" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014
Dân Chủ, Ước Mơ và Hiện Thực
Ngày nay, không có nhân tình, không có đạo làm người, dù mù mờ, khả năng trước mắt của nhân loại là một loại dân chủ Athènes mức toàn cầu, trong đó một thiểu số thực sự tự do và bình đẳng với nhau trên cơ sở sự lệ thuộc có thể đẫm máu của đại bộ phận nhân loại. Phải chăng ta chủ quan mơ mộng khi ta không chấp nhận điều đó, không muốn nó xẩy ra. (Trần Đạo)
Gồm có:
- Dân chủ, một khái niệm mờ ảo
- Một nền dân chủ mẫu mực: Cộng Hoà Athènes
- Dân chủ và cách mạng tư sản Pháp
- Marx và nền dân chủ tư sản
- Từ tự do trên cơ sở bất bình đẳng tới bình đẳng trên cơ sở lệ thuộc nhau
- Marx và chủ nghĩa xã hội
- Xã hội xã hội chủ nghĩa hiện thực và Marx
Khi khoa học mù tịt, khi chính trị bất lực, khi trí tuệ đầu hàng
Dân chủ, một khái niệm mờ ảo.
Cách đây khoảng 10 năm, ở Pháp, xuất hiện một lối nói rất ăn khách: đa nguyên. Muốn tỏ vẻ in, phải điền chữ đa vào mọi lãnh vực:démocratie pluraliste, pensée plurielle, société plurielle, culture plurielle, texte pluriel, poésie plurielle, discours pluriel và ... amour cũng phải pluriel mới là amour !Người Pháp vốn tếu. Họ đa cho đã rồi họ đả, và tìm mốt mới. Người Việt vốn trọng kinh thư, lại thích "hệ thống hoá" tư tưởng và lời nói, nên chỉ đã sau khi đả tứ tung và đa mọi chuyện. Dân chủ thì phải đa nguyên, chính trị thì phải đa đảng, kinh tế thì phải đa thành phần, xã hội thì phải đa giai cấp, văn hoá thì phải đa dạng, và tư tưởng đa nguyên dĩ nhiên phải... đa tư tưởng, v.v. Lối suy luậndadaïste đó, mặt nào đó, quý. Nó bắt ta nghi đa.
Nói tới dân chủ, người ta hay nghĩ tới nước Mỹ. Quả nhiên, Mỹ thành lập nền dân chủ tư sản đầu tiên. Người Mỹ có câu: One man one vote, một người bằng một người, anh bác học bằng anh mù chữ, tổng thống bằng dân đen, tỷ phú bằng ăn mày, chủ bằng thợ... Trên cơ sở nào những người ấy bằng nhau ? Trên cơ sở họ đều là người. Con người nói chung ấy không có thực. Thực tế, có ông A, ông B, không có hai người bằng nhau. Vì thế, có người cho đấy là dân chủ hình thức, trong nghĩa trừu tượng, không có thực.
Cũng vì thế, trong thế kỷ 18, 19 ở Pháp, có hệ luận chủ trương chuyện cộng đồng dân tộc nên dành riêng cho những kẻ tài đức, không nên trao mọi người quyết định. Quan điểm một số người, một đảng, một cá nhân, là tinh hoa của một dân tộc không mới. Nó có trước và trong cách mạng tư sản Pháp. Xa hơn, nó đã có trong tư tưởng của Platon. Nó hình thành vì chưa ai vạch được cơ sở lôgíc của sự bình đẳng giữa người với người. Chế độ dân chủ chấp nhận sự bế tắc về lý, nhưng không chịu từ bỏ hoài bão bình đẳng. Ðiền thêm từ Nhân ái sauTự do,Bình Ðẳng, các nhà cách mạng tư sản Pháp công nhận bình đẳng giữa người với người chỉ có thể tìm trong tình người. Có lẽ vì tình yêu là kinh nghiệm cơ bản cho ta thấy ta bằng mình, mình bằng ta, ta chỉ trở thành ta nếu mình yêu ta. Ðây là đề tài triết học chưa có giải đáp thích đáng.
Một người bằng một người. Nhưng nếu phải bỏ phiếu dưới áp lực của quyền lực hay tiền bạc, cũng không có dân chủ. Lá phiếu thể hiện dân chủ khi người bỏ phiếu tự do. Vì thế có nguyên tắc phiếu kín. Phiếu kín bảo vệ an toàn cho người bỏ phiếu. Nó công nhận: người bỏ phiếu chưa thực sự tự do.
Một nền dân chủ mẫu mực: Cộng Hoà Athènes.
Tự do và bình đẳng là nền tảng của chế độ dân chủ. Vì vậy, chế độ dân chủ đầu tiên ở châu Âu hình thành nơi con người tự do và bình đẳng xuất hiện, ở Hy Lạp, tại cộng hoà Athènes.
Công dân Athènes tụ họp tại Agora, công trường của thành phố, bàn và quyết định mọi việc liên quan tới vận mạng của thành phố. Ở đó, mọi người tự do phát biểu, tranh luận. Họ quyết định theo đa số. Trong quan hệ giữa người với người, họ vừa tự do, vừa bình đẳng. Họ tự do trên cơ sở họ bình đẳng. Họ bình đẳng với tư cách là người tự do. Họ tranh luận công khai, họ giơ tay đầu phiếu. Họ thực sự bình đẳng qua lá phiếu. Họ thực sự tự do qua cách bỏ phiếu. Vì sao ? Vì không ai lệ thuộc ai để tồn tại.
Về kinh tế – xã hội, Hy Lạp thời ấy là xã hội nô lệ. Về chính trị, đó là xã hội dân chủ nhất trong lịch sử loài người. Ðiều này thoạt tiên khó hiểu. Ta sẽ hiểu nếu ta ý thức rằng, đối với người Hy Lạp, nô lệ không là người, hay ít nhất không là công dân. Họ không có mặt trong không gian chính trị. Không gian ấy dành riêng cho những con người thật, con người tự do và bình đẳng. Trong tiểu thuyếtSalammbô,Flaubert viết một đoạn văn hay về điều này trong xã hội Carthage.Amilcar Barca bắt một thằng bé nô lệ thế mạng con mình để tế thần. Cha thằng bé, lão nô bộc đã nuôi Amilcar, quỳ lạy. Almicar ngạc nhiên, bỡ ngỡ (hay ở đó !): sao lão biết tình cảm thiêng liêng ấy của con người ? Trong mắtAmilcar, lão chưa bao giờ là người cả.
Con người tự do trong cộng hoà Athènes được tự do chính vì nó là chủ nô. Nó toàn quyền sinh sát nô lệ của nó. Những kẻ ấy đảm bảo sự tồn tại độc lập của nó đối với người khác. Người công dân Athènes tự do trong hai nghĩa. Nó tự do đối với nô lệ, đối với điều kiện sinh tồn của mình. Nó tự do đối với người công dân khác. Hai hình thái đó của tự do trong cùng một con người liên hệ hữu cơ với nhau. Người công dân Athènes hoàn toàn tự do đối với người công dân khác trên cơ sở sự lệ thuộc hoàn toàn của người nô lệ. Ðó là tự do của con người xây dựng trên sự nô lệ hoá con người.
Trong xã hội ấy, bình đẳng cũng có hai mặt. Người nô lệ hoàn toàn bình đẳng với người nô lệ trong tính chất nô lệ của họ. Người tự do hoàn toàn bình đẳng với người tự do trong tính chất tự do của họ. Nhưng người tự do và người nô lệ hoàn toàn không bình đẳng, ngay cả trong tính chất người của họ. Trong nhân sinh quan ấy, người là người, nô lệ là nô lệ, không có gì chung giữa họ. Về thực tế, chủ nô cũng nuôi nô lệ như nuôi con gà con vịt trong nhà[1] . Ðó là sự bình đẳng giữa người với người xây dựng trên sự bất bình đẳng giữa người với người (nô lệ).
Nhiệm vụ của nô lệ thời cổ Athènes, Hy Lạp - Ảnh của websites.google.com/site/ancientathenianslavesand/..
Thể chế cộng hoà Athènes không độc đáo ở chỗ có chủ nô. Nó độc đáo ở chỗ, trên cơ sở ấy, con người sáng tạo ra chế độ chính trị lấy tự do và bình đẳng làm nền tảng cho quan hệ giữa người với người, chế độ dân chủ. Khái niệm ấy là tiền thân cho khái niệm dân chủ ngày nay. Nó thể hiện qua câu One man one votecủa người Mỹ, qua quốc hiệu của Pháp: Liberté, Égalité. Trong nghĩa đó, con người thực sự tự do khi thực sự bình đẳng với người khác. Không ai lấy quan hệ giữa chủ nô Hy Lạp và nô lệ làm gương cho nền dân chủ. Trong quan hệ nô lệ, người chủ nô chỉ được tự do đối với những con vật biết nói, không được tự do đối với con người. Trong quan hệ ấy nó không được làm người tự do. Nó thực sự trở thành người tự do, trong nghĩa hiện đại, khi nó đối diện những người như nó, bằng nó, những người tự do. Ðó là điều kiện cơ bản để sự tự do hình thành trong nhân giới. Ta chỉ thực sự tự do đối với người tự do và bình đẳng với ta. Xã hội công dân (société civile) Athènes hội tụ hai điều kiện ấy.
Ðó là dân chủ trên cơ sở nô lệ, là tự do và bình đẳng trên cơ sở phi tự do và bất bình đẳng (đối với nô lệ).
Thể chế dân chủ Athènes tồn tại suốt thời gian người Athènes biết bảo vệ và bảo vệ được nền tảng của nó. Ðiều đó không đơn giản. Con người đã tự do, không gì ngăn cấm nó sử dụng năng khiếu riêng để áp bức người khác, biến người khác thành nô lệ. Ðiều đó sẽ tiêu diệt điều kiện cơ bản cho phép nó làm người tự do. Chính vì người khác chỉ bình đẳng với nó ở tính chất tự do, không lệ thuộc ai để sống. Ngoài ra, đương nhiên không có hai người bằng nhau. Do đó, một nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ Athènes là: không sử dụng vũ lực để quyết định phải trái ; công nhận, tôn trọng, bảo vệ sự bình đẳng giữa mình với người khác, giữa những cá nhân khác biệt ; chấp nhận đối thoại, thảo luận, tranh luận như phương pháp duy nhất để tranh thủ sự đồng ý, đồng tình của người khác.
Cái chết của Socrates (uống độc dược),
tranh vẽ của Jacques-Louis David (1787)
Ở Athènes, lời nói, lý lẽ, sức thuyết phục là vũ khí nội trị cơ bản, vũ khí chính trị duy nhất giữa công dân. Có lẽ vì vậy Socrate thản nhiên uống thuốc độc thay vì rời bỏ Athènes: nơi ấy, ông được làm người tự do, tuy chính nơi ấy, con người đã dựa vào đa số để tước đoạt quyền làm người của ông. Không phải tình cờ đời sau coi ông như tổ sư của triết học Tây Âu. Tự sát, ông đặt một vấn đề cơ bản của triết học: quan hệ giữa tự do và sự thật. Cũng có lẽ vì vậy nền văn minh Athènes đã phát triển cao trong mọi lãnh vực, triết học, khoa học, nghệ thuật... và tới nay còn ảnh hưởng sâu đậm vào nền văn minh âu châu. Nó là nền văn minh nhân bản vào bậc nhất trong lịch sử nhân loại.
Tóm lại, đặc điểm lớn nhất của chế độ cộng hoà Athènes là: sự tự do và bình đẳng có thực giữa những con người thực, con người cụ thể, làm nền móng cho nền dân chủ. Ðó là lý do khiến nền văn minh ấy không coi nô lệ là người.Khái niệm tự do hình thành ở Athènes vì công dân thực sự bình đẳng với nhau ở khía cạnh cơ bản nhất của thân phận người: họ không lệ thuộc nhau về mặt kinh tế. Ðây là khác biệt cơ bản giữa hình thái dân chủ trong cộng hoà Athènes với hình thái dân chủ trong những xã hội khác trong lịch sử. Nền dân chủ Athènes không lâu bền. Ðến nay, không ai hiểu vì sao nó hình thành thời đó, và chỉ ở đó. Một bài thơ độc đáo trong văn học của loài người.
Dân chủ và cách mạng tư sản Pháp
Mục 1 trong Tuyên ngôn quyền làm người, lời mở đầu cho Hiến pháp của Pháp, ghi quan điểm dân chủ của người Hy Lạp cổ dưới dạng khá lạ:
Les hommes naissent et demeurent libres et égaux en droits.
Văn phạm câu này hết sức nhập nhằng ở những từ en droits. Phải hiểu thế nào ?
Tại sao không viết rõ hơn ? Thí dụ:
1) Les hommes naissent et demeurent libres et égaux. (Con người sinh ra và tồn tại tự do và bình đẳng).
2) Les hommes naissent et demeure libres et égaux en droit. (Con người sinh ra và tồn tại tự do và bình đẳng trên nguyên tắc).
3) Les hommes naissent et demeurent libres et égaux devant la loi. (Con người sinh ra và tồn tại tự do và bình đẳng trước pháp luật).
Câu thứ nhất không chấp nhận được. Một mặt, nó không đúng sự thực: con người thời ấy không tự do và bình đẳng trong bất cứ lãnh vực nào. Mặt khác, không ai muốn vậy trong thực tế: quyền bầu cử tự do và bình đẳng, bước đầu dành riêng cho đàn ông, và trong đám đàn ông, dành riêng cho một thiểu số đủ sức nộp một mức thuế nhất định (vote censitaire), khoảng 10.000 người (theo trí nhớ).
Câu thứ hai càng không thể chấp nhận. Nó nêu rõ: tự do, bình đẳng chỉ là nguyên tắc, không có thực, tự do bình đẳng ảo. Ðối với người cách mạng tư sản, người muốn bắt thực tế tuân theo lẽ phải của lý trí, làm sao chấp nhận được.
Câu thứ ba, đối với con cháu Descartes, càng khó chấp nhận hơn: nó mâu thuẫn. Tự do trước pháp luật là điều vô lý. Chỉ có thể nói: trước pháp luật, anh trách nhiệm hành vi của anh vì anh tự do. Trước hết, con người phải tự do, rồi tự do phải làm nền tảng cho pháp luật, lúc đó con người mới có trách nhiệm trước pháp luật. Bình đẳng trước pháp luật, đương nhiên là tốt. Nhưng ai, với tư cách nào, có quyền lập luật, đặc biệt lập Hiến pháp, bộ luật cơ bản ? Với tư cách là Moïse, mang Thánh luật ban bố cho nhân gian ? Người cách mạng tư sản Pháp không muốn tôn giáo điều khiển xã hội. Với tư cách đại diện dân ? Trên cơ sở nào ? Tự do và bình đẳng ! Tuyên ngôn xác định cơ sở xây dựng pháp luật. Không thể dựa vào luật pháp để viết Tuyên ngôn.
Viết mục 1 của Tuyên ngôn, các nhà cách mạng tư sản Pháp tỏ ra họ là những người trung thực: chấp nhận bế tắc tư tưởng bằng một câu văn nhập nhằng. Họ cũng tỏ rõ quan điểm của họ về dân chủ mâu thuẫn, lờ mờ.
Libres en droits, hoặc không có nghĩa, hoặc có nghĩa: tự do về một số quyền, không thực sự tự do. Dĩ nhiên, trong đời thực, không ai hoàn toàn tự do về mọi mặt. Nhưng trong tâm linh, mọi người đều có thể nghiệm sinh rằng tự do không có giới hạn. Hơn nữa, câu kia ngược với tinh thần dân chủ của người Pháp. Họ chấp nhận hạn chế tự do của mỗi người ở mức không xâm phạm tự do của người khác. Ngoài ra tự do, tự nó, không có giới hạn, không ai có quyền liệt kê con người tự do ở những điều gì. (Xem cuộc tranh luận nổi tiếng giữa Sartre và Camus)
Égaux en droits có nghĩa bình đẳng ở một số quyền, đồng thời cũng có nghĩa không bình đẳng trong mọi quyền khác, không thực sự bình đẳng.
Tự do và bình đẳng ở lãnh vực nào, tới mức nào, đó là nội dung cơ bản của điều 2 trong Tuyên ngôn:
Le but de toute association politique est la conservation des droits naturels et imprescriptibles de l'homme. Ces droits sont la liberté, la propriété, la sûreté et la résistance à l'oppression.
Mục đích của mọi cơ chế chính trị là bảo tồn những quyền tự nhiên và bất khả xâm phạm của con người. Những quyền đó là tự do, sở hữu, an toàn và chống đối sự áp bức.
Như thế, sau khi tuyên bố một cách nhập nhằng rằng tự do và bình đẳng là bản chất của con người, bước vào cụ thể, để xây dựng cơ chế chính trị pháp quyền, người ta loại bỏ bình đẳng khỏi quyền làm người, thay bằng quyền sở hữu. Nhưng vẫn giữ nguyên tắc tự do. Ðiều đó dễ hiểu.
Tự do có một trạng thái hoàn toàn trừu tượng đối với quan hệ sở hữu. Trong trạng thái ấy, ngay người nô lệ cũng tự do. Ðiếu ấy thể hiện qua mẩu truyện nổi tiếng về Épictète, một triết gia nô lệ thời Hy Lạp cổ, phái stoïcien: chủ bẻ tay ông ; ông thản nhiên nói: Coi chừng nhé, nó sẽ gẫy đấy ; qua thái độ đó, ông thể hiện tính tự do bất khả xâm phạm của mình. Trạng thái tự do này không trừu tượng vì nó là một hiện tượng tâm linh. Trong nghĩa đó, tự do của bất cứ ai cũng là hiện tượng tâm linh, cũng trừu tượng. Nó trừu tượng ở chỗ nó không thể hiện một quan hệ xã hội tự do. Nó trừu tượng đối với quan hệ sở hữu thời ấy. Trong quan hệ xã hội thực, Épictète là nô lệ. Ông chỉ tự do trong quan hệ với chính mình. Hồn ông của riêng ông, thân ông của chủ. Trong lãnh vực riêng, ông muốn nghĩ gì thì nghĩ không ai cấm được. Thậm chí, trong quan hệ riêng với vợ con, bè bạn v.v. ông có thể muốn làm gì thì làm, miễn sao ông không vi phạm quyền sở hữu của chủ trên chính thân ông và những người ấy: ông có thể yêu hay ghét con, không thể cấm chủ bán con ông. Nền dân chủ tư sản công nhận quyền tự do của con người trong nghĩa trừu tượng ấy: con người hoàn toàn tự do trong phạm vi đời sống riêng. Trong quan hệ xã hội, nó giới hạn tự do vào không gian chính trị, không gian duy nhất nó chấp nhận sự bình đẳng giữa người với người qua lá phiếu kín.
Quyền sở hữu cũng được nêu trong tinh thần đó, với ý ngược lại: trong trừu tượng ai cũng có quyền như ai, trong thực tế, không nhất thiết họ bình đằng về mặt sở hữu, kể cả sở hữu mảnh đất chung của họ. Mảnh đất do trời, lịch sử và ngẫu nhiên tặng từng người, về chính trị, là của chung, ai cũng có nhiệm vụ đổ máu bảo vệ, về kinh tế là của riêng, mạnh ai nấy chiếm (đúng hơn, mạnh ai nấy mua). Chính trị dân chủ, kinh tế độc quyền. Ngay ngày nay, sau khi chế độ tư bản đã thay đổi nhiều để tồn tại, chẳng mấy ai điên đi tìm dân chủ trong quan hệ kinh tế. Bước vào sở, vỡ mộng ngay !
Khái niệm bình đẳng không tình cờ biến mất trong mục 2 của Tuyên ngôn. Những nhà cách mạng tư sản Pháp thoát thai từ xã hội phong kiến. Ðối với chế độ phong kiến, họ thiếu tự do. Ðối với dân đen họ thừa sở hữu. Trong thực tế, họ cần một chế độ đảm bảo cho những người nắm phương tiện sản xuất được tự do làm ăn. Trong lý tưởng, họ đi xa hơn giới hạn lịch sử ấy vì họ là những người cách mạng chân chính. Bất cứ cuộc cách mạng chân chính nào cũng vươn xa hơn (về mặt lý tưởng) những mục đích trước mắt của nó, vì nó chỉ có thể chiến thắng nếu nó thu hút được đa số cộng đồng xã hội. Do đó, nó phải ghi trong cương lĩnh nguyện vọng của đa số: tự do và bình đẳng. Cũng do đó, nó ghi những điều ấy dưới dạng mập mờ, mâu thuẫn, khó hiểu. Nhưng dễ cảm. Les hommes naissent libres et égaux ... en droits !
Marx và nền dân chủ tư sản
Trong Tư bản luận, Marx có lời bình hay về đề tài này: tự do và bình đẳng là nền tảng tự nhiên của phương thức sản xuất tư bản. Tự do cá nhân chính là điều kiện hình thành, tồn tại và phát triển cơ bản của nền sản xuất ấy, vì nó dựa trên sự mua bán sức lao động. Thị trường lao động là cốt lõi của phương thức sản xuất tư bản. Không có nó, phương thức sản xuất ấy ắt tiêu vong, tiền không thể biến thành tư bản, không thể đẻ ra tiền. Thị trường lao động đòi hỏi con người tự do, con người đủ thẩm quyền bán sức lao động của mình, bán chính mình. Con người ấy không có trong xã hội nô lệ, nông nô. Một vai trò lịch sử của chủ nghĩa tư bản, chính là giải phóng nông nô, biến nó thành người tự do, người có quyền bán chính mình. Bình đẳng là nguyên tắc cơ bản trong sự trao đổi hàng hoá. Nó là nền tảng của thị trường nói chung, của thị trường tư bản nói riêng trong đó có thị trường lao động. Trong thị trường lao động, con người thực sự tự do và bình đẳng với nhau, hoặc với tư cách người bán sức lao động, hoặc với tư cách người mua sức lao động, qua tự do cạnh tranh ; họ cũng thực sự tự do và bình đẳng trong quan hệ mua và bán sức lao động, không ai ép ai, mua và bán đúng giá thị trường. Tóm lại, họ tự do trong tư cách mỗi người làm chủ chính mình, họ bình đẳng trong tư cách họ là hàng hoá, có thể trao đổi với nhau trên nguyên tác cân bằng. A=B=10.000 F / một tháng có nghĩa: A và B cùng thuộc tính, không khác nhau về chất (identité de nature, commensurabilité, đồng chất, cùng thước đo), tuy có thể khác nhau về lượng (trong trường hợp ấy: A=xB).
Trên cơ sở hai nguyên tắc ấy, kinh tế tư bản đã dẫn tới loại xã hội nào trong những thế kỷ 18, 19, chắc chẳng cần nhắc. Ðó là chưa nói tới thuộc địa và hai cuộc chiến tranh thế giới. Vì thế, sau khi đề cao tính chất cách mạng và vai trò lịch sử của chủ nghĩa tư bản, Marx lại cười nhạt và thêm sau từ Fraternité từBentham, tên một triết gia nổi tiếng với luận điểm: con người vốn ích kỷ, nhưng rốt cuộc, chính sự ích kỷ của từng người sẽ mang lại sự tiến bộ, tốt lành cho xã hội, cho loài người. Thật ra, luận điểm này chín mùi từ E. Kant[2] . Nhưng chính Kant cũng thấy nó phi lý nên ông chấp nhận: lý của nó ẩn nấp trong một mẹo của tạo hoá vượt kiến thức của con người.
Quyền sở hữu thiêng liêng nhưng không bình đẳng, không có gì cấm cản có người sở hữu điều kiện tồn tại của người khác, khiến người khác chỉ còn cách "tự do" bán chính mình để nuôi thân, và do đó mất tự do. Người đi làm thuê, bước chân vào hãng sở, hiểu liền. Càng hiểu thấm thía khi bị đào thải. Ở Pháp có một thị trường tự do khủng khiếp, trong đó một nhúm người tự do mặc cả cuộc sống của 3 triệu người thất nghiệp. Dĩ nhiên người thất nghiệp tự do bán, hoặc tự do ngắc ngoải. Có khi muốn bán với bất cứ giá nào cũng chẳng ai thèm mua. Trong quan hệ ấy, người thất nghiệp, tuy tự do, đã trở thành con người không cần thiết cho xã hội, chết sống cũng như không. Nó không còn là người đối với người. Nó là đồ thừa. Nói cách khác nó tự do trong tưởng tượng, bất lực trong thực tế. Biểu hiện cụ thể của tự do là khả năng hành động[3] trong nghĩa khả năng thực thụ quyết định sự diễn biến của xã hội, của đời mình. Khi con người bất lực tới mức hoàn toàn lệ thuộc kẻ khác để tồn tại, con người ấy không thực sự tự do.
Từ tự do trên cơ sở bất bình đẳng tới bình đẳng trên cơ sở lệ thuộc nhau
Nền dân chủ tư sản Pháp phát triển đã hơn hai trăm năm nhờ động lực của mâu thuẫn cơ bản ấy: tự do và bình đẳng về chính trị, thể hiện năm bẩy năm một lần qua lá phiếu kín, lệ thuộc và bất bình đẳng về kinh tế, thể hiện hàng ngày qua đồng lương. Tuy nó đã thay đổi nhiều để thích hợp với sự phát triển của bản thân nó và của thế giới, về bản chất, mâu thuẫn ấy vẫn là nét đặc thù của nó. Vì vậy, trong những cuộc tranh luận ý thức hệ, những người bảo vệ nó, dưới nhiều hình thái khác nhau, cơ bản vẫn dùng những luận điểm có từ thế kỷ 19. Có hai luận điểm thường được đề cao.
1) Con người tự do mới phát huy hết trí tuệ, năng lực của mình, khiến loài người tiến bộ nhanh. Ðiều này, từ lâu, chẳng ai phủ nhận.
2) Trong thực tế, con người không bình đẳng, do đó, bất bình đẳng về sở hữu (và qua đó về quyền lực và hưởng thụ) mới thực sự công bằng, mới kích thích con người vận dụng hết năng khiếu của mình, chịu trách nhiệm về hành động của mình... Ðiều đó làm kinh tế, khoa học, kỹ thuật, xã hội phát triển... v.v. và v.v.
Sự khác biệt giữa những con người cụ thể là chuyện tự nhiên. Nói chung, đó là điều kiện hình thành mọi hiện thể, con người, con thú, đồ vật... Nhưng chỉ có loài người mới rút ra từ sự khác biệt ấy khái niệm bình đẳng. Khái niệm dân chủ đáng làm đề tài thảo luận vì nó bao hàm khái niệm bình đẳng (one man, one vote).Nếu không, lấy tự do của rừng già làm luật chơi giữa người với người là tự nhiên nhất. Chế độ tư bản không đặc biệt ở chỗ nó chấp nhận sự khác biệt giữa những con người cụ thể. Ðiều đó, chẳng ai chối từ được, chẳng ai mất thời giờ phản đối. Nó đặc biệt ở chỗ nó rút ra từ sự thực ấy kết luận: nó phải đẫn tới sự bất bình đẳng về sở hữu dưới dạng tư hữu. Ðiều ấy nhất thiết chăng ? Có ba cách trả lời:
1) Nhất thiết và vĩnh viễn nhất thiết. Ðó là câu trả lời của triết gia tư sản. Quan điểm này dẫn tới kết luận: từ thời thượng cổ tới nay, con người vẫn vậy, không có gì mới dưới mặt trời nhân giới ! Thí dụ: mua bán nô lệ hay mua bán sức lao động cũng thế thôi, đều là mua bán người. Không thấy công nhân khác nô lệ ở chỗ nó tự do !
2) Không nhất thiết nữa, có thể đổi ngay. Ðó là câu trả lời của các đảng cộng sản trong các nước xã hội chủ nghĩa hiện thực. Do đó mà quốc hữu hoá, hợp tác hoá cả nghề thủ công.
3) Nhất thiết cho tới khi phương thức sản xuất tư bản phát huy hết khả năng và vai trò, nâng tính chất xã hội của lực lượng sản xuất tới mức một quan hệ sở hữu bình đẳng trở thành nhất thiết. Ðó là câu trả lời của Marx.
Khôi hài thay, quan điểm 1 hoàn toàn phù hợp với quan điểm 3 ở một điểm: anh muốn hay không, sẽ vậy. Nói cách khác, lịch sử phát triển theo quy luật khách quan, độc lập với ý muốn của từng người, anh không tự do như anh tưởng. Có lẽ vì vậy bản trường ca phong phú, sâu sắc, đẹp nhất, kể cả về mặt văn chương, ca tụng chủ nghĩa tư bản chính là Tư bản luận. Và người tư sản có thể tự hào tríchTuyên ngôn của Ðảng cộng sản làm tuyên ngôn của mình. Hai bản tuyên ngôn hay nhất về chế độ tư bản là Tuyên ngôn quyền làm người và Tuyên ngôn của Ðảng cộng sản. Có lẽ vì bản sau là con đẻ của bản trước.
Khuynh hướng chung trong sự phát triển nền dân chủ tư sản Pháp có hai nét cơ bản: ngày càng tự do và bình đẳng về mặt chính trị, ngày càng bớt tự do, bớt bình đẳng về mặt kinh tế.
Năm 1814, ở Pháp, 90.000 người có đủ tư cách (tiền) để bầu cử, 15.000 có đủ tư cách để ứng cử. Năm 1848, cũng trên tiêu chuẩn ấy, có 141.000 người có đủ tư cách để bỏ phiếu[4] . Mãi tới năm 1936, nhờ Mặt trận bình dân, quyền bầu cử của phụ nữ mới được công nhận.
Song song với sự phát triển ấy, sự bất bình đẳng về sở hữu phương tiện sản xuất cũng phát triển, đặc biệt nhanh trong thế kỷ 20. Từ 1958 đến 1981, số người sống với tư cách làm thuê (salariés), tức là sống bằng cách bán sức lao động, bán chính mình, so với tổng số người lao động (actifs), phát triển như sau[5] :
Pháp
từ 69% đến 83%
Ý
từ 57% đến 71%
Ðức
từ 76% đến 86%
Tiếp tục đà này, vào thế kỷ 21, có lẽ hầu hết người Pháp sẽ tồn tại với tư cách là người bán sức lao động, hoặc làm công chức cho Nhà nước, hoặc làm thuê cho tư nhân. Hoặc thất nghiệp.
Quá trình phát triển này có khi do chính Nhà nước cưỡng ép. Thí dụ các luật giới hạn quyền khai thác trẻ con, các luật cấm cha mẹ bán sức lao động của con trước một tuổi nhất định. Thời ấy, các em 5 hay 6 tuổi lao động 14 tiếng một ngày tương đối phổ biến. Cha mẹ quá nghèo phải bán sức lao động của con để sống. Nhưng, cơ bản, sự phát triển ấy do những cuộc đấu tranh giai cấp, lắm khi đẫm máu. Năm 1870, dẹp Công xã Paris, chánh quyền cho bắn khoảng 30.000 người và sau đó bỏ tù, đầy ải hơn 10.000 người[6] .
