Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

Nói với thanh niên: Hòa bình không phải là thụ hưởng


Huỳnh Tấn Mẫm


Một khi đã đánh mất quá khứ thì phương hướng hình thành lý tưởng yêu nước tồn tại trong từng con người ở hiện tại và tương lai khó mà vươn lên đỉnh cao mới.

Thanh niên luôn là bộ mặt của một quốc gia, nó biểu hiện sức sống mãnh liệt của một dân tộc. Quan tâm và chăm sóc lực lượng ấy thật sự đầy đủ có thể làm được bất cứ việc gì dù to lớn đến mấy, xa xưa đã vậy, bây giờ cũng không thể khác hơn.

Nhân nào quả nấy

Trách nhiệm chung đối với thanh niên thuộc về toàn xã hội, trong đó trách nhiệm trực tiếp đối với thanh niên là gia đình, nhà trường và xã hội. Và trong trách nhiệm của xã hội có vai trò quản lý của Nhà nước. Chính sách đối với thanh niên của Nhà nước bao trùm trách nhiệm chung đối với thanh niên thể hiện qua các mối quan hệ gia đình, nhà trường và các đoàn thể, trong đó có các tổ chức thanh niên.

Pháp luật của Nhà nước càng cụ thể chi tiết hóa bao nhiêu trên những trách nhiệm được giao nói trên thì cơ sở giáo dục thanh niên mới được vững chắc hơn.

Rõ ràng là nguyên nhân nào sinh ra hậu quả nấy, con hư vì gia đình thiếu chăm sóc con cái, học trò hư vì thiếu quan tâm của thầy cô, thanh thiếu niên hư vì nhà nước và các tổ chức đoàn thể nhất là hội, đoàn thanh niên giáo dục kém.

Trước những hiện tượng xấu của một bộ phận thanh niên xảy ra hằng ngày, nhiều người hỏi tôi tại sao như vậy, anh từng làm công tác thanh niên trong quá khứ, anh có suy nghĩ gì?

Tôi rất đau lòng về câu hỏi đó. Các nhà lãnh đạo thanh niên không phải không biết nhưng phải làm gì đây, làm việc gì trước, việc gì sau, rõ ràng là họ có sự bối rối chưa tìm được giải pháp của một bài toán khó. Tôi lấy một thí dụ. Lực lượng thanh niên quá đông, dư thừa không có công ăn việc làm mà chúng ta chưa tạo điều kiện bồi dưỡng tay nghề cho họ. Việc liên kết giữa nhà trường và đơn vị tuyển dụng đào tạo nâng cao tay nghề cho thanh niên là những việc làm thiết thực. Việc mở rộng cửa cho các sinh viên vừa tốt nghiệp trung học thi vào các trường cao đẳng, các trường trung học chuyên nghiệp hơn là khuyến khích sinh viên thi vào các trường đại học với thời gian lâu hơn, tốn kém nhiều hơn so với học ở cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Có như thế chúng ta sẽ sớm giải quyết được tệ nạn thất nghiệp, nguyên nhân phát sinh các tệ nạn xã hội.





Mất quá khứ, con người sẽ mất phương hướng

Có phải thanh niên ngày nay chưa nhận thức được một lý tưởng sống đúng đắn như đàn anh đi trước? Nói về mặt tích cực, cái chung nhất thanh nhiên cũng yêu nước như ông cha ta những cái riêng của từng thời kỳ yêu nước cũng có khác nhau. Thanh niên thời trước gần nhất là thế hệ chúng tôi, vì yêu nước theo lời kêu gọi của Bác Hồ, dám xả thân hy sính dù bao nhiêu quyền lợi tiền tài danh vọng, nhà lầu xe hơi… trước mắt cám dỗ. Nhưng chúng tôi sẵn sàng chấp nhận cái chết để giành lại độc lập, thống nhất đất nước mà không ai đòi hỏi hay tranh giành chức quyền gì, và cũng không ân hận vì tuổi thanh xuân qua đi cùng năm tháng với chiến tranh ác liệt.

Giờ đây hòa bình đã đến, đã im tiếng súng, giờ là thời của xây dựng đất nước và rất đông bạn trẻ lúc này chưa biết những quá khứ hào hùng của dân tộc mình, trong đó đàn anh chị mình góp phần xứng đáng vào công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. hình như đối với họ, hòa bình là thiên định, là thụ hưởng mà không thấy là sự tiếp nối truyền thống từ hàng nghìn năm nay. Phải chăng là cách giáo dục truyền thống của chúng ta chưa đủ sức thâm nhập vào họ? Không phải chúng ta không có, mà đơn giản cách làm của chúng ta quá máy móc và nặng về hình thức. Khoa học ngày càng tân tiến, internet phát triển, các hình thức tiếp cận giá trị xã hội của thanh niên ngày càng tăng, chúng ta có đề ra được những cách đi sâu vào thanh niên một cách hòa hợp và tâm lý không? Trả lời câu hỏi đó không dễ nhưng chúng ta phải trả lời được và làm được.

Một khi đã đánh mất quá khứ thì phương hướng hình thành lý tưởng yêu nước tồn tại trong từng con người ở hiện tại và tương lai khó mà vươn lên đỉnh cao hơn.

Lý tưởng yêu nước thời chiến tranh là chiến đấu hy sinh chống xâm lăng vì rửa nhục cho đất nước, giành lấy độc lập tự do cho Tổ quốc nhưng lý tưởng yêu nước ngày nay và mai sau vẫn phải xem như là một cuộc chiến đấu mới lâu dài bền bỉ chống nghèo nàn lạc hậu vì một đất nước dân giàu nước mạnh.

Nhưng trên hết, bản lĩnh của thế hệ trẻ hôm nay, phải do chính họ có ý thức xây dựng và rèn luyện.

Hạt nguyên tử mới được phát hiện sau 50 năm tìm kiếm


Các nhà vật lý làm việc với Máy gia tốc hạt lớn nhất thế giới (LHC) vừa công bố việc phát hiện ra một loại hạt mới gọi là pentaquark sau 50 năm tìm kiếm. Bước đột phá này sẽ có tác động to lớn tới sự hiểu biết của con người về cấu trúc vật chất.





Mô hình cấu tạo của hạt pentaquark gồm 4 hạt quark và 1 phản hạt quark. Ảnh:CERN


Sự tồn tại của hạt pentaquark lần đầu được nêu ra trong những năm 1960. Tuy nhiên, cũng giống như hạt boson Higgs (Hạt của Chúa), các nhà khoa học không thể chứng minh sự tồn tại của hạt pentaquark trong nhiều thập kỷ, trước khi Máy gia tốc hạt lớn (LHC) khám phá ra nó trong thí nghiệm LHCb gần đây.

Năm 1964, hai nhà vật lý Murray Gell Mann và George Zweig độc lập đề xuất về sự tồn tại của hạt hạ nguyên tử quark . Họ đưa ra giả thuyết rằng, đặc tính quan trọng của các hạt nguyên tử baryons và mesons được lý giải tốt nhất nếu bản thân chúng cũng có cấu tạo từ những hạt thành phần khác. Zweig sử dụng thuật ngữ "aces" để gọi tên chúng trong giả thuyết, trong khi đó Gell Mann gọi là hạt "quark". Baryons là sự kết hợp của 3 hạt quark, còn meson là 2 hạt quark.

Mô hình của Zweig và Gell Mann cũng gợi mở sự tồn tại các trạng thái khác của quark, chẳng hạn như pentaquark. Loại hạt giả thuyết này có cấu tạo gồm 4 hạt quark và 1 phản hạt quark.

Vào giữa những năm 2000, một số nhóm nghiên cứu tuyên bố phát hiện ra hạt pentaquark, nhưng khám phá của họ sau đó bị bác bỏ bởi nhiều thí nghiệm khác.

"Đây là lí do khiến chúng tôi rất thận trọng khi đệ trình báo cáo nghiên cứu mới của mình," BBC hôm 14/7 dẫn lời Patrick Koppenburg, điều phối viên vật lý cho thí nghiệm LHCb tại Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân Châu Âu (CERN).

Trong nghiên cứu mới, các nhà vật lý tìm hiểu cách thức để một hạt hạ nguyên tử có tên Lambda b phân rã hoặc biến đổi thành 3 hạt khác bên trong Máy gia tốc hạt lớn (LHC). Kết quả cho thấy, trạng thái trung gian đôi khi có liên quan đến sự sản sinh 3 hạt này. Các trạng thái trung gian đó được đặt tên là Pc(4450)+ và Pc(4380)+.

"Chúng tôi đã xem xét tất cả khả năng cho những dấu hiệu trên và đi tới kết luận rằng, chúng chỉ có thể được giải thích bởi sự tồn tại của trạng thái pentaquark," Tomasz Skwarnicki, nhà vật lý tham gia thí nghiệm LHCb thuộc Đại học Syracuse, Mỹ, nói.

Guy Wilkinson, phát ngôn viên của LHCb bình luận: "Pentaquark không chỉ là loại hạt mới. Nó đại diện cho một cách để các hạt quark kết hợp lại với nhau, tạo thành những thành phần cơ bản của proton và neutron trong hạt nhân nguyên tử. Đây cũng là loại hạt chưa từng được quan sát trước đây, trong hơn 50 năm tìm kiếm, thử nghiệm."

Lê Hùng

Nhật Ký Biển Đông: Bang Giao Vì Lợi Ích Quốc Gia, Không Vì Thương-Ghét



Đào Văn Bình


... Các nhà lãnh đạo Việt Nam nhìn thấy viễn tượng đó cho nên họ gọi giai đoạn có tinh lịch sử quyết định này là “cơ hội và thách thức”: Đây là cơ hội cho Việt Nam phát triển và vươn lên về mọi mặt, nhưng cũng là thách thức về khả năng lãnh đạo của Đảng CSVN, và khả năng “đu dây” như thế nào để giữ yên đất nước, ... (ĐVB)

A. Những chuyển biến quan trọng:


Nhật Ký Biển Đông hai tuần đầu Tháng Bảy ghi nhận những chuyển biến quan trọng như sau:


- AFP ngày 1/7/2015: “Chiến lược quân sự mới của Hoa Kỳ nêu rõ các nước như Trung Quốc và Nga là hung hăng và đe dọa an ninh lợi ích của Hoa Kỳ, trong khi cảnh báo về sự thách thức ngày càng gia tăng về kỹ thuật và sự ổn định toàn cầu ngày càng tệ hại. Bản phúc trình u ám của Tướng Martin Dempsey- Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ đưa ra ngày Thứ Tư cảnh cáo là tuy còn thấp nhưng mỗi lúc mỗi gia tăng về khả năng một cuộc chiến giữa Hoa Kỳ với một cường quốc lớn mà hậu quả không sao lường hết được.” Bản báo cáo nói thêm, “Khi ứng dụng vào hệ thống quân sự, sự lan tràn của kỹ thuật đang thách thức lợi thế/thế thượng phong mà Hoa Kỳ nắm giữ từ lâu chẳng hạn như hệ thống cảnh báo sớm và tấn công chính xác.”(America's new military strategy singles out states like China and Russia as aggressive and threatening to US security interests, while warning of growing technological challenges and worsening global stability. A somber report released Wednesday by General Martin Dempsey, the chairman of the Joint Chiefs of Staff, warns of a "low but growing" probability of the United States fighting a war with a major power, with "immense" consequences…When applied to military systems, this diffusion of technology is challenging competitive advantages long held by the United States such as early warning and precision strike," the paper says.” Thế nhưng theo GS. Michael Klare thuộc Đại Học Tổng Hợp New Hampshire thì, “Hoa Kỳ không xác định được ai là kẻ thù chính, Nga hay Trung Quốc?”.

- Finance.yahoo.com ngày 1/7/2015: Với tiêu đề, “Liệu Saudi Arabia Đang Bỏ Rơi Mỹ vì Nga?” (Is Saudi Arabia Leaving The U.S. Behind For Russia?) Robert Berke viết, “Những tin tức từ Diễn Đàn Kinh Tế St. Petersburg mới đây kéo dài từ 18-20 Tháng Sáu đã gây ra hàng loạt những lời phỏng đoán về hướng mới của giá năng lượng/dầu. Nhưng những lời xầm xì thực sự tại diễn đàn này là điều bất ngờ về chuyến viếng thăm công khai của Phó Thái Tử của Saudi vốn là sứ giả của nhà vua.



Mohammad bin Salman al Saud Ảnh atimes.com

Vị hoàng tử này, cũng là Bộ Trưởng Quốc Phòng của đất nước, đã mang một thông điệp của hoàng gia trực tiếp mời Tổng Thống Putin viếng thăm nhà vua và đã được đáp ứng ngay và đáp lại vị hoàng tử cũng nhân danh nhà vua nhận lời thăm viếng Nga… Có thể tin tức đã đầy đủ về chuyến viếng thăm bất thường của một phái đoàn cao cấp của một nước vốn là đồng minh lâu đời và được Mỹ bảo hộ như Saudi Arabia, lại tham dự một hội nghị kinh tế do Nga bảo trợ, một quốc gia đang bị Mỹ cấm vận.”

Nhận định về chuyển động ngoại giao này, trên tờ Christian Science Monitor, Fred Weir viết, ”Một số chuyên gia coi dấu hiệu của việc xuất hiện mối hợp tác được thúc đẩy bởi sự chuyển dịch của ngọn gió toàn cầu, trong đó tiền mặt của Saudi Arabia giúp Moscow né tránh được cấm vận của Phương Tây trong khi đó vũ khí, kỹ năng cơ khí và trợ giúp ngoại giao đã giúp cho vị vua mới, năng động làm cho đất nước của mình không còn lệ thuộc vào Hoa Kỳ bằng cách gia tăng bất hợp tác.”

Vị vua trẻ Salman nối ngôi cha ngày 23/1/2015 đã ngả dần về Nga thay vì hoàn toàn dựa vào sự đỡ đầu của Mỹ trong nhiều thập niên bởi rất nhiều lý do. Nguyên do trước mắt là Saudi Arabia đang lún sâu vào cuộc khủng hoàng Yemen mà Nga là người có thể giúp tiến tới một giải pháp chính trị để tạo ổn định cho Vùng Vịnh mà nếu kéo dài sẽ nguy hiểm cho Saudi Arabia vì Yemen và Saudi Arabia có chung biên giới, trong khi Hoa Kỳ đã phải rút tòa đại sứ và quân đội ra khỏi Yemen vì thất bại trong việc hỗ trợ cho chính quyền của tổng thống lưu vong Hadi.

Nếu mất đồng minh Saudi Arabia, Hoa Kỳ sẽ không còn khả năng khống chế giếng dầu của thế giới và hải lộ chiến lược từ Ấn Độ Dương tiến vào Địa Trung Hải. Rõ ràng khó khăn mỗi lúc mỗi gia tăng trên toàn cầu, thách thức ngôi vị bá chủ của Hoa Kỳ. Và theo một số nhà nghiên cứu chiến lược, rồi đây nước Mỹ và vị thế của Hoa Kỹ sẽ không còn như xưa nữa. Thế giới ngày hôm nay không còn “xung đột chủ nghĩa hay ý thức hệ” mà vì lẽ sống của từng dân tộc. Quà thật, không có quốc gia nào lệ thuộc vào sự đỡ đầu của Hoa Kỳ như Saudi Arabia. Mối liên minh quân sự, tài chính thân thiết tới nỗi Ô. Obama đã cúi rạp mình trước Vua Abdulla khi ông tới thăm vương quốc này - mà nay cũng phải thay đổi chiến lược ngoại giao. Thế mới hay, “Thịnh suy như lộ thảo đầu phô” (1). Mọi liên minh dù đẹp đẽ như thế nào đi nữa thì cũng có ngày tàn lụi.

- AFP ngày 2/7/2015: “Phát ngôn viên quân sự Phi Luật Tân cho bết nước này đã nhận được hai trực thăng mới của do Gia Nã Đại chế tạo và một tàu vận tải dư thừa của Nam Hàn trong khi đất nước này đẩy mạnh tiến chương trình hiện đại hóa quân đội.”

