách mạng đã giúp cho tôi ý thức nổi cái trách nhiệm và đã cho tôi đầy đủ cái hiểu biết về cách mạng rồi”.

Do cái tình trạng ấy mà người làm thơ cũng cứ vô tình thấy mình nhỏ lại, rồi bằng lòng theo những lối đã vẽ ra, trăm người cùng đi một kiểu, cùng tới một chỗ, cùng gặp những cây cỏ và sông núi giống nhau, kể lại cho nhau nghe thì ai cũng biết cả rồi… chỉ một con đường ấy, cây cỏ ấy, núi và sông ấy… Cả một nếp suy nghĩ, vui buồn của dân tộc bỗng nhiên đều bị ảnh hưởng của sự hướng dẫn một chiều đó.

Công chúng đọc thơ cũng bị gò vào cái nếp nhận xét rất khắc nghiệt của công thức, nên chi, cái hiện tượng trước khi đọc một bài thơ, người ta đã mai phục sẵn những nguyên tắc để mổ xẻ nó, phê phán nó. Óc nhận xét máy móc đã choán mất cái óc thưởng thức hồn nhiên và bình tĩnh của người đọc. Người làm thơ giống nhau, người phê bình cũng phê bình bằng những lý luận, những nguyên tắc giống nhau. Rồi chính người làm thơ không dám đi sai cái công thức mà mình đã đưa tràn ngập trong thơ, chỉ vì lại sợ công chúng − đã được hướng dẫn theo nếp ấy − lại vận dụng chính cái tinh thần đó mà phê phán thơ mình.

Cái vòng luẩn quẩn đó đã kéo dài.

Người làm thơ tự thấy như mình phải giả tạo đi phần nào. Đã thấy hai con người trong một mình anh. Cũng như Tartarin Quichotte và Tartarin Sancho trong một truyện của Daudet. Lúc Tartarin Quichotte hét đòi phải đưa cho mình giáo, mác, đao, chuỳ, để xông pha vào chốn nguy hiểm, thì Tartarin Sancho hét cô hàng cà-phê phải đưa cho mình súc-cù-là, bánh, thịt và áo len. Mà chỉ là một Tartarin. Chỉ là một con người chứa hai con người xung đột nhau. Người thi sĩ có chứa đựng những cảm xúc rào rạt chân thành với cuộc sống − mà cuộc sống thì mênh mông rộng lớn, cuộc sống có chứa đựng chính sách chứ đâu phải là chính sách chứa đựng nổi cuộc sống − mà nói ra thì e ngại những sự sai lạc này nọ, nên không thể nào thấy thoả mãn được.

Có cái gì đè nặng lên đường lối văn học nghệ thuật chúng ta mà văn học nghệ thuật lại từ chối những sự phản ảnh chân thành của mọi khía cạnh tâm tình! Cái gì đè nặng lên tư tưởng mọi người để hễ nói ra là phải nói những điều đã đúng từ trước khi nói? Sao lại phải gò nhau vào một cái khuôn rồi bảo cứ tự do đi lại trong cái khuôn đó? Hễ không chịu được thì lại chụp mũ là tư tưởng còn lạc hậu! chưa ý thức được cái tự do mới! cái tự do trong những khuôn khổ!...

Thơ của chúng ta, chính trong mười năm qua, bản thân nó, dầu cho công thức đi nữa, thì cũng đã lớn, cũng đã là một bước dài so với cái đời chưa cách mạng. Nhưng giá không vướng vào những khuyết điểm trên kia, ai biết nó đã đi xa đến thế nào? Ai đoán được nó đã cao lớn như thế nào? Và sự nghiệp của thơ đối với dân tộc của chúng ta đang cách mạng đã có những đóng góp to tát và phong phú đến thế nào! Cái sống của dân tộc làm cách mạng thì to quá, mà cái tiếng nói mới của dân tộc, cái nghĩ mới của dân tộc, cái tứ hào hùng để khích lệ thêm cho dân tộc thì lại như rụt rè, tụt lại sau, bị bỏ rơi một quãng đường không phải là ngắn.

Không riêng gì trong địa hạt thơ, các ngành khác của văn học nghệ thuật cũng đều cảm thấy như vậy (như những bài đã phát biểu trên báo Văn nghệhoặc những ý phát biểu trong cuộc học tập lý luận vừa qua) cho nên có cái hiện tượng băn khoăn chung, dấu hiệu của những sự thay đổi sắp tới, − và tất cả những hy vọng đó muốn chờ mong ở Đại hội Văn nghệ Toàn quốc lần thứ hai này giải quyết. Sự trưởng thành ngày nay, theo ý tôi, chính là do mười năm kháng chiến và cách mạng vừa qua. Chính ở trên miếng đất đã nuôi dưỡng chúng ta ấy mà chúng ta đã lớn lên và nhận thấy mình cần thay đổi. Cũng như mỗi người nhớ lại những nét vẽ của mình ngày nhỏ: người thì là một cái gậy, đầu tròn như một cái vung, tay là một cái que có năm ngón toè ra như năm cái tăm. Ngày nhỏ ta cho thế là đúng hình dáng của một người rồi. Lớn lên, ta không cần phải biết luật viễn cận hay hiểu về khoa học tạo hình mà cũng cứ nhận ngay là sai và buồn cười về những nét đơn sơ nguệch ngoạc ấy của thời thơ ấu. Qua một chặng đường dài, ta đã nhiều kinh nghiệm. Ánh sáng của Đại hội thứ hai mươi Đảng Cộng sản Liên Xô, ánh sáng của những lý luận văn học của các nước bạn mới tràn vào, ùa vào như ánh sáng ùa qua cửa sổ mới mở, đến với chúng ta; ánh sáng của những buổi kiểm điểm văn học nghệ thuật theo một đường lối dân chủ thực sự do Đảng chủ trương; ánh sáng của một nền nhân văn chân chính lúc nào cũng dắt người ta trở lại đi đúng đường; tất cả đã giúp chúng ta đứng dậy, nhận định nổi cái yếu ớt, cái gò bó, cái nông cạn nó làm cản trở đà lên của chúng ta từ trước đến nay. Chính ta đã lớn lên, lớn lên vì cả những băn khoăn mà ta đã ấp ủ hàng bao nhiêu ngày nay. Bây giờ đã đến lúc cởi mở. Bây giờ đã đến lúc người làm thơ vun đắp, đề cao cái truyền thống thi sĩ của mình. Và Cách mạng thiết tha phát huy cho cái truyền thống đó.

Theo ý tôi, cái truyền thống vinh quang của người thi sĩ là ở chỗ lúc nào họ cũng thấy có trách nhiệm gắn bó với cuộc sống. Họ là những người biết yêu ghét vui mừng hay căm giận ở một mức độ cao hơn mọi người. Họ là những người lúc nào cũng tha thiết với chính nghĩa và tự thấy như mình phải có một sứ mệnh: làm cái tiếng nói trong sáng nhất, can đảm nhất và tha thiết nhất của con người.

Cũng chính vì có mang được cái truyền thống đó trong mình nên người làm thơ mới được xã hội cần đến.

Nếu anh cũng rung động bình thường như mọi người, đau xót bình thường như mọi người, dũng cảm bình thường như mọi người dũng cảm được, thì nói lên hay không nói lên, lời anh cũng vậy mà thôi, vì nó chỉ ở mức bình thường mà mọi người đều có cả. Làm sao mà nói ra những điều xúc động lòng người? Chính cái truyền thống ấy nó đã giúp cho người thi sĩ vượt được lên trên mọi vấn đề của thời đại, mọi trói buộc tầm thường của cuộc đời để nhìn thấy những khía cạnh mà người ta không nhìn thấy rõ được. Rồi họ thấy tự họ phải có cái trách nhiệm nói lên với cuộc sống những ưu tư của họ, những điều họ đau xót, những điều họ ước vọng hay những niềm tin tưởng của họ đối với cuộc sống.

Không có người thi sĩ lớn nào đã được cuộc đời yêu mến kính trọng mà lại không từ chỗ cảm thông sâu sắc với thời đại của mình vượt ra khỏi cái khuôn sáo của thời đại mình; bởi thế tiếng nói của họ nhiều khi lạ lùng làm người ta sửng sốt − nhưng tin tưởng ở trong con người họ vững chắc, họ cứ đi thẳng con đường sứ mệnh của họ và xã hội bao giờ cũng công bằng, chóng chầy sẽ biết đến họ và coi họ là những người bạn tâm tình thứ nhất của mình, vì chính họ đã nói được lên cái ước vọng chính đáng nhất của xã hội.

Người thi sĩ thấy vinh dự được đi với Cách mạng, Cách mạng cũng thấy cái vinh dự được nhiều thi sĩ về “tụ nghĩa” ở dưới bóng cờ mình. Họ vốn là những người bất mãn lớn với cái cũ rồi. Họ đi với Cách mạng là để được làm Cách mạng chứ đâu phải để bất mãn với Cách mạng. Đôi điểm không thông đã làm cho họ phật ý, nhưng nghĩ đến Cách mạng, tin ở cái chân lý cao cả của Cách mạng, họ vẫn phấn đấu, kiên trì và trung thành với Cách mạng, dầu họ là trong Đảng hay ngoài Đảng. Đã đứng ở hàng ngũ phấn đấu cho Cộng sản chủ nghĩa là cái lý tưởng tuyệt đích của nhân loại bây giờ, họ cũng có cái kiêu hãnh mang một tâm hồn Cộng sản − và họ nhất định tin như thế − chỉ có khác là kết nạp hay chưa kết nạp mà thôi.



*
Người ta quan niệm từ xưa tới nay rằng người làm cái “nghiệp” văn chương thường là lận đận. Cái đó không phải là không có lý. Người Văn nghệ sĩ, người làm thơ nói riêng ở đây, là người có nhiều khí khái, có nhiều tự trọng và có một cái ý thức rõ rệt về trách nhiệm của mình, tất nhiên là không thể dung hoà với những cái trạng thái hỗn loạn của xã hội cũ, nên họ thường là chống đối; họ là những hiệp sĩ mang cây bút vì con người mà xông pha mà hy sinh. Thân thế họ vì vậy mới “ba chìm bảy nổi”. Những chính thể đương thời không dung được họ và họ cũng không dung tha gì cho những chính thể đó. Họ đều là những người bất mãn xung thiên cả. Có người đã nói: “Bao giờ cũng vậy, văn chương kiệt tác vẫn là những thứ văn chương chống đối lại”. Cái đó theo tôi rất đúng đối với thời đại cũ.

Nhưng ở chế độ của chúng ta, điều đó không còn là một quy luật nữa. Cách mạng là nơi “đất thánh” mà người thi sĩ hằng mơ ước đi tới, − dầu có gặp những bệnh ấu trĩ nó làm chậm bước đi của họ phần nào − thì họ vẫn cứ thẳng bước đi tới. Chống đối lại Cách mạng ư? Không bao giờ họ lại chống đối lại chính cái lý tưởng tha thiết nhất của đời họ mà họ đã quyết hiến dâng cả tim óc và máu nóng! Họ chỉ chống đối những cái sai lầm có phương hại đến Cách mạng chính vì cái ý thức thiết tha bảo vệ Cách mạng của họ mà thôi.

Theo ý tôi, những người làm thơ là những người như vậy, thiết tha gắn bó với cái hiện tại của Cách mạng, sôi nổi muốn góp phần xương máu của mình vào cho sự nghiệp Cách mạng chóng thành công, thế mà họ chưa đạt được những điều mong ước. Vì sao? Chính bởi họ chưa được hoàn toàn tự do phát triển tài năng của họ. Chính vì họ chỉ mới làm vai trò phụ hoạ chứ không phải vai trò tiền phong của Cách mạng.

Bản thân người thi sĩ cũng vì thế mà không thoải mái vững vàng trong những bước đi mới của mình. Nói cách khác tức là kém một tinh thần “chủ nhân ông” trong vấn đề.

Giải phóng cho thơ không gì bằng trang bị cho người làm thơ đầy đủ cái hiểu biết về Cách mạng, đặt tin tưởng vào họ và để họ tự do tung hoành trên cái diện tích bao la của cuộc sống Cách mạng, chắc chắn là tiếng nói của thơ lại sẽ ngân vang sang sảng và phong phú vô cùng.

Giải phóng cho thơ, không gì bằng trả lại cho người làm thơ cái giá trị xứng đáng với cái truyền thống cao quý mà họ đã mang ở trong máu họ.

Ký ức về những cơn mưa

Sống Chậm




Câu chuyện số 1 

Tôi được lãnh đạo cho đi công tác ở Hồng Kông. Buổi tối cuối cùng được mời dự gala dinner của giới tài chính. Vì không khí vui, cởi mở hơn cả Oktoberfest [1] , nên có uống rượu, nhảy nhót nên làm rơi mất mấy cái danh thiếp. Hôm sau, tôi nhận được một email trong đó có hình scan cái card visit của chính tôi.

Quái lạ, sao lại có người mất công scan card của mình rồi lại gửi cho mình nhỉ? Xem tiếp trang scan thứ hai thì thấy một số điện thoại cùng một dòng ghi chú viết tay của mình. Thì ra vì sợ tôi mất đi một số điện thoại ghi ở phía sau card mà người tốt vô danh nào đó đã mất công scan và gửi email cho khổ chủ. Việc đó khiến tôi lưu tâm và suy nghĩ nhiều. Rồi một lần, có ai đó gửi nhầm cho tôi một email với nội dung về học tập (không phải spam mail). Nhớ lại câu chuyện chiếc card visit và người tốt vô danh, tôi đã gửi trả lại email đó kèm theo câu chuyện trên. Bản thân nghĩ là mình làm được một việc tốt. Mọi việc không dừng ở đó và dưới đây là chuyện tiếp theo.