Sau chiến tranh thế giới 2, có chuyển biến quan trọng trong thể chế dân chủ Pháp: thành lập bình đẳng sở hữu toàn dân trong một số lĩnh vực kinh tế quyết định thông qua quốc hữu hoá. Ðiều này thực ra có từ lâu. Nhưng trong thế kỷ 20, nó phát triển tới mức lượng có thể biến thành chất. Người ta ước lượng, hiện nay, trong các nước tư bản âu châu, phần kinh tế quốc doanh, trực tiếp hoặc gián tiếp, chiếm hơn 1/3 nền kinh tế. Thật ngược cả quyền tư hữu thiêng liêng lẫn quy luật thị trường ! Người ta lý giải bằng nhiều lẽ. Số vốn cần thiết quá lớn cho tư nhân ? Ðiều này đúng. Nhưng cứ mặc thị trường giải quyết cũng được: ở Mỹ, Nhật, thiếu gì hãng tư có khả năng đầu tư vượt khả năng đầu tư của bất cứ quốc gia âu châu nào. Ðó là lãnh vực phục vụ cộng đồng ? Như thế là chấp nhận sự bình đẳng kinh tế ! Có lẽ lý do thật đơn giản hơn nhiều: không làm thì chết. Những cuộc khủng hoảng kinh tế dẫn tới hai thế chiến, những mâu thuẫn giai cấp liên miên căng thẳng, sự bành trướng của phe "xã hội chủ nghĩa" đã trực tiếp đe dọa sự tồn tại của xã hội tư bản. Không thể để tư nhân, trên cơ sở quyền tư hữu phương tiện sản xuất, tự do lấy tất cả những quyết định kinh tế có thể ảnh hưởng tới sinh mạng cộng đồng dân tộc[7] . Vai trò của Nhà nước, đảm bảo tự do và quyền tư hữu, tự do trên cơ sở bất bình đẳng về tư hữu và bất bình đẳng về tư hữu trên cơ sở tự do cạnh tranh, đương nhiên vẫn còn, vẫn cơ bản, nhưng vai trò can thiệp vào đời sống kinh tế, điều hoà quan hệ xã hội, đảm bảo sự bình đẳng tối thiểu giữa người với người với tư cách người nói chung, bất chấp quyền tư hữu và quy luật thị trường, ngày càng nặng. Ðó là nét lớn nhất trong sự phát triển của nền dân chủ tư sản âu châu sau chiến tranh thế giới 2. Nó phù hợp với luận điểm của Marx: quá trình xã hội hoá ngày càng sâu đậm của lực lượng sản xuất, trong đó có phương tiện sản xuất và người lao động, tự nó sẽ buộc xã hội thay thế tư hữu bằng những hình thái sở hữu thích hợp hơn. Riêng ở điều này, các nhà kinh tế, chính trị tư bản là học trò giỏi của Marx, ít nhất cũng giỏi hơn các đảng cộng sản cầm quyền trong thế kỷ 20.
Một hiện tượng quan trọng khác, mới xuất hiện từ khoảng 20 năm nay ở xã hội Pháp. Người ta phát hiện kinh tế, thậm chí sinh hoạt xã hội, có thể bị rối loạn trầm trọng do hành vi của một số ít người trong một nghề: đổ rác, giao thông, vận tải, y tá... Ðúng theo lôgíc thị trường, mọi nghề phải được xử lý theo hiệu quả kinh tế. Giá trị thực của từng người phải để thị trường lao động quyết định. Nhưng khốn thay, cứ để nó tự quyết định, xã hội có thể tan tành: thị trường tự do không còn khả năng điều hoà xã hội. Ðiều này có nghĩa: sự phân công lao động cụ thể (nghề này nghề nọ) trong xã hội, sự xã hội hoá nền sản xuất đã đạt mức không ai tồn tại riêng lẻ được, anh này muốn sản xuất phải tùy thuộc anh kia một cách cụ thể, đơn thuần kỹ thuật. Có nghĩa con người bắt đầu lệ thuộc nhau, không chỉ ở tính chất trừu tượng: đồng lương, giá trị trao đổi của người làm thuê, mà ngay ở tính chất cụ thể của họ: thợ hốt rác, phi công, tài xế... Do đó, dù anh giàu, mạnh, dù anh chiếm đa số, anh không thể tồn tại ngoài sự hoà thuận với tôi, anh không thể dựa vào sự bất bình đẳng về tư hữu để điều khiển tôi, điều khiển toàn bộ xã hội, anh phải tôn trọng quyền sống của tôi ngay trong tư cách cụ thể của người hốt rác, người lái xe, anh phải san sẻ với tôi, bất chấp quy luật trao đổi của thị trường lao động. Ðó là một trong những nền tảng thiết thực, "duy vật", của hình thái dân chủ đa nguyên (démocratie pluraliste), dân chủ hoà thuận(démocratie consensuelle) mới xuất hiện. Ðó là bình đẳng cụ thể trên cơ sở sự lệ thuộc nhau cụ thể trong sản xuất. Ðó là tự do cụ thể (của tài xế) trên cơ sở sự bình đẳng cụ thể (giữa ngành nghề, qua sự lệ thuộc lẫn nhau. Bình đẳng ở chỗ lệ thuộc nhau). Ðối với người suy luận theo phương pháp biện chứng, sự phát triển ấy đương nhiên. Dĩ nhiên, hiện thực này mới nhen nhúm không thường xuyên, chưa đi vào thể chế. Nhưng cũng đủ để nhiều nhà lý thuyết chú ý và tuôn khá nhiều mực.
Cuối thế kỷ 20, chế độ tư bản không còn đối trọng trong lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, thậm chí trong lãnh vực tư tưởng. Phe "xã hội chủ nghĩa" đã tiêu vong. Hai nước "xã hội chủ nghĩa" lớn cuối cùng, Trung Quốc và Việt Nam, đang nhào vào thị trường tư bản thế giới, thành lập chế độ tư bản rừng ngay tại bản xứ. Trong hoàn cảnh như thế, với tất cả kinh nghiệm điều hoà tích lũy qua lịch sử, tự nó chế độ tư bản vẫn phải sống liên miên trong khủng hoảng. Trong quan hệ nội bộ của từng quốc gia, nó phải dùng những biện pháp phi kinh tế, phi thị trường để cứu vãn sự tồn tại của nó. Trong quan hệ quốc tế giữa các nước tư bản lớn, nó phải tìm cách tránh vũ lực để giải quyết mâu thuẫn quyền lợi. Còn quan hệ của nó với các nước chậm tiến thế nào ? Về mọi mặt, chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, thậm chí nhân đạo, mấy năm qua có nhiều điều khuyên ta lạnh lùng suy ngẫm: Panama, Grenade, Irak, cấm vận với Việt Nam, sự trao đổi ngày càng chênh lệch giữa các nước, văn hoá rẻ tiền Mỹ... tùy mầu da, mạng người này đâu bằng mạng người khác...
Trong cộng đồng nhân loại hôm nay, kinh tế, đương nhiên là thị trường, mỗi năm giết người nhiều, nhanh, gọn, êm, hơn chiến tranh thế giới 2 (hơn 50 triệu trẻ em). Trong cộng đồng ấy, cái gì cho phép người Việt cụ thể, người sống thực, biết đau và biết chết, tin rằng nó sẽ được coi như người bình đẳng với người tây âu ? Thị trường tự do ?
Marx và chủ nghĩa xã hội
Từ khi phe "xã hội chủ nghĩa" đắm thuyền, ở Pháp có hiện tượng lạ. Ngày nào cũng có học giả chôn Marx trên lãnh vực này hay lãnh vực nọ. Chôn đi chôn lại không biết bao nhiêu lần, vẫn có nhu cầu tiếp tục chôn. Ðiều đó có nghĩa ông còn sống trong hiện thực xã hội, và sẽ sống tới ngày chẳng còn ai buồn chôn ông nữa. Như biết bao nhà tư tưởng lớn khác.
Lý do đơn giản: Marx viết rất ít về chủ nghĩa xã hội. Chôn các nước xã hội chủ nghĩa hiện thực không đủ để chôn tư tưởng của ông. Là người duy vật, ông không ưa suy luận suông. Học thuyết của ông tập trung phân tích những gì đã có, đang có, đang phát triển trong thời ông, đặc biệt phương thức sản xuất tư bản. Ông ảnh hưởng cả nền văn minh tây âu trong suốt thế kỷ không do tình cờ: tác phẩm của ông là con đẻ của nền văn minh tư sản.
Về chế độ xã hội chủ nghĩa, Marx chỉ nêu vài nguyên tắc cơ bản, rút ra từ phương pháp lý luận biện chứng duy vật. Ở đây triết học của Marx quả còn điều chưa thực sự rõ nghĩa, do đó môn duy vật lịch sử có điểm lờ mờ, khiến nhiều người hiểu một cách máy móc, thô sơ, rất thích hợp với lòng mộ đạo và đức tính cả tin của quần chúng cùng cực. Ta có thể nôm na tóm tắt như sau.
Ðặc điểm lớn nhất của loài người là nó tự tạo điều kiện tồn tại, tự tạo phương tiện sản xuất. Ðiều đó đòi hỏi sự hợp tác giữa người với người ngay từ đầu, ngay trong những cộng đồng nguyên thủy. Chính quá trình hợp tác ấy sinh ra khả năng tư duy, khả năng ngôn ngữ. Con người là con vật xã hội, tư duy và ngôn ngữ là sản phẩm xã hội trong nghĩa đó. Nói cách khác, con người ý thức mình là mình, một cá nhân, xuyên qua quan hệ xã hội. Ðó là nền tảng của khái niệm người nói chung, của ý thức ta là ta với tư cách ta bằng người khác, vì bản thân cuộc sống, tư duy và ngôn ngữ của ta có một tác giả duy nhất: cộng đồng, kể cả người đã chết, trong đó có ta.
Trong cộng đồng nguyên thủy, con người bình đẳng với nhau trên cơ sở họ hoàn toàn lệ thuộc nhau để tồn tại vì họ quá lệ thuộc thiên nhiên: không ai tách riêng khỏi cộng đồng mà tồn tại được. Trong những cộng đồng ấy, không thể hình thành chế độ nô lệ. Bắt được người, hoặc giết, thậm chí ăn thịt gặm xương, hoặc thả, hoặc cho nhập bọn. Lý do đơn giản: người nô lệ chỉ ích lợi khi nó có khả năng sản xuất hơn những gì cần thiết để nuôi thân. Trình độ của lực lượng sản xuất thời đó không cho phép thực hiện chuyện đó.
Kỹ thuật phát triển đòi hỏi phân công lao động xã hội dựa trên sự khác biệt tự nhiên giữa con người: nam đi săn, nữ nhặt hái. Bước đầu, nhặt hái công hiệu và đảm bảo hơn săn. Ðó là nền tảng hình thành chế độ mẫu hệ. Sau, với sự phát triển của kỹ thuật săn, kỹ thuật nuôi gia thú, nam át nữ, chế độ phụ hệ hình thành.
Lực lượng sản xuất phát triển, con người đạt khả năng sản xuất nhiều hơn phần tối thiểu cần thiết để nuôi thân. Ðiều đó mở đường cho chế độ nô lệ. Người bị nô lệ hoá đầu tiên, chính là người đàn bà. Dễ hiểu. Và đáng thương cho đàn ông (lời bình, Trần Ðạo).
Cũng thời đó, thị trường, nơi con người trao đổi sản phẩm với nhau, xuất hiện: đã có con người vừa tự do (trong tư cách chủ sản phẩm) vừa có thừa sản phẩm. Nó trao đổi đồ thừa của nó với đồ thừa của người khác. Vì thị trường hình thành ngay từ thuở xa xưa ấy nên tới thế kỷ 19, và ngay ngày nay, tuy ít, vẫn có người, kể cả nhà lý thuyết kinh tế, xã hội học, triết học, tưởng thị trường và sự trao đổi hàng hoá là hiện thực vĩnh cữu trong xã hội loài người.
Quan điểm ấy khiến ta không thấy được nét đặc thù của thị trường tư bản. Thị trường tư bản khác các thị trường đã hình thành trong lịch sử ở một điểm cơ bản. Trong thị trường tư bản có một món hàng gốc, quyết định bản thân nền sản xuất tư bản, bản thân sự vận động của thị trường, bản thân sự tồn tại của xã hội tư bản. Món hàng ấy chỉ xuất hiện trong lịch sử loài người với phương thức sản xuất tư bản. Món hàng ấy là con người tự do.
Tai hại hơn, quan điểm trên khiến ta không hiểu con người thế kỷ 20 giống và khác người thượng cổ ở chỗ nào. Với tư cách con vật có khả năng tư duy qua ngôn ngữ, con người nói chung, không những họ giống nhau, họ còn có chung một phần kho tàng nhân cách, văn hoá của nhân loại. Ngoài ra, họ không có gì chung, họ hoàn toàn khác nhau.
Từ thời nô lệ tới nay, xã hội loài người phát triển do một mâu thuẫn cơ bản: con người càng tự do đối với thiên nhiên bao nhiêu, càng lệ thuộc nhau bấy nhiêu. Nói theo ngôn ngữ mácxít, lực lượng sản xuất ngày càng xã hội hoá. Mâu thuẫn ấy phát triển xuyên qua hình thái sở hữu phương tiện sản xuất: nô lệ, nông nô, tư bản.
Phương thức sản xuất tư bản phát triển tự do cá nhân tới mức tột đỉnh, trong mọi lãnh vực, trừ lãnh vực kinh tế, trừ trong quan hệ sản xuất. Nhưng chính sự phát triển của nền sản xuất ấy, thông qua sự xã hội hoá ngày càng sâu rộng của lực lượng sản xuất, sẽ buộc quan hệ sản xuất (mà gốc lõi thể hiện ở hình thái sở hữu) phải thay đổi. Ðiều đó sẽ mở đường cho sự hình thành một phương thức sản xuất mới, phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa, trong đó chế độ công hữu (bình đẳng về quyền sở hữu) mâu thuẫn với sự chênh lệch có thực về năng khiếu giữa những con người thực. Do đó, xã hội chủ nghĩa cũng sẽ phải tự phủ định. Chỉ khi nào sản xuất phát triển tới mức con người hết lệ thuộc thiên nhiên, đến lúc điều kiện vật chất để tồn tại không còn quyết định cuộc sống của nó, đến lúc miếng ăn hết là miếng nhục, thì con người mới thực sự trở thành con người tự do và bình đẳng. Lúc đó, thời tiền sử của nhân loại chấm dứt, một nhân loại mới hình thành, nhân loại tự do. Nhân loại ấy, xã hội cộng sản ấy, không ai hình dung được nó sẽ thế nào (may thay !). Chỉ có nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ, thỉnh thoảng linh cảm được trong những lúc quá yêu (lời bình của Trần Ðạo, xin chớ gán cho Marx).
Marx suy luận như thế nào, trên cơ sở kiến thức nào, để phân tích, diễn giải quan điểm ấy về quá trình tiến hoá của xã hội loài người, đó là nội dung cơ bản, khá phức tạp, còn chưa thật rõ, của các môn duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, vài lời nôm na, thô thiển trên, không thể coi như trình bầy trung thực lý luận của ông. Muốn tìm hiểu tư tưởng và phương pháp luận của ông nên trực tiếp đọc tác phẩm của ông.
Xã hội chủ nghĩa hiện thực và Marx
Tới đây, bạn đọc có thể hỏi: cái xã hội xã hội chủ nghĩa hiện thực vừa phá sản kia, vì sao có được, tại sao đứng vững trong bấy nhiêu năm, vì sao suy sụp nhanh thế, dễ dàng thế ?
Hai vế đầu của câu hỏi lớn và phức tạp tới mức trong cả thế kỷ 20 chưa ai hiểu được, ít nhất tới mức phỏng đoán sự sụp đổ mau chóng của những chế độ ấy. Do đó, khi hiện tượng khổng lồ ấy xẩy ra, mọi người chưng hửng, bối rối. Dĩ nhiên, tác giả cũng không có khả năng hiểu tới mức thích đáng. Có lẽ chỉ người sống trong lòng nó mới hiểu được.
Vế thứ ba, buồn cười thay, rất thích hợp với luận điểm của Marx. Các chế độ xã hội chủ nghĩa hiện thực đều xây dựng trên nền kinh tế lạc hậu, phong kiến hoặc thực dân, sau một cuộc chiến tranh. Ở đó lực lượng sản xuất chưa đạt mức xã hội hoá cao như ở các nước tư bản. Khoác vào chúng những quan hệ công hữu (sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể) là tạo một mâu thuẫn chỉ có thể dẫn tới sự phá sản của quan hệ sản xuất, nền tảng của cơ chế chính trị. Ngược lại, xây dựng quan hệ sản xuất tư bản, không chóng thì chầy, sẽ dẫn tới sự tiêu vong của cơ chế chính trị phi tư bản. Ðiều này vừa có thể áp dụng cho Trung Quốc, Việt Nam, và... Thái Lan, Nam Triều Tiên.
Tìm hiểu và giải đáp hai vế đầu là đề tài nghiên cứu quan trọng, bổ ích. Có thể nó giúp ta hiểu rõ xã hội Việt Nam ngày nay, tránh những quan điểm tai hại khi thay đổi nó. Nhưng có lẽ, đối với ta hiện nay, có những câu hỏi cấp bách hơn. Trong thế kỷ này và thế kỷ tới, với những phương tiện sản xuất hiện đại, với con người hôm nay, trong tình hình quốc tế hiện tại, những bước đường xương máu dẫn từ xã hội tư bản rừng tới nền dân chủ đa nguyên tư sản trên cơ sở một nền kinh tế 1/3 quốc hữu, 2/3 tư hữu, còn thích hợp, hữu hiệu, cần thiết, hay không ? Có thể rút giai đoạn ở những khâu nào, vì sao ? Có thể sáng tạo gì mới không ? Rõ ràng người Hy Lạp cổ đã sáng tạo một thể chế vượt khả năng hiểu biết, suy luận của các nhà lý luận từ cổ tới kim, một thể chế khó hình dung trong thời đại của họ. Tình hình thế giới hôm nay rất mới lạ, tại sao phải suy nghĩ theo đường mòn của người khác ? Từ nền văn hoá cổ truyền của ta, từ nghiệm sinh 50 chiến tranh và 17 năm chế độ cộng sản trên toàn quốc, ta rút được những gì giúp ta mở đường cho một tương lai nhân bản nhất ? Hay chỉ biết nhại lại những gì phe này phe kia tố nhau từ hơn 200 năm ?
Có điều chắc chắc: ta không thể mơ hồ rằng thị trường tự do hôm nay sẽ ưu đãi người Việt, tặng cho riêng người Việt những gì nó không cho chính dân của các nước tư bản phát triển. Ðối với người chung thân phận với người Việt, trong đó có người tây âu, đối với 4/5 nhân loại, cũng vậy.
Khi khoa học mù tịt, khi chính trị bất lực, khi trí tuệ đầu hàng
Khái niệm tự do dễ hiểu qua sự nghiệm sinh hàng ngày. Mỗi lần bực bội thấy mình bị lấn áp, ta hiểu mình tự do. Khái niệm bình đẳng khó hiểu hơn. Trong đời này, không đâu ta thấy có hai người bình đẳng với nhau. Tuy vậy, những cuộc đấu tranh giai cấp đẫm máu trong quá trình hình thành và phát triển của nền dân chủ tư sản, những chế độ và chiến tranh thuộc địa, có thể đi tới diệt chủng như ở Mỹ, hai thế chiến, những chiến tranh đế quốc của Mỹ, Liên xô, nguy cơ tiêu diệt nhân loại qua chiến tranh hạt nhân, hoá học, sinh học... sự đau khổ, chết chóc của 4/5 nhân loại hôm nay, cũng đủ làm ta hiểu: lấy tự do của rừng già, dù là thông qua thị trường tự do, làm luật chơi giữa người với người là chuyện không thể chấp nhận. Con người dù sao vẫn là con người, one man one vote, not only on political rights ! Un homme fait de tous les hommes, qui les vaut tous et que vaut n'importe qui[8] . Phi lý ? Phi kinh tế ? 7 chính phủ các nước giàu mạnh nhất, với những phương tiện khoa học, kỹ thuật hiện đại khổng lồ, với sự trợ giáo của các bậc thầy kinh tế, vẫn bất lực trong ý muốn điều hoà kinh tế, mở đường cho sản xuất phát triển. Ðiều đó cho thấy rõ: cái lý tự nhiên của thị trường tư bản đã bắt đầu thắt họng kinh tế và xã hội của chính các nước tư bản hùng cường nhất. Thị trường tự do là xiềng nô lệ lớn nhất của nhân loại ngày nay. Qua nó con người lệ thuộc hành động và sản phẩm của chính mình tới mức trầm trọng chưa từng thấy. Ðó là sự phi lý nhất trong thời đại khoa học này. Sự bất lực của các chính khách cộng với sự cam phận, vuốt đuôi, của các nhà tư tưởng, của giới trí thức, trước những quy luật thép của thị trường là nền tảng của thái độ thờ ơ với chính trị, nghi ngờ và khinh bỉ chính khách, người trí thức, trong quần chúng tây âu ngày nay. Nôm na: chúng mày đã chấp nhận bất lực thì chúng mày chạy theo quyền lực, danh vọng, để thủ lợi riêng, chẳng chính trị chính em, chẳng nhân nghĩa gì hết. Mà thế thật ? ! Thái độ đó mở đường cho những cuộc phiêu lưu nào, ta còn nhớ: Hitler, ta đang thấy: Le Pen.
Vì sao, tuy không có ông A nào bằng ông B, với tư cách người, ta vẫn thấy ta bằng mọi người, mọi người bằng ta ? Cái gì, trong quá trình hình thành nhân cách của ta, khiến ta linh cảm điều ấy, khiến ta có khái niệm ấy ? Trong quá trình hình thành tư duy của con người qua các thời đại, trong quá trình hình thành tư duy của chính ta, người của thế kỷ 20, cái gì khiến ta thấy ta bằng mọi người, mọi người bằng ta ? Ðây là vấn đề nan giải. Việt Nam có nhà triết học mácxít tìm hiểu nghiêm túc vấn đề này, Trần Ðức Thảo. Ở châu Âu, có những phái như hiện tượng học, chủ nghĩa hiện sinh... Không thuộc phái nào, có cây bút xuất sắc của Hannah Arendt. Vì khoa học chưa giải đáp được hiện thực tâm linh ấy, vì chính trị không giải quyết thoả đáng yêu cầu ấy, khát vọng bình đẳng giữa người với người phải nhường tôn giáo, triết học, văn học. Tự do, Bình đẳng, Nhân ái ; Il y a plusieurs demeures dans la maison de mon Père[9] ; Chúng sinh đều vô tội ; Nhân sinh tứ hải gia huynh đệ ; Bốn nghìn năm ta lại là ta...Khi cha mẹ vu vơ dậy ta: ở đời, phải ăn ở cho có tình, với bộ óc "khoa học", ta thấy phi lý. Với tấm lòng người Việt, ta thấy phải vậy. Có lẽ vì thế người cầm quyền thích nói chuyện đạo đức, ít khi sống và hành động phải đạo. Họ khéo vận dụng tình người vô hạn của người khác để phục vụ lý trí giới hạn của họ.
Tại sao ta không hiểu nổi chính ta trong khát vọng bình đẳng ? Phải chăng vì kiến thức của ta chựng lại trong nguyên tắc của Aristote: A chính là A, Không A chính là không A. Ta không thể hình dung được A chính là không A, vìkhông A là chuyện ngớ ngẩn nếu không có A, do đó không A chỉ là sự phủ định của A, không thể là chính mình và, trong nghĩa đó, không A chính là A !Ta sẵn sàng công nhận ta chính là ta, tuy không bao giờ định nghĩa được ta là gì, nhưng ta không dám chấp nhận: ta chưa là ta, ta chỉ có thể trở thành ta xuyên qua người khác, tuy đó là thực tiễn hàng ngày của ta, ngay ở mức thô sơ nhất: nồi cơm. Ta chỉ biết là kỹ sư, nhà toán học, giáo sư đại học, giám đốc nghiên cứu của CNRS, nhà kinh tế, xã hội học, triết gia, ta chỉ biết là người làm thuê, hoặc lànhà tư bản... ta chưa biết làm người ? chưa biết yêu ? Mặc dù, đã lâu rồi, ta biết ngẩn ngơ: Mình với ta tuy hai mà một.
Ngày nay, không có nhân tình, không có đạo làm người, dù mù mờ, khả năng trước mắt của nhân loại là một loại dân chủ Athènes mức toàn cầu, trong đó một thiểu số thực sự tự do và bình đẳng với nhau trên cơ sở sự lệ thuộc có thể đẫm máu của đại bộ phận nhân loại. Phải chăng ta chủ quan mơ mộng khi ta không chấp nhận điều đó, không muốn nó xẩy ra. Chỉ vì, khi lỡ yêu, ta hiểu tư duy, ngôn ngữ, văn chương, nghệ thuật có được vì, bất chấp mọi sự khác biệt giữa người với người, bất chấp thị trường, bất chấp lôgíc hình thức, ta vẫn mãi tìm con người tự do và bình đẳng với ta ? Chỉ vì, hơn cả tiền vốn, khoa học, kỹ thuật, ta cần chính trị, văn chương, nghệ thuật, để làm người, ta cần người để ta chấp nhận được chính ta, để ta trở thành ta ? Chỉ vì ta cần em ?
Lố bịch ! Vô lý ! Hữu tình ! Thơ ! Thiền !
Trần Đạo
9-1992
__________________
[1] Nguyễn Huy Thiệp
[2] Idée d'une histoire universelle au point de vue cosmopolitique. Suy nghĩ về lịch sử trên quan điểm vũ trụ.
[3] Qu'estỞce la liberté, Tự do là gì, in Crise de la culture, Hannah Arendt, Folio, Gallimard
[4] Encyclopédia Universalis, mục cens, trong nghĩa cens électoral.
[5] Encyclopédia Universalis, mục Emploi.
[6] Encyclopédia Universalis, mục Commune de Paris.
[7] Trong triết học và kinh tế học kinh viện, người ta phân biệt sở hữu và tư hữu(propriété, appropriation, và propriété privée, appropriation privée).Sở hữu là quan hệ tự nhiên giữa người với thiên nhiên: vũ trụ là sở hữu của loài người, loài người khai thác vũ trụ để sống. Tư hữu là một hình thái đặc biệt (tùy thời đại) của quan hệ giữa người với người xuyên qua tự nhiên: cái gì của tôi không là của anh, thí dụ, nước mưa là sở hữu của mọi người, nước suối Évian thuộc quyền tư hữu của ông X. Trong tư hữu, người ta lại phân biệt tư hữu về đồ tiêu dùng (nhà ở, cơm áo...) cho phép chủ nó tiêu thụ để sống (trong nghĩa đó nó là một hình thái của sở hữu) với tư hữu phương tiện sản xuất cho phép sản xuất, cho phép xã hội và thành viên của nó tồn tại. Trong bài này, tư hữu dùng trong nghĩa tư hữu phương tiện sản xuất.
[8] Một con người cấu tạo bằng toàn bộ nhân loại, đồng giá với mọi người, và bất cứ ai cũng bằng mình. J.P. Sartre, Les mots.
[9] nhà Cha tôi có nhiều tổ ấm cho con người lưu trú.
Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014
“Cư dân mạng” và truyền thông – Đàn cừu và những kẻ chăn cừu
Featured image: Carissa Gallo
Nếu bạn có lòng tham (dù ít dù nhiều), bạn không có kiến thức kha khá về tin học và đặc biệt hơn hết là bạn có tư tưởng “được chăng hay chớ, chẳng hại gì ai” thì thế nào bạn cũng từng là một con cừu trong tay kẻ khác. Tất nhiên không phải ai cũng vậy, nhiều người trong các bạn sẽ cười khẩy với những gì tôi kể dưới đây và tự hào mình chả bao giờ “dính chưởng”, nhưng hẳn ai ai trong chúng ta cũng từng là “nạn nhân” của những con cừu: có thể thấy khó chịu, có thể bị spam, có thể bị “cừu hóa” bởi những con cừu trước đó hoặc là như tôi đang viết bài này vì buồn cười đây.
Trong bài này tôi sẽ nêu ra một số tình huống chăn cừu tôi quan sát thấy trên Facebook (trên Email và SMS điện thoại cũng có nhiều, mà thôi không nói ở đây), đồng thời cũng nói lên vài cách suy nghĩ và hành động của bản thân tôi dành cho các trường hợp đó, bạn nào đọc thấy đồng ý thì gật đầu, không đồng ý thì lắc đầu bỏ qua, tôi không công kích cá nhân nào cũng không muốn dạy đời ai trong đây nên các bạn đừng đánh giá thái độ hay con người tôi nhé.
1. Ai quan tâm đến bạn/ Vẽ Chibi/ Tăng Like, tăng Sub….
Dạng này là cùi bắp nhất, thô sơ nhất, thô thiển nhất. Ban đầu thì bắt người dùng nhập một đoạn code mà họ chả hiểu gì vào trình duyệt để biết “ai quan tâm đến bạn” hoặc để được“Vẽ Chibi miễn phí và nhanh chóng”… Sau tiến hóa hơn một chút thì chỉ cần click vào link là được, sau siêng năng hơn chút thì viết thành những cái ứng dụng rác tung lên Facebook, “cừu” chỉ cần vài cái click là xong. Rất nhiều sai lầm là do đôi tay hành động trước cái đầu, nhiều người cứ làm theo mà không biết mình đang làm gì. Ban đầu tôi tức cười mấy đứa “chăn cừu” ngớ ngẩn và lạc hậu này, nhưng nghĩ lại thấy xót cho “đàn cừu” kia nhiều hơn – vậy mà cũng bị “cừu hóa” là sao?!
Dạng này là cùi bắp nhất, thô sơ nhất, thô thiển nhất. Ban đầu thì bắt người dùng nhập một đoạn code mà họ chả hiểu gì vào trình duyệt để biết “ai quan tâm đến bạn” hoặc để được“Vẽ Chibi miễn phí và nhanh chóng”… Sau tiến hóa hơn một chút thì chỉ cần click vào link là được, sau siêng năng hơn chút thì viết thành những cái ứng dụng rác tung lên Facebook, “cừu” chỉ cần vài cái click là xong. Rất nhiều sai lầm là do đôi tay hành động trước cái đầu, nhiều người cứ làm theo mà không biết mình đang làm gì. Ban đầu tôi tức cười mấy đứa “chăn cừu” ngớ ngẩn và lạc hậu này, nhưng nghĩ lại thấy xót cho “đàn cừu” kia nhiều hơn – vậy mà cũng bị “cừu hóa” là sao?!
2. Tập đoàn “có ông chú làm Viettel”
Cái này thì ngớ ngẩn hết chỗ nói, chỉ có 3 chữ dành tặng cho trường hợp bị “cừu hóa” ở đây: tham thì chết.
Cái này thì ngớ ngẩn hết chỗ nói, chỉ có 3 chữ dành tặng cho trường hợp bị “cừu hóa” ở đây: tham thì chết.