Sự kiện cho thấy được Mỹ “bật đèn xanh”, hai đàn em thân tín của Mỹ là Nam Hàn và Gia Nã Đại đã trực tiếp tham gia vào cuộc khủng hoảng ở Biển Đông. Chưa biết phản ứng của Hoa Lục như thế nào.

- Fox News ngày 2/7/2015: “Cựu TT. Jimmy Cater nói rằng TT. Obama chỉ đạt thành quả nhỏ xíu trên chính trường thế giới.” (President Obama has minimal accomplisments on world stage.”

- Tin Tổng Hợp ngày 2/7/2015: Nhân dịp tham dự Lễ Độc Lập Hoa Kỳ và Kỷ Niệm 20 Năm tái lập bang giao Việt-Mỹ tổ chức tại Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ tại TP. HCM, cựu TT.Bill Clinton đã có các cuộc tiếp xúc với Ô. Nguyễn Phú Trọng- Tổng Bí Thư, Ô. Trương Tấn Sang- Chủ Tịch Nước cùng một số các nhà hoạt động dân sự. Tham dự lễ kỷ niệm còn có Ô. Phạm Bình Minh- Phó Thủ Tướng kiêm Ngoại Trưởng Việt Nam. Về vấn để Biển Đông, theo TTX/VN, Ô. Bill Clinton đã phát biểu nhẹ nhàng theo kiểu “huề vốn”, “Các nước liên quan đều phải tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ trách nhiệm, giải quyết thông qua đối thoại và có sự tham gia của tất cả các bên, không nên có những hành động đơn phương.“ bởi chính ông đã tạo mối liên hệ chiến lược, thân thiết nhất với Hoa Lục.

Trong bối cảnh dồn dập của ngoại giao đó, chiếc tầu ngầm Kilo Hố Đen thứ tư mang tên Khánh Hòa đã về Quân Cảng Cam Ranh mà các chuyên gia quân sự Nga tiết lộ trên Sputnik News, “Tàu còn được trang bị nhiều hệ thống tên lửa Club (Klub) hiện đại nhất. Đó là loại tên lửa với tầm bắn lên tới 300 km, ngay từ đầu bay với tốc độ cận âm. Đến khi tiếp cận mục tiêu, đầu đạn chứa 400 kg thuốc nổ sẽ tách ra từ động cơ chính và tăng tốc đến ba lần tốc độ của âm thanh, tức lớn hơn 1km/s. Đến gần mục tiêu, tên lửa này bay ở độ cao chỉ 5-10 mét, khiến cho radar và hầu như các hệ thống chống tên lửa của đối phương không thể phát hiện và có thể làm lệch cán cân quân sự thế giới.”

- Bloomberg News ngày 2/7/2015: “Airbus Group SE đang xem xét việc chế tạo phụ tùng cho máy bay tại Việt Nam sau khi Công Ty Hàng Không VietJet đặt hàng 9.8 tỉ đô-la trong vòng chưa đầy hai năm.”

- VOA tiếng Việt ngày 4/7/2015: “Trong tuần vừa qua, thảm đỏ đã được trải ra khắp các thành phố Âu châu để tiếp đón Thủ tướng Lý Khắc Cường của Trung Quốc. Biến đổi khí hậu là đề tài được đặt cao trong nghị trình, nhưng kinh tế và thương mại là đề tài bao trùm.” Nhận định về Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tâng Cơ Sở Á Châu (AIIB), Bà Olivia Gippner của trường Kinh tế London, trong cuộc phỏng vấn qua Skype đã nói, “Trung Quốc coi AIIB là một cách để chống lại điều mà Bắc Kinh nhận thấy là một thế giới đơn cực nằm dưới sự thống trị của Hoa Kỳ.”

- VOA ngày 5/7/2015: Gần như chép lại bản tin của VnPlus, VOA cho biết, “Chính quyền Nga đã giúp hiện đại hóa và mở rộng quân cảng Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam, tin từ Moscow cho hay. Theo phó tổng giám đốc của một tập đoàn xuất khẩu vũ khí lớn của Nga, hoạt động này nằm trong thỏa thuận mua bán 6 tàu ngầm giữa hai nước. Tin cho hay, ngoài hợp đồng trị giá 2 tỷ USD mua 6 tàu ngầm Kilo từ Nga, Việt Nam còn ký kết một hợp đồng phụ trong đó có việc xây dựng cơ sở hạ tầng có trị giá gấp đôi, tới 4 tỷ USD ở Cam Ranh. Theo đó, Nga sẽ huấn luyện thủy thủ tàu ngầm, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp các thiết bị cần thiết cho Việt Nam. Moscow dự kiến sẽ chuyển giao tất cả 6 tàu cho Việt Nam trước năm 2016.”

- Sputinik News ngày 5/7/2015: “Sau khi tập trận chung với Phi Luật Tân tại Biển Đông, Nhật Bản lại tiến hành cuộc tập trận chung quy mô với Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan tại vùng biển thuộc Úc Châu có tên Talisman Saber.” Đây là dấu hiệu cho thấy Nhật Bản chuẩn bị tham gia quân sự vào cuộc khủng hoảng ở Biển Đông.

- BBC tiếng Việt ngày 6/7/2015: “Ông Thủ Tướng muốn mượn lại bản đồ gốc, còn gọi là bản đồ Bonne, tỷ lệ 1/100.000, mà chính quyền thực dân Pháp vẽ ra trong những năm 1933 và 1955, sau đó được cố Quốc Vương Norodom Sihanouk gửi lưu chiếu tại LHQ năm 1964. Công văn của Thủ tướng Hun Sen nói chính phủ Campuchia nay cần bản đồ này để kiểm tra lại quá trình cắm mốc hiện nay và chấm dứt sự kích động dân tộc cực đoan của một số bên ở Campuchia, mà có thể dẫn tới thảm họa cho Campuchia. Đảng đối lập Cứu quốc ở Campuchia lâu nay chỉ trích chính quyền sử dụng bản đồ mà Việt Nam dựng ra hồi thập niên 1980 thay vì bản đồ của người Pháp để phân giới cắm mốc giữa hai bên, tố cáo chính quyền đã nhượng đất cho Việt Nam. Về phần mình, chính phủ biện hộ rằng bản đồ mà họ và Việt Nam sử dụng trong Hiệp định Biên giới 2005 là phù hợp với Hiến pháp.”



Bản đồ Cambodge trích từ Viện Địa lý Quốc gia ở Paris. cambodiadaily.com

Thế mới hay kích động tự ái dân tộc, vu cáo cho đối thủ “nhượng đất, bán đất” là thủ đoạn hiểm độc để tranh đoạt quyền lãnh đạo chính trị của các chính trị gia hoạt đầu như Sam Rainsy.

- Reuters ngày 6/7/2015: “Vào ngày Thứ Hai 6/7/2015, Công Ty Boeing và Vietnam Airlines JSC IPO-VAHM) đã đồng ý thương lượng bán thêm 8 máy bay Dreamlines 787-10 và 8 máy bay 777-8x, một cử chỉ được các giới chức Hoa Kỳ và Việt Nam hoan nghênh như một dấu hiệu tăng cường thêm mối liên hệ thương mại giữa hai cựu thù. Phụ Tá Bộ Trưởng Thương Mại Bruce Andrews nói với Reuters rằng việc bán máy bay Boeing phản ảnh chiều kich lớn lao của mối liên hệ ngày càng gia tăng.”



Máy bay Dreamlines 787-10. Ảnh ausbt.com.au

- AP (Vienna) ngày 14/7/2015: “Sau nhiều cuộc thương thảo đầy va chạm, các cường quốc và Ba Tư đã đã đạt được thỏa hiệp lịch sử để kiềm chế chương trình hạt nhân của Ba Tư hầu đổi lấy việc tháo bỏ cấm vận nhiều tỉ đô-la - tránh được mối dọa chế tạo vũ khí nguyên tử của Ba Tư và một cuộc can thiệp quân sự nữa của Hoa Kỳ vào Vùng Trung Đông.”

- International Business Times ngày 14/7/2015: “Vào ngày Thứ Hai 13/7/2015 Google loan báo cập nhật hóa bản đồ bằng cách gỡ bỏ danh hiệu Trung Quốc cho những bãi cạn đang tranh chấp sau khi có sự phản đối của các nhà hoạt động Phi Luật Tân - trước đây được ghi chú như là một phần của Quần Đảo Trường Sa thuộc Trung Quốc nay thay vào đó bằng cái tên quốc tế Scarboroug Shoal.”



B. Nhận Định:


Trong tháng qua, trước, sau và trong chuyến công du Hoa Kỳ của Ô. Nguyễn Phú Trọng mà Ô. Trọng gọi là “chuyến viếng thăm lịch sử” đã có rất nhiều bình luận của các nhà quan sát, nghiên cứu, giới chức Hoa Kỳ, Úc Châu, Tân Gia Ba, Hongkong kể cả các nhà hoạt động chính trị và học giả Việt Nam trong và ngoài nước. Tất cả nhận định, phê bình đều xoay quanh mấy chủ đề:

- Cuộc viếng thăm Hoa Kỳ của Ô. Nguyễn Phú Trọng và gặp gỡ Ô. Obama ở Tòa Bạch Ốc có ý nghĩa gì?

- Bang giao Việt-Mỹ đi về đâu? Triển vọng của nó như thế nào?

- Ai cần ai hơn? Mỹ cần Việt Nam hơn hay Việt Nam cần Mỹ hơn?

Trong quá nhiều bình luận đó, tôi đặc biệt chú ý tới cuộc phỏng vấn của phóng viên BBC với Ô. Fred Brown (2) ngày 5/7/2015 nhân kỷ niệm 40 Năm Bang Giao Việt-Mỹ phổ biến trên BBC tiếng Việt. Bài phỏng vấn có đoạn như sau;



BBC: Ông có nghĩ rằng Việt Nam đã học được cách là bạn tốt hay có quan hệ tốt với Hoa Kỳ?

Fred Brown: Vâng tôi nghĩ rằng Việt Nam đã cải thiện nhiều, Bắc Việt Nam, Cộng sản Việt Nam đã tiến một bước dài trong chuyện hiểu được Hoa Kỳ, hiểu những gì Hoa Kỳ có thể làm và có thể không làm. Đây là điểm tích cực. Về phía Mỹ cũng thế. Chúng tôi không có mong đợi quá mức trong quan hệ với Việt Nam. Anh nói rằng đó là nước nhỏ nhưng họ cũng là nước thứ 11 hay 12 về dân số và tôi nghĩ nếu Việt Nam có những chính sách sáng suốt về kinh tế và chính trị trong một thế hệ tới thì Việt Nam có cơ hội trở thành nước lãnh đạo quan trọng ở Đông Nam Á. Tôi nghĩ đây là điều tốt và hợp lý. Nhưng nó cũng đòi hỏi sự hợp tác ở mức cao không chỉ với ASEAN, Hiệp hội các nước Đông Nam Á mà còn với Hàn Quốc, Nhật Bản và hiển nhiên là Trung Quốc, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. Tôi nghĩ chính sách đa phương của chính phủ Việt Nam hiện nay là sáng suốt thể hiện sự hiểu biết và cần phải tiếp tục.”

Nhận định của Ô. Brown , dù chỉ là phỏng đoán, nhưng là sự phỏng đoán của một nhà nghiên cứu có trình độ, kinh nghiệm và chắc chắn có quan hệ rộng rãi với các giới chức quyết định về chính sách ngoại giao Hoa Kỳ khiến chúng ta có thể tin cậy được. Nhưng những điều này không phải do Ô. Brown nói ra chúng ta mới biết. Căn cứ vào những dữ kiện thực tế của lịch sử, địa lý chính trị cũng như những gì đang diễn ra ở Biển Đông, Đông Nam Á và Á Châu chúng ta thấy:

1) Hoa Kỳ chỉ bang giao tức thân thiết với Việt Nam ở mức độ không chọc giận Hoa Lục, tức không có liên minh quân sự cũng nhưkhông bán vũ khí sát thương cho Việt Nam như khu trục hạm, máy bay chiến đấu, hỏa tiễn - ngoại trừ tàu tuần duyên, thiết bị tuần thám v.v.. Xin nhớ, cho tới thời điểm này Hoa Kỳ chưa có ý định khiêu khích, dồn ép hoặc gây chiến với Trung Quốc mặc dù đã thấy rõ Trung Quốc là kẻ thù tiềm tàng của Hoa Kỳ. Các nhà chiến lược Hoa Kỳ tin tưởng rằng, liên kết nhiều đồng minh, ưu thắng về vũ khí là cách “răn đe hữu hiệu nhất” để không cho Trung Quốc “làm ẩu” chứ không tiến hành chiến tranh tổng lực để tiêu diệt Hoa Lục.

2) Các nhà chiến lược Hoa Kỳ hy vọng Việt Nam sẽ là “điểm tựa” hoặc “cơ sở tiếp vận” hoặc “tiền đồn” cho Hoa Kỳ khi nổ ra chiến tranh với Hoa Lục hoặc ít ra Việt Nam không cản trở kế hoạch “Tái Cân Bằng Lực Lượng” của Hoa Kỳ.

3) Một Việt Nam mạnh lên về hải quân sẽ phần nào giúp cả thế giới chứ không riêng gì Mỹ để bảo vệ tuyến hàng hải quốc tế thông quá Biển Đông cho nên việc Việt Nam mua vũ khí tối tân của Nga như máy bay, khu trục hạm, tàu ngầm, hệ thống hỏa tiễn tối tân phòng thủ bờ biến của Nga không cản trở kế hoạch “Xoay Trục” của Mỹ mà còn giúp cho kế hoạch “Tái Cân Bằng Lực Lượng” của Hoa Kỳ. Một sự ổn định về chính trị lẫn phát triển kinh tế của Việt Nam với sự hiện diện của Mỹ khiến tạo ổn định cho cả vùng Đông Nam Á chứ không riêng gì Đông Dương Việt-Mên-Lào. Một sự hợp tác chiến lược hoặc toàn diện hoặc sâu rộng với Nhật Bản, Nam Hàn, Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai và cả Liên Hiệp Âu Châu cũng là một sự hỗ trợ cho Việt Nam đối đầu với Trung Quốc tại Biển Đông. Những sự hợp tác này đều có lợi cho Hoa Kỳ và không ngăn cản chiến lược của Hoa Kỳ đối phó với Trung Quốc - trước mắt cũng như về lâu về dài.

4) Sự liên kết của Việt Nam và Phi Luật Tân với Hoa Kỳ khiến sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Biển Đông trở nên có chính nghĩa mà không giá nào mua được. Giả sử, Hoa Kỳ xung đột với Việt Nam thì việc Hoa Kỳ trở lại Biển Đông - nơi Hoa Kỳ đã bỏ đi năm 1974 mặc cho Trung Quốc tung hoành - sẽ vô cùng gian nan. Trong bài viết nhan đề “Hoa Kỳ ve vãn Việt Nam, chuẩn bị trải thảm đỏ đón tiếp lãnh tụ đảng cộng sản” (US, wooing Vietnam, readies red carpet for communist chief) do AP phổ biến ngày 5/7/2015, Grant Peck viết, “Việt Nam có thể là mấu chốt trong chiến lược xoay trục về Châu Á của Obama, đang đóng một vai trò quan trọng về địa lý chính trị và kinh tế.” (Vietnam could be a linchpin in Obama's "pivot" toward Asia, playing a strong geopolitical and economic role.)

5) Qua lịch sử 4000 năm, dân tộc Đại Việt đã từng đánh bại mọi cuộc xâm lăng từ phương Bắc mà không cần nhờ cậy vào ngoại bang. Không có Hoa Kỳ, Việt Nam vẫn có thể tự bảo vệ đất nước mình, bằng cớ là cuộc chiến 1979 Việt Nam hoàn toàn tự lực cánh sinh, đâu có nhờ vả vào Hoa Kỳ hay Nga. Nay cuộc khủng hoảng Biển Đông, nếu có sự can dự của Hoa Kỳ thì Việt Nam sẽ tự tin và nhẹ gánh hơn. Nhưng yếu tố quyết định vẫn là sức mạnh riêng của Việt Nam. Nếu Việt Nam xụp đổ thì lập tức Hoa Kỳ phải rút bỏ Phi Luật Tân và quay về cố thủ ở Guam. Có lẽ Mỹ và cả thế giới đều thấy điều này. Khi liên kết với Hoa Kỳ, có thể Việt Nam nhằm tranh thủ thế chính trị, kiếm chế bớt sự hung hăng của Hoa Lục tại Biển Đông, phát triển kinh tế hơn là nhờ vào Hoa Kỳ để xây dựng sức mạnh quân sự. Khác hẳn với Phi Luật Tân nương tựa vào sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ nhưng lại không nhằm phát triển kinh tế hoặc do không phải là trọng tâm hay ưu tiên để Hoa Kỳ và quốc tế đầu tư vào đó.