Câu chuyện số 2

Cô gái ấy cảm kích lắm, viết mail cảm ơn tôi và thỉnh thoảng có gì cần hỏi ý kiến lại gửi email cho tôi. Đó là một cô bé khá đặc biệt, học giỏi ở trường Đại học Kinh tế. Hôm được nhận học bổng của Xi-măng Hà Tiên, cô bé ấy (gọi tôi là chú, đến nay tôi vẫn chưa hề biết mặt) gửi cho tôi một email nói về niềm sung sướng vô bờ và tự hào vì được lãnh đạo cao nhất của công ty đến trao tận tay học bổng ở trụ sở Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Cô bé có một nhận xét tinh tế rằng của cho không bằng cách cho. Học bổng không nhiều, nhưng sự trọng thị của ban giám đốc đã làm các sinh viên cảm động và mong muốn được cống hiến cho nhà máy.

Tôi chạnh lòng tự hỏi việc con cái thờ ơ, không biết quý trọng những gì chúng có, có phải là lỗi ở cách dạy dỗ của chính chúng ta? Có phải vì ta đã cho chúng quá nhiều, chăm bẵm quá kỹ? Cách cho lại cũng không hợp lý?

Một hôm khác, không biết có tâm sự gì cô bé ấy gửi cho tôi một bài thơ với nhan đề


Tặng anh một bài thơ con nít – Mưa

Một hạt mưa rơi
Từng hạt mưa rơi
Bé đang ngồi chơi
Vội đóng cửa sổ
Mưa như pháo nổ
Toé muôn bóng tròn
Bé chạy lon ton
Xếp thuyền thả nước
Mưa làm thuyền ướt
Thương quá là thương
Bé muốn ra đường
Cứu nguy thuyền giấy
Nghĩ thì nghĩ vậy
Bé chẳng dám đâu
Sợ bị ốm lâu
Nghỉ học buồn lắm

Kèm theo đó là vài dòng cảm nghĩ: “Em đọc bài thơ này và thấy nhớ tuổi thơ quá! Hồi nhỏ, trời mưa là nước ngập vào tận nhà, chờ mẹ về lâu lắm, anh Ba xếp thuyền cho em thả, những con thuyền chở nặng những ước mơ. Bây giờ lớn lên, không hiểu sao không còn thương anh Ba nhiều như ngày xưa nữa...”



*
Đọc bài thơ cô bé chép tặng, kỷ niệm bỗng nhiên hiện về, rõ từng nét một như mới xảy ra ngày hôm qua thôi. Người châu Âu hay nhớ đến tuyết rơi, người Việt thì hay nhắc tới những cơn mưa, và tôi thì nhớ mãi...


Mưa phố Sài Gòn

Một chiều đầu tháng Tám, Sài Gòn có trận mưa. Lúc đó tôi đang ngồi với anh bạn từ HN vào. Trời mưa tầm tã. Chưa bao giờ anh bạn người Bắc thấy Sài Gòn mưa lớn và dai như vậy bởi lẽ trong đầu anh, mưa miền Nam chỉ ào một chốc rồi tạnh. Hình như, trong cách nghĩ của người miền Bắc, mưa Sài Gòn cũng hời hợt như người Sài Gòn vậy. Bây giờ anh bạn tôi mới được mục sở thị một cơn mưa Sài Gòn dữ dội, hai mắt cứ dán chặt vào màn mưa mà ngắm nghía, mà trầm tư suy nghĩ. Hai thằng ngồi ôn lại những ngày học thêm về lập trình Pascal ở trường Bách khoa Hà Nội, nhớ lại những buổi hẹn hò, hỏi thăm các cô gái cũ bây giờ ra sao. Chỉ tiếc là đoạn kết của cuộc nói chuyện thú vị đó là một hậu quả nghiêm trọng. Lúc về đến góc Lê Lợi và Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nước dâng cao quá, xe như nổi lên, đạp ga mà bánh xe quay tít, nước chui cả vào trong sàn xe, đành chết trân giữa biển người, xe và nước. Sợ mấy anh ở cơ quan ra về lúc này dễ bị ngập nước vỡ máy, nên vội vàng gọi điện thông báo, mong mọi người đừng bị khổ sở như mình.




Mưa trên sông

Rằm tháng Bảy âm lịch 2008, mấy anh em Phòng Khai thác mời đi cúng cô hồn trên sông Sài Gòn. Lúc về ghé ngang quán Gió. Chắc cũng không nhiều người biết quán này. Nó chỉ là một quán lá tồi tàn xập xệ ngay sát mép nước, gần vị trí cầu Phú Mỹ đang xây, nhưng tôm cua cá thì rất tươi ngon. Trời chợt đổ cơn mưa. Mưa giăng mịt mù có lúc không biết đâu là nước sông, đâu là nước trời đổ xuống. Bình thường, nhìn từ trên bờ sông Sài Gòn không quá lớn, nhưng nếu ngồi trên sàn quán thì thấy cũng mênh mông. Nhìn ra sông mưa rơi hối hả, nước chảy xiết, mấy cụm lục bình trôi lẻ loi, một chiếc phao neo cô độc, tự nhiên thấy mình bé nhỏ và vô nghĩa quá. Rượu uống đã lâng lâng, nhìn mưa lòng dạ thêm rối bời. Ngẫm mình mạng thuỷ – “thiên hà thuỷ” –, thân ta chỉ như muôn vàn giọt nước quá bé nhỏ đang rơi xuống sông, buồn vì chưa làm được gì nhiều báo đáp bậc sinh thành, tri ân các anh và bạn bè đã cưu mang, giúp đỡ từ khi chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, buồn vì chưa làm gì được cho đời...


Mưa Sài Gòn 

Hồi mới vô Sài Gòn, chưa mua được xe đạp, ba thằng chung nhau thuê một chiếc xích-lô đi làm (cánh xe ôm mấy lần zin ba từ kho 18 lên tới 27-28 Tôn Đức Thắng bị công an phạt nên sợ không dám đi). Hồi đấy xích-lô chưa bị cấm vào trung tâm nên chạy được khắp nơi, đi xích-lô thích lắm. Nhiều người đi, thanh niên tụi tôi cũng đi chẳng ngại gì. Xích-lô Sài Gòn đẹp nhất nước, khác hẳn thứ cùng loại của Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, lại có mái che khá đẹp. Thú nhất là đi xích-lô dưới trời mưa: hé rèm nhìn ra, thấy dòng người dù trong mưa gió vẫn hối hả qua lại, cảm thấy mảnh đất Sài Gòn sao sôi động thế! Tự nhủ rồi mảnh đất này sẽ gắn chặt với đời mình. Có những đêm mưa tầm tã, chui vào xích lô chạy từ cơ quan về nhà trọ, ăn tối bằng mỳ gói không nước. Nhớ nhà và buồn, lòng tê tái, tự hỏi đời mình rồi sẽ ra sao.


Những cơn mưa khi ta còn nhỏ

Trên đường đi học bất chợt gặp mưa, đúng lúc còi báo động máy bay Mỹ rú lên “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý...”, bèn nhảy đại xuống hố cá nhân ngập nước. Trên nước, dưới nước, xung quanh cũng nước, tuy sợ nhưng thích thú. Học lớp Hai ở miếu làng, phía trước hậu cung có cái sân gạch. Mưa lớn là thành bể bơi, cả lũ trần truồng tắm mưa và cứ thế chạy về nhà. Lớp Ba học ở ‘đống họ Bùi’ (nghe nói do người Tàu vun thành đống yểm bùa chôn của). Đống cao lắm. Mỗi lần mưa khó lòng leo lên, ngày nào đi học cũng bị “vồ ếch” (chắc rằng các em, các cháu bây giờ không biết vồ ếch là gì đâu). Trẻ con xưa thường rủ nhau vặt trộm hoa quả vườn nhà người, không ít lần bị chó rượt đuổi, cắn rách cả quần đùi, rơi mất cặp. Gặp khi trời mưa bão, ta có thể lượm những quả bòng non ăn vào thấy tê cả lưỡi, tha hồ nhặt nhãn, vải, me từ trên trời rụng xuống. Thời ấy mấy nhà có tiền mua hoa quả cho trẻ con ăn, vì thế mỗi mưa to gió lớn là một bữa đại tiệc thỏa mãn vị giác. Mưa còn là “mì chính” nữa. Tháng Bảy, tháng Tám mưa lớn, buổi tối cắt cái lốp xe đạp hỏng đi soi cá vui như hội, sáng mai nhà có bữa ăn tươi, nồi riêu cá ngọt lừ ai mà không nhớ. Trẻ con ở thành phố cũng có phần vì mưa tôm cá nhiều nên bán rẻ lắm, đâu chỉ 3, 4 hào một mớ cá rô ron.

Những trận mưa như thế chỉ để lại những kỷ niệm vui về tuổi ấu thơ, tuyệt không một chút gì khổ sở.


Những cơn mưa ác mộng

Lớn lên, mưa là thấy buồn. Có cả những lần mưa là nỗi kinh hoàng. Cuối năm học cấp I, nơi ăn chốn ở nhà tôi xem ra còn chưa tệ lắm. Ngôi nhà ba gian cửa gỗ bức bàn có hai trái làm buồng, tuy lợp rạ nhưng sau cũng được phủ một lớp giấy dầu. Mỗi khi có mưa lớn, tôi thường ra ngồi ở bậu cửa cùng hai đứa em thả thuyền, cảnh giống như bài thơ cô bé tặng ở trên. Nhưng rồi mấy năm sau, gia cảnh sa sút, nhà dột nát, lần mưa nào cũng phải căng túm tấm vải nhựa trong nhà, rồi lấy xoong nồi hứng nước. Năm 1977 có trận bão số 7 ác liệt không thể nào quên. Về chiều, gió giật mỗi lúc một mạnh, mưa như tạt nước, trong nhà không còn một chỗ nào khô. Nhà chỉ có bà nội và ba đứa cháu. Bố ở Quảng Ninh, mẹ đi học ở Kiến An chưa về kịp. Một cơn giật của gió khiến ngôi nhà đã từ từ khụyu xuống. Các chú bác chắc là ở xa, lo chống bão nhà mình nên cũng chẳng ai sang xem các cháu thế nào cả. Gió lớn quá, bà phải lọ mọ dẫn các em sang nhà ông chú họ ở cách đấy trăm mét trú tạm. Còn mình, lòng tự nghĩ là con trai thì phải ở lại với ngôi nhà. Lúc ấy trẻ con nghĩ thế, lớn lên mới thấy là nguy hiểm. Cũng may, đến chập tối thì gió đã màn màn và ngôi nhà không sụp xuống hẳn mà chỉ đổ ở tư thế quỳ. Hết bão, hơn chục thầy cô giáo ở trường mẹ dạy đến giúp dỡ căn nhà đổ ra rồi dựng lại thành một gian nhỏ hơn. Phần còn lại làm củi đun dần mấy năm rồi hết, nay chỉ còn sót lại một cánh cửa gỗ. Tiếng là nhà mới, nhưng cũng chỉ được hai năm đầu, còn suốt mấy năm học cấp II, gian nhà ngang ấy cũng không thể gọi là chốn che thân lúc trời mưa gió. Đã mấy lần trong mưa ba anh em ngồi khóc hu hu. Nghĩ đời mấy mẹ con cơ cực quá, lòng giận bố sao cứ đi công tác xa. Ước gì ta mau lớn, giàu có để xây cho mẹ ngôi nhà lợp ngói. Giờ đây, đọng lại trong ký ức về thời ấy là nỗi lo sợ về những trận mưa.


Thời đại học, mưa có mòi lãng mạn

Có cô bé mắt to tròn, khiến mình phải đội mưa đứng ngóng trước cổng trường Ngô Quyền. Chờ mãi, nước mưa từ balcon rạp Lê Văn Tám đổ xuống dềnh lên cả bậc thềm. Thế rồi thấy em trèo lên xe máy một chàng trai nào đó vụt mất. Buồn! Trận mưa ấy như dấu chấm hết cho một mối tình sinh viên. Mưa trong ký túc xá thì lại thật vui, hơn hai chục cái giường tầng trong căn phòng thông thống, mấy nhóm nghêu ngao hát, kẻ thì lẩm nhẩm đọc bài thơ về mưa của Huy Cận, chỗ thì đánh bài tú lơ khơ bôi râu, mấy anh bộ đội xuất ngũ đi học thì ra cắm quán mua rượu uống, đám thì ngồi cạnh cửa sổ đợi con gái đi qua là giơ tay ra túm... Đọng lại trong ký ức về quãng thời gian này là những “cơn mưa em bất chợt”, “mưa dịu êm như ru”, “mưa sạch trong cơn khát”... Nhẹ nhàng, lãng mạn nhưng mau bị quên.