3. Nhân đạo không tốn gạo
Chỗ này xin nói qua Phật giáo một chút: làm phúc không phải dễ đâu, bố thí cũng cần phải có tâm và phải hiểu nhân quả mới được, không phải cứ cho, cứ giúp người là có phúc đâu. Nhiều trường hợp tôi thấy giống như cho tên cướp mượn cây dao đi giết người – phúc phải nói luôn! Không dễ dàng là thế, nhưng nhiều người nghĩ chỉ cần like và share là giúp người rồi!
Hồi đó thì mấy cái trò “like để em hết bệnh”, “Mỗi share là một lời chúc bình an” thậm chí tới mức Like page để cầu cho ai đó sống lại…. chuyện thật như đùa, mấy chục ngàn like. Sau này bọn chăn cừu lại tiến hóa (tôi nghĩ trước đó bọn nó đã khôn rồi, nhưng thấy cứ ngu ngu mà cũng cừu hóa được cả chục ngàn con thì để dành trí não lại dùng dần), bắt đầu chuyển qua các hình thức như kêu gọi giúp đỡ người già, người bị lạc, bị bệnh… Có nhiều thông tin được đăng cả năm trước sau này lấy đăng lại cũng mấy chục ngàn lượt share. Thậm chí có nhiều hình ảnh kêu gọi cứu giúp người già mà tôi thấy rõ ràng là tận bên Trung Quốc! Nhưng mà:
“Đàn cừu vẫn như thế,
Vẫn cứ like rồi share,
Được gì? Hỏng biết nữa
Nhưng chẳng hại gì ai!”
Chỗ này xin nói qua Phật giáo một chút: làm phúc không phải dễ đâu, bố thí cũng cần phải có tâm và phải hiểu nhân quả mới được, không phải cứ cho, cứ giúp người là có phúc đâu. Nhiều trường hợp tôi thấy giống như cho tên cướp mượn cây dao đi giết người – phúc phải nói luôn! Không dễ dàng là thế, nhưng nhiều người nghĩ chỉ cần like và share là giúp người rồi!
Hồi đó thì mấy cái trò “like để em hết bệnh”, “Mỗi share là một lời chúc bình an” thậm chí tới mức Like page để cầu cho ai đó sống lại…. chuyện thật như đùa, mấy chục ngàn like. Sau này bọn chăn cừu lại tiến hóa (tôi nghĩ trước đó bọn nó đã khôn rồi, nhưng thấy cứ ngu ngu mà cũng cừu hóa được cả chục ngàn con thì để dành trí não lại dùng dần), bắt đầu chuyển qua các hình thức như kêu gọi giúp đỡ người già, người bị lạc, bị bệnh… Có nhiều thông tin được đăng cả năm trước sau này lấy đăng lại cũng mấy chục ngàn lượt share. Thậm chí có nhiều hình ảnh kêu gọi cứu giúp người già mà tôi thấy rõ ràng là tận bên Trung Quốc! Nhưng mà:
“Đàn cừu vẫn như thế,
Vẫn cứ like rồi share,
Được gì? Hỏng biết nữa
Nhưng chẳng hại gì ai!”
4. Căm phẫn và bức xúc – Ừ, bứt đi rồi xúc
Thể loại này lập mấy cái Facebook giả, đưa hình hot girl lên hút friends vô xong rồi đưa ra mấy cái phát ngôn gây sốc kiểu như chửi cha mắng mẹ, công kích vùng miền, giới tính… thế là ầm ầm lượt share, follow, friends. Đứa nào đầu tư hơn một chút thì có cả hình ảnh minh họa (vâng, lại có hình bên TQ nhập qua, chắc bên đó cũng chơi trò này rồi, VN học theo). Mình chỉ chửi người khi mình biết người đó nghe mình chửi, và cũng ít khi nào chửi để thỏa mãn bản thân, đặc biệt là khi mình ghét cái gì mình không bao giờ share nó lên Facebook, vì làm vậy chỉ là quảng cáo cho nó thôi. Càng share nó càng khoái, còn nói gì nó đâu có quan tâm. Khi nhìn thấy mấy thể loại này được “cộng đồng mạng” thi nhau chửi, mình tức nó thì ít mà thương đàn cừu kia thì nhiều.
Thể loại này lập mấy cái Facebook giả, đưa hình hot girl lên hút friends vô xong rồi đưa ra mấy cái phát ngôn gây sốc kiểu như chửi cha mắng mẹ, công kích vùng miền, giới tính… thế là ầm ầm lượt share, follow, friends. Đứa nào đầu tư hơn một chút thì có cả hình ảnh minh họa (vâng, lại có hình bên TQ nhập qua, chắc bên đó cũng chơi trò này rồi, VN học theo). Mình chỉ chửi người khi mình biết người đó nghe mình chửi, và cũng ít khi nào chửi để thỏa mãn bản thân, đặc biệt là khi mình ghét cái gì mình không bao giờ share nó lên Facebook, vì làm vậy chỉ là quảng cáo cho nó thôi. Càng share nó càng khoái, còn nói gì nó đâu có quan tâm. Khi nhìn thấy mấy thể loại này được “cộng đồng mạng” thi nhau chửi, mình tức nó thì ít mà thương đàn cừu kia thì nhiều.
5. Hốt boi èn hốt gơ
Đây là thể loại chăn cừu đẳng cấp cao và chuyên nghiệp, rất có tinh thần hi sinh vì nghề nghiệp, đã trải qua quá trình huấn luyện cực kỳ nghiêm khắc và đã luyện xong “kim cương bất hoại” với da mặt của mình. Mấy anh chị này cũng đẹp xinh, tài giỏi, nhưng cũng đi con đường thu hút like, share, view bằng cách làm những hành động cho “chúng chửi chơi”. Hình thức này là phiên bản phát triển của mấy scandal của các ngôi sao, lâu lâu làm một cái để thu hút dư luận, các anh chị hốt boi hốt gơ chưa ai biết đến cho nên phải gây scandal thường xuyên và liên tục. Ban đầu mình định điểm qua một vài nhân vật tiêu biểu cho trường phái này, mà nghĩ lại thì thôi không nói nữa, chắc nhiều bạn biết rồi, bạn nào chưa biết thì khỏi cần biết đi ha. Ở đây mình chỉ thấy một điều là cho dù mấy anh chị này có như thế nào đi nữa thì họ vẫn “cao” hơn những người đang chửi mắng (nhưng lại liên tục share) họ một vài cái đầu. Việc bị “dắt mũi” bởi những người mình “ghét cay ghét đắng” không biết có vui không?!
Đây là thể loại chăn cừu đẳng cấp cao và chuyên nghiệp, rất có tinh thần hi sinh vì nghề nghiệp, đã trải qua quá trình huấn luyện cực kỳ nghiêm khắc và đã luyện xong “kim cương bất hoại” với da mặt của mình. Mấy anh chị này cũng đẹp xinh, tài giỏi, nhưng cũng đi con đường thu hút like, share, view bằng cách làm những hành động cho “chúng chửi chơi”. Hình thức này là phiên bản phát triển của mấy scandal của các ngôi sao, lâu lâu làm một cái để thu hút dư luận, các anh chị hốt boi hốt gơ chưa ai biết đến cho nên phải gây scandal thường xuyên và liên tục. Ban đầu mình định điểm qua một vài nhân vật tiêu biểu cho trường phái này, mà nghĩ lại thì thôi không nói nữa, chắc nhiều bạn biết rồi, bạn nào chưa biết thì khỏi cần biết đi ha. Ở đây mình chỉ thấy một điều là cho dù mấy anh chị này có như thế nào đi nữa thì họ vẫn “cao” hơn những người đang chửi mắng (nhưng lại liên tục share) họ một vài cái đầu. Việc bị “dắt mũi” bởi những người mình “ghét cay ghét đắng” không biết có vui không?!
6. Cao thủ, cao thủ!
Hôm trước có đứa em hỏi mình “Anh Bảo có làm page hông anh? Làm đi bảo đảm nhiều like hơn page của ông ABC”. Mình định hỏi là “Nhiều like để chi em?” nhưng nghĩ lại nó cũng có ý tốt nên mới nói “Anh có làm cái page, mấy năm rồi mà có vài like thôi hà,hehe.” Nó vào xem qua xong rồi nói “Anh phải chế ảnh và quảng cáo lên thì like nhiều thôi.”
Đây là trường hợp page của các vị “cao thủ FB”. Dùng nhiều danh nghĩa khác nhau, mỗi vị có từng cái hay riêng, cũng có người bị chửi không ít nhưng đàn cừu vẫn cứ gọi là đông như quân Mông quanh các page đó. Vì sao? Vì ngoài những lúc chen vô mấy cái nhảm nhí xàm xí thì phần lớn là những thứ “vui vui” “hay hay” “ngộ ngộ” “hợp tâm trạng” để share về FB khoe với bạn bè. Những người này luôn luôn bọc đường bên ngoài viên thuốc, nhưng bên trong không phải thuốc trị bệnh mà là thuốc độc mãn tính, ngấm lâu, chết lúc nào không hay! Cao thủ này ở Việt Nam mình cũng thấy qua vài người, mà thôi, cũng không muốn nhắc.
Quan điểm của mình trong tình huống này là: không share những thứ dù là rất hay ho trên những nơi chứa nhiều rác rến, lợi bất cập hại!
7. Truyền thông chính thống cũng chăn cừu.
Mấy người này lợi hại hơn hết, được đào tạo bài bản và được cấp phép hẳn hoi. Mình không nói nhiều trong trường hợp này vì rất khó tránh, trừ khi các bạn đều giống mình – không xem tivi và báo chí. Chỉ là trong tháng vừa qua mình thấy có vụ này buồn cười phải nói luôn: có một anh ca sĩ bị “tố” là đạo nhạc, thế rồi chuyển dần dần lan truyền và biến chuyển thế nào không biết, thành lập ban bệ để xét xử này kia mãi không xong. Anh ta thì vẫn đi hát, vẫn tiếp tục “sáng tác”. Quan trọng nhất là những thông tin về vụ việc của anh ta liên tục được đưa tin cập nhật trên kênh truyền hình “siêu hot” vào “giờ vàng”. Nếu phải trả tiền quảng cáo, mình nghĩ đây là con số không hề nhỏ và không phải ai cũng có thể mua.
Bạn thấy sao? Đời đúng hài, nhỉ?!
Nếu bạn chọn làm một con cừu, đừng tức giận khi bị xén lông ;)
05/12/2014
Nhất Bảo
Hôm trước có đứa em hỏi mình “Anh Bảo có làm page hông anh? Làm đi bảo đảm nhiều like hơn page của ông ABC”. Mình định hỏi là “Nhiều like để chi em?” nhưng nghĩ lại nó cũng có ý tốt nên mới nói “Anh có làm cái page, mấy năm rồi mà có vài like thôi hà,hehe.” Nó vào xem qua xong rồi nói “Anh phải chế ảnh và quảng cáo lên thì like nhiều thôi.”
Đây là trường hợp page của các vị “cao thủ FB”. Dùng nhiều danh nghĩa khác nhau, mỗi vị có từng cái hay riêng, cũng có người bị chửi không ít nhưng đàn cừu vẫn cứ gọi là đông như quân Mông quanh các page đó. Vì sao? Vì ngoài những lúc chen vô mấy cái nhảm nhí xàm xí thì phần lớn là những thứ “vui vui” “hay hay” “ngộ ngộ” “hợp tâm trạng” để share về FB khoe với bạn bè. Những người này luôn luôn bọc đường bên ngoài viên thuốc, nhưng bên trong không phải thuốc trị bệnh mà là thuốc độc mãn tính, ngấm lâu, chết lúc nào không hay! Cao thủ này ở Việt Nam mình cũng thấy qua vài người, mà thôi, cũng không muốn nhắc.
Quan điểm của mình trong tình huống này là: không share những thứ dù là rất hay ho trên những nơi chứa nhiều rác rến, lợi bất cập hại!
7. Truyền thông chính thống cũng chăn cừu.
Mấy người này lợi hại hơn hết, được đào tạo bài bản và được cấp phép hẳn hoi. Mình không nói nhiều trong trường hợp này vì rất khó tránh, trừ khi các bạn đều giống mình – không xem tivi và báo chí. Chỉ là trong tháng vừa qua mình thấy có vụ này buồn cười phải nói luôn: có một anh ca sĩ bị “tố” là đạo nhạc, thế rồi chuyển dần dần lan truyền và biến chuyển thế nào không biết, thành lập ban bệ để xét xử này kia mãi không xong. Anh ta thì vẫn đi hát, vẫn tiếp tục “sáng tác”. Quan trọng nhất là những thông tin về vụ việc của anh ta liên tục được đưa tin cập nhật trên kênh truyền hình “siêu hot” vào “giờ vàng”. Nếu phải trả tiền quảng cáo, mình nghĩ đây là con số không hề nhỏ và không phải ai cũng có thể mua.
Bạn thấy sao? Đời đúng hài, nhỉ?!
Nếu bạn chọn làm một con cừu, đừng tức giận khi bị xén lông ;)
05/12/2014
Nhất Bảo
3 tính xấu ai cũng thấy trong cuộc sống
Featured Image: Laura Thorne
Bài viết có quy mô hạn hẹp chỉ đề cập đến một số tính mà theo người viết là xấu, nhưng tồn tại xung quanh chúng ta hàng ngày đến nỗi hình như đã thành quy chuẩn chung. Chung đến mức khi mà muốn thoát khỏi quy luật đó thì bị nhìn với ánh mắt kiểu như người ăn chay chứng kiến người ta giết mổ gia súc.
Một là đổ lỗi
Xung quanh chúng ta có nhiều người có thói quen hay đổ lỗi và hay than thở, ý tôi muốn nói ở đây là đổ lỗi cho những gì khách quan xung quanh, cho mọi thứ có thể ngoại trừ chính bản thân mình. Ví dụ như nếu học sinh đi học có điểm số không tốt: do đề khó, do giáo viên chấm kỳ quặc, do không đủ thời gian, do thời tiết không đẹp, do abcxyz làm tôi phân tâm, do ti tỷ thứ khác. Nếu đi làm không được suôn sẻ: do công việc khó khăn, đồng nghiệp xấu tính, lão sếp hà khắc, mọi thứ thật bất công, vân vân…
Những hành động này ban đầu khiến cho mọi người có thể thấy dễ chịu hơn, nhưng nó luôn luôn là một vòng tròn luẩn quẩn của những sự suy ra vòng vo mà sau một hồi truy ngược mà cuối cùng ai cũng sẽ thấy mũi tên chỉ về hướng mình, trừ những người hoặc quá cố chấp không chịu chấp nhận sự thật rằng cá nhân ai cũng có thể phạm sai lầm và cần chịu ít nhất phần trách nhiệm nào đó cho sai lầm của chính bản thân.
Đổ lỗi có khiến cho lỗi lầm của bạn giảm đi không? Không! Thậm chí trong một số trường hợp nó còn vô tình làm cho tội lỗi ấy lớn lên trong sự suy diễn của người khác. Than thở với mọi người xung quanh có khiến cho vấn đề của bạn được giải quyết không? Không! Mọi người biết về vấn đề của bạn, nếu mười người thì may ra được một người thực sự có chút quan tâm thông cảm, nhưng gần như họ chẳng giúp được điều gì cho bạn.
Còn lại thì sao, gần như chỉ là hóng chuyện để thị phi. Cuối cùng thì vẫn chỉ là bạn tự thân đi giải quyết vấn đề của chính mình, vì người khác cũng có công việc của riêng họ. Vậy tại sao chúng ta vẫn cứ làm điều này hàng ngày, hàng giờ trong cuộc sống thường nhật? Quanh ta có quá nhiều “người bán than” rồi nên cũng cần hoà đồng với những người như họ sao? Tôi tin trong chúng ta chắc hẳn ai cũng từng ít nhất một lần nghe qua câu: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân.” Nhưng thành thật với chính mình xem, mười lần phạm lỗi thì có được quá nửa số lần bạn thốt lên được câu trách mình đầu tiên? Nhận xét có phần phiến diện cá nhân khi chỉ qua một số lần quan sát phản ứng của những người xung quanh, nhưng thực sự tôi thấy chỉ cần quá bán đã là một con số tiến bộ so với mặt bằng chung rồi.
Hai là phê bình
Có phải văn hoá Việt Nam là văn hoá phê bình? Tôi đồng ý nhưng không hoàn toàn. Về phần đồng ý thì vì có nhiều người làm tôi có cảm giác họ coi việc phê bình người khác là một thói quen, một hành vi mà không thực hiện hàng ngày thì họ không chịu được hay sao ấy. “Criticism is easy, but art is difficult.” hay là đơn giản gần gũi hơn chút thì “Nói thì dễ, làm mới khó.” Câu này thì quen quá đi chứ. Còn về phần không đồng ý thì do sau một số lần để ý lắng nghe lời phê bình thì tôi thấy chẳng có mấy phần là phê bình mang tính xây dựng góp ý, đa số đều là chỉ trích hoặc có lúc tệ hơn là miệt thị đến cá nhân người nghe lời phê bình. Mà như vậy thì sao lại gọi là “văn hoá”?
Thứ ba là thái độ tiếp nhận những lời nói phê bình hay mang tính tiêu cực
Một thói xấu khác liên quan đến cả hai thói xấu trên mà tôi nghĩ tồn tại ở rất nhiều người, ngay cả chính bản thân tôi cũng có, đó là có thể nói bản thân muốn nghe góp ý phê bình cho hoàn thiện hơn, nhưng nếu nhận được góp ý thì dù chân thành thẳng thắn tử tế hay mang tính chỉ trích miệt thị, phản xạ đầu tiên luôn là nhảy dựng lên và tìm cách bao biện đổ lỗi. Phản ứng thông thường khi cảm thấy bị xúc phạm là điều dễ hiểu, đặc biệt là khi điều ấy nói sai về mình.
Nhưng rồi tôi học được đầu tiên cần biết lắng nghe có chọn lọc những gì người khác nói, nếu người ấy đúng và thay đổi điều đó làm cho bản thân mình tốt lên thì sao lại không cố gắng? Người nào thực sự góp ý muốn tốt cho bạn thì còn cần cảm ơn họ nữa. Còn nếu sai, đương nhiên là mặc kệ họ rồi, chẳng lẽ người khác chửi mình mình cũng phải gân cổ lên đáp trả cho xứng đáng, rồi ôm cục tức hậm hực mãi sao?
“Nó như vậy không chửi lại tao không chịu được!” Câu này tôi đã nghe khá nhiều lần, và nó cũng là một trong những lý do khiến cho từ vài câu nói vu vơ có thể dẫn đến cả một trận khẩu chiến hay hỗn chiến ác liệt. Nói, hay hoa mỹ hơn thì là tự do ngôn luận, là cái quyền mà theo lý thuyết ai cũng có (dù rằng thực tế không phải ai cũng hiểu và lúc nào cũng có khả năng vận dụng đúng đắn), nhưng nghe và tin hay quan tâm không thì là quyền của bạn, trên cả lý thuyết lẫn thực tế.
Tại sao phải cố gắng điều khiển “quyền của người khác” trong khi lựa chọn quyền của mình thì đơn giản hơn nhiều? “Nói thì dễ lắm”, nhưng nếu không bắt tay vào việc quyết định lựa chọn của mình mà đã than khó, than lười thì không bao giờ bạn làm được cả.
Nếu cần ví dụ, tôi có thể lấy chính mình ra làm ví dụ, tôi cũng có trải qua quãng thời gian cố gắng cư xử đường hoàng đúng mực nhất có thể, vì sợ bị đánh giá này kia, nhưng rồi cũng phát mệt vì thực tế hẳn ai cũng hiểu là chẳng bao giờ bạn có khả năng làm vừa lòng tất cả mọi người. Điều này các bài viết về cách để sống hạnh phúc vui vẻ cũng nhai đi nhai lại nhiều rồi: Thay vì cố gắng chạy theo làm vừa lòng ai đó xa lạ thì hãy chuyển sự quan tâm của mình sang những người rõ ràng là xứng đáng hơn nhiều: gia đình bạn, bạn bè tốt của bạn, những người thực sự quan tâm đến bạn…
Dù rằng khi mới bắt đầu điều đó thì có thể vài đứa bạn sẽ nhìn bạn với con mắt kì quái như thể bạn là tâm thần vừa trốn trại, còn bố mẹ bạn thì hỏi “Rốt cuộc là muốn xin xỏ điều gì đây?”… nhưng bạn có muốn thay đổi cho bản thân vui vẻ hạnh phúc hơn không? Thực sự muốn thế thì hãy bắt tay vào thực hành, vượt qua được giai đoạn thấy kỳ cục, ba chấm này kia đầu tiên thì việc quan tâm người khác rất thú vị, và cảm nhận được sự quan tâm từ người khác theo một cách khác thay vì thụ động chờ đợi cũng thú vị hơn rất nhiều.
Kết
Những điều tôi liệt kê ở trên chắc không lạ lẫm gì, mà có khi đã được nói trước đây vài lần rồi nhưng tôi vẫn muốn lên tiếng chia sẻ suy nghĩ cá nhân, cũng có phần muốn hiểu hơn cảm giác nói lên ý kiến của mình thay vì thụ động và im lặng như đã từng. Và tôi tin cũng có rất nhiều người đã muốn và can đảm thay đổi bản thân theo hướng tích cực hơn, nếu có ai từng lựa chọn một con đường sống vui vẻ hơn tương tự như điều tôi nói mà đọc được đến đây thì hãy chia sẻ nhé.
Helena
Dáng phố trên vai
Featured image: an-adventurers
Nỗi buồn nào sầu đọng trên dãy phố
Từng heo hắt nắng dài chợt không xa
Đau đáu nào ẩn hiên trong khóe mắt
Di căn vào tận sâu trái tim ta
Người ơi đừng bao giờ khép cửa
Cho ta hãy một lần hãy ghé thăm
Thăm cuộc đời tràn nắng hạ trên mắt
Lấp lánh cong bờ mi ai đang nằm
Cho ta hãy một lần hãy ghé thăm
Thăm cuộc đời tràn nắng hạ trên mắt
Lấp lánh cong bờ mi ai đang nằm
Phố xá đó không nằm im được nữa
Chỉ là người chưa vội cất bước đi
Ta cô đơn trong chiều mưa phố cũ
Cười nhẹ nhàng khi bóng đổ trên vai.
Chỉ là người chưa vội cất bước đi
Ta cô đơn trong chiều mưa phố cũ
Cười nhẹ nhàng khi bóng đổ trên vai.
Phi Vũ Tình
Nhân quyền bao gồm quyền tự do biểu đạt chỉ dành cho con người thực, không dành cho những tên ma cô mạng.
Nếu bạn đang đọc bài này trên Internet, dừng lại một chút, suy nghĩ về nó, rồi kéo xuống cuối bài để đọc những lời bình. Nếu không thấy, thì mở những trang cho phép bình luận hiển thị, tìm đọc một bài đậm màu chính trị, rồi thử xem lại nhận thức của mình. Nhận thức của bạn sẽ thay đổi, đặc biệt nếu bạn đọc hàng loạt những lời bình mang nặng tính sỉ nhục, lăng mạ, hay khích bác.
Cái thủa mà Internet là nơi chốn của văn minh, của những cuộc tranh luận mở, hình như đã qua rồi. Giờ đây, nó là diễn đàn không biên tập nơi xẩy ra những cuộc sỉ vả lẫn nhau không chút tiếc thương. Thích nó hay không, thì sự thực là như vậy.
Kinh nghiệm cho hay thông điệp của bài viết, của tác giả, của chủ đề được hình thành lên bởi những lời bình nặc danh trên mạng, đặc biệt là những lời bình lỗ mãng.
Một nhóm nghiên cứu đưa ra nhận định: Những lời bình mất lịch sự không những làm người đọc bị phân cực, mà còn làm thay đổi cả cách nhận thức câu chuyện. Những phân tích điện toán của Atlantic Media cũng phát hiện ra những người đọc có lời bình thiếu lịch sự thì thường có khuynh hướng phán xử bài viết là kém phẩm chất bất kể nội dung và sự thực mà nó đăng tải.
Một vài tổ chức đã có phản ứng với những lời bình tiêu cực này. Twitter @AvoidComment thường xuyên nhắc nhở bạn đọc nên lờ đi những bài nặc danh. Nhưng không có gì ngăn cản được làn sóng của những lời bình lỗ mãng đang tràn ngập trên Facebook hay Twitter.
Nếu những bình luận rác rưởi này diễn ra một cách tự nhiên, thì đơn giản đó chỉ là hiện tượng tâm lý. Sự thực lại không phải như vậy. Một người bạn làm PR (public relation) cho một công ty ở Âu châu tiết lộ: Công ty đã trả tiền mướn người đóng vai khách hàng viết những lời tán tụng công ty, và hạ nhục những đối thủ đang cạnh tranh.
Nhiều đảng phái chính trị ở nhiều quốc gia cũng đang làm như vậy.
Năm ngoái, một nhà báo Nga đã thâm nhập vào một tổ chức ở St Petersburg để tìm hiểu. Tổ chức này đã bỏ tiền mướn người viết hàng trăm lời bình để tung lên mạng mỗi ngày. Dạo đầu năm nay, một bản điều tra khác phát hiện ra một đại gia có mối quan hệ xã hội rộng lớn đã trả tiền cho những tay ma cô mạng người Nga, thiết lập lên hàng chục tài khoản tại Twitter. Mỗi tài khoản lôi khéo khoảng 2000 cư dân mạng khác. Trong những ngày Nga xâm lược Ukraine, tờ Guardian of London đã vô cùng vất vả để trung hoà cái gọi là “Giàn nhạc giao hưởng” này. Những cư dân mạng bất hảo người Nga đã bị theo dõi rất chặt. Nhưng còn nhiều những kẻ khác đang sẵn sàng ra nhập.
Ai cũng biết chính quyền Trung Quốc theo dõi hệ thống Internet trên lãnh thổ của họ bằng cách trả lương cho hàng trăm ngàn bloggers. Không đến nỗi quá lâu, Trung Quốc sẽ làm như vậy với tiếng Anh, tiếng Triều Tiên hay những ngôn ngữ khác.
Đây là một thách đố nghiêm trọng cho dân chủ. Những lời bình trên mạng khéo léo thay đổi cách suy nghĩ và cảm nhận của cử tri. Thậm chí nó làm tăng mức độ của kích thích, hoặc gây cho độc giả cảm giác rằng vấn đề còn đang bàn cãi, hay những sự kiện chính đang bị giấu đút.
Phần lớn, những ma cô mạng người Nga không dùng đến những phương pháp tuyên truyền cổ điển như đã từng khoa môi múa mép về sự huy hoàng của nền nông nghiệp Soviet.
Hai nhà báo Peter Pomerantsev và Michael Weiss đã phân tích những thủ đoạn mới nhằm bóp méo, nhào nặn thông tin. Mục đích là gieo rắc sự khó hiểu, hỗn loạn, lộn xộn bằng cách sử dụng học thuyết bí mật và khuyết tán sự gian dối. Nghĩa là ở nơi nào báo chí truyền thống yếu, thông tin bị nhiễu, thì công việc thao túng thông tin càng trở nên dễ dàng.
Chẳng có chính phủ Tây phương nào muốn kiểm duyệt Internet hay bỏ tiền ra để nghiên cứu hiện tượng này. Weiss và Pemerantsev từng tranh luận: Chúng ta cần những tổ chức dân sự hay những nhà hảo tâm giúp đỡ để vạch trần những thông tin giả mạo một cách có mục đích và đưa nó ra trước công luận.
Có lẽ nhà trường khi dạy học sinh về báo chí, giờ đây cần thiết phải dậy một bộ quy tắc ứng xử, làm thế nào nhận ra những bố già Internet, làm thế naò để phân biệt được sự thực trong bộ tiểu thuyến ly kỳ được nhà nước bảo lãnh.
Sớm muộn gì thì chúng ta cũng bị ép buộc phải kết thúc trò chơi nặc danh trên mạng, hoặc ít nhất mỗi người trên thế giới ảo phải liên kết với một người thực. Bất kể ai viết trên mạng đều phải chịu trách nhiệm trước lới nói của mình tựa như anh ta đang phát biểu to và rõ ràng trước đám đông.
Tôi biết! Có những ý kiến bênh vực cho quyền nặc danh, nhưng vì nhiều người lạm dụng đặc quyền này. Nhân quyền bao gồm quyền tự do biểu đạt chỉ dành cho con người thực, không dành cho những tên ma cô mạng.
(Lược dịch từ bài: Another reason to avoid reading the comments; của Anne Applebaum; The Washington Post.)
Anne Applebaum là nhà báo Mỹ gốc Ba Lan. Bà từng giành giải Pulitzer vì những bài viết về cộng sản và sự hình thành xã hội dân sự Đông Âu cả thời tiền và hậu cộng sản. Bà viết cho rất nhiều tờ báo lớn ở Mỹ và Anh. Bà từng trong bộ biên tập của The Washington Post và The Economist. Bà kết hôn với cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radosław Sikorski. Lớn lên ở Ba Lan.
Chương 4. Dịch là giản dị
Dịch kinh cũng như vũ trụ, nếu xét về phương diện Hào Quải, Vạn Tượng biến thiên, thì phức tạp vô cùng tận. Ngược lại, nếu xét về phương diện Vô Cực Thái Cực, phương diện Bản Thể thì thực là giản dị.
Vì thế Dịch còn có nghĩa là giản dị.
Cho nên Dịch chỉ giản dị nếu ta nắm được đầu mối Dịch, then chốt của Dịch, xem được bộ mặt thực của Dịch, khi chưa biến hóa. Mới hay:
Chí đạo chớ tìm trong biến hóa,
Lẽ trời đừng kiếm chỗ tần phiền
Hệ Từ bàn về sự giản dị của Dịch rất khéo léo Tạm Dịch như sau:
Càn Khôn dễ biết dễ làm,
Dị nên dễ biết, giản càng dễ theo.
Dễ hay, nên sẽ dễ yêu,
Dễ theo, nên sẽ chắt chiu thi hành.
Có yêu,trường cửu mới sinh,
Có làm, mới có công trình lớn lao,
Hiền nhân, đức cốt bền lâu,
Hiền nhân, sự nghiệp cơ mầu lớn lao.
Lẽ trời giản dị xiết bao.
(Tìm nơi phiền toái thấy sao lẽ trời)
(Lẽ trời giản dị thấy rồi)
Ngôi Trời cao cả tức thời hiện ra
Phục Mệnh Thiên viết: Chí đạo bất phiền, nhân tự muội
Dịch:
Chí đạo chẳng tần phiền,
Chỉ tại người u tối.
Lãng Nhiên Tử viết:
Chưa hay thần thất, nghìn điều rối,
Đạt được tâm điền, vạn sự không
Tuy lời lẽ có khác nhau, nhưng Tiên Thánh, Tiên Hiền đều quan niệm rằng: Đạo Trời chẳng khó, Đạo Dịch thực dễ. Khó là vì mình tự lao mình vào rắc rối khó khăn. Dễ là vì khi đã tìm ra được Thái Cực, ra Đạo, ra Bản Thể ẩn khuất sau Hào, Quải, sau Hiện Tượng, là đã bắt được vi-ý của cổ nhân rồi.