Do đó trong cuộc mặc cả (deal) này Mỹ có lợi - trước mắt cũng như lâu dài cho nên đó là lý do tại sao Mỹ trải thảm đỏ mời Ô. Nguyễn Phú Trọng tới Tòa Bạch Ốc. Tuy nhiên phía Việt Nam cũng có lợi nhưng sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Làm thế nào để “đi với Mỹ” mà không tạo mối lo ngại về an ninh cho Trung Quốc và làm tổn thương tới mối liên hệ truyền thống với Nga- một quốc gia cung cấp đầy đủ vũ khí tối tân cho Việt Nam để tự vệ và cũng là chỗ dựa vững chắc về chinh trị cho Việt Nam- là chuyện vô cùng nhức đầu. Hiện nay đã có những bài viết từ hai phía Nga và Trung Quốc cảnh báo Việt Nam về mối liên hệ gần gũi với Mỹ.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam nhìn thấy viễn tượng đó cho nên họ gọi giai đoạn có tinh lịch sử quyết định này là “cơ hội và thách thức”: Đây là cơ hội cho Việt Nam phát triển và vươn lên về mọi mặt, nhưng cũng là thách thức về khả năng lãnh đạo của Đảng CSVN, và khả năng “đu dây” như thế nào để giữ yên đất nước, đi với Mỹ mà không bị lôi kéo vào cuộc xung đột về quyền lợi sinh tử hay lợi ích cốt lõi của các đại cường. Chúng ta hãy xem Tướng Nguyễn Chí Vịnh- người chịu trách nhiệm về sách lược quốc phòng của Việt Nam trả lời cuộc phỏng vấn của VnExpress:

Phóng viên VnExpress: “ Nếu nói một cách cô đọng nhất về nguyên tắc trong quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ, ông sẽ nói gì?

Tướng Nguyễn Chí Vịnh: “Nguyên tắc trong quan hệ Việt-Mỹ (cũng như đối với tất cả các nước khác) là tôn trọng độc lập, tự chủ, chủ quyền lãnh thổ, tôn trọng chế độ chính trị, lợi ích của nhau, bình đẳng cùng có lợi, và mối quan hệ ấy không gây phương hại, không gây quan ngại cho bất kỳ một quốc gia nào. Hơn thế mối quan hệ đó sẽ đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nguyên tắc này đã được nhấn mạnh trong bản ghi nhớ 2011. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh và người đồng cấp Mỹ Ashton Carter cũng đã mạnh mẽ khẳng định lại nguyên tắc này khi ký tuyên bố về tầm nhìn quốc phòng Việt - Mỹ vừa qua.”

Phân tích lời tuyên bố của Tướng Nguyễn Chí Vịnh chúng ta thấy có hai vế:

Vế thứ nhất: “Nguyên tắc trong quan hệ Việt-Mỹ (cũng như đối với tất cả các nước khác) là tôn trọng độc lập, tự chủ, chủ quyền lãnh thổ, tôn trọng chế độ chính trị, lợi ích của nhau, bình đẳng cùng có lợi, và mối quan hệ ấy không gây phương hại, không gây quan ngại cho bất kỳ một quốc gia nào.” Theo vế này, mối quan hệ Việt-Mỹ chỉ có lợi cho Việt Nam, không có lợi cho Hoa Kỳ.

Vế thứ hai: “Hơn thế mối quan hệ đó sẽ đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.” Theo vế này thì vai trò của Hoa Kỳ rất quan trọng và được Việt Nam trân trọng, vun đắp trong việc Hoa Kỳ bảo vệ hòa bình và ổn định của khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Như thế quan hệ Việt-Mỹ có lợi cho Hoa Kỳ.

Tại sao trong mối bang giao vừa có lợi, lại vừa không có lợi? Bộ các nhà chiến lược Hoa Kỳ điên khùng hết rồi sao? Xin thưa, mối liên hệ vô cùng phức tạp giữa Mỹ và Việt Nam sự thực nó là như vậy. Vào thời điểm này thì nó là như vậy như Ô. Fred Brown nói, “Chúng tôi không có mong đợi quá mức trong quan hệ với Việt Nam.” Còn dăm ba năm nữa nó tiến triển ra sao: Mỹ lợi 70%, Việt Nam lợi 30% hoặc Mỹ lợi 30% Việt Nam lợi 70% hoặc Mỹ ăn hết, Việt trắng tay hoặc Mỹ trắng tay, Việt ăn hết, hoặc mối liên hệ nhạt dần rồi chấm dứt khi Trung Quốc hòa dịu với Việt Nam…thì chỉ có Trời mới biết được. Sách lược đối ngoại phải căn cứ vào thực trạng, tức là điều kiện của cả hai bên, ngay bây giờ và nơi đây (here now) rồi tùy theo tình hình mà ứng phó. Xin nhớ cho Mỹ là một siêu cường, ngoại trừ thời kỳ nô lệ Thực Dân Anh, chưa bao giờ thấy Mỹ phải thương thảo trên thế lép và bất lợi cả. Mỹ chỉ “ăn” người ta chứ đừng hòng ai “ăn” được Mỹ, ngoại trừ Mỹ cố tình nhượng bộ cho lợi ích lâu dài. Mà lợi ích lâu dài ở đây theo Ô. Fred Brown, “Trung Quốc luôn là yếu tố quan trọng trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ và Việt Nam hiểu điều đó.”

Nhìn vào bối cảnh chính trị thế giới ngày hôm nay, Việt lẫn Mỹ đều muốn để lại sau lưng quá khứ và nhìn về tương lai. Nếu Mỹ cứ sống mãi với quá khứ, thương-ghét hoặc lý tưởng thì không thể có liên minh Mỹ-Nhật và Mỹ- Đức hoặc Mỹ-Anh. Ở bất cứ nơi đâu, dù cá nhân hay quốc gia, nếu có lợi cho cả hai bên hoặc có chung kẻ thù trước mắt thì có thân thiện, có bang giao, liên kết, xa hơn là đồng minh. “Mối tình” Việt-Mỹ bây giờ cũng thế và nó được thi vị hóa bằng hai câu Kiều mà Phó Tổng Thống Joe Biden đã đọc trong dạ tiệc khoản đãi Ô. Trọng:
Thank heaven we are here today. (Trời còn để có hôm nay)
To see the sun through parting fog and clouds. (Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời)

Nhờ Trời đây tức là nhờ Ông Trung Quốc mà chúng ta mới có cuộc gặp gỡ này. Bao mây mù hận thù của 40 năm đã tan và mặt trời ló dạng báo hiệu những ngày tươi sáng.

Do đó, phát triển thương mại mà Mỹ nêu ra chỉ là cái vỏ bề ngoài, bởi vì thị trường tiêu thụ của Việt Nam sao bằng Trung Quốc (1.3 tỉ), Ấn Độ (1.2 tỉ), Nam Dương (248 triệu), Ba Tây (199 triệu), Mễ Tây Cơ (106 triệu). Do đó cái lõi ở bên trong chính là mối nguy trước mắt và lâu dài mà Tướng Dempsey đã chỉ ra: Nga và Hoa Lục là hai kẻ thù tiềm tàng của Mỹ, tuy nguy cơ chiến tranh còn thấp nhưng mỗi lúc mỗi gia tăng.

Tôn Ngô Binh Pháp dạy rằng, nếu muốn phòng thủ hay tấn công một đại cường, mà bên cạnh đại cường có một nước nhỏ thì bằng mọi cách phải đánh chiếm nước nhỏ đó hoặc biến nước nhỏ đó thành đồng minh với mình để làm “thế ỷ dốc” hoặc “mũi nhọn” tấn công hoặc trở thành “tiền đồn” che chở cho mình. Việt Nam đang là nước nhỏ mà Hoa Kỳ rất cần để đối phó với Trung Quốc. Nếu đạt được mục đích này thì vào TPP, đầu tư, trợ giúp…là cái giá quá “hời” đối với Hoa Kỳ. Khi an nguy của đất nước được đặt lên hàng đầu thì mọi nghi thức, thủ tục ngoại giao, nguyên tắc và lý tưởng sẽ “đi chỗ khác chơi”. Tất cả phải dành cho sự sống còn.

Còn đối với Việt Nam đang phải đối đầu với một cường địch như Trung Quốc thì thà có sách lược liên kết với Mỹ còn hơn không có sách lược nào và ngồi đó chờ chết. Khi Tào Tháo đem 800,000 quân tới sát nách mà đám hủ nho ở Giang Đông vẫn còn bình luận văn chương, “tầm chương trích cú” khua môi múa mỏ… mà không có một kế sách cứu nước thì Giang Đông chết tới nơi rồi. Liên minh Ngô (Mỹ) - Thục (Việt) là giải pháp duy nhất để đối đầu với Tào Tháo (Hoa Lục). Khi đất nước lâm vào thế “ngàn cân treo sợi tóc” thì phải có các nhà lãnh đạo chính trị quả cảm, quyết liệt, dứt khoát như Tể Tướng Lữ Gia hay Thái Sư Trần Thủ Độ. Trong nghệ thuật giữ nước, không mưu tính và bàn luận tới nơi tới chốn là hồ đồ, nông nổi. Nhưng bàn luận nhiều quá thì đi tới do dự không quyết đoán. Địch tới nhà mà còn do dự, không quyết đoán là mất nước. Có sách lược hay rồi thì quyết tâm thi hành rồi từ từ chấn chỉnh. Đầu óc “kinh bang tế thế” từ cổ chí kim cũng chỉ như vậy thôi.

Nói tóm lại, bang giao Việt-Mỹ bây giờ là như thế. Nó không giống như liên minh Mỹ-NATO hay Mỹ-Nhật Bản hay Mỹ- Phi Luật Tân. Nhưng năm, ba năm nữa nó như thế nào chi chưa ai biết được. Nhưng dù Hoa Kỳ có mạnh tới đâu đi nữa, yếu tố quyết định thay đổi cục diện thế giới cũng như Á Châu vẫn là Trung Quốc.

Đào Văn Bình

(California ngày 15/7/2015)

(1) Kệ tụng của Vạn Hạnh Thiền Sư: Thịnh suy biến đối nhanh giống như sương mai trên đầu ngọn cỏ.

(2) Fred Brown: Đã từng là Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Đà Nẵng (1971-1973)

ÂM DƯƠNG Chương 3. Quan niệm Âm Dương



Quan niệm Âm Dương thoạt nhìn thì giản dị, nhưng càng suy khảo càng thấy khúc mắc, khó khăn.

Cho nên, muốn hiểu rõ Âm Dương, ta sẽ khảo cứu Âm Dương dưới nhiều khía cạnh.

1. Ta có thể coi Âm Dương không phải là hai thực thể riêng rẽ đối lập, mà chỉ là hai chiều hai mặt của một Thực thể duy nhất.

2. Ta cũng có thể coi Âm Dương như hai thực thể riêng rẽ có nhiều loại tác dụng trên nhau.

3. Ta có thể khảo Âm Dương trên phương diện Tiên Thiên.

4. Ta có thể khảo Âm Dương trên phương diện Hậu Thiên. Mỗi quan điểm, mỗi khía cạnh nói trên sẽ cho ta những nhận định khác nhau về Âm Dương.



1. Âm Dương, hai chiều hai mặt của một thực thể duy nhất

Nếu ta khảo sát Âm Dương trên giòng biến Dịch chuyển hóa, thì ta có thể coi Âm Dương như là hai chiều, hai mặt của một thực thể duy nhất. [1]

Chu Hi viết: Âm Dương tuy là hai chữ, nhưng lại chỉ là một Khí tăng giảm, một tiến một thoái, một sút một lớn; khi tiến thì là Dương, khi thoái thì là Âm; khi tăng trưởng thì là Dương, khi giảm thiểu thì là Âm. Chỉ nguyên có một Khí giảm hay tăng mà tạo nên muôn vạn sự trong trời đất từ xưa tới nay. Cho nên gọi Âm Dương là một cũng được, mà là hai cũng được. [2]

Gần đây bên phía trời tây, Teilhard de Chardin cũng viết: Vật chất và tinh thần không phải là hai thực thể, mà là hai trạng thái, hai phương diện của một Bản Thể vũ trụ, tùy như ta nhìn theo chiều sinh, hay chiều diệt, chiều tăng, hay chiều giảm. [3]

Trương Tải viết: Không có Hai đứng ra, thời Một không trình hiện, thời công dụng của Hai cũng chẳng còn. Hai thể là hư và thực, động và tĩnh, tụ và tán, thanh và trọc, nhưng suy cho cùng thì cũng là một vậy... Một vật mà hai thể là Khí. Một nên là Thần, Hai nên là Biến hóa. [4]Có Hai thì có Một, ấy là Thái Cực vậy... Một vật là hai thể, ấy gọi là Thái Cực ư? [5]

Như vậy đối với Trương Tải, thời Âm Dương chính là hai phương diện của một thực thể duy nhất. Chu liêm Khê viết: Vô Cực rồi Thái Cực. Thái Cực động nên sinh Dương, động cực rồi lại tĩnh; tĩnh nên sinh Âm. Tính cực rồi lại động trở lại. Một động, một tĩnh, làm căn cơ lẫn cho nhau; phân Âm, phân Dương, nên Lưỡng Nghi lập vậy. [6]

Tóm lại, chúng ta thấy rằng các Triết gia Trung Hoa không bao giờ cho rằng Âm Dương là hai thực thể riêng biệt thực sự, mà trái lại có liên lạc mật thiết với nhau, cái nọ có thể sinh ra cái kia, cái kia có thể biến thành cái nọ...

Dịch Kinh rất trọng Âm Dương. Đầu Thượng kinh để hai quẻ Kiền, Khôn. Đầu Hạ kinh để hai quẻ Hàm, Hằng.

Kiền, Khôn ở Thượng kinh còn tách rời nhau để định vị, để phân tôn ti.

Nhưng ở Hạ kinh, thời Sơn (Dương), Trạch (Âm) hòa hợp nhau (Sơn Trạch thông khí) để thành quẻ Hàm; Phong (Âm), Lôi (Dương) tăng cường lẫn nhau (Phong Lôi tương bác) để thành quẻ Hằng.

Ở Thượng kinh, Kiền, Khôn là khí hóa chi thủy (khí trời khí đất bắt đầu biến hóa) thời Thoán truyện quẻ Kiền lại có 4 chữ phẩm vật lưu hình.

Ở Hạ kinh, Hàm là hình hóa chi thủy (hình hài bắt đầu biến hóa) thời lại có 4 chữ nhị Khí cảm ứng. Ý muốn nói Hình và Khí, Âm và Dương không hề rời nhau.

Thoán truyện quẻ Kiền đề cập đến chữ Tính, Thoán truyện quẻ Hàm đề cập đến chữ Tình. Thoán truyện quẻ Phục nói đến Thiên địa chi tâm, Thoán truyện quẻ Hàm nói đến Nhân tâm.

Thế là Tính, Tình không hề rời xa nhau; Trời, Người chẳng hề xa nhau, Hình Khí chẳng hề xa nhau. Âm Dương có hòa hài, thì vạn vật mới sinh. Trong nhân quần, Âm Dương có hòa hài, thì nhân luân mới có cơ bền vững, xã hội mới có cơ thanh bình.

Ngoài vũ trụ, Âm Dương là Đất Trời; trong nhân quần Âm Dương là nam nữ. Vũ trụ là một từ trường bao la, nhân quần là một từ trường rộng lớn. Vạn vật hấp dẫn, cảm ứng nhau không ngừng, nên mới có được thế giới ngày nay.