*
Thế đấy, với tôi mưa là những câu chuyện gắn liền với mỗi bước trưởng thành. Bao nhiêu trận mưa, bây giờ gom lại chỉ còn những thế. Mỗi tuổi cảm nhận về tuổi ấu thơ, về cơn mưa mỗi khác, càng lớn dường như cảm xúc về chúng càng nhạt dần và mau chóng bị quên đi. Bây giờ đi xe hơi, đâu biết nắng mưa bên ngoài. Lúc xuống xe nếu mưa đã có ô, vào nhà hàng quán xá còn có người mang dù che tận cửa xe nữa. Bây giờ, nhà cao cửa rộng, mưa lớn đóng cửa kéo rèm, chỉ còn nghe những tiếng rào rào, lộp bộp... Bây giờ, có hàng trăm trận mưa cũng chẳng nghĩa lý gì. Mưa bây giờ vẫn giống mưa xưa, nhưng giờ cảm xúc đã có phần chai lỳ. Ít nhớ hiện tại, hay nhắc lại chuyện ngày xưa. Có lẽ ta già mất rồi! Nhân đọc bài thơ cô bé tặng, tôi cậm cạch gõ từng con chữ, tạm khắc họa lại bốn mươi năm cuộc đời mình, từ lúc còn bé tý với những thăng trầm cùng mưa, kẻo sau này không bắt gặp lại được cảm xúc này nữa. Mười phần, chỉ mong các con tôi thấu hiểu một hai để biết cha mẹ chúng ngày xưa sống thế nào, để chúng sống có cảm xúc, có tình cảm với mọi người.


Lời đáp của cô bé không biết mặt

Cơn mưa trong lòng anh (tự nhiên cô bé lại chuyển cách gọi từ ‘chú’ sang ‘anh’) làm em thêm hiểu anh hơn, dù sao khi trở về với chính mình, người ta luôn cần món ăn kỷ niệm để nuôi sống phần tâm thức. Cần lắm những cơn mưa để làm tươi mát tâm hồn, nhất là khi ta cảm thấy mình già cỗi, đơn độc và kiệt sức với những lo toan. Anh làm em nhớ những kỷ niệm về mưa gắn liền với tuổi thơ của em. Chắc chắn là không nhiều khốn khó như anh nhưng em vẫn biết thế nào là "vồ ếch" khi trời mưa.

Em sẽ dành thời gian để đọc lại bài viết này của anh. Đọc email anh mà em đang vui cũng muốn rớt nước mắt, hiểu thêm về thế hệ trước sống khổ cực như thế nào, hiểu là để thực hiện ước mơ, phải hy sinh và đánh đổi nhiều thứ như thế nào.

Chị Hai em nói, trước 30 tuổi, người ta tiêu xài “tình cảm” một cách phóng khoáng và phung phí, tạo lập những mối quan hệ xã hội, gặp gỡ bạn bè, đi tìm nửa con tim... tất cả những thứ ấy giành lấy gần hết quỹ thời gian ít ỏi của mỗi con người, gia đình là ưu tiên từ dưới đếm lên. Đến khi qua 30, đã có gia đình hay có ý nghĩ về một gia đình, đã có sự ổn định cuộc sống nên họ bắt đầu “lượm lặt” tình cảm, để đến khi một ngày "không đẹp trời" nào đó, họ không đơn độc giữa cuộc đời với những bước chông chênh. Anh có già đi đâu, chỉ là đang trên hành trình lượm lặt lại kỷ niệm, lượm lặt lại tình cảm để nhuộm màu cho tâm hồn đang có dấu hiệu “xuống sắc” thôi mà.

Anh nên gửi email này cho chị, con cái và bạn bè đọc đi, khéo chừng lại có cuộc họp mặt tưng bừng để ôn lại kỷ niệm ngày thơ ấy, lúc đó tha hồ thả hồn trên dòng sông ký ức. Ký ức để người ta tiếp tục vui sống chứ không phải để dung dưỡng nỗi buồn quá khứ. Ghi lại cảm xúc rồi thì phải vui sống với hiện tại, tiếp tục vượt khó khăn để hữu ích cho đời anh nhé!

Việt kiều



FB Thảo Nguyễn

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

mưa còn mãi xa...



Hè chưa đến nắng đã đốt da
Rừng già trọc lóc phố trơ ra
Văn minh tiến bộ Thời thổ tả
Trăn nuốt đuôi mình để lột da

Cây khát nước trước nhà
Gió khô mình lết la
Ta chèo queo dưới mộ
Đợi sét trời chui ra

Có đâu Lương Sơn Bá
Chúc Anh Đài khi xưa
Khiến ông trời xót dạ
Rơi nước mắt ngọc ngà

Đời vẫn phơi hàng giả
Nên mưa còn mãi xa...

44% người dân phải đưa hối lộ mới xong sổ đỏ




Tác giả: Diệu Thùy

Số người phải chi “lót tay” để làm sổ đỏ năm 2015 tăng gấp đôi năm trước, với khoảng 44% “phải đưa hối lộ mới làm xong”.

Kết quả khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2015 tiếp tục cho thấy tính chất “kinh niên” của tình trạng tham nhũng ở Việt Nam.

Báo cáo PAPI 2015 vừa công bố sáng nay cho thấy, hiệu quả kiểm soát tham nhũng của chính quyền địa phương dường như đi xuống, đặc biệt là khi so sánh với kết quả năm 2013.

Người trả lời trên phạm vi toàn quốc cho rằng hiện trạng vị thân khi tuyển dụng nhân lực vào khu vực công ngày càng trở nên trầm trọng hơn, trong khi quyết tâm phòng, chống tham nhũng của chính quyền và người dân ngày càng hạn chế.

Theo tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, đại diện cho Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc –UNDP kết quả phân tích dữ liệu PAPI 2015 cho thấy “chạy chức chạy quyền là có và chúng ta phải sốt ruột hơn nữa”.

Toàn cảnh buổi công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2015.




Chúng tôi đã hỏi người dân về việc thân quyen ảnh hưởng như thế nào đến xin việc. Người dân cho biết thân quen rất quan trọng để xin vào nhà nước chứ không phải liên quan đến trình độ, bằng cấp hay ngoại ngữ. Mặt khác, người dân đang chấp nhận tham nhũng, sống chung với lũ”, TS. Giang cho biết.

Theo kết quả khảo sát, năm 2015 tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh. So với kết quả năm 2014, điểm chỉ số này giảm 3%.

So với 2 năm trước, kết quả khảo sát năm 2015 cho thấy người dân ít lạc quan hơn trong đánh giá về hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương. 54% người trả lời đồng ý với nhận định cho rằng cán bộ chính quyền không sử dụng công quỹ vào mục đích riêng (59% năm 2014), 48% người trả lời đồng ý rằng cán bộ không vòi vĩnh đòi hối lộ khi làm thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất (54% năm 2014) hoặc khi thụ lý hồ sơ xin cấp phép xây dựng của người dân thấp hơn trước (49% so với 58% năm 2014).

Quảng Trị, Cần Thơ và Trà Vinh được người dân đánh giá cao lần lượt ở ba chỉ tiêu này. Trong khi đó, Hà Giang, Bình Dương và TP.HCM đứng cuối bảng lần lượt ở ba chỉ tiêu .

“Tỉ lệ người dân nhận định không có hiện tượng vòi vĩnh từ cán bộ y tế bệnh viện tuyến huyện/quận và giáo viên tiểu học công lập năm 2015 thấp hơn so với hai năm trước, một chỉ báo cho thấy hiện tượng phải “chung chi”, “bồi dưỡng” ngoài quy định có xu hướng phổ biến hơn”, báo cáo PAPI chỉ ra.

Ở hơn nửa số tỉnh/thành phố trên toàn quốc, tỉ lệ người trả lời cho biết không phải bồi dưỡng ngoài quy định khi đi khám chữa bệnh ở bệnh viện công tuyến huyện/quận chỉ dao động từ 28% đến 47%. Tại hơn một nửa số địa phương trên cả nước, chỉ có 36% đến 59% số người được hỏi cho rằng không có hiện tượng phụ huynh học sinh phải “bồi dưỡng”giáo viên xảy ra.

Người dân cũng bày tỏ quan ngại về công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công. Kết quả khảo sát PAPI giai đoạn 2011- 2015 cho thấy, “chủ nghĩa vị thân” và quan hệ cá nhân trong tuyển dụng nhân lực đã trở thành vấn nạn trong khu vực công.

Chẳng hạn ở Hà Nội, chỉ có 14% số người được hỏi cho biết họ không phải “lót tay” mới xin được việc vào cơ quan nhà nước. Ở Hà Giang, 2015 là năm thứ hai liên tiếp người dân tỉnh này cho rằng quan hệ cá nhân có ý nghĩa quan trọng khi xin việc vào cơ quan nhà nước, thể hiện qua việc hầu như không có người trả lời nào cho rằng không cần quan hệ cá nhân để xin vào làm việc ở năm vị trí công vụ cấp xã/phường được hỏi.

Quyết tâm của người dân trong việc trong việc tố giác các hành vi tham nhũng, vòi vĩnh của cán bộ chính quyền có xu hướng suy giảm. Năm 2015, chỉ khoảng 3% số người đã bị nhũng nhiễu, đòi hối lộ đã tố giác hành vi tham nhũng của cán bộ chính quyền.

“Ngoài ra, mức độ chịu đựng sự vòi vĩnh, hối lộ của người trả lời trên toàn quốc lớn hơn rất nhiều so với những năm trước: người bị vòi vĩnh sẽ không tố giác hành vi đòi hối lộ nếu số tiền bị vòi vĩnh chưa lên tới khoảng 24 triệu VNĐ” tiến sĩ Đặng Hoàng Giang cho biết.

Đáng nói là so với năm 2014, có sự gia tăng đột biến ở tỉ lệ người dân cho biết phải chi “lót tay” để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ước tính có khoảng 44% số người đã làm thủ tục liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2015 phải đưa hối lộ mới làm xong được thủ tục, tăng gần gấp đôi so với tỉ lệ năm 2014 (24%).

Cũng theo kết quả khảo sát, Trà Vinh đạt điểm cao nhất trong chỉ số nội dung “kiểm soát tham nhũng” năm 2015. So với kết quả năm 2011, điểm số của Trà Vinh tăng đến 47% sau 5 năm. Nam Định đạt điểm cao nhất ở nội dung “quyết tâm chống tham nhũng” của chính quyền và người dân năm 2015”.

Phần lớn những tỉnh/thành phố trong nhóm đạt điểm cao nhất và trung bình cao tập trung ở miền Trung và miền Nam. Trong nhóm 16 tỉnh/thành phố đạt điểm cao nhất có tới 11 địa phương ở miền Nam và bốn địa phương ở miền Trung.

Long An và Sóc Trăng là hai tỉnh trong nhóm đạt điểm cao nhất trong 5 năm liên tục từ 2011 đến 2015, trong khi Hà Nội luôn ở trong nhóm đạt điểm thấp nhất trong cùng giai đoạn.

Cũng theo kết quả khảo sát PAPI 2015, chỉ số ‘thủ tục hành chính công’ cũng giảm nhẹ trong năm 2015. Trong bốn dịch vụ hành chính công PAPI đo lường, chất lượng dịch vụ hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất luôn ở mức thấp nhất kể từ năm 2011 đến nay. Hơn 22% số người đã làm thủ tục quyền sử dụng đất cho biết họ phải chờ hơn 100 ngày mới nhận được kết quả, trong khi theo quy định của pháp luật chỉ là 30 ngày.

Chỉ có chỉ số nội dung ‘Cung ứng dịch vụ công’ cho thấy có sự cải thiện dù không đáng kể trong hiệu quả cung ứng dịch vụ công tới người dân. Tuy vậy, người dân vẫn quan ngại về chất lượng dịch vụ ở bệnh viện tuyến huyện/quận và cũng không mấy hài lòng với chất lượng dịch vụ giáo dục tiểu học công lập.


PAPI được phối hợp triển khai bởi Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP)

Chỉ số PAPI đo lường sáu lĩnh vực nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công; và cung ứng dịch vụ công. Khảo sát PAPI đã được triển khai thực hiện thường niên từ năm 2011 đến nay.

Báo cáo Chỉ số PAPI 2015 phản ánh ý kiến đánh giá của gần 14.000 người dân được chọn ngẫu nhiên từ toàn bộ 63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc.

————-

http://infonet.vn/44-nguoi-dan-phai-dua-hoi-lo-moi-xong-so-do-post196001.info

Kỷ nguyên của dối trá (chúng ta bị lừa mị như thế nào)?







Phỏng vấn nhà xã hội học nổi tiếng, giáo sư Zygmunt Bauman do Jacek Żakowski - phóng viên tạp chí Polityka thực hiện tháng 12.2004. Trích từ tập “Hành trang cần thiết của người trí thức”. 

Thái Linh dịch.

Jacek Żakowski: - Ông không thể tưởng tượng được tôi đã vui mừng thế nào khi ông nói về „niềm đam mê lột trần những dối trá bao che trách nhiệm về những bất hạnh của con người...” trong cuộc trò chuyện với Keith Tester. Nhưng Tester đã không khai triển mạch này. Và tôi vẫn không biết những dối trá ấy là gì. Giờ ta hãy thử vạch trần chúng một cách triệt để.

Zygmunt Bauman: - Triệt để? Anh định triệt để vạch trần và đưa đám sự dối trá?
Tôi rất muốn ông ít nhất cũng hạ gục vài sự dối trá lớn.
Thế thì anh đã ở thế yếu rồi. Cuộc chiến với dối trá là bất khả chiến thắng. Dối trá tự bản chất là vĩnh cửu và có ở khắp nơi. Georges Duhamel đã rất thông thái khi nói rằng: „Giả dối là nguyên tắc, sự thật là ngoại lệ”.

Ông cũng cho rằng như vậy?

Điều này có thể dễ dàng chứng minh một cách lô gích. Cho mỗi câu hỏi chỉ có một câu trả lời đúng. Thế nhưng các câu trả lời dối trá thì có cả đống.

Vậy vì sao „niềm đam mê lột trần dối trá” lại dẫn lối cho một trong những nhà xã hội học đương đại vĩ đại nhất?