Tại sao gọi được rằng Dịch là giản dị?
Dịch giản dị, vì coi muôn loài là ảnh tượng, là biểu dương của Tuyệt Đối, y thức như Hào Quải là biểu tượng của Thái Cực.
Dịch giản dị, vì chủ trương Tuyệt Đối, chẳng có xa người mà đã ở ngay trong lòng người, chẳng có xa Vạn Hữu mà đã ở ngay trong lòng Vạn Hữu, như Thái Cực đã nằm ngay giữa các Hào Quải. Dịch giản dị, vì chủ trương thiên biến vạn hóa trong trời đất đều do sự tương khắc, tương thừa của Âm Dương sinh ra. Mà Âm Dương tức là khí chất, tức là tinh thần, vật chất. Những sự biến hóa của vũ trụ có định luật, có tiết tấu hẳn hoi, vãng lai, phản phúc tuần hoàn rồi cuối cùng lại trở về Nguyên Bản.
Nếu muôn loài đều theo định luật tuần hoàn ấy, nếu nhân quần đều theo định luật tuần hoàn ấy, thì mỗi một người cũng phải theo định luật ấy. Như vậy, học Dịch cốt là tìm cho ra căn cốt siêu nhiên của mình, tìm cho ra Thái Cực, cho ra Tuyệt Đối ngay trong đời mình, vì một đời cũng như vạn đời, một ngày cũng như vạn cổ. Leibniz định nghĩa giản dị là bất khả phân
Như vậy thì trong khắp vũ trụ chỉ có Tuyệt đối là bất khả phân, cũng như trong Dịch chỉ có Thái Cực là bất khả phân. Cho nên khi nói Dịch là giản dị, tức là cổ nhân đã ngụ ý dạy ta phải tìm cho được Tuyệt Đối, được Thái Cực dưới mọi hình thức biến thiên, dưới mọi lớp lang Hào, Quải.
Người Hi Lạp cho rằng sự giản dị là Ấn tín của Chân Lý. Đối với các bậc danh nhân như Descartes, Leibniz, Poincaré hay Einstein, sự giản dị cũng là hướng đạo đưa tới Chân Lý.
Ngụy Bá Dương viết trong Tham Đồng Khế:
Đạo yếu huyền vi,
Thiên cơ thâm viễn.
Đạt giả duy giản duy dị,
Nhi mê giả dũ phiền, dũ nan dã
Dịch:
Tinh hoa Đạo thể huyền vi,
Thiên cơ thâm viễn, khó suy, khó lường,
Biết ra giản dị, dễ dàng,
Mê thời đã khó, lại càng khó thêm.
Trương Hoành Cừ khi luận về khí Thái hòa sinh Vạn Vật đã cho rằng: mới đầu thì cơ vi dị giản, nhưng càng về sau càng quảng đại kiên cố
Cao Trung Hiến bình rằng: Gọi là cơ vi, dị giản vì lúc đầu chỉ có một khí lưu hành, lặng lẽ vần xoay. Gọi là quảng đại kiên cố tức là đề cập tới khi đã thịnh đạt, sung mãn, mỗi ngày một đổi mới. Một khí ấy (Thái Hòa) vừa giao động thì ban đầu chưa có hình tích, nhưng Vạn Vật hóa sinh mà chẳng thấy khó khăn. Đó là sự dễ dàng đề cập ở quẻ Càn.
Đến khi muôn vật hiển lộ, bao la khoáng đại, có hình tích thấy được, xem được, nhưng muôn vật vẫn thư thái, chẳng cảm thấy mệt mỏi. Đó là sự dễ dàng đề cập ở quẻ Khôn . Càn sinh vật cách giản dị, Khôn thành vật một cách giản dị.
Nguyễn Ấn Trường bình về sự giản dị của Dịch lý, cũng như của trời đất như sau:
*Thiên hạ vạn cửa, chung qui chỉ có Đóng với Mở;
* Thiên hạ Vạn Lý, chung qui chỉ có Chính với Tà;
*Thiên hạ Vạn Thể, chung qui có Động với Tĩnh;
*Thiên hạ Vạn Số, chung qui có Chẵn với Lẻ;
*Thiên hạ Vạn Tượng, chung qui có Đực với Cái;
*Thiên hạ Vạn Chất, chung qui có Cứng với Mềm.
Cho nên đạo của Dịch có gì đâu, chẳng qua một Âm, một Dương thôi vậy.Vậy lĩnh hội ý Dịch, nếu muốn giản dị ta sẽ chọn:
- Thái Cực giữa muôn nghìn ảnh tượng.
- Chọn số Một giữa muôn ngàn số.
- Chọn Tâm điểm giữa Hào Quải trên vòng Dịch. Cũng vì vậy mà Trang tử nói: Đắc Nhất vạn sự tất; mà đạo gia gọi là Thủ Trung, Bão Nhất.
Thế tức là lấy Một Tượng quán thâu vô số Tượng, lấy Một Số quán thâu vô số Số, lấy Một Đạo quán thâu vô số Đạo, lấy Một Tâm quán thâu vô số Tâm.
Nếu muốn giản dị hơn nữa: Ta sẽ chọn:
- Vô Tượng
- Vô Vị
- Vô Số, Vô Chất
- Vô Thanh, Vô Xú
Như vậy chẳng phải là giản dị đến tuyệt mức sao?
TẢN MẠN VỀ “THÓI ĐỜI ĐỐI KHÁNG”
Trần Chung Ngọc
Đối kháng là một quyền căn bản của con người khi chúng ta phải đối diện với những sự bất công, những sự áp bức, cưỡng bách v… v…ngoài ý muốn của chúng ta. Nhưng khi chỉ vì chúng ta không đồng ý, không hợp ý với chúng ta, mà đưa ra những hành động đối kháng bất kể lý lẽ, bất kể là nó có thích hợp hay không, và có tính cách làm càn làm ẩu, thì sự đối kháng chính đáng trở thành một “Thói Đời Đối Kháng”, từ “thói” đã nói lên ý nghĩa của cụm từ “Thói Đời Đối Kháng”.
Từ “thói” này được cụ Nguyễn Du dùng trong câu “(Chúa) Trời (xanh) quen thói má hồng đánh ghen”[Note: Ngày nay người Ca-Tô thường cho Trời của người Việt Nam chính là “Chúa Trời”]. Nếu Chúa của họ ghét “má hồng” thì các tôi tớ tỳ nữ Việt Nam của Chúa tất nhiên cũng phải ghét “màu hồng”. Vì vậy tại sao chúng ta thấy họ giở cái trò “thói đời đối kháng” ở các WYD từ trước đến nay để biểu thị tâm cảnh “đánh ghen” với “màu hồng”.
Vì là một thói theo đúng nghĩa của từ “thói” nên “Thói Đời Đối Kháng” thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, hoặc qua những hành động đối kháng, hoặc qua những lý luận đối kháng mà thực ra không phải là lý luận. Nhưng dù dưới hình thức nào thì những hành động đối kháng thuộc loại trên cũng chứng tỏ trình độ thấp kém của đám người vô trí.
Trong vụ Ngày Giới Trẻ CaTô Thế Giới vừa qua ở Sydney, Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã phán một câu chính xác: “Thói Đời Đối Kháng” để nói về việc trương cờ vàng trong những ngày như vậy. Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã nhìn thấy sự lạm dụng lá cờ vàng ba sọc đỏ cho những mục đích không chính đáng nên đã đưa ra lời khuyến cáo, nhưng tiếc thay, ông Hồng Y đã đánh giá quá cao trình độ của các con chiên của ông, của đám người chống Cộng cuồng tín không đủ khả năng để nhận ra điều này, cho nên ông đã bị đám người này hè nhau chống đối với những thủ đoạn có thể nói là hạ cấp như chụp mũ, bôi nhọ và mạ lỵ cá nhân bằng loại ngôn từ thiếu văn hóa, nói tóm lại bằng thái độ “côn đồ văn hóa” với văn phong của các “đao phủ văn chương” [Những từ của Giáo sư Nguyễn Mạnh Quang].. Điều này cho thấy trình độ của những đám người này đã làm xấu hổ lấy đến cả cộng đồng người Việt di cư ở hải ngoại.
Điều đáng nói là ở hải ngoại, trong một nước văn minh, tự do, tiến bộ nhất thế giới như nước Mỹ, chúng ta lại thấy quá nhiều “Thói Đời Đối Kháng” trong cộng đồng người Việt di cư, và buồn thay những sự đối kháng này lại nhân danh tự do, dân chủ để áp đặt lên người khác những quan niệm, nhiều khi rất sai lầm của bọn người hạ cấp, vô trí tuệ. Bài “THÀNH TÍCH CỜ VÀNG BA SỌC ĐỎ: Tiếp Tục Sứ Mạng Truyền Thống Của Catô Giáo ở Hải Ngoại” của Giáo sư Nguyễn Mạnh Quang trên sachhiem.net, tháng 8, 2008, cho chúng ta biết khá nhiều chi tiết về những hành động phi dân chủ, phi tự do, vi phạm pháp lý và phi nhân quyền này.
Tôi thật sự cảm thấy ngượng ngùng và xấu hổ khi đọc đoạn sau đây của Giáo sư Nguyễn Mạnh Quang:
Chúng không biết rằng sống trong xã hội dân chủ tự do là phải tôn trọng quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tất cà các quyền tự do khác của những người khác. Vì không biết như vậy hay là chúng không có khả năng thích nghi với xã hội dân chủ, cho nên chúng mới hành xử vô cùng lố bịch và hết sức trịch thượng giống như khi chúng còn đang sống ở miền Nam Việt Nam trong thời chế độ đạo phiệt Ca-tô Ngô Đình Diệm 1955-63 và quân phiệt Ca-tô Nguyễn Văn Thiệu. Cũng vì thế mà ở ngay đất nước Hoa Kỳ này chúng mới có những hành động ngược ngạo khiến cho ông Chánh Án Robert Gardner tại Superior Court ở Santa Ana ( California) dạy cho một bài học Công Dân Giáo Dục về cái đạo của người làm báo và chủ báo, và mới bị ông/bà Anneke Mendiola nêu lên trước công luận về vấn đề Công Dân Giáo Dục của họ:
“Chúng nó có hiểu hay không? Chúng nó đến đây để tìm tự do, nhưng (tại sao) lại không cho tôi hành xử quyền tự do của tôi? (Don’t they get it? They came here for freedom, but won’t allow me to exercise mine?)” [Anneke Mendiola, “Attempts to Ban Vietnamese Art.” Latetimes.com, Orange County, Sunday, July 4, 1999.]
Tình trạng này đã khiến cho những người có văn hóa phải cúi đầu hổ thẹn. Quả thực là chúng đã làm nhục người Việt Nam chúng ta!
Nhưng những đám người này có biết đến liêm sỉ là gì đâu. Bản chất của họ là những côn đồ, côn đồ ngoài đường phố cũng như côn đồ văn hóa, cho nên ở những nơi mà họ có thể tác oai tác quái được, thì họ cứ làm càn bất kể lý lẽ. Trình độ hiểu biết và ý thức về tự do của họ là con số không, cho nên họ không cần biết đến tập thể hay cộng đồng nghĩ như thế nào về họ, họ cứ huênh hoang chống Cộng bừa bãi, nhân danh và vi phạm những thứ mà những người chân chính đang cố gắng tranh đấu để xây dựng đất nước.
Nhìn vào những hành động hung hăng cuồng tín vô lối của họ, tôi có thể liệt họ vào hạng hoặc có cái “gen” của Thượng đế, hoặc có cái “gen” của những con bò mộng Tây Ban Nha. Đầu óc của họ quá hẹp hòi và cái nhìn của họ quá thiển cận. Và tất cả đều bắt nguồn từ cái “Thói Đời Đối Kháng”. Cái thói đời này nó ám ảnh họ như một căn bệnh không có cách nào chữa trị, vì nó đã thấm sâu vào xương tủy của họ rồi và họ không có khả năng để nhận ra đó là một căn bệnh. Nói theo Mục sư Ernie Bringas thì có vẻ như trong đầu óc của họ có một khuyết tật. Và điều đáng buồn hơn cả là cái “Thói Đời Đối Kháng” này không chỉ giới hạn trong đám người thấp kém ít học cuồng tín mà chúng ta còn thấy trong một số thuộc giới trí thức như Tiến Sĩ, Bác Sĩ, Văn Sĩ và cả các Tu Sĩ.
Sau đây, chúng ta hãy nói đến một số hành động thuộc loại “Thói Đời Đối Kháng” .
I. Vụ trương cờ vàng ở Đại Hội Giới Trẻ Công Giáo Thế Giới ở Sydney.
Tôi không chống cờ vàng mà cũng không phủ nhận là cờ vàng có một ràng buộc tinh thần đối với người dân miền Nam khi xưa. Nhưng tôi muốn đặt vấn đề là: Đại Hội Giới Trẻ Ca Tô Thế Giới ở Sydney có phải là chỗ thích hợp để trương vờ vàng hay không? Mà không phải là chỉ trương có một lá cờ làm biểu tượng, nếu ngày nay nó có thể biểu tượng cho một cái gì, mà là nhiều lá cờ trương lên như thể để phô trương thanh thế. Muốn biết việc phô trương này có thích hợp hay không chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa của Ngày Đại Hội Giới Trẻ Ca Tô Thế Giới.
Theo Wikipedia thì Đại Hội Giới Trẻ [Ca Tô] Thế Giới là dịp để hướng dẫn giới trẻ của Giáo Hội Ca Tô La Mã trong Đức Tin Ca Tô. Ngày Đại Hội Giới Trẻ Ca Tô Thế Giới không có liên hệ gì đến Ngày Giới Trẻ Thế Giới hay bất cứ ngày lễ nào của thế giới [World Youth Day is not associated with International Youth Day or any of the international observance days.]
Trong những ngày này thì cờ và tuyên ngôn của các quốc gia được trình bày giữa các giới trẻ với nhau để giới thiệu sự tham dự của họ và tuyên bố những chủ đề của họ về Ca Tô Giáo. Điều này thường là thực hiện qua những bài hát và hát những bài ca của quốc gia có liên hệ đến chủ đề Ca Tô. Trong những buổi lễ chính, những đồ vật của các quốc gia được trao đổi giữa nhưng người đến dự lễ. Cờ xí, T-shirts, thập giá và những hình tượng Ca Tô mang theo bởi những người đến dự lễ sau đó được trao đổi như là các vật kỷ niệm cho những người từ những quốc gia khác nhau đến dự.
[Flags and other national declarations are displayed amongst people to show their attendance at the events and proclaim their own themes of Catholicism. Such is usually done through chants and singing of other national songs involving a Catholic theme.
Over the course of the major events taking place, national objects are traded between pilgrims. Flags, shirts, crosses and other Catholic icons are carried amongst pilgrims which are later traded as souvenirs to other people from different countries of the world.]
Trước sự suy thoái của Ca Tô Giáo ở Âu Châu, năm 1986, Giáo Hoàng John Paul II đã khởi xướng việc tổ chức Ngày Giới Trẻ (Ca Tô) Thế Giới để đẩy mạnh niềm tin trong giới trẻ. Trong dịp này, theo truyền thống thì Giáo Hoàng sẽ xuất hiện trong một chiếc Popemobile [Một chiếc xe trên có lồng kính chắn đạn, và ông ta đến để xách động các con chiên “đừng sợ”], bắt đầu từ cuộc diễn hành quanh thị trấn và cuối cùng là một lễ Misa. [Other largely recognized traditions include the Pope's public appearance, commencing with his arrival around the city with the 'Popemobile' and then with his final held mass at the event.]
Đó là đại khái những nét chính về Ngày Giới Trẻ (Ca Tô) Thế Giới. Vậy, tôi xin đặt một câu hỏi với các bậc trí thức thượng thặng trong Ca Tô như Tiến sĩ Nguyễn Phúc Liên, Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, Văn sĩ Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất, Tiến sĩ Trần Phong Vũ, Nguyễn Xuân Tùng v..v.. và cả mấy ông Linh mục hay bất cứ ai đã từng lên tiếng đả kích ông Hồng Y Phạm Minh Mẫn và ủng hộ việc trương cờ vàng ở WYD như sau:
“Với tất cả sự hiểu biết của chúng ta về Ngày Giới Trẻ (Ca Tô) Thế Giới, với một chút lôgíc tối thiểu, và với tất cả sự lương thiện trí thức: Lá cờ vàng ba sọc đỏ có chỗ nào ở một nơi có tính cách thuần túy tôn giáo như trên trong đó có các tín đồ Ca Tô Giáo từ nhiều Quốc Gia đến dự???”
Để giúp cho quý vị khỏi nói vòng vo ngoài đề, tôi xin đặt thêm vài câu hỏi cho quý vị trả lời, khỏi phải suy nghĩ lôi thôi:
1. Hiện nay, cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng của Quốc Gia Nào? Liên Hiệp Quốc và những nước nào trên thế giới đã công nhận quốc gia đó?
2. Các giới trẻ Ca Tô Việt Nam trên thế giới, kể cả giới trẻ từ Việt Nam sang, đi dự WYD thì phải mang cờ của những quốc gia nào, nếu muốn?
3. Cờ vàng ba sọc đỏ có phải là của riêng hay là biểu tượng của giới trẻ Ca Tô Việt Nam ở hải ngoại không? Ai cho phép họ dùng lá cờ chung cho gần 3 triệu người Việt di cư để phô trương thanh thế của một tôn giáo thiểu số, chỉ chiếm có 7% dân số Việt Nam, và nhiều nhất là 20% dân số người Việt di cư?
4. Trương một rừng cờ vàng ở WYD có thích hợp không, có phải chỗ không, dưới danh nghĩa của quốc gia nào??
5. Ý nghĩa của việc trương một rừng cờ vàng ở WYD là gì, xin nhớ đó là Ngày của Giới trẻ Ca Tô có 170 quốc gia tham dự.
6. Những khoa trương về lá cờ vàng như là biểu tượng của tự do, dân chủ có đúng với tinh thần của lá cờ và sự thật lịch sử không?
Nếu quý vị trả lời được những câu hỏi này một cách thành thật, với sự hiểu biết chính xác về lịch sử, và với một chút lôgíc trong đầu thì quý vị sẽ thấy ngay vấn nạn về lá cờ vàng. Đừng biện minh bằng quan niệm tự do trong thế giới Tây phương, vì trong thế giới này con người có thể làm càn như chuyện trương cờ vàng ở những nơi không thích hợp nhưng chẳng phương hại gì đến ai và vẫn coi đó là quyền tự do của họ. Nó vô hại nhưng vô ý nghĩa thì vẫn là vô ý nghĩa.
Sự phô trương lá cờ vàng ba sọc đỏ một cách không thích hợp, không phải chỗ, bất kể lý lẽ, ở Đại Hội Giới Trẻ (Ca-Tô) Thế Giới ở Sydney vừa qua của những tín đồ Ca-Tô Việt Nam cuồng tín, trên thực tế đã biến cái quốc kỳ cũ của miền Nam Việt Nam mà ngày nay không còn là biểu tượng của bất cứ một quốc gia nào, và tất nhiên cũng không phải là biểu tượng tôn giáo của giới trẻ Ca Tô Việt Nam, thành biểu tượng của “Thói Đời Đối Kháng”, với mục đích duy nhất là chống Cộng. Giáo hội Ca Tô Việt Nam, đáng lẽ ra phải cảm thấy xấu hổ vì những hành động làm càn của đám con chiên của mình, nhưng vì bản chất của Ca Tô là chống Cộng, cho nên thảm thay, một số linh mục lại coi đó như là một sự hãnh diện chiến thắng CS, lên tiếng ca tụng và cổ võ. Và ngay cả “đức thánh cha” cũng không hề lên tiếng dạy bảo đám con chiên của mình hãy sử sự sao cho văn minh lên một chút. Thật là tội nghiệp cho cái đạo “thánh thiện”, “duy nhất”, “tông truyền”, “bác ái” [sic].. Chúng ta thấy rõ, nền đạo lý Thiên-La Đắc-Lộ đã thấm sâu vào xương tủy của người Ca Tô Việt Nam.
II. Vụ chống đối Đại Đức Thích Nhật Từ đến thuyết Pháp ở Chùa Hoa Nghiêm, Washington, D.C.
Cái vụ chống đối lố bịch “nhất thế kỷ 21” và đượm nhiều màu sắc côn đồ ngoài phố cũng như côn đồ văn hóa này thật đã làm cho những người trí thức hải ngoại có lương tri phải xấu hổ vì những hành động càn rỡ nhân danh chống Cộng của bọn ma quân. Thật vậy, mới chỉ nghe tin Đại Đức Thích Nhật Từ được mời đến thuyết Pháp ở Chùa Hoa Nghiêm, Washington, D.C., chẳng biết ông ấy sẽ thuyết Pháp những gì, đã vội vã ra tuyên cáo này nọ để chống đối bằng những luận điệu chụp mũ vu vơ vô căn cứ. Họ đã nhân danh tự do để chà đạp lên tự do của người khác. Họ đã nhân danh chống Cộng để tự cho mình cái quyền muốn làm gì thì làm, muốn chống ai thì chống, bất kể đến pháp lý. Họ đần độn đến độ không hiểu rằng, Đại Đức Thích Nhật Từ, cũng như bất cứ ai, được Visa nhập cảnh Mỹ thì đương nhiên là khách của “nước Mỹ”, và với quy chế ngoại giao lịch sự tối thiểu, các viên chức của chính quyền và người dân Mỹ đều có bổn phận giúp cho sự di chuyển trong nước Mỹ được dễ dàng. Đó là cái “norm” của những nước văn minh tiến bộ như Mỹ và thế giới Tây phương. Tôi đã đi tham quan rất nhiều nước trên thế giới, và ở đâu tôi cũng được sự giúp đỡ tận tình của những người địa phương, từ các viên chức chính quyền đến những người dân.
Trong Passport của Mỹ, ngay trang đầu, có câu: “The Secretary of State of the United States of America hereby requests all whom it may concern to permit the citizen/national of the United States named herein to pass without delay or hindrance and in the case of need to give all lawful aid and protection” có nghĩa là: “Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ ở đây yêu cầu mọi người có thể liên quan tới, hãy để cho công dân quốc tịch Hoa Kỳ có tên trong đây được đi qua không chậm trễ hay không cản trở nào và trong trường hợp cần đến thì xin hãy giúp cho họ mọi sự giúp đỡ và bảo vệ hợp pháp.” Vậy mọi hành động làm cản trở sự đi lại hay gây phiền nhiễu cho người khách của Hoa Kỳ của những người không mang trách vụ an ninh trên mình đều là vi pháp và làm nhục đến quốc thể của Mỹ. Đến bao giờ những kẻ chống đối mới hiểu ra điều này để xử sự văn minh hơn một chút, khỏi để cho người Mỹ và người Mỹ gốc Việt như tôi khinh bỉ vì những hành động kém văn minh đó.
Thủ đoạn chống đối hạ cấp quen thuộc của những kẻ trình độ rất thấp kém là dựng lên những người rơm, đội cho những người rơm đó đủ mọi thứ mũ, để rồi tự tay mình quật những người rơm đó xuống. Thầy Thích Lệ Thọ đã đưa ra một nhận định rất chính xác: “Họ bảo các thầy như Thích Thanh Từ, Thích Nhật Từ… là cộng sản thì tin sái cổ, bịa đặt ra chuyện tôn giáo vận… Cộng sản đâu có dư hơi mà đi làm mấy cái chuyện ruồi bu đó. Bởi trước kia đối thủ còn xe tăng tàu chiến mà không làm gì được thì ngày nay lại đi sợ cái đám tàn quân bất tài đó hay sao.”
Nhưng vấn đề là tại sao họ lại sợ “tôn giáo vận” đến thế. Họ không muốn bị “tôn giáo vận” thì đó là quyền của họ, nhưng tại sao họ lại không muốn cho chúng tôi nghe “tôn giáo vận” khi chúng tôi muốn nghe “tôn giáo vận” xem nó ra như thế nào, và đây cũng là quyền chính đáng của chúng tôi. Họ chống Cộng là quyền của họ, nhưng ai cho họ cái quyền chống Cộng thay cho chúng tôi bằng cách áp buộc chúng tôi phải theo lối chống Cộng của họ, nghĩa là muốn chúng tôi cũng phải sợ “tôn giáo vận” như họ, trong khi chúng tôi không hề sợ “tôn giáo vận” và trái lại còn cảm thấy thích thú muốn chứng nghiệm “tôn giáo vận”.. Những người chống “tôn giáo vận” có hiểu được điều căn bản sơ đẳng này hay không. Chúng ta đang sống trong thế giới nào đây, biết bao giờ mới có thể giáo dục họ được thành người có sự hiểu biết tối thiểu. Tôi có cảm tưởng là họ áp dụng đúng sách lược ngu dân của Ca Tô Giáo La Mã: ngăn cản tín đồ đọc sách, xem phim ảnh v..v.. nào mà giáo hội cho là có ảnh hưởng đến đức tin của tín đồ. Nhưng đó là những tín đồ sống trong cấu trúc toàn trị của Ca Tô Giáo. Còn gần ba triệu người Việt ở hải ngoại đâu có sống trong vòng kiềm tỏa của bất cứ một thế lực nào bất kể là thế lực đó đã có những hành động côn đồ ngoài phố cũng như côn đồ văn hóa như thế nào.
Sau đây chúng ta hãy xét vài hành động chống đối Đại Đức Thích Nhật Từ của một số tổ chức và chúng ta sẽ thấy rằng những tổ chức này không xứng đáng tồn tại trong cộng đồng người Việt di cư vì chúng chỉ làm cho người Việt di cư mang tiếng lây là những kẻ man ri mọi rợ, không biết lẽ phải là gì và cứ hung hăng làm càn bất kể lý lẽ. Vụ trương cờ vàng ở Đại Hội Giới Trẻ Ca Tô Giáo Thế Giới ở Sydney ở trên là một trường hợp điển hình.
Mở màn chống đối Đại Đức Thích Nhật Từ là cái bản Tuyên Cáo ruồi bu gọi là của một số hội đoàn, đảng phái v..v.., phần lớn ở vùng Washington, D.C. và miền Đông Bắc nước Mỹ, những hội đoàn, đảng phái chỉ có tên, chằng có mấy ai biết, và chẳng có thành tích gì về văn hóa để phục vụ cộng đồng cho xứng đáng ngoài việc tranh nhau xôi thịt và ra thông cáo, tuyên cáo mà chẳng có ai đọc. Nhưng rõ ràng xuất xứ của Bản Tuyên Cáo đó là từ Tin Paris của con nội trùng trong Phật Giáo là Võ Văn Ái, một tên hàng năm lãnh tiền của NED/CIA để chống phá Việt Nam, gây chia rẽ giữa GHPGVNTN khi xưa và GHPGVN ngày nay ở Việt Nam.
Nhưng tại sao các năm trước đây Đại Đức Thích Nhật Từ đã được mời sang Mỹ, Úc thuyết Pháp không có ai chống mà bây giờ lại giở cái “thói đời đối kháng” ra. Chẳng cần phải thông minh cho lắm cũng có thể hiểu được rằng: tất cả là vì cái vai trò Tổng Thư Ký IOC của Thầy Nhật Từ trong đại lễ Vesak của Liên Hiệp Quốc vừa qua được tổ chức ở Việt Nam. Đại lễ Vesak đã làm cho người dân Việt Nam bừng tỉnh, nhớ lại cái truyền thống văn hóa Phật Giáo của mình, và sau 30 năm cái truyền thống văn hóa Phật Giáo này lại nở rộ khắp nơi, từ những hang cùng ngõ hẻm cho đến các đại lộ thênh thang trong các thị trấn lớn. Bất kể là Nhà Nước có khai thác được gì hay lợi dụng được gì trong Đại Lễ Vesak này, nhưng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, đã thực hiện được một bước tiến rất ngoạn mục để phục vụ dân tộc, tô một trang điểm son để thêm vào những trang sử huy hoàng của Việt Nam nói chung, Phật Giáo Việt Nam nói riêng. Và chính điều này đã làm cho cái gọi là Văn Phòng II Viện Hóa Đạo của Võ Văn Ái và tất nhiên cả thế lực đen tức tối, và mượn cơ hội Đại Đức Thích Nhật Từ được mời sang thuyết Pháp ở Mỹ và Úc, để ám sát tư cách cá nhân [character assasination] Đại Đức và xuyên tạc thành quả của Đại Lễ Vesak. Nhưng âm mưu này làm sao có thể thành công được, vì những phương cách chống đối của họ quá thấp kém, đầy những sơ hở và mâu thuẫn, và nhất là đại đa số người Việt di cư đã biết rõ bộ mặt thực của những kẻ hung hăng chuyên nghề chống đối trong cộng đồng hải ngoại..
Thật vậy, Bản Tuyên Cáo đưa ra một số “Nhận Định Rằng” [Nhận định rồi ra tuyên cáo cho vui chứ có làm nên cái trò trống gì?], nhưng người viết Bản Tuyên Cáo đầu óc thuộc loại mì ăn liền nên viết láo viết lếu, toàn một giọng chụp mũ và đầy mâu thuẫn. Điều này không lạ vì xuất xứ của nó là từ Tin Paris, alias Quê Mẹ, cái ổ Việt gian [lãnh lương của NED để chống phá Việt Nam] của Võ Văn Ái. Tôi đã bảo là cái tên này không có đầu óc, vì trong bất cứ văn kiện ngụy tạo nào cũng như thông cáo báo chí của hắn chúng ta cũng thấy những sơ hở phản ánh một trình độ thấp kém. Thủ đoạn bịp bợm của hắn chỉ bịp được những người có đầu óc như hắn, chứ đối với những người có đôi chút hiểu biết thì họ có thể thấy ngay cái trình độ này. Chứng minh?? Chúng ta hãy đọc nhận định đầu tiên:
Nghị quyết 36 của CSVN nhằm gây chia rẽ, lũng đoạn hàng ngũ nguời Việt quốc gia ở hải ngoại, trong đó có công tác đưa các tu sĩ quốc doanh ra nuớc ngoài núp duới chiêu bài giảng đạo và lạc quyên cho chùa và nhà thờ cùng cho những lý do nhân đạo khác;
Những người thuộc giới chống Cộng cho Chúa hay chống Cộng cực đoan tìm đủ mọi cách để ngăn cản những người ở hải ngoại muốn góp phần xây dựng đất nước, những lớp người có tầm nhìn xa về đất nước. Họ muốn chúng ta phải nuôi dưỡng sự thù hận đối với chế độ bên nhà mà họ vẫn luôn luôn gọi là Cộng Sản. Cho nên bất cứ điều gì ở trong nước họ cũng diễn giải một cách rất tiêu cực. Về nghị quyết 36 của Nhà Nước cũng vậy, chúng biết người dân hải ngoại chẳng có mấy ai đọc cái Nghị Quyết này nên chúng dựng đứng lên chuyện Nghị Quyết 36 nhằm gây chia rẽ, lũng đoạn hàng ngũ nguời Việt quốc gia ở hải ngoại. Và những con bò mộng Tây Ban Nha bèn tin ngay và chạy ào ra cắm đầu cắm cổ chống Nghị Quyết 36 mà chúng chỉ nhìn thấy màu đỏ ở đó.