Vạn vật cũng như con người không thể sống riêng rẽ, cũng không phải sinh ra để mà chống đối lẫn nhau, nhưng chính là để cộng tác, hòa hài cùng nhau.

Vì thế người xưa mới nói: Cô Âm tắc bất sinh, Cô Dương tắc bất trưởng, cố Thiên Địa phối dĩ Âm Dương. Nam dĩ nữ vi thất, nữ dĩ nam vi gia, cố nhân sinh ngẫu dĩ phu phụ. Âm Dương hòa nhi hậu vũ trạch giáng; phu phụ hòa nhi hậu gia đạo thành.

Tạm Dịch:

Cô Âm, không thể sản sinh,
Cô Dương, không thể hoa vinh, xương phồn.
Cho nên Trời Đất đôi đàng,
Hòa hài, chẳng có quải gàng khi nao.
Trai thời tìm gái tất giao,
Gái mong chắp nối tơ đào với trai.
Cho nên từ có loài người,
Gái trai phối ngẫu, nên đôi vợ chồng.
Âm Dương, Trời Đất hòa đồng,
Rồi ra vũ trạch, non sông ơn nhờ,
Vợ chồng chắp nối duyên tơ,
Rồi ra gia đạo có cơ vững vàng.

Như vậy thời Dịch kinh cho rằng nhờ có khí Trời, khí Đất hòa hài, nên vạn vật mới có thể hóa sinh, trưởng dưỡng; nhân quần có hòa hài, thì xã hội mới có cơ thanh bình, thịnh trị.

Dịch chủ trương hòa hợp chứ không chủ trương chia ly; Dịch đề cao sự giao hòa, chứ không cổ súy sự mâu thuẫn, chống đối. Những mâu thuẫn mà ta tưởng là thấy có ở trong hoàn vũ này chỉ là những mâu thuẫn phiến diện, nhưng suy cho cùng đó chỉ là một sự phân công, để mỗi đằng lo chu toàn về một phương diện, để lúc hòa hợp lại sẽ có một sự hoàn hảo toàn bích.

Thoán truyện quẻ Khuê viết:

Đất Trời đôi ngả phân phôi,
Nhưng mà công việc, thời thôi một vành.
Gái trai, đôi ngả phân trình,
Nhưng mà ý chí, tâm tình cảm thông.
Muôn loài, cách biệt giống giòng,
Nhưng mà công việc cũng không quải gàng.
Sự đời, ngang trái, dở dang,
Mà dùng nên chuyện, ấy trang hiền tài...



2. Âm Dương hai thực thể riêng rẽ có nhiều loại tác dụng trên nhau

Tuy nhiên, nếu ta tạm quên thời gian, tạm quên mọi cuộc biến hóa, thì ta thấy như Âm Dương là hai thực thể đối đãi nhau, tách biệt nhau, tuy vẫn có liên lạc với nhau về phương diện cơ cấu, cũng như về phương diện tác dụng.

Các Triết gia Trung Quốc đại khái cho rằng:

1/ Trong Âm có Dương, trong Dương có Âm.

2/ Âm cực sinh Dương, Dương cực sinh Âm.

3/ Âm có thể biến thành Dương, Dương có thể biến thành Âm.

4/ Cô Dương bất sinh, Cô Âm bất hóa. Nói cách khác Âm Dương riêng rẽ, cô lập thì không làm nên công chuyện gì.

5/ Âm Dương phải tác dụng trên nhau mới sinh ra mọi cơ vi biến dịch.

Những tác dụng giữa Âm và Dương rất là đa đoan, phức tạp. Ta có thể ghi nhận ít nhiều hình thức tác dụng chính như sau:

1/ Tương thừa (invasion réciproque)

2/ Tương khắc (Antimonie ou antagonisme)

3/ Tương chế (Inhibition)

4/ Tương hóa (Catalyse réciproque)

5/ Tương thành (Réalisation réciproque)

6/ Kế tục luân phiên nhau (Alternance)

7/ Tương sinh (Génération réciproque)

8/ Tương hại (Destruction réciproque)

9/ Phản phúc (Bouleversement ou Révolution)

10/ Tương giao (Échange)

11/ Bất tương giao (Indifférence)

12/ Thắng (Dominance)

13/ Phụ (Récession)

14/ Tương đãng (Recouvrement réciproque)

15/ Phục (Latence)

16/ Khởi (Manifestation) v.v...

Cho nên, nếu chúng ta chỉ nói là Âm Dương mâu thuẫn chống đối nhau thì thiệt là thiếu sót; hoặc cô Âm, cô Dương (duy vật, duy linh) thì cũng hết sức chủ quan, không bao quát được hết thực tại...

Suy cho cùng, thì muốn hiểu về Âm Dương, phải hiểu nhẽ đối đãi trong Trời Đất.

Đối đãi là hai chiều, hai hướng, hai cực, hai trạng thái đối đỉnh, đối lập nhau. Vũ trụ này đã được xây dựng trên nền móng đối đãi.

Ngay Tuyệt đối cũng có đối đãi là Tương đối. Cho nên đã có Hằng thời có Biến; đã có khiếm khuyết tất thị phải có viên mãn; đã có Vật, thế tất phải có Thần; có gian lao thế tất phải có hạnh phúc...

Thế giới tương đối chúng ta này dĩ nhiên là tràn đầy những cặp đối đãi.

Chu Hi viết: Đông Tây, trên dưới, lạnh nóng ngày đêm, sống chết đều tương phản lại nhau, và sóng đôi với nhau. Trong Trời Đất, chưa từng có vật nào lại không có cái đứng sóng đôi với mình. [7]

Như trời sinh vật, không thể sinh một mình Âm, ắt là phải có Dương, không thể sinh một mình Dương, ắt phải có Âm, ấy đều là đối đãi cả. [8]

Như vậy, nếu hiểu nhẽ Âm Dương đối đãi cho rành rẽ, hễ đã biết một, tất sẽ biết hai, biết được một phương diện, sẽ suy ngược lại, mà tìm ra phương diện đối đãi, sau đó hợp nhất cả hai phương diện lại, sẽ tìm ra được bộ mặt thực của vật thể, của vũ trụ cũng như của con người...



3. Âm Dương trên phương diện Tiên Thiên

Người xưa đã phân biệt Âm Dương Tiên Thiên và Âm Dương Hậu Thiên. Dịch Kinh Đại Toàn nơi trang 38 có câu: Vô Cực chi tiền, Âm hàm Dương dã. Hữu tượng chi hậu, Dương phân Âm dã.

Ở trong Tiên Thiên thì Âm hàm Dương, như vậy tức là Dương ở trong, Âm ở ngoài.

Ở nơi Hậu Thiên, thì dĩ nhiên là cục diện sẽ đảo ngược: Dương sẽ ở ngoài mà Âm sẽ ở trong.

Dựa vào các đồ bản Dịch trong quyển Chu Dịch Xiển Chân của Lưu nhất Minh, nhất là đồ bản Tiên Thiên Viên Đồ thường thấy trong các sách Dịch, chúng ta có thể suy diễn về Âm Dương Tiên Thiên như sau:

Âm Dương sở dĩ sinh là do sự phân cực của một thực thể duy nhất.

Để dễ suy luận, ta hãy tưởng tượng thực thể duy nhất như một hình cầu. Như vậy sự phân cực sẽ có ba chiều hướng:Trong - Ngoài ; Trên - Dưới ; Tả - Hữu.



Nếu ta chấp nhận Trung Tâm Điểm của hình cầu nói trên như là nguồn gốc phát tiết ra ánh sáng và sự sống, nếu ta chấp nhận qui ước của Dịch lấy phía tả làm phía Đông, phía mặt trời mọc, phía ánh sáng; phía hữu làm phía Tây, phía mặt trời lặn, phía tối tăm; nếu ta chấp nhận khinh thanh thì bốc lên trên, trọng trọc thì lắng xuống dưới, ta sẽ gọi:

Phía trên, phía Tả, phía trong là Dương.

Phía dưới, phía Hữu, phía ngoài là Âm.

Từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, từ trong ra ngoài là chiều Âm. Từ dưới lên trên, từ phải sang trái, từ ngoài vào trong là chiều Dương.


Như vậy ta thấy ngay được rằng cơ cấu vũ trụ cũng như cơ cấu con người, không có đồng đẳng ở mọi chiều hướng, mà trên dưới khác nhau, phải trái khác nhau, trong ngoài khác nhau, ngay trên bình diện cơ cấu và tổ chức.

Ở nơi con người, ta thấy một cách dễ dàng rằng tinh thần thời ở trên, ở trong, vật chất thời ở dưới, ở ngoài. Suy ra thì tinh thần phải qui tụ nơi đầu não con người...

Đi từ trong ra ngoài, là đi xa lìa Chân tâm, xa lìa Thượng Đế, để tiến về phía ngoại cảnh vật chất. Đó là đi theo chiều Âm, vì càng ngày tâm thần càng trở nên u tối, đối với những vấn đề siêu nhiên, thần bí; vì con người càng ngày càng trở nên thực tiễn, thực tế. Đó là những con người hướng ngoại, và tinh thần họ càng ngày càng tản mạn, phá tán. Họ sẽ chịu ảnh hưởng củalực ly tâm (force centrifuge).

Đi từ ngoài vào trong, là tiến từ vật chất trở ngược về tâm thần, để tìm về Chân tâm, tìm về Bản thể hằng cửu, tìm về Thượng Đế. Đó là chiều Dương, vì càng ngày tâm thần càng trở nên sáng suốt, dễ dàng lĩnh hội được các vấn đề siêu nhiên, vì con người càng ngày càng trở nên khinh khoát tiêu sái, lý tưởng. Đó là những con người hướng nội; họ sẽ chịu ảnh hưởng củađịnh luật hướng tâm (force cetripète), nghĩa là tinh thần họ càng ngày càng được tập trung, càng được định tĩnh, trở nên vô trước, vô lậu.

Đi từ trong ra ngoài cũng y như đi từ các tầng trên xuống các tầng lớp dưới, đi từ trời xuống đất. Đó là trạng thái Âm càng ngày càng thắng Dương, và con người càng ngày càng trở nên sa đọa về tinh thần, tiến bộ về vật chất.

Đi từ ngoài vào trong, cũng y thức như đi từ các tầng lớp dưới lên các tầng lớp trên, đi từ đất lên trời, từ vật đến Thần. Đó là trạng thái Dương càng ngày càng thắng Âm, và con người càng ngày càng tinh tiến trên phương diện tinh thần, càng thoát ly vòng kiềm tỏa của vật chất.

Người thường cho Hữu là Dương, Tả là Âm, nguời tu đạo thì lại cho Tả là Dương, Hữu là Âm. Nguời tu đạo như vậy sẽ đi ngược với đường lối thế nhân. Cái gì thế nhân cho là hay là phải (Dương: phải, droit, dextre, right), thì người tu đạo lại cho là dở là trái (Âm: gauche, sinistre, left, trái).

Như vậy càng thấy rõ chuyện đời tất cả đều tương đối. Nhận định về Âm Dương như trên, tuy ngược với nhận định thông thường về Âm Dương, nhưng lại giúp ta tìm ra được những định luật thiên nhiên chi phối quá trình tiến hóa của cá nhân cũng như của nhân loại.

Ở nơi cá nhân, ta thấy từ bé cho đến lớn, cho tới khi đứng tuổi, khoảng 40-45, con người thường hướng ngoại. Khi ấy con người càng ngày càng xa lìa các giá trị tinh thần, để lăn mình vào đời sống thực tiễn và vật chất.

Nhưng khi mái tóc đã hoa râm, khi đã đứng tuổi, khi mà tâm sự đã bắt đầu ngả sang thu, thì con người lại bắt đầu chuyển hướng. Lúc ấy con người lại muốn đi tìm những giá trị tinh thần, lại muốn quay trở về lòng mình để mà tu tâm, luyện tính.

Vả lại, thể chất và tinh thần chúng ta thịnh suy, tiêu trưởng theo những nhịp điệu ngược nhau.

Thể chất mới bắt đầu thì yếu đuối, nhưng theo đà tuế nguyệt, sẽ nở nang, cường tráng mãi thêm ra cho tới một cực điểm và khoảng 40-45, sau đó dần dần lại suy vi tàn tạ cho tới khi chết.

Tinh thần thì ngược lại, càng nhỏ càng thanh tao càng hùng mạnh, nhưng theo đà thời gian, tinh thần một ngày một trở nên phôi pha, tản mạn, cho tới một cực độ vào khoảng 40-45. Sau đó, nếu như biết tu luyện, tâm thần sẽ có cơ phục sinh, và phát triển cho tới khi chết. Lúc chết, chính là lúc tinh thần phải lên tới cực điểm tinh hoa. Vì thế mà, khi muốn kỷ niệm các vị Thánh Hiền, người ta thường chọn ngày các ngài viên tịch, thành đạo...

Xét lịch sử nhân loại, từ khi có văn tự, văn hóa đến nay, ta thấy nhân loại tiến dần từ những trạng thái thần linh, đến những trạng thái vật chất.

Khi mà sinh hoạt vật chất bắt đầu thịnh, thì thiên hạ lại xúm vào chê bai những sinh hoạt tâm linh cho đó là mê tín, dị đoan, lạc hậu, lỗi thời... Lúc mà sinh hoạt tâm linh thịnh, thì mọi người đều khinh chê vật chất.

Trên đà tiến về vật chất ngoại cảnh, mỗi sự thoát ly khỏi vòng ảnh hưởng tâm linh, thường được coi như là một thắng lợi, một tiến bộ. Nhưng kỳ thực, chặng đường từ tâm linh, tâm thần xuống tới vật chất, ngoại cảnh, phải được coi là một sự sa đọa, thoái hóa.

Sau này khi văn minh vật chất lên đến cực điểm, con người lại sẽ thật sự hoài vọng tinh thần, sẽ lại chuyển hướng về phía tâm linh và mỗi một hành động thoát ly khỏi sự kiềm tỏa vật chất, lại sẽ được coi là một sự vươn lên, một sự tiến bộ chân thực.

Âu cũng là câu chuyện nợ đồng lần...

Có một điều cũng nên ghi nhận là Âm luôn muốn tiến về Dương, Dương luôn muốn tiến về Âm. Vì thế mà, sống trong những tổ chức sinh hoạt tinh thần, con nguời thường mơ ước những lạc thú vật chất; sống trong những xã hội vật chất con người lại khao khát những lạc thú tinh thần.

Cũng vì thế mà khi còn trẻ, ta thường có những khuynh hướng vật chất, thế tục, hướng ngoại; đến lúc trở về già, ta lại có những khuynh hướng siêu nhiên, hướng nội...



4. Âm Dương trên phương diện Hậu Thiên
Bây giờ chúng ta hãy dở thư tịch Trung Hoa, xem họ nhận định về Âm Dương một cách thực tế, thực tiễn ra sao. Tạ vô Lượng viết: Dương là cứng, là mạnh, là con giai, là vua, là động, là sáng, là phía ngoài, là giãn, là Trời, là Kiền, là mặt trời, là Thần, là ngày, là con đực, là hiển.

Âm là mềm, là yếu, là con gái, là bầy tôi, là tĩnh, là tối, là phía trong, là co, là đất, là Khôn, là mặt trăng, là Quỉ, là đêm, là con mái, là ẩn... [9]

Quỉ Cốc tử cho rằng: Dương là mở, là nói, là mọi điều hay như sống lâu, an lạc, phú quí, tôn vinh, hiển danh, đắc ý, hỉ dục v.v...