Hẳn là anh muốn nói đến những dối trá chính trị?

Nếu như chúng thường bao che „bất hạnh của con người” nhất.
Điều này không mấy thú vị. Dối trá chính trị sớm muộn gì cũng trở nên rõ ràng đối với tất cả mọi người. Chẳng ai ngạc nhiên khi nghe thấy rằng Blair nói dối về vũ khí khủng khiếp của Hunsein, hoặc rằng Đức đã nói dối về cuộc tấn công của Ba Lan vào đài phát thanh ở Gliwice. Ở đây chẳng cần đến triết học lẫn xã hội học. Những thứ ấy chỉ làm tôi mất thời gian. Tôi quan tâm đến những lò xo ẩn quyết định số phận của những con người bình thường – như anh và tôi.

Ông tin là có „những lò xo ẩn của số phận”?

Có những quá trình vĩ đại mà chúng ta tiếp nhận như những đòn đánh hay bản án của số phận, mặc dù về bản chất chúng là hậu quả hành động có ý thức ít hay nhiều của ai đó. Có những sự kiện có vẻ như bất ngờ hay bất khả kháng, nhưng lại xuât phát từ chuỗi quyết định của con người, từ hệ thống các mối liên kết mà chúng ta có thể có ảnh hưởng nếu biết tự ý thức.

Những âm mưu lớn nào đó?

Những tham vọng thầm kín thì đúng hơn, chúng vẫn luôn hiên hữu nhưng ngày nay chúng đặc biệt phức tạp và khó tránh khỏi bởi có tồn tại sự phụ thuộc lẫn nhau hiển nhiên của các vận mệnh toàn cầu. Chuyện một tia sét từ trời quang đánh trúng đầu người công nhân đang làm việc trong nhà máy ở Leeds hay ở Warszawa có thể là hậu quả của điều gì đó xảy ra ở Singapore hay New York. Người công nhân chẳng biết gì về điều ấy và cũng chẳng có chút ảnh hưởng nào đối với nó. Hơn nữa – thậm chí Gordon Brown (bộ trưởng tài chính Anh), tổng thống Pháp, thủ tướng Đức hay thủ tướng Ba Lan cũng chẳng có ảnh hưởng gì.
Điều này chưa có gì chung lắm với sự dối trá.
Nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau toàn cầu khiến nguyên nhân của vị thế chúng ta thoát khỏi các quan sát của con người. Điều này mở ra một không gian chưa từng thấy trong lịch sử cho những sự dối trá và lừa mị vĩ đại. Trước kia không có ngần ấy chỗ cho dối trá, bởi vì các mối nguy hiểm và cách bảo vệ trước chúng được hình thành trong mối liên hệ hiển nhiên. Nếu có bệnh dịch thì cần phải đóng cửa không cho người lạ vào. Nếu có lũ lụt thì phải leo lên ngọn đồi khô ráo. Ngày nay chúng ta không hiểu được mối liên hệ giữa các hiểm nguy và hành động của chúng ta. Ta được biết về chúng từ những người thông thái viết trên báo chí. Ô nhiễm không khí, hành tinh nóng lên, lỗ thủng tầng ô zôn, nguồn gốc của tình hình kinh tế, nguyên nhân khủng bố, lý do thất nghiệp – đó không phải là những hiện tượng có thể nắm bắt được bằng các giác quan tự nhiên. Các chuyên gia nói cho chúng ta nghe về chúng. Nếu các chuyên gia không nói, chúng ta không biết mình đang đứng trước nguy hiểm. Hơn thế nữa – vì chúng ta phải dựa vào ý kiến của các chuyên gia để đánh giá tình hình và một người bình thường không có cách gì kiểm soát họ, người ta có thể nói dối chúng ta thoải mái. Các chuyên gia có thể nói với chúng ta rằng khí nhà kính không có hại, rằng thuyết đơn phương tốt hơn việc xây dựng cộng đồng quốc tế, rằng đó là con đường đúng đắn duy nhất đưa đến phát triển, rằng sô cô la hay rượu kéo dài tuổi thọ hoặc ngược lại.

Và theo ông là không có cách gì xác minh điều đó.

Không có! Thực tế ai cũng có thể ngang nhiên nói dối chúng ta. Trước kia ai cũng rõ là các chính trị gia nói dối, bởi thế người ta tìm sự thật ở các chuyên gia, những người có thẩm quyền, các trí thức, những nhà thông thái. Ngày nay các chuyên gia, trí thức, những nhà thông thái nói dối cũng ngang nhiên và nhẹ nhàng như các chính trị gia mỗi lúc một nhiều hơn. Bởi vậy khi chúng ta nghe thấy theo các nghiên cứu gần nhất một thứ men nào đấy có trong thức ăn kéo dài hoặc rút ngắn tuổi thọ, thì mọi người lập tức hỏi ngay: „Ai tài trợ cho nghiên cứu này?”. Ngày càng phổ biến ý kiến cho rằng nếu nghiên cứu được tập đoàn sản xuất thuốc lá đặt hàng thì kết quả sẽ là thuốc lá tốt cho sức khỏe. Chắc hẳn chẳng còn luận điểm nào vô lý đến mức không thể đánh đổ nó bằng kết quả các nghiên cứu tiến hành trong các trung tâm được công nhận.

Nhưng có thể đánh đổ nó bằng các nghiên cứu khác.

Chính thế! Có thể đánh đổ hoặc chứng minh luận điểm đúng đắn nhất hay ngu ngốc nhất dễ dàng như nhau! Và chúng ta được gì? Khi tra từ khóa „sự dối trá” ở Google tiếng Ba Lan, tôi tìm thấy trong vòng hai phần mười giây hơn 10400 tài liệu. Con người có thể làm gì với điều này? Còn với từ khóa „sự an toàn” gần đây tôi nhận được địa chỉ tới 17 triệu tài liệu. Tôi có nhờ vậy mà thông thái hơn không? Paul Virilio viết về „quả bom thông tin” mà theo ông còn nguy hiểm đối với sự tồn tại của loài người hơn cả bom nguyên tử, bởi nó ngăn cản việc hiểu được những gì đang xảy ra.

Và việc đưa ra những quyết định hợp lý.

Việc phán đoán đã trở nên bất khả rồi, nói gì đến quyết định hợp lý!
Do đó ngày nay sự dối trá căn bản đầu tiên là luận điểm rằng chúng ta có thể phân biệt dối trá và sự thật?
Chúng ta không biết phân biệt và ngày càng không biết. Đó là siêu dối trá của tư duy duy lý đương đại, vô sở bất tại và đang ngày một hùng mạnh. Chúng ta biết phân biệt dối trá và sự thật ư?
Nhưng đó chưa phải là một trong những điều dối trá vĩ đại đương thời „bao che trách nhiệm về bất hạnh của con người.”
Đó là điều dối trá mở ra khả năng gói ghém giả dối tránh nhiệm vào bất cứ cái hộp nào.
Ví dụ?
Ví dụ sự an toàn.

Nghĩa là?

Ở đây có lẽ tôi đã tháo dỡ ra được điều gì đó, nhưng tôi đề nghị kiên nhẫn một chút. Anh có nhớ lý thuyết của Bahtin nói rằng bản chất của quyền lực là dựa trên nỗi sợ không? Trước hết là nỗi sợ vũ trụ mà hầu như mỗi người đều cảm thấy từ thủa lọt lòng. Mỗi khi nghĩ đến vũ trụ, nhìn những cơn sóng lớn, những vực sâu, những ngọn núi ngất trời, chúng ta cảm thấy sự nhỏ bé, mong manh, bất lực của mình. Đó là nỗi sợ tự nhiên mà từ đó tôn giáo, văn hóa, triết học lấy được sức mạnh. Nỗi sợ thứ hai là nỗi sợ chính quyền. Sức mạnh của quyền lực chính trị dựa vào đó. Nỗi sợ chính quyền có thể được tạo ra. Để đạt đến sức mạnh của nỗi sợ vũ trụ, quyền lực chính trị phải được cắt đo theo cỡ quyền lực của Thượng đế. Nó phải có quyền năng rộng khắp, vô sở bất tại và bất khả thấu. Đó phải là quyền lực tầm cỡ của cả Kinh Thánh và Sách Job gộp lại. Bởi Job rốt cuộc đã cảm nhận được, điều đó có nghĩa là Thượng đế không chỉ tạo ra, mà còn thay đổi luật lệ theo ý mình, vì vậy không có sự tuân phục luật lệ Thượng đế nào bảo đảm an toàn cho chúng ta trên trần thế. Leszek Kołakowski đã đào sâu vấn đề này thật tuyệt vời. Và trước đó Carl Schmidt đã viết: „quyền lực thực sự tự chủ phụ thuộc vào sức mạnh thực hiện các ngoại lệ”. Sư phụ trong lãnh vực này là Stalin, người đã khủng bố được toàn thể xã hội, tới mức thậm chí những người phục tùng nhất cũng không chắc chắn được về ngày mai, bởi vậy họ biết ơn hắn chỉ bởi hắn không tống họ vào nhóm những kẻ nổi loạn. „Stalin yêu dấu chăm lo cho người lương thiện – Người đã không đày tôi đi Siberia”.

Nhưng cái đó liên quan như thế nào đến thế giới ngày nay?

Vâng, mỗi chính quyền, bao gồm cả chính quyền ngày nay, để thực hiện vai trò của mình, cần tính chính danh gieo rắc trên nỗi sợ. Đó không thể là nỗi sợ vũ trụ như trong thời ai Cập cổ đại – bởi chính quyền của chúng ta là thế tục. Nhất thiết cần có nỗi sợ chính quyền. Chính quyền đứng trước công dân phải có thể nói với anh ta: „Chính chúng tôi bảo vệ anh trước các hiểm nguy đang rình rập. Chỉ có việc tuân phục các luật lệ do chính quyền đặt ra cho cộng đồng chúng ta mới khiến anh được an toàn!” Nhưng chính quyền ấy ngày nay phải bảo vệ chúng ta trước điều gì? Trước kia các hiểm nguy của thế giới rất hiện thực. Các hiểm nguy là thiên tai, súc vật, kẻ lạ. Chính quyền phải bảo vệ nhân dân trước những điều này. Sau đó là các chu trình kinh thế, khủng hoảng, thất nghiệp. Từ thời Bismarck nhà nước nhận phần bảo vệ trước những hiểm nguy khác nữa, sau thế chiến II nó mang hình thức nhà nước xã hội đảm bảo cho mọi người điều kiện sống tối thiểu và bảo hiểm cho cá nhân trong các trường hợp bất hạnh – ốm đau, thất nghiệp, tàn tật, nghèo đói và tuổi già. Các nhà nước của thế kỷ hai mươi theo một nghĩa chính trị nào đó là các hợp đồng bảo hiểm. Mô hình này đang kết thúc. Nhà nước đương đại đã không còn biết bảo hiểm cho các công dân của mình trước các bất hạnh cá nhân. Không có cả nguồn lực lẫn ý muốn làm điều đó. Nó đẩy trách nhiệm này cho các lực thị trường và sự khôn ngoan của cá nhân. Ai không xoay xở được sẽ trở thành „người bỏ đi”. Thế giới đương đại là thế giới của „bản kiểm kê thiếu”. Thứ gì không sử dụng được hoặc đã bị chán sẽ bị vứt bỏ. Trước tiên những thứ bị vất vào sọt rác mỗi lúc một nhiều hơn. Giờ đây cả con người, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các châu lục cũng bị vứt vào sọt rác. Châu Phi trở thành „rác thải của toàn cầu hóa”. Khi ngọn gió chính trị hay kinh tế thay đổi, gần như mỗi người chúng ta đều có thể ngày một ngày hai trở thành rác. Và càng lúc càng khó tin được việc ai đó bảo vệ chúng ta trước điều đó. Nhất là nhà nước. Rủi ro cuộc sống đã bị tư nhân hóa và cá thể hóa.

Nhưng sự dối trá nằm ở đâu?

Tôi đang tiến đến nó, nhưng ở đây bắt đầu có các bậc thang. Bởi chính quyền, để có tính chính danh, để biện minh cho đòi hỏi phục tùng, phải là lá chắn duy nhất trước các nguy hiểm đe dọa công dân và là người dẫn đường đến thế giới an toàn. Chính quyền đương đại, vẫn mang tính địa phương như thời xưa, nhưng hoạt động trong thế giới toàn cầu hóa, đã không thể và không muốn bảo vệ chúng ta trước những đỏng đảnh của thị trường, trước số phận bất hạnh, trước rủi ro bệnh tật. Có sự cám dỗ - và do đó tồn tại khả năng - chuyển chức năng bảo vệ trước nỗi sợ mà nhân danh nó chính quyền đòi hỏi chúng ta phục tùng từ phạm vi này sang phạm vi khác.

Sang phạm vi nào?