Ở đây không phải chỗ để đăng lại hay phân tích ý đồ của Bản Nghị Quyết. Nhưng đọc nguyên bản Nghị Quyết 36 chúng ta thấy tuyệt đối không có chỗ nào là nhằm gây chia rẽ, lũng đoạn hàng ngũ người Việt quốc gia. Đó chỉ là sự diễn giải trong hoang tưởng và tâm cảnh sợ sệt của những kẻ chống Cộng cực đoan, cho nên họ cứ khăng khăng cho rằng đó là âm mưu của Cộng Sản và cương quyết chống Nghị Quyết đó bằng mọi cách mà không vạch ra rằng CS đã chia rẽ và lũng đoạn người Việt Quốc Gia ở hải ngoại như thế nào, và đã thực hiện được những gì. Phải chăng họ cho rằng mấy ông Thầy Tu Phật Giáo được mời, đến thuyết Pháp mỗi Chùa một hai ngày, rồi xúi Chùa này chống báng Chùa kia, và mấy ông Thầy Tu Công Giáo, làm mục vụ xin tiền ở vài cái nhà thờ, xúi nhà thờ này chống đối nhà thờ kia v..v.. để gây chia rẽ và lũng đoạn người Việt Quốc Gia ở hải ngoại?? Ai đồng ý xin mời lên tiếng, và tôi sẽ giới thiệu cho một bác sĩ tâm thần nổi tiếng... Khi xưa, sau một cuộc chiến lâu dài, chúng ta đã đầu hàng CS. Ngày nay, với tâm cảnh hoảng hốt trước mọi chính sách của Nhà Nước Việt Nam, CS không đánh mà chúng ta đã đầu hàng trước rồi. Chúng ta đã sợ đủ mọi thứ và đầu hàng ngay trước tất cả những gì từ trong nước ra ngoài, từ các ca sĩ, các đoàn trình diễn văn nghệ, những cuộc triển lãm tranh ảnh v…v… cho đến mấy chính khách hay Thầy Tu xuất ngoại mà không cần biết là họ xuất ngoại để làm gì, nghĩa là đầu hàng ngay cả trước khi các sự việc xẩy ra..
Nhưng sự yếu kém của những cá nhân, hội đoàn chống đối Đại Đức Thích Nhật Từ đã lên đến tột đỉnh vì Nghị Quyết 36 đã công bố từ ngày 26/3/2004, nghĩa là cách đây trên 4 năm. Và các người đã chống Nghị Quyết đó như thế nào để ba năm sau ban hành Nghị Quyết chúng ta có thể đọc được bản tin ngày 04/10/2007 những đoạn như sau:
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều chuyển biến tích cực về tư duy và hành động, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm khẳng định.
Số Việt kiều về thăm quê hương, tìm hiểu điều kiện đầu tư ngày càng tăng, từ 300.000 người năm 2003 lên hơn nửa triệu người trong năm 2006. Tính đến hết năm 2006, có 2.050 dự án của người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư về nước, với số vốn là 14.500 tỷ đồng. Lượng kiều hối bà con gửi về nước năm sau cao hơn năm trước, từ 2,7 tỉ USD năm 2003 lên 4,8 tỉ USD năm 2006.
Hàng năm có hàng trăm lượt chuyên gia trí thức về nước nghiên cứu, giảng dạy, hợp tác với các trường đại học, các viện nghiên cứu; nhiều hội, đoàn và các tổ chức nghề nghiệp của người Việt, đặc biệt là ở các nước phát triển đã thực hiện các hoạt động, các dự án hợp tác khoa học, công nghệ và các hoạt động mang tính nhân đạo trợ giúp đồng bào trong nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình đã chỉ ra những tồn tại, vướng mắc, hạn chế ảnh hưởng tới hiệu quả của công tác này thời gian qua. Đó là có lúc, có nơi, tình trạng thiếu nhất quán ở cấp địa phương và cơ sở, cơ quan trong nước và ngoài nước vẫn còn tồn tại, gây phiến hà, bức xúc cho kiều bào, nhất là trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, đơn thư khiếu nại.
Để công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng phát huy hiệu quả, Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình nhấn mạnh nhiệm vụ giai đoạn 2007- 2010 sẽ tiếp tục hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định, phát triển và hội nhập sở tại và duy trì bản sắc, văn hoá dân tộc…
Phải chăng đó là kết quả chống Nghị Quyết 36 trong hơn 3 năm của Tin Paris và các con bò mộng Tây Ban Nha??
Đọc 5 cái “Nhận Định Rằng” trong Bản Tuyên Cáo, chúng ta thấy sặc một mùi chống Cộng bừa bãi bất kể lý lẽ, toàn là những khẳng định hoang tưởng vô căn cứ về cái gọi là “âm muu gây chia rẽ, xáo trộn cộng đồng duới mọi hình thức, nhất là núp duới chiêu bài tôn giáo theo Nghị Quyết 36 của CSVN” Họ tưởng rằng chúng ta chỉ nghe những lời họ dựng đứng để tuyên truyền, không biết đọc Nghị Quyết và không biết Nghị Quyết nói cái gì hay sao? Sau Nhận Định là đến Tuyên Cáo. Chúng ta hãy đọc chơi một khoản trong Tuyên Cáo:
Cực lực phản đối những nguời có trách nhiệm quản trị Hội Phật Giáo Mỹ Châu và Chùa Hoa Nghiêm cùng nhóm nhập nhằng tự xung là “Nhóm Phật Tử Vùng Hoa Thịnh Đốn” đã tiếp tay đưa sư quốc doanh Nhật Từ đến Virginia hoạt động dọn đuờngcho việc thực thi Nghị Quyết 36 của bạo quyền cộng sản Hà Nội;
Quý độc giả thấy hay không?? Sau hơn 4 năm ban hành Nghị Quyết 36, bây giờ “Nhóm Phật Tử Vùng Hoa Thịnh Đốn” mới đưa sư Nhật Từ đến để dọn đuờng cho việc thực thi Nghị Quyết 36. Tôi đã bảo là cái con nội trùng của Phật Giáo Việt Nam là không có đầu óc mà quả nhiên hắn không có đầu óc thật. Ai không đồng ý xin mời lên tiếng. Mặt khác, viết mà chơi, về phương diện lý luận, “Nhóm Phật Tử Vùng Hoa Thịnh Đốn”chúng tôi muốn mời ai đến Chùa của chúng tôi là chuyện của chúng tôi, các ông dính mũi vào làm gì? Chúng tôi có bắt các ông đến để nghe khách của chúng tôi, cũng là khách của nước Mỹ [xin đừng nhầm ý của “nước Mỹ” với “chính quyền Mỹ”] thuyết Pháp đâu? Đây là chuyện riêng của“Nhóm Phật Tử Vùng Hoa Thịnh Đốn” chúng tôi, và là một chuyện rât hợp pháp trong nước Mỹ này. Các ông sống ở đâu? Ở trong nước Mỹ, hay là ở trong các “xóm đạo cờ vàng”???
Nhưng vấn đề chính là không phải chỉ có “Nhóm Phật Tử Vùng Hoa Thịnh Đốn” mời Đại Đức Thích Nhật Từ đến thuyết Pháp mà còn nhiều nơi nữa, vậy các ông tính sao? Cứ tiêp tục xâm phạm vào quyền tự do của người ta hay sao?
Đây này, tôi cho các ông biết là việc chống đối Thầy Nhật Từ của các ông nó ấu trĩ như thế nào? Các ông có biết lịch trình hoằng Pháp của Thầy Nhật Từ trong những năm qua ở hải ngoại, từ 2004 đến nay, là như thế nào không? Để cho bớt dài, tôi không ghi chủ đề của những bài Pháp, tên thành phố, quý vị có thể kiếm trong trang nhà Đạo Phật Ngày Nay, mà chỉ ghi tên tiểu bang Thầy đến thuyết Pháp.
2004 – Hoa Kỳ:
Chùa Tịnh Luật, TX; Chùa Linh Duyên, TX; Chùa Từ Quang, TX; Đạo Tràng Chúc Hảo, CA; Chùa Phổ Minh, CA; Chùa An Lạc, CA; Chùa Đức Viên, CA; Đạo tràng An Hạnh, CA; Chùa Liễu Quán, CA; Chùa Diệu Quang, CA; Trả lời phỏng vấn đài Đuốc Tuệ, CA; Chùa Diệu Quang, CA (2); Chùa Phổ Đà, CA; Thiền viện Minh Đăng Quang, CA; Chùa An Lạc, CA (2); Chùa Phước Long, Conneticut; Chùa Phổ Hiền, Worcester; Chùa Hải Đức, Jacksonville (từ 13 đến 17-11-04); Tu viện Quan Âm, Memphis; Chùa Tam Bảo, Baton Rouge; Chùa Tịnh Độ, Lafayette; Chùa Liên Hoa, Olympia; Tu viện Bửu Hưng, Vancouver; Tu viện Chơn Không, Honolulu.
2005 – Hoa Kỳ:
Chùa An Lạc, CA; Đạo tràng Diệu Huệ, CA; Đạo tràng Từ Bi Nguyện, CA; Chùa Duyên Giác, CA; Chùa Quảng Đức, CA; Chùa Tuệ Viên, CA; Đạo tràng An Hạnh, CA; Chùa Quan Âm, CA; Đạo tràng Chúc Hảo, CA; Tịnh xá Ngọc An, CA; Tu viện Viên Chiếu, CA; Chùa Linh Sơn, Dickinson; Chùa Viên Thông, TX; Chùa Việt Nam, TX; Chùa Hải Đức, Jacksonville; Thiền Viện Minh Đăng Quang, TX; Đạo tràng Tiếng Chuông Tỉnh Thức, TX; Chùa Tịnh Luật, TX; Chùa Phật Tổ, CA; Chùa Hương Tích, CA; Đạo tràng Tâm Cát, CA; Chùa Di Đà, CA; Trao đổi với nhân sĩ chương trình phát thanh Đuốc Tuệ, CA; Chùa Liên Hoa, NE; Thiền Viện Minh Đăng Quang, TX (2); Đạo tràng Pháp Hoa, CA; Thính giả chương trình phát thanh Đuốc Tuệ, CA.
2006- Úc Châu:
Niệm Phật Đường An Lạc Hạnh, VIC; Tu Viện Quảng Đức, VIC. Chùa Pháp Hoa, SA; Chùa Quang Minh, VIC.; Chùa Phước Trí, VIC.; Chùa Hoa Nghiêm, VIC.; Chùa Quang Minh, VIC.; Chùa Phật Đà, Qld; Chùa Pháp Quang , Qld; Chùa Linh Sơn, Qld; Chùa Chánh Giác, WA.; Chùa Pháp Hoa, SA.; Chùa Pháp Âm, SA. ; Chùa Pháp Hoa, SA (2); Chùa Vĩnh Nghiêm, NSW; Chùa Pháp Hoa, SA (3); Chùa Thiên Ấn, NSW; Thiền Viện Minh Quang, NSW; Ni Viện Thiện Hòa, Cabramatta NSW; International Buddhist Centre, NT.
2007 – Hoa Kỳ:
Đạo tràng Phổ Hoà, CA; Đạo tràng Chúc Hảo, CA; Đạo tràng Minh Tâm, CA; Đạo tràng Duyên & Quang. Tel. (510) 599-0850; Chùa Đức Viên, CA; Quan Âm Tịnh Xá, CA; Đạo tràng Hạnh Giao, CA; Đạo tràng Từ Bi Nguyện, CA; Chùa Phổ Minh, CA; Tu Viện Viên Chiếu, CA; Chương trình phát thanh Đuốc Tuệ, CA; Chùa Đức Viên (2), CA; Chùa An Lạc, CA; Đạo tràng Diệu Huệ, CA; Chùa Linh Sơn, MA; Chùa Linh Quang, Pennsylvania; Chùa Giác Lâm, Pennsylvania; Đạo tràng Minh Thanh và Diệu Ngộ, Philadelphia; Chùa Quang Minh, IL; Chùa Phước Hậu, Wisconsin; Chùa Trúc Lâm, IL; Đạo Tràng Pháp Hoa, CA; Chương trình phát thanh Đuốc Tuệ, CA; Chùa Liên Hoa, Las Vegas; Chùa Hải Đức, FL; Phước Huệ Thiền Tự, WA.; Chùa Phật Tổ, CA; Chùa An Lạc (2), CA; Thiền viện Minh Đăng Quang, TX; Chùa Việt Nam, TX; Chùa Tịnh Luật, TX; Chùa Viên Thông, TX; Chùa Phước Hải, NC; Chùa Hoa Nghiêm, VA; Đạo tràng Washington DC; Đạo tràng An Hạnh, CA;
2008 - Hoa Kỳ:
Chùa An Lạc, CA; Chùa Liên Hoa, NE; Chùa Phật Tổ, CA; Chùa Linh Sơn, MA; Chùa Trúc Viên, MA; Chùa Phước Hậu, WI; Đạo tràng Trí Bảo, IL; Chùa Quang Minh, IL; Đạo tràng Tâm Cát, CA; Chùa Vạn Phước, CA; Phước Huệ Thiền Tự, WA; Chùa Hoa Nghiêm, VA (2); Đạo tràng Diệu Liên, VA; Tiểu Trúc Lâm Yên Tử, VA; Chùa Linh Quang, PA; Đạo tràng Minh Thanh và Diệu Ngộ, Philadelphia; Chùa Liên Hoa, NC; Chùa Phước Hải, NC.
Chúng ta thấy, trong mấy năm hoằng Pháp tại hải ngoại, Đại Đức Thích Nhật Từ đã thuyết Pháp tại trên 120 vừa Chùa, vừa Tu Viện Phật Giáo, vừa Đạo Tràng chưa kể ở các tư gia cư sĩ Phật Giáo muốn thỉnh Đại Đức để học hỏi thêm. Vậy thì cái đám chống Cộng ruồi bu này làm được cái gì với bản Tuyên Cáo, và tại sao lại ở Chùa Hoa Nghiêm vào năm nay, Tin Paris lại phát động sự chống đối? Và cho rằng Đại Đức Thích Nhật Từ xuất ngoại thuyết Pháp là trái nghịch với Giáo chỉ 9. Nhưng Đại Đức đã đi hoằng Pháp ở hải ngoại từ khi Giáo Chỉ 9 chưa được ngụy tạo để tung ra đời. Rõ ràng là cái tên nội trùng của PGVN này quả thật là chỉ viết bậy mà không để ý đến sự mâu thuẫn và rất vô lý trên.
Sau Bản Tuyên Cáo ruồi bu là Công Bố Của Diễn Đàn Tôn Giáo, trong đó là một khẳng định vô trách nhiệm, và những thông tin bịa đặt sai lạc về bằng cấp và vai trò Tổng Thư Ký IOC đại lễ Vesak của Đại Đức Thích Nhật Từ. Tôi đã vạch ra những sai lầm này rồi nên không nhắc lại ở đây nữa.
Tiếp theo là cái Thông Cáo Báo Chí về cái gọi là “Quan Điểm của Tập Thể Chiến Sĩ VNCH trước những hoạt động tuyên truyền và phá hoại Tôn giáo qua Nghị Quyết 36 của CSVN.”
Tôi nhìn thấy có mấy vấn đề của cái Thông Cáo này. Trước hết là Tập Thể Chiến sĩ VNCH là những ai, tại sao không có tôi, tôi cũng là một chiến sĩ VNCH, và chắc chắn là không có rất nhiều cựu quân nhân VNCH khác. Tôi có hỏi một số cựu quân nhân ở vùng tôi ở, chẳng ai biết cái Tập Thể Chiến sĩ VNCH là cái gì. Nhưng cái vấn đề to tổ bố nó rành rành ra trước mắt mọi người là cái tên ông Giáo sư Toàn (theo chiều) Gió Nguyễn Xuân Vinh, nhân danh Chủ Tịch Hội Đồng Đại Diện Tập Thể Chiến Sĩ /VNCH/ Hải Ngoại ký bản thông cáo báo chí đó. Vấn đề mà cựu chiến sĩ VNCH như chúng tôi đặt ra là: Ông Nguyễn Xuân Vinh là ai? Có tư cách gì mà ra làm Chủ Tịch Hội Đồng Đại Diện Tập Thể Chiến Sĩ /VNCH/ Hải Ngoại? Ai muốn công nhận thì cứ công nhận, chứ tôi thì tôi tuyệt đối không công nhận cái vai trò ruồi bu ấy. Tại sao? Vì bản chất ông Vinh là người trốn trách nhiệm chống Cộng trong thời chiến, nói nôm na trong quân đội chúng tôi là một tên đào ngũ. Ông ta được nhà nước VNCH cho đi học ở ngoại quốc rồi ông ta ở lại không chịu về nước để mang cái sở học cao ngất trời của ông ra để mà phục vụ quốc gia, trong khi các đồng đội của ông ta như Nguyễn Cao Kỳ, Lê Nguyên Khang, Nguyễn Đức Thắng v..v.. ở nhà chống Cộng từ ngày đầu đến ngày cuối. Vậy mà bây giờ ông ta lại nhẩy lên bàn-độc diễn vai trò Chủ Tịch Hội Đồng Đại Diện Tập Thể Chiến Sĩ /VNCH/ Hải Ngoại?. Tôi tự hỏi những người ở trong cái Tập Thể này có thấy nhục không khi để cho một người như Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh lên làm Chủ Tịch.
Một tài liệu tôi mới đọc gần đây của ông Trần Đỗ Cung cho thấy ông Vinh xuất thân từ đâu và tư cách như thế nào:
[1960]: Một lần nữa dưới sự chủ tọa của Tư Lệnh mới Trung Tá Nguyễn Xuân Vinh khi mọi người đang chăm chú họp bàn thì Thiếu Tá Nguyễn Cao Kỳ bỗng nhiên rút khẩu colt 45 đặt cái phịch xuống bàn và ngang nhiên tuyên bố, “Tôi không đồng ý đưa chính trị vào Không Quân. Nếu quanh ta mọi sỹ quan đều thăng thưởng và sắp xếp chỉ huy vì vào đảng nào đó thì chẳng mấy chốc mà quanh ta chỉ còn lại một lũ điếu đóm bất tài thôi”! Tư Lệnh Vinh xa xầm nét mặt từ đỏ xuống xám xanh rồi cuộc họp chấm dứt sau đó một cách hết sức vô duyên.
Chúng ta phải hiểu vào đầu thập niên 1960 thì đảng đây là “đảng cần Lao”. Ông Kỳ là một cao bồi, giống như cao bồi Texas Bush bây giờ, điều này ai cũng biết ngay từ hồi ông ta học Trung Học, nhưng cái đáng khen là ông ta rất tốt với bạn bè (không có tôi trong đó nhưng tôi biết qua các bạn đồng khóa) và ông ta dám ăn dám nói, không hèn hạ như lũ gia nô của nhà Ngô. Về bằng cấp, học vị thì ông Kỳ thua xa ông Vinh, nhưng về tình người và tư cách thì ông Vinh không bén gót ông Kỳ. Chuyện ông ta về Việt Nam làm ăn hay nói năng ra sao, đó là quyền tự do của ông ta và suy tư sau cuộc chiến của cá nhân ông ta, tôi không có quyền động đến.
Bây giờ chúng ta lại thử đọc chơi vài câu trong bản Thông Cáo Báo Chí của ông “chủ tịch” Nguyễn Xuân Vinh kèm theo vài lời nhận xét của TCN:
Kính gửi: Quý Đồng Hương, Quý Niên Trưởng và Quý Chiến Hữu [Trong những năm chiến tranh sôi nổi ở Việt Nam thì ông sống ở ngoại quốc, có thiết tha gì đến quê hương mà bây giờ gửi “đồng hương”. Mặt khác, cũng trong những năm đó, ông có chiến đấu cái con khỉ gì đâu mà bây giờ lại coi các cựu quân nhân VNCH là chiến hữu]
Nhằm vào gây chia rẽ trong các hàng tu sĩ, cư sĩ và các giáo hữu có tinh thần yêu quốc gia dân tộc, luôn sát cánh và bảo vệ truyền thống Trung Nghĩa của tiền nhân và mang đức tin vào đời sống cộng đồng. [Người như vậy mà nói đến truyền thống Trung Nghĩa của tiền nhân, và ông định mang đức tin nào vào đời sống cộng đồng đây? Phải chăng là đức tin Cần Lao của ông khi xưa?]
Nhằm biến Cộng đồng Hải ngoại trở thành “Khúc ruột ngàn dặm” sẵn sàng ủng hộ mọi hoạt động kinh tài của CSVN tại hải ngoại, Cộng Sản Việt Nam qua Nghị Quyết 36 luôn luôn muốn gây ảnh hưởng vào Cộng Đồng người Việt Quốc Gia Hải ngoại bằng mọi hình thức Từ Thiện, Tôn Giáo và Du Lịch hầu lôi kéo sự ủng hộ của người Việt Tỵ Nạn Cộng sản cho chính sách đối ngoại của tập đoàn thống trị CSVN. [“Biến” bằng cách nào?? Tôi có cảm tưởng là chính ông Vinh cũng chưa đọc Nghị Quyết 36, cho nên chỉ nhắc lại những điều hoang tưởng và hoảng sợ của giới chống Cộng không có đầu óc. Nếu người Việt hải ngoại muốn ủng hộ chính sách đối ngoại của CSVN hay muốn hưởng ứng Nghị Quyết 36 như nhiều người đã làm, thì các ông tính sao? Không cho phép họ làm hay giở trò hăm dọa?]
Để thực hiện điều này, CSVN đã dùng những cán bộ tuyên vận đội lốt tu sĩ đề lôi kéo một số tín đồ mộ đạo làm những họạt động phá hoại truyền thống đoàn kết trong các tôn giáo và gây sự phân hoá để làm mọi hoạt động của Cộng đồng hải ngoại bị yếu kém .[Ông thử kể ra xem, sau mấy năm hoằng pháp của Đại Đức Thích Nhật Từ ở Mỹ và Úc, và sau vô số chuyến mục vụ xin tiền của các giám mục linh mục Ca-Tô, các Phật tử và các con chiên đã làm những gì, đã có những hoạt động gì, để phá hoại truyền thống đoàn kết trong các tôn giáo và gây sự phân hoá để làm mọi hoạt động của Cộng đồng hải ngoại bị yếu kém? Hãy kể chi tiết về ngày giờ và địa điểm cùng nội dung các hoạt động đó.]
Không từ bỏ mục đích phá hoại, CSVN đã đưa Thích Nhật Từ vốn là một cán bộ tôn giáo đến thủ đô Hoa Thịnh Đốn của Hoa Kỳ để thuyết giảng và gây ảnh hưởng vào một số Phật Tử hải ngoại. [Các ông sợ Đại Đức Thích Nhật Từ thuyết giảng Phật Pháp để gây ảnh hưởng vào một số Phật Tử hải ngoại? Ảnh hưởng gì? Ảnh hưởng thăng tiến trong vấn đề tu tập? Nhưng đây có phải là lần đầu tiên Đại Đức Thích Nhật Từ đến thuyết Pháp ở Mỹ?? Vậy mấy năm trước thì các hội đoàn ma, tập thể chiến sĩ VNCH, và Tin Paris ở đâu? Bến hải hay Cà Mâu? Mà không ra tuyên cáo, thông cáo chống? Điều rõ ràng là sự chống đối năm nay liên hệ đến chính trị và tôn giáo hậu Vesak của đám người ghen tị, tức tối và chống Cộng chết bỏ.]
Cuối cùng, coi cái Thông Cáo Báo Chí này như một sắc lệnh của giáo hoàng, ông “chủ tịch” Nguyễn Xuân Vinh còn “Kính chuyển Thông Cáo đến “Quý Niên trưởng, Quý Chiến Hữu để “Thi hành” [sic]. Thông cáo Báo Chí [TCBC] là để thi hành? Nếu như vậy thì Võ Văn Ái đã lên làm vua ở hải ngoại từ lâu rồi vì hắn đã ra hết TCBC này đến TCBC khác, tính cho đến ngày nay có thể chứa đầy một thùng rác lớn, nhưng chẳng có ai buồn coi những TCBC của hắn là cái gì đáng phải quan tâm. Nên nhớ, ngày nay giáo dân coi sắc lệnh của giáo hoàng như “ne pas” huống chi là cái Thông Cáo ruồi bu này mà bắt các “chiến hữu và các hậu duệ” phải thi hành. Nói thật mà nghe, chúng tôi không bao giờ làm ô nhiễm đầu óc con cái của chúng tôi bằng những chuyện chính trị nhơ bẩn này. Mấy người nên biết như vậy.
Hết chuyện ông “chủ tịch” Nguyễn Xuân Vinh. Bây giờ sang đến chuyện ông “Thầy” Thích Đức Tĩnh mới xuất hiện gần đây. Có vẻ như ông này làm chủ trang nhà Đại Viên Giác dot com (daiviengiac.com) và trang nhà đó, từ mấy tháng nay đã có tới 1000 người đọc có lẻ. Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy tên ông này. Giá ông ta cho độc giả biết là ông ta đã xuất gia từ bao giờ, ngày nào tháng nào, với cao tăng nào, ở Chùa nào để độc giả yên tâm khỏi thắc mắc, thì lúc bấy giờ chúng ta mới tính đến chuyện thảo luận Phật Pháp với ông ấy. Bởi vì thời buổi này, ai cũng có thể tự nhận mình là đã cạo tóc, vì trên Internet có ai biết ai trọc đầu đâu, rồi tự khoác cho mình một cái họ “Thích” thế là đương nhiên làm Thầy, làm Đại Đức , làm Thượng Tọa v..v.. Ở Việt Nam đã có vụ giả làm sư đi quyên tiền láo rồi bị bắt đấy thôi.
Trước hết, chuyện Tuyết Mai phỏng vấn “Thầy Thích Đức Tĩnh” cũng lại là chuyện ruồi bu. Phỏng vấn Thầy Nhật Từ đã cho ta thấy rõ ý đồ ruồi bu rồi, đến cái phỏng vấn này thì lại càng ruồi bu hơn nữa. Trong bài phỏng vấn Thầy Nhật Từ, Tuyết Mai đã hỏi một câu ngớ ngẩn, hỏi mà không phải là hỏi:“Xin Thầy cho biết có phải Thầy là một thành viên trong Phật Giáo Việt Nam không? ( Phật Giáo Quốc Doanh)”. Nếu tôi không lầm thì Tuyết Mai cũng là một Phật tử Chùa Hoa Nghiêm, đã biết rõ là Thầy ở trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, và đã cho rằng đó là Phật Giáo Quốc Doanh, mà còn đi phỏng vấn để “tìm hiểu ĐĐ Thích Nhật Từ có phải là “Sư Quốc Doanh” đang thi hành Nghị Quyết 36 của CS ở hải ngoại không?” Thật đúng là chuyện ruồi bu. Một câu hỏi đần độn khác có ý quy kết trắng đen là:
Thưa Thầy, theo Thầy Thích Không Tánh thì hiện nay ở VN có những tăng ni dấn thân đấu tranh cho Tự Do Tôn Giáo và duy trì, phát triển đạo pháp và có những tăng ni cầu an, chỉ muốn được yên thân, thưa Thầy thuộc nhóm nào?
Có hai vấn đề ở đây. Thứ nhất, có chắc là những tăng ni dấn thân đấu tranh cho Tự Do Tôn Giáo và duy trì phát triển Đạo Pháp không? Tự do Tôn Giáo như thế nào, tự do tôn giáo của vài cá nhân hay của tập thể?, và phát triển Đạo Pháp nào, Đạo Pháp chống đối hay Đạo Pháp chuyển hóa? Và thứ nhì, không dấn thân tranh đấu cho tự do tôn giáo (sic) thì tất nhiên phải là cầu an, chỉ muốn được yên thân hay sao? Không Tánh ơi là Không Tánh! Tại sao Tuyết Mai lại ép Thầy Nhật Từ phải ở một trong hai nhóm trên? Dù có đến 10 nhóm đi chăng nữa mà Thầy Nhật Từ không muốn ở trong nhóm nào thì có được không? Thế mà cũng đòi đi phỏng vấn.
Một câu hỏi khác cũng phản ánh trình độ hiểu biết của Tuyết Mai:
Như vậy mục đích Thầy ra đây để làm gì, ở hải ngoại cũng có nhiều Thầy hay đâu cần Thầy ra đây giảng dạy?
Chẳng có ai lại đi hỏi một câu quá kém cỏi như vậy. Muốn biết “để làm gì” (sic) thì hỏi các Chùa đã mời Thầy đến giảng Pháp. Có nhiều Thầy hay? Nhưng tại sao các Chùa không mời các Thầy hay ở hải ngoại mà lại đi mời Thầy Nhật Từ, và nếu các Chùa không mời thì Thầy Nhật Từ có tự động đến rồi đưa công an đến bắt Phật tử ở các Chùa đó phải đến nghe Thầy “tôn giáo vận” không? Hỏi mới han, thế mà cũng có nhiều người khen nhắng cả lên.
Đọc bài Tuyết Mai phỏng vấn ông “Thầy Thích Đức Tĩnh” tôi thấy tức cười vì cả người đi phỏng vấn lẫn người được phỏng vấn chẳng ra cái trò gì, hỏi cũng không biết hỏi, trả lời thì cũng chẳng phải là trả lời, chỉ nhằm mục đích ám sát tư cách cá nhân [character assasination] Thầy Nhật Từ. Đọc loại ngôn từ phát ra từ “Thầy Thích Đức Tĩnh”, tôi thấy thật là tội nghiệp cho những người nào tôn ông ấy là “Thầy”.
Mở đầu bài phỏng vấn, Tuyết Mai viết:
“Tuần rồi Tuyết Mai đã phỏng vấn thầy Thích Nhật Từ, Thầy viện dẫn nhiều giáo lý nhà Phật, dựa theo đó thầy đưa ra nhiều quan điểm và nói thầy đi ra ngoại quốc nhiều lần để thuyết giảng cho những tu sĩ xuất gia cũng như Phật tử tại gia ở hải ngoại. Vì chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh, có tự do tư tưởng, tự do ngôn luận. Tuyết Mai xin phỏng vấn Thầy Thích Đức Tĩnh về giáo lý nhà Phật theo quan điểm của Thầy. Kính mời quý độc giả theo dõi câu chuyện của Tuyết Mai và Thầy Thích Đức Tĩnh.”