Âm là đóng, là yên lặng. Âm gồm mọi điều xấu như chết non, ưu hoạn, bần tiện, khổ nhục, vong lợi, thất ý, hình lục v.v...[10]

René Guénon, trong bài khảo luận của ông về Âm Dương, trong quyển La Grande Triade đã cho rằng:

Dương là tất cả những gì thuộc tinh thần, vì tinh thần và ánh sáng là một, còn Âm là tất cả những gì thuộc vật chất. Ông dùng từ ngữ Triết học mà cho rằng Dương là cái gì hiện hữu, Âm là cái gì tiềm ẩn. [11]


Đổng Trọng Thư, trong quyển Xuân Thu Phồn Lộ đã viết: Vật gì cũng phải có cái để hợp. Đã có hợp tức là có trên có dưới, có Tả có Hữu, có trước có sau, có trong có ngoài, có tốt có xấu, có thuận có nghịch, có vui có giận, có lạnh có nóng, có ngày có đêm, đó đều là hợp nhau vậy. Âm là để hợp với Dương, vợ là để hợp với chồng, con là để hợp với cha, tôi là để hợp với vua. Vật nào cũng có cái hợp, mà hợp là có Âm Dương... Vua là Dương, tôi là Âm; cha là Dương, con là Âm; chồng là Dương, vợ là Âm... [12]

Nhiệm Ứng Thu, trong quyển Âm Dương Ngũ Hành của ông xuất bản gần đây, tại lục địa Trung Quốc, đã nhận định về Âm Dương như sau:

Dương là một khái niệm hết sức rộng rãi, Dương là động, Âm là tĩnh; Dương là xướng, Âm là tùy; Dương là cương, Âm là nhu; Dương là ban phát, Âm là thâu nhận; Dương là thăng, Âm là giáng; Dương là trước, Âm là sau; Dương là trên, Âm là dưới; Dương là trái, Âm là phải. Tiến là Dương, thoái là Âm. Dương thời đi nhanh, Âm thời đi chậm v.v... [13]

Như vậy thì bất kỳ việc gì đã có đối đãi, lập tức có thể phân thành Âm Dương...

Tố Vấn cho rằng: Trong con người, thì ngoài là Dương, trong là Âm, bụng là Âm, lưng là Dương; tạng là Âm, phủ là Dương.
Cho nên Ngũ tạng: tâm, can, tì, phế, thận đều thuộc Âm. Lục phủ: đởm, vị, đại tràng, tiểu tràng, bàng quang, tam tiêu đều thuộc Dương. [14]

Đối với Y học Trung Hoa, thì Dương chủ khí lực; Âm chủ huyết.

Các mạch nơi cổ tay phải đều thuộc Dương:

Mạch Thốn : Phổi (Kim)

Mạch Quan : Tì (Thổ)

Mạch Xích : Thận hỏa (Hỏa)

Các mạch nơi cổ tay trái đều thuộc Âm:

Mạch Thốn : Tim (Hỏa)

Mạch Quan : Gan (Mộc)

Mạch Xích : Thận thủy (Thủy)

Người cũng chi làm ba hạng:

Dương tạng

Âm tạng

Bình tạng

Dương tạng là những người có khí lực mạnh mẽ, da nóng, mặt mũi hớn hở, tóc đen rậm và tốt, tiếng nói to, hơi thở mạnh, ăn uống dễ tiêu, tính tình nóng nảy, sống lâu... [15]

Âm tạng là những người sợ lạnh, da mát và ướt, mặt mũi hơi xanh, tóc mềm, lông thưa, người mau mệt, tiếng nói yếu ớt, hay đày hơi, hay bị tiêu chảy, lộ hầu, thịt mềm nhẽo, tính tình trầm tĩnh, v.v...

Bình tạng là những người cả hai phương diện khí huyết đều mạnh ngang nhau. [16]

CHÚ THÍCH

[1] Hữu vị thị nhất nguyên khí chi sở phát, nhi hiện vi nhị vật giả... Âm Dương nhược luận lưu hành để, tắc chỉ thị nhất cá... 有 謂 是 一 元 氣 之 所 發, 而 見 為 二 物 者 ... 陰 陽 若 論 流 行 底 則 只 是 一 個 .— Tạ Vô Lượng, Trung Quốc Triết Học Sử, đệ nhất biên thượng, đệ nhị chương, trang 35.

[2] Âm Dương tuy thị lưỡng cá tự, nhiên khước thị nhất khí chi tiêu tức, nhất tiến nhất thoái, nhất tiêu nhất trưởng; tiến xứ tiện thị Dương, thoái xứ tiện thị Âm; trưởng xứ tiện thị Dương, tiêu xứ tiện thị Âm. Chỉ thị giá nhất khí chi tiêu trưởng, tố xuất cổ kim thiên địa gian vô hạn sự lai. Sở dĩ Âm Dương tố nhất cá thuyết diệc đắc, tố lưỡng cá thuyết diệc đắc. 陰 陽 雖 是 兩 個 字, 然 卻 是 一 氣 消 息, 一 進 一 退, 一 消 一 長 , 進 處 便 是 陽, 消 處 便 是 陰. 只 是 這 一 氣 之 消 長, 做 出 古 今 天 地 間 無 限 事 來 . 所 以 陰 陽 做 一 個 說 亦 得 . 做 兩 個 說 亦 得 — Chu Hi, Toàn thư, Lý khí Âm Dương thuyết.

[3] Matière et esprit non point deux choses, mais deux états, deux faces d'une même étoffe cosmique suivant qu'on la regarde ou qu'on la prolonge dans le sens où (comme eôt dit Bergson) elle se fait ou au contraire dans le sens suivant lequel elle se défait. — De la Science à la Théologie, p. 26.

[4] Lưỡng bất lập tắc Nhất bất khả kiến. Nhất bất khả kiến, tắc Lưỡng chi dụng tức. Lưỡng thể giả, hư thực dã, động tĩnh dã, tụ tán dã, thanh trọc dã, kỳ cứu cánh nhất nhi dĩ... 兩 不 立 則 一 不 可 見.一 不 可 見 則 兩 之 用 息. 兩 體 者 虛 實 也, 動 靜 也, 聚 散 也, 清 濁 也, 其 究 竟 一 而 已 .— Chính Mông, Thái hòa.

[5] Hữu Lưỡng tắc hữu Nhất, thị Thái Cực dã. Nhất vật nhi lưỡng thể, kỳ Thái Cực chi vị dư. 有 兩 則 有 一, 是 太 極 也. 一 物 而 兩 體, 其 太 極 之 謂 歟. — Ib.

[6] Vô Cực nhi Thái Cực. Thái Cực động nhi sinh Dương; động cực nhi tĩnh, tĩnh nhi sinh Âm. Tĩnh cực phục động. Nhất động nhất tĩnh, hỗ vi kỳ căn. Phân Âm phân Dương, lưỡng nghi lập yên. 無 極 而 太 極 . 太 極 動 而 生 陽 ; 動 極 而 靜 , 靜 而 生 陰 . 靜 極 復 動 . 一 動 一 靜 , 互 為 其 根 . 分 陰 分 陽 , 兩 儀 立 焉 . — Thái Cực Đồ Thuyết.

[7] Đông Tây, thượng hạ, hàn thử, trú dạ, sinh tử, giai thị tương phản nhi tương đối. Thiên địa gian, vật vị thường vô tương đối giả. 東 西, 上 下, 寒 署, 晝 夜, 生 死, 皆 是 相 反 而 相 對. 天 地 間, 物 未 常 無 相 對 者. — Chu Hi Loại Ngữ.

[8] Xem Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, Đại Cương Triết Học Trung Quốc II, trang 362.

[9] Dương vi cương, vi cường, vi nam, vi quân, vi động, vi minh, vi biểu, vi thân, vi thiên, vi Kiền, vi Nhật, vi thần, vi trú, vi hùng, vi hiển. 陽 為 剛, 為 強, 為 男, 為 君, 為 動, 為 明, 為 表, 為 伸, 為 天, 為 乾, 為 日, 為 神, 為 晝, 為 雄, 為 顯 .

Âm vi nhu, vi nhược, vi nữ, vi thần, vi tĩnh, vi ám, vi lý, vi khuất, vi Địa, vi Khôn, vi Nguyệt, vi quỉ, vi dạ, vi thư, vi ẩn đẳng. 陰 為 柔, 為 弱, 為 女, 為 臣, 為 靜, 為 暗, 為 裡, 為 屈, 為 地, 為 坤, 為 月, 為 鬼, 為 夜, 為 雌, 為 隱, 等 . — Tử Đồng, Tạ Vô Lượng, Trung Quốc Triết Học Sử, đệ nhất biên thượng, đệ nhị chương, trang 34.

[10] Bãi chi giả khai dã, ngôn dã, dương dã. Hạp chi giả bế dã, mặc dã Âm dã. Âm Dương kỳ hòa, chung thủy kỳ nghĩa. Cố ngôn trường sinh an lạc phú quí, tôn vinh, hiển danh, ái hiếu, tài lợi, đắc ý, hỉ dục vi dương, viết thủy. Cố ngôn tử vong ưu hoạn, bần tiện, khổ nhục, khí tổn, vong lợi, thất ý, hữu hại, hình lục, tru phạt vi Âm viết chung. 捭 之 者 開 也, 言 也, 陽 也. 闔 之 者 閉 也, 默 也 陰 也. 陰 陽 其 和, 終 始 其 義. 故 言 長 生 安 樂 富 貴, 尊 榮, 顯 名, 愛 好, 財 利, 得 意, 喜 欲 為 陽, 曰 始 . 故 言 死 亡 憂 患, 貧 賤, 苦 辱, 棄 損, 亡 利, 失 意, 有 害, 刑 戮, 誅 罰 為 陰 曰 終 .— Tạ Vô Lượng, Trung Quốc Triết Học Sử, đệ nhất biên hạ, đệ ngũ chương. Tạp Gia, Quỉ Cốc Tử, tr. 99.

[11] Âm đích tính năng thị lãnh đích, thị tĩnh đích; Dương chi tính năng thị nhiệt đích, thị động đích... Nhất chủng thị hướng ngoại đích thôi lực, nhất chủng thị hướng nội đích lạp lực. Sở vi Dương, tựu thị hướng ngoại đích thôi lực. Sở vi Âm tức thị hướng nội đích lạp lực... 陰 的 性 能 是 冷 的, 是 靜 的. 陽 之 性 能 是 熱 的, 是 動 的... 一 種 是 向 外 的 摧 力, 一 種 是 向 內 的 拉 力.所 為 陽, 就 是 向 外 的 摧 力. 所 為 陰, 即 是 向 內 的 拉 力. — Chu Đỉnh Hành, Dịch Kinh Giảng Thoại, trang 41.

[12] Phàm vật tất hữu hợp, hợp tất hữu thượng, tất hữu hạ, tất hữu tả, tất hữu hữu; tất hữu tiền, tất hữu hậu, tất hữu biểu, tất hữu lý; hữu mỹ tất hữu ác; hữu thuận tất hữu nghịch; hữu hỉ tất hữu nộ; hữu hàn tất hữu thử; hữu trú tất hữu dạ, thử giai kỳ hợp dã. Âm giả Dương chi hợp, thê giả phu chi hợp, tử giả phụ chi hợp, thần giả quân chi hợp. Vật mạc vô hợp, nhi hợp các hữu Âm Dương... Quân vi Dương, thần vi Âm; phụ vi Dương, tử vi Âm, phu vi Dương, phụ vi Âm. 凡 物 必 有 合, 合 必 有 上, 必 有 下, 必 有 左, 必 有 右, 必 有 前, 必 有 後, 必 有 表, 必 有 裡 . 有 美 必 有 惡 , 有 順 必 有 逆 , 有 喜 必 有 怒 , 有 寒 必 有 署, 有 晝 必 有 夜﹐, 此 皆 其 合 也 . 陰 者 陽 之 合, 妻 者 夫 之 合, 子 者 父 之 合, 臣 者 君 之 合. 物 莫 無 合, 而 合 各 有 陰 陽. 君 為 陽, 臣 為 陰, 父 為 陽, 子 為 陰, 夫 為 陽, 婦 為 陰. — Xuân Thu Phồn Lộ, Cơ Nghĩa, đệ ngũ thập tam.

[13] Xem Nhiệm Ứng Thu, Âm Dương Ngũ Hành, trang 34.

[14] Xem Nhiệm Ứng Thu, Âm Dương Ngũ Hành, trang 29.

Xem Nội Kinh, Tố Vấn.

[15] Xem Lãn Ông, Khôn Hóa Thái Chân, trang 13, 14, 15, 16 - Y Học Tùng Thư p. 206-207, Huyền Tẫn Phát Vi p. 24-27.

[16] Ib,

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

Thời của tản văn



Mai Anh Tuấn


Cuốn tản văn "Sợi tơ nhện"
của tác giả Cao Huy Thuần

Không khó để thấy, chừng mươi năm trở lại đây, các đầu sách được dán nhãn tản văn, tạp văn, tạp bút…, gần như ra đời liên tục ở hầu hết các nhà xuất bản trong nước. Cho dù nghi lễ đặt tên có vẻ không thật thống nhất và dứt khoát, nhưng tựu trung, các cuốn sách ấy, với dung lượng vừa phải, đều thành hình sau khi các bài viết trong đó, ngày này qua tháng khác, đã xuất hiện trên nhiều mặt báo. Thành danh và thành công nhờ loại sách này, rất nhiều cây bút đã dồn tâm sức để bám riết một thể loại mà, nói sòng phẳng, nổi trội lên nhờ vào cả sự chấp thuận dễ dãi của độc giả.

Đánh nhỏ thắng lớn


Sẽ không sợ sai khi nói rằng tản văn đã được nuôi dưỡng và rất nhiều khi, bị thao túng bởi các trang báo. Mở một trang báo bất kì, không kể truyện ngắn và thơ là hai món thất thường xuất hiện, thì các đoạn viết nhỏ, bằng bao diêm trở đi, với muôn kiểu nội dung và cách viết khác nhau, trường kì neo chặt đến thành mục hẳn hoi. Người ta thấy ở chúng, hoặc là hồi ức kỉ niệm của cá nhân, hoặc vì chuyện thế thời mà lạm bàn, cũng không chừa cả chuyện quốc gia đại sự được thu vào vài nghĩ ngợi thoáng qua. Đọc để thư giãn, giết thì giờ nhưng cũng có thể đọc để tri nhận thêm, dù ít ỏi, những thông tin về một món ăn, một lễ hội, một phố xá, một chuyến ngao du, hay một nhân vật, một vùng địa-văn hóa nào đó. Hơn cả thái độ chiều chuộng của một cửa hàng bách hóa, tản văn bày biện tất thảy các loại gia vị, từ vui vẻ, bông đùa, giễu cợt đến nghiêm ngắn, thiết tha, “tải đạo” và không hiếm trường hợp là lảm nhảm trữ tình. Chính vì khả năng phục vụ nhanh và khéo léo cho mọi đối tượng mà tản văn, trong thời đại không thật dư dả thời gian đọc, đã hút vào đó một lượng công chúng rộng rãi, đa dạng thành phần và trong số này, có hẳn những lớp độc giả trung thành. Đáng chú ý hơn, các lá phiếu dành cho tản văn vẫn còn nguyên nồng nhiệt, vì sau khi đọc tản văn trên báo, lập tức chuyển sang mua sách tản văn.

Người độc giả hiểu rõ thực tế này không ai hơn Nguyễn Việt Hà, một “đại gia” tản văn, khi thừa nhận “ngày hôm nay, số người mua và đọc tạp văn thường đông hơn hẳn số người mua và đọc tiểu thuyết” 1. Thực tế này “nên lo hay mừng” chưa vội bàn nhưng ít nhất, nó khẳng định tản văn đã thắng lớn trên một thị trường văn học mà văn học dịch/văn học nước ngoài đang chiếm thế thượng phong và đi sâu trong hầu hết các cuộc đọc bài bản, kĩ lưỡng.