Ở đây tôi có chút khó khăn về ngôn ngữ. Để chỉ việc không có các nguy cơ trong tiếng Ba Lan chỉ có một từ - an toàn. Tiếng Anh có hai từ: security và safety. Security liên quan đến các mối liên hệ xã hội – thứ ở Ba Lan gọi là an toàn xã hội – như thu nhập ổn định, thoát nghèo, có nhà ở, hy vọng vào tuổi già yên ổn. Còn safety liên quan chủ yếu đến sự bảo toàn cơ thể – sự chắc chắn là tôi không bị ai đầu độc bằng thức ăn hay nước uống, không bị ai trộm hay cướp, không bị ai bắn, không bị ai bắt cóc mất con, không bị đặt bom... Chính quyền đương đại ngày càng hướng sự chú ý của nhân dân theo hướng này nhiều hơn. Không thể hứa hẹn cho nhân dân security và một xã hội nơi họ có thể cảm thấy secure, chính quyền càng ngày càng nói nhiều hơn về các hiểm họa safety. Họ muốn lấy được lòng biết ơn của chúng ta, khi không có bom nổ, khi ta không bị bọn côn đồ đánh, hay khi ăn mày bị quét sạch khỏi đường phố. Báo động vàng. Báo động da cam. Báo động đỏ. Phù, thành công rồi, cuộc tấn công đã bị vô hiệu hóa! Càng ít security, càng nhiều hưng phấn và ồn ào quanh safety. Có thể bằng cách này làm nhân dân nhầm lẫn, mất cảnh giác, hướng sự chú ý của chúng ta khỏi những bê bối và bất lực của chính quyền.
Điều này có thể được khẳng định trong các so sánh quốc tế. Cuộc chiến với khủng bố nóng bỏng nhất ở những nơi nhà nước ít quan tâm nhất đến phạm vi security hoặc từ bỏ chúng một cách đột ngột nhất – Mỹ, Anh, Ba Lan. Những nước không có gì đặc biệt xảy ra với security thì cuộc chiến này có vẻ nhẹ nhàng hơn.
Nhưng điều này không chỉ liên quan đến cuộc chiến với khủng bố. Trong các phạm vi khác của safety mức độ căng thẳng cũng phân bố tương tự. Càng ít security, thì cuộc chiến với khói thuốc lá, với việc vượt tốc độ trên đường bộ, với bạo hành gia đình và các thể loại côn đồ... càng ồn ào. Ở Mỹ ám ảnh chống thuốc lá bắt đầu cùng với chủ nghĩa tân tự do và lớn lên cùng nó. Ở Đức chính quyền bắt đầu nói về việc lái xe vượt tốc độ trên đường cao tốc khi nhà nước xã hội bắt đầu bị cắt giảm. Chắc không phải ngẫu nhiên mà ở châu Âu luật cấm hoàn toàn việc hút thuốc lá trong nhà do chính Ireland đưa ra,nước có chỉ số cạnh tranh cao nhất – nghĩa là, nói cách khác, ít safety nhất, các rủi ro cuộc sống rõ ràng nhất và nhà nước ít mang tính phúc lợi nhất.

Ông có cảm giác là bằng cách đó, chính quyền đánh lạc hướng sự chú ý của người dân khỏi những cuộc cải cách đau đớn?

Tôi không biết chứng minh điều này. Nhưng tôi nhìn thấy sự đồng thời rất rõ ràng. Và tôi cũng thấy những người bị tước mất security dễ dàng đồng ý với các hạn chế được biện minh bằng nhu cầu bảo vệ safety cho họ hơn. Tôi đã quan sát phản ứng của hàng nghìn người lang thang ở sân bay London khi các chuyến bay đi Mỹ bị hoãn vì có báo động khủng bố. Không có ai chửi bới, mọi người ngoan ngoãn chờ đợi. Họ nói về cái chính quyền đã hoãn các chuyến bay với sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn. Người ta mất kỳ nghỉ hay công chuyện ở Mỹ cũng chẳng sao. Mọi người đều hạnh phúc vì chính quyền đã lo lắng cho họ. „Nếu chúng ta ngồi cùng máy bay với bọn khủng bố thì sẽ ra sao? Nghĩ đến cũng đã thấy sợ rồi!”. Thực kiện là chẳng có tên khủng bố nào bị bắt và không có dấu vết đáng tin nào được đưa ra về việc ai đó có thể bị nguy hiểm không khiến cho lòng biết ơn của công dân giảm xuống.

Nhưng sự dối trá ở đâu?

Tôi không biết có sự dối trá không. Nhưng tôi biết là có một không gian mới cho dối trá và lừa mị (manipulation) dân chúng. Tôi không biết bọn khủng bố có thực sự có kế hoạch gì không. Nhưng tôi biết rằng nếu chính quyền tự nghĩ ra báo động đó, như Stalin luôn liên tiếp nghĩ ra những âm mưu gây tranh cãi, thì chính quyền sẽ có được lòng biết ơn của mọi người mà gần như không tốn chút hơi sức nào. Không thể kiểm tra được điều này trên thực tế. Rủi ro ở đây khác với các hiểm nguy khác, bởi nó không nhìn thấy được, khó đo đếm và không được xác minh.
Có thể dễ dàng khẳng định có vụ nổ nào không hay những người về hưu có được tăng lương hưu hay không. Nhưng rất khó đánh giá có rủi ro thực tế về việc bom nổ hay không. Chắc luôn có rủi ro nào đó.
Xét từ số báo động giả và từ nhưng dối trá chính trị bị đưa ra ánh sáng, có thể giả định là ở đây chúng ta có vấn đề.

Nhưng có lẽ ông cũng tin là có khủng bố chứ?

Tôi tin là có và tôi tin chính quyền chiến đấu với khủng bố, nhưng tôi cảm thấy họ lạm dụng - có thể là một cách có ý thức – nỗi sợ mà khủng bố gây ra để xóa đi các khía cạnh ít vẻ vang hơn trong hoạt động của họ. Những cái xe tăng bao vây sân bay London có phải là để chiến đấu với khủng bố? Hay nhiều hơn là để tăng cảm giác bị đe dọa và cảm giác biết ơn của công dân đối với chính quyền đang bảo vệ họ và nhờ nó mà họ giữ được mạng sống? Anh có tưởng tượng được việc dùng xe tăng để tìm một phụ nữ mang chất nổ trong người và sẽ làm nổ máy bay không? Trong cuộc chiến với không tặc xe tăng ít hiệu quả, nhưng chúng gây ấn tượng mạnh với những người đang sợ hãi. „Họ lo lắng cho chúng ta, chăm sóc chúng ta, bảo vệ chúng ta, chúng ta mang ơn họ về mạng sống”.

Ông cho rằng chính phủ và các cơ quan an ninh ở Mỹ, Anh, Ba Lan hay Ý đã có những âm mưu để biến chúng ta thành bầy người sợ hãi, mất phương hướng, dễ bị lừa mị và mất tự chủ?

Tôi nói về sự bất khả thấu nguyên nhân của các mối đe dọa safety, về sự khó khăn ngày càng lớn trong việc điều tra sự thật, về phạm vi ngày một rộng hơn của việc sử dụng sự dối trá. Trong gương mặt khủng hoảng tính chính danh của chính quyền xuất phát từ những quá trình toàn cầu hóa, phải chăng nhà nước có khuynh hướng tạo ra cảm giác bị đe dọa trong phạm vi nó cảm thấy hơi chắc chắn hơn và có thể cho thấy nó làm được nhiều hơn?

Nếu nó có (khuynh hướng ấy) thì sao?

Đây là câu hỏi căn bản cho nhà xã hội học. Thế giới thay đổi ra sao khi mọi người không còn hy vọng vào security và chỉ chú ý tới safety? Họ sẽ sống ra sao, nếu sự chú ý của họ chỉ tập trung vào việc mua sắm lên đời các hệ thống báo động, cửa sắt, khóa, áo chống đạn, mặt nạ khí và có trời mới biết được gì nữa... Hiển nhiên là dẫu có cả đám hỗn độn ấy thì nguồn gốc của những bất an và căng thẳng vẫn còn nguyên không được động chạm đến. Ngược lại, một cơ chế tự thúc mình được khởi động – càng nhiều sợ hãi, mớ hỗn độn quanh các hệ thống báo động, cửa, khóa càng lớn. Mớ hỗn độn càng lớn, nỗi sợ hãi càng mạnh. Nỗi sợ không được xoa dịu sẽ tìm nguồn và sẽ cần đến mỗi lúc một nhiều hơn các đối tượng khác nơi nó có thể giải tỏa. Ở đây hiệu quả phụ nguy hiểm sẽ là những căng thẳng giữa các sắc dân hay giữa các nền văn hóa. Trong xã hội đa sắc tộc của phương Tây ngày nay điều này có nghĩa là sự xói mòn lòng tin và thống nhất xã hội. Ở đây đã không còn là chuyện đùa nữa. Chúng ta đi đến tâm điểm của bản sắc xã hội, của nền dân chủ và cấu trúc chính trị chính là dựa vào lòng tin và sự thống nhất xã hội. Và kết quả cuối cùng là người ta làm quá ít để chuẩn bị cho chúng ta bước vào cuộc sống trên hành tinh toàn cầu hóa và chung sống an toàn.

Đây là điều ông nghĩ đến khi nói về việc „lột trần những dối trá bao che trách nhiệm về bất hạnh của con người”?

Đây chỉ là một trong số các ví dụ.

Thế các ví dụ khác?

Anh hãy lấy ví dụ cách tính tổng sản phẩm nội địa, tức là GDP. GDP luôn luôn tăng, nhưng sao người ta có vẻ không cảm thấy cuộc sống tốt hơn nhiều? Vì sao?
Vì sự tăng trưởng nhắm vào vài phần trăm những người tự cường nhất vốn vẫn là những người giàu nhất?
Đó là một nguyên nhân. Nhưng bản thân tăng trưởng GDP thực chất là một siêu dối trá toàn cầu, nếu người ta xem nó là thước đo cho sự phồn vinh của con người. Bởi vì GDP ghi nhận lượng tiền qua tay trong phạm vi một nền kinh tế nào đó. Nhưng nó không xem xét tới một khu vực rộng lớn của kinh tế đạo đức, kinh tế gia đình, láng giềng, môi trường. Khi ngồi một mình trong nhà ăn hay quán bar và nuốt đồ ăn nhanh, thì tôi chẳng thấy dễ chịu gì cho lắm, nhưng tôi thực hiện một nghĩa vụ xã hội nào đó, bởi hóa đơn tôi sẽ trả được tính vào thành phần của GDP và làm cho chỉ số tăng trưởng kinh tế lớn hơn. Nhưng khi vợ tôi nấu cho tôi bữa trưa và chúng tôi ăn cùng con cái, thì điều đó có thể sẽ dễ chịu, lành mạnh hơn đối với chúng tôi, nhưng chúng tôi sẽ cư xử phi xã hội và phi kinh tế, vì GDP không ghi nhận điều đó. Khi gia đình tan rã và cả nhà đều chui ra quán hay các bar ăn nhanh, chắc hẳn hạnh phúc và cả nhân tính của chúng tôi cũng bớt đi, nhưng GDP lại tăng. Khi ông hàng xóm giúp tôi cắt cỏ, còn tôi giúp ông ấy sửa giàn hoa, cả hai chúng tôi đều được hưởng lợi gấp đôi – vì công việc được hoàn tất và nhân thể, chúng tôi cảm thấy dễ chịu hơn trong khu vực của mình. Nhưng GDP sẽ thiệt hại vì điều này, vì mỗi người chúng tôi đều có thể thuê thợ và hóa đơn sẽ được thống kê, đánh thuế. Tương tự, khi tuổi cao sức yếu, tôi sẽ dễ chịu nếu được con gái chăm sóc, hơn là phải đến cái trại nào đó chờ chết. Nhưng sự chăm sóc lấy tiền được GDP ưu ái hơn, còn sự chăm sóc từ trái tim theo góc nhìn thống kê kinh tế là công việc vô giá trị.
Đồng ý, có thể dễ dàng tưởng tượng mô hình phát triển kinh tế dựa trên phát triển dịch vụ, nơi người ta làm việc và thu nhập mỗi lúc một nhiều hơn khi cung cấp dịch vụ lẫn nhau, nhưng đồng thời tất cả mọi người đều tốn tiền và mất chất lượng sống, bởi một mặt họ chi tiêu mỗi lúc một nhiều hơn, nhưng mặt khác lại bị mất đi những niềm vui giản dị, những mối liên hệ tình cảm tích cực với người khác thay cho những liên hệ kinh tế lạnh lùng. Nhưng đó có phải là dối trá không?
Đó là sự dối trá nguy hiểm. Thực chất người ta đo cái điều biểu hiện sự xói mòn xã hội và tan rã gia đình, nhưng chúng ta trưng ra như là thành công kinh tế hay thành công về văn minh! Điều có thật và đau đớn, được cảm nhận rộng rãi là mất mát, lại được kinh tế thị trường trình bày như lợi ích. Người ta gói ghém nỗi bất hạnh của sự tan rã các mối liên kết giữa người với người hay những phiền phức thông thường trong sự dối trá dựa trên trao đổi thương mại của tăng trưởng kinh tế. Ai cũng muốn làm việc cách nhà 500m, đi bộ đi làm, về nhà ăn trưa, sau giờ làm chăm vườn cùng lũ trẻ và cùng nấu bữa tối. Nhưng từ góc nhìn GDP thì sẽ tốt hơn nếu anh làm việc cách nhà 50 km. Khi đó anh tốn khối tiền và thời gian để đi làm. Tất nhiên anh sẽ ăn quán. Anh đặt pizza cho bữa tối, trẻ con do cô giúp việc trông, vườn thuê thợ làm vườn. Thêm vào đó, anh sẵn lòng làm thêm ngoài giờ hay một công việc thứ hai, vì lúc nào anh cũng thiếu tiền cho mọi thứ. Có thể trên danh nghĩa anh giàu hơn rất nhiều, nhưng thực tế lại nghèo và bất hạnh hơn. Chính phủ khoác lác bằng tăng trưởng GDP, nhưng không nói tăng trưởng GDP làm tăng chất lượng cuộc sống ở mức độ nào, và hủy hoại chất lượng cuộc sống ở mức độ nào. Khi mọi nhu cầu và khao khát của chúng ta - từ ăn uống đến tình dục - đều được thị trường thỏa mãn và khi toàn bộ cuộc sống chúng ta được quy về việc thu chi tiền, chúng ta trở thành những sinh vật bất hạnh nhất, cô đơn nhất và vô nghĩa lý nhất trên trái đất. Tất nhiên chúng ta có thể thương mại hóa toàn bộ phạm vi cuộc sống vốn dựa vào các mối quan hệ đạo đức, vào cộng đồng, sự tự lập, nhưng cuộc sống khi đó trông sẽ ra sao?