Muốn phỏng vấn một người nào về chủ đề nào đó thì mình phải nắm vững cái chủ đề đó để có thể biết là người được phỏng vấn nói đúng hay sai. Tuyết Mai hiểu về giáo lý nhà Phật bao nhiêu mà phỏng vấn Thầy Thích Đức Tĩnh về giáo lý nhà Phật. Và nếu Thầy Thích Đức Tĩnh trả lời bậy về giáo lý Phật Giáo thì Tuyết Mai có đủ trình độ để nhận ra không? Phật Giáo có cả rừng kinh điển, vậy muốn hỏi giáo lý nào, và người được hỏi đã có quá khứ như thế nào chứng tỏ là ông ta thông hiểu về giáo lý nhà Phật. Chẳng qua đây chỉ là câu hỏi khơi mào cho sự chống đối Đại Đức Thích Nhật Từ. Chúng ta hãy đọc một câu hỏi khác và câu trả lời của Thầy Thích Đức Tĩnh:
Tuyết Mai: Theo thầy Nhật Từ: “Người xuất gia chỉ chuyên theo con đường tâm linh. Tuân theo những lời Phật dạy. Phải bỏ việc tranh đấu ra ngoài. Sở trường của người xuất gia là chuyển hóa tâm linh qua tu tập, có thể chuyển hóa được giai cấp lãnh đạo và chuyển hóa cả giai cấp bị áp bức nữa”.
Thưa Thầy, diễn dịch kinh điễn Phật như vậy thì trong trường hợp đất nước VN bị Trung Cộng xâm lăng, Phật giáo bị CS tiêu diệt, tu sĩ Phật giáo cũng như Phật tử có nên theo lời Phật dạy, chỉ lo tu tập để giải thoát cá nhân mình và chuyển hóa giai cấp lãnh đạo? Liệu với thái độ thụ động, tu sĩ VN có chuyển hóa được chính quyền CSVN hiện nay?
Trước hết câu hỏi này quá nhảm đi vì lẫn lộn chuyện xâm lăng của ngoại quốc với chính quyền nội tại của một quốc gia. Cũng lại không biết cả sử nhà nữa. Trong quá khứ đã biết bao lần các nhà sư cởi áo cà sa khoác chiến bào, chống xâm lăng xong rồi lại rũ bụi trần trở về với con đường giáo dục chuyển hóa người dân cũng như cố vấn cho chính quyền. Một người như Thầy Thích Nhật Từ lại không biết đến điều này hay sao? Nhưng chúng ta hãy đọc câu trả lời của cái ông gọi là “Thầy” Thích Đức Tĩnh:
Sở dĩ tôi trả lời các câu hỏi của Cô Tuyết Mai hôm nay chỉ với mục đích duy nhất là đề trình bày một sự thật về đạo Phật (sic), về sự lợi dụng tấm áo cà-sa của một vài Thầy, như thầy Nhật Từ chẳng hạn (chưa chi đã mở màn vu khống và chụp mũ rồi), đã không những diễn đúng Phật pháp, mà lại làm ngược lại những lời dạy của Đức Phật. [Chứng minh đi]
Trước hết, xin hỏi trình độ và sự hiểu biết của thầy Nhật Từ cở nào? Biết đến đâu mà thầy muốn ra hải ngoại để giảng dạy cho người xuất gia và Phật tử ở nước ngòai ? Cứ xem như lời lẽ hợm hĩnh, thiếu khiêm tốn, bất lịch sự và không có sự hiều biết của Thầy Nhật Từ trả lời Cộng Đồng Người Việt thì dư biết Thầy là người như thế nào?…Người như vậy mà đòi đi giải độc??[sic] thì hết biết?
Thế thì ông “Thầy” Thích Đức Tĩnh biết đến đâu, đã giảng bao nhiêu bài Pháp, đã viết được bao nhiêu tác phẩm, đã dịch được bao nhiêu kinh điển v…v… và đã được những Chùa nào mời đến thuyết Pháp? Trình độ và sự hiểu biết của Đại Đức Thích Nhật Từ cỡ nào, chúng ta không biết, nhưng tôi biết là ông ta đã được trên 120 vừa Chùa vừa Tu Viện Phật Giáo ở hải ngoại mời đến thuyết pháp, và trong một số Chùa thì chính các vị xuất gia trụ trì đích thân mời ông ta đến, và đặc biệt là có mấy Chùa lại “tái thỉnh” ông ta đến lần thứ hai, thứ ba gì đó để thuyết Pháp. Đây không phải là vấn đề Thầy Nhật Từ muốn hay không muốn, mà là duyên, cái duyên được các Chùa mời. Chắc Tuyết Mai và “Thầy” Thích Đức Tĩnh chưa đọc đến tiểu sử và thành tích của Thầy Thích Nhật Từ trên Vi.Wikipedia.org mà tôi đã đưa lên trước đây. Có giá trị gì không, hay vì là “sư quốc doanh” [sic] nên không có bất cứ một giá trị nào? Chỉ có “sư thống nhất” như Thích Hộ Giác, Thích Chánh Lạc, Thích Giác Đẳng, Thích Không Tánh v…v… , dưới quyền thống trị của cặp Võ Văn Ái và Penelope mới có giá trị về những thành tích văn hóa Phật Giáo của họ, nếu có, hay sao?? Ngoài ra cũng theo Vi.Wikipedia.org thì ở trong nước Đại Đức Thích Nhật Từ đã:
Giảng trên 400 pháp thoại tại chùa Giác Ngộ, chùa Hoằng Pháp, chùa Xá Lợi, chùa Ấn Quang, chùa Phổ Quang, chùa Đức Quang, chùa Giác Nguyên và một số các chùa ở các tỉnh thành khác. - Tổ chức nhiều triển lãm nghệ thuật Phật giáo và các chương trình văn nghệ Phật giáo tại một số chùa và HTV trong vòng ba năm qua.
Lạ nhỉ, trình độ và hiểu biết của Đại Đức Thích Nhật Từ chẳng biết đến đâu, theo như ông “Thầy” Thích Đức Tĩnh ngụ ý ở trên, nhưng lại có những thành tích ngoạn mục về văn hóa Phật Giáo và phục vụ quần chúng như vậy, trong khi thành tích về văn hóa Phật Giáo và phục vụ quần chúng của ông “Thầy” Thích Đức Tĩnh, chắc là rất có trình độ và hiểu biết, thì lại là con số không vĩ đại. Thế mà cũng đòi lên tiếng phê bình dỏm Đại Đức Thích Nhật Từ và đòi công khai đối thoại với ông ta. Mấy ông chỉ biết tố Cộng chứ làm gì mà biết đối thoại, hoặc là chỉ biết đối thoại bằng những thủ đoạn chụp mũ và mạ lỵ cá nhân. Tôi nghĩ Thầy Nhật Từ không hơi đâu mà phí thì giờ đi làm cái việc lãng xẹt ruồi bu này. Ông “Thầy” Thích Đức Tĩnh còn phán:
Đức Phật khuyên chúng ta: “Nên đi tìm chân lý, chớ vội tin lời nói của người nói, dù người nói đó có nhiều uy tín”. Như vậy đối vớingười không có uy tín như thầy Thích Nhật Từ, chúng ta có thể tin được không ? Đã tin không được thì nói gì đến chuyện xa vời, không thiết thực là Nhật Từ qua Mỹ nhiều lần để giảng dạy cho người xuất gia … Nói như thầy Nhật Từ là nói ngụy biện, không logic, nói một chiều, nói ngược lại những lời Đức Phật đã dạy.
Đúng vậy, Kinh Đức Phật nói cho người dân Kalama dạy vậy. Đức Phật dạy là “đừng vội tin” mà phải tự chứng nghiệm những lời nói của người, có uy tín hay không không phải là vấn đề, xem có ích cho mình cho người và không ra ngoài chánh Pháp thì bấy giờ hãy tin. Tại sao chưa chi đã khẳng định Thầy Nhật Từ là người không có uy tín? Vì không có uy tín nên Thầy được Liên Hiệp Quốc đề cử làm Tổng Thư Ký của IOC trong đại lễ Vesak vừa qua? Vì không có uy tín nên Thầy được trên 120 Chùa, Tu Viện Phật Giáo ở hải ngoại mời đến thuyết Pháp? Ông Thầy Thích Đức Tĩnh phán bậy mà không biết mình là nói bậy. Tại sao không thể tin được Thầy Thích Nhật Từ? Tại sao lại tin không được, nghe Thầy giảng Pháp có tin được không. Không tin thì tại sao lại vẫn mời Thầy đến để giảng Pháp? Mà chuyện các bậc xuất gia mời Thầy đến thuyết Pháp thì có gì là xa vời, xa vời ở chỗ nào? Tuyết Mai đã đặt một câu hỏi khá đần độn và người trả lời lại dựa vào cái câu hỏi đó để trả lời một cách đần độn cũng không kém. Vì thế mới lên án Thầy Nhật Từ là nói ngụy biện, không logic, nói một chiều, nói ngược lại những lời Đức Phật đã dạy mà không vạch rõ ra là ngụy biện, không logic, nói một chiều, nói ngược lại những lời Phật dạy ở chỗ nào.
Trong học thuyết cũng như kinh điển nhà Phật về thời Đức Phật còn sinh tiền làm gì có chuyện chủ nghĩa, chế độ này, chế độ kia? Làm gì có Cộng Sản hay Tư Bản ? Làm gì có tự do, dân chủ? Đó là thời phong kiến nên không nẩy sinh nhiều vấn đề như bây giờ? Nên vấn đề không được đề cập đến. Không được đề cập đến, không có nghĩa là cấm. Sự diễn dịch của thầy Nhật Từ như vậy có nghĩa là chỉ đóng khung hạn hẹp, chứng tỏ sự thiếu hiểu biết mang tính chất ráp máy sai lầm.
Đây mới chính là lối ngụy biện dỏm, cho rằng xã hội thay đổi thì giáo lý Phật Giáo cũng phải thay đổi theo. Thay đổi để chống Cộng? Giáo lý của Đức Phật là nền tảng tu tập cho người xuất gia cũng như người tại gia. Áp dụng thế nào là tùy theo sự hiểu biết và trình độ tu tập của mỗi người. Trong Phật Giáo có câu “tùy duyên mà bất biến” nghĩa là tùy duyên mà áp dụng hay giảng Pháp nhưng căn bản giáo lý của Đức Phật thì không thay đổi. Như trên đã nói, trong thời chiến chống ngoại xâm thì các sư cởi áo cà sa khoác chiến bào. Nhưng khi thái bình trở lại với đất nước thì các bậc xuất gia lại trở về con đường tâm linh, giáo dục và chuyển hóa. Việt Nam hiện nay đang ở trong thời bình. Những xung đột nội bộ hay đối nghịch về ý thức hệ không thuộc lãnh vực để các bậc xuất gia tham gia. Do đó Thầy Nhật Từ, đứng trên cương vị của một tu sĩ Phật Giáo trong thời bình, trả lời không sai. Mặt khác, không phải cứ tranh đấu mới là yêu nước, bởi vì có khi tranh đấu chỉ cho những mục đích riêng tư thấp hèn. Thầy Nhật Từ đã dấn thân vào công việc phục vụ quần chúng rất nhiều: từ những tù nhân trong các trại tù, cho đến các cụ già cô đơn v..v… Mấy người chỉ trích Thầy là không tranh đấu, nhưng mấy người đã làm được những gì cho quốc dân đồng bào?
Thầy Nhật Từ nói: “Người xuất gia không nên trở thành công cụ của một chính thể nào?”. Vậy nếu không có sự chỉ định của chính phủ Việt Nam hiện hữu, liệu thầy Nhật Từ có được làm Tổng thư ký Ban Tổ chức lễ Phật Đản vừa qua không ? Nếu không có sự đồng ý của Ban Tôn giáo, liệu thầy Nhật Từ có tự qua Mỹ được không ?
Đến đây chúng ta mới thấy rõ mục đích xuyên tạc để kết hợp Thầy Thích Nhật Từ với chính quyền Việt Nam. Ông Thích Đức Tĩnh dập theo khuôn của Bản Tuyên Cáo vô giá trị của Tin Paris et al.. rằng: Vesak Hà nội 2008, được Ban Tôn Giáo và Đảng tín nhiệm giao chức vụ Tổng Thư Ký.Và nay ông ta lại nói bậy giống như trên: nếu không có sự chỉ định của chính phủ Việt Nam hiện hữu, liệu thầy Nhật Từ có được làm Tổng thư ký Ban Tổ chức lễ Phật Đản vừa qua không ? Chuyện Thầy Nhật Từ là Tổng Thư Ký IOC chẳng liên quan gì đến sự chỉ định của chính quyền Việt Nam cả. Tôi lại phải nhắc lại sự kiện sau đây một lần nữa:
Ngày 29-5-2007, trong lễ bế mạc đại lễ Vesak LHQ ở Thái Lan, Hoà thượng Dharmakosajarn đã căn cứ vào Hiến chương đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc,công bố trước hơn 500 đoàn đại biểu Phật giáo thuộc 62 quốc gia rằng Việt Nam là nước đăng cai Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc 2008, và Tiến sĩ Lê Mạnh Thát, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành Phố Hồ Chí Minh làm Chủ Tịch Uỷ ban Tổ chức Quốc tế (viết tắt là IOC = International Organization Committee), và Đại Đức Thích Nhật Từ được bầu làm Tổng Thư Ký IOC.
“Người xuất gia chỉ làm công việc thuần túy tu tập”. Vậy tại sao thầy Nhật Từ không ở lại Việt Nam để lo công việc tu tập, thầy qua Mỹ làm gì ? Con người mà bỏ tranh đấu thì biến thành hình nộm, còn thua con khỉ; vì con khỉ thì cũng phải tranh đấu thì mới sống còn.
Đây có phải là ngôn từ của một ông “Thầy” mang họ “Thích” hay không? Con khỉ cắn xé nhau để giành ăn, tranh đấu để sống còn. Vậy người xuất gia như ông “Thầy” Thích Đức Tĩnh cũng phải bắt chước tranh đấu như vậy hay sao? Ô Hô! Ai Tai! Mời ông cứ tự tiện mà tranh đấu như thế. Chúng tôi xin: em chạ, em chạ. Người ta có thể tranh đấu dưới nhiều hình thức, không nhất thiết cứ phải là chống Cộng hay chống quốc doanh mới là tranh đấu. Cái loại đầu óc hẹp hòi như vậy thì có tranh đấu cũng chẳng mang gì lợi ích cho ai.
Tôi nghĩ chừng đó cũng đủ, vậy tôi nên chấm dứt ở đây là vừa.
Đôi Lời Kết Luận:
Tôi tưởng bài của tôi đã chấm dứt. Không ngờ tôi lại nhận được cái DVD quay cuộc phỏng vấn của Tuyết Mai với Thầy Nhật Từ. Xem DVD này tôi thấy bản văn về cuộc phỏng vấn đã cắt xén (1) rất nhiều, nhất là những đoạn Thầy Nhật Từ trả lời rất hay. Tôi cho đây là một thủ đooạn không mấy lương thiện trí thức.
Xem DVD, nhìn thái độ của bà Tuyết Mai tôi có cảm tưởng là chủ ý bà ta hỏi chỉ để mà hỏi, vì bà ta cũng chẳng buồn nghe Đại Đức trả lời ra sao. Và những câu hỏi của bà ta chỉ có mục đích quy kết định dồn Đại Đức Thích Nhật Từ vào chân tường. Nhưng điểm đáng khen về Thầy Nhật Từ là Thầy luôn luôn rất bình tĩnh, trả lời với nụ cười vui vẻ, chẳng có một vẻ nào là nổi giận, ngay cả trước những câu hỏi vô lễ có ý chụp mũ Thầy.
Còn có ông Nguyễn Kim Hùng, với một thái độ rất vô lễ, hùng hổ đặt mấy câu hỏi và cứ muốn đưa chính trị vào đến độ có người hiện diện trong cuộc phỏng vấn cũng phải gạt ông ta đừng nói tiếp nữa. Thế mà Thầy Nhật Từ vẫn tươi cười và trả lời rất đàng hoàng, có ý giáo dục ông ta nhưng hình như ông Hùng không hiểu được.
Có lẽ vì vậy mà Thầy Nhật Từ đã phải than: Một người có tác phong kém văn hóa, thiếu lịch sự tối thiểu và thiếu trách nhiệm đạo đức như thế mà cũng tồn tại trong một xã hội tiến bộ của phương Tây mà không mắc ngượng sao? Đây là một lời than có ý thương hại, tội nghiệp chứ không phải là do sân hận, vì trong cuộc phỏng vấn chúng ta thấy Thầy Nhật Từ lúc nào cũng tươi cười, trả lời điềm đạm.
Một câu hỏi lãng xẹt của bà Tuyết Mai là: Thầy thấy hình Linh Mục Lý bị bịt miệng trước phiên tòa, người dân VN sống không có nhân quyền, không có Tự Do Tôn giáo thì Thầy nghĩ như thế nào?
Thầy Nhật Từ chỉ trả lời nhẹ nhàng là: Tôi không muốn nhận xét về LM Lý và sự khác biệt về quan điểm nhân quyền và tự do, vì nó không phải là nhiệm vụ của tôi.
Nếu bà Tuyết Mai hỏi tôi câu đó thì tôi sẽ trả lời như sau: Chuyện ông Lý bị bịt miệng trước tòa chẳng dính líu gì đến chuyện tự do tôn giáo hay nhân quyền cả. Ông ta có những hành động cử chỉ côn đồ và chửi bậy trong tòa nên bị bịt miệng. Nếu ông ta làm như vậy trước một tòa án của Mỹ thì chắc chắn là ông ta sẽ gánh thêm ít nhất là 2 năm tù về tội “coi thường tòa án” [contempt of the court]
Chúng ta thấy rõ ràng là sự chống đối Đại Đức Thích Nhật Từ đến thuyết Pháp ở Chùa Hoa Nghiêm là do bọn người phát dị ứng với những thành quả của Đại Lễ Vesak của Liên Hiệp Quốc được tổ chức ở Việt Nam. Nhưng những luận điệu chống đối quá kém cỏi, hoàn toàn vô căn cứ, và nặng về xuyên tạc và chụp mũ. Nhưng bất kể là những xuyên tạc, vu khống, và chụp mũ của bọn người này là như thế nào, như tôi đã viết: chúng đã hoàn toàn thất bại, vì cái “bio” của Đại Đức Thích Nhật Từ ở trên Bách Khoa Toàn Thư Vi.Wikipedia.org đã bẻ gẫy tất cả mọi xuyên tạc bịa đặt của chúng về cá nhân Đại Đức. Mặt khác, sự kiện là trên 120 Chùa, Tu Viện Phật Giáo ở hải ngoại mời Thầy Nhật Từ đến thuyết Pháp, đã chứng tỏ uy tín và kiến thức của Thầy về Phật Pháp đã đứng vững trong cộng đồng Phật Giáo hải ngoại. Vậy thì, hãy bỏ ngoài tai những lời thị phi, xin Thầy Nhật Từ cứ thản nhiên tiến bước trên con đường mình chọn. La caravane cứ passe, có phải không?
Và bây giờ thì tôi có thể chấm dứt bài của tôi thật rồi.
Vì là một thói theo đúng nghĩa của từ “thói” nên “Thói Đời Đối Kháng” thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, hoặc qua những hành động đối kháng, hoặc qua những lý luận đối kháng mà thực ra không phải là lý luận. Nhưng dù dưới hình thức nào thì những hành động đối kháng thuộc loại trên cũng chứng tỏ trình độ thấp kém của đám người vô trí.
Trong vụ Ngày Giới Trẻ CaTô Thế Giới vừa qua ở Sydney, Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã phán một câu chính xác: “Thói Đời Đối Kháng” để nói về việc trương cờ vàng trong những ngày như vậy. Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã nhìn thấy sự lạm dụng lá cờ vàng ba sọc đỏ cho những mục đích không chính đáng nên đã đưa ra lời khuyến cáo, nhưng tiếc thay, ông Hồng Y đã đánh giá quá cao trình độ của các con chiên của ông, của đám người chống Cộng cuồng tín không đủ khả năng để nhận ra điều này, cho nên ông đã bị đám người này hè nhau chống đối với những thủ đoạn có thể nói là hạ cấp như chụp mũ, bôi nhọ và mạ lỵ cá nhân bằng loại ngôn từ thiếu văn hóa, nói tóm lại bằng thái độ “côn đồ văn hóa” với văn phong của các “đao phủ văn chương” [Những từ của Giáo sư Nguyễn Mạnh Quang].. Điều này cho thấy trình độ của những đám người này đã làm xấu hổ lấy đến cả cộng đồng người Việt di cư ở hải ngoại.
Điều đáng nói là ở hải ngoại, trong một nước văn minh, tự do, tiến bộ nhất thế giới như nước Mỹ, chúng ta lại thấy quá nhiều “Thói Đời Đối Kháng” trong cộng đồng người Việt di cư, và buồn thay những sự đối kháng này lại nhân danh tự do, dân chủ để áp đặt lên người khác những quan niệm, nhiều khi rất sai lầm của bọn người hạ cấp, vô trí tuệ. Bài “THÀNH TÍCH CỜ VÀNG BA SỌC ĐỎ: Tiếp Tục Sứ Mạng Truyền Thống Của Catô Giáo ở Hải Ngoại” của Giáo sư Nguyễn Mạnh Quang trên sachhiem.net, tháng 8, 2008, cho chúng ta biết khá nhiều chi tiết về những hành động phi dân chủ, phi tự do, vi phạm pháp lý và phi nhân quyền này.
Tôi thật sự cảm thấy ngượng ngùng và xấu hổ khi đọc đoạn sau đây của Giáo sư Nguyễn Mạnh Quang:
Chúng không biết rằng sống trong xã hội dân chủ tự do là phải tôn trọng quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tất cà các quyền tự do khác của những người khác. Vì không biết như vậy hay là chúng không có khả năng thích nghi với xã hội dân chủ, cho nên chúng mới hành xử vô cùng lố bịch và hết sức trịch thượng giống như khi chúng còn đang sống ở miền Nam Việt Nam trong thời chế độ đạo phiệt Ca-tô Ngô Đình Diệm 1955-63 và quân phiệt Ca-tô Nguyễn Văn Thiệu. Cũng vì thế mà ở ngay đất nước Hoa Kỳ này chúng mới có những hành động ngược ngạo khiến cho ông Chánh Án Robert Gardner tại Superior Court ở Santa Ana ( California) dạy cho một bài học Công Dân Giáo Dục về cái đạo của người làm báo và chủ báo, và mới bị ông/bà Anneke Mendiola nêu lên trước công luận về vấn đề Công Dân Giáo Dục của họ:
“Chúng nó có hiểu hay không? Chúng nó đến đây để tìm tự do, nhưng (tại sao) lại không cho tôi hành xử quyền tự do của tôi? (Don’t they get it? They came here for freedom, but won’t allow me to exercise mine?)” [Anneke Mendiola, “Attempts to Ban Vietnamese Art.” Latetimes.com, Orange County, Sunday, July 4, 1999.]
Tình trạng này đã khiến cho những người có văn hóa phải cúi đầu hổ thẹn. Quả thực là chúng đã làm nhục người Việt Nam chúng ta!
Nhưng những đám người này có biết đến liêm sỉ là gì đâu. Bản chất của họ là những côn đồ, côn đồ ngoài đường phố cũng như côn đồ văn hóa, cho nên ở những nơi mà họ có thể tác oai tác quái được, thì họ cứ làm càn bất kể lý lẽ. Trình độ hiểu biết và ý thức về tự do của họ là con số không, cho nên họ không cần biết đến tập thể hay cộng đồng nghĩ như thế nào về họ, họ cứ huênh hoang chống Cộng bừa bãi, nhân danh và vi phạm những thứ mà những người chân chính đang cố gắng tranh đấu để xây dựng đất nước.
Nhìn vào những hành động hung hăng cuồng tín vô lối của họ, tôi có thể liệt họ vào hạng hoặc có cái “gen” của Thượng đế, hoặc có cái “gen” của những con bò mộng Tây Ban Nha. Đầu óc của họ quá hẹp hòi và cái nhìn của họ quá thiển cận. Và tất cả đều bắt nguồn từ cái “Thói Đời Đối Kháng”. Cái thói đời này nó ám ảnh họ như một căn bệnh không có cách nào chữa trị, vì nó đã thấm sâu vào xương tủy của họ rồi và họ không có khả năng để nhận ra đó là một căn bệnh. Nói theo Mục sư Ernie Bringas thì có vẻ như trong đầu óc của họ có một khuyết tật. Và điều đáng buồn hơn cả là cái “Thói Đời Đối Kháng” này không chỉ giới hạn trong đám người thấp kém ít học cuồng tín mà chúng ta còn thấy trong một số thuộc giới trí thức như Tiến Sĩ, Bác Sĩ, Văn Sĩ và cả các Tu Sĩ.
Sau đây, chúng ta hãy nói đến một số hành động thuộc loại “Thói Đời Đối Kháng” .
I. Vụ trương cờ vàng ở Đại Hội Giới Trẻ Công Giáo Thế Giới ở Sydney.
Tôi không chống cờ vàng mà cũng không phủ nhận là cờ vàng có một ràng buộc tinh thần đối với người dân miền Nam khi xưa. Nhưng tôi muốn đặt vấn đề là: Đại Hội Giới Trẻ Ca Tô Thế Giới ở Sydney có phải là chỗ thích hợp để trương vờ vàng hay không? Mà không phải là chỉ trương có một lá cờ làm biểu tượng, nếu ngày nay nó có thể biểu tượng cho một cái gì, mà là nhiều lá cờ trương lên như thể để phô trương thanh thế. Muốn biết việc phô trương này có thích hợp hay không chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa của Ngày Đại Hội Giới Trẻ Ca Tô Thế Giới.
Theo Wikipedia thì Đại Hội Giới Trẻ [Ca Tô] Thế Giới là dịp để hướng dẫn giới trẻ của Giáo Hội Ca Tô La Mã trong Đức Tin Ca Tô. Ngày Đại Hội Giới Trẻ Ca Tô Thế Giới không có liên hệ gì đến Ngày Giới Trẻ Thế Giới hay bất cứ ngày lễ nào của thế giới [World Youth Day is not associated with International Youth Day or any of the international observance days.]
Trong những ngày này thì cờ và tuyên ngôn của các quốc gia được trình bày giữa các giới trẻ với nhau để giới thiệu sự tham dự của họ và tuyên bố những chủ đề của họ về Ca Tô Giáo. Điều này thường là thực hiện qua những bài hát và hát những bài ca của quốc gia có liên hệ đến chủ đề Ca Tô. Trong những buổi lễ chính, những đồ vật của các quốc gia được trao đổi giữa nhưng người đến dự lễ. Cờ xí, T-shirts, thập giá và những hình tượng Ca Tô mang theo bởi những người đến dự lễ sau đó được trao đổi như là các vật kỷ niệm cho những người từ những quốc gia khác nhau đến dự.
[Flags and other national declarations are displayed amongst people to show their attendance at the events and proclaim their own themes of Catholicism. Such is usually done through chants and singing of other national songs involving a Catholic theme.
Over the course of the major events taking place, national objects are traded between pilgrims. Flags, shirts, crosses and other Catholic icons are carried amongst pilgrims which are later traded as souvenirs to other people from different countries of the world.]
Trước sự suy thoái của Ca Tô Giáo ở Âu Châu, năm 1986, Giáo Hoàng John Paul II đã khởi xướng việc tổ chức Ngày Giới Trẻ (Ca Tô) Thế Giới để đẩy mạnh niềm tin trong giới trẻ. Trong dịp này, theo truyền thống thì Giáo Hoàng sẽ xuất hiện trong một chiếc Popemobile [Một chiếc xe trên có lồng kính chắn đạn, và ông ta đến để xách động các con chiên “đừng sợ”], bắt đầu từ cuộc diễn hành quanh thị trấn và cuối cùng là một lễ Misa. [Other largely recognized traditions include the Pope's public appearance, commencing with his arrival around the city with the 'Popemobile' and then with his final held mass at the event.]
Đó là đại khái những nét chính về Ngày Giới Trẻ (Ca Tô) Thế Giới. Vậy, tôi xin đặt một câu hỏi với các bậc trí thức thượng thặng trong Ca Tô như Tiến sĩ Nguyễn Phúc Liên, Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, Văn sĩ Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất, Tiến sĩ Trần Phong Vũ, Nguyễn Xuân Tùng v..v.. và cả mấy ông Linh mục hay bất cứ ai đã từng lên tiếng đả kích ông Hồng Y Phạm Minh Mẫn và ủng hộ việc trương cờ vàng ở WYD như sau:
“Với tất cả sự hiểu biết của chúng ta về Ngày Giới Trẻ (Ca Tô) Thế Giới, với một chút lôgíc tối thiểu, và với tất cả sự lương thiện trí thức: Lá cờ vàng ba sọc đỏ có chỗ nào ở một nơi có tính cách thuần túy tôn giáo như trên trong đó có các tín đồ Ca Tô Giáo từ nhiều Quốc Gia đến dự???”
Để giúp cho quý vị khỏi nói vòng vo ngoài đề, tôi xin đặt thêm vài câu hỏi cho quý vị trả lời, khỏi phải suy nghĩ lôi thôi:
1. Hiện nay, cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng của Quốc Gia Nào? Liên Hiệp Quốc và những nước nào trên thế giới đã công nhận quốc gia đó?
2. Các giới trẻ Ca Tô Việt Nam trên thế giới, kể cả giới trẻ từ Việt Nam sang, đi dự WYD thì phải mang cờ của những quốc gia nào, nếu muốn?
3. Cờ vàng ba sọc đỏ có phải là của riêng hay là biểu tượng của giới trẻ Ca Tô Việt Nam ở hải ngoại không? Ai cho phép họ dùng lá cờ chung cho gần 3 triệu người Việt di cư để phô trương thanh thế của một tôn giáo thiểu số, chỉ chiếm có 7% dân số Việt Nam, và nhiều nhất là 20% dân số người Việt di cư?
4. Trương một rừng cờ vàng ở WYD có thích hợp không, có phải chỗ không, dưới danh nghĩa của quốc gia nào??
5. Ý nghĩa của việc trương một rừng cờ vàng ở WYD là gì, xin nhớ đó là Ngày của Giới trẻ Ca Tô có 170 quốc gia tham dự.
6. Những khoa trương về lá cờ vàng như là biểu tượng của tự do, dân chủ có đúng với tinh thần của lá cờ và sự thật lịch sử không?
Nếu quý vị trả lời được những câu hỏi này một cách thành thật, với sự hiểu biết chính xác về lịch sử, và với một chút lôgíc trong đầu thì quý vị sẽ thấy ngay vấn nạn về lá cờ vàng. Đừng biện minh bằng quan niệm tự do trong thế giới Tây phương, vì trong thế giới này con người có thể làm càn như chuyện trương cờ vàng ở những nơi không thích hợp nhưng chẳng phương hại gì đến ai và vẫn coi đó là quyền tự do của họ. Nó vô hại nhưng vô ý nghĩa thì vẫn là vô ý nghĩa.