Tính chất đánh nhỏ thắng lớn của tản văn hẳn còn phải kể đến số lượng các cây bút ồ ạt tham gia thâm canh thể loại này. Hầu như không vắng ai, kể cả những tác giả đã mặc nhiên gắn với truyện ngắn, tiểu thuyết hay thơ. Một số bước hẳn vào đường chạy và lập kì tích như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Trương Quý với tư cách là tác giả của những cuốn tản văn thuộc dạng best-seller bất ngờ: Gáy người thì lạnh, Yêu người ngóng núi, Tự nhiên như người Hà Nội, Con giai phố cổ… Một số tạt ngang nhưng cũng gây ấn tượng như Đỗ Bích Thúy với Trên căn gác áp mái, Đến độ hoa vàng; Thụy Anh với 100 gờ-ram hạnh phúc; Việt Linh với Năm phút với ga xép; Cao Huy Thuần với Chuyện trò; Sợi tơ nhện. Một số tỏ ra gặp duyên rồi nhất định lựa chọn như Nguyễn Vĩnh Nguyên với Tivi, xe máy, nhạc chế, chày cối, karaoke, tăm xỉa răng và những thứ khác; Những đồ vật trò chuyện cùng chúng ta; Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách; Trần Nhã Thụy với Cuộc đời vui quá không buồn được; Triều cường, chân ngắn và rau sạch; Trang Hạ với Đàn bà ba mươi, Nắm tay và làm tình; Hoàng Hồng-Minh với Lòng người mênh mang… Có tác giả vừa đến và đang muốn dừng lại khá lâu như Đỗ Phấn với Hà Nội thì không có tuyết, Ngồi lê đôi mách với Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tiến với Đi ngang Hà Nội, Đi dọc Hà Nội, Đi xuyên Hà Nội. Có tác giả đến muộn nhưng lập tức độc sáng như Y Phương với Tháng giêng, tháng giêng một vòng dao quắm. Có tác giả từ bút danh đến tên thật đều sắc sảo và đa sự như Thảo Hảo-Phan Thị Vàng Anh. Trường hợp Nguyễn Quang Lập với Ký ức vụn lại là ngoại lệ thú vị khi những bài viết trong đó vốn gây sóng dư luận trước tiên ở môi trường internet. Và giờ đây, khi mạng xã hội được cá nhân hóa tối đa thì viết tản văn đã là thói quen của nhiều “nhà”, từ nhà toán học, nhà tâm lí, nhà giáo đến thậm chí, các nhà “cải cách xã hội” tự phong.

Gạt bỏ quyền tự do được viết, hay viết chỉ để thỏa mãn tiếng nói riêng tư, thì cơn cớ sâu xa cho hiện tượng cùng phấp phới khẩu hiệu tản văn lại rất gần với trắng phớ tính toán, là chỉ để mưu sinhngon lành hơn và không ít lần, trong số các nhà tản văn chuyên nghiệp cũng có vài bỉnh bút phải tự “đình công đòi tăng lương” như Nguyễn Việt Hà ví von 2 . Nhu cầu “kiếm ăn xoàng” mà Tản Đà, người cũng từng giữ một mục tạp văn trên Đông Dương tạp chí cách đây trăm năm, khởi xướng từ chỗ còn tương đối dè dặt giờ đây đã thành “động lực sáng tạo” của nhiều cây bút. Nói vậy để thấy, sự hăm hở viết tản văn trong một bối cảnh văn học còn bị “úm” thường xuyên bởi đồng tiền bát gạo sẽ nhắc nhở cho ai đó đừng tưởng bở vào sự phát triển lành mạnh tự thân của tản văn. Thời của tản văn cũng là thời mà nhà văn tự xoay xở thích nghi mạnh mẽ nhất với sự rộng hẹp trong hầu bao của độc giả thay vì, quan trọng hơn, là sự cân đo đong đếm các vùng thẩm mĩ tiếp nhận mơ hồ khó nhận biết.

Tuy vậy, sự nở rộ của tản văn, theo tôi, chỉ đáng kể khi chúng ta buộc phải thật lòng thừa nhận về tinh thần dân chủ của các thể loại văn học. Một giai đoạn dài trước đây, bởi những quán tính văn nghệ đường lối, giới cầm bút nước ta ưa thích triển khai những câu chuyện lớn, và kéo theo đó, trong văn xuôi, tiểu thuyết, truyện ngắn và cùng lắm, bút kí/tùy bút mới được xếp chiếu, được đầu tư lao động. Những mô hình viết khác, như thư từ, nhật kí, tự truyện, hồi kí…, bị phớt lờ và chịu không ít dị nghị. Thói quen đánh giá thiên về giá trị phản ánh hiện thực cuộc sống lớn lao trong tác phẩm đã lảng tránh những tản mạn cảm xúc, suy nghĩ rời rạc, vụn/vặt và hết sức riêng tư. Tản văn với đặc trưng ngắn, gọn, “tiểu tự sự”, tự do tùy hứng của mình cũng chịu chung mặc cảm bị lép vế trên sân chơi của các thể loại lớn. Nhưng bởi sự đảo chiều trong thời đại thông tin, nơi cái nhanh gọn, dễ nắm bắt, dễ triển khai là qui tắc hàng đầu của mọi kênh phát và nhận, nên tản văn có cơ hội giành lấy vị thế mới. Vì thế, đã đến lúc coi những cuộc chơi nhỏ, vừa tầm đón đợi và mặt khác, linh động bước vào thị trường văn chương, cũng là một nỗ lực xây dựng giá trị. Thừa nhận sức mạnh của tản văn đồng nghĩa với việc các thể loại ngồi chung một cách bình đẳng, các cách thức viết được hưởng quyền lợi “ông kễnh” như nhau. Không cần quá nắm chắc các diễn biến của văn chương nước nhà vài chục năm gần đây thì người ta cũng hiểu, để một thể loại như tản văn lọt vào giải thưởng văn chương tầm quốc gia là sự xa xỉ. Tuy nhiên, khi sách tản văn ngự khắp nơi thì văn đàn đương nhiên sinh động hơn và các chỗ trống thể loại sẽ được lấp đầy không ngớt. Mỗi thể loại có một nghĩa lí của nó. Và tản văn, trong thời này, dù có vẻ nhộn nhạo nhưng chẳng phải đang lĩnh ấn trận tiền đó sao?

Đánh hay thắng đẹp
Thoạt nhìn, viết tản văn dễ đến mức như là công việc xảy ra trong lúc nhàn rỗi, trong lúc chờ đợi cái gọi là “tác phẩm lớn” của người viết. Trên thực tế, không hiếm những cuốn tản văn đã làm chật và chướng giá sách bởi sự xông xáo quá đà của giới xuất bản. Xin nói ngay rằng, với tôi, việc đọc những tản văn chỉ quanh quẩn ở nhớ nhung kỉ niệm hoặc lật trang nào cũng vấp phải vài màn than nghèo kể khổ và được kịch tính hóa bằng cách đổ lỗi cho số phận là việc bất đắc dĩ. Thông thường, tôi, và tôi nghĩ nhiều độc giả khác, cũng sẽ kín đáo thở dài, đẩy chúng sang một bên. Tản văn, vì bị coi là thức quà ăn nhanh, cũng rặt bóng dáng nhiều đầu bếp vụng về.

Muốn nâng tản văn như là một lao động thể loại, theo tôi, vẫn cứ phải kí kết với những cây bút thuần thục kinh nghiệm. Ở đó, một tản văn hay bao giờ cũng nảy lên một giọng điệu, lớp ngôn ngữ riêng, một ý tưởng và chủ kiến cá nhân, một quan sát và tái hiện độc đáo. Một tản văn hay sẽ biết ra đòn hấp dẫn và dừng lại đúng lúc, khi người đọc đến lúc phải đón con, phải tranh thủ làm ca ba, phải gặp gỡ và kí kết hoặc nhọc nhằn hơn, phải nuốt trôi những tin tức thời sự nhàm chán. Tôi thuộc dạng chuồn sớm nếu bắt gặp những mớ bùng nhùng tâm tư ơi hời không biết từ đâu mà đổ ra vô tội vạ của người viết.

Tạm dừng lại chốc lát ở những tác giả có sách tản văn bán chạy để lẩy ra những ngón nghề viết lách của họ. Không ai át được Nguyễn Việt Hà trong cái giọng điệu hài hước, đùa giễu tinh tế, trong cái cách nhà văn chủ ý đảo trật tự từ (thường tính từ đứng trước danh từ), hay khả năng tạo tích mới dựa trên tích cũ và phóng đại những kết luận. Tản văn Nguyễn Việt Hà tái lặp chiêu trò dụng từ điển, dụng các điển phạm văn chương và hiện đại hóa nó qua các so sánh tạt ngang mới mẻ trong cái nhìn hôm nay. Một sự nhất quán đến kì tài ở tản văn Nguyễn Việt Hà, từ Nhà văn thì chơi với ai, Mặt của đàn ông, Đàn bà uống rượu đến Con giai phố cổ, là trước sau đều xem đi lật lại muôn vẻ bản sắc của hai giới đàn ông - đàn bà, khởi sinh của mọi sự, trong một đời sống đô thị tưởng chừng rắc rối, phức tạp. Dĩ nhiên, thái độ nhất quán đó không chỉ được tỉa ra từ kinh nghiệm cá nhân mà còn phải được xây từ vốn tri thức sách vở nhất định. Nguyễn Việt Hà đọc sách để đẻ ra sách, rất khác với một số cây bút trẻ hơn, viết tản văn là để khoe sách mình đọc, tuy hồn nhiên nhưng kém tỉnh táo vì đã không giả định rằng luôn có người đọc thông minh.

Ở trường hợp Nguyễn Trương Quý, tuy cũng dựa vào tư liệu để khảo cứu nhưng tản văn của anh không sa đà kiến thức mà nghiêng về thông tin mới, bình luận dí dỏm như ở Xe máy tiếu ngạo hayCòn ai hát về Hà Nội. Những cuốn tản văn khác của anh, Hà Nội là Hà Nội, Ăn phở rất khó thấy ngonvà mới đây nhất, Mỗi góc phố một người đang sống, đuổi theo khám phá Hà Nội, không phải để ném những viên sỏi vào đề tài đã chật bóng tiền nhân, mà để tìm thêm những vòng sóng mang dư vị mới.

Ở phương Nam, Nguyễn Ngọc Tư luôn chứng tỏ mình là người gây khó cho độc giả nếu muốn nhớ hết số lượng tản văn của chị. Cảnh sắc và đời sống sông nước miền Tây ăn lẹm vào từng câu chuyện, với ngôn ngữ và nhân vật được địa phương hóa cao độ. Tôi cũng thấy trong tản văn Nguyễn Ngọc Tư một thứ chủ nghĩa cảm thương mà nếu tiết chế được, nó đánh động nhân tâm, còn lạm dụng quá, nó như một thứ tráng miệng ngậy mùi. Là thương hiệu của văn đàn và là nhà văn kiểu Nam Bộ, Nguyễn Ngọc Tư chắc không thể hãm lại ở thể tản văn đang ăn nên làm ra của chị.

Phan Thị Vàng Anh, ngược lại, tản văn phần lớn đều viết ra để lạm bàn thế sự, thậm chí là “gây sự”. Duy trì nhãn quan sắc sảo trong phân tích, chất vấn, bình luận muôn mặt đời sống nhân sinh thường ngày khiến tản văn của chị khá gần tính cách trực chiến, tiểu phẩm báo chí. Người đọc nhớ tản văn Phan Thị Vàng Anh là nhớ những mảng miếng bắt mạch, chẩn bệnh vừa tức tốc vừa chính xác các trạng huống nhếch nhác, dớ dẩn và phi lí của xã hội mà ta đang sống.

Nói tản văn là phi hư cấu một phần vì mức độ khảo cứu được tán ra trong đó. Nhờ thao tác khảo cứu, nhiều tản văn trở thoát khỏi sự dùng dằng quá lâu trong hồi ức, tâm tình cá nhân để trình hiện những hiểu biết, mô tả khách quan về đối tượng quan tâm. Phẩm chất này đòi hỏi người viết tự mình tiến thêm một bước trong việc lựa chọn đề tài, nội dung mà bản thân am tường nhất. Tản văn không nên là con quay búa xua mùa nào thức ấy mà là những phi tiêu cắm sâu vào vốn văn hóa, tri thức đang tích lũy. Theo chiều hướng đó, nhiều tản văn có thể là những mô tả dân tộc chí như Tháng giêng, tháng giêng một vòng dao quắm của Y Phương khi ông, một người trong cuộc, đã diễn giải rõ hơn các phong tục, văn hóa Tày và từ đó, trao tặng cơ hội thông hiểu tộc người này cho độc giả. Khả năng mô tả, khảo cứu Hà Nội của Nguyễn Ngọc Tiến cũng là một dạng lập hồ sơ văn hóa, lịch sử đáng lưu tâm. Thậm chí, với Bát phố, Nguyễn Bảo Sinh còn lược thuật những “lịch sử nhỏ” về Hà Nội mà giới sử quan phương thường bỏ qua.

Đến đây, tản văn đã chứng thực là một thể loại khó viết chứ không phải là cuốn lịch để ghi vội vài dòng tản mạn tùy thời tiết, tâm trạng. Khi viết tản văn với tâm thế và đòi hỏi của một người khảo cứu, nghiên cứu, thì những lúc cần phải “răn đời”, giáo huấn, giọng điệu cũng trở nên thủ thỉ, tâm tình, kiểu chuyện trò như Cao Huy Thuần đã lịch lãm thể hiện.

Ngược lại với đòi hỏi trên, những tản văn chỉ đáp ứng được điều kiện “hãy viết nhanh hơn nữa” của báo chí sẽ bị lãng quên chóng vánh. Càng đánh nhanh thì nguy cơ mất hút càng lớn. Như tiểu thuyết hay truyện ngắn, tản văn không hiếm những cây bút trắng tay hết sức lãng xẹt. Với một thời đoạn văn chương chẳng bảo hiểm điều gì ngoài sự đỏng đảnh của chính nó thì cao trào tản văn hôm nay rất có thể sẽ lắng xuống khi độc giả chai dần các món đặc sắc, còn các cây bút tản văn có nghề thì dần “gác kiếm”, các “sao mai” mọc nhanh không kiểm soát. Một thể loại gặp thời không có nghĩa là trường thọ. Với tản văn như chúng ta đang thấy, lại càng như thế.

---------------------------------------------------

Chú thích:

1, 2: Nguyễn Việt Hà (2013), Con giai phố cổ, NXB Trẻ, tr.72-76 & tr.254

Sẽ tập trung quản lý chặt thông tin trên các blog và mạng xã hội


————–




Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra trong 6 tháng cuối năm 2015 là tập trung quản lý thông tin trên Internet, đặc biệt là thông tin trên các blog, mạng xã hội.
Thông tin trên được đưa ra tại Dự thảo Báo cáo sơ kết công tác quản lý nhà nước 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trên thực tế, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng không gian mạng để đưa những thông tin vu khống, sai sự thật, bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo… Và, nếu không kịp thời những thông tin xấu, độc hại sẽ tác động rất lớn đến tâm tư của người dân.


Trước đó, trong một lần trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, không có chủ trương ngăn chặn mạng xã hội phát triển, nhưng với các blog xấu thì “ngoài biện pháp kỹ thuật, chúng tôi đã khuyến cáo các cơ quan báo chí tăng cường thông tin chính thống để đấu tranh lại với các luận điệu xuyên tạc trên blog cá nhân phản động.”


Cũng trong 6 tháng qua, một số cơ quan báo chí, truyền hình, xuất bản hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, để xảy ra những sai phạm phải xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi ấn phẩm vi phạm, tạm dừng phát sóng chương trình; một số trang thông tin điện tử tổng hợp trên Internet bị rút giấy phép hoạt động.

Nguyên nhân được chỉ ra là hiện có nhiều trang thông tin điện tử, mạng xã hội, blog cá nhân có máy chủ đặt tại nước ngoài nên khó kiểm soát, ít chịu sự tác động của văn bản pháp quy Việt Nam.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh về tốc độ đưa tin, chạy theo lợi nhuận của một số cơ quan báo chí, thông tin điện tử khiến việc kiểm soát nội dung chương trình, ấn phẩm thiếu triệt để.

Để quản lý thông tin trên Internet, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra, chấn chỉnh hiện tượng cung cấp thông tin sai sự thật, các luận điệu xuyên tạc, chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước./.

Xem thêm: Chấn chỉnh thông tin sai sự thật, xuyên tạc (VNN).

____

Nguồn: TTXVH

Truyện ngắn : Nhân phẩm đàn ông.