Ông tự nghĩ ra điều đó, hay ông đọc ở đâu?

Khó có thể đọc được điều này ở đâu. Ban đầu tôi cảm thấy nó. Sau đó tôi đã tìm tòi rất lâu. Phê phán truyền thống đối với chủ nghĩa tư bản tua-bin (turbocapitalism) dựa vào việc vạch trần sự leo thang những thèm khát bị thúc đẩy bởi các chiêu tiếp thị ngày càng tinh vi và các quảng cáo ngày càng quyền lực. Sự dối trá này đã được biết đến từ lâu. Kinh tế đương đại ngày càng dựa nhiều hơn vào việc nghĩ ra một sản phẩm mới (hoặc bề ngoài là mới), sau đó nhờ vào tuyên truyền mạnh mẽ để đánh thức những ham muốn mới, nhồi vào đầu mọi người ý nghĩ là thiếu những sản phẩm ấy họ sẽ không hạnh phúc. Truyền thông sống bằng quảng cáo không thể không tham gia vào siêu dối trá của nền văn minh tiêu dùng. Sự dối trá này từ vài chục năm nay đã đẩy chúng ta vào nỗi bất hạnh mỗi lúc một lớn hơn của những ham muốn không được thỏa mãn, được khơi dậy một cách giả tạo. Nhưng sự dối trá tồi tệ nhất của nền kinh tế dựa trên quảng cáo là việc toàn bộ viễn cảnh về cuộc sống và ý nghĩa tồn tại trong sự tuyên truyền này bị giới hạn vào thứ dầu gội đầu mới, thứ bột làm thạch hay cái xe mới.
Sự dối trá này không chỉ „bao che sự bất hạnh”, mà đơn giản là tạo ra nó.
Nó tạo ra đồng thời bao che. Nguồn cơn của bất hạnh là sự leo thang ham muốn vượt quá khả năng thỏa mãn chúng. Nền kinh tế dựa vào tiêu dùng sẽ sụp đổ theo cách khác. Vỏ bọc do quảng cáo tạo ra nằm ở ảo giác rằng có thể thỏa mãn ham muốn. Song sự thật là trong xã hội tiêu dùng cơ hội để thỏa mãn chúng rất thấp. Người ta đổ nhiều tiền bạc và công sức nhất vào việc đánh thức ham muốn, chứ không phải vào việc thỏa mãn chúng. Để thỏa mãn những ham muốn bịa đặt bị khơi dậy một cách giả tạo chúng ta làm việc cật lực, hành hạ người thân, hủy hoại những phạm vi sống phi thị trường (không có ý nghĩa kinh tế) của chúng ta. Cuộc đuổi bắt này không bao giờ chấm dứt. Không có vạch đích trên đường đua tiêu dùng. Khi anh làm việc cật lực và rốt cuộc bỏ ra được đủ tiền mua nhà hay xe hơi, những thứ sẽ phải mang lại hạnh phúc cho gia đình anh, ngay sau đó anh sẽ nhận được quảng cáo xe hơi từ chính hãng ấy, cái xe sẽ mang lại nhiều hạnh phúc hơn nữa, hoặc quảng cáo nhà nơi sẽ có nhiều tình yêu và hơi ấm gia đình hơn. „Hãy mua đi, rồi bạn sẽ hạnh phúc”. Những sự dối trá vĩ đại của xã hội tiêu dùng nằm ở chỗ những lời hứa mang đến kết quả mong muốn phải bị vi phạm hàng ngày. Trong hệ thống tiêu dùng chúng ta như Syzyf hay đúng hơn như con lừa đuổi theo củ cà rốt ở đầu gậy, hoặc như con chuột trong vòng quay. Anh vừa mới mua xong một thứ đồ phải mang lại hạnh phúc cho anh và gia đình thì đã được biết không phải là nó, rằng nguồn gốc của hạnh phúc là thứ gì đó khác kia. Trong bóng đổ của những niềm hi vọng tót vời che lấp mọi thứ, mỗi lúc một mới hơn, đống đồ vừa mới bóc tem mà ta sẽ bỏ đi lớn dần lên, bởi thực sự chúng chẳng cho ta hạnh phúc hoặc không so sánh được với những sản phẩm tiềm năng khác chưa được dùng thử.
Vậy con người nên học được khá nhanh rằng đồ vật không mang lại hạnh phúc.
Cái khó ở đây là lý trí của chúng ta – sau khi bị đặt dưới sự tẩy não vĩ đại và có hệ thống bằng quảng cáo – từ lâu đã không còn lành mạnh nữa. Theo nguyên tắc của Goebbels sự dối trá của chủ nghĩa tiêu dùng, được lặp lại hàng triệu hay hàng tỉ lần, đã trở thành sự thật được công nhận rộng rãi. Tiêu dùng hậu hiện đại là thói quen xấu tuyệt đối gây nghiện. Nó lây nhiễm y như nghiện ma túy hay nghiện tình dục. Nhìn thấy một quảng cáo mới, người ta rơi vào trạng thái hưng phấn không lành mạnh mà người ta không biết làm chủ. Người ta cảm thấy bất ngờ hưng phấn khi kịp sở hữu thứ gì đó. Nhưng ngay sau khi mua người ta trải nghiệm sự thất vọng và sự tuột hứng đau đớn chỉ có thể bị đẩy lùi bằng cách thỏa mãn những liều ham muốn tiếp theo. Cũng như đa số thói quen xấu, liều cần thiết để chiến thắng nỗi thất vọng không ngừng tăng lên. Vậy là chúng ta ngày càng rơi vào bất hạnh và sự cầm tù của ham muốn được gói ghém trong hình dung sai lầm về hạnh phúc. Sự dối trá này thống trị những ước mơ của con người và qua giấc mơ con người áp đảo thế giới.

Nhưng bằng cách nào, thưa giáo sư, sự dối trá bắt đầu thống trị, còn sự thật thì người ta lại không nghe?

Ở đây tôi sẽ viện đến Aristotles, người đã viết rằng việc điều tra sự thật diễn ra ở chợ (agora), nghĩa là ở phạm vi công cộng. Ở đó mối liên hệ giữa cái mà ông gọi là oikos (nghĩa là việc riêng) và ecclesia (việc chung) được thiết lập. Ở chợ, từ hàng thế kỷ, các nhu cầu cá nhân bị chuyển thành các lợi ích xã hội, còn các quyền lợi tập thể bị chuyển thành ngôn ngữ của các quyền và nghĩa vụ cá nhân. Bằng cách đó, sự thật được điều tra một cách diễn ngôn, người ta xác định điều xã hội chấp nhận là sự miêu tả đúng thực tại. Bây giờ không còn cái chợ như thế nữa. Trong cái chợ ngày nay người ta chủ yếu kể về những trải nghiệm cá nhân của mình. „Tôi đã làm được điều đó”. „Họ đã không làm được điều đó.” „Cái này dễ thương.” „Cái ấy đáng tiếc”. Diễn ngôn khép lại trong tầm chân trời cá nhân. Nó xoay quanh những gì con người có thể tự nhìn thấy hay trải nghiệm. Những gì chúng ta có thể sờ, nếm, ngửi. Các kinh nghiệm tập thể thiếu cái „nền vật chất” hay cơ chế xã hội cho phép chúng kết tinh và mở đường đến sự thật chung, khách quan, bên trên cá nhân.

Nhưng vì sao lại thế, thưa giáo sư?

Ai đó đã nói rất đúng rằng người tiêu dùng là kẻ thù của công dân. Công dân quan tâm đến sự thật có giá trị xã hội vượt lên trên cá thể, bởi anh ta tìm kiếm sự viên mãn trong cộng đồng mà anh ta thuộc về, hay cộng đồng mà anh ta muốn lập ra. Người tiêu dùng chỉ quan tâm đến việc thỏa mãn các ham muốn cá nhân của mình. Anh ta không nghĩ đến sự thật hay dối trá. Anh ta chỉ sử dụng khía cạnh hữu dụng, dễ chịu, vui vẻ. Trong thế giới của những người tiêu dùng mối giao tiếp giữa ecclesie và oikos bị cắt đứt. Các nhân vật của công chúng thậm chí bảo đảm với chúng ta rằng công bằng là khái niệm rỗng được các nhà tư tưởng bịa ra, rằng chỉ có quyền lợi cá nhân là hiện thực và rằng – ngay cả nếu thuật ngữ „xã hội công bằng” có nghĩa gì đó - thì chính là sự khuyến khích các quyền lợi cá nhân. Nhưng nếu chỉ tồn tại các quyền lợi thì chúng ta phải tìm sự thật như thế nào? Thứ luật chung nào là khả dĩ trong thế giới người tiêu dùng? Tôi không nói đến lời giải đáp triết học. Tôi là nhà xã hội học và với tư cách một nhà xã hội học, tôi cảm thấy bất an vì sự biến mất rõ rệt của các cơ chế xã hội truy tầm sự thật.

Có nghĩa là kỷ nguyên dối trá đang chờ đợi chúng ta?

Điều này phụ thuộc vào mọi người, mà mọi người, đáng tiếc, lại thờ ơ với sự thật.
Ở Ba Lan người ta không tranh cãi về chuyện gì khác cả. Ai nói dối? Ai nói dối hơn? Ai lừa đảo? Sự thật và dối trá là chủ đề số 1.
Nhưng sự thật nào? Những sự dối trá nào? Ngày nay chúng ta đưa đạo dức chính trị vào đạo đức cá nhân của các chính trị gia. Clinton là một ví dụ tốt. Khi ông phá bỏ hệ thống an sinh xã hội được Roosevelt thành lập và Johnson xây dựng, khi ông hủy bỏ các chương trình xã hội liên bang và chuyển chúng cho các tiểu bang, khi các bang bắt đầu cạnh tranh để cắt giảm trợ cấp, vì mỗi tiểu bang đều muốn tránh làn sóng đói nghèo tràn sang từ bang lân cận, người ta không đặt vấn đề đạo đức đối với ông ta. Mà ông ta đã nghi ngờ nguyên tắc đạo đức cơ bản rằng trách nhiệm của nhà nước là chăm lo cho dân chúng. Nhưng khi ông nói dối về chuyện ngoại tình với thực tập sinh, người ta đòi phải bãi nhiệm ông vì lý do đạo đức. Người ta công nhận rằng tổng thống đã vi phạm nguyên tắc luân lý.... Đây là đặc trưng của tình hình mới. Sự dối trá hay vụ ngoại tình hủy diệt chính trị gia. Nhưng vi phạm đạo đức của đời sống xã hội thì có thể dễ dàng xoay xở. Khi vấn đề sự thật được giản lược đến việc nói thật dẫu là của những cá nhân tuyệt vời nhất, thì sự thật về xã hội, về tình trạng và số phận của cộng đồng biến mất khỏi tầm mắt. Nếu chính trị gia nói dối, có thể lột mặt nạ anh ta và bãi nhiệm. Có các công cụ để làm việc đó. Công tố viên, tòa án, các nhà báo tò mò hay các ủy ban điều tra. Nhưng khi những sự thật của chung sống xã hội bị dối trá, người ta chủ yếu im lặng. Bởi các sự thật định đoạt số phận chung của chúng ta không thể được xác định bởi các công tố viên, các quan tòa và các ủy ban điều tra. Việc xác định chúng đòi hỏi phải có agora. Mà agora đang biến mất.

Nghĩa là lỗi lại ở sự tiêu dùng?

Chủ nghĩa tiêu thụ – một phần. Nhưng không chỉ có mình nó. Sự tràn ngập thông tin cũng có thể tạo điều kiện cho dối trá áp đảo. Truyền thông đương đại cũng vậy. Kỹ thuật truyền đạt thông tin và kỹ thuật truy tầm sự thật được chi phối bởi các lô gíc khác nhau. Nguồn thông tin phổ biến nhất hiện nay là truyền hình về bản chất không thể gây sự chú ý của người xem trong khoảng thời gian cần thiết để đưa ra căn bản của luận điểm. Trong cuộc tranh luận trên truyền hình, cùng lắm chỉ có thể làm người đối thoại điếc tai và tương vào anh ta (và vào khán giả) những lời châm chích ngắn ngủi. Mà truy tầm sự thật thì cần tập trung và gắng sức. Chẳng bao giờ đến được với sự thật bằng những tiếng la hét hay những lời châm chích. Khi cuộc tranh luận dẫn đến trận khẩu chiến bằng những lời châm chích, việc phân biệt sự thật và dối trá là bất khả.
Nhất định phải thế, hay đó chỉ là một giai đoạn lịch sử thôi?
Tôi không bao giờ chấp nhận là tình hình phải như nó đang là. Nếu chúng ta phản kháng, nếu chúng ta trò chuyện vài giờ – như chúng ta đang làm, chứ không phải vài phút, thì sự thật sẽ khá hơn. Thông tin đưa ra càng quá liều và càng nông thì càng ít có cơ hội cho một cuộc tranh luận nghiêm túc, chúng ta càng có nhiều khả năng bị chìm trong dối trá. Chúng ta đứng trước lựa chọn – và chúng ta sẽ ra sao cũng phụ thuộc vào chúng ta.