Sự phô trương lá cờ vàng ba sọc đỏ một cách không thích hợp, không phải chỗ, bất kể lý lẽ, ở Đại Hội Giới Trẻ (Ca-Tô) Thế Giới ở Sydney vừa qua của những tín đồ Ca-Tô Việt Nam cuồng tín, trên thực tế đã biến cái quốc kỳ cũ của miền Nam Việt Nam mà ngày nay không còn là biểu tượng của bất cứ một quốc gia nào, và tất nhiên cũng không phải là biểu tượng tôn giáo của giới trẻ Ca Tô Việt Nam, thành biểu tượng của “Thói Đời Đối Kháng”, với mục đích duy nhất là chống Cộng. Giáo hội Ca Tô Việt Nam, đáng lẽ ra phải cảm thấy xấu hổ vì những hành động làm càn của đám con chiên của mình, nhưng vì bản chất của Ca Tô là chống Cộng, cho nên thảm thay, một số linh mục lại coi đó như là một sự hãnh diện chiến thắng CS, lên tiếng ca tụng và cổ võ. Và ngay cả “đức thánh cha” cũng không hề lên tiếng dạy bảo đám con chiên của mình hãy sử sự sao cho văn minh lên một chút. Thật là tội nghiệp cho cái đạo “thánh thiện”, “duy nhất”, “tông truyền”, “bác ái” [sic].. Chúng ta thấy rõ, nền đạo lý Thiên-La Đắc-Lộ đã thấm sâu vào xương tủy của người Ca Tô Việt Nam.
II. Vụ chống đối Đại Đức Thích Nhật Từ đến thuyết Pháp ở Chùa Hoa Nghiêm, Washington, D.C.
Cái vụ chống đối lố bịch “nhất thế kỷ 21” và đượm nhiều màu sắc côn đồ ngoài phố cũng như côn đồ văn hóa này thật đã làm cho những người trí thức hải ngoại có lương tri phải xấu hổ vì những hành động càn rỡ nhân danh chống Cộng của bọn ma quân. Thật vậy, mới chỉ nghe tin Đại Đức Thích Nhật Từ được mời đến thuyết Pháp ở Chùa Hoa Nghiêm, Washington, D.C., chẳng biết ông ấy sẽ thuyết Pháp những gì, đã vội vã ra tuyên cáo này nọ để chống đối bằng những luận điệu chụp mũ vu vơ vô căn cứ. Họ đã nhân danh tự do để chà đạp lên tự do của người khác. Họ đã nhân danh chống Cộng để tự cho mình cái quyền muốn làm gì thì làm, muốn chống ai thì chống, bất kể đến pháp lý. Họ đần độn đến độ không hiểu rằng, Đại Đức Thích Nhật Từ, cũng như bất cứ ai, được Visa nhập cảnh Mỹ thì đương nhiên là khách của “nước Mỹ”, và với quy chế ngoại giao lịch sự tối thiểu, các viên chức của chính quyền và người dân Mỹ đều có bổn phận giúp cho sự di chuyển trong nước Mỹ được dễ dàng. Đó là cái “norm” của những nước văn minh tiến bộ như Mỹ và thế giới Tây phương. Tôi đã đi tham quan rất nhiều nước trên thế giới, và ở đâu tôi cũng được sự giúp đỡ tận tình của những người địa phương, từ các viên chức chính quyền đến những người dân.
Trong Passport của Mỹ, ngay trang đầu, có câu: “The Secretary of State of the United States of America hereby requests all whom it may concern to permit the citizen/national of the United States named herein to pass without delay or hindrance and in the case of need to give all lawful aid and protection” có nghĩa là: “Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ ở đây yêu cầu mọi người có thể liên quan tới, hãy để cho công dân quốc tịch Hoa Kỳ có tên trong đây được đi qua không chậm trễ hay không cản trở nào và trong trường hợp cần đến thì xin hãy giúp cho họ mọi sự giúp đỡ và bảo vệ hợp pháp.” Vậy mọi hành động làm cản trở sự đi lại hay gây phiền nhiễu cho người khách của Hoa Kỳ của những người không mang trách vụ an ninh trên mình đều là vi pháp và làm nhục đến quốc thể của Mỹ. Đến bao giờ những kẻ chống đối mới hiểu ra điều này để xử sự văn minh hơn một chút, khỏi để cho người Mỹ và người Mỹ gốc Việt như tôi khinh bỉ vì những hành động kém văn minh đó.
Thủ đoạn chống đối hạ cấp quen thuộc của những kẻ trình độ rất thấp kém là dựng lên những người rơm, đội cho những người rơm đó đủ mọi thứ mũ, để rồi tự tay mình quật những người rơm đó xuống. Thầy Thích Lệ Thọ đã đưa ra một nhận định rất chính xác: “Họ bảo các thầy như Thích Thanh Từ, Thích Nhật Từ… là cộng sản thì tin sái cổ, bịa đặt ra chuyện tôn giáo vận… Cộng sản đâu có dư hơi mà đi làm mấy cái chuyện ruồi bu đó. Bởi trước kia đối thủ còn xe tăng tàu chiến mà không làm gì được thì ngày nay lại đi sợ cái đám tàn quân bất tài đó hay sao.”
Nhưng vấn đề là tại sao họ lại sợ “tôn giáo vận” đến thế. Họ không muốn bị “tôn giáo vận” thì đó là quyền của họ, nhưng tại sao họ lại không muốn cho chúng tôi nghe “tôn giáo vận” khi chúng tôi muốn nghe “tôn giáo vận” xem nó ra như thế nào, và đây cũng là quyền chính đáng của chúng tôi. Họ chống Cộng là quyền của họ, nhưng ai cho họ cái quyền chống Cộng thay cho chúng tôi bằng cách áp buộc chúng tôi phải theo lối chống Cộng của họ, nghĩa là muốn chúng tôi cũng phải sợ “tôn giáo vận” như họ, trong khi chúng tôi không hề sợ “tôn giáo vận” và trái lại còn cảm thấy thích thú muốn chứng nghiệm “tôn giáo vận”.. Những người chống “tôn giáo vận” có hiểu được điều căn bản sơ đẳng này hay không. Chúng ta đang sống trong thế giới nào đây, biết bao giờ mới có thể giáo dục họ được thành người có sự hiểu biết tối thiểu. Tôi có cảm tưởng là họ áp dụng đúng sách lược ngu dân của Ca Tô Giáo La Mã: ngăn cản tín đồ đọc sách, xem phim ảnh v..v.. nào mà giáo hội cho là có ảnh hưởng đến đức tin của tín đồ. Nhưng đó là những tín đồ sống trong cấu trúc toàn trị của Ca Tô Giáo. Còn gần ba triệu người Việt ở hải ngoại đâu có sống trong vòng kiềm tỏa của bất cứ một thế lực nào bất kể là thế lực đó đã có những hành động côn đồ ngoài phố cũng như côn đồ văn hóa như thế nào.
Sau đây chúng ta hãy xét vài hành động chống đối Đại Đức Thích Nhật Từ của một số tổ chức và chúng ta sẽ thấy rằng những tổ chức này không xứng đáng tồn tại trong cộng đồng người Việt di cư vì chúng chỉ làm cho người Việt di cư mang tiếng lây là những kẻ man ri mọi rợ, không biết lẽ phải là gì và cứ hung hăng làm càn bất kể lý lẽ. Vụ trương cờ vàng ở Đại Hội Giới Trẻ Ca Tô Giáo Thế Giới ở Sydney ở trên là một trường hợp điển hình.
Mở màn chống đối Đại Đức Thích Nhật Từ là cái bản Tuyên Cáo ruồi bu gọi là của một số hội đoàn, đảng phái v..v.., phần lớn ở vùng Washington, D.C. và miền Đông Bắc nước Mỹ, những hội đoàn, đảng phái chỉ có tên, chằng có mấy ai biết, và chẳng có thành tích gì về văn hóa để phục vụ cộng đồng cho xứng đáng ngoài việc tranh nhau xôi thịt và ra thông cáo, tuyên cáo mà chẳng có ai đọc. Nhưng rõ ràng xuất xứ của Bản Tuyên Cáo đó là từ Tin Paris của con nội trùng trong Phật Giáo là Võ Văn Ái, một tên hàng năm lãnh tiền của NED/CIA để chống phá Việt Nam, gây chia rẽ giữa GHPGVNTN khi xưa và GHPGVN ngày nay ở Việt Nam.
Nhưng tại sao các năm trước đây Đại Đức Thích Nhật Từ đã được mời sang Mỹ, Úc thuyết Pháp không có ai chống mà bây giờ lại giở cái “thói đời đối kháng” ra. Chẳng cần phải thông minh cho lắm cũng có thể hiểu được rằng: tất cả là vì cái vai trò Tổng Thư Ký IOC của Thầy Nhật Từ trong đại lễ Vesak của Liên Hiệp Quốc vừa qua được tổ chức ở Việt Nam. Đại lễ Vesak đã làm cho người dân Việt Nam bừng tỉnh, nhớ lại cái truyền thống văn hóa Phật Giáo của mình, và sau 30 năm cái truyền thống văn hóa Phật Giáo này lại nở rộ khắp nơi, từ những hang cùng ngõ hẻm cho đến các đại lộ thênh thang trong các thị trấn lớn. Bất kể là Nhà Nước có khai thác được gì hay lợi dụng được gì trong Đại Lễ Vesak này, nhưng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, đã thực hiện được một bước tiến rất ngoạn mục để phục vụ dân tộc, tô một trang điểm son để thêm vào những trang sử huy hoàng của Việt Nam nói chung, Phật Giáo Việt Nam nói riêng. Và chính điều này đã làm cho cái gọi là Văn Phòng II Viện Hóa Đạo của Võ Văn Ái và tất nhiên cả thế lực đen tức tối, và mượn cơ hội Đại Đức Thích Nhật Từ được mời sang thuyết Pháp ở Mỹ và Úc, để ám sát tư cách cá nhân [character assasination] Đại Đức và xuyên tạc thành quả của Đại Lễ Vesak. Nhưng âm mưu này làm sao có thể thành công được, vì những phương cách chống đối của họ quá thấp kém, đầy những sơ hở và mâu thuẫn, và nhất là đại đa số người Việt di cư đã biết rõ bộ mặt thực của những kẻ hung hăng chuyên nghề chống đối trong cộng đồng hải ngoại..
Thật vậy, Bản Tuyên Cáo đưa ra một số “Nhận Định Rằng” [Nhận định rồi ra tuyên cáo cho vui chứ có làm nên cái trò trống gì?], nhưng người viết Bản Tuyên Cáo đầu óc thuộc loại mì ăn liền nên viết láo viết lếu, toàn một giọng chụp mũ và đầy mâu thuẫn. Điều này không lạ vì xuất xứ của nó là từ Tin Paris, alias Quê Mẹ, cái ổ Việt gian [lãnh lương của NED để chống phá Việt Nam] của Võ Văn Ái. Tôi đã bảo là cái tên này không có đầu óc, vì trong bất cứ văn kiện ngụy tạo nào cũng như thông cáo báo chí của hắn chúng ta cũng thấy những sơ hở phản ánh một trình độ thấp kém. Thủ đoạn bịp bợm của hắn chỉ bịp được những người có đầu óc như hắn, chứ đối với những người có đôi chút hiểu biết thì họ có thể thấy ngay cái trình độ này. Chứng minh?? Chúng ta hãy đọc nhận định đầu tiên:
Nghị quyết 36 của CSVN nhằm gây chia rẽ, lũng đoạn hàng ngũ nguời Việt quốc gia ở hải ngoại, trong đó có công tác đưa các tu sĩ quốc doanh ra nuớc ngoài núp duới chiêu bài giảng đạo và lạc quyên cho chùa và nhà thờ cùng cho những lý do nhân đạo khác;
Những người thuộc giới chống Cộng cho Chúa hay chống Cộng cực đoan tìm đủ mọi cách để ngăn cản những người ở hải ngoại muốn góp phần xây dựng đất nước, những lớp người có tầm nhìn xa về đất nước. Họ muốn chúng ta phải nuôi dưỡng sự thù hận đối với chế độ bên nhà mà họ vẫn luôn luôn gọi là Cộng Sản. Cho nên bất cứ điều gì ở trong nước họ cũng diễn giải một cách rất tiêu cực. Về nghị quyết 36 của Nhà Nước cũng vậy, chúng biết người dân hải ngoại chẳng có mấy ai đọc cái Nghị Quyết này nên chúng dựng đứng lên chuyện Nghị Quyết 36 nhằm gây chia rẽ, lũng đoạn hàng ngũ nguời Việt quốc gia ở hải ngoại. Và những con bò mộng Tây Ban Nha bèn tin ngay và chạy ào ra cắm đầu cắm cổ chống Nghị Quyết 36 mà chúng chỉ nhìn thấy màu đỏ ở đó.
Ở đây không phải chỗ để đăng lại hay phân tích ý đồ của Bản Nghị Quyết. Nhưng đọc nguyên bản Nghị Quyết 36 chúng ta thấy tuyệt đối không có chỗ nào là nhằm gây chia rẽ, lũng đoạn hàng ngũ người Việt quốc gia. Đó chỉ là sự diễn giải trong hoang tưởng và tâm cảnh sợ sệt của những kẻ chống Cộng cực đoan, cho nên họ cứ khăng khăng cho rằng đó là âm mưu của Cộng Sản và cương quyết chống Nghị Quyết đó bằng mọi cách mà không vạch ra rằng CS đã chia rẽ và lũng đoạn người Việt Quốc Gia ở hải ngoại như thế nào, và đã thực hiện được những gì. Phải chăng họ cho rằng mấy ông Thầy Tu Phật Giáo được mời, đến thuyết Pháp mỗi Chùa một hai ngày, rồi xúi Chùa này chống báng Chùa kia, và mấy ông Thầy Tu Công Giáo, làm mục vụ xin tiền ở vài cái nhà thờ, xúi nhà thờ này chống đối nhà thờ kia v..v.. để gây chia rẽ và lũng đoạn người Việt Quốc Gia ở hải ngoại?? Ai đồng ý xin mời lên tiếng, và tôi sẽ giới thiệu cho một bác sĩ tâm thần nổi tiếng... Khi xưa, sau một cuộc chiến lâu dài, chúng ta đã đầu hàng CS. Ngày nay, với tâm cảnh hoảng hốt trước mọi chính sách của Nhà Nước Việt Nam, CS không đánh mà chúng ta đã đầu hàng trước rồi. Chúng ta đã sợ đủ mọi thứ và đầu hàng ngay trước tất cả những gì từ trong nước ra ngoài, từ các ca sĩ, các đoàn trình diễn văn nghệ, những cuộc triển lãm tranh ảnh v…v… cho đến mấy chính khách hay Thầy Tu xuất ngoại mà không cần biết là họ xuất ngoại để làm gì, nghĩa là đầu hàng ngay cả trước khi các sự việc xẩy ra..
Nhưng sự yếu kém của những cá nhân, hội đoàn chống đối Đại Đức Thích Nhật Từ đã lên đến tột đỉnh vì Nghị Quyết 36 đã công bố từ ngày 26/3/2004, nghĩa là cách đây trên 4 năm. Và các người đã chống Nghị Quyết đó như thế nào để ba năm sau ban hành Nghị Quyết chúng ta có thể đọc được bản tin ngày 04/10/2007 những đoạn như sau:
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều chuyển biến tích cực về tư duy và hành động, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm khẳng định.
Số Việt kiều về thăm quê hương, tìm hiểu điều kiện đầu tư ngày càng tăng, từ 300.000 người năm 2003 lên hơn nửa triệu người trong năm 2006. Tính đến hết năm 2006, có 2.050 dự án của người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư về nước, với số vốn là 14.500 tỷ đồng. Lượng kiều hối bà con gửi về nước năm sau cao hơn năm trước, từ 2,7 tỉ USD năm 2003 lên 4,8 tỉ USD năm 2006.
Hàng năm có hàng trăm lượt chuyên gia trí thức về nước nghiên cứu, giảng dạy, hợp tác với các trường đại học, các viện nghiên cứu; nhiều hội, đoàn và các tổ chức nghề nghiệp của người Việt, đặc biệt là ở các nước phát triển đã thực hiện các hoạt động, các dự án hợp tác khoa học, công nghệ và các hoạt động mang tính nhân đạo trợ giúp đồng bào trong nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình đã chỉ ra những tồn tại, vướng mắc, hạn chế ảnh hưởng tới hiệu quả của công tác này thời gian qua. Đó là có lúc, có nơi, tình trạng thiếu nhất quán ở cấp địa phương và cơ sở, cơ quan trong nước và ngoài nước vẫn còn tồn tại, gây phiến hà, bức xúc cho kiều bào, nhất là trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, đơn thư khiếu nại.
Để công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng phát huy hiệu quả, Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình nhấn mạnh nhiệm vụ giai đoạn 2007- 2010 sẽ tiếp tục hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định, phát triển và hội nhập sở tại và duy trì bản sắc, văn hoá dân tộc…
Phải chăng đó là kết quả chống Nghị Quyết 36 trong hơn 3 năm của Tin Paris và các con bò mộng Tây Ban Nha??
Đọc 5 cái “Nhận Định Rằng” trong Bản Tuyên Cáo, chúng ta thấy sặc một mùi chống Cộng bừa bãi bất kể lý lẽ, toàn là những khẳng định hoang tưởng vô căn cứ về cái gọi là “âm muu gây chia rẽ, xáo trộn cộng đồng duới mọi hình thức, nhất là núp duới chiêu bài tôn giáo theo Nghị Quyết 36 của CSVN” Họ tưởng rằng chúng ta chỉ nghe những lời họ dựng đứng để tuyên truyền, không biết đọc Nghị Quyết và không biết Nghị Quyết nói cái gì hay sao? Sau Nhận Định là đến Tuyên Cáo. Chúng ta hãy đọc chơi một khoản trong Tuyên Cáo:
Cực lực phản đối những nguời có trách nhiệm quản trị Hội Phật Giáo Mỹ Châu và Chùa Hoa Nghiêm cùng nhóm nhập nhằng tự xung là “Nhóm Phật Tử Vùng Hoa Thịnh Đốn” đã tiếp tay đưa sư quốc doanh Nhật Từ đến Virginia hoạt động dọn đuờngcho việc thực thi Nghị Quyết 36 của bạo quyền cộng sản Hà Nội;
Quý độc giả thấy hay không?? Sau hơn 4 năm ban hành Nghị Quyết 36, bây giờ “Nhóm Phật Tử Vùng Hoa Thịnh Đốn” mới đưa sư Nhật Từ đến để dọn đuờng cho việc thực thi Nghị Quyết 36. Tôi đã bảo là cái con nội trùng của Phật Giáo Việt Nam là không có đầu óc mà quả nhiên hắn không có đầu óc thật. Ai không đồng ý xin mời lên tiếng. Mặt khác, viết mà chơi, về phương diện lý luận, “Nhóm Phật Tử Vùng Hoa Thịnh Đốn”chúng tôi muốn mời ai đến Chùa của chúng tôi là chuyện của chúng tôi, các ông dính mũi vào làm gì? Chúng tôi có bắt các ông đến để nghe khách của chúng tôi, cũng là khách của nước Mỹ [xin đừng nhầm ý của “nước Mỹ” với “chính quyền Mỹ”] thuyết Pháp đâu? Đây là chuyện riêng của“Nhóm Phật Tử Vùng Hoa Thịnh Đốn” chúng tôi, và là một chuyện rât hợp pháp trong nước Mỹ này. Các ông sống ở đâu? Ở trong nước Mỹ, hay là ở trong các “xóm đạo cờ vàng”???
Nhưng vấn đề chính là không phải chỉ có “Nhóm Phật Tử Vùng Hoa Thịnh Đốn” mời Đại Đức Thích Nhật Từ đến thuyết Pháp mà còn nhiều nơi nữa, vậy các ông tính sao? Cứ tiêp tục xâm phạm vào quyền tự do của người ta hay sao?
Đây này, tôi cho các ông biết là việc chống đối Thầy Nhật Từ của các ông nó ấu trĩ như thế nào? Các ông có biết lịch trình hoằng Pháp của Thầy Nhật Từ trong những năm qua ở hải ngoại, từ 2004 đến nay, là như thế nào không? Để cho bớt dài, tôi không ghi chủ đề của những bài Pháp, tên thành phố, quý vị có thể kiếm trong trang nhà Đạo Phật Ngày Nay, mà chỉ ghi tên tiểu bang Thầy đến thuyết Pháp.
2004 – Hoa Kỳ:
Chùa Tịnh Luật, TX; Chùa Linh Duyên, TX; Chùa Từ Quang, TX; Đạo Tràng Chúc Hảo, CA; Chùa Phổ Minh, CA; Chùa An Lạc, CA; Chùa Đức Viên, CA; Đạo tràng An Hạnh, CA; Chùa Liễu Quán, CA; Chùa Diệu Quang, CA; Trả lời phỏng vấn đài Đuốc Tuệ, CA; Chùa Diệu Quang, CA (2); Chùa Phổ Đà, CA; Thiền viện Minh Đăng Quang, CA; Chùa An Lạc, CA (2); Chùa Phước Long, Conneticut; Chùa Phổ Hiền, Worcester; Chùa Hải Đức, Jacksonville (từ 13 đến 17-11-04); Tu viện Quan Âm, Memphis; Chùa Tam Bảo, Baton Rouge; Chùa Tịnh Độ, Lafayette; Chùa Liên Hoa, Olympia; Tu viện Bửu Hưng, Vancouver; Tu viện Chơn Không, Honolulu.
2005 – Hoa Kỳ:
Chùa An Lạc, CA; Đạo tràng Diệu Huệ, CA; Đạo tràng Từ Bi Nguyện, CA; Chùa Duyên Giác, CA; Chùa Quảng Đức, CA; Chùa Tuệ Viên, CA; Đạo tràng An Hạnh, CA; Chùa Quan Âm, CA; Đạo tràng Chúc Hảo, CA; Tịnh xá Ngọc An, CA; Tu viện Viên Chiếu, CA; Chùa Linh Sơn, Dickinson; Chùa Viên Thông, TX; Chùa Việt Nam, TX; Chùa Hải Đức, Jacksonville; Thiền Viện Minh Đăng Quang, TX; Đạo tràng Tiếng Chuông Tỉnh Thức, TX; Chùa Tịnh Luật, TX; Chùa Phật Tổ, CA; Chùa Hương Tích, CA; Đạo tràng Tâm Cát, CA; Chùa Di Đà, CA; Trao đổi với nhân sĩ chương trình phát thanh Đuốc Tuệ, CA; Chùa Liên Hoa, NE; Thiền Viện Minh Đăng Quang, TX (2); Đạo tràng Pháp Hoa, CA; Thính giả chương trình phát thanh Đuốc Tuệ, CA.
2006- Úc Châu:
Niệm Phật Đường An Lạc Hạnh, VIC; Tu Viện Quảng Đức, VIC. Chùa Pháp Hoa, SA; Chùa Quang Minh, VIC.; Chùa Phước Trí, VIC.; Chùa Hoa Nghiêm, VIC.; Chùa Quang Minh, VIC.; Chùa Phật Đà, Qld; Chùa Pháp Quang , Qld; Chùa Linh Sơn, Qld; Chùa Chánh Giác, WA.; Chùa Pháp Hoa, SA.; Chùa Pháp Âm, SA. ; Chùa Pháp Hoa, SA (2); Chùa Vĩnh Nghiêm, NSW; Chùa Pháp Hoa, SA (3); Chùa Thiên Ấn, NSW; Thiền Viện Minh Quang, NSW; Ni Viện Thiện Hòa, Cabramatta NSW; International Buddhist Centre, NT.
2007 – Hoa Kỳ:
Đạo tràng Phổ Hoà, CA; Đạo tràng Chúc Hảo, CA; Đạo tràng Minh Tâm, CA; Đạo tràng Duyên & Quang. Tel. (510) 599-0850; Chùa Đức Viên, CA; Quan Âm Tịnh Xá, CA; Đạo tràng Hạnh Giao, CA; Đạo tràng Từ Bi Nguyện, CA; Chùa Phổ Minh, CA; Tu Viện Viên Chiếu, CA; Chương trình phát thanh Đuốc Tuệ, CA; Chùa Đức Viên (2), CA; Chùa An Lạc, CA; Đạo tràng Diệu Huệ, CA; Chùa Linh Sơn, MA; Chùa Linh Quang, Pennsylvania; Chùa Giác Lâm, Pennsylvania; Đạo tràng Minh Thanh và Diệu Ngộ, Philadelphia; Chùa Quang Minh, IL; Chùa Phước Hậu, Wisconsin; Chùa Trúc Lâm, IL; Đạo Tràng Pháp Hoa, CA; Chương trình phát thanh Đuốc Tuệ, CA; Chùa Liên Hoa, Las Vegas; Chùa Hải Đức, FL; Phước Huệ Thiền Tự, WA.; Chùa Phật Tổ, CA; Chùa An Lạc (2), CA; Thiền viện Minh Đăng Quang, TX; Chùa Việt Nam, TX; Chùa Tịnh Luật, TX; Chùa Viên Thông, TX; Chùa Phước Hải, NC; Chùa Hoa Nghiêm, VA; Đạo tràng Washington DC; Đạo tràng An Hạnh, CA;
2008 - Hoa Kỳ:
Chùa An Lạc, CA; Chùa Liên Hoa, NE; Chùa Phật Tổ, CA; Chùa Linh Sơn, MA; Chùa Trúc Viên, MA; Chùa Phước Hậu, WI; Đạo tràng Trí Bảo, IL; Chùa Quang Minh, IL; Đạo tràng Tâm Cát, CA; Chùa Vạn Phước, CA; Phước Huệ Thiền Tự, WA; Chùa Hoa Nghiêm, VA (2); Đạo tràng Diệu Liên, VA; Tiểu Trúc Lâm Yên Tử, VA; Chùa Linh Quang, PA; Đạo tràng Minh Thanh và Diệu Ngộ, Philadelphia; Chùa Liên Hoa, NC; Chùa Phước Hải, NC.
Chúng ta thấy, trong mấy năm hoằng Pháp tại hải ngoại, Đại Đức Thích Nhật Từ đã thuyết Pháp tại trên 120 vừa Chùa, vừa Tu Viện Phật Giáo, vừa Đạo Tràng chưa kể ở các tư gia cư sĩ Phật Giáo muốn thỉnh Đại Đức để học hỏi thêm. Vậy thì cái đám chống Cộng ruồi bu này làm được cái gì với bản Tuyên Cáo, và tại sao lại ở Chùa Hoa Nghiêm vào năm nay, Tin Paris lại phát động sự chống đối? Và cho rằng Đại Đức Thích Nhật Từ xuất ngoại thuyết Pháp là trái nghịch với Giáo chỉ 9. Nhưng Đại Đức đã đi hoằng Pháp ở hải ngoại từ khi Giáo Chỉ 9 chưa được ngụy tạo để tung ra đời. Rõ ràng là cái tên nội trùng của PGVN này quả thật là chỉ viết bậy mà không để ý đến sự mâu thuẫn và rất vô lý trên.
Sau Bản Tuyên Cáo ruồi bu là Công Bố Của Diễn Đàn Tôn Giáo, trong đó là một khẳng định vô trách nhiệm, và những thông tin bịa đặt sai lạc về bằng cấp và vai trò Tổng Thư Ký IOC đại lễ Vesak của Đại Đức Thích Nhật Từ. Tôi đã vạch ra những sai lầm này rồi nên không nhắc lại ở đây nữa.
Tiếp theo là cái Thông Cáo Báo Chí về cái gọi là “Quan Điểm của Tập Thể Chiến Sĩ VNCH trước những hoạt động tuyên truyền và phá hoại Tôn giáo qua Nghị Quyết 36 của CSVN.”
Tôi nhìn thấy có mấy vấn đề của cái Thông Cáo này. Trước hết là Tập Thể Chiến sĩ VNCH là những ai, tại sao không có tôi, tôi cũng là một chiến sĩ VNCH, và chắc chắn là không có rất nhiều cựu quân nhân VNCH khác. Tôi có hỏi một số cựu quân nhân ở vùng tôi ở, chẳng ai biết cái Tập Thể Chiến sĩ VNCH là cái gì. Nhưng cái vấn đề to tổ bố nó rành rành ra trước mắt mọi người là cái tên ông Giáo sư Toàn (theo chiều) Gió Nguyễn Xuân Vinh, nhân danh Chủ Tịch Hội Đồng Đại Diện Tập Thể Chiến Sĩ /VNCH/ Hải Ngoại ký bản thông cáo báo chí đó. Vấn đề mà cựu chiến sĩ VNCH như chúng tôi đặt ra là: Ông Nguyễn Xuân Vinh là ai? Có tư cách gì mà ra làm Chủ Tịch Hội Đồng Đại Diện Tập Thể Chiến Sĩ /VNCH/ Hải Ngoại? Ai muốn công nhận thì cứ công nhận, chứ tôi thì tôi tuyệt đối không công nhận cái vai trò ruồi bu ấy. Tại sao? Vì bản chất ông Vinh là người trốn trách nhiệm chống Cộng trong thời chiến, nói nôm na trong quân đội chúng tôi là một tên đào ngũ. Ông ta được nhà nước VNCH cho đi học ở ngoại quốc rồi ông ta ở lại không chịu về nước để mang cái sở học cao ngất trời của ông ra để mà phục vụ quốc gia, trong khi các đồng đội của ông ta như Nguyễn Cao Kỳ, Lê Nguyên Khang, Nguyễn Đức Thắng v..v.. ở nhà chống Cộng từ ngày đầu đến ngày cuối. Vậy mà bây giờ ông ta lại nhẩy lên bàn-độc diễn vai trò Chủ Tịch Hội Đồng Đại Diện Tập Thể Chiến Sĩ /VNCH/ Hải Ngoại?. Tôi tự hỏi những người ở trong cái Tập Thể này có thấy nhục không khi để cho một người như Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh lên làm Chủ Tịch.
Một tài liệu tôi mới đọc gần đây của ông Trần Đỗ Cung cho thấy ông Vinh xuất thân từ đâu và tư cách như thế nào:
[1960]: Một lần nữa dưới sự chủ tọa của Tư Lệnh mới Trung Tá Nguyễn Xuân Vinh khi mọi người đang chăm chú họp bàn thì Thiếu Tá Nguyễn Cao Kỳ bỗng nhiên rút khẩu colt 45 đặt cái phịch xuống bàn và ngang nhiên tuyên bố, “Tôi không đồng ý đưa chính trị vào Không Quân. Nếu quanh ta mọi sỹ quan đều thăng thưởng và sắp xếp chỉ huy vì vào đảng nào đó thì chẳng mấy chốc mà quanh ta chỉ còn lại một lũ điếu đóm bất tài thôi”! Tư Lệnh Vinh xa xầm nét mặt từ đỏ xuống xám xanh rồi cuộc họp chấm dứt sau đó một cách hết sức vô duyên.