Tôi là một gã đàn ông độc thân đang độ tuổi trung niên, hẳn nhiên là phải có nhu cầu về tình dục. Với tôi, quan hệ tình dục là đỉnh cao của tình yêu nhưng khỗ nỗi, tôi lại là kẻ lười tán gái. Đối với tình yêu, tôi tin vào duyên phận và nhân quả trả vay. Tôi vẫn thường bảo những thằng em thất tình : " chuyện gì đến sẽ đến, hãy để mọi chuyện diễn ra một cách tự nhiên, có cưỡng cầu cũng không được mà ngược lại còn chuốc vào mình phiền não". Lười tán gái thì cánh đàn ông độc thân như tôi chỉ còn cách" tự sướng" hoặc tìm đến gái " bán dâm". Tôi không tiếc tiền và đủ khôn ngoan để không phải " tự sướng" làm sinh lý càng mất cân bằng hơn. Tôi chọn " gái bán dâm" và có chọn lọc chứ không " bừa bãi". Dù sao những cô gái "bán dâm" thời đại @ này đủ kiến thức không chỉ thõa mãn cho khách mua mà còn biết tự bảo vệ bản thân. Y học phương đông chỉ ra việc quan hệ " tình dục" với người khác giới sẽ cân bằng âm dương nội thể. Phương Tây thì đó là " tự do cá nhân" là "nhân quyền".Cũng may, tôi lười và sợ trách nhiệm nhưng vẫn không thoát khỏi vài cuộc tình sau khi tôi ly hôn. Nhưng thôi, tôi chỉ muốn kể với các bạn một vài câu chuyện mà theo tôi vương víu đến cái " nhân phẩm đàn ông". Những câu chuyện mà chính bản thân tôi phải tự hỏi mình

CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT

Nói một cách nào đó, tôi là một khách chơi "sành điệu" và vì vậy mà quen không ít " má mì" - những cố gái điếm lâu năm trong nghề " mua phấn bán hương " này. Một hôm, tôi nhận cuộc gọi của Lan-một trong số má mì tôi biết.
- alo, có gì không em?
-lâu rồi, không thấy anh gọi. Bộ có vợ rồi hả?
- Có đâu -tôi trả lời- gọi em thì phải có tiền chứ-tôi đùa- chơi thiếu được à?
- Giỡn hoài- Lan nói- em có hàng mới nè, khỏi chê, đúng "gu" của anh, chân dài 100%
- Giá bao nhiêu? - tôi hỏi
- 2 triệu
- Cao vậy?
-Em bảo đảm anh đi thấy là ghiền luôn. Con bé chỉ đi khách khi nào kẹt tiền thôi đó.
- Thế còn em bao nhiêu? ( tôi hỏi Lan tiền dắt mối)
- như mọi lần 10%
Tôi do dự, bởi chừng như tôi không có hứng thú.
-Đi đi. em gọi cho anh trước hết đó!
Ừ, thì đi. Chiều nay tôi cũng chẳng làm gì mà trời thì u ám. Vậy là tôi đồng ý.
Lan bảo: Anh lấy phòng rồi gọi cho em. Đừng có nhắn tin nha cha nội. Tôi đáp : biết rồi!
Tôi tìm đến khách sạn mà tôi biết có độ an toàn cao, ít khi bị 814 kiểm tra. Lấy phòng, tôi gọi và báo cho Lan . Tôi vào phòng tắm., dù sao cũng phải sạch sẽ.
Tắm xong, lau khô mình và lấy khăn quấn ngang người. Vừa lúc đó tôi nghe tiếng gõ cửa. Tôi bước đến mở cửa. Một cô gái cao ráo, thon thả bước vào, trên mặt cô vẫn còn che " khẩu trang". Cô bỏ "túi xách' xuống ghế salon, vừa tháo khẩu trang, vừa nhỏ nhẹ hỏi tôi : Anh đến lâu chưa?
Khi cô quay mặt về phía tôi , bất giác tôi sững sờ. Đẹp, quả là đẹp. Mắt to, mũi thon nhỏ, môi dầy đầy gợi cảm. Cô mỉm cười với tôi để lộ đôi má lún đồng tiền. Nụ cười có cái gì đó thật trong sáng.
- để em đi tắm nha! Cô nói nhỏ nhẹ rồi thong thả thoát y. Từng đường cong trên da thịt trắng hồng, săn chắc của cô lồ lộ trước mắt tôi. Tôi thấy mình như nóng lên. Không kiềm được, tôi bước đến ôm cô vào lòng và đặt nụ hôn lên gáy cô. Cô khẽ đẩy tôi ra, vừa cười nói : em làm cả ngày, chưa kịp tắm hôi lắm đó.
Cái háo hức của tôi dịu đi, thay vào cho sự tò mò. Tôi hỏi : Em làm công nhân à? Em đáp : dạ! Rồi nhanh nhẹn bước vào nhà tắm.
Tôi nằm trên giường, trần như nhộng và chỉ che phần dưới của mình bằng cái khăn tắm. Cảm giác háo hức làm tình trước sắc đẹp của em bỗng như tan biến đi đâu. Em đẹp, đẹp và trong sáng khiến cái thằng đàn ông dạn dày đường phố như tôi bỗng trở nên 'thánh thiện". Có một cái gì đó "tiếc nuối" trong tôi. Có lẽ, cái chất đa cảm từ lâu ngủ yên trong tôi bổng "giật mình" thức dậy.
Tôi tự hỏi  mình, sao tôi lại có thể mua cái đẹp của em với giá rẻ mạt như vậy? Mà tôi cũng không thể cho em nhiều hơn. Nếu như trước đây, khi còn là " đại gia", có lẽ tôi sẽ cố gắng biến em trở thành nhân tình của riêng mình, cho dù em không yêu tôi. Dù sao, ngủ với một thằng đàn ông lâu dài còn hơn ngủ với trăm thằng đàn ông.
Em bước ra, rồi lên giường nằm cạnh tôi. Em cũng chỉ quấn khăn tắm nhưng tôi cảm nhận được sau tấm khăn ấy là cặp ngực căng tròn, tràn sức sống. Đúng lúc đó, điện thoại của tôi reo lên. Tôi nhổm dậy, ra khỏi giường nghe điện thoại. Một thằng em, gọi điện rũ cà phê. Bất giác tôi đáp : Đến đi, tao đến liền.Bỏ điện thoại tôi nhìn em. Em đã bỏ khăn che ra khỏi người.
Tôi nói : anh xin lỗi, có dịp gấp rồi. Em cười : mình làm xong rồi đi cũng còn kịp mà anh. Tôi quay lưng, không trả lời em, lấy bóp đếm đủ 2 triệu rồi quay lại đưa em. Tôi cố đùa : Coi như anh tạm ứng trước nha.
Em cầm tiền, không nói gì. Còn tôi thì mặc đồ. Chừng như khi đã biết chắc tôi không ở lại, em mới ngồi dậy và mặc đồ. Vừa mặc đồ, em vừa bảo tôi : anh ghi số điện thoại của em đi. Tôi lấy máy và bảo : Em đọc số đi. Tôi ghi số và nhá máy cho em. Cả tôi và em đã mặt đồ xong, tôi bảo em đi trước. Em cười, rồi hôn lên má tôi, nói nhỏ : Chị Lan bảo anh dễ thương lắm đó!
Em đi rồi, tôi ngồi lại trong phòng, đầu óc trống rỗng.
Hơn tháng sau, em gọi điện cho tôi và tôi đã tìm cách thoái thoái thác là đang ở sài Gòn. Sau đó, tôi không nhận được điện thoại của em nữa. Và tôi, đôi lần tôi cũng muốn gọi cho em nhưng rồi thôi. Cuộc sống hiện tại của tôi không thể đùm bọc cho em  và tôi cũng không còn đủ tự tin để khiến em yêu tôi.
Cho đến giờ, tôi vẫn tự hỏi mình: điều gì khiến hôm ấy tôi hành động như vậy? Có phải vì em  đẹp hay không? ( Tôi cũng đã ngủ với vài cô "người mẫu" rồi kia mà). Hay là gì sự trong sáng tỏa ra từ  nụ cười của em? Chừng như tôi đã hành động một cách vô thức! Tôi vốn dĩ là một thằng đàn ông lớn lên từ đường phố, từ lâu đã quên cái gọi là " nhân phẩm" rồi...

CÂU CHUYỆN THỨ HAI :


Tôi cùng mấy thằng em thường ngồi quán cà phê Tiên Sa. Quán không chỉ mát rợp nhờ vào tán lá rộng lớn của những cây xanh, mà còn " mát mắt" bởi những em tiếp viên " chân dài" ăn mặc cực kỳ "ít tốn vải".
Nhi là một trong những tiếp viên xinh nhất nhì của quán và cũng khá "thân thiện" với lũ chúng tôi. Một buổi trưa, quán vắng khách, Nhi ra ngồi cùng bàn với tôi và Cường ( một thằng em làm ăn). Thấy Nhi có vẻ buồn, tôi hỏi :
- Có gì mà mặt như bánh bao vậy?
- Em rầu quá ! Mai đến ngày thăm mẹ rồi mà không có tiền- Nhi đáp. Nghe Nhi nói, Cường cười bảo:
- Tối nay đi chơi với anh Phong đi- cho em một triệu.
- Đi đâu ?- Nhi trừng mắt nhìn Cường- dụ tôi hả?
-Em xin ứng tiền chủ quán đi- tôi bảo.
- Tháng này em ứng hai lần rồi, chủ đâu cho ứng nữa.
Trông vẻ mặt của Nhi thật thảm.
- Vậy đi chơi với anh đi- tôi cười ( thật ra tôi chỉ đùa như thường lệ). Nhi không nói gì, đưa mắt nhìn tôi, rồi bỏ đi . Tôi nghĩ, Nhi giận.
Nào ngờ, sau 10 giờ tối, tôi nhận điện thoại của Nhi.
- Anh đến quán rước em đi.
- Đi đâu chứ?- tôi ngạc nhiên hỏi.
- Thì đi chới với anh- Nhi đáp- lúc trưa anh rủ em mà.
-Ừ, vậy hả- tôi sực nhớ câu đùa lúc trưa- em đi thật à?- tôi hỏi.
- Có đến đón không? Hỏi hoài- Nhi đáp.


Vậy là tôi đến đón Nhi. Chúng tôi đi ăn, xong tôi đưa Nhi về nhà mình. Tôi Nghĩ, Nhi cũng như nhiều cô gái bán cà phê khác vẫn thường "đi dù" như thế này.
Chúng tôi lên giường. Khi tôi chạm vào cơ thể trần truồng của em, tôi thấy Nhi run bắn, co dúm người lại, khiến tôi không khỏi ngạc nhiên. Thằng đàn ông từng trãi như tôi không khỏi nghi ngờ, tôi hỏi :
- Em còn trinh à?
Nhi nhìn tôi gật đầu, mắt rơm rớm như muốn khóc. Tôi lăn ra khỏi người em, thở dài.
Tôi châm thuốc hút để làm dịu lại ham muốn tình dục của mình và quay sang nhìn Nhi , cười bảo: " em khờ vậy, ai lại bán Trinh giá 1 triệu đồng chứ?
Nhi dường như ngạc nhiên khi nghe tôi nói " bán trinh", hỏi :
- Có bán trinh thật hả anh?
Tôi nhìn gương mặt xinh đẹp, ngây ngô của Nhi mà chua xót :
- Đẹp như em" bán trinh" cũng được vài chục triệu!
-Nhiều vậy- Nhi kêu lên- rồi nhìn tôi vẻ như muốn hỏi gi đó.Thấy vậy, tôi bảo:
- Nói gì nói đi
Nhi ngập ngừng rồi gượng ngập nói :
- Vừa rồi...em co bị " mất trinh" không?
Tôi bật cười,lắc đầu bảo :
- Anh chưa làm thì sao mất chứ!- yên tâm đi cô nương.
Nhi im lặng, không nói gì cả.
Tôi bảo:
- Mặc đồ vào đi, không anh không nhịn được ' phá trinh " em bây giờ .
Nhi vội bước xuống giường mặc đồ vào. Tôi cũng xỏ quần đùi vào.
Nhi mặc đồ xong rồi lên giường, tôi bảo : ngủ đi- và bước ra ngoài.
Quen nhau đã lâu, tôi biết rõ hoàn cảnh gia đình Nhi. Ba Nhi bỏ mẹ con Nhi khi Nhi mới lên mười. Mẹ Nhi một mình nuôi ba đứa con ăn học, rồi sa vào con đường ghi đề, chứa bài.Bị bắt kêu án 4 năm tù, khi Nhi mới học lớp 11. Chị em Nhi phải về ở với bà ngoại và Nhi bỏ học, đi bán quán cà phê.
Tôi lấy cây đàn ghita, ra hàng ba ngồi đánh vài bản nhạc nhưng chẳng bản nào ra hồn. Vào nhà, mở tủ lạnh lấy lon bia uống nhưng vài hớp , chỉ thấy đắng nghét cổ họng.
Tôi trở vào phòng, Nhi nằm trên giường, quay mặt vào tường. Tôi lấy chăn đắp cho Nhi, rồi lên giường nằm cạnh em.
Nhi vẫn chưa ngủ, quay sang tôi hỏi.
- Em muốn bán trinh thì làm sao?
Tôi ngớ người, nhìn Nhi chăm chăm, rồi thở dài, nói :
-Em hỏi con Oanh trong quán đó!- Nó đi "dù" thường chắc có mối.
Nhi không nói gì nữa, quay vào tường. Tôi nằm bên Nhi suy nghĩ vẫn vơ. Ham muốn "tình dục" ở tôi chừng như đã đi đâu mất. Cuối cùng rồi, tôi cũng đã thiếp đi.
Khi tôi thức dậy, trời đã hừng sáng. Nhi vẫn ngủ say. Tôi gọi Nhi dậy và đưa Nhi về quán.
Trên đường, ngồi sau lưng tôi, Nhi hỏi:
- Em không có bị mất trinh phải không?
Tôi đáp :
- Ừ. Không tin hả?
- Em không biết!
Đến quán, tôi móc túi cho Nhi một triệu rồi dặn: Đừng kể gì về chuyện tối qua đó!


Khoảng một tháng sau, khi tôi đang ngồi uống cà phê một mình, Nhi đến bên tai tôi, nói nhỏ :
- Em bán Trinh được 20 triệu đó.
Tôi nghe lùng bùng lỗ tai, chưa kịp nói gì thì Nhi đã vội vào trong.
Từ ngày đó, tôi ít đến quán cà phê Nhi bán, rồi do công việc, tôi đi làm ăn xa
Hơn một năm sau, công việc làm ăn thất bại nặng nề, tôi hoàn toàn phá sản và trở về sống tạm ở nhà bà chị.
Một buổi trưa, tôi vào quán Thanh Trà uống cà phê. Đang loay hoay tìm một bàn thích hợp thì nghe gọi
_ Anh Phong
Tôi quay về tiếng gọi,thì nhận ra Nhi gọi tôi.
Tối đến ngồi ở bàn Nhi. Đúng lúc đó trời đổ mưa. Trò chuyện hỏi thăm nhau, mới biết Nhi giờ làm tiếp viên karaoke. Hôm nay, Nhi được nghỉ phép về thăm nhà. Mẹ Nhi cũng đã hết hạn tù.
Cơn mưa kéo dài khá lâu vẫn chưa tạnh hẳn. trời cũng đã chiều. Tôi định về thì Nhi bảo:
_ Đi nhậu với em đi.
_ Biết nhậu rồi à?- Tôi cười hỏi .
- Ừ, hỏng chừng anh uống không lại em luôn đó- Nhi bảo.
- Hôm khác đi, hôm nay anh hết tiền rồi.
- Em bao- dạo này em làm có tiền mà.
Khi nhìn Nhi, tôi biết điều đó. Tôi cũng đang buồn, nên gật đầu đồng ý.
Chúng tôi tìm đến một quán nhậu gần đó. Uống hết chai rượu( tôi không thích uống bia nên Nhi cũng theo ý tôi), đã ngà say tôi bảo Nhi về nhưng Nhi đòi uống thêm. Hết chai thứ 2 có lẽ chúng tôi đều say, Khi về, Nhi bảo tôi :
-Mình vào nhà trọ ngủ đi anh.
Chúng tôi vào nhà trọ và đêm đó, cả hai đều háo hức " làm tình". Có lẽ, do rượu.