Ông muốn thay đổi số phận của thế giới bằng lời nói?

Anh biết không, người ta từng hỏi Cornelius Castoriadis: „Ông muốn thay đổi thế giới à?”. Và ông trả lời: „Xin Chúa che chở cho tôi! Tôi chỉ muốn thế giới tự thay đổi. Như nó đã từng làm thế trong lịch sử của mình”.

Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2016

Người trẻ Việt thật giỏi






 

Chưa thể so với người Do Thái/Israel ở nước Mỹ và một số quốc gia công nghiệp hóa khác thường được coi là dân tộc rất thông minh, thành đạt ở nhiều lĩnh vực..., nhưng quả thật người Việt Nam xa xứ, hoặc bỏ xứ sở đi làm ăn, sinh sống ở nước ngoài đã có khá nhiều người được chỉ tên tuổi, điểm mặt là các anh tài.

Có thể nói không sợ sai sót rằng, bất cứ trong lĩnh vực nào cũng có mặt người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài, cả ở những hoạt động chính trị là một môi trường chọn lựa gắt gao, cũng như trên các môi trường hoạt động về kinh tế, xã hội, khoa học và văn hóa nói chung đều đòi hỏi người có tài năng xuất sắc thì người Việt chúng ta đều tìm được, đạt được những chỗ đứng xứng đáng. Đôi khi có thể là chỗ đứng khá cao, rất cao trong xã hội Mỹ và phương Tây.

Về chủ đề tôi vẫn để tâm theo dõi này nhiều năm nay, trong hòm thư gần đây tôi nhận được từ bạn bè gửi cho bản danh sách đúng 8 con người danh giá như trên nói tới. Đặc biệt hơn nữa toàn bộ họ lại thuộc lứa tuổi trẻ mới lại càng đáng quý và trân trọng.

Chủ blog tôi xin trân trọng đưa lên đây để bạn bè và bà con cùng biết và chia sẻ một thông tin đáng vui mừng này.

Vệ Nhi

------



8 tài năng người Việt làm việc tại Google

Những bạn trẻ Việt thế hệ 8X, 9X đang ngày càng khẳng định chỗ đứng của bản thân trên trường quốc tế khi được “gã khổng lồ” công nghệ Google chào đón và công nhận.



Người đầu tiên phải kể đến “anh cả” Nguyễn Quang Dũng. Sau khi tốt nghiệp ĐH Georgia Insitute of Technology tại Mỹ, chàng trai được “ông lớn” Google nhận vào làm việc. Hiện tại, 8X là đồng sáng lập, giám đốc Minh Việt Hitech, tác giả của Garagames – một cổng chơi game online đang dần lớn mạnh.



Làm việc cho Google châu Á từ năm 2007 đến nay, Bạch Dương cũng là người Việt đầu tiên giữ chức vụ quản lý cho tập đoàn công nghệ Google. Anh hiện phụ trách một số dự án về điện thoại Android ở châu Á Thái Bình Dương.



Việt Anh là cháu trai của nữ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Khi mới 22 tuổi, anh đã trở thành kỹ sư phần mềm ở Tập đoàn lớn tại Thung lũng Silicon. Năm 2010, được cả Facebook, Microsoft nhận vào làm việc, nhưng Việt Anh lại quyết định chọn Google.



Năm 2000, Thành Nhân đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi Tin toàn quốc. Năm 2010, 8X đầu quân cho “gã khổng lồ” Google. Anh hiện thuộc nhóm AdWords, làm việc trực tiếp với các công ty trả tiền quảng cáo.


Lê Viết Quốc bắt đầu làm việc ở tập đoàn này từ năm 2012. Đây là đại diện đầu tiên của Việt Nam vào top 35 nhà sáng tạo trẻ (dưới 35 tuổi) có những đóng góp hữu ích cho cộng đồng thế giới do tạp chíTechnology Review bình chọn . Công nghệ “Deep learning” của anh được Google sử dụng trong việc tìm kiếm hình ảnh và nhận dạng giọng nói. Hiện anhcònđảm nhiệm vai trò giáo sưở ĐH Carnegie Mellon (Mỹ).



Năm 2012, Tuấn Hưng thực tập tại NASA và Google. Quyết định chọn Google, anh có cơ hội làm việc cùng nhiều kỹ sư để cải thiện cách thức các video trên YouTube đến gần hơn với người khiếm thính. “Mình muốn đi Mỹ học tập và trong vòng 10 năm sẽ trở về Việt Nam. Ra đi cũng là để trở về”, chàng trai chia sẻ.



8X từng làm stylist, nhiếp ảnh và thiết kế cho tạp chí Elle, giám đốc điều hành của Zalora, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử, truyền thông và tiêu dùng. Từ tháng 7/2015, Phương Anh chính thức chịu trách nhiệm giám sát và quản lý những hoạt động tiếp thị của Google trên tất cả sản phẩm cũng như chiến dịch thương hiệu.



9X giành cơ hội làm việc tại tập đoàn Google, với mức lương 6 số (USD)/năm. Trải qua 5 vòng phỏng vấn trực tiếp tại Australia, Hải Khánh đã ký bản hợp đồng để trở thành người của Google từ đầu năm 2017, làm việc ở xứ sở Kangaroo.

Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2016

Đằng sau phong trào tự ứng cử Quốc hội







Phần 1: Từ khủng bố tự phát đến tự ứng cử Quốc hội
Sau khi Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ vào 30 tháng 4 năm 1975, rất nhiều các tổ chức chính trị hải ngoại chạy sang California để bám vãy mẫu quốc Hoa Kỳ vẫn nuôi tham vọng quay về nước làm chính biến, xóa sổ chính quyền Đảng Cộng Sản đã thiết lập ở Việt Nam. Các tổ chức này tập hợp binh lính, thu gom vũ khí trái phép, chuyên nổ bom khủng bố hoặc ám sát các chính khách Việt Nam, gây thiệt hại không nhỏ về tính mạng và tài sản.

Năm 1995, Nguyễn Hữu Chánh tổ chức Chính phủ Việt Nam tự do, nhiều lần tổ chức đánh bom. Năm 1997, tổ chức này hoạt động mạnh ở biên giới Campuchia và Thái Lan, huấn luyện đội khủng bố để rải truyền đơn và tổ chức đánh bom ở các tỉnh thành lớn của miền Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Long Xuyên… Chỉ trong một thời gian ngắn, tổ chức này đã thực hiện nhiều phi vụ đánh bom ở các đại sứ quán Việt Nam lại Thái Lan, Campuchia, Philippines… Sau khi phát hiện kịp thời 37kg thuốc nổ đang được vận chuyển vào Việt Nam, âm mưu của Nguyễn Hữu Chánh đã bị lật tẩy và xét xử, đồng thời bị trục xuất khỏi Việt Nam, từ đó, tổ chức này cũng bị vô hiệu hóa.

Nguy hiểm hơn cả phải kể đến Việt Tân – một băng đảng chính trị đang chi phối rất nhiều các hoạt động lề trái hiện nay. Việt Tân có tiền thân là Mặt trận Quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam do Hoàng Cơ Minh thành lập và lãnh đạo. Tổ chức này tập hợp lại một số tướng lĩnh và viên chức Việt Nam Cộng hòa, hoạt động mạnh ở khu vực biên giới giáp ranh Lào và Thái Lan. Đến năm 1982, tổ chức này đổi tên thành Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, gọi tắt là Việt Tân. Trong hai năm 1986 và 1987, tổ chức này đã tổ chức hai lần Đông Tiến, dẫn quân kéo về Việt Nam để làm chính biến, nhưng đã bị chặn lại ở biên giới Việt Lào. Qua bộ phim “Khủng bố ở Little Saigon” do Chương trình truyền hình Mỹ Frontline thực hiện, ta còn được biết rằng Việt Tân đảm nhiệm cả vai trò Mafia bảo kê và kiểm soát đời sống của bà con hải ngoại xa xứ tại Hoa Kỳ, bất cứ ai không chịu sự bảo kê này đều sẽ bị ám sát một cách thảm thương.

Những mưu đồ quân sự khủng bố của Việt Tân thất bại, chúng bắt đầu tập trung mọi nguồn lực cho các hoạt động tuyên truyền như rải truyền đơn, thành lập các trang mạng nói xấu chính quyền Việt Nam với lời lẽ bôi nhọ, kích động bạo lực như SBTN, RFA Việt Ngữ, BBC Việt Ngữ, Dân Luận, Dân làm báo, Nhật ký yêu nước (cư dân mạng vẫn gọi là Nhật ký bán nước hay Nhật ký yêu nước Mỹ)…v…v…

Trong các cuộc biểu tình năm 2006, 2007, 2011, 2012 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Tân đóng vai trò người ngồi sau giật dây bằng truyền thông và tiền tài trợ. Lần này, để đánh bóng cho chiến lược chính biến của mình Việt Tân đã vẽ ra viễn cảnh của tự do lập hội nhóm và biểu tình ôn hòa, bắt chước quá trình chuyển đổi dân chủ ở Đông Âu và các nước Trung Đông. Trên thực tế, Việt Tân đã cướp công của rất nhiều hội nhóm tự phát do các trí thức cấp tiến như Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang A, Chu Hảo… lãnh đạo.

Phối hợp với Việt Tân, các tổ chức cực đoan trong nước như NoU (trước đây chịu sự chi phối của Quang A, nay đã bị Việt Tân hóa), Mạng lưới Bloggers 258, Phong trào Con đường Việt Nam, Hội Anh em dân chủ…v…v… đã tổ chức nhiều nhóm đào tạo đưa sang Philippines, Thái Lan và Myanmar để tập huấn tổ chức biểu tình đường phố giống Mùa xuân Ả Rập và Cách mạng Cam, núp dưới danh nghĩa một tổ chức phi chính phủ tên là VOICE do Trịnh Hội, Đoan Trang, Trịnh Hữu Long, Nguyễn Anh Tuấn… cầm đầu. Thế nhưng, sau một thời gian, các “anh hùng đường phố” do chúng dựng nên ngày càng bộc lộ là những kẻ đầu đường xó chợ, lưu manh, bạo lực… khiến cho phong trào biểu tình nhanh chóng tan rã.

Cùng lúc ấy, các trang truyền thông của Việt Tân liên tiếp kích động một số thành phần trí thức bất mãn trong nhóm trí thức 72 như Nguyễn Quang A, Nguyễn Xuân Diện, Tương Lai, Nguyễn Huệ Chi… lên tiếng phản đối tẩy chay các điều luật như 258, điều 4 Hiến pháp và hô hào tẩy chay bản Hiến pháp năm 2013, và mới đây là tẩy chay bầu cử Quốc hội.(Nếu các ông này tỉnh táo nhìn lại, sẽ thấy rằng các ông không tạo được thay đổi thực sự gì cho đất nước, mà mỗi hoạt động và phát ngôn của các ông đều khiến các trang lề trái do Việt Tân kiểm soát có nhiều người đọc hơn, Việt Tân phát triển độ ảnh hưởng rộng rãi hơn, xin được nhiều ngân sách từ Mỹ hơn). Sau một thời gian, những phong trào tẩy chay này không được sự hưởng ứng của đám đông, lại chứng kiến việc thành công của phong trào dân chủ Myanmar qua con đường ứng cử, một chiến lược mới đã được đề ra mà người đi đầu là tiến sĩ Nguyễn Quang A.




Phần 2: Phe chống cộng muốn gì ở phong trào tự ứng cử của giới trí thức, mà đại diện là ông Nguyễn Quang A?

Thứ nhất, là một lớp vỏ bọc hợp chính nghĩa, hợp pháp và an toàn để công khai hoạt động. Chính quyền ít nhiều phải hành xử theo luật, họ rất khó xử lý những người tuyên bố xoen xoét rằng mình chỉ là dân thường ủng hộ việc ứng cử Quốc hội của giới trí thức, dù thành thực mà nói, thì cả hai bên đều thừa biết rằng những “dân thường” này đang làm chính trị, sống bằng tiền của NED, căm thù chính quyền, không tin vào đường lối cải cách ôn hòa của cánh trí thức, và công khai ủng hộ mọi cuộc cách mạng đường phố rập khuôn đúng bài vở của CIA.

Thứ hai, là cơ hội vàng để “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Đừng lầm tưởng rằng mỗi lần đám chống cộng ùn ùn bu vào cánh trí thức để bắt tay, chụp ảnh, mời ăn uống, hoặc lên mạng cổ vũ phong trào tự ứng quốc hội một cách ồn ào như thể mình là đệ ruột hoặc đồng chí tốt của ông Quang A, mọi biểu hiện của họ đều xuất phát từ sự hâm mộ trí thức và mến chuộng tri thức. Nếu những người chống cộng không khinh thường tri thức, thứ từng là phong trào dân chủ đã không bị họ làm cho thoái hóa thành vô học, lưu manh và chợ búa như bây giờ. Và những người khinh thường tri thức chỉ có thể đon đả với trí thức vì một lý do: lợi dụng.

Thứ ba, là để có cơ hội lôi cuốn đám đông. Vì là lực lượng năng nổ tiếp xúc trực tiếp với công chúng hơn hẳn cánh Quang A, họ sẽ cướp được các làn sóng dư luận mà mấy ông trí thức khởi xướng. Có đám đông, họ sẽ tuyển lựa được các thành phần có văn hóa và động cơ phù hợp để huấn luyện, đồng thời xin được tiền tài trợ dự án, thứ mà “dân hoạt động” luôn giành giật với nhau. Nên nhớ rằng trong mùa hè 2011, giới trí thức và chính quyền châm ngòi cho các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đầu tiên chỉ để các tổ chức chống Cộng cướp diễn đàn, gặt hái nhân sự và vinh quang không lâu sau đó.