Chúng ta phải hiểu vào đầu thập niên 1960 thì đảng đây là “đảng cần Lao”. Ông Kỳ là một cao bồi, giống như cao bồi Texas Bush bây giờ, điều này ai cũng biết ngay từ hồi ông ta học Trung Học, nhưng cái đáng khen là ông ta rất tốt với bạn bè (không có tôi trong đó nhưng tôi biết qua các bạn đồng khóa) và ông ta dám ăn dám nói, không hèn hạ như lũ gia nô của nhà Ngô. Về bằng cấp, học vị thì ông Kỳ thua xa ông Vinh, nhưng về tình người và tư cách thì ông Vinh không bén gót ông Kỳ. Chuyện ông ta về Việt Nam làm ăn hay nói năng ra sao, đó là quyền tự do của ông ta và suy tư sau cuộc chiến của cá nhân ông ta, tôi không có quyền động đến.
Bây giờ chúng ta lại thử đọc chơi vài câu trong bản Thông Cáo Báo Chí của ông “chủ tịch” Nguyễn Xuân Vinh kèm theo vài lời nhận xét của TCN:
Kính gửi: Quý Đồng Hương, Quý Niên Trưởng và Quý Chiến Hữu [Trong những năm chiến tranh sôi nổi ở Việt Nam thì ông sống ở ngoại quốc, có thiết tha gì đến quê hương mà bây giờ gửi “đồng hương”. Mặt khác, cũng trong những năm đó, ông có chiến đấu cái con khỉ gì đâu mà bây giờ lại coi các cựu quân nhân VNCH là chiến hữu]
Nhằm vào gây chia rẽ trong các hàng tu sĩ, cư sĩ và các giáo hữu có tinh thần yêu quốc gia dân tộc, luôn sát cánh và bảo vệ truyền thống Trung Nghĩa của tiền nhân và mang đức tin vào đời sống cộng đồng. [Người như vậy mà nói đến truyền thống Trung Nghĩa của tiền nhân, và ông định mang đức tin nào vào đời sống cộng đồng đây? Phải chăng là đức tin Cần Lao của ông khi xưa?]
Nhằm biến Cộng đồng Hải ngoại trở thành “Khúc ruột ngàn dặm” sẵn sàng ủng hộ mọi hoạt động kinh tài của CSVN tại hải ngoại, Cộng Sản Việt Nam qua Nghị Quyết 36 luôn luôn muốn gây ảnh hưởng vào Cộng Đồng người Việt Quốc Gia Hải ngoại bằng mọi hình thức Từ Thiện, Tôn Giáo và Du Lịch hầu lôi kéo sự ủng hộ của người Việt Tỵ Nạn Cộng sản cho chính sách đối ngoại của tập đoàn thống trị CSVN. [“Biến” bằng cách nào?? Tôi có cảm tưởng là chính ông Vinh cũng chưa đọc Nghị Quyết 36, cho nên chỉ nhắc lại những điều hoang tưởng và hoảng sợ của giới chống Cộng không có đầu óc. Nếu người Việt hải ngoại muốn ủng hộ chính sách đối ngoại của CSVN hay muốn hưởng ứng Nghị Quyết 36 như nhiều người đã làm, thì các ông tính sao? Không cho phép họ làm hay giở trò hăm dọa?]
Để thực hiện điều này, CSVN đã dùng những cán bộ tuyên vận đội lốt tu sĩ đề lôi kéo một số tín đồ mộ đạo làm những họạt động phá hoại truyền thống đoàn kết trong các tôn giáo và gây sự phân hoá để làm mọi hoạt động của Cộng đồng hải ngoại bị yếu kém .[Ông thử kể ra xem, sau mấy năm hoằng pháp của Đại Đức Thích Nhật Từ ở Mỹ và Úc, và sau vô số chuyến mục vụ xin tiền của các giám mục linh mục Ca-Tô, các Phật tử và các con chiên đã làm những gì, đã có những hoạt động gì, để phá hoại truyền thống đoàn kết trong các tôn giáo và gây sự phân hoá để làm mọi hoạt động của Cộng đồng hải ngoại bị yếu kém? Hãy kể chi tiết về ngày giờ và địa điểm cùng nội dung các hoạt động đó.]
Không từ bỏ mục đích phá hoại, CSVN đã đưa Thích Nhật Từ vốn là một cán bộ tôn giáo đến thủ đô Hoa Thịnh Đốn của Hoa Kỳ để thuyết giảng và gây ảnh hưởng vào một số Phật Tử hải ngoại. [Các ông sợ Đại Đức Thích Nhật Từ thuyết giảng Phật Pháp để gây ảnh hưởng vào một số Phật Tử hải ngoại? Ảnh hưởng gì? Ảnh hưởng thăng tiến trong vấn đề tu tập? Nhưng đây có phải là lần đầu tiên Đại Đức Thích Nhật Từ đến thuyết Pháp ở Mỹ?? Vậy mấy năm trước thì các hội đoàn ma, tập thể chiến sĩ VNCH, và Tin Paris ở đâu? Bến hải hay Cà Mâu? Mà không ra tuyên cáo, thông cáo chống? Điều rõ ràng là sự chống đối năm nay liên hệ đến chính trị và tôn giáo hậu Vesak của đám người ghen tị, tức tối và chống Cộng chết bỏ.]
Cuối cùng, coi cái Thông Cáo Báo Chí này như một sắc lệnh của giáo hoàng, ông “chủ tịch” Nguyễn Xuân Vinh còn “Kính chuyển Thông Cáo đến “Quý Niên trưởng, Quý Chiến Hữu để “Thi hành” [sic]. Thông cáo Báo Chí [TCBC] là để thi hành? Nếu như vậy thì Võ Văn Ái đã lên làm vua ở hải ngoại từ lâu rồi vì hắn đã ra hết TCBC này đến TCBC khác, tính cho đến ngày nay có thể chứa đầy một thùng rác lớn, nhưng chẳng có ai buồn coi những TCBC của hắn là cái gì đáng phải quan tâm. Nên nhớ, ngày nay giáo dân coi sắc lệnh của giáo hoàng như “ne pas” huống chi là cái Thông Cáo ruồi bu này mà bắt các “chiến hữu và các hậu duệ” phải thi hành. Nói thật mà nghe, chúng tôi không bao giờ làm ô nhiễm đầu óc con cái của chúng tôi bằng những chuyện chính trị nhơ bẩn này. Mấy người nên biết như vậy.
Hết chuyện ông “chủ tịch” Nguyễn Xuân Vinh. Bây giờ sang đến chuyện ông “Thầy” Thích Đức Tĩnh mới xuất hiện gần đây. Có vẻ như ông này làm chủ trang nhà Đại Viên Giác dot com (daiviengiac.com) và trang nhà đó, từ mấy tháng nay đã có tới 1000 người đọc có lẻ. Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy tên ông này. Giá ông ta cho độc giả biết là ông ta đã xuất gia từ bao giờ, ngày nào tháng nào, với cao tăng nào, ở Chùa nào để độc giả yên tâm khỏi thắc mắc, thì lúc bấy giờ chúng ta mới tính đến chuyện thảo luận Phật Pháp với ông ấy. Bởi vì thời buổi này, ai cũng có thể tự nhận mình là đã cạo tóc, vì trên Internet có ai biết ai trọc đầu đâu, rồi tự khoác cho mình một cái họ “Thích” thế là đương nhiên làm Thầy, làm Đại Đức , làm Thượng Tọa v..v.. Ở Việt Nam đã có vụ giả làm sư đi quyên tiền láo rồi bị bắt đấy thôi.
Trước hết, chuyện Tuyết Mai phỏng vấn “Thầy Thích Đức Tĩnh” cũng lại là chuyện ruồi bu. Phỏng vấn Thầy Nhật Từ đã cho ta thấy rõ ý đồ ruồi bu rồi, đến cái phỏng vấn này thì lại càng ruồi bu hơn nữa. Trong bài phỏng vấn Thầy Nhật Từ, Tuyết Mai đã hỏi một câu ngớ ngẩn, hỏi mà không phải là hỏi:“Xin Thầy cho biết có phải Thầy là một thành viên trong Phật Giáo Việt Nam không? ( Phật Giáo Quốc Doanh)”. Nếu tôi không lầm thì Tuyết Mai cũng là một Phật tử Chùa Hoa Nghiêm, đã biết rõ là Thầy ở trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, và đã cho rằng đó là Phật Giáo Quốc Doanh, mà còn đi phỏng vấn để “tìm hiểu ĐĐ Thích Nhật Từ có phải là “Sư Quốc Doanh” đang thi hành Nghị Quyết 36 của CS ở hải ngoại không?” Thật đúng là chuyện ruồi bu. Một câu hỏi đần độn khác có ý quy kết trắng đen là:
Thưa Thầy, theo Thầy Thích Không Tánh thì hiện nay ở VN có những tăng ni dấn thân đấu tranh cho Tự Do Tôn Giáo và duy trì, phát triển đạo pháp và có những tăng ni cầu an, chỉ muốn được yên thân, thưa Thầy thuộc nhóm nào?
Có hai vấn đề ở đây. Thứ nhất, có chắc là những tăng ni dấn thân đấu tranh cho Tự Do Tôn Giáo và duy trì phát triển Đạo Pháp không? Tự do Tôn Giáo như thế nào, tự do tôn giáo của vài cá nhân hay của tập thể?, và phát triển Đạo Pháp nào, Đạo Pháp chống đối hay Đạo Pháp chuyển hóa? Và thứ nhì, không dấn thân tranh đấu cho tự do tôn giáo (sic) thì tất nhiên phải là cầu an, chỉ muốn được yên thân hay sao? Không Tánh ơi là Không Tánh! Tại sao Tuyết Mai lại ép Thầy Nhật Từ phải ở một trong hai nhóm trên? Dù có đến 10 nhóm đi chăng nữa mà Thầy Nhật Từ không muốn ở trong nhóm nào thì có được không? Thế mà cũng đòi đi phỏng vấn.
Một câu hỏi khác cũng phản ánh trình độ hiểu biết của Tuyết Mai:
Như vậy mục đích Thầy ra đây để làm gì, ở hải ngoại cũng có nhiều Thầy hay đâu cần Thầy ra đây giảng dạy?
Chẳng có ai lại đi hỏi một câu quá kém cỏi như vậy. Muốn biết “để làm gì” (sic) thì hỏi các Chùa đã mời Thầy đến giảng Pháp. Có nhiều Thầy hay? Nhưng tại sao các Chùa không mời các Thầy hay ở hải ngoại mà lại đi mời Thầy Nhật Từ, và nếu các Chùa không mời thì Thầy Nhật Từ có tự động đến rồi đưa công an đến bắt Phật tử ở các Chùa đó phải đến nghe Thầy “tôn giáo vận” không? Hỏi mới han, thế mà cũng có nhiều người khen nhắng cả lên.
Đọc bài Tuyết Mai phỏng vấn ông “Thầy Thích Đức Tĩnh” tôi thấy tức cười vì cả người đi phỏng vấn lẫn người được phỏng vấn chẳng ra cái trò gì, hỏi cũng không biết hỏi, trả lời thì cũng chẳng phải là trả lời, chỉ nhằm mục đích ám sát tư cách cá nhân [character assasination] Thầy Nhật Từ. Đọc loại ngôn từ phát ra từ “Thầy Thích Đức Tĩnh”, tôi thấy thật là tội nghiệp cho những người nào tôn ông ấy là “Thầy”.
Mở đầu bài phỏng vấn, Tuyết Mai viết:
“Tuần rồi Tuyết Mai đã phỏng vấn thầy Thích Nhật Từ, Thầy viện dẫn nhiều giáo lý nhà Phật, dựa theo đó thầy đưa ra nhiều quan điểm và nói thầy đi ra ngoại quốc nhiều lần để thuyết giảng cho những tu sĩ xuất gia cũng như Phật tử tại gia ở hải ngoại. Vì chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh, có tự do tư tưởng, tự do ngôn luận. Tuyết Mai xin phỏng vấn Thầy Thích Đức Tĩnh về giáo lý nhà Phật theo quan điểm của Thầy. Kính mời quý độc giả theo dõi câu chuyện của Tuyết Mai và Thầy Thích Đức Tĩnh.”
Muốn phỏng vấn một người nào về chủ đề nào đó thì mình phải nắm vững cái chủ đề đó để có thể biết là người được phỏng vấn nói đúng hay sai. Tuyết Mai hiểu về giáo lý nhà Phật bao nhiêu mà phỏng vấn Thầy Thích Đức Tĩnh về giáo lý nhà Phật. Và nếu Thầy Thích Đức Tĩnh trả lời bậy về giáo lý Phật Giáo thì Tuyết Mai có đủ trình độ để nhận ra không? Phật Giáo có cả rừng kinh điển, vậy muốn hỏi giáo lý nào, và người được hỏi đã có quá khứ như thế nào chứng tỏ là ông ta thông hiểu về giáo lý nhà Phật. Chẳng qua đây chỉ là câu hỏi khơi mào cho sự chống đối Đại Đức Thích Nhật Từ. Chúng ta hãy đọc một câu hỏi khác và câu trả lời của Thầy Thích Đức Tĩnh:
Tuyết Mai: Theo thầy Nhật Từ: “Người xuất gia chỉ chuyên theo con đường tâm linh. Tuân theo những lời Phật dạy. Phải bỏ việc tranh đấu ra ngoài. Sở trường của người xuất gia là chuyển hóa tâm linh qua tu tập, có thể chuyển hóa được giai cấp lãnh đạo và chuyển hóa cả giai cấp bị áp bức nữa”.
Thưa Thầy, diễn dịch kinh điễn Phật như vậy thì trong trường hợp đất nước VN bị Trung Cộng xâm lăng, Phật giáo bị CS tiêu diệt, tu sĩ Phật giáo cũng như Phật tử có nên theo lời Phật dạy, chỉ lo tu tập để giải thoát cá nhân mình và chuyển hóa giai cấp lãnh đạo? Liệu với thái độ thụ động, tu sĩ VN có chuyển hóa được chính quyền CSVN hiện nay?
Trước hết câu hỏi này quá nhảm đi vì lẫn lộn chuyện xâm lăng của ngoại quốc với chính quyền nội tại của một quốc gia. Cũng lại không biết cả sử nhà nữa. Trong quá khứ đã biết bao lần các nhà sư cởi áo cà sa khoác chiến bào, chống xâm lăng xong rồi lại rũ bụi trần trở về với con đường giáo dục chuyển hóa người dân cũng như cố vấn cho chính quyền. Một người như Thầy Thích Nhật Từ lại không biết đến điều này hay sao? Nhưng chúng ta hãy đọc câu trả lời của cái ông gọi là “Thầy” Thích Đức Tĩnh:
Sở dĩ tôi trả lời các câu hỏi của Cô Tuyết Mai hôm nay chỉ với mục đích duy nhất là đề trình bày một sự thật về đạo Phật (sic), về sự lợi dụng tấm áo cà-sa của một vài Thầy, như thầy Nhật Từ chẳng hạn (chưa chi đã mở màn vu khống và chụp mũ rồi), đã không những diễn đúng Phật pháp, mà lại làm ngược lại những lời dạy của Đức Phật. [Chứng minh đi]
Trước hết, xin hỏi trình độ và sự hiểu biết của thầy Nhật Từ cở nào? Biết đến đâu mà thầy muốn ra hải ngoại để giảng dạy cho người xuất gia và Phật tử ở nước ngòai ? Cứ xem như lời lẽ hợm hĩnh, thiếu khiêm tốn, bất lịch sự và không có sự hiều biết của Thầy Nhật Từ trả lời Cộng Đồng Người Việt thì dư biết Thầy là người như thế nào?…Người như vậy mà đòi đi giải độc??[sic] thì hết biết?
Thế thì ông “Thầy” Thích Đức Tĩnh biết đến đâu, đã giảng bao nhiêu bài Pháp, đã viết được bao nhiêu tác phẩm, đã dịch được bao nhiêu kinh điển v…v… và đã được những Chùa nào mời đến thuyết Pháp? Trình độ và sự hiểu biết của Đại Đức Thích Nhật Từ cỡ nào, chúng ta không biết, nhưng tôi biết là ông ta đã được trên 120 vừa Chùa vừa Tu Viện Phật Giáo ở hải ngoại mời đến thuyết pháp, và trong một số Chùa thì chính các vị xuất gia trụ trì đích thân mời ông ta đến, và đặc biệt là có mấy Chùa lại “tái thỉnh” ông ta đến lần thứ hai, thứ ba gì đó để thuyết Pháp. Đây không phải là vấn đề Thầy Nhật Từ muốn hay không muốn, mà là duyên, cái duyên được các Chùa mời. Chắc Tuyết Mai và “Thầy” Thích Đức Tĩnh chưa đọc đến tiểu sử và thành tích của Thầy Thích Nhật Từ trên Vi.Wikipedia.org mà tôi đã đưa lên trước đây. Có giá trị gì không, hay vì là “sư quốc doanh” [sic] nên không có bất cứ một giá trị nào? Chỉ có “sư thống nhất” như Thích Hộ Giác, Thích Chánh Lạc, Thích Giác Đẳng, Thích Không Tánh v…v… , dưới quyền thống trị của cặp Võ Văn Ái và Penelope mới có giá trị về những thành tích văn hóa Phật Giáo của họ, nếu có, hay sao?? Ngoài ra cũng theo Vi.Wikipedia.org thì ở trong nước Đại Đức Thích Nhật Từ đã:
Giảng trên 400 pháp thoại tại chùa Giác Ngộ, chùa Hoằng Pháp, chùa Xá Lợi, chùa Ấn Quang, chùa Phổ Quang, chùa Đức Quang, chùa Giác Nguyên và một số các chùa ở các tỉnh thành khác. - Tổ chức nhiều triển lãm nghệ thuật Phật giáo và các chương trình văn nghệ Phật giáo tại một số chùa và HTV trong vòng ba năm qua.
Lạ nhỉ, trình độ và hiểu biết của Đại Đức Thích Nhật Từ chẳng biết đến đâu, theo như ông “Thầy” Thích Đức Tĩnh ngụ ý ở trên, nhưng lại có những thành tích ngoạn mục về văn hóa Phật Giáo và phục vụ quần chúng như vậy, trong khi thành tích về văn hóa Phật Giáo và phục vụ quần chúng của ông “Thầy” Thích Đức Tĩnh, chắc là rất có trình độ và hiểu biết, thì lại là con số không vĩ đại. Thế mà cũng đòi lên tiếng phê bình dỏm Đại Đức Thích Nhật Từ và đòi công khai đối thoại với ông ta. Mấy ông chỉ biết tố Cộng chứ làm gì mà biết đối thoại, hoặc là chỉ biết đối thoại bằng những thủ đoạn chụp mũ và mạ lỵ cá nhân. Tôi nghĩ Thầy Nhật Từ không hơi đâu mà phí thì giờ đi làm cái việc lãng xẹt ruồi bu này. Ông “Thầy” Thích Đức Tĩnh còn phán:
Đức Phật khuyên chúng ta: “Nên đi tìm chân lý, chớ vội tin lời nói của người nói, dù người nói đó có nhiều uy tín”. Như vậy đối vớingười không có uy tín như thầy Thích Nhật Từ, chúng ta có thể tin được không ? Đã tin không được thì nói gì đến chuyện xa vời, không thiết thực là Nhật Từ qua Mỹ nhiều lần để giảng dạy cho người xuất gia … Nói như thầy Nhật Từ là nói ngụy biện, không logic, nói một chiều, nói ngược lại những lời Đức Phật đã dạy.
Đúng vậy, Kinh Đức Phật nói cho người dân Kalama dạy vậy. Đức Phật dạy là “đừng vội tin” mà phải tự chứng nghiệm những lời nói của người, có uy tín hay không không phải là vấn đề, xem có ích cho mình cho người và không ra ngoài chánh Pháp thì bấy giờ hãy tin. Tại sao chưa chi đã khẳng định Thầy Nhật Từ là người không có uy tín? Vì không có uy tín nên Thầy được Liên Hiệp Quốc đề cử làm Tổng Thư Ký của IOC trong đại lễ Vesak vừa qua? Vì không có uy tín nên Thầy được trên 120 Chùa, Tu Viện Phật Giáo ở hải ngoại mời đến thuyết Pháp? Ông Thầy Thích Đức Tĩnh phán bậy mà không biết mình là nói bậy. Tại sao không thể tin được Thầy Thích Nhật Từ? Tại sao lại tin không được, nghe Thầy giảng Pháp có tin được không. Không tin thì tại sao lại vẫn mời Thầy đến để giảng Pháp? Mà chuyện các bậc xuất gia mời Thầy đến thuyết Pháp thì có gì là xa vời, xa vời ở chỗ nào? Tuyết Mai đã đặt một câu hỏi khá đần độn và người trả lời lại dựa vào cái câu hỏi đó để trả lời một cách đần độn cũng không kém. Vì thế mới lên án Thầy Nhật Từ là nói ngụy biện, không logic, nói một chiều, nói ngược lại những lời Đức Phật đã dạy mà không vạch rõ ra là ngụy biện, không logic, nói một chiều, nói ngược lại những lời Phật dạy ở chỗ nào.
Trong học thuyết cũng như kinh điển nhà Phật về thời Đức Phật còn sinh tiền làm gì có chuyện chủ nghĩa, chế độ này, chế độ kia? Làm gì có Cộng Sản hay Tư Bản ? Làm gì có tự do, dân chủ? Đó là thời phong kiến nên không nẩy sinh nhiều vấn đề như bây giờ? Nên vấn đề không được đề cập đến. Không được đề cập đến, không có nghĩa là cấm. Sự diễn dịch của thầy Nhật Từ như vậy có nghĩa là chỉ đóng khung hạn hẹp, chứng tỏ sự thiếu hiểu biết mang tính chất ráp máy sai lầm.
Đây mới chính là lối ngụy biện dỏm, cho rằng xã hội thay đổi thì giáo lý Phật Giáo cũng phải thay đổi theo. Thay đổi để chống Cộng? Giáo lý của Đức Phật là nền tảng tu tập cho người xuất gia cũng như người tại gia. Áp dụng thế nào là tùy theo sự hiểu biết và trình độ tu tập của mỗi người. Trong Phật Giáo có câu “tùy duyên mà bất biến” nghĩa là tùy duyên mà áp dụng hay giảng Pháp nhưng căn bản giáo lý của Đức Phật thì không thay đổi. Như trên đã nói, trong thời chiến chống ngoại xâm thì các sư cởi áo cà sa khoác chiến bào. Nhưng khi thái bình trở lại với đất nước thì các bậc xuất gia lại trở về con đường tâm linh, giáo dục và chuyển hóa. Việt Nam hiện nay đang ở trong thời bình. Những xung đột nội bộ hay đối nghịch về ý thức hệ không thuộc lãnh vực để các bậc xuất gia tham gia. Do đó Thầy Nhật Từ, đứng trên cương vị của một tu sĩ Phật Giáo trong thời bình, trả lời không sai. Mặt khác, không phải cứ tranh đấu mới là yêu nước, bởi vì có khi tranh đấu chỉ cho những mục đích riêng tư thấp hèn. Thầy Nhật Từ đã dấn thân vào công việc phục vụ quần chúng rất nhiều: từ những tù nhân trong các trại tù, cho đến các cụ già cô đơn v..v… Mấy người chỉ trích Thầy là không tranh đấu, nhưng mấy người đã làm được những gì cho quốc dân đồng bào?
Thầy Nhật Từ nói: “Người xuất gia không nên trở thành công cụ của một chính thể nào?”. Vậy nếu không có sự chỉ định của chính phủ Việt Nam hiện hữu, liệu thầy Nhật Từ có được làm Tổng thư ký Ban Tổ chức lễ Phật Đản vừa qua không ? Nếu không có sự đồng ý của Ban Tôn giáo, liệu thầy Nhật Từ có tự qua Mỹ được không ?
Đến đây chúng ta mới thấy rõ mục đích xuyên tạc để kết hợp Thầy Thích Nhật Từ với chính quyền Việt Nam. Ông Thích Đức Tĩnh dập theo khuôn của Bản Tuyên Cáo vô giá trị của Tin Paris et al.. rằng: Vesak Hà nội 2008, được Ban Tôn Giáo và Đảng tín nhiệm giao chức vụ Tổng Thư Ký.Và nay ông ta lại nói bậy giống như trên: nếu không có sự chỉ định của chính phủ Việt Nam hiện hữu, liệu thầy Nhật Từ có được làm Tổng thư ký Ban Tổ chức lễ Phật Đản vừa qua không ? Chuyện Thầy Nhật Từ là Tổng Thư Ký IOC chẳng liên quan gì đến sự chỉ định của chính quyền Việt Nam cả. Tôi lại phải nhắc lại sự kiện sau đây một lần nữa:
Ngày 29-5-2007, trong lễ bế mạc đại lễ Vesak LHQ ở Thái Lan, Hoà thượng Dharmakosajarn đã căn cứ vào Hiến chương đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc,công bố trước hơn 500 đoàn đại biểu Phật giáo thuộc 62 quốc gia rằng Việt Nam là nước đăng cai Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc 2008, và Tiến sĩ Lê Mạnh Thát, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành Phố Hồ Chí Minh làm Chủ Tịch Uỷ ban Tổ chức Quốc tế (viết tắt là IOC = International Organization Committee), và Đại Đức Thích Nhật Từ được bầu làm Tổng Thư Ký IOC.
“Người xuất gia chỉ làm công việc thuần túy tu tập”. Vậy tại sao thầy Nhật Từ không ở lại Việt Nam để lo công việc tu tập, thầy qua Mỹ làm gì ? Con người mà bỏ tranh đấu thì biến thành hình nộm, còn thua con khỉ; vì con khỉ thì cũng phải tranh đấu thì mới sống còn.
Đây có phải là ngôn từ của một ông “Thầy” mang họ “Thích” hay không? Con khỉ cắn xé nhau để giành ăn, tranh đấu để sống còn. Vậy người xuất gia như ông “Thầy” Thích Đức Tĩnh cũng phải bắt chước tranh đấu như vậy hay sao? Ô Hô! Ai Tai! Mời ông cứ tự tiện mà tranh đấu như thế. Chúng tôi xin: em chạ, em chạ. Người ta có thể tranh đấu dưới nhiều hình thức, không nhất thiết cứ phải là chống Cộng hay chống quốc doanh mới là tranh đấu. Cái loại đầu óc hẹp hòi như vậy thì có tranh đấu cũng chẳng mang gì lợi ích cho ai.
Tôi nghĩ chừng đó cũng đủ, vậy tôi nên chấm dứt ở đây là vừa.
Đôi Lời Kết Luận:
Tôi tưởng bài của tôi đã chấm dứt. Không ngờ tôi lại nhận được cái DVD quay cuộc phỏng vấn của Tuyết Mai với Thầy Nhật Từ. Xem DVD này tôi thấy bản văn về cuộc phỏng vấn đã cắt xén (1) rất nhiều, nhất là những đoạn Thầy Nhật Từ trả lời rất hay. Tôi cho đây là một thủ đooạn không mấy lương thiện trí thức.
Xem DVD, nhìn thái độ của bà Tuyết Mai tôi có cảm tưởng là chủ ý bà ta hỏi chỉ để mà hỏi, vì bà ta cũng chẳng buồn nghe Đại Đức trả lời ra sao. Và những câu hỏi của bà ta chỉ có mục đích quy kết định dồn Đại Đức Thích Nhật Từ vào chân tường. Nhưng điểm đáng khen về Thầy Nhật Từ là Thầy luôn luôn rất bình tĩnh, trả lời với nụ cười vui vẻ, chẳng có một vẻ nào là nổi giận, ngay cả trước những câu hỏi vô lễ có ý chụp mũ Thầy.
Còn có ông Nguyễn Kim Hùng, với một thái độ rất vô lễ, hùng hổ đặt mấy câu hỏi và cứ muốn đưa chính trị vào đến độ có người hiện diện trong cuộc phỏng vấn cũng phải gạt ông ta đừng nói tiếp nữa. Thế mà Thầy Nhật Từ vẫn tươi cười và trả lời rất đàng hoàng, có ý giáo dục ông ta nhưng hình như ông Hùng không hiểu được.
Có lẽ vì vậy mà Thầy Nhật Từ đã phải than: Một người có tác phong kém văn hóa, thiếu lịch sự tối thiểu và thiếu trách nhiệm đạo đức như thế mà cũng tồn tại trong một xã hội tiến bộ của phương Tây mà không mắc ngượng sao? Đây là một lời than có ý thương hại, tội nghiệp chứ không phải là do sân hận, vì trong cuộc phỏng vấn chúng ta thấy Thầy Nhật Từ lúc nào cũng tươi cười, trả lời điềm đạm.
Một câu hỏi lãng xẹt của bà Tuyết Mai là: Thầy thấy hình Linh Mục Lý bị bịt miệng trước phiên tòa, người dân VN sống không có nhân quyền, không có Tự Do Tôn giáo thì Thầy nghĩ như thế nào?
Thầy Nhật Từ chỉ trả lời nhẹ nhàng là: Tôi không muốn nhận xét về LM Lý và sự khác biệt về quan điểm nhân quyền và tự do, vì nó không phải là nhiệm vụ của tôi.
Nếu bà Tuyết Mai hỏi tôi câu đó thì tôi sẽ trả lời như sau: Chuyện ông Lý bị bịt miệng trước tòa chẳng dính líu gì đến chuyện tự do tôn giáo hay nhân quyền cả. Ông ta có những hành động cử chỉ côn đồ và chửi bậy trong tòa nên bị bịt miệng. Nếu ông ta làm như vậy trước một tòa án của Mỹ thì chắc chắn là ông ta sẽ gánh thêm ít nhất là 2 năm tù về tội “coi thường tòa án” [contempt of the court]
Chúng ta thấy rõ ràng là sự chống đối Đại Đức Thích Nhật Từ đến thuyết Pháp ở Chùa Hoa Nghiêm là do bọn người phát dị ứng với những thành quả của Đại Lễ Vesak của Liên Hiệp Quốc được tổ chức ở Việt Nam. Nhưng những luận điệu chống đối quá kém cỏi, hoàn toàn vô căn cứ, và nặng về xuyên tạc và chụp mũ. Nhưng bất kể là những xuyên tạc, vu khống, và chụp mũ của bọn người này là như thế nào, như tôi đã viết: chúng đã hoàn toàn thất bại, vì cái “bio” của Đại Đức Thích Nhật Từ ở trên Bách Khoa Toàn Thư Vi.Wikipedia.org đã bẻ gẫy tất cả mọi xuyên tạc bịa đặt của chúng về cá nhân Đại Đức. Mặt khác, sự kiện là trên 120 Chùa, Tu Viện Phật Giáo ở hải ngoại mời Thầy Nhật Từ đến thuyết Pháp, đã chứng tỏ uy tín và kiến thức của Thầy về Phật Pháp đã đứng vững trong cộng đồng Phật Giáo hải ngoại. Vậy thì, hãy bỏ ngoài tai những lời thị phi, xin Thầy Nhật Từ cứ thản nhiên tiến bước trên con đường mình chọn. La caravane cứ passe, có phải không?
Và bây giờ thì tôi có thể chấm dứt bài của tôi thật rồi.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)