Sáng hôm sau, chúng tôi dậy muộn. Nhìn đồng hồ đã hơn 9 giờ. Nhi xuống giường vào nhà vệ sinh, tắm rửa, thay đồ. Khi ra, tôi vẫn còn nằm trên giường. Nhi đến bên, hôn lên má rồi bảo : em đi làm, lần này xem như em với anh "ân đền oán trẻ nhé"- Cô cười- nụ cười tươi rói- lần sau em gọi thì phải trả tiền đó...

CÂU CHUYỆN THỨ BA

Thấy tôi sống một mình, cơm hàng quán chợ mấy thằng em bảo tôi nên lấy vợ có người mà chăm sóc cho tôi , tôi cười bảo : " một lần lập gia đình là một lần khổ mà tao thì chỉ muốn sướng, tự do tự tại ".Thằng Tí " đầu gấu" : " đại ca còn tiền thì nói vậy, hết tiền ai lo?". Tôi bảo : " khi nào hết tiền hẳn hay, sống ngày nào hay ngày nấy đi". Bỗng nhiên Tí bảo tôi :" hay đại ca kiếm một cô gái bao đi, em mai mối cho". Tôi chửi: " mẹ bà mày, có mà điên ".
Thế rồi, một chiều Tí điện cho tôi rủ nhậu. Tôi đến thì thấy có mấy cô gái ngồi cùng. Thường thì tôi không chú ý lắm nhưng hôm đó, những cô nàng ngồi với Tí không chút son phấn.Trong buổi nhậu, Tí cứ mấp mé làm mai tôi cho Giao. Giao trẻ, chỉ đáng tuổi con trai tôi, mới nghỉ học và đi làm Xí nghiệp chung với Tí.Tôi cũng chỉ đùa, ậm ừ nhậu cho qua chuyện.Không ngờ, nhiều lần sau đó, uống cà phê, hay đi nhậu Tí luôn rủ giao đi cùng. Dần dà, chúng tôi thân nhau và tôi cũng chỉ xem Giao như bao đưa em bạn khác. thỉnh thoảng, Tí cũng nhắc tôi : " Con giao nó có vẻ thích anh đó. Nếu anh đồng ý, tháng 3 triệu em hợp đồng cho". Thường là tôi gạt ngang, quay sang chuyện khác. Không phải vì Giao không đẹp, mà ngược lại rất xinh và hiền, đúng mẫu con gái tôi thích nhưng nghĩ đến chuyện " bao gái" là tôi thấy tởm.
Thế rồi, một đêm, chúng tôi nhậu say bí tỉ, Tí kiếm cớ chở bạn gái về và buộc tôi phải đưa Giao về nhà. Tôi thì quá say để chạy xe nên bảo Giao lái xe . Giao đưa tôi về nhà , rồi nấu nước lau mình cho tôi. Đã gần 10 năm rồi, tôi chưa từng được phụ nữ chăm sóc như vậy. Không chỉ thế, Giao lên giường ngủ cùng tôi. Đêm đó, tôi đã không ngăn được dục tính. Sáng hôm sau, tôi thức dậy rất muộn, chỉ mơ màng nhớ đến đêm hôm qua và tôi bỗng giật mình nhảy dựng khi nghĩ là Giao còn là con gái. Quả nhiên đúng vậy, một vài giọt đỏ còn in trên tấm tra giường. Tôi thở dài.
Khi tôi bước ra khỏi giường thì nhìn thấy tờ giấy, tôi cầm và đọc : " Em đi làm. Yêu anh".Tôi khó mà tin được là Giao yêu tôi.
Kể từ ngày đó, Giao chính thức sống với tôi như vợ chồng . Hàng tháng, tôi luôn đưa cho Giao số tiền 3 triệu và thỉnh thoảng cũng mua quà cho cô. Phần Giao thì không bao giờ hỏi tiền tôi cả, chỉ khi nào tôi đưa thì mới nhận. Giao vẫn ở nhà với mẹ chỉ thứ bảy và chủ nhật thì về ở với tôi.
Một hôm, sau khi làm tình xong, Giao hỏi tôi : " anh có yêu em không?"Tôi hơi bất ngờ, nhưng rồi tôi hỏi lại " Em nghĩ sao?". Cô cắn vào vai tôi đau điếng, rồi nói : " anh khôn quá đi". Quả thật, sống với cô đã gần 2 năm, tôi vẫn chưa bao giờ hỏi mình tôi có yêu Giao không?
Không ngờ, đó là đêm cuối cùng Giao ở bên tôi.

Cả tuần, tôi không gặp Giao và cũng không điện thoại cho cô. Dự tính, sẽ làm cho cô vui bất ngờ . Tôi đã mua sợi dây chuyền mặt cây thánh giá mà Giao rất thích. Chiều thứ bảy, tôi về nhà sớm hơn thường lệ nhưng đợi đến gàn 10 giờ tối mà Giao vẫn chưa đến. Tôi không nhịn được, điện thoại cho Giao. Không có tiếng đổ chuông. Tôi gọi điện cho Tí,  hỏi thăm thì nó bảo nó cũng không liên lạc được Giao đã mấy ngày nay rồi.
Một tuần trôi qua, tôi luôn cảm thấy bứt rứt, khó chịu và nhớ Giao. Nhớ mùi hương trên mái tóc cô. Nhớ ánh mắt và nụ cười trên môi cô sau mỗi lần chúng tôi ân ái. Tôi nhận ra tôi đã yêu Giao.
Tôi cho người dò hỏi thì mới té ngữa : Giao đã lấy chồng Đài Loan và xuất cảnh.
Một thàng sau, Duyên bạn thân của Giao hẹn tôi ra quán cà phê. Duyên đưa cho tôi thư của Giao và nó : Giao nó dặn em, đợi nó đi 1 được tháng rồi hãy đưa bức thư này cho anh.
Tôi cầm bức thư, do dự không biết có nên mở ra đọc không. Duyên lên tiếng : Sao anh không đọc đi, xem nó viết gì?


Anh yêu của em! 

Em xin lỗi vì đã dấu anh chuyện em phải ra đi. Gia đình em mang một món nợ lớn mà không có cách gì trả. Em không còn cách nào khác. Anh trách em đã không nhờ anh. Hai năm qua, ở bên anh em đã nhận ra anh tình yêu của anh dành cho em và em đã thật sự hạnh phúc, nhất là khi anh mua sợi dây chuyền mặt thánh giá. Hôm đó, em cũng có mặt tại cửa hàng khi anh bước vào. Tính anh là vậy, chẳng bao giờ để ý xung quanh, nên anh không nhận ra em. Lúc đó em chỉ muốn chạy lại ôm anh mà hết lên : Tôi thật hạnh phúc! 
Dù anh chưa bao giờ nói yêu em nhưng em luôn cảm nhận được tình cảm sâu lắng anh dành cho em khi chúng mình bên nhau. Em không thể liên lụy đến anh vì em biết anh sẽ sẳn sàng bán đi những thứ mình có để trả nợ cho gia đình em.
Cám ơn anh đã cho em hiểu được tình yêu thật sự! 
Anh hãy đeo sợi dây chuyền và xem như em vẫn ở bên anh.
Hãy tha thứ cho chọn lựa của em.
Mong anh hãy vì em mà tiếp tục sống vui vẻ.

                                                                                               Yêu anh !

P//S Hy vọng ngày gặp lại em được anh đeo sợi dây chuyền mặt thánh giá ! 

Đọc xong lá thư, tôi cố kiềm lòng để không rơi nước mắt. Duyên sốt sắng hỏi tôi : Sao, nó viết gì vậy? Nói em nghe được không?
Tôi chỉ cười, rồi bảo : Bảo em thay thế đó.
Duyên lườm tôi, bảo : mất nết. Không hiểu sao con Giao nó yêu anh được.
Tôi gọi tính tiền, rồi bảo Duyên tôi có việc phải đi. Không quên trêu đùa : Khi nào đồng ý thì alo anh nhá!

Tôi chỉ muốn nhảy ùm xuống sông.
Đời là vậy! Chết dễ , sống khó! Làm thằng đàn ông tử tế càng khó hơn!



MỘT BẦY ZOMBIE CHÍNH TRỊ ?



Gần đây, các bạn trẻ có dấy lên phong trào "Zombie Nguyễn", với dự định lấy con zombie làm hình ảnh biểu tượng cho một phong trào dân chủ đường phố Việt Nam. Theo tôi, đây là một quyết định rất can đảm.

Hình tượng zombie bắt đầu được thế giới biết đến rộng rãi qua phim ảnh Hollywood hồi đầu thế kỷ 20. Từ đó đến nay, những ý tưởng căn bản hàm chứa trong biểu tượng này chưa thay đổi nhiều lắm. Về cơ bản, zombie luôn được mô tả như một dịch bệnh chết chóc nhanh chóng lây lan trong xã hội, tới mức con người không thể kiểm soát, và làm nhân loại diệt vong.


Mọi dịch bệnh zombie trên phim ảnh đều có chung năm đặc điểm nổi bật:

1) Virus zombie biến những con người sống động thành những xác chết biết đi. Khác với người sống, vốn là những cá thể độc lập, có tình cảm và suy nghĩ riêng, lũ zombie hoàn toàn là một đám đông vô thức. Đám đông ngu dốt này hành động như một bầy đàn có chung suy nghĩ và tình cảm, thuần túy dựa trên động lực phá hoại, và vô cùng hung hãn.

2) Bầy zombie không có mục đích nào khác, ngoài đồng hóa toàn bộ nhân loại đa dạng và khác biệt thành cùng một giống zombie. Lũ zombie đi lang thang ngoài đường, truy lùng người sống để ăn não của họ, khiến họ nhiễm bệnh rồi nhập vào đám đông vô thức của mình. Chúng sẽ không dừng lại cho tới khi toàn bộ loài người đã trở nên giống y như chúng.

3) Bị biến thành zombie là một cái chết kì cục. Người ta không chết về mặt thể xác, vì zombie vẫn là những xác chết biết đi. Thay vào đó, người ta chết về tinh thần. Đó là cái chết do đánh mất bản thân và khả năng tự suy nghĩ.

4) Lũ zombie nhào đến bất cứ nơi nào có tiếng động.

5) Zombie luôn tụ tập thành những bầy đàn diễu hành trên đường phố, và đập phá bất cứ nơi nào chúng đi qua.

Hãy thử quan sát phong trào dân chủ Việt Nam, để thấy nó giống zombie thế nào. Đa phần các nhà dân chủ Việt Nam cũng đã thoái hóa thành một đám đông vô thức hung hãn. Với não trạng bất dung cố hữu, họ cũng gạt phăng mọi dị biệt, tuyệt đối tin rằng tín điều dân chủ - nhân quyền phương Tây - một thứ mà họ thực ra không hiểu, không trải nghiệm và không biết thực hành - là chân lí và mô hình xã hội duy nhất đúng mà toàn nhân loại phải bị lây nhiễm. Họ cũng hùa theo những khẩu hiệu của phong trào rồi đánh mất dần những cá tính riêng, cùng khả năng cảm nhận và suy nghĩ độc lập. Họ cũng vứt hết mọi kế hoạch dài hạn, để ồ ạt chạy theo những nhân vật và sự kiện chỉ có tác dụng gây tiếng vang. Họ cũng nhào vào cắn xé không thương tiếc bất cứ ai chưa bị zombie hóa như mình. Và họ cũng chẳng mơ gì hơn, ngoài một cuộc cách mạng zombie với các đám đông trả thù và đập phá trên đường phố.

Những người khởi xướng phong trào Zombie Nguyễn can đảm ở chỗ họ đã chọn một biểu tượng mô tả rất chính xác phong trào dân chủ Việt Nam, dù đó là một biểu tượng bị thế giới văn minh kinh tởm.

Họ kêu gọi trên Internet: "Tất cả chúng ta đều là Zombie!".
Không, tôi có não, đừng cắn và lôi tôi vào. Tôi là chính tôi, tôi không phải là Zombie Nguyễn.

[Nhà Dân Chủ]

Cách làm từ thiện của tình nguyện viên người Mỹ khiến tôi suy ngẫm





Mọi người trên chuyến xe cứu trợ không khỏi xúc động khi nhìn thấy một cậu bé da đen sạm gầy trơ xương, quần áo tả tơi đuổi theo chiếc xe tải to lớn chở đầy quà cứu trợ.

Ngay lập tức, nhóm tình nguyện viên chúng tôi quay vào xe lấy quà cứu trợ trao cho cậu bé.

“Anh định làm gì vậy? Bỏ xuống!” tình nguyện viên người Mỹ quát lớn.
Chúng tôi không khỏi bất ngờ trước hành động kì quặc của chàng trai người Mỹ. “Chúng ta đến đây để giúp mọi người kia mà?” Họ nghĩ thầm.

“Chào em, tụi anh đã đi rất xa để đến đây. Trên xe có rất nhiều thứ, em có thể giúp anh chuyển chúng xuống không? Tụi anh sẽ trả công cho em”. Tình nguyện viên người Mỹ hỏi cậu bé.

Trong khi đứa trẻ còn đang lưỡng lự, thì các cậu bé khác đã chạy tới trước chiếc xe. Tình nguyện viên người Mỹ cũng đề nghị giống như vậy với chúng.

Một đứa trong nhóm xung phong khuân thùng bánh bích quy xuống xe.

“Rất cám ơn em đã giúp anh, đây là phần thưởng cho em – một thùng bánh bích quy và một cái chăn bông được trao cho cậu bé – Không còn ai sẵn lòng giúp đỡ bọn anh nữa sao?“

Những đứa trẻ lập tức trèo lên xe và trong tích tắc hàng hóa đã nằm ngay ngắn dưới mặt đất. Các tình nguyện viên nhanh chóng trao cho mỗi em một phần quà cứu trợ.

Một đứa trẻ đến muộn vô cùng thất vọng khi nhìn thấy cái thùng xe tải trống rỗng. Em không biết mình phải làm gì để được nhận quà.

“Hãy nhìn xem, mọi người đang rất mệt mỏi. Thật tuyệt vời nếu em có thể tặng mọi người một bài hát.” Tình nguyện viên người Mỹ gợi ý.

“Cám ơn em, bài hát thật tuyệt!” Chàng trai vừa nói vừa trao cho cậu bé một phần quà.

Trước các hành động của tình nguyện viên Mỹ, nhóm chúng tôi không khỏi trầm tư, suy nghĩ…

Đêm đó, các tình nguyện viên đã có dịp trò chuyện cùng nhau. Anh bạn người Mỹ nói:

“Thật xin lỗi vì thái độ của tôi ban sáng, tôi không nên lớn tiếng như thế. Nhưng bạn biết không; nghèo không phải là cái tội, nhưng nếu những đứa trẻ ấy nhận được sự giúp đỡ của mọi người một cách quá dễ dàng, rất có thể chúng sẽ hình thành lối nghĩ: dùng sự nghèo đói của mình để mưu sinh, chứ không cố gắng phấn đấu để vươn lên. Lúc ấy, chúng sẽ càng nghèo khổ hơn. Đó không phải là lỗi do chúng ta gây ra hay sao?”
Có thể nói hôm đó là một ngày dài đầy trải nghiệm.

Dường như những đứa trẻ đã quen với việc được mọi người giúp đỡ bằng cách phân phát thức ăn, nhu cầu yếu phẩm hay tiền bạc mỗi khi đến đây. Cho nên chúng ngang nhiên đứng trên đường chờ những chuyến xe thiện nguyện đến phát quà.

Làm việc thiện không khó nhưng cũng không đơn giản, cần có lý trí không nên vì hành động của mình mà gây ảnh hưởng xấu cho thế hệ tương lai.


Theo NTDTV - Tình nguyện viên người Mỹ dạy chúng tôi làm từ thiện đúng cách
Thanh Thanh biên dịch