Bạn có tự hỏi, vì sao Đoan Trang không tự ra ứng cử, mà chọn làm cây bút ủng hộ theo sát Nguyễn Quang A?

Thứ nhất, nếu Đoan Trang tự ứng cử, cô ta chắc chắn thất bại thảm hại. Nhìn vào thất bại này, các nhà tài trợ, ô dù ngoại quốc và đám đông sẽ lập tức nhận ra rằng cô ả chỉ có hư danh, chứ không hề có trọng lượng chính trị thực tiễn. Xem thời gian gần đây thì biết, càng tỏ rõ mình với thiên hạ, cô càng chỉ lôi cuốn được những thành phần hoặc tiền trao cháo múc (Thảo Gạo là như vậy!), hoặc thuộc hạng tốt thí chính trị, và khiến những người khác dần dạt hết ra xa. Chẳng hạn, chính thái độ áp đặt của cô trong vụ Hiến chương 2015, rồi sự tráo trở trong vụ cây xanh đã làm cô gần như mất sạch những bạn bè, đồng minh cũ trong báo giới chính thống. Nếu Đoan Trang tự ứng cử, cô sẽ khiến các ủng hộ viên còn lại của mình biết rằng thực ra đa số các cử tri có thần kinh bình thường và chuẩn mực đạo đức tối thiểu trong xã hội rất khinh thường cô. Vậy chẳng khác gì tự sát chính trị.

Thứ hai, khi tham gia ứng cử, Đoan Trang chắc chắn có trách nhiệm trả lời chất vấn của cử tri một cách công khai. Kể cả khi người hỏi là công an hoặc dư luận viên, cô cũng không có quyền từ chối. Trong khi đó, hiển nhiên cô không muốn công khai nhiều thông tin quan trọng, như nguồn thu nhập của mình, quan hệ của cô với các nghị sĩ Mỹ, cách thức mà cô đã sử dụng để “cướp chính quyền” trong nhóm cây xanh Hà Nội, hoặc công việc của cô trong VOICE. Cũng có nhiều câu hỏi mà cô chẳng biết phải trả lời thế nào nếu được đưa ra, như việc cô nghĩ gì về kết cục bi đát của những cuộc cách mạng đường phố đang đồng loạt tàn cuộc trên toàn thế giới, và số phận của những nước nhược tiểu thiếu trí khôn, nhưng thừa nhiệt tình cách mạng bị nó cuốn vào. Đừng quên Đoan Trang là loại nhà báo chuyên khua môi múa mép về “sự thật” của xã hội và quốc gia, nhưng rất sợ sự thật về bản thân mình bị đưa lên báo.

Thứ ba, khi ứng cử, người ta cần những đồng minh tinh thần tuyệt đối trung thành và gắn bó với mình. Thứ này Đoan Trang không có. Nếu VOICE ngừng trả tiền, Đoan Trang và Trịnh Hội ắt hẳn tuyệt giao. Nếu Đoan Trang không thể mang dự án và tiền tài trợ vê cho nhóm cây xanh, “các bạn trẻ” ngộ nghĩnh mà cô đem khoe khắp nơi cũng bỏ cô mà về với đội khác. Tôi không thấy tội nghiệp Trang, tự cô đã chọn cho mình một kết cục như vậy. Ai từng lặn lội giang hồ cũng biết Đoan Trang nói xấu tất cả những người không về phe cô. Chỉ mấy hôm trước, trong một cuộc gặp, Đoan Trang còn gọi Quang A cùng bạn hữu là “mấy lão già toàn nói lý thuyết”, mù tịt chuyện đấu tranh thực tế chứ xa xôi gì. Quang A còn vậy, thì đừng nói đến Mẹ Nấm, Hoàng Vi, Bùi Hằng, No-U hay Kiểng.

(Không thấy Đoan Trang nói xấu Hoàng Dũng, hẳn giữa hai bạn đang khá thân thương)

Thế mới biết nếu ra tự ứng cử, Đoan Trang chỉ thắng được trong hai trường hợp: một là cô có nhiều tiền, hai là cô được cho rất nhiều tiền. Về điểm này thì ông Quang A, người vừa tự kiếm được nhiều tiền, vừa có sẵn những đồng minh chung thủy mà chẳng cần chi đến một xu, hẳn nhiên vượt hẳn Đoan Trang về tầm vóc.

Đã biết mình nhỏ bé thì đành làm con rận kí sinh trên mình Quang A vậy. Vừa được tiếng là hoạt động theo lối có học, vừa được miếng là đẻ dự án và giật đám đông.




Phần 3: Có thật đây là cơ hội để Thực tập dân chủ

Phong trào tự ứng cử quốc hội, mà người ta cho là do ông Nguyễn Quang A đứng đầu, đang chiếm lĩnh dư luận chính trị đối lập một cách khá bền vững. Chúng tôi xin phép không bàn thêm về những lí thuyết và khẩu hiệu mà các cây bút của mọi phe nhóm đã khai thác cạn kiệt suốt mấy tuần qua. Nay chỉ xin điểm qua vài điểm đáng lưu ý nhưng chưa được để ý.

Ngay từ đầu, phong trào này đã là một sự đáng tiếc.

Đáng tiếc chủ yếu nằm ở khía cạnh nhân sự. Mà trước hết là việc chọn gương mặt đại diện: tiến sĩ Nguyễn Quang A.

Phong trào tự ứng cử Quốc hội có phải do ông Quang A khởi xướng, lên kế hoạch và lãnh đạo không? Không, chắc chắn. Quang A chỉ là người được chọn làm gương mặt công khai của lực lượng trí thức khởi xướng phong trào. Điều này không khó nhận ra, nếu chúng ta nhìn vào sự ủng hộ tuyệt đối và tức khắc, về cả chữ kí lẫn dư luận, mà các ekip của Nguyên Ngọc, Chu Hảo và Hoàng Hưng dành cho Quang A ngay từ những ngày đầu tiên mà lời kêu gọi kí tên được ban bố. Nguyên Ngọc và Chu Hảo đều là những tay thận trọng và phải chịu trách nhiệm với nhiều nguồn lực dây dính, họ không bao giờ lập tức ủng hộ những chương trình chính trị, trừ phi ngay từ đầu họ vốn đã tham gia. Mặt khác, cần nhớ rằng từ trước tới giờ, Nguyễn Quang A vẫn chỉ là một tiếng nói chính trị đặc chất chuyên gia: tuy độc lập về tài chính, tri thức và sức nặng trên truyền thông, nhưng luôn lệ thuộc vào người khác về chiến lược, chiến thuật và nhân sự cấp dưới.

Khởi xướng phong trào tự ứng cử quốc hội Việt Nam, có thể nói rằng không phải riêng Nguyễn Quang A, mà là đông đảo giới có học.

Trên điểm này, và trên một thực tế rằng những người khởi xướng đã chọn cho phong trào một chiến lược trung thực, đàng hoàng, hợp pháp và phù hợp với khuynh hướng cải tổ đã có sẵn, ta phải thừa nhận rằng đây là một cơ hội dân chủ hóa trong hòa bình và trật tự rất hiếm có, cả dân chúng lẫn chính thể đều không nên bỏ qua.

Có điều hình như cơ hội sắp bị bỏ qua, vì việc chọn người trí thức ra công khai, làm gương mặt đại diện cho phong trào ngay từ đầu đã không ổn lắm.

Tôi không nói ông Nguyễn Quang A có khiếm khuyết về mặt đạo đức, nhân cách và kiến thức để ra ứng cử làm đại biểu quốc hội. Khiếm khuyết của ông nằm ở chỗ ông trọng mấy thứ đó quá, tới mức bước vào chính trường với cặp mắt ngây thơ. Thành ra ông bị lợi dụng suốt bởi đủ thứ phe phái bẩn thỉu, mà mỗi lần dây vào chúng, ông lại tự làm bẩn hình tượng của mình. Sau chặng đường hợp tác với những gương mặt lưu manh giả danh trí thức như Đoan Trang, rồi sau lần bị Việt Tân cài bẫy cho đứng chụp ảnh với cờ vàng, hình tượng Nguyễn Quang A đã kém hữu dụng hẳn so với trước. Giờ đây, đem nó làm miếng bánh để nhử bầy ruồi chống Cộng bu đến thì còn được, chứ dùng nó để thuyết phục đa số người dân và các nguồn lực chính thống thì chắc chắc không xong. Không chỉ về mặt cảm tình con người, mà còn về mặt nguyên tắc của thể chế. Cho nên chọn Nguyễn Quang A làm gương mặt đại diện cho một phong trào cần cả sự ủng hộ của chính thống lẫn cảm tình số đông, thì ngay từ đầu đã là tự sát.

Người ta cứ nói rằng những vị tự ứng cử sẽ không có cơ hội đắc cử, và phong trào này chỉ là một cuộc tập dượt dân chủ cho tương lai phía trước. Nhưng có thật là như vậy không? Không có cơ hội thật, hay đây chỉ là một lăng kính yếm thế mà những trí thức khởi xướng đã bị đám chống Cộng cực đoan áp lên mắt mình?

Tôi tin rằng nếu cánh trí thức chọn vài gương mặt đại biểu phù hợp hơn làm hình tượng, và kiên quyết không lệ thuộc vào dư luận và nhân sự của phe chống Cộng, vốn là lực lượng chính trị cực đoan và lưu manh  thì khả năng họ đưa được vài đại biểu vào Quốc hội trong kì bầu cử tới đây không phải là không có. Khi đó, họ tha hồ làm sôi động chính trường chính thống, tha hồ ảnh hưởng thiết thực đến chính sách và thổi sức sống cho sinh hoạt chính trị toàn quốc, mà không mảy may lệ thuộc vào tiếng chửi bậy của đám chống Cộng, nghị Mỹ thân Việt Tân hay những hội thảo sinh ra chỉ để bị phá của Đoan Trang. Khi đó, chính đám chống Cộng sẽ phải lệ thuộc vào nghị trình của trí thức, thay vì trí thức lệ thuộc vào dư luận chống Cộng như bây giờ.

Hơn nữa, “tập dượt” ở đây là tập dượt cho ai? Đừng tự lừa mình rằng ta đang tập dượt dân chủ cho dân chúng.

Thứ nhất, phải khẳng định rằng chỉ có trí thức mới bị ám ảnh về kiến thức và hiểu biết khi bàn chuyện chính trị. Dân chúng không muốn hiểu biết, họ chỉ tham gia phong trào chính trị vì hai thứ: nó đem lại lợi ích rõ ràng cho họ và nó chắc chắn thành công. Các thành phần cơ hội chính trị kiểu Đoan Trang, Nguyễn Văn Đài, Phạm Lê Vương Các… đôi lúc cũng để mắt đén kiến thức, nhưng đám này không lấy tri thức làm nền tảng của hoạt động, mà chỉ lấy vài mảnh kiến thức vụn vặt làm công cụ để tuyên truyền, đánh bóng hình ảnh và tự biện minh cho mục đích chính trị của bản thân mình. Trong lịch sử, mỗi lần cánh trí thức cố tạo ra một phong trào chính trị chẳng đạt được thứ gì khác ngoài “tập dượt dân chủ” cho dân, họ đều sẽ trở thành công cụ tuyên truyền mà đám cơ hội chính trị lợi dụng để lôi kéo quần chúng. Phải nhớ rằng chính trị vĩnh viễn là vấn đề phân chia quyền lực. Một khi anh nhập nhằng chính trị với giáo dục, nếu anh không nhận bọn bất lương làm đồ đệ thì cũng để đồ đệ mình trở thành con tốt trong tay bọn bất lương.

Thứ hai, “tập dượt” ở đây là tập dượt cho ai? Đám đông người dân không muốn “tập dượt”, và dạy những kẻ không muốn học là chuyện vô ích. Các trí thức thì hiển nhiên không cần tập dượt dân chủ. Bởi vậy, trong thực tế, đối tượng chính của màn “tập dượt dân chủ” sẽ là những kẻ trực tiếp làm dư luận, lôi kéo và tổ chức đám đông.

Trong những kẻ đó, giới trí thức nắm chắc được bao nhiêu người? Ngược lại, có bao nhiêu kẻ trong số này đang lệ thuộc về mặt tài chính, tổ chức, lí tưởng, khẩu hiệu và bài bản truyền thông vào Việt Tân và Mỹ?

Cái dự định “tập dượt dân chủ”, dù đầy thiện chí, rốt cuộc sẽ chỉ giúp các thành phần chuyên kích động quần chúng có thêm cơ hội để xây dựng tổ chức và lôi kéo đám đông. Và chớ quên rằng trong những lớp huấn luyện của Việt Tân hoặc Đoan Trang, người ta đang dạy cách tiến hành những cuộc lật đổ đường phố kiểu Ai Cập hoặc Ukraine, chứ không dạy cách thức vận hành của một đất nước.

Cuộc “tập dượt chính trị” này sẽ bị lợi dụng thế nào? Đâu là kịch bản lợi cả đôi đường mà các nhóm chống Cộng đang giăng ra, và ông Quang A đang sa bẫy? Đoan Trang sẽ phát ngôn thế nào khi tàn cuộc? Và vì sao Đoan Trang không tự ra ứng cử, mà chọn làm cây bút ủng hộ theo sát Nguyễn Quang A?

Nhà dân chủ